Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt

11/05/201104:54(Xem: 4993)
Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt
buddha_lotus01
KINH NGHIỆP BÁO SAI BIỆT
Người dịch: Thích Tuệ Thông
Lời tựa

Nhân mùa An cư 2005 chúng tôi có duyên được đọc bộ Càn Long Đại Tạng Kinh, quyển 58, phần Phật nói kinh Nghiệp Báo Sai Biệt. Chúng tôi nhận thấy kinh này nói rõ nhân quả nghiệp báo sai biệt rất gần gũi với đời sống chúng ta: Những nhân gì mà khiến cho các loài chúng sinh, phải chịu các quả báo sai khác tốt xấu trong lục đạo luân hồi. Vì thế, chúng tôi phát tâm chuyển sang Việt ngữ ngõ hầu giúp cho mọi người tin sâu nhân quả. Từ đó có thể giúp cho con người biết được điều ác cần phải tránh xa, và siêng năng tu tập các thiện nghiệp.

Những ai hữu duyên đọc được kinh này, sẽ có chính kiến thấy được cuộc sống hiện tại là tấm gương phản chiếu quá khứ vị lai. Đúng như lời Phật dạy, mình không cần phải nhờ thầy xem bói mà chính mình là vị thầy bái cho mình hơn ai hết. Vì nhìn vào hiện tại ta có thể rõ biết được quá khứ và cũng chính hành vi hiện tại ta có thể khẳng định được tương lai. Khổ vui của đời sống chính mình là do mình quyết định, và mình là chủ nhân ông quyết định cho số phận của chính mình.

Trong khi dịch thuật dù có nhiều cố gắng nhưng không sao tránh khỏi những thiếu sót sai lầm, chúng tôi ngưỡng mong chư vị thiện tri thức từ bi chỉ giáo để cho lần tái bản sau được tốt hơn. Nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả chúng sinh tin sâu nhân quả trọn thành Phật đạo.

Thiền Viện Sùng Phúc, mùa Thu 2006

Kính ghi


PHẬT NÓI KINH
NGHIỆP BÁO SAI BIỆT

Hán dịch: Cù Đàm Pháp Trí quận Dương Xuyên - đời Tuỳ
Việt dịch: Thích Tuệ Thông

Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Phật ở rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Phật bảo trưởng giả Lực Đề Tà Tử Thủ Ca rằng:

- Ta sẽ vì ông nói pháp môn thiện ác nghiệp báo sai biệt. Ông phải lắng nghe, khéo ghi nhớ và suy nghĩ.

Bấy giờ Thủ Ca đáp:

- Thưa vâng Thế Tôn, con nguyện muốn nghe.

Phật bảo Thủ Ca:

Tất cả chúng sinh có liên quan với nghiệp, nương tựa nơi nghiệp, theo nghiệp tự chuyển. Do nhân duyên ấy có phân ra: thượng, trung, hạ, sai khác chẳng đồng:

Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo mạng sống trường thọ;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo nhiều bệnh tật;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo ít bệnh tất;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo thân xấu xí;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo thân đẹp đẽ;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo uy thế yếu;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo uy thế mạnh;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo dòng họ hạ tiện;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo dòng họ cao thượng;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh của cải ít;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh của cải nhiều;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo trí tàn kiến (thấy biết sai lệnh không đúng nhân quả);
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được báo trí chân chính;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo địa ngục;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo súc sinh;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo ngạ quỷ;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo A-tu-la;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo loài người;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo trời Sắc giới;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo Trời vô sắc giới;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo không cố định;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo sinh chỗ biên địa (vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...);
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo sinh nơi thành phố, thủ đô;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo phải chịu đủ tuổi thọ ở địa ngục;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo phân nửa tuổi thọ ở địa ngục;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo tạm vào liền ra;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh làm mà chẳng tập;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh tập mà chẳng làm;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh cũng tập cũng làm;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh chẳng làm chẳng tập;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh trước vui sau khổ;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh trước khổ sau khổ;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh trước vui sau vui;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh trước khổ sau vui;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh nghèo mà thích bố thí;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh giàu mà xan tham (tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ...); hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được thân vui mà tâm chẳng vui;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được tâm vui mà thân chẳng vui;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được thâm tâm đều vui;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh thân tâm đều chẳng vui;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh tuổi thọ tuy hết mà nghiệp chẳng hết;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh nghiệp tuy hết mà tuổi thọ chẳng hết;
Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh nghiệp và tuổi thọ đều hết;

Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh nghiệp và tuổi thọ cả hai đều chẳng hết mà đoạn trừ tất cả phiền não;

Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh đoạ vào đường ác mà thân hình đẹp lạ, mày mắt đoan trang, màu da tươi sáng được mọi người thích nhìn;

Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh nơi đường ác mà thân hình xấu xí, da dẻ thô nhám, người chẳng thích nhìn;

Hoặc có nghiệp khiến chúng sinh sinh vào đường ác mà thân miệng hôi thối, các căn khiếm khuyết (mắt, tai mũi, lưỡi... không được trọn vẹn);

Hoặc có chúng sinh tập hạnh thế gian mười bất thiện nghiệp bị ác báo bên ngoài;

Hoặc có chúng sinh tập hạnh thế gian mười điều thiện nghiệp được quả báo thù thắng bên ngoài.

