Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG II

16/04/201314:03(Xem: 10122)
CHƯƠNG II

KHẢO NGHIỆM DUY THỨC HỌC

TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM

(Quyển II)

CHƯƠNG 2

MINH ĐỊNH VẤN ĐỀ CHỦNG TỬ

NHÂN DUYÊN VÀ NHÂN QUẢ.

A- VẤN ĐỀ CHỦNG TỬ:

I.- ĐỊNH NGHĨA:

Chủng Tử (tiếng Phạn là Bàja) theo nghĩa thông thường gọi là hạt giống, nhưng theo nghĩa Duy Thức gọi là nhân tố hay nguyên nhân để sanh khởi vạn pháp trong thế gian. Nhân tố nghĩa là nguyên nhân thuộc về yếu tố căn bản trong việc sanh khởi vạn pháp. Nhân tố hay nguyên nhân để chỉ cho nguồn gốc sanh ra vạn pháp. Nhân tố và nguyên nhân mặc dù hai danh từ khác nhau, nhưng không ngoài mục đích là giải thích nghĩa của chủng tử. Tông Duy Thức phân hạt giống thành hai loại: Ngoại Chủng Tử và Nội Chủng Tử.

1/- NGOẠI CHỦNG TỬ:

Ngoại Chủng Tử nghĩa là những hạt giống đã được thể hiện thành hình tướng bên ngoài. Ngoại Chủng Tử gồm có những hạt giống của ngũ cốc, những quả trứng của sanh vật, những noãn châu của loài người v.v... Những hạt giống này thuộc về Quả Dị Thục là những hạt giống chưa thành hình cây trái, chúng có hình cách chỉ làm trợ duyên ban đầu cho cho sự sanh khởi vạn pháp để nẩy nở và phát triển. Những hạt giống nói trên đích thực không phải là nhân tố căn bản để sanh ra vạn pháp. Nhân tố căn bản để sanh ra vạn pháp chính là mầm sống nằm ở trong những hạt giống nói trên. Mầm sống theo Tông Duy Thức gọi là tánh chất năng lực. Điều này được thấy trong Thành Duy Thức Luận, quyển 2 giải thích:

“… giống như hạt giống thực vật bao gồm tánh chất năng lực ở trong có thể sanh sản tất cả hiện tượng”. Tánh chất năng lực ở đây tức là chỉ cho mầm sống được thể hiện bên trong những hạt giống của thực vật. Nhưng xét cho kỹ, tánh chất năng lự không phải là những hạt giống đã được thể hiện bên ngoài (Ngoại Chủng Tử) thuộc loại Quả Dị Thục và tánh chất năng lực này tự nó có hình tướng riêng biệt với danh nghĩa là hạt giống, mặc dù tánh chất năng lực đó nếu như không có những hạt giống thuộc Ngoại Chủng Tử để làm trợ duyên thì nhất định thiếu môi trường cho việc sanh khởi vạn pháp. Chẳng những thế, những hạt giống thuộc Ngoại Chủng Tử nếu như không có tánh chất năng lực để làm mầm sống ở trong thì tự nó cũng không thể nẩy nở để sanh ra hiện tượng.

Thí dụ, trứng gà không có trống nghĩa là trứng gà không có giống dương ở trong để mở cửa tiếp nhận Nội Chủng Tử vào là một trong những hạt giống đã được thể hiện thành hình tướng bên ngoài thuộc Ngoại Chủng Tử. Nhưng trứng gà này không có tánh chất năng lực ở trong để làm mầm sống, vì không có Nội Chủng Tử, cho nên không thể nẩy nở để thành gà con, mặc dù trứng gà đó vẫn có đầy đủ tròng đỏ và tròng trắng.

2/- NỘI CHỦNG TỬ:

Nội Chủng Tử nghĩa là những hạt giống nằm ẩn phía trong nội tâm. Những hạt giống này mới chính là những mầm sống mang tánh chất năng lực để làm nguyên nhân căn bản cho việc sanh khởi vạn pháp. Nhà Duy Thức gọi những hạt giống này là Nhân Duyên. Thành Duy Thức Luận, quyển 2 cho rằng những hạt giống nằm ẩn phía bên trong nội tâm (Nội Chủng Tử) chính là công năng. Công năng nghĩa là một loại năng lực có công dụng sanh khởi vạn pháp. Luận này nói: “Nội chủng tử trong Thức Alaya có công năng sánh tất cả các pháp hữu lậu và vô lậu”. Những hạt giống nằm ẩn phía bên trong nội tâm nếu như không hiện hữu để làm Nhân Duyên thì những hạt giống thể hiện hình tướng bên ngoài thuộc Ngoại Chủng Tử nhất định không có mầm sống để sanh khởi vạn pháp và lúc đó những hạt giống thuộc Ngoại Chủng Tử nói trên lẽ tất nhiên sẽ bị hư hoại.

Thí dụ, chúng ta đem thùng lúa mới thâu hoạch đi ngâm nước một đêm và tiếp theo đó đem phơi nắng chúng cho thật khô để làm giống. Một thời gian san khi gieo chúng xuống đất, chúng ta nhận thấy giống lúa bị ngâm nước trước kia không có nẩy mầm và xem lại chúng đã hoàn toàn bị hư nát. Trường hợp đây đưa đến kết luận, những hạt giống nằm ẩn phía bên trong nội tâm thuộc Nội Chủng Tử không có mặt, thành thử những hạt lúa bị ngâm nước thuộc Ngoại Chủng Tử không thể nẩy mầm đơm hoa kết trái. Cho đến tất cả hạt giống khác thuộc Ngoại Chủng Tử cũng đều giống như thế.

Theo Tông Duy Thức, những hạt giống thể hiện hình tướng bên ngoài thuộc Ngoại Chủng Tử cho đến những hạt giống nằm ẩn phía bên trong nội tâm thuộc Nội Chủng Tử cả hai đều được ghép vào trong Thức Alaya và do Thức Alaya quản lý. Nếu như không có Thức Alaya bảo trì, hai loại hạt giống nói trên đều bị biến hoại luôn cả bản chất và không còn hiện hữu trong nội tâm cũng như trong ngoại cảnh. Những hạt giống thể hiện hình tướng bên ngoài mang danh Ngoại Chủng Tử thì thuộc về quả của Thức Alaya và những hạt giống nằm ẩn phía bên trong nội tâm mang danh Nội Chủng Tử thì thuộc về nhân của Thức Alaya. Quả của Thức Alaya thường gọi là Quả Dị Thục (quả chưa chín) và Nhân của Thức Alaya thường gọi là Nhân Dị Thục (nhân chưa chín). Quả chưa chín nghĩa là quả chưa sanh khởi để thành hoa trái và Nhân chưa chín nghĩa là nhân chưa có tánh chất năng lực để nẩy mầm châm rễ. Do đó những hạt giống thuộc Quả Dị Thục thể hiện hình tướng bên ngoài chính là loại hạt giống đã thành quả từ nơi những hạt giống thuộc Nhân Dị Thục đã châm rễ bên trong nội tâm. Những hạt giống thuộc Quả Dị Thục thể hiện tướng bên ngoài chỉ làm trợ duyên cho những hạt giống thuộc Nhân Dị Thục đã châm rễ bên trong nội tâm nương tựa để tiếp nối sanh khởi. Những hạt giống thuộc Nhân Dị Thục và những hạt giống thuộc Quả Dị Thục cứ liên tục thay nhau làm nhân làm quả để sanh khởi mãi cho đến vô cùng tận. Yếu tố làm gạch nối dòng sinh mệnh của những hạt giống thuộc Nhân Dị Thục châm rễ bên trong nội tâm và những hạt giống thuộc Quả Dị Thục thể hiện hình tướng bên ngoài cho việc quan hệ với nhau để sanh ra vạn pháp chính là Thức Dị Thục. Thức Dị Thục ở đây theo Duy Thức Học được gọi là Kiến Phần Thức Alaya. Kiến Phần Thức Alaya tức là phần tác dụng của Thức Thể Alaya nằm trong vũ trụ vạn hữu để duy trì sinh mệnh cho tất cả hạt giống. Những hạt giống thuộc Nhân Dị Thục nếu như có mặt và nhất định phải có mặt Thức Dị Thục ở trong thì được gọi là Mầm Sống và nếu như không có mặt Thức Dị Thục ở trong thì chỉ gọi là Chủng Tử. (hãy xem lại Vấn Đề Thức Dị Thục trong quyển Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 180, cùng một tác giả, đã được tái bản lần thứ hai và in tại nhà in Đường Sáng).

