- Quyển 01
- Quyển 02
- Quyển 03
- Quyển 04
- Quyển 05
- Quyển 06
- Quyển 07
- Quyển 08
- Quyển 09
- Quyển 10
- Quyển 11
- Quyển 12
- Quyển 13
- Quyển 14
- Quyển 15
- Quyển 16
- Quyển 17
- Quyển 18
- Quyển 19
- Quyển 20
- Quyển 21
- Quyển 22
- Quyển 23
- Quyển 24
- Quyển 25
- Quyển 26
- Quyển 27
- Quyển 28
- Quyển 29
- Quyển 30
- Quyển 31
- Quyển 32
- Quyển 33
- Quyển 34
- Quyển 35
- Quyển 36
- Quyển 37
- Quyển 38
- Quyển 39
- Quyển 40
- Quyển 41
- Quyển 42
- Quyển 43
- Quyển 44
- Quyển 45
- Quyển 46
- Quyển 47
- Quyển 48
- Quyển 49
- Quyển 50
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La
Việt dịch: Thích Ðức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
TẠP A-HÀM QUYỂN 40
KINH 1104[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu người nào có khả năng thọ trì bảy thọ[2], chỉ nhờ nhân duyên này, người ấy sẽ được sanh lên cõi Thiên đế Thích. Thiên đế Thích xưa kia lúc còn làm người thường, phụng dưỡng cha mẹ cùng các bậc tôn trưởng trong gia tộc, với gương mặt hài hòa, lời nói mềm mỏng, không nói dữ, không nói hai lưỡi, thường nói chân thật. Đối với thế gian keo kiệt, người này tuy ở tại gia, nhưng không keo lẫn; thực hành giải thoát thí[3], siêng bố thí, thường ưa hành bố thí, mở hội bố thí cúng dường, bố thí bình đẳng tất cả”.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Phụng dưỡng cho cha mẹ
Và tôn trưởng gia tộc;
Lời nhu hòa, cung kính,
Tránh lời thô, hai lưỡi.
Điều phục tâm keo kiệt,
Thường nói lời chân thật,
Trời Tam thập tam kia,
Thấy người hành bảy pháp;
Tất cả đều nói rằng,
Tương lai sanh cõi này.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1105. MA-HA-LY[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu, tại nước Tỳ-xá-ly.
Bấy giờ, có người dòng Ly-xa tên là Ma-ha-lợi[5], đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Ngài có thấy Thiên đế Thích không?”
Phật đáp:
“Thấy.”
Ly-xa lại hỏi:
“Thế Tôn có thấy con quỷ giống hình Thiên đế Thích không?”[6]
Phật bảo Ly-xa:
còn làm con người, hay phụng dưỡng cha mẹ,… cho đến hành xả bình đẳng.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Phụng dưỡng cho cha mẹ
Và tôn trưởng gia tộc;
Lời nhu hòa, cung kính,
Lìa lời thô, hai lưỡi.
Điều phục tâm keo kiệt,
Thường nói lời chân thật,
Trời Tam thập tam kia,
Thấy người hành bảy pháp;
Tất cả đều nói rằng,
Tương lai sanh cõi này.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.
*
KINH 1106. DO NHÂN GÌ[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu, tại nước Tỳ-xá-ly.
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân được gọi là Thích Đề-hoàn Nhân[8]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia, khi làm người, hành thí nhiệt thành[9], bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người bần cùng khốn khổ, người đi đường, người đi ăn xin, bằng các thứ đồ ăn, thức uống, tiền của, thóc gạo, lụa là, hoa hương, vật dụng trang nghiêm, giường nằm, đèn đuốc. Vì có khả năng làm như vậy, nên gọi là Thích Đề-hoàn Nhân[10].”
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân được gọi là Phú-lan-đà-la[11]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, thường hay hành thí y phục, đồ ăn thức uống,… cho đến đèn đuốc. Vì những nhân duyên này, nên gọi là Phú-lan-đà-la.”
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Nhân gì, duyên gì mà được gọi là Ma-già-bà[12]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân khi còn làm người tên là Ma-già-bà[13], do đó Ma-già-bà là tên cũ của Thích Đề-hoàn Nhân.”
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Nhân gì, duyên gì mà lại có tên là Bà-sa-bà[14]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn là người luôn luôn đem áo bà-tiên-hòa[15] bố thí, cúng dường, vì nhân duyên này nên Thích Đề-hoàn Nhân có tên Bà-sa-bà.”
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân lại có tên là Kiều-thi-ca[16]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, là người dòng họ Kiều-thi[17]. Vì nhân duyên này, nên Thích Đề-hoàn Nhân lại có tên là Kiều-thi-ca.”
Tỳ-kheo hỏi Phật:
“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân được gọi là Xá-chỉ-bát-đê[18]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Nữ A-tu-la Xá-chỉ là đệ nhất thiên hậu của Thiên đế Thích. Cho nên Đế Thích được gọi là Xá-chỉ-bát-đê.”
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân lại có tên là Thiên Nhãn[19]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, thông minh trí tuệ, ngồi một chỗ mà suy nghĩ cả ngàn thứ nghĩa, xem xét, cân nhắc. Vì nhân duyên này nên Thiên đế Thích còn gọi là Thiên Nhãn.”
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân còn có tên là Nhân-đề-lợi[20]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thiên đế Thích kia đối với cõi trời Tam thập tam là vua, là chủ. Vì nhân duyên này nên Thiên đế Thích được gọi là Nhân-đề-lợi.”
Phật lại bảo Tỳ-kheo:
“Song Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, thọ trì bảy thứ thọ, vì nhân duyên này nên được làm Thiên đế Thích. Những gì là bảy thọ? Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, phụng dưỡng cha mẹ… cho đến hành thí. Đó là bảy thứ thọ, vì nhân duyên này nên được làm Thiên đế Thích.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Nói đầy đủ như trên.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1107. DẠ-XOA[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu, tại Tỳ-xá-ly.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào đời quá khứ, có một con quỷ Dạ-xoa[22] xấu xí, ngồi trên chỗ ngồi trống của Đế Thích. Khi chư Thiên Tam thập tam thấy quỷ xấu xí này ngồi trên chỗ ngồi trống của Đế Thích rồi, mọi người đều nổi sân. Lúc chư Thiên nổi sân như vậy, thì cứ theo cái sân như vậy, như vậy, con quỷ kia dung mạo dần dần trở nên xinh đẹp. Khi ấy chư Thiên Tam thập tam đến chỗ Đế Thích, tâu Đế Thích rằng: “Kiều-thi-ca, nên biết cho, có một con quỷ xấu xí ngồi trên chỗ ngồi trống của Thiên vương. Khi chư Thiên chúng tôi thấy con quỷ xấu xí ngồi trên chỗ ngồi trống của Thiên vương thì nổi giận vô cùng và tùy theo sự nổi giận của chư Thiên chúng tôi, con quỷ kia theo đó càng trở nên xinh đẹp.”
Thích Đề-hoàn Nhân bảo chư Thiên Tam thập tam:
“Chính sự sân nhuế kia có thể đối trị con quỷ.”
Bấy giờ, Đế Thích tự đến chỗ con quỷ kia, sửa lại y phục, bày vai hữu, chắp tay xưng tên ba lần rằng:
“Nhân giả, tôi là Thích Đề-hoàn Nhân.”
