Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG III

16/04/201314:04(Xem: 8979)
CHƯƠNG III

KHẢO NGHIỆM DUY THỨC HỌC

TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM

(Quyển II)

CHƯƠNG III

CHUNG QUANH VẤN ĐỀ SẮC PHÁP,

TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP VÀ VÔ VI PHÁP:

Vạn pháp trong vũ trụ mặc dù rất nhiều không thể tính toán và đo lường, nhưng theo Nhà Duy Thức không ngoài một trăm pháp và nếu như hiểu được một trăm pháp là hiểu được tất cả vạn pháp.

Đầu tiên đức Phật đứng trên lập trường tánh chất và giá trị của vạn pháp chia vạn hữu thành hai loại Hữu Vi Pháp và Vô Vi Pháp, đồng thời giải thích vạn pháp rất tường tận trên hai lãnh vực này. Về sau các đệ tử của Phật căn cứ theo đó khai triển vạn pháp sâu rông thêm thành nhiều hình thái khác nhau. Nhất là Câu Xá Luận, quyển 1, Quốc Dịch trang 47, chia vạn pháp thành ba khoa: Nhất Uẩn, Nhất Xứ, Nhất Giới. Nhất Uẩn là chỉ cho cho 5 Uẩn. Nhất Xứ là chỉ cho 12 Xứ. Nhất Giới là chỉ cho 18 Giới. Sau này, Nhà Duy Thức chia vạn hữu thành một trăm pháp và trong đó phân làm năm nhóm:

1.- Tâm Pháp (Consciousness) ….. 8 loại pháp.

2.- Tâm Sở Hữu pháp (Mental Factor) ….. 51 loại pháp.

3.- Sắc Pháp (Matter Literally Form or Shape) ….. 11 loại pháp .

4.- Tâm Bất Tương Ưng Hành pháp ..... 24 loại pháp.

(Non - Associated Compositional Factor)

5.- Vô Vi Pháp (Uncompounđed Phenomenon) ….. 6 loại pháp.

Tổng cộng .… 100 loại pháp.

Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I đã giải thích rõ Tâm Pháp và Tâm Sở Hữu Pháp. Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II này tiếp tục trình bày ba nhóm còn lại là Sắc Pháp, Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp và Vô Vi Pháp.

I.- SẮC PHÁP(Matter Literally Form or Shape):

ĐỊNH NGHĨA:

SẮC, tiếng Phạn là Rùpa, nghĩa là tất cả những vật có hình sắc, có màu sắc hiện hữu trong thế gian và do bốn đại tạo thành đều gọi là Sắc. Hình sắc là hình tướng dài, ngắn, vuông tròn v.v... của các pháp. Màu sắc là hình sắc màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng v.v... của các pháp.

PHÁP, theo Thái Hư Toàn Thư, Pháp Tướng Duy Thức Học (6), trang 1152 giải thích rằng: “Quỹ phạm tha giải, trì tồn tự tánh”, nghĩa là thứ nhất có tánh cách chuẩn mực để người khác hiểu biết và thứ hai có khả năng bảo trì được tự tánh để tồn tại. Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, cùng một tác giả, trang 168 giải thích rằng: “Pháp, nghĩa là phép tắc luật tắc, tức là chỉ cho những sự vật tự nó duy trì được đặc tánh, duy trì được khuôn khổ riêng biệt của chúng nó để cho Ý Thức của con người, của chúng sanh hữu tình có thể nhận biết được nó là vật gì, nên gọi là Pháp”.

Thí dụ như màu trắng, tự nó duy trì được đặc tánh của chất trắng tồn tại làm khuôn khổ để cho người khác nhìn biết đó là màu trắng không phải các màu khác, nên gọi là Pháp. Các sự vật khác đều cũng giống như thế.

Ý nghĩa chữ Pháp trong Phật Giáo, phạm vi rất rộng bao gồm cả cụ thể và trừu tượng, cả hữu vi và vô vi, cả tâm và vật cả biến hoá và không biến hoá, tất cả nằm trong ý niệm gọi là pháp. Như chúng ta ý niệm có, ý niệm không, ý niệm Thiên Đàng, Địa Ngục, lông rùa, sừng thỏ v.v... cũng đều được gọi là Pháp cả.

Sắc Pháp là những pháp thuần túy thuộc về vật chất trong mọi trạng thái ở mọi lãnh vực đã được biến thể và phát sanh từ bốn nguyên lý của Tứ Đại. Nguyên lý của Tứ Đại thì năng động và cộng sinh, nghĩa là bản chất luôn luôn biến động bởi năng lực của Phong Đại và luôn luôn biến hoá trong sự hợp tác để cùng nhau sanh thành vạn pháp về vật chất. Theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 222 giải thích sự tác dụng của nguyên lý Tứ Đại như: “Sự dung hoá của bốn năng lực trên không đồng đều nhau, cho nên chúng tạo thành nhiều nguyên chất khác nhau. Những nguyên chất khác nhau này lại bị nghiệp lực của mỗi chúng sanh quấy động, khiến cho chúng nó tác dụng không đồng nhất liền trở thành nhiều nguyên chất sai biệt và những nguyên chất sai biệt trên lại bị nhiễm thể bởi nghiệp lực làm cho ô nhiễm. Kiến Phần Thức Alaya lấy từ những chất liệu sai biệt và ô nhiễm sẵn có ở trên làm nguyên liệu cho việc xây dựng vạn pháp theo nghiệp lực thúc đẩy. Do đó, vạn pháp được tạo thành nhiều hình tướng khác nhau về vật chất”.

Nhà Duy Thức phân chia Sắc Pháp thành hai loại: Hữu Đối Sắc và Vô Đối Sắc. Hữu Đối Sắc: là những sắc chất hiện hữu có đối đãi và có ngăn ngại. Vô Đối Sắc: là những sắc chất hiện hữu không có đối đãi và không ngăn ngại.

A.- HỮU ĐỐI SẮC:là những sắc chất thuộc vật chất do tứ đại hoà hợp hình thành có đối đãi và có ngăn ngại. Hữu Đối Sắc cũng có hai loại: Ngũ Căn Sắc và Ngũ Trần Sắc. Ngũ Căn Sắc là năm giác quan thuộc sắc chất làm chỗ nương tựa (sở y) cho năm Tâm Thức sinh hoạt để hiểu biết. Ngũ Trần Sắc là năm trần cảnh thuộc sắc chất để làm đối tượng cho năm Tâm Thức hiểu biết. Ngũ Căn Sắc và Ngũ Trần Sắc được thành lập là do hai bên đối đãi với nhau. Ngũ Căn Sắc sở dĩ được xây dựng là do có Ngũ Trần Sắc của một sự vật được thành hình và ngược lại, Ngũ Trần Sắc của một sự vật sở dĩ được thành hình là do có Ngũ Căn Sắc được thành lập. Cho nên nhà Duy Thức gọi Ngũ Căn Sắc và Ngũ Trần Sắc là những sắc chất có đối đãi với nhau (Hữu Đối Sắc). Hơn nữa Ngũ Căn Sắc và Ngũ Trần Sắc đều là những sắc chất có ngăn ngại cả. Trước hết, Ngũ Căn Sắc được xây dựng như sau:

1.- NGŨ CĂN SẮC:Ngũ là năm. Căn là giác quan. Sắc là sắc chất. Ngũ Căn Sắc chính là sắc chất được xây dựng thành năm giác quan. Những sắc chất này là nguyên liệu tổng hợp của bốn nguyên lý Tứ Đại đã bị ô nhiễm bởi nghiệp lực phiền não và được xây dựng theo nghiệp tướng kiểu mẫu để trở thành năm giác quan, nên gọi là Ngũ Căn Sắc. Ngũ Căn gồm có hai loại: Tịnh Sắc Căn và Phù Trần Căn.

a/- Tịnh Sắc Căn: là giác quan tinh tế nhạy bén, tức là hệ thống thần kinh của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể.

b/- Phù Trần Căn: là giác quan hiện bày thô tướng bên ngoài, tức là cơ quan của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể.

