KINH TỲ KHEO NA TIÊN
Càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753
Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu
B. Phần Tìm hiểu Nghĩa Chữ
(Các chữ khó, gặp trong bản Phỏng-dịch, được sắp theo thứ-tự A,B,C để dễ tra-cứu. Các số in đậm như: 003, chỉ số của các Tiểu-mục)
A
A-la-hán (003; 005; 022; 086): đạo-quả thứ tư, cao nhứt, của hàng Thanh-văn, đã tận-diệt các phiền-não và chứng-đắc vô-sanh (đắc quả Niết-bàn, chẳng còn tái-sanh nữa) (Pali: Arahant; Sanscrit: Arhat).
A-na-hàm (008; 022): quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn, còn gọi là quả Bất-Lai, nghĩa là chẳng tái-sanh trở lại cõi người nữa, mà sanh lên Trời, tiếp-tục tu sẽ chứng-đắc quả Niết-bàn. (Pali: Anagàmi; Sanscrit:Anagamin).
Ác-đạo (040): (Ác = xấu, dữ; Đạo = con đường): Ác-đạo là ba nẻo xấu-dữ trong đường tái-sanh. Đó là: (1) địa-ngục; (2) ngạ-quỉ (= quỉ đói); (3) súc-sanh (= thú-vật).
Ác-tâm (032): (Ác = xấu, dữ; tâm = lòng): lòng xấu-dữ; trái nghĩa với Thiện-tâm, lòng lành.
An-định (021): (An = yên; Định= dừng một chỗ): Tâm an-định là tâm-trạng yên-ổn, tâm chẳng nghĩ lông-bông, ý-tưởng dừng hẳn.
An-tịnh (002): (An = yên; tịnh = sạch): yên-tĩnh và sạch-sẽ.
An-tọa (010): (An = yên; toạ = ngồi): (xin mời) ngồi yên.
Áo-não (002): buồn rầu, khóc than.
Áo trắng (010): Người áo trắng nói ở đây là nói đến các người còn ở tại nhà, tu theo phép Phật. Họ còn chưa được mặc áo vàng, dành riêng cho bực xuất-gia.
*
Â
Ân-ái (019; 038; 041; 044; 047-b; 049-a; 065): (Ân = ơn; ái = thương-yêu): niềm thương giữa vợ-chồng, sự quyến-luyến giữa trai-gái.
Ẩn-tu (007): (Ẩn = ở chỗ vắng-vẻ, ít người biết đến; tu = tu-hành): Đến nơi rừng núi xa vắng để tu-hành một mình.
*
B
Ba đường ác (007): Ba đường xấu-ác trong cõi Luân-hồi; Hán-Việt gọi là Tam ác-đạo. Đó là: (1) địa-ngục, (2) ngạ-quỉ, (3) súc-sanh.
Ba-mươi-bảy Phẩm Trợ Đạo (023): (Phẩm = Chương, mục; Trợ = phụ-giúp vào; Đạo = đường-lối tu-hành theo Chánh-Pháp): 37 chương-mục trong Kinh, phụ-giúp vào việc thông-hiểu và thực-hành việc tu-hành theo Chánh-Pháp của Đức Phật. Đó là:
1.- Tứ niệm-xứ: 4
2.- Tứ Chánh-cần: 4
3.- Tứ Như-ý-túc: 4
4.- Ngũ căn: 5
5.- Ngũ lực: 5
6.- Thất giác-chi: 7
7.- Bát-Chánh-Đạo: 8
Cộng: 37
Bà-la-môn (004): đạo Bà-la-môn là tôn-giáo chánh-thức của cổ-Ấn-độ, tôn-thờ đức Đại-Phạm Thiên-vương (Brahma), theo giáo-lý trong Kinh Vệ-đà (Veda). Chữ Bà-la-môn (Pali: Brahmana) còn có nghĩa là giai-cấp tu-sĩ, cao-quí nhứt trong xã-hội cổ của Ấn-độ.
Bạch (016): tiếng tôn-xưng chỉ sự thưa trình lên bực trên.
Bàng-hoàng (011): Chẳng yên-tâm, lo-lắng chẳng biết vì sao lo
Bào-thai (049-c; 063; 065): (Bào = ruột; thai = thân-thể người khi mới tượng hình trong bụng mẹ): thân còn trong bụng mẹ.
Bắc-câu-lư châu (091): Theo khoa địa-lý của Phật-học, thế-gian có ngọn núi Tu-di cao ở giữa, chung quanh có bốn châu: (1) Đông-thắng-thần châu, (2) Nam-thiệm-bộ châu, (3) Tây-ngưu-hóa châu, (4) Bắc-câu-lư châu. Chúng ta sống ở Nam-thiệm-bộ châu, còn gọi là Diêm-phù-đề (tên nước Ấn-độ xưa, vì có nhiều cây diêm-phù)
Băng-hà (009): tiếng tôn-xưng để chỉ sự chết của Vua.
Bần-cùng (061): (Bần = nghèo; cùng = túng-cùng): nghèo thiếu, khốn-cùng.
Bất an (012): (Bất = chẳng; an = yên): tâm chẳng yên, lo-lắng.
Bất-bình-đẳng (061): (Bất = chẳng; Bình= bằng nhau; Đẳng= hàng): chẳng ngang hàng nhau, có kẻ hơn, người kém; thiếu sự công-bằng trong các hạng.
Bất-chánh (014; 062): (Bất= chẳng; Chánh= chơn-chánh; đứng-đắn): Lời nói bất-chánh là lời nói chẳng ngay-thẳng, cong-queo, chẳng đúng lẽ phải. Trái nghĩa với Chơn-chánh.
Bất-diệt (040): (Bất= chẳng; Diệt = tiêu mất): chẳng hề chết đi mất. Bất-sanh bất diệt có nghĩa là chẳng hề được sanh ra; và vì chẳng có sự sanh, cho nên chẳng thể có sự chết. Cùng nghĩa với Vĩnh-cửu.
Biện-tài (007): (Biện = tranh-biện, luận-giải; Tài = khả-năng hơn người): có tài tranh-biện, luận-giải về đạo-lý.
Bình bát (007; 097): dụng-cụ bằng sành dùng đựng thức ăn, to như các nồi đất nhỏ, các Tì-kheo mang theo để khất-thực mỗi buổi sáng.
Bố-thí (007; 046): (Bố = rộng-rãi, cùng khắp; Thí = hiến-tặng, cho): một pháp lành đem chia xẻ những gì mình có đến những ai đang cần-dùng. Hạnh bố-thí rất cao-qúí, giúp đỡ người khác thiếu-thốn, đồng-thời giúp mình bỏ được tật rít-róng, keo-kiệt. (Pali: Dana; Hán-Việt phiên-âm: Đàn-na).
Bốn chúng đệ-tử của Phật (011): đây là bốn hàng đệ-tử của Đức Phật: (1) Tì-kheo, (2) Tì-kheo-ni, (3) Ưu-bà-tắc, (4) Ưu-bà-di. Hai hạng trước đã xuất-gia; còn hai hạng sau, tu tại nhà.
Bốn đại (064): Chữ Hán-Việt là Tứ-đại, tức là bốn nguyên-tố: (1) đất, (2) nước, (3) gió, (4) lửa; gọi là đại, là lớn, vì chúng có mặt khắp mọi nơi.
*
C
Cà-sa (004; 018; 097): áo mặc ngoài của tu-sĩ Phật-giáo, màu nâu hay màu vàng. (Pali: Kàsàva; Sanscrit: Kasaya).
