Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài Hàng Sau Kinh Bát Chu Tam Muội

23/03/201107:10(Xem: 3937)
Vài Hàng Sau Kinh Bát Chu Tam Muội

KINH BÁT CHU TAM MUỘI
Đời Tùy Tam Tạng, Khất Đa và Cấp Đa
Việt dịch: HT Thích Minh Lễ

Vài Hàng Sau Kinh Bát Chu Tam Muội
Bành Tế Thanh

Môn niệm Phật tam muội trong ba pháp quán từ giả quán thể nhập, theo kinh Viên Giác gọi là tam ma đề Như Huyển. Muốn thành tựu tam muội này trước tiên nên phát tâm vô thượng bồ đề tu các công đức, tùy theo phương hướng đức Phật đang ngự nhứt tâm chuyên niệm, không rời chỗ ngồi thấy Phật nghe pháp chứng không tam muội, vì biết tất cả pháp đều không thật hữu nên không chi ngăn ngại, mười phương chư Phật từ tâm hiển hiện không có phân ly chia cách, nên trong văn kinh dạy: Lúc quán phương đông thấy nhiều ức trăm ngàn na do tha Phật, nam, tây, bắc, bốn góc, phương trên phương dưới cũng vậy. Tức giả tức không, không phải không không phải giả. Kinh lại dạy: Tâm ta làm Phật, tâm ta là Phật tâm không biết tâm, tâm không thấy tâm. Lại dạy: Thường xả ly các tưởng về tướng mà suy gẫm thấy chư Phật kia, tâm thanh tịnh đây là chánh quán trung đạo, cũng gọi là quán thật tướng Phật, hể quán được thật tướng sẽ chóng tương ưng với pháp thân chư Phật. Như kinh Phật Tạng dạy: Niệm Phật cũng gọi là phương pháp giác quán phá tất cả thiện bất thiện, không giác không quán, lặng nhiên không tướng gọi là niệm Phật. Tại sao? Vì không nên dụng giác quán nhớ niệm chư Phật, không giác không quán mới là thanh tịnh niệm Phật. Trong niệm như thế không tham, không đắm, không thuận, không nghịch, không danh, không tướng, không tưởng, không lời, mới gọi là niệm Phật. Thật cùng với kinh nầy đồng trình bày rõ về niệm Phật. Nhưng với người học Phật sơ cơ chắc chắn phải nhờ nơi tướng mới đạt được vô tướng, do từ niệm mới đi đến vô niệm. Văn Thù bát nhã kinh: Như kẻ học bắn tập mãi chắc giỏi, sau dù vô tâm tên bắn ra mủi mủi đều trúng. Nếu không do tập lâu thành thói quen chỉ nói khan vô tâm thật việc ấy không có bao giờ! Do một môn tam muội nầy làm chỗ tổng trì các pháp, các đại bồ tát nhờ tam muội nầy chứng đại bồ đề. Trong kinh thuyết minh rõ công đức thọ trì và công đức cúng dường Pháp sư. Bởi pháp môn niệm Phật nầy là phương tiện tối thẳng trong đời mạt pháp mà pháp sư nầy là sứ giả của Như Lai là bậc lãnh đạo cho tất cả chúng sanh có năng lực làm cho dòng Phật không diệt chánh pháp tồn tại lâu bền.

Ngài Đại Thế Chí luận về niệm Phật: con nếu nhớ mẹ như mẹ nhớ con mẹ con dù trải qua nhiều đời nhưng không xa cách, tự tha không cách năng sở đều vong. Nên ngài Văn Thù có kệ dạy:

Các hành là vô thường
Tánh niệm vốn sanh diệt
Nhơn quả nay cảm khác
Thế nào chứng viên thông?

Nếu như theo kinh này dạy: Lấy dầu, nước, thủy tinh, gương soi để soi mặt mình, bóng dáng hiện rõ ra vẻ đẹp xấu lành dữ... nên biết bóng nầy không từ đâu lại cũng không đi về đâu, không sanh không diệt, không chỗ nơi trụ, niệm Phật cũng vậy không phải ta không phải hắn, như mộng như ảo, không ly đương niệm nhơn quả viên thành nhưng cũng không hoại tướng tự tha bởi duyên khởi vô sanh, nhị biên không thể được vậy.

