Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuốn 14

16/04/201316:37(Xem: 15129)
Cuốn 14

Luận Đại Trí Độ
( Mahàprajnàparamitàsatra)

Tác giả:Nàgàrjuna (Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán:Cưu Ma La Thập
Dịch Hán ra Việt:Thích Thiện Siêu

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Ấn hành 1997

---o0o---

Cuốn 14

GIẢI THÍCH: THI-LA BA-LA-MẬT

Hỏi: Ðã biết tướng của Thi-la. Thế nào là Thi-la Ba-la-mật?

Ðáp: Có người nói: Bồ-tát trì giới, thà tự mất thân, không hủy phá giới nhỏ, ấy là Thi-la Ba-la-mật”. Như trên, ở trong kinh Tô-đà-tô Ma-vương nói: “Không tiếc thân mạng để toàn cấm giới’. Như tiền thân Bồ-tát, từng làm Rồng độc sức mạnh. Nếu chúng sanh nào ở trước mặt mà thân lực yếu, thì lấy mắt nhìn liền bị chết, còn thân lực mạnh thì phun hơi đến liền bị chết”. Rồng độc ấy thọ giới một ngày,xuất gia cầu yên lặng, đi vào giữa rừng cây tư duy, lâu quá, mệt mỏi mà ngủ. Theo pháp của Rồng thì khi ngủ hình trạng như Rắn, thân có văn vẻ, sắc màu bảy báu.

Người thợ săn trông thấy kinh dị vui mừng, tự nói rằng: “Lấy thứ da hiếm có khó được này đem dâng Quốc vương để phục sức, chẳng nên ư?” Nghĩ vậy liền lấy gậy đè đầu, lấy dao lóc da.

Rồng tự suy nghĩ: “Sức ta làm gì không được, lật nhào cả nước này như lật bàn tay. Người này bé nhỏ, sao dám làm khốn ta?” Nhưng ta nay vì trì giới, không kể thân này, nên theo lời Phật”.

Thế nên tự nhẫn, mắt không nhìn, ngậm hơi không thở, thương xót người ấy. Vì trì giới màmột lòng chịu cắt xẻ, không sanh tâm hối hận. Ðã bị mất da, thịt đỏ nằm trên đất, gặp lúc trời rất nóng, quay lăn ra đất, muốn đi đến chỗ nước lớn, lại thấy các tiểu trùng rúc ăn thân mình, mà vì trì giới nên không dám động. Tự suy nghĩ: “Nay thân này của ta, có thể thí cho các loài trùng, là vì Phật đạo. Ngày nay lấy thịt thí để làm sung túc cho thân nó, ngày sau thành Phật sẽ lấy pháp thí để làm lợi ích cho tâm nó”. Thề nguyện như vậy xong, thân khô mạng chết , liền sanh lên cõi trời Ðao-lợi thứ hai.

Rồng độc bấy giờ chính nay là Thích-ca Văn Phật. Người thợ săn chính nay là Ðề-bà-đạt-đa và Lục sư vậy. Các tiểu trùng chính là tám vạn chư Thiên đắc đạo khi đức Phật Thích-ca Văn sơ Chuyển pháp luân. Bồ-tát hộ giới, không tiếc thân mạng, quyết định không hối tiếc. Việc ấy như vậy, ấy gọi là Thi-la Ba-la-mật.

Lại nữa, Bồ-tát trì giớivì Phật đạo, phát thệ nguyện lớn, quyết độ chúng sanh, không cầu cái vui đời này đời sau, không vì tiếng tăm danh lợi, cũng không vì sớm cầu Niết-bàn riêng cho mình, chỉ vì chúng sanh chìm đắm trong trường lưu, bị ân ái dối gạt ngu hoặc làm mê lầm, ta sẽ độ được cho đến bến bờ kia. Một lòng trì giới nên được sanh ở chỗ lành, sanh chỗ lành nên được gặp thiện nhân, gặp thiện nhân nên sanh thiện trí, sanh thiện trí nên được hành sáu Ba-la-mật,hành sáu Ba-la-mậtnên được Phật đạo. Trì giới như vậy nên gọi là Thi-la Ba-la-mật.

Lại nữa, Bồ-tát trì giới, vì tâm ưa điều thiện thanh tịnh, không phải vì sợ ác đạo, cũng không phải vì sanh lên cõi trời mà chỉ cầu thiện thanh tịnh, lấy giới huân tập tâm, làm cho tâm ưa thiện, ấy là Thi-la Ba-la-mật.

Lại nữa, Bồ-tát do tâm đại bi mà trì giới, được đến Phật đạo, ấy gọi là Thi-la Ba-la-mật.

Lại nữa, Bồ-tát trì giới có thể phát sanh sáu Ba-la-mật, ấy gọi là Thi-la Ba-la-mật.

- Thế nào là trì giới có thể sanh giới? Nhân năm giới mà được Sa-di giới, nhân Sa-di giới mà được Luật nghi giới. Nhân Luật nghi giới mà được Thiền định giới. Nhân Thiền định giới mà được Vô lậu giới, ấy gọi là sanh giới.

- Thế nào là trì giới có thể sanh bố thí? Bố thí có ba: 1- Tài thí, 2- Pháp thí, 3- Vô úy thí. Trì giới thì tự kiểm thúc không xâm phạm tài vật của hết thảy chúng sanh, ấy là tài thí. Chúng sanh gặp được, kính mộ việc làm đó, nên lại thuyết pháp cho họ, khiến được khai ngộ. Lại tự suy nghĩ: “Ta sẽ kiên trì tịnh giới, để làm ruộng phước cho hết thảy chúng sanh cúng dường để chúng sanh được vô lượng phước. Các thứ như vậy, gọi là pháp thí. Tất cả chúng sanh đều sợ chết, trì giới không làm hại, ấy là vô úy thí.

Lại nữa, Bồ-tát tự suy nghĩ: “Ta sẽ trì giới, do quả báo của trì giới, mà vì các chúng sanh làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc làm vua cõi Diêm-phù-đề, hoặc làm vua trời, khiến cho chúng sanh được đầy đủ tài vật, không bị thiếu hụt, vậy sau mới ngồi dưới gốc cây Bồ-đề, hàng phục Ma vương, phá các Ma quân, thành Vô thượng đạo, vì các chúng sanh thyết thanh tịnh pháp, khiến vô lượng chúng sanh vượt qua biển lão, bệnh, tử”. Ấy là nhân duyên trì giới sanh Ðàn Ba-la-mật.

- Thế nào là trì giới sanh nhẫn nhục? Người trì giới tâm tự nghĩ rằng: “Ta nay trì giới vì tự tâm, nếu trì giới mà không nhẫn nhục, sẽ đọa địa ngục. Tuy không phá giới, song vì không nhẫn nên không khỏi sa ác đạo. Sao được buông lòng giận mà không tự chế tâm? Chỉ do vì tâm mà đọa vào trong ba ác đạo. Thế nên, phải tự khéo cố gắng, siêng tu nhẫn nhục.

Lại nữa, hành giả muốn cho giới được kiên cường, hãy tu nhẫn nhục, vì sao? Vì tu nhẫn là sức lớn, làm bền chắc giới, khiến không lay động. Lại tự suy nghĩ: “Ta nay xuất gia thân hình khác tục, đâu thể buông thả như tâm thói người đời. Nên tự cố gắng, lấy nhẫn điều phục tâm. Do thân miệng nhẫn, mà tâm cũng dược nhẫn, nếu tâm không nhẫn, thân miệng cũng vậy”. Cho nên hành giả nên làm cho thân, miệng, tâm đều nhẫn, dứt hết sự giận dữ.

