Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ 32

09/11/201115:28(Xem: 3181)
Quyển thứ 32

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang

Quyển thứ 32

PHẨM THỨ HAI MƯƠI TƯ:BỒ TÁT CA DIẾP

Phần thứ II : - Này thiện nam tử ! Tranh tụng như vậy là cảnh giới của Phật, chẳng phải là sự hiểu biết của các Thanh Văn, Duyên Giác. Nếu người đối với vấn đề này sinh ra lòng nghi ngờ thì còn có thể tiêu hoại vô lượng phiền não như núi Tu Di. Nếu người ở trong vấn đề này sinh ra quyết định thì đó gọi là chấp trước.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Sao gọi là chấp trước ?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Người như vậy, hoặc theo người khác nghe, hoặc tự tìm ở kinh điển, hoặc người khác dạy bảo cho mà đối với những việc đã nhận được chẳng thể buông bỏ thì đó gọi là chấp trước.

Bồ tát Ca Diếp lại bạch rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như vậy chấp trước là thiện hay là bất thiện vậy?

- Này thiện nam tử ! Như vậy chấp trước chẳng gọi là thiện. Vì sao vậy? Vì chẳng thể tiêu hoại các lưới nghi.

Ngài Ca Diếp lại bạch rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như vậy con người vốn tự chẳng nghi ngờ thì làm sao mà nói rằng chẳng hoại lưới nghi ?

- Này thiện nam tử ! Luận về chẳng nghi thì tức là nghi vậy !

- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu có người cho là người Tu đà hoàn chẳng rơi vào ba ác thì người đó cũng phải gọi là trước, gọi là nghi !

- Này thiện nam tử ! Đó có thể gọi là định, chẳng được gọi là nghi. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Ví như có người trước thấy người và cây. Sau đó vào ban đêm từ xa thấy rễ cây nhô lên liền phát sinh ý tưởng nghi ngờ là người hay là cây vậy ? Này thiện nam tử ! Như người trước thấy Tỳkheo và Phạm chí, lúc sau ở trên đường từ xa thấy Tỳkheo liền sinh ý tưởng nghi ngờ là Sa môn hay là Phạm chí vậy ? Này thiện nam tử ! Như người trước thấy trâu và trâu nước, lúc sau từ xa thấy trâu liền sinh ra ý tưởng nghi ngờ là trâu hay là trâu nước vậy? Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh trước thấy hai vật thì về sau liền sinh ra nghi ngờ. Vì sao vậy? Vì tâm chẳng liễu ngộ vậy. Ta cũng chẳng nói người Tu đà hoàn có đoạ vào ba ác, chẳng đọa vào ba ác thì người đó vì sao sinh ra lòng nghi?

Bồ tát Ca Diếp bạch rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, cần phải trước thấy rồi nhiên hậu mới nghi. Nhưng có người khi chưa thấy hai thứ vật cũng sinh nghi là sao vậy? Như là Niết Bàn đó ! Thưa đức Thế Tôn ! Ví như có người trên đường đi gặp vũng nước đục, nhưng chưa từng thấy, mà vẫn sinh nghi ngờ, nước như vậy là sâu hay cạn vậy? Người này chưa thấy thì làm sao sinh nghi ?

- Này thiện nam tử ! Luận về Niết Bàn thì tức là đoạn khổ, chẳng phải Niết Bàn thì tức là khổ. Thấy của tất cả chúng sinh có hai thứ : Khổ, chẳng phải khổ. Khổ, chẳng phải khổ thì tức là đói khát, nóng lạnh, sân giận, vui mừng, bệnh ốm, yên ổn, già, trẻ, sinh, chết, trói buộc, giải thoát, ân ái biệt ly, oán ghét tụ hội... Chúng sinh thấy rồi liền sinh ra nghi ngờ : “Phải chăng có sự xa lìa rốt ráo khổ não như vậy ?”. Vậy nên chúng sinh đối với Niết Bàn mà sinh ra nghi vậy. Theo ý ông nếu cho rằng, người này trước khi đến chưa thấy vũng nước đục mà làm sao sinh ra nghi ngờ thì nghĩa này không đúng. Vì sao vậy ? Vì người đó đã thấy trước chỗ khác rồi. Vậy nên ở chỗ này chưa từng đến mà lại sinh ra nghi.

- Thưa đức Thế Tôn ! Người này khi trước thấy chỗ sâu, cạn rồi chẳng sinh nghi, đến nay vì sao mà lại sinh nghi?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Vốn chưa đi nên đã sinh ra nghi. Vậy nên ta nói rằng, chẳng rõ nên nghi.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, nghi tức là chấp trước, chấp trước tức là nghi, là ai vậy?

- Này thiện nam tử ! Là người đoạn thiện căn.

Ngài Ca Diếp bạch rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Những bọn người nào có thể đoạn thiện căn?

