- Phẩm I: Quán về Nhân duyên (gồm 16 bài kệ)
- Phẩm II: Quán về Ði lại (gồm 25 bài kệ)
- Phẩm III: Quán về Sáu tình (gồm 8 bài kệ)
- Phẩm IV: Quán về Năm ấm (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm V: Quán về Sáu chủng (gồm 6 bài kệ)
- Phẩm VI: Quán về Ô nhiễm, người ô nhiễm (gồm 10 bài kệ)
- Phẩm VII: Quán về Ba tướng (gồm 35 bài kệ)
- Phẩm VIII: Quán về Tác, tác giả (gồm 12 bài kệ)
- Phẩm IX: Quán về Bổn trụ (gồm 12 bài kệ)
- Phẩm X: Quán về Ðốt cháy, bị đốt cháy (gồm 16 bài kệ)
- Phẩm XI: Quán về Bổn tế (gồm 8 bài kệ)
- Phẩm XII: Quán về Khổ (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm XIII: Quán về Hành (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm XIV: Quán về Hiệp (gồm 8 bài kệ)
- Phẩm XV: Quán về Có, không (gồm 11 bài kệ)
- Phẩm XVI: Quán về Trói, mở, (gồm 10 bài kệ)
- Phẩm XVII: Quán về Nghiệp (gồm 33 bài kệ)
- Phẩm XVIII: Quán về Pháp (gồm 12 bài kệ)
- Phẩm XIX: Quán về Thời (gồm 6 bài kệ)
- Phẩm XX: Quán về Nhân quả (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXI: Quán về Thành hoại (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXII: Quán về Như Lai (gồm 16 bài kệ)
- Phẩm XXIII: Quán về Ðiên đảo (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXIV: Quán về Tứ đế (gồm 40 bài kệ)
- Phẩm XXV: Quán về Niết bàn (gồm 24 bài kệ)
- Phẩm XXVI: Quán về Mười hai nhân duyên (gồm 9 bài kệ)
- Phẩm XXVII: Quán về Tà kiến (gồm 31 bài kệ)
- Phụ Lục
TRUNG LUẬN
(Madhyamaka Sastra)
Tác giả: Nagaruna
Dịch và chú giải: HT Thích Thiện Siêu
---o0o---
PHẨM XI:QUÁN VỀ BỔN TẾ.
(Gồm 8 bài kệ)
Hỏi: Kinh Vô Bổn Tế nói: Chúng sinh qua lại trong đường sinh tử, mà lúc bắt đầu không thể có được. Trong kinh đã nói có chúng sinh qua lại sinh tử, thế vì nhân duyên gì lại nói lúc bắt đầu chỗ cội nguồn không thể có được.
Đáp:
1. Bậc Đại Thánh dạy lúc bắt đầu không thể có được, sự sinh tử không có lúc bắt đầu cũng không có lúc chung cuối.
Thánh nhân có ba hạng: 1. Ngoại đạo có năm thần thông. 2. A-la-hán, Bích-chi Phật. 3. Đại Bồ-tát được thần thông. Phật là tối thượng đối ba hạng đó. Cho nên gọi Phật là Đại Thánh. Lời Phật nói không có điều gì không thật. Phật nói sự sinh tử không có lúc bắt đầu, vì sao ? Vì sinh tử lúc trước lúc sau đều không thể tìm thấy được, nên nói là không có lúc bắt đầu. Ông muốn nói rằng không có lúc bắt đầu và lúc cuối sau, thời có thể có lúc giữa, cũng không đúng, vì sao ?
2. Nếu sinh tử không có lúc đầu và lúc cuối, thì lúc giữa làm sao có. Thế nên, nơi trong đây việc trước và sau và đồng thời đều không thể có được.
Nhân lúc giữa và lúc cuối sau nên mới có lúc bắt đầu, nhân lúc bắt đầu và lúc giữa nên có cuối sau, nếu không có lúc ban đầu và lúc cuối sau thời làm sao có khoảng giữa. Đối với sinh tử không có bắt đầu, khoảng giữa, rốt sau. Thế nên nói trước sau, và trước sau và đồng thời đều không thể có được, vì sao ?
3. Nếu trước có sinh, sau mới có già chết, thế là không già chết mà có sinh, không sinh mà có già chết.
4. Nếu trước có già chết mà sau có sinh, thời sự già chết ấy không có nhân; không sinh mà có già chết.
Chúng sinh sinh tử, nếu trước sinh, tạm thời có già rồi sau chết, như vậy thời sinh không có già chết. Đúng pháp phải có sinh mới có già chết, có già chết mới có sinh. Lại chẳng già chết mà sinh, cũng không đúng. Vì nhân sinh mà có già chết, nếu trước già chết rồi sau sinh, thời già chết ấy không có nguyên nhân, vì sinh ở sau. Lại chẳng sinh thời đâu có già chết. Nếu cho rằng sinh già chết trước sau không thể được, thời sinh già chết cùng có trong một lúc, cũng có lỗi, vì sao ?
5. Sinh và già chết, không được phép cùng có một lúc, nếu lúc sinh là có chết, thì sinh và chết đều không có nhân.
Nếu nói sinh già chết cùng có trong một lúc thời không đúng, vì khi sinh tức có chết. Đúng pháp khi sinh thì có, khi chết thì không có, nên nếu nói khi sinh có chết, là không đúng. Nếu cùng trong một lúc sinh, thời nó không có sự nhân nhau, như hai sừng của con trâu cùng trong một lúc xuất hiện chứ không nhân nhau.
Thế nên,
6. Nếu cho rằng "sinh và già chết có trước sau và đồng thời" cả ba đều không đúng, cớ sao các ông cứ mãi hý luận rằng thật có sinh và già, chết.
Suy nghĩ về sinh già chết, cả ba đều có lỗi, nên nói sinh già chết tức là vô sinh, rốt ráo không, cớ sao ông cứ tham đắm hý luận, cho rằng sinh già chết có tướng quyết định thật có.
Lại nữa,
7.8. Có các pháp nhân quả, năng tướng (như nóng, ướt) và sở tướng (như lửa, nước) cảm thọ và người cảm thọ, tất cả mọi hiện hữu, không phải chỉ bổn tế sinh tử không thể có được, mà hết thảy hiện tượng cũng đều không có bổn tế. (tức không có lúc bắt đầu).
Hết thảy pháp là hết thảy nhân quả, có biểu tướng và được biểu tướng, cảm thọ và người cảm thọ v.v… đều không có lúc bắt đầu, chứ chẳng phải chỉ có sinh tử là không có chỗ lúc bắt đầu. Ở đây vì giải bày sơ lược, nên chỉ nói sinh tử không có chỗ lúc bắt đầu.
*
Tóm tắt phẩm XI:Quán về bổn tế.
Bổn tế là bổn nguyên biên tế của sinh mạng chúng sinh và thế giới, hay nói thời gian nguyên thỉ, lúc bắt đầu của sinh mạng chúng sinh và thế giới bắt đầu vào lúc nào. Suy tìm nguyên thỉ ấy không thể có được, nên kinh Phật dạy: "Hết thảy chúng sinh từ vô thỉ lai, bổn tế sinh tử không thể có được" và phẩm này xét về bổn tế ấy. 1. Xét về sinh tử không có bổn tế (kệ 1 đến kệ 6). 2. Chỉ rõ hết thảy đều không có bổn tế (kệ 7.8).
---o0o---