Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Linh Hồn

27/01/201112:01(Xem: 3514)
Chương 1: Linh Hồn

VUA MILINDA VẤN ĐẠO
Một bản thâu gọn quyển "Milinda Panha"
Bản Anh ngữ: Tỳ Kheo Pesala - Bản Việt ngữ: Cư sĩ Liễu Pháp

Chương 1: Linh Hồn (*V1)

Vua Milinda đến viếng ngài Nāgasena. Sau khi trao đổi lời chào mừng thân kính, Đức Vua kính cẩn ngồi một bên. Vua bắt đầu hỏi:
1. “Bạch Đại Đức, ngài được biết đến như thế nào và quý danh của ngài là gì?”
“Thưa Đức Vua, tôi được biết đến như là Nāgasena, nhưng đó chỉ là danh xưng để dùng thông thường thôi, vì chẳng có một cá nhân trường cửu nào cả.”
Vua Milinda liền gọi những nguời tùy tùng Hy-Lạp gốc Bactria và các nhà sư đến để làm chứng:
“Ngài Nāgasena này nói rằng không có một cá nhân trường cửu nào bao hàm trong tên của ngài. Điều này có thể được chấp nhận hay không?” Rồi Đức Vua quay về phía ngài Nāgasena và nói: “Nếu điều đó là đúng thì ai là người dâng y, thức ăn và chốn ở cho Ngài? Ai là người sống đời đạo đức giới hạnh? Hoặc, cũng như vậy, ai giết chóc chúng sinh, ai trộm cắp, ai tà dâm, nói láo hoặc uống rượu mạnh? Nếu điều ngài nói là đúng thì chẳng có công đức, cũng chẳng có lỗi lầm, chẳng có người nào làm điều thiện hay bất thiện và không có quả của nghiệp. Bạch Đại Đức, giả sử nếu một người sẽ giết Ngài thì sẽ không có kẻ sát nhân, và cũng với lý này chẳng có sư phụ hay bậc tôn trưởng trong tăng đoàn của Ngài. Ngài nói rằng Ngài được gọi là Nāgasena; vậy bây giờ Nāgasena đó là cái gì? Có phải là tóc không?”
“Thưa Đức Vua, bần đạo không nói điều đó.”
“Thế thì phải chăng là móng tay, răng, da hay các phần khác của cơ thể?”
“Chắc chắn là không.”
“Phải chăng đó là sắc, hoặc thọ, hoặc tưởng, hoặc hành, hoặc thức? Hoặc là tất các thứ đó hợp lại? Phải chăng một cái gì bên ngoài các thứ đó là Nāgasena?”
Và ngài Nāgasena vẫn trả lời: “ Chẳng phải thứ nào cả.”
“Xin hỏi, rồi thì ta không thể tìm thấy Nāgasena. Nāgasena là một tiếng rỗng không. Vậy người chúng ta thấy trước mắt là ai? Đại Đức đã nói một điều sai lầm.”
“Thưa nhà vua, từ khi sinh ra cho đến nay, ngài luôn được hầu hạ, cung phụng với xa hoa. Xin hỏi ngài đã đi đến đây bằng chân hoặc bằng cỗ xe ngựa?”
“Bạch Đại Đức, bằng xe ngựa”.
“Vậy xin ngài giải thích cỗ xe ngựa là gì. Đó có phải là trục xe không? Hoặc là các bánh xe, hay khung xe, hay dây cương hay ách giữ ngựa là cỗ xe ngựa? Phải chăng cỗ xe là tất cả các thứ gồm lại hoặc một cái gì ngoài những thứ đó?”
“Bạch Đại Đức, chẳng phải là một thứ nào cả.”
“Như vậy, cỗ xe ngựa là một tiếng trống rỗng. Ngài đã nói sai khi nói rằng ngài đến đây trong một cỗ xe ngựa. Ngài là một vị vua vĩ đại của Ấn Độ, ngài còn phải sợ ai mà nói
________________________________________________________________________
V1. Đề tựa: Soul, linh hồn, như một tự ngã thường còn (individual soul, living principle, dịch từ chữ jīvo hay jīva - tiếng Pāli) sẽ được đề cập đến ở câu hỏi số 4 trong chương 1, câu hỏi 15 trong Chương 7, câu 12 trong Chương 9... Linh hồn hiểu như vậy không phải là một cái gì có thực; Phật Pháp không chấp nhận có một linh hồn như vậy.
________________________________________________________________________

