Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Kể từ khi Phật giáo VN đến Đức

17/06/201407:30(Xem: 20036)
22. Kể từ khi Phật giáo VN đến Đức
Khảo luận nhân dịp kỷ niệm 50 năm
xuất gia của Hòa Thượng Thích Như Điển.
Olaf Beuchling - Văn Công Tuấn Nguyên Đạo dịch

I.

Trong khoảng cuối phần ba của thế kỷ thứ 17 – niên biểu chưa được xác định chính xác, có tài liệu ghi là năm 1677 – có một tu sĩ từ phía đông của tỉnh Quảng Đông Trung Hoa lưu lạc đến miền trung nước Việt Nam sau một chuyến hải hành. Vị tu sĩ ấy có tên là Yuan Shao, ngày nay người ta biết đến Ngài qua tên bằng âm Hán Việt là Nguyên Thiều (1648-1728). Vị tu sĩ này đã thế phát xuất gia từ năm Ngài 19 tuổi với Tổ sư Bổn Quả Khoáng Viên. Ngài là đệ tử đời thứ 33 của Tông phái Linji-zōng hay Lin-Chi tsung (Lâm Tế Tông), là một trong Thiền phái lớn nhất tại Trung Hoa. Có thể Ngài Nguyên Thiều là một trong nhóm những người Trung Hoa đã chạy lánh nạn Mãn Châu từ khi Minh triều bắt đầu suy sụp. Cũng có thể Ngài là điển hình cho một mối quan hệ kinh tế và văn hóa rất khắng khít giữa Trung Hoa và Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng dù là người tỵ nạn hay nhà truyền giáo, Ngài đã đặt chân đến Việt Nam như một khách lạ. Nước Việt Nam lúc đó cũng trong giai đoạn đất nước bị chia đôi. Trong thế kỷ thứ 17 có hai thế lực tranh giành và bành trướng quyền bính, có sự hỗ trợ đắc lực từ châu Âu. Ở phía bắc là lãnh địa của chúa Trịnh, phần đất phía nam và miền trung đặt dưới quyền cai trị độc lập của chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1672-1725) nghe danh Ngài Nguyên Thiều nên đã cung thỉnh Ngài về Chùa Quốc Ân ở Huế. Huế lúc ấy là trung tâm quyền lực của chúa Nguyễn. Từ đó Lâm Tế Tông càng ngày càng phát triển, có thể nói là Tông phái mạnh nhất của Phật Giáo Việt Nam.

Có một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên. Đúng 300 năm sau Lâm Tế Tông cũng là Tông phái Phật Giáo Việt Nam đầu tiên do Hòa Thượng Như Điển mang truyền đến nước Đức. Giống như Tổ Nguyên Thiều ngày xưa, Hòa Thượng Như Điển cũng là một khách lạ đặt chân đến Đức trong tình huống vừa bỏ lại sau lưng một quê hương bị tàn phá nhiễu nhương vì chiến tranh. Và cũng như tại Việt Nam, Lâm Tế Tông cũng là một Tông phái Phật Giáo lớn nhất tại Đức.

II.

Vào giữa thập niên 70 của thế kỷ thứ 20 hàng loạt những sự kiện chính trị ở Đông Nam Á đã là những tiêu đề nóng bỏng trên toàn thế giới: chỉ trong vòng vài tháng toàn khối thuộc địa cũ của Pháp ở Đông Dương là Lào, Cam Bốt và Việt Nam đã rơi vào tay Cộng Sản. Những năm tiếp theo đó dấy lên một phong trào cứu người vượt biển tỵ nạn, làn sóng mà Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR đánh giá là lớn nhất, tốn kém nhất và dai dẵng nhất. Hàng trăm ngàn người đã vượt biên bỏ nước ra đi bằng đường bộ hay đường biển qua ngõ biển Đông để đến những nước láng giềng. Hầu hết những người tỵ nạn ấy là người Việt Nam. Họ đã phải rời bỏ quê hương để tránh thoát những đàn áp chính trị, ví dụ như những chiến dịch cải tạo tư tưởng, cải tạo tư sản mại bản, tước bỏ quyền tư hữu và bắt giam trong các trại cải tạo. Họ bỏ nước ra đi vì những khó khăn kinh tế tạo ra do các sai lầm nghiêm trọng của các quyết định dựa theo kế hoạch kinh tế của nhà nước, nhưng đồng thời cũng do những cuộc chiến tranh biên giới với Campuchia và Trung Quốc.

