Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

A. Bản Phỏng dịch: Quyển Thượng

23/01/201104:54(Xem: 3307)
A. Bản Phỏng dịch: Quyển Thượng

KINH TỲ KHEO NA TIÊN

Càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753
Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu

A. Bản Phỏng-dịch

(Dựa theo Bản văn đời Đông-Tấn, thiếu tên dịch-giả Hán-văn, nơi bộ Càn-Long Đại-Tạng Kinh, Quyển số 108, các trang 706- 753)

Quyển Thượng

Xin Lưu-ý: (Các tiểu-mục có đánh số, in chữ đậm, và các chữ nghiêng trong ngoặc đều do Thiện Nhựt thêm vào, chánh-văn trong Đại-Tạng chẳng có.)

001.- Đức Phật vào rừng tòng.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại nước Xá-Vệ, nơi vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, các vị tì-kheo tăng, ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ, chư Thiên, Vua, đại-thần, trưởng-giả, nhơn-dân và chín mươi sáu hàng đạo-giả, hơn vạn người, cùng đến trước Phật để nghe giảng Kinh. Đức Phật nhận thấy rằng đông đảo dân chúng hôm nay tâm-thần thật chẳng an, nên Ngài có ý-định muốn rời xa, nên đi đến một nơi nhàn-tịnh, để ngồi niệm Đạo. Đức Phật liền rời dân chúng, đi vào núi, tới một khu rừng tòng, trên cây có các vị thọ-thần. Nơi gốc cây, Đức Phật ngồi niệm Đạo thanh-tịnh.

*

002.- Tượng-vương vào rừng tòng gặp Đức Phật.

Cách khu rừng tòng chẳng xa, có một bầy voi hơn năm trăm con, trong đó Tượng-vương là voi chúa, hiền-lành, biết rõ điều lành việc ác, tựa như loài người vậy. Bầy voi bao quanh Tượng-vương, đực có, cái có, ngà dài có, ngà vừa có, ngà ngắn có. Tượng Vương khát, muốn đi uống nước; nhưng đàn voi nhỏ đã chạy đi trước, nhảy xuống uống nước; uống xong lại ở dưới nước nô-đùa khiến cho nước trở nên đục ngầu. Tượng-vương chẳng có nước trong để giải khát. Tượng-vương lại đói, muốn đi ăn cỏ; đàn voi nhỏ lại chạy trước ăn hết cỏ non, lại dẫm đạp lên, khiến Tượng-vương chẳng có cỏ tốt để đỡ dạ. Tượng-vương thầm nghĩ, bầy voi con đã khuấy đục nước, dày xéo cỏ tươi, khiến ta chẳng có nước trong uống, chẳng có cỏ sạch ăn; vậy ta hãy xa rời chúng đi đến một nơi nào an-tịnh, sung-sướng hơn. Tượng-vương liền rời đàn voi, đi vào núi, đến khu rừng tòng. Thấy Đức Phật đang ngồi dưới gốc tòng, Tượng-vương lòng rất vui mừng, liền đến vập đầu trước chơn Phật, làm lễ, rồi đứng sang bên cạnh. Đức Phật tự nghĩ, ta lià dân chúng đến nơi nầy; Tượng-vương cũng lià đàn voi đến gốc cây nầy, cả hai việc đều đồng một ý-nghiã. Đức Phật liền vì Tượng-vương nói Kinh: ''Phật là bực tôn-kính nhứt trong hàng người; Tượng-vương cũng là bực tôn-kính nhứt trong hàng voi. Đức Phật nói, tâm ta với tâm của Tượng-vương hợp nhau, ta và Tượng-vương cùng vui bên gốc cây nầy.'' Tượng-vương nghe Kinh xong, tâm-tư liền mở sáng, hiểu rõ ý Phật, liền đi nhiễu quanh chỗ Đức Phật ngồi, lấy vòi hút nước tưới đất, dùng mũi quét đất, dùng chơn đạp đất cho bằng phẳng. Tượng-vương sớm chiều hầu-hạ như thế. Mãi lâu về sau, Đức Phật nhập Niết-Bàn, Tượng-vương chẳng biết Phật đi về đâu, nên rảo quanh khắp chốn, mãi cầu tìm gặp Phật chẳng được, khóc lóc áo-não, bỏ cả ăn uống.

*

003.- Tượng-vương đến chùa nghe Kinh

Vào thời đó, trong nước có ngôi chùa Phật tên là Ca-La-Hoàn ở trên núi, là nơi tu-hành của năm trăm vị sa-môn, đều đắc đạo-quả A-la-hán cả; thường cứ vào sáu ngày trai trong tháng, tụng Kinh cho dến sáng. Tượng-vương cũng ở trên núi, bên cạnh chùa, biết vào ngày trai có tụng Kinh, nên vào chùa nghe Kinh. Các vị sa-môn biết Tượng-vương thích nghe Kinh, nên khi Tượng-vương đến thì tụng. Tượng-Vương nghe Kinh, hiểu được thông suốt, chẳng hề buồn ngủ, chẳng hề nằm, chẳng hề giao-động. Cứ như thế mà Tượng-vương luôn nghe Kinh và thừa sự chư Phật.

*

004.- Tiền-kiếp của tì-kheo Na-Tiên và vua Di-Lan

Mãi lâu về sau, Tượng-vương thọ-mạng hết, chết đi và được tái sanh làm người, con trai một nhà theo đạo Bà-la-môn, chẳng còn được nghe Kinh Phật, chẳng gặp được sa-môn, nên mới rời nhà lên non, học đạo. Trên núi, được gần gũi với một vị đạo-nhơn theo đạo Bà-la-môn, cả hai cùng làm bạn trí-thức với nhau. Một người tự nghĩ, ta nhìn thấy nơi thế-gian đầy ưu-sầu, già bịnh khổ, chết đi lại phải sa vào địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh; cho nên ta nguyện cạo râu tóc, mặc áo cà-sa, làm sa-môn, cầu đạo vô-vi cứu đời. Còn người kia thì lại tự nghĩ, ta muốn cầu làm vua một nước, tự-tại, khiến thiên-hạ cùng thuộc về ta, nghe lịnh ta. Hai người cùng nguyện-cầu như thế. Về sau, cả hai người đều hết thọ-mạng, được tái sanh làm người. Một người, kiếp trước có lời nguyện làm quốc-vương, sanh ra làm Thái-tử ở một nước bên ven biển; cha mẹ đặt tên là Di-Lan. Còn một người, kiếp trước có lời nguyện cầu đạo vô-vi cứu đời, thì sanh ra tại nước Thiên-Trúc (Ấn-độ), ở huyện Kế-Tân, được cha mẹ đặt tên là Đà-Liệp.

Vì có lời nguyền tiền-kiếp, nên khi sanh ra Đà-Liệp có áo cà-sa quấn khắp thân-thể; cùng lúc đó, một con Tượng-vương cũng ra đời trong nhà đó; nên cha mẹ lấy tên Na của Tượng-vương mà đặt tên cho con, và gọi là Na-Tiên.

*

005.- Na-Tiên xuất-gia cầu Đạo với Lâu-Hán.

Na-Tiên lớn lên, đến năm mười lăm, mười sáu tuổi, theo người cậu là Lâu-Hán. Lâu-Hán làm sa-môn có tài tuyệt-diệu, thế-gian chẳng ai bằng, mắt nhìn thật xa, tai nghe thật thính, biết rõ việc đời trước và đời sau của mình, di chuyển thì bay cao, vượt qua các hang động chẳng bị ngăn-ngại, tự-tại biến-hóa chẳng điều chi chẳng làm được, trên trời dưới đất muôn loài động-vật bò sát hay bay cao, hễ động-tâm là hay biết đến cả. Na-Tiên đến nơi cậu ở, kể rõ tâm-nguyện mình cầu Phật-đạo, muốn xuống tóc cạo râu, mặc áo cà-sa làm sa-môn, xin cậu cho làm đệ-tử. Lâu-Hán biết đời trước Na-Tiên siêng làm việc thiện, có lời thề nguyền thâm-trọng, nên thương mà cho làm sa-di. Na-Tiên được thọ Thập-Giới, hằng ngày tụng Kinh giữ giới, tu đắc cõi Tứ-Thiền, nên biết rành tất cả Kinh-kệ, nhưng còn chưa được thọ giới Đại-sa-môn.

*

006.- Na-Tiên đến chùa Hoà-Thiền-Tự.

