Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niệm Ân (Bài thuyết trình Nhân Lễ Niệm Tứ Trọng Ân 12/12/21 tại Tổ đình Viên Giác Đức quốc của cư sĩ Nguyên Đạo)

15/12/202120:07(Xem: 4208)
Niệm Ân (Bài thuyết trình Nhân Lễ Niệm Tứ Trọng Ân 12/12/21 tại Tổ đình Viên Giác Đức quốc của cư sĩ Nguyên Đạo)

ht nhu dien-viengiac (103) 

NIỆM ÂN

Bài thuyết trình Nhân Lễ Niệm Tứ Trọng Ân 12/12/21

tại Tổ đình Viên Giác Đức quốc của cư sĩ Nguyên Đạo

 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác Hannover,

Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni và kính thưa chư Pháp hữu.

Trước tiên xin thay mặt Giáo sư Olaf Beuchling chúng con xin Hòa Thượng Phương Trượng thứ lỗi cho, là hai chúng con đã không hoàn thành được một bài thuyết trình chung, như từng làm trong dịp Lễ Kỷ niệm 40 năm Chùa Viên Giác, 40 năm Báo Viên Giác và Hội Phật Tử, cũng như dịp khánh tuế 70 của Hòa Thượng như hai năm trước đây.

Rồi hôm nay, vì một lý do ngoài ý muốn anh Olaf cũng không thể đến tham dự buổi lễ được. Anh ta đã gởi bài thuyết trình và Ban Tổ Chức đã đề nghị một người bạn của anh là bác sĩ Thị Minh Văn Công Trâm đọc, tiếp ngay sau phần thuyết trình này của chúng con - cả hai vị này đều là đệ tử tại gia của HT Phương Trượng.

Còn một vấn đề nữa cũng xin kính thưa trước với quý Ngài và toàn thể hội chúng, và cũng để trả lời các câu hỏi của rất nhiều người về việc tiến trình đề nghị trao Huân chương. Trong dịp Lễ hội Viên Giác năm 2019, ở phần cuối bài thuyết trình chúng con/chúng tôi đã đề cập việc đề bạt huân chương này. Được chư Tôn đức khuyến khích, trong đó có cả các vị khách tăng từ xa đến như Sư Seelawansa và Sư Olande Ananda, nên chúng con/ chúng tôi đã bàn bạc kỹ lần nữa và ủy nhiệm anh Olaf Beuchling liên lạc chính quyền để đề nghị chính phủ Đức lưu tâm việc trao tặng huân chương cao quý này đến HT.

Theo thủ tục, trong thư đề bạt chỉ cần đứng tên một người là tiến sĩ Beuchling là đủ, nhưng chúng tôi cũng liên lạc xin phép bốn người và ghi thêm vào, gọi là để tham khảo (tiếng Đức là Referenz) để tăng tính thuyết phục. Đó là bác sĩ Dienemann ở Hannover, tiến sĩ Hồ Lộc - tức Đại Đức Hạnh Giới ở Varel, bác sĩ Văn Công Trâm ở Hamburg, và cá nhân chúng tôi đang làm việc tại đại học Kiel.

Tất nhiên đề bạt chỉ là thủ tục hành chánh, chính yếu vẫn là con người và hành trạng của Hòa Thượng. Ông Thủ hiến tiểu bang Niedersachsen đã đồng thuận và chuyển hồ sơ về phủ Tổng thống. Nhưng sau đó dịch Corona đổ ập đến, kéo dai dẳng và chết người nên mọi việc hành chánh đều tạm gát sang bên. Do vậy mãi đến hôm nay chúng ta mới có được vinh dự này. Bài thuyết trình của tiến sĩ Beuchling do anh Thị Minh đọc sẽ nói rõ hơn và thêm một ít chi tiết cụ thể khác.

 

Bây giờ con/tôi xin phép đi vào phần chính bài thuyết trình.

Thưa liệt quý vị, trước tiên chúng tôi xin giới thiệu vật nhỏ mà ai cũng biết này, như một trợ lý cho bài thuyết trình. Đó là: củ khoai tây. Dù ai cũng biết vậy mà khi hỏi về lai lịch của nó thì ai cũng mù mờ, kể cả người Đức ăn khoai tây mỗi ngày. Vậy xin hỏi lại: quý vị có ai biết lai lịch xuất xứ củ khoai này không? Đừng nói là nó xuất xứ từ siêu thị tên ABC gì đó hay nhà bếp Chùa Viên Giác!

