Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Phần II: Kinh Điển Trung Hoa

29/04/201105:14(Xem: 3312)
5. Phần II: Kinh Điển Trung Hoa


ĐẠI TẠNG KINH NHẬP MÔN
Giới Thiệu 139 Kinh Điển Phật Giáo
Hán dịch: Thích Ấn Hải, Thích Nguyện Quỷnh
Việt dịch: Thích Viên Lý
Viện Triết Lý Việt Nam và Triêt Học Thế Giới xuất bản 1999

PHẦN II
KINH ĐIỂN TRUNG HOA


71. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh U Táng

2 quyển
Do Khuy Cơ (K’uei-chi) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1710

Bát Nhã Ba La Mật Đa U Táng là sách chú giải đầu tiên bằng Hán văn về “Bát Nhã Tâm Kinh” (số 11) do Huyền Trang dịch, và nhan đề sách này cũng được gọi tắt là “Tâm Kinh U Táng.”

Nội dung của sách này chú giải từng mỗi chữ trong “Bát Nhã Tâm Kinh” căn cứ vào những giáo nghĩa của tông phái Pháp Tướng, đồng thời cũng thêm vào những giáo nghĩa của tông phái Tam Luận


72. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa

20 quyển
Do Trí Khải (Chih-i) thuyết giảng
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1716

Nhan đề sách này có nghĩa là “ý nghĩa thâm sâu mầu nhiệm của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh,’ và cùng với hai cuốn “Ma Ha Chỉ Quán” (số 79) và “Pháp Hoa Văn Cú” (Đại Chánh Đại Tạng số 1718) nó là một trong “Tam Đại Bộ” của tông phái Thiên Thai, và thường được gọi là “Pháp Hoa Huyền Nghĩa.”

Sách này giải nghĩa tường tận về 5 chữ Hán nhan đề của “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” (số 12), đồng thời giảng giải chi tiết về những giáo nghĩa của phái Thiên Thai – những giáo nghĩa đó đã dùng tư tưởng Pháp Hoa làm cơ sở. Vì vậy sách này là Luận điểm trọng yếu không thể thiếu trong thời kỳ thành lập của phái Thiên Thai ở Trung Quốc và thật sự nó đã được dùng làm cái sườn để xây dựng tư tưởng của phái này.

Nó là bộ sách ghi lại những lời thuyết giảng của Trí Khải do môn đồ của ngài là Quán Đỉnh (Kuan-ting) ghi chép, và, không chỉ kiến giải trên lý thuyết mà còn căn cứ vào kinh nghiệm thực chứng tôn giáo của chính Trí Khải đại sư.

73. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ

4 quyển
Do Thiện Đạo (Shan-tao) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1753

Đây là sách chú giải về “Quán Vô Lượng Thọ Kinh” (số 18), và thường được gọi tắt là “Quán Kinh Sớ,” nhưng ở Nhật Bổn thường được gọi là “Tứ Thiếp Sớ,” vì nội dung được chia làm 4 phần.

Sách này là cốt lõi của tư tưởng Tịnh Độ tông của Thiện Đạo, và nó đã tạo ảnh hưởng rất lớn đối với Tịnh Độ tông ở Nhật Bổn. Pháp Nhiên (Hònen), vị tổ sư của phái Tịnh Độ Nhật Bổn, nhờ được biết kinh sớ này qua “Vãng Sanh Yếu Tập” (số 131) của Nguyên Tín (Genshin) nên đã từ bỏ tất cả pháp môn đã tu hành trước kia để tu pháp môn Tịnh Độ. Kể từ đó bản kinh sớ này đã được coi là vô cùng quan trọng đối với phái Tịnh Độ ở Nhật Bổn.

74. Tam Luận Huyền Nghĩa

1 quyển
Do Cát Tạng (Chi-t’sang) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1852

Nhan đề “Tam Luận Huyền Nghĩa” có nghĩa là “ý nghĩa sâu xa vi diệu của Tam Luận,” sách này do Đại Sư Gia Tường Cát Tạng trước tác, ngài là người đã đặt nền móng lý thuyết cho tông phái Tam Luận Tôn, và, đây là luận thuyết căn bản của phái đó, và đã được dùng làm quyển sách nhập môn cho tư tưởng Trung Quán Phật giáo.

“Tam Luận” là ba bài luận thuyết nói về “Trung Luận” (Madhyamaka-sastra) (số 52), “Bách Luận” (Sata-sastra) ̣(Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1509) và “Thập Nhị Môn Luận” (Dvadasamukha-sastra) (dc số 1568); và trong sách này Cát Tạng giải thích tại sao ba bài luận thuyết đó, cùng với “Đại Trí Độ Luận” (Mahaprajnaparamita-sastra) (Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1509), đã được phái Luận Tôn coi trọng như vậy; kế đó ngài giải thích thêm về những đặc tính của mỗi kinh luận đó cũng như những tương quan lẫn nhau của chúng.

