Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 22

16/04/201312:25(Xem: 10444)
Chương 22

Tâm Lý và Triết học Phật giáo
áp dụng trong đời sống hàng ngày

Nguyên tác: "Abhidhamma in daily life",
Tác giả: Nina Van Gorkom

Ðại đức Thiện Minh dịch ra Việt ngữ
Kỳ Viên Tự xuất bản, 2001
---o0o---

Chương 22

Những Tâm Thiền

-ooOoo-

Có nhiều tâm phát sanh trong đời sống hằng mà nó biết cảnh qua năm căn môn và qua ý môn. Cả hai tiến trình tâm căn môn và ý môn có những tâm đổng lực là tâm thiện hoặc tâm bất thiện trong trường hợp không phải là vị A La Hán. Tâm đổng lực hầu hết là tâm bất thiện bởi vì chúng ta dính mắc vào tất cả các cảnh được biết qua các căn môn và ý môn. Chúng ta dính mắc vào cảnh sắc và nhãn thức, âm thanh và nhĩ thức, đối với tất cả các cảnh chúng ta cảm nhận. Chúng ta dính mắc vào đời sống, chúng ta muốn tiếp tục sống và cảm nhận những cảm xúc giác quan. Chúng ta không chú ý rằng sau khi thấy hoặc nghe có sự dính mắc, đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy buồn phiền về điều mình thấy hoặc nghe. Nhưng có lẽ có tâm tham căn với thọ xả. Cả hai tiến trình căn môn và ý môn có lẽ có nhiều khoảnh khắc dính mắc trôi qua mà chúng ta không chú ý. Nhiều lần cảnh được nhận biết qua một trong các căn môn và sau đó qua ý môn cũng có những tiến trình tâm ý môn mà chúng suy nghĩ về những khái niệm ví như con người, thú vật hoặc các pháp. Dính mắc vào những khái niệm có lẽ chúng thường phát sanh và như vậy chúng ta suy nghĩ hầu hết thời gian với tâm bất thiện. Khi chúng ta không thực hiện bố thí, trì giới, hoặc tham thiền, suy nghĩ những điều đã làm với tâm bất thiện. Thậm chí ngay khi chúng ta thực hành những hành động thiện có những tâm bất thiện chi phối trong giây lát sau tâm thiện, vì nhiều lần có nhãn thức và nhĩ thức, và sau khi có nhãn thức và nhĩ thức thì tham ái hoặc sân hận do những điều mà chúng ta thấy có thể phát sanh. Tâm biết cảnh trần là tâm thiện và tâm bất thiện phát sanh trong đời sống hằng ngày, chúng được gọi là tâm dục giới.

Vì biết cảnh trần những phiền não ngủ ngầm phát sanh, do đó người trí sống thời Ðức Phật, họ thấy những sự nguy hiểm của những cảm xúc giác quan phát huy thiền định để giải thoát tạm thời những cảm xúc giác quan. Tâm thiền không phải là tâm dục giới, chúng là những tâm của cõi khác, những tâm này cảm nhận với sự an chỉ định đề mục thiền qua ý môn. Ở sát na thiền, người ta giải thoát khỏi những cảm xúc giác quan và những phiền não mà chúng đã trói buộc. Tâm thiền bao gồm tâm sắc giới và tâm vô sắc giới. Thiền vô sắc thì vi tế hơn thiền sắc giới, vì đề mục thiền vô sắc giới không còn tùy thuộc vào sắc pháp nữa. Sau đây tôi sẽ giải thích sự khác nhau của chúng.

Ngoại trừ tâm dục giới, tâm sắc giới và tâm vô sắc giới còn có tâm siêu thế mà có Níp bàn làm cảnh của chúng. Ai giác ngộ sẽ có tâm siêu thế, tâm này biết cảnh Níp bàn.