Và xin quý vị cũng đừng thắc mắc rằng, chuyện củ khoai đơn giản này có liên quan gì đến cái Huân chương Tổng thống? Dạ có, có liên quan! Vì vậy nên chúng tôi xin phép ngắn gọn đôi dòng nói về cái món lương thực cơ bản, được coi là không thể thiếu của người dân xứ Đức này. Họ định nghĩa nó là Grundnahrung. Củ khoai tây thuộc nhóm thực phẩm lâu đời bậc nhất trên thế giới. Hơn 5000 năm trước công nguyên đã có mặt nó và củ khoai tây từng mang tên là “vàng của Inka”. Nó đã có mặt tại Nam Mỹ, vùng cao nguyên Anden, bây giờ là địa phận của Peru và Bolivien. Vào thế kỷ thứ 16 những người Tây Ban Nha đến đây tìm vàng đã gặp loại khoai này và họ mang về Âu Châu như một món quà để dâng lên đức Vua. Rồi từ Tây Ban Nha nó lần mò đi sang Đức, nhưng dân Đức lúc đó rất thờ ơ với nó.

Mãi đến thời vua Friedrich dem Zweiten von Preußen (1712 – 1786) trước nạn đói vô phương cứu chữa vua đã khuyến khích dân ăn loại củ này vì nhận thấy nó có nhiều chất dinh dưỡng lại no lâu. Sau đó vua hạ lệnh quân đội và nhân dân trồng loại khoai này khắp nơi. Vậy củ khoai đã di dân từ vùng cao nguyên cao bốn, năm ngàn mét tại Nam Mỹ đến các đồng bằng của nước Đức. Tất nhiên là dân chúng thuở ấy chỉ ăn thuần khoai tây để mong được no bụng (giống như ở nước ta có thời chỉ ăn cơm độn với nước muối, hay khá hơn thì chan thêm chút nước mắm hoặc nước tương, kèm trái ớt hiểm) chứ không phải như bây giờ ăn kèm cá thịt hay thức ăn.

Chắc ai cũng biết bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Van Gogh vẽ vào năm 1885 mang tên “Những người ăn khoai”, vẽ cảnh 5 người trong gia đình ngồi quây quần nhưng trên bàn ăn chỉ thấy độc nhất một đĩa khoai.

Bây giờ, vào thế kỷ 21 này ở các nước Tây phương, như nước Đức này, nạn đói thực phẩm không còn nữa. Nhưng không, thưa quý vị, chúng ta vẫn đang đói! Chúng ta đói về niềm tin, chúng ta đói về lương tâm, chúng ta đang đói về sự đồng cảm. Chúng ta đang đối mặt với “một nền văn hóa dửng dưng”. Rất nhiều người trong chúng ta đã dửng dưng quay mặt khi nhìn thấy đồng loại gặp hoạn nạn. Dửng dưng trước nỗi buồn, niềm vui hay lo lắng của những người chung quanh. Rất nhiều người trong chúng ta cứ phớt lờ xả rác ny lông hay phí phạm tài nguyên thiên nhiên trong khi địa cầu của chúng ta đang bị hâm nóng, băng giá đang tan dần, thiên tai tràn khắp; phớt lờ nhìn địa cầu run rẩy, biển cả thét gào.

