Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG V

16/04/201314:18(Xem: 10363)
CHƯƠNG V

Khảo nghiệm Duy Thức Học

Tác giả: HT Thích Thắng Hoan

---o0o---

CHƯƠNG V

KHẢO SÁT TÁNH CHẤT VÀ GIÁ TRỊ NHỮNG

YẾU TỐ CẤU TẠO THÀNH VẠN PHÁP

A.- THÀNH PHẦN CỦA TÂM THỨC:

Căn cứ trên sự sinh hoạt để hiểu biết vạn pháp, nhà Duy Thức phân loại mỗi Tâm Thức thành bốn phần khác nhau để khảo sát. Bốn phần của mỗi Tâm Thức là: Kiến Phần, Tướng Phần, Tự Chứng Phần và Chứng Tự Chứng Phần.

I.- ĐỊNH NGHĨA: Tên gọi và ý nghĩa của bốn phần được giải thích như sau:

1/- KIẾN PHẦN: là phần chủ thể của sự hiểu biết (Subject of Understanding) hoặc gọi là phần hiểu biết (năng tri) của Tâm Thức và cũng gọi là phần tác dụng (Activity) của Tâm Thức tiếp xúc (năng duyên) với sự vật để có hiểu biết. Năng tri nghĩa là Tâm Thức có khả năng hiểu biết vạn pháp và ngoài Tâm Thức này, không còn ai có khả năng hiểu biết được vạn pháp. Năng Duyên nghĩa là Tâm Thức tiếp xúc với sự vật đối tượng (Object) để hiểu biết.

2/- TƯỚNG PHẦN: là phần đối tượng để hiểu biết (Object for Understanding) hoặc gọi là nơi chốn của sự hiểu biết (sở tri) và cũng gọi là sự vật đối tượng khiến cho Tâm Thức tiếp xúc (sở duyên) để hiểu biết. Đây là phần hình tướng (Images) của vạn pháp làm đối tượng cho Tâm Thức hiểu biết. Sở Tri nghĩa là nơi chốn, vị trí đối tượng của sự hiểu biết. Sở Duyên nghĩa là đối tượng giúp cho Tâm Thức tiếp xúc để hiểu biết.

3/- TỰ CHỨNG PHẦN: là phần thể chất của Tâm Thức. Phần này có khả năng kiểm soát và chứng thực sự hiểu biết vạn pháp hoặc đúng hoặc sai của Kiến Phần nói trên. Đây là chỉ cho khối năng lượng nguyên thể của Tâm Thức ở trạng thái hạt giống.

4/- CHỨNG TỰ CHỨNG PHẦN: là phần tướng trạng (Form) của mỗi Tâm Thức. Phần này có khả năng xác định sau cùng cho sự kiểm soát và chứng thực đúng hoặc sai của Tự Chứng Phần, đồng thời bảo vệ và duy trì phần thể chất của mỗi Tâm Thức được tồn tại mãi với hình thức là Tự Chứng Phần không bị biến thể. Phần này cũng thuộc về Căn Thức (tánh chất) của mỗi Tâm Thức có nhiệm vụ bảo trì hạt giống Tâm Thức và hỗ trợ Tự Chứng Phần làm nền tảng (Foundation) cho Kiến Phần nương tựa để sinh hoạt.

Thí dụ 1: Bông hoa Hồng là thuộc về Sắc Trần, Hình tướng màu sắc của bông hoa Hồng là thuộc về Tướng Phần. Nhãn Thức thấy bông hoa Hồng là thuộc về Kiến Phần. Kế tiếp Tâm Thức khởi lên một niệm nhận định để nhìn thấy kỹ cái đẹp của bông hoa Hồng này khác với cái đẹp của bông hoa Hồng kia là thuộc về Tự Chứng Phần của Nhãn Thức, và sau cùng Chứng Tự Chứng Phần của Nhãn Thức mới xác định giá trị sự nhìn thấy khác biệt cái đẹp kia của bông hoa Hồng này so với bông hoa Hồng kia mà Tự Chứng Phần Nhãn Thức nhận định.

Thí dụ 2: Ruột hạt đậu xanh tương tợ như Tự Chứng Phần của Tâm Thức. Vỏ đậu xanh tương bảo vệ hạt đậu xanh không hư tương tợ như Chứng Tự Chứng Phần của Tâm Thức bảo trì Tự Chứng Phần không cho biến thể. Hạt đậu xanh này nảy mầm tương tợ như Kiến Phần của Tâm Thức tác dụng từ nơi Tự Chứng Phần. Hạt đậu xanh thành hình cây đậu xanh cũng tương tợ như Tướng Phần của các pháp do Kiến Phần của mỗi Tâm Thức tác dụng sanh khởi.

Trong tám Thức Tâm Vương, mỗi Tâm Thức tự nó có thể chất riêng biệt với hình thức là hạt giống. Thể chất của Tâm Thức này không giống thể chất của Tâm Thức kia và hạt giống của Tâm Thức này cũng không liên hệ với hạt giống của Tâm Thức kia, nghĩa là mỗi Tâm Thức đều có thể chất và hạt giống khác nhau và chúng không quan hệ với nhau trong sự hiểu biết vạn pháp. Thể chất của Nhãn Thức chỉ có khả năng hiểu biết sự vật về phương diện nhìn thấy và hoàn toàn không thể hiểu biết sự vật về phương diện lắng nghe. Thể chất của Nhĩ Thức chỉ có khả năng hiểu biết sự vật về phương diện lắng nghe và hoàn toàn không thể hiểu biết về phương diện nhìn thấy. Các Tâm Thức khác đều cũng giống như thế, nghĩa là Tâm Thức này không thể thay thế cho Tâm Thức kia trong sự hiểu biết vạn pháp ngoài khả năng của mình. Hạt giống của Tâm Thức này chỉ sinh hoạt để hiểu biết vạn pháp trong khả năng nhận thức của mình và không thể hiểu biết những gì ngoài khả năng nhận thức mà mình có thể. Hạt giống Nhãn Thức chỉ có khả năng nhìn thấy hình sắc của sự vật và không thể nghe được âm thanh của sự vật đó. Hạt giống Nhĩ Thức chỉ có khả năng lắng nghe âm thanh của sự vật và không thể nhìn thấy được hình sắc của sự vật đó. Hạt giống của các Tâm Thức khác đều cũng giống như thế.

Hạt giống là phần thể chất của mỗi Tâm Thức được đặt tên là Tự Chứng Phần. Tự Chứng Phần nghĩa là phần tự thể của mỗi Tâm Thức có khả năng chứng thực riêng biệt vạn pháp và nhận thức riêng biệt vạn pháp. Thể tánh của Phần Tự Chứng (thể chất) nơi mỗi Tâm Thức đã sẵn có bản tánh giác ngộ hồn nhiên và sáng suốt tự bao giờ. Thể tánh của Phần Tự Chứng này không có vấn đề so đo phân biệt và cũng gọi là khối năng lượng của Trí Tuệ ở vị trí nguyên thể. Phần Tự Chứng này không có vấn đề chủ thể (Subject) và đối tượng (Object). Chỉ khi nào Phần Tự Chứng này tác dụng (Activity) thì mới có hai phần: Kiến Phần (Subject) và Tướng Phần (Object). Kiến Phần là phần hiểu biết và Tướng Phần là phần đối tượng để hiểu biết.

Phần Tự Chứng của mỗi Tâm Thức khi phát sanh tác dụng để duyên cảnh đều hiểu biết sự vật theo tánh chất, theo khả năng của mỗi loại và chỉ có thể hiểu biết sự vật trong phạm vi ảnh tượng (Cause's Image) do mỗi Tâm Thức tự tạo ra. Phần tác dụng của Tự Chứng Phần để hiểu biết sự vật chính là Kiến Phần, còn phần ảnh tượng của sự vật do Kiến Phần của mỗi Tâm Thức căn cứ nơi sự vật đó tạo ra để hiểu biết chính là Tướng Phần. Kiến Phần mỗi khi tác dụng để làm chủ cho sự hiểu biết thì mới có Tướng Phần của sự vật làm đối tượng để hiểu biết. Ngược lại, Kiến Phần nếu như không tác dụng để làm chủ cho sự hiểu biết thì nhất định không có Tướng Phần của sự vật làm đối tượng để hiểu biết.

Tóm lại, Kiến Phần là chủ thể hay Tướng Phần là đối tượng, tất cả đều do Tự Chứng Phần của mỗi Tâm Thức sanh ra. Riêng Chứng Tự Chứng Phần với mục đích là chứng nhận và minh định sự kiểm soát của Tự Chứng Phần trên lãnh vực nhận thức, đồng thời bảo vệ lấy Tự Chứng Phần của mỗi Tâm Thức được tồn tại ở vị trí hạt giống riêng biệt không cho biến thể.

Thí dụ, hạt mít là Tự Chứng Phần. Vỏ hạt mít để bọc lấy và bảo vệ hạt mít không bị hư hoại là Chứng Tự Chứng Phần. Mầm mít mọc lên từ nơi hạt mít là Kiến Phần. Mô hình (Form) tức là Pháp Tướng của cây mít để mầm mít nương nơi đó lớn lên và thành hình cây mít chính là Tướng Phần.

II.- KHẢO SÁT KIẾN PHẦN VÀ TƯỚNG PHẦN QUA MỖI TÂM THỨC:

Như đã trình bày ở trên, mỗi Tâm Thức đều có Tự Chứng Phần riêng biệt nhau với danh nghĩa hạt giống và những Tự Chứng Phần hày hoàn toàn không quan hệ với nhau. Tự Chứng Phần của mỗi Tâm Thức được Chứng Tự Chứng Phần của Tâm Thức đó duy trì nguyên thể không cho biến hoại trong tư thế hạt giống độc lập.

Còn căn cứ trên lãnh vực tác dụng để sinh hoạt, Hạt giống Tự Chứng Phần của mỗi Tâm Thức thể hiện thành Kiến Phần (Phần Activities) để tiếp xúc với Tướng Phần (Images) của mỗi sự vật mà chính Kiến Phần của Tâm Thức đó tạo ra. Tướng Phần chính là hình ảnh của trần cảnh từ nơi một sự vật bên ngoài phản ảnh vào để làm đối tượng cho Kiến Phần của Tâm Thức hiểu biết. Sự sinh hoạt của Tự Chứng Phần với hình thức Kiến Phần để tiếp xúc với Tướng Phần của một sự vật bên ngoài được ghi nhận như sau:

1/- VỚI NHẬN THỨC (Eye Consiousness):

Đầu tiên, Tự Chứng Phần (phần hạt giống) của Nhãn Thức từ trong Thức Thể Alaya liền phát sanh Kiến Phần (Phần tác dụng) và Kiến Phần này chạy vào trong não bộ để tiếp xúc với trung tâm thần kinh con mắt (The Nervous center of Eye). Kiến Phần Nhãn Thức khi tiếp xúc với trung tâm thần kinh con mắt liền phát sanh hai luồng nhãn quang (Tâm Sở Huệ) qua hai con mtắ (Lens Lights). Hai luồng nhãn quang này chạy xuyên qua hai con mắt (hai Phù Trần Căn) ở hai vị trí khác nhau nơi trên đầu để soi sáng và thâu ảnh trần cảnh của một sự vật bên ngoài vào trong hai con ngươi (Pupils).

Hình sắc của trần cảnh do hai luồng nhãn quang của Tâm Sở Huệ mang vào xuyên qua hai con ngươi của hai con mắt liền biến thành hai Tướng Phần. Hai Tướng Phần này được Tâm Sở Xúc chuyển vào phía trong Võng Mô (Lens) biến thành hai ảnh nghịch đầu gọi là Ảo Ảnh (Illusions). Đồng thời Tâm Sở Xúc lại mang hai Ảo Ảnh này vào trong não bộ hội tụ (Focus) lại trở thành Tướng Phần chung gọi là Ảnh Tử (Cause of Illusions). Ảnh Tử đây được Kiến Phần Nhãn Thức tiếp xúc và Kiến Phần Nhãn Thức nương nơi Ảnh Tử đó để hiểu biết trần cảnh của một sự vật bên ngoài qua hình sắc (Sắc Trần). Nói cách khác, Kiến Phần Nhãn Thức nếu như không sinh hoạt thì Tâm Sở Huệ không thâu ảnh và Tâm Sở Xúc cũng không mang những ảnh này vào trong não bộ, thì lúc đó, Nhãn Thức nhất định sẽ không có Tướng Phần làm đối tượng để hiểu biết. Trường hợp này cũng giống như người bị ngất xỉu (Lose Consiousness) hoặc người bị chụp thuốc mê, chúng ta vạch đôi mắt của họ vẫn thấy con ngươi còn trong như gương và chúng ta cũng vẫn nhìn thấy hình ảnh của mình hiện rõ trong con ngươi, nhưng lúc đó Nhãn Thức của họ không nhìn thấy chúng ta qua hình ảnh này. Nguyên vì Tự Chứng Phần Nhãn Thức của người bị ngất xỉu hoặc của người bị chụp thuốc mê không phát sanh Kiến Phần để tiếp xúc với trung tâm thần kinh thị giác (Nervous Center of Vision). Thế nên Tâm Sở Huệ không thâu ảnh vào trong võng mô và Tâm Sở Huệ không mang hình ảnh đó vào trong não bộ để làm đối tượng cho Nhãn Thức hiểu biết. Thành thử Nhãn Thức của người bị ngất xỉu hoặc của người bị chụp thuốc mê không nhìn thấy chúng ta. Như vậy, Tướng Phần của hình sắc (của Sắc Trần) là do Kiến Phần Nhãn Thức dựa theo hình ảnh của trần cảnh nơi một sự vật bên ngoài tạo ra để cho Nhãn Thức hiểu biết.

2/- VỚI NHĨ THỨC (Ear Consciousness):

Khi những làn sóng âm thanh của trần cảnh tràn vào hai lỗ tai (Phù trần Căn( làm chấn động hai màng nhĩ, liền khi dó Tự Chứng Phần (Phần hạt giống) của Nhĩ Thức từ trong Thức Thể Alaya phát sanh Kiến Phần (phần tác dụng) và Kiến Phần này chạy vào trong não bộ để tiếp xúc với trung tâm thần kinh lỗ tai. Kiến Phần Nhĩ Thức khi tiếp xúc với trung tâm thần kinh lỗ tai (Tịnh Sắc Căn) tức thì Tâm Sở Xúc chạy ra kích động hai màng nhĩ của hai lỗ tai. Hai màng nhĩ này sau khi bị Tâm Sở Xúc kích động liền tác dụng để phát sanh hai Tướng Phần từ hai hệ thống âm thanh của Thinh Trần bên ngoài rung động ở hai vị trí khác nhau nơi hai lỗ tai và đồng thời Tâm Sở Xúc lại mang những Âm Sắc (Timbers), Âm Điều (Pitches) và Âm Độ (Loudness) từ những làn sóng âm thanh của Tướng Phần thứ hai ở hai bên màng nhĩ đưa vào trong não bộ để hội tụ lại thành Tướng Phần chung gọi là Ảnh Tử. Ảnh Tử này tiếp xúc với Kiền Phần Nhĩ Thức và Kiến Phần Nhĩ Thức nương nơi Ảnh Tử đó hiểu biết trần cảnh của một sự vật bên ngoài qua hệ thống Âm Thanh. Nói cách khác, Kiến Phần Nhĩ Thức nếu như không sinh hoạt thì Tâm Sở Xúc không chịu kích động hai màng nhĩ để phát ra những làn sóng âm thanh thứ hai và cũng không mang những ảnh này vào trong não bộ, thì lúc đó Nhĩ Thức nhất định sẽ không có Tướng Phần làm đối tượng để hiểu biết. Trường hợp này cũng giống như kẻ đang trong cơn ngủ mê, mọi người chung quanh nói chuyện với nhau phát ra âm thanh vang dội, thế mà người ngủ mê kia vẫn không nghe biết chi cả, nghĩa là những làn sóng âm thanh của mọi người nói chuyện vẫn vang dội vào hai lỗ tai của người ngủ mê, nhưng trong lúc đó, Tự Chứng Phần Nhĩ Thức của người ngủ mê không chịu phát sanh Kiến Phần để tiếp xúc với trung tâm thần kinh thính giác (The Nervous Center of Hearing). Cho nên Tâm Sở Xúc của người ngủ mê không chịu kích động hai màng nhĩ nơi bên ngoài lỗ tai và cũng không mang những Tướng Phần của âm thanh này vào trong não bộ để làm đối tượng cho sự hiểu biết. Vì thế Nhĩ Thức người ngủ mê không nghe được âm thanh của những người nói chuyện vừa kể. Như vậy, Tướng Phần của Thinh Trần là do Kiến Phần Nhĩ Thức dựa theo Âm Thanh nơi trần cảnh bên ngoài tạo ra để cho Nhĩ Thức hiểu biết.

3/- VỚI TỶ THỨC (Nose Consciousness):

Hương thơm của trần cảnh tràn vào hai lỗ mũi (Phù Trần Căn) tác dụng với hạch ngửi và bị dịch thủy (Chất nhờn) nơi phía trong ở hai bên lỗ mũi gạn lọc bụi bặm, tiết chế cường độ và khiến cho hương thơm biến thể thành chất nước thơm. Liền khi đó Tự Chứng Phần của Tỷ Thức từ trong thức thể Alaya phát sanh Kiến Phần và Kiến Phần này chạy vào trong não bộ để tiếp xúc với trung tâm thần kinh lỗ mũi. Khi Kiến Phần Tỷ Thức tiếp xúc với trung tâm thần kinh lỗ mũi tức thì Tâm Sở Xúc chạy ra kích động hương thơm trong chất nước thơm và hương thơm này chui qua rây mỏng của Lô Nội Khứu Câu (Buibus Olfactorius) để biến thành ra Tướng Phần. Đồng thời Tâm Sở Xúc lại mang những Tướng Phần của hương thơm này trong não bộ hội tụ nhau lại thành Tướng Phần chung gọi là Ảnh Tử (Cause of Illusions). Ảnh Tử này tiếp xúc với Kiến Phần Tỷ Thức và Kiến Phần Tỷ Thức nương nơi Ảnh Tử đó để hiểu biết trần cảnh của một sự vật bên ngoài qua hệ thống hương thơm. Nói cách khác, Kiến Phần Tỷ Thức nếu như không sinh hoạt thì Tâm Sở Xúc không chịu kích động hương thơm trong chất nước thơm nơi hai lỗ mũi để biến thành Tướng Phần và cũng không mang những Tướng Phần này vào trong não bộ, thì lúc đó, Tỷ Thức nhất định sẽ không có Tướng Phần làm đối tượng để hiểu biết. Trường hợp này cũng giống như người đang ngủ mê, ta lấy hoa lan rất thơm đưa kề bên hai lỗ mũi của họ. Trong lúc đó hai lỗ mũi của họ vẫn thở đều và hương thơm của hoa lan vẫn tràn vào hai lỗ mũi một cách tự nhiên, thế mà người ngủ mê kia vẫn không ngửi biết chi cả. Nguyên vì Tự Chứng Phần Tỷ Thức của người ngủ mê không phát sanh Kiến Phần để tiếp xúc với trung tâm thần kinh khứu giác (The Nervous Center of Smell). Thế nên Tâm Sở Xúc của người ngủ mê không chịu kích động hương thơm trong chất nươc thơm nơi hai lỗ mũi để biến thành Tướng Phần và cũng không mang những Tướng Phần hương thơm này trong trong não bộ để làm đối tượng cho sự hiểu biết. Thành thử Tỷ Thức của người ngủ mê không ngửi biết được hương thơm hoa lan vừa thí nghiệm. Như vậy, Phần Tỷ Thức dựa theo chất thơm nơi trần cảnh của một sự vật bên ngoài tạo ra để cho Tỷ Thức hiểu biết.

4/- VỚI THIỆT THỨC (Tongue Consciousness):

Mùi vị của trần cảnh đưa vào miệng lưỡi thì kích thích đầu các thần kinh trên lưỡi (Palilaes). Liền khi đó Tự Chứng Phần của Thiệt Thức từ trong Thức Thể Alaya phát sanh Kiến Phần và Kiến Phần Thiệt Thức này chạy vào trong não bộ để tiếp xúc với trung tâm thần kinh miệng lưỡi (Nervous Center of Tongue). Khi Kiến Phần Thiệt Thức tiếp xúc với trung tâm thần kinh miệng lưỡi tức thì Tâm Sở Xúc chạy ra khiến các đầu thần kinh trên lưỡi mở cửa những Lỗ Vị (Taste-Pores) và khiến nước miếng từ trong những Lỗ Vị tuôn ra để phần loãng cường độ mùi vị đồ ăn uống (Vị Trần), đồng thời biến những mùi vị này thành Tướng Phần. Kế đến Tâm Sở Xúc mang nước Tướng Phần của mùi vị đồ ăn uống nói trên vào bảy chỗ thâu nhận gọi là bảy Vị Lôi (7 Tasate-Buds). Từ bảy Vị Lôi đây, Tướng Phần của mùi vị được Tâm Sở Xúc chuyển đến trong não bộ để hội tụ nhau lại thành Tướng Phần chung gọi là Ảnh Tử. Ảnh Tử này tiếp xúc với Kiến Phần Thiệt Thức và Kiến Phần Thiệt Thức nương nơi Ảnh Tử đó để hiểu biết Trần Cảnh của một sự vật bên ngoài qua hệ thống mùi vị của đồ ăn uống. Nói cách khác, Kiến Phần Thiệt Thức nếu như không sinh hoạt thì Tâm Sở Xúc không chịu kích động các đầu thần kinh trên lưỡi để mở cửa ra, không khiến cho nước miếng từ trong các Lỗ Vị tuôn ra phần loãng mùi vị đồ ăn uống để biến thành Tướng Phần và cũng không mang nước Tướng Phần của mùi vị nói trên vào trong não bộ, thì lúc đó Thiệt Thức nhất định sẽ không có Tướng Phần làm đối tượng để hiểu biết. Trường hợp này cũng giống như người bị ngất xỉu, bất tỉnh (unconscious). Trong lúc họ bất tỉnh, chúng ta đổ thuốc vào miệng vẫn không thấy miệng của họ nuốt nước thuốc vào trong bụng.

