Một lần nữa, mùa Phật Đản lại trở về với sự hân hoan chào đón của người con Phật trên khắp năm Châu. Chúng ta những người đệ tử Phật lại có dịp hòa chung niềm vui, lòng kính ngưỡng, quý trong đối với Đấng Đạo Sư, sáng ngời nhân cách thánh thiện, toàn chơn, toàn mỹ. Cũng vào thời gian này cách đây 2500 năm lịch sử, Thái tử Tất Đạt Đa đã lâm phàm đưới gốc cây vô ưu tại vườn Lâm Tì Ni, thuộc trung Ấn Độ.
Theo truyền sử khi vừa ra đời Thái tử đã bước đi bảy bước, có bảy hoa sen đỡ chân, đồng thời tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất mà thốt lên lời “Thiên thượng thiên hạ,duy ngã độc tôn”. Thế rồi, theo ngày tháng qua đi, Thái tử dần khôn lớn, tinh thông cả văn lẫn võ nghệ, trưởng thành lập gia đình, cuối cùng tu Đạo và chứng Đạo.
Trải qua quá trình lịch sử, cuộc đời của Đức Phật đã được con người hiểu và nhận định theo nhiều cách nhìn khác nhau. Thân thế và sự nghiệp của Ngài đã được nhân loại nhìn nhận, ngưỡng mộ, tôn thờ là một vị Phật hiện hữu trên cuộc đời, cách đây hơn hai mươi thế kỷ. Tuy nhiên, nếu mở rộng tầm nhìn xa hơn, chúng ta không thể giới hạn sự hiểu biết về cuộc đời của Ngài đầy những huyền thoại phi lý và thần thánh hoá với mục đích tạo nên sự thiêng liêng để người đời thêm sùng mộ Ngài. Làm như vậy, chúng ta vô tình đẩy lùi hình ảnh Đấng Từ Tôn vào một thế giới hoang tưởng không thực tế đối với khoa học ngày nay.
Như chúng ta biết sự ra đời của Đức Phật, vốn không xuất phát từ một cõi siêu nhiên, thần bí nào, mà Ngài chỉ là một con người, vì Ngài mang bản chất một con người, nên Ngài luôn cảm nhận được một cách trọn vẹn về nổi khổ của con người, những nổi khổ của sanh, già, bịnh, chết để dâng hiến đời mình cho tha nhân bằng con đưòng tu tập tìm cầu chân lý. Đã có lần Đức Phật nói cùng đồ chúng:
“Ta sanh ra ở thế gian, hiện thân là con người và đồng điệu như bao con người bằng xương bằng thịt. Có khác chăng người đời sống mê trong dục lạc, ta quán xem dục lạc như rừng gươm đao. Có khác chăng người đời ôm ấp tiện nghi, vật chất, ta quán xem tiện nghi, vật chất là xích thừng trói buộc. Có khác chăng người đời sống bằng tâm niệm vị kỷ, tranh chấp, hận thù, ta thì lúc nào cũng ban cho, cứu giúp và sống trong pháp vị yêu thương bình đẳng.”
Cũng từ sự phân biệt có khác giữa mình và người, Đức Phật lại nêu cao giá trị đồng nhất của con người trong khả năng tu tập và giác ngộ, khi nhìn thấu suốt mọi căn tánh của chúng sanh, Đức Phật đã không khỏi ngạc nhiên mà thốt lên lời rằng:
“Lạ thay, lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đủ đức tướng của Như Lai”
Điều này, phải chăng Đức Phật đã khẳng định địa vị con người chỉ khác nhau khi còn ôm giữ bản ngã phàm tình, khi bản ngã phàm tình được diệt trừ thì chơn tánh hiển lộ không sai khác.