Cảm-thọ (042-a): (Cảm = nhận, nhiểm khi chạm đến; Thọ = chịu, lãnh). Chữ cảm-thọ trong Phật-học đồng nghĩa với chữ cảm-giác trong Tâm-lý-học. Có ba loại cảm-thọ: (1) cảm thọ vui, gọi là lạc-thọ; (2) cảm-thọ buồn, gọi là khổ-thọ (3) cảm thọ chẳng vui, chẳng buồn, gọi là xả-thọ.
Cao (075): thuốc cao, đặc sền-sệt như mỡ, dùng thoa xức.
Cao-ngạo (010): (Cao = tự-cao, xem chỉ mình là hơn; Ngạo = kiêu-căng, phách lối): thái-độ tự-cao, khinh người, phách-lối.
Căn (027; 049-b): gốc; căn-bản. Trong Phật-học, chữ căn có nghĩa là nguồn-gốc, căn-bản, nơi làm phát-sanh ra sự hiểu-biết, tương-đương với chữ giác-quan, theo nghĩa thông-thường. Theo nghĩa nầy, sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Trong đoạn văn ở trang 20, chữ năm căn lại chỉ đến Ngũ căn được nói trong 37 Phẩm Trợ Đạo, tức là (1) tín-căn, (2) tấn-căn, (3) niệm-căn, (4) định-căn, (5) huệ-căn. Bản dịch trong Hán-văn lại phối-hiệp cả hai nghĩa trên để giải-thích ý-nghĩa của chữ Năm căn, theo cách riêng.
Cần-cấp (062): (Cần = khẩn-thiết; cấp = gấp): hết-sức khẩn-thiết, cần rất gấp.
Cận-sự-nam (001): người thiện-nam (đàn-ông hiền-lành) đến chùa học Đạo và tu tại nhà, giữ ngũ-giới (năm điều răn-cấm: (1) chẳng giết-hại, (2) chẳng trộm-cắp, (3) chẳng tà-dâm, (4) chẳng nói dối, (5) chẳng uống rượu). Pali: Upasaka, Hán-Việt: Ưu-bà-tắc.
Cận-sự-nữ (001): người tín-nữ (đàn-bà có lòng tin nơi Phật-pháp) đến chùa làm công-quả, học Đạo và tu tại nhà, giữ năm điều răn-cấm. Pali: Upasika, Hán-Việt: Ưu-bà-di. (Xem chữ Cận-sự-nam).
Chánh-Pháp (009): (Chánh = chơn-chánh; Pháp = giáo-pháp). Chữ Chánh-Pháp dùng để chỉ đến giáo-pháp chơn-chánh của Đức Phật. Trái nghĩa với Tà-pháp.
Chánh-tâm (014): (Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Tâm = lòng):
Chánh-tâm là lòng ngay-thẳng, trong-sạch. Cùng nghĩa với Tâm thanh-tịnh.
Chánh-trực (014): (Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Trực = ngay thẳng): Lời nói chánh-trực là lời nói ngay-thẳng, đứng-đắn, đúng theo lẽ phải. Trái với lời nói bất-chánh.
Chế-phục (088; 092): (Chế = kềm chế, đè-nén; phục = tuân-phục, tuân theo): bắt buộc phải tuân theo, kềm-chế theo con đường chơn-chánh.
Chết yểu (061) chết non; chết đi lúc còn quá trẻ.
Chu-du (089): (
Chư Thiên (001) (
Chương (063): một loài thú rừng giống như con nai nhỏ.
Cung-phụng (097): (Cung = cung-cấp, hiến-tặng; Phụng = tuân theo) = theo ý muốn của người nhận mà hiến-tặng cho các sự-vật.
Cúng-dường (007; 089): nguyên là chữ cung-dưỡng, đọc trại ra là Cúng-dường, tức là dâng-hiến thực-phẩm, quần-áo, thuốc-men, phòng giường, cho các bực tu-hành.
Cứu-hỏa (039): (Cứu = cứu giúp; cứu chữa; Hỏa = lửa): chữa lửa.
*
D
Dạ (042-c): lòng dạ, bụng dạ.
Danh-Thân (043; 045; 046): (Danh = tên gọi; Thân = thân-thể): Hai chữ Danh-Thân ở đây dùng để chỉ vào thân-tâm con người.
Danh-tự (013): (Danh = tên; Tự = chữ): tên, danh-xưng.
Di-Lan (004; 009): tên của vị Vua đứng ra thưa hỏi giáo-lý với Tì-kheo Na-Tiên. Theo truyền-thuyết, Bồ-tát Long-Thọ (Nagarjuna), tác-giả quyển Kinh Tì-kheo Na-Tiên nầy, muốn dùng tên Di-Lan để ám-chỉ Đức Vua đương thời là Ménandre; còn tên của Tì-kheo Na-Tiên (Nagasena) để tự ám-chỉ mình. Tên vua Di-Lan, tiếng Pali là Milinda, có bản dịch là Di-lan-đà.
Do-tuần (086): phiên-âm chữ Phạn Yojana, đơn-vị đo chiều dài, ở Ấn-độ xưa, bằng 16 dặm; mỗi dặm dài 576m.
Du-ngoạn (010): (Du = đi dạo chơi; ngoạn = ngắm cảnh): đi dạo chơi ngắm cảnh.
Dư-âm (057): (Dư = thừa ra, còn sót; Âm = tiếng): tiếng vang còn kéo dài mặc dầu âm-thanh khởi lên đã dứt.
Dừng-ý (024): Dịch-giả Hán-văn dùng chữ ý-chỉ (= dừng-ý) để dịch Tứ niệm-xứ trong 37 Phẩm Trợ Đạo. Xin xem thêm chữ Tứ niệm-xứ.
*
Đ
Đại-hải (069): (Đại = lớn; Hải = biển): biển lớn; đại-dương.
Đại-Phạm-Thiên (008; 011; 086; 087; 091,): cõi Trời cao nhứt của Đục-giới, ở tầng thứ bảy. (Sanscrit: Mahà Brahma).
Đại-Tần (009): tên xứ Panjab của Ấn-độ xưa.
Đại-thần (001; 009; 090): (Đại = lớn; thần = quan): vị quan lớn.
Đạo-giả (001) (Đạo= tôn-giáo; giả = người): người theo Đạo (bất cứ đạo nào). Cùng nghĩa với chữ Đạo-nhơn (097) Đạo-gia.
Đạo-hạnh (Tám loại) (030): (Đạo = Đạo tu-hành, đạo Phật; Hạnh = đức-hạnh, giới-hạnh tu-hành): Khi nói đến Tám loại đạo-hạnh, bản dịch Hán-văn có ý nói đến Bát-Chánh-Đạo trong Phật-học. Đây là con đường Trung-đạo được giảng trong Tứ-Điệu-Đế, chỉ vào Đạo-Đế, đường-lối tu-hành để diệt nguồn-gốc của sự Khổ mà chứng-đắc Niết-bàn. Bát-Chánh-Đạo gồm có tám ngành: (1) chánh-kiến; (2) chánh tư-duy; (3) chánh-ngữ; (4) chánh-mạng; (5) chánh-nghiệp; (6) chánh-tinh-tấn; (7) chánh-niệm; (8) chánh-định. So với bản dịch Hán-văn, chỉ khác có chữ Chánh được thay-thế bằng chữ Trực; cả hai chữ nầy cũng đồng một nghĩa là: ngay-thẳng, chơn-chánh.
Đao-lợi (008): cõi Trời thứ nhì trong sáu cõi Trời Dục-giới. Pali: Tavatimsa.
Đạo-quả (003; 006): (Đạo = con đường, đường-lối tu-tập; Pali: Magga; Quả = quả-vị, ngôi-vị, kết-quả của sự tu-tập thành-công; Pali: Phala): Đắc đạo-quả là đắc được đường-lối tu-tập và tu-hành đạt được kết-quả tốt-đẹp.