Nguyên do, Tự Chứng Phần Thiệt Thức của người ngất xỉu không phát sanh ra Kiến Phần để tiếp xúc với trung tâm thần kinh vị giác (The Nervous Center of Taste). Thế nên Tâm Sở Xúc của họ không chịu kích động các đầu thần kinh trên lưỡi mở cửa những Lỗ Vị, không khiến cho nước miếng tuôn ra phần loãng chất thuốc trong nước để biến thành Tướng Phần và cũng không mang nước Tướng Phần của thuốc vào trong não bộ để làm đối tượng cho sự hiểu biết. Thành thử Thiệt Thức của người ngất xỉu không nếm được chất thuốc trong nước vừa cho vào miệng. Như vậy, Tướng Phần của mùi vị là do Kiến Phần Thiệt Thức dựa theo chất vị nơi trần cảnh của một sự vật bên ngoài tạo ra để cho Thiệt Thức hiểu biết.

5/- VỚI THÂN THỨC (Body Consciousness):

Toàn bộ thân thể của con người và của các loài động vật đều gọi là Phù Trần Căn. Phía dưới lớp da của thân thể, thần kinh cảm giác (Sensory Nervous Fibres) trải khắp trong châu thân và khắc các tạng phủ. Khi các loại xúc chạm (Xúc Trần) tiếp xúc với lớp da nơi thân thể, tức thì Tự Chứng Phần của Thân Thức từ trong Thức Thể Alaya phát sanh Kiến Phần và Kiến Phần Thân Thức này chạy vào trong não bộ để tiếp xúc với trung tâm thần kinh thân thể (Nervous Center of Body). Khi Kiến Phần Thân Thức tiếp xúc với trung tâm thần kinh thân thể, tức thì Tâm Sở Xúc mang những Tướng Phần của xúc chạm này được gạn lọc cường độ và được kích động bởi lớp mỡ trong thân thể; những Tướng Phần đó được điều chỉnh tốc độ cũng như điều chỉnh hình ảnh bởi những Tích Chùy Nhục nằm rải rác khắc các hệ thống thần kinh. Tiếp theo Tâm Sở Xúc tổng hợp những Tướng Phần nơi trong châu thân hội tụ nhau lại thành Tướng Phần chung gọi là Ảnh Tử. Ảnh Tử này tiếp xúc với Kiến Phần Thân Thức và Kiến Phần Thân Thức nương nơi Ảnh Tử đó để hiểu biết trần cảnh của một sự vật bên ngoài qua hệ thống xúc chạm (Xúc trần). Nói cách khác, Kiến Phần Thân Thức nếu như không sinh hoạt thì Tâm Sở Xúc không chịu mang những Tướng Phần của xúc chạm này vào trong não bộ, thì lúc đó, Thân Thức nhất định sẽ không có Tướng Phần làm đối tượng để hiểu biết. Trường hợp này cũng giống như chúng ta cho người đang bị ngất xỉu cầm lấy đồ vật vào tay của họ và cũng tương tợ như một người đang cầm cây viết nguyên tử trong tay mà không hay biết chi cả. Họ chạy khắp nơi để tìm cây viết. Nguyên do, Tự Chứng Phần Thân Thức của người cầm cây viết nguyên tử không phát sanh Tướng Phần để tiếp xúc với trung tâm thần kinh xúc giác (Nervous Center of Tactile Sensation) hoặc Kiến Phần Thân Thức đang chờ đợi trong não bộ, nhưng ngay lúc đó Tâm Sở Xúc không chịu mang Tướng Phần của vây viết nguyên tử nơi bàn tay người hay lãng quên đem lên trình diện với Kiến Phần Thân Thức trong não bộ để làm đối tượng cho sự hiểu biết. Bởi thế, Thân Thức của người hay lãng quên không biết được mình hiện đang cầm cây viết nguyên tử trong tay. Cho nên người hay lãng quên mới chạy đi tìm cây viết nguyên tử khắp nơi. Như vậy, Tướng Phần của xúc chạm là do Kiến Phần Thân Thức dựa theo chất trơn hay nhám, chất ấm hay mát của trần cảnh nơi một sự vật bên ngoài tạo ra để cho Thân Thức hiểu biết.

6/- VỚI Ý THỨC (Mental Consciousness):

Như trước đã trình bày, Kiến Phần của năm Tâm Thức (từ Nhãn Thức cho đến Thân Thức) không thể tiếp xúc thẳng (duyên thẳng) nơi năm trần cảnh của một sự vật bên ngoài để hiểu biết sự vật đó một cách trực tiếp mà không cần qua trung gian, nhưng ở đây, Kiến Phần của năm Tâm Thức nói trên chỉ có khả năng hiểu biết gián tiếp một sự vật nào bên ngoài qua năm Tướng Phần (Five Images) của sự vật đó. Năm Tướng Phần riêng biệt này là do năm Kiến Phần của năm Tâm Thức dựa theo năm trần cảnh bên ngoài của sự vật đó tạo ra để làm đối tượng cho sự hiểu biết. Ý Thức thứ sáu thì cũng giống như thế, nghĩa là Ý Thức này cũng chỉ có khả năng hiểu biết gián tiếp một sự vật bên ngoài qua Tướng Phần riêng biệt do chính Ý Thức tạo ra. Sự tạo dựng Tướng Phần của Ý Thức thứ sáu được nhận định như sau:

Muốn hiểu biết về tánh chất, giá trị và ý nghĩa của một sự vật thì trước hết, Tự Chứng Phần của Ý Thức thứ sáu từ trong Thức Thể Alaya phát sanh Kiến Phần và Kiến Phần này chạy vào trong não bộ để liên lạc với Kiến Phần của năm Tâm Thức. Sau khi liên lạc được Kiến Phần của năm Tâm Thức, Kiến Phần Ý Thức thứ sáu liền sử dụng Tướng Phần của năm Tâm Thức cung cấp để nhận thức về sự vật, đồng thời nhờ Tâm Sở Thắng Giải chạy ra ngoài chọn lấy tánh chất, giá trị và ý nghĩa nào độc đáo nhất của sự vật đó mang vào trình diện trước Ý Thức. Tâm Sở Thắng Giải mang những tánh chất, giá trị và ý nghĩa độc đáo nhất của một sự vật bên ngoài đem vào hiện bày phía bên ngoài trong Tướng Phần của năm Tâm Thức để chuyển hóa thành Tướng Phần riêng cho Ý Thức thứ sáu nhận thức. Nói cách khác, Tướng Phần riêng của Ý Thức thứ sáu chính là tánh chất, giá trị và ý nghĩa của một sự vật bên ngoài được hiện bày qua Tướng Phần trợ duyên của năm Tâm Thức. Tướng Phần của tánh chất, giá trị và ý nghĩa nơi một sự vật bên ngoài chỉ làm đối tượng riêng biệt cho Ý Thức thứ sáu nhận thức mà trong lúc đó Kiến Phần của năm Tâm Thức ở trước không thể nào hiểu biết đến.

Trường hợp này cũng giống như người đọc sách mà không để ý vào, nghĩa là không có Ý Thức thứ sáu hợp tác để hiểu biết trong lúc đọc sách. Kiến Phần Nhãn Thức của họ chỉ có khả năng nhìn thấy chữ để đọc cho khỏi bị sai lầm, nhưng không thể hiểu được ý nghĩa trong quyển sách đó nói chi, nguyên vì trong lúc Kiến Phần Nhãn Thức nhìn chữ để đọc mà Kiến Phần Ý Thức thứ sáu của họ không chịu hợp tác để nhận định. Thành thử họ đọc sách mà không hiểu ý nghĩa của quyển sách đó nói chi.

Nên biết rằng, Tướng Phần đối tượng của Kiến Phần Ý Thức thứ sáu không phải là Tướng Phần đối tượng của Kiến Phần năm Tâm Thức. Nguyên do, Tướng Phần đối tượng của Kiến Phần năm Tâm Thức là ảnh tượng (hình bóng) của năm trần cảnh phát sanh từ nơi một sự vật bên ngoài, còn Tướng Phần đối tượng của Kiến Phần Ý Thức thứ sáu chính là ảnh tượng của tánh chất, của giá trị và của ý nghĩa nơi một sự vật được hiện bày bên trong Tướng Phần đối tượng của Kiến Phần năm Tâm Thức. Tuy khác nhau về Tướng Phần đối tượng, vừa trình bày trên, nhưng Kiến Phần Ý Thức thứ sáu, nếu như không có Tướng Phần đối tượng của năm Tâm Thức làm trợ duyên chuyển tướng thì nhất định không có Tướng Phần riêng cho mình để nhận thức.

Thí dụ, cái duyên ngầm nơi cô M được biểu lộ qua hình tướng của cô, nhưng anh A không nhìn thấy cái duyên ngầm đó. Khi anh B trình bày cái duyên ngầm của cô M, thì chừng đó anh A mới nhìn thấy được. Anh A sở dĩ không nhìn thấy được duyên ngầm của cô M là do anh không để ý đến, nghĩa là anh A chỉ xem thấy hình tướng cô M qua Kiến Phần Nhãn Thức của anh mà trong lúc đó Kiến Phần Ý Thức thứ sáu của anh không chịu hợp tác để nhận định. Thành thử anh A không nhìn thấy duyên ngầm của cô M. Nhờ anh B nhắc nhở, Kiến Phần Ý Thức thứ sáu của anh A mới để ý vào và chừng đó nhìn thấy duyên ngầm hiện bày ra ngoài nơi hình tướng của cô M. Kiến Phần Nhãn Thức anh A nương nơi hình sắc của cô M để tạo dựng ra Tướng Phần riêng cho anh xem thấy, còn Kiến Phần Ý Thức thứ sáu lại nương nơi Tướng Phần của Nhãn Thức anh A để thể hiện cái duyên ngầm của cô M được chuyển hóa thành Tướng Phần riêng cho Ý Thức anh A nhận thức. Cái duyên ngầm của cô M, nếu như không có Tướng Phần của Nhãn Thức anh làm trợ duyên để chuyển hóa thì nhất định không thể hiện được Tướng Phần riêng cho Ý Thức thứ sáu của anh A nhận thức.

Ngược lại, Kiến Phần Ý Thức thứ sáu nếu như không sinh hoạt thì không có Tướng Phần riêng cho mình nhận thức, nguyên vì Tâm Sở Thắng Giải không được lệnh đi góp nhặt những ảnh tượng thuộc tánh chất, thuộc giá trị và thuộc ý nghĩa của một sự vật bên ngoài mang vào để làm đối tượng cho Ý Thức thứ sáu nhận thức. Mặc dù trong lúc đó, Kiến Phần của năm Tâm Thức vẫn sinh hoạt để hiểu biết sự vật đó trên bình diện hình tướng.

Thí dụ, một cháu gái tên Loan chuẩn bị đi xem phim hay, nhưng bà Nội của cháu bắt cháu phải đọc xong chuyện Tấm Cám cho bà nghe mới được đi. Cháu cố đọc nhanh cho mau hết để đến nơi kịp giờ. Khi đọc xong câu chuyện trên, cháu bỏ chạy cho mau đến rạp chiếu phim, nhưng khi cháu bước ra khỏi nhà, tôi liền chận lại hỏi:

*- Tôi liền hỏi: Cháu ạ, câu chuyện đó nói chi?

- Cháu trả lời: Dạ Thầy, con không biết.

*- Tôi hỏi tiếp: Cháu đọc có trật không?

- Cháu trả lời: Con đọc không trật chữ nào cả.

*- Tôi hỏi tiếp: Cháu đọc không trật! Tại sao cháu không biết trong đó nói chi?

- Cháu trả lời: Tại con không để ý.

Câu chuyện trên cho chúng ta một nhận thức. Cháu Loan kia đọc chuyện Tấm Cám chỉ hiểu biết những chữ trong đó để đọc cho khỏi bị sai trật đấy thôi. Trong lúc đọc chuyện Tấm Cám, Ý Thức thứ sáu của cháu không hợp tác với Nhãn Thức để nhận thức, nghĩa là cháu không để ý vào trong lúc đọc sách. Cho nên cháu không thể nào biết được và cũng không thể nào kể lại được về tánh chất, giá trị và ý nghĩa của câu chuyện Tấm Cám một cách rõ ràng. Như vậy, tánh chất, giá trị và ý nghĩa câu chuyện Tấm Cám chỉ riêng Ý Thức thứ sáu của cháu Loan mới có khả năng nhận thức được và ngoài Ý Thức thứ sáu ra, không có Tâm Thức nào đủ khả năng thay thế để nhận thức.

Từ đó chúng ta có thể xác định và kết luận rằng: Tánh chất, giá trị và ý nghĩa của một sự vật, như câu chuyện Tấm Cám vừa kể, chỉ là Tướng Phần riêng của Ý Thức thứ sáu nhận thức. Tướng Phần riêng của Ý Thức thứ sáu thì hoàn toàn không phải Tướng Phần của năm Tâm Thức và Kiến Phần của năm Tâm Thức không thể nào hiểu biết đến tướng Phần nói trên của Ý Thức thứ sáu, nhưng có một điều Tướng Phần tánh chất, về giá trị và ý nghĩa này tự nó không thể sanh khởi một cách độc lập, nếu như Kiến Phần Ý Thức thứ sáu không sinh hoạt để sáng tạo. Hơn nữa Tướng Phần này nếu như không có Tướng Phần của năm Tâm Thức làm trợ duyên thì cũng không thể hiện khởi để làm đối tượng cho Ý Thức thứ sáu để nhận thức. Nguyên vì Tướng Phần của Ý Thức thứ sáu khác nhau với Tướng Phần của năm Tâm Thức về phương diện giá trị cũng như về phương diện công dụng, cho nên đức Phật mới phân loại Tướng Phần của Ý Thức thứ sáu thành một danh xưng riêng gọi là Pháp Trần. Pháp Trần này chính là Ảnh Tử (Cause of Illusions) của Sắc, Thinh, Hương, Vị và Xúc nơi một sự vật bên ngoài làm đối tượng riêng cho Ý Thức thứ sáu nhận thức.

Ý Thức thứ sáu nương nơi Pháp Trần thuộc về Tướng Phần đó để phân biệt nhận thức về phương diện tánh chất, giá trị và ý nghĩa của một sự vật nơi trong thế gian.

7/- VỚI THỨC MẠT NA (Mind afflicted with egoism):

Tướng Phần đối tượng của Ý Thức thứ sáu cũng là Tướng Phần đối tượng của Thức Mạt Na thứ bảy, sau khi Tướng Phần này được Thức Mạt Na thứ bảy chứng nhận và kết hợp. Nói các khác, Tướng Phần đối tượng của Thức Mạt Na thứ bảy gọi là hình tướng chung (Tổng tướng) thuộc Tướng Phần năm Tâm Thức đã được Ý Thức thứ sáu kết thành. Nói rõ hơn Tướng Phần đối tượng của Thức Mạt Na thứ bảy chính là cuốn Films đã được kết hợp bởi những ảnh tượng tánh chất, giá trị và ý nghĩa của hình sắc, của âm thanh, của hương thơm, của mùi vị và của sự xúc chạm nơi một sự vật bên ngoài, sau khi được Kiến Phần Ý Thức thứ sáu phân biệt nhận thức. Cuốn phim Tướng Phần trên trở thành đối tượng của Thức Mạt Na thứ bảy và Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy nương nơi Tướng Phần đó để phân biệt chấp trước. Kẻ đứng ra kết hợp những Tướng Phần riêng biệt của Ý Thức thứ sáu để trở thành Tướng Phần chung (Tổng Tướng) ở đây chính là Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy. Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy dùng Tướng Phần chung này làm đối tượng cho mình phân biệt và chấp trước. Cuốn phim Tướng Phần đối tượng của Thức Mạt Na thứ bảy cũng gọi là Lạc Tạ Ảnh Tử (Cause of Illusions). Lạc Tạ Ảnh Tử nghĩa là hạt giống ảnh tượng với hình thức cuốn phim được tàng trữ trong Thức Thể Alaya thành Tiềm Năng (Memories). Hạt giống ảnh tượng này là một hình tướng gồm có Ngã Tướng (Form of Subject). Pháp Tướng (Form of Object) và cả Nghiệp Lực (Power of action) trong đó và cộng thêm nhãn hiệu tên gọi (danh xưng) liền trở thành cuốn phim Lạc Tạ Ảnh Tử. Cuốn phim Lạc Tạ Ảnh Tử hay là Tướng Phần chung của một sự vật bên ngoài đều do Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy kết hợp và quản lý. Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy nếu như không chịu sinh hoạt kết hợp những Tướng Phần riêng biệt của Ý Thức thứ sáu để trở nên Tướng Phần chung thì cuốn phim Lạc Tạ Ảnh Tử nhất định không thể thành hình để làm đối tượng cho Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước và quản lý. Trường hợp này cũng giống như anh A đã học tiếng Pháp từ lúc mười tuổi và anh đã thi đậu bằng cấp Sơ học. Anh A ngày nay đã quên hết tiếng Pháp nguyên vì anh hơn bốn mươi năm không dùng đến nó. Giờ đây Ý Thức thứ sáu của anh muốn nhớ lại tiếng Pháp mà anh đã học năm xưa, nhưng Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy của anh không chịu cung cấp những cuốn phim Lạc Tạ Ảnh Tử tiếng Pháp này trong Tiềm Năng cho Ý Thức thứ sáu ôn lại. Do đó Ý Thức thứ sáu của anh A đành phải chịu quên. Như vậy, Tướng Phần chung của cuốn phim Lạc Tạ Ảnh Tử chính là do Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy kết hợp từ những Tướng Phần riêng biệt của Ý Thức thứ sáu để làm đối tượng cho Tâm Thức này chấp trước và quản lý.

8/- VỚI THỨC TẠNG (Foundation Consciousness):

Những Lạc Tạ Ảnh Tử của vạn pháp đã được Thức Mạt Na thứ bảy tiếp nhận và quản lý trong Thức Thể Alaya cũng là Tướng Phần đối tượng của Kiến Phần Thức Alaya thứ tám phân biệt nhận thức. Vạn pháp hiện diện trong thế gian có bao nhiêu hình tướng khác nhau, thì hạt giống nguyên thể (chủng tử nguyên thể) của vạn pháp trong Thức Thể Alaya cũng có bấy nhiêu Lạc Tạ Ảnh Tử không giống nhau, để làm Tướng Phần đối tượng cho Kiến Phần Thức Alaya thứ tám nhận thức và Kiến Phần Thức Alaya thứ tám nương nơi Tướng Phần Tướng Phần đối tượng Lạc Tạ Ảnh Tử đó, để xây dựng hiện tượng vạn pháp hoàn thành khác nhau về hình tướng. Chẳng những thế, những hạt giống của bảy Tâm Thức ở trước với tên gọi là Tự Chứng Phần và những hạt giống của năm mươi mốt Tâm Sở đã trình bày qua cũng đều là Tướng Phần đối tượng của Kiến Phần Thức Alaya thứ tám tiếp xúc và tàng trữ.

Còn về phương diện sanh khởi. Tướng Phần đối tượng của Kiến Phần Thức Alaya chính là hiện tượng vạn pháp trong thế gian đã được Kiến Phần Thức Alaya xây dựng và bảo tồn. Hiện tượng vạn pháp trong thế gian đều là Tướng Phần của tất cả hạt giống trong Thức Thể Alaya do Kiến Phần Thức Alaya thứ tám xây dựng để làm đối tượng cho bảy Tâm Thức ở trên hiểu biết và chấp trước. Sự sống còn của vạn pháp là do sự sinh hoạt có tánh chất liên tục không ngừng của Kiến Phần Thức Alaya nhằm để duy trì sanh mạng chúng sanh được tồn tại trong thế gian và sự hoại diệt của vạn pháp cũng là do Kiến Phần Thức Alaya thứ tám đã rút lui sức sống, không chịu tiếp tục sinh hoạt nữa. Có thể nói, con người và vạn pháp đều là Tướng Phần của tất cả hạt giống trong Thức Thể Alaya do Kiến Phần Thức Alaya thứ tám xây dựng. Cho đến sự sống chết của con người cũng như sự sanh diệt của vạn pháp đều là do sự quyết định trên hết của Kiến Phần Thức Alaya thứ tám. Như vậy, Kiến Phần Thức Alaya thứ tám nếu như không chịu sinh hoạt để xây dựng và bảo trì mạng sống của chúng sanh thì vạn pháp nhất định không bao giờ sanh khởi và tồn tại trong thế gian.