Theo sự cung kính khiêm hạ như vậy của Thích Đề-hoàn Nhân, mà con quỷ kia cũng tùy thuộc vào như vậy, như vậy, dần dần trở lại xấu xí, liền biến mất. Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân tự an tọa rồi nói kệ:
Người chớ nên sân nhuế.
Bị sân chớ đáp sân;
Đối ác chớ sanh ác.
Nên phá hoại kiêu mạn.
Không sân cũng không hại,
Gọi là chúng Hiền thánh,
Tội ác khởi sân hận,
Trụ vững như núi đá.
Nên giữ cơn giận lại,
Như điều xe ngựa sổng.
Ta nói người khéo điều,
Chẳng phải người cầm dây.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân ở cõi trời Tam thập tam là vua Tự tại, khen ngợi không sân nhuế. Cũng vậy, các ông chánh tín, xuất gia học đạo, không nhà, cũng nên khen ngợi không sân nhuế. Nên học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1108. ĐƯỢC MẮT[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vào sáng sớm, Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, cầm tọa cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà, trải tọa cụ ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.
Khi ấy, trong tinh xá Kỳ-hoàn, có hai Tỳ-kheo tranh chấp. Một người mạ lỵ, một người im lặng. Người mạ lỵ liền hối cải, đến xin lỗi vị kia, mà Tỳ-kheo kia không nhận sự sám hối của vị này. Vì không nhận sự sám hối, nên trong tinh xá khi ấy, các Tỳ-kheo cùng đến khuyên can; lớn tiếng ồn ào.
Bấy giờ, Thế Tôn bằng tịnh thiên nhĩ hơn tai người, nghe trong tinh xá Kỳ-hoàn đang lớn tiếng ồn ào. Nghe vậy, từ thiền tịnh dậy, trở về tinh xá, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:
“Sáng nay Ta đi khất thực trở về, vào rừng An-đà ngồi thiền, nhập chánh thọ ban ngày, nghe trong tinh xá, cao tiếng, lộn xộn, ồn ào, rốt cuộc là ai vậy?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Trong tinh xá này có hai Tỳ-kheo tranh chấp. Một người mắng, một người im lặng. Khi ấy Tỳ-kheo mắng đến sám hối, vị kia không nhận. Vì không nhận nên nhiều người khuyên can, cho nên mới có lớn tiếng, cao tiếng, ồn ào.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thế nào, Tỳ-kheo ngu si? Người đến sám hối mà không nhận sự sám hối của người ta. Nếu có người sám hối mà người nào đó không nhận, thì đó là ngu si, bị khổ não lâu dài, không có lợi ích.”
Này các Tỳ-kheo, vào thời quá khứ, có chư Thiên Tam thập tam tranh chấp nhau. Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ dạy rằng:
Với người, tâm không hại
Sân cũng không trói buộc,
Không ôm lòng hận lâu,
Vì không trụ sân nhuế.
Tuy lại nổi giận dữ,
Không nói ra lời thô,
Không tìm người trút giận,
Nêu cái dở của người.
Luôn luôn tự phòng hộ,
Bên trong tỉnh sát nghĩa,
Không giận cũng không hại,
Thường câu hữu Hiền thánh.
Nếu câu hữu người ác,
Cứng rắn như núi đá,
Tự giữ cơn giận lại,
Như điều xe ngựa sổng,
Ta nói người khéo điều,
Chẳng phải người cầm dây.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân đối với trời Tam thập tam là vua Tự tại, thường hành nhẫn nhục, cũng lại khen ngợi người hành nhẫn nhục. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia học đạo, không nhà, cũng nên hành nhẫn nhục và khen ngợi người hành nhẫn nhục. Nên học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1109. ĐƯỢC THIỆN THẮNG[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào thời quá khứ, chư Thiên và A-tu-la bày trận muốn đánh nhau. Thích Đề-hoàn Nhân nói với A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la:
“Chúng ta không được sát hại nhau, chỉ nên dùng lý luận nghị để khuất phục.”
Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nói:
“Giả sử cùng nhau luận nghị, nhưng ai sẽ làm chứng để biết lý đó là thông suốt hay bế tắc?”
Thiên đế Thích trả lời:
“Trong chúng chư Thiên tự có người trí tuệ sáng suốt, sẽ ghi nhận điều này. Trong chúng A-tu-la cũng lại tự có người sáng suốt ghi nhận.”
A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nói:
“Được vậy.”
Thích Đề-hoàn Nhân nói:
“Các ông có thể lập luận trước, sau tôi sẽ theo đó lập luận, thì không khó.”
Khi ấy, vua A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la liền nói kệ lập luận:
Nếu tôi hành nhẫn nhục,
Thì việc này thiếu sót,
Người ngu si sẽ bảo,
Vì sợ nên nhẫn nhục.
Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ đáp:
Giả sử người ngu si,
Nói vì sợ nên nhẫn.
Và kẻ không nói kia,
Tổn thương gì đạo lý?
Nên tự xét nghĩa này,
Cũng nên xét nghĩa kia,
Ta, người đều được an,
Nhẫn nhục là tối thượng.
A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại nói kệ:
Nếu không chế ngu si
Thì ngu si hại người.
Giống như trâu hung dữ,
Chạy xông theo húc người.
Cầm roi mà áp chế,
Vì sợ, sẽ khuất phục.
Cho nên giữ chặt roi,
Chiết phục kẻ ngu kia.
Đế Thích lại nói kệ:
Tôi thường xem xét họ,
Chiết phục kẻ ngu kia,
Người ngu nổi sân nhuế,
Người trí giữ điềm tĩnh.
Không sân cũng không hại,
Thường câu hữu Hiền thánh,
Tội ác khởi sân nhuế,
Cứng chắc như núi đá.
Tự giữ cơn giận lại,
Như điều xe ngựa sổng,
Ta nói người khéo điều,
Chẳng phải người cầm dây.
Bấy giờ, trong chúng trời có vị trời trí tuệ, trong chúng A-tu-la cũng có vị A-tu-la trí tuệ, đối với kệ này suy xét, cân nhắc, quan sát, tự nghĩ: ‘Bài kệ của A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nói cuối cùng lúc nào cũng chỉ khởi lên chiến đấu, tranh tụng. Nên biết vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la luôn luôn dạy người chiến đấu, tranh tụng, còn bài kệ của Thích Đề-hoàn Nhân cuối cùng lúc nào cũng muốn dứt chiến đấu, tranh tụng, nên biết trời Đế Thích luôn luôn dạy người đừng chiến đấu, tranh tụng. Nên biết Đế Thích khéo lập luận thù thắng.’
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân nhờ nghị luận đúng nên hàng phục được A-tu-la. Này các Tỳ-kheo, Thích Đề-hoàn Nhân là vua Tự tại của cõi trời Tam thập tam, an trú nơi thiện nghị luận, khen ngợi những thiện nghị luận. Cũng nên như vậy, Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà cũng nên an trú nơi thiện nghị luận và khen ngợi những thiện nghị luận. Nên học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1110. CỘT TRÓI[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào thời quá khứ có Thiên đế Thích và A-tu-la bày trận muốn đánh nhau. Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân nói với chư Thiên cõi trời Tam thập tam:
“Hôm nay chư Thiên cùng A-tu-la đánh nhau, nếu chư Thiên thắng, A-tu-la bại, thì sẽ bắt sống vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la, trói chặt năm chỗ, đem về Thiên cung.”