Giữa những năm 1975 và 1979, theo công bố của UNHCR, đã có 311.429 người Việt Nam vượt biên bằng đường thủy đầu tiên đến những nước Đông Nam Á khác như Mã Lai, Hồng Kông và Nam Dương. Thêm vào đó cũng đã có 14.666 người Việt Nam đi bằng đường bộ đến Thái Lan. Rất nhiều người đã phải bỏ mạng trên bước đường vượt biển: họ đã bị bọn cướp biển hãm hại, bị chết đuối trong những cơn bão biển hay chết khát giữa đại dương. Hoàn cảnh và số phận của bao nhiêu con người trên chuyến tàu Hải Hồng đã đánh động dư luận toàn thế giới. Chính quyền nước Mã Lai đã từ chối không cho chuyến tàu Hải Hồng nhập cảnh, đây là một chiếc tàu hàng chở quá tải chứa 2.500 con người vô vọng sau một cuộc phiêu lưu dai dẳng cả mấy tuần lễ. Cuộc khủng hoảng về nhân đạo này đã là một thách thức cho nhân loại toàn thế giới. Thông qua những cố gắng đàm phán ngoại giao và một Hội nghị Quốc tế vào các ngày 20 và 21 tháng bảy năm 1979 tại Genneva đã quy định trách nhiệm cho cả Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Chính phủ Việt Nam qua đó đã đồng ý một chương trình Ra đi có Trật tự (ODP), cho phép xuất ngoại đoàn tụ gia đình. Các quốc gia khối ASEAN cũng đã đồng ý cho người tỵ nạn Việt Nam tạm nhập cảnh và tạm cư trong các trại tỵ nạn quá cảnh của UNHCR. Hàng loạt những nước Tây phương hứa sẽ tiếp nhận và tài trợ các chương trình nhận người tỵ nạn Việt Nam.

Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã thu nhận hơn phân nửa số người Việt Tỵ Nạn. Tiếp theo đó là các nước Pháp, Gia Nã Đại, Úc và Cộng Hòa Liên Bang Đức. Cho đến bây giờ người Việt Nam vẫn sống đông đúc tại năm quốc gia này, họ vẫn là những cộng đồng lớn nhất ngoài khu vực châu Á.

Biểu đồ: Mười quốc gia có số người Việt ly hương đông nhất

Hoa Kỳ

1.548.449

Cam Bốt

735.085

Pháp

kh. 300.000

Trung Quốc

kh. 280.000

Đài Loan

190.000

Gia Nã Đại

180.125

Úc Đại Lợi

173.663

Đức

kh. 140.000

Thái Lan

119.000

Nam Hàn

90.931

kh.= khoảng

Nguồn: Olaf Beuchling & Tuan Van Cong (2013), tr. 44 và tr. 165

Cộng Hòa Liên Bang Đức là quốc gia thu nhận người Việt Nam tỵ nạn ngay từ giai đoạn đầu này. Đầu tiên nước Đức cam kết tiếp nhận 1.000 người vào cuối năm 1975, nhưng sau đó con số ấy cứ tăng dần đến 40.000 người. Cho đến những năm 1980, những người tỵ nạn từ Việt Nam dù với lý do chính trị hay nhân đạo đều được chính phủ Đức công nhận quyền tỵ nạn. Những bài tường thuật về những chuyến vượt biên hãi hùng khiếp đảm của thuyền nhân Việt Nam qua giới truyền thông báo chí đã đánh động đến dư luận thế giới. Tuy nhiên trong con số 40.000 này thật ra chỉ là một nhóm của những thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam. Số còn lại là số đoàn tụ gia đình hay số hoàn thành thủ tục tỵ nạn và được Đức tiếp nhận sau.

Vào ngày 3 tháng 12 năm 1978, Ông Ernst Albrecht, Thống Đốc Tiểu Bang Niedersachsen, đã chỉ thị cho tiếp nhận 163 thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đầu tiên và đưa đến tạm trú ở trại tỵ nạn Friedland ở phía nam tiểu bang Niedersachsen của ông. Những người này là những thuyền nhân trên chuyến tàu Hải Hồng đang đậu nhiều tuần ngoài khơi bờ biển Mã Lai. Trại tỵ nạn Friedland gần Göttingen hiện vẫn còn hoạt động cho đến hôm nay. Một phần của Trại đã biến thành Bảo Tàng Viện về Lịch sử những cuộc Di dân và Tỵ nạn. Vào tháng 9 năm 2013 vừa qua, cá nhân tôi có được mời đến đây để thuyết trình về đề tài: Việc tiếp nhận Tỵ nạn Việt Nam vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980.