Kinh nầy còn mang một tên nữa là Bát chu tam muội, bát chu nghĩa là chư Phật hiện tiền. Các vị bên giáo thường y theo văn trong kinh có dạy: "Ba tháng kinh hành" nên thường lấy đó làm phương pháp thường hành, thật ra kinh hành để đối trị ngủ nghỉ là một pháp trong các pháp trợ duyên. Văn trước có nói: Đầu hôm sớm mai giữa đêm bớt ngủ nghỉ. Lạy dạy: "ngồi ngay ngắn chuyên niệm một ngày một đêm hoặc bảy ngày bảy đêm", thế nên thực hành tam muội ban sơ đâu có định thường hành không ngủ nghỉ làm khóa trình. Bởi vì pháp hệ niệm cần nơi thần tinh mà sáng mới được nhứt tâm liên tục, muốn được thần tinh mà sáng cũng cần điều hòa bốn đại, nếu bốn đại không hòa, khi gấp động chí hôn mê biếng trễ thừa theo thế là tính ở trước lại nghịch ở sau. Dù có bậc quá lượng mặc giáp hoằng nguyện kiệt tủy khô xương siêng năng thực hành không lui sụt trải qua ba tháng dài coi như khoảng khảy móng tay quyết định thành tựu tam muội, đây là bậc vì pháp quên thân mười phương chư Phật đều che chở đâu có thể lấy thường tình để suy xét được.

Do tam muội nầy không lâu sẽ chứng nhứt thiết chủng trí như chư Phật Như lai, vì thế nên nói thêm mười tám pháp bất cộng, mười thứ năng lực v.v...Nhưng chứng tam muội nầy đắc vô sanh nhẫn hiện tiền được thọ ký đã lên bậc viên giáo sơ trụ, biệt giáo sơ địa, bọn phàm phu há dễ đến địa vị đó sao? Kẻ phát tâm cần phải do tùy hỉ mới thể nhập, vì vậy trong kinh cực lực ca ngợi công đức tùy hỉ, như phẩm thứ Năm trong kinh Pháp Hoa tùy hỷ là nền tảng, mười nguyện Phổ hiền tùy hỷ đứng vào hàng thứ nhứt, lúc phát tâm tùy hỷ tín căn thành tựu nên kinh dạy: Lúc quá khứ, khi ta thực hành đạo Bồ tát đều nhờ tùy hỉ nên đắc công đức nầy, từ đó gia công một niệm tương ưng mười phương chư Phật nào xa cách mảy lông, thành tựu trang nghiêm, lìa hẳn thai ngục đó chẳng phải là cơ hội khó gặp trong muôn đời muôn kiếp sao? Quán sát hai vua quá khứ bỏ nước xuất gia làm tỳ kheo chỉ vì tha thiết môn tam muội nầy, trong vòng tám ngàn năm thậm chí ba muôn sáu ngàn năm hoặc chỉ được nghe một lần hay hoàn toàn không được nghe gì cả, nên kinh còn dạy thêm: Ức Na do tha kiếp tinh chuyên mong cầu tam muội vi diệu này mãi về sau mới được dịp nghe. Như bọn ta đây hiện giờ hết sức may mắn gặp gở được kinh này sao đành chịu cảnh lên núi báu rồi về tay không nhiều kiếp cam đắm chìm trong bể khổ, thật lấy không làm đau xót sao!

Kinh này được dịch lần đầu tiên hết vào khoảng đời nhà Hán do ngài Chi lâu ca Sám đề là Bát Chu Tam muội. Kế tiếp một nhà dịch khác dịch đề là Bạt Bì bồ tát, tiếc thay tên người dịch này đã lạc mất. Văn của hai bộ kinh trên còn lắm sơ sót lại vấp váp nhiều nên đọc hiểu được thật không phải là chuyện dễ, bổn nầy so ra có phần sáng sủa hơn nghĩa cũng đầy đủ, chỉ câu văn từ ngữ đôi khi sai hoặc có lúc lập đi lập lại, có phần đáng tiếc nhơn đó tôi mới gắng công sửa chữa được phần nào toàn hảo, kinh chia ra phẩm mục và phân quyển cũng chưa được thỏa mãn lắm.

Mong nhờ từ quang của chư Phật kinh được truyền bá vô tận, kẻ có duyên gặp được tin nhận thọ trì đem ra phổ biến đều là kẻ trong nhóm năm trăm người tham dự pháp hội khi xưa, xin gác tay lên trán chờ trông.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]