Sự thật là phái Tam Luận của Nhật Bổn đã coi trọng cuốn “Tam Luận Huyền Nghĩa” này hơn cả chính “Tam Luận” (ba cuốn luận thuyết nói trên).

75. Đại Thừa Huyền Luận

5 quyển
Do Cát Tạng (Chi-tsang) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1853

Đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Đại Sư Gia Tường Cát Tạng – người đã nâng cao giáo lý của phái Tam Luận lên tột đỉnh. “Đại Thừa Huyền Luận” – có nghĩa là “luận về ý nghĩa thâm sâu của Đại Thừa” – cố gắng hệ thống hóa những giáo lý từ lập trường triết học Trung Quán mà phái Tam Luận chủ trương.

Trong sách này Cát Tạng bàn luận về những giòng tư tưởng chính tìm thấy trong những kinh điển Đại Thừa được nghiên cứu ở Trung Hoa vào thời của ngài, và nêu ra những tương phản trong nội dung của chúng khi so sánh với những giáo lý của phái Tam Luận. Vì vậy, cùng với cuốn “Tam Luận Huyền Nghĩa” (số 74), “Đại Thừa Huyền Luận” được coi là một trong những thánh điển quan trọng nhất của phái Tam Luận.

76. Triệu Luận

1 quyển
Do Tăng Triệu (Sheng-chao) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1858

Nhan đề có nghĩa là “Luận văn của Tăng Triệu,” bao gồm bốn bài bình luận của Tăng Triệu – một đệ tử của Cưu Ma La Thập - cùng với một bài viết ngắn thêm vào đó để tóm lược những quan điểm căn bản của tác giả về Phật giáo. Cuốn sách này đã tạo ảnh hưởng đáng kể đối với Phật giáo Trung Hoa sau này, và cùng với cuốn “Chú Duy Ma Cật Kinh” (Chú Giải Kinh Duy Ma Cật) (Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1775) cũng do ngài viết, đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Tăng Triệu.

Điểm đặt biệt của sách này là dùng lối tư duy và lý giải đặc thù của Trung Hoa về Phật giáo. Một điều đáng kể nữa là những phương diện trọng yếu của giáo lý Phật giáo đã được lý giải qua sự viện dẫn triết học truyền thống Trung Quốc. Vì vậy, đay là một tác phẩm rất quan trọng đối với quá trình phát triển của Phật giáo ở Trung Hoa.


77. Hoa Nghiêm Nhất Thừa
Giáo Nghĩa Phân Tề Chương

1 quyển
Do Đàm Vô Mật Đa (Dharmamitra) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 277

Sách này thường được gọi tắt là “Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương” (Luận Về Năm Giáo Lý) hoặc “Ngũ Giáo Chương,” nó vừa là một khái luận về Phật giáo nhìn từ lập trường của tông phái Hoa Nghiêm, nhưng đồng thời có thể coi như là kinh điển nhập môn của phái Hoa Nghiêm.

Trong sách này Pháp Tạng phân chia Phật giáo thành “Ngũ giáo,” và coi Kinh Hoa Nghiêm (số 15) là kinh điển tối thượng, nhưng đồng thời tác giả không quên rằng Phật giáo là một tổng thể gồm nhiều bộ phận, vì vậy ngài đã trình bày một hệ thống bao quát về những giáo nghĩa của tông giáo này.

78. Nguyên Nhơn Luận

1 quyển
Do Tôn Mật (Tsung-mi) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1886

Bộ Luận này còn được gọi là “Hoa Nghiêm Nguyên Nhơn Luận,” trong đó Tôn Mật – người đề xướng hợp nhất hai tông phái Thiền và Hoa Nghiêm – bàn luận về vấn đề “căn nguyên của sự tồn hữu của nhân loại.”

Tác giả mở đầu bằng sự phê phán về Khổng Giáo và Lão Giáo, đồng thời từ chối phái Tiểu Thừa và loại Đại Thừa “tạm thời,” sau đó ngài giảng về loại Đại Thừa đích thực, và kết luận rằng tất cả mọi lập trường và tư tưởng mà ngài đã phê phán thật ra là những thành tố giúp đưa tới sự biểu hiện căn nguyên đích thực của sự tồn hữu của nhân loại. Có thể nói rằng trong tác phẩm này Tôn Mật đã nổ lực gồm thâu tất cả các giáo lý vào trong một toàn thể thống nhất.