sai sự thực”. Rồi gọi đoàn tùy tùng của nhà vua và các vị sư đến để làm chứng, ngài Nāgasena nói: “ Đức Vua nói ngài đến đây bằng một cỗ xe ngựa, nhưng khi được hỏi cỗ xe ngựa là cái gì thì ngài không chỉ rõ được. Điều này có thể chấp nhận được chăng.” Liền khi đó, 500 người Hy Lạp reo lên tán thành vị sư và thưa với nhà vua:
“Tâu Bệ Hạ, nếu có thể được, xin ngài đừng dùng cỗ xe nữa!”
“Bạch Đại Đức, trẫm đã nói sự thực. Danh từ cỗ xe ngựa có được chính là do tất cả các bộ phận của xe.”
“Rất hay, ngài đã bắt được đúng ý nghĩa rồi đó. Tuy vậy, phải hiểu rằng tiếng Nāgasena có được là do 32 thể hữu cơ trong thân con người và do ngũ uẩn (*V: pañca-khandha, 5 uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà bần tăng mới có được dưới cái tên Nāgasena. Cũng như Ni Sư Vajīra đã nói với sự hiện diện của Đức Thế Tôn: danh từ Cỗ Xe Ngựa được dùng là do có các bộ phận của xe hiện hữu, tương tự như thế khi Ngũ Uẩn của chúng sinh thể hiện thì chúng ta mới nói về Chúng Sinh”.
“ Bạch ngài Nāgasena, thật là tuyệt diệu và khác thường, ngài đã giải quyết một vấn đề thật là khó khăn. Nếu Đức Phật có ở đây thì sự giải đáp này sẽ được Ngài chấp thuận.”

2. “Bạch Đại Đức, xin ngài cho biết ngài đã xuất gia được mấy mùa kiết hạ?”
“Thưa nhà vua, bần đạo được bảy.”
“ Nhưng làm sao mà ngài có thể nói ngài được bảy? Ngài là bảy hay con số là bảy?”
Và ngài Nāgasena nói:
“Cái bóng của ngài bây giờ đang ở trên mặt đất. Phải chăng ngài là Đức Vua hay cái bóng là Đức Vua?”
“Thưa ngài, trẫm là vua, nhưng cái bóng có được là nhờ có trẫm”.
“Thưa ngài, cũng như vậy, con số những năm bần đạo xuất gia là bảy, bần đạo không phải là bảy. Nhưng nhờ có bần đạo mà số bảy được nói đến, con số bảy là của bần đạo trong cùng ý nghĩa với cái bóng là của ngài.”
“Bạch ngài Nāgasena, thật là tuyệt diệu và khác thường, Ngài đã giải quyết sự rối rắm này tuy nó quả là khó khăn.”

3. Rồi Đức Vua nói: “ Bạch Đại Đức, ngài sẽ còn thảo luận với trẫm nữa không?”
“Xin vâng nếu Đức Vua sẽ thảo luận như môt học giả, nhưng nếu thảo luận như một nhà vua thì không.”
“Học giả thì thảo luận như thế nào?”
“Khi học giả thảo luận thì có kết luận, có giải quyết vấn đề; bất cứ ai sai lầm thì chấp nhận sai lầm và không vì thế mà tức giận.”
“Còn các nhà vua thì thảo luận như thế nào?”
“Khi một nhà vua thảo luận một vấn đề và tiến đến một quan điểm, nếu có ai bất đồng với nhà vua về quan điểm đó thì nhà vua có xu hướng trừng phạt người đó.”
“Vậy thì trẫm sẽ thảo luận như một học giả. Xin Đại Đức hãy nói mà không e sợ.”
“Rất tốt, thưa Bệ Hạ.”
Nhà vua nói: “ Ngài Nāgasena, trẫm sẽ đặt một câu hỏi.”
“Xin ngài cứ hỏi.”
“Trẫm vừa mới hỏi, bạch Đại Đức.”
“Bần tăng vừa trả lời đó.”
“Ngài đã trả lời gì?”
“Đức Vua đã hỏi gì?”
Nhà vua nghĩ thầm “Vị sư này là một học giả lớn, có đủ khả năng thảo luận với ta”, nhà vua chỉ thị cho quan hầu cận Devamantiya thỉnh mời ngài Nāgasena cùng với một đoàn nhiều vị sư về cung điện. Nhà vua bước đi, miệng thì thầm “Nāgasena, Nāgasena”.