Vào thời đó, trong nước có ngôi chùa trên núi tên là Hoà-Thiền-Tự, có năm trăm vị sa-môn đều chứng đạo-quả A-la-hán, trong số đó có vị A-la-hán bực nhứt tên là Át-Bi-Viết (Pali: Assagutta) biết rõ các việc trên trời, dưới đất, quá-khứ, vị-lai và hiện-tại. Na-Tiên vừa hai mươi tuổi, nhân thọ giới Đại-sa-môn mới đến chùa Hoà-Thiền-Tự, là nơi trụ-trì của Ngài Át-Bi-Viết. Bấy giờ, vào ngày Rằm có lễ thuyết giới Đại-sa-môn, các vị Thượng-toạ, Đại-sa-môn đều đi vào giảng-đường. Na-Tiên cũng nhập vào trong số đó. Chư sa-môn vừa ngồi xuống xong, Ngài Át-Bi-Viết nhìn chư sa-môn thấy tất cả tâm đều chứng đạo A-la-hán, chỉ riêng một mình Na-Tiên còn chưa chứng-đắc quả-vị ấy. Ngài Át-Bi-Viết liền nói Kinh: ''Thí-dụ như vào gĩa gạo, hột hột đều trong trắng, nếu lộn hột gạo đen, thì đó là lựa ra còn chưa kỹ. Nay chúng ta ngồi đây tất cả đều thanh bạch, chỉ trừ Na-Tiên là hột gạo đen, vì chưa đắc đạo A-la-hán.'' Nghe Ngài Át-Bi-Viết thuyết kinh như thế, Na-Tiên lòng sầu-bi, liền đứng dậy, cúi xuống làm lễ năm trăm vị sa-môn, rồi bước ra ngoài. Na-Tiên tự nghĩ, ta chẳng xứng ngồi tại tòa nầy vì chưa đắc độ-thoát; tất cả các vị sa-môn đều đã được độ-thoát, đó cũng như giữa bầy sư-tử có chồn cáo lộn vào. Kể từ nay, ta còn chưa đắc đạo thì chẳng trở vào đây nữa.

Ngài Át-Bi-Viết biết được ý-nghĩ của Na-Tiên, liền gọi Na-Tiên lại trước mặt, lấy tay xoa đầu Na-Tiên và nói: ''Đừng sầu-bi, chẳng bao lâu nữa con sẽ đắc quả A-la-hán.'' (...)

*

007.- Na-Tiên bị Sư Ca-Duy-Viết trục-xuất, liền đi vào rừng ẩn-tu và đắc quả-vị A-la-hán.

Na-Tiên còn có một vị sư-phụ khác nữa, tên là Ca-Duy-Viết, tuổi trên tám mươi. Trong huyện có một vị ưu-bà-tắc rất hiền-lành, mỗi ngày thường cúng-dường thực-phẩm cho các đệ-tử của Ngài Ca-Duy-Viết. Na-Tiên đến nơi thầy ở, vì thầy mà cầm lấy bình bát và đi khất-thực mang cơm về cho thầy.

Sư-phụ ra lịnh cho Na-Tiên phải ngậm một ngụm nước mặn trong miệng khi đi đến nhà vị ưu-bà-tắc để nhận cơm. Vị ưu-ba-tắc nhìn thấy Na-Tiên tuổi còn trẻ mà đi đứng đoan-trang, nổi bật lên giữa các vị tì-kheo, nên biết đó là người có trí-huệ thông-minh, thông-đạt Kinh-kệ, có biện-tài thuyết-pháp. Khi thấy Na-Tiên bước vào nhà, vị ưu-bà-tắc liền đứng dậy làm lễ, xoa tay và thưa rằng: ''Hằng ngày tôi thường dưng cúng thực-phẩm cho chư sa-môn; các Ngài đến thường vì tôi thuyết giảng Kinh-kệ; nguyện xin Ngài thương tôi mà nói Kinh để giải sự ngu-si của tôi.'' Na-Tiên liền tự nghĩ: ''Ta nay vâng lịnh của Sư-phụ phải ngậm nước mặn trong miệng, chẳng được nói năng. Nếu nay ta nhỗ nước ra thì phạm giới của Thầy, biết làm sao đây?'' Na-Tiên lại nghĩ: ''Vị ưu-bà-tắc nầy chắc cũng tài cao có chí, nếu ta vì ông ấy nói Kinh, tưởng ông ta sẽ đắc đạo cũng nên...'' Na-Tiên liền nhỗ nước ra, đến ngồi xuống và thuyết Kinh: ''Người hay bố-thí, làm lành, phụng-hành Kinh-kệ và giới-luật, thì đời nầy được an-ổn, đời sau sẽ sanh lên cõi Trời, hoặc vào hàng Người cao-quí, trí-huệ sáng-suốt, chẳng phải sa vào địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh. Còn người chẳng phụng-hành Kinh và Giới thì đời nầy khổ-sở, đời sau bị đọa vào ba đường ác, chẳng biết bao giờ ra khỏi.'' Vị ưu-bà-tắc nghe Kinh, lòng rất vui mừng. Na-Tiên thấy biết tâm vị ấy hoan-hỉ, liền tiếp-tục nói Kinh thâm-diệu: ''Vạn vật ở thế-gian đều chẳng thường-còn, trong quá-khứ đều khổ-sở. Con người ở thế-gian cũng lại như vậy; họ đều nói, thân nầy của ta hứa-hẹn nhiều điều chẳng được tự-tại. Cõi Nê-hoàn (= cõi Niết-bàn) thì vui-sướng vô cùng, ở đấy chẳng sanh, chẳng già, chẳng bịnh, chẳng chết, chẳng sầu, mọi sự khổ-sở đều tiêu-diệt...'' Na-Tiên nói Kinh xong, vị ưu-bà-tắc liền chứng được đạo-quả Tu-đà-huờn; Na-Tiên cũng tự chứng-đắc quả-vị ấy. Vị ưu-bà-tắc lòng rất hoan-hỉ, liền đem thực-phẩm ngon tốt ra dưng cúng. Na-Tiên bảo vị ấy, trước nên sớt đầy bát của Sư-phụ để mang về. Na-Tiên ăn xong, súc miệng, thu xếp cầm bát đầy cơm mang về cho Sư-phụ.

Sư-phụ thấy cơm ngon trong bát, liền nói: ''Nếu hôm nay mang về bát đầy cơm hết sức ngon-tốt như vầy, đó là đã vi-phạm lời ước của chúng tăng, vậy phải trục-xuất ngươi ra khỏi đây.'' Na-Tiên buồn tủi, chẳng vui. Sư nói với hội-chúng, và các tì-kheo đang cùng ngồi đó: ''Na-Tiên vi-phạm điều ước của chúng ta, cần phải trục-xuất, chẳng được ở trong hội-chúng nữa.'' Ngài Át-Bi-Viết nói thí-dụ rằng: ''Như một người dùng một mũi tên mà bắn trúng được hai mục-tiêu, thì như thế chẳng nên trục-xuất vậy. Na-Tiên thuyết Kinh mà tự chứng-đắc đạo, lại đồng thời khiến cho vị ưu-bà-tắc cũng chứng quả, thì chẳng nên trục xuất.'' Sư Ca-Duy-Viết nói: ''Ngay cả dùng một mũi tên mà bắn trúng đến trăm mục-tiêu đi nữa cũng vi-phạm điều ước của chúng tăng, chẳng thể cho lưu ở lại được. Các người khác tất chẳng đủ khả năng như Na-Tiên mà đắc đạo. Nên chận đứng việc nầy về sau; nếu chẳng trục xuất Na-Tiên, các người khác sau nầy sẽ bắt chước theo.'' Toàn thể chúng tì-kheo ngồi im, mặc-nhiên tùy theo lời Sư dạy trục-xuất Na-Tiên. Na-Tiên liền cúi đầu sát chơn Sư-phụ, làm lễ chúng tăng.

Lễ xong, Na-Tiên liền đi ngay vào rừng sâu núi thẩm, ngồi dưới gốc cây, ngày đêm tinh-tấn niệm Đạo chẳng ngừng. Chẳng bao lâu, Na-Tiên đắc đạo A-la-hán, có thể bay cao, nhìn thấy thật xa, tai nghe thật rõ, tỏ tường ý-nghĩ tư-tưởng trong lòng kẻ khác, thông-đạt việc đời trước, đời sau. Đắc đạo A-la-hán xong, Na-Tiên liền trở lại chùa Hoà-Thiền-Tự, khấu đầu cầu sám-hối với chư tì-kheo tăng; các Ngài nghe nhận lễ. Lễ xong, Na-Tiên liền ra đi.

*

008.- Na-Tiên đi hành-đạo trong dân-gian.

Na-Tiên chuyển hướng đi vào các quận huyện, qua các nẻo đường phố, ngỏ hẻm, vì người mà thuyết Kinh, giảng Giới, dạy người làm lành, trong số có người đắc các đạo-quả Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, ngay cả trong hàng sa-môn chứng được đạo-quả A-la-hán nữa.