Đế-Thích (008): vị vua cõi Trời Đao-Lợi. thuộc cõi Đục-giới. (Pali: Inda )
Đệ-tử (007; 077; 097): (Đệ = em; Tử = con): người học-trò theo học Đạo.
Địa-ngục (004; 007; 084; 089): (Điạ = đất; ngục = nhà tù): nơi giam-cầm các vong-linh lúc còn sống phạm các tội-ác nặng. Các hình-phạt nơi địa-ngục thật vô cùng thảm khốc, phải chịu nhiều đời kiếp chờ đến khi hết tội mới được tái-sanh lại.
Đọa (084; 089): rơi xuống dưới; thường viết: sa-đọa = lọt xuống dưới
Đoạn-ý (025): (Đoạn = cắt đứt, dừng hẳn lại, tiêu mất đi; Ý = ý-nghĩ, tư-tưởng): phép dừng ý lại và chận đứng được các vọng-tưởng khởi lên.
Độ-thoát (006): (Độ = đưa qua sông; Thoát = vượt qua khỏi): được giác-ngộ và giải-thoát; tức là diệt xong các phiền-não và chứng-đắc được vô-sanh (chẳng còn phải tái-sanh trong Luân-hồi).
Đồng-hành (016): (Đồng = cùng; Hành = đi): cùng đi với.
Động-tâm (005): (Động = chuyển-động, khởi lên; tâm = lòng): trong tâm khởi lên một ý-nghĩ, hay một tình-cảm. Trái nghĩa với Tĩnh-tâm.
*
G
Giả-thiết (083): nói giả-tỉ, nói thí-dụ như...
Giác-quan (053; 060): (Giác= biết; Quan= cơ-quan, bộ-phận):
Bộ-phận trong thân người có nhiệm-vụ hay biết được sự-vật bên ngoài, hay bên trong. Phật-học phân-biệt sáu giác-quan, còn gọi là sáu căn như mắt (thấy), tai (nghe), mũi (ngửi), lưỡi (nếm), thân (xúc-chạm), tâm-ý (hay biết ý-nghĩ bên trong). Cùng nghĩa với Căn.
Giác-tri (054; 054): (Giác= biết; Tri = biết): hay-biết.
Giác-ý (Bảy) (029): (Giác= biết rõ; ý= ý-tưởng): bảy ngành của sự giác-ngộ; trong 37 Phẩm Trợ Đạo gọi là Thất giác-chi: (1) trạch pháp, lựa chọn pháp-tu; (2)tinh-tấn, nỗ-lực tu-hành; (3) Hỷ, mừng; (4) khinh-an, tâm nhẹ-nhàng; (5) niệm, lòng thường nhớ-nghĩ đến pháp-tu; (6) định, tâm-ý dừng trụ lại;(7) xả, nơi mọi cảnh-ngộ chẳng hề thương, chẳng hề ghét, có được tâm bình-đẳng.
Trong bản dịch Hán-văn, Bảy giác-ý là: (1) ý-giác-ý, nghĩa là hiểu rõ ý-nghĩa của pháp-tu; (2) phân-biệt giác-ý, nghĩa là biết phân-biệt rành-rẽ giữa các pháp-tu; (3) tinh-tấn giác-ý, nghĩa là nỗ-lực tu-hành thêm hơn; (4) khả-giác-ý, nghĩa là tâm được sảng-khoái, khả-quan; (5) ỷ-giác-ý, nghĩa là tâm được an-vui; (6) định-giác-ý, nghĩa là tâm đắc định-lực, bỏ được sự buông-thả; (7) hộ-giác-ý, nghĩa là giữ-gìn, bảo-vệ, dẹp mọi khuyết-điểm.
Giáo-Pháp (097): (Giáo= dạy; Pháp= các phép tu-hành): Lời dạy về tu-hành. Giáo-Pháp của Đức Phật được gọi là Chánh-Pháp.
Giới (005; 040; 069; 075; 078; 083; 092): Các điều răn-cấm do Đức Phật đặt ra, kẻ tu-hành cần tuân theo, để tránh các tội-ác. Có Ngũ-giới dành cho cư-sĩ tu tại nhà; Thập-Giới dành cho Sa-di, Cụ-túc-giới (250 điều cho Tì-kheo và 348 điều cho Tì-kheo-ni), Bồ-tát-giới có 10 điều trọng-cấm và 48 điều khinh-cấm. (Phạn: Sila).
Gốc (048; 049): (Gốc = nguồn-gốc, căn-bản; dịch từ chữ Hán-Việt là bản; Hữu bản-giả = người có gốc; Nhơn sanh-tử bản = cái gốc sanh-tử của con người.
*
H
Hạ-tiện (061): (Hạ = ở dưới thấp; tiện = hèn-hạ;): thấp hèn.
Hải-biên (009): (Hải = biển; Biên = cạnh, bià): Tại hải-biên có nghĩa là ở dọc theo ven biển.
Hào-quí (061): (Hào = có thế-lực; quí = sang): bực sang-giàu, có thế-lực trong xã-hội.
Hành-đạo (008): (Hành = làm, đi ): Hành đạo là ra đi giảng-dạy đường lối tu-hành trong dân-chúng.
Hạ-thần (010): (Hạ = ở dưới; thần= quan){ tiếng khiêm-nhường tự-xưng của một vị quan, đối với Vua; tự xem mình là vị quan nhỏ.
Hào-quang (076): vầng ánh-sáng rực-rỡ tỏa ra từ thân-hình.
Hầu-cận (010; 097): (Hầu= hầu-hạ; cận = gần); các người đi gần theo bên cạnh để hầu-hạ.
Hậu-cung (018): (Hậu = ở phiá sau; Cung = cung-điện): ở cung sau, thường dành cho các phi-tần, phụ-nữ trong đền Vua.
Hiệp-tụ (013): (Hiệp= hợp lại; gom lại; Tụ= tụ-hội lại): gom chung lại các phần nhỏ, khác nhau, thành chung lại một đơn-vị lớn.
Hiếu-thuận (020; 031; 061): (Hiếu = biết ơn cha-mẹ và ăn-ở phải đạo làm con; Thuận = chẳng trái nghịch với; theo đúng): Chữ Hiếu-thuận theo nghĩa thông-thường là làm con ăn ở phải đạo với cha-mẹ, biết ơn, thương-mến và phụng-dưỡng cha-mẹ. Nơi đoạn văn nầy, dịch-giả tiếng Hán có lẽ dùng chữ hiếu-thuận để dịch chữ giới-hạnh trong Chánh-văn chăng?
Hình-sắc (049-b): (Hình = hình dạng; sắc = màu sắc): Hình-dạng và màu sắc của các vật mà mắt nhìn thấy.
Hoan-hỉ (007; 008; 011; 097): vui mừng.
Hỏi bí (010): Hỏi khó, khiến người bị hỏi chẳng thể trả lời được.
Hộ-tống (010): (Hộ = bảo-vệ, Tống = đưa đi theo): cùng đi theo để bảo-vệ.
Hồi-cung (015): (Hồi = trở về, quay về; Cung= đền): Hồi cung là trở về cung-điện.
Hối-cải (089; 090): (Hối = ăn-năn, hối-tiếc; Cải = sửa đổi): biết lỗi nên chịu sửa đổi, và hứa chẳng tái-phạm nữa.
Hội-chúng (007): (Hội = tập-họp đám đông; chúng = số đông): đoàn-thể, hội-họp. Hội-chúng, ở đây, là đoàn-thể các tì-kheo.