- Này thiện nam tử ! Nếu có người thông minh, trí tuệ, căn tính linh lợi, có thể giỏi phân biệt mà xa lìa bạn lành, chẳng nghe chính pháp, chẳng khéo tư duy, chẳng theo đúng như pháp mà trụ thì người như vậy có thể cắt đứt căn lành. Người lìa khỏi bốn việc đó thì lòng tự nghĩ suy : “Không có vật bố thí. Vì sao vậy ? Vì thí tức là xả bỏ tài vật (của cải). Nếu bố thí có quả báo thì phải biết thí chủ thường nên nghèo cùng. Vì sao vậy ? Vì hạt với quả tương tợ. Vậy nên nói rằng, không nhân không quả”. Nếu nói không nhân không quả như vậy thì đó gọi là cắt đứt căn lành. Người đó lại khởi ý nghĩ : “Thí chủ, người nhận và cả tài vật ba việc đều vô thường, không có đình trụ. Nếu không đình trụ thì làm sao nói rằng, đây là thí chủ, người nhận, tài vật ? Nếu không người nhận thì làm sao được quả báo ? Do nghĩa này nên không nhân không quả”. Nếu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người đó có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ rằng : “Người bố thí khi thí có năm việc thí. Người nhận đã nhận rồi hoặc có khi làm thiện, hoặc làm bất thiện mà thí chủ này cũng lại chẳng được quả thiện hay bất thiện. Như pháp thế gian, từ hạt sinh ra quả, rồi quả trở lại làm hạt. Nhân tức là thí chủ, quả tức là người nhận mà người nhận này chẳng thể dùng pháp thiện hay bất thiện này để khiến cho thí chủ được. Do nghĩa này nên không nhân không quả”. Nếu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người đó có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ : “Không có vật thí. Vì sao vậy? Vì vật thí vô ký. Nếu là vô ký thì làm sao mà được quả báo thiện vậy ? Không quả báo thiện ác tức là vô ký. Của cải nếu vô ký thì phải biết là không quả báo thiện ác. Vậy nên không thí, không nhân, không quả”. Nêu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người đó có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ : “Thí tức là ý. Nếu là ý thì không thấy, không đối tác, chẳng phải là sắc pháp. Nếu chẳng phải là sắc pháp thì làm sao có thể thí. Vậy nên không thí, không nhân, không quả”. Nếu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người này có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ : “Thí chủ nếu vì tượng Phật, tượng trời, cha mẹ quá cố mà hành thí thì tức là không người nhận. Nếu không người nhận thì ứng không quả báo. Nếu không quả báo thì đó là không nhân. Nếu không nhân thì đó là không quả”. Nếu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người này có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ : “Không cha, không mẹ. Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sinh sinh ra chúng sinh thì theo lý nên thường sinh không có đoạn tuyệt. Vì sao vậy ? Vì nhân thường có vậy. Nhưng mà chẳng thường sinh. Vậy nên phải biết là không có cha mẹ”. Lại nghĩ rằng : “Không cha không mẹ. Vì sao vậy ? Vì nếu thân chúng sinh nhân cha mẹ mà có thì một người nên đủ hai căn nam và nữ. Nhưng mà không đủ thì phải biết là chúng sinh chẳng phải nhân cha mẹ”. Lại nghĩ rằng : “Chẳng phải nhân cha mẹ mà sinh ra chúng sinh. Vì sao vậy ? Vì mắt thấy chúng sinh chẳng giống cha mẹ như là thân sắc, tâm, oai nghi, tiến lùi...Vậy nên cha mẹ chẳng phải là nhân của chúng sinh”. Lại nghĩ rằng : “Tất cả thế gian có bốn thứ không : Một là chưa sinh ra gọi là không như khi viên bùn chưa có công dụng của cái bình. Hai là diệt rồi gọi là không như khi bình vỡ rồi thì đó gọi là không. Ba là đều khác lẫn nhau không như trong trâu không ngựa, trong ngựa không trâu. Bốn là rốt ráo gọi là không như sừng thỏ, lông rùa. Cha mẹ của chúng sinh cũng lại như vậy, đồng với bốn không này. Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sinh thì khi cha mẹ chết, con chẳng nhất định chết. Vậy nên cha mẹ chẳng phải nhân của chúng sinh”. Lại nghĩ rằng : “Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sinh thì nên nhân cha mẹ thường sinh ra chúng sinh. Nhưng mà lại có hóa sinh, thấp sinh. Vậy nên phải biết chẳng phải nhân cha mẹ sinh ra chúng sinh vậy”. Lại nghĩ rằng : “Tự có chúng sinh, chẳng phải nhân cha mẹ mà được sinh trưởng. Ví như chim Khổng tước (công) nghe tiếng sấm động mà liền được có thai. Lại như con sẻ xanh uống nước mắt con sẻ đực mà liền được có thai. Như loài chim mạng mạng (cộng mạng) thấy con trống thì múa mà liền được có thai”. Khi tác khởi những ý niệm này mà người ấy chẳng gặp thiện tri thức thì phải biết người đó có thể cắt đứt căn lành. Có người lại nghĩ rằng : “Tất cả thế gian không có quả báo thiện ác. Vì sao vậy ? Vì có những chúng sinh đủ mười thiện pháp, ưa bố thí, siêng tu công đức mà người này cũng lại bị bệnh tật, chết yểu, tài vật tổn thất, nhiều những ưu khổ. Có chúng sinh làm mười điều ác, san tham, tật đố, lười biếng, giải đãi, chẳng tu các điều thiện mà họ được thân yên không bệnh, sống lâu trọn đời, thừa thãi của báu, không các sầu khổ. Vậy nên phải biết là không có quả báo thiện ác”. Họ lại nghĩa rằng : “Ta cũng từng nghe các bậc Thánh nhân nói rằng, có người tu thiện khi mạng chung đọa vào ba đường ác, có người làm ác khi mạng chung được sinh lên cõi người, trời. Vậy nên phải biết là không quả báo thiện, ác”. Họ lại nghĩ rằng : “Tất cả Thánh nhân có hai lối nói, hoặc nói sát sinh được quả báo thiện, hoặc nói sát sinh được quả báo ác. Vậy nên phải biết lời nói của Thánh bất định (chẳng quyết định). Thánh nếu bất định thì ta làm sao định được ? Vậy nên phải biết là không quả báo thiện ác”. Họ lại nghĩ rằng : “ Tất cả thế gian không có Thánh nhân. Vì sao vậy ? Vì nếu nói là Thánh nhân thì nên được Chính đạo. Khi tất cả chúng sinh đầy đủ phiền não mà tu chính đạo thì phải biết là người tu đó đều có chính đạo và phiền não cùng một lúc. Nếu có cùng một lúc thì phải biết là chính đạo chẳng thể phá kết. Nếu không phiền não mà tu chính đạo thì như vậy sở tác của chính đạo là gì ? Vậy nên người đủ phiền não thì đạo chẳng thể hoại, chẳng đủ phiền não thì đạo vô dụng. Vậy nên phải biết là tất cả thế gian không có Thánh nhân”. Họ lại nghĩ rằng : “Vô minh duyên hành... cho đến sinh duyên lão tử, mười hai nhân duyên này, tất cả chúng sinh đều chung có. Tám Thánh đạo thì tính của chúng bình đẳng cũng nên như vậy : Khi một người được thì tất cả nên được, khi một người tu thì nên tất cả khổ diệt. Vì sao vậy ? Vì phiền não bình đẳng. Nhưng mà nay thì chẳng được. Vậy nên phải biết là không có Chính đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Thánh nhân đều có pháp đồng với phàm phu như là ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ nghỉ, vui cười, đói khát, nóng lạnh, ưu sầu, khủng bố... Nếu họ đồng với phàm phu trong những việc như vậy thì phải biết Thánh nhân chẳng được đạo Thánh. nếu được đạo Thánh thì các vị ấy cần phải cắt đứt vĩnh viễn những việc như vậy. Những việc như vậy mà các vị ấy chẳng cắt đứt thì phải biết không có Thánh đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Thánh nhân có thân hưởng thọ niềm vui năm dục, cũng lại nhục mạ đánh đập người, ganh ghét, kiêu mạn, chịu khổ vui, tạo tác nghiệp thiện ác... Do nhân duyên này nên biết không có Thánh nhân. nếu có đạo thì nên cắt đứt việc này. Việc này chẳng cắt đứt thì phải biết là không có đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Người nhiều lân mẫn thì gọi là Thánh nhân. Vì nhân duyên gì gọi là Thánh nhân ? Vì nhân duyên đạo nên gọi là Thánh nhân. Nếu tính của đạo là lân mẫn thì nên thương nghĩ đến tất cả chúng sinh chẳng đợi tu rồi nhiên hậu mới được. Như đạo ấy không lân mẫn thì vì sao Thánh nhân nhân được đao Thánh có thể lân mẫn vậy ? Vậy nên phải biết là đời không có Thánh đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Tất cả bốn đại chẳng từ nhân sinh mà chúng sinh đều có tính bốn đại này thì chẳng quan sát chúng sinh bên này nên đến, bên kia chẳng nên đến. Nếu có tính Thánh đạo thì nên như vậy. Nhưng mà nay chẳng vậy. Vậy nên phải biết là đời không có Thánh nhân”. Họ lại nghĩ rằng : “Nếu các Thánh nhân có một Niết Bàn thì phải biết là không có Thánh nhân. Vì sao vậy ? Vì chẳng thể được vậy. Theo lý của pháp thường trụ thì chẳng thể được, chẳng thể lấy hay bỏ (thủ xả). Nếu các Thánh nhân Niết Bàn nhiều thì tức là vô thường. Vì sao vậy ? Vì pháp có thể tính vậy. Niết Bàn nếu khi mỗi một người được thì tất cả nên được. Niết Bàn nếu nhiều thì tức là có biên mà biên (giới) thì làm sao gọi là Thường ? Nếu có người nói rằng, thể của Niết Bàn là một mà giải thoát thì nhiều như vòm miệng là một mà răng, lưỡi thì nhiều. Nghĩa lý này chẳng đúng ! Vì sao vậy? Vì mỗi một đều sở đắc riêng, chẳng phải tất cả được. Vì cũng có biên nên là ứng với vô thường. Nếu đã vô thường thì làm sao được gọi là Niết Bàn vậy ? Niết Bàn nếu không thì ai là Thánh nhân. Vậy nên phải biết là không có Thánh nhân”. Họ lại nghĩ rằng : “Đạo Thánh nhân chẳng phải nhân duyên được. Nếu đạo Thánh nhân chẳng phải nhân duyên được thì vì sao tất cả chẳng làm Thánh nhân? Nếu tất cả người chẳng phải Thánh nhân thì phải biết là không có Thánh nhân và cả Thánh đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Đức Thánh nói, chánh kiến có hai nhân duyên, một là từ người khác nghe pháp, hai là bên trong tự suy nghĩ. Hai nhân duyên này nếu từ duyên sinh ra thì cái chỗ từ đó sinh ra lại từ duyên sinh ra. Như vậy đắp đổi có đến vô cùng vậy. Còn nếu hai việc này chẳng từ duyên sinh ra thì tất cả chúng sinh vì sao chẳng được...”. Khi tác khởi những sự quan sát này thì có thể cắt đứt căn lành. Này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh thấy sâu không nhân, không quả như vậy thì người đó có thể cắt đứt Tín căn.v.v... năm căn. Này thiện nam tử ! Người cắt đứt căn lành chẳng phải là người thấp hèn ngu độn, cũng chẳng phải ở trong trời và ba đường ác. Kẻ phá tăng cũng vậy.

Bồ tát Ca Diếp bạch Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Người như vậy thì khi nào sẽ sanh trở lại thiện căn.

Đức Phật dạy :

- Này Thiện nam tử ! Người như vậy có hai trường hợp sinh trở lại thiện căn. Đó là khi mới vào dịa ngục và khi ra khỏi địa ngục.

Này thiện nam tử ! Thiện có ba thứ, quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu là quá khứ thì tánh của nó tự diệt. Nhân tuy diệt tận mà quả báo chưa chín, vậy nên không gọi là đoạn quả của quá khứ, đoạn nhân của ba đời, nên gọi là đoạn.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu đoạn nhân của ba đời thì gọi là đoạn thiện căn mà người đoạn thiện căn thì có Phật tính. Như vậy Phật tính chính là quá khứ hay chính là hiện tại hay chính là vị lai hay là khắp ba đời ? Nếu là quá khứ thì làm sao gọi là Thường ? Phật tính chính là Thường. Vậy nên phải biết chẳng phải là quá khứ. Nếu là vị lai thì làm sao gọi là Thường ? Vì sao đức Phật nói tất cả chúng sinh nhất định sẽ được ? Nếu nhất định được thì sao nói là đoạn ? Nếu là hiện tại thì làm sao lại thường ? Vì sao lại nói nhất định sẽ thấy ? Đức Như Lai cũng nói Phật tính có sáu, một là thường, hai là chân, ba là thật, bốn là thiện, năm là tịnh, sáu là khả kiến (có thể thấy). Nếu người đoạn thiện căn có Phật tính thì chẳng được gọi là đoạn thiện căn vậy. Nếu không Phật tính thì làm sao lại nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính ? Nếu nói rằng, Phật tính cũng có, cũng đoạn thì làm sao đức Như Lai lại nói là Thường ?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Như Lai Thế Tôn vì chúng sinh nên có bốn thứ đáp, một là định đáp, hai là phân biệt đáp, ba là tùy vấn đáp, bốn là trí (đặt để) đáp.

Này thiện nam tử ! Sao gọi là định đáp ? Nếu hỏi : Nghiệp ác được quả thiện hay quả bất thiện vậy ? Là nên quyết định đáp rằng, được quả bất thiện và thiện cũng như vậy mà đáp. Nếu hỏi : Như Lai có Nhất Thiết Trí không ? Là nên quyết định đáp rằng, chính là Nhất Thiết Trí. Nếu hỏi : Phật pháp chính là thanh tịnh chăng ? Là nên quyết định đáp rằng, nhất định thanh tịnh. Nếu hỏi : Đệ tử của Như Lai có đúng như pháp mà trụ không ? Là nên quyết định đáp rằng, có đúng như pháp mà trụ. Đó gọi là định đáp.

Sao gọi là phân biệt đáp ? Như lời nói về pháp bốn chân đế của ta. Những gì là bốn? - Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Sao gọi là Khổ đế ? Có tám khổ nên gọi là Khổ đế. Sao gọi là Tập đế ? Nhân của năm ấm nên gọi là Tập đế. Sao gọi là Diệt đế? Tham dục, sân, si hết rốt ráo nên gọi là Diệt đế. Sao gọi là Đạo đế ? Ba mươi bảy pháp trợ đạo gọi là Đạo đế. Đó gọi là phân biệt đáp.