Tịnh Sắc Căn và Phù Trần Căn cả hai đều được xây dựng bởi nguyên tố vật chất ô nhiễm và trọng trược theo mô hình của Nghiệp Tướng. Năm Tịnh Sắc Căn và năm Phù Trần đều là hệ thống máy móc riêng biệt nhau của năm Tâm Thức sinh hoạt để tiếp nhận và hiểu biết những hình ảnh năm trần cảnh bên ngoài của một sự vật. Tịnh Sắc Căn và Phù Trần Căn của mỗi Tâm Thức gồm có năm loại gọi là Ngũ Căn Sắc. Ý

Nghĩa và giá trị của Ngũ Căn Sắc được giải thích như sau:

1]- NHÃN CĂN: Nhãn là con mắt và Căn là giác quan. Giác quan của con mắt gọi là Nhãn Căn. Nhãn Căn là hệ thống giác quan thuộc vật chất có giá trị ở chỗ chỉ làm trợ duyên cho Nhãn Thức sinh hoạt để nhìn thấy Sắc Trần của một sự vật. Nhãn Căn có hai phần: Tịnh Sắc Căn và Phù Trần Căn.

a- Tịnh Sắc Căn: là hệ thống thần kinh của con mắt nối liền từ hai Nhãn Câu trên đầu của một chủng sanh hữu tình duyên đến Trung Tâm Nhãn Quan trong não bộ.

b- Phù Trần Căn: là hai con mắt có hai con ngươi (Pupils) gọi là hai Nhãn Cầu ở hai vị trí khác nhau trên đầu của một chúng sanh hữu tình. Hai con ngươi này dùng để thâu ảnh của sắc trần.

Nghiệp dụng của Nhãn Căn không ngoài nhiệm vụ giúp cho Tâm Sở Huệ soi sáng cùng thâu ảnh của sắc trần vào trong Nhãn Câu và đồng thời cũng giúp cho Tâm Sở Xúc chuyển vận hình ảnh của sắc trần nói trên vào trong Trung Tâm Nhãn Quan nơi não bộ để trình diện cho Nhãn Thức thấy biết.

2]- NHĨ CĂN: Nhĩ là lỗ tai và Căn là giác quan. Giác quan của lỗ tai gọi là Nhĩ Căn. Nhĩ Căn là hệ thống giác quan thuộc vật chất có giá trị ở chỗ chỉ làm trợ duyên cho Nhĩ Thức sinh hoạt để lắng nghe âm thanh (Thinh Trần) của một sự vật. Nhĩ Căn cũng có hai phần: Tịnh Sắc Căn và Phù Trần Căn.

a- Tịnh Sắc Căn: là hệ thống thần kinh của lỗ tai nối liền từ hai màng nhĩ nơi hai lỗ tai ở hai vị trí khác nhau trên đầu của một chúng sanh hữu tình truyền đến Trung Tâm Nhĩ Quan trong não bộ.

b- Phù Trần Căn: là hai lỗ tai có hai vành như lá sen của một chúng sanh hữu tình. Hai lỗ tai này dùng để thâu tiếng và gạn lọc âm thanh của Thinh Trần qua màng nhĩ.

Nghiệp dụng của Nhĩ Căn không ngoài nhiệm vụ giúp cho Tâm Sở Xúc chuyển vận âm thanh của Thinh Trần nói trên vào trong Trung Tâm Nhĩ Quan nơi não bộ để trình diện cho Nhĩ Thức nghe biết.

3]- TỶ CĂN: Tỷ là lỗ mũi và Căn là giác quan. Giác quan của lỗ mũi gọi là Tỷ Căn. Tỷ Căn là hệ thống giác quan thuộc vật chất có giá trị ở chỗ chỉ làm trợ duyên cho Tỷ Thức sinh hoạt để ngửi biết mùi hương (Hương Trần) của một sự vật. Tỷ Căn cũng có hai phần: Tịnh Sắc Căn và Phù Trần Căn.

a- Tịnh Sắc Căn: là hệ thống thần kinh của lỗ mũi nối liền từ hai lỗ mũi trên đầu của một chúng sanh hữu tình truyền đến Trung Tâm Tỷ Quan trong não bộ.

b- Phù Trần Căn: là sống mũi nhô ra trước mặt của một chúng sanh hữu tình và phía dưới sống mũi có hai lỗ giống như hai ngón tay xuôi xuống. Hai lỗ mũi này dùng để thâu nhận và gạn lọc mùi hương của Hương Trần cho tinh khiết.

Nghiệp dụng của Tỷ Căn không ngoài nhiệm vụ giúp cho Tâm Sở Xúc chuyển vận mùi hương của Hương Trần nói trên vào trong Trung Tâm Tỷ Quan nơi não bộ để trình diện cho Tỷ Thức ngửi biết.

4]- THIỆT CĂN: Thiệt là lưỡi và Căn là giác quan. Giác quan của lưỡi gọi là Thiệt Căn. Thiệt Căn là hệ thống giác quan thuộc vật chất có giá trị ở chỗ chỉ làm trợ duyên cho Thiệt Thức sinh hoạt nếm biết chất vị (Vi Trần) của một sự vật. Thiệt Căn cũng có hai phần: Tịnh Sắc Căn và Phù Trần Căn.

a- Tịnh Sắc Căn: là hệ thống thần kinh của lưỡi nối liền từ nơi cái lưỡi trong miệng của một chúng sanh hữu tình truyền đến Trung Tâm Thiệt Quan trong não bộ.

b- Phù Trần Căn: là cái lưỡi giống như trăng lưỡi liềm nằm phía bên trong cái miệng của một chúng sanh hữu tình và được bảo vệ bởi hai môi.

Nghiệp dụng của Thiệt Căn không ngoài nhiệm vụ giúp cho Tâm Sở Xúc chuyển vận chất vị của Vị Trần nói trên vào trong Trung Tâm Thiệt Quan nơi não bộ để trình diện cho Thiệt Thức nếm biết, đồng thời Thiệt Căn còn có nhiệm vụ nữa là dùng để phát ngôn nói năng và kêu gọi.

5]- THÂN CĂN: Thân là thân thể và Căn là giác quan. Giác quan của thân thể gọi là Thân Căn. Thân Căn là hệ thống giác quan thuộc vật chất có giá trị ở chỗ chỉ làm trợ duyên cho Thân Thức sinh hoạt để cảm giác Xúc Trần của một sự vật. Thân Căn cũng có hai phần: Tịnh Sắc Căn và Phù Trần Căn.

a- Tịnh Sắc Căn: là hệ thống thần kinh của thân thể nối liền khắp cả thân thể và tay chân của một chúng sanh hữu tình truyền đến Trung Tâm Thân Quan trong não bộ.

b- Phù Trần Căn: là thân thể và tay chân bằng xương thịt của một chúng sanh hữu tình.