79. Ma Ha Chỉ Quán

20 quyển
Do Trí Khải (Chih-i) thuyết giảng
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1911

Là một trong “Tam Đại Bộ” (số 72) của phái Thiên Thai, tác phẩm này là một tuyển tập gồm những bài thuyết giảng của Trí Khải, người sáng lập phái Thiên Thai ở Trung Hoa, do đệ tử của ngài là Quán Đỉnh ghi chép lại, và còn được gọi là “Thiên Thai Ma Ha Chỉ Quán” hoặc giản dị là “Chỉ Quán.”

Sách này là kinh điển cơ bản về những phương pháp thực hành của phái Thiên Thai, và mô tả những phương pháp tu trì để quan sát bản chất của trí tuệ. Nó được chia thành 10 chương, nhưng từ chương thứ 8 đến chương thứ 10 đã bị thất truyền. Tuy nhiên, nó là một tác phẩm đã tạo ảnh hưởng đáng kể đối với sự phát triển sau này của Phật giáo ở Trung Hoa và Nhật Bổn.

Vì nó căn cứ vào những kinh nghiệm tôn giáo và sự tu trì của Trí Khải, cho nên tác phẩm này được đánh giá rất cao, và, chính nhờ cuốn sách này mà Trí Khải đã được coi là vị tổ sư vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa.


80. Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu

1 quyển
Do Trí Khải (Chih-i) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1915

Sách này còn được gọi là “Đồng Mông Chỉ Quán” hoặc “Tiểu Chỉ Quán,” nội dung trình bày những yếu nghĩa căn bản của phương pháp tọa thiền thuộc phái Thiên Thai, dành cho những người mới bắt đầu học thiền.

Sách này do Đại Sư Trí Khải, người sáng lập phái Thiên Thai ở Trung Hoa, soạn ra để cho người anh ngài là Trần Giảm (Ch’en-chen) học thiền; vì vậy, đây là cuốn sách chỉ dẫn rất đơn giản về phương pháp thực hành môn tọa thiền mà tất cả các tăng sĩ mới gia nhập phái Thiên Thai Nhật Bổn phải đọc.


81. Thiên Thai Tứ Giáo Nghi

1 quyển
Do Đế Quán (Cheg-gwan) ghi chép
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1931

Sách này còn được gọi tắt là “Tứ Giáo Nghi” (Khái Lược Về Bốn Giáo Lý) hoặc “Đế Quán Lục” (Đế Quán Ghi Chép), nội dung trình bày đại cương về những giáo lý của phái Thiên Thai, cùng với một khái lược về những phương pháp tọa thiền dùng trong tông phái này. Vì vậy, có thể coi như đây là sách nhập môn về giáo nghĩa của phái Thiên Thai, đồng thời cũng là sách nhập môn về Phật giáo nói chung.

Đế Quán đã tới Trung Hoa từ Hàn Quốc, và sách này được tìm thấy sau khi ngài đã qua đời.

82. Quốc Thanh Bách Lục

4 quyển
Do Quán Đỉnh (Kuan-ting) thu thập
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1934

Sau khi Đại Sư Trí Khải của phái Thiên Thai viên tịch, một đệ tử của ngài là Quán Đỉnh đã thu thập 104 tài liệu và những văn kiện khác liên quan tới ngài. Chữ “Quốc Thanh” trong nhan đề là tên của Quốc Thanh Tự, ngôi chùa chính yếu phái Thiên Thanh ở Trung Hoa, và chữ “Bách Lục” là dùng con số chẵn 100 để chỉ 104 tài liệu trong sách này.

Nội dung của sách cung cấp những tài liệu căn bản để nghiên cứu về tiểu sử của đại sư Trí Khải, có cả những chiếu chỉ của hoàng đế Trung Hoa, những thư từ gửi cho đại sư Trí Khải, và những văn tự khắc vào bia, v.v... Do đó, đây là nguồn tài liệu phong phú để cung cấp những sử liệu đương thời, và chứa đựng những dữ kiện quan trọng liên quan tới thời kỳ sơ khai trong lịch sử của phái Thiên Thai ở Trung Hoa.

83. Trấn Châu Lâm Tế Huệ Chiếu ThiềnSư Ngữ Lục

1 quyển
Do Huệ Nhiên (Hui-jan) thu thập
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1985

Sách này thường được gọi là “Lâm Tế Lục,” ghi chép những lời thuyết giảng của Lâm Tế Nghĩa Huyền, vị tổ sư của phái Lâm Tế thuộc Thiền tông, và do một đệ tử của ngài là Huệ Nhiên thu thập thành sách. Phái Lâm Tế coi đây là kinh sách quan trọng nhất ghi chép lại những lời giảng của một vị tổ sư Thiền tông.