Sao gọi là tùy vấn đáp ? Như lời ta nói, tất cả pháp vô thường. Lại có người hỏi rằng : “Đức Như Lai Thế Tôn vì pháp gì mà nói đến vô thường?”. Đáp rằng: “Như Lai vì pháp hữu vi nên nói vô thường”. Đối đáp về vô ngã cũng vậy. Như lời ta nói, tất cả pháp đốt cháy người khác. Lại hỏi rằng : “Đức Như Lai Thế Tôn vì pháp gì mà nói tất cả đốt cháy ?” Đáp rằng : “Như Lai vì tham, sân, si nên nói tất cả cháy”.

Này thiện nam tử ! Mười lực Như Lai, bốn Vô sở úy, đại Từ đại Bi, ba Niệm xứ, Thủ Lăng Nghiêm.v.v... tám muôn ức các tam muội môn, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp. Ngũ trí ấn.v.v... ba vạn năm ngàn các tam muội môn, Kim Cương định.v.v... bốn ngàn hai trăm các tam muội môn, phương tiện tam muội nhiều vô lượng vô biên.v.v... những pháp như vậy là Phật tính. Phật tính như vậy thì có bảy việc : Một là thường, hai là ngã, ba là lạc, bốn là tịnh, năm là chân, sáu là thật, bảy là thiện. Đó gọi là phân biệt đáp. Này thiện nam tử ! Phật tính của Bồ tát thân sau có sáu việc : Một là thường, hai là tịnh, ba là chân, bốn là thật, năm là thiện, sáu là ít thấy. Đó là phân biệt đáp. Như trước ông hỏi, người đoạn thiện căn có Phật tính thì người đó cũng có Phật tính Như Lai, cũng có Phật tính thân sau. Hai Phật tính này chướng ngại vị lai nên được gọi là không rốt ráo được, nên được gọi là có. Đó gọi là phân biệt đáp. Phật tính của Như Lai chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai. Phật tính của thân sau thì hiện tại, vị lai ít có thể thấy nên được gọi là hiện tại. Chưa thấy đủ nên gọi là vị lai. Khi Như Lai chưa được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì nhân của Phật tính cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai, còn quả thì chẳng vậy, có quả là ba đời, có quả chẳng phải ba đời. Nhân của Phật tính Bồ tát thân sau cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai và quả cũng như vậy. Đó gọi là phân biệt đáp. Phật tính của Bồ tát Cữu Trụ có sáu thứ. Một là thường, hai là thiện, ba là chân, bốn là thật, năm là tịnh, sáu là khả kiến. Nhân của Phật tính cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai và quả cũng như vậy. Đó gọi là phân biệt đáp. Phật tính của Bồ tát Bát Trụ xuống đến Lục Trụ có năm việc : Một là chân, hai là thật, ba là tịnh, bốn là thiện, năm là khả kiến. Nhân của Phật tính cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai và quả cũng như vậy. Đó gọi là phân biệt đáp. Phật tính của Bồ tát Ngũ Trụ xuống đến Sơ Trụ có năm việc : Một là chân, hai là thật, ba là tịnh, bốn là khả kiến, năm là thiện hay bất thiện. Này thiện nam tử ! Năm thứ Phật tính, sáu thứ Phật tính, bảy thứ Phật tính này thì người đoạn thiện căn nhất định sẽ được nên được nói rằng có. Đó gọi là phân biệt đáp.

Nếu có người nói rằng : “Người đoạn thiện căn thì quyết định có Phật tính hay quyết định không có Phật tính. Đó gọi là Trí đáp.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Con nghe mà không trả lời mới gọi là trí đáp. Ngày nay đức Như lai dùng nhân duyên gì để đáp mà gọi là trí đáp.

Này thiện nam tử ! Ta cũng không nói trí mà chẳng đáp, mới gọi là trí đáp.

Này thiện nam tử ! Như vậy trí đáp lại có hai thứ, một là chận đứng, hai là không để ý, theo nghĩa này nên gọi là trí đáp.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói thì sao gọi là Nhân cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai ? Quả cũng quá khứ, hiện tại, vị lai ? Chẳng phải là quá khứ, hiện tại, vị lai?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Năm ấm có hai thứ, một là nhân, hai là quả. Là nhân thì năm ấm là quá khứ, hiện tại, vị lai. Là quả thì năm ấm cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai và cũng chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai. Này thiện nam tử ! Kết sử của tất cả vô minh phiền não đều là Phật tính. Vì sao vậy? Vì nhân của Phật tính. Từ vô minh, hành... và các phiền não được năm ấm thiện thì đó gọi là Phật tính. Từ năm ấm thiện cho đến chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy nên ở trong Kinh, trước ta đã nói, Phật tính của chúng sinh như máu với sữa hoàn lẫn. Máu tức là vô minh, hành.v.v... tất cả phiền não. Sữa tức là năm ấm thiện vậy. Vậy nên ta nói, từ các phiền não và năm ấm thiện được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Như thân chúng sinh đều từ tinh huyết mà được thành tựu, Phật tính cũng vậy. Người Tu đà hoàn, người Tư đà hàm vì đoạn ít phiền não nên Phật tính như sữa. Phật tính của người A na hàm như cao sữa (lạc), của người A la hán giống như sinh tô (váng sữa sống), của hàng từ Bích Chi Phật cho đến Bồ tát Thập Trụ giống như thục tô (váng sữa chín). Phật tính của Như Lai giống như đề hồ. Này thiện nam tử ! Phiền não hiện tại vì làm chướng ngại nên khiến cho các chúng sinh chẳng được nhìn thấy. Như trong núi Hương có loại cỏ Nhẫn nhục mà chẳng phải tất cả trâu đều có thể được ăn, Phật tính cũng vậy. Đó gọi là phân biệt đáp.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Năm thứ, sáu thứ, bảy thứ Phật tính mà nếu vị lai có thì làm sao nói rằng, người đoạn thiện căn có Phật tính vậy ?.

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Như các chúng sinh có nghiệp quá khứ mà nhân nghiệp này nên chúng sinh hiện tại được thọ quả báo. Còn chúng sinh có nghiệp vị lai, do chưa sinh ra nên nhất định chẳng sinh ra quả báo. Có phiền não hiện tại hoặc không phiền não thì tất cả chúng sinh nên phải rõ ràng hiện thấy Phật tính. Vậy nên người đoạn thiện căn do nhân duyên phiền não đời hiện tại có thể cắt đứt căn lành. Những đời vị lai nhờ nhân duyên của lực Phật tính nên trở lại sinh ra thiện căn. Bồ tát Ca Diếp bạch rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Vị lai làm sao có thể sinh ra thiện căn ?

- Này thiện nam tử ! Giống như đèn và mặt trời tuy lại chưa sinh ra nhưng cũng có thể phá bóng tối, sự sinh của vị lai có thể sinh ra chúng sinh. Phật tính vị lai cũng lại như vậy. Đó gọi là phân biệt đáp.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu nói năm ấm là Phật tính thì làm sao nói rằng, Phật tính của chúng sinh chẳng phải trong, chẳng phải ngoài?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Vì nhân duyên gì mà ông mất ý như vậy ? Ta trước chẳng đã nói Phật tính của chúng sinh là trung đạo đó sao ?

Ngài Ca Diếp bạch rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Con thật chẳng mất ý ! Nhưng do việc chúng sinh ở trung đạo này, con chẳng thể lý giải nên hỏi vấn đề ấy thôi !