II.- PHÂN LOẠI NỘI CHỦNG TỬ:

Chủng Tử nghĩa là hạt giống và hạt giống thì có nhiều loại. Vạn pháp trong thế gian có bao nhiêu loại thì trong nội tâm có bấy nhiêu hạt giống. Tất cả hạt giống trong nội tâm, nhà Duy Thức gọi là Nhứt Thiết Chủng Tử (Tất cả hạt giống). Tạng Thức, tức là Thức Thể Alaya chính là tâm thức dung chứa tất cả hạt giống của vạn pháp nói trên và tâm thức này còn có tên nữa là Thức Nhứt Thiết Chủng (Thức chứa tất cả chủng tử), nguyên vì tâm thức này dung chứa tất cả hạt giống của vạn pháp.

Tánh chất của tất cả chúng tử (hạt giống) đã được giải thích nơi quyển Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 251, cùng một tác giả, đã được tái bản lần thứ hai và in tại nhà in Đường Sáng. Tất cả hạt giống trong nội tâm mặc dù nhiều loại, nhưng xét cho cùng theo chiều hướng mê vọng có thể phân làm ba nhóm căn bản sau đây:

1/- CHỦNG TỬ CỦA TÁM TÂM THỨC:

Riêng hạt giống của tám Tâm Thức, nhà Duy Thức không gọi là chủng tử mà lại đặt cho một tên khác là Tự Chứng Phần. Tự Chứng Phần cũng là hạt giống mang tánh chất chủng tử nhưng tên này chỉ dành riêng để gọi cho tám Tâm Thức. Tự Chứng Phần nghĩa là phần thể hình của sự hiểu biết và phần thể tánh này nếu như không có hiện hữu thì không có sự hiểu biết. Phần thể tánh của sự hiểu biết thì thuộc về nguồn trí tuệ của Tạng Như Lai và nguồn trí tuệ đây đã bị ô nhiễm bởi nghiệp tướng nên gọi là Tự Chứng Phần. Nhà Duy Thức sở dĩ đặt tên Tự Chứng Phần cho hạt giống của tám Tâm Thức là căn cứ nơi đặc tánh của mỗi Tâm Thức để định danh. Đặc tánh của tám Tâm Thức là luôn luôn làm chủ về sự hiểu biết, nghĩa là tám Tâm Thức nếu như không có mặt thì không có sự hiểu biết và ngoài tám Tâm Thức này không một pháp nào có khả năng thay thế cho sự hiểu biết. Vì đặc tánh khác biệt đối với các loại hạt giống kia, nhà Duy Thức mới đặt tên riêng cho hạt giống của tám Tâm Thức một danh xưng là Tự Chứng Phần. Từ đó hạt giống của tám Tâm Thức không còn gọi chủng tử và chỉ gọi là Tự Chứng Phần.

Trong tám Tâm Thức, mỗi Tâm Thức đều có sự hiểu biết khác nhau và chúng không thể thay thế cho nhau trong sự hiểu biết. Nhãn Thức chỉ có khả năng hiểu biết sự vật về phương diện nhìn thấy hình tướng và không có khả năng hiểu biết sự vật về phương diện nghe tiếng, về phương diện ngửi mùi, về phương diện nếm vị, về phương diện cảm xúc v.v… Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức đều cũng giống như thế, nghĩa là mỗi Tâm Thức chỉ có khả năng hiểu biết sự vật trong lãnh vực của mình và không có khả năng hiểu biết sang các lãnh vực khác.

Ý Thức thứ sáu chỉ có khả năng hiểu biết tánh chất, giá trị và ý nghĩa của vạn pháp về phương diện phân biệt và không có khả năng hiểu biết sang các lãnh vực khác như, nhìn thấy hình tướng, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, cảm xúc v.v…

Thức Mạt Na thứ bảy chỉ có khả năng hiểu biết vạn về phương diện so đo chấp trước và không có khả năng hiểu biết sang các lãnh vực khác giống như sự hiểu biết của Ý

Thức thứ sáu và cũng như sự hiểu biết của năm Tâm Thức ở trước.

Thức Alaya thứ tám chỉ có khả năng hiểu biết vạn pháp về phương diện xây dựng hệ thống sinh lý thân thể, về phương diện phát triển cơ năng và về phương diện bảo trì sự tồn tại của sinh mệnh muôn loài. Ngoài ra, Thức Alaya thứ tám không có khả năng hiểu biết giống như sự hiểu biết của bảy Tâm Thức vừa kể trên.

Tám Tâm Thức sở dĩ có sự hiểu biết khác biệt nhau là do Chứng Tự Chứng phần của mỗi Tâm Thức không giống nhau. Chứng Tự Chứng phần là phần trạng thái (Form) của mỗi Tâm Thức. Chánh Tự Chứng phần nếu như thuộc loại nhìn thấy thì khiến cho Tâm Thức biến thành Tự Chứng phần mang tên Nhãn Thức để hiểu biết sự vật về phương diện nhìn thấy hình sắc. Chứng Tự Chứng phần nếu như thuộc loại nghe tiếng thì khiến cho Tâm Thức biến thành Tự Chứng phần mang tên Nhĩ Thức để hiểu biết sự vật về phương diện nghe tiếng. Chứng Tự Chứng phần nếu như thuộc loại ngửi mùi thì khiến cho Tâm Thức biến thành Tự Chứng phần mang tên Tỷ Thức để hiểu biết sự vật về phương diện ngửi mùi. Chứng Tự Chứng Phần nếu như thuộc loại nếm vị thì khiến cho Tâm Thức biến Thành Tự Chứng phần mang tên Thiệt Thức để hiểu biết sự vật về phương diện nếm vị. Chứng Tự Chứng phần nếu như thuộc loại cảm xúc thì khiến cho Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Thân Thức để hiểu biết sự vật về phương diện cảm xúc. Chứng Tự Chứng phần nếu như thuộc loại nhận định thì khiến cho Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Ý Thức để hiểu biết sự vật về phương diện phân biệt. Chứng Tự Chứng Phần nếu như thuộc loại chấp trước thì khiến cho Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Mạt Na (Ý ) để hiểu biết sự vật về phương diện so đo. Chứng Tự Chứng Phần nếu như thuộc loại tàng trữ thì khiến cho Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Tạng Thức (Alaya) để hiểu biết sự vật về phương diện xây dựng và bảo trì. Tâm Thức thật ra chỉ có một bản tánh, nhưng vì phần trạng thái tức là Chứng Tự Chứng phần của mỗi loại khác nhau cho nên khiến Tâm Thức biến thành tám loại không giống nhau để hiểu biết vạn pháp sai biệt nhau.