A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la bảo các A-tu-la:
“Hôm nay chư Thiên cùng A-tu-la đánh nhau, nếu A-tu-la thắng, chư Thiên bại, thì sẽ bắt sống Thích Đề-hoàn Nhân, trói chặt năm chỗ, đem về cung A-tu-la.”
Đang lúc họ đánh nhau, chư Thiên đắc thắng, A-tu-la bị bại. Khi ấy, chư Thiên bắt được vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la, lấy dây trói lại năm chỗ đem về Thiên cung, cột dưới cửa, trước điện Đoán pháp[26] của Đế Thích. Khi Đế Thích ra vào cửa này, A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la bị cột ở bên cửa tức giận, mạ lỵ. Lúc đó người hầu cận của Đế Thích thấy vua A-tu-la thân bị trói năm vòng, cột bên cửa, thấy Đế Thích ra vào thì nổi giận mạ lỵ, liền làm bài kệ:
Nay Đế Thích sợ nó,
Vì không đủ sức chăng,
Nên nhẫn A-tu-la,
Mắng chưởi trước mặt mình?
Đế Thích liền đáp:
Không vì sợ nên nhẫn,
Không phải sức không đủ.
Có người trí tuệ nào,
Tranh cãi với kẻ ngu.
Người hầu cận lại tâu:
Nếu chỉ hành nhẫn nhục,
Sự việc tất thiếu sót.
Kẻ ngu si sẽ bảo,
Vì sợ nên nhẫn nhục.
Cho nên phải khổ trị,
Dùng trí chế ngu si.
Đế Thích đáp:
Ta thường xem xét kia,
Chế ngự kẻ ngu kia.
Thấy người ngu nổi sân,
Trí dùng tĩnh chế phục.
Không sức mà dùng sức,
Là sức kẻ ngu kia.
Ngu si trái xa pháp,
Thời với đạo không có.
Giả sử có sức mạnh,
Hay nhẫn đối người yếu,
Thì nhẫn này tối thượng.
Không sức sao có nhẫn?
Bị người mạ nhục quá,
Người sức mạnh hay nhẫn,
Đó là nhẫn tối thượng.
Không sức làm sao nhẫn?
Đối mình và với người,
Khéo làm chủ sợ hãi,
Biết kia nổi sân nhuế,
Mình lại giữ an tĩnh.
Đối hai nghĩa đều đủ,
Lợi mình cũng lợi người.
Gọi là kẻ ngu phu,
Do vì không thấy pháp.
Ngu bảo mình thắng nhẫn,
Càng tăng thêm lời ác.
Chưa biết nhẫn mạ lỵ,
Đối kia thường đắc thắng.
Nhẫn đối người hơn mình,
Đó là nhẫn do sợ.
Hành nhẫn, đối người bằng,
Đó là nhẫn tránh nhẫn,
Hành nhẫn, đối người thua,
Đólà nhẫn tối thượng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân là vua Tự tại của trời Tam thập tam, thường hành nhẫn nhục, khen ngợi nhẫn nhục. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà, cũng nên nhẫn nhục như vậy và khen ngợi nhẫn nhục, nên học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1111. KÍNH PHẬT[27]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào thời quá khứ, Thích Đề-hoàn Nhân muốn đi thăm công viên, sai người đánh xe sửa soạn cỗ xe ngàn ngựa để đi thăm vườn. Người đánh xe vâng lệnh liền sửa soạn cỗ xe ngàn ngựa, rồi tâu với Đế Thích:
“Thưa Câu-thi-la, đã sửa soạn xe cộ xong, xin vua biết thời.”
Đế Thích liền bước xuống điện Thường thắng[28], hướng về phía Đông chắp tay lễ Phật. Bấy giờ, người đánh xe thấy vậy liền sanh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất. Khi ấy, Đế Thích thấy người đánh xe sanh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất, liền nói kệ:
Ông thấy gì lo sợ
Để roi ngựa rớt đất?
Người hầu cận nói kệ tâu Đế Thích:
Thấy vua Thiên đế Thích,
Là chồng của Xá-chỉ [29],
Cho nên sanh sợ hãi,
Roi ngựa rớt xuống đất!
Thường thấy Thiên đế Thích,
Được toàn thể đại địa,
Vua lớn, nhỏ, trời, người,
Cùng bốn Chúa hộ thế[30],
Thiên chúng Tam thập tam,
Thảy đều lễ cung kính.
Còn nơi nào tôn hơn,
Đáng tôn đối Đế Thích?
Mà nay hướng về Đông,
Chắp tay để kính lễ.
Lúc ấy, Đế Thích nói kệ đáp:
Thật, ta đối tất cả,
Vua lớn, nhỏ thế gian,
Cùng bốn Chúa hộ thế
Thiên chúng Tam thập tam,
Tối tôn, Chúa của họ,
Nên họ đến cung kính.
Nhưng thế gian lại có,
Đấng Chánh Giác tùy thuận,
Là Thầy cả chư Thiên,
Nên ta cúi đầu lễ.
Người đánh xe lại tâu:
Đóchắc hơn thế gian,
Nên khiến Thiên đế Thích,
Cung kính mà chắp tay,
Cúi đầu lễ hướng Đông.
Nay con cũng nên lễ,
Đấng vua Trời đã lễ.
Khi ấy Đế Thích, chồng của Xá-chỉ, nói kệ lễ Phật như vậy, rồi lên xe ngàn ngựa đến dạo xem vườn.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thiên đế Thích kia là vua Tự tại của trời Tam thập tam còn cung kính Phật, cũng lại khen ngợi sự cung kính Phật. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà, cũng nên cung kính Phật như vậy, cũng nên khen ngợi sự cung kính Phật. Nên học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1112. KÍNH PHÁP[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Nói đầy đủ như trên nhưng chỉ có sự sai khác là:
Bấy giờ, Thiên đế Thích bước xuống điện Thường thắng, chắp tay hướng về hướng Đông kính lễ Tôn pháp… cho đến Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy[32]:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Nói đầy đủ như trên nhưng chỉ có sự sai khác là:
Bấy giờ, Thiên đế Thích nói ra kệ trả lời người đánh xe:
Ta thật Vua cõi đất,
Vua lớn nhỏ thế gian,
Và bốn Chúa hộ thế
Thiên chúng Tam thập tam.
Được tất cả như vậy,
Đều tôn trọng, cung kính.
Nhưng có tịnh giới kia,
Luôn luôn vào chánh thọ,
Với chánh tín xuất gia,
Rốt ráo các phạm hạnh.
Nên ta đối với kia,
Tôn trọng cung kính lễ.
Lại điều phục tham, nhuế,
Vượt cảnh giới ngu si.
Tu học không buông lung,
Nên cung kính, lễ kia,
Tham dục, sân nhuế, si,
Đều dứt hẳn không đắm.
Lậu tận, A-la-hán,
Lại nên kính lễ kia,
Nếu người ở tại gia,
Phụng trì giới thanh tịnh,
Đúng như pháp Bố-tát[33]
Cũng lại nên kính lễ.
Người đánh xe tâu Đế Thích:
Người này chắc hơn đời
Nên Thiên vương kính lễ.