- Này thiện nam tử ! Chúng sinh chẳng hiểu tức là trung đạo : Hoặc khi có hiểu, hoặc có chẳng hiểu ! Này thiện nam tử ! Ta vì chúng sinh được khai giải mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong, chẳng phải ngoài. Vì sao vậy ? Vì chúng sinh phàm phu hoặc nói rằng, Phật tính trụ ở trong năm ấm như trong đồ đựng có trái cây. Hoặc nói rằng, lìa khỏi năm ấm có Phật tính giống như hư không. Vậy nên Như Lai nói ở trung đạo, Phật tính chẳng phải trong sáu nhập chẳng phải ngoài sáu nhập mà trong ngoài hợp lại nên gọi là trung đạo. Vậy nên Như Lai tuyên nói Phật tính tức là Trung đạo, chẳng phải trong chẳng phải ngoài nên gọi là Trung đạo. Đó gọi là phân biệt đáp.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là chẳng phải trong chẳng phải ngoài ? Này thiện nam tử ! Hoặc nói rằng, Phật tính tức là ngoại đạo. Vì sao vậy ? Vì Đại Bồ tát ở vô lượng kiếp, ở tại trong ngoại đạo, cắt đứt các phiền não, điều phục lòng mình, giáo hóa chúng sinh rồi nhiên hậu mới được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do đó Phật tính tức là ngoại đạo. Hoặc nói rằng, Phật tính tức là nội đạo. Vì sao vậy ? Vì Bồ tát tuy ở trong vô lượng kiếp, tu tập ngoại đạo nhưng nếu lìa khỏi nội đạo thì chẳng thể được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do đó Phật tính tức là nội đạo. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này mà nói rằng, Phật tánh chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng gọi là trong ngoài, gọi là Trung đạo. Đó gọi là phân biệt đáp.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Hoặc nói rằng, Phật tính tức là thân Như Lai Kim Cương với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Vì sao vậy ? Vì chẳng hư dối vậy. Hoặc nói rằng, Phật tính tức là Mười lực, bốn Vô sở úy, Đại từ Đại bi và bốn Niệm xứ, Thủ Lăng Nghiêm.v.v... tất cả tam muội. Vì sao vậy? Vì nhân tam muội này mà sinh ra thân Kim Cương ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng gọi là trong ngoài, gọi là Trung đạo. Đó gọi là phân biệt đáp.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Hoặc có người nói rằng, Phật tính tức là bên trong tư duy tốt. Vì sao vậy ? Vì lìa khỏi tư duy tốt (thiện) thì chẳng thể được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy nên Phật tính tức là bên trong tư duy tốt. Hoặc có người nói rằng, Phật tính tức là theo người khác nghe pháp. Vì sao vậy ? Vì theo người khác nghe pháp thì có thể bên trong tư duy tốt. Nếu chẳng nghe pháp thì không có tư duy. Do đó Phật tính tức là theo người khác nghe pháp. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này (hai bên) mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng gọi là nội ngoại, gọi là Trung đạo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Lại có người nói rằng, Phật tính là ngoài như là Đàn Balamật mà từ Đàn Balamật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do đó nói rằng, Đàn Balamật tức là Phật tính. Hoặc có người nói rằng, Phật tính là trong như là năm Balamật (còn lại). Vì sao vậy ? Vì lìa khỏi năm việc này thì phải biết là không có nhân quả Phật tính. Do đó nói rằng, năm Balamật tức là Phật tính. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng trong cũng ngoài. Đó gọi là Trung đạo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Hoặc có người nói rằng, Phật tính ở trong ví như viên ngọc báu trên trán người lực sĩ. Vì sao vậy ? Vì Thường Lạc Ngã Tịnh như viên ngọc báu. Do đó nói rằng, Phật tính ở bên trong. Hoặc có người nói rằng, Phật tính ở bên ngoài như bảo tàng của người nghèo. Vì sao vậy ? Vì do phương tiện nên mới được thấy. Phật tính cũng vậy, ở bên ngoài chúng sinh, phải dùng phương tiện mới được thấy nó. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng trong cũng ngoài. Đó gọi là Trung đạo.

Này thiện nam tử ! Phật tính của chúng sinh chẳng phải có chẳng phải không. Sở dĩ vì sao ? Vì Phật tính tuy có nhưng chẳng phải như hư không. Vì sao vậy ? Vì hư không của thế gian tuy dùng vô lượng phương tiện khéo léo nhưng chẳng thể được thấy mà Phật tính có thể thấy. Vậy nên tuy có nhưng chẳng phải như hư không. Phật tính tuy không nhưng chẳng đồng với sừng thỏ. Vì sao vậy ? Vì lông rùa, sừng thỏ tuy dùng vô lượng phương tiện khéo léo vẫn chẳng thể được sinh ra mà Phật tính có thể sinh ra. Vậy nên Phật tính tuy không nhưng chẳng đồng với sừng thỏ. Vậy nên Phật tính chẳng phải có chẳng phải không mà cũng có cũng không. Sao gọi là có ? Tất cả đều có ! Những chúng sinh này chẳng đoạn, chẳng diệt như ngọn đèn cháy sáng, cho đến được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó gọi là có. Sao gọi là không? Tất cả chúng sinh hiện tại chưa có tất cả Phật pháp Thường Lạc Ngã Tịnh. Vậy nên gọi là không. Có không hợp lại nên tức là Trng đạo. Vậy nên Phật nói rằng, Phật tính của chúng sinh chẳng phải có chẳng phải không. Này thiện nam tử ! Nếu có người hỏi rằng : “Trong chủng tử này có quả hay không có quả vậy ?” thì nên quyết định đáp rằng : “Cũng có cũng không !” Vì sao vậy ? Vì lìa khỏi chủng tử ra thì chẳng thể sinh ra quả. Vậy nên gọi là có. Chủng tử chưa mọc mầm nên gọi là không. Do nghĩa này nên cũng có cũng không. Sở dĩ vì sao? Vì thời tiết có khác nhưng thể ấy là một. Phật tính của chúng sinh cũng lại như vậy. Nếu nói rằng, trong chúng sinh có Phật tính riêng khác thì nghĩa đó chẳng đúng. Vì sao vậy ? Vì chúng sinh tức là Phật tính, Phật tính tức là chúng sinh mà những do thời tiết khác mà có tịnh hay bất tịnh. Này thiện nam tử ! Nếu có người hỏi rằng : “Hạt giống này có thể sinh ra quả không ? Quả này có thể sinh ra hạt không ?” Thì nên quyết định đáp rằng : “Cũng sinh, cũng chẳng sinh !”

- Thưa đức Thế Tôn ! Như người đời nói trong sữa có cao sữa (lạc), thì nghĩa đó ra sao ?

- Này thiện nam tử ! Nếu có người nói rằng, trong sữa có cao sữa thì đó gọi là chấp trước. Nếu nói không có cao sữa thì gọi là hư vọng. Lìa khỏi hai việc này thì nên quyết định nói rằng, cũng có cũng không. Vì sao gọi là có ? Vì từ sữa sinh ra cao sữa. Nhân tức là sữa, quả tức là cao sữa. Đó gọi là có. Sao gọi là không ? Sắc vị đều khác, cách dùng chẳng đồng : Bệnh nóng uống sữa, bệnh lạnh uống cao sữa. Sữa sinh ra bệnh lạnh, cao sữa sinh ra bệnh nóng. Này thiện nam tử ! Nếu nói trong sữa có tính của cao sữa thì sữa tức là cao sữa, cao sữa tức là sữa. Nếu tính của chúng là một thì vì nhân duyên gì sữa xuất hiện trước mà cao sữa chẳng sinh ra trước ? Nếu có nhân duyên thì tất cả người đời vì sao chẳng nói Còn nếu không nhân duyên thì vì sao cao sữa chẳng xuất hiện trước ? Nếu cao sữa chẳng xuất hiện trước thì ai tạo tác theo thứ lớp sữa, cao sữa, váng sữa sống, váng sữa chín, đề hồ ? Vậy nên biết là, cao sữa trước không nay có. Nếu trước không nay có thì tức là pháp vô thường. Này thiện nam tử ! Nếu có người nói rằng, sữa có tính cao sữa nên có thể sinh ra cao sữa. Nước không tính của cao sữa nên chẳng sinh ra cao sữa, thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy ? Vì nước và cỏ cũng có tính của sữa và cao sữa. Sở dĩ vì sao ? Vì nhân nước và cỏ thì sinh ra sữa và cao sữa. Nếu nói trong sữa quyết định có tính của cao sữa mà nước và cỏ không thì đó gọi là hư vọng. Vì sao vậy ? Vì lòng chẳng bình đẳng nên nói hư vọng. Này thiện nam tử ! Nếu nói trong sữa quyết định có cao sữa thì trong cao sữa cũng nên quyết định có tính của sữa. Vậy vì nhân duyên gì trong sữa sinh ra cao sữa mà trong cao sữa chẳng sinh ra sữa ? Nếu không nhân duyên thì phải biết là cao sữa trước không nay có. Vậy nên người trí nên nói rằng, trong sữa chẳng phải có tính của cao sữa, chẳng phải không tính của cao sữa. Này thiện nam tử ! Vậy nên Như Lai, ở trong kinh, nói lời như vầy : “Tất cả chúng sinh quyết có Phật tính”. Đó gọi là đắm trước. Nếu nói không Phật tính thì đó gọi là hư vọng. Người trí nên nói Phật tính của chúng sinh cũng có cũng không.

Này thiện nam tử ! Bốn việc hòa hợp sinh ra nhãn thức. Những gì là bốn ? Đó là mắt, sắc, ánh sáng và dục. Tính của nhãn thức này chẳng phải mắt, chẳng phải sắc, chẳng phải ánh sáng, chẳng phải dục mà từ sự hòa hợp nên liền được sinh ra. Như vậy nhãn thức trước không nay có mà có rồi lại hoàn không. Vậy nên phải biết không có bản tính. Tính của cao sữa trong sữa cũng lại như vậy. Nếu có người nói rằng, nước không tính của cao sữa nên chẳng sinh ra cao sữa vậy nên trong sữa quyết định có tính của cao sữa thì nghĩa này chẳng đúng! Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Vì tất cả các pháp khác nhân khác quả, cũng chẳng phải một nhân sinh tất cả quả, chẳng phải tất cả quả từ một nhân sinh ra. Này thiện nam tử ! Như từ bốn việc sinh ra nhãn thức thì chẳng thể lại nói từ bốn việc này ứng sinh ra nhĩ thức. Này thiện nam tử ! Lìa khỏi phương diện, trong sữa được cao sữa, cao sữa sinh ra váng sữa chăng ? Hay được như vậy cần phải có phương tiện ? Này thiện nam tử ! Kẻ trí chẳng thể thấy, lìa khỏi phương tiện mà từ sữa được cao sữa nghĩa là được sinh ra tô cũng nên lìa khỏi phương tiện như vậy để được ! Này thiện nam tử ! Vậy nên, ở trong kinh này, ta nói : Nhân sinh nên pháp có, nhân diệt nên pháp diệt ! Này thiện nam tử ! Như tính của muối là mặn, có thể khiến cho chẳng phải mặn hay khiến cho mặn. Nếu vật chẳng phải mặn trước có tính mặn thì người đời vì sao lại cầu mặn vậy ? Nếu trước không tính mặn thì phải biết là trước không nay có, do duyên khác mà được mặn vậy. Nếu nói tất cả vật chẳng mặn đều có tính mặn mà vì nhỏ nên chẳng biết nên do tính mặn nhỏ này có thể khiến cho mặn. Nếu vốn không tính mặn thì tuy lại có muối nhưng chẳng thể khiến cho nó mặn được. Ví như hạt giống tự có bốn đại duyên với bốn đại bên ngoài mà được tăng trưởng mầm chồi, thân cây, cành lá. Tính của muối cũng vậy thì nghĩa này không đúng. Vì sao vậy ? Vì vật chẳng mặn trước có tính mặn thì muối cũng nên có tính chẳng mặn nhỏ. Muối này nếu có hai tính như vậy thì vì nhân duyên gì mà lìa khỏi vật chẳng mặn, chẳng thể một mình dùng? Vậy nên biết là muối vốn không hai tính. Như muối tất cả vật chẳng mặn cũng lại như vậy. Nếu nói ngoài bốn đại chủng bên ngoài, sức hạt giống có thể tăng trưởng bốn đại bên trong thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy ? Vì nói theo thứ lớp vậy. Chẳng từ phương tiện mà trong sữa được cao sữa, rồi sinh váng sữa cho đến tất cả các pháp đều như vậy, chẳng phải do phương tiện mà được. Bốn đại cũng lại như vậy. Nếu nói từ bốn đại bên ngoài tăng trưởng bốn đại bên trong, chẳng thấy từ bốn đại bên trong tăng trưởng bốn đại bên ngoài. Như trái cây Thi Lợi Sa, trước không hình chất nhưng khi có sao Mão thì trái sinh ra lớn đủ năm tấc (thốn). Quả (trái) như vậy thì thật chẳng nhân vào bốn đại bên ngoài mà lớn.