Theo gương của tiểu bang Niedersachsen, thành phố tự trị Hamburg cũng bắt tay tiếp nhận người tỵ nạn từ Đông Nam Á. Tờ tuần báo „Die Zeit“ đã vận động và quyên góp từ các nhân vật tiếng tăm và cả những thường dân Hamburg, thuyết phục chính quyền thành phố tự trị Hamburg thu nhận 277 người từ trại tỵ nạn Pulau Bidong của Mã Lai. Thành phố Hamburg là một thành phố có một ý nghĩa đặc biệt đối với người tỵ nạn vì đó chính là „hải cảng nhà“ của con tàu Cap Anamur. Con tàu Cap Anamur là một tàu cứu hộ đã vớt người vượt biên trên biển Đông, hoàn toàn do tiền quyên góp của dân Đức, bắt đầu hoạt động từ mùa hè năm 1979 và di chuyển trên vùng biển phía nam Trung Quốc để cứu vớt và chăm sóc thuyền nhân tỵ nạn vượt biên. Hiện nay, tại một địa điểm khá trang trọng tại hải cảng này, người ta thấy có một tấm biển tưởng niệm, qua đó những người Việt Nam ghi lời cảm ơn con tàu Cap Anamur và nhân dân Đức đã cứu vớt 11.300 thuyền nhân và tưởng niệm những đồng hương đã bỏ mạng trên đường vượt biên.

blank

Để nhanh chóng dễ dàng hơn cho thủ tục tiếp nhận tỵ nạn từ Đông Nam Á những tổ chức hiệp hội quần chúng, giới truyền thông và chính quyền đã cùng dẫn tới một thỏa hiệp. Vào ngày 01.08.1980 chính quyền đã cho ra đời một „Đạo luật về các biện pháp thực hiện trong bối cảnh giúp đỡ nhân đạo cho những người đã được tỵ nạn“. Đây là một khung pháp lý thống nhất trên toàn quốc cho việc tiếp nhận và hội nhập của người tỵ nạn từ Đông Nam Á.

III.

Hòa Thượng Thích Như Điển đến Đức đầu tiên vào tháng tư năm 1977 theo lời mời của một người bạn của Thầy. Thầy vừa đến từ Nhật Bản, nơi mà bắt đầu từ năm 1972 Thầy đã đến du học tại đại học Teikyo và Rissho và đã tốt nghiệp đại học. Sau năm 1975, đứng trước những biến động chính trị ở quê nhà Thầy quyết định là chưa quay trở về Việt Nam. Trong mấy tháng đầu Thầy tạm sống ở Kiel, đi học tiếng Đức và cuối tuần thì đi các nơi trên nước Đức để thăm viếng đồng bào Phật tử. Người tỵ nạn Việt Nam đang bắt đầu thảo luận về tình hình chính trị ở quê nhà cũng như nhu cầu của người Việt ở châu Âu. Những thuyền nhân Việt Nam cũng mang theo những tin tức về việc đàn áp tôn giáo của nhà nước. Các Phật tử ở Đức yêu cầu Thầy nên ở lại Đức thay vì quay lại Nhật để tiếp tục học chương trình Tiến sĩ. Trong một tác phẩm viết vào năm 1986, Thầy đã mô tả tình trạng ấy như sau:

„… Chúng tôi có một số suy nghĩ và đồng bào tại Đức cũng có một số yêu cầu như sau: (họ) yêu cầu tôi ở lại Đức, thay vì trở về Nhật. Vì ở Đức chưa có một lãnh đạo tinh thần nào cả, mà ở Nhật thì đang có nhiều Thầy […]

Sau khi yêu cầu tôi ở lại – một thời gian suy nghĩ đắn đo khá lâu – tôi đã chấp nhận không về lại Nhật mà ở lại Đức để giúp đỡ đồng bào Phật tử về lãnh vực tinh thần. Mọi người tỏ ra hoan hỷ và yêu cầu tôi thành lập Niệm Phật Đường cũng như Hội Phật Tử tại Tây Đức“ (Thích Như Điển, 1986, tr. 60f).

Ngay sau đó Thầy đã ghi danh vào lục cá nguyệt mùa hè năm 1978 theo học ngành giáo dục của Đại học Sư Phạm Hannover. Vào tháng hai năm 1978 Thầy dọn đến ở hẳn tại thành phố thủ đô của tiểu bang này. Thầy lập Niệm Phật Đường ngay trong căn hộ nhỏ mà Thầy đang ở, tiền chi phí do những cúng dường đóng góp của những Phật tử Việt Nam. Lễ An Vị Phật Niệm Phật Đường Viên Giác ở địa chỉ Kestnerstraße 37 Hannover đã được tổ chức vào ngày 02.04.1978 với sự chứng minh của Thượng Tọa Thích Minh Tâm (bây giờ là Cố Hòa Thượng) từ Pháp đến. Tại đây viên đá đặt nền tảng cho Phật Giáo Việt Nam ở Đức vừa được đặt xuống.

Vào cuối năm 1978 „Hội Kiều Bào và Sinh Viên Phật tử Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức“ được ra đời. Hội cho xuất bản tờ báo Viên Giác đầu tiên vào năm 1979, lúc ấy mang khổ DINA 5. Đến năm 1980 thì „Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Cộng Hòa Liên Bang Đức“ được thành lập. Đến đầu năm 1981 Niệm Phật Đường được dời về cơ sở mới, cơ sở này trước đây là một cơ sở sản xuất chế biến kim loại cũ ở địa chỉ Eichelkamp số nhà 35 và được đổi tên là Chùa Viên Giác. Cơ sở này nằm kế sát ngôi Chùa Viên Giác hiện nay.