Nghiệp dụng của Thân Căn không ngoài nhiệm cho Tâm Sở Xúc chuyển vận các tướng như, nặng, nhẹ, trơn, nhám v.v... của Xúc Trần chuyển vào trong Trung Tâm Thân Quan nơi não bộ để trình diện cho Thân Thức cảm biết, đồng thời Thân Căn còn sinh hoạt như đi, đứng, nằm, ngồi v.v…

2.-NGŨ TRẦN SẮC:Ngũ là năm. Trần là hiện bày hình sắc và còn có nghĩa là bụi bặm ô nhiễm. Ngũ Trần Sắc còn gọi là năm Trần Cảnh, nghĩa là năm loại sắc chất thuộc vật lý đã bị nhiễm ô được hiện bày tướng trạng làm bối cảnh để năm Tâm Thức nhận biết. Ngũ Trần Sắc gồm có năm loại: Sắc Trần, Thinh Trần, Hương Trần, Vi Trần và Xúc Trần. Ngũ Trần Sắc này là bối cảnh để làm đối tượng hiểu biết về vật chất của năm Tâm Thức. Một sự vật nhỏ như vi trần cho đến vật to lớn như núi sông v.v… đều thể hiện năm loại trần cảnh nói trên. Mỗi Tâm Thức chỉ hiểu biết được một loại Trần Cảnh nơi một sự vật theo khả năng lãnh hội của mình và không thể hiểu biết được các loại Trần Cảnh khác của một sự vật ngoài khả năng mình có. Ngũ Trần Sắc sở dĩ có năm loại khác nhau là do nguyên lý vật chất bị ô nhiễm bởi nghiệp lực biến thành chất liệu không giống nhau như da, thịt, gân, xương v.v… sai biệt nhau và chun vô nghiệp tướng màu sắc có những bộ phận khác nhau tạo thành nhiều hình tướng không giống nhau.

Thí dụ, bản chất của điện chỉ có một loại, nhưng chun vô Video Tape màu sắc và chứa nhiều hình ảnh khác biệt nhau cho nên thể hiện trên màn ảnh những cảnh tướng và màu sắc không giống nhau. Tành chất và giá trị của Ngũ Trần Sắc được nhà Duy Thức phân loại như sau:

1/- SẮC TRẦN:

Sắc là hình sắc, Trần là hiện bày. Sắc Trần là hình sắc hiện bày để làm bối cảnh cho Nhãn Thức thấy biết. Sắc Trần gồm có 25 loại:

l- Xanh.

2- Vàng.

3- Đỏ.

4- Trắng.

5- Dài.

6- Ngắn.

7- Vuông.

8- Tròn.

9- To.

10- Nhỏ.

11- Cao.

12- Thấp.

13- Ngay.

14- Xiên.

15- Ánh Sáng.

16- Bóng láng.

17- Sáng.

18- Tối.

19- Khói.

20- Bụi.

21- Mây.

22- Mù.

23- Cực Lược Sắc, nghĩa là tên của sắc pháp có thực chất bị phân tích đến chỗ quá nhỏ như vi trần.

24- Biểu Sắc (Sắc nêu ra được).

25- Sắc Hư Không.

2/- THINH TRẦN:

Thinh là âm thanh, Trần là hiện bày. Thinh Trần là âm thanh hiện bày để làm bối cảnh cho Nhĩ Thức nghe biết. Thinh Trần gồm có 12 loại:

l- Tiếng: là tên chung chỉ cho các thứ tiếng kêu thuộc bối cảnh bị nghe của Nhĩ Thức.

2- Tiếng vừa ý.

3- Tiếng không vừa ý.

4- Tiếng bình thường (không ưa không ghét).

5- Tiếng nói của loài hữu tình.

6- Tiếng kêu của loài vô tình.

7- Tiếng chung của cả loại hữu tình và loài vô tình (như tiếng trống do tay người đánh v.v...).

8- Tiếng thuộc về thế tục nói.

9- Tiếng thuộc về của Phật nói.

10- Tiếng của ngoại đạo nói (tiếng do biến kế sở chấp nói).

11- Tiếng của Thánh Ngôn nói tức là tiếng nói chân thật như, có thấy, có nghe, có hay, có biết thì nói có thấy, có nghe, hay, có biết. Ngược lại, không thấy, không nghe, không hay, không biết thì nói không thấy, không nghe, không hay, không biết. Đây là 8 cách nói chân chánh.

12- Tiếng vang.

3/- HƯƠNG TRẦN:

Hương là mùi hương. Trần là hiện bày. Hương Trần là mùi hương hiện bày để làm bối cảnh cho Tỷ Thức ngửi biết. Hương Trần gồm có 6 loại:

1- Mùi thơm.

2- Mùi hôi.

3- Mùi không thơm không hôi.

4- Mùi từ bản chất sanh (Câu sanh hương).

5- Mùi do chế tạo sanh (Hòa hợp hương).

6- Mùi do sự biến đổi sanh.

4/ VỊ TRẦN:

Vị là chất vị, Trần là hiện bày. Vị Trần là chất vị hiện bày để làm bối cảnh cho Thiệt Thức nếm biết. Vị Trần gồm có 12 loại.

1- Vị đắng.

2- Vị chua.

3- Vị ngọt.

4- Vị cay.

5- Vị mặn.

6- Vị lạt.

7- Vị vừa ý.

8- Vị không vừa ý.

9- Vị bình thường.

10- Vị từ bản chất sanh.

11- Vị hoà hợp do chế tạo sanh.

12- Vị do biến đổi sanh.

5/- XÚC TRẦN:

Xúc là xúc chạm hay tiếp xúc. Trần là hiện bày. Xúc Trần là hiện bày sự xúc chạm để làm bối cảnh cho Thân Thức cảm giác. Xúc Trần gồm có 26 loại:

1- Đất.

2- Nước.

3- Gió.

4- Lửa.

5- Nhẹ.

6- Nặng.

7- Nhám.

8- Trơn.

9- Hưởn.

10- Gấp.

11- Lạnh.

12- Nóng.

13- Cứng.

14- Mềm.

15- Đói.

16- Khát.

17- No.

18- Sức lực.

19- Yếu.

20- Buồn nôn.

21- Ngứa.

22- Dính.

23- Già.

24- Bịnh.

25- Chết.

26- Ốm.

B.- VÔ ĐỐI SẮC:là sắc chất không có đối đãi và không có ngăn ngại. Những sắc chất này vẫn hiện hữu để làm bối cảnh cho Ý Thức hiểu biết. Vô Đối Sắc chính là chỉ cho Pháp Trần. Vô Đối Sắc còn có tên nữa là Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc. Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc nghĩa là những sắc pháp có xứ sở, có nơi chốn để cho Ý Thức tiếp nhận (thâu nhiếp) và những loại sắc pháp này năm Tâm Thức thì hoàn toàn không thể hiểu biết trực tiếp Như Điện Tử của Hoá Học chẳng hạn chính là loại nguyên tử của vũ trụ do các nhà thiên văn suy tưởng tìm ra. Vô Đối Sắc hay Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc gồm có năm loại:

l- PhápTrần:là bóng dáng (hình tướng) của năm Trần còn lưu lại nơi Ý Thức, nghĩa là khi Nhãn Thức không còn thấy sắc khi Nhĩ Thức không còn nghe tiếng, cho đến khi Thân Thức không còn cảm xúc, Ý Thức vẫn còn nhớ lại bóng dáng của năm Trần. Cái bóng dáng đó chính là Pháp Trần. Cái bóng dáng đó không có đối đãi và cũng không có ngăn ngại nên gọi là Vô Đối Sắc. Cái bóng dáng đó thuộc về loại Sắc Pháp có xứ sở là phát sanh từ nơi năm Trần để làm bối cảnh cho Ý Thức tiếp nhận và hiểu biết, nên gọi là Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc. Cái bóng dáng đó của Vô Đối Sắc hay của Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc, nhà Duy Thức còn đặt cho nó một tên khác là “Lạc Tạ Ảnh Tử”. Lạc Tạ Ảnh Tử là bóng dáng của năm Trần rớt lại và nằm yên trong Thức Tạng.

