Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm XIII: Quán về Hành (gồm 9 bài kệ)

15/04/201317:50(Xem: 10302)
Phẩm XIII: Quán về Hành (gồm 9 bài kệ)

TRUNG LUẬN

(Madhyamaka Sastra)
Tác giả: Nagaruna
Dịch và chú giải:
HT Thích Thiện Siêu

---o0o---

PHẨM XIII:QUÁN VỀ HÀNH.

(Gồm 9 bài kệ)

Hỏi:

1. Như trong kinh Phật dạy, hư dối chấp thủ tướng một cách sai quấy. Vì chấp thủ các hành một cách sai quấy, nên gọi là hư dối.

Trong kinh Phật nói: Hư dối tức là hư vọng chấp thủ tướng. Chỉ có sự thật duy nhất là Niết-bàn, chẳng phải tướng do hư vọng chấp thủ. Vì thế nên Kinh nói nên biết có các hành là tướng do hư vọng chấp thủ ?

Đáp:

2. Hư dối chấp thủ tướng một cách sai quấy, trong ấy chấp thủ cái gì. Phật nói việc này là muốn để khai thị nghĩa không.

Nếu hư vọng chấp thủ tướng pháp tức là hư dối, vậy chấp thủ cái gì trong các hành. Nên biết Phật nói như vậy là muốn nói nghĩa không.

Hỏi:Làm sao biết tất cả hành đều là nghĩa không ?

Đáp:Tướng tất cả hành hư vọng cho nên không, các hành sinh diệt không ngừng, không có tự tính cho nên không. Các hành là năm uẩn, vì từ hành (chuyển biến) sinh, nên năm uẩn đều hư vọng không có định tướng, vì sao ? Vì như sắccon người trong khi hài nhi không phải sắc trong khi bò lỗm ngỗm, sắc trong khi bò lỗm ngỗm không phải sắc trong khi biết đi, sắc trong khi biết đi không phải sắc trong khi thiếu niên, sắc trong khi thiếu niên không phải sắc trong khi thanh niên, sắc trong khi thanh niên không phải sắc trong khi lão niên. Cứ như sắc biến đổi không ngừng trong giây lát như vậy, nên phân biệt tìm tính quyết định của nó không thể có được. Vì vậy nói sắc trong khi hài nhi cho đến sắc trong khi lão niên là một hay là khác, cả hai đều có lỗi, vì sao ? Vì nếu sắc trong khi hài nhi tức là sắc trong khi bò lỗm ngỗm cho đến sắc trong khi lão niên là một, như vậy thời đều là một sắc trong khi hài nhi chứ không có sắc trong khi bò lỗm ngỗm, cho đến sắc trong khi lão niên. Lại như nắm đất nếu là thường, thời không bao giờ làm thành bình được, vì sao ? Vì sắc đất là thường nhất định luôn.

Nếu sắc trong khi hài nhi khác với sắc trong khi bò lỗm ngỗm thời hài nhi không làm thiếu nhi, thiếu nhi không làm hài nhi, vì sao ? Vì hai sắc khác nhau, như vậy sắc của đồng tử, thiếu niên, tráng niên, lão niên, không thể tương tục, không còn có thân thuộc, không cha không con. Nếu như vậy, chỉ có hài nhi làm cha làm mẹ, còn hạng thiếu nhi bò lỗm ngỗm, cho đến hạng lão niên không còn phần gì trong đó. Thế nên nói sắc hài nhi cho đến sắc lão niên là một là khác đều có lỗi.

Hỏi:Sắc tuy không nhất định, song sắc hài nhi diệt rồi lại tương tục sinh cho đến sắc lão niên, nên không có các lỗi như trên ?

Đáp:Nói sắc hài nhi diệt rồi tương tục sinh là nó diệt rồi tương tục sinh hay là không diệt mà tương tục sinh ? Nếu diệt rồi làm sao tương tục, vì không có nguyên nhân, giống như có củi bị đốt, nhưng vì lửa tắc nên không còn tương tục. Nếu sắc hài nhi không diệt mà tương tục, thế là sắc hài nhi không diệt, thường ở trong bổn tướng nó, không có tương tục.

Hỏi:Tôi không nói diệt hay không diệt nên tương tục sinh, tôi chỉ nói nó không ngừng tương tợ sinh, nên nói là tương tục sinh ?

Đáp:Nếu như vậy, thời là đã có sắc nhất định rồi lại sinh ra, như vậy thời có thể có ngàn vạn thứ sắc. Nhưng việc ấy không đúng, nên cũng không có tương tục.