Tôi cũng nên như vậy,
Kính lễ theo Thiên vương.
“Này các Tỳ-kheo, Thiên đế Thích chồng của Xá-chỉ kia kính lễ Pháp, Tăng, cũng còn khen ngợi người kính lễ Pháp, Tăng. Các ông đã chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà, cũng nên kính lễ Pháp, Tăng và khen ngợi người kính lễ Pháp, Tăng như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1113. KÍNH TĂNG[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào thời quá khứ, Thích Đề-hoàn Nhân muốn đi thăm công viên, sai người đánh xe sửa soạn cỗ xe ngàn ngựa để đi thăm vườn. Người đánh xe vâng lệnh liền sửa soạn cỗ xe ngàn ngựa, rồi tâu với Đế Thích:
“Thưa Câu-thi-la, đã sửa soạn xe cộ xong, xin vua biết thời.”
Đế Thích liền bước xuống điện Thường thắng[35], hướng về phía Đông chắp tay lễ. Bấy giờ, người đánh xe thấy vậy liền sanh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất. Khi ấy, Đế Thích thấy người đánh xe sanh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất, liền nói kệ:
Các phương chỉ có người,
Do thai sanh, xú uế,
Thần ở trong thây thối,
Đói khát thường thiêu đốt.
Tại sao Kiều-thi-ca,
Tôn trọng người không nhà?
Vì tôi nói nghĩa này,
Khao khát xin muốn nghe.
Lúc ấy, Thiên đế Thích nói kệ đáp:
Ta chân thành kính lễ,
Người xuất gia không nhà,
Tự tại dạo khắp nơi,
Không kể nơi đi, ở.
Cảnh thành ấp, quốc độ,
Không thể lụy tâm kia,
Không chứa chất tư hữu,
Một đi, không cố định.
Bước đi không mong cầu,
Chỉ vô vi là vui,
Lời đã nói, là làm,
Không nói, là tịch tịnh.
Chư Thiên, A-tu-la,
Họ cùng kình chống nhau,
Nhân gian tranh giành nhau,
Nghịch nhau cũng như vậy.
Chỉ có người xuất gia,
Không tranh giữa người tranh;
Với tất cả chúng sanh,
Buông bỏ mọi đao gậy.
Đối tài, lìa tài sắc,
Không say, không mê đắm,
Xa lìa tất cả ác,
Cho nên kính lễ kia.
Lúc ấy, người đánh xe lại nói kệ:
Người được Thiên vương kính,
Chắc là bậc hơn đời.
Nên từ hôm nay con
Sẽ lễ người xuất gia.
Nói như vậy rồi, Thiên đế Thích lễ tất cả Tăng ở các phương, xong rồi leo lên xe ngựa dạo xem vườn rừng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thiên đế Thích kia là vua Tự tại của trời Tam thập tam mà thường cung kính chúng Tăng, cũng thường khen ngợi công đức cung kính Tăng. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà cũng nên cung kính chúng Tăng và cũng nên khen ngợi công đức cung kính chúng Tăng như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1114. TÚ-TỲ-LÊ[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào thời quá khứ, vua A-tu-la khởi bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh muốn đánh nhau với chư Thiên trời Tam thập tam. Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân nghe vua A-tu-la khởi bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, muốn đến gây chiến. Nghe rồi liền bảo Thiên tử Tú-tỳ-lê[37]:
“Bố[38] biết không, A-tu-la đem bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, muốn gây chiến với trời Tam thập tam? Bố hãy ra lệnh chư Thiên cõi trời Tam thập tam đem bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, cùng đánh với A-tu-la kia.”
Bấy giờ, Thiên tử Tú-tỳ-lê vâng lệnh Đế Thích trở về Thiên cung; biếng nhác, lơi lỏng, không nỗ lực chuẩn bị. Quân A-tu-la đã ở đường lộ. Đế Thích nghe như vậy lại bảo Thiên tử Tú-tỳ-lê:
“Này Bố, quân A-tu-la đã ra giữa đường lộ, Bố hãy cấp tốc ra lệnh khởi bốn binh chủng ra đánh với A-tu-la.”
Thiên tử Tú-tỳ-lê vâng lệnh Đế Thích trở lại Thiên cung, biếng nhác, lơi lỏng. Khi ấy vua A-tu-la đem quân áp sát. Thích Đề-hoàn Nhân nghe quân A-tu-la đã áp sát, lại bảo với Thiên tử Tú-tỳ-lê:
“Bố có biết chăng? Quân A-tu-la đã áp sát. Bố hãy cấp tốc ra lệnh chư Thiên khởi bốn binh chủng.”
Khi ấy Thiên tử Tú-tỳ-lê liền nói kệ:
Nếu có nơi không khởi[39]
Vô vi mà an vui;
Người được chỗ như vậy,
Không làm, cũng không lo[40].
Hãy cho tôi chỗ ấy,
Để tôi được an ổn.
Lúc ấy, Đế Thích nói kệ đáp lại:
Nếu có chỗ không khởi,
Vô vi mà an vui;
Nếu người được chỗ ấy,
Không làm, cũng không lo.
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Thiên tử Tú-tỳ-lê lại nói kệ:
Nếu nơi không phương tiện[41],
Không khởi, mà an vui;
Nếu ai được chỗ ấy,
Thì không tạo, không lo.
Hãy cho tôi chốn này,
Để tôi được an ổn.
Lúc ấy, Đế Thích lại nói kệ:
Nếu nơi không phương tiện,
Không khởi, cũng không vui;
Nếu ai được chỗ ấy,
Thì không tạo, không lo.
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Thiên tử Tú-tỳ-lê lại nói kệ:
Nếu nơi không buông lung,
Không khởi, mà an vui;
Nếu ai được chỗ ấy,
Thì không tạo, không lo.
Nên cho tôi nơi ấy,
Để tôi được an ổn.
Lúc ấy, Đế Thích lại nói kệ:
Nếu nơi không buông lung,
Không khởi, mà an vui;
Nếu ai được chỗ ấy,
Thì không tạo, không lo.
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Tú-tỳ-lê lại nói kệ:
Biếng nhác, không phấn khởi,
Không biết làm, đã làm;
Nhưng hành dục hội đủ,
Nên cho tôi chỗ ấy
Lúc ấy, Đế Thích lại nói kệ:
Biếng nhác, không phấn khởi,
Mà rốt ráo an vui;
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Thiên tử Tú-tỳ-lê lại nói kệ:
Không việc vẫn an vui,
Không làm, cũng không lo;
Nếu cho tôi chỗ ấy,
Để tôi được an vui.
Lúc ấy, Đế Thích lại nói kệ:
Nếu thấy hoặc lại nghe,
Chúng sanh không làm gì;
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Ông nếu sợ việc làm,
Chẳng nghĩ đến hữu vi;
Hãy nhanh chóng trừ sạch,
Là đường tắt Niết-bàn[42].