Xã hội văn minh Tây phương đang cần một loại thực phẩm tinh thần khác để cứu đói. Cần một cách bức thiết! Củ khoai tây lưu lạc đi từ Nam Mỹ về đến Đức, phải trải qua hơn 200 năm dài thì dân chúng mới nhận ra công dụng của nó; kể từ khi vua Friedrich đệ nhị lên ngôi năm 1740 nhìn thấy sự hữu ích của nó nên đem ứng dụng để cứu những cái bao tử trống rỗng đang chờ chết của dân chúng Đức thời đó. Chúng tôi không biết rõ là củ khoai tây phải cần tiếp thêm bao nhiêu năm nữa mới chiếm lĩnh được vị trí độc tôn trong nhà bếp Đức như hiện nay. Nhưng thưa quý vị, có một điều chúng tôi biết rất rõ. Chúng tôi biết rõ là Phật Giáo Việt Nam chúng ta, với tinh hoa của một món ăn tinh thần bắt nguồn từ giáo lý Phật Đà vi diệu, chỉ sau một thời gian ngắn đã bắt đầu đâm chồi nẩy lộc, hội nhập vào đời sống văn hóa tại đây. Phật pháp đã nhẹ nhàng chạm khẽ vào trái tim và cái đầu của người dân xứ sở Đức quốc này.

Còn nhớ trong một bài viết rất tình cảm trên báo Viên Giác có tên “Những Chiếc Bao Ny-lông Trôi Theo Dòng Đời” của đạo hữu Thị Minh có kể lại kỷ niệm với Hòa Thượng Như Điển ngày mới chân ướt chân ráo đến xứ Đức này. Thầy đã cùng mấy anh em sinh viên du học lúc ấy thành lập Hội Sinh Viên & Kiều Bào Phật Tử VN tại CHLB Đức vào mùa hè năm 1978. Sau phiên họp thành lập Hội Phật Tử xong, mấy thầy trò hào hứng kéo nhau đi dạo vườn hoa Herrenhausen ở thành phố Hannover này. Họ bất ngờ gặp và nói chuyện với bà công chúa con gái hoàng đế Wilhelm đệ nhị của nước Đức là bà Prinzessin Viktoria Luise von Preußen. Bà công chúa nhìn thấy Hòa Thượng mặc y phục lạ nên thắc mắc, khi biết Thầy là một tu sĩ Phật Giáo bèn hỏi: „Wo ist denn Ihr Gotteshaus in Hannover? – Vậy Giáo đường của Thầy ở đâu tại thành phố Hannover này”. Mấy anh em sinh viên Việt Nam lúc ấy đều hãnh diện về căn hộ mới thuê được, hợp với túi tiền, nên trả lời là: số nhà 37 đường Kestnerstr. Bà ta quá đỗi ngạc nhiên, không biết ở đó có một Giáo đường khi nào, và ở đâu? Xin thưa, cái gọi là “Giáo đường” của PGVN chúng ta lúc đó là một căn hộ nhỏ xíu, dưới 50 mét vuông vừa mới thuê được. Căn hộ rất cũ này có hai phòng, cũng là chỗ Thầy ở, được Thầy diễn tả trong một bài viết rằng: mùa đông ngồi ở trong nhà cảm thấy còn lạnh hơn ở ngoài trời.

Như vậy đó! Phật Giáo Việt Nam đã bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên ở xứ này như vậy đó. Và miệt mài ròng rã khổ cực như vậy suốt 43 năm qua. Bây giờ chúng ta đang ngồi đây ngay giữa mùa đông giá lạnh, tháng 12/2021 trong ngôi chánh điện sáng sủa ấm áp như thế này đây, có ai nghĩ tới căn hộ lạnh lẽo và ẩm mốc ngày xưa? Ai không biết chứ tôi biết ít nhất có một người nghĩ tới. Có ai đoán biết được người đó là ai không? Đó là Ông Steinmeier, Tổng thống của CHLB Đức.


ht nhu dien-viengiac (39)
Thuyết trình viên: Cư Sĩ Nguyên Đạo Văn Công Tuấn



Nói vậy để chúng ta cùng nhắc nhau hiểu rõ hơn về sự kiện đặc biệt của ngày 8/12 năm nay. Tổng thống Cộng Hòa Liên Bang Đức đã cứu xét và quyết định trao tặng Huân chương Danh dự Quốc gia Hạng nhất cho Hòa Thượng Thích Như Điển. Huân chương này cũng đã từng trao cho một số người khác. Họ là các trí thức, các nhà hoạt động xã hội, các văn nghệ sĩ, các vận động viên thể thao... có công đóng góp vào những giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội… cho đất nước này. Gần đây vào tháng 3 năm 21 Tổng thống Đức cũng trao huân chương cho ông bà bác sĩ Sahin và Türeci, là hai người thành lập hãng BioNTech và phát minh, điều chế thuốc chích ngừa Covid, đã cứu không biết bao nhiêu sinh mạng trên thế giới.