Hôm nay, cũng như bao lần, chúng ta những người con Phật đang tưng bừng đón mừng lễ kỷ niệm Phật Đản 8-4. Ngày này có ý nghĩa sâu xa mà không đơn giản chỉ là lễ ăn mừng thông thường. Đây không chỉ nhắc nhở ngày nhập thế của Đức Bổn Sư đã giải thoát nhân loại ra khỏi mọi sự hệ lụy và giới hạn của vật chất, dẫn dắt con người hướng đến đời sống tâm linh có hướng thượng, an vui, giải thoát. Mà ngày này còn là sự xuất hiện của Đức Phật trong tâm hồn của mỗi người.
Do Vậy, muốn tìm thấy Phật tốt hơn hết là chúng ta hãy hướng về bên trong của chính mình, để thấy rằng Phật tánh vốn trong ta. Khi nào trong tâm ta khởi lên lòng thương, có bao dung, hỷ xả, không vị kỷ, không hạn hẹp thì chính lúc ấy hình ảnh một Đức Phật ra đời. khi nào trong tâm ta không còn những đố kỵ, tranh chấp, hận thù, thì đấy chính là lúc một vị Phật trong ta xuất hiện.
Đạo lý Phật dạy đơn giản là vậy đó, thực tế là vậy đó.
Ngay khi Đức Phật ra đời, dưới mỗi bước chân đều có hoa sen đón đỡ, hình ảnh này không mơ hồ mà thật gần gũi với chúng ta, nếu chúng ta hiểu đươc rằng sự hiện hữu của hoa sen, đó là một dữ kiện Đức Phật muốn nói cho mọi người biết rằng, cái gì đó là Phật tánh. Là cái sẵn có trong mỗi con người. Một hoa sen được vươn lên và nở rộ trong bùn lầy và biến chất bùn thành hương thơm lan tỏa. Cũng vậy, Đức Phật là một con người như bao con người sanh ra trong cuộc đời, nhưng luôn không bị cuộc đời làm đắm nhiễm, mê hoặc, hãy lắng nghe âm vang của thi kệ:
“Từ vũng bùn nhơ uế, vứt bỏ bên lề đường, một đóa sen xuất hiện, làm đẹp ý mọi người.
Từ vũng bùn sanh tử, phiền não của thế gian, bậc thánh trí xuất hiện, làm lợi lạc quần sanh”
Với hoài bão đó, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường Ngài đã đi qua, đã tu tập, đã chứng ngộ và được giải thoát Niết Bàn.
Hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm mừng Phật đản sanh, hình ảnh của Đấng Từ Tôn qua khói trầm xông tỏa, vẫn là nụ cười trầm tỉnh, uy hùng. Vẫn là cái nhìn khoan dung từ ái, biểu lộ một tình thương rộng lớn bao la. Chúng ta những người con Phật hãy luôn trân trọng hành trì và vâng giữ giáo pháp của Đức Từ Phụ để lại, thể hiện qua sự kiên trì nỗ lực, bằng vào phương tiện chiếc bè tam học Giới- Định- Tuệ, cùng với tinh thần và hạnh nguyện “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, thay Phật tuyên dương giáo hóa, đem ánh sáng chánh Pháp soi rọi vào trong nhân gian, từng bước vươn lên và hài hòa với những thiện duyên của nền văn hóa mới, con người mới trong thời đại ngày nay.
Dù đã tịch diệt cách đây hơn hai mươi thế kỷ, nhưng lúc nào và bao giờ Đức Phật cũng luôn hiện hữu trong tâm của mỗi người con Phật. Chúng ta, hàng đệ tử Phật hãy hướng về Đức Phật, thành tâm đốt nén tâm hương, cúng dường ngày Đại lễ và cầu nguyện Tăng già có nhiều Bậc tu chứng, có sở đắc tâm linh, để Đạo Phật hiển hóa làm lợi lạc quần sanh.
Có được như vậy, ta mới phần nào báo đáp thâm ân trong muôn một công ơn của Đấng Từ Phụ. Đấng đã hiến mình cho tất cả, và trở nên tất cả.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mùa Phật Đản 2631
Như Nhật