Hội-kiến (010): (Hội = cùng gặp nhau; kiến = thấy): gặp nhau để bàn việc với nhau.
Hủy-phạm (040): (Hủy = bỏ đi, làm cho hư; Phạm = lỡ làm trái ngược lại): Hủy-phạm là chẳng tôn-trọng và làm ngược lại, cố tình làm cho tiêu mất đi.
Hư-không (095): (Hư = chẳng thật, hư-dối; Không = rỗng-rang, vắng-lặng): cõi không-gian vắng-lặng, rỗng-rang. Xin xem thêm chữ Không.
Hữu-trí (047-b; 049-c): (Hữu = có; Trí = đem tới): Chữ hữu-trí, trong đoạn văn này, nghĩa đen là có đưa tới, có đem lại. Nếu ta hiểu theo nghĩa rộng, hữu trí là có sự truyền-đạt từ một sự-việc nầy đưa tới, hoặc đem lại, một sự-việc khác.
*
K
Kiên-cố (033): (Kiên= cứng; cố= bền vững): bền vững, giữ lâu.
Kiên-trì (033): (Kiên= cứng; Trì= giữ): giữ-gìn bền-vững.
Kiện-tướng (040): (Kiện = mạnh-mẽ; Tướng = người cầm đầu quân-lính): vị tướng-quân mạnh-mẽ và tài-giỏi.
Kinh (069, 075, 078; 079, 083): bản văn chép lại lời dạy của chư Phật, Bồ-tát, được ghi lại trong Đại-Tạng. Thí dụ như Kinh Kim-Cang, Kinh Pháp-Cú. (Pali: Sutta Sanscrit: Sutra; Hán-Việt: Khế-Kinh.)
Kềm-chế (028; 033): giữ-gìn cho đúng; Kềm-chế cùng nghĩa với chữ Khắc-phục (011).
Kệ (005): bài văn ngắn, thường là bốn câu thơ, tóm-tắt lại lời Phật đã giảng trong Kinh. (Pali, Sanscrit: Gatha).
Kỳ-thọ Cấp-cô-độc (001): Kỳ-thọ là các hàng cây cổ-thọ của Thái-tử Kỳ-đà; Cấp-cô-độc là danh-hiệu của vị trưởng-giả giàu-có xây cất chùa Kỳ-viên để Đức Phật và các vị Tì-kheo trú-ngụ. Nguyên Thái-tử Kỳ-đà có khu vườn đẹp-đẽ, ông Cấp-cô-độc muốn mua đế cất tịnh-xá. Thái-tử bảo, chở vàng lót khắp mặt đất thì bán cho.
Ông Cấp-cô-độc lót vàng khắp vườn, chỉ trừ các hàng cây cổ-thọ lót vàng lên chẳng được. Thái-tử chẳng nhận vàng, hiến luôn khu vườn; vì thế chùa Kỳ-viên được gọi là đã xây cất trong vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc. (Phạn: Jetavana).
Kỹ-nữ (018): (Kỹ = khéo-léo; nữ = phụ-nữ; đàn-bà, cô gái): các phụ-nữ múa hát trong cung Vua.
Kỵ-sĩ (010): (Kỵ= cỡi ngựa; Sĩ = binh-sĩ): các binh-sĩ cỡi ngựa.
Khai-ngộ (014; 017): (Khai = mở ra; Ngộ = hiểu rõ): Khai-ngộ, có nghĩa là mở rộng tấm lòng ngay-thẳng ra để hiểu biết được Chơn-Lý.
Khan (016): tiếng Hán-Việt, có nghĩa là keo-kiệt, quá hà-tiện.
Khanh (013; 017; 052; 064): Tiếng nhà Vua gọi các quan; hoặc tiếng gọi nhau thân-mật.
Khắc-phục (011): chế-phục được; thắng được khiến cho kẻ kia phải chịu đầu-hàng, tuân theo ý mình.
Khất-thực (007): (Khất = đi xin ăn; Thực = ăn): Theo Giới-Luật của nhà Phật, các Tì-kheo chẳng được có nghề mưu-sanh riêng, mỗi sáng phải đi xin ăn, gọi là khất-thực, để nuôi mạng sống mà tu-hành. Đó là dịp để tu-sĩ dẹp lòng tự-ái, và đồng thời gieo duyên giáo-hóa với dân-chúng cùng tạo phước lành bố-thí cho họ.
Khấu đầu (007): (Khấu = cúi xuống ): cúi đầu sát xuống làm lễ.
Khoái-lạc (012; 054): (Khoái = sướng; lạc = vui): điều sướng-khoái, điều vui-sướng.
Không (017; 039; 040): Chữ Không, tiếng Hán-Việt, có nghĩa khác và rộng hơn chữ không trong tiếng Việt thuần-túy. Chữ không của tiếng Việt có nghĩa phủ-định, là chẳng có. Chữ Không trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là rỗng-rang, chẳng chứa đựng gì, chẳng dính-mắc vào đâu, vắng-vẻ, an-tịnh. Xin đừng lầm chữ Không với hai nghĩa quan-trọng đó.
Khổ (039; 040; 047-b; 049-c; 049-c): Chữ Khổ được dùng để dịch chữ Pali dukkha với nghĩa là gây ra sự khó-nhọc, đau-đớn về thể-chất, hoặc về tinh-thần; đôi khi được dịch ra là bất-toại-nguyện, tức là chẳng làm vừa-ý. Trong Kinh Chuyển Pháp-Luân, bản Kinh đầu-tiên do Đức Phật thuyết-giảng, về Bốn Chơn-Lý Nhiệm-mầu (Tứ Diệu Đế), trong đó Khổ-đế (chơn-lý về sự Khổ) kể rõ những gì làm cho con người phải khổ-sở trong cuộc sống.
Khởi-phát (052): (Khởi = nổi lên, mới bắt đầu; Phát = sanh ra, bộc lộ ra): bắt đầu sanh ra. Cùng nghĩa với Khởi-sanh (052).
Khởi-thủy (083): (Khởi = nổi lên, phát-sanh ra; Thủy = lúc mới bắt đầu): xưa kia lúc mới vừa bắt đầu có thế-gian.
*
L
La-hán (086): Xin xem chữ A-la-hán.
Lảu-thông (009): biết thật rành-rẽ.
Lâm thời (062): (Lâm = khi xảy đến; Thời = lúc): lúc xảy đến.
Lâm trận (062): (Lâm = đi vào, đến;Trận = trận chiến): khi đánh nhau; xông vào trận chiến.
Liên-tục (037): (Liên = kế theo sau; Tục = tiếp-tục): kế tiếp theo sau chẳng dứt.
Lộc riêng (063): (Lộc = phước, bổng-lộc, lương-bổng). Chữ Lộc dùng trong đoạn-văn nầy có hàm nghĩa là phước riêng được dành sẵn từ trước. Dựa theo ý-nghĩa đó, Thiện-Nhựt tôi nghĩ có lẽ chữ Lộc nầy tương-đương vói chữ Nghiệp-lực, tức là những ảnh-hưởng tích-lũy sẵn do những hành-động cố-ý cũ trong các đời trước đã tạo nên.
Lưu-luyến (044): (Lưu = giữ còn lại; Luyến = mến thích): còn mến thích mãi.
Lưu-ly (033): ngọc trong-suốt tựa như chất pha-lê (kiếng).
*
M
Mặc-nhiên (007): (Mặc = im-lặng; nhiên = tự-nhiên): Giữ sự im-lặng, có ý ngầm chấp-nhận.
Mâu thương (075): (Mâu = binh-khí xưa, gậy dài có mũi nhọn; Thương = Sang = binh-khí xưa, gậy sắt dài có mũi nhọn): hai loại binh-khí xưa dùng để đâm.