Cũng xin phép được nhắc thêm một chi tiết khác rất quan trọng để cùng nhớ. Khi triết gia Arthur Schopenhauer (1788-1860) mang giáo lý Phật Đà vào truyền bá tại nước Đức vào những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, ông chỉ có thể giảng dạy Phật pháp giới hạn giới trí thức trong các học viện, ở các môi trường đại học. Để ý kỹ ta cũng sẽ thấy, cả về mặt ngôn ngữ cũng có khác. Thời ấy người ta không gọi ông là “Phật tử - Buddhisten” như chúng ta hôm nay (hoặc chưa có chữ đó), mà gọi ông là “Buddhaisten - Người đi theo Phật”. Ở trước chúng tôi có nói đến hai từ “trái tim và cái đầu” khi nhắc đến sự hội nhập của PGVN trên nước Đức. Hai trăm năm trước triết gia Schopenhauer đã giảng dạy Phật pháp ở xứ này, nhưng quần chúng bình dân vẫn xem Phật giáo như là một sưu tập lạ lẫm đặt trong khung kiếng trưng bày. Nghĩa là chỉ dừng lại ở cái đầu mà chưa đến với trái tim. Từ đầu thập niên 70, đồng thời với làn sóng tỵ nạn VN của chúng ta, Phật giáo Việt Nam đã xuất hiện trong xã hội Đức như một người láng giềng thân thiện, không còn nét xa lạ nữa. Đã có rất nhiều người Đức đủ mọi tầng lớp bắt đầu tiếp xúc với Phật giáo và tu học Phật pháp như chúng ta.

Kính thưa quý vị! Do vậy, điều đặc biệt đáng để chúng ta nói hôm nay; và chúng ta sẽ nói, sẽ nhắc hoài với nhau để nhớ; cũng là điều để nói với cộng đồng Phật giáo cùng khắp năm châu là: Đây là lần đầu tiên Huân chương Danh dự Quốc gia Hạng nhất của nước Đức này được trao cho một người Phật tử, và vị ấy lại là một vị Sư người Việt Nam. Quý vị có biết vị ấy là ai không? Vậy, xin hỏi quý vị Phật tử VN chúng ta hôm nay ở đây: Như vậy có đáng hãnh diện cho chúng ta không?

Khi chính quyền Liên bang Đức quyết định trao Huân chương Danh dự Quốc gia Hạng nhất cho một Tăng sĩ Phật giáo là HT Thích Như Điển, thì ngay thời điểm đó mặc nhiên họ đã công bố một thông điệp mới, trong bối cảnh một nền văn hóa Đức vốn đức tin Cơ Đốc Giáo là nền tảng chính thống nhiều đời ở xứ này. Thông điệp gì? Rằng, từ đây nước Đức đã chính thức xếp các món lạ như: Pháp hỷ thực, Thiền duyệt thực… cho đến Giải thoát thực của Phật giáo chúng ta vào thực đơn tri thức trí tuệ, kế bên các món ăn văn hóa, tinh thần truyền thống của dân tộc Đức hôm nay. Sự hiện hữu của Phật giáo Việt Nam ở xứ này từ đây được xem là đương nhiên, hiện diện để góp phần nuôi dưỡng nguồn mạch tâm linh, tư tưởng cho cả nước Đức trong bước ngoặt nhân tâm khủng hoảng, niềm tin lung lạc như hiện nay.

Thưa liệt quý vị,

Hòa Thượng Thích Như Điển trong buổi lễ tiếp nhận Huân Chương từ tay Thị Trưởng Thành Phố Hannover, ông Belit Onay tại sảnh đường Mosaik của Tòa thị chính thành phố hôm 8/12 đã phát biểu trong diễn văn đáp từ trước ông thị trưởng, các quan khách và báo chí như sau:

