Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đến Đi vài kỷ niệm về Thầy

22/03/201416:03(Xem: 11829)
Đến Đi vài kỷ niệm về Thầy


Đến Đi vài kỷ niệm về Thầy

Hòa Thượng Thích Minh Tâm vừa viên tịch tại bệnh viện ở Phần-lan đã làm cho cả ngàn Phật tử khóa tu học không khỏi bàng quàng. Ngài hưởng thọ 75 tuổi.

Ngài đến thì nay Ngài đi. Lẽ vô thường chung cho mọi người. Đi về đâu và có trở lại cõi vô thường nữa hay không, đó mới là chuyện riêng của mỗi chúng sanh.

Tang lễ của Ngài vô cùng trọng thể, cả ngàn người tham dự. Số người tham dự tang lễ không phải Phật tử cũng rất đông do sự quí mến và thương tiếc Ngài.

Báo chí Pháp, nhiều báo địa phương, đều đăng tải tin Hòa Thượng Thích Minh Tâm viên tịch và tang lễ của Ngài. Cộng đồng người Việt Nam và Phật tử thông báo tin tức, với cả hình ảnh, về tang lễ, cũng rất nhiều. Đặc biệt trong tuần vừa qua, trên tuần báo Việt Luận ở Sydney và Đàn Chim Việt, có đăng tải một bài báo do Hòa Thượng Thích Như Điển viết tưởng niệm người quá cố. Ông mở đầu bài viết với những lời khá thống thiết : "Biết nói và viết gì đây khi văn chương chữ nghĩa chỉ còn là những cánh sao rơi. Vì bầu trời Paris giờ đây đã chợt tối. Xin mượn những vần thơ để tiễn Thầy.

“Paris phố mây giăng màu ảm đạm

Khánh Anh buồn tiễn biệt bóng Thầy đi”.

(Ht Thích Như Điển, Chùa Viên Giác, Hannover, Đức)

Hòa Thượng Thích Như Điển, tưởng niệm người quá cố, nhắc lại công đức của người quá cố và cả mối quan hệ với ông lúc Hòa Thượng Thích Minh Tâm còn tại thế. Một việc làm do sự cảm xúc tự nhiên của không riêng người thế gian, mà cả ở tu sĩ. Con tim của cả hai đều được cấu tạo bằng những tế bào động vật như nhau. Nếu có khác, chỉ do sự vận hành mà thôi.

Hôm nay, nếu tôi có viết vài lời để tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, theo sự cảm xúc của tôi từ sau khi Ngài ra đi và nhắc lại mối quan hệ riêng tư khá lâu giữa Ngài với tôi - tôi nói riêng tư vì tôi chưa phải Phật tử chánh thức của chùa Khánh Anh vì chưa qui y - thiết nghĩ chắc không phải vi phạm những điều cấm kỵ. Như lỗi phạm thượng ! Nếu có, ắt không phải lỗi với Ngài, mà đó có thể sẽ là lỗi đối với quan niệm vốn có của một vài Phật tử bảo thủ. Ngoài ra, trong bài viết, tôi sẽ dùng tiếng xưng hô quen thuộc của tôi với Hòa Thượng là Thầy. Tiếng Thầy của tôi đối vói Ngài hàm chứa tình cảm thân thiện, sâu đậm, kính quí ở tôi từ 35 năm nay. Nó hoàn toàn khác hẳn tiếng Thầy khi tôi thưa với các tu sĩ khác. Mong được lượng giải cho.

Những ngày đầu tiên tới chùa

Mùa xuân năm 1978, gia đình tôi khá đông người tới Pháp theo diện "boat people" tỵ nạn cộng sản. Trong những ngày đầu tới Pháp, chúng tôi ở tạm trong một Trung tâm tạm cư của thành phố Épinay sur Seine, ngoại ô Đông-Bắc Paris, để được khám sức khỏe và làm vài thủ tục hành chánh chờ được đưa đi định cư, tái lập nghiệp ở một nơi khác, thường cách xa vùng Paris. Nơi đây, anh NNL, nhơn viên văn phòng của Trung tâm, hỏi thăm tôi về tình hình ở Việt Nam và sau đó đưa tôi tới chùa Khánh Anh ở Bagneux để gặp Thầy Minh Tâm, lúc bây giờ Thầy còn là Đại Đức. Chùa Khánh Anh chưa xây cất phần chánh điện như ngày nay ta biết. Chánh điện lúc đó dường như là phòng khách của ngôi nhà với phòng ăn cạnh nhà bếp ngày nay. Trên lầu vẫn có hai phòng ngủ.