Trời Tứ-Thiên-Vương, Trời Đao-Lợi, Trời Đế-Thích, Đại-Phạm Thiên-Vương đều đến trước mặt Na-Tiên, cúi đầu sát chơn làm lễ, ngồi bên cạnh nghe thuyết pháp, lời văn vang đến bốn cõi Trời.

Tất cả Trời, Người, dân, quỉ, thần, rồng... chẳng ai trông thấy Na-Tiên mà chẳng tỏ lòng hoan-hỉ, được hưởng nhiều phước-đức.

Na-Tiên mới di-chuyển sang Thiên-Trúc nơi nước Xá-Kiệt, dừng trụ lại ở chùa Tiết-Để-Ca-Tự.

*

009.- Vua Di-Lan cai-trị nước Xá-Kiệt.

Bấy giờ ở Xá-Kiệt-quốc có vị Thái-tử tên là Di-Lan, trong tiền-kiếp vốn là bạn trí-thức cũ với Na-Tiên, sau sanh tại hải-biên. Thái-tử Di-Lan lúc còn trẻ hiếu-học, siêng đọc Kinh-kệ ngoại-đạo, biết rành các Kinh cao-thâm và khó hiểu, cùng với các tu-sĩ ngoại-đạo tranh-luận, chẳng ai thắng nổi. Khi phụ-vương băng-hà, thái-tử lên nối ngôi, tức-vị là Quốc-Vương Di-Lan.

Một hôm, Vua hỏi các đại-thần hầu bên cạnh: ''Trong nước có đạo-gia hay nhơn-dân nào đủ sức cùng Ta bàn-luận về các Kinh khó chăng?'' Các quan hầu-cận tâu: ''Bẩm có, có người học đạo Phật được dân gọi là vị Sa-môn. Vị ấy trí-huệ thông-đạt rộng-sâu, có thể cùng Đại-vương bàn-luận về các Kinh cao khó.''

Thuở ấy tại miền Bắc Đại-Tần, có nước Xá-Kiệt yên-ổn, nhơn dân hiền-lành. Đường xá trong thành rộng-rãi, mỗi cửa thành đều có chạm trổ, (...) phố xá trưng bày la-liệt, đường quan-đạo có ngựa voi, xe cộ dập dìu, nam thanh nữ tú ra vào. Đạo nhơn, thầy thợ, dân lành đều rất cao-minh; nhơn dân áo quần loè-lẹt năm màu, phụ nữ trang-sức màu trắng, tay đeo vòng châu ngọc. Đất-đai cao ráo có nhiều trân-bảo. Bốn phương khách mua bán đều dùng tiền vàng (...) Nhà nhà nuôi súc-vật, chợ chợ bày bán canh ngon, đói tức dùng cơm sốt, khát uống rượu bồ-đào, vui-sướng chẳng thể tả.

Quốc-vương nước nầy hiệu là Di-Lan, dùng Chánh-Pháp trị nước. Vua Di-Lan tài cao, trí sáng, thấu-hiểu Kinh-đạo, rành việc quá-khứ, vị-lai và hiện-tại, các mưu-lược chiến-đấu chẳng chi chẳng lảu-thông.

*

010.- Vua Di-Lan hỏi bí tu-sĩ Dã-Hoà-La.

Lúc bấy giờ, Vương ra thành đi du-ngoạn, các binh-chủng dàn ra hộ-tống bên ngoài. Tâm Vương cao-ngạo tự nghĩ, Ta làm Vua, có đủ khả năng đối-đáp chín mươi sáu loại kinh, nói giải ra chỗ người hỏi đến tận vô cùng, thích-hợp với lòng người vui hiểu lời ta nói. Vương liền nói với các quan hầu-cận:

- Vẫn còn sớm quá để trở vào thành, chẳng có việc gì làm. Các khanh có biết vị đạo-nhơn hay sa-môn nào có thể cùng Ta bàn-luận về các Kinh khó chăng?

Viên quan hầu-cận tên là Triêm-Di-Lợi-Vọng-Quần tâu rằng:

- Bẩm có, có sa-môn tên là Dã-Hoà-La biết thật rõ-ràng về Kinh-đạo, có thể cùng Đại-Vương thảo-luận về các kinh khó.

Vương bảo Triêm-Di-Lợi đi thỉnh vị sa-môn ấy. Triêm tâu:

- Thật lành thay! Nhà vua muốn tương-kiến thì nên đi đến đó. Kẻ hạ-thần khỏi đi mời.

Triêm-Di-Lợi tâu lại lần nữa như thế. Vương liền ngồi xe, có năm trăm kỵ-sĩ cùng đi theo đến chùa.

Vương hội-kiến với Dã-Hoà-La, trước hỏi thăm sức khoẻ, kế đến an-tọa; năm trăm kỵ-binh cũng ngồi xuống. Vương liền hỏi Dã-Hoà-La:

- Vì lý-do nào mà Khanh đã rời bỏ vợ con, xuống tóc, cạo râu, mặc áo cà-sa, làm sa-môn vậy? Khanh cầu Đạo nào thế?

Dã-Hoà-La tâu:

- Chúng tôi học hạnh trung-chánh của đạo Phật, đời nầy được phước, đời sau cũng được phước, vì lẽ đó, tôi xuống tóc, cạo râu, mặc áo cà-sa làm sa-môn.

Vương lại hỏi:

- Kẻ áo trắng còn ở nhà, có vợ con, mà theo đúng hạnh trung-chánh, đời nay có được phước chăng? Đời sau, cũng được phước ấy chăng?

Dã-Hoà-La đáp:

- Người áo trắng còn tại nhà, có vợ con mà theo đúng hạnh trung-chánh, đời nầy được phước, và đời sau cũng được phước ấy nữa.

Vương liền nói:

- Nếu kẻ áo trắng có vợ con tại nhà, theo đúng hạnh trung-chánh, đời nầy được phước mà đời sau cũng lại được phước đó nữa, thì cớ sao Khanh lại bỏ vợ con, xuống tóc, cạo râu, làm sa-môn chớ?

Dã-Hoà-La ngồi im-lặng, chẳng đáp được lời Vua. Các vị quan hầu-cận thấy thế liền nói:

- Vị sa-môn cao-minh nầy bị bối rối nặng, chẳng trả lời nổi.

Họ liền quơ tay lên, nói to:

- Đại-Vương đắc thắng! Đại-Vương đắc thắng!

Dã-Hoà-La im lặng chịu thua.

*

011.- Vua Di-Lan thỉnh Na-Tiên.

Vương quay nhìn lại các vị ưu-bà-tắc, thấy các vị nầy gương mặt chẳng có chút hổ-thẹn nào. Vương tự nghĩ, các ưu-bà-tắc mặt chẳng hổ-thẹn, chắc còn có một vị sa-môn nào rành-rẽ Kinh-kệ hơn, có thể cùng Ta bàn-luận đấy. Vương liền hỏi Triêm-Di-Lợi:

- Còn vị sa-môn cao-minh nào khác có thể cùng Ta bàn-luận về các Kinh khó chăng?

Thời bấy giờ, có vị Thầy của các sa-môn, tên là Na-Tiên, thường cùng các sa-môn ra vào, vì các sa-môn mà thuyết-giảng Kinh-kệ. Na-Tiên hiểu rõ điều tinh-yếu của tất cả các Kinh, có thể giảng-giải Mười hai thể-loại Kinh, phân-biệt rõ-ràng từng chương, từng đoạn, từng câu, thông-đạt rõ đạo Nê-Hoàn (=Niết-bàn), chẳng ai hỏi cho đến cùng nổi, chẳng ai đắc thắng nổi, có thể phá mọi sự nghi-ngờ, có thể làm sáng tỏ lời suy-tư của người khác, trí như sông biển, từng khắc-phục chín mươi sáu loại ngoại-đạo, vì bốn chúng đệ-tử của Phật mà giảng dạy Kinh-kệ, được các bực trí-giả ngưỡng-mộ, thường mang Kinh-kệ ra dạy dỗ người. Na-Tiên nay đến nước Xá-Kiệt, có đông-đảo đệ-tử theo hầu, phục nể Na-Tiên cao-minh như Sư-tử dõng-mãnh.

Triêm-Di-Lợi tâu vua:

- Có vị sa-môn tên là Na-Tiên, trí-huệ thâm-diệu, biết rõ điều tinh-yếu của các Kinh, giải rõ mọi nghi-ngờ, chẳng điều chi chẳng thông, có thể cùng Đại-Vương bàn-luận về Kinh khó.

Vua hỏi lại Triêm-Di-Lợi:

- Khanh nghĩ kỹ, vị ấy có thể cùng Ta bàn-luận Kinh khó chăng?

