Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Ðại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật

11/03/201217:07(Xem: 15309)
Kinh Ðại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật
Phat_Thich_Ca_7
Kinh Đại Thông Phương Quảng

Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch

Lời Giới Thiệu Kinh

Trước hết, tôi xin có lời ghi ơn Hòa Thượng Thiền Tâm người dịch bộ kinh này. Hòa Thượng trước tu ở Đại Ninh, nay đã viên tịch cách đây mấy năm, và Ngài là một bậc Đại Sư trong thời mạt pháp này.

Kinh vừa là Kinh Phật, lại vừa là miệng Phật. Tâm Phật thì thường rỗng lặng tròn đầy trong sáng tột bực, thuần là trí huệ Bát Nhã, nơi đó tuyệt nhiên không có một pháp có thể nói được. Vì pháp nào cũng như như tịnh tĩnh lìa ngôn thuyết. Nhưng miệng Phật thì lại hằng khởi Đại Bi, luôn luôn nói pháp, để lại kinh điển cho chúng sanh đời sau là chúng ta, hầu dạy chúng ta con đường ra khỏi Mê Đồ Ảo Phố của ba cõi, trở về nơi Bảo Sở Niết Bàn Thường Lạc Chân Ngã Tịnh.

Bộ Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật này cũng vậy. Cũng do lòng Đại Bi hằng khởi ấy mà ra. Vào ngày rằm tháng hai, trên con đường đi tới khu rừng Sa La Song Thọ để thị hiện nhập Niết Bàn, Phật đã dừng chân lại ở một nơi rừng già quạnh quẻ, để diễn nói kinh này.

Là vì sao? Chỉ là vì trước khi Ngài thị hiện xả bỏ Ứng Thân nhân thế này. Ngài lại khởi tâm Đại Bi muốn:

- Tri triển một lần nữa Đại Thần Thông Lực Vô Ngại Tự Tại, để làm hiển lộ một phần Pháp Thân Chơn Cảnh cho đương hội và chúng sanh được thấy. Đồng thời, nâng thân tâm của họ lên một mức độ thanh tịnh hơn, khiến dễ dàng tiếp nhận giáo pháp.

- Tán thán và nhắc nhở lại một lần nữa, những điểm chính yếu của chân lý Đại Thừa rốt ráo và tuyệt vời, vốn là Chân Lý được xiển minh bởi Chư Phật ba đời và mười phương.

- Dạy lại một lần nữa những phương pháp Sám Hối cao siêu rốt ráo, tức là phép Thủ Tướng sám hối và Vô Sanh sám hối, để chúng sanh có thể dứt trừ tội chướng và bước lên bờ giải thoát.

Ngài làm như vậy là để nhắc nhở hàng đệ tử Thanh Văn phải hồi tâm Đại Thừa, cũng như để dạy dỗ chúng sanh đời sau là chúng ta vậy.

Cho nên, bộ kinh nầy tuy ngắn, nhưng vẫn có thể sánh ngang tầm vóc với những kinh như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa,.v..v.

Về điểm thi triển Đại Thần Thông Lực, thì Chư Như Lai nào cũng vậy, khi các Ngài sắp diễn nói Pháp lớn, đánh trống Pháp lớn, thì các Ngài thường phóng Đại Quang Minh để làm hiển lộ Pháp Thân Chơn Cảnh và thành tựu căn cơ của chúng hội.

Trong kinh này, ở trang 15, khi Ngài A Nan tỏ ý lo ngại rằng khu rừng già này quạnh quẻ quá, không có suối chảy nước trong, không có đồ ăn thức uống, thì Phật bảo rằng: “ Hãy tưởng niệm Đại Thừa, chớ nghĩ an thân.” Rồi Ngài nhập Tam Muội, dùng thần lực làm phát hiện một bông Đại Kim Hoa, che khắp ba ngàn thế giới, màng lưới lưu ly bao trùm các cõi, mặt đất trở thành bằng phẳng và thuần màu vàng chói huỳnh kim. Các Đại Bồ Tát ở khắp nơi mười phương chạm được Đại Quang Minh ấy, đều lũ lượt vân tập đến, ngồi nghe hoặc thưa hỏi về chân lý Đại Thừa. Ngài Tín Tướng Bồ Tát thưa hỏi, về pháp Sám Hối rốt ráo. Còn các Ngài Hư Không Tạng, Sư Tử Hống, Văn Thù Sư Lợi v.v…thưa hỏi về chân lý Đại Thừa.