Thí dụ, dòng điện thì chỉ có một loại, nhưng khi chạy vào phần trạng thái là bộ máy Ti Vi (Chứng Tự Chứng Phần) liền biến thành thể tánh (Tự Chứng phần) thuộc loại điện Ti Vi chuyên chiếu hình. Dòng điện khi chạy vào phần trạng thái là bộ máy Radio (Chứng Tự Chứng phần) liền biến thành thể tánh (Tự Chứng phần) thuộc loại điện Radio chỉ chuyên phát thanh. Dòng điện khi chạy vào phần trạng thái là Bóng Đèn (Chứng Tự Chứng phần) liền biến thành thể tánh (Tự Chứng Phần) thuộc loại điện Bóng Đèn chỉ chuyên chiếu soi ánh sáng v.v…

Riêng phần trạng thái thuộc Chứng Tự Chứng Phần của mỗi Tâm Thức, theo như trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học trang 148 giải thích: “Phần này có khả năng xác định sau cùng cho sự kiểm soát và chứng thực đúng hoặc sai của Tự Chứng Phần, đồng thời bảo vệ và duy trì phần thể tánh mỗi Tâm Thức được tồn tại mãi với hình thức là Tự Chứng Phần”. Đây là định nghĩa của danh từ Chứng Tự Chứng Phần. Phần định nghĩa này có hai ý:

a/- Phần thể tánh thuộc Tự Chứng phần của mỗi Tâm Thức hiểu biết vạn pháp phải qua bộ máy cung ứng của phần trạng thái thuộc Chứng Tự Chứng phần chỉnh lý, cũng tương tợ như làn sóng âm thanh phát ra tiếng, phải qua bộ máy gạn lọc và điều chỉnh.

b/- Phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của Nhãn Thức, của Nhĩ Thức, của Tỷ Thức, của Thiệt Thức, của Thân Thức, của Ý Thức, của Mạt Na Thức và của Alaya Thức sở dĩ không bị biến thể là chính nhờ sự bảo trì của phần trạng trái tức là của Chứng Tự Chứng Phần. Nhờ Chứng Tự Chứng Phần bảo trì, phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của tám Tâm Thức vẫn tồn tại mãi trong tư thế hạt giống (Chủng Tử). Đến khi nào tám Tâm Thức được chuyển thành Trí Tuệthì lúc đó, toàn bộ phần trạng thái thuộc Chứng Tự Chứng Phần đều bị hóa giải và phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của tám Tâm Thức cũng bị chuyển hóa theo để trở thành bốn Trí Tuệ. Phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của năm Tâm Thức ở trước, từ Nhãn Thức cho đến Thân Thức chuyển hóa thành Trí Tuệ Thành Sở Tác. Phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của Ý Thức thứ sáu chuyển hóa thành Trí Tuệ Diệu Quan Sát. Phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của Mạt Na Thức thứ bảy chuyển hóa thành Trí Tuệ Bình Đẳng Tánh và phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của Alaya Thức thứ tám chuyển hóa thành Trí Tuệ Đại Viên Cảnh. Phần thể tánh của mỗi Tâm Thức một khi sinh hoạt liền biến thành phần tác dụng gọi là Kiến Phần để hiểu biết sự vật qua phần hình tướng gọi là Tướng Phần. Phần hình tướng thuộc Tướng Phần của vạn pháp gồm có: hình tướng của Sắc Trần, hình tướng của Thinh Trần, hình tướng của Hương Trần, hình tướng của Vị Trần, hình tướng của Xúc Trần và hình tướng của Pháp Trần.

Điều đáng chú ý, trong tám Tâm Thức, chỉ có Tâm Thức Alaya là quan trọng hơn hết trong mọi lãnh vực xây dựng vàphát triển vạn pháp nơi ba cõi. Riêng đối với hiện tượng của vũ trụ, Tâm Thức Alaya chính là nguồn thể sanh ra bảy Tâm Thức nói trên và cũng là Tâm Địa phát sanh ra muôn pháp trong thế gian. Tâm Thức Alaya có hai phần: phần thể và phần dụng. Phần thể nghĩa là chỉ cho phần thể tánh của Tâm Thức Alaya và phần dụng nghĩa là chỉ cho phần tác dụng của Tâm Thức Alaya để sinh hoạt. Phần thể tánh của Tâm Thức Alaya thì dung chứa và tàng trữ tất cả hạt giống của muôn pháp. Phần tác dụng của Tâm Thức Alaya thì có hai nhiệm vụ:

Nhiệm vụ thứ nhất là sanh ra phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần cho bảy Tâm Thức, từ Thức thứ bảy, Thức thứ sáu cho đến năm Tâm Thức ở trước và nhiệm vụ thứ hai là xây dựng cùng bảo trì hệ thống sinh mệnh cho tất cả chúng sanh. Như vậy, phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của bảy Tâm Thức nói trên chính là phần tác dụng thuộc Kiến Phần của Tâm Thức Alaya sanh ra.

Nhìn sâu thêm nữa, phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của Tâm Thức Alaya thì khác hơn phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần của bảy Tâm Thức vừa nêu trên. Phần thế tánh thuộc Tự Chứng phần của Tâm Thức Alaya chính là phần tác dụng thuộc Kiến Phần của Tạng Như Lai sanh ra. Tạng Như Lai của Chân Tâm một khi tác dụng theo chiều hướng mê vọng liền biến thành Tạng Thức (Thức Alaya) với danh nghĩa là Tự Chứng Phần. Tạng Như Lai tức là Trí Tuệ của Chân Tâm (Tâm Chân Như), thường gọi là Tâm Trí. Tạng Như Lai một khi tác dụng chạy vào phần trạng thái thuộc Chứng Tự Chứng Phần của Vô Minh Nghiệp Tướng liền biến thành phần thể tánh thuộc Tự Chứng Phần mang tên Alaya để hiểu biết vạn pháp về phương diện xây dựng và bảo trì sinh mệnh cho tất cả chúng sanh.

Tóm lại, hạt giống mang tên Chủng Tử của tám Tâm Thức, nhà Duy Thức gọi là phần thể tánh mang tên Tự Chứng Phần và phần thể tánh của mỗi Tâm Thức được duy trì bởi trạng thái mang tên Chứng Tự Chứng Phần để tồn tại trong lãnh vực tự mình hiểu biết riêng biệt. Chứng Tự Chứng Phần có tám loại khác nhau chính là nguyên nhân khiến cho tám Tâm Thức sinh hoạt để hiểu biết vạn pháp không giống nhau. Chứng Tự Chứng phần nói trên, các kinh luận khác thường gọi là Căn Thức (nguồn gốc của hiểu biết) và cũng có thể nói là Ngiệp Tướng (Forms) đều thuộc về căn nguyên của Tâm Thức.