Triêm-Di-Lợi liền đáp:

- Dĩ-nhiên, Na-Tiên có thể cùng Đại-Vương nói Kinh khó, Na-Tiên từng bàn-luận Kinh-kệ với Đại-Phạm Thiên-Vương trên tầng Trời thứ bảy, sao lại chẳng đủ sức bàn-luận với người?

Vương liền ra lịnh Triêm-Di-Lợi đi thỉnh Na-Tiên đến.

*

012.- Vua Di-Lan vừa gặp Na-Tiên.

Triêm-Di-Lợi liền đi đến chỗ Na-Tiên ở và thưa rằng:

- Bạch Ngài, Đại-Vương muốn cùng Ngài tương-kiến.

Na-Tiên liền cùng chư đệ-tử đi đến nơi Vua ngự. Vương tuy chưa từng gặp mặt Na-Tiên lần nào, nhưng đưa mắt nhìn ra xa thấy Na-Tiên mặc áo nổi bật trong hàng các người đang đi, liền thầm biết đó là Na-Tiên. Vương tự nghĩ, Ta thường thấy rất nhiều người đi vào tòa đại-điện nầy, Ta cũng chưa hề lo-lắng như hôm nay gặp Na-Tiên. Hôm nay, nhứt-định Na-Tiên thắng Ta, Ta chắc chẳng vui, vì tâm Ta đang bất-an, bàng-hoàng.

Triêm-Di-Lợi tâu Vua:

- Na-Tiên đã đến, còn đứng bên ngoài.

Vua hỏi Triêm:

- Na-Tiên đứng tại chỗ nào đâu?

Triêm-Di-Lợi liền chỉ cho Vương thấy. Vương rất vui mừng vì chính đúng là người mà Ngài đã thầm nhận ra trước đó. Vương nhìn thấy Na-Tiên mặc áo đi giữa các người đang vào chẳng khác chi cả.

Na-Tiên liền đến, trước hỏi thăm tin-tức sức khoẻ; Vương rất hoan-hỉ, ngồi trước mặt Na-Tiên cùng trò chuyện.

Vương nói:

- Kinh Phật nói, người an-ổn là điều lợi lớn, người biết đủ là điều giàu nhứt, người được sự tín-cẩn là điều sâu-dầy nhứt. Đạo Niết-bàn là đìều khoái-lạc nhứt.

*

013.- Ai là Na-Tiên? Xe là gì? Người là gì?

Hướng về Na-Tiên, Vương hỏi:

- Khanh tên chi?

Na-Tiên đáp:

- Cha mẹ tôi đặt tên cho là Na-Tiên, có lúc gọi là Thủ-Na-Tiên, có khi kêu là Duy-Ca-Tiên; vì thế người đời biết đến tôi dưới danh-tự đó.

Vương hỏi Na-Tiên:

- Ai là Na-Tiên?

Vương lại hỏi tiếp:

- Đầu là Na-Tiên chăng?

- Đầu chẳng phải là Na-Tiên.

- Mắt, tai, mũi, miệng là Na-Tiên chăng?

- Mắt, tai, mũi, miệng chẳng phải là Na-Tiên.

- Cổ, ót, vai, cánh tay, chơn, bàn tay là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- (...), bàn chơn là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Nhan-sắc là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Khổ, vui là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Thiện, ác là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Thân-thể là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Gan, phổi, tim, lá-lách, gân, ruột, dạ-dày là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Hiệp năm việc: nhan-sắc, khổ vui, thiện ác, thân, tâm lại có phải là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Thanh-âm, tiếng vang, hơi thở, có phải là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Vậy chớ chỗ nào là Na-Tiên hử?

Na-Tiên hỏi Vương:

- Xe kia, chỗ nào là xe? Trục xe có phải là xe chăng?

- Trục xe chẳng phải là xe.

- Vành bánh xe có phải là xe chăng?

- Vành bánh xe chẳng phải là xe.

- Căm bánh xe có phải là xe chăng?

- Căm bánh xe chẳng phải là xe.

- Ngàm vành xe có phải là xe chăng?

- Ngàm vành xe chẳng phải là xe.

- Càng xe có phải là xe chăng?

- Càng xe chẳng phải là xe.

- Ách xe có phải là xe chăng?

- Ách xe chẳng phải là xe.

- Đòn xe có phải là xe chăng?

- Đòn xe chẳng phải là xe.

- Gọng xe có phải là xe chăng?

- Gọng xe chẳng phải là xe.

- Mui xe có phải là xe chăng?

- Mui xe chẳng phải là xe.

- Hiệp tất cả các bộ-phận bằng cây đó lại thành một, có phải là xe chăng?

- Hiệp các bộ-phân đó lại cũng chẳng phải là xe.

- Nếu chẳng hiệp các bộ-phận đó lại, có phải là xe chăng?

- Chẳng hiệp chúng lại thì chẳng thành xe.

- Thanh-âm là xe chăng?

- Thanh-âm chẳng phải là xe.

- Vậy thì cái gì là xe?

Vương im lặng, chẳng trả lời được. Na-Tiên liền nói:

- Kinh Phật có nói đến, hiệp-tụ các bộ-phận bằng cây đó lại, là nguyên-nhân để có được chiếc xe. Con người cũng lại như vậy, hễ hiệp-tụ đầu, mặt, tai, mũi, miệng, cổ, ót, vai, cánh tay, xương, thịt, bàn tay, chơn, gan, phổi, mật, lá-lách, thận, ruột, dạ-dày, nhan-sắc, thanh-âm, hơi thở, khổ vui, thiện ác, chung lại thì thành con người.''

Vương nói: ''Lành thay! Lành thay!''

*

014.- Thái-độ đứng-đắn khi thảo-luận.

Vương lại hỏi Na-Tiên: ''Sư có thể cùng Ta bàn-luận về các Kinh khó chăng?''

Na-Tiên đáp: ''Nếu Vua dùng trí-huệ để hỏi tôi, thì có thể cùng nhau bàn-luận. Nếu Vua dùng ý lời vương-giả kiêu-quí, thì chẳng thể cùng Vua bàn-luận được.''

Vương hỏi tiếp:

- Trí-huệ, có bao nhiêu loại?

- Bực trí-giả, khi đàm-luận, hết sức vặn hỏi cùng nhau, giải rõ cùng nhau, lời nói cao, lời nói thấp, lời nói chánh-trực, lời nói bất-chánh; có thắng có thua tự mình biết lấy phải trái, đó là trí-huệ tối-thượng, chẳng cần chút giận-hờn; bực trí-giả là như thế đó.

- Lời nói vương-giả, có bao nhiêu loại?

- Lời nói vương-giả tự phóng theo cảm-nghĩ của mình; hễ có chỗ trái lệ chẳng như ý Vua, tức thời Vua bắt tội nặng, phạt giết đi; như thế đó là lời nói bực vương-giả.

Vương liền nói rằng:

- Nguyện dụng lời nói của bực trí-giả, chẳng dùng lời nói của Vương-giả; chẳng giữ ý-nghĩ Vương-giả trong lời mình nói, chỉ nên nói theo như lời đệ-tử của chư sa-môn, như lời các vị ưu-bà-tắc, nên theo lời của chư sa-môn mà khiến cho lòng mình chẳng mang sợ-hãi, chánh-tâm cùng được khai-ngộ.

Na-Tiên liền thốt lên rằng: ''Thật lành thay!''

*

015.- Câu hỏi rất khó: chẳng nghe hỏi, mà đã có đáp rồi chăng?

Vương nói: ''Ta có điều muốn hỏi.''

Na-Tiên đáp: ''Đại-Vương cứ hỏi!''

Vương nói: ''Ta đã hỏi rồi.''

Na-Tiên liền nói: ''Tôi cũng đáp xong.''

Vương vặn hỏi: ''Đáp những gì đâu?''

Na-Tiên hỏi lại: ''Vương đã hỏi tôi những gì đâu?''

Vương nói: ''Ta chẳng có chỗ hỏi, Na-Tiên cũng chẳng có chỗ đáp.''

Vương tự nghĩ, vị sa-môn nầy trí-huệ thật cao-minh, Ta vừa mới muốn hỏi cho thật nhiều, nhưng (...) ngày cũng gần tối rồi, hay là nên để sáng mai lại thỉnh người đến cung-điện mới tiện cùng nhau tham-vấn thêm. Vương liền bảo Triêm-Di-Lợi-Vọng-Quần nói với Na-Tiên: ''Ngày gần tối rồi, Vương cần phải hồi-cung. Ngày mai, Vương muốn thỉnh Ngài đến hoàng-cung.'' Na-Tiên đáp: ''Lành lắm thay!''

Vương lên ngựa trở về hoàng-cung. Ngồi trên lưng ngựa, Vương vẫn tiếp-tục nghĩ đến ''Na-Tiên! Na-Tiên!'', nghĩ mãi cho đến sáng hôm sau.