B.- VẤN ĐỀ NGÃ TƯỚNG VÀ PHÁP TƯỚNG:

Người đời mỗi khi quan sát đến vấn đề nào, chẳng hạn như quan sát nhà cửa, phần đông thông thường có thói quen là chỉ nhìn đến những dụng cụ trang bị và những vật liệu xây cất hơn là chú ý đến hai yếu tố quan trọng không thể thiếu mặt trong việc xây dựng nên ngôi nhà. Hai yếu tố quan trọng đó là ông thợ xây cất và sơ đồ mô hình kiểu nhà.

Cũng thế, những nhà nghiên cứu, mỗi khi quan sát con người hoặc quan sát vạn pháp trong vũ trụ, phần đông cũng chỉ biết nghĩ đến những thành phần thuộc vật liệu như: đất, nước, gió, lửa và nghiệp lực, là những nguyên nhân tạo nên chúng sanh hơn là quan tâm lưu ý đến hai yếu tố vô cùng quan trọng không thể thiếu mặt trong công việc xây dựng nên con người và vạn pháp, hai yếu tố đó là Thức Alaya và Ngã Tướng cũng như Pháp Tướng. Thức Alaya là ông thợ xây cất, còn Ngã Tướng hay Pháp Tướng chính là sơ đồ mô hình kiểu mẫu dùng để tạo dựng thành con người hoặc xây dựng thành vạn pháp trong vũ trụ. Riêng về Ngã Tướng và Pháp Tướng, Phật Giáo thường gọi tắt là Ngã Pháp.

I.- ĐỊNH NGHĨA:

1)- NGÃ: nghĩa là TA, là TÔI, tức là chỉ cho cá nhân của một con người, của một chúng sanh hữu tình (chúng sanh có tình cảm và hiểu biết) có đặc tính tự tại, tự chủ trong mọi hành động và có khả năng phân biệt để hiểu biết vạn pháp, nên gọi là NGÃ.

2)- PHÁP: nghĩa là phép tắc, luật tắc, tức là chỉ cho những sự vật tự nó duy trì được đặc tánh, duy trì được khuôn khổ riêng biệt của chúng nó để cho Ý Thức của con người, của chúng sanh hữu tình có thể nhận biết được nó là vật gì, nên gọi là PHÁP (Nhậm trì tự tánh quỹ sanh vật giải).

3)- TƯỚNG (FORM): nghĩa là hình tướng, là tướng trạng sai biệt của vạn pháp, nên gọi là TƯỚNG.

4)- NGÃ TƯỚNG (FORM OF SUBJECT): nghĩa là hình tướng riêng biệt của mỗi con người, của mỗi loại chúng sanh hữu tình đứng vào địa vị làm chủ về phương diện phân biệt hiểu biết và cũng như làm chủ về phương diện hành động sáng tạo những nhu cầu cần thiết cho sự sống còn của mọi loài chúng sanh nói chung và của mỗi cá nhân nói riêng.

5)- PHÁP TƯỚNG(FORM OF OBJECT): nghĩa là hình tướng khác biệt của mỗi pháp trong thế gian chỉ đứng vào địa vị làm đối tượng (Object) cho sự phân biệt hiểu biết của con người hay là của chúng sanh hữu tình. Pháp Tướng đây tức là chỉ vào các sự vật hiện có mặt trong thế gian đang bị quan sát (khách quan), đang bị sử dụng để làm bối cảnh trang trí cho con người và cho các chúng sanh hữu tình nương tựa để sinh hoạt.

Vạn vật trong vũ trụ, mỗi Pháp đều có một hình tướng riêng biệt, đều có một cái Form riêng biệt, không có pháp nào giống nhau hoàn toàn với pháp nào. Nhờ hình tướng khác biệt này, người ta không bị lầm lẫn mội khi nhận thức một hiện tượng nào. Trường hợp hai người sanh đôi cùng phái với nhau gọi là đồng tính, nghĩa là hai đứa bé sanh đôi đều cùng giống nhau là nam hoặc cùng giống nhau là nữ, nhưng chúng ta nhìn cho kỹ vẫn thấy hai đứa bé có một hình tướng khác biệt, không giống nhau hoàn toàn, mặc dù chúng nó được sanh ra một một loại máu huyết của cha mẹ. Hình tướng của các pháp thuộc loại chúng sanh có tình cảm và có hiểu biết (chúng sanh hữu tình) thì gọi là NGÃ TƯỚNG, còn hình tướng của các pháp thuộc loại chúng sanh không có tình cảm và không có hiểu biết (chúng sanh vô tình) thì gọi là PHÁP TƯỚNG.

II.- PHÂN LOẠI NGÃ TƯỚNG VÀ PHÁP TƯỚNG:

Sở dĩ vấn đề Ngã Tướng và Pháp Tướng được đặt tên, là căn cứ nơi chúng sanh hữu tình và chúng sanh vô tình mà thiết lập, nhưng trên thực tế, vạn pháp trong vũ trụ chỉ có một tên gọi chung là PHÁP, gồm một trăm pháp và được chia thành năm nhóm như: Tâm Pháp, Tâm Sở Hữu Pháp, Sắc Pháp, Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp và Vô Vi Pháp. Thế nào là tánh chất của chúng sanh hữu tình và chúng sanh vô tình?

a)- Chúng Sanh Hữu Tình:nghĩa là những loại chúng sanh sống có tình cảm thương ghét và có phân biệt hiểu biết, chẳng hạn như các loài động vật. Những loài động vật thuộc chúng sanh hữu tình đều biết ham sống, biết sợ chết, biết thương yêu thù ghét v.v... trong đây hẳn nhiên gồm có loài người. Những chúng sanh hữu tình chính là những kẻ thọ nhận trực tiếp và chịu ảnh hưởng những quả báo thiện ác mang đến, nên họ được xếp hạng thuộc loại Chánh Báo. Chánh Báo nghĩa là các chúng sanh tự thọ hưởng lấy những quả báo trực tiếp mà chính họ tạo nên và ở đây quả báo này không phải thuộc loại gián tiếp, nên gọi là Chánh Báo. Phật Giáo xếp loại cho những chúng sanh thuộc chánh báo với danh xưng là chúng sanh hữu tình, còn những hình tướng (những cái Forms) để xây dựng các loại chúng sanh hữu tình riêng biệt nói trên thì được Phật Giáo đặt tên là Ngã Tướng.

b)- Chúng sanh Vô tình:nghĩa là những chúng sanh sống không có tình cảm thương ghét và không có phân biệt hiểu biết như các loài động vật, mặc dù chúng vẫn nẩy nở và vẫn sinh hoạt trong thế gian. Những chúng sanh thuộc loại vô tình ở đây tức là chỉ cho những cỏ cây, sông núi, nhà cửa, thành phố, địa cầu, hành tinh v.v... Những chúng sanh vô tình sanh ra để thọ nhận quả báo qua hình thức gián tiếp so với chánh báo của các chúng sanh hữu tình và chúng nó hiện hữu với tánh chất trang tri để làm điểm tựa cho các chúng sanh hữu tình thọ hưởng, nghĩa là những chúng sanh vô tình ở trên được xây dựng nên không ngoài mục đích làm bối cảnh cần thiết và làm chỗ nương tựa cho những chúng sanh thuộc loại hữu tình sanh trưởng và tồn tại, thế nên chúng được gọi là Y Báo. Phật Giáo xếp loại cho những chúng sanh mang tánh chất y báo với danh xưng là chúng sanh vô tình, còn những hình tướng dùng để xây dựng các loại chúng sanh vô tình riêng biệt nói trên đã được Phật Giáo đặt tên là Pháp Tướng.

Ngã Tướng và Pháp Tướng vừa giải thích là căn cứ nơi nguyên lý cấu tạo vạn pháp mà thành lập và chúng nó không phải căn cứ nơi triết học suy luận để định danh, còn đứng về khía cạnh khác mà nhận xét, nếu như căn cứ trên quan niệm về chủ thể và khách thể để định danh, vạn pháp trong vũ trụ về phương diện danh xưng thì luôn luôn không cố định, có khi gọi là Ngã Tướng, có khi gọi là Nhân Tướng, là Chúng Sanh Tướng, là Thọ Giả Tướng và có khi gọi là Pháp Tướng. Vạn pháp sở dĩ có những danh xưng khác nhau vừa kể trên được thành lập là do căn cứ trên triết học suy luận để phân loại, nghĩa là triết học suy luận dựa trên quan niệm chủ thể và khách thể để nhận thức và chấp trước vạn pháp của chúng sanh hữu tình mà qui định danh xưng. Trường hợp này được nhận thức như sau:

1/- TRƯỜNG HỢP NHÂN TƯỚNG LÀ NGÃ TƯỚNG:

Mọi người đều có sẵn một hình tướng riêng biệt được nhìn thấy rõ ràng qua vật chất. Hình tướng này thể hiện bắt đầu từ khi con người mói sanh ra cho đến khi con người đó già và chết. Hình tướng của con người còn trẻ thơ so với hình tướng của con người trở nên già còm có những nét chính vẫn giống nhau không bao giờ thay đổi, mặc dù những tế bào trong thân thể của con người đó luôn luôn bị biến đổi liên tục trong thời gian nẩy nở để lớn lên cũng nhu trong thời gian teo lại để già yếu qua sự ăn uống hít thở. Hình tướng không thay đổi của con người vừa nói trên được gọi là Nhân Tướng. Con người chấp lấy Nhân Tướng của chính họ cho là trọng yếu và trên hết. Bất cứ giá nào Nhân Tướng ở đây của họ phải được bảo vệ đến mức tối đa và cũng phải được phục vụ vô điều kiện. Sự chấp trước Nhân Tướng ở trên của con người được gọi là Chấp Ngã. Ngã Tướng mà họ chấp trước thường đóng vai trò làm chủ cho sự quan sát vạn pháp, nên gọi là Chủ Quan (Subject). Ngoài Ngã tướng chủ quan này ra, tất cả pháp khác đều trở thành đối tượng bị quan sát, nên gọi là Khách Quan (Object).

Thí dụ, mọi người nếu như cho anh A là người trọng yếu trên hết cần phải bảo vệ; anh A lúc bấy giờ chính là Ngã Tướng đang làm chủ cho sự quan tâm của mọi người, nên gọi anh A là Ngã Tướng Chủ Quan, còn ngoài anh A ra, tất cả các pháp khác đều làm đối tượng giống như người khách để anh A quan sát nên gọi họ Pháp Tướng Khách Quan.

2/- TRƯỜNG HỢP NHÂN TƯỚNG LÀ PHÁP TƯỚNG:

Giả sử Ngã Tướng của một con người nào đó được đứng vào vị trí làm chủ để quan sát, thì tất cả Nhân Tướng khác của mọi người chung quanh đều trở thành đối tượng bị quan sát. Những Nhân Tướng đối tượng của mọi người chung quanh bị quan sát được gọi chung là Pháp Tướng.

Thí đụ, như thí dụ trên, ngoài Ngã Tướng anh A làm chủ quan sát, tất cả anh B, C, D, E v.v... đều trở thành Pháp Tướng có tánh cách khách quan làm đối tượng để cho anh A quan sát.

3/- TRƯỜNG HỢP CHÚNG SANH TƯỚNG LÀ NGÃ TƯỚNG:

Cũng giống như loài người, mỗi chúng sanh hữu tình đều có một hình tướng riêng biệt để sống còn và lớn lên. Hình tướng riêng biệt của mỗi chúng sanh hữu tình được gọi là Chúng Sanh Tướng. Mỗi chúng sanh hữu tình tự chấp lấy Chúng Sanh Tướng của mình cho là trọng yếu và trên hết. Bất cứ giá nào Chúng Sanh Tướng của họ cũng phải được bảo vệ tối đa và cũng phải được phục vụ vô điều kiện. Sự chấp trước Chúng Sanh Tướng ở trên của các chúng sanh hữu tình được gọi là Chấp Ngã. Chúng Sanh Tướng mà họ chấp trước được đứng vào vị trí làm chủ để quan sát vạn pháp thì gọi là chủ quan. Chúng Sanh Tướng chủ quan đó của mỗi loại đều trở thành Ngã Tướng. Ngoài Ngã Tướng chủ quan trên của một chúng sanh hữu tình nào, tất cả pháp khác đều trở thành đối tượng khách quan bị quan sát.

Thí dụ, một con cọp tự nó có một hình tướng riêng biệt và nó chấp trước lấy Ngã Tướng chủ quan con cọp của nó cần phải được bảo vệ tối đa và cần phải được phục vụ vô điều kiện để sống còn với đời. Cho nên nó nhìn thấy tất cả chúng sanh khác đều là đối tượng khách quan cần phải ăn tươi nuốt sống cho qua cơn đói khát.

4/- TRƯỜNG HỢP CHÚNG SANH TƯỚNG LÀ PHÁP TƯỚNG:

Một chúng sanh hữu tình nào đó nếu như chấp ngã cho Chúng Sanh Tướng của mình là chủ quan rất trọng yếu cần phải được phục vụ thì ngoài Ngã Tướng chủ quan này ra, tấtcả chúng sanh khác đều trở thành Pháp Tướng khách quan để làm đối tượng bị quan sát.

Thí dụ, nếu như bảo con cọp nào là Ngã Tướng làm chủ cho sự quan sát thì ngoài con cọp này ra, tất cả chúng sanh khác đều là Pháp Tướng để làm đối tượng cho con cọpquan sát.

5/- TRƯỜNG HỢP THỌ GIẢ TƯỚNG:

Ngã Tướng của một con người hay của một chúng sanh hữu tình nào đó đều phát sanh từ nơi hạt giống (chủng tử) nguyên thể gọi là Ảnh Tử. Ảnh Tử này đã được tàng trữ

trong thức thể Alaya với trạng thái tiềm năng (Memories). Ngã Tướng nguyên thể của một con người hay của một chúng sanh hữu tình nào mỗi khi phát sanh liền cảm thọ với các hình tướng liên hệ khác để cùng nhau kết hợp và chuyển hoá tạo thành hình tướng chung gọi là Tổng Tướng. Tướng chung đây có một phần ảnh hưởng giống theo dáng đặc biệt của Ngã Tướng liên hệ mà nó cảm thọ. Sự ảnh hưởng hình tướng liên hệ vừa kể trên được gọi là Thọ Giả Tướng. Đây là chỉ cho hình tướng của một con người hay của một chúng sanh hữu tình có phần ảnh hưởng (phần hơi giống) với các hình tướng liên hệ nơi cha mẹ. Nói rõ hơn, Thọ Giả Tướng nghĩa là Ngã Tướng của một con người hay của một chúng sanh hữu tình nào mỗi khi sanhra đều có ảnh hưởng, đều có nét hơi giống một phần Ngã Tướng của cha mẹ liên hệ. Nói cách khác, Thọ Giả Tướng này sở dĩ được thành hình là do các Ngã Tướng của cha mẹ hòa hợp một cách mật thiết với Ngã Tướng của chính mình để tạo nên qua hình thức cảm thọ. Các chúng sanh vô tình khác cũng thế, nghĩa là cũng có một phần ảnh hưởng giống hình tướng của những chúng sanh liên hệ đồng loại.

Thí dụ, một em bé sanh ra, hình tướng của em có một phần giống hình tướng của cha mẹ, nghĩa là hình tướng của cha mẹ kết hợp với hình tướng của em để tạo thành hình tướng chung cho em, gọi là Thọ Giả Tướng qua sự luyến ái giữa cá nhân của em và cha mẹ em cùng nhau mật thiết xây dựng nên.

III.- NGUỒN GỐC SANH RA NGÃ TƯỚNG VÀ PHÁP TƯỚNG:

Vạn pháp trong vũ trụ mỗi khi sanh khởi đều bắt nguồn từ nơi hạt giống trong Thức Thể Alaya. Không có một pháp nào sanh khởi mà không qua trạng thái hạt giống làm căn bản. Những hạt giống đây có một danh từ khác gọi là nguyên nhân. Không có nguyên nhân thì nhất định không có kết quả và chúng ta mỗi khi nhìn thấy kết quả như thế nào thì sẽ biết được nguyên nhân của chúng như thế đó.

Thí dụ, một hạt mít (nguyên nhân) không phải là cây mít (kết quả) nhưng nếu như không có hạt mít thì nhất định không có cây mít và hạt mít thì mọc lên cây mít mà không thể mọc lên cây xoài để thành trái xoài. Nhân nào thì nhất định sẽ thành quả nấy không thể sai lầm.

Hạt giống của các pháp khi còn ở trạng thái nguyên thể có hai loại, một loại thuộc về nghiệp tướng và một loại thuộc về nghiệp lực. Một loại thuộc về nghiệp tướng chỉ là mô hình (Form) Ngã Tướng hoặc mô hình Pháp Tướng. Những hạt giống mô hình này mỗi khi sanh khởi phải nhờ đến Kiến Phần Thức Alaya xây đựng thành hình vạn pháp. Kiến Phần Thức Alaya trước hết chun vô mô hình hạt giống Ngã Tướng hoặc Pháp Tướng của những chúng sanh hữu tình hoặc của những chúng sanh vô tình để xây dựng vạn pháp trong thế gian. Sự xây dựng của Kiến Phần Thức Alaya bằng cách phát động những hạt giống đó chuyển biến để sanh khởi và nảy nở. Những hạt giống nói trên chuyến biến một cách liên tục từng phút từng giây (từng sát na) và chuyển biến không cho gián đoạn (hằng chuyển) để giúp những chúng sanh hữu tình hoặc những chúng sanh vô tình kia sớm được góp mặt trong thế gian. Tất cả yếu tố kết hợp và xây dựng nên thân thể của chúng sanh vô tình đều bị biến đổi liên tục, bị di động không ngừng trong cái Ngã Tướng cũng như trong cái Pháp Tướng không thay đổi.

Thí dụ, anh A lúc mới sanh ra cho đến khi 80 tuổi, Tứ Đại (đất, nước, gió và lửa) trong con người của anh đều bị chuyển biến một cách liên tục không bao giờ ngừng nghỉ, chuyển biến liên tục qua sự ăn uống và hít thở trong cái Ngã Tướng của anh không thay đổi. Cái Ngã Tướng can anh A chỉ nẩy nở để lớn lên theo mô hình (Form) không thay đổi. Nhờ vậy, chúng ta mỗi khi nhìn đến anh A, nhìn bất cứ lúc nào, lúc trẻ lên mười hay lúc già 80 tuổi đều biết mặt ngay và biết không lầm lẫn.

Nguồn gốc phát sanh ra hạt giống Ngã Tướng và Pháp Tướng chính là Ý Thức thứ sáu. Ý Thức thứ sáu còn là nguyên nhân để phát sanh ra hạt giống Nghiệp Lực từ nơi hành động (thân nghiệp), từ nơi lời nói (khẩu nghiệp) và từ nơi ý tưởng (ý nghiệp). Nghiệp Lực này sau khi được Ý Thức thứ sáu tạo nên liền cô đọng lại thành tiềm năng với hình thức hạt giống nằm trong Thức Thể Alaya.

Ý Thức thứ sáu của chúng sanh hữu tình căn cứ theo hình ảnh nơi những sự vật bên ngoài liền biến hiện ra ảnh tử có nội dung. Ảnh Tử có nội dung nghĩa là ảnh tử được thể hiện bao gồm năm năm Tướng Phần (Images) của năm Tâm Thức phía bên trong. Những ảnh tử đây sau khi được Thức Mạt Na thứ bảy tổng hợp nhau lại thành hình tướng chung gọi là Lạc Tạ Ảnh Tử. Lạc Tạ Ảnh Tử chính là một lô Ngã Tướng và một lô Pháp Tướng của vạn pháp trong thế gian với hình thức tiềm năng và chúng nó được Thức Mạt Na thứ bảy mang vào cất giữ trong Thức Thể Alaya thứ tám. Những Lạc Tạ Ảnh Tử được cất giữ trong Thức Thể Alaya thứ tám gọi là hạt giống Ngã Tướng và hạt giống Pháp Tướng. Những hạt giống Ngã Tướng và Pháp Tướng là một trong những nguyên nhân để sanh ra vạn pháp với vô số hình tướng khác nhau nơi thế gian.