2- Cực Hánh Sắc:nghĩa là tên của sắc pháp không thể chất được phát sanh từ nơi sự sáng và sự tối trong hư không v.v... chỉ biết qua sự suy đoán của Ý Thức đến chỗ rất xa và khó nhìn thấy được.

3- Định Sở Dẫn Sắc:nghĩa là tên của những cảnh giới thuộc sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp do thiền định biến hiện nên.

4- Thọ Sở Dẫn Sắc:cũng gọi là Vô Biểu Sắc, nghĩa là tên của sắc pháp khi thọ giới nhờ nơi động tác và ngôn ngữ trợ duyên cảm thọ thành giới thể.

5- Biến Kế Sở Chấp Sắc:nghĩa là tên của sắc pháp do Ý Thức vọng tưởng, tính toán, so lường, chấp trước sáng tạo và còn cho là thật có. Cũng như những kẻ cho Thượng Đế là người sáng tạo ra thế giới. Đây là thí dụ về tánh chất của Biến Kế Sở Chấp Sắc.

Sự phân loại Sắc Pháp của Duy Thức Học vừa trình bày trên là đứng trên lập trường hiện tượng luận để thiết lập và ở đây không phải căn cứ trên nguyên lý của sắc pháp để chia cắt Sắc Pháp thuộc hiện tượng, mặc dù với hình thức nào đi chăng nữa đều là biến tướng của nguyên lý vật chất có tánh cách hoà hợp trong cộng đồng duyên sanh qua sự quan hệ các yếu tố tứ đại, nghiệp lực, nghiệp tướng và Tâm Thức Alaya xây dựng. Còn nguyên lý của sắc pháp chính là nguyên thể của Tứ Đại ở trạng thái hạt giống mang tánh chất năng lực thì đơn thuần trong tư thế biệt lập, không hòa hợp với nhau. Sự tồn tại hạt giống của bốn nguyên lý Tứ Đại thuộc sắc pháp là do Thức Thể Alaya tàng trữ và bảo trì, cũng như sự sinh hoạt của bốn nguyên lý Tứ Đại trong sự hoà hợp để thành hình sắc pháp trên lãnh vực hiện tượng chính là do đến Phần Thức Alaya xây dựng và bảo tồn với hình cách cộng đồng duyên sanh. Kiến Phần Thức Alaya nếu như không xây dựng và bảo tồn thì sắc pháp trong hiện tượng không thể hiện hữu và tồn tại trong thế gian, cũng như hạt giống bốn nguyên lý Tứ Đại của sắc pháp, nếu như không nhờ Thức Thể Alaya tàng trữ và bảo trì thì nhất định bị biến thể không còn nguyên thể tồn tại trong lãnh vực vật chất.

II.- TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP:

Tương ưng là có thể quan hệ, có thể hợp tác, nghĩa là tâm và vật có thể quan hệ, có thể hợp tác. Bất Tương Ưng là không thể quan hệ, không thể hợp tác, nghĩa là tâm và vật không thể quan hệ, không thể hợp tác. Hành là hành uẩn tức là chỉ cho những năng lực thuộc loại chứa nhóm và nhiễm ô. Năng lực của Tâm Bất Tương Ưng Hành luôn luôn chứa nhóm, luôn luôn nhiễm ô cả tâm và vật, khiến cho tâm và vật sanh diệt biến đổi mà tâm và vật không thể quan hệ, không thể hợp tác để thi hành một công việc nào đó.

Tâm và vật là hai yếu tố căn bản để thành lập vạn pháp trong thế gian, nhưng ngoài tâm vật này ra còn có yếu tố thứ ba làm trung gian giữa tâm và vật trong mọi sự sinh hoạt. Yếu tố thứ ba, theo nhà Duy Thức gọi là những pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành. Những pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành là những pháp tồn tại có hình cách quan niệm nhận thức, không phải tâm mà cũng không phải vật và hiện hữu để minh định sự sinh hoạt giữa tâm và vật trong thế gian. Nếu như không có những pháp này hiện hữu trong thế gian, vấn đề giá trị sự sinh hoạt của tâm và vật thì khó minh định rõ ràng. Những Pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành không có bản chất thực thể, chỉ có mặt trong hiện tượng và theo Duy Thức Nhập Môn của H.T. Thích Thiện Hoa, trang 85, sự hiện hữu của những pháp này là do Tâm Vương, Tâm Sở và Sắc

Pháp quan hệ với nhau thành lập (Tam, phần vị sai biệt cô).

Theo nhà Duy Thức, Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp trên căn bản không ngoài 24 loại như là: Đắc, Mạng Căn, Chúng Đồng Phận, Dị Sanh Tánh, Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, Vô Tưởng Báo, Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, Sanh, Trụ, Lão, Vô Thường, Lưu Chuyển, Định Vị, Tương ưng, Thế Tốc, Thứ Đệ, Thời, Phương, Số, Hoà Hợp Tánh, Bất Hoà Hợp Tánh và hiểu biết được tánh chất, giá trị và công dụng của 24 loại nói trên là nắm được địa vị của các pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành. Tánh chất, giá trị và công dụng của 24 loại Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp được giải thích sau đây:

1.- ĐẮC: nghĩa là được, đạt đến và trái với mất, trái với sự không đạt đến (bất đắc). Theo nhà Duy Thức, Đắc là yếu tố khái niệm thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật không quan hệ đến nó. Yếu tố khái niệm Đắc hiện hữu như một pháp nhằm để minh định tâm và vật quan hệ với nhau. Thí dụ như “Tôi Được Đồng Xu”, Đồng Xulà chỉ cho vật, Tôi là chỉ cho tâm hiểu biết về đồng xu và danh từ Đượclà minh định cho tâm có được đồng xu mà không phải có được vật khác. Danh từ Đượcở đây là một pháp không phải đồng xu mà cũng không phải là tâm (tôi) và tâm chỉ quan hệ với đồng xu mà không quan hệ với danh từ Được. Đắc còn nghĩa là Đạt Đến(chứng đắc) như, tâm tôi Đạt Đếnquả Niết Bàn v.v... Quả Niết Bàn là thuộc về Vật, chỉ cho cảnh giới thanh tịnh và an lạc, Tâm Tôilà chỉ cho tâm và danh từ Đạt Đếnlà minh định cho Tâm Tôi đạt đến quả Niết Bàn mà không phải đạt đến quả Thinh Văn. Danh từ Đạt Đếnở đây cũng là yếu tố khái niệm thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành không phải là Quả Niết Bàn mà cũng không phải làTâm Tôi và Tâm Tôi chỉ quan hệ với Quả Niết Bàn mà không quan hệ với danh từ Đạt Được.

2.- MẠNG CĂN: Mạng là mạng sống và Căn nguồn gốc. Mạng Căn là nguồn gốc của mạng sống và nguồn gốc mạng sống là nghiệp lực. Nghiệp lực của đời trước lôi kéo Tâm Thức Alaya xây dựng thành mạng sống và duy trì mạng sống trong một thời gian dài hay ngắn gọi là mạng căn. Theo nhà Duy Thức, nghiệp lực nơi mạng căn là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm chỉ quan hệ đến vật để tạo thành mạng căn cho chúng sanh mà không thể quan hệ đến nghiệp lực nơi mạng căn. Trái lại yếu tố nghiệp lực nơi mạng căn thì có khả năng quan hệ đến tâm và vật để tạo thành mạng sống cho chúng sanh, đồng thời thúc đẩy tâm duy trì mạng căn chúng sanh tồn tại trong một thời gian theo nghiệp lực qui định.