Bây giờ tôi sẽ giải thích Tâm Thiền đầu tiên. Tâm thiền thì không có cảnh sắc, cảnh thinh hay bất cứ cảnh trần nào khác. Tâm thiền phát sanh trong những tiến trình tâm nhận biết đề mục thiền qua ý môn . Trong tiến trình này, đầu tiên có tâm dục giới biết đề mục thiền và sau đó, trong cùng tiến trình này, tâm thiền phát sanh. Tiến trình này gồm có như sau:

Khán ý môn
Chuẩn bị
Cận hành
Thuận thứ
Chuyển tánh,

Tâm dục giới

Tâm thiền

Trong trường hợp này, đối với một số sát na tâm chuẩn bị thì không cần thiết, sau tâm khán ý môn thì chỉ có 3 tâm dục giới phát sanh thay vì 4, trước khi có Tâm Thiền. Chuyển tánh là tâm cuối cùng trong tiến trình tâm dục giới.

Trong Thanh Tịnh đạo(IV, 74) chúng ta có thể xem tiến trình tâm thiền phát sanh ở lúc ban đầu. Thanh Tịnh đạo(IV,78) nói rằng trong trường hợp đó chỉ có một sát na đơn độc tâm thiền phát sanh và sau đó nó được nối tiếp bởi tâm hộ kiếp. Sau đó có tiến trình tâm dục giới quan sát tâm thiền vừa xảy ra xuyên qua ý môn. Ðối với người đắc thiền mà tâm còn yếu thì phải liên tục tự mình làm thanh tịnh những triền cái trong việc phát huy những thiền chi cho đến khi nào nó trở nên mạnh mẽ. Hơn nữa (Thanh Tịnh đạoIV, 123 và những đọan sau đó) chúng ta thấy rằng an chỉ định chỉ có thể tồn tại khi nó hoàn toàn được thanh tịnh các triền cái mà các triền cái thì làm cản trở tâm chánh định. Ðầu tiên chúng ta phải hoàn toàn đè nén tham dục bằng cách quán chiếu những sự nguy hiểm về tham dục và cũng đè nén các triền cái khác. Khi chúng ta trở nên thuần thục có thể có những tâm thiền nối tiếp nhau thật lâu. Chúng ta xem (Thanh Tịnh đạoIV, 125):

Nhưng khi vị ấy chứng một thiền, sau khi đã hoàn toàn thanh lọc tâm cho hết những pháp chướng ngại. Thì vị ấy sẽ trú trong định suốt một ngày giống như con ong bay vào một cái tổ hoàn toàn sạch sẽ...

Tâm thiền là những nghiệp thiện cao cả. Khi thiền đạt được thì tham dục, sân hận, hôn trầm, thụy miên, trạo cử, hối quá và hoài nghi đoạn trừ tạm thời. Như vậy chúng ta thật sự an tịnh ít nhất ở trong khoảnh khắc đó.

Như chúng ta thấy trong chương trước, người muốn tu tập thiền chỉ để chứng đắc được thiền phải tu tập 5 chi thiền mà chúng có thể đoạn trừ các triền cái, các chi thền là:

Tầm
Tứ
Hỷ
Lạc
Ðịnh.

Thiền thì được người ta tu tập theo từng giai đọan. Mỗi Tâm thiền tiếp nối, nó vi tế hơn tâm thiền trước. Có tất cả 5 tâm thiền sắc giới. Ðối với tầng thiền thứ nhất thì cần thiết có 5 chi thiền để nó phát sanh với tâm thiền, nhưng ở mỗi giai đọan cao hơn, lúc chúng ta càng tiến triển thì các chi thiền diệt lần lần. Khi đạt Tâm Thiền sắc giới thứ hai, chúng ta không cần chi thiền tầm. Ở thời điểm này tâm thiền có thể biết đề mục thiền mà không cần tầm, tầm có đặc tính là hướng tâm đến cảnh và chức năng của nó là biết cảnh. Bốn chi thiền còn lại vẫn phát sanh với tâm thiền của tầng thiền thứ nhì.