Lại nữa, giới ấy lược nói thời có tám vạn, nói rộng thời vô lượng, ta phải làm sao giữ đủ vô lượng giới pháp? Chỉ phảinhẫn nhục, thì mới tự đầy đủ các giới. Ví như có người đắc tội với vua, vua chở người tội trên xe đao, bốn phía đặt mũi nhọn, không chỗ xen hở, rong chạy vội vã, đi không chọn đường, nếu khéo giữ mình thì không bị dao đâm, thế là giết mà không chết, người trì giới cũng như vậy. Giới là đao bén, nhẫn là giữ mình, nếu tâm nhẫn không vững thì đao giới đâm người. Lại ví như người già đi đêm, không gậy là bị té ngã. Nhẫn là gậy của giới, giúp đỡ người đi đến đạo, nhân duyên phước lạc, không lay động được. Các thứ như vậy, gọi là trì giới sanh Sằn-đề Ba-la-mật.

- Thế nào là trì giới sanh tinh tấn? Người trì giới, trừ bỏ phóng dật, tự sức siêng tu tập quán vô thượng, bỏ vui thế gian, vào trong thiện đạo, chí cầu Niết-bàn để độ hết thảy, tâm lớn không biếng nhác, lấy việc cầu đạo làm gốc, ấy là trì giới sanh tinh tấn.

Lại nữa, người trì giới chán mệt sự khổ ở đời và cái họa già, bệnh, chết, tâm sanh tinh tấn, tự cầu thoát khổ, cũng để độ người. Ví như chồn hoang ở giữa rừng cây, nương theo Sư tử và Hổ báo, kiếm thịt bỏ thừa để tự nuôi sống. Gặp lúc thiếu đói, nửa đêm trèo thành, lẻn vào nhà người, kiếm thịt không có, ngủ nghỉ chỗ kín, không biết đêm đã hết, hoảng sợ không biết tính sao, chạy thời sợ không khỏi, ở lại thì sợ chết, bèn tự định tâm, giả chết nằm trên đất. Mọi người trông thấy, có một người nói: “Ta cần tai chồn”, liền cắt lấy tai. Chồn tự nghĩ: “Cắt tai tuy đau, nhưng thân còn sống được”. Lại một người nói: “Ta cần đuôi chồn”, liền cắt lấy đuôi. Chồn lại suy nghĩ: “Cắt đuôi tuy đau, nhưng còn là việc nhỏ”. Lại một người nói: “Ta cần răng chồn”. Chồn trong tâm suy nghĩ: “Người cần lấy càng lúc càng nhiều, hoặc giả lấy đầu ta thì không còn đường sống”. Liền từ đất đứng dậy, tung hết trí lực, cố nhảy qua cửa, theo đường tắc mà tự cứu được. Tâm của hành giả cầu thoát khổ nạn cũng như thế. Hoặc khi già đến, còn tự cho thong thả, không chịu ân cần quyết đoán tinh tấn. Khi bệnh đến cũng như vậy, còn cho có khi lành, chưa chịu quyết đoán. Khi chết sắp đến, tự biết không còn mong gì nữa, nên tự cố gắng, quả cảm ân cần, tu hành rất tinh tấn, từ trong chỗ chết được đến Niết-bàn.

Lại nữa, phép trì giới giống như người bắn tên, trước phải được chỗ đất bằng, được đất bằng rồi sau tâm mới an, tâm an rồi sau kéo cung mới năng, kéo cung năng rồi sau mũi tên mới cắm sâu. Giới là đất bằng, định ý là cây cung, kéo năng cung là tinh tấn, mũi tên là trí tuệ. Giặc là vô minh. Nếu nông gắng sức tinh tấn được như vậy, chắc đạt đến đại đạo để độ chúng sanh.

Lại nữa, người trì giới thường lấy sức tinh tấn, tự kiềm chế năm căn, không thọ năm dục. Nếu tâm đã chạy đi thì khiến nhiếp trở lại. Thế là giới hay thủ hộ các căn. Thủ hộ các căn thời phát sanh thiền định, sanh thiền định thời sanh trí tuệ, sanh trí tuệ thời được đến Phật đạo, ấy là trì giới sanh Tỳ-lê-gia Ba-la-mật.

- Thế nào là trì giới sanh Thiền định? Người ta có ba nghiệp làm các điều thiện. Nếu thân khẩu nghiệp thiện, thì ý nghiệp tự nhiên vào thiện. Ví như cây cỏ cùng sanh giữa bụi gai, không chống đỡ mà tự lên thẳng. Sức trì giới hay làm gầy yếu các kiết sử.

Thế nào là làm cho gầy yếu? Nếu không giữ giới, gặp việc sân nhuế đến, tâm sát liền sanh; nếu việc dâm dục đến, tâm dâm liền thành. Nếu trì giới tuy có gặp chút sân, không sanh tâm sát, tuy có niệm dâm, dâm sự không thành. Ấy là trì giới làm cho các kiết sử gầy yếu. Các kiết sử gầy yếu thì Thiền định dễ được. Ví như già bệnh mất sức, sự chết dễ đến. Kiết sử gầy yếu thì Thiền định dễ được.

Lại nữa, lòng người chưa dứt, thường cầu cho thật vui. Hành giả trì giới, vứt bỏ phúc lạc ở đời, tâm không phóng dật, cho nên dễ được Thiền định.

Lại nữa, người trì giới được sanh trong cõi người, tiếp đến sanh trong cõi trờiLục dục, tiếp đến sanh lên Sắc giới, phá Sắc tướng sanh Vô sắc giới, trì giới thanh tịnh, dứt các kiết sử, chứng được đạo quả A-la-hán. Có tâm đại trì giới, thường nghĩ đến chúng sanh, ấy là Bồ-tát.

Lại nữa, giới để kiểm thúc thô hoặc, thiền định để kiểm thúc tế hoặc.

Lại nữa, giới thu nhiếp thân khẩu, thiền định đình chỉ đoạn tâm. Như người lên lầu, không có thang không lên dược. Không được thang giới, thiền cũng không đứng vững.

Lại nữa, người phá giới, gió kiết sử thổi mạnh, làm tán loạn tâm. Tâm kia đã tán loạn thời không thể thiền định. Người trì giới, gió phiền não thổi nhẹ, tâm không tán loạn nhiều nên thiền định dễ được. Do các nhân duyên như vậy, ấy gọi là trì giới sanh thiền Ba-la-mật.

- Thế nào là trì giới sanh trí tuệ? Người trì giới, quán sát giới tướng ấy từ đâu mà có. Biết từ các tội mà sinh. Nếu không có các tội thời cũng không có giới. Giới tướng như vậy là từ nhân duyên mà có.

Vì sao tâm sanh đắm trước? Ví như Hoa sen sanh từ bùn nhơ, sắc tuy tươi đẹp mà chỗ sanh ra thì bất tịnh, lấy đó để ngộ tâm, không sanh đắm trước, ấylà trì giới sanh Bát nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, người trì giới, tâm tự suy nghĩ: “Nếu ta cho việc trì giới là quý nên đáng chấp thủ, việc phá giới là giặc nên đáng xả bỏ”.

Nếu còn có tâm ấy thì không phải Bát-nhã. Lấy trí so lường, tâm không chấp trước giới, không thủ không xả, ấylà trì giới sanh Bát nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, người không trì giới, tuy có lợi trí, mà vì kinh doanh việc đời, cầu mong các thứ sự nghiệp sanh sống, thì tuệ căn dần dần ám độn. Ví như dao bén đem cắt bùn đất, liền thành đồ lụt (đùi). Nếu xuất gia trì giới, không kinh doanh sự nghiệp ở đời, thường quán các pháp thật tướng vô tướng, thì tuy trước là độn căn mà dần dần thành lợi căn. Do các nhân duyên như vậy gọi là trì giới sanh Bát nhã Ba-la-mật.

Như vậy v.v... gọi là Thi-la Ba-la-mật sanh sáu Ba-la-mật.

