Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Làm việc kiến trúc với Sư Ông

15/10/201409:33(Xem: 12986)
Làm việc kiến trúc với Sư Ông

 

Minh Hiển Tào Khê Nối Dòng Phật Giáo Việt

Tâm từ tưới mát Pháp nhủ đượm trời Âu

 

Hôm Sư phụ Phương Trượng điện thoại cho tôi hay, đã nhận được giấy phép Hồng điểm (Roter Punkt), cho phép khởi công xây dựng cổng Tam Quan và Quan Âm đình ở Ravensburg; Sư phụ đã kể lại sự thành công của Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 25 ở Phần Lan, nhưng có chuyện buồn là Sư Ông không ngồi nổi nữa, phải nhập viện vào ra hai ba lần. Lần đầu vào khám lại bao tử đã bị cắt bớt lâu rồi, lần hai khám tim, đập không đều, nên hay than mệt, lần sau hết các bác sĩ còn khám phá ra nước trong phổi!

Tôi buộc miệng: “Vậy là nặng lắm!”, vì tôi liên tưởng đến người cậu họ nhập viện cũng do có nước trong phổi, rồi chỉ 8, 9 tháng sau là ra đi.

Còn 1 đồng nghiệp Đức tuổi thanh niên của bà xã thì không đầy 2 tháng! Nhưng tôi lại an tâm khi xem những tấm hình khóa giáo lý Thầy Quảng Đạo gửi qua Email, Sư Ông vẫn đi lại bình thường và nghe cuốn băng anh em đã dự khóa mang về, tiếng nói Sư Ông buổi khai mạc vẫn còn mạnh.

Trời Saarburg vào Hè nắng nóng. Bỗng đột nhiên trời sụp tối, cơn mưa rào ập đến: Nghe tin Sư Ông thị tịch mà không nén nổi niềm đau! Dẫu vẫn biết: Đời là viễn mộng, cõi Vô thường khởi đầu Thành, có lúc Trụ, tất kết cuộc Hoại, Không. Nhưng từ nay chúng con không ai còn gặp mặt và được nghe lời giảng dạy của Sư Ông nữa! Nhớ lại lúc xây chùa Viên Giác phải nghe nhiều lời chê, tiếng khen.

Tiếng khen thì nhẹ bay theo gió. Lời chê thường nặng, nhiều khi không mang vác nổi. Sư Ông đã an ủi qua mấy lời đăng trên báo Khánh Anh:

“… Các công trình xây dựng mới, nếu không theo nề nếp cũ sẽ bị phê bình nhiều. Ngay như tháp Eiffel bên Pháp, lúc mới hoàn thành cũng bị dư luận chê bai chống đối đủ điều, nhưng bây giờ nó là biểu tượng của kinh thành ánh sáng Paris. Chùa Viên Giác mới cũng không tránh khỏi, tuy có tốn kém nhiều, nhưng tiền bạc là phấn thổ, đạo nghĩa tợ thiên kim, nhứt là nơi thờ Phật, truyền bá giáo lý của đấng Thế Tôn mới trường tồn với thời gian…”

Cũng như vị giáo sư Đại học Kiến trúc cư ngụ bên Bỉ đã khen chùa Viên Giác “thiết kế không theo lối mòn cũ, hay chép lại cổ điển. Vì nếu kiến trúc không tạo thêm đường nét mới, thì nghệ thuật xây dựng phương Tây vẫn còn ở mãi trong thời cổ đại, không bước qua Roman, nói gì vươn lên đến Gothique, rồi trở về Phục Hưng.”

Ngay chữ Gothique lúc đầu là tiếng chê đè của dư luận thời đó vì Goth là tên gọi giống dân bán khai ở miền Nam Pháp. Như người Huế nói, kiểu của bọn Trìa, hay người Nam nói, kiểu của tụi Đàn Thổ ở miệt Sóc Trăng, Trà Cú. Người Đà Lạt chê đồ của tụi mọi Radé. Đến nay Nhà thờ Đức Bà ở Paris và Đại Giáo đường ở Reims đã tiêu biểu cho thời cực thịnh của nghệ thuật Gothique.

Khi Sư Ông theo lời giới thiệu của Sư Phụ Viên Giác, gọi tôi qua Evry để thiết kế và trông coi xây dựng chùa Khánh Anh mới, tôi rất e ngại vì Sư Ông đã nhờ một kiến trúc sư đàn em ở Lyon vẽ rồi, tôi không muốn chen vào mất lòng anh em. Nhưng Sư Ông đã mượn thí dụ: “Nếu anh đi lấy chiếc áo đã đặt may mà không vừa ý, anh đâu có chịu mặc nó, còn phải mặc suốt đời. Anh sẽ lựa một thợ khác, may cho hợp sở thích mới mặc, huống hồ xây một ngôi chùa trải qua bao thế hệ”.