Ở Tâm thiền sắc giới thứ ba, tứ được đoạn diệt. Ở tầng thiền này người ta không cần tầm hoặc tứ nữa để người ta trở nên an chỉ định trong đề mục thiền. Bây giờ còn có 3 chi thiền: hỷ, lạc và định. Ở Tâm thiền thứ tư, hỷ đọan diệt. Còn lại lạc câu hành với tâm thiền, nhưng hỷ không phát sanh. Không có hỷ thì tâm thiền an tịnh hơn và vi tế hơn. Ở Tâm thiền thứ năm, lạc cũng đoạn diệt và thay vì chỉ còn thọ xả câu hành với tâm thiền. Ở tầng thiền này người ta không còn dính mắc vào thọ lạc nữa. Chỉ còn định chi thiền.

Ở Tâm thiền thứ hai có người diệt cả tầm lẫn tứ. Dĩ nhiên trong Tâm thiền thứ ba có thể diệt hỷ và trong Tâm thiền thứ tư diệt lạc. Như vậy đối với họ, chỉ có 4 tầng thiền Sắc giới mà có 5 Tâm thiền sắc giới. Do đó thiền sắc giới có thể tính là 4 tầng và 5 loại Tâm thiền sắc giới và chúng ta xem trong nhiều kinh điển về 4 tầng thiền , bốn tầng thì được nói đến.

Còn nói về Tâm thiền sắc giới thì có 5 loại tâm thiền sắc giới. Tâm Thiền là những nghiệp thiện cao quý và như vậy kết quả của nó là quả thiện cao quý. Tâm Thiền không có trổ quả trong kiếp sống này: kết quả của chúng thì tái sanh ở cõi cao hơn. Kết quả của Tâm Thiền sắc giới là tái sanh trong cõi Phạm thiên sắc giới. Tâm thiện sắc giới chỉ có thể trổ quả, nếu khả năng của họ chứng đắc thiền không thối thất và tâm thiền phát sanh nhanh chóng trước khi chết. Nếu tâm thiện sắc giới trổ quả kiếp kế thì có tâm thiền sắc giới phát sanh nhanh chóng trước tâm tử. Tâm tái tục là tâm quả sắc giới và tâm này phát sanh trong cõi Phạm thiên phù hợp. Tâm tái tục biết cùng đề mục Thiền như là tâm Thiền sắc giới phát sanh nhanh chóng trước tâm tử của kiếp sống trước. 5 loại tâm thiền sắc giới có thể sản sinh 5 loại tâm quả sắc giới.

Khi chúng ta tái sanh bằng tâm tái tục mà tâm Tái tục là tâm quả sắc giới, tất cả những tâm hộ kiếp và tâm tử của kiếp sống đó thì nó giống như loại tâm Tái tục. Tâm quả sắc giới chỉ có thể thực hiện chức năng Tái tục, hộ kiếp và tử.

Có 5 loại Tâm Tố sắc giới mà nó là những lọai tâm dành cho vị A la hán chứng đắc thiền sắc giới. Các ngài không có tâm Thiện nhưng thay vào đó các ngài có Tâm Tố. Cho nên có tất cả 15 tâm sắc giới. Ðược tóm tắt như sau:

5 tâm thiện sắc giới
5 tâm quả sắc giới
5 tâm tố sắc giới.

