Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

f. Luân hồi

14/02/201117:08(Xem: 3732)
f. Luân hồi

KINH LỜI VÀNG
Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích TríNghiêm

PHẦN III – NHƠN QUẢ

CHƯƠNG II

CHÚNG SANH

F. LUÂN HỒI

Một hôm Đức Phật ngự tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, Ngài bảo các Tỳ kheo rằng: Nay Ta sẽ thuyết minh pháp sanh tử nhơn duyên các ngươi hãy khéo nghe nghĩ nhớ mà tu trì. Các Tỳ kheo thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con xin thọ giáo.

Đức Phật nói: Pháp nhơn duyên là: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão bệnh tử, ưu bi khổ não. Chẳng khá kể xiết.

Như vậy là thành tựu cái thân năm ấm.

Gọi cái chi là vô minh? Là chẳng biết: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Gọi cái chi là hành? Ba món hành vi của thân miệng và ý.

Gọi cái chi là thức? Là tai mắt mũi lưỡi thân ý sáu món.

Gọi cái chi là danh sắc? Là tư tưởng phân biệt gọi là danh; bốn đại nương nhau gọi là sắc. Danh sắc khác nhau.

Gọi các chi là sáu chỗ? Là mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn.

Gọi cái chi là xúc? Là thức nương căn chạm biết cảnh, ba món này hòa hợp lại gọi là xúc.

Gọi cái chi là thọ? Là đối với cảnh cảm nhận khổ hay vui.

Gọi cái chi là ái? Là khởi dục ái, hữu ái, vô ái mà ưa đắm cái thân.

Gọi cái chi là thủ? Là quá ưa đắm, nắm lấy chặt chẳng buông nới.

Gọi các chi là hữu? Lạ thọ sanh về cõi dục, sắc, vô sắc ba cõi.

Gọi các chi là sanh? Là cảm nghiệp báo, sanh cái thân năm ấm.

Gọi cái chi là lão? Là răng rụng, đầu bạc, sức yếu, mạng giảm suy.

Gọi cái chi là tử? Là biến đổi vô thường, xa kẻ thân, mạng sống đoạn diệt.

Các Tỳ kheo nên biết ấy là pháp sanh tử nhơn duyên.

Kinh Tăng Nhứt A Hàm

Gọi là 12 nhơn duyên là: phiền não, nghiệp và khổ, ba món này thay đổi mà làm nhơn làm duyên lẫn nhau mãi mãi vậy.

Bắt đầu là vô minh, ái, và thủ là phiền não. Hành, hữu là nghiệp. Còn bảy món kia là thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, sanh, lão tử là khổ. Do phiền não sanh nghiệp, nhơn nghiệp sanh khổ, nhơn khổ sanh phiền não. Ba món phiền não, nghiệp và khổ này thay nhau sanh luôn chẳng dừng như bánh xe chạy tròn.

Luận Thập Nhị Nhơn Duyên

Vua Lăng Già hỏi Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Chúng sanh chết rồi, trong khi chưa sanh thân sau, thời thần thức ở chỗ nào?

Phật đáp: Đại Vương, như hột giống sanh mộng, hột giống diệt trước, rồi sau sanh mộng, hay là mộng sanh rồi mà sau hột giống mới diệt, hoặc là khi hột giống diệt mà mộng sanh?

Nhà vua đáp: Khi hột giống diệt là mộng mới sanh.

Phật nói: Sanh diệt đồng thời không có cái nào trước sau. Tức là khi thức trước diệt cũng tức là khi thức sau sanh.

Kinh Lăng Già

Có người Bà La môn tên là Thân Giao nghe nói lý vô ngã, nghĩ rằng: Nếu mà vô ngã, vậy thì cái gì đến đời sau?

Ngài Kiều Thi Ca trả lời: Tùy theo các hành nghiệp phiền não đời quá khứ mà được thân hiện tại này; với đời hiện tại này lại gây nên các hành nghiệp nữa, mà được thân đời vị lai. Ví như hột giống nhờ các trợ duyên hòa hợp mà mộng sanh; hột giống này nó sanh mộng cần các trợ duyên, cái mộng nó thêm lớn hột giống cần phải diệt; vì hột giống diệt nên vô thường, vì mộng sanh nên chẳng đoạn. Do đó nên Phật nói lãnh thọ thân cũng giống như vậy. Tuy là vô ngã mà nghiệp báo chẳng sai mất.

Bà La Môn lại hỏi: Tôi nghe lý vô ngã được hiểu phần nào nhưng hãy còn chút nghi này nữa. Nếu là vô ngã thời những việc làm đã qua mà sao nghĩ nhớ mà chẳng quên?

Đáp: Vì có niệm giác nó tương ưng với tâm, nhớ nghĩ những việc cả ba đời mà chẳng quên mất.

Lại hỏi nữa: Nếu vô ngã thời quá khứ đã diệt, hiện tại tâm sanh, sanh diệt đã khác; làm sao giữ nhớ chẳng quên?