Phần tôi vốn có hạnh nguyện, được tiếp tục thiết kế và tham gia xây dựng các ngôi chùa ở Âu Châu, nên nghĩ nếu mình không nhận, thiết kế nầy có thể giao cho một ông Tây, hay người ít hiểu đạo thì công trình nầy biết đâu không che chở được Hồn Dân Tộc.

Qua lại làm việc khi thì thiết kế bên Đức, lúc theo GS Diệp gặp thầu thợ bên Tây. Nhưng các thầu Tây sau nhiều lần hội họp tham khảo được vài tháng đều rút lui vì không nhìn đâu ra khả năng tài chánh của mình và chùa cũng không có thu nhập chánh thức nào. Sau thời gian hùng hục vẽ cho nhanh, lên tỷ lệ cho gấp để kịp giao cho kỹ sư bê-tông tính Statique, giờ đây nhìn lại chánh diện chùa mới, theo con mắt Đông phương mới hay người thiết kế trước đã đặt tháp cao phía Bạch Hổ làm mất cân bằng phía Thanh Long thấp hơn, khiến âm thịnh, dương suy. Tôi liền sửa lại bằng cách chôn tầng dưới của tháp cao thành tầng hầm và xin Sư Ông cho xây ba tầng tháp phía Thanh Long, bên trên phòng Sư Ông, mà sau nầy Sư Ông đặt tên là tháp Đa Bảo, dụ cho tháp lơ lửng giữa tầng không như trong Kinh Pháp Hoa. Sư Ông chấp thuận ý kiến sửa đổi địa lý của tôi ngay buổi chiều đó, thì sáng hôm sau có nhà thầu Bồ Đào Nha nhận thực hiện công trình.

Về nhà tiếp tục vẽ, rồi qua lại bên Pháp giao cho kỹ sư statique tính bê-tông. Kế đó trông coi công trường, chỉ cho thầu thợ đúc bê tông, dựng tường vây và lên tầng hầm. Quý Thầy đến thăm, có Thầy bảo, tầng hầm rộng quá đủ chỗ cho các Thầy trò chia phe đá banh, vì luật xây dựng của thành phố đòi phải có 50 chỗ đậu xe cho chùa lớn. Độ năm bảy tháng sau, khi đám thợ đang sửa soạn đóng ván khuôn cốp pha để đúc bê-tông tầng trệt thấp, bỗng nhận được thư hăm dọa của em đồng nghiệp, bảo tôi phải rút ngay về Đức, để em thưa mấy người không đủ tư cách trông coi xây dựng chùa ra tòa. Bằng không em sẽ kiện cả tôi ra sở xây dựng thành phố Evry về tội xâm phạm bản quyền và thưa ra Kiến Trúc Sư Đoàn Âu Châu về tội qua nước người ta tranh việc. Sư Ông đã nhẹ nhàng trấn an: “Anh cứ tiếp tục, ai thưa chùa sẽ mướn luật sư cho anh. Huống gì chùa đã trả tiền các bản vẽ của anh đó rồi và thiết kế của anh cũng khác xa với các bản vẽ đó thì đâu còn liên hệ bản quyền gì nữa.” Dù vậy tôi vẫn buồn lo trong lòng. Công việc vẫn tiến hành đều qua nhiều tháng năm. Tôi vẫn thiết kế vẫn ra coi công trường, nhưng trang trải mối lo qua mấy câu thơ trình Sư Phụ và Sư Ông:

Lợi đã thoát vòng, vướng chút danh,

Bao năm công quả, phước để dành

Thiết kế hai chùa hoa sen nở, (1)

Góp chút duyên lành nghiệp (2) đòi tranh”

(1) - Hoa sen (chữ của Sư Phụ sửa)

(2) - Nghiệp ở đây là nghiệp của mình mà cũng là đồng nghiệp!

Từ nay còn đâu những buổi tối Thầy trò cùng khệ nệ khiêng chiếc bàn tròn xếp, đặt ở góc văn phòng chùa cũ Bagneux, để tôi trải những tấm họa đồ mới vẽ đem từ bên Đức qua, để Thầy xem xét cho ý kiến, ký tên, hoặc sửa đổi thêm bớt những bản vẽ cũ với những lời dặn dò cho ngày mai, tôi đón RER ra công trường chỉ lại cho thầu thợ.

Có những buổi sáng ngồi nán lại trên bàn điểm tâm nghe Thầy dặn mọi người sinh hoạt trong ngày, đôi khi Thầy nhắc thêm việc tôi phải gặp ai tại Evry, chuyển lại ý muốn của Sư Ông cho thợ. Chợt nghe Sư cô nói:

Anh Châu! Bà Hồng mới điện thoại nói anh phải chạy mua gấp mấy bắp cải, cải bắc thảo và đu đủ sống còn thiếu, để trưa bả tới làm, nếu không anh chết với bả! Tôi vui miệng chen vào.

Chuyện có 1 chút, mà mất tới hai nhân mạng!” (Anh với Bả cùng chết).