Hiển lộ Pháp Thân Chơn Cảnh là như vậy. Vì Pháp Thân chính là cái màng lưới thiên la võng Quang Minh, hào quang tột bực nên thường là vô hình tướng. Là cái Biển Quang Minh Uyên Nguyên, là cái biển Tinh Lực Uyên Nguyên, cội nguồn của Pháp Giới. Chư Phật theo lời kinh Hoa Nghiêm cũng là Tạng Quang Minh Uyên Nguyên, nhưng do Đại Bi hằng khởi, đã hiển hiện thành sắc tướng có ba mươi hai tướng tốt. Diệu sắc thân của các bậc Đại Bồ Tát cũng được dệt bằng những Quang Minh vi diệu, không có tình nhiễm. Do đó, các Ngài có thể dễ dàng biến hóa ứng hiện. Còn thân căn của chúng ta cùng cảnh giới chung quanh, cũng được dệt bằng Quang Minh, nhưng Quang Minh này thô kệch cũng nặng nề, chuyển động chậm vì có hàm chứa tình nhiễm tích lũy từ vô thủy. Cho nên, chúng có vẻ nặng nề, ù lỳ, lưu ngại, rất khó chuyển hóa. Bởi thể, kinh Lăng Nghiêm gọi chúng là những kiên cố Vọng Tưởng.

Trong khi Phật phóng Đại Quang Minh như vậy thì những chúng sanh nào có đủ túc duyên sẽ được chạm vào Quang Minh ấy, sẽ được thoát khổ, hoặc thành tựu căn lành và đắc quả.

Rồi đến trang 144, Phật lại thi triển Đại Thần Thông nữa. Ngài phóng Quang, khiến tất cả thế giới, đều rung động sáu cách. Rồi các Hóa Phật hiện lên đầy khắp hư không, đồng tuyên nói về chân lý Đại Thừa.

Cần biết rằng khi đất rung động sáu cách, thì những chúng sanh ở Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh thường được thoát khổ và đi thọ sanh ở chỗ tốt lành. Nhưng nếu đất có rung động sáu cách, tại sao chúng ta lại không hay biết gì hết? Chỉ là vì sự rung động ấy khá vi tế, mà tâm thức của chúng ta còn thô quá, nên chưa thấy. Khi nào tâm thức đủ nhỏ nhiệm vi tế thì sẽ thấy. Khi vào được Tam Muội thì sẽ thấy. Xưa kia, có một vị tăng vào định thấy đất rung động sáu cách, nhưng lại đem nói để khoe khoang, nên bị thụt lùi, không vào được định nữa.

Thi triển Đại Thần Thông Lực là như vậy. Khi Phật nói kinh xong, thì bông Kim Hoa lại hốt nhiên biến mất.

Còn tuyên xướng Chân Lý Đại Thừa là những gì? Chân Lý ấy có thể thâu tóm trong mấy điểm sau:

- Chân Lý tối thượng là lý Duy Tâm Sở Hiện. Chân Tâm ấy vốn Diệu vốn Minh. Minh là vì Chân Tâm ấy, vốn trong sáng tột bực, vì chính là hào quang tột bực. Diệu là vì Chân Tâm ấy có thể phan duyên và khởi lên tất cả những cảnh giới huyễn hiện. Cho nên, tất cả thân căn chúng sanh cùng cảnh giới đều chỉ là những ảnh tượng trùng trùng huyễn khởi tương ưng, khởi lên từ nơi Chân Tâm ấy, do những chủng tử nghiệp lực chiêu cảm. Và nghiệp lực là do những niệm mê mờ tích lũy từ vô thủy gây nên. Bởi vậy tất cả các cảnh giới đều không thực không hư, tương tự như trăng đáy nước, như hoa trong gương.

- Thể của Chân Tâm ấy vốn là một biển Hào Quang tột bực nên cũng được tạm gọi là Pháp Thân Thường Trụ Bất Biến. Vì là hào quang tột bực, nên không có gì có thể phá hoại được Pháp Thân này. Do đó, cũng được gọi là Thân Kim Cang bất hoại. Chư Phật là những Bậc có thể nhập được Pháp Thân này, lấy đó làm thân của mình. Nên có thể biến hóa vô cùng, hoặc hiện thân bao trùm các cõi, hoặc hiện thân nhỏ chui vào vi trần, hoặc phân thân vô lượng, tất cả đều là phương tiện độ sanh như thế thì Chân Thân của các Ngài là thường trụ bất hoại rồi, nhưng ngay cả Ứng Thân cùng Hóa Thân, nếu cần phải độ sanh thì các Ngài vẫn có thể trụ những thân đó trong vô lượng kiếp cũng được.