Ví như có chúng sinh lễ Phật, tháp miến được mười thứ công đức:

Cúng thí lọng báu được mười thứ công đức,
Cúng thí chuông linh được mười thứ công đức,
Cúng thí y phục được mười thứ công đức,
Cúng thí bát đũa được mười thứ công đức,
Cúng thí thức ăn nước uống được mười thứ công đức,
Cúng thí giầy dép được mười thứ công đức,
Cúng thí hương hoa được mười thứ công đức,
Cúng thí đèn sáng được mười thứ công đức,

Cúng thí cung kính chắp tay được mười thứ công đức. Đó là lược nói tên pháp môn các nghiệp sai khác.

Phật bảo Thủ Ca có mười thứ nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo cuộc sống ngắn ngủi. Thế nào là mười?

Một là tự làm việc sát sinh, hai là khuyên người khác sát sinh, ba là khen ngợi việc giết hại, bốn là thấy giết hại sinh tâm vui theo, năm là đối với người mà mình oán ghét muốn họ bị tiêu diệt, sáu là thấy người mình oán ghét tiêu diệt rồi sinh tâm vui mừng, bảy là phá hoại bào thai, tám là dạy người tự huỷ hoại (tự huỷ hoại thân mình), chín là xây dựng lò sát sinh, mười là tự làm vũ khí chiến tranh và dạy người tàn hại lẫn nhau. Do mười nghiệp này bị quả báo mạng sống ngắn ngủi.

Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được mạng sống lâu dài. Thế nào là mười?

Một là tự mình chẳng sát sinh, hai là khuyên người chẳng sát sinh, ba là khen ngợi việc chẳng sát sinh, bốn là thấy người khác không sát sinh tâm sinh vui mừng, năm là thấy người bị giết tạo phương tiện giúp thoát khỏi, sáu là thấy người sợ chết an ủi tâm họ, bảo là thấy người sợ sệt giúp họ được bình an, tám là thấy các khổ hoạn nạn khởi tâm thương xót, chín là thấy các hoạn nạn cấp bách liền khởi tâm đại từ bi, mười là thường bố thí cho chúng sinh các thức ăn nước uống. Do mười nghiệp trên được quả báo sống lâu dài.

Lại nữa, có mười nghiệp khiến chúng sinh quả báo nhiều bệnh tật. Những gì là mười?

Một là vui thích đánh đập tất cả chúng sinh, hai là khuyên người khác hoặc bảo họ đánh đập, ba là khen ngợi việc đánh đập, bốn là thấy người đánh đập tâm sinh vui mừng, năm là não loạn cha mẹ khiến tâm sinh lo buồn, sáu là não loạn Hiền Thánh, bảy là thấy người bệnh hoan tâm đau khổ thì mình rất vui mừng, tám là thấy người bệnh hoạn tâm vui vẻ thì mình không vui, chín là dùng thuốc cho bệnh nhân uống không hết bệnh (cho thuốc giả, không nhiệt tình), mười là do ăn đêm chưa tiêu hết mà lại ăn thêm. Do mười nghiệp trên nên bị quả báo nhiều bệnh tật.

Lại nữa, có mười nghiệp khiến chúng sinh được quả báo ít bệnh tật. Thế nào là mười?

Một là chẳng thích đánh đập tất cả chúng sinh, hai là khuyên người khác chẳng nên đánh đập, ba là khen ngợi việc không dùng roi gậy, bốn là thấy người không đánh đập tâm sinh vui mừng, năm là cung kính cúng dường cha mẹ của mình và những người bệnh tật, sáu là thấy Hiền Thánh bệnh hoạn chăm sóc cúng dường, bảy là thấy người bệnh hoạn tâm vui vẻ thì mình rất hoan hỷ, tám là thấy người bệnh khổ thì cho thuốc hay và khuyên người giúp đỡ, chín là thấy người bệnh khổ khởi tâm thương xót giúp đỡ, mười là đối với các thức ăn nước uống tự biết tiết lộ. Do mười nghiệp trên nên được quả báo ít bệnh tật.

Lại nữa, có mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo xấu xí. Những gì là mười?

Một là thích khởi sân hận, hai là thích nuôi dưỡng lòng sân hận, ba là cuồng mê với người, bốn là não loạn chúng sinh, năm là đối với cha mẹ không có tâm ái kính, sáu là đối với các bậc Hiền Thánh tâm không cung kính, bảy là chiếm đoạt của cải sinh sống và ruộng vườn của Hiền Thánh, tám là đối với những nơi tháp miến thờ Phật đoạn diệt đèn sáng, chín là thấy người xấu xí khinh khi chê bai, mười là học theo các việc ác.