Sau bữa cơm trưa thật ngon, tôi còn nhớ hoài, có Lm Đỗ văn Y tới, tiếp theo là nhà báo Huỳnh CD với một nhà báo người Bỉ, hai người đều từ Bruxelles qua để làm một cuộc phỏng vấn tôi về tình hình Việt Nam và tình hình người Việt vượt biển vì tôi là một nhơn chứng mới vừa rời khỏi Việt Nam gần 2 tháng. Lm Đỗ văn Y lúc bấy giờ rất khắn khít với Thầy Minh Tâm trong những hoạt động biểu tình chống cộng sản, tố cáo tội ác của cộng sản. Khi cần có Đại diện Công giáo thì có ngay Lm Đỗ văn Y. Khi Lm tổ chức biểu tình cần có đại diện Phật giáo, không bao giờ ông quên Thầy Minh Tâm. Cho tới cuối thập niên 80, tôi di chuyển vể vùng Marne la Vallée, trong những ngày đầu mới tới, Lm Đỗ văn Y có tới thăm viếng tôi. Sau đó, nghe nói ông tới ở nhờ trong nhà thờ của một giáo xứ Pháp để dưỡng già (...)

(...) Tại buổi thăm viếng chùa Khánh Anh đầu tiên, tôi có một kỷ niệm quí báu mà không bao giờ tôi quên. Một thanh niên, kém tôi chừng mươi tuổi, vui mừng chào tôi và hỏi thăm tôi. Anh ngạc nhiên hỏi tại sao nay tôi không mang kiếng. Anh ấy nhớ đúng vì kiếng của tôi bị rớt bể một tròng trên đường đi nhiều di chuyển từ địa điểm này qua địa điểm khác. Trước khi từ giả chùa để anh NNL đưa giúp tôi trở về trại, anh ấy cầm tới đưa cho tôi một cái áo len mới với một cái bao thư trong đó có 100 frs. Anh ấy giúp tôi thay kiếng. Đó là anh NCL, sanh hoạt trong Đoàn Phật tử Quảng Đức của chùa Khánh Anh. Hôm tang lễ của Hòa Thượng Minh Tâm, tôi có dịp gặp lại anh. Nay anh đã nghỉ hưu và ở vùng Seine et Marne.

Qua năm sau, tôi và gia đình trở lên Paris sanh sống. Từ đó, tôi có nhiều cơ hội tới chùa nhơn những buổi lễ hay sanh hoạt cộng đồng.

Áo vàng với cờ vàng

Có thể nói trong các sanh hoạt cộng đồng ở Paris, Pháp và Âu châu, nơi nào có cờ vàng là có mặt Thầy Minh Tâm. Có mặt bền bỉ từ sau ngày mất nước cho tới ngày Thầy viên tịch trong lúc đó sức khỏe của Thầy, lúc sau này, không phải là sung mãn như nhiều người nhận thấy và đều lấy làm lo ngại.

Ở chùa, trước sân, trong phòng khánh tiết, lúc nào cũng có treo cờ vàng. Ở chùa Khánh Anh mới, hôm tang lễ của Thầy, cũng có lá đại kỳ quốc gia bên cạnh cờ Giáo Hội Phật Giáo.