Tất cả những chi tiết của sự kiện này trong vòng thập kỷ đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức được ghi rõ trong cuốn sách song ngữ Đức-Việt Hình Ảnh Sinh Hoạt 10 năm Phật Giáo Việt Nam tại Tây Đức / Bilder von den zehnjährigen Aktivitäten des vietnamesischen Buddhismus in der Bundesrepublik Deutschland, phụ lục có rất nhiều hình ảnh (Thích Như Điển, 1988). Dần dần trên cả nước Đức những Chi Hội Phật Tử, những ngôi Tịnh Thất, Niệm Phật Đường được ra đời. Đến năm 1984 Ni Sư Thích Nữ Diệu Tâm (bây giờ là Sư Bà) đặt chân đến Hamburg. Thành phố Hamburg là nơi có đông đúc người tỵ nạn Việt Nam, nên việc kiến lập một ngôi Già Lam, một cơ sở tâm linh ở đây là việc rất cần thiết. Tại München, vào tháng giêng năm 1985 ngôi Chùa Tâm Giác cũng đã được khánh thành, đã có 150 quan khách và Phật tử đến tham dự, trong đó có ông Tiến sĩ Peter Gauweiler, một chính trị gia đảng CSU. Nhưng phải chờ đến nhiều năm sau đó mới có tu sĩ đến tu tập và lãnh đạo hoạt động của Chùa. Ở Bá Linh, đầu tiên Thầy Thích Như Điển thường đến hướng dẫn tu tập cho những đồng bào Phật tử và sinh viên ở đây. Tại địa phương này Phật tử Việt Nam có những mối quan hệ mật thiết với một cơ sở Phật Giáo đã nổi tiếng mang tên là „Phật Giáo Đường – Buddhistisches Haus“ ở Berlin-Frohnau và với những Phật tử Đức của „Hội Phật Giáo Berlin - Buddhistische Gesellschaft Berlin e.V.“. Vào năm 1981 Chi Hội Phật Tử Bá Linh được thành lập và bắt đầu từ năm 1983 các Phật tử ở Bá Linh đã lên kế hoạch kiến lập một ngôi Già lam ở địa phương này. Đến năm 1987 thì ngôi chùa mang tên Linh Thứu được khánh thành. Trên đà phát triển đó, ở những thành phố khác như Bremen, Frankfurt, Freiburg, Münster, Fürth-Erlangen, Wiesbaden, Rottershausen, Barntrup hay Norddeich đã có hàng loạt những Chi Hội Phật Tử đã nối đuôi nhau ra đời, những Phật tử quay quần cùng nhau tu tập qua những buổi Lễ Phật định kỳ. Người ta cũng thấy, đã bắt đầu có những chương trình văn hóa văn nghệ, thanh thiếu niên Phật tử. Cũng có khi có những sinh hoạt ở một địa phương được vài năm rồi tạm ngưng, sau đó họ dời đến một cơ sở khác và thành lập ở đấy một ngôi Tịnh Thất hay một Niệm Phật Đường.

IV.

Quang cảnh của Phật Giáo tại nước Đức nói chung vào những năm cuối 70 đầu 80 vẫn còn trong phạm vi rất hạn chế, tuy nhiên đó chính là một bước khởi đầu cho việc phát triển và mở ra một triển vọng mới. Phật Giáo tại trú xứ này có một điểm khá đặc thù: trong những giai đoạn đầu Phật Giáo chỉ phổ biến đóng khung trong giới trí thức hay những người có địa vị xã hội, dần dần giáo lý Phật Đà mới phổ biến ra cho cả đại chúng. Song song vào đó, càng ngày người ta bắt đầu quan tâm hơn trong việc thực hành, tu tập giáo lý Phật Đà, đặc biệt là trong lãnh vực thiền định, khác hẳn với việc chỉ thuần túy tập trung vào lãnh vực nghiên cứu, triết học và lý thuyết như trước đây. Hơn thế nữa, quang cảnh văn hóa Phật Giáo cũng đã đổi khác: số di dân gốc từ Á Châu đến nước Đức ngày càng đông, họ mang theo truyền thống Phật Giáo và tự tổ chức những hoạt động Phật sự (như trường hợp Phật Giáo Việt Nam) vào đầu những năm 1980.

Nhà thờ Cơ Đốc và Tin Lành, cũng như các giới truyền thông đã bắt đầu ý thức về sự lớn mạnh của Phật Giáo tại Đức. Trên một bình diện, các nhóm Phật Giáo này bị hoài nghi và xem như là những đối thủ trong cuộc cạnh tranh tôn giáo. Ta phải hiểu thêm rằng, vào những năm 1970 mối lo ngại về những tác động phá hoại của những „Tà đạo - Sekten“ hoặc nhóm „Tôn giáo Tuổi trẻ - Jugendreligionen“ rất phổ biến ở nước Đức. Có những nhóm tương đối nhỏ xuất phát từ Ấn Độ nhưng đã làm cho giới truyền thông chấn động (chính xác là nhóm neohinduistisch – Ấn Giáo cải cách), những nhóm này đã làm cho Phật Giáo cũng bị hoài nghi lây. Bởi thế ta phải xem là những mối lo ngại này không phải hoàn toàn vô căn cứ, cộng đồng Phật Giáo Việt Nam cũng không thoát khỏi ngoại lệ đó.