Khi ấy, Thiên tử Tú-tỳ-lê chuẩn bị bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, cùng đánh với A-tu-la, diệt hết quân A-tu-la. Chư Thiên đắc thắng trở về cung trời.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân khởi bốn binh chủng cùng chiến đấu với A-tu-la, nhờ tinh cần nên thắng trận. Này các Tỳ-kheo, Thích Đề-hoàn Nhân là vua Tự tại của trời Tam thập tam, thường nhờ phương tiện tinh cần, cũng thường khen ngợi đức tinh cần. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà cũng nên tinh cần tinh tấn và khen ngợi tinh cần.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1115. TIÊN NHÂN[43]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào thời quá khứ, một tụ lạc nọ, có các Tiên nhân dừng nghỉ tại vùng đất trống bên cạnh tụ lạc ấy. Lúc đó chư Thiên và A-tu-la đang bày trận đánh nhau cách tụ lạc không xa. Bấy giờ, vua A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la dẹp đi năm loại trang sức[44], bỏ mũ Thiên quan, dẹp dù lọng, bỏ gươm đao, vứt quạt báu, cởi giày dép, đến chỗ ở các Tiên nhân kia. Vào trong cửa, nhìn khắp mà không ngó ngàng các Tiên nhân, cũng không chào hỏi. Nhìn rồi trở ra.
“Khi ấy có một Tiên nhân từ xa nhìn thấy vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la dẹp đi năm thứ trang sức vào trong vườn, quan sát xong trở ra; thấy vậy, nói với các Tiên nhân rằng: ‘Đây là loại người gì mà dung sắc không trấn tĩnh, không giống như hình người, không đúng pháp oai nghi, giống như người quê mùa, không phải là con nhà trưởng giả; dẹp đi năm thứ trang sức, vào cửa vườn, nhìn quanh cao ngạo, mà không ngó ngàng hỏi thăm các Tiên nhân?’
Có một Tiên nhân đáp rằng:
“Đó là Tỳ-ma-chất-đa-la, vua A-tu-la, dẹp đi năm thứ trang sức, vào xem xét rồi đi.”
Tiên nhân kia nói:
“Đây không phải Hiền sĩ, không tốt, bất thiện, không phải Hiền thánh, phi pháp, dẹp năm thứ trang sức đi vào trong cửa vườn nhìn quanh rồi ra về, cũng không hề để ý chào hỏi các Tiên nhân. Do đó mà biết Thiên chúng tăng trưởng, A-tu-la giảm sút.”
“Trong lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân thì cởi bỏ năm thứ trang sức, đi vào trú xứ của Tiên nhân, cùng với các Tiên nhân chào đón, thăm hỏi an úy nhau, sau đó trở ra. Lại có Tiên nhân thấy Thiên đế Thích cởi bỏ năm thứ trang sức vào trong cửa vườn thăm hỏi khắp cả, thấy vậy hỏi các Tiên nhân: ‘Đây là người gì mà có dung sắc trấn tĩnh, dáng vẻ đáng ưa, có vẻ oai nghi, không phải người quê mùa, tợ như con nhà trưởng giả; vào trong vườn rừng cởi bỏ năm thứ trang sức, đi vào cửa vườn thăm hỏi khắp cả, sau đó mới trở ra?’
Có Tiên nhân đáp: ‘Đây là Thiên đế Thích, cởi bỏ năm thứ trang sức, vào trong cửa vườn thăm hỏi khắp cả rồi sau đó trở ra.’
Tiên nhân kia nói: ‘Đây là bậc Hiền sĩ, thiện, tốt, chân thật, oai nghi, phép tắc, cởi bỏ năm thứ trang sức, vào trong cửa vườn thăm hỏi khắp cả, rồi sau đó mới trở ra. Vì vậy nên biết Thiên chúng tăng, chúng A-tu-la giảm.’
Lúc ấy vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nghe Tiên nhân kia khen ngợi chư Thiên; sau khi nghe, nổi giận đùng đùng. Lúc này có vị Tiên nhân ở chốn hư không nghe vua A-tu-la nổi giận đùng đùng, liền đến chỗ A-tu-la vương Tỳ-ma-chất-đa-la nói kệ:
Tiên nhân cố đến đây,
Cầu xin thí vô úy[45].
Nếu ngươi thí vô úy,
Ban ân giáo Mâu-ni.
A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la dùng kệ đáp:
Cho Tiên nhân các ông,
Không có thí vô úy.
Vì chống A-tu-la,
Mà gần gũi Đế Thích.
Thay vì cho vô úy,
Ta sẽ cho sợ hãi.
Tiên nhân lại nói kệ:
Tùy gieo trồng hạt giống,
Tùy loại sanh quả báo.
Ta cầu xin vô úy,
Chỉ lại cho kinh sợ.
Ngươi sẽ sợ vô cùng.
Vì gieo giống kinh sợ.
“Sau khi các Tiên nhân ở trước vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nói chú xong, bay lên hư không đi mất. Ngay đêm ấy vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lòng cảm thấy sợ hãi, ba phen trỗi dậy, trong giấc ngủ nghe âm thanh dữ rằng: ‘Thích Đề-hoàn Nhân sẽ cất bốn binh chủng đánh nhau với A-tu-la.’ Sau khi thức dậy, lòng cảm thấy kinh hoàng, sợ hãi, lo lắng là chắc chắn sẽ chiến bại, đành phải rút lui chạy về cung A-tu-la.
Bấy giờ, quân địch đã rút lui, đắc thắng rồi, Thiên đế Thích đi đến trú xứ các Tiên nhân nơi rừng vắng, lễ dưới chân các Tiên nhân, rồi lui ra bốn phía trước các Tiên nhân, hướng về Đông ngồi xuống. Lúc ấy gió Đông khởi lên, có một Tiên nhân liền nói kệ:
Nay các ẩn sĩ này,
Xuất gia đã lâu ngày,
Nách rịn mồ hôi nhơ,
Chớ ngồi trước chiều gió,
Thiên Nhãn hãy dời chỗ.
Ở đây hôi khó chịu.
Thiên đế Thích nói kệ đáp:
Dùng mọi thứ hương hoa,
Kết lại làm tràng hoa.
Nay hương tôi ngửi được,
Còn thơm cả hương kia,
Dù ít ngửi hương này.
Nhưng chưa từng ghê, chán.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thiên đế Thích là vua Tự tại của cõi trời Tam thập tam mà cung kính người xuất gia, cũng thường khen ngợi người xuất gia, cũng thường khen ngợi đức cung kính. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà thường nên cung kính các bậc phạm hạnh, cũng nên khen ngợi đức cung kính.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1116. DIỆT SÂN[46]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ sáng sớm, Thiên đế Thích đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật. Do thần lực của Đế Thích, ánh sáng từ thân tỏa ra chiếu khắp tinh xá Kỳ thọ. Lúc này, Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ hỏi Phật:
Vì giết hại những gì,
Mà ngủ được an ổn?
Vì giết hại những gì,
Mà được không lo sợ?
Vì sát hại những gì,
Được Cù-đàm khen ngợi?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Hại sân nhuế, hung ác,
Mà ngủ được an ổn,
Hại sân nhuế, hung ác,
Tâm được không lo sợ.
Sân nhuế là rắn độc,
Chủng tử khổ tìm tàng.
Ta đã diệt chúng rồi,
Nên được không lo sợ,
Vì giống khổ đã diệt,
Nên được Hiền thánh khen.
Sau khi Thích Đề-hoàn Nhân nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ lui ra.