Chữ “Trấn Châu” trong nhan đề là tên của một huyện ở Trung Hoa, và “Lâm Tế” là địa danh nơi cư trú của Tổ Sư Lâm Tế ở Trấn Châu. Chữ “Huệ Chiếu Thiền Sư” là danh hiệu mà vị hoàng đế đời Đường sắc phong cho ngài sau khi Lâm Tế đã viên tịch.

84. Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư Bích Nham Lục

10 quyển
Do Trùng Hiển (Ch’ung-hsien) thu thập
Và Khắc Cầu (K’o-ch’in) bình luận
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2003

Sách này còn được gọi là “Bích Nham Lục” hoặc “Bích Nham Tập” (chữ “bích nham” có nghĩa là “vách đá màu xanh”), bao gồm 100 công án do Trùng Hiển lựa ra từ 1700 công án của sách “Truyền Đăng Lục” (chữ “truyền đăng” là “truyền cây đèn”) (Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2076). Trùng Hiển đã thêm vào những câu thi kệ cho mỗi công án; và sau này những lời bình luận của Khắc Cầu được ghi thêm vào sách.

Phái Lâm Tế coi sách này hết sức quan trọng và dùng làm kinh điển chỉ nam để truyền giảng về cách thực hành tham thiền.

Cũng nên nói thêm rằng chữ “công án” dùng để chỉ những ghi chép về ngôn ngữ và hành động của các thiền giả kiệt xuất, có thể giúp cho những người mới học thiền dùng làm đề tài trầm tư.



85. Vô Môn Quan

1 quyển
Do Tông Chiếu (Tsung-chao) thu thập
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2005

Nhan đề có nghĩa là “quan ải không có cổng.” Sách này bao gồm 48 công án do Thiền Sư Vô Môn Huệ Khai đời nhà Tống tuyển chọn và thêm vào mỗi công án một câu kệ tụng và lời bình luận. Sách này được phái Thiền Tông coi trọng nhất từ trước tới nay.

Khi so sánh với các sách công án khác thì cuốn này có số lượng ít hơn; vì ngắn gọn và là một cuốn sách thuộc loại nhập môn cho nên nó đã được phái Thiền tông đem ra thực hành nhiều hơn sách khác.

Chữ “Vô Môn” trong nhan đề có ý nói rằng tuy không có cổng để đi qua khi nhập vào cảnh giới khai ngộ, nhưng có một cái cổng vô hình gọi là “Vô Môn.”


86. Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh

1 quyển
Do Tông Bảo (Tsung-pao) thu thập;
Do Pháp Hải (Fa-hai) ghi chép
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2008

Sách này còn có vài tên gọi vắn tắt: “Lục Tổ Đàn Kinh,” “Đàn Kinh,” hoặc “Pháp Bảo Đàn Kinh,” gồm những lời thuyết giảng của Huệ Năng, vị tổ sư thứ sáu của phái Thiền tông ở Trung Hoa, do đệ tử của Huệ Năng là Pháp Hải ghi chép.

Trong sách có ghi lại tuyên ngôn của phái Thiền Nam tông tuyên bố độc lập với phái Thiền Bắc tông, và bàn về những vấn đề như “đốn ngộ” (giác ngộ tức thời) và sự biểu hiện bên ngoài của bản tánh, gọi là “kiến tánh.”


87. Tín Tâm Minh

1 quyển
Do Tăng Sán (Seng-ts’an) viết
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2010

Sách này do Tăng Sán, vị tổ sư thứ ba của Thiền Tông Trung Hoa biên soạn, nói về trạng thái tối cao của Thiền. Đây là một tác phẩm ngắn, chỉ gồm có 146 dòng, mỗi dòng là một thi kệ 4 chữ (tứ ngôn nhất cú), tổng cộng là 584 chữ Hán. Nội dung nói rằng chân lý tối thượng của Thiền cũng giống như an trụ trong trạng thái bình đẳng và tự do tuyệt đối, không vướng mắc vào những thứ như: khác biệt và mâu thuẫn, đúng và sai, còn và mất.

Những câu thi kệ này từ xưa tới nay được rất nhiều thiền tăng học thuộc lòng và tụng niệm; và nhờ sự phát triển của Thiền tông trong hàng chục thế kỷ qua, chúng đã ăn sâu và bắt rễ vào đời sống của các Thiền viện.