Sư Ông tiếp ngay: “Đừng lo, chùa nầy ngày nào mà không làm lễ cầu siêu!”.

Hoặc lúc vào phòng Thầy chào từ giã, ngồi lại nghe Thầy dặn công việc lần tới, Thầy luôn hỏi thăm việc Chi Hội, chùa Viên Giác, chùa Thụy Điển, Tiệp Khắc… và giải đáp những thắc mắc về nhân vật nầy, dư luận nọ… kể cả việc Thầy đang ở Nhật được Giáo hội cử sang Pháp thay Thầy Nhất Hạnh lo việc Phật sự bên trời Âu vào lúc chiến sự leo thang trước hội đàm Paris.

Có những việc do Thầy đề nghị, tôi đồng ý ngay, hay tôi trình bày, Thầy chấp thuận dễ dàng, như vấn đề phong thủy, hoặc nới rộng diện tích các tầng tháp lên gấp ba. Nhưng cũng có việc Thầy trò bàn thảo rất lâu, nhiều lần mới được Thầy miễn cưỡng chấp nhận như thang xiên (Rampe), theo dự án ban đầu, chạy dài từ cổng Tam Quan ra tận phía sau mà phải hai ba vài thang như vậy mới lên được một tầng vì độ dốc cho xe lăn của người tàn tật di chuyển không được quá 5% (nghĩa là muốn lên 1 thước phải bố trí thang dài 20 m và rộng 1m40 cho 2 xe lăn lên xuống tránh nhau), mà thang xiên phía trước theo luật đòi hỏi, lại chỉ được dùng vào những dịp đại lễ, nên còn cần thêm một thang xiên như vậy ở phía sau để sử dụng thường hơn. Nhưng thang phía sau đặt theo chiều ngang nên phải vòng vo nhiều vài hơn, chiếm nhiều đất hơn. Nếu thực hiện thì sau nầy làm gì còn chỗ để xây đài tưởng niệm và vừa dời vừa mở rộng tháp Địa Tạng từ ngoài rìa đường vào đặt ngay trên trục chính của chùa, từ cổng Tam Quan qua chính điện phía trên và hội trường phía dưới và trùng ngay trục chính thành phố Evry dẫn qua đại lộ diễn hành các lễ hội, đến tận bờ sông Seine. Nên một hôm tôi đi vòng quanh chùa chụp hình, một chuyên viên quy hoạch thành phố đã dừng xe đón tôi để khen ngợi điều nầy. Tôi đã thay các thang xiên chiếm nhiều chỗ đó từ bên ngoài đem vào bên trong kết hợp thành hành lang. Tiết kiệm gần triệu quan, vừa có thể mở rộng tòa chùa chính từ tầng trệt thấp, lên tầng hội trường (trệt cao) và tầng chánh điện (lầu 1), dời các tường vây từ chỗ để lại hai hàng cột đến bờ lan can, rộng thêm mỗi bên 2m55, hơn gần 1/3 diện tích cũ. Gọi là tầng trệt thấp cho dễ hiểu, dịch thoát từ chữ Rez de Jardin (tầng vườn). Tầng nầy nguyên là tầng hầm thứ nhứt theo dự án ban đầu, còn tầng hầm hiện giờ là tầng hầm thứ hai chôn sâu dưới 7 thước đất (-7m). Nên lúc vừa nhận thiết kế chùa, tôi đã đề nghị bỏ bớt một tầng hầm, còn 1 tầng hầm rộng như sân banh đủ rồi, vì chiết tính xây dựng toàn thể chùa mới quá cao, dù lúc đó chưa biết chùa còn mở rộng, tăng diện tích các tháp, đào tầng hầm cho tháp cao thêm vững, lại xây lên 2 tầng tháp nữa và thêm tháp Đa Bảo. Nhưng Sư Ông vẫn quyết định giữ lại dù phải chịu tốn kém và chỉ đồng ý ngay đề nghị của tôi cho nâng tầng hầm lên cao mấy thước để trần của nó cũng là sàn tầng trệt thấp ngang mực với sân sau, đỡ tốn bao nhiêu chi phí cho việc đào bao nhiêu m³ đất sâu xuống 7m và phải xây thang xiên để các xe hơi chạy lên xuống đậu. Càng về sau, càng thấy Sư Ông đã nhìn xa vì nếu bỏ tầng nầy, nay làm gì còn chỗ để bày những buổi ăn trưa và phát hành quà bánh vào những ngày đại lễ, cũng không có nơi để giải tỏa thêm hơn hai mươi bàn ăn trong các bữa cơm xã hội, khi tầng hội trường đã bày chật hết các bàn. Còn hôm tang lễ thì tầng nào cũng chật ních.tran phong luu