Trước khi xây cất ngôi Khánh Anh ngày nay ở Evry, Thầy Minh Tâm muốn tìm đất chừng 2000 m2 ở vùng Marne la Vallée lập chùa. Nhờ một người bạn trong Hội đồng thành phố giới thiệu, tôi đã liên hệ với Ông Ricard, Thị trưởng của Lognes, xin mua một miếng đất xây cất chùa. Ông Thị trưởng hứa bán cho một miếng đất ở ngoài trung tâm Thị xã Lognes từ 2000 tới 2500 m2 với giá đặt biệt vì đất được xử dụng cho mục đích tôn giáo và văn hóa. Vâng theo sự đồng ý của Thầy Minh Tâm, Cụ LVH, anh NVC và tôi, đứng ra xin phép lập hội lấy tên là "Hội Phật tử Marne la Vallée" để có pháp lý mua đất với giá rẻ và cất chùa. Hội đã xong với Ban Chấp hành gồm có Cụ LVH làm Hội trưởng, tôi làm Phó Hội trưởng, anh NVC làm Tổng thư ký. Nhưng không đủ thuận duyên, dự tính cất chùa ở Lognes không thành. Thầy nhận miếng đất của thị xã Evry nhượng lại với điều kiện rất tốt. Và ngày nay có ngôi chùa Khánh Anh thật hùng vĩ như ta biết. Mỗi khi tới chùa, Phật tử ai cũng thấy những viên gạch, những miếng ngói... là những khối nặng chồng chất lên tuổi tác và đồng thời là những bước đi xuống của sức khỏe của Thầy. Nhưng Thầy vẫn bình tỉnh bước tới. Không chỉ riêng việc phải hoàn tất ngôi chùa, mà cả nhiều hoạt động vừa Phật sự, vừa đấu tranh nhơn quyền ở bên ngoài nữa. Tôi được nhiều dịp tháp tùng theo Thầy tham dự những buổi sanh hoạt do tôn giáo bạn tổ chức ở Bruxelles, Nancy, Strasbourg, Lausanne,... Trớ trêu là tôi đại diện cho ông bạn già Hồ Minh Châu của chúng tôi, Hội trưởng Ban Trị sự PGHH Âu châu. Điều này đã làm cho tôi bị hiểu lầm không ít.

Luận về chánh khách, người ta thường căn cứ trên ba điểm sau đây để đánh giá : lập Đức, lập Ngôn và lập Công. Thầy Minh Tâm là tu sĩ, lập Đức, lập Ngôn là hai điểm "tự tại" ở con người của ông. Lập Đức, Thầy đã chịu bao nhiêu Hạnh để được lên hàng Hòa Thượng và Chủ tịch Hội đồng điều hành Giáo hội Phật giáo Âu châu. Lập Ngôn, Thầy đã đem lời Phật dạy truyền đạt cho bà con trong Cộng đồng Việt Nam hải ngoại từ bao nhiêu năm nay. Còn lập Công ? Cứ nhìn như có cả một hệ thống chùa, Phật tử, ở khắp Âu châu tuần tự ra đời và đi vào sanh hoạt Phật sự từ ngày Thầy tới Pháp thì đủ để tổng kết Công của Thầy. Ngoài ra, Thầy còn liên kết chặt chẻ với nhiều chùa, nhiều tu sĩ hàng giáo phẩm cao cấp ở khắp nơi như Hoa kỳ, Canada, Úc châu để mở mang những chương trình hoằng pháp.

Như vậy, nếu luận chánh khách, thì có thể nói Thầy Minh Tâm quả thật là một chánh khách lớn, tầm cở quốc tế. Một chánh khách áo vàng, vai vuông.

Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương "Đời Đạo song tu" vì Đức Giáo chủ dạy tín đồ "Đời không Đạo, Đời vô liêm sỉ. Đạo không Đời, Đạo biết dạy ai". Thầy Minh Tâm tổ chức Phật sự, vận động mở chùa, đem Phật giáo tới khắp Âu châu làm cho người Âu châu ngày nay không còn nhìn thấy Phật Giáo xa lạ nữa. Đồng thời, Thầy cũng không quên trách nhiệm của một người Việt Nam tỵ nạn cộng sản, nước mất, chùa chiền bị tiếp thu và cải tổ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Hà Nội nên mỗi khi có tranh đấu ở Paris, Thầy hướng dẫn đông đảo, tu sĩ, Phật tử tham dự. Thầy không ngại xuất hiện trước Công trường Nhân quyền ở Paris, trước Quốc hội Âu châu, trước Trụ sở Nhân quyền LHQ ở Genève, tố cáo tội ác của cộng sản Hà Nội. Trước khi mất, Ngài còn đi Strasbourg tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền, phản đối những vụ Hà Nội đàn áp thanh niên yêu nước, khủng bố những người làm thông tin, cướp đất đai của dân chúng ở Việt Nam.