Lại nữa, Bồ-tát trì giới chẳng vì sợ hãi, cũng chẳng phải ngu si; chẳng phải nghi, chẳng phải vì giới đạo cũng chẳng vì cầu Niết-bàn riêng cho mình, mà chỉ vì hết thảy chúng sanh, vì được Phật đạo, vì được tất cả Phật pháp. Các tướng như vậy, gọi là Thi-la Ba-la-mật.

Lại nữa, nếu Bồ-tát đối với tội không tội chẳng thể có được, bấy giờ gọi là Thi-la Ba-la-mật.

Hỏi: Nếu người bỏ ác làm lành, ấy là trì giới, sao lại nói tội không tội đềuchẳng thể có được?

Ðáp: Không phải vì tà kiến thô tâm mà nóichẳng thể có được, mà chính vì thâm nhập pháp tướng, thực hành Không tam muội, tuệ nhãnquán thấy tội chẳng thể có được, vì tội vốn không, nên không tội cũng chẳng thể có được.

Lại nữa,chúng sanhchẳng thể có được nên tội sát cũng chẳng thể có được. Vì tội chẳng thể có được nên giới cũng chẳng thể có được, vì sao? Vì có tội sát thời mới có giới sát, nếu không có tội sát thời cũng không có giới sát.

Hỏi: Nay chúng sanh hiện có, sao lại nóichúng sanhchẳng thể có được?

Ðáp: Ðều con mắt thịt thấy là chẳng phải thấy. Nếu tuệ nhãn quán thấy thời chẳng có chúng sanh. Như trong phần nói về bố thí ở trên đã nói không có người thí, không có người thọ, không có tài vật. Ðây cũng như vậy.

Lại nữa,nếu có chúng sanh, thời chính là năm uẩn chăng hay lìa ngoài năm uẩn chăng? Nếu chính là năm uẩn, thì năm uẩn có năm, còn chúng sanh là một. Như vậy năm uẩn chẳng thể làm một, một chẳng thể làm năm. Ví như ở chợ trao đổi vật trị giá năm con, mà dùng một con đổi lấy là không thể được, vì sao? Vì một không thể làm năm được. Do vậy nên biết năm uẩn không thể làm một chúng sanh được.

Lại nữa, tướng của năm uẩn sanh diệt vô thường, còn chúng sanh thì đời trước đến đời sao thọ tội thọ phước ở trong ba cõi. Nếu năm uẩn là chúng sanh, thì cũng như cây cỏ, tự sanh tự diệt, như vậy thời không có tội buộc cũng không có giải thoát. Do vậy nên biết chẳng phải năm uẩn là chúng sanh. Nếu lìa ngoài năm uẩn có chúng sanh thời như đoạn trước đã phá thuyết cho rằng thần hồn biến khắp.

Lại nữa, lìa ngoài năm uẩn thời tâm chấp ngã không sanh. Nếu lìa ngoài năm uẩn có chúng sanh, là bị rơi vào thường kiến. Nếu rơi vào thường kiến thời không sanh không chết, vì sao? Vì sanh là trước không mà có, chết là đã sanh rồi lại diệt. Nếu chúng sanh thường, thời lẽ trước đã thường có khắp trong năm đường, tại sao nay lại còn sanh? Nếu không có sanh thời không có chết.

Hỏi: Nhất định có chúng sanh, vì sao nói không? Cónăm uẩn làm nhân duyên nên có chúng sanh, cũng như có năm ngón tay làm nhân duyên nên có nắm tay?

Ðáp: Nói như vậy không đúng! Nếunăm uẩn làm nhân duyên nên có chúng sanh, vậy trừ ngoài năm uẩn thời phải riêng có chúng sanh, nhưng không thể có được. Mắt tự thấy sắc, tai tự nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, ý biết pháp là không, vô ngã, lìa sáu việc này lại không có chúng sanh. Các ngoại đạo vì thấy điên đảo nên nói mắt thấy sắc, ấy là chúng sanh, cho đến ý biết pháp, ấy là chúng sanh. Lại biết nhớ nghĩ, biết thọ khổ vui, ấy là chúng sanh. Chỉ khởi lên cái thấy ấy, nên biết được chúng sanh thật. Ví như một vị Ðại đức Trưởng lão Tỳ-kheo, người ta gọi đó là vị A-la-hán, đến cúng dường rất nhiều. Sau đó bị bệnh chết, các đệ tử sợ mất cúng dường nên ban đêm lén đem xác ra ngoài, rồi tại chỗ nằm của vị Tỳ-kheo, sắp đặt mền gối giống như thấy đang còn, có vẻ như nằm. Người nào đến thăm bệnh hỏi: “Thầy ở đâu?” Các đệ tử nói: “Ngươi không thấy mền gối trên giường đó sao?” Người ngu không xét kỹ, cho là thầy đang bệnh nằm, cứ đưa cúng dường rồi đi, như vậy chẳng phải một lần. Sau một người có trí đến hỏi, các đệ tử cũng trả lời như trước. Người trí nói: “Ta không hỏi gối mền, giường nệm, ta cần tìm người”. Người ấy liền kéo mền ra tìm, tốt cuộc không có nguời đâu cả. Trừ ngoài sáu sự tướng biết, thấy v.v... chứ không có ngã nhân đâu cả. Người biết người thấy cũng như vậy.

Lại nữa, nếu chúng sanh từ nơi năm uẩn nhân duyên mà có, năm uẩn vô thường, chúng sanh cũng phải vô thường, vì sao? Vì nhân quả giống nhau vậy. Nếu chúng sanh vô thường, thời không đi đến đời sau.

Lại nữa, nếu như các ông nói: “Chúng sanh từ xưa đến nay thường có”.

Nếu nói vậy, chúng sanh lẽ phải sanh ra năm uẩn, năm uẩn không thể sanh ra chúng sanh. Nay do năm uẩn làm nhân duyên sanh ra danh tự chúng sanh, người vô trí chạy theo vô tự để tìm sự thật, vì sao? Vì chúng sanh thật không có. Nếu không có chúng sanh, thì cũng không có tội sát. Vì không có tội sát nên cũng không có trì giới.

Lại nữa, năm uẩn ấy, quán sát sâu xa, phân biệt biết nó là không, như cảnh thấy trong mộng, bóng trong gương. Nếu giết như cảnh thấy trong mộng, bóng trong gương, thời không có tội giết. Giết chúng sanh của năm uẩn không tướng cũng như vậy.

Lại nữa, nếu người không ưa tội sát, mà ưa đắm về không tội, thời người ấy khi thấy người mắc tội phá giới thì khinh mạn, thấy người lành thích trì giới thì yêu thích. Trì giới với tâm như vậy, là nhân duyên khởi lên tội. Vì vậy nên nói “đối với tội, không tội đều chẳng thể có được”.

CHƯƠNG 24

GIẢI THÍCH: SẰN-ÐỀ BA-LA-MẬT

KINH: Vì tâm không động nên đầy đủ Sằn-đề Ba-la-mật.

LUẬN: Hỏi: Sao gọi là Sằn-đề?

Ðáp: Sằn-đề (Tàu dịch là Nhẫn nhục). Nhẫn nhục có hai là sanh nhẫn và pháp nhẫn. Bồ-tát thực hành sanh nhẫn,được vô lượng phước đức. Thực hành pháp nhẫn Bồ-tát , được vô lượng trí tuệ. Phước đức và trí tuệ hai việc đầy đủ nên được nhưsở nguyện. Ví nhưngười có mắt có chân, tùy ý đi lại được. Bồ-tát nếu gặp người ác khẩu mắng nhiếc hoặc lấy dao gậy gia hại, liền suy nghĩ biết nghiệp tội phước nhân duyên các pháp trong ngoài đều rốt ráo không, vô ngã, vô ngã sở. Lấy ba pháp ấn, ấn vào các pháp, nên tuy đủ sức đáp trả mà không sanh ác tâm, không khởi nghiệp ác khẩu, bấy giờ, tâm ố pháp sanh ra gọi là nhẫn. Ðược nhẫn pháp ấy nên nhân trí bền chắc, ví nhưvẽ màu, được có keo thì bền chắc.