Này thiện nam tử ! Như lời ta nói, mười hai bộ Kinh, hoặc ta theo ý mình mà nói, hoặc theo ý người khác mà nói, hoặc theo ý mình và ý người mà nói.

Sao gọi là theo ý mình nói ? Như năm trăm vị Tỳkheo hỏi ông Xá Lợi Phất : “Thưa đại đức ! Đức Phật nói, nhân của thân là gì đó vậy ?”. Ông Xá Lợi Phất nói rằng : “Này các Đại đức ! Các ông cũng đều được Chánh giải thoát thì tự nên biết ! Vì duyên gì mới hỏi như vậy ?”. Có Tỳkheo nói rằng : “Thưa Đại đức ! Khi tôi chưa chứng được Chánh Giải thoát thì cho là Ý vô minh tức là nhân của thân. Khi tôi tạo tác sự quan sát này thì được quả A la hán”. Lại có Tỳkheo nói rằng : “Thưa Đại đức ! Khi tôi chưa chứng được giải thoát chân chính thì cho là Ái vô minh tức là nhân của thân. Khi tôi tác khởi sự quan sát này thì được quả A la hán. Hoặc có vị nói rằng, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, ẩm thực, ngũ dục... tức là nhân của thân. Lúc bấy giờ năm trăm vị Tỳkheo, mỗi mỗi đều tự nói sự hiểu biết của mình, rồi cùng chung đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân của đức Phật, đi quanh về bên phải ba vòng. Lễ bái xong rồi họ lui về ngồi một bên, đều đem ý nghĩa hiểu biết của mình như trên, hướng về đức Phật mà nói. Ngài Xá Lợi Phất bạch đức Phật rằng: “Thưa đức Thế Tôn ! Những người như vậy thì ai nói đúng ? Ai nói chẳng đúng ?”. Phật bảo rằng : “ Này Xá Lợi Phất ! Hay thay ! Hay thay ! Mỗi một vị Tỳkheo đâu chẳng phải chánh thuyết !”. Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng : “Thưa đức Thế Tôn ! Ý đức Phật thế nào ?”. Phật dạy rằng : “Này Xá Lợi Phất ! Ta vì chúng sinh cõi Dục nói rằng, cha mẹ tức là nhân của thân !”. Những kinh như vậy gọi là theo ý của mình mà nói.

Sao gọi là theo ý người khác nói ? Như ông trưởng giả Ba Sấc La đi đến chỗ của ta nói lên rằng : “Thưa ngài Cù Đàm ! Ngài biết huyễn không ? Nếu ngài biết huyễn thì tức là người đại huyễn. Nếu ngài chẳng biết thì chẳng phải Nhất Thiết Trí !”. Ta nói rằng : “Này ông trưởng giả ! Người biết huyễn gọi là người huyễn sao ?” Ông trưởng giả nói rằng : “Hay thay ! Hay thay ! Người biết huyễn tức là người huyễn!” Phật nói rằng : “Này ông trưởng giả ! Bên trong nước Xá Vệ, vua Ba Tư Nặc, có người Chiên đà la tên là Khí Hư. Ông có biết không ?” Ông trưởng giả đáp rằng : “Thưa ông Cù Đàm ! Tôi biết ông đó đã lâu !” Đức Phật nói rằng : “Ông biết lâu thì có thể trở thành Chiên đà la không ?”. Ông trưởng giả nói rằng : “Thưa ông Cù Đàm ! Tôi tuy biết người Chiên đà la đó nhưng thân này của tôi chẳng phải Chiên đà la !”. Đức Phật nói rằng : “Này ông trưởng giả ! Ông được nghĩa này, biết Chiên đà la thì chẳng phải là Chiên đà la. Ta nay vì sao chẳng được biết huyễn mà chẳng phải huyễn ư ? Này ông trưởng giả ! Ta thật biết huyễn, biết người huyễn, biết quả báo huyễn, biết kỹ thuật huyễn. Ta biết giết, biết giết người, biết giết quả báo, biết giết giải thoát... cho đến biết tà kiến, biết người tà kiến, biết quả báo tà kiến, biết giải thoát tà kiến. Này ông trưởng giả ! Nếu nói người chẳng phải huyễn gọi là người huyễn, người chẳng phải tà kiến nói là người tà kiến thì bị tội không lường”. Ông trưởng giả nói rằng : “Thưa ông Cù Đàm ! Như lời ông nói thì tôi bị tội lớn. Sở hữu của tôi hôm nay đều đem dâng lên ngài, mong ngài chớ cho vua Ba Tư Nặc kia biết việc này của tôi !”. Đức Phật nói rằng : “Này ông trưởng giả ! Nhân duyên của tội đó chẳng nhất định mất của cải mà còn sẽ nhân đó bị rơi vào ba đường ác!”. Khi đó ông trưởng giả nghe đến tên ác đạo thì lòng sinh kinh sợ mà bạch Phật rằng : “Thưa đức Thánh nhân ! Tôi nay thất ý chuốc lấy tội lớn ! Thưa đức Thánh nhân ! Ngài nay chính là đấng Nhất Thiết Trí nên phải biết rõ, chứng được giải thoát ! Tôi phải làm sao để được thoát khỏi địa ngục, ngã quỉ, súc sinh ?”. Bấy giờ ta vì ông đó nói bốn chân đế. Ông trưởng giả nghe rồi thì được quả Tu đà hoàn, lòng sinh tàm quí (xấu hổ), hướng về đức Phật sám hối rằng : “Con vốn ngu si, đức Phật chẳng phải người huyễn mà nói là huyễn ! Con từ hôm nay quy y Tam bảo !”. Phật dạy rằng : “Hay thay ! Hay thay ! Này ông trưởng giả !” Đó gọi là theo ý người khác nói.

Sao gọi là theo ý mình ý người khác nói ? Như lời ta nói, tất cả kẻ trí của thế gian nói Có thì ta cũng nói Có. Kẻ trí nói Không thì ta cũng nói Không. Người trí thế gian nói năm dục lạc có vô thường, khổ, vô ngã, có thể đoạn thì ta cũng nói là Có. Người trí thế gian nói năm dục lạc có Thường ngã tịnh, không có điều đó. Ta cũng nói như vậy, không có điều đó. Đó gọi là theo ý mình ý người mà nói. Này thiện nam tử ! Như lời ta nói, Bồ tát Thập Trụ thấy ít Phật tính. Đó gọi là theo ý người khác nói. Vì sao gọi là thấy ít ? Vì Bồ tát Thập Trụ được Thủ Lăng Nghiêm tam muội.v.v... ba ngàn pháp môn. Vậy nên tự biết rõ ràng họ sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà chẳng thấy tất cả chúng sinh quyết định được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy nên ta nói, Bồ tát Thập Trụ thấy phần ít Phật tính. Này thiện nam tử ! Ta thường tuy nói rằng, “tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Đó gọi là theo ý mình nói. “Tất cả chúng sinh chẳng đoạn chẳng diệt... cho đến được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Đó gọi là theo ý mình nói. “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, vì phiền não che nên chẳng thể được thấy”, ta nói như vậy, ông nói cũng vậy. Đó gọi là theo ý mình ý người mà nói.

Này thiện nam tử ! Như Lai, hoặc khi vì một pháp nên nói vô lượng pháp, như trong Kinh nói, tất cả Phạm hạnh nhân Thiện tri thức. Nhân của tất cả phạm hạnh tuy không lường, nhưng nói Thiện tri thức thì đã thu nhiếp hết. Như lời ta nói, tất cả ác hạnh thì tà kiến là nhân. Nhân của tất cả ác hạnh tuy không lường nhưng nếu nói tà kiến thì đã thâu nhiếp hết. Hoặc nói : Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác lấy tín tâm làm nhân. Nhân của Bồ Đề này tuy lại không lường nhưng nếu nói tín tâm thì đã thâu nhiếp hết. Này thiện nam tử ! Như Lai tuy nói vô lượng những pháp lấy làm Phật tính, nhưng chẳng lìa khỏi ấm nhập và giới (năm ấm, sáu nhập, mười tám giới) vậy.