Đầu năm 1980, dưới sự hướng dẩn nhiệt tình của Cụ Trần văn Ân, anh em chúng tôi có một nhóm hơn 20 người đứng ra tổ chức Hội Phục Việt và ấn hành tờ báo Hồn Nưóc, phát hành mỗi tháng một số. Thầy Minh Tâm không quản ngại tới với chúng tôi, hết lòng ủng hộ chúng tôi. Cùng với 2 Anh Cả, Bác sĩ Nha khoa Lê văn Tài, cư ngụ gần chùa Khánh Anh ở Bagneux, và Giáo sư Bùi Khắc Diệp ở vùng Hauts de Seine. Ngày nay Thầy Minh Tâm và Bác sĩ Lê văn Tài đều về xứ Phật. Giáo sư Bùi Khắc Diệp chắc còn bay bướm nhưng không biết ở xứ nào. Nhóm anh em Hồn Nước, kẻ còn người mất. Mà còn bao nhiêu, mất bao nhiêu ? Hồn ở đâu bây giờ ?

Tu đền nợ nước

Kỷ niệm về Thầy ở tôi vừa là một người tranh đấu khôi phục lại đất nước trong dân chủ tự do - nói theo Cụ Trần văn Ân, là người "đồng Đức", vừa là Thầy về mặt tâm linh. Tuy tôi thật sự chưa có cơ duyên học ở Thầy một bài kinh kệ nào cả. Nhưng Ngài vẫn là vị Thầy đầu tiên của tôi, trong tâm của tôi.

Trước đây hơn mươi năm, tôi thường tới nhà Bác sĩ Lê văn Tài vì nơi đây cũng là nơi hẹn với bạn. Tới bữa cơm trưa, tôi chọn qua chùa ăn cơm chay. Thầy ngồi đầu bàn, kế bên là các Thầy khác rồi mới tới khách và nhơn viên trong chùa. Trên bàn dọn cùng thức ăn. Riêng Thầy, có khi Thầy ăn mì luộc thế cơm. Có lẽ vì Thầy bị đau bao tử. Ở chùa khác, Thầy Trụ trì được hầu riêng một mâm. Thắc mắc, tôi đem chuyện nói với Ông PĐL, Cựu Tướng Việt Nam Cộng Hòa. Ông PĐL cho rằng như vậy là đúng. Thầy lớn phải ăn riêng. Như trong quân đội, Tướng cũng ăn riêng một mình một cổ.

Mỗi lần tới thăm Thầy hay gặp Thầy để thảo luận về một vấn đề gì đó, luôn luôn Thầy tiếp tôi ngay trong phòng ngủ của Thầy, không bao giờ ở phòng khách. Trong phòng ngủ của Thầy, có kê một cái giường ngủ cá nhơn giống như giường nhà binh. Bên cạnh là cái bàn viết vốn là thứ bàn nhà bếp bằng gổ tạp. Thầy không ăn riêng một mâm và không ngủ giường Louis XVI như nhiều vị khác. Phải chăng đây cũng là một nét nhỏ nói lên nếp sống chuộng đơn giản của tu sĩ xuất gia.

Mỗi khi cần cầu siêu cho bạn, tôi tới xin thì Thầy sẵn lòng đứng ra làm lễ. Thầy đã nhận lời làm lễ cầu siêu riêng, vào chiều thứ bảy, cho Cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Thành Nam ở California, cho chiến sĩ Đại Việt Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân và Cụ Trần văn Ân,...

Giờ đây, mỗi khi tôi nhớ Thầy, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, câu giáo huấn của Đức Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo dạy tín đồ, vì Phật Giáo Hòa Hảo vốn là 1 tôn giáo ái quốc, lại văng vẳng trong tâm trí tôi :

"Tu đền nợ nước cho rồi,

Mai kia thong thả đứng ngồi tòa sen".

Nguyễn văn Trần

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567