*
KINH 1117. NGÀY MỒNG TÁM[47]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào ngày mồng tám mỗi tháng[48], bốn Đại thiên vương ra lệnh các đại thần đi xem xét nhân gian. Những người nào cúng dường cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, tôn kính tôn nhân, làm các phước đức; thấy ác đời này lo sợ tội đời sau, bố thí làm phước, thọ trì trai giới; vào các ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm mỗi tháng và tháng thần biến[49], thọ giới, bố-tát.
“Đến ngày mười bốn[50] sai thái tử xuống quán sát nhân gian, những người nào phụng dưỡng cha mẹ… cho đến thọ giới, bố-tát.
“Đến ngày mười lăm[51] Tứ Đại thiên vương đích thân xuống thế gian xem xét chúng sanh, những người nào phụng dưỡng cha mẹ… cho đến thọ giới, bố-tát.
“Này các Tỳ-kheo, lúc bấy giờ thế gian không có nhiều người phụng dưỡng cha mẹ… cho đến thọ giới, bố-tát. Lúc này, Tứ Đại thiên vương đến giảng đường Tập pháp[52], cõi trời Tam thập tam, thưa với Thiên đế Thích:
“Thiên vương nên biết, ngày nay thế gian không có nhiều người người phụng dưỡng cha mẹ… cho đến thọ giới, bố-tát.”
Bấy giờ Thiên chúng cõi trời Tam thập tam nghe như vậy không vui, quay lại nói với nhau:
“Người thế gian bây giờ không hiền, không thiện, không tốt, không ra gì, không hạnh chân thật, không phụng dưỡng cha mẹ… cho đến thọ giới, bố-tát. Vì tội ấy nên chúng chư Thiên giảm và chúng A-tu-la càng ngày càng tăng thêm.”
“Này các Tỳ-kheo, thế gian lúc ấy, nếu có nhiều người phụng dưỡng cha mẹ… cho đến thọ giới, bố-tát, thì Tứ thiên vương sẽ đến giảng đường Tập pháp, cõi trời Tam thập tam, bạch Thiên đế Thích:
“Thiên vương nên biết, thế gian ngày nay có nhiều người phụng dưỡng cha mẹ… cho đến thọ giới, bố-tát.”
Lúc ấy tâm chư Thiên cõi Tam thập tam đều vui mừng quay lại bảo nhau:
“Ngày nay, các thế gian đều hiền thiện chân thật như pháp, có nhiều người phụng dưỡng cha mẹ… cho đến thọ giới, bố-tát. Nhờ phước đức này nên chúng A-tu-la giảm, chúng chư Thiên tăng thêm.”
Bấy giờ Thiên đế Thích biết các chúng chư Thiên đều vui mừng liền nói kệ:
Người đến ngày mồng tám,
Mười bốn, ngày mười lăm,
Và đến tháng thần biến,
Trọ trì trai tám chi.
Như ta đã từng tu,
Họ cũng tu như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo cho các Tỳ-kheo những gì Thiên đế Thích kia đã nói kệ:
Người, nếu ngày mồng tám,
Mười bốn, ngày mười lăm,
Và đến tháng thần biến,
Trọ trì bát trai giới.
Như ta đã từng tu,
Họ cũng tu như vậy.
“Những lời nói này không hay. Vì sao? Vì Thiên đế Thích kia tự có tham, sân, si nên không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Nếu Tỳ-kheo A-la-hán nào các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, lìa các gánh nặng, đoạn các hữu kết, tâm khéo giải thoát thì nói kệ này:
Người, nếu ngày mồng tám,
Mười bốn, ngày mười lăm,
Và đến tháng thần biến,
Trọ trì bát trai giới.
Như ta đã từng tu,
Họ cũng tu như vậy.
“Thì những lời nói như vậy mới là lời hay. Vì sao? Vì Tỳ-kheo A-la-hán đã lìa tham, sân, si, đã thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Cho nên bài kệ này là những lời nói hay.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1118. BỆNH[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vào thời quá khứ, vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la bị bệnh rất nặng, đi đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, nói với Thích Đề-hoàn Nhân rằng: ‘Kiều-thi-ca, nên biết, hiện nay tôi đang bị bệnh rất nặng. Xin vì tôi trị liệu cho được an ổn.’
Thích Đề-hoàn Nhân nói với vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la: ‘Ông hãy trao huyễn pháp[54] cho ta, ta sẽ trị bệnh cho ông được an ổn.’
A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la bảo Đế Thích: ‘Tôi sẽ trở về hỏi chúng A-tu-la. Nếu bằng lòng, tôi sẽ trao huyễn pháp của A-tu-la cho Đế Thích.’
Lúc ấy, A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền trở về đến trong chúng A-tu-la, nói với các A-tu-la: ‘Mọi người nên biết, nay ta bệnh nặng, đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân nhờ trị bệnh. Đế Thích nói ta rằng: ‘Ông hãy trao huyễn pháp của A-tu-la cho ta, ta sẽ trị bệnh cho ông được an ổn.’ Bấy giờ, ta sẽ đi đến vì Đế Thích nói huyễn pháp của A-tu-la.’
Khi ấy có một A-tu-la trá ngụy bảo với A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la: “Thiên đế Thích kia là người chất trực, trọng tín, không hư dối. Chỉ nói với ông ta rằng: ‘Thiên vương, huyễn pháp của A-tu-la nếu người nào học nó sẽ đọa vào địa ngục, chịu tội vô lượng trăm ngàn năm. Thiên đế Thích kia chắc chắn sẽ thôi, không còn ý muốn học nữa. Và ông ta sẽ bảo ông đi và sẽ khiến cho bệnh ông thuyên giảm, được an ổn.’”
Lúc này, vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại đến chỗ Đế Thích nói kệ bạch rằng:
Bậc Thiên vương Thiên Nhãn,
Huyễn thuật A-tu-la,
Đều là pháp giả dối
Khiến người đọa địa ngục,
Vô lượng trăm ngàn năm,
Chịu khổ không dừng nghỉ.
Lúc ấy Thiên đế Thích bảo A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la: ‘Thôi thôi, huyễn thuật như vậy không phải là pháp ta cần. Ông hãy trở về, ta sẽ khiến cho thân bệnh của ông được lành, được an ổn khỏe mạnh.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân là vua Tự tại nơi cõi trời Tam thập tam, luôn luôn chân thật, không hư, không ngụy, hiền thiện, chất trực. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà cũng nên không hư, không ngụy, hiền thiện, chất trực nên học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1119. BÀ-TRĨ[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Một hôm, Thiên đế Thích cùng với Bà-trĩ A-tu-la vương, con trai của Bề-lư-xá-na[56] có diện mạo tuyệt đẹp, sáng sớm cả hai đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui ra một bên. Các ánh sáng từ thân Thiên đế Thích và Bà-trĩ A-tu-la vương, con trai của Bề-lư-xá-na, lúc ấy tỏa chiếu ra khắp vườn Cấp cô độc.”
Khi ấy Bà-trĩ A-tu-la vương, con trai của Bề-lư-xá-na nói kệ bạch Phật:
Con người cần siêng năng,
Để thỏa mãn điều lợi.
Lợi này đã đủ rồi,
Cần gì phải siêng năng[57]?
Lúc ấy, Thiên đế Thích lại nói kệ:
Nếu người cần siêng năng,
Để thỏa mãn điều lợi.
