Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Phẩm Giới Hạnh Ðầy Ðủ

23/03/201107:10(Xem: 3637)
7. Phẩm Giới Hạnh Ðầy Ðủ

KINH BÁT CHU TAM MUỘI
Đời Tùy Tam Tạng, Khất Đa và Cấp Đa
Việt dịch: HT Thích Minh Lễ

Quyển Thứ Hai
Phẩm Thứ Bảy - Giới Hạnh Đầy Đủ

Hiền Hộ Bồ tát lại bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Ngài rất là hy hữu đã có được tam muội siêu việt như thế. Nếu như có các vị Bồ tát bỏ gia đình đi xuất gia tâm rất ưa thích giảng nói về tam muội nầy cũng như quán sát nó. Bạch ngài! Các vị nầy nên nương theo pháp nào để có khả năng giảng nói và quán sát?

Phật dạy:

Nầy Hiền Hộ! Nếu có Bồ tát bỏ gia đình đi xuất gia, hết lòng ưa thích và mong muốn quán sát tam muội nầy, hàng Bồ tát xuất gia đó trước tiên hết phải ghi nhớ các giới như vầy: giữ gìn giới hạnh cho trong sạch, giới hạnh không thiếu sót, không ô nhiễm, không nhơ bẩn, không đắm trước, không xao động, không bị chê trách, giới hạnh được bậc trí ca ngợi, giới hạnh được bậc thánh kính mến.

Nầy Hiền Hộ! Hàng Bồ tát xuất gia làm như thế nào để được giới hạnh trong sạch? Cho đến làm sao được giới hạnh bậc thánh kính mến?

Nầy Hiền Hộ! Hàng Bồ tát xuất gia nên y cứ theo Ba la đề mộc xoa thành tựu các oai nghi tế hạnh cho đến viên mãn các giới hạnh vi tế nhiều như bụi. Đối với các giới hạnh nên nghĩ đến sự thành tựu cao xa không chấp trước, lúc được nghe pháp không, vô tướng, vô nguyện tâm không sợ hãi không mê mờ. Hiền Hộ! Do nhơn duyên đó hàng Bồ tát xuất gia thành tựu được giới hạnh không đắm trước, giới hạnh được bậc thánh kính mến.

Khi ấy Bồ tát Hiền Hộ lại bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Hàng Bồ tát xuất gia do duyên cớ gì lại có giới hạnh không trong sạch, thiếu sót, nhiễm trước, ô uế, ỷ lại, giới hạnh bị kẻ chê trách, bậc thánh ghét bỏ?

Phật dạy:

Nầy Hiền Hộ! Nếu Bồ tát xuất gia nào còn giữ lấy đắm trước nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà thọ trì cấm giới tu tập Phạm hạnh. Đã tu rồi còn có quan niệm: Hiện nay ta giữ giới, tu khổ hạnh, tu học như thế nầy, Phạm hạnh như kia, mong rằng đời vị lai ta sẽ được sanh lên cõi trời hay ở nhân gian một cách tự tại hưởng quả đầy đủ.

Hiền Hộ! Vì lý do nầy nên Bồ tát xuất gia thành tựu giới hạnh không trong sạch... cho đến giới bị bậc thánh ghét bỏ. Vì họ cầu có, muốn hưởng quả báo và mong thác sanh nơi an nhàn.