Theo Duy Thức Học, hạt mít không phải là nguyên nhân để sanh ra cây mít. Nguyên nhân sanh ra hình tướng cây mít chính là cái Pháp Tướng của cây mít. Còn hạt mítchỉ đóng vai trò làm trợ duyên (Assistant Cause) đầu tiên cho cái Pháp Tướng cây mít tượng hình về phần vật chất gọi là Thuận Duyên. Thuận Duyên nghĩa là những nguyên nhân phụ thuộc chỉ đóng vai yểm trợ, giúp đỡ cho nguyên nhân chính được nẩy nở và phát triển một cách thuận lợi, gọi là Thuận Duyên. Trong hạt mít đã có chứa sẵn cái Pháp Tướng cây mít và cái Pháp Tướng này muốn hoàn thành cây mít phải nhờ quá trình ăn uống hít thở của Kiến Phần Thức Alaya nơi trong cây mít sinh hoạt. Kiến Phần Thức Alaya nơi trong cây mít liền khởi công lấy những nguyênliệu vật chất như là: đất, nước, gió, lửa từ nơi phân bón và từ nơi không khí ở bên ngoài mang vào để nuôi sống cây mít. Các loài thực vật khác cũng được xây dựng theo kiểu như thế.

Cho đến Con người hiện thành hình tướng cũng được xây dựng tương tợ như xây dựng cây mít. Tinh cha huyết mẹ không phải là nguyên nhân chính để sanh ra con người. Nguyên nhân để sanh ra hình tướng con người chính là cái Ngã Tướng của con người. Còn tinh cha huyết mẹ chỉ làm trợ duyên (Assistant-cause) đầu tiên cho cái Ngã Tướng con người được tượng hình về phần vật chất gọi là Thuận Duyên. Trong tinh cha huyết mẹ đã chứa sẵn cái Ngã Tướng của con người và cái Ngã Tướng này muốn hoàn thành con người phải nhờ quá trình ăn uống hít thở của Kiến Phần Thức Alaya nơi trong con người sinh hoạt. Kiến Phần Thức Alaya nơi trong con người liền khởi công lấy những nguyên liệu vật chất như là: đất, nước, gió, lửa từ nơi đồ ăn uống và từ nơi không khí ở bên ngoài mang vào để nuôi sống con người bằng mọi hình thức. Các pháp khác thành hình cũng đều được xây dựng tương tợ như thế.

Thí dụ, một noãn châu của người mẹ khi thọ thai, nếu như trong đó có hai cái Ngã Tướng, một nam và một nữ dùng làm mô hình kiểu mẫu thì Kiến Phần Thức Alaya y cứ theo hai mô hình trên đây liền xây dựng thành hai đứa trẻ sanh đôi, một trai và một gái. Cũng như trong một hạt lúa, có mười cái Pháp Tướng cây lúa thì Kiến Phần Thức Alaya y cứ theo những mô hình cây lúa ở trên xây dựng thành mười bông lúa riêng biệt nhau.

Tóm lại, Ngã Tướng và Pháp Tướng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng không thể thiếu mặt cho việc xây dựng vạn pháp và loài người. Ngã Tướng và Pháp Tướng nếu như không có với hình thức hạt giống để làm nhân chánh thì nhất định vạn pháp và loài người không thể thành hình trong vũ trụ. Vạn pháp và loài người có bao nhiêu hình tướng khác nhau thì ở vị trí trạng thái hạt giống nguyên thể trong Thức Thể Alaya lại có bấy nhiêu Ngã Tướng và Pháp Tướng không giống nhau. Ngã Tướng và Pháp Tướng của vạn pháp được thành lập là căn cứ trên hai phương diện:

1/- Phương Diện Sáng Tao và Xây Dựng:

Ngã Tướng và Pháp Tướng, những mô hình được thành lập là căn cứ nơi chúng sanh hữu tình và chúng sanh vô tình mà đặt tên. Ngã Tướng là chỉ cho những mô hình của các chúng sanh thuộc loại hữu tình và Pháp Tướng là chỉ cho những mô hình của các chúng sanh thuộc loại vô tình. Thực thụ Ngã Tướng và Pháp Tướng, tất cả đều gọi chung là Nghiệp Tướng. Nghiệp Tướng của Ngã Tướng và Pháp Tướng này đều do ý Thức thứ sáu vọng tưởng sáng tạo nên để làm hạt giống, và cũng do Thức Alaya thứ tám sử dụng hạt giống Nghiệp Tướng nói trên làm kiểu mẫu để xây dựng vạn pháp. Vạn pháp nhờ Nghiệp Tướng này mời thành hình trong thế gian và ý Thức thứ sáu lại nương theo Nghiệp Tướng của vạn pháp đã thành hình liền vọng tưởng tạo ra những hạt giống Nghiệp Tướng khác kế tiếp cho kiếp sau.

2/- Phương Diện Quan Sát và Nhận Thức:

Tuỳ theo quan niệm của mỗi người, chúng sanh hữu tình có khi đứng vào địa vị làm chủ để nhận thức vạn pháp thì gọi là Ngã Tướng. Ngược lại chúng sanh hữu tình có khi đứng vào địa vị đối tượng để cho chủ thể nhận thức thì gọi là Pháp Tướng. Không nhất định, những chúng sanh hữu tình nào khi hoàn toàn đứng vào địa vị bị quan sát thì gọi là Chúng Sanh Tướng. Còn riêng những chúng sanh vô tình thì nhất định phải gọi là Pháp Tướng mà không thể gọi là Ngã Tướng giống như những chúng sanh hữu tình nêu trên. Về sau Ngã Tướng và Pháp Tướng được rút gọn lại thành một danh từ chung cho dễ nhớ gọi là Ngã Pháp. Như vậy Ngã Pháp là danh từ chung của hai danh từ Ngã Tướng và Pháp Tướng tổng hợp thành. Đề cập đến danh từ Ngã Pháp trong các kinh điển của Phật Giáo, chúng ta liền hiểu ngay đó chính là chỉ cho Ngã Tướng và Pháp Tướng.

Dù cho thuộc về bất cứ phương diện nào đi chăng nữa, Ngã Tướng và Pháp Tướng cũng vẫn là Ảnh Tử không có thể chất chân thật và chúng nó đều do ý Thức thứ sáu dựa theo hình ảnh của những trần cảnh nơi các sự vật bên ngoài để sáng tạo. Ý Thức thứ sáu sáng tạo Ngã Tướng và Pháp Tướng với mục đích dùng làm mô hình kiểu mẫu cho chúng sanh kiếp sau sanh khởi. Chúng sanh chấp ngã hay chấp pháp đều là vọng chấp những mô hình thuộc ảnh tử này cho là thực thể. Những chúng sanh chấp trước đây đều là vọng tưởng điên đảo vậy.

C.- VẤN ĐỀ THỨC DỊ THỤC:

Thức Dị Thục là một loại tâm thức được căn cứ nơi hình tướng quả báo mà định danh, nghĩa là nhà Duy Thức căn cứ nơi hình tướng quả báo của tâm thức mà đặt tên là Thức Dị Thục. Thật ra Thức Dị Thục hay là Thức Nhứt Thiết Chủng đều là tên riêng của Tâm Thức Alaya thứ tám. Thức Dị Thục chính là Tâm Thức Alaya đã bị biến tướng và bị an trụ vào các hạt giống thuộc loại Ngã Tướng hay thuộc loại Pháp Tướng để biến thành hình tướng quả báo (kết quả) cho kiếp sau. Nhưng để cho sự khảo nghiệm được dễ dàng hơn, các nhà Duy Thức căn cứ nơi tánh chất, nơi nguyên nhân và nơi sự kết quả của tâm thức liền phân ra làm ba loại: Tự Tướng, Nhân Tướng và Quả Tướng.

Tự Tướng:là chỉ cho Thức Thể Alaya. Tự Tướng nghĩa là hình tướng riêng biệt của Thức Thể Alaya mà các tâm thức khác không thể giống và cũng không có khả năng như tâm thức này, nên gọi là Tự Tướng. Đây là căn cứ nơi tánh chất của Thức Thể Alaya mà định giá trị. Tánh chất của Thức Thể Alaya có khả năng tàng trữ, bảo tồn và xây dựng vạn pháp nên gọi là Tự Tướng. Nói cách khác, Tự Tướng của Thức Thể Alaya chính là cái kho tàng trữ tất cả hạt giống của vạn pháp.

Nhân Tướng:là chỉ cho Thức Nhứt Thiết Chủng. Nhứt Thiết Chủng nghĩa là hạt giống của tất cả vạn pháp. Thức Nhứt Thiết Chủng nghĩa là tất cả hạt giống của vạn pháp đều được Thức Thể Alaya dung chứa để làm nguyên nhân cho sự sanh khởi về sau. Thế nên căn cứ nơi hạt giống của vạn pháp mà đặt tên cho Thức Thể Alaya này là Thức Nhứt Thiết Chủng. Nhân Tướng nghĩa là hình tướng của tất cả hạt giống vạn pháp ở trạng thái nguyên nhân nên gọi là Nhân Tướng. Thức Thể Alaya được gọi là Thức Nhứt Thiết Chủng là căn cứ nơi hình tướng nguyên nhân của tất cả hạt giống vạn pháp đã được tàng trữ nơi Thức Thể Alaya mà đặt tên. Khi quán chiếu, người ta biết được Tâm Thức Alaya qua hình tướng các hạt giống của vạn pháp. Ngoài hìnhtướng hạt giống của vạn pháp, người ta không có thể nhận biết được Tâm Thức Alaya một cách rõ ràng, cho nên Tâm Thức Alaya được gọi là Thức Nhứt Thiết Chủng.

Quả Tướng:là hình tướng đã được kết thành quả báo. Quả Tướng ở đây là căn cứ nơi nguyên lý nhân quả can những hạt giống vạn pháp mà thành lập. Tất cả hạt giống của vạn pháp đều gọi là nguyên nhân và những hạt giống đó mỗi khi nẩy mầm để hiện thành hình tướng quả báo thì gọi là Quả Tướng. Kiến Phần Thức Alaya khi chun vào biến những hạt giống đó nẩy mầm để sanh khởi thì gọi là Thức Dị Thục. Thức Dị Thục là tên riêng của Kiến Phần Thức Alaya trên lãnh vực tác dụng (Activities). Thế nào là Thức Dị Thục?

I.- ĐỊNH NGHĨA :

1/ Dị:là khác biệt, đổi khác, nghĩa là không còn trạng thái nguyên thể giống như lúc ban đầu, hoàn toàn đổi mới và khác hẳn từ hình thức cho đến nội dung, nên gọi là DỊ.

2/- Thục:là chín mùi, nghĩa là từ lúc nẩy mầm còn xanh tươi cho đến khi kết quả chín mùi để rồi trở nên hư hoại, nên gọi là THỤC.

3/- Dị Thục:nghĩa là từ nguyên nhân cho đến kết quả, những hạt giống đó đều bị biến đổi ra hình tướng khác, không còn giống hình tướng như lúc ban đầu nữa. Hạt mít cũng thế, từ khi nẩy mầm cho đến lúc thành cây kết trái, luôn luôn bị biến đổi từ hình tướng này sang hình tướng khác và cây mít hoàn toàn không còn lưu lại một chút gìhình thể ban đầu của hạt mít cả. Sự biến đổi của Thức Dị Thục là biến đổi liên tục không ngừng, biến đổi từ hình thức cho đến nội dung của một sự vật, nghĩa là Thức Dị Thục biến đổi liên tục như thác nước đỗ xuống dốc và lúc đó, các yếu tố vật chất trong thân thể của hạt giống cũng bị biến đổi theo Thức Dị Thục cho đến khi chấm dứt kết quả. Sự biến đổi này của Thức Dị Thục phải trải qua một thời gian mới kết thành quả chín mùi. Thời gian biến đổi lâu hay mau của Thức Dị Thục là còn tùy thuộc theo từng chủng loại theo từng hạt giống.

Vạn vật trong vũ trụ cũng như mỗi con người, mỗi chúng sanh, mỗi cỏ cây mỗi sông núi, mỗi hành tinh, mỗi trái đất v.v... hiện có mặt trong ba cõi (trong tam giới) đều được gọi là Quả Dị Thục. Quả Dị Thục ở đây là do Thức Nhứt Thiết Chủng biến hiện ra. Trong quá trình xây dựng, phát triển và duy trì sinh mạng của vạn pháp bắt đầu từ Nhân Dị Thục cho đến lúc kết thành Quả Dị Thục, Kiến Phần Thức Alaya của Thức Nhứt Thiết Chủng mới là yếu tố vô cùng quan trong việc kiến tạo này. Thế nên Kiến Phần Thức Alaya của Thức Nhứt Thiết Chủng ở đây được gọi là Thức Dị Thục.

II.- SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HẠT GIỐNG VÀ NHÂN DỊ THỤC:

Dị Thục có hai loại, Nhân Dị Thục và Quả Dị Thục. Quả Dị Thục như trên đã giải thích, chính là kết quả của những nguyên nhân đã được thành hình mang tánh chất có khi thuộc về thiện nghiệp, có khi thuộc về ác nghiệp và có khi thuộc về vô ký nghiệp. Những nguyên nhân của thiện nghiệp, của ác nghiệp, của vô ký nghiệp cũng chính là những hạt giống của Nhứt Thiết Chủng và những hạt giống này đều được gọi là Nhân Dị Thục. Nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn đến khác nhau giữa hạt giống và Nhân Dị Thục mà thôi. Sự khác nhau giữa những hạt giống và Nhân Dị Thục được phân định như sau:

1/- Những hạt giống của Nhứt Thiết Chủng là kết quả của những nguyên nhân đã được nội kết thành tiềm năng nằm yên trong Thức Thể Alaya. Những hạt giống này đều mang tánh chất Lạc Tạ Ảnh Tử cho nên không có sức sống ở trong, nghĩa là không có Kiến Phần Thức Alaya chun vào sinh hoạt để xây dựng, mặc dù chúng vẫn giữ nguyên bản chất là hạt giống. Những Lạc Tạ Ảnh Tử với danh nghĩa hạt giống nói trên chỉ là mô hình Ngã Tướng và Pháp Tướng của vạn pháp không di động trong Thức Thể Alaya. Chúng nó chờ đợi cho đến khi nào gặp được đủ duyên thuận lợi thì sẽ nẩy mầm để hình thành kết quả. Sự kết quả của những hạt giống thuộc Nhứt Thiết Chủng được gọi là Quả Dị Thục. Quả Dị Thục ở đây được thành hình nhằm mục đích thọ nhận những quả báo khố đau hoặc an vui trong thế gian.

2/- Nhân Dị Thục nghĩa là một trong những hạt giống nào đó đã hội đủ điều kiện thuận lợi (đủ duyên) và đã được Kiến Phần Thức Alaya chun vào để hình thành. Một hạt giống được gọi là Nhân Dị Thục là khi nào hàm chứa mầm sống của Kiến Phần Thức Alaya ở trong. Nhân Dị Thục khi có Kiến Phần Thức Alaya ở trong làm mầm sống thì bắt đầu biến tướng bằng cách nẩy mầm theo chiều hướng tăng trưởng để sau này kết thành Quả Dị Thục. Điều cần chú ý, hạt giống một khi trở thành Nhân Dị Thục thì nhất định phải nẩy mầm để biến tướng và không còn giữ nguyên trạngthái Nhứt Thiết Chủng như thuở ban đầu. Nhân Dị Thục trong lúc nảy mầm, nếu như gặp phải những duyên trái nghịch (nghịch duyên) ngăn chận không cho sanh trưởng để thành Quả Dị Thục thì liền bị hủy diệt toàn diện của một hạt giống trong Thức Thể Alaya. Thế là cái Form Ngã Tướng hay Pháp Tướng của hạt giống nói trên cũng bị xoá hẳn dấu vết trong tâm thức.

Thí dụ, hạt đậu xanh (Green Bean) khi chưa nứt mộng thì cũng không khác với những hạt giống nguyên thể của các pháp hiện hành đang nằm yên trong Thức Thể Alaya và hạt đậu xanh này được tàng trữ bao lâu cũng không hư hoại, nếu như chúng ta chăm sóc kỹ lưỡng. Hạt đậu xanh đó một khi nứt mộng chuyển thành giá đậu xanh (Bean Sprout) thì cũng không khác nào hạt giống của các pháp đã bị nẩy mầm thành Nhân Dị Thục. Hạt đậu xanh nứt mộng kia nếu không gặp được thuận duyên như những phân đất, nước, sương, không khí..v..v..... để giúp nó lớn lên thành cây đậu xanh thì liền bị hư thối và mất giống luôn. Nó không thể trở lại tư thế của một hạt đậu xanh nguyên thể chưa nứt mộng như thuở ban đầu. Cũng thế, Nhân Dị Thục của hạt giốngcác pháp trong lúc nẩy mầm nếu như không gặp được những duyên thuận lợi để lớn lên thì nhất định liền bị hư thối và bị biến hoại cũng giống như sự hư thối của hạt đậuxanh. Hạt giống bị hư thối kể như đã mất dạng luôn trong Thức Thể Alaya thì cũng không khác nào hạt đậu xanh bị hư thối kia đã bị mất giống gieo không còn mọc lên được lần thứ hai. Có thể xác định rằng, giá trị hạt đậu xanh đã nứt mộng cũng tương tợ như hạt giống của vạn pháp đã nẩy mầm thành Nhân Dị Thục.

III.- SỰ QUAN HỆ GIỮA THỨC DỊ THỤC VÀ THỨC ALAYA:

Thức Dị Thục tức là Kiến Phần Thức Alaya đã bị quấy đục và bị lôi cuốn bởi nghiệp lực dẫn dắt. Đồng thời Thức Dị Thục này cũng đã bị ô nhiễm bởi những chất liệu củađất nước, gió, lửa (Tứ Đại) trong một Ngã Tướng hay trong một Pháp Tướng để trở thành Quả Dị Thục. Không tĩnh lặng như Thức Thể Alaya, Thức Dị Thục là một loại tâm thức biến động, luôn luôn chuyển biến liên tục không ngừng như dòng thác nước đỗ xuống dốc theo sự thúc đẩy của Nghiệp lực. Thức Dị Thục sở dĩ được tồn tại trong Ngã Tướng hay trong Pháp Tướng chính là do năng lực thúc đẩy của Nghiệp Nhân để xây dựng vạn pháp thành Nghiệp Quả. Nghiệp Quả đây của vạn pháp được gọi là Quả Dị Thục. Thức Dị Thục nếu như không thành hình thì vạn pháp nhất định sẽ không có mặt trong thế gian. Nhưng Nghiệp lực nếu như không tác dụng để thúc đẩy thì Thức Dị Thục cũng không thể xây dựng và phát triển vạn pháp để góp mặt trong thế gian. Nói tóm lại, Thức Dị Thục là tên riêng của Kiến Phần Thức Alaya và phát sanh từ nơi Thức Thể Alaya. Thức Dị Thục được thành danh là căn cứ nơi nhân quả nghiệp báo của mỗi pháp trong thế gian để đặt tên cho Kiến Phần Thức Alaya.

IV.- ĐẶC TÁNH CỦA THỨC DỊ THỤC:

Đặc tánh của Thức Dị Thục, như trên đã trình bày là luôn luôn chuyển biến liên tục theo luật nhân quả nghiệp báo quyết định và hướng dẫn. Bất cứ một pháp nào trong

thế gian, từ Nhân Dị Thục muốn trở thành Quả Dị Thục thì phải trải qua một thời gian biến đổi trạng thái (biến đổi hình tướng) trong sự phát triển và lớn lên. Đặc tánh của Thức Dị Thục được phân làm ba loại: Dị Thời Nhi Thục, Dị Loại Nhi Thục và Biến Dị Nhi Thục.

1/- DỊ THỜI NHI THỤC:

Dị: nghĩa là khác.

THỜI: nghĩa là thời gian.

NHI: nghĩa là mà hay là mới.

THỤC: nghĩa là chín mùi.

DỊ THỜI NHI THỤC: nghĩa là khác thời gian mới chín mùi, tức là hạt nhân được gieo ở một thời kỳ trước và hạt nhân đó phải trải qua một thời gian sau này mới kết thành

quả chín mùi. Tuỳ theo sự khác nhau của từng loại hạt giống, thời gian từ Nhân Dị Thục cho đến khi kết thành Quả Dị Thục của các pháp thì không đồng nhau. Nếu đem so sánh với nhau, thí dụ của loài người kể tù Nhân Dị Thục cho đến khi kết thành Quả Dị Thục, nghĩa là khởi đầu từ nguyên nhân thụ thai cho đến khi kết quả sanh ra thì phải khác hơn thời gian của các loài súc sanh như: heo, gà, chó, bò..v..v.....

Thí dụ, con người sau khi chết, đi đầu thai để thọ thân ở kiếp sau, phải trải qua một thời gian kể từ Nhân Dị Thục cho đến Quả Dị Thục là:

= 49 ngày thọ thân Trung Ấm sau khi chết.

= 280 ngày (tức 9 tháng 10 ngày) nằm trong bào thai mẹ.

=10950 ngày lớn lên (30 năm tăng trưởng), tuổi đến đây thì hình tướng đã trụ lại, không còn lớn thêm nữa.

----------------------------------

Tổng cộng là: 11,279 ngày. (Đây là thời gian của loài người).