88. Hoàng Bá Sơn Đoạn Tế Thiền Sư Truyền
Tâm Pháp Yếu

1 quyển
Do Bùi Hưu (Fei-hsiu) thu thập
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2012-A

Sách này ghi lại những lời giảng của Hoàng Bá Hi Vận (Huang-po Hsi-yun), vị khai tổ của chi phái Hoàng Bá thuộc Thiền tông ở Trung Hoa, và do một đệ tử tại gia của ngài là Bùi Hưu biên chép. Tác phẩm này thường được gọi tên vắn tắt là “Truyền Tâm Pháp Yếu,” nội dung nói rất giản lược về bản chất của Thiền.

Hi Vận là thầy của Lâm Tế Nghĩa Huyền, vị khai tổ của phái Lâm Tế, cho nên cuốn sách ghi lại những lời thuyết giảng của ngài thường được nghiên cứu ở Trung Hoa và Nhật Bổn như là những giáo lý tạo nền tảng cho phái Lâm Tế của Thiền tông.

Chữ “Hoàng Bá Sơn” trong nhan đề là tên của Núi Hoàng Bá, nơi cư trú của Hi Vận, và chữ “Đoạn Tế” là danh hiệu Thiền sư của ngài.



89. Vinh Gia Chứng Đạo Ca

1 quyển
Do Huyền Giác (Hsuan-chio) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2014

Tác phẩm này viết bằng thể thơ, kể chuyện rằng dưới sự hướng dẫn của Lục Tổ Huệ Năng, bỗng nhiên trong một đêm mà đệ tử của ngài là Vĩnh Gia Huyền Giác đã khai ngộ được chân lý. Tuy chỉ gồm 247 thi cú với tổng cộng 814 chữ Hán, sách này diễn tả một cách tuyệt đẹp về tinh túy của Thiền; xưa nay nó đã được các thiền tăng tụng đọc, và đặc biệt được phái Tào Động rất coi trọng.

Nhan đề sách này thường được gọi tắt là “Chứng Đạo Ca.”



90. Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy

8 quyển
Do Đức Huy (Te-hui) bổ khuyết
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2025

Sách này căn cứ vào những qui tắc và giới luật dành cho các tự viện Thiền tông, do Bách Trượng Hoài Hải soạn ra. Tuy nhiên, đến đời nhà Tống thì bản gốc của cuốn giới luật này, được gọi là “Cổ Thanh Quy,” đã bị thất truyền; vì vậy, đến đời nhà Nguyên, do sắc lệnh của hoàng đế, Đông Dương Đức Huy đã sưu tầm và bổ khuyết, kết quả đưa tới cuốn sách này.

Nội dung chứa đựng tất cả những qui tắc và giới luật dành cho các tự viện Thiền tông để tuân theo. Một thí dụ về sự “Trung Hoa hoá” Phật giáo là những hoạt động thân thể gọi là “đức mục,” khi các thiền tăng phải làm việc lao động hàng ngày, và được coi như là một trong những yếu tố căn bản để thực hành Thiền.

Sách này cũng đã tạo ảnh hưởng quan trọng ở Trung Hoa khi Lão Giáo cũng đặt ra những quy luật tương tự.


91. Di Bộ Tông Luân Luận
Samayabhedo

1 quyển
Do Thế Hữu (Vasumitra) soạn
Do Huyền Trang (Hsuan-tsang) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2031

Sách này thuật lại thời kỳ “Phân Rẽ Căn Bản” của Phật giáo thành hai phái Thượng Tọa Bộ (Therevada) và Đại Chúng Bộ, xảy ra hơn 100 năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt; và sau đó phái Thượng Tọa Bộ lại còn phân chia thành 20 bộ phái khác nhau. Sách này được viết từ lập trường của những người thuộc phái “Nhất Thiết Hữu Bộ” (Sarvastivadin), nhưng nó cũng mô tả chi tiết về những đặc tính giáo lý của các tông phái khác.

Vì vậy sách này không những rất cần thiết để nghiên cứu về lịch sử của sự phân rẽ tông phái trong Phật giáo mà còn là một nguồn tài liệu vô giá để giải thích về những giáo lý của các bộ phái ngoài phái Nhất Thiết Hữu Bộ – khi người ta thấy rằng đa số những kinh điển còn tồn tại tới nay đều thuộc phái này.

92. A Dục Vương Kinh
Asokaràja-sùtra

10 quyển
Do Tăng Già Bà La (Sanghabhara)
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2043

Đây là tiểu sử của Vua A Dục (Asoka), vị vua thứ ba của triều đại Ma La Ni Da (Mauryan), xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) miền trung Ấn Độ, vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Sách kể chuyện Vua A Dục là người đầu tiên đã thống nhất nước Ấn Độ, và sau khi quy y Phật giáo ông đã phái các sứ giả đi khắp nơi trong nước để truyền bá đạo Phật.