Khắp tất cả chỗ tìm sắc không thấy có định tướng. Phật chỉ theo ngôn thuyết thế tục nên nói có sắc, giống như cây chuối, tìm lõi cứng của nó không thể có được, chỉ có bẹ lá. Như vậy người trí, tìm thấy sắc uẩn niệm niệm biến diệt, không có chút thật sắc. Các loại sắc hình, sắc tướng biến chuyển không ngừng, tương tợ thứ lớp sinh, thật khó phân biệt, như phân biệt tìm sắc cố định của ngọn đèn không thể có được, từ sắc có định tính ấy lại có sắc sinh ra, là không thể có được. Thế nên sắc không có định tính, nên không; chỉ theo ngôn thuyết thế tục nên nói có sắc.

Thọcũng như vậy, người trí mỗi mỗi quán sát thấy thọ vì thứ lớp tương tợ sinh diệt khó phân biệt biết, như dòng nước tương tục chảy, chỉ biết qua cảm giác, nên nói ba thọ ở nơi thân. Thế nên, nên biết nói về thọ đồng như nói về sắc trên kia.

Tưởng nhân nơi danh và tướng mà phát sinh, nếu lìa danh và tướng thời không sinh. Thế nên Phật dạy phân biệt biết tướng danh tự gọi là tưởng, chứ chẳng phải quyết định tưởng đã sẵn có trước, mà nó do các duyên sinh, không có định tính. Vì không có định tính nên như bóng theo hình, nhân hình có bóng, không hình thời không bóng, bóng không có quyết định; nếu bóng quyết định có, thời lìa hình vẫn có bóng, song thật tế không được. Thế nên bóng từ các duyên sinh không có tự tính, nên không thể có được. Tưởng cũng như vậy, chỉ nhân nơi danh và tướng bên ngoài, thuận theo ngôn thuyết thế tục nên nói có tưởng.

Thức,là nhân nơi sắc, tiếng, mùi, vị, xúc v.v… và mắt, tai, mũi, lưỡi, thân v.v… mà phát sinh. Vì các căn mắt, tai v.v… khác nhau, nên thức cũng khác nhau. Thức ấy ở nơi sắc, ở nơi mắt, hay ở giữa sắc và mắt, không có định nhất, chỉ khi phát sinh rồi mới biết cảnh trần, biết người này biết người kia. Cái thức biết người này chính là cái thức biết người kia, hay là khác với cái thức biết người kia, hai điều ấy khó thể phân biệt; như nhãn thức, nhĩ thức cũng khó phân biệt. Vì khó phân biệt nên nói nó là một hay nói nó khác nhau, không có nhất định. Tánh phân biệt từ các duyên sinh, nên tính phân biệt của nhãn thức v.v… là không, không có tự tính, như người tài giỏi ngậm một hạt ngọc, lấy ra rồi lại đem chỉ cho người khác, thời sinh nghi không biết đó là hạt ngọc vốn như cũ hay là có khác. Thức cũng như vậy, sinh rồi lại sinh, vậy nó vốn là cái thức cũ hay cái thức khác. Thế nên biết vì thức không đứng yên, nên thức không có tự tính, hư dối như huyễn.

Các hànhcũng như vậy. Các hành là thân hành động, miệng hành động, ý hành động. Có hai thứ là tịnh hành và bất tịnh hành. Thế nào là bất tịnh ? Vì tham trước làm bức não chúng sinh, gọi là bất tịnh; nói chân thật không tham trước, không làm bức não chúng sinh, gọi là tịnh; hoặc tăng hoặc giảm. Người tịnh hành thì sinh vào loài người, trời cõi Dục, trời cõi Sắc, trời cõi Vô sắc thọ quả báo hết rồi thời giảm, trở lại tạo nghiệp thọ quả báo lại nửa nên gọi là tăng. Người hành bất tịnh cũng như vậy, sinh vào loài địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, A-tu-la thọ quả báo hết rồi thì giảm, trở lại tạo nghiệp thọ quả báo nửa nên gọi là tăng. Thế nên các hành có tăng có giảm, không đứng yên, như người có bịnh, tùy nghi nuôi dưỡng thích hợp bịnh lành, nếu không nuôi dưỡng thích hợp thời bịnh tập trung lại. Các hành cũng như vậy, có tăng có giảm, nên không quyết định, chỉ thuận theo ngôn thuyết thế tục mà nói có các hành.