Khi đã kết hợp thang xiên với hành lang thì các phòng mở ra hành lang phải nhảy bậc cho ngang với độ cao của thang xiên. Do đó khi các phòng đã dừng vách ngăn, không thấy trở ngại gì. Nếu chưa, còn trống trải sẽ gây thắc mắc cho người đi xem, hoặc ở lại sử dụng. Rồi Thầy trò cùng đồng ý, sau nầy phải lắp đặt thang máy cho người già và tàn tật, giải quyết sự chênh lệch độ cao các tầng giữa tòa chùa chính gồm hội trường, chánh điện trần cao và các dãy Tăng xá trần thấp. Chỉ còn vấn đề cầu thang trong, do Sư Ông đã dời sân khấu hội trường từ dưới Phật điện ra phía trước cổng, nên mọi người đều thích sử dụng cầu thang phụ lên tháp chuông, hơn là đi vòng đến cầu thang chánh ¼ vòng tròn ở giữa chùa. Mặc dầu tôi đã mở rộng hết mức 2 cầu thang phụ nầy thêm 20 cm so với dự án ban đầu nhưng vẫn gặp trở ngại hôm Đức Đạt Lai Lạt Ma đến làm lễ Thánh Tẩy.

Việc xây dựng tiến hành rất chậm, trong khi tài chánh tiêu tốn rất nhanh, mà tiền đóng góp các nơi, hội thiện ngày càng thưa thớt. Nhiều lúc tưởng như chùa không cách nào trả nổi những món tiền to. Vậy mà không thấy Sư Ông lo. Chỉ thấy Sư Ông hẹn sau ngày đại lễ, rồi hẹn đi Mỹ, đi Canada… về sẽ có… Ít ai biết Thầy đã vay mượn ở đâu, còn sót trưởng giả Cấp Cô Độc nào ở thời buổi khủng hoảng tài chánh nầy. Trên các bản tin Khánh Anh đều đăng lời kêu gọi khẩn cấp thêm hội thiện, hết đợt 1 đến đợt 2… để trả góp từng đợt cho nhà thầu. Đến mức Dượng Bảy của tôi ở Paris, nguyên nhà thầu ở bên nhà, đã từng thầu xây dựng một phần Đông Nam Á Vận Hội ở Nam Vang, Campuchia và đã từng trúng mối thầu 38 triệu quan cũ hồi mới qua Pháp, lo lắng hỏi tôi, “Hồi Thầy Viên Giác xây chùa mới, mọi người còn hăng hái đóng góp lần đầu, người đi làm còn đông, nước Đức lại giàu hơn, việc hoàn thành ngôi chùa cũng không kéo dài quá; còn bây giờ nước Pháp đang gặp khó khăn, số thất nghiệp leo thang, người quyên góp nhiều lần đã mòn mỏi… Thầy Khánh Anh bận tâm nhiều việc như vậy, liệu còn thì giờ để tu nữa không?”. Tôi thiệt không biết phải trả lời sao. Mãi gần đây nghe Sư Phụ kể mới biết, Sư Ông đã chỉ bảo cho đồ chúng cách tu của mình: “Tu tức là học, học tức là làm việc, làm việc tức là tu, tu tức là học…”. Cứ thế đi giáp vòng, như không bắt đầu, cũng không kết thúc. Nhưng người đệ tử Út của Sư Ông mấy năm trước đây không nghĩ như vậy, dù được Sư Ông để ý, chiều chuộng, chăm sóc hơn các đệ tử lớn. Lúc đầu chú cũng vui khi được vinh dự hầu trà nước điểm tâm, dọn ăn cho Sư Ông, nhưng dần dần chú thấm mệt vì nhiều việc làm. Ngày nào cũng nhiều việc. Hết các sư Huynh, sư Tỷ sai làm việc nầy, kêu lo việc nọ, đến các bác công quả nhờ giúp khiêng dùm món nặng, lấy dùm vật để trên cao, tìm cho được vật dụng ai đã đem cất đâu mất và mấy ngày đi chợ phải nhớ mua cho họ bao nhiêu thứ. Rồi đến cuối tuần phải phụ lo bao nhiêu đám giỗ, đám cầu siêu, vừa mới xong Lễ Tết chưa bao lâu, lại phải chuẩn bị Đại lễ Phật Đản, rồi đến Vu Lan. Nên hễ nghe có đoàn thể nầy, nhân vật nọ đến chùa, phải khiêng bàn họp, dọn thêm bàn ăn, là chú lặn mất, lấy cớ, đi tu không lo đến chính trị. Một hôm quá giang xe chùa đi chợ để mua ít rau quả tươi đem về Đức. Tôi tìm dịp khuyên chú, “Chú sẽ hành đạo bên đây, nên theo học lớp Pháp ngữ để được thuận tiện sau nầy”. Chú quay lại nói với anh Châu đang lái xe, “Bây giờ mà ổng còn kêu tôi đi học tiếng Tây”. Ít lâu sau tôi nghe chú đang học tiếng Tàu, rồi bỏ chùa về Đức đi làm lại. Sư Ông đã điện thoại nhờ tôi tìm cách liên lạc, mời chú ra sinh hoạt với Chi Hội, thuyết chú đừng bỏ tu uổng công phu bấy lâu. Điện thoại mấy lần chỉ gặp được ba má chú, rồi sau cùng mới nghe được tiếng chú cho hay, chú vẫn còn tu tại gia, vì ở chùa nhiều việc quá khó mà chuyên tu. Thăm hỏi dần dần những người ở gần, qua lại thân thiết với gia đình chú mới biết thêm, thật ra chú muốn có phương tiện đi qua Tàu để bái vị Thầy khác đang tu học bên đó, để được nghe giảng những pháp cao xa hơn những lời dạy đơn giản bình thường của Sư Ông.