Có người nói: “Thiện tâm có hai là: Có thô, có tế. Thô gọi là nhẫn nhục, tế gọi là thiền định”. Khi tâm chưa được cái vui của thiền định mà có thể ngăn chặn các ác, ấy gọi là Nhẫn nhục. Nhẫn ấy là tâm số pháp, tương ưng với tâm, theo tâm hành động, chớ chẳng phải nghiệp, chẳng phải nghiệp báo, theo nghiệp hành động.

Có người nói: “Nhẫn nhục chỉ trói buộc nơi Dục giới, hoặc không trói buộc”. Vì ở Sắc giới không có cái ác bên ngoài đưa đến để Nhẫn. Nhẫn nhục cũng là hữu lậu cũng là vô lậu, phàm phu và Thánh nhân đều tu được. Nó làm chướng ngại pháp bất thiện ở tâm mình và tâm người, cho nên gọi là thiện. Vì thiện cho nên hoặc do tưduy đoạn hoặc chẳng đoạn. Các thứ nhưvậy trong Luận tạng có phân biệt rộng.

Hỏi: Thế nào gọi là sanh nhẫn?

Ðáp: Có hai hạng chúng sanh đi đến với Bồ-tát: 1- Cung kính cúng dường, 2- Sân mắng đánh hại. Bấy giờ tâm Bồ-tát hay nhẫn, không yêu hạng chúng sanh cung kính cúng dường, không giận hạng chúng sanh gia ác, ấy gọi là sanh nhẫn.

Hỏi: Thế nào đối với sự cung kính cúng dường mà gọi là nhẫn?

Ðáp: Có hai thứ kiết sử: 1- Thuộc ái kiết sử, 2- Thuộc nhuế kiết sử. Cung kính cúng dường tuy không sanh sân nhuế, nhưng mà nó làm cho tâm ưa đắm, ấy là thứ giặc mềm, cho nên đối với nó tự nhẫn, không đắm không yêu. Làm sao nhẫn? Hãy quán nó vô thường là nơi phát sanh kiết sử. NhưPhật có dạy: “Mụt nhọt lợi dưỡng rất sâu, ví nhưcắt da đến thịt, cắt thịt đến xương, cắt xương đến tủy. Người đắm lợi thời phá lớp da trì giới, cắt thịt thiền định, phá xương trí tuệ, mất tủy thiện tâm vi diệu”. NhưPhật khi mới đi về nước Ca-tỳ-la-bà với 2500 Tỳ-kheo đông đủ, đều mang thân hình Phạm-chí. Vì là những người thờ lửa nên hình dung tiều tụy, vì khổ hạnh bỏ ăn, da dẻ héo hắt đen điu.

Vua Tịnh-phạn trông thấy trong tâm nghĩ rằng: “Kẻ theo hầu con ta, tuy tâm thanh tịnh tinh khiết, nhưng đều không có dung mạo. Ta nên chọn lấy con cháu trong nhà nào đông đảo quý trọng cho xuất gia một người, làm đệ tử Phật”. Suy nghĩ nhưvậy xong, hạ lệnh trong nước lựa chọn trong hàng con em qúy tộc giòng họ Thích, cỡ tuổi học trò khiến cho xuất gia. Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa con của Hộc-phạn-vương, xuất gia học đạo, tụng sáu vạn pháp tụ, tu hành tinh tấn đủ mười hai năm. Sau đó vì lợi dưỡng cúng dường, Ðề-bà-đạt-đa đi đến chỗ Phật xin học thần thông. Phật dạy Kiều đàm hãy quán năm uẩn vô thường, có thể được đạo, cũng được thần thông, nhưng không nói rõ cách thức lấy được thần thông, ông mới đến cầu Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cho đến năm trăm A-la-hán mà không ai dạy cho cả, chỉ nói ông hãy quán năm uẩn vô thường là có thể được đạo, cũng có thể được thần thông. Cầu không được, khóc lóc không vui, đi đến chỗ A-nan xin học phép thần thông. Lúc ấy A-nan chưa được tha tâm trí, nghĩ vì ông là anh thúc bá, nên trao dạy cho ông nhưPhật đã dạy.

Ðề-bà-đạt-đa thọ học phép thần thông, vào núi tu không bao lâu liền được ngũ thông. Ðược ngũ thông rồi tự nghĩ: “Ai sẽ làm kẻ Ðàn-việt cho ta?” NhưVương tử A-xà-thế, có tướng đại vương, Ðề-bà-đạt-đa muốn cùng vương tử làm kẻ thân hậu, mới đến cõi trời lấy đồ ăn của trời, trở lại cõi Uất-đát-la-việt lấy lúa gạo mọc tự nhiên, đến trong rừng Diêm-phù lấy quả Diêm-phù, đem tặng cho Vương tử A-xà-thế . Có khi biến thân làm Voi báu, Ngựa báu để mê hoặc tâm Vương tử. Có khi biến làm hài đồng ngồi trên đầu gối Vương tử, Vương tử ôm bế, kêu rên phịp nhỗ. Có khi tự nói tên mình cho Thái tử biết. Làm đủ cách biến thái để làm lay động tâm Vương tử. Tâm Vương tử đã lầm, lập đại tinh xá ở trong vườn xoài, cúng dường tứ sự và các thứ khác không thiếu vật gì để cấp cho Ðề-bà-đạt-đa. Ngày ngày sai các đại thần đưa đến năm trăm chõ cơm canh. Ðề-bà-đạt-đa được cúng dường nhiều mà đồ chúng thì được chút ít. Ðề-bà-đạt-đa tự nghĩ: “Ta có ba mươi hai tướng, thua Phật không mấy, chỉ vì đệ tử chưa tập hợp mà thôi. Nếu có đại chúng vây quanh thì có khác gì Phật.” Suy nghĩ nhưvậy xong, sanh tâm phá Tăng, rủ được năm trăm đệ tử, nhưng Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên thuyết pháp giáo hóa, Tăng trở lại hòa hợp.

Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa lại sanh ác tâm, xô đá đè Phật, nhưng lực sĩ Kim-cang lấy chày Kim-cang từ xa ném đến, đá vụn bay lại, chỉ làm bị thương ngón chân Phật. Tỳ-kheo-ni Hoa Sắc mắng, Ðề-bà lại lấy nắm tay đánh cô, cô liền bị lồi mắt mà chết. Ðề-bà đã gây ba tội nghịch, lại kết làm thân hậu với ác tà sưngoại đạo Phú-lan-na v.v..., dứt hết thiện căn, tâm không biết hổ thẹn.

Lại lấy thuốc độc tẩm trong móng tay, muốn nhân trong khi lễ Phật để làm trúng thương Phật. Muốn đi, song khi chưa đến trong thành Vương-xá, thì đất tự nhiên nẻ ra, xe có lửa chạy đến đón, Ðề-bà đang sống mà đọa vào địa ngục.

Ðề-bà-đạt-đa thân có ba mươi hai tướng mà không nhẫn phục tâm mình, chỉ vì ham được lợi dưỡng cúng dường mà gây tội lớn, nên phải sa vào địa ngục trong khi đang sống.

Do vậy nên nói mụn nhọt lợi dưỡng rất sâu, phá da đến tủy. Hãy nên từ bỏ tâm ưa người cúng dường. Ấy là Bồ-tát tâm nhẫn, không ưa người cúng dường cung kính.

