Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 38: Pháp hội đại thừa phương tiện thứ ba mươi tám

15/04/201313:22(Xem: 13663)
Phần 38: Pháp hội đại thừa phương tiện thứ ba mươi tám

Kinh Đại Bảo Tích

Phần 38: Pháp hội đại thừa phương tiện thứ ba mươi tám

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Như vậy tôi nghe một lúc đức Phật ở nước Xá Vệ tại tịnh xá Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên cùng đại Tỳ kheo tám ngàn người câu hội, đều là bậc Vô học đại Thanh Văn chúng.

Ðại Bồ Tát một vạn hai ngàn người đều được thần thông mọi người quen biết được đà la ni vô ngại biện tài được chư pháp nhẫn vô lượng công đức đều thành tựu cả.

Bấy giờ đức Như Lai từ tam muội dậy vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sanh cung kính vây quanh mà vì thuyết pháp.

Trong đại chúng có đại Bồ Tát tên Trí Thắng đứng dậy trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chấp tay hướng Phật mà bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Tôi muốn hỏi một việc xin được cho phép, nếu đức Phật cho phép tôi mới dám thỉnh hỏi.

Ðức Phật phán : "Nầy Trí Thắng ! Cho phép ông hỏi, ta sẽ giải đáp trừ chỗ nghi cho ông".

Trí Thắng Bồ Tát bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Nói là phương tiện ấy, những gì là Bồ Tát phương tiện, đại Bồ Tát hành các phương tiện thế nào ?".

Ðức Phật khen rằng : "Lành thay lành thay, nầy Trí Thắng ! Ông vì chư đại Bồ Tát mà thỉnh hỏi nghĩa phương tiện đem lại nhiều lợi ích nhiều an lạc cho cả chư Thiên và người thế gian, để nhiếp lấy trí huệ của Bồ Tát vị lai và chư Phật pháp quá khứ vị lai hiện tại vậy. Lắng nghe lắng nghe, ta sẽ nói cho ông phải khéo suy nghĩ nhớ đó".

Trí Thắng Bồ Tát thọ giáo vui mừng lắng nghe.

Ðức Phật phán dạy : "Nầy Trí Thắng ! Bồ Tát hành phương tiện dùng một vắt cơm bố thí cho tất cả chúng sanh. Tại sao ? Vì Bồ Tát hành phương tiện đem một vắt cơm nhẫn đến bố thí xuống đến loài súc sanh nguyện cầu Nhứt thiết trí, do Bồ Tát nầy cùng chung với tất cả chúng sanh hồi hướng Vô thượng Bồ đề dùng hai nhơn duyên sau đây để nhiếp thủ tất cả chúng sanh : một là cầu Nhứt thiết trí tâm, hai là nguyện phương tiện. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy. Lại nầy Trí Thắng ! Ðại Bồ Tát thấy người bố thí thì sanh lòng tùy hỉ, đem căn lành tùy hỉ nầy nguyện cùng chung với tất cả chúng sanh hồi hướng Vô thượng Bồ đề, cũng nguyện người thí kẻ thọ chẳng rời Nhứt thiết trí tâm, dầu người thọ là hàng nhị thừa cũng nguyện họ chẳng rời Nhứt thiết trí tâm. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại nầy Trí Thắng ! Ðại Bồ Tát nếu thấy trong thế giới mười phương có các thứ cây hoa và các thứ hương vô chủ, liền nguyện họp lại cúng dường chư Phật, hoặc thấy trong thế giới mười phương có các thứ hoa hương có chủ hoặc lá gió bay liền nguyện họp lại cúng dường chư Phật mười phương hoặc tự làm hoặc vì chúng sanh mà làm để được Nhứt thiết trí tâm, do thiện căn nầy nên được vô lượng giới định huệ giải thoát giải thoát tri kiến. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại nầy Trí Thắng ! Ðại Bồ Tát nếu thấy trong thế giới mười phương các chúng sanh thọ các báo vui, Bồ Tát thấy rồi liền suy nghĩ rằng : nguyện tất cả chúng sanh được vui Nhứt

thiết trí. Nếu thấy các chúng sanh thọ báo khổ, Bồ Tát liền vì các chúng sanh mà sám hối tội nghiệp nguyện rằng : những khổ não mà chúng sanh phải chịu như vậy, tôi đều thay họ lãnh chịu cho họ được an vui. Ðem căn lành nầy nguyện thành Nhứt thiết trí trừ đứt khổ não cho tất cả chúng sanh, do nhơn duyên mà cứu cánh chẳng thọ tất cả khổ thuần thọ tất cả lạc. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại nầy Trí Thắng ! Nếu đại Bồ Tát ở nơi một đức Phật kính lễ cúng dường tôn trọng tán thán suy nghĩ như vầy : tất cả Như Lai đồng một giới một pháp thân một giới một định một huệ một giải thoát một giải thoát tri kiến, vậy thì phải biết rằng nếu lễ kính cúng dường tôn trọng tán thán một đức Phật tức là lễ kính cúng dường tán thán tôn trọng tất cả chư Phật, nếu cúng dường một đức Phật tức là cúng dường chư Phật mười phương. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại nầy Trí Thắng ! Bồ Tát nếu là độn căn thì chớ nên tự khinh, nhẫn đến nếu có thể đọc thuộc một bài kệ bốn câu, suy nghĩ như vầy : nếu hiểu nghĩa một bài kệ bốn câu tức là biết tất cả Phật pháp, tất cả Phật pháp đều nhiếp trong nghĩa trong một bài kệ, thông đạt như vậy rồi lòng chẳng giải đãi, nếu đi đến thành ấp tụ lạc dùng lòng từ bi mà rộng giải nói cho mọi người chẳng cầu lợi dưỡng danh văn tán thán, nguyện rằng bài kệ bốn câu nầy nguyện cho người khác được nghe, đem thiện căn nầy nguyện cho tất cả chúng sanh đều đa văn như A Nan và được biện tài Như Lai. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại nầy Trí Thắng ! Nếu Bồ Tát sanh trong nhà bần cùng nhẫn đến khất thực được một vắt cơm cầm đem thí cúng chư Tăng, nếu cúng thí một người chẳng lấy đó làm thẹn, nên suy nghĩ rằng : như lời Phật dạy tâm tăng thượng quãng đại thí hơn dùng của bố thí, của tôi bố thí dầu ít mà do Nhứt thiết trí tâm nguyện căn lành nầy thành Nhứt thiết trí khiến các chúng sanh đều được bửu thủ như đức Phật Thế Tôn, do nhơn duyên ấy nên đầy đủ thí giới thiền định phước đức. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại nầy Trí Thắng ! Bồ Tát nếu thấy hàng Thanh Văn Duyên Giác được nhiều lợi dưỡng tôn trọng tán thán, Bồ Tát nầy tự hai điều để an ủi tâm mình : một là nhơn nơi Bồ Tát mà có Như Lai, hai là nhơn nơi Như Lai mà có Thanh Văn Duyên Giác, như vậy hàng nhị thừa dầu được lợi dưỡng mà tôi vẫn hơn họ, vật họ an dùng là vật của cha tôi tại sao ở nơi ấy tôi sanh lòng hi vọng. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Lại nầy Trí Thắng ! Lúc Bồ Tát hành thí liền đủ cả sáu Ba la mật. Thế nào là sáu ? Lúc thấy người xin, Bồ Tát từ lòng xan tham đầy đủ đại thí xả, đây gọi là Ðàn Ba la mật. Bồ Tát tự trì giới thí người trì giới, thấy người phá giới thì khuyên họ trì giới rồi sau cấp thí cho, đây gọi thì Thi La Ba la mật. Bồ Tát tự trừ sân khuể khởi lòng từ nhẫn không uế trược lợi ích chúng sanh bình đẳng bố thí, đây gọi là Sằn đề Ba la Mật. Nếu Bồ Tát bố thí ẩm thực thuốc thang tức thì đầy đủ, thân tâm tinh tiến đến đi cúi ngước, đây gọi là Tỳ Ly Gia Ba la mật. Nếu Bồ Tát hành thí rồi tâm được định vui vẻ sung sướng chuyên nghiệm bất loạn, đây gọi là thiền Ba la Mật. Bồ Tát bố thí rồi phân biệt các pháp : Ai là người thí ai là người thọ ai là người thọ báo quan sát như vậy rồi không có một pháp nào gọi là người bố thí người lãnh thọ và người thọ báo, đây gọi là Bát Nhã Ba la mật. Ðây gọi là Ðại Bồ Tát hành phương tiện đủ sáu Ba la mật vậy ».

Trí Thắng Bồ Tát bạch rằng : « Bạch đức Thế Tôn ! Thật chưa từng có, đại Bồ Tát hành phương tiện, do sức phương tiện nên lúc hành bố thí nhiếp tất cả Phật pháp và các chúng sanh ».

Ðức Phật dạy : « Nầy Trí Thắng ! Như lời ông nói, đại Bồ Tát hành phương tiện, do sức phương tiện nên dầu hành chút ít bố thí mà được phước đức vô lượng vô biên a tăng kỳ.

Nầy Trí Thắng ! Ðại Bồ Tát dầu đến bực bất thối chuyển địa cũng dùng phương tiện thật hành bố thí, đây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy.

Nầy Trí Thắng ! Có lúc ác tri thức bảo Bồ Tát rằng : Ông cần gì ở mãi nơi sanh tử nên từ thân nầy mà sớm nhập Niết bàn.

Bồ Tát biết là ác tri thức liền xa rời họ và suy nghĩ rằng : Tôi phát đại thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh, người nầy làm lưu nạn tôi. Nếu không ở trong sanh tử thì làm sao có thể giáo hóa vô lượng chúng sanh ».

Trí Thắng Bồ Tát bạch rằng : « Bạch đức Thế Tôn ! Nếu có chúng sanh do vì vọng tưởng mà phạm bốn trọng tội ».

Ðức Phật dạy : Nầy Trí Thắng ! Nếu Bồ Tát xuất gia do vọng tưởng mà phạm bốn trọng tội, Bồ Tát hành phương tiện đều có thể dứt trừ hết , nay ta cũng nói không có phạm tội và người thọ báo ».

Trí Thắng Bồ Tát bạch rằng : Bạch đức Thế Tôn ! Thế nào là Bồ Tát phạm tội ? ».

Ðức Phật dạy : « Nầy Trí Thắng ! Bồ Tát bắt đầu hành giải thoát giới, trong trăm ngàn kiếp ăn trái ăn rau hay nhẫn nhịn lời thiện ác của cá chúng sanh, nếu cùng chung tư duy pháp với hàng Thanh Văn Duyên Giác, đây gọi là đại Bồ Tát phạm trọng tội.

Nầy Trí Thắng ! Như hàng Thanh Văn và Duyên Giác phạm trọng cấm thì chẳng phải thân nầy được nhập Niết bàn. Còn Bồ Tát chẳng trừ bỏ việc cùng chung với hàng Thanh Văn Duyên Giác tư duy pháp thì trọn chẳng được thành Vô thượng Bồ đề vậy.

Bấy giờ Tôn giả A Nan bạch rằng : « Bạch đức Thế Tôn ! Sáng nay tôi vào thành Xá Vệ thứ đệ khất thực thấy Chúng Tôn Vương Bồ Tát với một nữ nhơn đồng ngồi một giường ».

Tôn giả A Nan vừa nói xong, tức thì đại địa chấn động sáu cách. Chúng Tôn Vương Bồ Tát tại trong đại chúng thăng lên hư không cao bằng bảy cây đa la bảo A Nan rằng : " Có ai phạm tội mà có thể dừng ở hư không được chăng ? Tôn giả nên đem sự nầy hỏi đức Thế Tôn thế nào là tội thế nào chẳng phải tội ?".

Tôn giả A Nan ưu sầu hướng Phật quỳ lễ chưn Phật bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Nay tôi sám hối, bực đại long như vậy mà tôi nói phạm tội, Bồ Tát như vậy mà tôi tìm cầu tội lỗi. Nay tôi sám hối xin Phật hứa khả".

Ðức Phật dạy : "Nầy A Nan ! ông chớ nên tìm cầu tội lỗi nơi bực Ðại thừa Ðại sĩ. Nầy A Nan ! Hàng Thanh Văn các ông ở chỗ chướng nạn hành tịch diệt định không có lưu nạn dứt tất cả kiết sử. Nầy A Nan ! Bồ Tát hành phương tiện thành tựu Nhứt thiết trí tâm dầu ở trong cung cùng thể nữ vui đùa mà chẳng khởi ma sự và các lưu nạn và sẽ được Vô thượng Bồ đề. Tại sao ? Nầy A Nan ! Bồ Tát hành phương tiện không bao giờ ở nơi chúng sanh thọ lạc như vậy mà chẳng đem Tam bửu hoặc Vô thượng Bồ đề giáo hóa họ.

Nầy A Nan ! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhơn được Ðại thừa được Nhứt thiết trí tâm khí thấy ngũ dục khả ý liền ở trong ấy cùng chung thọ lạc. Nầy A Nan ông nên suy tưởng như vầy : Bồ Tát như vậy tức là có thể thành tựu căn bổn Như Lai.

Nầy A Nan ! Ông nên lắng nghe do duyên cớ gì mà Chúng Tôn Vương Bồ Tát cùng nữ nhơn ấy cùng ngồi chung giường.

Nầy A Nan ! Nữ nhơn ấy từ quá khứ đã từng năm trăm đời làm vợ của Chúng Tôn Vương Bồ Tát. Do tập khí cũ ấy, nàng thấy Chúng Tôn Vương Bồ Tát sanh lòng yêu thương ràng buộc chẳng thôi. Do sức trì giới nên Chúng Tôn Vương Bồ Tát có oai Ðức đoan chánh. Nàng ấy thấy rồi vui mừng hớn hở ngồi riêng một mình sanh tâm như vầy: Nếu Chúng Tôn Vương Bồ Tát có thể đến ngồi chung giường với tôi thì tôi sẽ phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Nầy A Nan ! Vì biết tâm niệm của nàng ấy, nên sáng sớm Chúng Tôn Vương Bồ Tát đắp y cầm bát vào thành Xá Vệ thứ đệ khất thực đến nhà nàng ấy liền vào và liền suy nghĩ pháp môn như vầy; hoại nội địa đại hay ngoại địa đại đồng là một địa đại. Dùng tâm Ðịa đại ấy cầm tay nữ nhơn cùng ngồi chung giường. Chúng Tôn Vương Bồ Tát liền từ chỗ ngồi ấy nói kệ rằng :

Ðức Phật chẳng khen ngợi
Hàng phàm phu hành dục
Ly dục ly tham ái
Mới thành Thiên Nhơn Sư

Nầy A Nan ! Nàng ấy nghe kệ rồi rất vui mừng hớn hở vô lượng, liền đứng dậy lạy chưn Chúng Tôn Vương Bồ Tát mà nói kệ rằng :

Tôi chẳng tham ái dục
Tham dục bị Phật quở
Ly dục ly tham ái
Mới thành Thiên Nhơn Sư

Nói kệ xong nàng ấy thưa rằng :

Trước tôi sanh lòng ái dục nay nên sám hối.