Người đã đạt đến tầng thiền sắc giơiù cao nhất và họ thấy sự bất lợi của thiền sắc giới, vì Thiền sắc giới vẫn còn bị lệ thuộc vào sắc pháp [1], cho nên họ muốn tu tập thiền vô sắc giới. Ðề mục thiền vô sắc giới thì không có liên hệ với sắc pháp. Có 4 tầng thiền vô sắc giới. Tầng thiền thứ nhất là không vô biên xứ (Àkàsànancàyatana). Ðể đắc chứng tầng thiền vô sắc giới này, trước tiên chúng ta phải đạt được tầng thiền cao nhất của sắc giới trong bất cứ đề mục thiền biến xứ (Kasina) nào và đạt đến mức độ thuần thục. Chúng ta xem Thanh Tịnh đạo(X,6):

Khi hành giả đã thấy sự nguy hiểm trong (thiền thứ tư) [2] thuộc sắc giới như vậy và chấm dứt sự ràng buộc với nó, vị ấy tác ý đến "không vô biên xứ" cho là an tịnh. Rồi khi hành giả trải rộng đề mục biến xứ đến giới hạn bầu vủ trụ hay đến mức xa theo ý muốn, vi ấy bỏ đề mục biến xứ sắc pháp nhờ tác ý đến không gian mà sắc ấy chạm đến, nhìn nó như là không gian hay không vô biên xứ.

Ðối với không vô biên xứ, Thanh Tịnh đạo(X,8) giải thích về việc bỏ đề mục biến xứ:

Và khi đề mục biến xứ bị bỏ, nó không cuộn lên, hay lăn đi. Người ta gọi rằng đề mục biến xứ bị bỏ chỉ vì hành giả không chú ý đến nó, vì sự chú ý bây giờ hướng đến khoảng không, khoảng này được quan niệm như là khoảng trống để lại khi từ bỏ đề mục biến xứ sắc pháp...

Theo cách này hành giả có thể vượt qua sắc pháp của đề mục biến xứ và đạt được Thiền Vô Sắc thứ nhất là không vô biên xứ. Còn có 3 tầng thiền vô sắc nữa, và mỗi một tầng thiền này nó vi tế và an tịnh hơn tầng thiền trước. Tầng thiền vô sắc giới thứ hai là: "thức vô biên xứ" (Vinnànancàyatana). Ðề mục của tầng thiền vô sắc giới này là Thức mà nó là Tâm thiền vô sắc giới thứ nhất, Tâm này có đề mục của nó như là "không vô biên". Người muốn đạt đến tầng Thiền vô sắc giới thứ hai này trước tiên phải thuần thục tầng thiền "không vô biên xứ"; vị ấy phải thấy rằng sự bất lợi của tầng thiền này và chấm dứt lòng tham của mình đối với nó. Chúng ta xem trong Thanh Tịnh đạo (X, 25):

... Bởi thế sau khi chấm dứt lòng ham muốn của mình đối với không vô biên xứ, vị ấy phải tác ý Thức vô biên xứ như là an tịnh, tác ý nhiều lần thức, với Thức biến mãn không gian làm đối tượng...

Tầng Thiền vô sắc giới thứ ba là Vô sở hữu xứ (Àkincannàyatana). Chúng ta xem trong Thanh Tịnh đạo(X, 32) thấy rằng ai muốn chứng đắc tầng thiền này phải tác ý đến sự không hiện hữu của Thức quá khứ mà nó đã biến mãn không vô biên mà là đề mục Thiền vô sắc giới thứ hai "Thức vô biên xứ". Chúng ta xem (X, 33):

Không còn tác ý đến Thức này nữa, bây giờ hành giả phải chú ý nhiều lần như sau, "không có gì cả’ hoặc "không, không", và tác ý đến nó, tác động lên nó với tầm và tứ.

Xa hơn nữa (X,35) chúng ta xem:

... hành giả chỉ trú và quán sự không tồn tại của nó, nói khác đi là sự ra đi của thức ấy, khi thức này đã khởi lên trong Thiền Ðịnh.

Tầng thiền Vô sắc giới thứ tư là Phi Tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasannanà sannàyatana). Ðề mục của tầng thiền này là 4 danh uẩn mà nó đạt được do Vô sở hữu xứ. Chúng ta xem trong Thanh Tịnh đạo(X, 49):

Ý nghĩa danh từ ở đây là: Thiền ấy, với các trạng thái liên hệ của nó "không có Tưởng" mà cũng "không phi tưởng" do bởi vắng bóng những thô tưởng và có mặt những tưởng vi tế, nên gọi là "phi tưởng phi phi tưởng xứ".