2/- CHỦNG TỬ CỦA ĐẤT NƯỚC GIÓ LỬA:

Đất, nước, gió và lửa là bốn yếu tố tạo nên vật chất mà kinh luận thường gọi là Tứ Đại và cũng thường gọi là Sắc Uẩn hoặc gọi là Sắc Ấm. Bản thể của bốn yếu tố đất, nước, gió và lửa thì bao trùm khắp không gian ba cõi nên gọi là Đại.

Tánh chất của đất, nước, gió, lửa thì thuộc về loại năng lực và bốn loại năng lực này chính là nguyên nhân của vật chất. Nhà Duy Thức gọi bốn năng lực của đất, nước, gió, lửa là chủng tử (hạt giống). Chủng tử của đất, nước, gió, lửa lại bao hàm cả ba sắc thái: Thể, Tướng và Dụng. Thể là thể tánh, Tướng là trạng thái và Dụng là sự tác dụng. Thể tánh (Thể) của đất, nước, gió, lửa là thuần chất năng lực. Trạng thái (Tướng) của đất, nước, gió, lửa là khối năng lượng. Sự tác dụng (Dụng) của đất, nước, gió, lửa là kết hợp với nhau để cùng sanh ra hiện tượng về vật chất. Hiện tượng vật chất chính là thành quả của bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa nói trên cùng nhau hoà hợp, nghĩa là bốn năng lực của đất, nước, gió, lửa đều có mặt ở trong hiện tượng vật chất.

Hơn nữa sự tồn tại của hạt giống đất, nước, gió, lửa là do Thức Thể Alaya bảo trì và cho đến sự tồn tại phần hình tướng của đất, nước, gió, lửa thuộc hiện tượng vật chất cũng là do phần tác dụng (Kiến Phần) của Thức Alaya gìn giữ. Phần tác dụng (Kiến Phần) của Thức Alaya nếu như không còn sinh hoạt thì phần hình tướng của đất, nước, gió, lửa thuộc hiện tượng vật chất sẽ bị tan rã để trở về trạng thái hạt giống và vạn vật sẽ bị hoại diệt để chuyển sang phần hình tướng khác. Còn như Thức Thể Alaya nếu như được chuyển hoá thành Trí Tuệ Đại Viên Cảnh thì hạt giống của đất, nước, gió, lửa cũng bị chuyển hoá theo để trở thành Tạng Như Lai. Nguồn gốc sanh ra bốn hạt giống của đất, nước, gió và lửa đã được giải thích rõ trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển I, trang 214, cùng một tác giả, do nhà in Đường Sáng tái bản.

Tóm lại, hạt giống (Chủng Tử) của đất, nước, gió, lửa, nhà Duy Thức gọi là năng lực và năng lực này một khi thể hiện hình tướng thì trước hết chuyển thành năng lượng. Sự tồn tại của bốn hạt giống đất, nước, gió, lửa là nhờ Thức Thể Alaya bảo trì và sự sanh khởi của bốn hạt giống đất, nước, gió, lửa với hình thức nguyên liệu thì lại nhờ Kiến Phần (phần tác dụng) của Thức Alaya sử dụng vào việc kiến tạo vạn pháp về phần vật chất. Cho đến sự góp mặt của bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa trong thế gian về phần vật chất thì cũng nhờ Kiến Phần của Thức Alaya đứng ra bảo tồn. Thức Thể Alaya nếu như không có hiện hữu thì bốn năng lực của đất, nước, gió, lửa với tánh chất hạt giống nhất định không sanh thành và chẳng những thế cho đến Kiến Phần Thức Alaya nếu như không còn sinh hoại thì hiện tượng vật chất của bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa cũng không thể tồn tại trong thế gian.

3/- CHỦNG TỬ CỦA NGHIỆP:

Nghiệp là danh từ chung, tiếng Phạn là Karman, tiếng Pali là Kamma, dịch âm là Yết Ma, nghĩa là hành động tạo tác. Nghiệp có hai loại: Nghiệp Lực và Nghiệp Tướng.

a]- Nghiệp Lực nghĩa là năng lực của nghiệp, tức là một loại tập khí (Fetter) được nội kết (huân tập) trong tâm thức thành tiềm năng (Memories) gọi là hạt giống nghiệp lực.

Nghiệp Lực chỉ thuần là một thứ năng lực không có hình tướng, chúng ta chỉ biết được khi nó tác dụng và không thể nhìn thấy hình tướng của nó.

Thí dụ như nghiệp Sân Hận chẳng hạn, nó chỉ toàn là một thứ năng lực đã được nội kết từ lâu trong tâm thức. Chúng ta chỉ biết khi nó tác dụng sân hận qua tâm thức và hoàn toàn không thấy được hình tướng của nó ra sao.

Nghiệp Lực sở dĩ được nội kết (huân tập) trong tâm thức thành hạt giống chính là do thân, miệng và ý của chúng sanh tự gây tạo. Hạt giống nghiệp lực mặc dù tuy nhiều không thể nghĩ bàn, nhưng không ngoài ba lánh chất: tánh chất thiện, tánh chất ác và tánh chất vô ký (không phải thiện và cũng không phải ác). Hạt giống nghiệp lực là nguyên nhân khiến cho vạn pháp bị sanh diệt biến đổi liên tục trong ba cõi để thọ hưởng những quả báo khổ vui trong thế gian.

b]- Nghiệp Tướng thì khác hơn nghiệp lực. Nghiệp Tướng là hình tướng (Form) của vạn pháp. Nghiệp tướng có hai loại: Ngã Tướng và Pháp Tướng. Ngã tướng là hình tướng của các chúng sanh thuộc loại hữu tình, như hình tướng của loài người, của loài động vật v.v... Pháp tướng là hình tướng của các chúng sanh thuộc loại vô tình, như hình tướng cây mít, hình tướng cây xoài, hình tướng cây bông hồng v.v... Đứng trên lập trường nguyên lý sanh khởi vạn pháp, Ngã tướng và Pháp tướng có một danh từ chung là Ngã Pháp và nó không phải là danh từ Ngã Pháp (Subject and Object) của triết học Tây phương thường sử dụng. So với Pháp Thân (thân tướng) của các đức Phật, Nghiệp tướng của các chúng sanh thì hoàn toàn xấu ác và nghiệp tướng này không có chút nào thiện xảo trong đó cả, nghĩa là nghiệp tướng của các chúng sanh thì đa dạng và được kiến tạo theo kiểu nam tính cũng như nữ tính v.v…

Thí du như anh A yêu thương cô B thì hình tướng của cô B nằm trong tâm thức của anh A. Hình tướng của cô B trong thức của anh A chính là Nghiệp tướng của cô B. Còn sự thương của anh A là thuộc về nghiệp ái của anh A. Tối lại A nằm mơ thấy cô B, nghĩa là nghiệp ái lôi kéo tâm thức anh A chun vào nghiệp tướng của cô B để cùng nhau sinh hoạt trong thế giới mộng mơ mà chính tâm thức của cô B không bao giờ hay biết.