Lại nữa, có mười nghiệp khiến chúng sinh được quả báo thân đoan chính. Những gì là mười?

Một là không sân hận, hai là bố thí quần áo, ba là yêu kính ông bà cha mẹ, bốn là tôn trọng bậc Hiền Thánh đạo đức, năm là thường tô của hộp trang sức tháp thờ Phật và chùa chiền, sáu là quét dọn sạch sẽ nhà cửa tăng đường, bảy là san bằng đất trong Tăng già lam, tám là quét rửa tháp Phật, chín là thấy người xấu xí chẳng sinh lòng khinh chê mà lại khởi tâm cung kính, mười là thấy người sắc đẹp liền biết nguyên nhân quá khứ đã gieo trồng phước đức nên hôm nay kết quả sắc đẹp. Do mười nghiệp ấy nên được quả báo sắc đẹp.

Lại nữa, có mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo uy thế yếu. Những gì là mười?

Một là sinh khởi tâm tật đó, hai là thấy người khác được lợi thì mình sinh tâm phiền não, ba là thấy người kia bất lợi thì mình sinh tâm hoan hỷ, bốn là thấy người khác được danh dự tốt thì ganh ghét, năm là nếu thấy nước khác mất danh dự thì tâm sinh rất vui vẻ, sáu là thối thất tâm Bồ đề và phá huỷ hình tượng Phật, bảy là đối với cha mẹ cua mình và Hiền Thành không có tâm hầu hạ cung kính, tám la chỉ khuyên người tu tập nghiệp uy thế yếu, chín là làm chướng sự nghiệp của bậc tu hành có đạo cao đức trọng, mười là thấy người uy thế yếu sinh tâm khinh chê. Do mười nghiệp trên khiến chúng sinh bị quả báo ít uy thế.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được uy thế mạng. Những gì là mười? Một là đối với chúng sinh tâm không tật đó, hai là thấy người khác được lợi tâm sinh vui mừng, ba là thấy người khác mất lợi tâm khởi thương xót, bốn là thấy người khác được khen tốt tâm sinh vui mừng, năm là thấy người mất tiếng khen tốt thì khuyên nhủ chớ ôm lòng buồn phiền, sáu là phát tâm Bồ đề tạo hình tượng Phật, bảy là đối với cha mẹ mình và Hiền Thánh cung kính phụng thờ, tám là khuyên người xả bỏ nghiệp uy thế yếu, chín là khuyên người tu hành hạnh đại uy đức, mười là thấy người không uy đức chẳng sinh lòng khinh chê. Do mười nghiệp trên được quả báo uy thế lớn.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo dòng họ thấp hèn. Những gì là mười?

Một là chẳng biết kính cha, hai là chẳng biết kính mẹ, ba là chẳng biết kính Sa môn, bốn là chẳng biết kính bà la môn, năm là đối với các bậc thầy bạn lớn tuổi chẳng quý kính, sáu là đối với các bậc sư trưởng chẳng phụng thờ cúng dường, bảy là thấy các bậc lớn tuổi chẳng đón tiếp mời ngồi, tám là đối với những lời dạy bảo của cha mẹ chẳng vâng theo, chín là đối với những lời dạy của các bậc Hiền Thanh cũng chẳng thọ giáo, mười là khinh miệt dòng họ thấp hèn. Do mười nghiệp trên bị quả báo sinh trong dòng họ thấp hèn.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo dòng họ cao thượng. Những gì là mười?

Một là khéo biết kính cha, hai là khéo biết kính mẹ, ba là khéo biết kính Sa môn, bốn là khéo biết kính Bà la môn, năm là cung kính và giúp đỡ các bậc tôn trưởng, sáu la phụng thờ Sư trưởng, bảy là gặp các bậc tôn trưởng tiếp đón mới ngồi, tám là tôn kính vâng theo những lời dạy bảo của cha mẹ, chín là đối với những lời dạy bảo của Hiền Thánh tôn kính thọ giáo, mười là chẳng khinh bỉ dòng họ thấp hèn. Do mười nghiệp ấy được quả báo dòng họ cao thượng.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo tài sản ít. Những gì là mười?

Một là tự làm việc trộm cướp, hai là khuyên người khác trộm cướp, ba là khen ngợi việc trộm cướp, bốn là thấy trộm cướp tâm sinh vui mừng, năm là đối với của cải của cha mẹ lại cắt giảm, sáu là đối với tài sản của bậc Thánh thì chiếm đoạt, bảy là thấy người khác được lợi tâm không hoan hỷ, tám là làm chướng ngại người khác được lợi, chín là thấy người khác bố thí không sinh tâm tuỳ hỷ, mười là thấy đời đói thiếu tâm không thương xót mà lại còn khởi tâm vui mừng. Do mười nghiệp trên bị quả báo tài sản ít.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo tài sản nhiều. Những gì là mười?