Nàng ấy liền sanh thiện dục phát tâm Bồ đề nguyện muốn lợi ích tất cả chúng sanh.

Nầy A Nan ! Lúc ấy Chúng Tôn Vương Bồ Tát khuyến hóa nữ nhơn phát tâm Vô thượng Bồ đề rồi liền đi

Nầy A Nan ! Ông quan sát phước báo của nữ nhơn chuyên tâm ấy. Nay ta dùng Chánh Biến Tri thọ ký cho nữ nhơn ấy nơi đây mạng chung được chuyển thân nữ sẽ thành nam tử, đời sau chín mươi chín kiếp cúng dường trăm ngàn vô lượng a tăng kỳ chư Phật đầy đủ tất cả Phật pháp được thành Phật hiệu Vô Cấu Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, lúc đức Phật Vô Cấu không có một người nào khởi tâm bất thiện.

Nầy A Nan ! Ông nên biết rằng Bồ Tát hành phương tiện nhiếp lấy quyến thuộc trọn chẳng đọa ba ác đạo".

Bấy giờ Chúng Tôn Vương Bồ Tát từ hư không hạ xuống lễ Phật bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Bồ Tát hành phương tiện nếu vì một người mà phát tâm đại bi hợp tập thiện pháp hoặc tợ phạm tội hay thiệt pham tội trong trăm ngàn kiếp đọa đại địa ngục. Bồ Tát nầy kham chịu được các ác và địa ngục khổ, do vì căn lành ấy mà nguyện chẳng bỏ một chúng sanh".

Ðức Phật khen rằng : "Lành thay, lành thay, nầy Chúng Tôn Vương ! Bồ Tát thành tựu tâm đại bi như vậy dầu thọ ngũ dục mà chẳng phạm trọng tội được lìa các tội và xa tất cả nghiệp đọa ác đạo.

Nầy Chúng Tôn Vương ! Ta nhớ quá khứ a tăng kỳ kiếp, lại quá số kiếp ấy, bấy giờ có phạm chí tên Thọ Ðề bốn mươi hai ức năm ở trong rừng vắng thường tu phạm hạnh. Quá năm ấy, phạm chí Thọ Ðề ra khỏi rừng vào thành Cực Lạc. Vào thành rồi thấy một nữ nhân. Lúc nữ nhơn ấy thấy phạm chí nghi dung đoan nghiêm liền sanh dục tâm chạy đến té xuống đất nắm chơn phạm chí. Phạm chí hỏi nữ nhơn : Chị tìm cầu gì ? Nữ nhơn đáp : Tôi cầu phạm chí. Phạm chí nói : Tôi chẳng hành dục. Nữ nhơn nói : Nếu không theo ý tôi nay tôi sẽ chết. Phạm chí Thọ Ðề suy nghĩ : Sự nầy chẳng phải pháp của tôi cũng chẳng phải thời của tôi. Tôi đã bốn mươi hai ức năm tu tịnh phạm hạnh nay sao lại hủy hoại ? Phạm chí cố gắng tự chế rời đi bảy bước. Ði được bảy bước rồi sanh lòng sót thương suy nghĩ như vầy : Tôi dầu phạm giới bị đọa ác đạo, tôi có thể chịu được khổ địa ngục, nay tôi chẳng nở thấy nữ nhơn nầy thọ khổ não, chớ để nàng vì tôi mà chết. Suy nghĩ rồi, phạm chí Thọ Ðề lấy tay hữu nắm nữ nhơn nói : Chị dậy đi, tùy ý chị muốn. Sau mười hai năm cùng nữ nhơn ấy làm chồng vợ, phạm chí Thọ đề lại xuất gia tức thì lại đủ tứ vô lượng tâm, mạng chung sanh trong cõi trời Phạm Thiên.

Nầy Chúng Tôn Vương ! Ông chớ có nghi. Thuở ấy phạm chí Thọ Ðề tức là thân ta, nữ nhơn kia tức là Cù Di hiện nay vậy.

Nầy Chúng Tôn Vương ! Thuở ấy vì lòng dục của nữ nhơn kia mà ta tạm khởi tâm đại bi liền được siêu việt khổ sanh tử trăm vạn kiếp.



Chúng Tôn Vương, ông xem các chúng sanh khác do vì ái dục mà đọa địa ngục, còn Bồ Tát hành phương tiện do đó mà sanh Phạm Thiên. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện vậy".

Ðức Phật lại bảo Trí Thắng Bồ Tát : " Nầy Trí Thắng ! Nếu Xá Lợi Phất, Ðại Mục Kiền Liên v. v. . . hành phương tiện thì chẳng khiến Cù Già Ly phải đọa địa ngục.

Nầy Trí Thắng ! Ta nhớ thuở quá khứ thời kỳ Phật Cựu Lưu Tôn có một Tỳ Kheo tên Vô Cấu ở tu tại hang trong rừng vắng. Gần hang ấy có năm tiên nhơn. Một hôm trời bỗng mưa to, có cô gái nghèo bị mưa lạnh và kinh sợ liền vào hang ẩn núp, tạnh mưa rồi Vô Cấu Tỳ Kheo cùng cô gái đồng ra khỏi hang.

Năm tiên nhơn thấy bảo nhau : Vô Cấu Tỳ Kheo lòng gian siểm làm hạnh bất tịnh. Biết vậy Vô Cấu Tỳ Kheo liền vọt thân lên hư không cao bằng bảy cây đa la. Năm tiên nhơn thấy thế lại bảo nhau : Chúng ta được thấy kinh luận có ghi rằng nếu người làm hạnh bất tịnh thì không thể bay lên hư không như vậy còn người tu tịnh hạnh thì bay được như vậy. Năm tiên nhơn liền hướng Vô Cấu Tỳ Kheo phát lồ sám hối.

Nầy Trí Thắng ! Nếu lúc ấy Vô Cấu Tỳ Kheo không phương tiện bay lên hư không thì năm tiên nhơn ấy sẽ bị đọa địa ngục.

Thuở ấy Vô Cấu Tỳ Kheo tức là Di Lặc Bồ Tát vậy.

Nầy Trí Thắng ! Nếu các ông Xá Lợi Phất, Ðại Mục Kiền Liên phương tiện bay lên hư không thì Tỳ Kheo Cù Già Ly chẳng đọa địa ngục. Nay ông nên biết những phương tiện được thiệt hành của đại Bồ Tát, các hàng Thanh Văn và Duyên Giác không có.

Nầy Trí Thắng ! Ví như dâm nữ giòi biết sáu mươi bốn thái độ, vì tài bửu mà mỵ ngôn dụ người dối nói xả thân không tiếc, lúc đã được tài bửu rồi liền xua đuổi người đi chẳng có lòng ân hận.

Bồ Tát hành phương tiện giáo hóa tất cả chúng sanh như vậy, tùy theo sở dục của họ mà hiện thân, nơi các vật dùng không hề ham tiếc, nhẫn đến xả thân vì chúng sanh, ưa thích thiện căn chẳng cầu quả báo, khi biết chúng sanh đã làm thiện căn lòng không thối chuyển rồi liền xả ly, nơi ngũ dục được hiện lên không hề luyến tiếc.

Nầy Trí Thắng ! Như trong loài súc sanh con ong đen kia lấy phấn mật trong các bông hoa mà không có ý tưởng cư trụ trong hoa không luyến ái hoa chẳng mang hoa đi.

Vì giáo hóa chúng sanh nên Bồ Tát hành phương tiện ở nơi ngũ dục thấy pháp vô thường chẳng tưởng là thường mà sanh ái nhiễm, lại chẳng hại mình cũng chẳng hại người.

Nầy Trí Thắng ! Vì như hột giống nhỏ dầu sanh mầm nhưng bổn chất không kém tổn chẳng sanh vật khác. Cũng vậy chủng tử trí huệ không vô tướng vô tác vô ngã, Bồ Tát dầu hiện phiền não vui thú trong ngũ dục lạc, mà chẳng sanh mầm ba ác đạo, chẳng tổn bổn chất thiện căn cũng chẳng thối chuyển.

Nầy Trí Thắng ! Ví như ngư ông dùng vật thực trét lưới ném xuống vực sâu, lúc thỏa mãn chỗ mong cầu thì kéo lưới lên. Cũng vậy, Bồ Tát hành phương tiện dùng không vô tướng vô tác vô ngã trí huệ huân tu tâm mình, biết sử dụng làm lưới, Nhứt thiết trí tâm dùng làm vật thực trét, dầu ném vào vực sâu bùn lầy ngũ dục, lúc thỏa bổn nguyện liền kéo lên khỏi Dục giới, sau khi mạng chung sanh trời Phạm Thế.

Nầy Trí Thắng ! Ví như có người giỏi biết chú thuật bị quan bắt gông cùm xiềng xich trói nhốt, người ấy dùng sức chú thuật làm đứt rã gông xiềng tùy ý mà đi. Cũng vậy đại Bồ Tát hành phương tiện dầu ở ngũ dục cùng nhau vui thú để hóa độ chúng sanh như chỗ mong cầu, rồi dùng sức chú thuật Nhứt thiết trí làm đứt rã ngũ dục sanh trời Phạm thế.

Nầy Trí Thắng ! Ví như sĩ phu giỏi biết chiến pháp giấu kín một con dao bén hộ tống người du hành. Trong chúng ấy không ai biết sĩ phu có mưu lạ nên coi thường và xót thương không có lòng kính trọng, họ bảo nhau rằng : Sĩ phu nầy đã không khí giới lại không bạn đảng, chẳng phải dũng sĩ lại không thế lực tất sẽ bị khổn ách. Sĩ phu ấy đi đến vùng hoang vắng gặp cướp ào ra, sĩ phu ấy liền rút dao bén được dấu kín ra vung lên giặc cướp đều táng mạng. Phá tan giặc cướp xong, sĩ phu ấy lại dấu kín dao bén. Cũng vậy đại Bồ Tát hành phương tiện giấu dao trí huệ mà dùng phương tiện ở trong ngũ dục cùng nhau vui thú để hóa độ chúng sanh. Hàng Thanh Văn thấy vậy sanh lòng khinh rẻ hoặc lòng xót thương cho là người phóng dật và bảo rằng : Người như vậy còn chưa tự độ huống là cứu vớt tất cả chúng sanh, không thể phá hoại tứ ma. Bồ Tát ấy khéo dùng dao phương tiện trí huệ, lúc đã thỏa mãn sở nguyện liền chặt đứt phiền não khiến dứt hết rồi mang dao trí huệ sang tịnh độ nơi không có nữ nhơn và không có một niệm tưởng tham dục".

Bấy giờ có một Bồ Tát tên Ái Tác vào thành Xá Vệ thứ đệ khất thực, đi lần đến nhà một trưởng giả. Con gái trưởng giả tên Ðức Tăng ở trên lầu cao nghe tiếng Bồ Tát liền mang vật thực ra khỏi nhà thấy hình dung tướng hảo và thanh âm của Bồ Tát lòng dục nổi dậy, bị dục niệm bức thiêu nên nàng ấy liền chết.

Ái Tác Bồ Tát thấy nàng ấy cũng khởi ác niệm dâm dục, Bồ Tát liền tự suy nghĩ rằng : Những thứ ấy là gì mà ái trước ? Cặp mắt đó ư, gì là mắt, mắt ấy chẳng phải có biết chỉ là cục thịt, nó chẳng yêu chẳng biết chẳng suy chẳng hiểu không phân biệt gì, tánh nó vốn không. Như mắt, cả tai mũi lưỡi thân và ý cũng vậy, da mỏng da dầy máu thịt mỡ gân tóc lông móng răng xương tủy gân mạch, quan sát từ chân đến đầu như vậy rồi, hoặc trong hay ngoài không có một pháp gì ái trước được hoặc sân hay si được. Nơi tất cả pháp. Bồ Tát quan sát như thiệt liền lìa tâm ái dục được vô sanh nhẫn, lòng rất vui mừng hớn hở vô lượng liền thăng lên hư không cao bằng một cây đa la bay nhiễu thành Xá Vệ bảy vòng.

Lúc ấy đức Thế Tôn thấy Ái Tác Bồ Tát bay trên hư không vô ngại như nga vương, Ðức Phật bảo Tôn giả A Nan rằng :

" Nầy A Nan ! Ông có thấy Ái Tác Bồ Tát bay trên hư không vô ngại như nga vương chăng ?".

Tôn giả bạch rằng : " Vâng, bạch đức Thế Tôn ! Tôi đã thấy".

Ðức Phật phán : " Nầy A Nan ! Ái Tác Bồ Tát ấy do vì khởi tâm dâm dục liền suy xét các pháp phá được chúng ma sẽ chuyển pháp luân.

Còn nàng Ðức Tăng sau khi chết sanh cung trời Ðao Lợi được thành Thiên Tử ở cung điện thất bửu tự nhiên ngang rộng mười hai do tuần có vạn bốn ngàn Thiên nữ thị vệ.

Ðức Tăng Thiên Tử ấy có trí túc mạng suy xét do nghiệp gì trước kia mà nay sanh nơi đây ? Liền thấy thân trước làm con gái nhà trưởng giả trong thành Xá Vệ thấy Ái Tác Bồ Tát sanh lòng dâm dục, vì lòng dục xí thạnh nên chết được chuyển thân nữ sanh làm Thiên Tử nầy. Tôi do sự việc ấy mà được vô lượng thần lực.

Ðức Tăng Thiên Tử lại suy nghĩ rằng : Nhơn khởi tâm dâm dục mà được báo như vầy, nay đối với Ái Tác Bồ Tát tâm tôi rất thanh tịnh cung kính cúng dường, nay nếu tôi còn có lòng ái dục trước thì chẳng nên chẳng phải. Tôi nên đến chỗ đức Như Lai và muốn lễ kính cúng dường Ái Tác Bồ Tát".