3.- CHÚNG ĐỒNG PHẬN: Chúng là chúng sanh, đồng là giống nhau và phận là thành phần. Chúng Đồng Phận nghĩa là thành phần giống nhau của chúng sanh. Chúng Đồng Phận ở đây là yếu tố khái niệm nhằm phân định về chủng loại của chúng sanh hữu tình và chúng sanh vô tình. Chủng loại thì có hai phần: chủng đồng nhất và loại đồng nhất. Chủng Đồng Nhất nghĩa là tất cả giống đực đều giống với nhau và tất cả giống cái đều giống với nhau cũng như phái nam thì giống nhau với phái nam và phái nữ thì giống nhau với phái nữ.

Loại Đồng Nhất nghĩa là loài nào thì giống nhau với loài nấy, như con người thì giống nhau với loài người và con thú thì giống nhau với loài thú v.v... Theo nhà Duy Thức, Chúng Đồng Phận là yếu tố khái niệm thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật không thể quan hệ đến Chúng Đồng Phận. Tâm thì quan hệ đến vật chất để tạo thành chủng loại, nhưng yếu tố khái niệm về Chúng Đồng Phận chỉ có nhiệm vụ là phân định từng chủng loại cho được giống nhau theo quan niệm của mình.

4.- DỊ SANH TÁNH: Dị là khác biệt, sanh là chúng sanh và tánh là đặc tánh. Dị Sanh Tành nghĩa là đặc tánh khác của chúng sanh. Đặc tánh khác biệt của chúng sanh như là tánh người khác với tánh thú, tánh nam giới khác với tánh nữ giới v.v... Theo nhà Duy Thức, Dị Sanh Tánh là yếu tố nghiệp tướng thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm thức mà cũng không phải vật và tâm thức không thể quan hệ đến Dị Sanh Tánh. Tâm thức thì quan hệ với vật chất để tạo thành con người và con thú, tướng nam giới và tướng nữ giới, nhưng yếu tố nghiệp tướng của Dị Sanh Tành chỉ có nhiệm vụ là dùng làm mẫu hình giúp cho tâm quan hệ với vật chất để tạo thành tướng người, tướng thú, tướng nam giới, tướng nữ giới v.v...

5.- VÔ TƯỚNG ĐỊNH: Vô Tưởng là không còn Tâm Sở Tưởng sinh hoạt nữa. Vô Tưởng Định nghĩa là thiền định đạt đến trạng thái của cảnh giới không còn Tâm Sở Tưởng sinh hoạt. Trong cảnh giới của Thiên Định này, sáu Thức Tâm Vương và các Tâm Sở của sáu Thức chẳng những bị diệt hết mà cho đến Tâm Sở Tưởng của năm Tâm Sở Biến Hành cũng bị diệt theo và chỉ còn lại Tâm Thức Mạt Na thứ bảy cảm nhận mà thôi. Sáu Thức Tâm Vương của con người luôn luôn sống trong tưởng tượng, tưởng nhớ, mơ tưởng một cách điên đảo là do Tâm Sở Tưởng làm chủ và điều khiển. Những điều tưởng tượng, tưởng nhớ, mơ tưởng đều không có thật, không hiện hữu và không thấy qua. Những điều tưởng tượng không có thật như là Chuyện Hằng Nga và Thằng Cuội trên cung trăng v.v… Còn những điều tưởng nhớ không hiện hữu là tưởng nhớ những người thân đã qua đời v.v… Những điều mơ tưởng không thấy qua như là Núi Tu Di, Cõi trời Đao Lợi v.v…

Vô Tưởng là trạng thái hiểu biết không có tưởng tượng, như trước đây mình đã thấy qua anh A thì ngay bây giờ khi nhắc đến tên anh A liền biết ngay, không cần phải tưởng tượng anh A như thế nào, tướng cao hay thấp, tốt hay xấu v.v...

Theo nhà Duy Thức, trạng thái của Vô Tưởng Định là một pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải Tâm Thức Mạt Na mà cũng không phải cảnh giới thực sự của Vô Tưởng Định (vật). Cảnh giới thực sự của Vô Tưởng Định chính là cõi trời Vô Tưởng và trạng thái của Vô Tưởng Định chỉ là khái niệm về cảnh giới thực sự cõi trời Vô Tưởng. Tâm Thức Mạt Na thì quan hệ đến cảnh giới thực sự của cõi trời Vô Tưởng qua sự chứng đắc, nhưng không quan hệ đến trạng thái của Vô Tưởng Định. Trạng Thái của Vô Tưởng Định chỉ có nhiệm vụ là minh định giá trị tu chứng của Tâm Thức Mạt Na khi chứng đắc cảnh giới thực sự của cõi trời Vô Tưởng nói trên qua thiền quán. Vô Tưởng Định là lối tu thiền định của hạng phàm phu.

6.- DIỆT TẬN ĐỊNH: là loại Thiền Định chẳng những diệt hết sáu Thức Tâm Vương và các Tâm Sở của sáu Thức mà còn diệt luôn cả phần tạp nhiễm nơi Thức Mạt Na Tâm Vương thứ bảy và các Tâm Sở của Thức Mạt Na Tâm Vương thứ bảy, nghĩa là trong định này, sáu Thức Tâm Vương và các Tâm Sở của sáu Thức chẳng những không còn sinh hoạt cho đến Thức Mạt Na Tâm Vương và các Tâm Sở của Thức Mạt Na cũng không còn sinh hoạt. Cảnh giới của Diệt Tận Định là trạng thái chỉ dành riêng cho Thức Alaya Tâm Vương thứ tám cảm nhận một khi đạt đến. Theo nhà Duy Thức, trạng thái của Diệt Tận Định là một pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải Tâm Thức Alaya mà cũng không phải cảnh giới thực sự của Thiền Định Diệt Tận (vật). Thức Alaya Tâm Vương thì chỉ quan hệ đến cảnh giới thực sự của Thiền Định Diệt Tận qua sự chứng đắc, nhưng không quan hệ đến trạng thái của Diệt Tận Định. Trạng Thái của Diệt Tận Định chỉ có nhiệm vụ là minh định giá trị tu chứng của Tâm Thức Alaya khi chứng đắc cảnh giới thực sự của Diệt Tận Định qua thiền quán. Diệt Tận Định là lối tu thiền định của các bậc thánh giả.

7.- VÔ TƯỞNG BÁO: Người ở cõi dục tu Vô Tưởng làm nhân, sau khi mạng chung đặng báo thân nơi thế giới Vô Tưởng, thường gọi là cõi trời Vô Tưởng. Theo nhà Duy Thức, thế giới thật tướng Vô Tưởng Báo là cảnh giới thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải Tâm Thức Mạt Na Sắc Pháp (phi sắc phi tâm) của Dục Giới có thể quan hệ được. Tâm Thức Mạt Na của cõi Dục thì chỉ có khả năng quan hệ đến cảnh giới Vô Tưởng Định qua thiên quán và không quan hệ đến thế giới thật tướng Vô Tưởng Báo. Thế giới thật tướng Vô Tưởng Báo chỉ có Tâm Thức Alaya của cõi Dục mới quan hệ được sau khi mạng chung.

8.- DANH THÂN: là tên hay danh từ, nghĩa là những ký hiệu để phân biệt tâm hay vật không lẫn lộn trong việc nhận thức. Như danh từ Phật thì không phải Chúng Sanh, dành từ Nhãn Thức thì không phải Ý Thức v.v... như tên bông Hồng thì không phải bông Huệ, tên Thích Thắng Hoan thì không phải Thích Đức Niệm v.v... Theo nhà Duy Thức, Danh Thân là một pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ nến nó. Danh Thân chỉ có nhiệm vụ là minh định tâm này không phải tâm kia, vật này không phải vật kia và tâm này không phải vật kia v.v... cho dễ phân biệt.