Một là xa lìa việc trộm cướp, hai là khuyên người khác không trộm cướp, ba là khen ngợi việc chẳng trộm cướp, bốn là thấy người khác chẳng trộm cướp tâm sinh vui mừng, năm là thường cúng dường những tài vật cần nuôi sống cha mẹ, sáu là đối với những bậc Hiền Thánh tôn trưởng thường cung cấp cho những vật cần thiết, bảy là thấy người được lợi tâm sinh vui mừng, tám là thấy người cầu lợi thì tạo phương tiện giúp đỡ, chín là thấy người bố thí tâm sinh vui mừng, mười là thấy đời đói rét khởi tâm thương xót. Do mười nghiệp trên nên khiến chúng sinh được quả báo tài sản nhiều.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo trí tà kiến. Những gì là mười?

Một là chẳng có tâm thưa hỏi các bậc Sa môn đại đức trí tuệ, hai là diễn giảng pháp ác, ba là chẳng hay thọ trì tu tập chính pháp, bốn là khen ngợi pháp tà kiến, năm là đối với Phật pháp lẫn tiếc chẳng nói cho người biết, sáu là thân cận người trí tà kiến, bảy là xa lìa bậc Thánh trí, tám là khen ngợi pháp hành tà kiến, chín là xả bỏ chính kiến, mười là nếu thấy người ác ngu si khinh chê huỷ báng. Do mười nghiệp trên nên khiến chúng sinh bị quả báo trì tà kiến.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo trí chơn chính. Những gì là mười?

Một là khéo hay thưa hỏi Sa Môn thông minh trí tuệ, hai là diễn thuyết thiện pháp, ba là nghe rồi giữ gìn và truyền bá rộng rãi, bốn là thấy pháp chơn chính thì khen ngợi, năm là thích thuyết pháp chơn chính, sáu là gần gũi người trí tuệ, bảy là thâu thập giữ gìn chính pháp, tám là tinh tấn tu tập nghe nhiều, chín là xa lìa người ác tà kiến, mười là thấy người ác ngu si chẳng sinh tâm khinh chê. Do mười nghiệp trên nên khiến chúng sinh được quả báo trí tuệ chơn chính.

Lại nữa, có mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo đoạ địa ngục. Những gì là mười?

Một là thân làm việc cực ác, hai là miệng nói lời cực ác, ba là ý nghĩ điều cực ác, bốn là khởi chấp đoạn kiến (không tin nhân quả, không có kiếp sau...), năm là khởi chấp thường kiến (không tin nhân quả, chúng sinh trước sau không thay đổi... chấp thường hằng) sáu là khởi cái thấy không có nguyên nhân, bảy là khởi cái thấy không có người làm, tám là khởi cái thấy không thấy, chín là khởi kiến chấp một bên, mười là chẳng biến báo ân. Do mười nghiệp trên bị quả báo đọa địa ngục.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo súc sinh. Những gì là mười?

Một là thân làm điều ác bậc trung, hai là miệng nói điều ác bậc trung, ba là ý nghĩa nghiệp ác bậc trung, bốn là từ phiền não tham lam khởi ác nghiệp, năm là từ phiền não sân hận khởi ác nghiệp, sáu là từ phiền não si mê khởi ác nghiệp, bảy là chửi mắng chúng sinh, tám là não hại chúng sinh, chín là bố thí vật không thanh tịnh (dâm nữ, thuốc độc, vũ khí giết người...), mười là phạm giới tà dâm. Do mười nghiệp trên khiến chúng sinh bị quả báo súc sinh.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo ngạ quỷ. Những gì là mười?

Một là thân làm nghiệp ác nhẹ, hai là miệng nói nghiệp ác nhẹ, ba là ý nghĩa nghiệp ác nhẹ, bốn là khởi nhiều lòng tham, năm là khởi tham việc ác, sáu là tật đố, bảy là tà kiến, tám là keo kiệt luyến tiếc tài sản ngay đó liền chết, chín là do bệnh khổ đói khát mà chết, mười là bức não khô khát mà chết. Do mười nghiệp trên bị quả báo ngạ quỷ.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo A - tu - la. Những gì là mười?

Một là thân làm nghiệp ác nhẹ, hai là miệng nói điều ác nhẹ, ba là ý nghĩ điều ác nhẹ, bốn là kiêu mạn, năm là ngã mạn, sáu là tăng thượng mạn, bảy là đại ngã mạn (chấp có cái ta và những vật sở hữu của ta mà sinh lòng kiêu mạn), tám là tà mạn (mình không có đạo đức mà cho là mình có đạo đức), chín là mạn quá mạn (mình không bằng người mà lại cho mình hơn người), mười là hồi hướng các việc lành để được sinh về cõi A - tu - la. Do mười nghiệp trên nên khiến chúng sinh bị quả báo A - tu - la.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo làm người. Những gì là mười?