Lợi này đã đủ rồi,
Tu nhẫn không gì hơn.
Nói kệ xong cả hai cùng bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, bài kệ nào được khéo nói?”
Thế Tôn bảo:
“Những điều các ông nói, cả hai bài đều nói hay, nhưng bây giờ các vị hãy lắng nghe Ta nói:
Tất cả loài chúng sanh,
Thảy đều cầu tự lợi.
Mỗi mỗi chúng sanh kia,
Đều mong điều mình cần.
Các hòa hợp thế gian,
Cùng với đêï nhất nghĩa[58],
Nên biết hòa hợp đời.|
Vốn là pháp vô thường.
Nếu người cần siêng năng,
Để thỏa mãn điều lợi,
Lợi này thỏa mãn rồi,
Tu nhẫn không gì hơn.
Sau khi Thiên đế Thích cùng với vua A-tu-la Bề-lư-xá-na nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thích Đề-hoàn Nhân là vua Tự tại của trời Tam thập tam, tu hạnh nhẫn, khen ngợi nhẫn. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà cũng nên tu hạnh nhẫn, khen ngợi nhẫn như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 1120. THỆ ƯỚC[59]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thời quá khứ có một vị Thiên đế Thích bạch Phật rằng: ‘Thế Tôn, hôm nay con thọ giới như vậy, cho đến khi Phật pháp còn tồn tại ở thế gian, suốt đời con, nếu có người nào xúc não con, con sẽ không xúc não lại người kia.’
“Lúc ấy A-tu-la vương Tỳ-ma-chất-đa-la nghe Thiên đế Thích thọ giới như vầy: ‘Cho đến lúc Phật pháp còn tồn tại ở thế gian, suốt đời con, nếu có người nào xúc não con, con sẽ không xúc não lại người kia.’ Nghe như vậy, bèn xách gươm bén ngược đường tới. Lúc này, Thiên đế Thích từ xa trông thấy vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la cầm gươm bén ngược đường tới, liền từ xa nói: ‘A-tu-la đứng lại, ông đã bị trói, không được cử động.’ Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền không cử động được; bèn nói với Đế Thích: ‘Ông nay há không thọ giới như vầy: ‘Nếu Phật pháp tồn tại ở thế gian, suốt đời con, nếu có người nào xúc não con, con sẽ không xúc não lại người kia’ hay sao?’
“Thiên đế Thích đáp: ‘Tôi thật thọ giới như vậy. Nhưng ngươi tự đứng lại chịu trói.’
“A-tu-la nói: ‘Bây giờ hãy thả tôi ra.’
“Thiên đế Thích đáp: ‘Nếu ông hứa thề không làm loạn, ta sẽ buông tha ông.’
“A-tu-la nói: ‘Thả tôi ra, sẽ làm đúng pháp.’
“Đế Thích đáp: ‘Trước hết phải làm đúng như pháp, sau đó thả ông ra.’
“Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền nói kệ:
Chỗ tham dục rơi vào,
Chỗ sân nhuế rơi vào,
Chỗ vọng ngữ rơi vào,
Chỗ phạm Thánh rơi vào,
Nếu ta gây não loạn,
Ta sẽ rơi vào đó.
“Thích Đề-hoàn Nhân lại nói: ‘Tha cho ông, tùy ý được an ổn.’
“Thiên đế Thích, sau khi bắt buộc vua A-tu-la phải ước thề xong, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con ở trước Phật thọ giới như vậy: ‘Cho đến Phật pháp tồn tại ở thế gian, suốt đời con, nếu có người nào xúc não con, con sẽ không xúc não lại người kia.’ Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nghe con thọ giới, tay xách gươm bén theo đường tới.Con trông thấy từ xa và bảo: ‘A-tu-la. Đứng lại. Đứng lại. Ông đã bị trói. Không được cử động’. A-tu-la kia nói: ‘Ông không có thọ giới sao?’ Con liền đáp: ‘Tôi thật có thọ giới. Nay ông đứng lại nên bị trói, không được cử động.’ Vua A-tu-la xin được cứu thoát, con bảo hắn: ‘Nếu ước thề là không làm loạn thì ngươi sẽ được cứu thoát.’ A-tu-la nói: ‘Hãy thả tôi ra, tôi hứa sẽ thề.’ Con liền nói: ‘Nói lời thề ước trước, sau đó thả ông.’ A-tu-la liền nói kệ ước thề:
Chỗ tham dục rơi vào,
Chỗ sân nhuế rơi vào,
Chỗ vọng ngữ rơi vào,
Chỗ phạm Thánh rơi vào,
Nếu ta gây não loạn,
Ta sẽ rơi vào đó.
“Như vậy, bạch Thế Tôn, con muốn khiến vua A-tu-la phải nói lời ước thề, vậy có đúng pháp không? A-tu-la kia có gây nhiễu loạn nữa không?
“Phật bảo Thiên đế Thích:
“Lành thay! Lành thay! Ông muốn A-tu-la nói lời thề như vậy là đúng pháp, không trái và A-tu-la cũng không dám làm nhiễu loạn nữa.
“Sau khi, Thiên đế Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ ra về.”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thiên đế Thích kia là vua Tự tại của trời Tam thập tam, không bị nhiễu loạn, cũng thường khen ngợi pháp không nhiễu loạn. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà cũng nên không nhiễu loạn, cũng nên khen ngợi pháp không nhiễu loạn như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
[1]. Đại Chánh, quyển 40. Quốc Dịch, quyển 34, “Tụng vii.3. Tương ưng Đế thích” hai phẩm. Ấn Thuận, “Tụng viii. Tám chúng. 19. Tương ưng Đế thích” hai mươi hai kinh: 1207-1228; Đại Chánh 1104-1225. Phật Quang, quyển 40. Quốc Dịch, phẩm 1. Pāli, S.11.11. Vatapada. Biệt dịch, №100(33).
[2]. Thất chủng thọ 七種受. Pāli: satta vatapadāni, bảy cấm giới.
[3]. Giải thoát thí 解脫 施 . Pāli: muttacāga, huệ thí một cách rộng rãi.
[4]. Pāli, S.11.13.Mahāli. Biệt dịch, №100(34).
[5]. Ly-xa danh Ma-ha-lợi 離車名摩訶利. Pāli: Mahāli Licchavī.
[6]. Pāli: so hi nūna… Sakkapatirūpako bhavissati, không phải Đế Thích đâu, mà chỉ là tướng Đế Thích.
[7]. Pāli, S.11.12. Sakkanāma. Biệt dịch, №100(35).
[8]. Thích Đề-hoàn Nhân 釋提桓因.Pāli: Sakko Devānaṃ Indo.
[9].Đốn thí 頓施. So sánh Pāli: sakkaccaṃ dānaṃ adāsi, bố thí một cách cung kính, nhiệt thành.
[10]. Định nghĩa của Pāli: sakkaccaṃ dāna adāsi tasmā kko ti vuccati, vì bố thí một cách cung kính (sakkaccaṃ), nên được gọi là Sakka (Thích).
[11]. Phú-lan-đà-la 富蘭陀羅. Pāli: Purindado. Định nghĩa của Pāli: pure dānam adāsi tasmā purindado ti vuccati, do bố thí nơi thị tứ (pura) nên được gọi là Purindado.
[12]. Ma-già-bà 摩伽婆. Pāli: Maghavā.