9.- CÚ THÂN: là câu văn, nghĩa là dùng nhiều tiếng nói kết hợp lại thành câu văn nhằm để diễn đạt ý muốn của Tâm. Thí dụ “Tôi muốn ăn cơm” là một câu văn gồm có Tôi muốn là chủ từ, ăn là động từ và cơm là túc từ, nhằm diễn tả tâm tôi muốn cảm thấy đói bụng nên muốn ăn cơm. Theo nhà Duy Thức, Cú Thân là một pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm (tâm tôi) và cũng không phải vật (cơm). Tâm tôi chỉ quan hệ đến vật để ăn là cơm và không quan hệ đến câu văn tôi muốn ăn cơm (cú Thân). Câu văn tôi muốn ăn cơm chỉ có nhiệm vụ là minh định hành động của tâm (tôi muốn) quan hệ với vật (cơm ăn). Cho đến những câu văn trong kinh Phật cũng không ngoài nhiệm vụ là diễn đạt yếu chỉ của Phật cho chúng sanh nương tựa để tu tập đạo giải thoát. Chúng sanh chỉ quan hệ nơi yếu chỉ của Phật chỉ dạy trong kinh để tu tập và không quan hệ đến những câu văn trong kinh để đạt đạo. Những câu văn trong kinh chỉ là ngón tay trỏ mặt trăng mà chúng không phải là mặt trăng và cũng không quan hệ đến người xem.

10.- VĂN THÂN: là chữ, nghĩa là những nét vẽ, những dấu hiệu riêng dùng để ráp lại thành danh từ, như chữ A chữ B, chữ Nhứt v.v... và danh từ chính là những chữ đã nói trên ráp lại thành tiếng, như chữ H, chữ O, chữ A, chữ N ráp lại thành danh từ HOAN v.v... Theo nhà Duy Thức, Văn Thân là một pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Văn Thân chỉ có nhiệm vụ là diễn đạt ngôn từ và ghép chúng lại thành câu văn dùng để ghi lại tâm ý và ghi lại những hoàn cảnh quan hệ cần thiết với mục đích lưu truyền những kẻ khác hay cho những người đời sau cảm nhận.

11.- SANH: là sanh ra, nghĩa là một khái niệm về chúng sanh xuất hiện, thành hình trong thế gian. Theo nhà Duy Thức, khái niệm về Sanh là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố khái niệm về Sanh chỉ có nhiệm vụ là diễn đạt sự xuất hiện của tâm và vật thành một chúng sanh trong thế gian.

12.- TRỤ: là sự tồn tại của một chúng sanh, nghĩa là một khái niệm nhằm nói lên sự hiện hữu của một chúng sanh trong một thời gian kể từ khi sanh ra cho đến khi hoại diệt. Theo nhà Duy Thức, khái niệm về Trụ là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố khái niệm về Trụ chỉ có nhiệm vụ là trình bày sự tồn tại của tâm và vật nơi một chúng sanh trong thế gian.

13.- LÃO: là già, nghĩa là trạng thái suy yếu, kém sức, gần biến hoại của một chúng sanh. Theo nhà Duy Thức, trạng thái về Lão là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố trạng thái về Lão chỉ có nhiệm vụ là biểu hiện những nét suy tàn yếu đuối của tâm và vật nơi một chúng sanh trong thế gian gần biến hoại.

14.- VÔ THƯỜNG: là không thường còn, nghĩa là một trạng thái nói lên tất cả mọi pháp trong thế gian biến hoại liên tục không ngừng nghỉ. Trạng thái Vô Thường có hai loại: Sát Na Vô Thường và Tương Tục Vô Thường.

a- Sát Na Vô Thường: là chỉ cho sự biến hoá từng phút từng giây của sanh, trụ, dị, diệt.

b- Tương Tục Vô Thường: chỉ cho chúng sanh trong thời kỳ có bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt nối tiếp nhau biến đổi liên tục.

Theo nhà Duy Thức, trạng thái về Vô Thường là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố trạng thái về Vô Thường chỉ có nhiệm vụ là diễn đạt tâm và vật bị sanh diệt liên tục làm biến hoại hình tướng của tất cả pháp trong thế gian.

15.- LUU CHUYỂN: là xoay vần, nghĩa là nhân quả trước sau nối tiếp với nhau không dứt. Nói cách khác, Lưu Chuyển nghĩa là năng lực của nhân quả thiện ác lôi kéo tâm và vật nối tiếp nhau xoay vần mãi trong vòng luân hồi để cảm thọ quả báo khổ vui trong sáu cõi. Theo nhà Duy Thức, năng lực Lưu Chuyển của nhân quả thiện ác là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố năng lực Lưu Chuyển của nhân quả thiện ác chỉ có nhiệm vụ là lôi kéo tâm và vật luân hồi mãi trong sáu cõi để thọ quả báo khổ vui sanh tử.

16.- ĐỊNH VỊ: Định là ấn định và Vị là vị trí của nhân quả. Định Vị là năng lực của định nghiệp nhằm đặt để nhân nào thì quả nấy không lẫn lộn, nghĩa là đặt để nhân lành thì hưởng quả lành, nhân ác thì thọ quả ác nhất định không lầm lẫn. Theo nhà Duy Thức, năng lực Định Vị của định nghiệp là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ với nó. Yếu tố năng lực Định Vị của định nghiệp chỉ có nhiệm vụ là đặt để tâm và vật vào vị trí nhân quả thiện ác một cách chính xác, nhân nào quả nấy để cảm thọ báo ứng khổ vui không sai lầm.

17.- TƯƠNG ƯNG: là ưng thuận với nhau giữa nhân và quả Nói cách khác Tương Ưng là năng lực giữa nhân và quả sinh hoạt không thể tách rời nhằm kết hợp tâm và vật hoà hợp chặt chẽ theo sự báo ứng để cùng đi đến hưởng thọ khổ vui cân xứng với nhau. Theo nhà Duy Thức, năng lực Tương Ưng là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ với nó. Yếu tố năng lực Tương Ưng chỉ có nhiệm vụ là móc nối tâm và vật hoà hợp một cách chặt chẽ từ nhân đến quả để cùng nhau cảm nhận báo ứng khổ vui theo nhân quả quyết định.

18.- THẾ TỐC: là sự xoay vần của các pháp hữu vi sanh diệt biến đổi một cách nhanh chóng. Đây là năng lực của vô minh xoay vần như bánh xe luân hồi, cuốn hút các pháp hữu vi sanh diệt biến hoại một cách nhanh chóng trong ba cõi. Theo nhà Duy Thức, năng lực Thế Tốc là yếu thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố năng lực Thế Tốc chỉ có nhiệm vụ là khiến cho tâm và vật bị lôi cuốn trong vòng xoay chuyển của luân hồi để sanh diệt và biến hoá.

19.- THỨ ĐỆ: Thứ là trật tự, Đệ là lớp lang. Thứ Đệ là có trật tự có lớp lang trước sau đâu ra đó không lẫn lộn. Thứ Đệ ở đây là nói tuy nhân quả lưu chuyển nhưng rất có trật tự có lớp lang nhân trước quả sau và nhân nào quả nấy không bao giờ làm lẫn. Theo nhà Duy Thức, Thứ Đệ là một yếu tố khái niệm về trật tự thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố khái niệm vế trật tự của Thứ Đệ chỉ có nhiệm vụ là để minh định tâm và vật theo lớp lang của luật nhân quả, chuyển biến đúng với vị trí nhân trước thì quả trước, nhân sau thì quả sau, nhân nào thì quả nấy một cách minh bạch.