Lại nữa, cúng dường có ba loại: 1- Do phước đức nhân duyên đời trước, 2- Do công đức đời nay tu giới, thiền định, trí tuệ nên được người cúng dường, 3- Do hưvọng dối hoặc, trong không có thật đức mà bề ngoài nhưthanh bạch, để gạt người đời mà được cúng dường. Ở trong ba sự cúng dường ấy, tâm tự suy nghĩ: “Nếu do nhân duyên đời trước siêng tu phứơc đức, nên nay được cúng dường, thế là do thân siêng làm mà tự có được, tại sao vì thế mà sanh tâm cống cao? Vì nhưmùa xuân gieo thời mùa thu gặt, do tự sức làm được, đâu đủ để tự kiêu?” Suy nghĩ nhưvậy rồi, nhẫn phục tâm mình, không đắm không kiêu.

Nếu do công đức đời nay nên được cúng dường, hãy tự suy nghĩ: “Ta do trí tuệ mà biết thật tướng các pháp, hoặc dứt kiết sử, do công đức ấy nên được người cúng dường, chớ đối với ta vô sự”. Suy nghĩ nhưvậy rồi, tự chế phục tâm mình, không tự kiêu cao. Cúng dường đó thật do ưa thích công đức chứ không phải ưa ta. Ví nhưTam-tạng Tỳ-kheo ở nước Kế-tân (Kasmia) hành pháp A-lan-nhã, đi đến một chùa vua. Chùa đang thiết đại hội, người giữ cửa thấy Tỳ-kheo y phục thô xấu, chận cửa không cho vào. Nhưvậy mấy lần, chỉ vì y phục xấu mà không được vào. Tỳ-kheo bèn phương tiện mượn mặc áo đẹp mặc mà đi đến, người giữ cửa trông thấy cho vào không cấm. Khi đã đến tại hội ngồi, được các đồ ăn ngon, trước hết lấy đưa cho áo ăn. Mọi người hỏi: “Vì sao nhưvậy?” Ðáp: “Tôi mấy lần đi đến, đều không vào được, nay nhờ chiếc áo này mà được ngồi ở đây. Ðược các đồ ăn ngon, thật là nhờ áo mà được, cho nên lấy đồ ăn đưa mời áo”. Hành giả do công đức tu hành, trì tuế, trí tuệ mà được cúng dường, tự suy nghĩ đó là do công đức chứ chẳng phải do ta. Suy nghĩ nhưvậy, có thể tự chế phục tâm, ấy gọi là nhẫn.

Nếu do hưvọng dối gạt mà được cúng dường, thế là tự làm hại, không thể gần được. Hãy tự suy nghĩ: “Nếu ta do hưvọng mà được cúng dường thì không khác gì giặc ác trộm cướp được đồ ăn, ấy là bị tội dối gạt”. Nhưvậy đối với ba hạng người cúng dường, tâm không ưa đắm, cũng không tự cao, ấy là sanh nhẫn.

Hỏi: Người chưa đắc đạo thì áo cơm là điều cấp thiết, làm cách gì có thể nhẫn được, để tâm không đắm không yêu người cấp thí cho mình?

Ðáp: Dùng sức trí tuệ quán tướng vô thường, tướng khổ, tướng vô ngã, tâm thường nhàm chán. Ví nhưngười tội, sắp phải chịu giết, tuy có vị ngon trước mặt, gia thất khuyến dụ, nhưng vì lo chết đến, dù uống ăn đồ ngon vẫn không biết tưvị. Hành giả cũng nhưvậy, thường quán tướng vô thường, tướng khổ, tuy được cúng dường, tâm không đắm trước.

Lại nhưcon chương, con hưu tuy khi bị cọp đuổi bắt, chạy theo không rời, tuy được cỏ ngon, nước sạch uống ăn mà tâm không nhiễm trước. Hành giả cũng nhưvậy, thường bị cọp vô thường đuổi theo, không rời phút chốc. Nếu cứ suy nghĩ chán ghét, tuy được vị ngon, cũng không nhiễm trước. Cho nên hành giả đối với người cúng dường, tâm được tự nhẫn.

Lại nữa, nếu coù người nữ, đi đến muốn vui, dối hoặc Bồ-tát. Khi ấy Bồ-tát hãy tự chế phục tâm, an nhẫn không cho tâm khởi. NhưPhật Thích-caVăn-ni tại cội cây Bồ-đề, Ma vương lo sầu, sai ba ngọc nữ, một tên là Ưa Thấy, hai tên là Vui Kia, ba tên là Khát Ái, đi đến hiện thân hình, làm đủ thứ bộ điệu, muốn phá hoại Bồ-tát. Bồ-tát lúc ấy tâm không lay động, mắt không hề ngó. Ba người nữ nghĩ rằng: “Lòng người không đồng, ưa thích khác nhau, hoặc ưa trẻ, hoặc ưa trung niên, hoặc ưa dài ưa ngắn, ưa trắng ưa đen. Các sự ưa nhưvậy, đều có sở thích riêng”.

Bấy giờ ba người nữ mỗi mỗi hóa làm 500 gái đẹp, mỗi gái đẹp ấy hiện ra vô lượng biến thái, từ trong rừng đi ra. Giống nhưmây đen, điển chớp sáng chốc chốc hiện ra, hoặc nhướng mày nhíu mi, nàng dâu trẻ chăm nhìn, làm trò múa hát, dáng dấp tươi đẹp, đến rước Bồ-tát, muốn lấy trạng thái thân hình chạm bức Bồ-tát. Bấy giờ lực sĩ Kim-cang Mật-tích trợn mắt quát lớn: “Ðây là người nào, mà các ngươi yêu mị dám đến xúc nhiễu!?” Khi ấy Mật-tích nói kệ mắng:

Ngươi không biết thiên đế,

Mất đẹp mà râu vàng,

Nước biển lớn trong xanh,

Ngày nay toàn mặn đắng.

Ngươi không biết trăng giảm,

Bà-tẩu chưthiên đọa,

Lửa vốn từ miệng trời,

Mà nay ăn hết thảy”.

- Ngươi không biết việc ấy, mà dám khinh bậc Thánh này?” Khi ấy, các Ma nữ rón rén lùi lại, nói với Bồ-tát rằng: “Nay chúng nữ này đoan nghiêm không ai sánh bằng, có thể tự làm vui lòng, chứ ngồi ngay thẳng làm chi?” Bồ-tát nói: “Các ngươi bất tịnh, xú uế đáng gớm, hãy đi đi, chớ nói dối!” Bồ-tát liền nói kệ:

“Thân ấy là ổ nhơ,

Chứa đồ nhơthối nát,

Nó thật là cầu tiêu,

Ðâu đủ để vui lòng!”

Các nữ nghe kệ ấy, tự nghĩ: “Người này không biết chúng ta có thân Trời thanh tịnh, nên nói kệ ấy”. Liền tự biến thân trở lại thân hình cũ, sáng chói rực rỡ, chiếu giữa rừng cây, múa ca nhạc trời, nói với Bồ-tát rằng: “Thân tôi nhưvầy, có chi đáng mắng?” Bồ-tát đáp rằng: “Thời đến tự biết”. Hỏi: “Lời nói ấy là thế nào?”. Nói kệ đáp rằng:

“Trong vườn rừng chư thiên,

Ao sen hoa bảy báu,

Chưthiên cùng vui chơ i,

Khi mất, ngươi tự biết.

Lúc ấy thấy vô thường,

Vui trên trời đều khổ,

Ngươi nên chán dục lạc,

Ưa vui đạo chánh chơ n”.

Các nữ nghe kệ xong, tâm nghĩ rằng: “Người này trí lớn vô thượng, sự vui của trời thanh tịnh mà còn biết nó xấu, thì ta đây không thể đương nổi”, liền biến mất. Bồ-tát quán cái vui dâm dục nhưvậy, có thể tự chế phục tâm, an nhẫn không khuynh động.