4. Rồi các quan hầu Devamantiya, Anantakāya và Mankura đi đến cốc của ngài Nāgasena để thỉnh các vị sư về cung điện. Khi đang cùng bước đi, Anantakāya nói với ngài Nāgasena: “Bạch Đại Đức, khi con nói Nāgasena thì Nāgasena đó là cái gì?”
“Theo Anantakāya thì Nāgasena là cái gì?”
“Là linh hồn, là hơi thở bên trong đến rồi đi.”
“Nhưng hơi thở đó nếu đi ra mà không trở lại thì liệu người đó có còn sống hay không?”
“Chắc chắn là không?”
“Nhưng khi những người thổi kèn, hoặc thổi gì tương tự, đã thổi ra thì hơi thở đó có trở lại với họ không?”
“Bạch ngài, hơi thổi ra không trở lại.”
“Thế thì tại sao họ không chết?”
“Con không đủ khả năng bàn cải với ngài, cầu xin ngài chỉ giáo cho.”
“Chẳng có linh hồn trong hơi thở gì cả. Những sự hít vào và thở ra chỉ là những năng lực cấu thành của thân thể.” Rồi ngài Nāgasena giảng về Vi Diệu Pháp và Anantakāya được thỏa mãn với sự giảng giải của ngài.(*V1.4)

5. Sau khi các vị sư đã tới cung điện và thọ trai xong, nhà vua ngồi xuống một ghế thấp và hỏi: “Chúng ta sẽ thảo luận gì đây?”
“Chúng ta sẽ thảo luận về Phật Pháp.”
Và nhà vua nói: “Bạch Đại Đức, mục tiêu tiến tới của Ngài là gì và mục đích tối hậu Ngài nhắm đến là gí?”
“Chúng ta tiến tới với mục tiêu là sự đau khổ sẽ được dập tắt, cho không còn đau khổ nào sẽ phát sinh nữa; mục đích tối hậu là hoàn toàn dập tắt mọi dính mắc.”
“ Bạch Ngài, phải chăng đó là những lý do cao thượng mà mọi người gia nhập tăng đoàn?”
“Không hẳn như vậy. Có người gia nhập tăng đoàn để tránh sự tàn bạo của vua chúa, người thì để khỏi bị trộm cướp, kẻ thì để trốn nợ và người thì để kiếm sống. Tuy nhiên, người gia nhập tăng đoàn chính đáng là để dập tắt mọi dính mắc.”

6. Nhà vua nói: “Có người nào mà không tái sinh sau khi chết?”
“Thưa có. Người nào mà không còn ô nhiễm thì không tái sinh sau khi chết, kẻ nào còn ô nhiễm thì sẽ tái sinh.”
“ Ngài sẽ tái sinh hay không?”
“Nếu bần đạo chết với tham ái trong tâm thì sẽ tái sinh, còn ngược lại thì không.”
________________________________________________________________________
*Chú thích V1.4: Ở đây nhắc đến Vi Diệu Pháp mà không có sự giảng giải, có lẽ vì giáo pháp này rất phức tạp, không thể gói ghém trong vài câu đối thoại... Vi Diệu Pháp còn gọi là Thắng Pháp Luận, phân tích Danh và Sắc là 2 phần tâm linh và vật chất cấu tạo guồng máy vận hành của con người, qua 4 pháp là Tâm vương, Tâm sở, Sắc và Niết- bàn. Theo Vi Diệu Pháp, không có một linh hồn như một thực thể đơn thuần và thường còn...
________________________________________________________________________

7. “Phải chăng người thoát khỏi tái sinh là do năng lực của lý luận?”
“Bằng cả lý luận và trí tuệ, đức tin, giới hạnh, chánh niệm, tinh tấn và thiền định”
“Phải chăng lý luận cũng giống như trí tuệ?”
“Không giống. Súc vật có lý luận mà không có trí tuệ.”

8. “Bạch ngài Nāgasena, đặc điểm của lý luận là gì? Và đặc điểm của trí tuệ là gì?”
“Cầm giữ là đặc điểm của lý luận, cắt bỏ là đặc điểm của trí tuệ.”
“Xin ngài cho một ví dụ.”
“Người cắt cỏ thì cắt cỏ như thế nào?”
“Người cắt cỏ tóm cỏ thành một bó với tay trái và với tay phải cầm lưỡi liềm, người đó cắt bó cỏ.”
“ Cũng y như vậy, thưa Đức Vua, người xuất gia cầm giữ tâm của họ bằng lý luận và cắt bỏ những ô nhiễm bằng trí tuệ.”