20.- THỜI: là thời gian, tức là quá khứ, hiện tại và vị lai. Thời là nói lên nhân quả lưu chuyển tương tục trong ba đời. Theo nhà Duy Thức, Thời Gian là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố Thời Gian chỉ có nhiệm vụ là thúc đẩy tâm và vật chịu ảnh hưởng theo luật nhân quả để thể hiện trạng thái báo ứng trong ba đời.

21.- PHƯƠNG: là không gian gồm có đông, tây, nam, bắc, bốn phía trên dưới. Phương là nói nhân quả lưu chuyển khắp nơi đông tây, nam, bắc, bốn phía trên dưới. Theo nhà Duy Thức, Không Gian là yếu tố thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố Không Gian chỉ có nhiệm vụ là làm trợ duyên về vị trí cũng như khoảng cách để hổ trợ cho tâm và vật nẩy nở cùng phát triển theo luật nhân quả.

22.- SỐ: là dấu hiệu ghi thứ tự, như dấu hiệu 1, 2, 3, 4, 5 v.v… cho đến trăm ngàn muôn triệu v.v... Theo nhà Duy Thức, Số là yếu tố khái niệm về thứ tự thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cùng với vật không quan hệ đến chúng. Yếu tố khái niệm về thứ tự của Số chỉ có nhiệm vụ là phân loại thứ lớp và sắp xếp trật tự của tâm và vật hiện hữu trong thế gian. Thí dụ số 5 là phân loại Ngũ Uẩn thành năm yếu tố thiết lập vạn pháp trong thế gian.

23.- HOÀ HỢP TÁNH: là tánh chất hoà hợp của các pháp. Theo nhà Duy Thức, Hoà Hợp Tánh là yếu tố năng lực thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố năng lực của Hoà Hợp Tánh chỉ có nhiệm vụ là nối kết tâm và vật hoà hợp với nhau để thành hình vạn pháp theo nhân quả nghiệp báo. Thí dụ, bản tánh của đất, nước, gió, lửa thì luôn luôn mâu thuẫn với nhau, nhưng bị yếu tố năng lực của hoà hợp tánh khiến cho chúng phải hợp tác với nhau để thành hình vạn pháp về vật chất.

24.- BẤT HÒA HỢP TÁNH: là tánh chất không hòa hợp của các pháp. Theo nhà Duy Thức, Bất Hoà Hợp Tánh là yếu tố năng lực thuộc một pháp của Tâm Bất Tương Ưng Hành, không phải tâm mà cũng không phải vật và tâm cho đến vật cũng không quan hệ đến nó. Yếu tố năng lực của Bất Hòa Hợp Tánh chỉ có nhiệm vụ là tạo sự mâu thuẫn giữa tâm và vật khiến cho vạn pháp chống trái với nhau để hoại diệt.

Tóm lại, 24 pháp Tâm Bất Tương Ưng Hành vừa trình bày trên mặc dù với bất cứ hình thức nào đi chăng nữa có thể nói đều là nằm trong những pháp hữu vi. Trong những pháp hữu vi, 24 pháp Tâm Bất Tương Ưng Hành rất cần thiết cho sự sinh hoạt của tâm và vật trong mọi lãnh vực nhân duyên và nhân quả. Tâm và vật nếu như không có những pháp thuộc Tâm Bất Tương Ưng Hành làm trung gian quan hệ thì không thể thành lập vạn pháp một cách cụ thể, trật tự, linh hoạt, minh bạch trong tiến trình sanh diệt theo nhân quả nghiệp báo. Vì lẽ đó, nhà Duy Thức quy định 24 loại Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp là những pháp không kém phần quan trọng trong một trăm pháp.

III.- VÔ VI PHÁP:

Vô Vi là nguyên lý trật tự của tánh không. Vô Vi Pháp là thững pháp hiện hữu nằm trong nguyên lý trật tự của tánh không. Những Pháp vô vi thì không sanh diệt, không biến hoại, không có tướng sanh trụ dị diệt, không phải do nhân duyên tạo tác. Vô Vi Pháp là chỉ cho các pháp thuộc thể tánh với bản chất thường hằng, thanh tịnh và hiện hữu trong trật tự của tánh không. Các pháp thuộc vô vi thì khác hơn các pháp thuộc hữu vi. Các pháp thuộc hữu vi thì có sanh diệt, có biến hoá, có công dụng và do nhân duyên tạo tác. Các pháp hữu vi đều là ảnh tử được biến tướng từ các pháp vô vi mang tánh chất nhân duyên hoà hợp tạo thành. Không có các pháp vô vi làm nền tảng thì không có các pháp hữu vi và các pháp hữu vi thì hoàn toàn không phải các pháp vô vi. Đứng trên lập trường quán chiếu, chúng ta bắt đầu từ các pháp hữu vi tìm về nguồn cội để trực diện các pháp vô vi theo tinh thần từ tướng tìm tánh, từ sự tìm lý, từ vọng tìm chân, thế là chúng ta đã đạt được đạo. Trong nguyên lý trật tự của tánh không, các pháp hiện hữu ở nơi lãnh vực của mình theo nhà Duy Thức gồm có 6 loại được nhận định như sau:

1.- HƯ KHÔNG VÔ VI:

Hư Không là khoảng không gian mà mắt của loài người không thể nhìn thấy được và cũng là không gian mà loài người cho đến loài vật không thể xuyên qua được, nghĩa là loài người và loài vật nếu như xuyên qua được hư không này thì không thể tồn tại. Còn không gian mà mắt của loài người có thể nhìn thấy được thì thuộc về loại hiển sắc trong sắc pháp và cũng thuộc về loại hữu vi, nguyên vì không gian nói trên là do ánh sáng và bóng tối thể hiện. Không gian thuộc về hữu vi mà mắt có thể nhìn thấy được và loài người có thể xuyên qua được thì bị biến động luôn, không an trụ một chỗ nhất định. Tất cả pháp hữu vi trong ba cõi đều hiện hữu nơi hư không vô vi nói trên, đồng thời được hư không vô vi bao dung và ấn định các pháp hữu vi sanh diệt biến hoá trong nguyên lý trật tự của tánh không. Do đó Hư Không Vô Vi được gọi là một pháp không phải chân tâm, không phải pháp tánh và tự nó vốn thanh tịnh thường trụ bất diệt để làm nền tảng dung chứa cho các pháp hữu vi sanh khởi và biến hóa.

2.- TRẠCH DIỆT VÔ VI:

Trạch Diệt là tên khác của Niết Bàn, nghĩa là dùng trí tuệ vô lậu chọn lựa và diệt trừ hết tất cả sự trói buộc của kiến hoặc và của tư hoặc, thể hiện được cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh hiển lộ. Cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh mang bản chất thường tại bất diệt hiện hữu và an bày chân thật bất hư trong nguyên lý trật tự của tánh không. Các bậc Thinh Văn sau khi đã hoàn toàn thoát ly hẳn tất cả sự ràng buộc của kiến hoặc và tư hoặc thuộc các pháp hữu vi thì tướng trạng cảnh giới Niết Bàn trạch diệt vô vi trong trật tự của tánh không tự nhiên hiển lộ không cần phải quán chiếu để tìm kiếm. Do đó nhà Duy Thức cho tướng trạng cảnh giới Niết Bàn Trạch Diệt là một pháp trong nguyên lý trật tự của tánh không.