Một là chẳng sát sinh, hai là chẳng trộm cướp, ba là chẳng tà dâm bốn là chẳng vọng ngữ, năm là chẳng nói lời thêu dệt, sáu là chẳng nói lời đòn xóc hai đầu, bảy là chẳng nói lời ác, tám là chẳng tham, chín là chẳng sân, mười là chẳng tà kiến, đối với mười thiện nghiệp thiếu khuyết chẳng giữ được hoàn toàn tốt. Do mười nghiệp trên nên khiến chúng sinh được quả báo sinh vào loài người.

Lại nữa, có mười nghiệp khiến chúng sinh được quả báo trời Dục Giới, đó là đầy đủ những điều thắng diệu để tu hành tăng tiến mười nghiệp thiện.

Lại nữa, có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo trời Sắc Giới, chỗ gọi là tu hành còn rơi rớt mười nghiệp cùng các bậc thiền định tương ưng.

Lại có bốn nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo trời Vô Sắc Giới:

Một là vượt qua tất cả tưởng về sắc giới, diệt những cái có đối với tưởng v.v... vào định không vô biên xứ. Hai là vượt qua tất cả không xứ định, thức xứ định. Ba là vượt qua tất cả thức xứ định vào vô sở hữu xứ định. Bốn là vượt qua vô sở hữu xứ định vào phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Do bốn nghiệp trên được quả báo Trời vô sắc giới.

Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh quyết định thọ quả báo.

Nếu người ở chỗ Phật Pháp Tăng và người trì giới dùng tâm tăng thượng sâu dày (rất quý kính) mà bố thí. Do nghiệp thiện này phát nguyện hồi hướng tức được vãng sinh vào cõi lành. Đó gọi là quyết định có quả báo.

Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh không quyết định có thọ quả báo.

Nếu nghiệp chẳng phải là tâm dũng mãnh tăng thượng (chí thành chí thiết), làm rồi chẳng tu tập thêm, lại chẳng phát nguyện hồi hướng thọ sinh. Đó gọi là không nhất định có được quả báo.

Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo sinh vào vùng biên địa hạ tiện (vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa).

Do nguyện như thế nên sinh vào vùng biên địa hạ tiện, thọ quả báo hoặc tốt hoặc xấu.

Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo sinh ở giữa thủ đô, thành phố.

Nếu người kia lúc tạo nghiệp, nơi Phật Pháp Tăng thanh tịnh trì giới, bên cạnh người và đại chúng khởi tâm bố thí không luyến tiếc và siêng năng. Do thiện căn này, quyết định phát nguyện cầu sinh trung quốc (giữa đất nước) lại được gặp Phật và nghe chính Pháp, được nơi quả báo thanh tịnh thượng diệu.

Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh phải chịu tuổi thọ đầy đủ ở địa ngục.

Ví như có chúng sinh tạo nghiệp địa ngục rồi, không có tâm hổ thẹn mà chẳng lìa chán, không sợ sệt, ngược lại sinh tâm hoan hỷ, chẳng sám hối mà tạo thêm ác nghiệp chồng chất nhiều lớp, như Đề Bà Đạt Đa... Do nghiệp đó nên phải chịu đầy đủ tuổi thọ ở địa ngục.

Lại nữa, có nghiệp khiến chúng sinh đọa vào địa ngục chỉ chịu phân nửa số tuổi thọ rồi chết yểu, chẳng sống đầy đủ tuổi thọ trong địa ngục.

Ví như có chúng sinh tạo nghiệp địa ngục, tích luỹ thành rồi, sau đó sinh tâm sợ hổ thẹn, xa lìa, sám hối, từ bỏ, chẳng có tâm tạo thêm. Do nghiệp trên nên đọa nơi địa ngục, sau đó hối hận nên chỉ thọ phân nửa số tuổi nơi địa ngục rồi chết yểu, chẳng sống hết tuổi thọ ở địa ngục như vua A Xà Thế giết cha rồi sau đó ăn năn sám hối... bị tội tạm vào địa ngục liền được thoát ra.

Ngay đó Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

"Nếu người tạo trọng tội,

Làm xong rất ăn năn,

Sám hối chẳng tái phạm,

Hay trừ căn bản nghiệp".

Lại có nghiệp tập mà chẳng làm.

Ví như có chúng sinh tự chẳng tạo nghiệp, do tâm ác nên khuyên người làm ác. Đó gọi là tập mà chẳng làm.

Lại có nghiệp cũng làm cũng tập.

Ví như có chúng sinh tạo các nghiệp ác rồi tâm không sửa đổi mà lại luôn luôn tạo thêm mà còn dụ dẫn người khác cùng tạo. Đó là cũng làm cũng huân tập.

Lại có nghiệp chẳng làm chẳng tập.