Này thiện nam tử ! Như Lai nói pháp vì chúng sinh nên có bảy thứ lời nói (ngữ) : Một là nhân ngữ, hai là quả ngữ, ba là nhân quả ngữ, bốn là dụ ngữ, năm là bất ứng thuyết ngữ (lời chẳng nên nói), sáu là thế lưu bố ngữ (lời lưu bố ở đời), bảy là như ý ngữ.

Sao gọi là nhân ngữ ? Trong nhân hiện tại nói quả vị lai. Như lời ta nói : “Này thiện nam tử ! Ông thấy chúng sinh ưa giết hại cho đến ưa hành tà kiến, thì phải biết là người đó tức là người của địa ngục. Này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh chẳng ưa giết hại... cho đến tà kiến thì phải biết người đó tức là người trời. Đó gọi là nhân ngữ.

Sao gọi là quả ngữ ? Trong quả hiện tại nói nhân quá khứ. Như trong Kinh nói rằng : “Này thiện nam tử ! Như ông đã thấy, chúng sinh nghèo cùng, hình dung xấu xí, chẳng được tự tại, thì phải biết người đó quyết định có phá giới, lòng tật đố, lòng sân hận, lòng không tàm quí. Nếu thấy chúng sinh nhiều của cải, giàu to, các căn đầy đủ, uy đức tự tại thì phải biết người đó có trì giới, bố thí, tinh cần, tàm quí, không có tật đố, sân hận”. Đó gọi là quả ngữ.

Sao gọi là nhân quả ngữ ? Như trong Kinh nói rằng : “Này thiện nam tử ! Nhân tiếp xúc sáu nhập của chúng sinh hiện tại thì đó gọi là nghiệp quả quá khứ. Như Lai cũng nói, tên đó là nghiệp. Nhân duyên của nghiệp nay được quả vị lai. Đó gọi là nhân quả ngữ.

Sao gọi là dụ ngữ ? Như nói : Vua Sư Tử thì tức là dụ cho thân ta. Đại Tượng vương, Đại Long vương, cây Ba lợi chất đa la, Thất bảo tụ, Đại hải, Tu Di sơn, Đại địa, mưa lớn, Thuyền sư, Đạo sư, Điều ngự, Trượng phu, Lực sĩ, Ngưu Vương, Bà la môn, Sa môn, Đại thành, cây Đa la.v.v... những dụ như vậy, Kinh gọi là Dụ ngữ.

Sao gọi là Bất ứng ngữ ? - Trong Kinh ta nói : “Trời đất có thể hợp lại, sông chẳng chảy vào biển”. Như vì vua Ba Tư Nặc nói rằng : “Bốn phương núi đến !” Như vì Ưu bà di Lộc Mẫu (mẹ nai) nói rằng : “Nếu cây Ta La có thể thọ tám giới thì được thọ hưởng niềm vui của người trời !” Như nói : “Thà nói Bồ tát Thập Trụ có lòng thoái chuyển, chẳng nói Như Lai có hai thứ lời nói. Thà nói người Tu đà hoàn đọa ba đường ác, chẳng nói Bồ tát Thập trụ có lòng thoái chuyển”. Đó gọi là bất ứng ngữ.

Sao gọi là thế lưu bố ngữ ? - Như lời Phật nói : Trai gái, lớn nhỏ, đi lại ngồi nằm, xe cộ, phòng xá, bình, áo, chúng sinh, Thường Lạc Ngã Tịnh, quân đội, rừng, thành, ấp, huyễn hóa, hợp tan... Đó gọi là thế lưu bố ngữ.

Sao gọi là như ý ngữ ? Như ta quở trách người hủy cấm khiến cho người đó tự trách mà hộ trì cấm giới. Như ta khen ngợi người Tu đà hoàn khiến cho các phàm phu sinh ra lòng thiện. Ta khen ngợi Bồ tát khiến cho chúng sinh phát tâm Bồ Đề. Ta nói sự khổ não của ba đường ác vì khiến mọi người tu tập các pháp thiện. Ta nói tất cả đốt cháy là chỗ vì tất cả pháp hữu và vô ngã cũng vậy. Ta nói, các chúng sinh đều có Phật tính là vì khiến cho tất cả chẳng buông lung (phóng dật). Đó gọi là Như Ý ngữ.

Này thiện nam tử ! Như Lai lại có lời nói theo ý mình : Phật tính của Như Lai thì có hai thứ, một là có, hai là không. Có thì nghĩa là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười lực, bốn vô sở úy, ba niệm xứ, Đại từ Đại bi, Thủ lăng nghiêm.v.v... vô lượng tam muội, Kim cương.v.v... vô lượng tam muội, phương tiện.v.v... Vô lượng tam muội Ngũ trí ấn.v.v... vô lượng tam muội. Đó gọi là Có. Không thì nghĩa là các thiện, chẳng thiện, vô ký quá khứ của Như Lai, nghiệp nhân quả báo, phiền não, năm ấm, mười hai nhân duyên. Đó gọi là không.

Này thiện nam tử ! Như có không, thiện chẳng thiện, có lậu không lậu, thế gian chẳng phải thế gian, Thánh chẳng phải Thánh, hữu vi vô vi, thật chẳng thật, tịch tịnh chẳng phải tịnh tịnh, tranh (cãi) chẳng phải tranh, cõi chẳng phải cõi, phiền não chẳng phải phiền não, thủ (lấy) chẳng phải thủ, thọ ký chẳng phải thọ ký, có chẳng phải có, ba đời chẳng phải ba đời, thời chẳng phải thời, thường vô thường, ngã vô ngã, lạc vô lạc, tịnh vô tịnh, sắc thọ tưởng hành thức chẳng phải sắc thọ tưởng hành thức, nội nhập chẳng phải nội nhập, ngoại nhập chẳng phải ngoại nhập, mười hai nhân duyên chẳng phải mười hai nhân duyên. Đó gọi là Có Không của Phật tính Như Lai... cho đến Phật tính của nhất xiển đề có không cũng lại như vậy.

Này thiện nam tử ! Ta tuy nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính mà chúng sinh chẳng lý giải được những lời nói theo ý mình như vậy của đức Phật.

Này thiện nam tử ! Những lời nói như vậy thì Bồ tát thân sau còn chẳng thể lý giải huống là đối với hàng nhị thừa và các hạng Bồ tát còn lại. Này thiện nam tử ! Một lúc xưa, ta ở tại núi Kỳ Xà Quật, cùng với Bồ tát Di Lặc chung luận bàn thế đế. Ông Xá Lợi Phất.v.v...năm trăm Thanh Văn đối với việc này đều chẳng hay biết, huống gì là Đệ nhất nghĩa đế của đạo Xuất thế.

Này thiện nam tử ! Hoặc có Phật tính mà nhất xiển đề thì có, người thiện căn thì không. Hoặc có Phật tính mà người thiện căn có, nhất xiển đề không. Hoặc có Phật tính mà cả hai người đều có. Hoặc có Phật tính mà cả hai người đều không.

Này thiện nam tử ! Các đệ tử của ta nếu lý giải được ý nghĩa của bốn câu như vậy thì chẳng nên nạn vấn rằng, người nhất xiển đề quyết định có Phật tính, quyết định không Phật tính. Nếu nói chúng sinh đều có Phật tính thì đó gọi là tùy tự ý ngữ của Như Lai. Tùy tự ý ngữ như vậy của Như Lai thì chúng sinh làm sao lý giải một hướng được ?

Này thiện nam tử ! Như trong sông Hằng có bảy chúng sinh : Một là thường chìm, hai là tạm ra rồi trở lại chìm, ba là ra rồi thì trụ lại, bốn là ra rồi quan sát khắp bốn phương, năm là quan sát khắp rồi đi, sáu là đi rồi lại trụ, bảy là trên nước trên đất đều đi. Rằng chúng sinh thường chìm là gọi loài cá lớn thọ nghiệp ác lớn, thân nặng ở sâu. Vậy nên thường chìm. Chúng sinh tạm ra rồi chìm trở lại là loài cá lớn thọ ác nghiệp, thân nặng ở cạn, tạm thấy ánh sáng. Nhân ánh sáng nên nó tạm ra nhưng vì nặng nên trở lại chìm. Chúng sinh ra rồi liền trụ là gọi loài cá Chỉ Di, thân ở nước cạn, ưa thấy ánh sáng nên ra rồi trụ lại. Chúng sinh trụ lại nhìn khắp bốn phương là gọi loài cá tích vì kiếm tìm đồ ăn nên quan sát khắp bốn phương. Chúng sinh quan sát rồi đi là gọi loài cá tích từ xa thấy vật khác cho là có thể ăn nên mau chóng đi đến đó. Chúng sinh quan sát rồi đi, đi rồi lại trụ là loài cá này đi đến rồi, đã được mồi có thể ăn thì liền dừng lại nên gọi là đi rồi lại trụ. Chúng sinh trên nước, đất đều đi thì tức là loài rùa.