Còn có một bản tiểu sử bằng chữ Hán tương tự như cuốn này, nhan đề là “A Dục Vương Truyện” (Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2042). Vì nội dung hai cuốn gần giống nhau, cho nên người ta tin rằng chúng đã được dịch ra từ cùng một nguyên bản.



93. Mã Minh Bồ Tát Truyện

1 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2046

Đây là cuốn tiểu sử của Bồ Tát Mã Minh (Asvaghosa) (sinh vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch). Còn có nhiều sách khác nói về cuộc đời ngài Mã Minh, nhưng chúng không nhất trí về nội dung, về các thời điểm niên lịch và về các địa danh. Trong cuốn sách này cũng có nhiều nghi vấn, nhưng dù sao nó vẫn là một bản tiểu sử rất có quan trọng về vị Bồ Tát “học giả thi sĩ” Mã Minh.

94. Long Thọ Bồ Tát Truyện

1 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2047

Long Thọ Bồ Tát Truyện là cuốn tiểu sử của Bồ Tát Long Thọ (Nagarjuna) – ngài sống trong khoảng thời gian từ 150 tới 250 sau Tây lịch – một người được tất cả các tông phái Phật giáo Nhật Bổn sùng bái.

Theo các học giả, cuốn tiểu sử này chỉ là một văn bản được viết lại từ một đoạn nói về Long Thọ trong cuốn “Phú Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện” (Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2058), một cuốn sách gồm tiểu sử của 28 vị cao tăng đã có công truyền bá Phật giáo sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt.

Nhưng, nếu xét sự kiện rằng sách này là do Cưu Ma La Thập dịch sang Hán văn thì có thể nguyên bản là một cuốn sách riêng biệt.


95. Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện

1 quyển
Do Chân Đế (Paramartha) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2049

Bà Tẩu Bàn Đậu là phiên âm sang chữ Hán từ chữ Phạn của Vasubandhu, tên này trước đây được dịch sang chữ Hán là “Thiên Thân,” nhưng về sau này được dịch là “Thế Thân” và chữ này được dùng cho tới nay. Thế Thân là một học giả tăng sĩ được coi là xây dựng nền móng cho phái Du Già (Yogacara) của Phật giáo Đại Thừa. Ngài đã từng được nói tới trong nhiều cuốn sách, nhưng đây là cuốn tiểu sử riêng biệt duy nhất viết về ngài, và nó đã được gọi bằng vài tên khác nhau: “Thế Thân Truyện,” “Thiên Thân Truyện,” và “Bà Tẩu Bàn Đậu Truyện.”


96. Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng
Pháp Sư Truyện

10 quyển
Do Huệ Lập (Hui-li) soạn
và do Nhan Tôn (Yen-ts’ang) bổ khuyết
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2053

Sách này cũng được gọi vắn tắt là “Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện,” là tiểu sử của ngài Huyền Trang (Hsuan-tsang), tác giả của “Đại Đường Tây Vực Ký” (số 100). Sách này bắt đầu với sự chào đời của pháp sư Huyền Trang, rồi mô tả cuộc hành trình của ngài kéo dài hơn 10 năm đi từ Trung Hoa sang Ấn Độ để suy tìm thành quả của ngài sau khi trở về Trung Hoa. Vì vậy, đây là một bản tường thuật tiểu sử đầy đủ.

Trong khi cuốn “Đại Đường Tây Vực Ký” được viết căn cứ vào những quan sát tận mắt, chẳng hạn như những đặc điểm về địa lý trên đường đi, v.v... cuốn “Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện” này tập trung vào những chuyện trọng yếu trong cuộc hành trình.

Cũng nên nói thêm rằng bộ tiểu thuyết “Tây Du Ký” được viết vào đời nhà Minh là mô phỏng theo cuốn sách này.

Chữ “Hoàng Bá Sơn” trong nhan đề là tên của Núi Hoàng Bá, nơi cư trú của Hi Vận, và chữ “Đoạn Tế” là danh hiệu Thiền sư của ngài.

97. Cao Tăng Truyện

14 quyển
Do Huệ Giao (Hui-chio) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2059

Cuốn “Cao Tăng Truyện” còn có tên là “Lương Cao Tăng Truyện,” ghi chép tiểu sử của một số vị cao tăng Trung Hoa nổi danh sống trong một thời kỳ 453 năm, từ năm 67 sau Tây lịch – là thời điểm được coi như Phật giáo bắt đầu du nhập vào Trung Hoa – tới năm 519. Sách này bao gồm tiểu sử đầy đủ của 257 cao tăng, cùng với tiểu sử tóm tắt của 243 cao tăng khác.

Thông thường, những sách tiểu sử nói về các cao tăng đều được gọi là “Cao Tăng Truyện,” và đây là cuốn sách xưa nhất thuộc loại này. Sách này được chia thành 16 phần, tuỳ theo những thành tích của các vị cao tăng được kể tiểu sử ở đây.