Như vậy, con người sau khi chết, bắt đầu thọ thân Trung Ấm chuyển tiếp chính là Nhân Dị Thục và Nhân Dị Thục này chuyển biến hình tướng để trở thành Quả Dị Thục của kiếp sau thì phải trải qua một thời gian ước lượng là 11,279 ngày mới hoàn tất một con người trọn vẹn của Quả Dị Thục.

2/- DỊ LOẠI NHI THỤC:

Dị Loại Nhi Thục, nghĩa là biến ra thành loại khác rồi sau đó mới chín mùi. Nói một cách khác, bất cứ pháp nào mỗi khi sanh khởi đều bắt đầu từ Nhân Dị Thục để đi đếnkết thành Quả Dị Thục, phải biến đổi qua nhiều hình tướng khác nhau, tùy theo nghiệp nhân thuộc về thiện, nghiệp nhân thuộc về ác và nghiệp nhân thuộc về vô ký (nghiệp nhân không phải thiện và cũng không phải ác).

Thí dụ, con người chuyên sống về nghề giết heo. Họ tạo quá nhiều hận thù truyền kiếp về nghiệp sát. Ngoài ra họ còn tạo thêm những nghiệp khác nữa. Do đó, sau khichết, trước hết, họ đổi qua thân Trung Ấm chuyển tiếp (Transform) và thân Trung Ấm này cũng còn mang hình tướng con người. Thân Trung Ấm ở đây tức là thân bằng

Thức Ấm. Thân Thức Ấm chính là thân mà trước kia họ thường nằm mơ (Dream). Thân Trung Ấm bằng tâm thức chỉ sống có giá trị trong 7 ngày rồi phải chết để chuyển sang thân Trung Ấm khác. Thân Trung ấm của họ cứ tiếp tục chết đi sống lại nhiều lần trải qua thời gian 49 ngày. Tuy bị chết đi sống lại 7 lần trong vòng 49 ngày, thân Trung Ấm của họ cũng vẫn là hình tướng của con người không thay đổi. Sau 49 ngày, thân Trung Ấm của họ bị nghiệp giết heo lôi cuốn liền bỏ hình tướng con người lại chuyển sang hình tướng của một con heo mang tên là DANH. DANH của con heo này được Kiến Phần Thức Alaya kết hợp với tinh cha huyết mẹ của con heo với danhnghĩa là Sắc để tạo thành THÂN THỂ của heo con. Hình tướng heo con lần lần được trổ mả và lớn lên biến thành heo mẹ hoặc heo cha của kiếp sau. Như vậy con người sau khi chết, tuỳ theo nghiệp sát mà phải bị luân hồi chuyển kiếp, bắt đầu từ hình tướng loài người liền đổi sang hình tướng loài heo của kiếp sau để trả Quả Dị Thục.

3/- BIẾN DỊ NHI THỤC:

Biến Dị Nhi Thục, nghĩa là biến khác đi rồi sau mới chín mùi. Ý nghĩa đây nói rằng, vạn pháp khởi đầu từ Nhân Dị Thục cho đến thành Quả Dị Thục đều biến chuyển liên tục không ngừng, biến chuyển qua nhiều thời gian và cũng như luôn luôn bị luân hồi qua nhiều không gian, bị biến đổi qua nhiều hình tướng, qua nhiều chủng loại khác nhau. Nhân Dị Thục thì bị biến thể để thành Quả Dị Thục, nhưng Quả Dị Thục lại khác hẳn với Nhân Dị Thục, nghĩa là quả báo được kết thành thì lại không giống nguyên nhân và cũng không còn lưu lại một chút nào dấu tích của nguyên nhân. Sự thành hình Quả Dị Thục chính là sự chuyển biến của Nhân Dị Thục qua quá trình ăn uống hít thở của các pháp.

Tóm lại, Thức Dị Thục là tên riêng của Kiến Phần Thức Alaya khi Kiến Phần của Thức này bị nghiệp lực lôi cuốn an trụ vào hạt giống Ngã Tướng và Pháp Tướng đểxây dựng thành thế giới nghiệp báo của Quả Dị Thục. Thức Dị Thục tuy không phải là hạt giống, nhưng chúng lại phát xuất từ nơi hạt giống làm căn bản. Thức Dị Thục chuyển biến liên tục không ngừng theo thời gian, chuyển biến qua nhiều hình tướng và nhiều chủng loại khác nhau để thành kết quả. Thức Dị Thục này đã bị quấy đục, đã bị ô nhiễm bởi nghiệp lực, lại sinh hoạt theo nghiệp lực chỉ định và tồn tại do nghiệp lực quyết định số mệnh. Nghiệp lực nếu như không còn tồn tại thì Thức Dị Thục này liền bị biến thể ngay. Nguyên vì căn cứ nơi nhân quả nghiệp báo mà định mức giá trị, Kiến Phần Thức Alaya được nhà Duy Thức gọi là Thức Dị Thục.

D.- BA TÁNH CHẤT:

(Tam Tánh, Three Characteristics)

Trên thực tế, mỗi khi quan sát vạn pháp hiện có mặt trong vũ trụ, chúng ta không một ai lại chẳng nhận thức được rằng, mỗi pháp đều có một hình tướng riêng biệt, không có pháp nào giống hoàn toàn pháp nào. Ngay cả như con cháu trong một gia đình không có đứa nào hoàn toàn giống in như cha mẹ, mặc dù chúng nó đều do cha mẹ sanh ra. Sự khác biệt về hình tướng của vạn pháp đều do Ngã Tướng và Pháp Tướng của những pháp đó làm kiểu mẫu để xây dựng nên. Trường hợp này cũng giống như sơ đồ kiều nhà dùng làm mô hình để cho ông thợ y cứ theo đó xây dựng thành cái nhà. Còn sự khác nhau về màu da, như da đen, da trắng, da vàng, da đỏ v.v.... là cũng do Nghiệp Tướng (Ngã Tướng và Pháp Tướng) ô nhiễm Tứ Đại thể hiện. Những mô hình Nghiệp Tướng của vạn pháp vốn đã có sẵn từ hạt giống nguyên thể gọi là Lạc Tạ Ảnh Tử. Những Lạc Tạ Ảnh Tử chính là nguyên nhân căn bản để phát sanh hình tướng đặc biệt riêng khác của mỗi pháp và sự thành hình của những Lạc Tạ Ảnh Tử này là do Kiến Phần Thức Alaya xây dựng nên. Qua những hình tướng đặc biệt không giống nhau của vạn pháp, nhà Duy Thức dựa theo tánh chất của mỗi loại mà chia vạn pháp ra thành ba nhóm khác nhau để khảo sát. Tánh chất khác nhau của ba nhóm vạn pháp được gọi là ba tánh chất. Tên tánh chất của ba nhóm là: Y Tha Khởi Tánh, Biến Kế Sở Chấp Tánh và Viên Thành Thật Tánh.

1 - Y THA KHỞI TÁNH:(Dependent phenomena)

Y: là nương tựa.

THA: nghĩa là khác, tức là chỉ cho nhân vật thuộc loại khác.

Đây là đại đanh từ dùng để chỉ cho Thức Alaya.

KHỞI: là sanh khởi, tức là sanh ra và phát khởi để lớn lên.

TÁNH: là tánh chất, là thể tánh.

Y THA KHỞI TÁNH: nghĩa là tất cả sự vật trong thế gian có sức sống đều phải nương tựa vào Kiến Phần Thức Alaya để sanh khởi, để lớn lên và tồn tại nên gọi là Y Tha Khởi Tánh. Đây là tánh chất đặc biệt của vạn pháp. Vạn pháp trong vũ trụ vốn không có pháp nào hiện diện một cách độc lập mà không liên hệ với các vật khác, cũng như không có pháp nào không nương tựa vào Kiến Phần Thức Alaya mà có thể sanh khởi, có thể lớn lên và có thể tồn tại. Kiến Phần Thức Alaya đều quyết định sự sống cũng như sự chết của vạn pháp, nghĩa là Kiến Phần Thức Alaya không có mặt trong vạn pháp thì vạn pháp đó nhất định sẽ bị tiêu diệt và sẽ không còn sanh tồn trong thế gian nữa, mặc dù vạn pháp khi sanh khởi vẫn còn phải liên hệ chặt chẽ vớinhiều yếu tố khác trong định luật duyên sanh. Những pháp trong vũ trụ do Kiến Phần Thức Alaya quyết định sự sống và sự chết thì được mệnh danh là: "Hữu Thể Thi Thiết

Pháp", hoặc gọi là "Hữu Thể Chất Pháp". Hữu Thể Thi Thiết Pháp, nghĩa là những pháp hiện có mặt trong thế gian thuộc loại có thể chất chân thật đều do Kiến Phần Thức Alaya thiết lập và xây dựng theo nghiệp lực chỉ định. Các pháp do Kiến Phần Thức Alaya thiết lập và xây dựng đều được nhận thức qua hai lãnh vực như sau:

Giai đoạn sanh khởi:

Thực tại các pháp trong vũ trụ, tất cả đều phát sanh từ nơi hạt giống nguyên thể đã được tàng trữ và tồn tại trong Thức Thể Alaya. Những hạt giống nguyên thể đến giai đoạn nẩy mầm đều nương nơi Thức Thể Alaya làm nền tảng để sanh khởi mỗi khi chúng nó hội đủ những duyên thuận lợi (thuận duyên). Các pháp một khi sanh khởi đều hàm chứa sức sống Kiến Phần Thức Alaya ở trong để tăng trưởng và nhờ Kiến Phần Thức Alaya duy trì sanh mạng cũng như duy trì thế giới của những pháp ấy được tồn tại. Các pháp khi chưa nẩy mầm thì đều nằm yên trong Thức Thể Alayavà các pháp một khi nẩy mầm thì lại phải nương tựa nơi Kiến Phần Thức Alaya để góp mặt trong thế gian. Các pháp nếu như không có hạt giống thì không thể sanh khởi và nếu như không có Thức Thể Alaya để nương tựa thì nhất định không có miếng đất để phát triển và để sống còn trong thế gian. Điều này cũng tương tợ như người làm nghề nông mà không có giống lúa hoặc không có đất ruộng để gieo trồng. Nguyên do tánh chất của các pháp đều phải nương tựa nơi Thức Thể Alaya để sanh khởi và tồn tại, cho nên các pháp đây đều thuộc loại Y Tha Khởi Tánh.

Giai đoạn trưởng thành:

Vạn pháp hiện có mặt trong thế gian đều là kết quả của những nguyên nhân và những nguyên nhân này đã được Kiến Phần Thức Alaya xây dựng thành hình tướng. Sự thành hình tướng của mỗi pháp đều bắt nguồn từ nơi Ngã Tướng hoặc Pháp Tướng riêng biệt của những pháp đó gọi là Lạc Tạ Ảnh Tử đã được chứa trong Thức Thể Alaya để sanh khởi. Ngoài ra nó còn phải nhờ đến các pháp liên hệ khác giúp đỡ một cách mật thiết và hỗ trợ một cách phức tạp với nguyên lý duyên sanh mới có thể phát triển. Thân thể và thế giới của một chúng sanh, mỗi khi sanh khởi thì phải nương tựa trực tiếp vào thân thể và thế giới của những chúng sanh liên hệ để trưởng thành.

Đầu tiên, hạt giống của một chúng sanh, chẳng hạn như một con người, khi còn ở trạng thái Lạc Tạ Ảnh Tử thì chỉ là một lô hình bóng Ngã Tướng của kiếp trước đã được nội kết thành tiềm năng. Một Ngã Tướng nào trong khối Lạc Tạ Ảnh Tử mỗi khi gặp được nghiệp duyên và được Kiến Phần Thức Alaya chun vô làm nhân, đồng thời Kiến Phần Thức Alaya liền kết hợp đất nước, gió, lửa ở trạng thái thanh khí phía bên ngoài gọi là Sắc Ấm, một trong năm Ấm mang vào Ngã Tướng trên, trước hết tạo thành thân thể gọi là thân Trung Ấm của bước khởi đầu. Thân Trung Ấm này là một loại thân bằng tâm thức giống như thân thể của con người trong mơ thường thấy. Thân Trung Ấm chỉ sống được trong vòng bảy ngày đêm là cùng, rồi phải chết đi và Kiến Phần Thức Alaya lại chun vào thân Trung Ấm kế tiếp. Cứ như thế trải qua 49 ngày đêm. Sau đó Kiến Phần Thức Alaya lại chun vào thân Trung Ấm cuối cùng đã được định nghiệp, gọi là Danh để để làm nhân cho kiếp sau. Danh của thân Trung Ấm cuối cùng cũng gọi là Danh Thân. Danh Thân này được Kiến Phần Thức Alaya kết hợp với Sắc Uẩn, một trong năm Uẩn của tinh cha huyết mẹ, tức là đất, nước, gió, lửa thuộc trược khí (khí huyết ô trược nhơ nhớp tanh hôi) để 1àm trợ duyên bước đầu quan trọng cho sự sanh thành cái thân xác thịt kiếp sau. Cái thân xác thịt kiếp sau lại được Kiến Phần Thức Alaya xây dựng theo mô hình Ngã Tướng của Danh Thân. Danh Thân đây nếu như không gặp được tinh cha huyết mẹ làm môi trường thuận duyên cho bước đầu thì không đủ yếu tố cần thiết để trưởng thành của kiếp sau. Danh Thân này sẽ bị biến hoại và nó không còn lưu dấu trong Thức Thể Alaya và cũng không thể trở lại trạng thái Lạc Tạ Ảnh Tử nguyên thể nữa như xưa.

Mỗi con người hay mỗi chúng sanh hữu tình đều có thế giới riêng biệt để hưởng thụ, gọi là thế giới ý tưởng. Thế giới này tự họ tạo ấy để dùng làm chỗ nương tựa cho môi trường sống của chính họ. Mỗi con người hay mỗi chúng sanh hữu tình là thứ quả báo thuộc về loại chính yếu (chánh báo) và thế giới ý tưởng của họ tạo ra là thứ quả báo thuộc về loại dùng để nương tựa (y báo). Cũng tương tợ như một bóng đèn điện (chánh báo) thì có vũ trụ ánh sáng (y báo) của chính bóng đèn đó chiếu tỏa ra. Thế giới của một con người hay của một chúng sanh hữu tình mỗi khi sanh khởi đều phải quan hệ với những thế giới khác của nhiều người hay của nhiều chúng sanh hữu tình để cùng nhau biến thành thế giới chung (thế giới cộng biến). Cũng như thế giới củađứa bé mới sanh ra liên quan hệ với thế giới của cha mẹ để cùng nhau biến thành thế giới chung của gia đình. Thế giới của cha mẹ cũng thế, nghĩa là cũng quan hệ chung với những thế giới của đồng loại.

Thí dụ, ánh sáng của bóng đèn điện A 100 watt và ánh sáng của bóng đèn điện B cũng 100 watt cùng màu sắc liền hoà hợp với nhau tạo thành thế giới ánh sáng chung củamột cái phòng mà trong đó hai ngọn đèn điện riêng biệt nhau tạo nên. Cứ như thế, đèn điện tăng thêm bao nhiêu bóng thì thế giới màu sắc cùng loại cũng tăng thêm bấynhiêu ánh sáng.

Tóm lại, định luật duyên sanh là điều kiện chính yếu của các pháp sanh khởi. Những luật tắc này là nguyên lý ràng buộc lẫn nhau giữa các pháp sanh diệt để cùng nhau hiện khởi, trưởng thành và tồn tại trong thế gian. Thân thể và thế giới của một con người hay của một chúng sanh hữu tình nào, nếu như không có những yếu tố trợ duyên từ nơi tinh cha huyết mẹ thì không thể sanh trưởng trong định luật duyên sanh. Từ đó cho thấy, trong định luật duyên sanh, các pháp luôn luôn bị chi phối lẫn nhau một cách chặt chẽ và sự chi phối này được phân làm hai loại: loại thứ nhất là Nhân Chánh và loại thứ hai là Nhân Phụ. Nhân Chánh nghĩa là nguyên nhân thuộc loại yếu tố chính và Nhân Phụ nghĩa là nguyên nhân thuộc loại yếu tố trợ giúp. Nhân Chánh là chỉ cho Kiến Phần Thức Alaya và Nhân Phụ là chỉ cho các nhân phụ thuộc khác. Các Nhân Phụ chỉ trợ duyên trực tiếp hoặc trợ duyên gián tiếp để giúp cho Nhân Chánh hội đủ điều kiện xây dựng và sanh khởi một pháp. Nhìn sâu thêm nữa, Kiến Phần Thức Alaya mỗi khi muốn làm nhân xây dựng một pháp nào thì đầu tiên phải nương nơi các duyên trước để biến hiện và cũng vừa làm duyên cho những Kiến Phần Thức Alaya kế tiếp sanh khởi một nhân mới. Kiến Phần Thức Alaya cứ vừa làm nhân và làm duyên lẫn nhau mãi để liên tục sanh khởi vạn pháp không bao giờ chấm dứt. Đây thuộc về trạng thái trùng trùng duyên khởi của vạn pháp và tánh chất quan hệ lẫn nhau của mỗi pháp trong việc sanh trưởng và tồn tại nơi thế gian, nên gọi là Y Tha Khởi Tánh.

2.- BIẾN KẾ SỞ CHẤP TÁNH:

(Imputed phenomena)

BIÊN: nghĩa là phổ biến, là biến hiện khắp tất cả vũ trụ.

Kế: nghĩa là so đo và xét nghiệm.

SỞ CHẤP: nghĩa là do chỗ chấp trước mà sanh ra.

BIẾN KẾ SỞ CHẤP TÁNH: nghĩa là tự tánh của các pháp trong vũ trụ do bởi ý Thức thứ sáu dựa theo các duyên bên ngoài rồi suy tính và xét nghiệm để sáng tạo hình tướng vạn pháp dưới sự điều khiển của Thức Mạt Na thứ bảy so đo, vọng tưởng và chấp trước, nên gọi là Biến Kế Sở Chấp Tánh. Những nhân tố để tạo thành các pháp thuộc loại Biến Kế Sở Chấp Tánh điều là những nguyên liệu thuộc về vật chất. Những nguyên liệu đó thì hoàn toàn bị động trong mọi lãnh vực sanh hoạt và cũng không có sức sống ở trong, nghĩa là những vật chất này không có mặt hoặc đã bị Kiến Phần Thức Alaya bỏ rơi và chúng nó chỉ còn lại thân xác trong tư thế hao mòn theo mưa nắng phong sương cho đến khi mục nát thành tro bụi. Các pháp thuộc loại Biến Kế Sở

Chấp Tánh cũng không có sức sống trong đó và cũng không nẩy nở hoặc lớn lên giống như các pháp thuộc loại Y Tha Khởi Tánh. Các pháp thuộc loại Biến Kế Sở Chấp Tánh thì cũng không phải và cũng không bao giờ được phát sanh hay được mọc lên từ nơi hạt giống như các pháp thuộc loại Y Tha Khởi Tánh, mặc dù chúng cũng là một pháp trong các pháp của thế gian.

Vạn pháp trong thế gian thuộc loại Y Tha Khởi Tánh đều là những Tướng Phần do Kiến Phần Thức Alaya căn cứ theo các nghiệp lực để xây dựng nên. Những pháp đây đều có thể chất chân thật và Ý Thức thứ sáu duyên nơi những pháp nói trên để nhận thức. Sau đó Thức Mạt Na thứ bảy thúc đẩy Ý Thức thứ sáu dựa theo những nhân vật có thể chất chân thật vừa trình bày để sáng tạo ra các pháp không có thể chất chân thật bằng những vật liệu của Kiến Phần Thức Alaya bỏ rơi. Các pháp không có thể chất chân thật từ những sự vật thật tại cho đến những sự vật thuộc khái niệm đều do Ý Thức thứ sáu tưởng tượng xây dựng dưới sự chỉ đạo của Thức Mạt Na thứ bảy so đo chấp trước. Chẳng những không có thể chất chân thật, các pháp này lại cũng không có sức sống ở trong, nghĩa là chúng nó không giống như những pháp thuộc loại Y Tha Khởi Tánh. Chúng nó chỉ có mặt trong thế gian với tánh cách giả tạo theo nhu cầu cần

thiết của con người hoặc của chúng sanh hữu tình xử dụng. Cho nên những pháp vô thể chất do Ý Thức thứ sáu sáng tạo đều được gọi là Biến Kế Sở Chấp Tánh. Những pháp thuộc Biến Kế Sở Chấp Tánh và còn được mang tên khác nữa là "VÔ THỂ TÙY TÌNH PHÁP". Vô Thể Tùy Tình Pháp nghĩa là những pháp được thành hình tướng hoàn toàn không có thể chất chân thật (vô thể) và chúng chỉ do tình cảm mê vọng (tuỳ tình) của Ý Thức thứ sáu phân biệt xây dựng. Các hiện tượng như: lâu đài, thành phố, máy bay, xe hơi, tàu lặn, phi thuyền, tiểu thuyết, sách báo, truyện ngắn, hình tượng, bông ni lông, người máy v.v... đều thuộc loại Biến Kế Sở Chấp Tánh. Những Pháp đây thì hoàn toàn không có thề chất chân thật và chúng dược góp mặt trong thế gian ở tư thế bị động. Tự chúng không có tri giác, không tự phân biệt hiểu biết như con người, như chúng sanh hữu tình có sức sống. Mặc dù không thể chết chân thật, những pháp trên vẫn hiện có mặt trong thế gian một cách thực tại khách quan và chúng nó trở lại làm đối tượng cho Ý Thức thứ sáu lần thứ hai phân biệt để sáng tạo thêm vô số các pháp khác cũng không có thể chất chân thật như nhau. Thế giới của Biến Kế Sở Chấp Tánh là những hình ảnh méo mó của thế giới Y Tha Khởi Tánh và cũng là những kết quả của Ý Thức thứ sáu vọng tưởng tạo thành. Cho nên thế giới của ý Thức thứ sáu sáng tạo được gọi là Biến Kế Sở Chấp Tánh.