*

016.- Thỉnh Na-Tiên, mời thêm bao-nhiêu sa-môn

Sáng hôm sau, Triêm-Di-Lợi và các quan hầu-cận tâu Vua: ''Đại-Vương thẩm-định nên mời Na-Tiên đến chăng?'' Vương đáp: ''Nên mời đến chớ!'' Triêm liền thưa: ''Khi mời Na-Tiên, nên mời bao nhiêu vị sa-môn cùng đến?'' Vương bảo: ''Hãy cứ để tùy ỳ Na-Tiên muốn cho bao nhiêu vị sa-môn cùng đến cũng được.'' Vị chủ kho vua, tên là Khan, bước ra tâu rằng: ''Nên bảo Na-Tiên cùng đến với mười vị sa-môn nữa, cũng được.'' Vương lại phán: ''Nên nghe theo lời Na-Tiên, muốn đến cùng với bao nhiêu vị sa-môn cũng được.'' Khan lại cố tâu nữa: ''Nên bảo Na-Tiên cùng đến với mười vị sa-môn, cũng được.'' Vương nghe Khan ấn-định nhơn-số như thế, liền nổi giận quở: ''Nhà-ngươi quá keo-kiệt; tên nhà-ngươi là Khan, tức nghĩa là keo-kiệt, đồ-vật của vua mà người còn bỏn-sẻn như thế, huống gì là của riêng ngươi thì ngươi còn rít-róng đến bực nào? Ngươi chẳng biết nghịch ý Ta là đáng bị phạt tội nặng sao?'' Vương lại ôn-tồn bảo: ''Thôi ta thương mà tha tội cho, hãy cút đi. Ta làm Vua mà chẳng đủ sức để cung-cấp thực-phẩm cho chúng sa-môn hay sao?'' Khan bẻn lẻn hổ thẹn, chẳng dám nói nữa.

Triêm-Di-Lợi liền đi đến ngay trú-sở của Na-Tiên, trước làm lễ rồi bạch rằng: ''Đại-Vương thỉnh Ngài đến hoàng-cung.'' Na-Tiên nói: ''Nhà-vua định tôi đến với bao nhiêu vị sa-môn đồng-hành?'' Triêm thưa: ''Vua bảo, tự-ý Ngài muốn đến với bao nhiêu vị sa-môn cũng được.''

Na-Tiên liền bảo tám mươi vị sa-môn ở Dã-Hoà-La-Tự cùng mình ra đi với Triêm-Di-Lợi.

*

017.- Dọc đường, Na-Tiên khai-ngộ cho Triêm.

Trên đường đi, khi sắp vào cửa thành, Triêm-Di-Lợi nhớ lại ngày hôm qua, Na-Tiên có nói với Vua, ''chẳng có chi là Na-Tiên'', liền thưa-thỉnh vị sa-môn về ý-nghĩa câu đó. Na-Tiên hỏi Triêm: ''Theo ý của Khanh, thì cái gì là Na-Tiên?''

Triêm-Di-Lợi đáp:

-Theo tôi, thì mạng sống trong hơi thở ra vào chính là Na-Tiên.

Na-Tiên hỏi lại Triêm:

- Hơi thở của người khi ra mà chẳng hoàn vào lại, thì người ấy còn sống chăng?

- Khi hơi thở ra mà chẳng trở vào lại, tức là chết mất.

- Như người thổi kèn lá lau, như người thổi ống bể lò rèn, có hơi ra mà có hơi trở vào chăng?

- Chẳng có hơi trở vào.

- Như người dùng tù-và thổi quét dưới đất, hơi thổi ra mà có vào lại chăng?

- Chẳng có hơi trở vào.

- Cùng với hơi thổi có ra mà chẳng có trở vào, sao con người chẳng chết theo?

Triêm-Di-Lợi bạch với Sư:

- Tôi chẳng thể hiểu nổi khoảng giữa hơi thở ra và vào, nguyện Sư vì chúng tôi mà giải rõ ra.

Na-Tiên giải-thích:

- Hơi thở ra vào là một phần-việc ở trong thân-thể; như trong tâm có ý-niệm, thì lưỡi nói ra lời, đó là phần-việc của lưỡi; như trong lòng có điều nghi, tâm liền nghĩ đến, đó là phần-việc của tâm; mỗi mỗi có cơ-phận và phần-việc cả, nhìn lại thì là không, (là rỗng-rang). Vậy thì, chẳng có gì là Na-Tiên cả.

Triêm-Di-Lợi-Vọng-Quần, lòng được rộng mở, hiểu ra rõ-ràng, liền xin thọ giới ưu-bà-tắc.

*

018.- Bàn về điều tinh-yếu: tại sao làm sa-môn?

Na-Tiên đi vào hoàng-cung, đến nơi Vua đang ngồi trên điện cao. Vương liền đứng lên làm lễ Na-Tiên và mời ngồi. Tám mươi vị sa-môn tùy tùng cũng an-toạ. Vương liền dâng-hiến thực-phẩm thật tốt, thật ngon. Chính tay Vua sớt thức ăn cho Na-Tiên trước nhứt. Khi chư vị sa-môn dùng cơm xong và rửa tay rồi, Vương liền cho đem ban-tặng mỗi vị sa-môn một bộ áo cà-sa và một đôi giầy da, và dâng-hiến cho chư Tăng ở Dã-Hoà-La-Tự của Na-Tiên mỗi vị ba bộ áo và một đôi giầy da. Vương liền nói với Na-Tiên, xin lưu lại mười vị sa-môn, các vị còn lại có thể ra về. Na-Tiên liền giữ lại mười người, còn các người khác cho trở về chùa.

Vương ra lịnh cho các quí-nhơn và kỹ-nữ ở hậu-cung phải ra thượng-điện, ngồi sau màn mà nghe Vương và Na-Tiên bàn-luận về Kinh khó. Khi các quí-nhơn và kỹ-nữ đã ngồi sau màn nơi thượng- điện xong, Vương liền đến gần bên cạnh Na-Tiên, ngồi xuống trước mặt, và nói:

- Nên thuyết-giảng điều chi đây?

- Vương muốn nghe điều tinh-yếu, thì nên nói điều tinh-yếu.

- Đạo của chư Khanh có điều tinh-yếu nào tối quan-trọng? Chư Khanh vì lý-do nào mà làm sa-môn?

- Chúng tôi vì muốn dứt bỏ sự khổ-nhọc ở thế-gian trong đời nầy và cả ở đời sau, nên mới làm sa-môn. Chúng tôi lấy điều đó làm điều thiện tối-yếu.

- Có phải tất cả chư sa-môn đều vì muốn dứt bỏ sự khổ-nhọc ở thế-gian trong đời nầy, đời sau mà làm sa-môn chăng?

- Chẳng phải tất cả đều vì muốn dứt bỏ sự khổ-nhọc ở thế-gian trong đời nầy và đời sau mới làm sa-môn. Sa-môn có bốn hạng.

- Thế nào là bốn hạng sa-môn?

- (1) Có hạng vì nợ-nần mà làm sa-môn; (2) Có hạng vì sợ huyện-quan mà làm sa-môn;(3) Có hạng vì nghèo-khó mà làm sa-môn; (4) Có hạng thật-tình muốn dứt bỏ sự khổ-nhọc đời nầy, đời sau nên mới làm sa-môn. Còn tôi, vốn vì cầu Đạo, mới làm sa-môn.

- Nay phải chăng vì cầu Đạo mà Khanh làm sa-môn?

- Tôi lúc tuổi còn trẻ cầu làm sa-môn, được gặp các vị thông Kinh hiểu Đạo và các đệ-tử chư sa-môn đều là bực cao-minh, nên theo học Kinh-kệ và Giới-luật đã nhập-tâm, vì thế nay muốn dứt bỏ sự khổ-nhọc đời nầy và đời sau, nên mới làm sa-môn.

Vương nói: ''Lành thay!''

*

019.- Tại sao phải sanh trở lại? Trí-huệ giúp được gì?

Vương lại hỏi Na-Tiên:

- Có người chết rồi chẳng phải sanh lại nữa hay chăng?

- Có người phải sanh lại, mà cũng có người chẳng phải sanh trở lại.

- Ai còn phải sanh lại và ai chẳng còn sanh lại?

- Ngưòi quyến-luyến niềm ân-ái nhiều, lắm sự ham-muốn thì sanh lại ở đời sau; người đã dứt sạch sự ân-ái, bỏ hết mọi ham-muốn thì đời sau chẳng phải sanh trở lại.

- Còn người một lòng niệm Chánh-Pháp, có trí-huệ và siêng làm điều thiện, cũng chẳng sanh lại đời sau, phải không?

- Nguời lấy nhứt-tâm niệm Chánh-Pháp, niệm thiện, niệm trí- huệ và các điều lành khác, nhờ đó đời sau chẳng phải sanh trở lại.

