Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

94. Đói khổ suốt đời

04/03/201103:31(Xem: 6725)
94. Đói khổ suốt đời

MỘT TRĂM BÀI KINH PHẬT
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải

PHẨM THỨ MƯỜI: CÁC NHÂN DUYÊN KHÁC

ĐÓI KHỔ SUỐT ĐỜI

Lúc ấy, Phật ở với chư tỳ-kheo gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Trong thành có một người vợ của người bà-la-môn có thai, sinh ra một đứa con trai hình dung cực xấu, thân thể nhớp nhúa. Khi bú vú mẹ, sữa mẹ liền chua đi, chẳng thể bú được. Khi nhờ người khác cho bú lại cũng như thế. Vì vậy, đành phải lấy bơ với mật trét vào miệng cho trẻ ấy mút cầm hơi mà sống. Nhân đó mới đặt tên là Lê-quân-chi.

Đứa trẻ ấy cũng dần dần lớn lên, nhưng thật là xấu số, chẳng lúc nào được ăn no đủ. Thấy các vị tỳ-kheo đi khất thực được người ta cúng dường thức ăn trong bát, Lê-quân-chi sanh lòng hoan hỷ, nghĩ rằng: “Ta nên đến chỗ Phật mà cầu xuất gia, tất sẽ được ăn no.”

Nghĩ rồi liền đến nơi tinh xá Kỳ Hoàn lạy Phật xin xuất gia. Phật nói: “Lành thay đó, tỳ-kheo!” Tức thì, râu tóc tự nhiên rụng sạch, áo cà-sa hiện ra nơi thân, thành một vị tỳ-kheo oai nghi đầy đủ. Chuyên cần tu tập, chẳng bao lâu đắc quả A-La-hán.

Dù đã chứng quả, nhưng mỗi khi tỳ-kheo Lê-quân-chi đi khất thực vẫn thường đói thiếu. Trong lòng tự hối trách, liền vào trong tháp Phật mà lễ bái, thấy có bụi bặm liền chuyên tâm quét dọn sạch sẽ. Hôm ấy đi khất thực được một bữa ăn no. Trong lòng vui vẻ, liền bạch với tăng chúng rằng: “Từ nay về sau xin cho tôi được lo việc quét dọn tháp Phật. Vì nhờ quét tháp Phật tôi mới có thể khất thực được no lòng.” Tăng chúng nghe vậy cũng đều đồng ý.

Đến một ngày nọ, Lê-quân-chi ngủ mê dậy muộn, đã quá giờ quét dọn mà vẫn còn ngủ. Gặp lúc Xá-lỵ-phất và năm trăm vị đệ tử từ nơi khác đến viếng Phật, thấy trong tháp có bụi bặm liền tiện tay quét dọn sạch sẽ ngay. Lê-quân-chi thức giấc thấy Xá-lỵ-phất đã quét tháp rồi, liền nói rằng: “Ngài quét tháp Phật, ấy là khiến tôi hôm nay phải nhịn đói rồi.” Xá-lỵ-phất hỏi nguyên do, nghe xong liền nói rằng: “Ngài không phải lo, hôm nay có thể cùng đi với tôi vào thành khất thực, chắc được no đủ.”

Lê-quân-chi nghe nói vui mừng, đến giờ khất thực liền ôm bát đi theo Xá-lỵ-phất. Đến nhà đàn việt, ngờ đâu gặp lúc vợ chồng cãi nhau chẳng ai cúng dường, đành ôm bát không mà về.

Ngày thứ hai, đến giờ khất thực Xá-lỵ-phất liền nói rằng: “Hôm nay có người trưởng giả trong thành thỉnh đến cúng dường, ngài nên cùng đi với tôi, chắc được no đủ.” Liền cùng nhau đến đó. Lễ cúng long trọng, người ta dọn thức ăn rất nhiều. Chư tỳ-kheo ngồi thành hàng dài, những người dọn thức ăn đặt từ phía dưới lên, đến chỗ Lê-quân-chi thì vừa hết mất. Những người người dọn từ phía trên xuống, đến chỗ ông lại cũng vừa hết. Vậy là trong chúng hội chỉ mỗi mình ông chẳng có thức ăn. Ông liền lớn tiếng gọi rằng: “Tôi chưa có thức ăn.” Nhưng chẳng hiểu sao chủ nhân chẳng nghe thấy tiếng ông gọi. Đành nhịn đói mà về.