3- VIÊN THÀNH THẬT TÁNH:

(Ultimate phenomena)

VIÊN: nghĩa là viên mãn là tròn đầy.

THÀNH: nghĩa là thành tựu, là thành công.

THẬT: nghĩa là chân thật về mặt sự tướng cũng như chân thật về mặt thể tánh.

VIÊN THÀNH THẬT TÁNH: nghĩa là tự tánh của tất cả pháp về mặt chân lý chính là thể tánh chân thật đã thành tựu một cách viên mãn tròn sáng. Tự tánh này nguyên thể vốn là thể tánh chân thật, là nguồn năng lực không biến hoại, không sanh diệt, không tăng giảm, không dơ sạch. Nguồn năng lực đây cũng là nền tảng căn bản dể cho vạn pháp sanh trưởng theo chiều hướng duyên sanh, nên gọi là Viên Thành Thật Tánh. Tự Tánh Viên Thành Thật của các pháp không phải là Tự Tánh của Y Tha Khởi và cũng không phải là Tự Tánh của Biến Kế Sở Chấp vọng tưởng phân biệt. Các pháp thuộc loại Tự Tánh Y Tha Khởi chính là những pháp mang tánh chất duyên sanh và những pháp này sở dĩ được tạo thành hình trong thế gian là do các hạt giống nguyên thể cùng nhau kết hợp, cùng nhau chuyển biến để cùng xây dựng cho nhau theo mô thức Ngã Tướng và Pháp Tướng của những pháp đó qua sự thúc đẩy của nghiệp lực. Sự chuyển biến để thành hình tướng của các pháp thuộc loại Y Tha Khởi thì bao hàm cả sự chuyển biến của Kiến Phần Thức Alaya nhằm mục đích xây dựng và duy trì vạn pháp được tồn tại trong thế gian. Riêng các pháp thuộc loại Tự Tánh Biến Kế Sở Chấp thì hoàn toàn không có chút gì đặc tánh của Viên Thành Thật cả. Nguyên do,các pháp thuộc loại Tự Tánh Biến Kế Sở Chấp này được thành lập là do Ý Thức thứ sáu vọng tưởng tạo nên.

Khác hơn, Tự Tánh Viên Thành Thật là thể tánh chân thật của các pháp ở trạng thái tĩnh lặng. Thể tánh chân thật của các pháp chính là thế giới chân như của chư Phật an trụ. Thế giới này thì hoàn toàn bình đẳng và thanh tịnh do Chân Tâm xây dựng nên để làm nền tảng căn bản bước đầu cho thế giới vọng hiện cũng như thế giới nghiệp duyên của các chúng sanh nương tựa xuất hiện. Thế giới chân như trên không phải là thế giới vọng hiện và cũng không phải là thế giới nghiệp duyên của Tự Tánh Y Tha Khởi. Thế giới Tự Tánh Viên Thành Thật của chân như thì thuộc về thể tĩnh (Static State) và thế giới Tự Tánh Y Tha Khởi của vọng hiện hay của nghiệp duyên thì thuộc về thể động (Dynamic States). Vạn pháp thuộc về thể động thì luôn luôn bị lưu chuyển liên tục trong trạng thái tác dụng (Activities) và chúng không còn đơn thuần cũng như không còn tĩnh lặng giống như ở trạng thái nguyên thể. Hai tự tánh của các pháp thuộc loại Y Tha Khởi và thuộc loại Biến Kế Sở Chấp nếu như không có Tự Tánh Viên Thành Thật thì nhất định không có chỗ nương tựa để sanh khởi, nhưng Tự Tánh Viên Thành Thật thì hoàn toàn không phải hai loại tự tánh vừa kể trên, còn nếu như tách rời hai Tự Tánh Y Tha Khởi và Biến Kế Sở Chấp này ra ngoài, chúng ta cũng không thể tìm thấy Tự Tánh Viên Thành Thật.

Trường hợp này cũng tương tợ như không gian của cái phòng là chỗ nương tựa cho không gian của hai hệ thống ánh sáng ngọn đèn điện A không màu sắc và ngọn đèn điện B có màu sắc cùng nhau chiếu tỏa. Không gian của hệ thống ánh sáng ngọn đèn điện A không màu sắc thí dụ như thế giới Tự Tánh Y Tha Khởi và không gian của hệ thống ánh sáng ngọn đèn điện B có màu sắc thí dụ như thế giới Tự Tánh Biến Kế Sở Chấp, nhưng không gian của cái phòng thật sự không phải là không gian của hai hệ thống ánh sáng ngọn đèn điện A và ngọn đèn điện B vừa kể trên. Ngược lại, hai ngọn đèn điện A không màu sắc và B có màu sắc nói trên, nếu như không có không gian của cái phòng làm chỗ nương tựa thì không thể chiếu toả không gian ánh sáng riêng cho mình, nguyên vì chúng không có khoảng cách để soi sáng.

Còn đứng về phương diện nhận thức mà xét nghiệm, người khảo sát muốn hiểu biết Tự Tánh Viên Thành Thật của thế giới Chân Như thì phải có trí tuệ để quán sát trực tiếp (Trực Quán Trí) bằng phương pháp quán chiếu. Trí tuệ dùng để quan sát trực tiếp không phải Ý Thức thứ sáu thuộc loại vọng tưởng phân biệt dưới sự ràng buộc của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy điều khiển và chấp trước. Trí tuệ này được mang tên là "TRÍ DIỆU QUAN SÁT". Trí Diệu Quan Sát là trí tuệ được chuyển từ ý Thức thứ sáu sau nhiều năm tu tập. Trí Diệu Quan Sát quán chiếu vạn pháp một cách mầu nhiệm, một cách độc lập để hiểu biết. Trí Diệu Quan Sát quán chiếu vạn pháp không còn bị ngăn cách bởi vật chất, không còn bị chi phối cũng như không còn bị ràng buộc bởi sự điều khiển của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy kiểm soát nữa. Người khảo sát nhận thức Tự Tánh Y Tha Khởi của vạn pháp bằng Trí Diệu Quan Sát quán chiếu, thì cũng tương tợ như ý Thức thứ sáu nhận thức sự vật bằng Quang Tuyến X (X Ray) xuyên qua thân thể con người. Trí Diệu Quan Sát quán chiếu Tự Tánh Y Tha Khởi để nhận thức trực tiếp Tự Tánh Viên Thành Thật nơi bản tánh nguyên thể chưa bị biến tướng của các pháp, đồng thời cũng nhận thức trực tiếp nơi thể tánh chân như của Thức Thể Alaya khi Thức này chưa bị biến thể vào các pháp với hình thức Tự Tánh Y Tha Khởi. Trí Diệu Quan Sát có khả năng nhận thức thể tánh vạn pháp một cách trực tiếp không qua ảnh tượng ảo giác và cũng không bị giới hạn bởi thân thể (Thân Căn) thuộc vật chất của con người. Người nào nhận thức được thể tánh của vạn pháp bằng Trí Diệu Quan Sát quán chiếu tức là người đó đã giác ngộ được Tự Tánh Viên Thành Thật của thế giới chân như.

Tóm lại, trong ba tánh, Y Tha Khởi Tánh là chỉ cho vạn pháp có thể chất, có sức sống, có sự sanh trưởng theo hình thức nhân duyên hoà hợp qua sự xây dựng của Kiến Phần Thức Alaya, còn Biến Kế Sở Chấp Tánh là chỉ cho vạn pháp không có thể chất chân thật, tuy cũng được xây dựng theo hình thức nhân duyên hòa hợp trên, nhưng các pháp này không có sức sống và cũng không có sự sanh trưởng như các pháp thuộc loại Y Tha Khởi Tánh. Những pháp thuộc loại Biến Kế Sở Chấp nói trên chính là do Ý Thức thứ sáu vọng tưởng phân biệt để sáng tạo dưới sự điều khiển của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy.

Riêng Viên Thành Thật Tánh là chỉ cho thể tánh chân như của vạn pháp trong trạng thái tinh lặng, thường trú, không sanh diệt, không tăng giảm, không dơ sạch và nóhoàn toàn không bị chi phối bởi nguyên lý nhân duyên sanh diệt. Tự Tánh Viên Thành Thật chính là Pháp Tánh chân như thuộc trạng thái nguyên thể, luôn luôn đơn thuần và không bị biến động. Riêng vạn pháp thuộc loại Y Tha Khởi Tánh là hình ảnh ảo giác của thế giới Pháp Tánh chân như được lưu xuất trong tư thế vọng hiện. Thế giới Pháp Tánh chân như nếu như không có thật thể thì thế giới Y Tha Khởi Tánh quyết định không có mặt trong thế gian. Cho nên thế giới Pháp Tánh chân như này được gọi là thế giới Viên Thành Thật Tánh. Đây là giá trị của ba Tánh để làm phương thức cho sự khảo sát vạn pháp trong thế gian.

E.- CHUNG QUANH VẤN ĐỀ NGHIỆP VÀ HÀNH:

Vấn đề Nghiệp và Hành đã được nhiều sách vở định nghĩa và giải thích tường tận không kém phần sắc xảo và tinh vi. Nhưng ở đây, chúng tôi có cái nhìn hơi khác đôichút về vấn đề Nghiệp và Hành xuyên qua các yếu tố cũng như xuyên qua các nguyên nhân tạo nên vạn pháp.

Theo Phật Học Tự Điển cũng như theo các sách vở đã giải thích, Nghiệp và Hành tuy là khác nhau về danh từ, nhưng chúng rất giống nhau về tánh chất và ý nghĩa. Nghiệp là năng lực, là hành động tạo tác và Hành cũng là năng lực, cũng là hành động tạo tác, vì thế Nghiệp tức là Hành và Hành cũng tức là Nghiệp không khác nhau. Xét về mặt tánh chất, danh từ Nghiệp và Hành được giải thích như thế rất hợp lý. Nhưng xét về mặt giá trị, Nghiệp và Hành thì lại không hẳn như thế, tuy chúng đồng một tánh chất,nhưng khác nhau về giá trị. Nhà bác học thường đeo kính trắng, nhưng những người mang kính trắng chưa hẳn là nhà bác học. Nghiệp và Hành cũng thế, chúng đã được định danh khác nhau thì nhất định không giống nhau về giá trị qua sự tác dụng. Phật Giáo sử dụng danh từ chuyên môn rất nhiều và những danh từ chuyên môn này nhằm để trình bày những nguyên lý phức tạp của vạn pháp. Do đó, mỗi danh từ đều có một giá trị đặc biệt dùng để diễn tả chính xác một khía cạnh, một vị trí không giống nhau của những pháp đó trong lãnh vực sanh khởi. Vạn pháp có bao nhiêu hình tướng thì Phật Giáo có bấy nhiêu danh từ và vạn pháp vô cùng phức tạp thì danh từ của Phật Giáo diễn tả những phức tạp đó thì cũng tinh vi không kém. Thế nên, người nghiêncứu Phật Giáo mỗi khi gặp những danh từ chuyên môn nói trên thì cần phải cẩn thận trong việc nhận xét.

Sự khác Biệt Giữa Nghiệp và Hành:

Nghiệp là danh từ chung, nhằm diễn tả sự kết quả về những hành động của một chúng sanh, của một con người qua Thân Nghiệp (nghiệp do bản thân tạo nên), Khẩu Nghiệp (nghiệp do miệng lưỡi tạo nên) và Ý Nghiệp (nghiệp do ý tưởng tạo nên). Ngược lại, Hành là danh từ riêng nhằm diễn tả năng lực tác dụng của Vô Minh trong ba cõi (trong tam giới) và cũng là động lực thúc đẩy chẳng những Thức Thể Alaya bị biến động mà lại còn thúc đẩy những hạt giống nghiệp lực sanh khởi để lôi cuốn Kiến

Phần Thức Alaya trong việc ra tay xây dựng mỗi chúng sanh, xây dựng mỗi con người sớm kết thành nghiệp quả. Nghiệp là một năng lực bao gồm cả Thiện Nghiệp (nghiệp lành), ác Nghiệp (nghiệp xấu ác) và Vô Ký Nghiệp (nghiệp thuộc loại không phải thiện và cũng không phải ác), nhưng Hành ở đây bản chất thì hoàn toàn xấu ác, không có một chút thiện nào trong đó cả. Nguồn gốc phát sanh ra nghiệp chính là Ý Thức thứ sáu. Ý thức thứ sáu của một chúng sanh, của một con người mỗi khi sinh hoạt xã hội, đều làm chủ trong việc tạo nghiệp lành nếu như họ đi theo con đường thánh thiện và cũng làm chủ trong việc tạo nghiệp ác nếu như họ đi theo con đường sa đọa.

Riêng về chiều hướng sa đọa, si mê lầm lạc, Chi Mạt Vô Minh, (loại vô minh thuộc chi nhánh của Căn Bản Vô minh) chi phối và điều khiển Ý Thức thứ sáu của một chúng sanh, của một con người gây tạo ác nghiệp ác. Cũng chính các nghiệp ác này lại trở thành nguyên nhân khiến cho chúng sanh, khiến cho con người phải bị sanh tử luân hồi trong ba cõi (trong tam giới). Chúng ta nên hiểu rằng, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là những tâm lý thuộc loại Căn Bản Phiền Não và chúng không phải thuộc loại Căn Bản Vô Minh. Căn Bản phiền Não chỉ là loại Chi Mạt Vô Minh, nghĩa là chúng nó được sanh ra từ nơi Căn Bản Vô Minh. Căn Bản Phiền Não sở dĩ được sanh khởi là do Tâm Thức tác dụng với sinh lý của chúng sanh, của con người qua sự ảnh hưởng và chi phối của Căn Bản Vô Minh. Cũng như ánh sáng điện phát sanh từ nơi dòng điện, nhưng nó bị chi phối bởi giây tóc đèn (Filament) và màu sắc của bóng đèn, thành thử ánh sáng điện tỏa ra nhiều hình tướng khác nhau, còn nguồn gốc phát sanh ra Hành chính là Căn Bản Vô Minh mà trong đó hoàn toàn không có chút nào thiện nghiệp cả.

Những điều nhận xét trên cũng đủ minh định được giá trị khác nhau giữa Nghiệp và Hành, tuy rằng chúng nó đều là trạng thái năng lực cả.

Sự Tác Dụng Của Nghiệp và Hành:

1.- SỰ TÁC DỤNG CỦA NGHIỆP:

a]- ĐỊNH NGHĨA:

Theo Duy Thức Học, Nghiệp (Karma hay Kamma) là một loại Tập Khí (Fetter), nghĩa là một tiềm năng (Memories) đã được kết quả của những hành động (Effect of Actions). Tiềm năng là một khối năng lực được nội kết và ẩn chứa trong Thức Thể Alaya, gọi là Tập Khí. Nghiệp Tập Khí là khối năng lực thuộc loại biến động và chúng một khi biến động thì khiến cho vạn pháp bị sanh diệt biến hoá liên tục trong ba cõi. Sự có mặt của vạn pháp là do sự thúc đẩy của nghiệp lực và các nhân tố khác cũng vì bị ảnh hưởng bởi nghiệp này nên mới kết hợp lẫn nhau để hiện thành hình tướng trong thế gian. Nghiệp lực nếu như không thúc đẩy thì các nhân tố khác nhất là nhân tố Kiến Phần Thức Alaya thiếu điều kiện sinh hoạt và chúng nó cũng không thể tự động kết hợp với nhau để cùng hiện khởi. Đứng trên lập trường Duy Nghiệp mà nhận xét, muôn pháp hiện có mặt trong thế gian đều phát xuất từ nơi Nghiệp Nhân và bị biến thành Nghiệp Quả để hưởng thọ quả báo khổ hoặc vui trong thế gian.

b]- GIAI ĐOẠN TÁC DỤNG:

Cũng theo Duy Thức Học, những Ngã Tướng và Pháp Tướng của vạn pháp trong vũ trụ đều là ảnh tử do ý Thức thứ sáu sáng tạo, nhưng các Ngã Tướng và Pháp Tướng đó của vạn pháp lại bị nghiệp lực lôi cuốn liền hiện khởi từ nơi hạt giống trong Thức Thể Alaya và cùng nhau kết hợp để hiện thành hình tướng sai biệt trong thế gian. Cho nên, nghiệp là một trong những năng lực với trách vụ hướng dẫn và thúc đẩy những Ngã Tướng và pháp Tướng của vạn pháp sanh khởi từ trong tiềm năng. Những Ngã Tướng và Pháp Tướng và Pháp Tướng này sau khi được nghiệp lực kích động và hướng dẫn liền chuyển biến theo sự xây dựng của Kiến Phần Thức Alaya để hiện thành hình tướng. Nghiệp lực nếu như không chịu thúc dẩy và hướng dẫn thì Kiến Phần Thức Alaya cũng không chịu xây dựng vạn pháp theo mô hình Ngã Tướng và Pháp Tướng nói trên. Lúc đó nghiệp lực sẽ bị hủy diệt bản chất một khi Thức Thể Alaya được chuyển thành Trí Đại Viên Cảnh. Cho nên nghiệp lực mới chính là nguyên nhân để tạo thành nghiệp quả trong thế giới nghiệp tướng.

Nghiệp đây có hai loại: Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp.

BIỆT NGHIỆP:

Vạn pháp trong vũ trụ đều do nhân duyên Sanh, nhưng trong đó các hai loại: một loại do Thức Alaya xây dựng thì gọi là Y Tha Khởi và một loại do Ý Thức xây dựng thì gọi là Biến Kế Sở Chấp. Riêng về loại Y Tha Khởi, mỗi pháp đều có một mạng sống (sanh mạng) riêng biệt hiện đang sanh trưởng và tồn tại trong thời gian nhất định. Mạng sống giới hạn của một pháp là do nghiệp lực quyết định. Có loại sống một trăm năm, có loại sống một ngàn năm, có loại sống ít hơn hoặc có loại sống nhiều hơn v.v... Mỗi sanh mạng của một pháp đều nhờ Kiến Phần Thức Alaya xây dựng theo mô hình Ngã Tướng hay Pháp Tướng để cho pháp đó hiện thành hình tướng, nhưng động lực thúc đẩy Kiến Phần Thức Alaya xây dựng hệ thống thân thể (hệ thống Thân Căn) và thế giới (Khí Thế Gian) của mỗi pháp chính là do Nghiệp Tập Khí (Fetter of Karma) thúc đẩy. Nghiệp Tập Khí mới là nguyên nhân để quy định sự sống chết của vạn pháp theo hệ thống nghiệp báo.

Thí dụ, nước biển ví như Thức Thể Alaya, các lượn sóng ví như những chúng sanh, Nghiệp Tập Khí ví như luồng gió thổi. Nước biển chuyển biến để tạo thành nhữnglượn sóng to nhỏ khác nhau, nguyên vì trong những lượn sóng đầu có mặt nước biển thể hiện, nhưng gió Nghiệp mới chính là động lực thúc đẩy nước biển Thức Thể Alaya chuyển biến hiện thành những lượn sóng chúng sanh khác nhau.

Vạn pháp có sức sống trong thế gian cũng đều sanh khởi giống như thế, nghĩa là cũng do Thức Thể Alaya chuyển biến để hiện bày. Thế nên nơi mỗi chúng sanh đã có mặt Kiến Phần Thức Alaya tham dự trong đó. Kiến Phần Thức Alaya có nhiệm vụ duy trì và bảo vệ sự sống của vạn pháp, còn nghiệp lực lại có nhiệm vụ thúc đẩy Thức Thể

Alaya phát sanh Kiến Phần để xây dựng và nuôi dưỡng sanh mạng của vạn pháp.

Mỗi chúng sanh đều có nghiệp riêng để tự hưởng thụ, gọi là Biệt Nghiệp. Nghiệp lực nơi mỗi chúng sanh thúc đẩy và lôi cuốn hạt giống Ngã Tướng hay Pháp Tướng của

chúng sanh đó phát khởi từ trong Thức Thể Alaya để hiện thành hình tướng, gọi là Sanh Nghiệp. Nghiệp lực dẫn dắt khiến cho Ngã Tướng hay Pháp Tướng đó lớn lên, gọi là Tăng Nghiệp. Nghiệp lực bị giảm xuống dần khiến cho Ngã Tướng hay Pháp Tướng ở tư thế hao mòn, già héo, gọi là Giảm Nghiệp. Nghiệp lực không còn tồn tại khiến cho Ngã Tướng hay Pháp Tướng bị hoại diệt (bị chết đi), gọi là Mãn Nghiệp. Nghiệp nhân tốt thì tạo thành sanh mạng tốt để hưởng thọ quả báo an lành và ngược lại, nghiệp nhân xấu ác thì tạo thành sanh mạng không tốt đẹp để hưởng thọ quảbáo tội lỗi khổ đau.

