Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 10: Phẩm Tĩnh Lự Ba La Mật Thứ mười

15/04/201311:16(Xem: 15338)
Phần 10: Phẩm Tĩnh Lự Ba La Mật Thứ mười

Kinh Đại Bảo Tích

Phần 10: Phẩm Tĩnh Lự Ba La Mật Thứ mười

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Ðức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất rằng : « Thế nào gọi là đại Bồ Tát tinh cần tu học Tĩnh lự Ba la mật vì chúng sanh mà thật hành Bồ Tát hạnh ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Vì chúng sanh mà đại Bồ Tát siêng tu bốn thứ tĩnh lự. Những gì là bốn ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát vì ly dục ly pháp ác bất thiện nên có tầm có từ ly sanh hỉ lạc. Ðây gọi là Bồ Tát an trụ tĩnh lự thứ nhứt.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Vì đại Bồ Tát diệt tầm và từ nên nội tịnh tâm nhứt không tầm.không từ định sanh hỉ lạc. Ðây gọi là Bồ Tát an trụ tĩnh lự thứ hai.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát vì ly hỉ nên an trụ nơi xả, chánh niệm chánh tri, thân chánh thọ lạc được các thánh nói, có xả có niệm, an trụ nơi lạc ly hỉ. Ðây gọi là Bồ Tát an trụ tĩnh lự thứ ba.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ tát vì dứt lạc nên dứt khổ làm trước và mất ưu hỉ, bất khổ bất lạc xả niệm thanh tịnh. Ðây gọi là Bồ Tát an trụ tĩnh lự thứ tư.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát ở tịnh lự ấy định tâm thanh bạch không có uế trược rời lìa các tùy phiền não, chẳng xả tĩnh lự mà có thể phát khởi tất cả công việc của tịnh lự . Ðây gọi là đại Bồ Tát vì y Tĩnh lự Ba la mật mà siêng tu bốn thứ tịnh lự.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào là công việc tĩnh lự của đại Bồ Tát ? Ðó là Bồ Tát thành tựu thần thông trí nghiệp viên mãn.

Nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào là Bồ Tát thần thông ? Lấy những gì mà làm trí nghiệp ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát thành tựu thông trí đủ có năm thứ : Thiên nhãn tác chứng trí thông, thiên nhĩ tác chứng trí thông, tha tâm trí tác chứng trí thông, túc trụ ức niệm tác chứng trí thông, như ý túc sai biệt tác chứng trí thông. Ðây gọi là năm thứ thần thông của đại Bồ tát. Ở trong đó Bồ Tát thành tựu dầy đủ trí nghiệp viên mãn.

Nầy Xá Lợi Phất ! Vì đại Bồ Tát tu hành Tĩnh lự Ba la mật nên được thiên nhãn trí nghiệp viên mãn ấy. Ðịnh tâm như vậy, thanh tịnh minh bạch không trược uế rời tùy phiền não, vì thế nên ở nơi các loài hữu tình hoặc tử hoặc sanh tác chứng trí thần thông, tâm ấy khéo đến. Ðại Bồ tát thiên nhãn thanh tịnh sáng suốt chiếu rõ hơn hẳn mắt người , xem thấy các hữu tình hoặc tử hoặc sanh sắc đẹp sắc xấu loài lành loài ác hoặc liệt hoặc thắng, tùy các chúng sanh do nghiệp chứa họp đều biết rõ cả. Dùng tịnh thiên nhãn như vậy thấy các chúng sanh tạo thân ác hạnh, tạo ngữ ác hạnh, tạo ý ác hạnh, chê bai hiền thánh phát khởi tà kiến. Họ do nghiệp nhơn tà kiến nên thân hư mạng chung đọa vào ác đạo địa ngục ngạ quỷ súc sanh. Có các chúng sanh tạo thân diệu hạnh, tạo ngữ diệu hạnh, tạo ý diệu hạnh, chẳng chê hiền thánh phát khởi chánh kiến. Họ do nghiệp nhơn chánh kiến nên thân hư mạng chung sanh vào cõi trời thiện đạo.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Vì đại Bồ Tát tu hành Tĩnh lự Ba la mật nên được thiên nhãn sáng suốt tối thắng hơn loài hữu tình được thiên nhãn, thấy suốt tất cả sắc tướng hoặc thô hoặc tế, hoặc thắng hoặc liệt, hoặc xa hoặc gần, các cảnh ấy đối trước mắt đều thấy rõ cả.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Do thiên nhãn ấy nên tất cả sắc tượng có chướng ngại đến trước mắt Bồ Tát đều thấy suốt rõ ràng không có chướng ngại.