Ví như có chúng sinh tự chẳng tạo nghiệp cũng chẳng dạy người không ghi nhớ nghiệp v.v... Đó gọi là chẳng làm chẳng tập.

Lại có nghiệp ban đầu vui sau khổ.

Ví như có chúng sinh được người khuyên hoan hỷ thực hành bố trí, tâm bố thí không keo kiệt, nhưng sau lại hối hận. Do nhân duyên đó sinh ở loài người, trước tuy giàu vui, sau lại nghèo khổ.

Lại có nghiệp ban đầu khổ sau vui.

Ví như có chúng sinh được người khuyên bảo cố gắng bố thí chút ít, bố thí rồi tâm hoan hỷ không hối tiếc. Do nhân duyên đó, sinh ra ở nhân gian ban đầu nghèo khổ, sau lại giàu vui. Đó gọi là ban đầu khổ sau vui.

Lại có nghiệp ban đầu khổ sau khổ.

Ví như có chúng sinh xa lìa thiện tri thức, không khuyên bảo người bố thí, cho đến chẳng hay thực hành một chút bố thí. Do nhân duyên ấy, sinh ở nhân gian ban đầu thời nghèo khổ, sau cũng nghèo khổ.

Lại có nghiệp ban đầu vui sau vui.

Ví như có chúng sinh gần thiện tri thức khuyên dạy thực hành bố thí liền sinh hoan hỷ, mãi tu hạnh bố thí. Do nhân duyên đó, sinh ở nhân gian ban đầu giàu vui, sau cũng giàu vui.

Lại có nghiệp nghèo mà vui thích bố thí.

Ví như có chúng sinh trước từng làm việc bố thí mà chẳng gặp phước điền (Phật, Pháp, Tăng), sau đó lưu chuyển trong sinh tử, sinh vào loài người, do chẳng gặp phước điền nên quả báo nhỏ hẹp, hoặc được hoặc mất, do xưa kia từng tập bố thí nên tuy ở nơi nghèo cùng mà thích thực hành bố thí.

Lại có nghiệp giàu mà tham lam, bỏn xẻn.

Ví như có chúng sinh chưa từng bố thí, gặp thiện tri thức tạm thực hành một lần bố thí vào được phước điền tốt, do phước điền thù thắng nên tài sản đầy đủ, trước chẳng từng tập nên tuy giàu mà xan tham.

Lại có nghiệp giàu mà hay bố thí.

Ví như có chúng sinh gặp thiện tri thức, phần nhiều tu hạnh bố thí, lại gặp phước điền tốt. Do nhân duyên đó, giàu to nhiều của cải mà thích thực hành bố thí.

Lại có nghiệp nghèo mà tham lam, bỏn xẻn.

Ví như có chúng sinh xa lìa tri thức, không khuyên dạy người mà chính mình cũng chẳng thực hành bố thí. Do nhân duyên đó, sinh nơi bần cùng mà lại tham lam, bỏn xẻn.

Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được thân vui mà tâm chẳng vui, như phàm phu mà có phước.

Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được tâm vui mà thân chẳng vui, như La Hán vô phước.

Lại có nghiệp khiến chúng sinh được thân tâm đều vui, như La Hán đầy đủ phước báo.

Lại có nghiệp khiến chúng sinh thân tâm đều chẳng vui như phàm phu vô phước.

Lại có nghiệp khiến chúng sinh mạng sống hết mà nghiệp chẳng hết.

Ví như có chúng sinh từ địa ngục chết rồi trở lại sinh vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, cho đến Trời, người, A - tu - la... cũng lại như thế. Đó gọi là mạng sống hết mà nghiệp chẳng hết.

Lại có nghiệp khiến chúng sinh nghiệp hết mà mạng sống không hết.

Ví như có chúng sinh vui hết thì thọ khổ, khổ hết thì thọ vui... Đó gọi là nghiệp hết mà mạng sống không hết.

Lại có nghiệp khiến chúng sinh nghiệp và mạng sống đều chẳng hết.

Ví như có chúng sinh từ địa ngục chết rồi sinh vào loài súc sinh và đến ngạ quỷ, cho đến Trời người, A - tu - la... Đó gọi là nghiệp và mạng đều chẳng hết.

Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh nghiệp và mạng sống đều hết.

Ví như có chúng sinh hết các phiền não, nghĩa là các bậc Tu - đà - hoàn, Tư - đà - hàm, A - la - hán v.v... Đó gọi là nghiệp và mạng sống đều hết.

Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh, tuy sinh vào đường ác mà hình dung đẹp lạ, mày mắt đoan trang, da dẻ tươi sáng, được mọi người thích nhìn.

Ví như có chúng sinh do phiền não khởi dục phá giới (người đã thọ giới tu tập thanh tịnh nhưng do nhân duyên không làm chủ được mà phạm giới). Do nhân duyên ấy, tuy sinh vào đường ác mà thân thể tươi sáng, sắc lông đẹp mịn, da dẻ tươi thuận, được mọi người thích nhìn.