Chúng tôi nghĩ rằng trong vườn hoa tôn giáo của xứ Đức nầy nói riêng hay Âu Châu nói chung đều xuất phát từ Thiên Chúa Giáo, Chánh Thống Giáo và Tin Lành Giáo. Rồi qua nhiều năm tháng được tô thắm thêm với các tôn giáo khác như Do Thái Giáo, Hồi Giáo v.v... Những Tôn Giáo nầy đã đóng góp vào nền văn minh của nhân loại như những bông hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa hồng, đã trổ bông thơm ngát trong vườn hoa tâm linh tại những xứ sở nầy. Nay chúng tôi là những người Phật Tử tha hương, không phải chỉ lo về vấn đề kinh tế hay giáo dục, mà hai chữ Tự Do rất quan trọng; nên chúng tôi phải rời bỏ quê hương Việt Nam của mình và đến đây. Nhân dân Đức đã đón tiếp giúp đỡ chúng tôi ở nhiều phương diện khác nhau. Do vậy xin đáp đền ân nghĩa đó bằng cách mang thêm một loài hoa mới từ Á Châu đến đây. Đó là hương thơm của loài hoa sen để góp thêm vào vườn hoa tâm linh của Quý Vị đang hiện có… (Diễn văn mà văn vẻ đẹp như thơ, phải không?)

Thưa quý vị! Đúng vậy! Những đóa sen ấy đã nở rộ và tỏa hương ở xứ này. Sắc hương tinh khiết của loài hoa mới này góp phần tô điểm thêm cho vườn hoa truyền thống văn hóa lâu đời, từng được mệnh danh là xứ sở của những triết gia, của những đại văn hào và những nhạc sư thượng thừa, những bậc thầy của nhân loại.

Kính thưa Hòa Thượng Phương Trượng,

Kính bạch Thầy,

Hàng Phật tử chúng con từ lâu nay đã học được những bài giáo lý thâm diệu mà Thầy đã dạy qua các khóa tu, các thời pháp, qua sách vở Thầy đều đặn siêng năng viết để lại cho đời. Nhưng trên tất cả, chúng con học được bài học thân giáo từ Thầy. Bài học tinh tấn tu tập bất kể tiết trời mưa nắng, bất kể bệnh tật chướng duyên. Bài học từ bi hỷ xả. Bài học bi trí dũng. Rồi hôm nay, khi nhận được Huân chương cao quý từ Tổng thống Đức, Thầy cũng không hề kể đến thành tích cá nhân của mình mà nói đơn giản là "Niệm Tứ Trọng Ân". Ân Cha Mẹ, Ân Thầy Bạn, Ân Quốc Gia, Ân Chúng Sanh. Bài học “tri ân” này chúng con xin nguyện ghi nhớ.

Bởi vậy hôm nay con xin sẽ không chúc mừng riêng Thầy khi tiếp nhận Huân chương. Vậy chúc mừng ai? Thưa: Chúc mừng tất cả chúng ta, tất cả chúng con! Và cả hội chúng chúng con hôm nay cũng xin chúc mừng cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo Âu châu nói chung. Hôm nay trong hội chúng này còn có mặt Ni Sư Jampa Tsedroen (tức giáo sư tiến sĩ Carola Roloff của đại học Hamburg) và Ông Nils Clausen là Hội trưởng Liên Hội Phật Giáo Đức DBU. Họ vượt qua nỗi lo virus Covid biến chứng, lặn lội từ xa đến đây trong mối thâm tình đạo vị của những người con Phật dù khác chủng tộc màu da để góp chung niềm vui ấy với PGVN chúng ta. Chúng con cũng xin chúc mừng họ luôn! Wir gratulieren Euch auch!

Chúng con rất hảnh diện và tri ân người đi gieo những hạt giống này. Người ấy là Thầy, Hòa Thượng thượng Như hạ Điển.

Cuối cùng, con xin được phép đại chúng thưa thêm một câu riêng với Thầy: Con đoan chắc rằng triết gia Schopenhauer cũng đang có mặt ở đây hôm nay. Ông cụ rất vui và nói: Ich bin ganz stolz auf Sie. Tôi cũng biết ơn Thầy Như Điển lắm!

Xin cung kính cám ơn chư Tôn Đức và quý Pháp hữu đã lắng nghe.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

---

Nguyên Đạo Văn Công Tuấn

Viên Giác Hannover - 12/12/2021




 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567