Nghiệp lực hay nghiệp tướng đã được nội kết (huân tập) vào trong tâm thức liền thành tiềm năng gọi là hạt giống nghiệp lực. Hạt giống của nghiệp lực thì thuộc về loại Tập Khí. Còn hạt giống của nghiệp tướng thì thuộc về loại ảnh tử (Illusions). Hạt giống nghiệp lực là nguyên nhân tạo nên sự khổ vui của chúng sanh và hạt giống nghiệp tướng là nguyên nhân tạo nên hình tướng tốt xấu sai biệt của chúng sanh. Tất cả được gọi chung là Nghiệp Chủng Tử.

B.- VẤN ĐỀ NHÂN DUYÊN:

Nhân Duyên (tiếng Phạn: Hetu-Pratyaya) là danh từ chung gồm có nguyên nhân căn bản và các nguyên nhân phụ thuộc quan hệ với nhau trong việc sanh khởi vạn pháp.

NHÂN: nghĩa là chỉ cho những nguyên nhân căn bản quan hệ trực tiếp để sanh khởi vạn pháp.

DUYÊN: nghĩa là chỉ cho những nguyên nhân phụ thuộc quan hệ gián tiếp để trợ duyên cho nguyên nhân căn bản sanh thành vạn pháp.

Trong Nhân Duyên Luận, Câu Xá Luận (quyển 6 và quyển 7) Nhân Duyên được phân loại thành 6 Nhân và 4 Duyên. Sáu Nhân và bốn Duyên gồm có:

1. SÁU NHÂN:

1]- NĂNG TÁC NHÂN:nghĩa là những nguyên nhân phụ thuộc có tánh cách kích động nhằm thúc đẩy và lôi cuốn những nguyên nhân căn bản đi vào tác dụng để sanh khởi. Năng Tác Nhân đây là chỉ cho những hạt giống thuộc ngoại chủng tử mang tánh chất dương tính.

2] CÂU HỮU NHÂN:nghĩa là những nguyên nhân phụ thuôc có tánh cách ảnh hưởng nhằm mục đích làm điều kiện tất yếu mở cửa đón nhận cho những nguyên nhân căn bản nương tựa để sanh khởi. Câu Hữu Nhân đây là chỉ cho những hạt giống thuộc ngoại chủng tử mang tánh chất âm tính.

3] TƯƠNG ƯNG NHÂN: nghĩa là những nguyên nhân phụ thuộc có tánh cách hỗ trợ bên ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sanh khởi của những nguyên nhân căn bản.

4]- BIẾN HÀNH NHÂN: nghĩa là những nguyên nhân có tánh cách phiền não nhiễm ô làm ảnh hưởng cho những nguyên nhân căn bản trong sự nương tựa để sanh khởi. Đây là chỉ cho những nghiệp lực chiêu cảm và dẫn khởi.

5]- ĐỒNC LOẠI NHÂN:nghĩa là nguyên nhân căn bản thuộc loại nào thì tìm đến các nguyên nhân khác cùng loại để kết hợp trong việc sanh khởi. Như nguyên nhân căn bản thuộc loài người thì tìm đến các nguyên nhân khác cũng thuộc loài người để kết hợp trong việc sánh khởi.

6]- DỊ THỤC NHÂN:nghĩa là những nguyên nhân căn bản tác dụng sanh khởi để đi đến kết thành Quả Dị Thục.

2.- BỐN DUYÊN:

1]- NHÂN DUYÊN:nghĩa là những nguyên nhân thuộc loại căn bản làm chủ yếu trong việc tác dụng kết hợp mọi duyên để sanh khởi thành Quả Dị Thục.

2]- SỞ DUYÊN DUYÊN:nghĩa là những cơ sở thuộc loại trợ duyên để cho Nhân Duyên nương tựa trong việc sanh khởi vạn pháp.

3]- ĐẲNG VÔ DUYÊN DUYÊN:nghĩa là tất cả trợ duyên khác luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi một cách không gián đoạn để giúp cho Nhân Duyên trong việc sanh khởi vạn pháp.

4]- TĂNG THƯỢNG DUYÊN: nghĩa là những trợ duyên làm động cơ thúc đẩy khiến cho Nhân Duyên tác dụng để sanh khởi.

Đứng trên lập trường Nhân Đuyên Luận, những hạt giống nằm ẩn bên trong nội tâm (Nội Chủng Tử) thuộc Nhân Dị Thục chính là chỉ cho Nhân Duyên căn bản trong bốn Duyên và cũng là Dị Thục Nhân trong sáu Nhân.

Riêng những hạt giống đã thể hiện bên ngoài (Ngoại Chủng Tử) thuộc Quả Dị Thục, nếu là những giống cái (giống Âm) như, Noãn Châu của người mẹ (huyết mẹ), trứng gà v.v… chính là chỉ cho Sở Duyên Duyên trong bốn Duyên và cũng là Câu Hữu Nhân trong sáu Nhân.

Còn các giống đực (giống Dương) như, Tinh Trùng của người cha (tinh cha), chất Dương của các sanh vật v.v… chính là chỉ cho Tăng Thượng Duyên trong bốn Duyên và cũng là Năng Tác Nhân trong sáu Nhân.

Ngoài ra tất cả nhân tố khác như, lương thực, phân, nước, ánh sáng , không khí v. v… là những nguyên nhân có tánh cách yểm trợ cho Nhân Duyên căn bản sanh khởi nên được ghép vào loại Đẳng Vô Gián Đuyên trong bốn Duyên và cũng là Tương Ưng Nhân trong sáu Nhân. Cuối cùng, Biến Hành Nhân trong sáu Nhân thì thuộc về loại Nghiệp Lực. Đây là giải thích về tánh chất và giá trị của sáu Nhân và bốn Duyên trong Duy Thức Học.

C.- VẤN ĐỀ NHÂN QUẢ:

Nhân quả (tiếng Phạn: Hetu-Phala) là một định luật tất nhiên và thiết yếu trong vũ trụ, chi phối tất cả sinh mệnh của vạn pháp. Nhân quả quan hệ rất chặt chẽ trong sự sanh khởi của vạn pháp, nghĩa là sự hình thành của vạn pháp trong vũ trụ đều do nhân quả quyết định cả.

Ý nghĩa nhân quả đã được bàn đến rất nhiều và cũng được giải thích rất tường tận qua các kinh luận của Phật Giáo. Nhưng một số nhà nghiên cứu trình bày lý nhân quả có tính cách triết lý máy móc nhiều hơn qua các dữ kiện và cũng một ít người giải thích nhân quả có tánh cách tổng quát và thấp kém, vô tình làm lệch đi tinh yếu của lý nhân quả trong tư tưởng Phật Giáo.

Thí dụ, một số người cho rằng, hạt mít là nhân và cây mít là quả, hạt đậu xanh là nhân và cây đậu xanh là quả, tinh cha huyết mẹ là nhân và đứa con được sanh ra là quả v.v...

