Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

e. Niết bàn

14/02/201117:08(Xem: 3694)
e. Niết bàn

KINH LỜI VÀNG
Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích TríNghiêm

PHẦN III – NHƠN QUẢ

CHƯƠNG III

PHẬT ĐÀ

E. NIẾT BÀN

Đức Phật bảo đại chúng rằng: Niết bàn là giải thoát. Niết Bàn chẳng phải sắc mà Nhị thừa giải thoát vậy; sắc ấy là giải thoát của các Đức Phật. Giải thoát mà khi nào xa lìa tất cả ràng buộc, không còn sanh, không còn hòa hiệp là chẳng phải chơn giải thoát.

Chơn giải thoát tức Như Lai, vì tính thanh tịnh vậy. Như Lai với giải thoát không hai. Chơn giải thoát là như hư không; chơn giải thoát là vô vi; chơn giải thoát là vô bệnh, chơn giải thoát là yên lặng; chơn giải thoát là yên ổn; chơn giải thoát là không có bè bạn; chơn giải thoát là không lo sợ; chơn giải thoát là không buồn vui; chơn giải thoát là không hư hoại; chơn giải thoát là không ép bức; chơn giải thoát là không động pháp; chơn giải thoát là hiếm có; chơn giải thoát là chẳng khá lường; chơn giải thoát là tối thượng; chơn giải thoát là vô thượng; chơn giải thoát là hằng thường; chơn giải thoát là kiên thiệt; chơn giải thoát là vô biên; chơn giải thoát là sâu thẳm; chơn giải thoát là chẳng khá thấy; chơn giải thoát là chẳng khá lấy; chơn giải thoát là thanh tịnh; chơn giải thoát là một vị; chơn giải thoát là vắng lặng; chơn giải thoát là bình đẳng; chơn giải thoát là biết đủ; chơn giải thoát là lặng thinh.

Kinh Niết Bàn

Có lời hỏi Đức Phật vào Niết bàn có phải cũng vô thường hay không?

Lời đáp: Niết bàn chẳng phải vô thường mà là thường trú vậy. Tại sao thế? Vì Thế gian có 5 nhơn:

Sanh nhơn: nghiệp phiền não và các hạt giống cỏ cây v.v…

Hòa hiệp nhơn: là thiện với thiện tâm hòa hiệp, bất thiện với bất thiện tâm hòa hiệp, vô ký với vô ký tâm hòa hiệp vậy.

Trụ nhơn: là vì ở dưới có trụ cột nên cái nhà chẳng bị sụp đổ

Tăng trưởng nhơn: như nhờ nhơn duyên mặc áo, ăn uống v.v… nên khiến chúng sanh thêm lớn thân mạng; còn ngoại cảnh như các hạt giống chẳng bị lửa đốt, chẳng bị chim ăn mà được sanh trưởng vậy.

Viễn nhơn: Như nhờ quốc vương, nên không có kẻ trộm cướp; cũng như mộng giống nương nhờ đất nước gió lữa v.v… mà được sanh lớn

Nhưng bản thể Niết Bàn chẳng phải do năm nhơn nầy mà tạo thành, cho nên không thể là vô thường được.

Lại còn có hai nhơn nữa: thứ nhất là liễu nhơn: như đèn đuốc soi vào trong chỗ tối: thứ hai là tác nhơn: như thợ sứ làm thành đồ sứ vậy. Nhưng Niết Bàn chẳng phải nhờ tác nhơn tạo thành, mà chỉ nhờ liễu nhơn được hiển hiện vậy thôi. Cho nên liễu nhơn cũng gọi là 37 món đạo phẩm và lục độ vậy.

Kinh Niết Bàn

Đức Phật bảo Ngài Ca Diếp: Này Ca Diếp! Các Thanh văn và phàm phu, nghe nói Tam thừa không sai khác mà sanh lòng nghi. Nhưng Tam thừa thành tựu được Đạo quả, đồng là một Phật tánh, cho nên không có sai khác. Các chúng sanh đời sau xa mới biết tất cả Tam Thừa đồng một Phật tánh; như trừ bỏ được các quặng bẩn trong vàng mới thành vàng ròng: chúng sanh đến bực hết phiền não, mới biết là Tam Thừa đồng một Phật tánh. Nếu nói rằng Thanh Văn như Xá Lợi Phất được tiểu Niết Bàn, Duyên Giác được trung Niết Bàn, Bồ tát được đại Niết bàn ấy, là có lỗi. Tuy khai thị ra có Tam thừa đấy, nhưng khi biết Như Lai Bí mật Tạng thời các vị A La Hán cũng đều được đại Niết bàn. Cho nên đại Niết bàn là vui rốt ráo vậy, chớ đâu có sai khác.