Đứng trên một bình diện khác, các phương pháp Thiền định đã dần dần được đưa vào áp dụng trong những nhà thờ Cơ Đốc Giáo, làm phong phú thêm cho các hoạt động của họ. Những nhân vật nổi tiếng như Linh mục Dòng Tên người Đức và là Thiền Sư tên là Hugo Makibi Enomiya-Lassalle (1898-1990) hoặc Linh Mục tu dòng Benedictine và là Thiền sư tên là Willigis Hunter (sinh 1925) là hai ví dụ cho sự hội nhập của Thiền học Phật Giáo trong Cơ Đốc Giáo thực dụng. Tuy nhiên, những cải cách này cũng đã từng bị phê bình chỉ trích rất gắt gao. Vào năm 2002 Nhà Thờ Cơ Đốc đã công bố thu hồi chức Linh Mục của ông Willigis Jäger và cấm ông không được giảng đạo tại nhà thờ (có điều bất ngờ là sau đó ông Jäger được Thiền Sư Jing Hui - 净慧 Tịnh Huệ - người Trung Hoa thu nhận làm đệ tử và vào năm 2009 được công nhận là Thiền Sư của Lâm Tế Tông, đời thứ 45).

V.

Trong năm 1989 có hai sự kiện tạo những bước ngoặc quan trọng cho tình hình chung ở nước Đức và cả cho sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam tại đây. Sự sụp đổ của bức tường Bá Linh vào năm 1989 cũng như việc thống nhất nước Đức vào năm 1990 (một cuộc thống nhất chỉ bằng những biện pháp hòa bình chứ không như ở Việt Nam) đã làm gia tăng nhanh số lượng người tỵ nạn đến Đức gốc từ Việt Nam. Căn bản của sự phát triển nhanh về nhân số này là do con số 60.000 người Việt Nam đã sinh sống tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức trước đây, họ là những du học sinh hay là những thợ khách tại đấy. Sự giao lưu tiếp xúc giữa hai nhóm người Việt Nam này mới đầu thật hoàn toàn không đơn giản chút nào – một đằng là những người từ miền nam Việt Nam tỵ nạn sống tại những tiểu bang tây Đức từ trước, đằng kia là những khách thợ từ miền bắc Việt Nam, trong thực tế họ là những người được ưu đãi trong xã hội của chính quyền Bắc Việt. Tệ hại hơn, có những nhóm đến từ những nước xã hội chủ nghĩa trước đây, những người này đã đến Đức và hoạt động thương mại bất hợp pháp, đấy là một vấn đề trầm trọng của những năm 1990. Hàng chục ngàn người Việt Nam, những người Việt Nam tỵ nạn lương thiện làm ăn sinh sống đã bị những tiếng xấu này ảnh hưởng lây. Hoàn cảnh này giống như ý câu tục ngữ Việt Nam: tốt danh hơn lành áo. Nhưng may mắn thay, vấn đề này đã giảm hẳn trong những năm gần đây.

Sự kiện tiếp theo đó là công trình xây dựng Ngôi Già lam Viên Giác vào năm 1989. Thầy Thích Như Điển đã viết một tác phẩm mô tả chi tiết những giai đoạn và những khó khăn cho dự án này, sách đã xuất bản vào năm 1995, do đó không cần phải lặp lại ở đây. Vào tháng 12 năm 1991 Chùa bắt đầu dọn về cơ sở mới này. Nhưng phải một năm rưỡi sau, vào tháng 8 năm 1993, lễ Khánh Thành Chùa Viên Giác mới được tổ chức trọng thể với sự tham dự của nhiều chức sắc Phật Giáo trong và ngoài nước. Chi phí xây dựng tốn đến 9 triệu Đức Mã, Chùa đã có được qua những hình thức cúng dường tịnh tài và cho mượn hội thiện không lấy lời. Thêm vào đó phải kể đến không biết bao nhiêu là những ngày công của bao nhiêu Phật tử đến làm công quả, họ đã xây dựng nên một cơ sở Phật Giáo to lớn nhất tại nước Đức; mãi cho đến ngày hôm nay, Chùa Viên Giác cũng vẫn còn là một trong những cơ sở Phật Giáo lớn nhất tại Âu châu. Tòa nhà chính có hai tầng này mang một diện tích là 815 mét vuông. Những xây dựng phụ chiếm một diện tích 666 mét vuông. Chánh điện Chùa có diện tích 450 mét vuông, có thể dung chứa 400 người đến hành lễ. Ngoài ra còn có một nhà bếp lớn, một hội trường, Tổ đường, Thiền đường, Thư viện và những cơ sở phòng ốc khác. Ngay sau khi vừa dọn vào, đã có một vài sự kiện mang tầm vóc quốc tế xảy ra ở đây. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã nhiều lần đến thăm viếng nơi đây (lần mới nhất là vào năm 2013), Tổ chức Tăng Già Thế Giới (World Buddhist Sangha Council - WBSC) cũng đã tổ chức đại hội tại đây vào năm 1991 với sự tham dự của Chư Tôn Đức Tăng Ni từ 16 quốc gia trên thế giới. Năm 1995 đại hội của Tăng Già Việt Nam ở hải ngoại cũng tại đây. Vào năm 2011, những hành trạng và công hạnh của Hòa Thượng Thích Như Điển đã được Chính phủ và Giáo Hội Phật Giáo Tích Lan Sri Lanka Ramanna Nikaya (một trong ba giáo hội chính thống của Tích Lan) vinh danh. Chính Thủ Tướng Tích Lan đã trao tặng Hòa Thượng bằng danh dự về công cuộc truyền bá sâu rộng giáo lý Phật Đà ở Âu Châu.