Khi ấy, ngài A-nan nghe kể lại sự việc, sanh lòng thương xót, đến ngày thứ ba liền đến nói với Lê-quân-chi rằng: “Sáng nay tôi được cùng đi với Phật thọ nhận cúng dường, sẽ vì ông mà mang thức ăn về, giúp ông được no đủ.” Nói vậy rồi mới đi.

Ngài A-nan vốn là người đa văn đệ nhất, nghe và nhớ được hết tất cả những kinh Phật thuyết dạy, chưa từng quên mất điều gì. Vậy mà hôm ấy bỗng nhiên quên khuấy mất lời hứa với Lê-quân-chi, thọ thực xong lại ôm bát không mà về!

Đến ngày thứ tư, ngài A-nan lại vì Lê-quân-chi mà nhận thức ăn vào bát mang về. Ngờ đâu nửa đường gặp con chó dữ, chồm lên hất bát đổ hết thức ăn. Đành ôm bát không mà về, Lê-quân-chi phải nhịn đói thêm một hôm nữa.

Ngày thứ năm, ngài Mục-kiền-liên biết chuyện, liền vì Lê-quân-chi mà xin thức ăn mang về, lại gặp con chim Kim-sí cực lớn giật lấy bát mà mang luôn ra ngoài biển. Lại phải nhịn đói thêm ngày nữa.

Ngày thứ sáu, ngài Xá-lỵ-phất liền quyết ý giúp Lê-quân-chi. Xin được thức ăn cẩn thận mang về đến tận cửa phòng rồi, cửa bỗng nhiên đóng chặt. Xá-lỵ-phất liền dùng thần lực mà hiện vào trong phòng, chẳng ngờ nhanh quá nên sẩy tay rơi bát. Ngài lại dùng thần lực mà ngăn giữ, thu hồi nguyên vẹn lại mà đưa cho Lê-quân-chi. Cầm bát thức ăn trên tay, miệng liền dính cứng chẳng mở ra được. Giờ ăn qua rồi, miệng liền tự mở ra được.

Vào ngày thứ bảy, Lê-quân-chi sinh tâm xấu hổ cùng cực, liền ra trước đại chúng vốc cát mà ăn, ăn xong uống nước rồi nhập Niết-bàn.

Chư tỳ-kheo thấy sự việc của Lê-quân-chi thảy đều kinh quái, liền thưa hỏi Phật về nguyên do các nghiệp thiện ác mà tỳ-kheo Lê-quân-chi đã làm. Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà phân biệt giảng nói. Về thuở quá khứ cách đây đã vô số kiếp, xứ Ba-la-nại có vị Phật ra đời hiệu là Đế-tràng, cùng với chư tỳ-kheo đi giáo hóa nhiều nơi.

“Bấy giờ có người trưởng giả tên là Cù-di, thấy Phật với chư tăng thì sanh lòng kính tín, liền thỉnh về nhà mà cúng dường, ngày nào cũng vậy. Một thời gian sau, trưởng giả ấy chết đi. Người vợ tiếp tục cúng dường, nhưng đứa con trai lòng tham lam chẳng thuận việc cúng dường, bố thí, liền ngăn cản mẹ. Người mẹ không nghe, con trai liền lường thức ăn cho mẹ mỗi ngày. Người mẹ lại nhịn một nửa phần ăn của mình, tiếp tục cúng dường Phật với chư tăng.

“Đứa con thấy vậy thì tức lắm, liền nhốt mẹ vào một cái phòng trống, chẳng cho ăn uống gì cả. Cho đến bảy ngày, mẹ đói quá cầu khẩn xin ăn, đứa con đáp rằng: ‘Sao chẳng ăn cát mà uống nước, lại phải theo ta xin ăn?” Nói vậy rồi lại bỏ mà đi mất. Rốt cục, người mẹ đói quá mà chết.

“Người con ấy sau mạng chung liền sanh vào địa ngục A-tỳ, chịu khổ báo qua vô số kiếp. Mãn nghiệp ấy rồi, được sanh làm người lại phải chịu đói khổ như vậy.”

Phật lại dạy rằng: “Người con trai chẳng cho mẹ ăn ngày trước, nay là tỳ-kheo Lê-quân-chi đó. Nhờ phước cúng dường trước đó, nên nay được gặp Phật, xuất gia đắc đạo.”

Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]