Lúc ấy Ðức Tăng Thiên Tử cùng quyến thuộc cắm hoa hương trời đầu hôm đến chỗ đức Phật, tự dùng ánh sáng của mình chiếu khắp tịnh xá Kỳ Hoàn vào lễ chưn Phật và Ái Tác Bồ Tát, rải hoa hương cúng dường hữu nhiễu ba vòng rồi chắp tay hướng Phật mà nói kệ rằng :

"Ðấng Thiên Nhơn Sư
Bất khả tư nghị
Công hạnh Bồ Tát
Cũng bất khả nghị
Giáo pháp Như Lai
Ðấng Ðại Danh Xưng
Cũng bất khả nghị
Xưa tại Xá Vệ
Tôi làm đồng nữ
Con nhà trưởng giả
Tên là Ðức Tăng
Tuổi còn thơ bé
Dung nhan đoan chánh
Cha mẹ cưng yêu
Nuôi nấng giữ gìn
Ðức Phật Thế Tôn
Không có khinh đùa
Phật Tử Ái Tác
Có oai đức lớn
Vào thành Xá Vệ
Thứ đệ khất thực
Lần đến trước nhà
Của chúng tôi ở
Lúc ấy tôi nghe
Âm thanh hay tốt
Lòng rất vui mừng
Liền mang cơm ra
Hướng đến trước mặt
Người tu đại tâm
Ái Tác Bồ Tát
Con của Như Lai
Lúc ấy Bồ Tát
Tôi đã để tâm
Nhìn xem tướng đẹp
Sanh lòng dục nhiễm
Nếu tôi chẳng được
Toại lòng sở nguyện
Chắc sẽ tức thời
Thân mạng chết mất
Tôi lúc bấy giờ
Nguyện chẳng thể nói
Tay cầm vật thực
Chẳng thể trao cho
Trong lòng nóng đốt
Phát tưởng dâm dục
Thân bị nóng bức
Dứt hơi liền chết
Sau khi mạng chung
Trong khoảng một niệm
Liền được sanh lên
Cung trời Ðao Lợi
Lìa khỏi thân nữ
Tối ư hạ liệt
Ðược thành Thiên Tử
Mọi người ngợi khen
Cung điện thắng diệu
Tự nhiên xuất hiện
Ðủ các thứ báo
Vi diệu hi hữu
Có đủ một vạn
Bốn ngàn Thiên nữ
Quyến thuộc như vậy
Của tôi sở hữu
Do duyên cớ ấy
Tôi suy đời trước
Mà tự tư duy
Liền biết nghiệp xưa
Do phát lòng dục
Ðược báo như vầy
Tôi dùng tâm dục
Nhìn ngó Ái Tác
Do thấy Bồ Tát
Ðược hỉ quang minh
Thân tôi phát sanh
Ngọn lửa quang minh
Do nghiệp duyên ấy
Ðược báo trời nầy
Tôi trọn chẳng muốn
Cầu nơi nhị thừa
Chỗ tôi nguyện cầu
Chỉ có Phật biết
Nhiễm tâm dâm dục
Ðược báo còn vậy
Huống là có thể
Tâm tốt cúng dường
Như tôi hôm nay
Hướng về Thế Tôn
Phát nguyện như vậy
Cầu Nhứt thiết trí
Dầu phải tu hành
Số kiếp hằng sa
Trọn chẳng thối chuyển
Nơi Phật trí huệ
Gặp thiện tri thức
Ái Tác Bồ Tát
Nay tôi sẽ dùng
Chơn pháp cúng dường
Những cúng dường khác
Chẳng phải cúng dường
Chỉ phát Bồ đề
Là chơn cúng dường
Tu hạnh Bồ đề
Tối thắng tối tôn
Chẳng còn lòng dục
Nhìn ngó nữ nhơn
Tôi nguyện như vậy
Rời lìa thân nữ
Hướng chư Phật nói
Bốn vô sở úy ».

Bấy giờ vợ chồng trưởng giả, cha và mẹ của nàng Ðức Tăng tìm gặp thân con gái buồn khổ kêu khóc mắng trách Tỳ Kheo. Ðức Phật dùng thần lực khiến Ðức Tăng Thiên Tử đến chỗ cha mẹ khuyên can chớ giận mắng Tỳ Kheo để rồi phải thọ khổ nhiều lâu và bảo cha mẹ rằng : « Nàng Ðức Tăng ấy sau khi chết liền sanh lên cung trời Ðao Lợi rời thân nữ được thành Thiên Tử ánh sáng chói lọi. Nay cha mẹ nên đến chỗ đức Thế Tôn sám hối tâm giận ác trước. Nếu ngoài đức Như Lai chư Phật Thế Tôn thì không còn người nào đáng quy y ».

Ðức Tăng Thiên Tử dùng tâm vô úy khuyên bảo cha mẹ. Ðược nghe danh Phật tức thì cha mẹ cùng nhau đồng đến chỗ Phật đầu mặt kính lạy sám hối tâm sân hận trước và bạch rằng : « Bạch đức Thế Tôn ! Thế nào cúng dường Phật Pháp và Tăng ? Thế nào tu tập hạnh lành ? Duy nguyện đức Thế Tôn thương xót chỉ dạy, chúng tôi sẽ chuyên tâm tu hành''.

Biết tâm quyết định của hai người, đức Phật phán : « Nầy thiện nam tử thiện nữ nhơn ! Nếu người muốn cúng dường chư Phật thì nên nhứt tâm kiên cố phát tâm Bồ đề ».

Cha mẹ nàng Ðức Tăng và quyến thuộc năm trăm người nghe lời đức Phật dạy đồng phát tâm bồ đề và lập đại nguyện.

Ðức Phật bảo Tôn giả A Nan : " Nầy A Nan ! Nay ông lắng nghe, công hạnh của Bố Tát chẳng thể nghĩ bàn, vô thượng trí huệ cùng các phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Ái Tác Bồ Tát kia thường phát nguyện : Nữ nhơn thấy tôi mà phát lòng dục thì liền được lìa khỏi thân nữ thành nam tử mọi người mến trọng.

Nầy A Nan ! Ông xem sức oai đức của Bồ Tát như vậy. Người khác nếu phạm tội phải đọa ác đạo. Còn Ðại Sĩ làm đó thì phá hoại ma chúng khiến kia sanh Thiên được làm Thiên Nhơn. Nay Thiên Tử Ðức Tăng nầy cúng dường ta cung kính phát tâm Bồ đề. Thiên Tử nầy sẽ cúng dường vô lượng Thế Tôn đời sau thành Phật hiệu Thiện Kiến Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác. Vợ chồng trưởng giả và năm trăm người đã cúng dường và phát tâm Bồ đề đây cũng sẽ thành Phật làm bực Thiên Nhơn Sư.

Nầy A Nan ! Phật có oai đức như vậy ai mà chẳng cung kính cúng dường. ở nơi đức Phật có lòng thâm tín thì được vô lượng phước lạc.

Nầy A Nan ! Chẳng phải một nữ nhơn, chẳng phải hai ba nữ nhơn, mà vô lượng trăm ngàn na do tha ức nữ nhơn thấy Ái Tác Bồ Tát phát tâm dâm dục liền chết chết được thành nam tử.

Nầy A Nan ! Bồ Tát y vương có đại danh xưng như vậy ai chẳng tôn kính. Thấy Bồ Tát sanh lòng dâm dục còn được phước lạc huống là sanh lòng cung kính đối với Bồ Tát".

Tôn giả A Nan bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Ví như núi Tu Di, nếu các vật tạp sắc đến bên núi thì đồng một kim sắc. Nếu có chúng sanh đến bên Bồ Tát, hoặc tâm dục tâm sân hoặc tịnh tâm, tất cả đều đồng một tâm Nhứt thiết trí. Từ nay với chư Bồ Tát, tôi sanh lòng tôn trọng xem như núi Tu Di vậy.

Bạch đức Thế Tôn ! Ví như thuốc Dược Vương tên là Tất Kiến. Người sanh tâm người tịnh tâm nếu uống thuốc ấy đều được lành cả, thuốc ấy hay trừ tất cả độc. Cũng vậy, người sân tâm người tịnh tâm đến chỗ Bồ Tát đều có thể trừ sạch tất cả bịnh tham sân si".

Ðức Thế Tôn khen rằng : " Lành thay, lành thay, nầy A Nan ! Ðúng như lời ông nói".

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Thật chưa từng có, đại Bồ Tát tối tôn đệ nhứt, chư đại Bồ Tát tu thiền định, tu thiền định xong trở vào Dục giới giáo hóa chúng sanh. Dầu Bồ Tát hành không vô tướng vô tác dùng đó để giáo hóa chúng sanh khiến họ thành Thanh Văn Duyên Giác, mà do đại từ bi nên tự mình trọn chẳng rời Nhứt thiết trí tâm. Bạch đức Thế Tôn ! Ðại Bồ Tát hành phương tiện bất khả tư nghị, dầu thọ sắc thanh hương vị xúc mà không ái trước trong ấy. Nay tôi dùng lạc thuyết biện tài nói chút phần công đức của Bồ Tát.

Bạch đức Thế Tôn ! Ví như chầm hoang đói rộng lớn có tường cao đến Vô Sắc giới, chỉ có một cửa ngõ, trong chầm ấy có đông chúng sanh. Cách chầm chẳng xa có một thành lớn giàu có vui sướng tịnh diệu trang nghiêm, nếu có ai vào trong thành ấy thì không già bịnh chết. Con đường từ chầm hoang vào thành ngay chỉ rộng một xích. Chúng nhơn trong chầm có một người trí thông thái bỗng khởi tâm đại từ bi muốn lợi ích an lạc tất cả chúng sanh, liền to tiếng xướng rằng : Mọi người nên biết cách đây không xa có một thành lớn giàu vui an ổn, nếu ai vào trong thành ấy thì không già bịnh chết và cũng hay nói pháp lìa già bịnh chết. Mọi người nên cùng đi đến thành ấy, tôi sẽ là người dẫn đường. Trong chầm hoang ấy, có những chúng sanh hạ liệt sanh lòng hi vọng, muốn được tìm hiểu, họ nói rằng nếu có thể khiến tôi ở trong chầm nầy tôi sẽ thọ giáo, còn muốn khiến tôi ra khỏi chầm nầy thời tôi chẳng nhận.

Có những chúng sanh hạng thượng nói : Tôi sẽ cùng Ngài đến thành ấy. Có những chúng sanh bạc phước nghe lời xướng trên chẳng tin chẳng theo người trí.

Bạch đức Thế Tôn ! Bấy giờ người trí ra khỏi tường chầm trông bốn phía thấy chỉ có một con đường thẳng rộng một xích quá nhỏ hẹp hai bên là hố lớn sâu trăm ngàn thước. Người trí dùng ván be hai bên đường, người đi phải bò mà tiến chẳng ngó hai bên kể oán tặc khủng bố phía sau, người bò đi cũng chẳng ngoái nhìn lại, dũng nhuệ chẳng sợ lần lần qua được đường hẹp thấy thành lớn. Ðã thấy thành rồi không còn bố úy liền đi vào thành. Sau khi vào thành không già bịnh chết cũng làm lợi ích lớn cho vô lượng chúng sanh vì họ mà nói pháp lìa già bịnh chết.

Bạch đức Thế Tôn ! Chầm lớn hoang đói ấy là sanh tử vậy. Tường cao lớn đến Vô Sắc giới ấy là vô minh hữu ái vậy. Nhiều chúng sanh ở trong chầm ấy là tất cả phàm phu sanh tử vậy. Ðường thẳng hẹp dẫn đến thành chỉ rộng một xích ấy là nhứt chi đạo vậy. Người trí trong chầm ấy là đại Bồ Tát vậy. Chúng sanh hạ liệt hy vọng dục giải ở yên bất đông ấy là Thanh Văn Duyên Giác vậy. Những chúng sanh hạng thượng nói sẽ cùng đi đến đại thành ấy là chư Bồ Tát khác vậy. Những chúng sanh bạc phước chẳng tin ấy là tất cả ngoại đạo tà kiến và các đệ tử họ vậy. Ra khỏi chầm hoang ấy là siêng tu Nhứt thiết trí tâm vậy. Ðường chật hẹp một xích ấy là môn pháp tánh vậy. Hai bên đường có hố lớn sâu trăm ngàn thước ấy là nhị thừa Thanh Văn và Duyên Giác thừa vậy. Lấy ván be hai bên đường hẹp ấy là trí huệ phương tiện vậy. Bò mà đi tới ấy là Bồ Tát dùng tứ nhiếp pháp nhiếp lấy chúng sanh vậy. Phía sau có oán tặc theo khủng bố ấy là ma và ma dân chúng sanh khởi sáu mươi hai kiến chấp và kẻ khinh báng Bồ Tát vậy. Chẳng ngoái ngó lại phía sau ấy là Nhẫn nhục Ba La Mật chuyên tâm trọn vẹn vậy. Chẳng nhìn hai bên ấy là chẳng khen nhị thừa vậy. Thành lớn ấy là Nhứt thiết trí tâm vậy. Lần lần qua khỏi thấy thành lớn lòng không bố úy ấy là Bố Tát thấy Phật và chỗ sở hành của Phật nhứt tâm kính ngưỡng trí huệ oai đức của Phật, khéo học Bát Nhã Ba la mật phương tiện lần lần tùy nghi gần gũi tất cả chúng sanh không có nghi nan vậy. Vào trong thành rồi không già bịnh chết ấy là Bồ Tát lợi ích vô lượng chúng sanh lìa già bịnh chết vậy. Người thuyết pháp ấy là đức Như Lai Ứng Cúng Ðẳng Chánh Giác vậy.

Bạch đức Thế Tôn ! Nay tôi kính lễ tất cả Bồ Tát".

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp nói lời nầy rồi, có mười ngàn Trời Người phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Ðức Thế Tôn khen rằng : "Lành thay, lành thay, nầy Ma Ha Ca Diếp ! Ông hay khuyến phát chư đại Bồ Tát, ông hay thành tựu vô lượng công đức.

Nếu là việc làm hay tự hại và hại người thì đại Bồ Tát trọn chẳng làm. Hoặc lời nói có thể tự tại hại tha đại Bồ Tát cũng trọn chẳng nói".