Mục-tiêu (007): (Mục = con mắt, chỗ mắt nhìn chăm-chú đến; tiêu = cái mốc, chỗ đang được nhắm vào): chỗ đang nhắm vào để bắn; gần nghĩa với chữ mục-đích.
*
N
Na-Tiên (001): tên của vị Tì-kheo giảng-giải giáo-lý cho Vua Di-Lan. (Pali: Nagasena). Đây là một tên tưởng-tượng của tác-giả quyển ''Kinh Tì-kheo Na-Tiên''. Cách sách Luận cho rằng, Bồ-tát Long-Thọ (Phạn: Nagarjuna) người sáng tác ra quyển sách nầy, đã muốn dùng cái tên Na-Tiên đó để ám-chỉ chính mình, khi đối-đáp với Vua.
Nê-Hoàn (007; 011; 041; 046; 049-c; 049-c) còn đọc là Niết-bàn. Phiên-âm từ chữ Pali: Nibbàna; Sanscrit: Nirvana, có nghĩa là ra khỏi rừng u-tối; tức là đã tận-diệt hết các phiền-não, chứng-đắc được vô-sanh (chẳng còn phải tái-sanh trong Luân-hồi), được tự-tại trong cảnh vắng-lặng, an-vui. Cùng nghĩa với chữ Hán-Việt: Viên-tịch.
Ni (001): nữ tu-sĩ theo đạo Phật. Còn gọi là Tỳ-kheo-ni.
Niệm (077; 088): Chữ Niệm, dùng như danh-từ, có nghĩa là tư-tưởng, ý-nghĩ; dùng như động-từ, có nghĩa là nhớ nghĩ lại trong lòng. Chữ niệm ở đoạn văn trang 63, có nghĩa là còn có tư-tưởng khởi lên trong tâm, tức là tâm còn chưa đến mức vắng-lặng, thanh-tịnh như tâm của Đức Phật.
Niệm-Đạo (001) (Niệm = nhớ nghĩ luôn trong lòng; Đạo, ở đây là Chánh-Pháp): suy-tưởng đến Chánh-Pháp.
Niết-Bàn (007; 011; 065; 074): chung một nghĩa với chữ Nê-Hoàn ở trên.
Ngà voi (002): đôi răng nanh của voi, dài và trắng, trông như cặp sừng.
Ngạ-quỉ (004; 007): quỉ đói. (Pali: Peta; Sanscrit: Preta). Đây là một hạng chúng-sanh thuộc đường dữ, thân hình ốm-o, bụng to, cổ nhỏ, luôn luôn đói khát.
Ngày trai (003): những ngày ăn chay, giữ giới của bực tu-hành. Sáu ngày trai trong tháng là: mồng 1, 8, 14, rằm, 23 và 29 hoặc 30. Tiếng Hán-Việt gọi ngày trai là trai-nhựt.
Ngàm vành xe (013): lỗ hỗng trong vành bánh xe, nơi trục xe nằm xuyên qua, để chịu đựng sức nặng của xe.
Nghiệp (071): Chữ Nghiệp trong Phật-học, dùng để dịch chữ Pali: kamma; chữ Sanscrit: Karma, để chỉ ảnh-hưởng còn lưu lại của các hành-động cố-ý cũ đã qua trong đời trước hay đời nầy, làm thay-đổi cuộc sống hiện-tại và mai sau. Hễ làm lành, thì được nghiệp thiện; hễ làm ác, thì bị nghiệp-ác. Bực A-la-hắn đã dứt hết nghiệp, nên chẳng cón phải tái-sanh nữa trong cõi Luân-hồi.
Ngoại-đạo (009): (Ngoại = ngoài; đạo = đây là đạo Phật): các tôn-giáo khác, chẳng theo đạo Phật. Xin lưu-ý chữ Ngoại-đạo chẳng hề có ý-nghĩa xấu là tà-ma, mê-tín, như thường nói tà-ma ngoại-đạo.
Ngưỡng-mộ (011): Kính-mộ; yêu-mến và kính-trọng.
Ngũ cốc (062): (Ngũ = năm; cốc = lúa): năm loại thóc lúa như gạo, nếp, đậu, luá mạch, luá kê.
Nhập Niết-bàn (002): (Nhập = vào; Niết-bàn = cõi vắng-lặng) Theo nghĩa thông-thường là chết đi. Xin xem thêm chữ Niết-bàn.
Nhập-tâm (018): (Nhập = đi vào; tâm = lòng): đã ăn sâu vào lòng; đã thuộc nằm lòng.
Nhàn-tịnh (001) (Nhàn =chẳng bận rộn; tịnh= êm-ả): thanh-vắng, chẳng bị khuấy-động. Đồng nghĩa với An-tịnh.
Nhiễu (002): đi vòng quanh, theo chiều kim đồng-hồ, để tỏ lòng kính-trọng đối với bực đang ngồi tại đó.
Nhứt-nhứt (058; 097): (Nhứt = một): mỗi mỗi đều tuân theo, từng món một.
Nhứt-tâm (019; 034; 082; 082; 088; 092): (Nhứt = một; Tâm = lòng): một lòng chú-ý đến; chuyên-tâm nhớ nghĩ luôn đến.
Nội-động (057): (Nội = bên trong; động = chuyển-động, khởi-động): sự chuyển-động bên trong tâm, tức là khởi lên ý-nghĩ, hoặc tình-cảm.
Nội-tâm (047-b; 049-c; 049-c; 065) (Nội = bên trong; tâm = lòng): bên trong tâm, trong lòng.
*
P
Phạm-Thiên (077): (Phạm = phiên-âm chữ Phạn là Brahma, Trời Phạm; Thiên = Trời): cõi Trời cao nhứt thuộc Dục-giới, ở từng thứ bảy.
Phạm-hạnh (077): (Phạm = vua Trời Đại-Phạm; Hạnh = đức-hạnh) = đức-hạnh của đấng Phạm-Thiên.
Pháp (024): Chữ Pháp trong Phật-học có nghĩa rất rộng:
1.- Pháp là đường-lối tu-hành, như chữ pháp-môn.
2.- Chánh-Pháp là lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong Kinh-Tạng. Như chữ Giáo-Pháp.
3.- Pháp với nghĩa tổng-quát trong tiếng Pali dhamma chỉ vào tất cả mọi sự-vật, có hình hay chẳng có hình. Thí-dụ: pháp-giới.
Phật (001): bực đã giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn. (Phạn: Buddha). Phật là bực đã tự-mình giác-ngộ (tự-giác), đem chỗ giác-ngộ ra chỉ-dạy cho chúng-sanh (giác-tha), và công-cuộc hoá-độ chúng-sanh của Ngài đã hoàn-thành viên mãn (giác hành viên-mãn). Chỉ riêng Đức Phật mới có đủ mười danh-hiệu tôn-quí (thập hiệu): Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhơn-sư, Phật, Thế-tôn.
Phối (047-b; 049-b; 053): Chữ phối, dùng như một động-từ, có nghĩa là kết-hiệp nhiều sự-vật chung lại thành một; nếu dùng như danh-từ, chỉ nhiều sự-vật được hiệp chung lại thành một sự-vật hỗn-hợp.
Phục-sanh (044): (Phục = trở lại; sanh = sanh, sống): sanh, sống trở lại.
Phụng-hành (007; 040; 066; 069; 075; 078; 083): (Phụng = tuân theo; Hành = làm): tuân theo lời dạy mà hành-động, ăn ở đúng đạo-lý.