- Người một lòng niệm Chánh-Pháp, niệm thiện và trí-huệ, hai đìều đó cùng một ý-nghĩa như nhau chăng?

- Hai điều đó ý-nghĩa khác nhau, chẳng đồng.

- Trâu, ngựa, thú-vật nuôi trong nhà, có trí hay chẳng có trí?

- Trâu ngựa, thú-vật nhà đều có trí cả, nhưng tâm chẳng đồng.

Vương từng thấy việc gặt luá chăng? Taytrái cầm bó lúa, tay phải cắt đứt các cọng luá. Trí-huệ con người cắt dứt được sự tham-ái, cũng như ta gặt lúa, cắt lúa vậy.

Vương khen: ''Lành thay!''

*

020.- Thiện là gì? Thành-tín là gì?

Vương hỏi Na-Tiên:

- Các điều thiện là những gì?

- Thành-tín, hiếu-thuận, tinh-tấn, niệm thiện, nhứt-tâm, trí-huệ, đó là các đìều thiện.

- Thành-tín là những gì?

- Thành-tín tức là chẳng còn chỗ nào để nghi-ngờ: tin có Phật, tin có Kinh, Pháp của Phật, tin có Tì-kheo Tăng, tin có A-la-hán; tin có đời nầy, tin có đời sau; tin có sự hiếu-thuận với cha-mẹ; tin làm lành gặp lành, làm ác gặp ác. Tin được như thế thì về sau, tâm liền thanh-tịnh dứt xa được năm điều ác.

*

021.- Năm điều ác là những gì?

- Thế nào là năm điều ác?

- Năm điều ác là: (1) tham dâm, (2) giận hờn, (3) mê ngủ, (4) vui đùa, (5) nghi-ngờ. Người chẳng lià xa năm điều ác đó thì tâm-ý chẳng an-định; rời bỏ được chúng thì tâm liền thanh-tịnh.

Thí dụ như Vua Già-Ca-Việt cùng người ngựa qua sông, khiến cho nước trở nên đục ngầu. Vượt qua sông rồi, Vua khát, muốn có nước uống. Nhà Vua có viên ngọc thanh-thủy-châu, đem ngâm vào nước, nước liền lóng trong, Vua được nước tinh-khiết để uống. Lòng người ác ví như nước đục. Các vị đệ-tử Phật đắc đạo độ-thoát sanh-tử thì tâm thanh-tịnh như viên ngọc thanh-thủy-châu. Người bỏ được các điều ác, lòng thành-tín và thanh-tịnh tựa như vầng trăng sáng.

Vương ngợi khen:''Lành thay! Lành thay!''

*

022.- Tinh-tấn là làm sao?

Vương lại hỏi Na-Tiên:

- Người thành-tín tinh-tấn thì như thế nào?

- Các vị đệ-tử Phật tự thấy trong hàng đồng-tu có người dứt bỏ được ác-tâm, có người đắc quả Tu-đà-huờn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả A-la-hán, nguyên-nhân là biết bắt chước nhau mà hành-động, nên cũng đều đắc độ-thoát cả.

Cũng tựa như trên núi cao có trận mưa rào, nước chảy tràn xuống sông ngập lai-láng. Các người dân gần đấy chẳng biết được nước sâu cạn thế nào, nên chẳng dám lội qua sông. Chợt có người từ xa lại, nhìn làn nước biết rộng hẹp, cạn sâu ra sao, tự lượng sức mình, nên vượt qua được. Dân gần đó thấy thế mới bắt chước theo mà lội qua. Đệ-tử Phật cũng thế, thấy người đi trước tâm thanh-tịnh chứng đắc bốn quả-vị, nên đều noi theo thiện-tâm đó mà tinh-tấn tiến lên. Kinh Phật có nói, người có lòng thành-tín có thể tự đắc độ-thoát, người kềm chế được năm sự tham-dục, thì tự biết thân nầy là khổ lại còn giúp cho người đời nên theo trí-huệ mà thành-toàn nền đạo-đức.

Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''

*

023.- Hiếu-thuận ở đây là tuân theo 37 Phẩm trợ Đạo.

Vương lại hỏi:

- Thế nào là hiếu-thuận?

- Hiếu-thuận tức là tất cả các điều thiện. Ba mươi bảy phẩm kinh (= Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo) đều đặt căn-bản nơi sự hiếu-thuận.

- Ba mươi bảy phẩm kinh đó là những gì?

- Đó là: (1) bốn sự dừng-ý; (2) bốn sự đoạn-ý; (3) bốn thần-túc, (4) năm căn;(5) năm lực; (6) bảy giác-ý; (7) tám loại đạo-hạnh.

*

024.- Thế nào là bốn sự dừng-ý (= tứ niệm-xứ)?

- Bốn sự dừng-ý là những gì?

- Đức Phật dạy: ''Một là quán thân, thì thân dừng lại; hai là quán sự đau-đớn thì sự đau-đớn ngừng lại; ba là quán tâm-ý, thì ý dừng lại; bốn là quán pháp (tức là các sự-vật) thì pháp dừng lại. Đó là bốn phép quán dừng-ý lại.''

*

025.- Thế nào là bốn sự đoạn-ý?

- Bốn sự đoạn ý là những gì?

- Đức Phật dạy: ''Khi đã phân-biệt được bốn sự dừng-ý rồi thì chẳng nhớ nghĩ đến nữa, đó là bốn sự đoạn-ý. Khi đã đắc được bốn sự đoạn-ý rồi, thì liền đắc được bốn niệm thần-túc.

*

026.- Thế nào là bốn niệm thần-túc?

- Bốn niệm thần-túc là những gì?

- Thứ nhứt là mắt có thể nhìn thấy thấu-triệt. Hai là tai có thể nghe rõ được thấu-triệt. Ba là có khả-năng biết rõ tâm-trạng của kẻ khác. Bốn là thân-thể có khả-năng bay cao. Đó là bốn niệm thần-túc.

*

027.- Năm căn là những gì?

- Năm căn là những gì?

- Thứ nhứt là mắt thấy sắc đẹp, sắc xấu, ý chẳng dính mắc. Thứ hai là tai nghe tiếng tốt, lời mắng, ý chẳng dính mắc. Ba là mũi ngửi mùi thơm hay thúi, ý chẳng dính mắc. Bốn là miệng được vị ngon, hay đắng cay, ý chẳng dính mắc. Năm là thân đụng chạm vào chỗ trơn láng, ý chẳng tham-muốn, đụng vào vật thô cứng, ý chẳng oán-ghét. Đó là năm căn.

*

028.- Năm lực gồm có những gì?

- Thế nào là năm lực?

- Một là kềm chế mắt, hai là kềm-chế tai, ba là kềm-chế mũi, bốn là kềm-chế miệng, năm là kềm-chế thân, để cho ý khỏi bị sa-đoạ; đó là năm lực.

*

029.- Thế nào là bảy giác-ý?

- Bảy giác-ý là những gì?

- Một là ý giác-ý; hai là phân-biệt giác-ý; ba là tinh-tấn giác-ý; bốn là khả giác-ý, năm là ỷ giác-ý; sáu là định giác-ý; bảy là hộ giác-ý: đó là bảy giác-ý.

*

030.- Tám loại đạo-hạnh (Bát chánh-đạo) là những gì?

- Thế nào là tám loại đạo-hạnh?

- Một là trực-kiến; hai là trực-niệm; ba là trực-ngữ; bốn là trực-mạng; năm là trực-nghiệp; sáu là trực phương-tiện; bảy là trực-ý; tám là trực-định: đó là tám loại đạo-hạnh.

*

031.- Lấy Bát-Chánh-Đạo làm căn-bản tu-hành.

Ba mươi bảy phẩm-kinh đó đều do hiếu-thuận làm căn-bản. Người thường nặng nợ mà tiến tới xa được có chỗ thành-tựu đều do đất mà nên; ở thế-gian, lúa-má, cây-cối, rau cỏ ngẩng lên trời đều do đất sanh.

Na-Tiên nói:

- Thí dụ như vị kiến-trúc-sư xây cất thành-thị lớn, phải lượng-định nền móng trước, sau mới khởi công; thí dụ như người diễn trò muốn trình-diễn, trước phải dọn đất cho bằng-phẳng rồi mới diễn trò. Chưđệ-tử Phật cầu Đạo trước phải tuân-hành Giới, Kinh, niệm điều thiện, nhân vì biết sự khổ-nhọc ở thế-gian nên mới dứt bỏ mọi sự ham-muốn, mà một lòng niệm tám loại đạo-hạnh.

- Làm cách nào để dứt bỏ mọi ham-muốn?

- Một lòng niệm Đạo, tức mọi ham-muốn tự tiêu-diệt.