Công việc xây dựng tiến hành rất chậm, không chỉ vì lý do tài chánh, mà còn những phức tạp kỹ thuật, những đòi hỏi kiểm tra nghiêm ngặt, khó khăn hơn bên Đức. Hồi xây chùa Viên Giác tôi chỉ gửi các bản đồ chùa tỷ lệ 1/100 cho kỹ sư bê-tông, Statiker ở München, tính rồi gửi lại cho tôi một tập gồm các bản tính với các hình vẽ nhỏ các cột kèo, sàn chùa, nhà Đông nhà Tây… để tôi bao giàn, vẽ lên tiếp toàn bộ công trình tỷ lệ gấp đôi với các bản đồ cách đặt sắt, loại sắt thép đầy đủ chi tiết kích thước, tỷ lệ gấp 5, gấp 10, để giao cho thầu thợ thực hiện được ngay, mà chỉ trả cho Statiker khoản chục ngàn Đức Mã. Trong khi bên chùa Khánh Anh, tôi phải mất thêm 1, 2 tháng để vẽ toàn bộ hồ sơ tỷ lệ 1/50 để giao cho ông kỹ sư tính Statique theo ý họ, thay vì hệ cột và đà chịu của tôi, họ kết hợp tường và cột chịu bỏ các đà thòng tăng sàn nhà lên 5 – 10 cm bằng những tấm bê tông cốt cáp tiền chế, đúc sẵn tự chịu những độ oằn, nhún cao. Rồi nhờ các họa viên vẽ lại bằng máy và tính với chùa hàng trăm ngàn Euro. Xong mới giao qua nhà thầu thực hiện. Nhưng mỗi lần đặt sắt, đổ bê tông đúc sàn nhà hay dựng cột đều phải hẹn Socotec đến kiểm tra. Họ là công ty kỹ thuật hợp đồng với sở xây dựng. Có chữ ký của các chuyên viên nầy, sở xây dựng mới thuận cho qua mỗi đợt kiến tạo. Nghĩa là phải tốn thêm ngày giờ và tiền bạc nữa. Chính ông chuyên viên kiểm tra này đã từng cười nói với tôi, công trình tôn giáo nầy khiến ổng liên tưởng đến chuyện xây tháp Babel trong Thánh Kinh vì nhiều người từ nhiều quốc gia khác nhau cùng đến đóng góp. Tôi cũng vui vẻ chỉnh lại, tuy tôi là kiến trúc sư Việt mang thiết kế từ bên Đức qua, ông kỹ sư tính bê tông gốc Algérie, nhà thầu xây dựng và cai thợ người Bồ Đào Nha, hai người thợ láng xi măng từng hầm da đen dường như gốc Trung Phi. Anh chàng người Lào lái xe tải trộn bê tông đến công trường, không biết từ Pagode mà chỉ biết Vat là đền thờ Phật và ông thầu điện, nước, sưởi da trắng nhưng lai Bắc Phi. Nhưng chúng tôi nghe, hiểu nhau bằng tiếng Pháp nên mọi việc cũng suôn sẻ. Chỉ về sau dừng nóc, lợp ngói lưu ly, chúng tôi mới gặp ít trở ngại với các chuyên gia, thợ Tàu đến từ Tây An. Họ không hiểu tiếng Pháp mà cũng không biết tiếng Việt. Nên tôi phải ráng học chút ít tiếng quan thoại để vừa vẽ, vừa ra dấu mới hiểu nhau được. Chỉ khi phải bàn cãi nhiều, giải thích lâu mới nhờ anh Lương thông dịch. Như lúc tôi nhứt quyết phải thay các vì kèo sắt kết tam giác thường thấy trong các hãng xưởng mà bắc lên nóc chánh điện với thanh ngang kiền dưới che khuất đầu tượng Phật, do trong bản vẽ sườn nóc riêng, khó thấy trước được. Tôi đề nghị kiểu vì kèo kết trính xiêng lên đỉnh cao tương tự như bên chùa Viên Giác. Cuối cùng chúng tôi thỏa thuận kiểu vì kèo bằng tấm tôn sắt như hiện giờ với rìa dưới hình vòng cung giúp các tia nhìn được thông thoáng và vươn cao hơn.