98. Tỳ Kheo Ni Truyện

4 quyển
Do Bảo Xướng (pao-ch’ang) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2063

Sách “Tỳ Kheo Ni Truyện” gồm tiểu sử của 65 vị ni sư người Trung Hoa, sống trong thời gian khoảng 160 năm, từ đời Đông Tấn tới đời nhà Lương. Bài tựa của cuốn sách này nói rằng thời trước người ta gặp nhiều vị ni sư đạo hạnh, nhưng tới đời nhà Lương, khi cuốn sách này được soạn, thì người thấy rất ít ni sư tu trì theo những giới luật tu viện. Vì vậy soạn giả sách này thu thập những tài liệu và những lời kể lại của các bậc trưởng thượng để viết thành sách, để cung cấp những tấm gương cho các tỳ kheo ni đời sau noi theo.


99. Cao Tăng Pháp Hiển Truyện

1 quyển
Do Pháp Hiển (Pha-hsien) ghi chép
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2085

Cuốn “Cao Tăng Pháp Hiển Truyện” là tiểu sử của Pháp Hiển do chính ngài ghi chép lại những cuộc du hành ở Ấn Độ, còn được gọi tên là “Phật Quốc Ký” và “Lịch Du Thiên Trúc Ký Truyện” (Ký Sự về Những Cuộc Du Hành ở Ấn Độ).

Pháp Hiển bắt đầu du hành vào năm 399 sau Tây lịch để đi tìm Đạo Pháp. Ngài đi qua Trung Á (người Trung Hoa gọi là “Tây Vực”) và tới Tây Bắc Ấn Độ, từ đó ngài tới vùng Trung Ấn, thăm viếng các chùa chiền trên lộ trình. Rồi ngài đi hành hương tới nhiều nơi mang những dấu tích của Đức Phật Thích Ca, đồng thời học những kinh sách và quy luật của các tu viện Phật giáo, và sao chép nhiều kinh sách. Từ Ấn Độ ngài vượt biển sang Tích Lan, rồi trở về Trung Hoa bằng đường biển, về tới Trung Hoa vào năm 412. Cuốn sách này thuật lại những chuyện tai nghe mắt thấy và những kinh nghiệm trải qua trong cuộc hành trình.

Đây là nguồn tư liệu quý báu về Phật giáo và văn hóa Phật giáo Ấn Độ và vùng Trung Á vào đầu thế kỷ thứ 5, và là bản ký sự lâu đời nhất của một vị cao tăng Phật giáo viết về những cuộc du hành của ngài ở Ấn Độ.

100. Đại Đường Tây Vực Ký

12 quyển
Do Huyền Trang ghi lại
và do Biện Cơ (Pien-chi) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2087

Tác phẩm này thường được gọi là “Tây Vực Ký,” thuật lại những cuộc hành trình của Huyền Trang ở Trung Á và Ấn Độ từ năm 627, khi ngài khởi hành từ Trung Hoa, cho tới khi ngài trở về vào năm 645. Sách này đệ tử của Huyền Trang là Biện Cư viết lại, căn cứ vào những lời ghi chép trong những cuộc hành trình của ngài. Nội dung nói về những vấn đề như tình trạng Phật giáo đương thời, và về địa dư, phong tục, công nghiệp và chính trị của 110 quốc gia mà Huyền Trang đã đi qua và 28 quốc gia mà ngài đã được nghe người khác thuật lại.

Vì vậy, đây là một tài liệu lịch sử quý giá, ghi rõ những khoảng cách, phương hướng và ngôn ngữ địa phương. Sách này có thể dùng làm tài liệu về khảo cổ và về những cuộc hành trình thời xưa.

101. Đường Đại Hòa Thượng Đông Chinh Truyện

1 quyển
Do Nguyên Khai (Yaun-k’ai) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2089

Nhan đề sách có nghĩa là “Truyện Về Chuyến Đi Miền Đông của Vị Đại Hòa Thượng Đời Đường,” hòa thượng này là Giám Chân (Chien-Chen) Hòa Thượng, vị cao tăng Trung Hoa đời nhà Đường đã có công truyền bá toàn bộ giới luật của tự viện Phật giáo vào Nhật Bổn ở thời đại Nại Lương (Nara). Sách này chia làm ba phần. Phần thứ nhất gồm thời kỳ từ lúc Giám Chân bắt đầu tiếp xúc với Phật giáo cho tới khi ngài gặp gỡ hai tăng sĩ Nhật Bổn tới Trung Hoa du học. Phần thứ nhì thuật lại về 6 lần ngài cố gắng vượt biển sang Nhật Bổn. Và phần thứ ba tóm lược về những chuyện sau khi ngài tới Nhật cho tới khi ngài viên tịch.