Vương khen: ''Lành thay! Lành thay!''

*

032.- Tinh-tấn là gì?

Vương lại hỏi:

- Tinh-tấn là như thế nào?

- Giữ điều lành, giúp cho điều lành thêm lớn, đó là tinh-tấn. Thí-dụ như trong nước quốc-vương có nơi bị công-kích, Vương dàn binh ra chống-cự, binh yếu chẳng cự được, Vương liền cho thêm binh tiếp-viện, nên đắc thắng. Người có các điều ác cũng như binh yếu, nếu người biết giữ lòng lành tiêu-diệt ác-tâm, cũng như Vương cho viện-binh thêm để chiến-thắng. Lòng giữ năm điều thiện, tiêu diệt năm điều bất-thiện của ác-tâm, cũng như chiến-đấu đắc thắng vậy. Tinh-tấn trợ giúp cho điều lành cũng lại như thế. Tinh-tấn trợ-giúp ngưới tiến đến con đường lành, hầu đắc độ-thoát, chẳng hoàn trở lại.

Vương ngợi khen: ''Lành thay! Lành thay!''

*

033.- Niệm điều thiện là phải làm sao?

Vương lại hỏi:

- Tâm đương niệm các điều thiện là như thế nào?

- Thí dụ như người có nhiều bông hoa khác nhau, dùng giây kết chung lại thành tràng, gió thổi chẳng rời-rụng ra.

Lại ví như vị quan chủ kho vua biết rõ kho vua đang còn có bao nhiêu vàng bạc, châu ngọc, lưu-ly, trân-bảo.

Người học Đạo muốn đắc Đạo thì tâm-ý niệm ba mươi bảy phẩm-kinh cũng như đó chính là niệm đạo cứu đời vậy. Người có đạo-tâm, nhân vì hiểu rành việc thiện-ác, nên biết điều gì nên làm, điều gì chẳng nên làm, phân-biệt trắng đen, tự mình suy-tư từ nay trở về sau, bỏ điều ác, theo điều lành.

Lại thí dụ như Đại-Vương có người giữ cửa biết ai là người được Vua kính-nể, ai là người chẳng được Vua kính-nể, ai là người đem lợi lại cho Vua, ai là người gây bất-lợi cho Vua. Vị quan ấy biết ai được Vua kính, ai đem lợi lại cho Vua, thì liền cho vào; còn những người nào chẳng được Vua kính, hoặc gây bất-lợi cho vua, thì chẳng cho vào. Người giữ-gìn tâm-ý cũng lại như thế, các điều thiện thì cho vào, các điều ác thì ngăn lại. Giữ-gìn ý, kềm chế tâm là như thế đó.

Na-Tiên lại nói Kinh: ''Người đang tự giữ-gìn thân-tâm kiên-cố khỏi sáu điều ái-dục (=ham-muốn), kiên-trì tâm-ý, là tự mình đang lo cứu-độ cho đời.''

Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''

*

034.- Thế nào gọi là nhứt-tâm?

Vương lại hỏi:

- Nhứt-tâm có nghĩa ra sao?

- Trong mọi điều thiện, nhứt-tâm là vào bực cao nhứt. Người hay giữ được nhứt-tâm thì mọi điều thiện đều đi theo đó. Ví như lâu-đài, bệ ngọc cần có chỗ nương-tựa để dựng lên, các người làm lành cũng đều dựa vào sự nhứt-tâm. Thí-dụ như các tướng-quân đem bốn đạo binh ra chiến-đấu, binh cỡi voi, binh cỡi ngựa, binh ngồi xe, và bộ-binh, dàn ra đi chung quanh Vua trước và sau. Các Kinh Giới của Phật và các điều lành cũng đều qui về nhứt tâm, giống như các binh-chủng đi theo bên Vua.

Na-Tiên liền nói Kinh: ''Trong các điều thiện nhứt-tâm làm căn-bản; các người học Đạo trước nhứt nên qui về nhứt-tâm; thân người, sống chết, quá-khứ, cũng như nước chảy bên dưới, trước sau nương theo nhau, chẳng có thời trụ lại.''

Vương khen: ''Lành thay!''

*

035.- Trí-huệ là như thế nào?

Vương lại hỏi:

- Trí-huệ là như thế nào?

- Tôi đã có nói trước rồi, trí-huệ có khả-năng cắt đứt các nghi-ngờ, làm sáng tỏ các việc thiện (...) Ví như cầm đèn đi vào nhà tối, ánh lửa vừa vào nhà thì phá tan màn u-tối mà sáng rực lên. Người có trí-huệ sáng-tỏ cũng như ánh lửa. Lại ví như người cầm dao bén chặt cây, người có trí-huệ hay diệt dứt các điều ác, cũng như con dao bén. Nơi thế-gian, con người lấy trí-huệ làm điều quan-trọng bực nhứt; người có trí-huệ mới đủ khả-năng vượt thoát được nổi khổ sanh-tử.

Vương khen: ''Lành thay!''

*

036.- Các loại Kinh đều dạy điều thiện để nhắm vào việc tận-diệt các điều ác .

Vương lại hỏi:

- Phải chăng các loại Kinh trước sau có dạy nhiều điều khác nhau, nhưng cũng đều chung một hướng là nhằm diệt tất cả điều ác?

- Dĩ nhiên, Kinh Phật dạy nhiều loại thiện nhưng cũng chỉ hướng về nhằm diệt mọi điều ác. Ví như Vương phát bốn đạo binh ra đi chiến-đấu, ý lúc khởi hành là để công-kích địch-quân, diệt tất cả mọi điều ác vậy.

Vương ngợi khen: ''Lành thay! Lành thay! Na-Tiên nói Kinh thật vô-cùng thích-thú!''

*

037.- Người tái-sanh lại thì dùng thân cũ, hay là có thân mới?

Vương lại hỏi:

- Người chết rồi đi theo hướng các ngỏ thiện và ác, có phải lấy thân-tâm cũ sanh ra lại, hay là dùng thân-tâm mới?

- Cũng chẳng phải lấy thân-tâm cũ sanh ra lại, mà cũng chẳng phải lià bỏ thân-tâm cũ.

Na-Tiên nhân đó liền hỏi Vua:

- Thân của Vương, thân lúc nhỏ còn bú, đến thân lúc lớn lên, có tiếp-tục thân cũ chăng?

- Thân lúc còn nhỏ thì khác.

- Con người lúc còn trong bụng mẹ (...) thân khi mới tượng hình đến lúc thịt xương cứng-cáp, thân từ lúc sơ-sanh đến khi tuổi lớn, đều khác nhau cả. Ví như có người học sách, kẻ ngồi bên cạnh có thay thế mà nhận lấy công học sách đó không?

- Chẳng thể nhận thay được.

- Ví như người phạm tội, có thể lấy người vô-tội chịu tội thay thế cho mình hay không?

- Chẳng thể được.

Na-Tiên dùng tinh-thần tội-pháp hỏi Vương, ý Vương chẳng hiểu. Vương liền hỏi Na-Tiên:

- Ví như có người hỏi Na-Tiên như vậy, Na-Tiên đáp lại như thế nào?

- Thân tôi lúc bé cho đến khi lớn vẫn tiếp-tục thân cũ; thân cũ của hai thời-kỳ cả lúc bé và khi lớn lên, cũng đều hàm-chứa một thân được mạng sống nuôi-dưỡng. Ví như người thắp đèn, đèn có thể cháy tỏ cho đến sáng hay không?

- Đèn đủ dầu thì cháy đến sáng.

- Ánh đèn lúc đầu hôm, đến nửa đêm, chí đến sáng, có phải là ánh đèn lúc vừa mới thắp sáng lên không?

- Chẳng phải là ánh đèn cũ.

- Ngọn đèn lúc đầu hôm đến nửa đêm có thắp đèn mới khác không, đến gần sáng có đốt ngọn đèn khác không?

- Nửa đêm chẳng thắp đèn khác, chỉ ánh đèn cũ tiếp-tục cháy đến sáng.

- Tinh-thần con người cứ triển- chuyển (= phát-triển và biến-chuyển) tiếp nối nhau như thế mãi, cũng giống như vậy; một cái đi thì một cái tới. Con người tòng theo tinh-thần từ lúc sanh ra cho tới già, đến khi chết tinh-thần lại một lần nữa hướng về nẻo sanh, rồi triển-chuyển liên-tục mãi. Đó chẳng phải là tinh-thần cũ, mà cũng chẳng phải là lià xa tinh-thần cũ. Ví như sữa, lấy sữa làm thành kem, kem làm thành bơ, rồi bơ làm thành phó-mát; nếu có người nói, cứ lấy phó-mát, bơ, kem để làm ra sữa lại, lời nói đó có dùng được chăng?