Này thiện nam tử ! Dòng sông Đại Niết Bàn vi diệu như vậy, trong sông ấy cũng có bảy thứ chúng sinh : từ loài đầu tiên thường chìm cho đến loài thứ bảy hoặc vào hoặc ra. Nói rằng, thường chìm là có người nghe Kinh Đại Niết Bàn này, Như Lai thường trụ không có biến dịch, Thường Lạc Ngã Tịnh, nhất định chẳng rốt ráo vào Niết Bàn, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, người nhất xiển đề bài báng Kinh Phương Đẳng, tạo tội ngũ nghịch phạm bốn trọng cấm nhất định sẽ được thành đạo Bồ Đề, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích Chi Phật.v.v... nhất định sẽ được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác... Nghe những lời nói này rồi, họ sinh ra lòng bất tín liền tác khởi ý niệm này. Tác khởi ý niệm này rồi thì họ liền nói rằng : “Kinh điển Niết Bàn này là sách ngoại đạo, chẳng phải là Kinh Phật”. Người này, bấy giờ xa lìa bạn tốt, chẳng nghe chính pháp. Tuy có lúc họ được nghe nhưng chẳng thể tư duy. Tuy họ lại tư duy nhưng chẳng tư duy thiện mà chẳng tư duy thiện nên như trụ ở ác pháp. Người trụ ở ác pháp có sáu thứ : Một là ác, hai là không thiện, ba là làm bẩn pháp, bốn là thêm có, năm là não nhiệt, sáu là thọ quả báo ác. Đó gọi là chìm. Vì sao gọi là chìm ? Vì không lòng thiện, thường làm ác, chẳng tu đối trị. Đó gọi là chìm. Sở dĩ gọi rằng ác là bị thánh nhân quở trách, lòng sinh bố úy, người thiện xa lìa chẳng ích chúng sinh. Đó gọi là ác. Nói rằng không thiện thì có thể sinh ra vô lượng quả báo ác, thường bị sự trói buộc nhiễu loạn của vô minh, ưa cùng người ác làm bạn bè, không có tu các phương tiện tốt, lòng họ điên đảo thường lầm lẫn. Đó gọi là không thiện. Nói rằng làm bẩn pháp tức là thường làm bẩn thân miệng, làm bẩn chúng sinh thanh tịnh, tăng thêm nghiệp bất thiện, xa lìa thiện pháp. Đó gọi là ô pháp. Nói rằng, tăng hữu (thêm có) tức là như pháp sở hành của ba người trên, có thể tăng thêm địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, chẳng thể tu tập pháp giải thoát, nghiệp thân miệng ý chẳng chán các hữu. Đó gọi là tăng hữu. Nói rằng, người não nhiệt thì tức là người làm đủ bốn việc như trên có thể khiến cho thân tâm có hai việc phiền não. Xa lìa tịch tịnh thì gọi là nhiệt. Thọ quả báo địa ngục nên gọi là nhiệt. Đốt cháy các chúng sinh nên gọi là nhiệt. Đốt cháy các thiện pháp nên gọi là nhiệt. Này thiện nam tử ! Lòng tin thanh lương thì người này chẳng đủ. Vậy nên gọi là nhiệt. Nói rằng, người thọ quả báo ác thì tức là người đầy đủ năm việc trên, chết đọa vào địa ngục, ngã quỉ, súc sinh. Này thiện nam tử ! Có ba việc ác, lại gọi là quả báo ác : Một là phiền não ác, hai là nghiệp ác, ba là báo ác. Đó gọi là thọ quả báo ác. Này thiện nam tử ! Người này đầy đủ sáu việc như trên thì có thể cắt đứt căn lành, tạo tác năm tội nghịch, có thể phạm bốn trọng cấm, có thể bài báng Tam Bảo, sử dụng vật của chúng Tăng, có thể làm đủ thứ việc phi pháp. Do nhân duyên này nên họ chìm đắm ở tại địa ngục A tỳ, phải thọ thân hình dọc ngang tám vạn bốn ngàn do diên. Nghiệp thân, miệng tâm của người này nặng nên chẳng thể được ra. Vì sao vậy ? Vì tâm người ấy chẳng thể sinh ra thiện pháp nên tuy có vô lượng những đức Phật ra đời mà họ chẳng nghe chẳng thấy nên gọi là thường chìm mất như con cá lớn trong dòng sông Hằng.

Này thiện nam tử ! Ta tuy nói nhất xiển đề.v.v... gọi là thường mất nhưng lại có người thường chìm mất chẳng phải nhất xiển đề. Đó là ai vậy? Như người vì có tu Thí, Giới, Thiện. Đó gọi là thường chìm mất.

Này thiện nam tử ! Có bốn việc thiện mà gặt lấy quả ác. Những gì là bốn ? Một là vì thắng người khác nên dọc tụng kinh điển, hai là vì lợi dưỡng nên thọ trì cấm giới, ba là vì lệ thuộc người khác mà làm bố thí, bốn là vì Phi tưởng phi phi tưởng xứ nên lắng lòng tư duy. Đó là bốn việc thiện được quả báo ác. Nếu người tu tập bốn việc như vậy thì đó gọi là chìm rồi trở lại ra, ra rồi trở lại chìm. Vì sao gọi là chìm ? Vì ưa ba hữu vậy. Vì sao gọi là ra ? Vì do thấy ánh sáng vậy. Ánh sáng tức là nghe thí, giới, định. Vì sao trở lại chìm? Vì tăng trưởng tà kiến, sinh ra kiêu mạn vậy. Vậy nên ở trong Kinh ta nói kệ rằng :

Nếu có chúng sinh ưa các hữu

Vì hữu, nghiệp ác lành tạo nên

Người này liền mất Niết Bàn đạo

Đó gọi tạm ra trở lại chìm.

Đi trong biển sinh tử hắc ám

Tuy được giải thoát xen não phiền

Người này trở lại thọ quả ác

Đó gọi tạm ra trở lại chìm.

Này thiện nam tử ! Như con cá lớn kia nhân thấy ánh sáng nên tạm được ra khỏi nước. Nhưng thân cá ấy nặng nên lại trở lại chìm đắm. Như hai người trên cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Lại hoặc có người ưa đam mê ba hữu thì đó gọi là chìm. Được nghe Kinh Đại Niết Bàn này sinh ra lòng tin thì đó gọi là ra. Vì nhân duyên gì gọi đó là ra ? Vì nghe Kinh này rồi, xa lìa ác pháp, tu tập thiện pháp nên đó gọi là ra. Người này tuy tin nhưng cũng chẳng đầy đủ. Vì nhân duyên gì mà tin chẳng đầy đủ ? Vì người này tuy tin Đại Bát Niết Bàn Thường Lạc Ngã Tịnh nhưng nói thân Như Lai vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Như Lai thì có hai thứ Niết Bàn, một là hữu vi, hai là vô vi. Hữu vi Niết Bàn không Thường Lạc Ngã Tịnh, vô vi Niết Bàn có Thường Lạc Ngã Tịnh. Họ tuy tin Phật tính là chúng sinh có nhưng chẳng nhất định tất cả đều có Phật tính. Vậy nên gọi là tin chẳng đầy đủ.

Này thiện nam tử ! Tin có hai thứ, một là tin, hai là cầu. Người như vậy tuy lại có tin nhưng chẳng thể tìm cầu. Vậy nên gọi là tin chẳng đầy đủ. Tin lại có hai thứ, một là từ nghe sinh ra, hai là từ nghĩ sinh ra. Lòng tin của người này từ nghe mà sinh ra, chẳng từ nghĩ sinh ra. Vậy nên gọi là tin chẳng đầy đủ. Tin lại có hai thứ, một là tin có đạo, hai là tin người được đạo. Lòng tin người này chỉ tin có đạo, đều chẳng tin có người được đạo. Vậy nên gọi là tin chẳng đầy đủ. Tin lại có hai thứ, một là tin chánh, hai là tin tà. Nói có nhân quả, có Phật Pháp Tăng thì đó gọi là tin chánh. Nói không nhân quả, tính Tam Bảo khác, tin các lời nói tà bậy, phú lan na.v.v... thì đó gọi là tin tà. Người này tuy tin Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, nhưng chẳng tin Tam Bảo đồng một tính tướng. Họ tuy tin nhân quả nhưng chẳng tin người được quả báo. Vậy nên gọi là tin chẳng đầy đủ.

Người đó thành tựu chẳng đầy đủ niềm tin, việc thọ cấm giới cũng chẳng đầy đủ thì vì nhân duyên gì gọi là chẳng đầy đủ ? Vì nhân chẳng đủ nên sở đắc cấm giới cũng chẳng đầy đủ. Lại vì nhân duyên gì gọi là chẳng đầy đủ ? Vì cấm giới có hai thứ, một là oai nghi giới, hai là tùng giới giới. Người đó tuy đầy đủ giới oai nghi nhưng chẳng đủ giới tùng giới. Vậy nên gọi là giới chẳng đầy đủ. Lại giới có hai thứ, một là tác giới, hai là không tác giới. Người đó chỉ đủ tác giới chẳng đủ không tác giới. Vậy nên gọi là giới chẳng đầy đủ. Giới lại có hai thứ, một là từ thân miệng được chánh mạng, hai là từ thân miệng chẳng được chánh mạng. Người đó chỉ từ thân miệng chẳng được chánh mạng nên gọi đó là giới chẳng đầy đủ. Giới lại có hai thứ, một là cầu giới, hai là xả giới. Người đó chỉ đủ giới cầu có, chẳng được xả giới. Vậy nên gọi là giới chẳng đầy đủ. Giới lại có hai thứ, một là theo có, hai là theo đạo. Người đó chỉ đủ giới theo có, chẳng đủ giới theo đạo. Vậy nên gọi là Giới chẳng đầy đủ. Giới lại có hai thứ, một là thiện giới, hai là ác giới. Thân miệng ý thiện thì đó gọi là thiện giới. Giới của trâu, giới của chó thì đó gọi là ác giới. Người đó tin sâu hai thứ giới này đều có quả báo thiện. Vậy nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