Từ từng hầm lên chánh điện, các từng kiến trúc chùa chính lần lượt dựng lên, bắc qua các dãy Tăng xá. Từ tháp Địa Tạng phía sau, ra tháp Quan Âm phía trước và lên 3 tầng tháp Đa Bảo. Các dãy phòng sinh hoạt, phía bãi đậu xe công cộng cũng lần lượt lên 3, 4 tầng, thêm tầng nóc. Mà mỗi lần thêm, mở rộng, sửa chữa đều phải điều chỉnh lại bình đồ, vẽ các diện đồ và thiết đồ, tốn thêm thời gian và phải làm gấp, kịp giao cho kỹ sư, nhà thầu… chưa kể Sư Ông phải lo chạy thêm tài chánh. Dần dần tôi cũng biết được, vẫn còn nhiều người có lòng thương lo tiếp Sư Ông, dù phải làm thêm việc cực nhọc, vất vả, lau chùi, quét dọn vệ sinh… Như một chị trong Chi Hội nhờ tôi đưa qua Pháp gặp Sư Ông góp vào hội thiện cả chục ngàn Euro. Có chị lớn tuổi ở Hòa Lan, dự khóa tu giao duyên ở chùa Viên Giác, đón tôi hỏi cách gửi qua Khánh Anh tiền tiết kiệm dưỡng già và lo hậu sự độ mười mấy ngàn. Hơn hết có chị kỹ sư cầu cống (dành cho phái nữ) bên Pháp đã hưu trí, đã nhiều lần hiến cúng và đóng góp xây chùa, vẫn còn thường xuyên công quả hương hoa trên chánh điện, đã quyết định cầm thế nhà mình đang ở cho ngân hàng, để vay tiền cho chùa!

Đến đây tôi đã yên tâm khi nhớ lại ngày đầu nhận việc, ra công trường vừa đào từng hầm, nhà thầu láng nền xi-măng xong đã bỏ đi lâu rồi, không hẹn ngày trở lại. Cây hoang cỏ dại mọc đầy. Tới nay đã tiến qua một quá trình dài. Hình chùa chụp từ trên cầu bắc qua quốc lộ N7, gửi về đồng nghiệp bên nhà, đã được khen là rất hoành tráng. Nên cũng bắt đầu hừng chí, có dịp trình Sư Ông xem bài bát cú kỷ niệm thời gian làm việc kiến trúc với Sư Ông:

Pháp quốc, Evry kiến Phật Đình,

Góp phần thiết kế, tạo công trình.

Hợp sức trồng sen trên đất tuyết,

KHÁNH tường xây dựng, chúc thường minh.

ANH tài các nước dâng công quả,

ĐỊA TẠNG chín từng (cửu phẩm), nguyện vãng sinh.

QUAN-ÂM thất trùng (Thiên)(7 tầng trời), LƯU công đức,

ĐA BẢO tam TRẦN (3 trần tháp) nhiếp PHONG linh.

Một dịp lễ ở chùa Lyon, Sư Ông xuống chứng minh, đã gặp em kiến trúc sư ban đầu, liền hỏi: “Bây giờ chùa đã xây lên nhiều tầng, dựng lên tới ba bảo tháp lớn, anh xem nó có khác xa với các bản vẽ của anh không?”

Em đã lẳng lặng bỏ đi, cũng không nhắc nhở gì đến kết quả vụ thưa kiện chùa và tôi. Lần khác đi công trường gặp ông Bùi, người thường xuyên ra vào sở xây dựng thành phố Evry để lo giấy tờ, phép tắc cho chùa, tôi cũng hỏi lại. Ông đã trả lời, “Họ vất bỏ đơn thưa của nó vào sọt rác rồi, ai hơi đâu xử vụ con nít. Chú đã từng sáng chế thuốc Tây và đã bán cho Dược viện thì nhà thuốc muốn dùng hay thay đổi tùy ý. Còn nói tới bản quyền gì nữa”.

Về sau lúc đưa bà Giám đốc sở xây dựng cùng mấy chuyên viên tùy tùng đi khắp các tầng chùa, để họ kiểm tra những sai biệt giữa công trình hiện hữu và dự án ban đầu, chính bà cũng nói: “Nhìn hai bản thiết kế tôi đã hiểu tại sao gia chủ (Maitre d´ouvrage) đổi Kiến trúc sư “.