Nầy Xá Lợi Phất ! Thiên nhãn của Bồ Tát ở trong cõi trời là tối thắng. Những thiên nhãn của Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Hữu Học, Vô Học, A La Hán, Ðộc Giác chẳng sánh được với thiên nhãn của Bồ Tát. Thiên nhãn nầy là do các đạo xuất ly phát sanh ra nên rất sáng rõ thấy suốt. Trong vô lượng vô biên thế giới mười phương có bao nhiêu sắc tượng thô tế thắng liệt, hoặc gần hoặc xa, thiên nhãn của Bồ Tát đều thấy rõ như thiệt. Lại ở trong vô biên vô tế thế giới mười phương có bao nhiêu hữu tình sanh vào tất cả loài ; trừ vô sắc giới, thiên nhãn Bồ Tát đều thấy rõ như thiệt tất cả loài ấy.

Thiên nhãn Bồ Tát lại thấy biết những nghiệp nhơn và quả báo của các chúng sanh. Lại thấy biết các căn và các căn nhơn của chúng sanh.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Vì đại Bồ Tát tu hành Tĩnh lự Ba la mật nên thành tựu thiên nhãn. Dùng thiên nhãn ấy có thể nhìn thấy vô lượng vô biên quốc độ chư Phật mười phương công đức trang nghiêm đều đối trước mắt đều thấy hiển hiện. Ðã hiện thấy rồi, Bồ Tát thanh tịnh tu tập giới tụ đều đem hồi hướng trang nghiêm Phật độ. Ðây gọi là đại Bồ Tát có đủ thiên nhãn an trụ thi la viên mãn hồi hướng.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thiên nhãn Bồ Tát trong sáng hơn người như thật thấy rõ chư Phật và chư Bồ Tát Tăng . Ðã hiện thấy rồi, tất cả Bồ Tát Tăng ấy có bao nhiêu oai nghi pháp tắc, căn niệm chánh trí, giải thoát trí, đà la ni, thắng trí xảo diệu, trí huệ phương tiện, thiện quyền chứng nhập, tất cả pháp hạnh thắng diệu ấy đều thấy biết như thiệt rồi cố gắng siêng tu khiến mau viên mãn.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Vì đại Bồ Tát tu hành tịnh lự Ba la mật, nên được thiên nhãn thanh tịnh hơn người, vô lượng công đức tạo nên mắt ấy. Tại sao ? Vì mắt ấy không chướng ngại, tất cả sắc tượng đều có thể thấy. Mắt ấy không trước chấp vì với tất cả sắc tượng không chấp trước. Mắt ấy giải thoát, vì giải thoát tất cả sự thấy phiền não. Mắt ấy thanh tịnh vì tánh trong suốt. Mắt ấy không y dựa, vì các cảnh giới không sở y. Mắt ấy không thọ, vì chẳng chấp thọ phiền não tùy miên. Mắt ấy không lòa, vì không nghi lầm. Mắt ấy không trói buộc, vì rời pháp chướng. Mắt ấy minh liễu, vì chứng được pháp minh. Mắt ấy y nơi trí, vì hiện hành chẳng phải là thức. Mắt ấy không ô nhiễm, vì không giận không si rời xa tất cả phiền não trược. Mắt ấy tùy thuận quyết trạch phần thù thắng, vì làm gốc của các thánh hạnh. Mắt ấy tướng vô ngại, vì phóng thần quang nơi tất cả chúng sanh. Mắt ấy trong sáng, vì rời tự loạn. Mắt ấy vô cấu, vì tánh sáng sạch vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thiên nhãn Bồ Tát hay dẫn Phật nhãn, tánh như hư không chẳng thối thất. Thiên nhãn Bồ Tát không trước không phược, nơi tham ái và sân khuể thảy đều rời xa. Thiên nhản Bồ Tát đi trong cảnh giới nghĩa lợi, đi khắp chánh pháp đạo trí thanh tịnh, với tất cả chúng sanh hay khéo an trụ đại bi cao rộng. Thiên nhãn Bồ Tát đối với kẽ đến cầu xin không giận không ngại. Thiên nhãn Bồ Tát đối với người phạm giới chưa hề chê khinh. Thiên nhãn Bồ Tát đối với tội lỗi hay tùy trường hợp mà giữ gìn. Thiên nhản Bồ Tát với kẽ lười nhác hay sách tấn, với kẽ tâm loạn hay dạy chỉ định, với kẽ ác huệ hay ban chánh huệ, với kẽ đi đường tà hay khai thị đường chánh, với chúng sanh tín nguyện hạ liệt thì thị hiện Phật pháp quảng đại của Như Lai. Thiên nhãn của Bồ Tát cứu cánh thẳng đến nhứt thiết chủng trí thần thông cao rộng diệu giác hiện tiền ngồi nơi đạo tràng không có thối chuyển.