VI.

Khởi đầu từ thành phố Hannover, Phật Giáo Việt Nam đã lan rộng ra trên toàn quốc. Ngoài cơ sở trung ương là Chùa Viên Giác, hiện nay đã có nhiều ngôi Chùa ở nhiều thành phố khác như Hamburg, Berlin, München, Frankfurt, Mönchengladbach, Aachen, Freiburg, Nürnberg. Ngôi tu viện Viên Đức ở Ravensburg là cơ sở do Hòa Thượng Như Điển thành lập. Bây giờ ở các tiểu bang miền đông Đức cũng có những ngôi Chùa của Phật Giáo Việt Nam, ví dụ như chùa Phước Nghiêm ở Leipzig, sau một thời gian tranh cải về pháp lý và chính trị bây giờ là ngôi Chùa Ni đầu tiên ở khu vực Đông Đức. Ở thành Phố Schmiedeberg thuộc tiểu bang Sachsen, Thượng Tọa Thích Hạnh Tấn (đệ tử của Hòa Thượng Như Điển, nguyên trụ trì Chùa Viên Giác nhiệm kỳ 2003-2007) đã thành lập Tu Viện Vô Lượng Thọ miên mật tu tập.

Ngoài ra cần nói thêm ở đây, ngoài những ngôi Chùa và Niệm Phật Đường thuộc dòng Lâm Tế, còn có những nhóm tu học theo giới Tiếp Hiện do vị tu sĩ và tác giả nổi tiếng thế giới, đó là Thiền Sư Nhất Hạnh (Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42) chủ xướng. Ngoài Trung Tâm Tu Học rất lớn ở Waldbröl (bắt đầu từ năm 2008) những Tăng Thân nói ở đây đa số là những nhóm tu học của những cư sĩ Phật tử, nói tiếng Đức và không có những cơ sở vật chất riêng.

VII.

Khi Thầy Thích Như Điển đặt chân đến Đức vào năm 1977, Phật Giáo ở Đức lúc ấy chỉ là một sự hiện diện còn rất mơ hồ. Hôm nay ta có thể nói, Phật Giáo là tôn giáo lớn thứ ba tại Đức, sau Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo, mặc dù cho đến bây giờ những số liệu về số lượng Phật tử ở Đức vẫn chưa được thống kê chính xác. Người ta tiên đoán là ở nước Đức có từ 270.000 đến 650.000 Phật tử. Con số dưới (270 ngàn) là con số do Liên Hội Phật Giáo tại Đức - DBU đưa ra với ghi chú là „chỉ ước tính rất sơ bộ“. Ở đây người ta cho rằng phân nửa những người Phật tử có nguồn gốc là những người nhập cư. Con số trên (650 ngàn) là con số do Hiệp Hội Bertelsmann-Stiftung qua chương trình thăm dò mang tên Religionsmonitor (Quan sát Tôn giáo). Con số này thông qua một cuộc thăm dò và phỏng vấn dân chúng là họ tự cảm nhận họ thuộc về tôn giáo nào. Những câu trả lời sẽ được tính lên trên bình diện toàn quốc. Có nhiều bằng chứng cho thấy con số trên (650 ngàn) là con số gần sự thật hơn.

Một tính năng đặc biệt của Phật giáo tại Đức là sự đa dạng của các tông phái. Người ta có thể tìm thấy tại đây tất cả các cộng đồng Phật Giáo Nguyên Thủy, Đại thừa và Kim Cương thừa. Những tông phái phổ biến nhất ở đây, kế bên Phật giáo Việt Nam là Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo Thiền tông Nhật Bản.