Tuy nhiên vẫn còn một anh Kiến trúc chưa ra trường, tiếp quản Hội Ái hữu Kiến trúc Sư bên Pháp, hầu như đã tan rã, vì các anh trong Ban Điều Hành đã bỏ về Việt Nam làm ăn, hoặc vì mỏi mệt, tuổi già không còn muốn đến sinh hoạt. Anh tự cho mình có trách nhiệm lấy lại “công đạo” cho em Kiến trúc Sư Lyon. Nên đã nhiều lần gửi hình ảnh chùa Khánh Anh Evry lên internet với tên tác giả là Kiến trúc sư ở Lyon. Nhứt là hôm Đức Đạt Lai Lạt Ma đến chùa mới cử hành lễ Thánh Tẩy, anh chụp đầy đủ các hình ảnh gửi qua Email đến khắp các gia đình Kiến Trúc hải ngoại và nhấn mạnh tác giả công trình nầy chính là Kiến trúc Sư ở Lyon.

Qua nhiều năm tháng làm việc thiết kế và xây chùa với Sư Ông, được nghe lời dạy bảo của Sư Ông vào những lần ngồi tại văn phòng, bên bàn viết trong phòng ngủ nhỏ hay trong chánh điện chùa Khánh Anh cũ và ngoài công trường Evry; cũng như đọc những kinh sách và những lời giảng Pháp của Sư Phụ tại chùa Viên Giác hay trong những kỳ thọ Bát Quan Trai ở Chi Hội, từ lâu tôi đã xem nhẹ chuyện lợi danh, dù hàng tháng, hàng năm vẫn còn phải lo việc thiếu tiền điện nước, thuế nhà, đất, bảo hiểm xe cộ… nên tôi đã sửa mấy chữ trong các dòng tâm sự trên:

Lợi đã thoát vòng, vướng chi danh,

Bao năm công quả, phước đề dành.

Thiết kế mấy chùa, hoa Sen nở,

Góp chút duyên lành, tránh nghiệp tranh.

Sư Ông đã đi và giảng pháp khắp các châu lục, tổ chức 25 khóa giáo lý khắp Âu Châu, tạo dựng hoặc đề xướng và ủng hộ kiến tạo bao nhiêu ngôi chùa, nhưng mỗi sáng chỉ thấy Sư Ông ăn một tô mì gói, ngày Sư Ông làm việc trong căn phòng nhỏ trên lầu bên chánh điện chùa cũ, như một gác trọ, ba mặt dựng kệ sách, chỉ chừa một cửa sổ, lại thông qua sân sau đóng kín lợp nóc, chứa đầy những thùng, tủ lạnh và nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh như một cái kho, mà cửa ra vào chỉ mở vào cuối tuần, mang theo khói thức ăn của mấy nhà bếp đang thổi nấu phát hành và những tiếng ồn ào cùng các chuyện phức tạp ngoài đời. Tối Sư Ông ngủ trên chiếc giường hẹp trong căn phòng thiếu ánh sáng thiên nhiên và khí trời đó. Có lần tôi thoáng nghe ai đó nhắc nhở Sư Ông phải đi tái khám, nhưng Sư Ông đã từ chối, vì nếu nhập viện phải nằm lại 1-2 tuần, trong lúc bao nhiêu việc cần giải quyết, bao nhiêu nơi cần Sư Ông đến dự hội, chứng minh hay chủ lễ giảng Pháp. Ngay công trường xây dựng chùa mới cũng cần Sư Ông đến cho ý kiến, tô bồi chỗ nầy, hoàn tất chỗ kia, trả tiền thầu, phát lương thợ, thanh toán hóa đơn giao vật liệu… hết tháng nầy qua năm khác. Mọi việc không thể để ngưng trệ. Không mấy ai biết Sư Ông chỉ còn 2/3 hay 1/3 bao tử. Từ các Pháp hữu đồng hành xuống hàng Tăng Ni trẻ luôn thấy Sư Ông bao lâu nay đều chu toàn Phật Sự. Chúng đệ tử và các Phật tử khắp Âu Châu đều không để ý, Sư Ông đã quên bịnh, lướt bịnh, lúc nào cũng đến với mọi người ở mọi nơi. Chưa kể các hội đoàn chánh trị luôn tìm đến nương tựa vào uy tín của Sư Ông, rước đi tranh đấu biểu tình. Cho đến khi không còn ngồi nổi nữa, Sư Ông vẫn còn chần chờ chưa muốn nhập viện vì khóa học chưa mãn. Hôm khai mạc ai cũng thấy Sư Ông đi lại vững chãi, phát biểu mạnh khỏe như mọi lần. Buổi bế mạc, được đưa từ dưỡng đường về, Sư Ông vẫn đủ sức phát giải cho các em Oanh Vũ, vẫn nhắc nhở các mầm non nầy, sang năm ráng rủ nhau đi đông hơn và hẹn gặp mọi người tại khóa 26 bên Thụy Sĩ! Nhưng than ôi! Khi chư Tăng Ni đã qui hồi trú sở và các Phật tử đã về lại nơi cư ngụ, chỉ khoảng một tuần sau thì Sư Ông đã an nhiên ra đi, bất ngờ như một vì sao băng!