Ðây gọi là đại Bồ Tát vì y Tĩnh lự Ba la mật nên được thiên nhãn thần thông tác chứng trí nghiệp viên mãn như vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào là đại Bồ Tát tu hành Tĩnh lự Ba la mật được thiên nhĩ tánh tác chứng trí thần thông ? lại do những gì mà nghiệp thần thông trí đầy đủ viên mãn ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát do tu Tĩnh lự Ba la mật, nên được thiên nhĩ tánh nghe suốt thanh tịnh hơn hẳn tai người, với hai thứ âm thanh của nhơn và phi nhơn hoặc xa hoặc gần đều nghe rõ ràng. Thiên nhĩ tánh ấy có thể nghe tất cả âm thanh trong vô lượng vô biên thế giới, như là âm thanh của Trời, của Rồng, của Dạ Xoa, của Càn Thát Bà, của A Tu La, của Ca Lâu La, của Khẩn Na La, của Ma Hầu La Già, của Nhơn Phi Nhơn. Và cũng nghe âm thanh của Hiền Thánh thuyết pháp, của Như Lai, của Bồ Tát, của Ðộc Giác, của Thanh Văn. Lại cũng nghe âm thanh của các ác đạo, âm thanh của địa ngục, của ngạ quỉ, của súc sanh. Vô lượng vô biên âm thanh như vậy, đại Bồ Tát dùng thiên nhĩ tánh nghe suốt rõ ràng. Cho đến các trùng nhỏ như muỗi mòng ruồi kiến, những côn trùng vi tế phát ra âm thanh, thiên nhĩ tánh của Bồ Tát đều nghe rõ cả.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát thiên nhĩ tánh thanh tịnh, nếu các chúng sanh do tâm duyên khởi niệm thiện ác phát sinh ngữ nghiệp đều nghe biết rõ cả. Lại biết rõ hoặc có các nghiệp nhiếp về thiện nhơn, hoặc có các nghiệp nhiếp về ác nhơn. Lại có thể biết rõ hoặc ngữ nghiệpdo tham chủng tử mà phát khởi sân khuể, hoặc ngữ nghiệp do sân tùy miên mà phát khởi tham dục, hoặc có ngữ nghiệp do tham sân tùy miên mà phát khởi ngu si, hoặc có ngữ nghiệp do si tùy miên mà phát khởi tham sân. Lại biết rõ hoặc có ngữ nghiệp do tham chủng tử mà phát khởi tham dục, hoặc có ngữ nghiệp do sân chủng tử mà phát khởi sân khuể , hoặc có ngữ nghiệp do si chủng tử mà phát khởi ngu si. Tất cả như vậy tùy có ngôn ngữ phát ra âm thanh đều nghe biết rõ.

Lại có thể nghe biết rõ, hoặc có ngữ nghiệp ý giải thanh tịnh mà phương tiện nhiễm ngại, hoặc có ngữ nghiệp phương tiện thanh tịnh mà ý giải nhiễm ngại.

Thiên nhĩ thông trí của Bồ Tát thông đạt rõ ràng, tất cả chư Thánh, hoặc chẳng phải Thánh ở mười phương thế giới có bao nhiêu âm thanh đều nghe rõ cả lại hay phân biệt biết rõ chẳng hề sai lầm. Dầu nghe biết như vậy, nhưng với âm thanhThánh chẳng phát khởi ham ưa, với âm thanh chẳng phảiThánh chẳng sanh nhàm ghét. Lại vì nghe biết Thánh âm nên đưọc đại từ, vì nghe biết phi thánh âm nên được đại bi. Lại âm thanh mười phương đồng thời vang ra vô lượng đại Bồ Tát dùng thiên nhĩ trí lực nghe biết chẳng tạp loạn đều đúng thiệt. Tịnh thiên nhĩ của Bồ Tát nghe suốt rộng khắp, tất cả thế giới quốc độ tận mười phương mà chư Phật Như Lai du hóa, thanh âm thuyết pháp của chư Phật đều nghe biết rõ , nghe rồi , nghe rồi ghi nhớ chẳng quên chẳng tản, như đựng nước trong bình không tràn.