Bấy giờ Ðức Tăng Bồ Tát bạch rằng : " Bạch đức Thế Tôn ! Nếu là việc làm hay lời nói có thể tự hại hại tha tất cả Bồ Tát đều trọn chẳng làm, thì tại sao xưa kia, thời đức Phật Ca Diếp, đức Thế Tôn còn làm Bồ Tát đạo thừa một đời làm phạm chí tên Thọ Ðề nói rằng : Ðạo Bồ đề rất là khó được, đâu có kẻ trọc mà làm nên việc ấy, tôi chẳng muốn thấy.

Bạch đức Thế Tôn ! Thuở xưa Thọ Ðề phạm chí nói như vậy là có nghĩa gì ?".

Ðức Phật dạy : Nầy Ðức Tăng ! Ðối với Như Lai và Bồ Tát ông chớ nên nghi ngờ. Vì Phật và Bồ Tát thành tựu phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Phật và Bồ Tát an trụ các thứ phương tiện giáo hóa chúng sanh.

Nầy Ðức Tăng ! Ông nên lắng nghe khéo suy nghĩ, có kính tên Phương Tiện Ba La Mật, ta sẽ nói cho ông. Bồ Tát từ thuở Phật Nhiên Ðăng đến nay lần lần học phương tiện, nay cũng sẽ vì ông mà khai thị phân biêt phần ít.

Nầy Ðức Tăng ! Lúc đại Bồ Tát thấy Phật Nhiên Ðăng liền được vô sanh pháp nhẫn từ đó đến nay không có sai lầm chơi cười mất chánh niệm, cũng không có tâm bất tịnh, trí huệ chẳng tổn giảm.

Nầy Ðức Tăng ! Ðại Bồ Tát như bổn nguyện của mình được vô sanh nhẫn rồi sau bảy ngày thì có thể được thành Vô thượng Bồ đề, nếu muồn trăm kiếp cũng có thể được thành. Vì chúng sanh mà đại Bồ Tát thọ tất cả thân, tùy ở chỗ nào, do dùng trí lực nên tùy theo chỗ mong cầu đều được trọn sở nguyện rồi sau mới thành Vô thượng Bồ đề.

Nầy Ðức Tăng ! Ðại Bồ Tát dùng sức phương tiện trong vô lượng kiếp ở các thế giới cũng không ưu sầu vì chẳng chán lìa vậy. Ðây gọi là Bồ Tát hành phương tiện.

Lại nữa, nầy Ðức Tăng ! Bao nhiêu thiền định nếu người Thanh Văn nhập thân tâm bất động bèn tự cho là đã nhập Niết bàn, còn Bồ Tát nhập thì thân tâm tinh tiến không có giải đãi dùng tứ nhiếp pháp nhiếp lấy chúng sanh do đại bi nên dùng lục Ba La Mật giáo hóa chúng sanh. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Lại nữa, nầy Ðức Tăng ! Như bổn nguyện mình, Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên cung hay được Vô thượng Bồ đề để chuyển đại pháp luân chẳng phải là không được. Nhưng Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên cung suy nghĩ rằng : Người Diêm Phù Ðề không thể lên Thiên cung để nghe lãnh giáo pháp, còn chư Thiên Ðâu Suất có thể xuống Diêm Phù Ðề nghe pháp. Do đây đại Bồ Tát bỏ rời Ðâu Suất Thiên cung mà ở Diêm Phù Ðề thành Phật. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Lại nữa, nầy Ðức Tăng ! Như bổn nguyện của mình, đại Bồ Tát từ Ðâu Suất hạ Diêm Phù Ðề chẳng vào thai mẹ cũng có thể thành Phật. Nhưng nếu không vào thai mẹ sẽ có các chúng sanh nghĩ rằng : Bồ Tát nầy từ đâu đến, là Trời, là Rồng, là Quỉ Thần, là Càn Thát Bà hay biến hóa ra ? Nếu họ nghi ngờ thì họ chẳng thể nghe lãnh giáo pháp chẳng thể tu hành để dứt phiền não. Thế nên đại Bồ Tát chẳng phải chẳng vào thai mẹ mà thành Phật. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Chớ quan niệm Bồ Tát thiệt ở thai mẹ, vì đại Bồ Tát thiệt chẳng ở thai mẹ. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát nhập vô cấu định, chẳng xuất định ấy mà rời Ðâu Suất Thiên xuống Diêm Phù Ðề nhẫn đến ngồi cội Bồ đề. Chư Thiên Ðâu Suất cho rằng Bồ Tát đã mạng chung chẳng còn trở lại đây. Nhưng lúc ấy Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Thiệt tự bất động mà hiện vào thai thọ ngũ dục hoặc xuất gia và khổ hạnh. Tất cả chúng sanh cho đó là thiệt, nhưng với Bồ Tát đều là sự biến hóa cả. Bồ Tát biến hóa vào thai thọ ngũ dục hiện tự vui thú xuất gia khổ hạnh, tất cả đều là Bồ Tát biến hóa làm ra. Tại sao, vì Bồ Tát bấy giờ sở hành thanh tịnh chẳng còn nhập thai, vì từ lâu đã chán lìa. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà hiện thân tợ bạch tượng sáu ngà vào thân mẹ ?

Nầy Ðức Tăng ! Trong tam thiên Ðại Thiên thế giới nầy, Bồ Tát tối tôn nhứt vì Ngài đã thành tựu pháp bạch tịnh nên hiện tợ bạch tượng vương vào thai mẹ, không có Thiên, Long, Quỉ Thần nào làm như vậy mà nhập thai mẹ. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát ở thai mẹ đủ mười tháng rồi sao mới xuất thai ? Vì có các chúng sanh hoặc cho rằng chẳng đủ mười tháng thì thân đồng tử chẳng đầy đủ. Vì thế nên Bồ Tát hiện ở trong thai đủ mười tháng, từ lúc mới vào đến mãn mười tháng, thời gian giữa ấy thường có chư Thiên đến bên mẹ lễ kính đi nhiễu, bấy giờ chư Thiên thấy Bồ Tát ở lầu cao bảy báu trang nghiêm hơn cả cung trời. Thấy cảnh tốt ấy, có hai vạn bốn ngàn Thiên Tử phát tâm Vô thượng Bồ đề. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát từ hông hữu của mẹ mà nhập thai ? Hoặc có chúng sanh nghi rằng Bồ Tát do tinh huyết cha mẹ mà sanh. Vì dứt sự nghi ấy và hiện hóa sanh nên từ hông bên hữu mà vào. Ðã từ hông mẹ vào rồi không có vết vào, và Ma Gia Phu Nhơn thân tâm khoái lạc từ trước chưa từng có. Ðây gọi là Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát khi sanh ra ở tại vườn vắng vẻ chớ chẳng sanh tại trong nhà và trong thành ? Từ trước đến giờ Bồ Tát thường ưa thích chỗ vắng vẻ và tán thán chỗ vắng vẻ, tán than chỗ núi rừng nhàn tĩnh và hành pháp tịch diệt. Nếu Bồ Tát sanh tại trong nhà thì chư Thiên, Long, Quỉ Thần, Càn Thát Bà chẳng mang hoa hương kỹ nhạc đến cúng dường. Nhơn dân thành Ca Tỳ La Vệ hoang mê phóng dật tự cao chẳng có thể cúng dường Bồ Tát. Vì thế nên Bồ Tát sanh tại chỗ vắng vẻ mà chẳng ở nhà và trong thành. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà mẹ Bồ Tát ngước vịn cành cây vô ưu mà sanh Bồ Tát ? Hoặc có chúng sanh nghi lúc sanh Bồ Tát, Ma Gia Phu Nhơn cũng đau đớn khổ não.

như các nữ nhơn khác, nên thị hiện thọ khoái lạc lúc sanh Bồ Tát, vì thế mà Ma Gia Phu Nhơn ngước vịn cành cây vô ưu mà sanh Bồ Tát. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! do duyên cớ gì mà lúc sanh, Bồ Tát từ hông bên hữu của mẹ chánh niệm xuất hiện mà chẳng từ thân phần khác ? Trong tam thiên đại Thiên thế giới, Bồ Tát tối tôn tối thắng, chẳng nhơn nữ căn trụ, chẳng nhơn nữ căn xuất. Ðây là nhứt sanh bổ xứ BồTát thị hiện như vậy, chẳng phải các người phạm hạnh khác. Vì thế mà Bồ Tát từ hông bên hữu xuất hiện. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát lúc sơ sanh được Thiên Ðế Thích Ðề Hoàn Nhơn dùng bửu y hứng lấy mà chẳng phải Thiên Nhơn khác? Thích Ðề Hoàn Nhơn xưa phát nguyện nầy : Bồ Tát lúc sơ sanh tôi sẽ dung bửu y hứng lấy. Do Bồ Tát thiện căn vi diệu nên tăng lợi ích chư Thiên Tín kính cúng dường. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì lúc vừa sanh ra Bồ Tát đi bảy bước mà chẳng sáu chẳng tám ? Quyết định Bồ Tát có đại thần lực cần tinh tiến đại trượng phu tướng, muốn thị hiện cho chúng sanh mà người khác chẳng thị hiện được như vậy. Nếu do bảy bước lợi ích chúng sanh thì Bồ Tát đi sáu bước, nếu do tám bước lợi ích chúng sanh thì Bồ Tát đi bảy bước. Vì thế nên không ai đỡ dắt Bồ Tát tự đi bảy bước chẳng phải sáu chẳng phải tám. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì Bồ Tát đi bảy bước rồi xướng lời như vầy : ở trong thế giới ta tối tôn tối thắng lìa già bịnh chết. Lúc bấy giờ trong chúng hàng Ðế Thích, Phạm Vương và chư Thiên Tử có lòng kiêu mạn tự cho mình là cao quí nhứt trong thế giói, rồi họ cao ngạo không lòng cung kính. Bồ Tát nghĩ rằng các Thiên Tử nầy có tâm kiêu mạn, do kiêu mạn họ sẽ mãi mãi thọ khổ đọa ba ác đạo. Vì thế nên Bồ Tát phát lời nói trên : Trong thế giới ta tối tôn tối thắng lìa già bịnh chết. Lúc Bồ Tát xướng như vậy âm thanh vang khắp tam thiên Ðại Thiên thế giới. Hoặc có chư Thiên Bồ Tát chưa tập họp nghe tiếng cõi xướng ấy đều vân tập đến. Lúc ấy chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc chắp tay cung kính hướng Bồ Tát mà hành lễ, đều bảo nhau rằng :