Nầy Hiền Hộ! Hàng xuất gia Bồ tát muốn tuyên nói và suy gẫm môn tam muội nầy trước tiên hết phải thành tựu giới hạnh trong sạch.... cho đến giới được bậc thánh kính mến, luôn luôn ghi nhớ thực hành Bố thí Ba la mật đó là những sự bố thí cao cả, bố thí pháp, bố thí siêu việt, bố thí vi diệu, bố thí tịnh diệu, bố thí vô thượng, thường siêng năng hăng hái không bỏ rơi trách nhiệm to tát dù là chỉ tạm nghỉ thôi.... Hằng nhứt tâm gìn giữ chánh niệm. Đức tin trong sạch không vướng vít danh tiếng lợi dưỡng thế gian, không mang lòng ganh tỵ. Thường hành khất thực, đúng như pháp xin ăn để nuôi thân hình, không nhận thỉnh riêng, lòng nhàm chán thế gian thích cảnh a lan nhã, tôn sùng dòng thánh, vâng giữ hạnh đầu đà dứt bặt chuyện phiếm chỉ luận việc siêu thoát cõi đời. Yên lặng ở giữa đám đông ít lời lẽ thường tôn kính kẻ khác không dám khinh chê, bất cứ lúc nào cũng cảm thấy tự thẹn với mình hổ ngươi đối với kẻ khác. Kẻ gia ân cho mình lòng hằng nhớ báo đáp, với kẻ thiện tri thức mong muốn được thân cận, với bậc sư tôn thì tùy thuận hầu hạ. Nếu gặp được kinh điển sâu xa sẽ hết lòng nghe nhận, tâm hằng không có niệm mỏi mệt, đối với vị pháp sư xem như đấng cha lành hay bậc thiện tri thức cho đến coi như đức Như Lai, vì do người dạy pháp vi diệu nầy làm cho mình được thành tựu trí giác vĩ đại tăng tưởng tâm mến thích kính trọng.

Nầy Hiền Hộ! Nếu có Bồ tát đi đến nghe bậc Thinh Văn nói về kinh điển sâu xa như đây, lại đối với bậc pháp sư nầy không sanh tâm kính mến, tôn trọng, không nghĩ là bậc cha lành thiện tri thức, giáo sư hay chư Phật nên không thể thân cận cúng dường hầu hạ người đã dạy mình kinh nầy. Hiền Hộ! Ông phải biết hạng Bồ tát nầy sẽ không đủ năng lực để tin nhận, biên chép phổ biến ra, tuyên giảng về kinh nầy để nhờ đó chánh pháp được tồn tại.

Lại nầy Hiền Hộ! Nếu có Bồ tát nào được nghe hàng Thinh văn nói về kinh điển vi diệu như vậy sanh tâm tôn trọng coi vị pháp sư đó như là Phật gần gũi cung kính cúng dường hầu hạ. Bồ tát như vậy dù chưa tu học kinh nầy cũng tức là đă tu tập, chưa giải nói ra tức đã giải nói, có đủ năng lực làm cho diệu pháp tồn tại lâu dài trên cõi đời, không bị hủy hoại hay tiêu diệt. Tại sao thế? Là vì do có thể kính mến tôn trọng chánh pháp nên kinh nầy mới được tồn tại lâu dài trên thế gian. Nầy Hiền Hộ! Do nhơn duyên nầy giờ đây ta dạy ông: Người nào đối với vị pháp sư sanh tâm ưa mến, kính trọng, tôn quý, coi như thiện tri thức, bậc thầy, thậm chí có khi tưởng như chư Phật nên hết lòng hầu hạ cúng dường cung kính, người như vậy mới gọi là thực hành theo hạnh của ta, vâng lời ta dạy bảo.

Lại nầy Hiền Hộ! Hàng Bồ tát xuất gia quyết định muốn và suy gẫm tam muội nầy nên thường ở a lan nhă xa lánh đám đông, làng xóm bè đảng, chỗ tham cầu, không cất chứa lúa gạo món ăn, không tham đắm nơi y phục vật thức, không nhận lãnh tài sản vàng bạc. Không ham mê hằng nghĩ đến việc xả thân, xa lìa lòng tham đắm, thường tu pháp tử quán, luôn hổ thẹn không tạo điều ác gìn giữ chánh pháp. Không còn nghe hoặc, luôn xa lìa không nắm giữ các tướng. Tu từ tâm không mang oán hiềm phát khởi tình thương cao cả, không giận hờn tâm bình thản hằng vui vẻ xí xóa nào có ưa ghét gì đến chúng sanh. Thường đi kinh hành phá trừ mê ngủ.

Nầy Hiền Hộ! Nếu Bồ tát xuất gia thực hành được pháp như thế sẽ có năng lực tu học, giải nói, suy gẫm về môn tam muội Niệm Chư Phật hiện tiền nầy.