9. “Bạch ngài Nāgasena, đặc điểm của giới hạnh là gì?”
“Là hỗ trợ vì hỗ trợ là căn bản của mọi thiện pháp: Ngũ Căn (1) và Ngũ Lực (1), Thất Giác Chi (2), Bát Chánh Đạo (3), Tứ Niệm Xứ (4), Tứ Chánh Cần (5), Tứ Thần Túc (6), 4 Tầng Thiền Định (7), 8 Giải Thoát Tâm (8), Thiền Tứ Vô Lượng Tâm (9), 8 Thành tựu vĩ đại (4 Thiền Sắc Giới và 4 Thiền Vô Sắc Giới) (10) (*E 1.9 và *V1.9). Mỗi một thiện pháp trên đây có giới hạnh hỗ trợ và người xuất gia lấy giới hạnh làm nền tảng để trau dồi thì các thiện pháp này sẽ không suy giảm.”
“Xin ngài cho một ví dụ.”
“Cũng giống như mọi loài động và thực vật được nuôi dưỡng nhờ đất đai là nguồn hỗ trợ, kẻ xuất gia có giới hạnh là nguồn hỗ trợ, phát triễn ngũ căn, ngũ lực v.v... Và Đức Phật đã dạy điều này:
________________________________________________________________________
*E1.9: Chú thích từ bản tiếng Anh, chương 1, câu hỏi số 9:
(1) 5 căn (indriya) và 5 lực (bala): Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ
(2) 7 pháp trợ bồ đề (bojjhanga): Niệm, Trạch Pháp, Tinh Tấn, Hỷ, Thư Thái, Định, Xả.
(3) 8 chi của Bát Chánh Đạo (magga): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
(4) 4 nền tảng quán niệm (satipatthāna): Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
(5) 4 tinh tấn (padhāna): ngăn ngừa và rời bỏ bất thiện pháp, phát triễn và duy trì thiện pháp
(6) 4 căn bản thành tựu (iddhipāda): chú tâm, tinh tấn, kiên trì, trí tuệ
(7) 4 tầng thiền định (jhāna): 4 giai đoạn nhất tâm
(8) 8 giải thoát tâm: 8 pháp giải thoát tâm bằng mức Định sâu
(9) 4 cách thiền tập trên 4 vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả)
(10) 4 tầng thiền sắc giới (rūpa-jjhāna) và 4 tầng thiền vô sắc giới (arūpa-jjhāna)
*V1.9: a) Trong cuốn The Questions of King Milinda, là một cuốn thâu gọn do N.K.G. Mendis biên soạn theo bản dịch của I.B. Horner, xuất bản 1993, không có (9) và (10).
b) Trong cuốn Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, tái bản 1999, dịch giả Cao hữu Đính dựa theo bản dịch Trung Hoa, chú thích rằng có bản dịch Trung Hoa không ghi đủ số 37 phẩm trợ đạo còn bản tiếng Pāli thì cộng tới 45? Thực sự, kể hết từ (1) đến (10) như trên đây thì có tới 61. Theo Tương Ưng Bộ Kinh, 37 phẩm trợ đạo: (1) + (2) + (3) + (4) + (5) + (6) = 37.
________________________________________________________________________
“Khi một người khôn ngoan đạt giới hạnh cao dày,
Phát triễn được định lực và sự hiểu biết.
Khi đó, như một tỳ kheo hăng say và nhạy bén
Người giải quyết được sự rối rắm này.”

10. “Cái gì là đặc điểm của đức tin?”
“Đó là làm sáng tỏ và hứng khởi. Khi đức tin bừng dậy trong tâm, nó đâm thủng màn ngăn chận của năm triền cái (*V: 5 chướng ngại) và tâm trở nên trong sáng, tĩnh lặng và yên ổn; như thế đức tin làm sáng tỏ mọi sự. Và sự hứng khởi là đặc điểm của đức tin khi hành giả cảm nhận tâm kẻ khác được giải thoát, thấy hứng khởi về sự thành tựu mà mình chưa đạt được, thấy hứng khởi về kinh nghiệm mà mình chưa có và về chứng ngộ mà mình chưa chứng ngộ. Về điều này, Đức Phật dạy rằng:
“Bằng đức tin vượt qua cơn lũ
Bằng thức tĩnh sống trong biển đời
Bằng vững chải tiêu cơn phiền muộn
Bằng trí tuệ thanh lọc thân tâm.”

11. “Bạch Ngài, cái gì là đặc điểm của tinh tấn?”
“Đó là sự tăng cường, để cho những thiện pháp mà tinh tấn hỗ trợ không bị tàn lụi đi.”
“Xin Ngài cho một ví dụ.”
“Thưa Đức Vua, cũng giống như khi quân đội của ngài bị một đoàn quân lớn hơn đánh vỡ, ngài sẽ phải nghĩ đến việc kêu gọi đồng minh để tăng cường cho quân đội của ngài chống lại quân địch. Như thế, tăng cường là đặc điểm của tinh tấn. Về điều này Đức Phật dạy:
“Hỡi các vị sư, người đệ tử tinh tấn cao thượng
Xả bỏ điều bất thiện và hãy hành thiện
Tránh xa điều ô nhục và phát triễn cao thượng
Và như vậy, người giữ tâm trong sạch.”