Nhân nơi thế đế mà được thấy Đệ nhất nghĩa đế, nghĩa là do vô minh làm duyên mà có các hành, do các hành mà có thức chấp trước, do thức chấp trước nên có danh sắc, do danh sắc mà có sáu nhập, do sáu nhập mà có sáu xúc, do xúc có thọ, do thọ có ái, do ái có thủ, do thủ có hữu, do hữu có sinh, do sinh có lão tử, ưu bi khổ não, ân ái xa lìa khổ, oan thù gặp gỡ khổ v.v… các khổ như vậy đều lấy hành động làm gốc. Phật tùy theo Thế đế nên nói, nếu thấy được Đệ nhất nghĩa đế, phát sinh trí tuệ chân chính thời vô minh dứt, vô minh dứt nên các hành cũng không tụ tập, các hành không tụ tập nên dứt được các kiến hoặc, do thấy lý Tứ đế đoạn trừ thân kiến, nghi, vô minh và các lậu hoặc, do tư duy mà đoạn trừ tham, giận, nhiễm ái sắc, nhiễm ái vô sắc, trạo cử và vô minh. Do sự đoạn trừ ấy nên từng phần từng phần đoạn diệt, đó là vô minh, các hành, thức, danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, ưu bi khổ não, ân ái xa lìa khổ, oán thù gặp gỡ khổ v.v… đều tiêu diệt. Do sự tiêu diệt ấy nên thân năm uẩn hoàn toàn diệt, không còn thừa lại, duy chỉ có "không", thế nên Phật muốn chỉ bày nghĩa không mà nói các hành hư dối. Lại vì các hành không có tự tính nên hư dối, vì hư dối nên không, như kệ nói:

3. Các pháp có tướng khác nhau, nên biết chúng đều không có tự tính ; pháp không có tự tính cũng không có, vì tất cả pháp không.

Các pháp không có tự tính, vì sao ? Vì các pháp tuy sinh mà không an trú trong tự tính, thế nên không có tự tính; như hài nhi nhất định an trụ trong tự tính nó thời không bao giờ trở thành bò lỗm ngỗm cho đến tuổi già. Nhưng hài nhi thứ lớp tương tục có tướng khác hiện ra thành có bò lỗm ngỗm cho đến tuổi già. Thế nên nói vì thấy các pháp có tướng đổi khác, nên biết nó không có tự tính.

Hỏi:Nếu các pháp không có tự tính, tức là có cái pháp không có tự tính, nói vậy có lỗi gì ?

Đáp:Nếu không có tự tính thời làm sao có pháp đó, làm sao có tướng, vì sao ? Vì không có cội gốc, chỉ vì phá định tính nên nói không có tự tính. Thế nên pháp nếu có định tính thời không gọi hết thảy pháp không; nếu hết thảy pháp đều không, thời làm sao lại có cái pháp không có tự tính.

Hỏi:

4. Các pháp nếu không có tự tính, thì làm sao nói từ hài nhi cho đến tuổi già có các tướng khác nhau ?

Các pháp nếu không có tự tính, thời không có các tướng sai khác, nhưng ông nói có các tướng hài nhi, cho đến tướng tuổi già sai khác, thế là có các pháp có tự tính, chứ nếu pháp không có tự tính, thời làm sao có các tướng sai khác ấy ?

Đáp:

5. Nếu các pháp có tự tính, thì làm sao mà có được sự sai khác ấy; nếu các pháp không có tự tính, thì làm sao mà có được sự sai khác ấy.

Nếu các pháp quyết định có tự tính, thời làm sao có các tướng sai khác được, vì tính đã quyết định có thì không thể biến đổi, như vàng thật không thể biến đổi. Lại như tính tối không biến đổi thành sáng, tính sáng không biến đổi thành tối.

Lại nữa,

6. Chính pháp ấy thời không đổi khác, pháp khác cũng không đổi khác, như trẻ không làm già, già cũng không làm trẻ.

Nếu nói pháp có sai khác, thời phải có tướng sai khác. Vậy chính tự pháp ấy làm ra khác hay có pháp khác làm ra khác ? Cả hai đều không đúng. Vì nếu pháp ấy tự làm sai khác, như vậy thời già lão có thể làm già lão, nhưng kỳ thật già lão không tự làm già lão. Còn nếu có pháp khác làm sai khác, như vậy già lão khác tráng niên, tráng niên có thể làm già lão, nhưng kỳ thật tráng niên không làm già lão. Nên cả hai đều có lỗi.