Lại nữa, Bồ-tát quán dục đủ các thứ bất tịnh. Ở trong các thứ suy, nữ suy nặng nhất. Các loại đao, lửa, sấm, chớp, sét đánh, oan gia, Rắn độc, còn có thể tạm gần, chứ người nữ xan tham, tật đố, sân si, nịnh hót, mỹ miều, ô uế, đấu tranh, không thể thân cận, vì sao? Vì con gái tiểu nhân, tâm cạn trí mỏng, chỉ dục là thân, không xét giàu sang, trí đức, tiếng tăm, chuyên làm dục ác, phá thiện căn của người. Các thứ gông cùm, khóa kẹp, nhốt trói, nhà tù, tuy là khó mở mà còn dễ mở, chớ người nữ khóa trói người, bén rễ sâu bền, kẻ vô trí chết chìm trong đó, khó có thể thoát ra được. Trong các thứ chết, nữ bệnh nặng nhất, nhưkệ nói:

“Thà lấy sắt đỏ,

Xoay lăn trong mắt,

Không đem loạn tâm,

Tà xem nữ sắc.

Mỉm cười làm dáng,

Kiêu mạn hổ thẹn,

Quay mặt, nhíu mắt,

Nói đẹp, ghen, giận.

Ði bước lả lơi,

Ðể mê hoặc người,

Lưới dâm giăng khắp,

Người đều chôn thân.

Ngồi, nằm, đi, đứng,

Quay liếc xảo đẹp,

Người ngu trí mỏng,

Tâm say mê theo.

Cầm gương đánh địch,

Còn có thể thắng,

Nữ tặc hại người,

Là không thể cấm.

Rắn rết ngậm độc,

Còn lấy tay bắt.

Nữ tình mê người,

Là không thể đụng.

Những người có trí,

Quyết không nên xem,

Phải như mẹ chị.

Nếu muốn xem đó.

Quán xem kỹ càng,

Chứa đầy bất tịnh,

Lửa dâm không trừ,

Bị nó cháy tiêu”.

Lại nữa, tướng người nữ là nếu được trọng đãi thời khiến tâm người chồng cao ngạo; nếu tình cảm trọng đãi bỏ mất thời khiến tâm người chồng sợ hãi. Người nữ nhưvậy, thường đem phiền não lo sợ cho người, làm sao gần được? Làm cho chống trái xa lìa giữa người thân hảo là tội của người nữ, giỏi tìm điều xấu của người là trí của người nữ. Lửa cháy người còn có thể gần, gió thanh vô hình, cũng có thể nắm bắt, rắn rết ngậm độc, cũng còn có thể đụng, tâm của người nữ không thể biết đâu thật, vì sao? Vì tướng của người nữ không cần xem giàu sang, đoan chánh, danh tiếng, trí tuệ, giòng họ, nghề nghiệp, biện tài, thân hậu, ái trọng, đều không để tâm, chỉ dâm dục là để tâm xem đến. Ví nhưcon Thuồng luồng, Rồng, không chọn tốt xấu, chỉ muốn giết người. Lại nếu người ta không xem đến thì buồn khổ tiều tụy, nếu được cấp dưỡng trọng đãi, thì kiêu sa không tự chế.

Lại nữa, nếu ở giữa người lành, thời tự nuôi tâm cao ngạo, ở giữa người vô trí thời xem họ nhưoan gia, ở giữa người sang giàu thì đi theo cung kính thương yêu, ở giữa người nghèo hèn thời xem họ nhưchó, Thường theo tâm dục, chứ không theo công đức.

Nhưtruyện nói: Quốc vương có người con gái tên là Câu-mâu-đầu, có người thợ đánh cá tên là Thuật-gia-bà, đi dọc theo đường, xa thấy vương nữ trên lầu cao, nhìn qua trong cửa sổ thấy mặt, liền tưởng tượng đắm nhiễm, tâm không tạm dứt, trải qua ngày tháng bỏ ăn bỏ uống. Mẹ hỏi lý do, đem tình thực trả lời mẹ rằng: “Con thấy vương nữ, tâm không quên nổi!” Người mẹ khuyến dụ con rằng: “ Con là hạng tiểu nhân, vương nữ là hàng quý trọng, không thể được đâu!” Người con nói: ”Tâm con mong được khoái lạc, không thể tạm quên, nếu không được nhưý, con không thể sống được”. Mẹ vì thương con, đi vào cung vua, thường đem các béo thịt chìm để tặng cho Vương nữ mà không lấy tiền. Vương nữ lấy làm lạ mà hỏi: “Muốn cầu mong điều gì?” Bà mẹ thưa: “Xin đuổi hết người hai bên, tôi sẽ đem tình thật thưa rõ: Tôi chỉ có một đứa con trai, kính mộ Vương nữ, mối tình uất kết thành bệnh, mạng đã gần kề, nguyện dũ lòng thương, cứu cho mạng sống của nó”. Vương nữ nói: ”Bà đi đi. Dặn ngày mười lăm giữa tháng, đến trong đền thờ trời nọ, núp ở sau tượng Trời”. Người mẹ trở về nói với con: “Ước mong của con đã được”, và kể lại sự việc nhưtrên. Người con tắm rửa thay áo mới, đến núp ở sau tượng Trời.

Ðến ngày, Vương nữ thưa với vua cha: “Con có việc chẳng lành, phải đến đền thờ để cầu phúc lành”. Vua nói: “Tốt lắm!” Vương nữ liền sắm sửa 500 cỗ xe, ra khỏi cung đi đến đền thờ trời. Ðến rồi, ra lệnh các người tùy tùng ngưng lại ngoài cửa, một mình đi vào đền thờ.

Thiên thần suy nghĩ: “Việc này không thể nhưvậy. Vua là chủ của cõi đời, không thể để kẻ tiểu nhân làm hủy nhục Vương nữ “, liền yểm vào người ấy làm cho ngủ mê không biết. Khi Vương nữ đi vào, thấy người kia ngủ mê, lay mấy không tỉnh, liền lấy chuỗi anh lạc trị giá mười vạn lượng vàng để lại rồi đi. Sau khi đi, người ấy tỉnh lại thấy chuỗi anh lạc, hỏi người hai bên thì biết là Vương nữ đã có đến. Nguyện tình không toại, ưu sầu uất hận áo não, lửa dâm tự trong thân bốc ra, tự đốt mà chết.

Do chứng cớ ấy, biết tâm của người nữ không chọn sang hèn, chỉ mê theo dâm dục mà thôi.

Lại nữa, xưa có người con gái quốc vương, đi theo kẻ Chiên-đà-la, cùng nhau hành bất tịnh. Lại có con gái của tiên nhân, đi theo con Sưtử. Những điều nhưvậy, tâm của người nữ không lựa chọn gì. Do các nhân duyên ấy, đối với người nữ phải từ bỏ tình dục, nhẫn nhục không ưa đắm.

Làm sao với hạng người sân si não hại mà nhẫn nhục được? Nên tự suy nghĩ: “Hết thảy chúng sanh có nhân duyên tội lỗi, nên xâm hại lẫn nhau, ta nay bị bức não cũng do nhân duyên của hành nghiệp cũ, tuy chẳng phải tạo tác ở đời nay, mà là ác báo đời trước của ta; ta nay đền trả, hãy nên cam chịu, đâu có thể trái được, ví nhưmắc nợ, chủ nợ đến đòi, hãy nên hoan hỷ trả nợ, không thể nổi giận được.