Quan trọng nhất là phần thứ nhì, mô tả chi tiết về những gian nan mà Giám Chân và phái đoàn của ngài đã phải trải qua trước khi có thể đặt chân lên Nhật Bổn. Toàn thể tác phẩm là một sử liệu quan trọng nói rõ về một giai đoạn truyền bá Phật giáo sang Nhật Bổn.

102. Hoằng Minh Tập

1 quyển
Do Tăng Hựu (Seng-huu) thu thập
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2102

Chữ “Hoằng Minh” trong nhan đề là tóm tắt những chữ “hoằng đạo minh giáo” (có nghĩa là “truyền bá đạo và làm sáng tỏ giáo lý”). Sách này do Tăng Hựu đời nhà Lương soạn, là một tuyển tập gồm những nhà luận thuyết về Phật giáo mà ngài cho rằng hữu ích và được viết trong thời kỳ 500 năm trước. Mười một quyển đầu – bao gồm những câu trả lời của các Phật tử đối với những lời phê phán của Nho giáo và Lão giáo, minh xác về những tương đồng và dị biệt giữa những giáo lý của Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo; trong khi ba quyển cuối cùng gồm những bài luận thuyết bàn trực tiếp về giáo lý Phật giáo.

Toàn bộ sách này được viết bằng thể văn dễ hiểu đối với một độc giả trung bình; do đó nó là một nguồn tư liậu trọng yếu về tình hình của Phật giáo đương thời.

103. Pháp Uyển Châu Lâm

100 quyển
Do Đạo Thế (Tao-shih) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2122

Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì đây là một bộ tự điển bách khoa về Phật giáo. Nội dung bao gồm từng tiết mục giải thích về giáo lý, những thuật ngữ và những khái niệm của Phật giáo; đồng thời cũng bao gồm nhiều trích dẫn từ những kinh điển. Trong số những trích dẫn đó có nhiều đoạn mà nguyên bản ngày nay đã bị thất lạc, vì vậy đây là một nguồn tài liệu quí giá. Ngoài ra, những trích dẫn đó được phân loại tùy theo nội dung của chúng; do đó rất tiện để tham khảo, cho nên sách này từ trước đến nay đã được nhiều học giả dùng tới.

Toàn bộ được phân chia thành 100 quyển và nội dung lại được phân loại thành 668 tiểu mục.

104. NamHải Ký Qui Nội Pháp Truyện

4 quyển
Do Nghĩa Tịnh (I-ching) soạn
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2125

Nhan đề chính thức của sách này là “Đại Đường Nam Hải Ký Qui Nội Pháp Truyện” – có nghĩa là nói về những thực hành Phật giáo trong vùng Nam Hải (ngày nay là quần đảo Nam Dương và Mã Lai) vào thời Đại Đường – thường được gọi tắt là “Nam Hải Ký Qui Truyện.”

Nghĩa Tịnh xuất phát từ Trung Quốc năm 671 để tới Ấn Độ và vùng Đông Nam Á, và sách này ghi chép tỉ mỉ mhững quan sát của ngài về những giới luật và sinh hoạt trong các ngôi chùa mà ngài đã tới viếng. Sau khi viết tại chỗ, ngài sai người đem tài liệu về Trung Quốc để giúp cho các tăng sĩ Trung Hoa biết rõ về những giới luật nghiêm khắc của các tăng sĩ ở Ấn Độ và các nước láng giềng, để có thể phản tỉnh về những giới luật tu hành của chính họ.

Vì vậy, đây là một nguồn tư liệu quí giá về cách tổ chức của Phật giáo trong các nước đó và những giới luật tu hành đương thời.


105. Phạn Ngữ Tạp Danh

1 quyển
Do lễ Ngôn (Li-yen) thu thập
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 2135

Sách này thu thập những chữ Phạn và có thể coi như là một cuốn tự điển Phạn-Hán, bao gồm 1,205 chữ Hán thường dùng hàng ngày và những chữ Phạn tương đương với chúng. Những chữ ghi trong sách này được sắp xếp tùy theo ý nghĩa, do đó đây là một sách tham khảo rất tiện dụng đối với những người bắt đầu học chữ Phạn. Những chữ Phạn dùng để phiên dịch từ chữ Hán lại được chỉ dẫn bằng cả chữ Hán và mẫu tự chữ Phạn; vì vậy đây là một tài liệu quan trọng để đánh giá tiêu chuẩn của việc nghiên cứu chữ Phạn ở Trung Hoa vào thời đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]