Những cộng đồng Phật Giáo di dân (gốc từ châu Á) và cộng đồng Phật Giáo bản xứ (người Đức) đối mặt với những thách thức khác nhau. Đối với những Phật tử di dân thì việc duy trì truyền thống văn hóa đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Điều ấy bao gồm cả việc duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ cho các thế hệ trẻ. Qua đó họ có thể duy trì mối quan hệ với ông bà cha mẹ và những người thân ở quê nhà. Ngôn ngữ mẹ đẻ cũng chuyên chở những chân giá trị văn hóa và những khái niệm Phật học mà khó lòng có thể phiên dịch hết ý nghĩa sang ngôn ngữ Đức. Nhóm Phật tử người Đức thì tập trung vào việc truyền bá Phật Giáo cho người Tây phương và những ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Trong rất nhiều năm cụm từ „Phật Giáo phi tôn giáo - säkulares Buddhismus“ cũng được nói đến rất nhiều và có vẻ như một khuynh hướng ngày càng trở nên quan trọng trong cảnh quan Phật Giáo. Người ta cố gắng xây dựng ra một cuộc tiếp cận thực dụng, dựa cơ sở trên căn bản của giáo lý và các phương pháp hành trì từ thời Phật Giáo Nguyên Thủy, gạt bỏ những quan điểm siêu nhiên hay tôn giáo, do những ảnh hưởng của những nền văn hóa tác động vào Phật Giáo.

Một sự khác biệt khác giữa Phật Giáo di dân và Phật Giáo bản xứ là cách tổ chức và hệ thống cấp bậc trong những tổ chức này. Đối với cộng đồng Phật Giáo Tây Phương thì vai trò của người tu sĩ không quan trọng như trong những tổ chức Phật Giáo Á Châu. Trong các Cộng đồng Phật Giáo Tích Lan, Việt Nam, Thái Lan ở tại Đức, chư Tôn Đức Tăng Ni luôn luôn đứng hàng đầu, mang trách nhiệm trao truyền giáo lý và các phương pháp hành trì đến Phật tử. Trong cộng đồng Phật Giáo Đức thì những cư sĩ Phật tử giữ luôn vai trò giảng dạy giáo lý. Nếu thiếu vị tu sĩ lãnh đạo trong cộng đồng Phật Giáo Á Châu là một khiếm khuyết lớn, còn đối với Phật Giáo Tây phương, theo cái nhìn của nhiều người thì không quan trọng lắm, có khi còn có ý nghĩa là bình đẳng.

Những sự khác biệt ấy (cũng còn có một vài đặc điểm nữa nhưng không đề cập ở đây) không hề mang ý nghĩa là những hình thái Phật Giáo ở Đức có tính chất „đích thực“ hoặc thậm chí „tốt hơn“. Quá trình lịch sử hình thành đa dạng từ những nhu cầu cá biệt và tình trạng sống hiện tại, cũng như những sự ảnh hưởng tác động văn hóa của họ rất đa dạng, hơn hẳn một hình thức đồng nhất trong Phật Giáo, có vẻ như đáp ứng được các đòi hỏi của con người. Sự khác biệt này không hề hàm chứa những mâu thuẫn trong cuộc hội ngộ giữa Phật Giáo Á Châu và Phật Giáo Đức. Không, hoàn toàn ngược lại: hiện nay có rất nhiều cuộc gặp gỡ hỗ trợ lẫn nhau và các đối thoại nội bộ giữa những Phật tử Đức và Phật tử Á châu, trong tinh thần tương thân tương trợ. Cá nhân chúng tôi, vì lý do nghiệp vụ, có quan hệ khắng khít với những Phật tử di dân đồng thời cũng có quan hệ chặt chẽ với những Phật tử Đức, tôi có thể phát biểu rằng, Phật Giáo Việt Nam đã tạo nên được tiếng tăm rất tốt đẹp trong cộng đồng Phật Giáo Đức trên cả nước Đức.

Ngày nay, Phật Giáo Việt Nam tại Đức đã xác định được một chỗ đứng quan trọng và sự hiện diện này được thừa nhận trong nếp sinh hoạt của tôn giáo nói chung tại Đức và quang cảnh của Phật Giáo nói riêng. Qua nhiều cuộc thảo luận với nhiều cộng đồng Phật Giáo, một lần nữa tôi nhận ra được sự nể phục của những cộng đồng Phật Giáo bạn đối với Phật Giáo Việt Nam. Không phải họ chỉ kính nể qua những khả năng tổ chức tài tình mà còn là sự cởi mở đối với các môn phái Phật Giáo khác. Theo tôi, sự cởi mở này chính là chiếc chìa khóa cho sự phát triển của Phật Giáo tại nước Đức trong tương lai. Ở một tầm nhìn nhất định, chúng ta phải thấy việc tôn trọng sự đa dạng của các Tông phái Phật Giáo là chính đáng – dù Phật tử Đức hay Phật tử lưu vong, dù là cộng đồng Phật tử ly hương hay những cộng đồng tổng hợp đa dạng, dù là Phật Giáo Nguyên Thủy hay Đại Thừa, dù tu sĩ hay cư sĩ. Trên một tầm nhìn khác, Phật Giáo tại Đức sẽ phải mang tính chất là một tổ chức tôn giáo chung thống nhất, nhất là trong thế đối tác với chính quyền Liên Bang Đức. Nhưng ở đây ta cũng cần xác định rõ rằng, đặc tính đa dạng trong Phật Giáo này đã có một giá trị lịch sử rất lớn và lâu đời, phải được tiếp tục duy trì và không thể để cho những áp lực bên ngoài (kể cả chính trị) chi phối đến được.