Lại nữa, thường thực hành từ tâm, tuy có bị não loạn bức thân, phải nên nhẫn chịu. Ví nhưtiên nhân Sằn-đề ở trong đại lâm tu hành từ nhẫn, vua Ca-lợi đem các thể nữ, vào rừng vui chơi. Ăn uống xong xuôi, vua tạm ngủ nghỉ, để các thể nữ đi hái hoa giữa rừng, thấy vị tiên ấy thì cung kính lễ bái, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ tiên nhân nói lời khen ngợi hành từ bi nhẫn nhục cho các thể nữ nghe. Lời nói hay ho, nghe không biết chán nên đã lâu mà không đi. Vua Ca-lợi thức dậy, không thấy thể nữ, rút kiếm đi tìm tông tích, thấy đang đứng trước tiên nhân, lòng vua kiêu căng ganh ghét, bừng bừng trợn mắt hươkiếm, hỏi tiên nhân rằng: “Ngươi là người nào?” Tiên nhân đáp: “Tôi ở nơi này tu hành từ bi nhẫn nhục”. Vua nói: ”Nay ta thử ngươi, sẽ lấy gươm bén cắt tai mũi ngươi, chặt tay chân ngươi. Nếu ngươi không giận mới biết là ngươi tu nhẫn nhục”. Tiên nhân nói: “Mặc ý!” Vua liền rút kiếm cắt tai mũi, chặt tay chân tiên nhân, mà hỏi rằng: “Tâm ngươi có động chăng?” Ðáp: “Tôi tu từ nhẫn, tâm chẳng động”. Vua nói: “Ngươi một thân ở đây, không có thể lực, tuy miệng nói chẳng động, ai mà tin được?” Khi ấy tiên nhân liền phát lời thề rằng: ”Nếu tôi thật tu từ nhẫn , thì huyết sẽ thành sữa”. Tức thì huyết biến thành sữa, vua rất kinh hãi, vui mừng, đem các thể nữ đi.

Lúc ấy, hung thần ở trong rừng, vì tiên nhân này mà sấm chớp, sét đánh thình lình, vua bị độc hại, chết không trở về cung được. Do vậy nên nói ở trong chỗ não loạn hay tu hành nhẫn nhục.

Lại nữa,Bồ-tát tu hành từ tâm. Tất cả chúng sanh thường có các khổ, nhưở trong thai chịu các đau khổ, khi sanh bức bách, xương thịt bị phá nát, gió lạnh chạm thân, quá hơn dao cắt. Cho nên Phật nói: “Trong hết thảy khổ, sanh khổ hạng nhất”. Nhưvậy, già, bệnh, chết khổ, đủ thứ khổ ách, thế nào người tu hành lại còn gia thêm khổ cho chúng? Thế là trong mụn nhọt còn lấy dao phá.

Lại nữa,Bồ-tát tự suy nghĩ: “Ta không nên nhưcác người khác, thường trôi theo dòng nước sanh tử, ta phải ngược dòng để tìm đến tận nguồn, vào đạo Niết-bàn. Hết thảy người phàm, hễ ai đụng đến là nổi giận, ai đưa lợi ích đến thì mừng, chỗ sợ thì sợ, còn ta làm Bồ-tát, không thể nhưhọ. Tuy chưa dứt kiết sử, hãy tự ức chế, tu hành nhẫn nhục, gặp não hại không giận, được cung kính cúng dường không mừng, các khổ gian nan không nên sợ sệt, hãy vì chúng sanh, hưng khởi tâm đại bi.

Lại nữa,Bồ-tátthấy chúng sanh đến làm não loạn, hãy tự suy nghĩ: “Ðó là người thân hậu của ta, cũng là thầy ta, càng thêm lòng thân ái, cung kính tiếp đãi, vì sao? Vì nếu kia không đem các sự não loạn đến thời ta không thành nhẫn nhục”. Do lẽ đó, nên nói kia là người thân hậu của ta, cũng là thầy ta.

Lại nữa,Bồ-tát tâm biết rõ nhưlời Phật dạy: “Chúng sanh vô thỉ, thế giới vô biên, qua lại năm đường, luân hồi vô lượng. Ta cũng từng làm cha mẹ anh em của chúng sanh; chúng sanh cũng từng làm cha mẹ anh em của ta, đương lai cũng vậy. Lấy đó mà suy, không nên ác tâm ôm lòng sân hại”.

Lại nữa,suy nghĩ trong hàng chúng sanh, có rất nhiều hạt giống Phật, nếu ta đem ý giận đến chúng sanh, thời là giận Phật. Nếu ta giận Phật, thời là xong chuyện! Nhưtruyện nói: “Chim Bồ câu sẽ được làm Phật”, nay tuy là chim, không thể khinh được.

Lại nữa,trong các phiền não, giận là nặng nhất, trong quả báo bất thiện, quả báo giận là lớn nhất, các kiết sử khác không có trọng tội đó. NhưThích-đề-bà-na-dân hỏi Phật bằng bài kệ rằng:

“Giết vật gì, an ổn?

Giết vật gì, không hối?

Vật gì gốc của độc?

Nuốt mất mọi điều thiện?

Giết vật gì, được khen?

Giết vật gì, không buồn?”.

Phật đáp:

“Giết giận, tâm an ổn,

Giết giận, tâm không hối.

Giận là gốc của độc

Giận diệt mọi điều thiện

Giết giận, chư Phật khen.

Giết giận, thời không buồn”.

Bồ-tát suy nghĩ: “Ta nay thực hành bi tâm, muốn cho chúng sanh được vui. Giận là nuốt mất mọi điều thiện, độc hại tất cả, tại sao ta làm trọng tội ấy? Nếu có sân giận, tự mình mất lợi lạc, thì làm sao có thể khiến chúng sanh được vui?”

Lại nữa,chưPhật, Bồ-tát lấy đại bi làm gốc, do bi mà ra, giận là thứ độc làm tiêu diệt bi, đặc biệt không hợp nhau. Nếu hoại gốc bi, sao gọi là Bồ-tát? Bồ-tát từ đâu mà ra? Vì lẽ đó nên tu nhẫn nhục. Nếu chúng sanh đem chất thêm các sự sân não, hãy nghĩ đến công đức của họ. Hiện chúng sanh này tuy có một tội, song còn tự có các công đức tốt khác. Vì công đức ấy, không nên sân hận.

Lại nữa, người ấy hoặc mắng hoặc đánh, ấy là tại ta. Ví nhưthợ luyện vàng, cáu bẩn theo lửa đi mất, riêng vàng ròng còn lại. Ðây cũng nhưvậy, nếu ta có tội, ấy là do nhân duyên đời trước, nay phải đền trả, không nên sân hận, nên tu nhẫn nhục.

Lại nữa,Bồ-tát thường niệm chúng sanh giống nhưcon đỏ. Người ở cõi Diêm-phù-đề nhiều các ưu sầu, ít có ngày vui, nếu có đến mắng nhiếc, bức hại mà tâm họ hoan lạc, cái vui đó khó được, cho ngươi tự do mắng, vì sao? Vì ta vốn phát tâm muốn cho chúng sanh được hoan hỷ.

Lại nữa, chúng sanh ở thế gian, bị các bệnh bức não, lại bị giặc chết theo rình, ví nhưoan gia thường rình chỗ hở, làm sao người thiện không thương xót mà còn muốn gia khổ cho họ được? Khổ chưa tới người mà trước tự mình đã thọ hại. Suy nghĩ nhưvậy, không nên giận kia, nên tu nhẫn nhục.

Lại nữa, nên quán sự sân nhuế, tội nó rất sâu. Trong ba thứ độc, không thứ nào nặng bằng nó. Trong 98 sử, nó là cứng chắc nhất, Trong các tâm bệnh, nó khó trị nhất. Người sân nhuế chẳng biết thiện, chẳng biết phi thiện, không quán tội phước, không biết tội hại, không tự nhớ nghĩ, sẽ bị đọa ác đạo, quên mất câu nói thiện, không tiết danh xưng, không biết người khác phiền não, không kể thân tâm mình mệt nhọc, phiền não, giận làm che lấp mắt tuệ, chuyên làm não hại người khác. Nhưmột ngũ thông tiên nhân, vì lòng sân nhuế, tuy tu tịnh hạnh, mà giết hại một nước nhưChiên-đà-la.