Những Biệt Nghiệp này là do mỗi chúng sanh tự mình tạo lấy từ nơi hành động (Thân Nghiệp), từ nơi lời nói (Khẩu Nghiệp) và từ nơi ý tưởng (Ý Nghiệp) để rồi sau đóchúng được nội kết thành tiềm năng nằm trong Thức Thể Alaya, gọi là Nghiệp Chủng Từ (Nghiệp Nhân). Nghiệp Chủng Tử đây cũng chỉ là một Tập Khí (Fetter of Kanna)và chúng hoàn toàn không có thể chất chân thật giống như các Chủng Tử khác ở trạng thái nguyên thể. Nghiệp Chủng Tử sẽ bị hoại diệt một khi dòng sanh mạng của kiếp hiện tại mà Nghiệp Chủng Từ đó tạo nên đã chấm dứt, nghĩa là nó đã chết và nhường lại cho những nghiệp nhân khác nối tiếp trưởng thành để chuyển sang dòng sanh mạng của kiếp vị lai.

CỘNG NGHIỆP:

Cộng Nghiệp là sự kết hợp các đơn vị Biệt Nghiệp cô đọng thành một khối tiềm năng được ẩn chứa trong Thức Thể Alaya. Cộng Nghiệp, nếu như không có các đơn vị Biệt

Nghiệp cô đọng lại thì không thể thành hình và nếu như không có Cộng Nghiệp thì các đơn vị Biệt Nghiệp sẽ không đà phát khởi. Như đã trình bày ở trước, Biệt Nghiệp là nghiệp riêng của mỗi loại chúng sanh trong ba cõi do chính họ tự gây tạo nên bởi hành động, bởi lời nói và bởi ý tưởng. Mỗi loại chúng sanh trong ba cõi sở dĩ thành hình tướng không giống nhau, chính là do họ tạo nghiệp riêng hoàn toàn khác nhau về tánh chất. Cho nên họ cảm thọ những quả báo đều sai khác nhau. Động lực thúc đẩy sự kết hợp các đơn vị Biệt Nghiệp không giống nhau để tạo thành một khối Cộng Nghiệp trong ba cõi chính là năng lực thu hút của Căn Bản Vô Minh. Các hạt giống Biệt Nghiệp sau khi rơi vào trong Thức Thể Alaya liền bị năng lực thu hút của Căn Bản Vô Minh, nội kết thành một khối, gọi là Cộng Nghiệp. Cộng Nghiệp bám lấy Căn Bản Vô Minh làm nghiệp nhân cho thể chung của vũ trụ ba cõi.

Thí dụ, dòng nước chính là do những hạt nước liên kết tạo thành và ngoài những hạt nước ra, dòng nước quyết định không thể có mặt một cách riêng biệt. Năng lực của những đơn vị hạt nước tác dụng lẫn nhau và cùng nhau tạo thành một dòng nước chảy. Cũng chính nhờ sự thúc dẩy của năng lực chung dòng nước chảy, năng lực riêng của những hạt nước mới phát khởi và tồn tại. Dòng nước nếu như không chảy thì những hạt nước trong đó sẽ chết và tạo nên dòng nước thúi.

Khối Cộng Nghiệp của vũ trụ thuộc thể chung trong ba cõi được phân làm hai loại: một loại tánh chung (Đồng Tánh) và một loại tánh riêng (Biệt Tánh).

Những loại thuộc về tánh chung, nghĩa là những loại đều mang tánh chất giống nhau về ái dục ô trược và thô tục để làm nguyên nhân cho việc tạo thành thế giới ái dục, gọilà Dục Giới. Thế giới ái dục là thế giới mà những chúng sanh sống trong đó được xây dựng bởi tánh chất ái dục thô tục nặng nề và nhơ nhớp. Trong Dục Giới, những loàithuộc tánh chung đồng loại với người là nguyên nhân để tạo thành thế giới loài Người. Những loài thuộc tánh chung đồng loại với Địa Ngục, với Ngạ Quỹ, với SúcSanh v.v... là nguyên nhân để tạo thành những thế giới Địa Ngục, những thế giới Súc Sanh v.v... Những loài thuộc tánh chung đồng loại với tính ái, nghĩa là những loại đều mang tánh chất giống nhau về ái dục thanh lịch là nguyên nhân tạo thành những thế giới thuần sắc tinh tế, gọi là Sắc Giới. Sắc Giới là những thế giới mà những chúng sánh sống trong dó đêu dược kết tinh bởi vật chất thuộc thể chất thuần nhất tinh tế, nhẹ nhàng như sương khói và trong suốt, thanh khiết như pha lê, thường gọi là Sắc Ấm, một trong năm Ấm.

Những loài thuộc về tánh chung Vọng Thức, nghĩa là những loại đều mang tánh chất thuần nhất tâm Thức mê vọng là nguyên nhân tạo thành những thế giới thuần túy Thức Tâm, gọi là Vô Sắc Giới. Những thế giới này do Tâm Thức kết hợp tạo thành và trong đó hoàn toàn không có vật chất, nên gọi là Vô Sắc.

Còn những loài thuộc về tánh riêng, nghĩa là mang tánh chất nghiệp lực khác nhau là nguyên nhân tạo thành những cá thể của mỗi loại chúng sanh khắp trong ba cõi.

Có thể nói, Biệt Nghiệp là nguyên nhân để phát khởi sanh mạng của mỗi loài chúng sanh. Riêng Cộng Nghiệp là nguyên nhân phát khởi dòng sanh mạng thể chung của vũ trụ ba cõi. Biệt Nghiệp nếu như không thành thì sanh mạng của mỗi loài chúng sanh kể như không có hiện diện và Cộng Nghiệp nếu như không cô đọng thì vạn hữu có thể nhất định sẽ không bao giờ hiện khởi.

2.- SỰ TÁC DỤNG CỦA HÀNH:

Hành là một danh từ mà không phải là một động từ. Hành ở đây là chỉ cho một năng lực có tánh cách giống như nghiệp, nhưng nó không phải là nghiệp và nó cũng không phải là hành động của một năng lực nào mỗi khi năng lực đó sinh hoạt. Cũng như chữ Hữu trong hai chữ Vạn Hữu có nghĩa là cõi, bờ cõi, là thế giới và ở đây nó không phải là nghĩa có mặt. Hành nghĩa là một năng lực và Hành nghĩa là hành động tạo tác, tên chúng nó tuy là giống nhau, nhưng nghĩa lý của chúng nó thì hoàn toàn khác nhau. Hành một bên là chỉ cho khối năng lực và một bên là chỉ cho sự tác dụng của khối năng lực đó. Thế nên đức Phật mới đặt tên là Hành cho một pháp số trong mười hai Nhân Duyên, như: Vô Minh, Hành, Thức v.v... Như vậy, Hành là một năng lực và năng lực này từ đâu phát sanh?

Vô Minh Nghiệp Tướng gọi là Căn Bản Vô Minh, tự nó có một năng lực gọi là Hành, cũng như Nghiệp là một tập khí tự nó có một năng lực gọi là Nghiệp lực. Chẳng hạn như tâm lý Sân Hận tự nó có một năng lực khiến cho Tâm Thức con người không làm chủ lấy mình mỗi khi nó sinh hoạt. Riêng Nghiệp Lực thì có loại thuộc thiện nghiệp, có loại thuộc ác nghiệp và có loại thuộc vô ký nghiệp. Ngược lại Hành thì bản chất hoàn toàn thuộc về xấu ác mà nó không bao giờ có chút thiện nào trong đó cả. Nghiệp Lực thì chỉ sinh hoạt theo từng cá thể của mỗi chúng sanh hoặc sinh hoạt theo tập thể của từng nhóm, của từng chủng loại riêng biệt nhau. Trái lại, Hành ở đây chỉ sinh hoạt chung cho cả ba cõi, không phân biệt riêng từng cõi, từng chủng loại chúng sanh giống như nghiệp lực, mặc dù Hành nguyên là động lực của nghiệp lực, kích động để khiến cho nghiệp lực tự động phát khởi tác dụng. Hành của Vô Minh Nghiệp Tướng tác dụng hai chiều: chiều dẫn nạp và chiều dẫn phát.

CHIỀU DẪN NẠP(Attractive-force):

Hành tác dụng theo chiều dẫn nạp là thu hút, kết hợp tất cả hạt giống Biệt Nghiệp quy tụ vào trong Vô Minh Nghiệp Tướng thành một khối Cộng Nghiệp, còn Hành tácdụng theo chiều dẫn phát là kích động, hướng dẫn Cộng Nghiệp phát khởi dòng sanh mạng thể chung của vũ trụ ba cõi. Cộng Nghiệp được thành lập là do các năng lực Biệt Nghiệp quy tụ tạo nên qua sự thu hút và kết nạp của năng lực Hành. Năng lực của Hành càng tăng trưởng thêm lên và tầm hoạt động của Hành càng lan rộng thêm xa là khi nào khối Cộng Nghiệp càng thêm to lớn. Ngược lại, năng lực của Hành càng giảm thiểu ít hơn và tầm hoạt động can Hành càng thu hẹp nhỏ lại là khi nào khối Cộng Nghiệp càng bị huỷ diệt bớt dần.

Thí dụ, điện lượng chứa trong bình điện (bình Battery) có năng lực tác dụng hai chiều: chiều dẫn nạp là Trừ (-) và chiều dẫn phát là Cộng (+). Chiều hướng dẫn phát là năng lực của khối điện lượng chứa trong bình điện tác dụng để phát khởi điện lực và điện lực này chạy ra sinh hoạt với những cơ giới như bóng đèn thì cháy sáng, Ti Vi thì phát hình, Radio thì phát thanh v.v... Còn chiều hướng dẫn nạp là số năng lực của điện còn lại sau khi bị hao mòn bởi sinh hoạt liền thâu nạp vào trong bình điện. Năng lực tác dụng của điện càng tăng lên là khi nào điện lượng chứa trong bình điện càng nhiều và năng lực tác dụng của điện càng yếu kém dần là khi nào điện lượng chứa trong bình điện càng bị tiêu thụ.

CHIỀU DẪN PHÁT(Repulsive-force):

Riêng chiều hướng dẫn phát, Hành của Vô Minh Nghiệp Tướng tác dụng, trước hết kích động năng lực Thức Thể Alaya trở nên biến động để quấy đục khắp ba cõi và kế tiếp thúc đẩy dòng sanh mạng thể chung của vũ trụ Cộng Nghiệp phát khởi đề cùng nhau biến hiện thành những thế giới chung một loại Tướng (chung một loại Forms), như là những thế giới cùng loại ái dục, những thế giới cùng loại thanh sắc, những thế giới cùng loại vô sắc v.v... Ngoài ra, Hành còn kích động để thúc đẩy những năng lực tự phát của các hạt giống Biệt Nghiệp trong khối Cộng Nghiệp nương nơi đà dòng sanh mạng của các thế giới chung một loại Tướng để thúc đẩy, để lôi cuốn Kiến Phần Thức Alaya xây dựng và biến hiện sanh mạng cá thể của mỗi chúng sanh theo kiểu mẫu Ngã Tướng và Pháp Tướng. Do đó, sanh mạng cá thể của mỗi chúng sanh cứ mãi tiếp tục sống chết và chết sống trong dòng sanh mạng thể chung của vũ trụ ba cõi liên tục chuyển biến không bao giờ chấm dứt.

Thí dụ, những lượn sóng chúng sanh của nước biển Thức Thể Alaya bị luồng gió Nghiệp thổi mạnh cứ trồi lên rồi lặn xuống, cứ sanh ra rồi lại chết đi trong dòng nước biến chuyển liên tục mãi không chấm dứt.

Như vậy, Hành là một năng lực tác dụng khắp mọi chiều của vòng tròn bánh xe luân hồi và phát xuất từ tâm điểm "O" của Căn Bản Vô Minh Nghiệp Tướng. Tầm hoạt động của Hành chiếm một khoảng không gian ba cõi và tất cả muôn pháp đều bị lôi cuốn theo vòng sanh tử luân hồi do năng lực của Hành tác dụng. Đức Phật biểu thị (Symbol) sự tác dụng của năng lực Hành khắp vòng tròn ba cõi bằng dấu hiệu "Bánh Xe Luân Hồi" mà tâm điểm "O" của bánh xe ấy chính là trục Căn Bán Vô Minh Nghiệp Tướng. Các điểm sanh mạng cá thể của mỗi chúng sanh cứ liên tục sống chết và chết sống trong cái vòng tròn bánh xe luân hồi nơi dòng sanh mạng thể chung của vũ trụ ba cõi do năng lực Hành quay mãi không ngừng và tác dụng mãi không chấm dứt.

Tóm lại, Nghiệp chỉ có khả năng hướng dẫn Kiến Phần Thức Alaya xây dựng hệ thống bộ máy cho mỗi loại chúng sanh trong ba cõi theo mô hình Ngã Tướng hay Pháp Tướng để thành hình tướng ai khác. Nghiệp ở đây chính là chỉ cho Biệt Nghiệp. Biệt Nghiệp của mỗi chúng sanh thúc đẩy Kiến Phần Thức Alaya sanh khởi chúng sanh đó bắt nguồn từ nghiệp nhân của họ để chuyển thành nghiệp quả về sau. Mỗi khi kết thành nghiệp quả, chính họ sẽ tự hưởng lấy những quả báo thiện ác hoặc vô ký tùy theo tánh chất của Biệt Nghiệp quyết định.

Riêng Hành lại có khả năng chẳng những thúc đẩy Thức Thể Alaya bị biến động để trở thành những Kiến Phần Thức Alaya cho việc xây dựng vạn pháp mà Biệt Nghiệp không thể quan hệ đến. Ngoài ra, Hành còn có khả năng thúc đẩy Cộng Nghiệp tác dụng để làm trợ duyên cho Kiến Phần Thức Alaya trong việc kiến tạo thể chung của vũ trụ ba cõi. Nói cách khác, Hành có khả năng duyên đến Thức Thề Alaya một cách trực tiếp và thúc đẩy Thức Thể này biến thành Thức Tác Dụng, còn Biệt Nghiệp thì chỉ có khả năng duyên trực tiếp đến Thức Tác Dụng, nghĩa là Biệt Nghiệp chỉ duyên được nơi Kiến Phần Thức Alaya đã tác dụng và không thể trực tiếp nơi Thức Thể ALaya. Nghiệp sẽ bị hóa giải khi một cá thể, một chúng sanh của nghiệp đó bị tiêu diệt. Trái lại, Hành một khi bị hoá giải thì tất cả vạn pháp trong vũ trụ ba cõi đều bị tiêu diệt toàn bộ.

Vì giá trị khác biệt giữa Nghiệp và Hành trên lãnh vực nguồn gốc sanh khởi cũng như trên lãnh vực tác dụng, Nghiệp thì phát sanh từ nơi Ý Thức và Hành thì lại phát sanh từ nơi Căn Bản Vô Minh, cho nên Phật Giáo mới dùng danh từ khác nhau để biểu thị giá trị sai biệt của mỗi loại, ngỏ hầu giúp cho người nghiên cứu dễ dàng nhận thức. Xuyên qua những yếu tố sai biệt giữa Nghiệp và Hành đã được trình bày trên, chúng ta có thể xác định rằng, Nghiệp không phải là Hành.

F.- NGUYÊN LÝ TỨ ĐẠI:

Hiện tượng vật chất trong vũ trụ là sự thành quả can bốn nguyên lý kết hợp, theo thuật ngữ Phật Giáo gọi là Tứ Đại. Bốn nguyên lý này sở dĩ được gọi là Đại, nguyên vì chúng nó khi còn ở trạng thái năng lực thì có tánh cách phổ biến, nghĩa là khi ở trạng thái nguyên thể, bốn nguyên lý đây biến khắp không gian, bao trùm cả ba cõi (tam giới) và chúng nó không thể thiếu mặt trong bất cứ sự hiện hữu nào của những vật chất. Theo quyển Duy Thức Học của Thạc Đức giải thích, bốn nguyên lý này gồm có: năng lực chướng ngại, năng lực lưu nhuận, năng lực phiêu động và năng lực viêm nhiệt.

I ĐỊNH NGHĨA:

TỨ: nghĩa là bốn. Đây là số thứ tự dùng để chỉ cho số lượng của bốn nguyên lý: đất, nước, gió và lửa.

ĐẠI: nghĩa là lớn. Chữ Đại ở đây, theo nghĩa triết học là biến khắp, nghĩa là biến khắp không gian và thời gian. Đây là chỉ cho giá trị năng lực của bốn nguyên lý: Năng lực của bốn nguyên lý này biến thể khắp cả ba cõi, chín địa và tồn tại muôn đời với trần gian, tồn tại kể từ quá khứ thuộc vô lượng kiếp về trước cho đến vị lai không cùng tận. Cũng theo Duy Thức Học của Thạc Đức, Tứ Đại được định nghĩa như sau:

l)- ĐẤT: là năng lực chướng ngại, nghĩa là năng lực thuộc loại cứng rắn, có tánh cách ngăn ngại, khiến cho phát sanh chất ngại và rắn chắc như đất, nên gọi là Địa Đại.

2)- NƯỚC: là năng lực lưu nhuận, nghĩa là năng lực kết hợp dung hóa những chất ngại của năng lực chướng ngại không đồng đều nhau tạo thành ra nhiều nguyên chất khác nhau, như nước dung hoá trong mọi sự vật, nên gọi là Thủy Đại.

3)- GIÓ: là năng lực phiêu động, nghĩa là năng lực di động biến dịch khiến cho các hiện tượng sanh diệt biến hoá như gió, nên gọi là Phong Đại.

4)- LỬA: là năng lực viêm nhiệt, nghĩa là sức nóng hàm tàng trong vạn vật như lửa, nên gọi là Hoả Đại.

Bốn năng lực này là bốn nguyên nhân sanh trưởng tất cả các hiện tượng trong thế gian. Thiếu một trong bốn năng lực này, thế gian không có hiện tượng.

II.- GIÁ TRỊ CỦA TỨ ĐẠI:

Tứ Đại, như trên đã trình bày, là bốn nguyên lý của vật chất và nhờ sự kết hợp lẫn nhau của bốn nguyên lý này mà có vật chất. Hiện tượng vật chất chính là hình tướng chung của bốn nguyên lý này kết hợp để tạo thành. Đây là kết quả sự tác dụng của Tứ Đại về phương diện vật chất và chúng ta cũng nhờ từ nơi sự kết quả này của vật chất mà có thể tìm được nguyên lý sanh ra chúng.

Xét trên lãnh vực tánh chất của vũ trụ, Tứ Đại chính là bốn nguồn năng lượng nguyên thể của đất, nước, gió và lửa khi chúng chưa tác dụng. Bốn nguồn năng lượng nguyênthể này luôn luôn ở trạng thái vô tướng (trạng thái không có hình tướng) và thể của mỗi năng lượng thì bao trùm khắp không gian ba cõi. Mặc dù bao trùm khắp không gian ba cõi, bốn nguồn năng lượng nguyên thể của đất, nước, gió, lửa vẫn biệt lập với nhau. Chúng vẫn giữ được tánh cách độc lập, tánh cách riêng biệt từng loại một và biệt lập trong phạm vi của mỗi Đại để tự bảo tồn lấy bản chất nguyên thể. Trường hợp này cũng giống như ánh sáng của bốn ngọn đèn điện màu sắc xanh, đỏ, vàng và trắng chiếu toả khắp không gian của cái phòng, nhưng ánh sáng của bốn ngọn đèn điện vẫn giữ được tánh chất độc lập riêng biệt từng loại màu sắc của mình trong việc hoà hợp chiếu toả. Nhờ giữ được bản tánh độc lập nơi mình, bốn nguồn năng lượng nguyên thể mới đủ chất liệu thiết yếu để cung ứng cho sự sanh khởi vạn pháp về vật chất. Bốn nguồn năng lượng đây được gọi là Tánh của Tứ Đại.