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát, chẳng phải lãnh thọ pháp âm của một đức Phật mà chướng ngại đối với pháp âm của Phật thứ hai. Vì đại Bồ Tát nghe pháp không hề chán nên dầu nghe có trước sau mà pháp âm được tất cả Như Lai nói, đều có thể thọ trì không hề sai lầm.

Lại thiên nhĩ Bồ Tát nghe rõ âm thanh thiện ác trong mười phương thế giới . Thanh âm thiện ác ấy vô lượng hoặc thời phi thời đều nghe biết như thiệt.

Thế nào gọi là thời ngữ và phi thời ngữ ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Chư Phật Bồ Tát khéo biết thời nghi. Hoặc có lúc vì chúng nói rộng, hoặc có lúc vì chúng giảng lược. Ðại Bồ Tát nghe rồi, dùng một âm thanh theo đúng thời nghi mà giảng rộng hoặc giảng lược.

Ðại Bồ Tát hay biết rõ có pháp thiệt nên thọ ký nếu vì người mà nói sẽ làm não họ , do đó mà chẳng thọ ký . Hoặc có pháp thiệt chẳng nên thọ ký đó là những pháp dẫn sanh vô nghiã, đại Bồ Tát hay khéo tùy thuận phương tiện lợi tha, vô lượng thiện xảo tự thanh tịnh tâm mình mà bèn thọ ký.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát do tu hành Tĩnh lự Ba la mật, nên thiên nhĩ thanh tịnh có sức nghe suốt rõ biết tướng dạng của các âm thanh. Hoặc có những âm thanh như vậy phải nên tùy hỉ lắng nghe, Bồ Tát liền lắng nghe. Hoặc có những âm thanh như vậy chẳng nên tùy hỉ lắng nghe , Bồ Tát liền chẳng lắng nghe.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc đại Bồ Tát ở trong đại chúng thuyết pháp , có thính chúng nhĩ thức chẳng thanh tịnh, Bồ Tát liền dùng thần lực gia bị cho họ nghe hiểu. Nếu các chúng sanh đôi với tất cả pháp đều muốn lãnh hiểu, Bồ Tát làm cho họ được nghe pháp âm ấy. Nếu các chúng sanh chẳng muốn thì khiến chẳng nghe.

Lại nầy Xá Lợi Phật ! Vì đại Bồ Tát tu hành Tĩnh lự Ba la mật đa, nên được thiên nhĩ thông trí như vậy, âm thanh được nghe vô lượng vô biên.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! thiên nhĩ tánh làm cho các pháp đều sáng sạch. Thiên nhĩ tánh hay làm cho trí huệ tánh trong suốt. Thiên nhĩ tánh hay làm cho Bồ Tát tự thanh tịnh. Thiên nhĩ tánh hay làm cho chúng sanh tánh thanh tịnh. Thiên nhĩ tánh rât giỏi thẩm sát như văn tự nói ra ngôn âm đều hay nghe biết rành rẽ lại hay ngộ nhập. Các loài hữu tình trong lục đạo có bao nhiêu ngôn từ âm thanh sai biệt. Bồ Tát hay phát âm đồng với mỗi loài mà thuyết pháp cho họ.

Nầy Xá Lợi Phất ! Thiên nhĩ tánh thông của đại Bồ Tát chỉ hay thẳng đến Phật thiên nhĩ , quyết chẳng đi đến các thừa khác.

Ðây gọi là đại Bồ Tát do tu hành Tĩnh lự Ba la mật nên được thiên nhĩ tánh thần thông nghe suốt trí nghiệp viên mãn.

Lại nầy Xá lợi Phất ! Thế nào là Bồ Tát do tu hành Tĩnh lự Ba la mật nên được tha tâm tác chứng trí thần thông, và những gì lại gọi tha tâm thần thông trí nghiệp viên mãn?