Một niềm an ủi lớn, trong gần hai tuần tang lễ, Chư Tôn Đức khắp các châu lục, kể cả quê nhà, đều lần lượt tề tựu về, phẩm phục uy nghi, phân vị, phân nhiệm cử hành các nghi lễ rất trang nghiêm trong mấy ngày. Các Phật tử khắp các nước qui tụ về, ăn chay (tay cầm), nằm đất (cả sàn xi-măng chưa lát gạch) từ vài ba ngày đến suốt tuần, để thọ tang hộ niệm. Ngày lễ chánh các tăng đoàn ngoại quốc, Tích Lan, Tây Tạng, Đài Loan… lần lượt đến viếng tang. Tăng đoàn Làng Mai gồm mấy chục Tăng Ni mặc áo nâu, đắp y vàng do Thầy Chân Pháp Ấn hướng dẫn, mang bức thủ bút của Sư Ông Nhất Hạnh: “Công phu nở đóa Sen ngàn cánh” đến bái biệt và đi nhiễu một vòng quanh Kim quan của Sư Ông.

Phần chúng con, Chi hội Saarland Trier & VPC, cũng đem dạ chân tình, hết lòng luyến nhớ, thắp các nén tâm hương, đốt các ngọn hoa đăng trí tuệ, ngậm ngùi thương tiếc, cùng góp lời tụng kinh cầu nguyện, cung tiễn Giác Linh Sư Ông Cao Đăng Phật quốc.

Chúng tôi chưa thấy tang lễ của nhân vật nào ở hải ngoại, cử hành nhiều ngày, tổ chức quy mô đến như vậy, với đầy đủ chư Tôn Đức ở khắp các châu, cùng đông đảo đồng bào khắp các nước với dạ chân tình thương tiếc, đến tiễn đưa lần cuối. Ông cựu Thị Trưởng Evry, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Pháp với 13 năm giao tình, đã cấp đất Thiết Thủ (Bras de Fer) trong công viên Thỏ Rừng và cấp phép xây dựng chùa, cũng như cho bắt các đường dây điện nước, gas với giá thân hữu, đã đến dự từ sáng sớm và đọc diễn văn. Ông tân Bộ trưởng Nội vụ, nguyên thị trưởng đã nhiều lần đến đọc diễn văn trong các kỳ đại lễ Phật Đản và ông đương kim Thị trưởng hoặc thân hành đến, hoặc cử đại diện đến đọc điếu văn. Phái đoàn cảnh sát và cứu hỏa 2 lần vào ra kiểm tra an ninh cho các nhân vật quan trọng và an toàn cho đám người quá đông, đi chen, đứng ngồi, quỳ lạy chật cả mấy tầng chùa lớn, chưa được cấp phép nghiệm thu sử dụng!

Được 2 xe mô tô cảnh sát mặc sắc phục chạy trước hướng dẫn và toán cảnh sát giữ trật tự, như hôm rước Đức Đạt Lai Lạt Ma, đoàn xe tang gồm 5 chiếc treo tòng, kết tụi, che phan, rũ phướn, đính hoa, giắt chuỗi hạt… chở các đệ tử mang đồ nghi trượng: Thầy Quảng Đạo bưng bát Lư hương, Thầy Phước mang bức hình lớn của Sư Ông, Thầy Giới khiêng Long Vị, hai bên Ni Sư và Sư Cô cầm bó hoa trắng và chiếc xe lớn của nhà quàn chở Kim quan, tiếp đến hàng chục chiếc xe nhỏ chở chư Tôn Đức, rồi 8 chiếc xe buýt và bao nhiêu xe riêng nối nhau thành chuỗi xe dài, chạy từ từ hàng mấy chục cây số từ Evry đến Valenton, qua mỗi ngã tư, góc đường, đều có toán cảnh sát đứng chực sẵn từ sáng sớm, ngăn chận giao thông, để đoàn xe tang di chuyển, không bị ngắt quãng.

Công việc xây chùa vẫn chưa hoàn tất, sau lễ tang chư Tôn Đức và các Phật tử đều chung lòng, sẽ góp sức hoàn thành tâm nguyện của Sư Ông. Ngày khánh thành chùa Khánh Anh Evry dự định sẽ cử hành vào năm 2015. Ngôi chùa tuy được xem là công trình lớn nhứt Âu Châu, nhưng vẫn là việc nhỏ so với các Phật sự Sư Ông đã thực hiện, các công tác Sư Ông đã phục vụ cho dân tộc 40 năm qua, mà hai đối trướng của chư Tôn Đức đề tặng treo hai bên Kim Quan Sư Ông quàn tại hội trường đã diễn đạt phần nào:

 

“DÉP CỎ MÒN ÂU LỤC, THẦY ĐEM PHẬT GIÁO VIỆT CƯU MANG NGƯỜI VIỄN XỨ,

GẬY TRÚC DỰNG LIÊN CHÂU TĂNG GIÀ VỀ MỘT MỐI; VUN ĐẮP ĐẠO NHỨT THỪA”.

 

(Trần Phong Lưu)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567