Còn những chúng sanh chúng ta, thì cũng bắt rễ ở nơi Pháp Thân ấy. Các thân căn chúng sanh Nở Xòe ra trên Biển Pháp Thân tương tự như những bông hoa. Cho nên, chúng sanh nào cũng có Phật Tánh. Khốn nổi là do một niệm mê mờ vô thủy, chúng ta đã quên mất Chân Tâm, nên bị trôi lăn trong sanh tử.

Như thế, tất cả các hiện tượng, các pháp đều quy về Chân Tâm, quy về Chân Không của Tâm. Những cái Không này không phải là Ngoan Không, mà chính là Chân Không, là Không, là Đệ Nhất Nghĩa Không. Nó chính là Thật Bất Không vì cái Không vì từ cái Không đó luôn luôn Huyễn khởi nên tất cả thứ Diệu Hữu. Vì thế, kinh Lăng Nghiêm dạy: “ Tánh của Không chính là Chân Sắc.”

Tất cả hành vi của Bậc Thế Tôn ở các cõi như thế nầy, tỷ dụ như Đản Sanh, Xuất Gia, Học Đạo, Tu Khổ Hạnh, v.v…đều chỉ là thị hiện. Đều chỉ là những phương tiện thiện xảo để độ sanh.

Chân lý Đại Thừa mênh mông bao la biến ảo là như vậy. Dung chứa tất cả vật, tất cả Pháp, có thể tạm ví dụ như Hư Không. Do đó, Ngài Hư Không Tạng mới đứng lên thưa hỏi. Suy ngẫm vì Chân Lý nầy thì được Công Đức Vô Lượng.

Còn về điểm Sám Hối, thì mỗi người chúng ta đều có tội chướng đầy dẫy. Kinh dạy: “ Nếu tội chướng mà có hình tướng thì cả hư không này dung chứa cũng không hết. Bởi vì thế người tu cần phải siêng năng sám hối.”

Kinh nầy dạy hai cách sám hối để tiêu trừ hết tội chướng:

Thứ nhất là Pháp Thủ Tướng Sám Hối hay Hồng Danh Sám Hối nếu nhập được tịnh thất thì là hay nhất, bằng không thì ở một nơi tỉnh mịch, tạm gọi sạch sẽ, dùng hương hoa đèn nến cúng dường, trong bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày, thành tâm lễ lạy và xưng tụng Hồng Danh của Chư Phật ba đời, Hồng Danh của Kinh cùng các Bậc Đại Bồ Tát, và chí thiết xin sám hối.

Nếu tụng niệm chí thành sẽ thấy tướng Phật hiện hào quang. Nếu thấy tướng ấy, thì biết là tội chướng được tiêu trừ. Hoặc thấy những điềm mộng, như trang 199 của Kinh này đã mô tả rõ ràng.

Thứ nhì là Pháp Vô Sanh Sám Hối: tức là dùng Vô Sanh Diệu Quán để sám hối. Quán rõ thấy các pháp đều chỉ là huyễn tướng giả hợp, và thấy rõ cái bản thể Vô Sanh của mọi pháp. Quán như thế, sẽ thấy rằng Tội Tánh vốn Không, và tội chướng được tiêu trừ. Kinh này dạy: “ Tánh tội chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chính giữa. Tâm chân thật cho nên sức lành chân thật. Tâm giải thoát cho nên tội tánh giải thoát. Trí huệ không cho nên tội tánh không. Tín lực mạnh cho nên phước lực nhiều. Nếu có thể như vậy mà sám hối thì sẽ thấy Ta, thấy Đức Đa Bảo và chư phân thân Phật”. (trang 189).

Kinh cũng kể lại chuyện ba ngàn người, trước kia cùng tu với Đức Thích Ca, trong nhiều kiếp, các vị đó đều chuyên trì Hồng Danh, để sám hối và tu Bồ Tát Hạnh nên nay đã thành Phật cả rồi.

Mấy trang này, nếu có gặt hái được chút công đức nào, thì cũng xin hồi hướng cho pháp giới đồng sanh về Ao Báu cõi Cực Lạc, nơi xứ sở của những Quang Minh Vô Ngại.

Nam-mô Vô Ngại Quang Như Lai

Nam-mô Liên Hoa Minh Vương Bồ Tát

Cung kính đề

Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

Mùa Xuân Năm Bính Tý, 1996

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]