Khi ấy Bồ tát Hiền Hộ bạch Phật:

Thưa Thế Tôn! Thật là hy hữu! Đức Như lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác dạy ra kinh điển thật hết sức sâu xa vi diệu siêu việt không thể suy lường được, nhưng các Bồ tát ở đời vị lai biếng nhát ỷ lại dù nghe được kinh điển nầy lại sanh sợ hãi kinh nghi thối lui không phát tâm ưa thích vui mừng. Lúc đó cũng có các Bồ tát siêng năng tinh chuyên ghi nhớ ưa thích pháp nầy giữ vững cùng khuyên người thọ trì, nếu được nghe pháp sư dạy cho pháp nầy dù phải xả thân nơi chánh pháp cũng không tiếc, không đắm trước danh tiếng không mong cầu lợi dưỡng, nghe nhận được pháp môn vi diệu như thế thường đọc tụng, ghi nhớ, suy gẫm nghĩa lý, thực hành như lời dạy, trong đời các Phật vị lai sẽ chỉ vì để thành tựu các công đức vĩ đại nên lòng luôn siêng năng hăng hái.

Lại có thiện nam thiện nữ đã từng cúng dường các đức Phật đời quá khứ vun trồng nhiều căn lành, hạng nầy rất hăng hái, vì mong muốn nghe pháp môn vi diệu nên phát ra đại thệ:

Dù phải khô kiệt da thịt, nát nghiến xương tủy, đốt cháy thân tâm, khổ hạnh liên tục nhưng con cũng không hề tạm thời biếng nhát mỏi mệt, do vì hằng mong thành tựu được kinh điển vi diệu nên siêng năng hăng hái phi thường chỉ muốn để thu phục các Bồ tát làm cho họ nghe nhận kinh điển nầy liền sanh đức tin, tâm vui vẻ.

Khi ấy Thế Tôn khen Bồ tát Hiền Hộ:

Hay lắm! Hay lắm! Nầy Hiền Hộ! Đúng như vậy! Đúng như lời ông nói! Ta hết sức vui vẻ công nhận, tất cả ba đời chư Phật Thế Tôn số nhiều như cát sông Hằng cũng đều công nhận thế.

Hiền Hộ lại thưa:

Bạch Thế Tôn! Nếu như có Bồ tát tại gia còn ở thế gian nghe được môn tam muội nầy muốn được quán tưởng, nói cho kẻ khác nghe hoặc trọn một ngày đêm thực hành, người nầy gìn giữ bao nhiêu pháp hành để thành tựu được tam muội và có năng lực dạy bảo kẻ khác.

Phật dạy:

Nầy Hiền Hộ! Hàng Bồ tát gia còn ở trong thế gian lại mong muốn tu tập môn tam muội niệm Phật hiện tiền nầy hoặc trọn một ngày đêm hay đôi giờ, nay ta nói cho ông nghe: Hàng tại gia nầy còn ở trong thế gian cần nên có đức tin chơn chánh, không keo kiệt hằng bố thí giúp đở hoặc ít nhiều hay cho tất cả không mong cầu quả báo, nên quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, không thờ trời cũng không lễ bái, không có lòng ganh tỵ lại hằng vui theo, sanh sống theo như Phật pháp giữ mình cho trong sạch, không mê gái không đắm say thê thiếp, không nhiễm thế tục, không bo bo ôm ấp tài sãn châu báo, hằng ưa thích hạnh xuất gia cạo bỏ râu tóc, thường ở chốn già lam tu bồ đề không nghĩ đến thừa nào khác, gặp bậc tỳ bởn giữ niềm cung kính. Được vị pháp sư nói cho nghe tam muội nầy, đối với vị đó sanh lòng kính mến tôn trọng xem như là bậc thiện tri thức, giáo sư, thậm chí như Phật, đem dâng cúng những gì người cần thiết, hằng nghĩ đến ân đã dạy cho mình diệu pháp nầy nên luôn tìm cách đáp trả.

Nầy Hiền Hộ! Bồ tát tại gia lúc còn ở thế gian ông nên dạy họ thực hành các pháp như trên sau đó mới chỉ cho họ môn tam muội nầy, cách suy gẫm và tu tập như thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]