*
Q
Quá-khứ (006; 007; 009; 034; 047; 083) (Quá = đã qua; Khứ = đi qua rồi): việc cũ qua rồi; thời-gian đã qua.
Quan-đạo (009): đường cái-quan, đường quốc-lộ.
Quán (024): chuyên-tâm suy-nghĩ kỹ-lưỡng, cứu-xét cẩn-thận về một đề-tài. Kinh-sách thường dùng chữ Quán-chiếu.
Qui-hướng (096): (Qui = quay về; Hướng = chiều-hướng; phương-hướng): quay về theo chiều-hướng nào đó.
Quí-nhơn (018): (Quí = tôn-quí, cao-sang; Nhơn = người): các người đẹp, cao-quí; ở đây chỉ các vị phụ-nữ, hoàng-phi, công-chúa, v.v. trong cung Vua.
*
R
Rượu bồ-đào (009): một thứ rượu nho quí giá, rất ngon.
*
S
Sa-di (006): người còn nhỏ tuổi được thọ-giới vào chùa tập-sự tu-hành; đến khi đủ hai mươi tuổi mới được thọ Cụ-túc-giới làm Tì-kheo. (Pali: Sàmanera; Sanscrit: Sramanera).
Sa-môn (003; 009; 014; 016; 064; 075; 084; 092): phiên-âm chữ Phạn, nghĩa là tu-sĩ theo đạo Phật. Pali: Sàmana; Sanscrit: Sramana). Chữ sa-môn có ba nghiã: (1) cần-giả: người siêng làm điều thiện; (2)tức-giả: người ngưng mọi việc ác; (3)bần-giả: người nguyện cam chịu nghèo-khó để tu-hành.
Sám-hối (007): (Sám, phiên-âm chữ Phạn Ksamayati, có nghĩa ăn-năn, hối-tiếc lỗi đã qua; Hối, chữ Hán-Việt, có nghĩa là hối-tiếc, tiếc rẽ vì đã lầm phạm tội): tỏ lòng hối-tiếc tội lỗi lỡ phạm và xin hứa chẳng tái-phạm nữa.
Sảng-khoái (069): vô cùng thích-thú, vui-sướng.
Sanh-tử (035): (Sanh = sống; Tử = chết) = lẽ sống chết.
Sơ-sanh (037): (Sơ = lúc khởi đầu; Sanh = sanh ra): lúc mới vừa sanh ra.
Sở-niệm (049-c; 056): (Sở = chỗ, nơi; Niệm = nhớ-nghĩ): chỗ đang nhớ nghĩ đến trong lòng.
Sở-tác (056): (Sở = chỗ, nơi; Tác= làm): chỗ đã làm, công-việc đã làm.
Súc-sanh (004; 007): loài thú vật thiếu trí-huệ.
Sư-phụ (007; 068): (Sư = thầy dạy; Phụ = cha): vị thầy dạy Đạo.
*
T
Tác-chiến (062): (Tác = làm; chiến = tranh đấu, chống giặc): chiến-đấu chống lại giặc-giã.
Tai-ương (089; 090): (Tai = tai-nạn, tai-hoạ; Ương = hoạ, hại): tai-nạn, tai-họa khiến cho phải chịu khổ-sở.
Tái-sanh (037; 043; 069; 073; 087) (Tái = lại lần nữa; Sanh = sanh sống): sanh trở lại cõi Luân-hồi; sanh rồi chết, rồi lại sanh chết nữa chẳng dứt.
Tăng (001): nam tu-sĩ đạo Phật.
Tâm-linh (096): thuộc về tinh-thần, vô-hình.
Tâm-nguyện (006): (Tâm = lòng; nguyện = nguyền, hứa giữ gìn trong lòng): điều mình hứa hay mong-cầu, sẽ giữ mãi trong lòng.
Tâm-niệm (058; 079; 098): (Tâm = lòng; Niệm = ý-nghĩ): ý-tưởng nhớ-nghĩ trong lòng.
Tận-diệt (036): (Tận = dứt hết chẳng còn gì; diệt = làm cho tiêu mất đi): dẹp cho hết tận gốc-rễ.
Tì-kheo (001, 089): nam tu-sĩ theo đạo Phật. (Phạn: Bhikkhu). Còn nữ tu-sĩ Phật-giáo gọi là Tì-kheo-ni (Phạn: Bhikkhuni). Tiếng miền Bắc gọi là Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni.
Tiền-vương (068): (Tiền = trước; Vương = vua): các vị Vua đời trước.
Tinh-tấn (007; 032; 040; 088): (Tinh = chuyên-tâm; tấn = tiến lên): Cố-gắng hơn lên để có tiến-bộ; ráng sao cho điều lành được tăng thêm.
Tinh-yếu (011; 018): (Tinh = điều cốt-lõi; phần quan-trọng nhứt; Yếu = trọng-yếu, quan-trọng nhứt): điều hết sức quan-trọng, thiết-yếu nhứt.
Tiền-kiếp (004): (Tiền = trước; kiếp = đời sống): Tiền-kiếp là các đời sống trước trong quá-khứ, trước khi sanh ra hiện nay.
Tiếp-viện (032): (Tiếp = cứu-giúp; Viện = viện-trợ, đem đến giúp): Tiếp-viện là gởi thêm binh-sĩ để đánh thắng giặc.
Tịnh-khiết (021): (Tịnh, Khiết = trong-sạch) = trong-sạch.
Thái-tử (004; 009): (Thái = lớn, trưởng; Tử = con): vị hoàng-tử lớn nhứt, sẽ lên nối ngôi Vua cha.
Tham-ái (019): (Tham = ham muốn quá độ; ái = thương-yêu): sự ham-muốn quá-độ, sự yêu-thích quá mức.
Tham-dâm (021): (Tham = ham muốn quá mức; dâm = sự giao-hợp giữa nam-nữ): quá ham-mê sự dâm-dục trai-gái.
Tham-dục (022): (Tham = ham muốn quá mức; Dục = ham muốn): lòng ham-muốn quá mức.
Tham-tâm (038; 080): (Tham = ham muốn quá mức; Tâm = lòng): lòng còn ham muốn quá mức.
Tham-vấn (015): (Tham = dự vào; Vấn = thưa hỏi): Cùng nhau thưa hỏi với nhau.
Thanh-thủy-châu (021): (Thanh = trong-sạch; Thủy = nước; châu = hòn ngọc): Hòn ngọc có tánh-chất lọc nước đục cho trong-trẻo lại, cho tinh-khiết hơn.
Thanh-tịnh (001; 021) (Thanh = trong; Tịnh = sạch): trong-sạch.
Thanh-văn: (Thanh = Thinh = âm-thanh; Văn = nghe): các đệ-tử sống gần bên Đức Phật, nhờ nghe Kinh, tu-tập theo Tứ-Diệu-Đế (và Bát-Chánh-Đạo) mà đắc các quả-vị Thánh, từ Tu-đà-huờn đến A-la-hán. (Pali: Sàvaka; Sanscrit: Sravaka)
Thành-tín (020): (Thành = thành-thật; Tín = tin-tưởng): niềm tin thành-thật và vững-chắc.
Thâm-ảo (094): (Thâm = sâu; Ảo = huyễn; xem như thật mà chẳng thật): sự-việc huyền-bí sâu-xa.
Thâm-diệu (007; 069; 094; 096) (Thâm = sâu; diệu = nhiệm-mầu): Kinh thâm-diệu là Kinh cao, sâu-xa và nhiệm-mầu.
Thẩm-định (016): (Thẩm = xét kỹ; định = quyết-định): xét kỹ lại và quyết-định.