- Lời nói của kẻ đó chẳng thể dùng được.

- (...) Từ sữa có kem, từ kem có bơ, từ bơ có phó-mát. Tinh-thần con người cũng lại như thế; tòng theo tinh-thần mà sanh ra; tòng theo sanh mà lớn lên đến trưởng-thành, tòng theo trưởng-thành mà già, rồi chết; sau khi chết, tinh-thần lại muốn sanh trở lại. Một thân chết muốn có lại một thân, giống như hai tim đèn nối nhau cùng cháy tiếp-tục.''

Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''

*

038.- Người hết tái-sanh có biết mình chẳng sanh lại ở đời sau hay không?

Vương lại hỏi Na-Tiên:

- Có người chẳng sanh lại ở đời sau không, và có tự biết được việc chẳng sanh lại ấy chăng?

- Dĩ nhiên, có người như thế, tự biết mình chẳng còn tái sanh.

- Làm sao biết được?

- Người ấy tự biết mình chẳng còn quyến-luyến ân-ái, chẳng còn ham-muốn, chẳng có điều ác; nhờ đó biết mình chẳng còn phải sanh lại nữa.

Thí dụ như người nông-phu trồng lúa, được nhiều thóc, trữ lại để về sau, sang năm anh chẳng trồng nữa, chỉ lấy lúa dự trữ ra ăn. Người nông-phu ấy có mong được lúa gạo mới chăng?

- Người nông-phu ấy chẳng mong được lúa mới.

- Tại sao biết người ấy lại chẳng được lúa mới?

- Người nông-phu ấy chẳng cầy cấy, chẳng trồng lúa, thì có chờ mong được chi nữa.

- Người đã đắc đạo cũng lại như thế, tự biết rằng đã dứt bỏ ân-ái, sướng-khổ, chẳng còn tham-tâm, do đó biết rõ đời sau chẳng sanh lại.

*

039.- Khả-năng của Trí-huệ ra sao?

Vương lại hỏi:

- Bực đã đắc đạo chẳng sanh lại ở đời sau, đời nầy có được trí-huệ khác hơn với người thường chăng?

- Dĩ nhiên, có trí-huệ khác hơn người.

- Có được sáng-suốt chăng?

- Dĩ nhiên, có được sáng-suốt.

- Trí-huệ với sáng-suốt giống nhau hay khác nhau?

- Trí-huệ và sáng-suốt giống bằng nhau.

- Người có trí-huệ và sáng-suốt có biết hết muôn sự-vật chăng, hay có chỗ còn chưa hiểu-biết kịp?

- Trí con người có chỗ hiểu-biết kịp, có chỗ chẳng kịp.

- Những gì là kịp hiểu, những gì là còn chưa hiểu kịp?

- Người thường biết rõ điều chưa học, điều chưa kịp hiểu; và cũng biết điều đã học và điều đã hiểu kịp. Còn bực trí-giả thấy rõ con người cùng vạn vật đều phải qua đi, qui về Không, chẳng được sự tự-tại; vì lòng ham muốn vui-sướng mà đã gieo trồng nguồn-gốc của Khổ; đã biết như thế và tòng theo đó mà tiến đến Khổ-Huệ ( =Trí hiểu rõ sự Khổ), biết rõ-ràng sự vô-thường, sự thành-bại; cho nên trí-huệ khác với người thường.

- Người có trí-huệ rồi thì ngu-si ở vào đâu?

- Người có trí-huệ thì ngu-si tự tiêu-diệt hết. Ví như người cầm đèn vào trong nhà tối, phòng sáng lên, tức màn tối đen bị tiêu-diệt. Trí-huệ cũng lại như vậy, người có trí thì ngu-si tất tiêu-diệt.

- Thế còn trí-huệ của trí-giả nay lại ở đâu?

- Người dùng trí để làm công-việc, làm xong, trí-huệ liền tiêu-diệt, nhưng sự-việc mà trí-huệ đã làm thì còn đó. Ví như ban đêm viết thơ bên đèn, viết xong tắt đèn, nhưng bức thơ còn đó.

Bực trí-giả cũng lại như thế, làm xong việc đã làm, trí-huệ liền tiêu-diệt, nhưng việc làm thành-tựu vẫn tiếp-tục còn tại đó.

- Bảo rằng, trí-huệ làm xong việc đã thành, liền tự tiêu-diệt, nghĩa đó như thế nào?

- Ví như người kia phòng-bị lửa cháy chứa sẵn năm thùng nước, khi có nạn cháy nhà, liền đem năm bình nước đổ nước ra chữa lửa; lửa tắt rồi, người cứu-hỏa kia còn muốn đem năm bình kia về nhà nữa thôi?

- Người cứu-hỏa dập tắt lửa rồi chẳng còn muốn giữ năm bình (nước) làm chi nữa.

- Tâm người đắc-đạo giữ năm điều thiện để diệt xong các điều xấu-ác, cũng tựa như năm bình nước cứu-hỏa dập tắt lửa.

*

040.- Năm điều thiện là những gì?

Vua liền hỏi Na-Tiên:

- Năm điều thiện là những gì?

- Thứ nhứt là tin-tưởng có điều thiện, điều ác. Thứ hai là chẳng hủy-phạm giới-luật và Kinh-kệ. Thứ ba là tinh-tấn. Thứ tư là có trí-huệ niệm điều thiện. Thứ năm là một lòng niệm Đạo. Đó là năm điều thiện. Người thường hay phụng-hành năm điều thiện đó đắc trí-huệ, liền biết thân người và vạn-vật đều vô-thường, biết khổ chẳng được tự-tại, biết tánh Không rỗng-rang chẳng có gì. Ví như ông thầy thuốc dùng năm vị thuốc đem đến nhà người bịnh, cho bịnh-nhơn uống thuốc, bịnh được bớt, rồi khỏi, thì ông thầy có còn dùng năm vị thuốc cũ mà cho người ấy uống nữa không?

- Hết bịnh rồi còn cho uống thuốc cũ làm gì nữa?

- Năm vị thuốc cũng như trí giữ năm điều thiện; ông thầy thuốc cũng như người cầu Đạo; căn bịnh cũng như các điều ác; ngu-si như là bịnh-nhơn; người đắc-đạo cứu đời như bịnh đã lành. Trí đã thành-tựu nơi người, đưa người đến chỗ cứu đời. Người đắc-đạo rồi, trí cũng tự diệt. Lại ví như viên kiện-tướng mang năm mũi tên tiến lên hướng về địch-quân bắn xong đắc thắng; vị ấy có mong năm mũi tên quay lại để mang về không?

- Đâu có mong tên quay về lại làm chi.

- Năm mũi tên cũng như năm điều thiện của trí-huệ đó. Người tòng theo trí đó mà đắc đạo, giống như vị kiện-tướng đắc-thắng quân địch. Các điều ác như các nẻo ác-đạo (trong cảnh Luân-hồi). Người giữ năm điều thiện để diệt-trừ các điều ác; khi các điều ác diệt, trí lành phát-sanh, người tòng theo trí lành đó mà đắc đạo cứu đời, trở nên thường-tại, bất-diệt.

Vương khen ngợi: ''Lành thay!''

*

041.- Vì sao bực đắc-đạo còn sống lại phải chịu khổ?

Vương lại hỏi Na-Tiên:

- Như người đắc đạo, chẳng phải sanh lại ở đời sau, có còn phải chịu cảnh khổ nữa không?

- Hoặc còn phải chịu khổ, hoặc chẳng còn phải khổ nữa.

- Thế nào là còn phải chịu khổ, là chẳng phải chịu khổ nữa?

- Thân còn chịu khổ, tâm-ý hết chịu khổ. Sở dĩ thân còn phải chịu khổ là vì trong hiện-tại thân đó còn là nguồn-gốc của sự khổ; tâm-ý sở dĩ hết khổ là vì đã dứt bỏ tất cả các điều ác, chẳng còn ham-muốn chi, cho nên chẳng phải chịu khổ nữa.

- Nếu như người đắc đạo chẳng thể lià thân khổ nầy, thì đó là chưa đắc được đạo Nê-Hoàn (=Niết-bàn) chăng? Người đắc đạo chẳng còn ân-ái, mà thân còn khổ, dẫu tâm-ý đã an-ổn, thì sự đắc đạo để làm gì? Nếu như người đắc đạo đã thành-công, thì vì cớ gì mà còn lưu lại ở đây?

- Thí dụ như trên cây, trái còn chưa chín thì chẳng vội hái, nên đợi cho chín muồi. Đại- Vương có biết lời nói của Đại-đức Xá-lê-viết (Pali: Sariputta = Xá-lợi-phất) chăng? Xá-lê-viết lúc còn sống có nói: ''Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.''

Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''

Kinh Tì-kheo Na-Tiên
Hết Quyển Thượng



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]