Họ giải thích nhân quả như trên không đúng nguyên lý nhân quả của tư tưởng Phật Giáo. Theo Duy Thức Học, hạt mít, hạt đậu xanh hay tinh cha huyết mẹ v.v... chỉ là những điều kiện phụ thuộc có tính cách trợ duyên giúp cho những nguyên nhân căn bản của chính chúng nó phát sanh mà những điều kiện phụ thuộc nói trên không phải là những nhân tướng căn bản để tự trưởng thành lấy quả tướng của chính chúng nó trong thế gian. Nói cách khác, những hạt mít, hạt đậu xanh hay tinh cha huyết mẹ v.v... vừa trình bày đều là Quả Dị Thục thuộc Ngoại Chủng Tử đã được thành hình bên ngoài để làm trợ duyên cho những Nhân Dị Thục thuộc Nội Chủng Tử phát sanh. Những Nhân Dị Thục thuộc Nội Chủng Tử chính là những hạt giống nằm ẩn bên trong nội tâm mới thật sự làm nguyên nhân căn bản để sanh ra chúng nó.

Hiện tượng cho thấy, một hạt đậu xanh lại sanh ra nhiều trái đậu xanh, một hạt lúa lại sanh ra nhiều bông lúa, một cây Trường Sanh hay một cây Trúc Quan Âm nếu như cắt ra nhiều đoạn nhỏ đem đi trồng liền sanh ra nhiều cây v.v... Những hiện tượng đó cho chúng ta một kết luận, hạt đậu xanh là nhân sanh ra trái đậu xanh là quả thì hoàn toàn không đúng nguyên lý nhân quả của Phật Giáo. Nguyên do một nhân không thể sanh ra nhiều quả giống như những hiện tượng đã được trình bày ở trên.

Cũng trong vấn đề nhân quả, Duy Thức Phương Tiện Đàm của cư sĩ Đường Đại Viên có giải thích mười Nhân và năm Quả. Căn cứ nơi tánh chất của mỗi hạt giống và sự thành quả của mỗi loại, mười Nhân và năm Quả được giải thích như sau:

1.- MƯỜI NHÂN:

Mười Nhân nghĩa là mười nguyên nhân quan hệ với nhau để kết thành quả báo. Mười Nhân gồm có:

1]- TÙY THUYẾT NHÂN: nghĩa là tất cả pháp đều có tên để gọi cho dễ phân biệt. Tùy là tùy theo sự cảm nhận của chúng sanh. Thuyết là nói năng là kêu gọi. Nhân là nguyên. Tùy Thuyết Nhân nghĩa là một pháp nào đó tùy theo sự cảm nhận của chúng sanh rồi sau đó tưởng tượng đặt cho một tên gọi để dễ phân biệt. Đó là danh xưng của một pháp làm nguyên nhân nên gọi là Tùy Thuyết Nhân.

Thí dụ, con người sanh ra chưa có tên. Cha mẹ của họ tưởng tượng đặt cho họ một cái tên như, Nguyễn Văn A, Trần văn B, Võ Thị C v.v... cho dễ phân biệt. Ngoài ra như, cây mít, cây xoài; hoa hồng, hoa huệ, hoa lài v.v... cũng được đặt tên như thế. Tên của tất cả pháp đều do chúng sanh tưởng tượng đặt ra để kêu gọi cho dễ phân biệt.

Theo Duy Thức Học, Tùy Thuyết Nhân mặc dù là một danh xưng (tên gọi) của các pháp nhưng cũng được nội kết trong Tâm Thức Alaya thành nguyên nhân, nên gọi là Tùy Thuyết Nhân.

Thí dụ, tôi nhớ đến tên họ Hoà Thượng Thích Hoàn Thông (Tùy Thuyết Nhân) thì hình bóng (Ngã Tướng) của Hoà Thượng Thích Hoàn Thông từ trong Tâm Thức của tôi xuất hiện để tôi nhớ lại. Tôi nhớ đến tên Hoà Thượng Thích Thiện Hoa (Tùy Thuyết Nhân) thì hình bóng (Ngã Tướng) của Hoà Thượng Thích Thiện Hoa từ trong Tâm Thức của tôi xuất hiện để tôi nhớ lại. Tôi nhớ đến bất cứ tên họ (Tùy Thuyết Nhân) của người nào hay của cảnh vật nào thì hình bóng (Ngã Tướng hay Pháp Tướng) của người đó hay của cảnh vật đó từ trong Tâm Thức của tôi xuất hiện một cách thứ tự để tôi nhớ lại và chúng nó không bao giờ xuất hiện lộn xộn với người này qua người khác hay với cảnh vật này qua cảnh vật khác.

Danh xưng (tên gọi) của vạn pháp đã thấy qua hoặc đã biết qua đều biến thành Tùy Thuyết Nhân nằm trong Tâm Thức Alaya để gắn liền với Nghiệp Tướng (Ngã Tướng hay Pháp Tướng) là những hình bóng của vạn pháp với danh từ Lạc Tạ Ảnh Tử (hạt giống ảnh tượng). Nghiệp Tướng (hình bóng) của vạn pháp trở thành hạt giống (chủng tử) nằm tronh Tâm Thức Alaya và những nghiệp tướng đó đã dán sẵn nhãn hiệu Tùy Thuyết Nhân (danh xưng). Có thể nói, mỗi hạt giống Nghiệp Tướng trong đó bao gồm cả Danh Xưng đã đăng ký nhãn hiệu, nên gọi là Tùy Thuyết Nhân.

2]- QUÁN ĐÃI NHÂN:nghĩa là nguyên nhân thuộc loại quán sát và chờ đợi công dụng của sự vật. Theo Phật Quang Sơn Đại Từ Điển giải thích, Quán Đãi Nhân là nguyên nhân có khả năng dẫn khởi yêu cầu của một sự quyết định nào hoặc dẫn khởi một điều kiện của sự thọ dụng nào. Một sự quyết định hay một điều kiện ở đây chính là Quán Đãi Nhân.

Thí dụ, Quán Đãi Nhân của đói khát là đòi hỏi sự ăn uống (điều kiện), Quán Đãi Nhân của hai tay là cầm vật (quyết định), Quán Đãi Nhân của hai chân là đi lại (quyết định).

Theo Duy Thức Học giải thích, đứng trên lập trường nhân quả, Quán Đãi Nhân nghĩa là những yếu tố có hình cách quán sát và chờ đợi công dụng của một sự vật nào đã được quyết định sanh khởi liền làm trợ duyên ban đầu cho việc thọ dụng, nên gọi là Quán Đãi Nhân.

Quán Đãi Nhân ở đây là chỉ cho những hạt giống hiện tướng bên ngoài thuộc Ngoại Chủng Tử của Quả Dị Thục bao gồm cả dương tính và âm tính ở trong. Những hạt giống mang tên Quán Đãi Nhân thuộc giống đực và giống cái thì luôn quán sát và mở cửa chờ đợi hạt giống một sự vật nào nằm ẩn bên trong nội tâm thuộc Nội Chủng Tử của Nhân Dị Thục có công dụng hội đủ điều kiện đã được quyết định sanh khởi thì đứng ra làm trợ duyên ban đầu cho sự vật đó tác dụng nương tựa để hiện thành kết quả.

Quán Đãi Nhân (hạt giống bên ngoài) như đã trình bày ở trên, nếu âm tính thì thuộc về loại Câu Hữu Nhân trong sáu Nhân và cũng thuộc về loại Sở Duyên Duyên trong bốn Duyên.