[13]. Pāli: pubbe manussabhūto samāno gho nāma māṇavo ahosi,trước kia, khi còn làm người, ông là thiếu niên tên là Magha.
[14]. Bà-sa-bà 婆娑婆. Pāli: Vāsava. Định nghiã của Pāli:pubbe... āvasatham adāsi tasamā Vāsavo ti vuccati, trước kia, do bố thí nhà ở (āvasatha), nên được gọi là Vāsava.
[15]. Bà-tiên-hòa 婆詵和. Bản Cao-ly: tư 私. Pāli: āvasatha (nhà ở), bản Hán hiểu là vasanakā(y phục).
[16]. Kiều-thi-ca 憍尸迦. Pāli: Kosiya (Kosika).
[17]. Pāli: Kosiya.
[18]. Xá-chỉ-bát-đê 舍脂缽低. Pāli: Sujampati, “chồng của bà Sujā”.
[19]. Thiên Nhãn 千眼. Pāli: Sahassakkha, hay Sahassaneta.
[20]. Nhân-đề-lợi 因提利. Phiên âm từ Skt. Indra (= Pāli: Inda).
[21]. Pāli, S.11.22. Dubbaịịiya. Biệt dịch, №100(36).
[22]. Dạ-xoa 夜叉. Pāli: Yakkha.
[23]. Pāli, S.11.24. Akodha. Biệt dịch, №100(37).
[24]. Pāli, S.11.5. Subhāsitaṃ-jaya. Biệt dịch, №100(38).
[25]. Pāli, S.11.4. Vepacitti. Biệt dịch, №100(39); №125(34.8).
[26]. Đoán pháp điện 斷法殿. Pāli: Sudhammasabha (Thiện pháp đường).
[27]. Pāli, S. 11.19.Satthāravandana. Biệt dịch, №100(40).
[28]. Thường thắng điện 常勝殿. Pāli: Vejayantapāsādo, cung điện Chiến thắng.
[29]. Xá-chỉ chi phu 舍脂之夫; một tên khác của Đế Thích. Pāli: Sūjampati.
[30]. Hộ thế chúa 護世主; chỉ cho bốn Đại thiên vương.
[31]. Pāli, không thấy nội dung tương đương. Cf. S.11.18. Gahaṭṭhavandana. Biệt dịch, №100(41).
[32]. Đây là một kinh riêng biệt, nhưng bản Đại Chánh không ghi số. Ấn Thuận phân thành kinh riêng. Quốc Dịch phân thành kinh riêng và ghi tên kinh là “Kính Pháp”. Nội dung kinh này là kính pháp như giới thiệu trong kinh số 1112. Có lẽ nguyên thủy không có. Người sau, tìm thấy nội dung ở đâu đó nên bổ túc vào cho đủ tán Tam bảo.
[33]. Pāli: (…) dhammena dāraṃ posenti, (những Ưu-bà-tắc) những pháp nuôi dưỡng vợ. Bản Hán hiểu posenti (nuôi dưỡng) như là (u)posatha (bố-tát).
[34]. Pāli, S.11.20. Sakka-namassana. Biệt dịch, №100(42).
[35]. Xem cht.28, kinh 1111.
[36]. Quốc Dịch, phẩm 2. Pāli, S. 11. 1. 1. Suvīra. Biệt dịch, №100(43).
[37]. Tú-tỳ-lê Thiên tử 宿毘梨天子. Pāli: Suvīra-devaputta.
[38]. Hán: a công 阿公. Pāli:tāta suvīra, từ xưng hô, gọi người lớn tuổi hơn, coi như cha. Cũng có thể gọi người nhỏ hơn: Con thân yêu!
[39]. Bất khởi xứ 不起處. Pāli: anuṭṭhahaṃ; biếng nhác, không hăng hái, (do động từ uṭṭhahati = uṭṭhāti: đứng dậy, phấn khởi hay hăng hái).
[40]. Pāli: anuṭṭhahaṃ, avāyāmaṃ, sukhaṃ yātrādhigacchati, nói đến nơi nào mà ở đó không cần hăng hái, không cần nỗ lực, nhưng an vui.
[41]. Hán: vô phương tiện 無方便. Pāli: avāyāmaṃ, không nỗ lực.
[42]. Pāli: sace atthi akammena, koci kvaci na jìvati; nibbànassa hi so maggo, suvìra tattha gacchàhi, nếu không có hành nghiệp, không có bất cứ ai tồn tại bất cứ đâu; con đường đó dẫn đến Niết-bàn, suvìra, hãy đi đến đó.
[43]. Pāli, S.11.9. Araññāyatana-isi; S.11.10. Samudaka. Biệt dịch, №100(44).
[44]. Bản Pāli: mang nguyên cả giày, kiếm… mà vào. Bản Hán có thể nhầm.
[45]. Thí vô úy 施無畏. Pāli: abhayadakkhiṇa; các Tiên nhân này đến A-tu-la cầu xin cho mình sự an toàn.
[46]. Pāli, S.11.21. Chetvā. Biệt dịch, №100(45).
[47]. Pāli, A.3.37. Rājā.Biệt dịch, №100(46).
[48]. Đây chỉ tháng mười lăm ngày, theo lịch cổ Ấn. Nếu theo ba mươi ngày, thì đây gồm ngày mồng 8 và 23. Pāli: aṭṭhamiyaṃ pakkhassa, ngày mồng 8 mỗi (nửa) tháng.
[49]. Tháng thần biến 神變月(Pāli:iddhimasā?); các tháng Giêng, tháng Năm và tháng Chín, bốn Thiên vương hiện thần thông đi quan sát nhân gian. BảnPāli không thấy nói các tháng này.
[50]. Pāli:cātuddasiṃ pakkhassa, ngày thứ 14 mỗi (nửa) tháng, tức gồm ngày 14 và 29, hay 28 nếu tháng thiếu.
[51]. Pāli: uposathe pannarase, vào ngày trai giới, ngày thứ 15, tức ngày 15 và 30 hay 29 nếu tháng thiếu.
[52]. Tập pháp giảng đường 集法講堂; cũng gọi là Thiện pháp đường hay Chánh pháp đường. Pāli:Sudhamma-sabhā.
[53]. Pāli, S.11.23. Māyā. Biệt dịch, №100(47).
[54]. Pāli: Sambarimāyā, huyễn thuật của Sambarā, (tên khác của Vepacitta, A-tu-la vương).
[55]. Pāli, S.11.8. Verocana-asurinda. Biệt dịch, №100(50).
[56]. Bề-lư-xá-na tử Bà-trĩ A-tu-la vương鞞盧闍那子婆稚.Bản Pāli chỉ nói tên Verocana Asurinda, Cf, D.ii.259: satañca Baliputtānaṃ sabbe Verocanāmakā, một trăm con trai của Bali tất cả đều có tên là Vero (=Verocana). Hán, Bà-trĩ, liên hệ phiên âm của Bali.
[57]. Pāli: nipphannasobhano attho, mục đích được sáng chói khi đã được hoàn tất.
[58]. Pāli: saṃyogaparamā tveva sambhogā, các thức ăn được chế biến (Hán: hòa hiệp) thượng diệu (Hán: đệ nhất nghĩa).
[59]. Pāli, S.11.7. Nadubbiya. Biệt dịch, №100(48).