Chưa từng có. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên có gì mà Bồ Tát đi bảy bước rồi cười lớn ? Bồ Tát chẳng do ham muốn mà cười, chẳng do khinh mạn mà cười. Bấy giờ Bồ Tát suy nghĩ rằng : Các chúng sanh nầy trước kia có tham sân si và các phiền não nay cũng có như vậy. Trước kia ta đã khuyên họ phát tâm Bồ đề, nay ta đã thành mà các chúng sanh ấy biếng lười nên vẫn ở trong sanh tử khổ não chưa dứt được phiền não. Các chúng sanh nầy xưa cùng ta đồng thời phát tâm Bồ đề, nay ta đã thành Vô thượng bồ đề mà các chúng sanh nầy vì biếng lười nên còn ở trong sanh tử khổ não. Các chúng hạ liệt nầy vì lợi dưỡng mà chẳng siêng tu tinh tiến cầu Nhứt thiết trí. Các chúng sanh nầy nay còn cung kính lễ bái cúng dường ta. Thuở ấy ta sanh tâm đại bi nay ta đã mãn sở nguyện. Do duyên cớ nầy mà Bồ Tát cười lớn. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phưong tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà lúc sơ sanh thân thể Bồ Tát sạch sẽ không cấu uế, mà Ðế Thích và Phạm Vương còn tắm rửa Bồ Tát ? Vì muốn cho Ðế Thích, Phạm Vương dâng cúng dường và cũng do thế pháp anh nhi sơ sanh phải tắm rửa nên dầu thân sạch sẽ không dơ mà Bồ Tát khiến Thích, Phạm tắm rửa. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành pương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà lúc ở chỗ không nhàn, Bồ Tát chẳng liền đến đạo tràng mà trở lại vào cung ? Vì bồ Tát muốn các căn đầy đủ nên hiện ở cung điện tự vui ngũ dục rồi sau đó bỏ thiên hạ mà đi xuất gia. Lại muốn khuyến hóa người rời bỏ ngũ dục cạo râu tóc mặc pháp phục xuất gia nên thị hiện trở về cung điện mà chẳng ở chỗ không nhàn liền đến đạo tràng. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát vừa sanh được bảy ngày, Ma gia Phu Nhơn mạng chung ? Ðây là thọ mạng của Phu Nhơn hết chẳng phải lỗi nơi Bồ Tát. Trước kia lúc ở cung Trời Ðâu Suất, Bồ Tát dùng thiên nhãn thấy Ma Gia Phu Nhơn mạng căn mãn mười tháng rồi còn lại bảy ngày, Bồ Tát dùng phương tiện biết Phu Nhơn thọ mạng sắp hết mà đến thọ sanh, chẳng phải lỗi do Bồ Tát. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát học các kỹ nghệ sách luận bắn cung cỡi ngựa hành quân mưu lược ? Vì học thế pháp vậy. Trong tam thiên Ðại Thiên thế giới không một sự việc gì mà Bồ Tát chẳng biết. Hoặc kệ hoặc từ biện ứng biện, hoặc chú thuật, hoặc hí tiếu, hoặc ca vũ đánh nhạc, hoặc công xảo, lúc sanh ra Bồ Tát đã biết giỏi tất cả. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát nạp vương phi thể nữ quyến thuộc ? Bồ Tát chẳng vì lý do ái dục. Tại sao ? Vì Bồ Tát là ly dục trượng phu. Lúc ấy nếu chẳng thị hiện có vợ con, hoặc có chúng sanh sẽ bảo Bồ Tát chẳng phải nam tử trượng phu , nếu nghi như vậy thì chúng sanh sẽ mắc vô lượng tội. Vì muốn dứt sự nghi ấy nên cưới Thích chủng nữ thị hiện có La Hầu La. Chớ cho rằng La Hầu La là cha mẹ hòa hiệp sanh ra. Chính La Hầu La từ thiên cung mạng chung xuống nhập thai chẳng phải do cha mẹ hòa hiệp. Lại do vì La Hầu La có bổn nguyện làm con trai của nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát. Còn nàng Cù Di thì thuở Phật Nhiên Ðăng lúc trao bảy cành hoa sen cho phạm chí có nguyện rằng : Từ đây về sau, nhẫn đến nhứt sanh bổ xứ, phạm chí nầy sẽ luôn là chồng tôi, tôi là vợ của y. Phạm Chí nhận bảy cành hoa sen ấy rồi nói rằng : Dầu tôi chẳng nhận mà nay sở nguyện của thiện nữ nhơn nầy. Nguyện như vậy rồi chẳng lìa thiện căn bảy hoa sen, vì thế nên Bồ Tát nạp nàng Cù Di làm vợ. Lại nhứt sanh Bồ Tát thành tựu thị hiện ở trên cung điện thể nữ. Lúc ấy Bồ Tát thành tựu diệu sắc chư Thiên cúng dường, thành tựu xuất gia. Thích chủng nữ đều thấy các sư đầy đủ như vậy tâm nàng chuyên nhứt lập nguyện phát Bồ đề tâm nguyện tôi có đủ các sự vi diệu như vậy. Vì khiến Cù Di phát tâm nguyện ấy mà Bồ Tát nạp nàng làm vợ. Lại còn có đại tâm chúng sanh cư gia thọ ngũ dục lạc. Vì khiến họ xả ngũ dục xuất gia nên Bồ Tát thị hiện ở cung điện giàu sang thọ ngũ dục lạc rồi bỏ quyến thuộc đi xuất gia. Chúng sanh ấy thấy vậy nghĩ rằng : Bồ Tát thọ ngũ dục tối diệu vô thượng mà còn có thể bỏ được đi xuất gia. Lại nữa, vợ con quyến thuộc ấy vốn đều là lúc Bồ Tát hành đạo dùng thiện pháp hóa độ họ, mà họ cũng từng phát nguyện thường làm quyến thuộc của Bồ Tát nhẫn đến nhứt sanh bổ xứ. Vì muốn tăng ích pháp bạch tịnh cho các người ấy nên Bồ Tát thị hiện cùng họ làm quyến thuộc. Lại nữa vì muốn giáo hóa bốn vạn hai ngàn thế nữ cho họ phát tâm Bồ đề và cũng làm cho nhiều kẻ khác chẳng đọa ác đạo mà Bồ Tát thị hiện ở cung điện với quyến thuộc. Lại nữa, tất cả nữ nhơn đều bị lửa dục thiêu đốt, nếu họ thấy Bồ Tát liền lìa dâm dục. Lại nữa, Bồ Tát biến hóa nhiều thân nhan mạo như nhau. Các nữ nhơn kia cùng vui với Hóa Bồ Tát mà đều tưởng là thiệt Bồ Tát. Lúc ấy Bồ Tát thường tại thiền định tu an lạc hạnh. Như Hóa Bồ Tát thọ ngũ dục không có tưởng dục, cũng vậy, thiệt Bồ Tát từ thuở Nhiên Ðăng Phật đến nhứt sanh đã rời lìa dâm dục. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện. Xa Nặc và Kiền Trắc bổn nguyện cũng như vậy.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát ngồi dưới cội cây Diêm Phù Ðề tư duy ? Ðó là vì muốn hóa độ bảy ức chư Thiên. Lại cũng muốn cha mẹ biết Bồ Tát tất định cạo bỏ râu tóc pháp phục xuất gia. Lại cũng muốn thị hiện tăng ích trí huệ, bóng cây Diêm Phù Ðề theo che mát là vì muốn cho thiện căn chúng sanh tăng ích. Do những cớ ấy mà Bồ Tát ngồi thiền tư duy dưới cây Diêm Phù Ðề ! Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát chẳng thích ngũ dục xuất thành du quán ? Vì Bồ Tát muốn thị hiện thấy người già bịnh chết vậy. Vì khiến quyến thuộc biết Bồ Tát do sợ già bịnh chết mà xuất gia học đạo, chẳng phải vì cống cao tổn giảm quyến thuộc mà xuất gia, chính vì muốn lợi ích quyến thuộc mà Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát thấy lỗi họa tại gia nên xuất gia. Nhưng Bồ Tát vì hiển bày khổ già bịnh chết của tất cả chúng sanh nên thị hiện chẳng ưa ngũ dục xuất thành du quán. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà giữa đêm Bồ Tát vượt thành xuất gia ? Vì muốn lợi ích thiện căn cho chúng sanh, Bồ Tát tùy ở chỗ nào đều tăng ích thiện căn cho chúng sanh. Cũng vì pháp bạch tịnh nên xả lìa ngũ dục chẳng bảo quyến thuộc mà đi xuất gia, rời lìa những hoan lạc mà chẳng lìa pháp bạch tịnh, vì các lẽ trên đây mà Bồ Tát nửa đêm vượt thành xuất gia. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát dùng giấc ngủ trùm che cung nhơn thể nữ rồi mới đi xuất gia ? Vì muốn mọi người đổ lỗi xuất gia cho chư Thiên. Bồ Tát nghĩ rằng :

Sau khi ta đi xuất gia, trong hàng thân thuộc hoặc có ngưòi sanh lòng sân hận, họ sẽ gây tội đọa ác đạo nên muốn họ tưởng do chư Thiên khiến cung nhơn thể nữ ngủ say rồi mở cửa thành dẫn đường bay trên không mà đi, do đây đối với Bồ Tát họ càng sanh lòng kính tin. Vì thế mà Bồ Tát thị hiện dùng giấc ngủ che trùm cung nhơn thể nữ rồi đi xuất gia. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát sai Xa Nặc dắt bạch mã mang bửu y anh lạc đưa về cung ? Vì muốn quyến thuộc biết Bồ Tát chẳng tham tại gia danh y thượng phục và những châu ngọc anh lạc. Bồ Tát cũng muốn người khác học theo bỏ rời những sở hữu mà xuất gia trong Phật pháp trì hạnh tứ thánh chủng, duy chẳng được đi xuất gia nếu cha mẹ chẳng cho phép. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát lấy dao tự cắt tóc ? Trong tam thiên Ðại Thiên thế giới không có Thiên, Long, Quỉ Thần, Càn Thát Bà, Nhơn Phi Nhơn nào có thể đương cận oai đức của Bồ Tát huống là có thể kham cắt tóc của Bồ Tát. Lại muốn cho chúng sanh thâm tín rằng vì muốn xuất gia mà Bồ Tát tự cầm dao cắt tóc mình. Lại vì hộ niệm cho Tịnh Phạn Vưong : Vua Tịnh Phạn Vương sanh ác tâm tự thị oai quyền mà truyền rằng ai cạo tóc Thái Tử con trai ta sẽ bị tru lục. Lúc vua nghe tin Thái Tử tự cầm dao cắt tóc mình, ác tâm của vua liền dứt. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Ông nên lắng nghe, do duyên cớ gì mà Bồ Tát khổ hạnh sáu năm ? Ðây chẳng phải do túc nghiệp dư báo mà Bồ Tát thọ khổ ấy. Vì muốn cho các chúng sanh ở trong tất cả ác nghiệp báo hay sanh lòng lo sợ mà quy hướng Bồ Tát. Lại thuở Phật Ca Diếp, Bồ Tát có thốt lời như vậy : Tôi chẳng muốn thấy đạo nhơn đầu trọc ấy, đâu có người trọc mà có thể được Bồ đề, đạo Bồ đề thậm thâm khó được. Việc nầy cũng là phương tiện của Bồ Tát nên biết ý nghĩa của nó. Do duyên cớ gì mà Bồ Tát phát lời thô ác ấy ?

Nầy Ðức Tăng ! Thuở Phật Ca Diếp xuất thế, Bà La Môn tử tên Thọ Ðề có năm thân hữu đều là con trai của đại Bà La Môn trước đã học đại thừa rồi vì lâu ngày thân cận ác tri thức mà mất tâm Bồ đề. Năm người nầy phụng sự ngoại đạo chẳng tin Phật pháp , hiểu ngoại đạo ngữ chẳng hiểu Phật ngữ, hiểu ngoại đạo pháp chẳng hiểu Phật pháp. Ngoại đạo sư, thầy của năm người nầy được năm người phụng sự, tự nói ta là Phật Thế Tôn là Nhứt thiết trí, ta cũng có đạo Bồ đề. Lúc ấy Bà La Môn Tử Thọ Ðề muốn dùng phương tiện dẫn dụ năm thân hữu trở lại thành bửu khí chuyển đổi tà tâm ngoại đạo của họ, nên đến nhà ngõa sư nói rằng : Nay tôi muốn thấy đạo nhơn đầu trọc, đâu có người trọc mà có thể được Bồ đề, đạo Bồ đề thậm thâm khó được. Ít lúc sau, thọ Ðề cùng năm thân hữu cùng ở chỗ vắng, ngõa sư đến hướng Thọ Ðề tán thán Phật Ca Diếp Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, và bảo Thọ Ðề cùng đến chỗ Phật. Thọ Ðề suy nghĩ rằng năm thân hữu nầy thiện căn chưa thục, nếu tôi khen Phật mà chê ngoại đạo sư thì họ sẽ nghi ngờ, vậy chưa nên đến chỗ Phật. Suy nhgĩ rồi Thọ Ðề vì tự hộ bổn nguyện, vì Bát Nhã Ba La Mật báo hành phương tiện nên nói với ngõa sư rằng : Tôi chẳng muốn thấy đạo nhơn đầu trọc ấy, đâu có người trọc mà có thể được Bồ đề, đạo Bồ đề thậm thâm khó được.

Nầy Ðức Tăng ! Thế nào là Bát Nhã Ba La Mật báo ?

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, không có niệm tưởng Bồ đề không có niệm tưởng Phật, bấy giờ chẳng thấy Phật chẳng thấy Bồ đề, cũng chẳng ở trong thấy Bồ đề cũng chẳng ở ngoài thấy Bồ đề, cũng chẳng ở trong ngoài thấy Bồ đề như vậy biết rằng Bồ đề không, không có pháp. Vì Thọ Ðề biết tất cả pháp không có vì hành phương tiện nên nói : Tôi chẳng muốn thấy đạo nhơn đầu trọc, đâu có người trọc mà có thể được Bồ đề, đạo Bồ đề thậm thâm khó được.

Nầy Ðức Tăng ! Lúc khác, Thọ Ðề cùng năm người đến bên sông, do thần lực của Phật để hóa độ năm người nên ngõa sư đến hướng Thọ Ðề nói : Ông nên cùng tôi đồng đến chỗ Phật cúng dường lễ bái tôn trọng tán thán, Phật xuất thế rất là khó gặp. Thọ Ðề chẳng chịu đi. Ngõa sư liền nắm tócThọ Ðề kéo đi theo mình thẳng đến chỗ Phật. Năm thân hữu thấy vậy nghĩ rằng : Theo quốc pháp nếu ai bị người nắm tóc kéo mà cáo quan thì người nắm tóc kéo bị tử tội. Nay đức Phật ấy có công đức gì mà khiến ngõa sư chẳng kể tử tội nắm tóc Thọ Ðề kéo đến chỗ Phật. Vì suy nghĩ như vậy, nên năm người khuynh tâm đi đến chỗ Phật, đã thấy Phật rồi bổn nguyện liền phát sanh lòng kính tin. Sanh lòng kính tin rồi liền ở trước Phật trách Thọ Ðề : Ðức Thế Tôn đây có oai đức như vậy, trước anh đã nghe sau chẳng có lòng kính tin. Năm người ấy thấy oai đức Phật lại nghe thuyết pháp nên trở lại phát tâm Vô thượng Bồ đề. Phật Ca Diếp vì họ mà nói Bồ Tát tạng bất thối chuyển luân đà la ni kim cương cú vô sanh pháp nhẫn. Năm người ấy nghe pháp liền được vô sanh pháp nhẫn.



Nầy Ðức Tăng ! Thuở ấy nếu Thọ Ðề tán thán Phật Ca Diếp mà chẳng tán thán ngoại đạo sư thì năm người thân hữu ấy sẽ chẳng chịu đến gặp Phật huống là sanh lòng kính tin.

Nầy Ðức Tăng ! Vì giáo hóa năm người ấy cho họ học Ðại thừa nên Thọ Ðề dùng Bát Nhã Ba La Mật quả báo thật hành phương tiện mà nói rằng : Tôi chẳng muốn thấy đạo nhơn đầu trọc, đâu có người trọc mà có thể được Bồ đề, đạo Bồ đề rất sâu khó được.

Nầy Ðức Tăng ! Bất thối Bồ đề đối với Phật không nghi, đối với Bồ đề không nghi, đối với Phật pháp không nghi. Ðây gọi là dại Bồ Tát hành phương tiện.

Lại nữa, Bồ Tát vì giáo hóa năm người và tự hiển thị nghiệp báo do nghiệp chướng nên hiện khổ hạnh sáu năm. Chẳng phải như những chúng sanh khác chẳng thấy chẳng biết dối với Sa Môn Bà La Môn trì giới nói lên lời ác ngôn như vậy. Hoặc biết chẳng biết, hoặc hiểu chẳng hiểu, những chúng sanh ấy mãi mãi thọ khổ chẳng được lợi ích, phải đọa ba ác đạo. Vì những chúng sanh ấy tự hiện tạo nghiệp cũng tự hiện thọ báo nên đức Như Lai thị hiện thọ báo ấy.

Nầy Ðức Tăng ! Dại Bồ Tát không có tất cả chướng ngại nghiệp báo. Do vì có chúng sanh chê bai các Sa Môn, Bà La Môn trì giới mà phải ưu não chẳng được giải thoát chẳng đắc đạo quả, muốn trừ lòng ưu não của họ nên Bồ Tát thị hiện thọ nghiệp báo như vậy. Chúng sanh thấy rồi họ sẽ nghĩ rằng : Bực nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát phỉ báng Phật Ca Diếp mà còn được giải thoát đắc quả, huống là ta chẳng biết mà nói ác ngôn, nay ta nên tự hối quá chẳng còn tạo ác nghiệp nữa.