Lại nữa, người có tâm sân nhuế, giống nhưhổ lang, khó thể ở chung. Lại nhưmụt độc, dễ phát dễ hoại. Người sân nhuế giống nhưrắn độc, không ai ưa thấy. Người chứa tánh giận, ác tâm lớn dần, đến việc không thể đến, nhưgiết cha, giết vua, ác ý đối với Phật. Nhưchúng Tỳ-kheo ở nước Câu-diệm-di, vì nhân duyên nhỏ nhặt, tâm sân hận lớn dần, chia thành hai nhóm, muốn xử đoán thích đáng, trọn mất ba tháng mà còn không thể xong! Phật đi đến giữa chúng, đưa cánh tay luân tướng lên ngăn mà bảo rằng: “Tỳ-kheo các ngươi, chớ đấu tranh nhau. Ác tâm tương tục, khổ báo rất nặng. Các ông vì cầu Niết –bàn, vứt bỏ lợi lạc ở đời, ở trong thiện pháp, sao còn đấu tranh nhau? Người đời cáu giận đấu tranh còn tha thứ được, chứ người xuất gia đâu có thể đấu tranh? Trong tâm xuất gia mà còn ôm độc, chỉ tự làm hại, nhưtrong mây lạnh tuông lửa đốt thân!” Các Tỳ-kheo bạch Phật: “Phật là Pháp vương, xin Ngài tạm yên nghỉ. Bọn ấy xâm phạm chúng con, chúng con không thể không đáp trả lại!”.

Phật nghĩ hạng người này không thể độ được, ngay giữa chúng Tăng, Ngài lên không trung mà đi, vào giữa rừng cây, yên lặng tam muội. Tội sân nhưvậy, thậm chí không chịu nghe lời Phật. Vì lẽ ấy nên hãy trừ sân, tập tu hành nhẫn nhục.

Lại nữa, thường tu nhẫn nhục thì dễ được từ bi. Người được từ bi thời đến Phật đạo.

Hỏi: Nhẫn nhục đều là tốt, song có một việc không thểđược là bị kẻ tiểu nhân khinh mạn cho là sợ sệt. Vì lẽ ấy không nên nhẫn tất cả?

Ðáp: Nếu vì sợ tiểu nhân khinh mạn cho là sợ chết mà không muốn nhẫn, song tội không nhẫn còn quá hơn thế, vì sao? Vì người không nhẫn bị người Hiền Thánh thiện nhân khinh chê, người nhẫn bị tiểu nhân khinh mạn. Trong hai thứ khinh ấy, thà bị kẻ vô trí khinh mạn, không thà bị Hiền Thánh thiện nhân khinh chê, vì sao? Vì người vô trí khinh điều không đáng khinh, còn Hiền Thánh chê điều đáng chê. Vì lẽ ấy nên tu nhẫn nhục.

Lại nữa, người nhẫn nhục, tuy không bố thí, thiền định mà thường được công đứùc vi diệu. Ðược sanh vào cõi trời, cõi người, sau được Phật đạo, vì sao? Vì tâm nhu nhuyến.

Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Ðời nay người bức não ta, hủy nhục cuớp lợi, khinh mắng, buộc trói, ta nên làm nhẫn. Nếu ta không nhẫn, sẽ đọa địa ngục, thành sắt đất nóng chịu khổ vô lượng, đốt, nướng, sấy, nấu, không thể nói hết, vì sao? Vì tuy bị kẻ tiểu nhân vô trí khinh mà là quý, còn không nhẫn mà dùng oai, tuy khoái mà là hèn. Thế nên Bồ-tát nên nhẫn nhục.

Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta ban đầu phát tâm thề vì chúng sanh, trị tâm bệnh cho họ. Nay chúng sanh bị bệnh sân nhuế kiết sử, ta hãy trị bệnh đó, cớ sao lại lấy đó làm bệnh của mình? Hãy nên nhẫn nhục. Ví nhưthầy thuốc chữa trị các bệnh, nếu gặp bệnh Quỷ cuồng, rút đao mắng nhiếc, không phân biệt tốt xấu. Thầy thuốc biết bệnh Quỷ ám, chỉ vì trị bệnh chứ không sân nhuế”. Bồ-tát nếu bị chúng sanh đến sân não mắng nhiếc, biết nó đang bị bệnh sân nhuế phiền não cuồng tâm xui khiến, thì phải khéo léo chữa trị, không hiềm trách chi, cũng nhưvậy.

Lại nữa, Bồ-tát nuôi nấng hết thảy, thương yêu nhưcon, nếu chúng sanh đến sân não Bồ-tát, Bồ-tát chỉ thương mà không não, không trách. Ví nhưcha lành vỗ nuôi con cháu, con cháu ấu trĩ chưa có biết gì, hoặc có khi mắng nhiếc, đánh đập, không kính, không sợ, cha vẫn thương nó ngu dại, càng thương yêu thêm. Tuy có tội lỗi, không giận, không buồn. Bồ-tát nhẫn nhục cũng nhưvậy.

Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu chúng sanh đem sự sân não đến cho ta, ta sẽ nhẫn nhục. Nếu ta không nhẫn, thì đời nay tâm hối hận, đời sau vào địa ngục, thọ khổ vô lượng. Nếu sanh vào súc sanh thì làm rồng độc, rắn dữ, sưtử, hổ lang. Nếu làm Ngạ quỷ thì lửa từ miệng ra, ví nhưngười bị lửa đốt, khi đốt đau nhẹ, sau khi đốt đau nặng.

Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta làm Bồ-tát, muốn làm lợi ích chúng sanh, nếu ta không nhẫn nhục được, thì không gọi là Bồ-tát, mà gọi là người ác.

Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Ðời có hai loại: 1- Chúng sanh số, 2- Không phải chúng sanh số. Ta ban đầu phát tâm, thể vì hết thảy chúng sanh. Nếu có chẳng phải chúng sanh số nhưnúi đá, cây cỏ, gió rét, lạnh nóng, nước, mưa, xâm hại, thì chỉ lo chế ngự, không chút sân nhuế. Nay chúng sanhnày là chính được ta vì họ, họ gia ác đến ta, ta nên nhẫn chịu, tại sao lại giận?”

Lại nữa, Bồ-tát biết từ lâu xa đến nay, nhân duyên hòa hiệp, giả danh là người, chứ không thật có pháp người, thì có ai để giận? Trong đó chỉ có xương, huyết, da, thịt, ví nhưbờ hủy, ngói mục. Lại nhưngười gỗ, do máy móc động tác mà có đi có lại. Biết rõ nhưvậy, không nên sân giận, nếu ta sân giận, thì ta là ngu si, tự chịu tội khổ. Vì lẽ đó nên tu nhẫn nhục.

Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Vô lượng Hằng hà vô số chưPhật trong quá khứ khi hành Bồ-tát đạo, đều trước hết thực hành “Sanh nhẫn”, vậy sau mới thực hành “Pháp nhẫn”. Ta nay cầu thọ Phật đạo, điều trước hết thực hành “Sanh nhẫn”, hãy nên nhưpháp của chưPhật, không nên khởi tâm sân nhuế, nhưpháp của cảnh giới Ma. Vì lẽ ấy, nên tu nhẫn nhục.

Do vô lượng nhân duyên nhưvậy, cho nên hay nhẫn. Ấy gọi là Sanh nhẫn.

(Hết cuốn 14 theo bản Hán)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]