12. “Bạch ngài Nāgasena, đặc điểm của chánh niệm là gì?”
“Niệm và giữ trong tâm. Khi chánh niệm khởi lên trong tâm, hành giả niệm đi niệm lại những điều thiện và bất thiện, điều đáng trách và không đáng trách, điều không đáng kể và điều quan trọng, những đức tính, tính xấu hoặc những gì tương tự và nghĩ rằng: ‘Đây là bốn nền tảng để quán niệm, đây là tứ chánh cần, đây là bốn căn bản thành tựu, đây là ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, đây là sự tĩnh lặng, minh sát, nhãn huệ và đây là giải thoát.’ Như vậy, hành giả trau dồi những thiện pháp thích hợp và gột bỏ những gì đáng tránh.”
“ Xin ngài cho một ví dụ.”
“Cũng giống như vị quan thủ quỹ nhắc nhở Đức Vua về lực lượng quân đội của ngài và của cải tồn trữ trong kho.”
“Giữ niệm trong tâm là đặc điểm của chánh niệm như thế nào?”
“Khi chánh niệm khởi lên trong tâm, hành giả phân loại ra những thiện pháp và bất thiện pháp, ‘những thiện pháp này là ích lợi, những bất thiện pháp kia là có hại’. Như vậy, hành giả loại bỏ những điều bất thiện trong tâm và giữ lại điều thiện.”
“ Xin ngài cho một ví dụ.”
“Cũng giống như vị thủ tướng cố vấn cho Đức Vua hành động cho đúng.” Về điều này, Đức Thế Tôn dạy:
‘Này các vị sư, ta tuyên bố chánh niệm hữu ích ở khắp mọi nơi’.” (*V1.12)

13. “Bạch ngài Nāgasena, đặc điểm của thiền định là gì?”
“Là kẻ lãnh đạo. Tất cả mọi thiện pháp đều coi thiền định như là vị thủ lãnh; các thiện pháp nương vào, dẫn tới thiền định.”
“Xin Ngài cho một ví dụ.”
“Như các rui mái nhà đều nghiêng về và dẫn tới sào chính ở nóc nhà. Cũng như vậy, những thiện pháp đều nương vào và dẫn đến thiền định. Và Đức Thế Tôn dạy như sau:
‘Này cá vị sư, hãy phát triễn thiền định; một vị sư có thiền định thấy được sự vật đúng với thực tại’.”

14. “Bạch Ngài Nāgasena, đặc điểm của trí tuệ là gì?”
‘‘Đó chính là soi sáng. Khi khởi sinh trong tâm, trí tuệ đánh tan bóng tối của vô minh, làm nhãn quang phát khởi, ánh sáng hiểu biết chói lọi và sự thực cao thượng hiển lộ rõ rệt. Cũng như vậy, hành giả cảm nhận, với trí tuệ trong sáng nhất, sự vô thường, khổ và vô ngã của mọi pháp.’’
“ Xin cho một ví dụ.”
“Thưa Đức Vua, trí tuệ cũng giống như ngọn đèn trong phòng tối soi sáng phòng và làm cho mọi vật được thấy rõ.”

15. “Bạch ngài Nāgasena, những thiện pháp trên đều khác nhau, vậy thì chúng có đem lại cùng một kết quả hay không?”
“Đúng vậy, các thiện pháp đó đều làm tiêu hủy những ô nhiễm trong tâm, cũng giống như các thành phần của một đoàn quân, như là voi, ngựa, quân xa và cung tên, đều mang lại cùng một kết quả là chiến thắng quân địch.”
“Bạch ngài Nāgasena, quả thật ngài đã giải đáp tài tình.”

*V1.12: Chánh Niệm (Sati) thực là quan trọng, đó là một chi trong Ngũ Căn, Ngũ Lực, cũng là 1 chi trong Thất Giác Chi và cũng là một chi trong Bát Chánh Đạo. Chánh Niệm là ghi nhớ, nhắc nhở, là một chức năng ghi nhận, quan sát bất cứ đối tượng nào khởi sinh. Chánh Niệm là chìa khóa của Thiền Quán, giúp hành giả thấy được sự vật như nó đang hiện hữu và hiểu được thực tính của mọi pháp ( Khổ, Vô Thuờng, Vô Ngã). Với nghĩa rộng nhất, “chánh niệm” là một trong những tâm sở liên hệ mật thiết với mọi Thức tạo nghiệp thiện.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]