Nầy Ðức Tăng ! Lại vì hàng phục ngoại đạo mà Bồ Tát khổ hạnh sáu năm chớ chẳng phải nghiệp báo chướng ngại. Tại sao ? Vì ở thế gian có các Sa Môn, Bà La Môn mỗi ngày họ ăn một hột mè một hột gạo, họ tự cho được thanh tịnh giải thoát. Vì điều phục họ mà Bồ Tát thị hiện mỗi ngày ăn một hột mè một hột gạo. Nếu Bồ Tát ăn vật thực thô rit còn chẳng thể được thánh đạo huống là thanh tịnh giải thoát. Vì thế nên Bồ Tát nói tôi chẳng muốn thấy đạo nhơn đầu trọc, đâu có người trọc mà có thể được Bồ đề, đạo Bồ đề rất sâu khó được. Do duyên cớ nầy mà Bồ Tát hiện sáu năm khổ hạnh để điều phục năm mươi hai trăm ngàn thô hạnh chư Thiên và ngoại đạo thần tiên các thô hạnh Bồ Tát. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì là Bồ Tát sau khi ăn món thượng diệu rồi khí lực sung túc đến cây Bồ đề mà chẳng để thân gầy ốm dến cây Bồ đề ?

Nầy Ðức Tăng !Bồ Tát có thể chẳng ăn uống thân thể gầy ốm mà thành Vô thượng Bồ đề huống là có ăn mè ăn gạo. Lúc ấy vì thương các chúng sanh vị lai mà Bồ Tát ăn món thượng diệu ấy. Tại sao ? Vì các chúng sanh thiện căn chưa thục muốn cầu đạo, các chúng sanh ấy nếu chẳng ăn uống bị khổ đói khát chẳng thể được trí huệ, nếu an lạc hạnh thì được trí huệ chiếu rõ các pháp chớ chẳng phải khổ hạnh. Vì thế nên Bồ Tát khai thị cho chúng sanh hành an lạc hạnh mà được trí huệ, cũng vì thương chúng sanh vị lai muốn khiến chúng sanh bắt chước ta ăn món thượng diệu ấy, do các cớ ấy mà Bồ Tát hiện ăn món thượng diệu của nàng Tu Xá Khư rồi thành tựu ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề được Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Cô gái thí thực cũng thành tựu pháp trợ Bồ đề. Lại nên biết Bồ Tát ở trong một thiền định sanh tâm hoan hỉ suốt trăm ngàn kiếp chẳng ăn uống vẫn có thể an trụ. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát xin cỏ nơi Cát An Thiên Tử trải chỗ ngồi ? Vì chư Phật quá khứ trải tòa giải thoát chẳng dùng vật tốt lụa là và cũng vì muốn Cát An Thiên Tử thành tựu pháp trợ Bồ đề. Lúc Cát An trao cỏ cho Bồ Tát rồi phát tâm Vô thượng Bồ đề. Nầy Ðức Tăng ! Nay ta thọ ký cho Cát An Thiên Tử ấy ở đời vị lai sẽ được thành Phật hiệu Vô Cấu Như Lai Ứng Chánh Biến Tri. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát ngồi dưới cây Bồ đề khiến ác ma Ba Tuần đến chẳng muốn BồTát liền thành Vô thượng Bồ đề ?

Nầy dức Tăng ! Ma vốn chẳng thể tự đến dưới cây Bồ đề nếu Bồ Tát chẳng vời. Lúc ấy Bồ Tát ngồi dưới cây Bồ đề suy nghĩ như vầy :Trong tứ thiên hạ ai tối tôn đệ nhứt, tứ thiên hạ nầy hiện nay thuộc về ai ? Bồ Tát liền biết ác ma Ba Tuần là tối tôn trong Dục giới, nay ta đấu với ma, nếu ma chẳng bằng ta thì tất cả chúng sanh trong Dục giới đều chẳng bằng. Bấy giờ sẽ có chư Thiên đại chúng hòa hiệp đến dưới cây Bồ đề , họ đến rồi sẽ ắt sanh lòng tin. Ma chúng, Thiên chúng, chư Long, Quỉ Thần, Càn thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, tất cả đại chúng như vậy đến nhiễu cây Bồ đề thấy Bồ Tát sư tử du hỉ hoặc phát tâm Vô thượng bồ đề, hoặc phát tâm Thanh Văn Duyên Giác, hoặc sanh tín tâm, nhẫn đến thấy Bồ Tát, do nhơn duyên nầy thảy đều được giải thoát. Nầy Ðức Tăng ! Suy nghĩ như vậy rồi, Bồ Tát phóng my gian bạch hào tướng quang làm cho cung điện Ba Tuần tối đen. Bấy giờ do quang minh bạch hào chiếu khắp nên cả tam thiên Ðại Thế giới đều rất sáng. Trong quang minh ấy phát thanh như vầy : Con trai dòng Thích Ca ấy xuất gia học đạo nay sẽ thành Vô thượng Bồ đề quá cảnh giói ma, thắng chúng ma, giảm tổn tất cả ma chúng đương lai, nay Bồ Tát ấy chiến dấu với ma. Nghe âm thanh nầy Ba Tuần rất ưu sầu như tên bắn vào tim. Ma Ba Tuần nghiêm bị tứ chủng binh chật ba mươi sáu do tuần đến bao cây Bồ dề muốn hại Bồ Tát. Bấy giờ Bồ Tát trụ đại từ bi đại trí huệ, dùng tay kim sắc báo thân của trí huệ chỉ xuống đất, tất cả ma chúng liền tan rã, tám vạn bốn ngàn ức chư Thiên, Long, Quỉ Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Cưu Bàn Trà thấy Bồ Tát oai đức thân thể đẹp lạ dung nhan đoan nghiêm oai lực dũng kiện đều phát tâm Vô thượng Bồ dề. Ðây gọi là đại Bồ Tát hành phương tiện.

Nầy Ðức Tăg ! Do duyên cớ gì mà Như Lai trong bảy ngày bày đêm chẳng xả kiết già ngồi xem cây Bồ đề mắt chẳng nháy? Nầy Ðức Tăng ! Lúc ấy có chư Thiên Sắc giới tu hạnh tịch diệt. Chư Thiên nầy thấy Như Lai ngồi kiết già, họ sanh lòng hoan hỉ và nghĩ rằng : Nay chúng ta tìm coi tâm của Sa Môn Cù Ðàm y cứ nơi đâu. Suốt bảy ngày bảy đêm chư Thiên ấy tìm xem mà chẳng tìm được chỗ y cứ của một tâm niệm của đức Như Lai. Chư Thiên ấy càng vui đẹp hơn, có ba vạn hai ngàn Thiên Tử phát tâm Vô thượng Bồ đề nguyện rằng : Ðời vị lai chúng tôi cũng sẽ được hạnh tịch diệt nhìn cây Bồ đề như vậy. Vì thế nên khi thành Phật đạo rồi dức Như Lai suốt bảy ngày bảy đêm ngồi kiết già nhìn cây Bồ đề mắt chẳng nháy. ấy gọi là phương tiện của Như Lai.

Nầy Ðức Tăng ! Lúc hành Bồ Tát đạo trong vô lượng a tăng kỳ kiếp nguyện ban vui giải thoát cho tất cả chúng sanh, mà do duyên cớ gì sau khi thành Phật đạo chờ Phạm Vương thỉnh rồi đức Như Lai mới thuyết pháp ?

Nầy Ðức Tăng ! Dức Như Lai biết có số đông chư Thiên quy y và tôn trọng Phạm Vương, họ nhận rằng Phạm Thiên Vương hóa sanh chúng ta, là tối tôn trong thế giới, ngoài Phạm Thiên Vương không ai có thể tạo được thế giới. Vì muốn chư Thiên chúng sanh lòng chánh tín nên đức Như Lai chờ Phạm, Thiên Vương đến thỉnh thuyết pháp. Một khi Phạm Vương cúi đầu thì chư Thiên đã quy y Phạm Vương đều quy y Phật.

Nầy Ðức Tăng ! Như Lai có đại oai đức nên Phạm Vương đến chỗ Phật thỉnh chuyển pháp luân. Nầy Ðức Tăng ! Nếu Như Lai không dùng thần lực thì Phạm Thiên Vương ấy không hề có tâm thỉnh Phật chuyển pháp luân được. Do vì có các chúng sanh qui y Phạm Vương , đức Như Lai muốn các chúng sanh ấy rời Phạm Vương nên chờ Phạm Vương đến khuyến thỉnh thuyết pháp để lấy Phạm Vương chứng minh vậy.

Nầy Ðức Tăng ! Lúc Phạm Thiên Vương thỉnh Phật chuyển pháp luân, có sáu mươi tám trăm ngàn Phạm Thiên phát tâm Vô thượng Bồ đề nói rằng : Ðây thiệt là Phật ở trong chúng sanh là tối tôn tối thắng, nguyện tôi đời sau được trí huệ oai đức như vậy. Ðây gọi là Như Lai phương tiện.

Nầy Ðức Tăng ! Trước kia ta thuyết pháp thị hiện chúng sanh mười nghiệp đạo nhơn duyên, hoặc là Bồ Tát, hoặc là Như Lai, trong mười nghiệp ấy thị hiện phương tiện chỉ có hang trí giả mới biết nghĩa ấy.

Nầy Ðức Tăng ! Ông chớ nên quan niệm Bồ Tát còn có tội nghiệp vi tế. Nếu Bồ Tát còn có pháp bất thiện vi tế thì không bao giờ có sự ngồi đạo tràng thành Vô thượng Bồ đề. Tại sao ? Vì Như Lai thành tựu tất cả thiện pháp dứt tất cả pháp bất thiện, không có tập khí nghiệp báo sanh tử, không bao giờ còn có sót thừa chẳng dứt diệt, huống là có nghiệp báo chướng ngại.

Nầy Ðức Tăng ! Nếu có các chúng sanh cho rằng không nghiệp báo, họ chẳng tin nghiệp báo, thì vì chúng sanh ấy mà Như Lai thị hiện nhơn duyên nghiệp báo. Như Lai thiệt không có nghiệp báo. Ta là Pháp Vương còn thọ nghiệp báo huống là các chúng sanh khác mà chẳng thọ. Vì chúng sanh ấy mà thị hiện như vậy. Thế nên đức Như Lai tự hiện nghiệp duyên.

Nầy Ðức Tăng ! Như Lai không có tất cả nghiếp chướng. Ví như thơ sư học giỏi thơ luận dạy các ấu đồng tùy theo các ấu đồng mà khen các thơ chương, chẳng phải thơ sư ấy có chướng ngại nơi các thơ chương. Thơ sư ấy nghĩ rằng các ấu đồng đây theo học với tôi, tôi nên xướng như vậy cho chúng nó học theo. Thơ sư ấy chẳng phải vì chẳng thông đạt mà xướng như vậy.

Nầy Ðức Tăng ! Cũng vậy, đức Như Lai họcgiỏi nơi tất cả pháp rồi nói như vậy thị hiện như vậy để khiến các chúng sanh hành nghiệp thanh tịnh vậy.

Nầy Ðức Tăng ! Ví như dại y giỏi trị lành được tất cả các bịnh, tự mình không bịnh mà ở trước bịnh nhơn tự uống thuốc đắng, các bịnh nhơn thấy vậy bắt chước uống thuốc đều được lành bịnh.

Nầy Ðức Tăng ! Cũng vậy, đức Như Lai tự trừ tất cả bịnh phiền não rồi, với tất cả pháp không có chướng ngại hay thị hiện tất cả pháp, do nghiệp bất thiện như vậy mắc báo như vậy, hiện nhơn duyên như vậy để khiến chúng sanh trừ bỏ thân khẩu ý nghiệp chướng mà tu hành tịnh hạnh.

Nầy Ðức Tăng ! Ví như con trai nhỏ của trưởng giả hay cư sĩ, cha mẹ thương yêu giao nó cho nhũ mẫu, bấy giờ nhũ mẫu không có bịnh mà vì đứa trẻ nên tự uống thuốc đắng để cho sữa được tốt.

Nầy Ðức Tăng ! Cũng vậy, đức Như Lai là cha lành của tất cả thế giới tự mình không bịnh mà vì chúng sanh thị hiện có bịnh. Ðức Như Lai vì giáo hóa các chúng sanh chẳng biết nghiệp báo nên thị hiện do nghiệp như vậy nên mắc báo như vậy. Chúng sanh nghe biết rồi lòng họ kinh sợ trừ bỏ ác nghiệp chẳng làm ác duyên".

Bấy giờ đức Phật lại bảo Trí Thắng Bồ Tát : "Nầy Trí Thắng ! Thuở quá khứ thời kỳ ta gặp Phật Nhiên Ðăng xuất thế có năm trăm khách buôn vì tìm châu báo mà vào biển lớn. Trong bọn có một ác nhơn nhiều gian ngụy thường làm ác nghiệp không hề ăn năn. Người ấy giỏi võ hằng làm giặc cướp, nay giả làm khách buôn cùng đi chung một thuyền. Lúc được nhiều châu báu trở về, người ác nầy muốn giết tất cả năm trăm khách buôn trên thuyền để cướp tất cả châu báu làm của riêng mình. Bấy giờ hướng đạo sư trong đoàn khách buôn tên Ðại Bi chiêm bao thấy hải thần dến mách rằng : Trong đoàn của ông có tên ấy là ác nhơn hằng làm giặc cướp đoạt của người, nay nó sanh ác tâm muốn giết cả năm trăm người để lấy trọn châu báu. Nếu dể nó giết cả năm trăm người nầy thì nó gây thành nghiệp đại nghịch. Tại sao ? Vì năm trăm người nầy là Bồ Tát bất thối chuyển hướng Vô thượng Bồ đề, nếu ác nhơn ấy giết họ mắc tội đại nghịch thì trong thời gian mỗi người nầy từ sơ phát tâm đến thành Phật, ác nhơn ấy phải thường ở tại địa ngục. Ông là đạo sư phải có phương tiện gì khiến ác nhơn ấy chẳng phạm tội đọa địa ngục, mà năm trăm Bồ Tát nầy cũng được toàn thân mạng. Sau khi được hải thần mách, Ðạo Sư Ðại Bi suy nghĩ ta phải dùng phương tiện gì làm cho ác nhơn ấy khỏi đọa địa ngục mà năm trăm khách buôn cũng được toàn thân mạng ? Suy nghĩ như vậy rồi, Ðạo Sư giữ kín không nói sự ấy với một ai.