Kinh Niết Bàn

Đức Phật bảo Tư Ích rằng: Ta chẳng bị sanh tử mà cũng chẳng được Niết bàn gì ráo.

Bấy giờ có 500 vị Tỳ kheo vừa nghe lời ấy đều từ chỗ ngồi đứng dậy một lượt mà thưa Phật rằng: Bạch Đưc Thế Tôn! Như vậy thì bọn chúng tôi luống tu phạm hạnh, nếu không có Niết bàn thời tu Đạo cầu trí huệ làm chi?

Ngài Tư Ích Phạm Thiên thay Phật mà giải thích cho các Tỳ kheo rằng: Ví như có người si sợ hư không, bỏ hư không mà chạy, thì chạy đến chỗ nào cũng đều gặp hư không. Trái lại có một người tìm hư không rông chạy đông tây mà rằng: "Tôi tìm hư không". Người này chỉ biết cái tên hư không mà chẳng biết hư không là chi cả. Cũng thế kẻ cầu Niết Bàn, hằng qua lại trong Niết Bàn mà chẳng biết Niết bàn là chi, còn cho đó là phiền não; cũng bởi chỉ biết danh tự Niết Bàn mà chẳng biết bản thể Niết Bàn vậy.

Kinh Phạm Thiên Tư Ích Sở Vấn

Đức Phật bảo Ngài Đại Huệ rằng: Này Đại Huệ: Vô tánh thừa là hạng xiển đề vậy. Hạng này có hai thứ: một là vì bỏ tất cả căn lành; hai là phát khởi tâm nguyện thương tất cả chúng sanh, tận cùng tất cả cõi chúng sanh ấy vậy.

Thế nào là bỏ tất cả căn lành? Nghĩa là bài báng Bồ Tát Tạng rằng: "Thuyết nầy chẳng phải thuận với giải thoát". Chính khi thốt ra lời ấy căn lành đều bị dứt mất, thời không thể vào Niết Bàn được.

Còn thế nào là phát nguyện thương chúng sanh tận cùng các cõi chúng sanh? Trả lời: Nghĩa là lấy bản nguyện và phương tiện của Bồ tát khiến tất cả chúng sanh đều vào Niết Bàn. Nếu còn một chúng sanh chưa vào Niết Bàn, thì Ta cũng chưa vào Niết Bàn. Đấy cũng là thuộc một hạng xiển đề.

Ngài Đại Huệ hỏi rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao kia rốt ráo chẳng vào Niết Bàn.

Đức Phật đáp: Một hạng Bồ Tát xiển đề kia biết xưa nay vẫn là Niết Bàn, cho nên rốt ráo chẳng vào Niết Bàn. Tại sao? Vì hạng xiển đề bỏ căn lành còn nhờ oai lực của Phật, hoặc có khi phát tâm bồ đề, sanh căn lành mà chứng Niết Bàn. Ấy là Phật không bỏ tất cả chúng sanh vậy.

Kinh Nhập Lăng Già

Ngài Duy Ma Cật hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: Thưa Văn Thù Sư Lợi! Thứ gì gọi là hột giống Như Lai?

Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Duy Ma Cật! Ba món độc tham, sân, và si, bốn món thấy điên đảo, năm món uẩn, sáu món nhập, bảy chỗ thức, tám món tà pháp, chín chỗ não hại, và mười điều ác cùng tất cả phiền não đều là hột giống Phật vậy.

Ở trong bùn phiền não mà sanh được hoa sen thanh tịnh. Có chúng sanh, Phật pháp mới hưng khởi. Nếu chẳng vào trong bể cả phiền não, thời có đâu được viên ngọc nhất thế trí.

Kinh Duy Ma Cật

Tâm chúng sanh là Niết Bàn vậy, vì bản tánh thường thanh tịnh, như hư không chẳng khác.

Kinh Tâm Dịch Nhập Lăng Già

Tâm thể của chúng sanh, từ hồi nào đến giờ chẳng sanh chẳng diệt, tự tánh thanh tịnh.