Xa hơn nữa (X, 50) chúng ta xem:

... hoặc: tưởng ở đây không phải là tưởng, vì nó không thể làm nhiệm vụ quyết định của tưởng, mà nó cũng không phải là phi tưởng, vì nó hiện diện trong một trạng thái vi tế như một hành còn sót lại, nên nó là phi tưởng phi phi tưởng...

Ðiều đó cũng được giải thích rằng cảm thọ phát sanh với tâm thiền là cảm thọ hoặc không phải cảm thọ; giống như việc ứng dụng với Thức, xúc và những sở hữu khác phát sanh với tâm Thiền.

Vì có 4 tầng Thiền vô sắc giới nên có loại tâm thiện vô sắc giới. Chúng có thể trổ quả trong hình thức tái sanh vào cõi vui mà đó là cõi Phạm thiên vô sắc giới. 4 loại tâm thiện vô sắc giới sản sinh 4 loại tâm quả vô sắc giới. Khi tâm tái tục là tâm quả vô sắc giới, tất cả Tâm Hộ kiếp và Tâm Tử của kiếp sống đó thì tương đương loại tâm quả vô sắc giới. Tâm quả vô sắc giới chỉ có thể thực hiện chức năng tái tục, hộ kiếp và tử [3].

Có 4 loại tâm tố vô sắc giới, đây là tâm của vị A la hán đã chứng đắc thiền vô sắc. Như vậy có tất cả 12 tâm vô sắc giới. Chúng được tóm tắt như sau:

4 tâm thiện vô sắc giới
4 tâm quả vô sắc giới
4 tâm tố vô sắc giới.

Ai đã tu tập Thiền thì có thể phát huy những lọai thắng trí khác nhau (Abhinna). Chúng ta phải đạt được tầng thiền sắc giới cao nhất trong đề mục biến xứ, và phải thực tập "kiểm sóat tâm hòan hảo trong 14 cách" (miêu tả trong Thanh Tịnh đạo, chương XII ). Ví dụ đối với những đề mục Thiền biến xứ khác, chúng ta có thể đạt được những tầng Thiền sắc giới thuận và nghịch theo sau. Trong việc phát huy những loại Thắng Trí hoặc siêu trí, chánh định của hành giả sẽ trở nên tiến bộ hơn. Thắng trí là:

1. Thần thông: như đi xuyên qua tường, đi trên mặt nước, bay trên hư không.

2. Thiên nhĩ thông: có thể nghe tiếng nói của Chư Thiên và loài người, xa hoặc gần.

3. Tha tâm thông: biết tâm của người khác.

4. Thiên nhãn thông: thấy được sự sanh diệt của chúng sanh .

5. Túc mạng thông: nhớ lại tiền kiếp của chúng sanh.

Ðây là 5 loại thắng trí. Tuy nhiên có loại thắng trí thứ sáu mà được nhận biết do Tâm siêu thế là việc đoạn trừ tất cả các phiền não, khi chúng ta thành đạt quả vị A la hán. Thắng trí thứ sáu là cao nhất và để thực chứng nó là Thiền quán phải được tu tập đầy đủ.

Người đã tu tập những điều kiện đúng đắn này có thể chứng đắc thần thông. Tăng Chi Bộ Kinh(pháp 3 chi, chương VI, § 60, III, Sangàrava) chúng ta xem Thắng Trí cao nhất. Ðức Phật hỏi ông Bà la môn Sangàravavề chủ đề đối thoại của hoàng gia, khi họ sống với nhau trong cung điện. Bà la môn Sangàravatrả lời rằng họ đang nói chuyện về kiếp quá khứ các thầy Tỳ khưu thì rất ít, nhưng những vị này có nhiều Thắng Trí hơn, và bây giờ thì trái ngược lại. Ðức Phật nói với ông ta:

"Này Bà la môn, có 3 loại Thần thông. Thế nào là 3? Thần thông biến hóa, thần thông ký thuyết, thần thông giáo hóa. Và này Bà la môn thế nào là thần thông biến hóa?