Quán Đãi Nhân nếu dương tính thì thuộc về loại Năng Tác. Nhân trong sáu Nhân và cũng thuộc về loại Tăng Thượng Duyên trong bốn Duyên.

3]- KHIÊN DẪN NHÂN:nghĩa là nguyên nhân thuộc loại chuyên lôi kéo và dẫn dắt. Tất cả pháp ở nơi hạt giống (chủng tử) của chúng nó đã có sẵn cái động lực lôi kéo và dẫn dắt những nguyên nhân khác khởi điểm từ Nhân Dị Thục khiến cho phát sanh ra Quả Dị Thục, nên gọi là Khiên Dẫn Nhân.

Khiên Dẫn Nhân ở đây tức là chỉ cho Nghiệp Lực. Nghiệp Lực mới thật sự là nguyên nhân cần thiết trong việc lôi kéo và dẫn dắt hạt giống các pháp sanh khởi để thọ hưởng những quả báo tốt xấu. Khiên Dẫn Nhân xấu thì các pháp thọ hưởng quả báo xấu và Khiên Dẫn Nhân nếu như không có thì hạt giống của các pháp không thể thành hình.

4]- NHIẾP THỌ NHÂN: nghĩa là nguyên nhân có tánh cách kết hợp và hỗ trợ cho những hạt giống thuộc loại Nhân Duyên sanh khởi. Đây chính là chỉ cho Đẳng Vô Gián Duyên trong bốn Duyên và Tương Ưng Nhân trong sáu Nhân.

5]- SANH KHỞI NHÂN:nghĩa là những hạt giống nằm ẩn bên trong nội tâm thuộc Nội Chủng Tử của Nhân Dị Thục nương nơi những hạt giống hiện tướng bên ngoài thuộc Ngoại Chủng Tử của Quả Dị Thục để sanh khởi, để nẩy mầm thành mộng chồi v.v…

6]- DẪN PHÁT NHÂN:nghĩa là nguyên nhân chuyên hướng dẫn những mộng chồi nẩy nở và phát triển để hoàn thành thân thể Quả Dị Thục của chúng sanh hữu tình hay của chúng sanh vô tình.

7]- ĐỊNH BIỆT NHÂN: nghĩa là giống loại này thì nhất định khác với giống loại kia, như loài người thì khác với loài thú, giống bắp thì khác với giống lúa, giống đậu xanh thì khác với giống cam v.v... Đây là chỉ cho Đồng Loại Nhân trong sáu Nhân.

8]- ĐỒNC SỰ NHÂN:nghĩa là từ Nhân thứ hai là Quán Đãi Nhân, Khiên Dẫn Nhân, Nhiếp Thọ Nhân, Sanh Khởi Nhân, Dẫn Phát Nhân cho đến Nhân thứ bảy là Định Biệt Nhân, tất cả chúng nhau làm một việc, nên gọi là Đồng Sự Nhân.

9]- TƯƠNG VI NHÂN: nghĩa là những nguyên nhân thuộc loại nghịch duyên thường gây chướng ngại cho những sanh mạng đang phát triển, như lúa mạ đang bị nắng hạn trở nên khô héo v.v…

10] BẤT TƯƠNG VI NHÂN:nghĩa là những nguyên nhân thuộc loại thuận duyên thường giúp cho những sanh mạng phát triển thêm lớn, như lúa mạ gặp mưa được gió hợp thời tiết tốt v.v…

Trong mười Nhân, tóm lược có hai loại chính: Năng Sanh Nhân và Phương Tiện Nhân.

1]- NĂNG SANH NHÂN:nghĩa là từ Nhân thứ ba là Khiên Dẫn Nhân và Nhân thứ năm là Sanh Khởi Nhân đều thuộc về loại năng lực căn bản trong việc sanh khởi vạn pháp, nên gọi là Năng Sanh Nhân.

2]- PHƯƠNG TIỆN NHÂN: nghĩa là những Nhân còn lại đều thuộc về loại phương tiện, chúng chỉ làm trợ duyên giúp cho hai Nhân trước là Tùy Thuyết Nhân và Quán Đãi Nhân thành hình vạn pháp mà thôi, nên gọi là Phương Tiện Nhân.

2.- NĂM QUẢ:

Năm Quả nghĩa là năm yếu tố thuộc loại kết quả. Năm Quả gồm có:

1]- DỊ THỤC QUẢ: là kết quả chưa chín mùi, nghĩa là quả báo chưa kết thúc. Như người đời trước tạo nghiệp lành hay dữ, sau khi chết, Thức Alaya của họ đi lãnh thọ thân thể thuộc quả báo của kiếp sau. Thân thể thuộc quả báo của kiếp sau được gọi là “Dị Thục Quả”. Tánh chất của thân thể của kiếp sau thì thuộc về vô ký, nên gọi là “Dị Thục Quả”.

Theo nhà Duy Thức, thân thể của chúng sanh sở dĩ gọi "Dị Thục Quả hay Quả Dị Thục" là trong đó không đề cập đến sự có mặt của Ý Thức thứ sáu. Như thân thể của cỏ cây, của địa cầu v.v... đều gọi là “Dị Thục Quả”. Cho đến tất cả hạt giống thuộc ngoại chủng tử như, hạt mít, hạt đậu xanh, tinh cha huyết mẹ v.v... cũng thuộc về “Dị Thục Quả”. Thân thể “Dị Thục Quả” của chúng sanh một khi có Ý Thức thứ sáu sinh hoạt ở trong thì mới có cảm thọ quả báo thiện ác, khổ vui. Hơn nữa, những hạt giống thuộc ngoại chủng tử nếu như đã nẩy mầm để kết thành hoa trái cho đời sau thì không được gọi là “Dị Thục Quả”. Điều đặc biệt, thân thể “Dị Thục Quả” của chúng sanh thì mang tánh chất vô ký (tánh không nhất định), vì tự nó không có cảm thọ vấn đề khổ hay vui. Cũng do bởi tánh chất vô ký nói trên, thân thể này của chúng sanh mới được mang nhãn hiệu là “Dị Thục Quả”.

2]- ĐẲNG LƯU QUẢ:nghĩa là quả báo lưu chuyển một cách bình đẳng không sai trái. Như người nào đời trước gây tạo nghiệp dữ hay nghiệp lành thì đời nay ở nơi thân thể Dị Thục Quả phải chịu quả báo khổ hay vui và quả báo đó lưu chuyển mang đến một cách bình đẳng không sai lệch, nên gọi là Đẳng Lưu Quả. Đây là nhân nào thì quả nấy không bao giờ lầm lẫn.

3]- LY HỆ QUẢ:nghĩa là chúng sánh nhờ nương theo Phật Pháp tu hành cho nên xa lìa được các phiền não ràng buộc và giải thoát được mọi sự khổ đau, nên gọi là Ly Hệ Quả.

Thí dụ, người tu sĩ Phật Giáo, theo lẽ phải cảm thọ quả báo vợ chồng con cái như người ngoài đời, nhưng họ nhờ nương theo lời Phật dạy xuất gia tu hành nên không bị ràng buộc bởi gia đình, đấy gọi là Ly Hệ Quả.