Tâm ấy gọi là Như Lai tạng. Đã có chỗ gọi: đầy đủ vô lượng vô biên bất khả tư nghì, nghiệp thanh tịnh vô lượng vậy.

Kinh Chiếm Sát

Vì muốn Viên giác được thành tựu, nên Bồ Tát chẳng cùng pháp trói buộc mà cũng chẳng cần mở trói; sanh tử cũng chẳng nhàm. Niết Bàn cũng chẳng ưa; trì giới chẳng kính, phá giới cũng chẳng ghét, tu lâu chẳng trọng, mới học cũng chẳng khinh. Tại sao lạ thế? Ví tất cả là Viên giác vậy. Ví như hiểu rõ cảnh ánh sáng trước mặt, ánh sáng ấy trọn đầy mà không ghét ưa, vì thể của ánh sáng không hai vậy.

Không tu không thành tựu, Viên giác khắp soi vắng lặng không hai vậy. Chẳng tức cũng chẳng ly, không trói cũng không mở, tại sao?

Vì chúng sanh đã thành Phật từ xưa nay rồi. Cho nên sanh tử với Niết Bàn chẳng khác gì giấc mộng khi hôm. Vì sanh tử với Niết Bàn cho là giấc mộng khi hôm, nên không khởi không diệt, không đi cũng không đến.

Kinh Viên Giác

Tất cả chướng ngại, tức là rốt ráo Viên giác vậy. Được mất đâu chẳng phải là giải thoát; thành bại đâu chẳng phải là Niết Bàn; trí ngu đâu chẳng phải là Bát nhã. Pháp trọn nên của Bồ tát và ngoại đạo đồng một bản thể bồ đề vậy. Cảnh giới vô minh và chơn như không khác. Ba học giới, định, huệ, ba độc tham, sân, si đều là hạnh tốt vậy. Chúng sanh và quốc độ đồng là một pháp tánh vậy. Địa ngục và thiên đàng, đều là tịnh độ. Hữu tánh và vô tánh, đều thành Phật đạo. Tất cả phiền não, rốt ráo giải thoát. Giác tánh mầu nhiệm cao tột, khắp cả mười phương xuất sanh Như Lai và tất cả pháp, mà thể tánh bình đẳng.

Kinh Viên Giác

Đức Phật bảo ông Phạm Chí tên Tu Bạt Đà La ở ngoài rừng Sa la rằng: Này Tu Bạt Đà La! Cõi phi tưởng phi phi tưởng, đều gọi là tưởng, mà Niết Bàn là vô tưởng vậy. Uất Đầu Lam Phất là bậc thầy của ngươi, có tiếng là lợi căn thông minh, mà chẳng biết quở trách cõi phi phi tưởng cho nên chịu ác thân, huống là các ngươi. Nếu chẳng dứt tất cả nhơn hữu lậu, thời không thể thấy được thật tướng; vì thật tướng là tướng vô tướng. Vô tướng ấy là tất cả pháp không có tự tướng, không có tha tướng, và không có tướng chung tự tha. Không có pháp tướng, không có phi pháp tướng; không có hữu tướng, không có vô tướng; không có nhơn tướng, không có quả tướng. Mới gọi đó là tướng chơn thật, mới gọi đó là pháp giới, gọi đó là trí rốt ráo, gọi đó là đệ nhất nghĩa đế, và gọi đó là đệ nhất nghĩa không.

Kinh Niết Bàn

Đức Phật bảo ông Thiên Địa Đại Vương rằng: Này Đại vương! Tất cả pháp đều là Phật pháp vậy.

Thiên Địa hỏi Phật rằng: Nếu tất cả pháp đều là Phật pháp, thời tất cả chúng sanh cũng là Phật pháp?

Phật đáp: Nếu chẳng đem tâm vọng tưởng điên đảo, thời tất cả chúng sanh đều là Phật pháp. Này Đại vương! Nếu như thật mà thấy chúng sanh là bình đẳng chơn như thật tế, mà thật tế ấy là pháp giới vậy. Mà pháp giới không thể chỉ rõ được, nên mới giả danh là thật tế. Cho nên tùy theo thế tục mới có ngôn thuyết để nói phô cho rõ vậy thôi.

Kinh Bảo Tích

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]