"Ở đây, này Bà la môn, có người chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, cũng như đi ngang qua hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước, không nứt nẻ như trên đất liền, ngồi kiết già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại thần thông như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Này Bà la môn, như vậy được gọi là thần thông."

Và này Bà la môn, thế nào là thần thông ký thuyết? Ở đây có người tuyên bố nhớ tướng: "như vậy là ý của ông, như thế này là ý của ông, như thế này là tâm của ông..."

Ðức Phật giải thích thêm về ký thuyết, và sau đó ngài dạy:

"Và này Bà la môn, thế nào là Thần Thông giáo hóa? Ở đây này Bà la môn, có người giáo giới như sau: "hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy. Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy. Hãy từ bỏ cái này, hãy đạt đến cái này và an trú." Này Bà la môn, đây gọi là thần thông giáo hóa. Này Bà la môn, có 3 loại thần thông này. Trong 3 loại thần thông này, ông có thể chấp nhận loại thần thông nào là hy hữu hơn, thù diệu hơn?"

"Ở đây, thưa tôn giả Gotama,loại thần thông này... đối với tôi được xem tánh chất như là huyển hóa. Lại nữa đối với loại thần thông ký thuyết... thưa tôn giả Gotama,đối với tôi điều này dường như tánh chất như huyển hóa. Nhưng đối với thần thông giáo hóa... 3 loại thần thông này tôi có thể chấp nhận là hy hữu hơn và thù diệu hơn."

Sau đó Sangàravahỏi Ðức Phật Ngài có đắc 3 loại thần thông này không và Ðức Phật nói với ông ta rằng ngài đã chứng đắc. Sangàravacũng hỏi các vị Tỳ khưu khác có chứng đắc 3 loại thần thông đó không và Ðức Phật trả lời:

"Thật vậy này Bà la môn, chư Tỳ khưu đã chứng đắc 3 loại thần thông này không phải 1 hoặc 2 hoặc 3, 4, hoặc 500 mà con số còn nhiều hơn thế nữa."

Sau đó ông Bà la môn Sangàravabày tỏ lòng tin của mình đối với Ðức Phật và ông xin Ðức Phật qui y Tam bảo trở thành một cận sự nam.

Thời Ðức Phật có nhiều Tỳ khưu đã trau giồi những điều kiện cho phép thuật thần thông. Tuy nhiên thần thông cao nhất này là thần thông giáo hóa, vì nó có thể đoạn trừ tất cả phiền não và chấm dứt khổ đau.

Ðối với ai có tu tập Thiền định thì sẽ có nhiều sự lợi ích bởi vì Thiền định thì phước báu cao quý. Một trong những sự lợi ích đó là tái sanh an vui, ngay cả đối với người chỉ đạt đến cận hành định (Thanh Tịnh đạoXI, 123). Tuy nhiên tái sanh trong cõi an vui có thể là khổ vì đời sống trong cõi an vui có thể gắn liền với cõi khổ nếu không tu tập. Do đó không tái sanh thì vô cùng hạnh phúc. Ðiều này chứng tỏ rằng, chúng ta phải phát huy trí tuệ để đọan trừ tất cả phiền não.