Còn Thể của bốn nguồn năng lượng chính là năng lực (Power), tức là sức tác dụng của Tứ Đại. Năng lực của bốn nguồn năng lượng là bản thể của đất, nước, gió, lửa đã được thể hiện bên trong phạm vi nơi mỗi năng lượng để duy trì bản chất riêng biệt của mỗi Đại ở trạng thái hạt giống không bị biến hoại, gọi là Tự Thể Chủng Tử. Nói cáchkhác, khối năng lực tức là thể của nguồn năng lượng và ngoài nguồn năng lượng ra, không có khối năng lực riêng biệt. Sự thể hiện năng lực trong năng lượng của mỗi Đạiđược trình bày sau đây:

a/- Năng lực đất hiện có mặt và tồn tại trong phạm vi nguồn năng lượng Địa Đại ở trạng thái vô tướng nhằm duy trì tánh chất rắn chắc của đất không bị biến hoại để ngăn ngại vạn vật.

b/- Năng lực nước hiện có mặt và tồn tại trong phạm vi nguồn năng lượng Thủy Đại ở trạng thái vô tướng nhằm duy trì tánh chất ướt của nước không bị biến hoại để dung hoá và tươi nhuận vạn vật.

c/- Năng lực gió hiện cố mặt và tồn tại trong phạm vi nguồn năng lượng Phong Đại ở trạng thái vô tướng nhằm duy trì tánh chất phiêu động của gió không bị biến hoại đểchuyển hoá vạn vật.

d/- Năng lực lửa hiện có mặt và tồn tại trong phạm vi nguồn năng lượng Hoả Đại ở trạng thái vô tướng nhằm duy trì tánh chất viêm nhiệt của lửa không bị biến hoại đểdưỡng sinh vạn vật.

Nói cách khác, khối năng lực tức là nguồn năng lượng của mỗi Đại ở vi trí nguyên thể thì hoàn toàn không có hình tướng và khối năng lực này không thể tìm thấy ngoài nguồn năng lượng của chúng.

III.- SỰ TÁC DỤNG CỦA TỨ ĐẠI:

Mỗi năng lực của nguồn năng lượng Tứ Đại, tự nó không thể sinh hoạt một cách độc lập mà không cần đến các năng lực khác hổ trợ. Nếu như bị kích động để tác dụng, mỗi năng lực tự động sinh hoạt thì luôn luôn bị động ở bất cứ hình thức nào và phải dưới sự điều khiển của kẻ khác. Giả sử mỗi năng lực một khi tự mình tác dụng độc lập thì sinh hoạt không có chủ đích và không có phương hướng nhất định. Điều này cũng được nhận xét như sau:

1/- KHÔNG CHỦ ĐÍCH VÀ KHÔNG PHƯƠNG HƯỚNG NHẤT ĐỊNH:

Sự tác dụng không chủ đích và không phương hướng nhất định là hiện tượng được nhìn thấy qua điện sấm chớp. Điện sấm chớp là hiện tượng vật lý mà danh từ Phật Giáo gọi là Hoả Đại (tức là lửa), một trong Tứ Đại. Điện sấm chớp là điện tác dụng, phát sanh từ điện thể không hình tướng (vô tướng) trong không gian. Điều mà ai cũng biết, những tia sấm chớp tác dụng chạy quanh co theo sự kích động của năng lực âm dương và áp suất của không khi. Cho nên, những đường đi của những tia sáng sấm chớp thì hoàn toàn không có chủ đích và không có phương hướng nhất định. Sự tác dụng của những tia sấm chớp thì ở trạng thái bị động và tự nó không mang đến những lợi ích gì cho ai mà ngược lại, còn gây nên những sự tổn hại cho vạn vật. Năng lực tác dụng của điện sấm chớp chính tự nó không thể nào tạo nên những công dụng cho chúng sanh, nếu như không được con người sử dụng và điều khiển bằng cách chuyểnhoá nó vào trong các cơ giới để sinh hoạt. Đây là trường hợp thứ nhất.

Trường hợp thứ hai, hiện tượng lửa cháy là hiện tượng viêm nhiệt được phát sanh từ nơi lửa, nghĩa là viêm nhiệt tức là sức nóng và chính lửa phát sanh ra sức nóng, nhưnglửa lại phát sanh từ nơi nguồn năng lực của Lửa. Nguồn năng lực của lửa tức là nguồn điện lực bị biến thể mà trong đó không có ánh sáng và sức nóng. Nó chỉ là một sức hút bị tác dụng và biến động. Trái lại, lửa cháy thì chỉ phát sanh ra ánh sáng và sức nóng mà không phát sanh ra sức hút như năng lực của Điện. Trường hợp này chúng ta quán sát năng lực của điện trong bình điện (trong bình Battery) thì dễ hiểu hơn.

Điện lượng trong bình điện thì còn ở trạng thái chưa tác dụng. Cho nên nó chưa phát hiện năng lực. Chúng ta giả sử đưa tay vào trong bình điện hoặc đưa hai tay cầm vào hai đầu trụ âm (-) và trụ Dương (+) của bình điện, thì vẫn không cảm thấy điện giựt. Đến khi năng lực điện tác dụng, chạy qua hai đầu trụ Âm và trụ Dương thì liền phát sanh sức hút. Trong lúc đó, chúng ta nếu như đưa hai tay chạm vào hai đầu trụ âm Dương của bình điện tức thì bị điện giựt ngay. Năng lực của điện chỉ tác dụng phát sanh sức hút mà nó không phát sanh ánh sáng và sức nóng. Năng lực này mỗi khi chạy vào bóng đèn v.v... gặp phải vật cản của giây tóc (Filament) v.v... thì mới phát sanh ra ánh sáng và sức nóng. Năng lực này mỗi khi chạy vào bóng đèn v.v... thì mới phát sanh ra ánh sáng và sức nóng. Ánh sáng và sức nóng của điện chiếu soi và của lửa cháy lên thì không có sức hút như năng lực của điện biến thể, mặc dù chúng nó đều phát sanh từ năng lực của điện chứa trong bình điện. Cũng từ hiện tượng này, chúng ta có một nhận định khác như sau:

Nguồn năng lực của năng lượng điện không gian nằm trong trạng thái tĩnh lặng thì không có ánh sáng và sức nống, nguyên vì năng lực này thiếu pháp tướng Âm Dương,cũng như thiếu pháp tướng mặt trời để an trụ. Năng lực điện không gian mỗi khi tác dụng và an trụ nơi hai pháp tướng Âm Dương liền phát sanh ra sấm chớp, cũng như năng lực điện không gian nếu như an trụ vào pháp tướng mặt trời thì lên phát sanh ra ánh sáng để soi sáng trần gian và phát sanh ra sức .nóng để nuôi sống vạn vật. Ánh sáng và sức nóng từ mặt trời tỏa ra thì không có sức hút giống như năng lực của điện sấm chớp v.v... mặc dù chúng nó đều phát sanh từ năng lực của điện thể trong không gian. Hơn nữa, năng lực của điện thể trong không gian, nếu như không có pháp tướng mặt trời để an trụ vào thì nhất định khó phát sanh ra ánh sáng và sức nóng. Điều này cũng giống như năng lực của điện trong bình điện, nếu như không có pháp tướng bóng đèn và giây tóc đèn (Filament) thì không thể phát sanh ra ánh sáng để chiếu soi và cũng không thể phát sanh ra sức nóng để sưởi ấm cho người.

Dù bất cứ trường hợp nào, hiện tượng lửa cháy, nếu như không được loài người xử dụng và điều khiển thì sẽ thiêu đất tàn rụi vạn vật. Khác nào sức nóng của mặt trời, nếu như không có sức ướt của chất nước dung hoá để giảm bớt cường độ nóng trong không gian thì chúng sanh trong vũ trụ nhất định sẽ bị tiêu diệt.

2/- TRẠNG THÁI BỊ ĐỘNG CỦA NĂNG LỰC TỨ ĐẠI:

Sự tác dụng của năng lực Tứ Đại dù ở trạng thái tĩnh hay trạng thái động cũng vẫn là bị động trong mọi sự sinh hoạt. Để khái niệm được vấn đề này, chúng ta thử quan sátngười máy (Robot) sau đây:

Người máy, như chúng ta đã biết, tự nó không thể sinh hoạt như một con người. Nó không thể tự ăn uống, ngủ nghỉ, không thể tự thiết kế cho mình những chương trình (những Programs) sinh hoạt và cũng không thể tự kiểm soát (Control) lấy mình trong sự sống. Người máy sinh hoạt đều đặt dưới sự điều khiển và kiểm soát của con người, nghĩa là con người nếu như không thiết kế sẵn chương trình, không điều khiển thì Người máy không thể tự động sinh hoạt như một con người. Trái lại với loài người thật, Tâm Linh của họ tự động điều khiển, tự động kiểm soát và tự động thiết kế những chương trình cho chính họ sinh hoạt để được thăng tiến trong mọi lãnh vực xã hội mà người máy không thể thực hiện. Như vậy, ở trạng thái nguyên thể hoặc ở trạng thái tác dụng, năng lực của điện và năng lực của Tâm Linh thì hoàn toàn khác nhau. Năng lực của điện một khi sinh hoạt vẫn ở tư thế bị động và năng lực của Tâm Linh một khi sinh hoạt vẫn ở tư thế làm chủ trong mọi lãnh vực xã hội, mặc dù chúng nó đều là trạng thái năng lực cả.

3/- SỰ QUAN HỆ GIỮA CÁC NĂNG LỰC TỨ ĐẠI:

Năng lực của Tứ Đại ở trạng thái nguyên thể vẫn là yếu tố thực tại với hình thức vô tướng, nghĩa là trạng thái này thì hoàn toàn không có hình tướng. Mỗi khi tác dụng, năng lực Tứ Đại lập tức biến động, trước hết liền phát sanh nguồn năng lượng của mỗi Đại và kế tiếp kết hợp lẫn nhau nhằm hổ trợ cho nhau để cùng hiện tướng trong thế gian. Nếu như không có hỗ trợ lẫn nhau trong sự kết hợp, năng lực của mỗi Đại vẫn nằm yên trong tư thế tĩnh lặng nơi nguồn năng lượng nguyên thể, nghĩa là chúng nó không thể tự động phát sanh tác dụng riêng rẽ mà không cần đến những năng lực khác hỗ trợ. Nói cách khác, năng lực này kích động năng lực kia để cùng nhau kết hợp và cùng nhau tạo thành hiện tượng vật chất trong thế gian. Sự quan hệ này của Tứ

Đại được nhận định như sau:

Mỗi hiện tượng của vật chất là thể chung của nhiều nguyên chất, nghĩa là một sự vật nào trong thế gian, dù lớn hay nhỏ, đều bao hàm nhiều nguyên chất kết hợp. Nhưngmỗi nguyên chất lại cũng hàm chứa bốn năng lực của Tứ Đại đã dung hoá trong đó. Sự dung hoá của bốn năng lực trên không đồng đều nhau, cho nên chúng tạo thành nhiều nguyên chất khác nhau. Những nguyên chất khác nhau này lại bị nghiệp lực của mỗi chúng sanh quấy động, khiến cho chúng nó tác dụng không đồng nhất liền trở thành nhiều chất liệu sai biệt và những chất liệu sai biệt trên lại bị nhiễm thể bởi nghiệp lực làm cho ô nhiễm. Kiến Phần Thức Alaya lấy từ những chất liệu sai biệt và ô nhiễm sẵn có ở trên làm nguyên liệu cho việc xây dựng của vạn pháp theo nghiệp lực thúc đẩy. Do đó, vạn pháp được tạo thành nhiều hình tướng khác nhau về vật chất. Những chất liệu Tứ Đại khác nhau như: đất, nước, gió, lửa của quả địa cầu, của hànhtinh của núi sông, của cỏ cây v.v... đều không giống nhau, còn các chúng sanh có những giống da riêng biệt nhau như: giống da vàng, giống da trắng, giống da đỏ,giống da đen ... hiện có mặt trong thế gian là do ô nhiễm bởi nghiệp tướng và do nghiệp lực làm nhiễm thể các chất liệu Tứ Đại mà tạo thành. Có thể nói, sự khác nhau của vạn pháp hiện có mặt trong thế gian là do Ngã Tướng và Pháp Tướng cũng như do những chất liệu bị dung hoá không đồng đều của năng lực Tứ Đại, đồng thời bị ô nhiễm và biến thể của nghiệp lực tạo thành.

Những nguyên chất của vật chất, nếu như mỗi Đại bị tách rời năng lực riêng rẽ từng loại một, không cho quan hệ với nhau thì chúng nó không thể tồn tại trong trạng tháinguyên liệu và các hiện tượng vật chất cũng sẽ vì đó mà bị hoại diệt. Nói cách khác, năng lực của Tứ Đại giả sử không cho kết hợp lẫn nhau thì hiện tượng vật chất sẽ không được thành hình và năng lực của mỗi Đại nếu như bị tách rời với nhau thì hiện tượng vật chất cũng sẽ bị tan rã trong tư thế hao mòn cũng giống như sự hao mòn của một cây đã chết khô.

Để có một ý niệm rõ ràng hơn về vấn đê trên, chúng ta thử khảo sát một vài hiện tượng vật chất sau đây qua sự tác dụng của bốn năng lực Tứ Đại và sự quan hệ của bốn năng lực này trong việc sanh khởi vạn pháp về vật chất:

a)- Chúng ta thử khảo sát một lon xi măng bột nguyên chất. Mỗi hạt xi măng đều ẩn chứa một năng lực cứng rắn của đất ở vị trí chưa tác dụng, nghĩa là năng lực cứng rắncủa đất vẫn còn nằm yên trong tư thế tĩnh lặng, nguyên vì năng lực này chưa có chất nước vào để dung hoá. Khi có chất nước vào dung hoá, năng lực của hạt xi măng bắt đầu tác dụng và nó tự kết hợp với năng lực của những hạt xi măng khác cũng đã bị chất nước dung hoá cùng nhau hoà hợp để tạo thành một khối xi măng mang tánh chất mềm dẻo. Tầm hoạt động của mỗi đơn vị năng lực hạt xi măng đêu do sự dung hoá của những năng lực nước. Năng lực nước tác dụng đến đâu thì năng lực hạt xi măng tác dụng đến đó. Trong lúc năng lực của hạt xi măng bị nước dung hoá, nếu như không có không khí (hơi gió) tác dụng vào thì, khối xi măng đây vẫn mềm dẻo mãi và nó có thể kếp hợp thêm với những hạt xi măng khác cũng đã bị nước tác dụng. Một khi có hơi gió vào, khối xi măng mềm dẻo đây bị năng lực gió tác dụng liền biến thành rắn chắc như đá, gọi là xi măng chết. Khối xi măng một khi đã chết thì không còn tác dụng để kết hợp thêm với các khối xi măng khác cũng đã chết.

Qua sự khảo sát trên, chúng ta nhận thấy rằng, năng lực phiêu động của gió mang một ít năng lực viêm nhiệt của lửa trong không khí hoà hợp với những năng lực viêm nhiệt của lửa trong nước và trong đất để cùng nhau phát nhiệt, đồng thời thúc đẩy năng lực cứng rắn của đất trở thành khối xi măng chết và rắn chắc như đá. Nguyên vì chúng ta lấy khối xi măng đã chết cọ sát với nhau liền phát sanh ra nhiệt (phát sanh ra sức nóng).

Như vậy khối xi măng đá này là một hiện tượng vật chất bao hàm nhiều nguyên chất của những đơn vị hạt xi măng đã kết thành và trong đó, dĩ nhiên có bốn năng lực của Tứ Đại cùng nhau dung hoá.

b)- Đi sâu thêm nữa, mỗi vi trần, mỗi hạt bụi, mỗi hạt nước v.v... đều ẩn chứa bốn năng lực của đất, nước, gió và lửa. Nhờ bốn năng lực này, những vi trần kể trên mới có khả năng tự bảo tồn được tánh chất nguyên thể của một đơn vị nguyên chất và cũng nhờ vậy, chúng nó mới dung hoá được các nguyên chất khác đề cùng nhau tạo thành hiện tượng vật chất.

Thí dụ như, một đơn vị nước nguyên chất gồm có hai nguyên tố là Hydro và Oxy hòa hợp với nhau. Nhưng nguyên tố Hydro và Oxy đều là thể khí đất cháy được. Nhưvậy chứng tỏ, đơn vị nước nguyên chất đã bao hàm năng lực của lửa trong đó. Ngoài ra đơn vị nước nguyên chất lại còn có tánh ướt. Tánh ướt này khiến cho chúng ta có cảm giác thấm mát và chúng ta biết ngay nó chính là nước, mặc dù nó ở trạng thái hơi, trạng thái sương, trạng thái mây, trạng thái không khí v.v... Nước có biến tướng, nhưng tánh ướt của nước dù ở trạng thái nào cũng không bao giờ bị biến tướng, vì nó là nguồn thể của nước. Tánh ướt này chính là khối năng lực của nước tạo thành. Tánh ướt cùng nguyên tố Hydro và Oxy trong không gian bị năng lực gió tác dụng, kích động năng lực ướt của nước kết hợp 2H+O dung hoá thành nước nguyên chất, còn năng lực ướt của nước lại kết hợp C+2O (C02) dung hoá thành chất Carbonic v.v... Như vậy, đơn vị nước nguyên chất là một khối lượng có hình tướng được biểu hiện bởi chất ngăn ngại của năng lực đất tác dụng với ba năng lực kia để tạo thành hiện tượng nước nhìn thấy được.

Đưa đến nhận thức, mỗi nguyên chất về vật chất bao hàm rất nhiều năng lực của Tứ Đại để làm thể tánh cho vật chất đó. Năng lực của Tứ Đại ở trạng thái nguyên thể thìđơn thuần và đứng riêng biệt từng loại một mà không có sự hoà hợp lẫn nhau, còn khi tác dụng, năng lực của mỗi Đại tự động phát khởi từ trạng thái không có hình tướng đến trạng thái có hình tướng và đồng thời kết hợp lẫn nhau với năng lực của các Đại khác để cùng thành hình vạn pháp thuộc về vật chất. Bởi thế, vật chất không có thực thể, mà chúng nó chỉ là những năng lực kết hợp để tạo thành những hình tướng khác biệt nhau qua sự tác dụng của mỗi loại. Cho nên, chúng nó có thể bị phân tán hoặc bị hoại diệt để trở về trạng thái năng lực nguyên thể lúc ban đầu, nếu như không bị sức hấp dẫn khác lôi cuốn.

IV. - NGUỒN GỐC PHÁT SANH TỨ ĐẠI:

Theo nhà Duy Thức, nguồn gốc phát sanh ra Tứ Đại chính là Thức Alaya, nguyên vì Thức này cũng là một năng lực. Thức Alaya nếu như không góp mặt thì năng lực Tứ

Đại không thể nương tựa vào đâu để phát sanh. Sự phát sanh năng lực Tứ Đại của Thức Alaya được nhận định qua những trường hợp như sau:

Thức Alaya trước hết bị hành nghiệp thúc đẩy và kích động liền biến tướng để tạo thành dòng sanh mạng thể chung của vũ trụ. Khi biến tướng, năng lực tác dụng của

Thức Alaya lại gặp phải những chướng ngại bởi vô số Nghiệp Tập Khí (Fetter of Karmas) của Cộng Nghiệp là những phiền não có mặt khắp không gian làm ngăn ngại. Thế nên năng lực Thức Alaya tác dụng hấp dẫn Nghiệp Tập Khí của khối Cộng Nghiệp cô đọng thành năng lực chướng ngại của đất.

Đồng thời, Nhiệt Lực của Thức Alaya toả ra sau khi bị vật cản của Nghiệp Tập Khí liền biến thành năng lực viêm nhiệt của lửa. Trường hợp này cũng giống như những tia sáng mặt trời bị vật cản của kính lúp xem chữ, liền hội tụ và cô đọng thành khối nhiệt lượng có thể đốt cháy sự vật.

Trong lúc đó, Nhuận Lực của Thức Alaya (sức hấp dẫn) tỏa ra biến thành năng lực lưu nhuận và tươi mát của nước. Nhuận lực ở đây tức là chỉ cho sức sống của Thức

Alaya. Thức Alaya có mặt trong vạn vật thì vạn vật có sức sống tỏa ra trở nên tươi nhuận.

Và Hành Nghiệp kích động và dẫn phát (hướng dẫn để phát khởi), nguồn năng lực của Thức Alaya chuyển biến để tạo thành năng lực phiêu động của gió.

Đây là nguyên nhân tạo thành bốn nguyên lý của vật chất, gọi là Tứ Đại. Tứ Đại ở vị trí năng lực thì luôn luôn bị Hành Nghiệp quấy động liên tục không ngừng, bị quấyđộng với phương pháp áp suất ly tâm liền tác dụng và kết hợp với nhau không đồng đều để tạo thành nhiều nguyên chất khác nhau mà các nhà Khoa Học thường gọi là Nguyên Tố Hoá Học. Nhiều nguyên chất khác nhau này chính là những nguyên liệu cần thiết để giúp cho Kiến Phần Thức Alaya lấy đó xây dựng vạn pháp trên lãnh vực vật chất. Cũng giống như Tứ Đại trong tinh cha huyết mẹ bị Nghiệp Lực quấy động liên tục không ngừng để tạo thành nhiều nguyên tố khác nhau giúp cho Kiến Phần Thức Alaya lấy đó làm nguyên liệu cho việc xây dựng con người qua những bộ phận riêng biệt như: bộ phận tim, gan, tỳ, phế, thận v.v... không giống nhau trên hình thái vật chất.

---o0o---

Vi tính: Minh Trí Cao Thân

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]