Bấy giờ thuyền chờ gió bảy ngày sau sẽ trở về Diêm Phù Ðề. Bảy ngày đã qua, Ðạo Sư tự nghĩ không còn có phương tiện nào khác ngoài việc phải trừ tên ác nhơn ấy mới cứu thoát đoàn khách buôn năm trăm người nầy. Nếu ta nói sự nầy cho người khác biết thì năm trăm khách buôn nầy sẽ sanh ác tâm giết tên ác nhơn ấy và họ sẽ phải đọa ác đạo. Nay ta nên tự mình giết ác nhơn ấy, dầu do cớ giết nầy mà ta phải đọa địa ngục chịu khổ ta có thể nhẫn thọ được, chớ nên để ác nhơn ấy gây nghiệp đại nghịch hại năm trăm Bồ Tát mà nó phải đọa địa ngục mãi mãi chịu khổ.

Nầy Trí Thắng ! Khi suy nghĩ như vậy rồi , Ðạo Sư Ðại Bi sanh lòng thương xót rằng : Tôi hộ mạng năm trăm người và cam chịu khổ địa ngục thế cho ác nhơn mà hại tên ác nhơn ấy. Ðạo Sư liền cầm mâu nhọn đâm chết ác nhơn khiến đoàn khách buôn yên ổn về đến Diêm Phù Ðề.

Nầy Trí Thắng ! Ông chớ có nghi ! Thuở ấy , Ðạo Sư Ðại Bi chinh là thân ta, năm trăm khách buôn là năm trăm Bồ Tát tại Hiền kiếp nầy và sẽ thành Phật cũng tại kiếp nầy.

Nầy Trí Thắng ! Thuở ấy vì ta hành đại bi phương tiện nên được siêu việt trăm ngàn kiếp nạn sanh tử. Còn ác nhơn ấy sau khi chết sanh lên cõi trời.

Nầy trí Thắng! Ông nên biết chớ có quan niệm Bồ Tát có nghiệp báo chướng ngại như vậy mà được siêu việt trăm ngàn kiếp nạn sanh tử. Sự việc thuở ấy chính là sức phương tiện của Bồ Tát.

Nầy Trí Thắng ! Ngày trước trong thành Xá Vệ có hai mươi người dều là bực tối hậu thân. Hai mươi người nầy lại có hai mươi kẻ thù đều nghĩ rằng : Tôi sẽ làm thân hữu đến nhà nó để thừa dịp giết nó chẳng cho ai biết. Do thần lực của Phật, cả bốn mươi người đều đến chỗ Phật. Vì muốn điều phục bốn mươi người ấy, nên đức Phật ở giữa dại chúng bảo Tôn giả Mục Kiền Liên rằng :Nầy Ðại Mục Kiền Liên ! Nay trong chỗ đất nầy có cây giáo vàng muốn đâm vào chưn hữu của ta.

Cây giáo vàng liền từ dất trồi lên độ một cánh tay. Tôn giả Ðại Mục Kiền Liên bạch rằng :

Bạch đức Thế Tôn ! Nay tôi sẽ lấy cây giáo nầy ném nó qua thế giới phương khác.

Ðức Phật phán : Nầy Ðại Mục Kiền Liên chẳng phải khả năng của ông. nay cây giáo nầy còn cắm trong đất sức ông không nhổ lên được.

Tôn giả Ðại Mục Kiền Liên dủng đại thần lực dến nhổ cây giáo ấy, cả tam thiên Ðại Thiên thế giới đều dại chấn động mà chẳng lay động dược cây giáo ấy. Bấy giờ đức Như Lai dùng sức thần thông thăng lên trời Tứ Thiên Vương, cây giáo vàng ấy cũng bay theo Phật. Ðức Phật thăng lên Trời Ðao Lợi, Trời Dạ Ma, Trời Ðâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại nhẫn đến Trời Phạm Thiên, cây giáo vàng ấy cũng vẫn bay theo Phật. Ðức Phật lại từ Phạm thiên trở xuống Diêm Phù Ðề trong thành Xá Vệ nơi chỗ ngồi trước, cây giáo ấy cũng trờ về chỗ đất cũ dựng đứng hướng mũi về phía Phật. Ðức Phật dùng tay mặt nắm lấy cây giáo, tay trái đặt trên đất rồi lấy chưn mặt đạp lên mũi giáo. Cả tam thiên Ðại Thiên thế giới dều đại chấn động".

Tôn giả A Nan đứng dậy trịch y vai hữu tác lễ mà bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Thuở xưa đức Như Lai tạo nghiệp gì mà nay thọ báo nầy?".

Dức Phật phán : "Nầy A Nan ! Vì đời quá khứ trong lúc đi thuyền vào biển ta cầm mâu đâm chết người. Do nghiệp duyên ấy mà bị báo nầy".

Thuật đến đây đức Phật bảo Trí Thắng Bồ Tát : " Lúc ta nói nghiệp báo nhơn duyên như vậy, hai mươi người thù ác kia tự nghĩ rằng : Ðức Như Lai Pháp Vương còn mắc báo ác nghiệp như vậy huống là ta mà chẳng thọ ác báo ! Hai mươi người nầy liền đảnh lễ Phật mà bạch rằng : Nay chúng tôi hướng Phật hối quá chẳng dám che giấu. Bạch đức Thế Tôn ! Tôi trước có ác tâm giết hại người ấy nay tôi lại hối quá chẳng dám che giấu.

Nầy Trí Thắng ! Lúc ấy dức Phật vì hai mươi người đó mà nói tác nghiệp duyên và tận nghiệp duyên. Nghe pháp xong, hai mươi người đó được chánh giải và trong đại chúng lúc ấy cũng có bốn vạn người được chánh giải. Vì có sự ấy mà Như Lai thị hiện cây giáo vàng đâm vào chưn hữu. Ðây gọi là Như Lai phương tiện vậy.

Nầy Trí Thắng ! Do duyên cớ gì mà Như Lai vốn không bịnh lại cầu hoa sen xanh nơi thần y Kỳ Vức để ngửi để xổ ? Lúc ấy đức Như Lai chế giới giải thoát chưa bao lâu có năm trăm Tỳ Kheo là bực tối hậu thân thường ở rừng khác tu tập. Các Tỳ Kheo ấy bị bịnh , thuốc cũ hư mục không chữa trị được. Các Tỳ Kheo ấy kính htuận Phật chế chẳng tìm thuốc khác. Ðức Như Lai biết như vậy nên hành phương tiện cầu hoa ưu bát la nơi thần y Kỳ Vức dể ngửi cho xổ. Bấy giờ Tịnh Cư Thiên đến chỗ các Tỳ Kheo bịnh mà bảo rằng : Các Ðại Ðức nên tìm thuốc khác chớ giữ bịnh mà chết. Các Tỳ Kheo đáp : Chúng tôi chẳng dám trái lời dạy của đức Thế Tôn. Chúng tôi thà chết chớ chẳng trái lời Phật, chúng tôi chẳng tìm thuốc tốt đầy dư. Tịnh Cư Thiên nói : Chư Ðại Ðức ! Ðức Như Lai Pháp Vương tìm thuốc tốt khác mà bỏ thuốc cũ hư, vậy các Ðại Ðức nên tìm thuốc khác. Các Tỳ Kheo nghe xong hết nghi nên tìm thuốc khác uống thuốc khác sau đó được lành bịnh. Ðược lành bịnh rồi sau đó bảy ngày chứng quả A La Hán.

Nầy Trí Thắng ! Nếu đức Như Lai chẳng tìm thuốc khác thì các Tỳ Kheo bịnh ấy cũng chẳng tìm thuốc khác. Nếu họ chẳng tìm và uống thuốc khác thì chẳng bao giờ hết bịnh và chứng quả A La Hán. Ðây gọi là Như Lai phương tiện.

Nầy Trí Thắng ! Do duyên cớ gì mà đức Như Lai vào thành khất thực mang không bát trở ra ?

Nầy Trí Thắng ! Ðức Như Lai không có nghiệp chướng. Lúc ấy đức Như Lai thương xót các Tỳ Kheo đương lai hoặc có người vào thành ấp khất thực vì kém phước đức mà khất thực chẳng được, họ sẽ nghĩ rằng : Ðức Như Lai Thế Tôn công đức thành tựu vào thành khất thực còn mang bát không trở ra huống là chúng ta thiện căn kém mỏng. Chúng ta chẳng nên vì khất thực chẳng được mà sanh phiền muộn ! Do vì thương người sau như vậy nên đức Như Lai thị hiện vào thành khất thực mang bát không trở ra.

Nầy Trí Thắng ! Ông chớ cho rằng ác ma Ba Tuần có thể che đậy tâm của các trưởng giả cư sĩ trong thành khiến họ chẳng bố thí thực phẩm. Tại sao ? Vì ác ma Ba Tuần không có khả năng đoạn tuyệt thực phẩm của Như Lai. Ðó là do thần lực của Phật khiến Ba Tuần che đậy tâm các trưởng giả cư sĩ chớ chẳng phải năng lực ác ma làm được. Ðức Phật cũng hoàn toàn không có nghiệp chướng, vì hóa độ chúng sanh mà Phật thị hiện bát không trở ra. Lúc đó Phật và chư Tỳ Kheo chẳng được ăn, Tất cả Thiên ma và chư Thiên khác nghĩ rằng : Phật và chúng Tăng chẳng được ăn chừng đó ưu sầu chăng ? Ðêm đó họ thấy Phật và chúng Tăng chẳng có một niệm ưu não, tâm cũng chẳng thay đổi trước sau vẫn bình đẳng. Thấy vậy, có bảy ngàn Thiên Tử đối với Như Lai sanh lòng kính tin. Phật vì họ thuyết pháp, tất cả đều được pháp nhãn tịnh.

Nầy Trí Thắng ! Sau đó trong thành các trưởng giả cư sĩ liền đến chỗ Phật đảnh lễ sám hối. Phật vì họ thuyết Tứ thánh đế pháp, có hai vạn người nơi tất cả pháp được pháp nhãn tịnh. Ðây gọi là Như Lai phương tiện.

Nầy Trí Thắng ! do duyên cớ gì mà cô gái Bà La Môn Chiên Già dùng chậu gỗ cột nơi bụng phỉ báng Như Lai rằng : Do Sa Môn Cù Ðàm làm cho tôi có thai phải cung cấp tôi áo chăn ăn uống ?

Nầy Trí Thắng ! Trong sự việc ấy đức Như Lai không có nghiệp chướng. Nếu có, đức Như Lai có thể ném nàng ấy ra ngoài hằng sa thế giới. Do phương tiện mà Như Lai thị hiện nghiệp chướng ấy để hóa độ các chúng sanh chẳng hiểu biết. Tại sao ? Vì đời đương lai sẽ có các Tỳ Kheo xuất gia học đạo trong Phật pháp, hoặc có người bị kẻ khác phỉ báng rồi sanh lòng hổ thẹn chán nản mà xả giới huờn tục. Do vì Như Lai đã thị hiện duyên sự ấy, các Tỳ Kheo đời sau nếu có bị phỉ báng họ nên nghĩ rằng : Ðức Như Lai thành tựu tất cả thiện pháp đủ đại oai đức mà còn bị phỉ báng huống là chúng ta. Do suy nghĩ như vậy họ sẽ không hổ thẹn chán nản và sẽ tu tập tịnh diệu phạm hạnh.

Nầy Trí Thắng ! Cô gái Bà La Môn Chiên Già ấy thường bị ác nghiệp che chướng nên nhiều bất tín, nay nàng ấy ở trong Phật pháp chẳng điều phục luôn bị ác nghiệp che chướng nhẫn đến trong giấc mộng cũng sanh lòng phỉ báng lúc thức dậy vui mừng, nàng ấy mạng chung sẽ đọa địa ngục.

Nầy Trí Thắng ! Ta có thể dùng phương tiện khác trừ các nghiệp bất thiện của nàng ấy cứu nó khỏi sanh tử. Hoặc có lúc Như Lai chẳng cứu người khác. Tại sao ? Vì Như Lai đối với tất cả chúng sanh không có tâm thiên lệch. Ðây gọi là Như Lai phương tiện.

Nầy Trí Thắng ! Do duyên cớ gì mà các Bà La Môn giết cô gái Bà La Môn Tôn Ðà Lợi rồi chôn trong hào vườn Kỳ Hoàn ?

Nầy Trí Thắng ! Lúc ấy Như Lai biết rõ sự việc trên mà bỏ chẳng nói. Ðức Nhu Lai thành tựu Nhứt thiết trí tâm không có chướng ngại, hay dùng thần lực có thể khiến lưỡi dao ấy chẳng phạm vào thân cô gái. Ðức Như Lai biết cô gái Tôn Ðà Lợi mạng căn sắp hết tất bị người giết, do đó phương tiện khiến các ngoại đạo lộ bày nghiệp ác và đọa vào chỗ khổ não. Sự việc như vậy duy có Phật biết an trụ sự ấy khiến nhiều chúng sanh phát tâm thanh tịnh thêm lớn thiện căn.

Lúc ấy trong bảy ngày Như Lai chẳng vào thành Xá Vệ, thời gian nầy Như Lai điều phục sáu mươi ức chư Thiên.

Quá bảy ngày chư Thiên và mọi ngưòi cùng tụ họp đến chỗ Phật. Dức Như Lai vì họ thuyết pháp. Nghe pháp rồi có tám vạn bốn ngàn người nơi tất cả pháp được pháp nhãn tịnh. Dây gọi là Như Lai phương tiện.

Nầy Trí Thắng ! Do duyên cớ gì mà Như Lai và chúng Tăng trong ba tháng tại tụ lạc của Bà La Môn Tỳ Lan Nhã ăn lúa ngựa ? Lúc ấy ta biết trước Bà La Môn đó tất sẽ quên bỏ sự thỉnh Phật và Tăng mà chẳng cung cấp uống ăn nhưng ta vẫn cố ý thọ thỉnh. Tại sao ?Vì muốn độ năm trăm ngựa vậy. Bầy ngựa ấy đời trước đã từng học Ðại thừa rồi, đã từng cúng dường chư Phật quá khứ, do gần ác tri thức tạo ác nghiệp nên đọa súc sanh. Trong bầy có một ngựa lớn tên Nhựt Tạng là đại Bồ Tát. Ðời quá khứ, Nhựt Tạng Bồ Tát ở trong nhơn đạo đã từng khuyến hóa năm trăm người, nay là năm trăm ngựa nhỏ phát tâm Bồ đề, nay vì muốn dộ năm trăm ngựa nhỏ nên thị hiện sanh trong loài ngựa. Do oai đức của ngửa lớn khiến năm trăm ngựa nhỏ tự biết túc mạng và trở lại được bổn tâm nguyện đã từng mất.