4]- SĨ DỤNG QUẢ: nghĩa là những kết quả lợi ích do công dụng của các sĩ phu hay của các nhà bác học phát minh. Như những nghề nghiệp của sĩ, nông, công, thương v.v... đã đạt thành kết quả lợi ích là do họ dụng công phát minh sản xuất, nên gọi là Sĩ Dụng Quả.

5]- TĂNG THƯỢNG QUẢ: nghĩa là những kết quả khác chỉ làm trợ duyên cho Dị Thục Quả tăng trưởng. Nói cách khác, những hoàn cảnh bên ngoài làm trợ duyên cho thân thể Dị Thục Quả hay cho ngoại chủng tử của Dị Thục Quả sanh trưởng đều gọi là Tăng Thượng Quả.

3.- TÁNH CHẤT VÀ GIÁ TRỊ NHÂN QUẢ:

Xét qua mười Nhân và năm Quả của Duy Thức Học phân loại, chúng ta có thể nhận thấy được tánh chất và giá trị của Nhân Quả. Trước hết tánh chất và giá trị của mười Nhân được nhận định như sau:

Trong mười Nhân, Khiên Dẫn Nhân và Sanh Khởi Nhân mới thực thụ là hai nhân quan trọng trong việc sanh khởi vạn pháp. Còn lại các nhân khác chỉ có hình cách trợ duyên để giúp đỡ cho hai nhân nói trên hội đủ điều kiện thành hình vạn pháp. Đứng về phương diện hạt giống, hai nhân Khiên Dẫn và Sanh Khởi thì thuộc về hạt giống mang danh Nội Chủng Tử nằm ẩn bên trong nội tâm và các hạt giống khác của mười

Nhân thì thuộc về hạt giống hiện tướng bên ngoài mang danh Ngoại Chủng Tử. Nhân Khiên Dẫn và Nhân Sanh Khởi một khi hoà hợp với nhau liền tạo thành Nhân Dị Thục trong nội tâm của Thức Alaya cũng gọi là Dị Thục Nhân trong sáu Nhân. Nhân Dị Thục chính là yếu tố quan trọng mang tên Nhân Duyên trong bốn Duyên để thành Quả Dị Thục sau này.

Trái lại, hạt mít, hạt đậu xanh, tinh cha huyết mẹ v.v... thuộc hạt giống hiện tướng bên ngoài mang danh Ngoại Chủng Tử thì được ghép vào loại Quán Đãi Nhân trong mười Nhân là những hạt giống hiện đang chờ đợi Nhân Dị Thục tác dụng liên trực tiếp yểm trợ cho việc sanh thành Quả Dị Thục ở kiếp kế tiếp. Quán Đãi Nhân thuộc Ngoại Chủng Tử ở đây là danh từ chung bao gồm cả hai Nhân trong đó là Câu Hữu Nhân (chất âm) và Năng Tác Nhân (chất dương) của sáu Nhân. Nên biết Câu Hữu Nhân chính là Sở Duyên Duyên của bốn Duyên và còn Năng Tác Nhân chính là Tăng Thượng Duyên của bốn Duyên.

Quán chiếu sâu hơn nữa, Sanh Khởi Nhân thuộc hạt giống nằm ẩn bên trong nội tâm mang danh Nội Chủng Tử cũng chưa phải là nguyên nhân căn bản cho chúng sanh ở kiếp sau. Khiên Dẫn Nhân mới thực sự là yếu tố cần thiết để kết thành quả báo ở kiếp sau cho mỗi chúng sanh. Khiên Dẫn Nhân cũng thuộc loại hạt giống nằm ẩn bên trong nội tâm mang danh Nội Chủng Tử chính là Nghiệp Nhân. Nhân Dị Thục tự nó không thể sanh khởi (Sanh Khởi Nhân) phải nhờ đến Nghiệp Nhân lôi kéo và dẫn dắt (Khiên Dẫn Nhân) nên mới có thể sanh khởi, cũng như Tâm Thức tự nó không có sân hận, nhưng bị Nghiệp Sân lôi kéo và dẫn dắt (Khiên Dẫn Nhân) khiến nó nổi cơn sân hận.

Nhìn sâu thêm nữa, Khiên Dẫn Nhân (Nghiệp Nhân) mặc dù là yếu tố cần thiết để kết thành quả báo ở kiếp sau cho mỗi chúng sanh, nhưng thực thụ cũng chưa phải là nguyên nhân căn bản cho chúng sanh ở kiếp sau. Nghiệp Tướng (Forms) mới thực sự là nguyên nhân căn bản cho chúng sanh ở kiếp sau để thành hình Quả Dị Thục. Nghiệp Tướng cũng là một loại nghiệp trong tất cả nghiệp, thuộc yếu tố sai biệt để tạo thành hình tướng vạn pháp không giống nhau.

Nói chung lại, vấn đề chủng tử, nhân duyên và nhân quả đã được kinh luận đề cập rất nhiều và đã được giải thích tường tận về tánh chất và ý nghĩa của chúng trong mọi khía cạnh tư tưởng, nhưng chưa thấy ai khai triển giá trị của chúng trên lãnh vực quan hệ trong cộng đồng duyên khởi của vạn pháp một cách cụ thể. Mặc dù có đề cập đến, họ chỉ diễn dịch chúng có hình cách máy móc qua sự suy luận thiếu kiểm chứng trong lãnh vực thực nghiệm, tạo cho đọc giả một khi nghiên cứu đến đều bị lạc lối trong rừng tư tưởng. Hơn nữa có một số người không nắm vững hệ nguyên lý duyên khởi của vạn pháp, lại đi giải thích sai lệch vấn đề chủng tử, nhân duyên và nhân quả nói trên, vô tình làm mất đi tư thế của chủng tử, của nhân duyên, của nhân quả trong lãnh vực kiến trúc vạn hữu vũ trụ duyên sanh. Cũng từ lý do đó, một số người cực đoan cho giáo lý của đạo Phật là thứ giáo lý cổ điển dư thừa, không nói là thuộc loại yếm thế tiêu cực trị trong xã hội văn minh cơ giới cực thịnh. Đây là một sự hiểu lầm quá đáng và cũng gây trở ngại không nhỏ cho đạo Phật trong xã hội ngày nay. Để cho giáo lý đạo Phật có giá trị trong mọi thời đại và tồn tại sáng tỏ trong mọi thời gian, chúng ta cần phải xương minh giáo lý đạo Phật, cập nhật hoá ở lãnh vực thực nghiệm mà không phải chỉ sống trên lãnh vực lý thuyết suông, thiếu kiểm chứng. Kinh Phật thường nói: “Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, nghĩa là Phật Pháp được phát sanh từ nơi thế gian và không thể ngoài thế gian mà có giác ngộ. Ý nghĩa đây cho chúng ta biết rằng, giáo lý Phật là thuộc về giáo lý sống, có khả năng giải thích những sự kiện hiện tượng trong thế gian một cách cụ thể mà không phải là loại giáo lý có tánh cách cổ điển không thực tế. Cũng vì tinh thần này của đạo Phật, chúng ta trước hết duyệt xét khía cạnh vấn đề Chủng Tử, Nhân Duyên và Nhân Quả nói trên, ngỏ hầu giúp cho bạn đọc nhìn thấy được một phần nào giáo lý đích thực của Phật Giáo.

Vi tính: Minh Trí Cao Thân

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]