Lại có nghiệp khiến chúng sinh, sinh nơi đường ác mà hình dung xấu xí, da thân xù xì, người chẳng thích nhìn.

Ví như có chúng sinh từ phiền não si mê khởi phá giới (người thọ giới mà si mê phạm giới). Do nhân duyên ấy, sinh vào đường ác, hình dung xấu xí, người chẳng thích nhìn.

Lại có nghiệp khiến chúng sinh, đọa vào đường ác, bị thân miệng hôi thối, các căn tàn khuyết.

Ví như có chúng sinh, từ si phiền não khởi phá giới, do nhân duyên ấy, sinh vào đường ác, bị thân miệng hôi thối.

Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo xấu bên ngoài. Những gì là mười?

Ví như có chúng sinh nơi mười điều ác nghiệp, phần nhiều thực hành nên chiêu cảm đến các vật dụng bên ngoài thảy thẳng đầy đủ:

Một là người kia hành sát sinh nên khiến quả báo bên ngoài như quả đất có vị mặn, cây thuốc yếu ớt. Hai là do nghiệp trộm cắp nên chiêu cảm đến thời tiết xấu, như sương muối mưa đá, sinh nhiều sâu bọ, châu chấu... khiến đời đói rét. Ba là do nghiệp tà dâm nên chiêu cảm đến vật bên ngoài sinh ra thảy đều hôi nhơ. Năm là nghiệp lưỡng thiệt (đòn xóc hai đầu) chiêu cảm bề mặt quả đất cao thấp chẳng bằng, có nhiều núi đồi, gò ụ, gốc cây, hầm hô. Sáu là nghiệp ác khẩu nên chiêu cảm quả báo bên ngoài như có nhiều ngói, đá, cát, sỏi thô xấu, ác vật chẳng thể tiếp cận. Bảy là nói lời thêu dệt nên chiêu cảm sinh quả báo bên ngoài như có nhiều cây cỏ dày đặc, cành nhỏ nhiều gai. Tám là do nghiệp tham nên chiêu cảm quả báo bên ngoài khiến hạt giống lúa nhỏ lép. Chín là do nghiệp sân nên chiêu cảm quả báo bên ngoài khiến quả cây to sinh ra xấu nhám. Mười là do nghiệp tà kiến nên chiêu cảm sinh quả báo bên ngoài là mầm chồi yếu ớt, thu hoạch quả ít tươi. Do mười nghiệp trên nên bị quả báo ác bên ngoài.

Lại có mười nghiệp được quả báo thù thắng bên ngoài, trái với mười điều ác ở trên sẽ biết.