Thâm-trọng (006): (Thâm = sâu; trọng = nặng): Lời thề-nguyện thâm-trọng là lời thề nặng-nề, thâm-sâu, quan-trọng lắm.
Thân-mạng (080): (Thân = thân-thể; mạng = mạng sống): mạng-sống của thân-thể con người.
Thần-trí (096): (Thần = tinh-thần, phần vô-hình; Trí = trí-óc): phần tinh-thần biết suy-nghĩ.
Thần-túc (026; 091): (Thần= tinh-thần; thần-thông; Túc có hai nghiã: (1) dùng như tĩnh-từ, Túc là đầy-đủ; (2) dùng như danh-từ, Túc là chơn để bước đi). Bốn niệm thần-túc là bốn tâm-trạng của bực tu-hành đã đắc thần-thông, hễ khởi lên ý-định là có được đầy-đủ như ý-nguyện; thí-dụ như muốn đến một nơi xa, có thể bay đi ngay trong không-khí. Chữ thần-túc (091, 73) lại có nghĩa là có bước chơn thần, di-chuyển thật nhanh-chóng, đến các cõi khác.
Thập-Giới (006): (Thập = mười; Giới = điều răn-cấm): Mười giới mà Sa-di phải tuân theo: (1) chẳng sát-hại; (2) chẳng trộm-cắp, (3) chẳng dâm-dục, (4) chẳng nói dối, (5) chẳng uống rượu, (6) chẳng trang-sức, (7) chẳng xem múa hát, (8) chẳng nằm giường cao, (9) chẳng ăn quá giờ Ngọ (12 giờ trưa), (10) chẳng cầm tiền-bạc.
Thiên-Trúc (004; 008): tên của nước Ấn-độ cũ.
Thiển-cận (042): (Thiển = cạn; Cận = gần). Trí-óc thiển-cận là trí-óc còn cạn-cợt và chẳng thấy được xa.
Thiện (020): lành, tốt, khéo.
Thọ Giới (005, 006; 017): (Thọ = nhận lãnh; Giới = giới-luật): nhận điều răn-cấm của Đức Phật đặt ra, để tránh các tội-ác.
Thọ-mạng (004): (Thọ = tuổi thọ; Mạng = mạng sống): Thọ-mạng là mạng sống theo tuổi thọ.
Thọ-thần (001): (Thọ = cây to lớn, lâu đời; thần = thần-linh, các bực vô-hình có sức mạnh linh-thiêng): các vị thần-linh sống trên cây.
Thông-đạt (007; 009; 011): (Thông = thông-suốt; đạt = đắc được): hiểu thật rõ ràng đến tận cả nghĩa sâu-kín.
Thủy-tộc (063): (Thủy = nước; tộc = nòi giống): loài sanh-vật sống dưới nước.
Thừa sự chư Phật (003): Thừa sự là phụng-thờ, phục-vụ. Thừa sự chư Phật có nghĩa là theo hầu-hạ chư Phật; ở đây có nghĩa là tuân-hành theo các lời dạy của chư Phật.
Thức (047; 051): biết, sự hay-biết. Giáo-lý Nam-Tông phân-biệt sáu thức: (1) nhãn-thức, cái biết do mắt thấy; (2) nhĩ-thức, cái biết do tai nghe; (3) tị-thức, cái biết do mũi ngửi; (4) thiệt-thức, cái biết do lưỡi; (5) thân-thức, cái biết do da trên thân; (6) ý-thức, cái biết trong lòng. Giáo-lý Bắc-Tông có thêm hai thức nữa: (7) mạt-na-thức, còn gọi là truyền-tống-thức, có nhiệm-vụ chuyển-đạt cái biết từ ngoài vào trong, và từ trong ra ngoài, lại hay chấp-ngã; (8) a-lại-da thức, còn gọi là tàng-thức, có nhiệm-vụ gìn-giữ các chủng-tử (= hột giống của các hành-vi cũ) nên còn được gọi là nghiệp-thức.
Thường-tại (040): (Thường = còn hoài, chẳng biến-đổi, chẳng tiêu-diệt; Tại = ở đó): Thường-tại là vẫn giữ nguyên, chẳng bị thay-đổi, chẳng bị hủy-hoại. Cùng nghĩa với Thường-còn; Thường-hằng; Hữu-thường. Trái nghĩa với Vô-thường.
Thường-hằng (051): (Thường = còn hoài, chẳng thay-đổi; hằng = luôn luôn như vậy là như vậy): cùng nghĩa với Thường-còn, Thường-tại. Trái nghĩa với Vô-thường.
Thượng-điện (018): (Thượng = trên; Điện = cung-điện): cung-điện lớn ngoài đền Vua, chỗ Vua ngự.
Thượng-Tọa (006): (Thượng = trên; Tọa = ngồi). Theo cấp-bực trong Phật-giáo Bắc-tông, từ Sa-di lên Đại-đức (từ 10 tuổi-hạ đến 20 tuổi-hạ) rồi tới Thượng-Tọa (có ít nhứt 30 tuổi-hạ) và đến Hoà-thượng (trên 40 tuổi-hạ). Dự một khóa An-cư Kết-hạ là được một tuổi-hạ.
Tòng theo (037; 040): dựa theo đó mà tiến-triển; do theo lý-do đó mà thay đổi.
Tối-thượng (014): (Tối = hết sức; rất; Thượng= cao): Tối-thượng là cao nhứt, trên đó chẳng gì cao hơn nữa.
Tối-yếu (018): (Tối = hết sức, trội nhứt; yếu = quan-trọng; trọng-yếu): điều quan-trọng bực nhứt.
Tràng hoa (033): bông hoa kết lại thành xâu, thành chùm.
Trân-bảo (009; 033): tiếng gọi chung các thứ châu, ngọc quí-báu.
Triển-chuyển (037; 047; 051): (Triển = lớn lên; Chuyển = biến-chuyển): lớn lên thay đổi theo thời-gian; phát-triển và biến-chuyển.
Trú-sở (016): (Trú = ở; sở = nơi, chỗ): nơi ở, chỗ cư-trú.
Trụ (034): đứng dừng lại, chẳng di-chuyển.
Trụ-trì (006): (Trụ = đứng dừng lại; Trì = giữ-gìn): Vị Sư trụ-trì là vị Sư trưởng-thượng và coi sóc một ngôi chùa.
Trục xe (013): thanh sắt xuyên qua hai bánh xe, để giữ vững chiếc xe.
Trục-xuất (007; 007): (Trục = đuổi đi, đưổi theo; Xuất = ra khỏi): ở đây, trục-xuất là đuổi đi ra khỏi chùa.
Trung-chánh (010; 062): (Trung = ngay chính giữa; Chánh = ngay thẳng, chơn-chánh, đứng-đắn): Hạnh trung-chánh nói ở đây chính là noi theo con đường Trung-Đạo của Đứ c Phật, được thể-hiện bằng Bát-Chánh-Đạo. Xin xem thêm chữ Bát-Chánh-Đạo.
Truyền-đạt (047-b; 049-b): (Truyền = truyền sang, chuyển đến; đạt = nhận được, tới nơi) = Truyền-đạt có nghĩa là có sự di-chuyển từ một sự-vật nầy đến một sự-vật khác. Tại trang 37, chữ Truyền-đạt được dùng để dịch chữ Hán-Việt Hữu-trí.
Trừ-bị (062; 085): (Trừ = lấy riêng ra, bớt; Bị = để dành, phòng-hờ): quân-lính dự-bị sẵn, ở nhà chờ lịnh gọi ra chiến đấu.
Trữ (038): cất lại để dành về sau.