Trong Giáo pháp, Thiền được gọi là "hiện tại lạc trú" (ví dụ trong Kinh Ðoạn giảm, Trung Bộ Kinh I, số 8). Người đã thuần thục trong việc phát huy an tịnh thì sẽ có nhiều Tâm Thiền nối tiếp nhau, bởi vì họ đã trau giồi những điều kiện cho công việc này. Thật sự hiện tại họ đang lạc trú. Tuy nhiên Ðức Phật đã cho thấy rằng lạc trú không có giống như đoạn giảm. Chúng ta xem trong Kinh Ðoạn giảm khi Ðức Phật dạy cho Cundaliên hệ với vị Tỳ khưu đã chứng đắc Thiền sắc giới như sau:

Này Cundasự kiện này xảy ra ở đây, một Tỳ khưu ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm với tứ. Vị ấy có thể nghĩ: "ta sống với hạnh đoạn giảm" này Cunda, các quả chứng ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc thánh. Chúng được gọi là hiện tại lạc trú trong giới luật của bậc thánh.

Ðức Phật dạy tương tự như người đắc chứng với những tầng Thiền sắc giới khác. Liên quan với vị Tỳ kheo đã đạt Thiền vô sắc giới, ngài dạy:

... Vị ấy có thể nghĩ: "ta sống với hạnh đoạn giảm". Nhưng này Cunda,điều này không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc thánh; điều này được gọi là "tịch tịnh trú" trong giới luật của bậc thánh...

Người đã tu tập thiền thuần thục và phát huy thiền quán có thể giác ngộ với tâm thiền siêu thế, tâm này câu hành với các chi thiền của một trong những tầng thiền khác nhau, theo sự tu tập của chúng ta [4]. Thay vì đề mục của thiền chỉ, Níp bàn là cảnh được nhận biết bằng an chỉ định do tâm Thiền siêu thế. Trong tiến trình giác ngộ, chúng ta đạt được tâm đạo thì ngay lập tức tâm quả theo sau. Khi tâm quả đã diệt thì tiến trình tâm đó chấm dứt. Tâm đạo của giai đoạn giác ngộ không thể phát sanh trở lại nữa, nhưng đối với người đã tu tập thiền và đã giác ngộ với tâm thiền siêu thế, tâm quả có thể phát sanh trở lại, thậm chí nhiều lần trong đời sống và tâm siêu thế thực chứng Níp bàn bằng an chỉ định.

Ai đạt được tầng Thiền vô sắc giới thứ tư, (Phi tưởng phi phi tưởng xứ) và cũng đã thực chứng được bậc thánh A na hàm hoặc bậc thánh A la hán, như vậy vị đó mới có thể nhập được Thiền diệt (Nirodhasamàpatti), thiền này thì chấm dứt tạm thời thân và tâm hành.

Vị nhập thiền diệt thì khác biệt với một tử thi. Chúng ta xem trong Kinh Ðại Phương Quảng(Trung bộ Kinh I, số 43) Ðại đức Mahà kotthitahỏi ngài Xá Lợi Phất một số câu hỏi. Ðại đức cũng hỏi những câu hỏi về tử thi và về sự khác nhau giữa tử thi và vị Tỳ khưu nhập thiền diệt. Chúng ta xem Ðại đức Mahà kotthitahỏi:

"Này hiền giả, đối với thân này, khi nào có bao nhiêu pháp được từ bỏ, thì thân này được nằm xuống, quăng đi, vất bỏ, như một khúc gỗ vô tri?"

"Này hiền giả, đối với thân này, khi nào 3 pháp được từ bỏ: tuổi thọ, hơi nóng và thức, thì thân này nằm xuống, được quăng đi, vất bỏ, như một khúc gỗ vô tri."

"Này hiền giả, có sự sai khác gì giữa vật chết, mạng chung này với vị Tỳ kheo thành tựu Thiền diệt thọ tưởng?"

"Này hiền giả, vật chết, mạng chung này, thân hành của nó chấm dứt, dừng lại, khẩu hành chấm dứt, dừng lại, tâm hành chấm dứt, dừng lại, tuổi thọ diệt tận, hơi nóng tiêu diệt, các căn bị bại hoại. Còn vị Tỳ khưu thành tựu Thiền diệt thọ tưởng, thì thân hành của vị này chấm dứt, được dừng lại, khẩu hành được chấm dứt, được dừng lại, tâm hành được chấm dứt, được dừng lại, nhưng tuổi thọ không diệt tận, hơi nóng không tiêu diệt, các căn được sáng suốt. Này hiền giả, như vậy là sự sai khác giữa vật chết, mạng chung này với vị Tỳ kheo thành tựu Thiền diệt thọ tưởng."