Nầy Trí Thắng ! Vì ta thương năm trăm Bồ Tát đọa trong loài ngựa muốn chúng được thoát ly súc sanh nên Như Lai biết trước mà vẫn thọ thỉnh.

Nầy Trí Thắng ! Trong ba tháng, giảm nửa phần lúa ăn mỗi ngày của năm trăm ngựa nhỏ cúng dường chúng Tăng, giảm nửa phần lúa ăn mỗi ngày của ngựa lớn cúng dường Như Lai. Ngựa lớn, Nhựt Tạng Bồ Tát, dùng tiếng loài ngựa thuyết pháp cho năm trăm ngựa nhỏ, cũng dạy sám hối lễ Phật và Tỳ Kheo Tăng cùng phát tâm cúng dường nửa phần ăn cho chúng Tăng. Năm trăm ngựa nhỏ sám hối rồi sanh lòng tịnh tín đối với Phật Pháp Tăng. Sau đớ chẳng lâu bầy ngựa chết sanh cung Trời Ðâu Suất. Năm trăm thiên Tử nầy liền từ thiên cung dến chỗ Phật tác lễ cúng dường nghe Phật thuyết pháp đều được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề. Nhựt Tạng Bồ Tát sẽ cúng dường vô lượng chư Phật thành tựu pháp trợ Bồ đề sẽ được thành Phật hiệu Ðiều Ngự Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Nầy Trí Thắng ! Trong thế gian nầy không có thượng phẩm mỹ vị nào mà Như Lai chẳng được. Trong tam thiên Ðại thiên thế giới không có mỹ vị nào giống được mỹ vị của Như Lai đã ăn. Tại sao ? Vì Như Lai được tướng đại nhơn tên là vị trung thượng vị. Dầu là món ăn cực thô dể vào miệng Như Lai liền thành thượng vị hơn cả diệu thực của chư Thiên. Do đây nên biết món ăn của Như Lai tối thắng tối diệu.

Nầy Trí Thắng ! Lúc ấy A Nan lòng buồn phiền nghĩ rằng dòng Chuyển Luân Vương xuất gia học đạo mà như kẻ hạ tiện ăn gạo lúa ngựa nầy. Ta biết tâm niệm A Nan liền trao cho A Nan một hột bảo rằng ông nếm hột cơm nầy xem mùi vị nó thế nào ? A Nan nếm xong sanh lòng hi hữu bạch rằng : Bạch đức Thế Tôn ! Tôi sanh trong vương gia lớn lên trong vương gia mà chưa từng được nếm mùi vị thượng diệu nầy. Ăn hột cơm ấy xong, trọn bảy ngày bảy đêm A Nan chẳng ăn chẳng uống mà không thấy đói khát. Do dây mà biết rằng sự việc trên là phương tiện của Như Lai chớ chẳng phải nghiệp chướng.

Nầy Trí thắng ! Có Sa Môn, Bà La Môn trì giới thọ người thỉnh như ta rồi biết thỉnh chủ hoang mê chẳng thể cung cấp hoặc họ chẳng chịu ở. Do cớ ấy mà Như Lai dã có chỗ hứa khả thị hiện thọ thỉnh đến ở và đồng thời thị hiện nghiệp báo nhơn duyên.

Nầy Trí Thắng ! Ông nên biết thường pháp của Như Lai là dầu thọ người thỉnh rồi chẳng được cung cấp cũng chẳng để cho thỉnh chủ mang tội đọa ác đạo.

Nầy Trí Thắng ! Lại vì trong năm trăm Tỳ Kheo cùng Như Lai an cư ăn gạo lúa ngựa ấy có bốn trăm Tỳ Kheo hễ thấy ngon tốt thì sanh lòng tham dục. Các Tỳ Kheo nầy nếu ăn ngon thì thêm lòng dục. Nếu ăn đồ thô xấu thì chẳng sanh lòng dục. Quá ba tháng an cư ấy rồi, bốn trăm Tỳ Kheo rời lìa tâm dâm dục chứng quả A La Hán.

Nầy Trí Thắng ! Vì điều phục năm trăm Tỳ Kheo và độ năm trăm Bồ Tát mắc báo súc sanh mà đức Như Lai dùng sức phương tiện thọ ba tháng ăn gạo lúa ngựa chớ chẳng phải là nghiệp báo. Ðây gọi là Như Lai phương tiện.

Nầy Trí thắng ! Do duyên cớ gì mà ngày thứ mười lăm lúc thuyết giới, đức Như Lai bảo Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp : Hôm nay ta dau lưng, ông nói bảy pháp giác phần ?

Nầy Trí Thắng ! Ngày ấy có tám ngàn Thiên Tử do pháp Thanh Văn mà tự điều phục hòa hiệp cùng ngồi trong chúng. Chư Thiên tử nầy thuở quá khứ được Ðại Ca Diếp giáo hóa kính tin Phật Pháp Tăng nhiều lần nghe Ðại Ca Diếp Tỳ Kheo giảng bảy pháp giác phần.

Nầy Trí Thắng ! Trừ Ma Ha Ca Diếp, dầu có trăm ngàn đức Phật thuyết pháp cũng không làm cho tám ngàn Thiên Tử nầy hiểu được.

Lúc ấy Ðại Ca Diếp tuân lời Phật thuyết pháp, tám ngàn Thiên Tử ấy nghe rộng nghĩa bảy pháp giác phần liền ở nơi tất cả pháp được pháp nhãn tịnh.

Nầy Trí Thắng ! Nếu có chúng sanh thân mắc bịnh khổ không đến chỗ thuyết pháp được dể cung kính nghe pháp. Họ nên nghĩ rằng : Ðức Phật là Pháp Vương còn nghe thuyết bảy pháp giác phần mà lành bịnh huống là chúng ta mà chẳng đến nghe pháp chẳng cung kính pháp.

Nầy Trí thắng ! Vì điều phục chư Thiên và trừ bịnh khổ cho người cũng hiển bày kính trọng nơi pháp nên Như Lai bảo Ðại Ca Diếp : Hôm nay ta đau lưng ông nên thuyết bảy pháp giác phần. Nên biết đức Như Lai không có thân tứ đại thô trọng huống là có bịnh hoạn. Ðây gọi là Như Lai phương tiện.

Nầy Trí Thắng ! Do duyên cớ gì lúc dòng Thích Ca bị phá, đức Như Lai tự nói đau đầu ?

Nầy Trí Thắng ! Hoặc có chúng sanh nói rằng : Thế Tôn chẳng thể lợi ích thân tộc cũng chẳng thương xót chẳng muốn an ổn, xuất gia rồi dứt ý tưởng dòng họ chẳng muốn cứu hộ. Vì chẳng biết mà họ nói như vậy.

Nầy Trí Thắng ! Ðức Như Lai đã sạch hết gốc khổ. Vì biết tâm niệm của các chúng sanh ấy nên đức Như Lai ngồi dưới cây xá gia tự nói đau đầu.

Nầy Trí Thắng ! Hôm ấy ta nói với A Nan là ta đau đầu. Bấy giờ có ba ngàn Thiên Tử đoạn kiến, lại có vô lượng chúng sanh háo sát cùng tập họp chỗ Phật. Vì họ mà ta thị hiện nghiệp chướng nói rằng : Ta do thấy người khác sát sanh mà có lòng tùy hỉ nên mắc báo đau đầu. Nghe lời nầy có bảy ngàn trời và người được điều phục. Ðây gọi là Như Lai phương tiện.

Nầy Trí Thắng ! Do duyên cớ gì mà Bà La Môn Phả La Ðọa dùng năm trăm cách chửi mắng Phật, Phật nghe mà vẫn nhẫn nhịn ?

Nầy Trí Thắng ! Ðức Như Lai có thể dùng thần lực ném Bà La Môn ấy để ở thế giới khác cũng có thể dùng thần lực khiến Bà La Môn ấy chẳng thốt được một lời.

Nầy Trí Thắng ! Lúc ấy có số đông Người và Trời thấy đức Như Lai hay nhẫn được lời chửi mắng chẳng nói chẳng đáp mà luôn an trụ nơi tâm xả tâm bình đẳng tâm lợi ích tâm kham nhẫn trước như sau sau như trước, có bốn ngàn Trời Người phát tâm Vô thượng Bồ đề. Bà La Môn Phả La Ðọa thấy vậy cũng sanh lòng kính tin quy y Phật Pháp Tăng gieo giống giải thoát. Ðây gọi là Như Lai phương tiện.

Nầy Trí Thắng ! Ðề Bà Ðạt Ða cùng Bồ Tát đời đời chung sanh một chỗ, đây cũng là phương tiện của Như Lai. Vì sao ? Vì nhơn nơi Ðề Bà Ðạt Ða mà ta được đầy đủ sáu Ba la mật cũng lợi ích vô lượng chúng sanh. Làm thế nào biết như vậy ? Nầy Trí Thắng ! Thuở nọ các chúng sanh hưởng thọ sung sướng chẳng biết làm việc bố thí, Bồ Tát hiện làm Chuyển Luân Vương muốn dạy họ làm việc bố thí, bấy giờ Ðề Bà Ðạt Ða hiện làm phạm chí dến chỗ Bồ Tát cầu xin quốc thành vợ con và đầu mắt tay chưn, Bồ Tát đều hoan hỉ bố thí cả. Vô lượng chúng sanh thấy vậy tin hiểu việc bố thí mà nói rằng như Bồ Tát bố thí , tôi cũng bố thí như vậy nguyện thành Bồ đề.

Nầy Trí Thắng ! Ðề Bà Ðạt Ða hoặc thấy Bồ Tát trì giới thanh tịnh muốn phá giới của Bồ Tát thọ trì, Bồ Tát vẫn chẳng hư tịnh giới, Vô lượng chúng sanh thấy Bồ Tát trì giới cũng bắt chước trì giới như Bồ Tát cầu thành Bồ đề.

Nầy Trí Thắng ! Ðề Bà Ðạt Ða thấy Bồ Tát tu nhẫn nhục hoặc khinh chê mắng chửi, Bồ Tát vẫn chẳng sanh ác tâm mà đầy đủ Sằn đề Ba la mật. Vô lượng chúng sanh thấy BồTát diều tâm nhẫn nhục cũng bắt chước tu nhẫn nhục.



Nầy Trí Thắng ! Nên biết Ðề Bà Ðạt Ða làm lợi ích lớn cho Bồ Tát.

Như nay Ðề Bà Ðạt Ða thả voi lớn say muốn hại Như Lai cũng như ở núi Kỳ Xà quật xô dá lớn, dều là phương tiện của Như Lai thị hiện chẳng phải tội nghiệp báo. Tại sao ? Vì do phương tiện ấy mà lợi ích vô lượng chúng sanh.

Nầy Trí Thắng ! Như Lai tổng nói nhơn duyên mười nghiệp đều là đức Như Lai phương tiện thị hiện chẳng phải là nghiệp báo. Tại sao ?Vì chúng sanh chẳng rõ nghiệp nhơn cảm vời quả báo, nên vì chúng sanh mà Như Lai thị hiện nghiệp báo như vậy. Tạo nghiệp ấy rồi mắc báo như vậy. Nghiệp kia được tạo rồi mắc báo như vậy. Chúng sanh nghe xong họ lìa nghiệp ấy mà tạo nghiệp kia : họ lìa ác nghiệp mà tu tập thiện nghiệp.

Nầy Trí Thắng ! Nay đức Như Lai nói phương tiện rồi thị hiện phương tiện rồi, các phương tiện nầy phải giữ chặt cất kín chẳng nên nói với hạng người hạ liệt thiện căn kém mỏng. Tại sao ? Vì kinh nầy chẳng phải chỗ hành của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật huống là phàm phu hạ liệt mà có thể tin hiểu được. Kinh phương tiện nầy chẳng phải dùng của họ, chẳng phải các phàm khí thọ trì được. Chỉ có Bồ Tát là hay thuyết hay học kinh phương tiện này.

Nầy Trí Thắng ! Ví như đêm tối thắp đèn sáng lớn thấy được tất cả đồ vật trong nhà. Cũng vậy, Bồ Tát nghe kinh nầy rồi thì thấy được tất cả đạo sở hành của Bồ Tát , trong pháp nầy là chỗ mà tôi phải học. Nơi tất cả sở hànhcủa Như Lai của Bồ Tát đều đã đến bỉ ngạn. Người giỏi hành đạo Bồ Tát chẳng lấy đó làm khó.

Nầy Trí Thắng ! Nay ta sẽ nói về người muốn được đạo Bồ đề, nghĩa là các thiện nam tử thiện nữ nhơn nghe tin quá trăm ngàn do tuần có chỗ giảng thuyết kinh phương tiện nầy thì nên đến đó để nghe. Tại sao ? Vì nếu Bồ Tát được nghe kinh phương tiện nầy thì được quang minh hạnh, ở trong tất cả pháp trừ hết tâm nghi hối".

Lúc nói kinh nầy tứ chúng và các Trời Người, kẻ đã hành bửu khí dều nghe đều biết, kẻ chẳng phải bửu khí dầu ở tại hội cũng chẳng nghe chẳng biết, ở trong kinh nầy tai còn chẳng nghe huống là miệng nói được, vì chẳng phải bửu khí chẳng nhờ thần lực của Phật vậy.

Lúc nói kinh nầy, có bảy vạn hai ngàn người phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Bấy giờ Tôn giả A Nan bạch rằng : Bạch đức Thế Tôn ! Kinh nầy tên gì, phụng trì thế nào ?".

Dức Phật dạy : "Nầy A Nan ! kinh nầy tên là Phương Tiện Ba la mật cũng tên là Chuyển Phương Tiện Phẩm. Cũng tên là Thuyết Phương Tiện Ðiều Phục, các ông nên phụng trì như vậy".

Ðức Phật nói kinh nầy rồi, Trí Thắng Bồ Tát lòng sanh vui mừng, cùng những hàng học Thanh Văn thừa, học Bích Chi Phật thừa, học Bồ Tát thừa, Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu Bà Di và chư Thiên, Long, Quỉ Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhơn và Phi Nhơn tất cả đại chúng nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

PHÁP HỘI ÐẠI THỪA PHƯƠNG TIỆN

THỨ BA MƯƠI TÁM

HẾT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]