Trực (030): ngay thẳng. Trực-kiến là nhìn thấy ngay-thẳng. Trực-niệm là suy-nghĩ ngay-thẳng. Trực-ngữ là lời nói ngay-thẳng. Trực-mạng là lối mưu-sanh ngay-thẳng. Trực-nghiệp là hành-động của thân, miệng, và ý đều ngay-thẳng. Trực phương-tiện là phương-cách làm việc ngay thẳng. Trực-ý là tư-tưởng ngay-thẳng. Trực-định là tu đắc định ngay-thẳng (trái với tà-định).
Trước-tác (069): sáng-tác, viết và tạo nên quyển sách.
Trưởng-giả (001; 063) (Trưởng = lớn; giả = người): người giàu-có, trưởng-thượng trong làng, được mọi người kính-nể.
Tu-đà-huờn (007; 022): quả-vị thứ nhứt trong hàng Thanh-văn; còn được gọi là quả Thất-Lai, nghĩa là chỉ còn tái-sanh lại ở cõi người bảy lần nữa, sẽ chứng-đắc Niết-bàn. (Pali: Sotapanna; Sanscrit: Srotapani)
Tùy-tùng (018): cùng đi theo để hầu.
Tư-duy (094): (Tư = suy nghĩ; Duy = tưởng nhớ): khởi lên ý-nghĩ trong tâm, suy-tưởng.
Tư-đà-hàm (008; 022): quả-vị thứ hai trong hàng Thanh-văn; còn được gọi là quả Nhứt-Lai, nghĩa là chỉ còn phải tái-sanh lại cõi người một lần nữa mà thôi, sẽ chứng đắc Niết-bàn. (Pali: Sakadagamin; Sanscrit: Sakrdagamin).
Từ-ái (079): (Từ = lòng Từ trong đạo Phật có nghĩa là tình thương rộng-rãi mọi chúng-sanh giống như tình thương của cha-mẹ đối với đứa con-một của mình. Ái = thương-yêu): Tâm-niệm từ-ái là trong lòng có ý-nghĩ thương-yêu rộng-rãi đến mọi chúng-sanh.
Tương-kiến (010; 011): (Tương = cùng nhau; Kiến = thấy): gặp, thấy mặt nhau.
Tương-ứng (051): (Tương= cùng nhau; Ứng = phù-hợp nhau): phù-hợp nhau, chẳng chống-đối nhau.
Tượng-vương (002) (Tượng = voi; vương= chúa): Voi chúa, voi đầu-đàn.
Tứ niệm-xứ (024): (Tứ = bốn; Niệm = nhớ-nghĩ; Xứ = nơi chốn) Tứ niệm-xứ là tên một bản Kinh rất quan-trọng trong Trung-Bộ-Kinh (Majjhima Nikaya) được Đức Phật thuyết-giảng về bốn lãnh-vực của sự quán-niệm: (1) quán về thân; (2) quán về cảm-thọ; (3) quán về tâm; quán về pháp (= sự-vật). Người thực-hành phép quán nầy sẽ đắc được định-tâm, tư-tưởng dừng trụ lại và chứng các cấp Thiền.
Tứ Thiên-Vương (008) (Tứ = bốn; Thiên = Trời; vương = vua): bốn vị Vua Trời ở cõi Dục-giới: (1) Trì-quốc thiên-vương; (2) Quảng-mục-thiên-vương; (3) Tăng-trưởng thiên-vương; (4) Đa-văn thiên-vương.
Tứ-Thiền (005; 092) (Tứ = bốn, thứ tư; Thiền = phép tu tịnh-tâm, khiến ý-nghĩ dừng lại, tâm-trạng rỗng-rang, nhẹ-nhàng): Tu Thiền-định trải qua bốn giai-đoạn: Sơ-Thiền, Nhị-Thiền, Tam-Thiền và Tứ-Thiền. Đến cấp Tứ-Thiền, thân-tâm nhẹ-nhàng, tâm-ý dừng lại, vắng-lặng, êm-ả, an-vui.
Tự-tại (004; 007; 039): (Tự = chính mình; Tại = ở tại ); chữ Tự-tại có nghĩa là sống tùy theo ý mình, có tự-do, thong-dong, chẳng còn bị lệ-thuộc vào đâu cả. Tương-đương với chữ Tự-do.
*
U
Uế-trược (077): dơ-dáy, nhớp-nhúa.
Ưu-bà-di (082): phiên-âm chữ Phạn Upasika, có nghĩa là nữ cư-sĩ tu tại-gia, tuân theo Ngũ-Giới. Cùng nghĩa với chữ Cận-sự-nữ.
Ưu-bà-tắc (007; 011; 014): phiên-âm chữ Phạn, có nghĩa là nam cư-sĩ tu-tại-gia, tuân theo Ngũ-Giới. Cùng nghĩa với chữ Cận-sự-nam. (Pali: Upasaka).
*
V
Vi-phạm (007): (Vi = làm; phạm = lỡ làm điều trái ngược với chỗ bị cấm-đoán): Vi-phạm là lỡ làm trái với điều cấm-đoán.
Vị-lai (006; 009; 047; 083): (Vị = chưa; Lai = đến): Việc chưa xảy đến. Cùng nghĩa với chữ Tương-lai.
Vô-ngã (096): (Vô = chẳng có; Ngã = Ta; bản-ngã): chẳng có cái ''Ta'', chẳng có cái ''bản-ngã''. Theo giáo-lý nhà Phật, có ba sự-thật mà ta thường lầm-lẫn: (1) vô-thường (Pali: anicca), chịu sự biến-đổi, chẳng thường-còn; (2) khổ (Pali: dukkha), gây ra sự chẳng vừa ý, bất-toại-nguyện; (3) vô-ngã (Pali: anatta), chẳng hề có cái ''Ta'' nào trong thân-tâm con người cả. Kẻ nào cho rằng có cái bản-ngã, thân ta là của ta, kẻ đó vướng phải tà-kiến, gọi là mắc phải thân-kiến, ngã-kiến.
Vô-thường (039; 040; 042-b; 042-f): (Vô = chẳng có; Thường = thường-còn, lúc nào cũng vậy, chẳng có sự biến-đổi): Vô-thường là chẳng thường-còn, bị biến-đổi, sẽ bị tiêu-diệt. Trái nghĩa với thường-hằng. Pali: anicca; Sanscrit: Anitya.
Vô-vi (004): (Vô = chẳng có; Vi = làm): Đạo Vô-vi là đạo cầu chứng-đắc Niết-bàn, tu-tập dứt phiền-não và chẳng tạo-tác thêm điều gì gây ra nghiệp-lực để phải tái-sanh lại trong cõi Luân-hồi.
Vương-giả (014): (Vương = vua; Giả = người): Chữ vương-giả ở đây dùng như một tĩnh-từ, chỉ những gì thuộc về nhà vua; trong câu nầy, nói thái-độ vương-giả là nói đến thái-độ của nhà Vua khi bàn-luận thường hay dùng lời nói, uy-quyền của nhà Vua mà lấn-át người đối-thoại.
*
X
Xá-Vệ (001): tên kinh-thành một tiểu-quốc ở miền Bắc Ấn-độ xưa, có chùa Kỳ-viên là nơi Đức Phật trú-ngụ để hoá-độ chúng-sanh. (Pali: Savatthi, Sanscrit: Sravasti).
Xá-Kiệt (009; 011): tên một nước tưởng-tượng, do vua Di-Lan cai-trị. (Pali: Sàgalà).
Xuất-gia (005): (Xuất = ra khỏi; gia = nhà): rời gia-đình đi tu.
*
Y
Ý-niệm (042-f; 051; 096): (Ý = ý-nghĩ, tư-tưởng; Niệm = nhớ nghĩ): tư-tưởng trong tâm.