Hỏi:Nếu chính tự pháp ấy đổi khác, như con mắt hôm nay thấy trẻ, trải qua ngày tháng năm biến đổi thành già. Như vậy có lỗi gì ?

Đáp:

7. Nếu chính pháp ấy tức là pháp khác, thời có thể sữa tức là phô-ma; lìa ngoài sữa còn có pháp gì có thể làm phô-ma.

Nếu chính tự pháp ấy là pháp khác, thời sữa có thể tức là phô ma, không cần có nhân duyên. Việc ấy không đúng, vì sao ? Vì sữa và phô-ma có các tướng trạng khác nhau, nên sữa không tức là phô-ma. Thế nên pháp ấy không tức là pháp khác, nếu bảo có pháp khác làm cho khác, thì cũng không đúng, vì lìa sữa thì có vật gì khác làm thành phô-ma đâu. Tư duy như vậy, biết pháp ấy không tự làm khác, pháp khác cũng không làm khác, không nên có sự chấp kiến thiên lệch.

Hỏi:Phá pháp đồng tính phá pháp dị tính, nhưng có cái "không" còn lại cái không ấy tức là pháp ?

Đáp:

8. Nếu có pháp chẳng không, thời phải có pháp không. Nhưng thật tế không có pháp chẳng không, thời đâu được có pháp không.

Nếu có pháp "chẳng không" làm nhân cho nhau, mới có pháp "không". Song từ trước lại đây đã dùng đủ các lý do để phá pháp "chẳng không", pháp chẳng không không có, thời không có đối đãi nhau, không có đối đãi thời đâu có pháp "không".

Hỏi:Ông nói vì pháp chẳng không không có, nên pháp không cũng không có. Nếu như vậy, tức là ở đây nói "không" là chỉ cho việc không có đối đãi nên không nên chấp có. Nếu có hai cái đối nhau mới đợi nhau, nếu không có hai cái đối nhau thời không có đợi nhau. Vì đối đãi nhau không có nên vô tướng, vì vô tướng nên chấp không. Như vậy tức là nói về "không" ?

Đáp:

9. Đại Thánh nói không pháp, cốt vì khiến chúng sinh xa lìa các kiến chấp, nếu trở lại chấp có pháp không, thời chư Phật không thể hóa độ.

Đại Thánh vì phá trừ 62 tà kiến và các phiền não vô minh, ái thủ v.v… mà nói "không", nếu ai đối với không còn sinh ra chấp kiến, thời người ấy là người không thể giáo hóa, ví như có bịnh nên phải uống thuốc mới trị lành, nếu thuốc trở lại làm sinh bịnh, thời hết cách chửa trị; như lửa từ củi mà ra, lấy nước diệt tắt, nếu lửa từ nước mà ra, thời lấy gì diệt tắt. Ở đây Phật nói "không" ví như nước có thể diệt tắt lửa phiền não, có người vì tội nặng, tâm tham đắm sâu dày, trí tuệ non kém nên đối với "không" sinh ra kiến chấp hoặc nói có "không", hoặc nói không có "không", rồi vì chấp có và không ấy trở lại khởi lên phiền não. Nếu lấy "không" hóa cải người ấy, thì người ấy nói tôi đã biết "không" lâu rồi. Nếu lìa "không" thời không có Niết-bàn đạo. Như Kinh nói lìa ba môn giải thoát là không, vô tướng, vô tác mà được giải thoát, thời đó chỉ có ngôn thuyết.

*

Tóm tắt phẩm XIII:Quán về hành.

Hành đây chỉ cho các pháp hữu vi, các pháp hữu vi lưu động biến thiên nên gọi là hành. Phật từng dạy: "Pháp hư dối bị chấp thủ sai lầm đó là các pháp hữu vi, tối thượng là chơn pháp Niết-bàn". Có người theo lời dạy ấy mà chấp thật có pháp hư dối mới làm đối tượng cho tâm chấp thủ sai lầm, chứ nếu không có pháp hư dối đó làm đối tượng thì dựa vào đâu mà tâm chấp thủ. Phẩm này là phá kiến chấp ấy. Đúng nghĩa theo Phật dạy, đã gọi là hư dối thì pháp ấy không thật có, vì mê lầm không hiểu nó không thật có nên mới sinh tâm chấp thủ sai lầm, chứ nếu biết nó hư dối thì không bao giờ chấp thủ cho là thật có.

Phẩm này: 1. Xét về các hành thật có, không thành (kệ 1 đến kệ 7). 2. Xét về các hành là không, không thành (kệ 8,9).

---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]