Ví như có chúng sinh cung kính, lễ bái tháp miếng thờ Phật, được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là người ấy được sắc đẹp và giọng nói thanh tao; hai là những lời nói ra đều được mọi người tin theo; ba là ở giữa đại chúng không sợ sệt; bốn là Trời người thế gian yêu mến giúp đỡ; năm là đầy đủ uy thế; sáu là chúng sinh uy thế đều đến gần gũi để giúp đỡ; bảy là thường được gần gũi chư Phật, Bồ Tát; tám là đầy đủ đại phước báo; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết Bàn. Đó gọi là lễ bái tháp miếu thờ chư Phật được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh cúng thí lọng báu được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là người đó ở đời giống như ô dù che chở cho chúng sinh; hai là thân tâm an ổn lìa các nhiệt não; ba là tất cả thế gian kính trọng chẳng giám khinh khi. Bốn là có đại uy thế; năm là thường được gần gũi chư Phật, Bồ Tất, bậc đại uy đức để làm quyến thực; sáu là thường làm Chuyển Luân Thánh Vương; bảy là khuyên dạy người, thường là gương mẫu dẫn đầu tu tập thiện nghiệp; tám là đầy đủ phước báo lớn; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết Bàn. Đó gọi là cúng thí lọng che được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh cúng thí phướn lụa được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là người đó ở đời giống như ngôi báu quốc vương, rất nhiều bạn bè thân thuộc tri thức cung kính cúng dường; hai là giàu có tự tại đầy đủ của báu lớn; ba là danh thơm truyền rộng khắp nơi; bốn là hình mạo đoan trang, tuổi thọ lâu dài; năm là dù ở đâu cũng giữ vững hạnh bố thí; sáu là tên tuổi nổi tiếng; bảy là có đại uy đức; tám là sinh vào dòng họ cao quy; chín là thân hoại mạng chung sinh lên cõi Trời. Mười là mau chứng Niết Bàn. Đó gọi là phụng cúng phan lụa được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh cúng thí chuông linh được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là người đó được âm thanh Phạm thiên; hai là có danh tiếng lớn; ba là tự biết túc mạng; bốn là có nói ra điều gì mọi người đều tin theo; năm là thường có lọng báu để tự trang nghiêm; sáu là có vòng ngọc báu để làm trang sức; bảy là dáng mặt đoan nghiêm, người thấy liền hoan hỷ; tám là đầy đủ đại phước báo; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng quả Niết Bàn. Đó gọi là cúng thí chuông linh được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh phụng cúng y phục được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là người ấy mày mặt đoan trang; hai là da dẻ trơn láng; ba là bụi nhơ không dính; bốn là sinh ra liền đầy đủ quần áo thượng diệu; năm là giường nệm quý tốt che chở thân mình; sáu là đầy đủ y phục có lòng hổ thẹn; bảy là người thấy đều yêu kính; tám là đầy đủ của báu lớn; chín là mạng hết được sinh cõi Trời; mười là mau chứng niết Bàn. Đó gọi là cúng thí quần áo được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh cúng thí chén bát được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là người ấy ở đời ví như những bậc rộng độ lượng; hai là được thiện pháp thấm nhuần; ba là lìa tâm khát ái; bốn là nếu khát nhớ nước thì dòng suối tự vọt ra; năm là trọn chẳng sinh vào đường ngạ quỷ; sáu là được đồ dùng cõi Trời vi diệu; bảy là xa lìa bạn ác; tám là đủ đại phước báo; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết Bàn. Đó gọi là cúng thí chén bát được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh cúng thí cơm ăn nước uống được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là người ấy được sống âu như cõi Trời; hai là được sắc đẹp; ba là được sức mạnh; bốn là tâm an ổn và được vô ngại biện tài; năm là được không sợ sệt; sáu là không tâm lười nhác, được mọi người kính ngưỡng. Bảy là mọi người yêu thương. Tám là đủ phước báu lớn; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết Bàn. Đó là cúng thí cơm ăn nước uống được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh cúng thí giày dép được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là đầy đủ phương tiện đi lại tốt đẹp; hai là dưới chân bằng phẳng an ổn; ba là gót chân mềm mại; bốn là bước xa nhẹ khoẻ; năm là thân không mệt mỏi; sáu là những chỗ đi đến chẳng bị chông gai, ngói gạch làm tổn hại thân; bảy là được sức thần thông; tám là đủ các vật nhu yếu phẩm; chín là mạng chung sinh cõi trời; mười là mau chứng Niết Bàn. Đó gọi là cúng thí giày dép được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh cúng thí hương hoa được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là người ấy ở đời sạch như hoa; hai là thân không hôi nhơ; ba là mùi thơm phước báo, mùi thơm giữ giới bay khắp mọi nơi; bốn là tuỳ theo những chỗ sinh ra, căn mũi không hư hoại; năm là vượt hơn thế gian được mọi NXB quy ngưỡng; năm là vượt hơn thế gian được mọi người quy ngưỡng; sáu là thân thường thơm sạch; bảy là yêu thích thọ trì đọc tụng chính Pháp; tám là đầy đủ phước báo; chín là mạng chung sinh cõi trời; mười là mau chứng Niết Bàn. Đó gọi là cúng thí hương hoa được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh cúng thí đèn sáng được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là chiếu sáng thế gian như đèn; hai là tuỳ chỗ sinh ra mắt thịt chẳng bị hư hoại; ba là sống trong loài người được mắt cõi Trời; bốn là đối với các pháp thiện ác có trí tuệ sáng suốt; năm là tuỳ theo chỗ ở diệt trừ bóng tối; sáu là được trí tuệ sáng suốt; bảy là lưu chuyển thế gian thường chẳng vào chỗ hắc ám; tám là đầy đủ phước báo; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết Bàn. Đó gọi là cúng thí đèn sáng được mười thứ công đức.

Ví như có chúng sinh cung kính chắp tay được mười thứ công đức. Những gì là mười?

Một là được phước báo thù thắng; hai là sinh vào dòng họ cao quý; ba là được thân sắc tươi đẹp; bốn là được giọng nói thắng diệu; năm là được lọng che thắng diệu; sáu là được biện tài vô ngại; bảy là được lòng tin thắng diệu; tám là được giới thắng diệu; chín là được nghe nhiều thắng diệu; mười là được trí tuệ thắng diệu. Đó gọi là cung kính chắp tay được mười thứ công đức.

Thế Tôn nói pháp này rồi, trưởng giả Thủ Ca ở chỗ Như Lai được lòng tin trong sạch. Bấy giờ Thủ Ca đầu mặt lễ Phật nói lời thế này: "Con nay thỉnh Phật qua thành Xá Bà Đề đến nhà trưởng giả Lực Đề là cha của con, nguyện khiến cho cha của con và tất cả chúng sinh ngày đêm được an lạc".

Bấy giờ Thế Tôn vì lợi ích chúng sinh nên im lặng nhận lời thỉnh cầu. Thủ Ca nghe Phật nói rồi tâm rất vui mừng đảnh lễ xong lui ra.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]