Tài Liệu Tham Khảo:

- Olaf Beuchling (2003): Vom Bootsflüchtling zum Bundesbürger. Migration, Integration und schulischer Erfolg in einer vietnamesischen Exilgemeinschaft. Münster.

- Olaf Beuchling & Tuan Van Cong (2013): Vom Mekong an die Elbe. Buddhistisches Klosterleben in der vietnamesischen Diaspora / Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe. Nếp Chùa Việt trên đất khách. Hamburg.

- Thích Như Điển (1986): Đời sống Tinh thần của Phật Tử Việt Nam tỵ nạn tại Ngoại quốc / Das geistige Leben der Buddhistischen Vietnam-Flüchtlinge im Ausland. Hannover.

- Thích Như Điển (1988): Hình Ảnh Sinh Hoạt 10 năm Phật Giáo Việt Nam tại Tây Đức / Bilder von den zehnjährigen Aktivitäten des vietnamesischen Buddhismus in der Bundesrepublik Deutschland. Hannover.

- Thích Như Điển (1995): Klosterpagode Viên Giác. Hannover.

- Thích Như Điển (1996): Phật Giáo và Con người / Der Buddhismus und die Menschen. Hannover.

Vien Giac (2013): Chronik Vien Giac Pagode 1978-2013. Online unter: http://deutsch.viengiac.de/chronik-vien-giac-pagode-1978-2013/

Sơ lược về tác giả:

Tiến sĩ Olaf Beuchling (Pháp danh Thiện Trí) là nhà nghiên cứu xã hội học, tác giả. Ông giảng dạy ở nhiều đại học trong và ngoài nước, trong đó có thể kể là Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo Numata của Viện Đại Học Hamburg. Ông đã cùng với ông Văn Công Tuấn sáng tác tác phẩm song ngữ: Vom Mekong an die Elbe. Buddhistisches Klosterleben in der vietnamesischen Diaspora / Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe. Nếp Chùa Việt trên đất khách (Hamburg, Abera Verlag 2013).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2011(Xem: 18263)
Bùi Giáng, Người viết sách với tốc độ kinh hồn
23/10/2011(Xem: 9669)
Kinh ví như tấm gương Soi gương thấy tâm mình Nếu đọc nhưng chưa thấy: Thiếu công phu tham thiền
20/10/2011(Xem: 9356)
Từng cánh chim vội vã bay về, tìm lại tổ ấm sau một ngày bay xa, tìm thức ăn…Bầu trời đẹp quá, nên thơ, huyền ảo, mông lung dù trải qua bao chập chùng mưa nắng thất thường.
12/10/2011(Xem: 18923)
Truyện thơ Tôn giả La Hầu La - Tác giả: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
06/09/2011(Xem: 9018)
Nguyện mang lại an vui, Cho tất cả chúng sinh. Tôi xin yêu thương họ, Với tất cả lòng tôi.
04/09/2011(Xem: 14192)
DỄ là nói chẳng nghĩ suy KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra. DỄ làm đau đớn người ta KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương! DỄ là biết được Vô thường KHÓ, lòng cứ vẫn tơ vương cuộc trần, DỄ là độ lượng bản thân KHÓ sao dung thứ tha nhân lỗi lầm!
28/08/2011(Xem: 9508)
Đức Phật Tổ thường nói Rằng chúng ta, con người, Thực sự là bầy rối Trên sân khấu cuộc đời. Rằng chúng ta phải diễn Rất nhiều vai khác nhau, Dù muốn hay không muốn, Toàn những vai buồn đau. Cái đau của mất mát,
22/08/2011(Xem: 8530)
Mưa tạnh đầu non lá rung sương Lửa trại còn un khói hoang đường Vằng vặc đêm dài trăng mười sáu...
12/08/2011(Xem: 13880)
Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên (cũng gọi là Mục Liên). Bà tính tình tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo, tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều "nhân" xấu nên khi chết đi chịu "quả" ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm loài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục.
12/08/2011(Xem: 7291)
Thiện là gốc, lẽ chân, thiện, mỹ, Phúc là nguồn, quả vị chánh nhân Hùynh tâm sáng cõi tinh thần Học thông giáo lý, thức trần nghiêm tu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]