3.- PHI TRẠCH DIỆT VÔ VI:

Phi Trạch Diệt là không cần phải chọn lựa và diệt trừ. Phi Trạch Diệt Vô Vi nghĩa là tự tánh của cảnh giới Niết Bàn xưa nay vốn đã thanh tịnh không sanh diệt không tăng giảm và hiện hữu trong nguyên lý trật tự của tánh không. Ý nghĩa của Phi Trạch Diệt Vô Vi gồm có hai:

a]- Tự tánh của cảnh giới Niết Bàn xưa nay vẫn hiện hữu, vẫn thanh tịnh không cần phải dùng trí tuệ vô lậu để chọn lựa và cũng không cần phải diệt trừ các phiền não nhiễm ô mới thành quả, nghĩa là tự tánh của cảnh giới Niết Bàn không có chút mảy may phiền não nhiễm ô nào trong đó cả cho nên không cần phải chọn lựa và diệt trừ.

b]- Các hàng Thinh Văn sau khi chứng đắc, không còn các hoặc của hữu vi sanh khởi thì tự nhiên ngộ nhập được cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh trong nguyên lý trật tự của tánh không mà không cần phải tuyển chọn.

Đúng ra, đối với cảnh giới Niết Bàn chân thật bất hư thuộc Phi Trạch Diệt trong nguyên lý trật tự của tánh không, tự tánh của nó hiện hữu và tồn tại bất diệt, không có vấn đề cấu tịnh, tăng giảm, không có vấn đề biến động, chuyển hoá hay vô thường mà cũng không cần phải sử dụng trí vô lậu để tuyển chọn. Cảnh giới Niết Bàn chân thật bất hư thuộc tự tánh của Phi Trạch Diệt Vô Vi là chỗ an trụ của bậc Thinh Văn sau khi tu chứng. Cảnh giới Niết Bàn này nếu như so với cảnh giới Niết Bàn của Trạch Diệt Vô Vi thì có chỗ khác biệt. Cảnh giới Niết Bàn của Trạch Diệt Vô Vì thì thuộc về tướng trạng hiển lộ từ nơi cảnh giới tự tánh Niết Bàn của Phi Trạch Diệt Vô Vi và cảnh giới tự tánh Niết Bàn của Phi Trạch Diệt Vô Vi thì thuộc về bản thể chân như. Cảnh giới Niết Bàn Trạch Diệt Vô Vi mặc dù thường hằng bất diệt nhưng chỉ là đối tượng của các bậc Thinh Văn sau khi chứng đắc. Riêng cảnh giới tự tánh Niết Bàn của Phi Trạch Diệt Vô Vi mới đích thực là bản thể chân như của các bậc Thinh Văn an trụ sau khi thể nhập. Cảnh giới tự tánh Niết Bàn thuộc bản thể chân như nói trên, theo nhà Duy Thức là một pháp thuộc Phi Trạch Diệt Vô Vi.

4.- BẤT ĐỘNG DIỆT VÔ VI:

Bất Động là không còn bị khổ và lạc làm chao động nơi tâm. Bất Động Diệt nghĩa là hành giả đã diệt hết tam tai (tai họa đao binh, tai họa hỏa hoạn, tai họa nước hại) và không còn bị mừng, giận, thương, ghét v.v... của khổ lạc chi phối. Bất Động Diệt Vô Vi là cảnh giới tịnh lự của Tứ Thiền hiện hữu trong nguyên lý trật tự của tánh không. Đây là cảnh giới thực tại của các bậc tu thiền thuộc hạng thứ tư chứng đắc và cảnh giới này theo nhà Duy Thức là một pháp thuộc Bất Động Diệt Vô Vi ...

5.- THỌ TƯỞNG DIỆT VÔ VI:

Thọ Tưởng Diệt là diệt hết sự sinh hoạt của sáu Thức, của Tâm Sở Tưởng và Tâm Sở Thọ. Thọ Tưởng Diệt Vô Vi nghĩa là cảnh giới của Thiền Định Diệt Tận hiện hữu trong nguyên lý trật tự của tánh không và cảnh giới này là chỗ an trú của các bậc thiền định Diệt Tận chứng đắc sau khi dứt hẳn sự ràng buộc của Tâm Sở Thọ, của Tâm Sở Tưởng và của sáu Thức. Cảnh giới của Thiền Định Diệt Tận theo nhà Duy Thức là một pháp hiện hữu trong nguyên lý trật tự của tánh không nên gọi là Thọ Tưởng Diệt Vô Vi.

6.- CHƠN NHƯ VÔ VI:

Chân là chân thật không hư vọng, nghĩa là không thuộc loại biến kế sở chấp tánh. Như là thường tại bất diệt. không bị biến động, không bị chuyển hoá, nghĩa là không phải thuộc loại y tha khởi tánh. Chân Như Vô Vi nghĩa là chỉ cho thế giới pháp tánh bao gồm vô số cảnh giới y báo của chư Phật an trụ và thế giới này thì thuộc về loại viên thành thật tánh trong nguyên lý trật tự của tánh không. Những cảnh giới trong thế giới Chân Như Vô Vi đều thì thường tại như thế, phổ biến như thế, thanh tịnh như thế và các pháp duyên sánh biến hoá đều nương nơi thế giới pháp tánh này làm bản thể để hiện hữu. Thế giới Pháp Tánh của Chân Như Vô Vi cũng giống như thế giới tự do là danh xưng bao gồm các quốc gia dân chủ cùng nhau quan hệ và cùng nhau xây dựng nên. Tất cả pháp thuộc thế giới duyên sanh của y tha khởi đều mang tánh chất ảo ảnh được phát sanh từ nơi thế giới pháp trình thuộc viên thành thật trong nguyên lý trật tự của tánh không cộng đồng biến hoá để hiện khởi. Do đó thế giới pháp tánh được gọi là chân như vô vi.

Tóm lại tất cả pháp không ngoài một trăm pháp và hiểu được một trăm pháp là hiểu được tất cả pháp. Tất cả pháp mặc dù nằm trong một trăm pháp nhưng sự hiện hữu của chúng có loại có thực thể, có loại không thực thể và những loại có thực thể như là các Tâm Pháp, các Vô Vi Pháp. Ngoài hai loại vừa kể trên, tất cả pháp còn lại thì hoàn toàn không có thực thể và sự hiện hữu của chúng đều mang tánh chất duyên sanh thuộc loại hữu vi. Mặc dù mang tánh chất duyên sanh dưới bất cứ hình thức nào, sự hiện hữu của những pháp thuộc loại hữu vi đều do các Tâm Pháp quyết định và sự quyết định của các Tâm Pháp là căn cứ nơi các Vô Vi Pháp làm nền tảng để xây dựng. Các Vô Vi Pháp nếu như không có thực thể bất biến làm bản chất tồn tại thường hằng thì tất cả pháp duyên sanh thuộc loại hữu vi nhất định không thể sanh khởi cho dù mang tánh chất ảo giác. Hơn nữa sự xây dựng các pháp hữu vi duyên sanh của các Tâm Pháp còn bị lệ thuộc vào các Tâm sở Hữu Pháp chỉ đạo và điều khiển. Cũng vì bởi sự chỉ đạo và điều khiển của các Tâm Sở Hữu Pháp, cho nên tất cả pháp hữu vi do các Tâm Pháp xây dựng dưới hình thức biến kế sở chấp tánh và dưới hình thức y tha khởi tánh đều luôn luôn bị biến động và sanh diệt biến hoá muôn đời bất diệt trong sự duyên sanh. Đây là những đặc tánh của một trăm pháp bao gồm tất cả pháp ở trong mà nhà Duy Thức đã minh định.

Vi tính: Minh Trí Cao Thân

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567