Người đó chẳng tin đầy đủ hai việc của giới. Việc tu học đa văn cũng chẳng đầy đủ thì làm sao gọi là nghe chẳng đầy đủ ? Mười hai bộ Kinh mà Như Lai đã nói chỉ tin sáu bộ, chẳng tin sáu bộ. Vậy nên gọi là nghe chẳng đầy đủ. Chỉ lại thọ trì sáu bộ Kinh này chẳng có thể đọc tụng, vì người khác giải nói, không có sự lợi ích. Vậy nên gọi là nghe chẳng đầy đủ. Lại nữa, thọ nhận sáu bộ Kinh này rồi vì luận nghị, vì hơn kẻ khác, vì lợi dưỡng, vì các hữu (có) nên thọ trì, đọc tụng, giải nói. Vậy nên gọi là nghe chẳng đầy đủ. Này thiện nam tử ! Ở trong Kinh ta nói, nghe chẳng đầy đủ thì thế nào là đầy đủ ? Nếu có Tỳkheo, thân miệng ý thiện, trước có thể cúng dường Hòa Thượng, các sư trưởng, người có đức. Những vị sư trưởng này.v.v... đối với người đó sinh lòng ái niệm. Do nhân duyên này nên các vị dạy trao kinh pháp, người đó hết lòng thọ trì, đọc tụng, tu tập. Thọ trì, đọc tụng, tu tập rồi thì thu được trí tuệ, được trí tuệ rồi thì có thể khéo suy nghĩ, theo đúng như pháp mà trụ. Khéo suy nghĩ rồi thì được chính nghĩa, được chính nghĩa rồi thì thân tâm tịch tịnh, thân tâm tịch tịnh rồi thì sinh lòng hoan hỷ. Nhân duyên lòng hoan hỷ thì tâm được định, nhân được định nên được Chánh tri kiến. Có Chánh tri kiến rồi thì đối với các hữu, lòng sinh nhàm chán, hối hận mà nhàm chán hối hận các hữu nên có thể được giải thoát. Người đó không có những việc như vậy nên gọi là nghe chẳng đầy đủ.

Người đó chẳng đủ ba việc như vậy thì Thí cũng chẳng đủ. Thí có hai thứ, một là tài thí, hai là pháp thí. Người đó tuy lại làm tài thí mà vì cầu có (hữu) nên tuy hành pháp thí nhưng cũng chẳng đầy đủ. Vì sao vậy ? Vì còn giữ kín chẳng nói hết sợ người khác hơn. Vậy nên gọi là thí chẳng đầy đủ. Tài, pháp hai thứ thí đều có hai thứ, một là Thánh, hai là chẳng phải Thánh. Thánh thì thí rồi chẳng cầu quả báo. Chẳng phải Thánh thì thí rồi cầu quả báo. Bậc Thánh thí pháp làm tăng trưởng pháp. Kẻ chẳng phải Thánh thí pháp làm tăng trưởng các hữu. Những người như vậy vì thèm của cải mà làm tài thí, vì thêm các hữu mà hành pháp thí. Vậy nên gọi là thí chẳng đầy đủ. Lại nữa, người đó thọ nhận sáu bộ Kinh mà thấy người thọ pháp thì cung cấp, còn người chẳng thọ thì chẳng cung cấp. Đó gọi là Thí chẳng đầy đủ.

Người đó chẳng đủ bốn việc như trên thì việc tu trí tuệ cũng chẳng đầy đủ. Tính của trí tuệ là tính có thể phân biệt. Người đó chẳng thể phân biệt Như Lai là thường hay vô thường. Ở trong Kinh Niết Bàn này, Như Lai nói rằng, Như Lai tức là Giải thoát, Giải thoát tức là Như Lai, Như Lai tức là Niết Bàn, Niết Bàn tức là Giải thoát. Ở trong nghĩa này người đó chẳng thể phân biệt. Phạm hạnh tức là Như Lai, Như Lai tức là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Từ, Bi, Hỷ, Xả tức là Giải thoát, Giải thoát tức là Niết Bàn, Niết Bàn tức là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Ở trong nghĩa này người đó chẳng thể phân biệt. Vậy nên gọi là Trí chẳng đầy đủ. Lại nữa, chẳng thể phân biệt được Phật tính. Phật tính tức là Như Lai, Như Lai tức là tất cả pháp bất cộng, pháp bất cộng tức là Giải thoát, Giải thoát tức là Niết Bàn, Niết Bàn tức là pháp bất cộng... Ở trong nghĩa này họ chẳng thể phân biệt. Vậy nên gọi là Trí chẳng đầy đủ. Lại nữa, chẳng thể phân biệt bốn đế : Khổ - Tập - Diệt - Đạo. Chẳng thể phân biệt bốn chân đế nên chẳng biết Thánh hạnh, chẳng biết Thánh hạnh nên chẳng biết Như Lai, chẳng biết Như Lai nên chẳng biết Giải thoát, chẳng biết Giải thoát nên chẳng biết Niết Bàn. Vậy nên gọi là Trí chẳng đầy đủ.

Người đó chẳng đủ năm việc như vậy thì có hai thứ, một là tăng thiện pháp, hai là tăng ác pháp. Sao gọi là tăng trưởng ác pháp ? Người đó chẳng thấy mình chẳng đầy đủ mà tự nói đầy đủ và sinh ra lòng chấp trước, đối với người đồng hành tự cho mình hơn. Vậy nên họ thân cận bạn ác đồng với mình. Đã thân cận rồi lại còn được nghe pháp chẳng đầy đủ, nghe rồi lòng vui mừng và lòng họ nhiễm trước khởi lên kiêu mạn, hành động nhiều phóng dật, rồi nhân phóng dật nên gần gũi với hàng tại gia, cũng ưa nghe nói việc tại gia, xa lìa pháp xuất gia thanh tịnh. Do nhân duyên này nên thêm lớn ác pháp, ác pháp tăng nên thân miệng ý.v.v... khởi tác nghiệp bất tịnh. Vì ba nghiệp bất tịnh nên thêm lớn quả báo địa ngục, súc sinh, ngã quỉ. Đó gọi là tạm ra rồi trở lại chìm. Tạm ra rồi trở lại chìm thì trong Phật pháp của ta người ấy là ai vậy ? Là Đề Bà Đạt Đa, Tỳkheo Cù Dà Li, Tỳkheo Uyển Thủ, Tỳkheo Thiện Tinh, Tỳkheo Chỉ Xá, Tỳkheo Mãn Túc, Tỳkheo ni Từ Địa, Tỳkheo ni Khoáng Dã, Tỳkheo ni Phương, Tỳkheo ni Mạn, trưởng giả Tịnh Khiết, Ưu bà tắc Cầu Hữu, Xá Lặc Thích Chủng, Tượng trưởng giả, Ưu bà di Danh Xưng, Ưu bà di Quang Minh, Ưu bà di Nan Đà, Ưu bà di Quân, Ưu bà di Linh.v.v... Những người như vậy gọi là tạm ra rồi trở lại chìm ví như con cá lớn thấy ánh sáng nên ra mà thân nặng nên chìm.

Người thứ hai tự thấy biết sâu là hành động chẳng đầy đủ, chẳng đầy đủ nên cầu gần gũi bạn lành, gần gũi bạn lành nên ưa hỏi han điều chưa nghe, nghe rồi ưa thọ, thọ rồi ưa suy nghĩ tốt, suy nghĩ tốt rồi có thể đúng như pháp trụ, đúng như pháp trụ nên thêm lớn căn lành, thêm lớn căn lành nên nhất định chẳng chìm nữa. Đó gọi là Trụ. Trong Phật pháp của ta, những người ấy là ai vậy ? Là Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, A Nhã Kiều Trần Như.v.v... năm vị Tỳkheo, Gia Xá.v.v... năm trăm vị Tỳkheo, A Nâu Lâu Đà đồng tử, Ca Diếp, Maha Ca Diếp, Thập Lực Ca Diếp, Tỳkheo ni Cù Đàm Di, Tỳkheo ni Ba Sấc La Hoa, Tỳkheo ni Thắng, Tỳkheo ni Thật Nghĩa, Tỳkheo ni Ý, Tỳkheo ni Bạt Đà, Tỳkheo ni Tịnh, Tỳkheo ni Bất Thoái Chuyển, vua Tần Bà Ta La, trưởng giả Úc Dà, trưởng giả Tu Đạt Đa, Thích Ma Nam, Tu Đạt Đa nghèo, con ông trưởng giả Thủ Lang, trưởng giả Danh Xưng, trưởng giả Cụ Túc, tướng quân Sư Tử, trưởng giả Ưu Ba Ly, trưởng giả Đao (Dao), Ưu bà di Vô Úy, Ưu bà di Thiện Trụ, Ưu bà di Ái Pháp, Ưu bà di Dũng Kiện, Ưu bà di Thiên Đắc, Ưu bà di Thiện Sinh, Ưu bà di Cụ Thân, Ưu bà di Ngưu Đắc, Ưu bà di Khoáng Dã, Ưu bà di Ma Ha Tư Na.v.v.. Những Tỳkheo, Tỳkheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di như vậy được gọi là trụ. Sao gọi là trụ ? Thường ưa nhìn thấy ánh sáng thiện. Do nhân duyên này nên nếu Phật ra đời, hoặc chẳng ra đời thì những người như vậy nhất định chẳng tạo ác. Đó gọi là Trụ. Như loài cá Chỉ Di ưa thấy ánh sáng chẳng đắm chẳng chìm, những chúng như trên cũng lại như vậy. Vậy nên, ở trong Kinh ta nói kệ rằng :

Nếu người giỏi hay phân biệt quả

Hết lòng cầu đến quả sa môn

Nếu hay quở trách tất cả “hữu”

“Như pháp trụ”, người đó xưng tên.

Nếu hay cúng dường vô lượng Phật

Thì đã tu đạo, đời không lường

Nếu thọ thế lạc chẳng phóng dật

Thì “Như pháp trụ” người đó xưng

Thân cận bạn lành nghe chánh pháp

Trong khéo tư duy, trụ theo pháp

Tu tập đạo, ưa thấy quang minh

Chứng được giải thoát trụ yên ổn.

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

- Quyển thứ ba mươi hai -


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567