Đáp: Mọi loài thọ sanh lấy thức làm hột giống, cho nên khi vào trong đám ruộng mẫu thai, nhờ nước ái thủy mà thấm nhuần, thân cây mới được sống; in như hột đào theo loài mà sanh. Thân đời này gây nghiệp; có năng lực cảm thành thân đời sau; nhưng chẳng phải thân đời này mà sanh ra thân đời sau được. Nó chỉ nương nghiệp nhơn duyên mà lãnh chịu thân sau vậy thôi. Sanh diệt tuy khác mà nối nhau chẳng dứt.

Nhơn đây, Ngài Kiều Thi Ca thuyết thêm cho rõ: Vô minh duyên hành, hành duyên thức cho đến duyên sanh, lão, tử ưu bi khổ não.

Ngược lại: Vô minh diệt thời hành diệt, hành diệt thời thức diệt, cho đến lão tử diệt rồi ưu bi khổ não cũng diệt theo. Bởi vì nó theo các duyên mà có, chớ đâu có chủ tể!

Kinh Đại Trang Nghiêm

Vua Di Lan hỏi ngài Na tiên: Thưa Tôn giả! Thân tâm hiện tại với thân tâm vị lai là đồng hay chăng?

Ngài Na Tiên đáp: Chẳng phải vậy, thân tâm hiện tại làm nghiệp lành dữ, vì nghiệp ấy mà sanh ra thân tâm khác.

Nhà vua nói: Vậy thời cái thân tâm mới sanh chẳng cùng với ác nghiệp biệt ly sao?

Ngài đáp: Nếu thân tâm chẳng sanh thời không có. Nhưng thân tâm quyết định có sanh, nên ác nghiệp không thể xa lìa được. Ví như có người cầm đèn lửa trèo lên nóc nhà mình, lợp bằng rơm, đốm lửa rớt, nhà bị cháy, và ngọn lửa dữ lan dần cháy đến cả làng.

Bấy giờ người làng mới bắt được kẻ gây hỏa hoạn mà trách rằng: Sao ngươi đốt làng ta, vì cớ chi? Kẻ ấy đáp: Ta chẳng phải đốt làng ngươi, không may đốm lửa rơi trên nóc nhà ta mà thôi. Cái lửa ở trên cây đèn với lửa cháy nhà khác biệt vậy. Đó là lời đáp có chắc đúng vậy chăng?

Nhà vua đáp: Không phải, lửa cháy làng mà có là bắt đầu từ lửa cây đèn.

Ngài nói: Phải. Thật như vậy. Sanh thân tâm đời trước cũng với thân tâm sanh sau là hai vật sai khác; nhưng thân tâm sẽ sanh sau đây là cái kết quả của đời hiện tại vậy, cho nên cùng với ác nghiệp chẳng rời nhau được.

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

Hết thảy chúng sanh từ hồi nào đến giờ lắm nhiều điên đảo, lầm nhận bốn đại là tướng của tự thân, và sáu món trần duyên ảnh là tướng của tự tâm; in như người bị bệnh mắt lầm thấy hoa đốm giữa không trung, và mặt trăng thứ hai. Mà giữa không đâu có hoa, vì bệnh mà lầm thấy vậy. Cho nên bị sanh tử trôi lăn gọi đó là vô minh.

Kinh Viên Giác

Vua nước Ma La Đà hỏi đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn: Tất cả chúng sanh vì sao gây nghiệp?

Đức Phật đáp: Vì nó nương ngã kiến rồi sanh điên đảo phân biệt. Điên đảo phân biệt chính là mê lầm, bởi mê nên gây nghiệp, rồi vì nghiệp mà chẳng được giải thoát.

Vua hỏi: Vậy thời các ngã kiến ấy do đâu mà có?

Đức Phật đáp: Lấy vô minh làm cội gốc mà có.

Vua hỏi: Vô minh lấy cái gì làm cô? gốc?

Đức Phật đáp: Do ý nghĩ trái lý làm gốc.

Vua hỏi: Ý nghĩ trái lý lấy gì làm gốc?

Phật đáp: Do lòng bất bình đẳng làm gốc.

Vua hỏi: Lòng bất bình đẳng là cái chi?

Phật đáp: Từ hồi nào đến giờ, thật chẳng biết đúng nghĩa "nhu" gọi là lòng bất bình đẳng.

Nhà vua hỏi thêm: Kính bạch Đức Thế Tôn! Cái nghĩa ấy như thế nào?

Phật đáp: Nghĩa là "Thật bất như tri" là với "không" chấp là "có". Nếu đối tất cả pháp ly trần ly kiến mà nói đúng như thế, là lời nói chơn thật vậy.

Kinh Pháp Tập

Nghĩ nhớ thân ta nên sanh khởi thân nghiệp, nghĩ nhớ lời ta nên khởi khẩu nghiệp; nghĩ nhớ ý ta nên sanh ý nghiệp. Rồi sanh khởi nào là: tham lam, giận dữ, lười biếng, tán loạn, phạm giới và ác tâm, phá hoại sáu món Ba la mật đa. Những người như thế chẳng gọi là Bồ Tát được.

Kinh Bát Nhã

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]