Ai xả Thiền diệt, tâm đầu tiên phát sanh là tâm quả siêu thế có Níp bàn là cảnh của nó. Trường hợp bậc thánh A na hàm là tâm quả A na hàm và trường hợp bậc thánh A la hán là tâm quả A la hán. Thanh Tịnh đạo(XXIII,50) nói rằng tâm của các ngài hướng đến Níp bàn. Chúng ta xem:

Tâm của vị xả Thiền diệt hướng về cái gì? Hướng về Níp bàn. Như kinh đã dạy: "khi một vị Tỳ khưu xả thiền diệt , này hiền giả Visàkha, thì tâm vị ấy nghiêng về viễn ly, tựa vào viễn ly, khuynh hướng viễn ly." (Trung Bộ Kinh I, số 44, 302).

Trong "Tiểu Kinh Rừng sừng bò" (Trung Bộ Kinh I, số 31) chúng ta xem thấy rằng Ðức Phật đến thăm Anuruddha, NandiyaKimbilakhi các vị đang cư ngụ trong rừng Gosiíga. Ðức Phật hỏi các vị về đời sống của các vị ở trong rừng. Các thầy có thể chứng đắc các tầng Thiền sắc giới và vô sắc giới và các thầy có thể an trú trong các tầng thiền cho đến khi nào các thầy mong muốn. Ðức Phật dạy:

"Lành thay, lành thay, này các vị. Này các vị, các thầy có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia và chứng được một pháp Thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc thánh, và sống thoải mái, an lạc không?"

"Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây lâu cho đến khi chúng con muốn, chúng con vượt lên phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Thiền diệt thọ tưởng. Sau khi thấy nhờ trí tuệ, các lậu hoặc của chúng con được đoạn trừ. Bạch Ðức Thế Tôn chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp Thượng nhân này, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc thánh và sống thoải mái, an lạc. Bạch Ðức Thế Tôn, nhưng chúng con không thấy một lạc trú nào khác cao thượng hơn, thù thắng hơn lạc trú này."

"Lành thay, lành thay, này các vị. Không có một lạc trú nào khác cao thượng hơn, thù thắng hơn."

CÂU HỎI:

1/- Sự thuận lợi của thiền vô sắc giới so với thiền sắc giới là gì?
2/- Sự khác nhau giữa thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ và thiền diệt là gì?
3/- Ai tu tập tầng thiền vô sắc giới thứ tư có thể chứng đắc thiền diệt không?
4/- Mục đích của những thắng trí là gì?
5/- Khi 6 thắng trí được nói đến thắng trí nào cao thượng nhất?
6/- Người tu tập Thiền Chỉ lẫn Thiền Quán và đạt đến sự giác ngộ có lợi ích gì?
7/- Ðối tượng của tâm ở sát na thiền là gì?
8/- Qua môn nào tâm Thiền có thể biết cảnh?
9/- Ðối tượng của tâm thiền siêu thế là gì?

Chú thích:

[1] Những đề mục thiền sắc giới thì liên hệ với sắc pháp, chúng ta tu tập bằng cách thấy, đụng hoặc nghe.

[2] Thiền sắc giới thứ tư. Ở đây tính theo 4 lọai.

[3] Cũng như trong trường hợp tâm thiện sắc giới, tâm thiện vô sắc giới không thể trổ quả trong cùng kiếp sống. Do đó, nó chỉ thực hiện nhiệm vụ tái tục, hộ kiếp và tử.

[4] Ðiều này sẽ giải thích thêm ở chương 23.

---o0o---

Source : BuddhaSasana Home Page

---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]