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát dùng tha tâm trí thông thanh tịnh sáng suốt ấy , đều có thể biết rõ vô lượng tâm tướng của tất cả hữu tình khắp thế giới trong mười phương. Ở các nơi chúng sanh không luận tiền tế tâm tướng. vị lai tâm tướng, hiện tại tâm tướng, Bồ Tát đều biết rõ cả

Nầy Xá Lợi Phất ! Vì có đủ tha tâm trí thông như vậy, nên đại Bồ Tát dùng quá khứ tâm trí đều có thể biết rõ tâm nhơn và tâm tùy nhơn của tất cả chúng sanh : có thể biết rõ những chúng sanh ấy là nhơn quảng đại sanh ra tâm nhơn, là nhơn trung phẩm sanh ra tâm nhơn , là nhơn hạ liệt sanh ra tâm nhơn. Lại hay biết rõ các chúng sanh ấy, hoặc có căn tương ưng thí dục giải, có căn tương ưng giới dục giải, có căn tương ưng nhẫn dục giải, có căn tương ưng tinh tấn dục giải , có căn tương ưng định dục giải , có căn tương ưng huệ dục giải. Cũng biết rõ các chúng sanh hoặc có căn từ hạnh , có căn bi hạnh , có căn hỉ hạnh, có căn xả hạnh. Cũng biết rõ các chúng sanh hoặc có căn Phật thừa hạnh ?,có căn Ðộc Giác thừa hạnh, có căn Thanh Văn thừa hạnh. Cũng biết rõ các chúng sanh hoặc có nhơn lực mạnh xu hướng Ðại thừa thiện nhơn thành tựu, hoặc có duyên lực mạnh xu hướng Ðại thừa duyên nhơn thành tựu. Cũng biết rõ các chúng sanh hoặc có nhơn lực mạnh thành tựu xu hướng đại thừa thiện nhơn, nhưng chúng sanh ấy do phương tiện nhơn sanh nhà hạ tiện, hoặc chúng sanh sức phương tiện mạnh dầu chẳng thành tựu thiện nhơn quảng đại nhưng chúng sanh ấy lại trồng nhơn lực sanh nhà quảng đại. Cũng biết rõ các chúng sanh hoặc dục giải thanh tịnh mà phương tiện chẳng tịnh, hoặc phương tiện thanh tịnh mà dục giải chẳng tịnh, hoặc dục giải và phương tiện đều thanh tịnh, hoặc đều chẳng thanh tịnh.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc đại Bồ Tát tu hành Tĩnh lự Ba la mật, vì được tha tâm trí thông ấy, nên chỗ có trí biết nhơn căn tâm hành tiền tế của tất cả chúng sanh và trí tùy các tâm hành ấy mà thuyết pháp, thì đều gọi là tha tâm trí thông Bồ Tát .

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát vì có trí ấy, nên dùng trí thông nhập hậu tế tâm ấy biết rõ các chúng sanh hoặc đời vị lai sẽ có giới nhơn mà đời hiện tại thì có thí nhơn, hoặc đời vị lai sẽ có thí nhơn mà đời hiện tại thì có giới nhơn, hoặc đời vị lai sẽ có tinh tấn nhơn mà đời hiện tại thì có nhẫn nhơn , hoặc đời vị lai sẽ có nhẫn nhơn mà đời hiện tại thì có tinh tấn nhơn, hoặc đời vị lai sẽ có huệ nhơn mà đời hiện tại thì có tĩnh lự nhơn, hoặc có đời vị lai sẽ có tĩnh lự nhơn mà đời hiện tại thì có huệ nhơn .Vô lượng nhơn hạnh như vậy , Bồ Tát đều biết rõ.

Ðại Bồ Tát cũng biết rõ các chúng sanh, hoặc đời vị lai sẽ có nhơn hạnh xuất thế mà đời hiện tại thì có nhơn hạnh thế gian , hoặc đời vị lai sẽ có nhơn hạnh thế gian, mà đời hiện tại thì có nhơn hạnh xuất thế, vô lượng nhơn hạnh như vậy, Bồ Tát đều biết rõ.

Ðại Bồ Tát cũng biết rõ các chúng sanh , hoặc đời vị lai sẽ có căn Ðại thừa nhơn phát sanh mà đời hiện tại thì có căn Ðộc Giác thừa, hoặc đời vị lai sẽ có căn Ðộc Giác thừa nhơn phát sanh mà đời hiện tại thì có căn Ðại thừa, hoặc đời vị lai sẽ có căn Ðại thừa nhơn phát sanh mà đời hiện tại thì có căn Thanh Văn thừa, hoặc đời vị lai sẽ có căn Thanh Văn thừa nhơn phát sanh mà đời hiện tại thì có căn đại thừa, hoặc đời vị lai sẽ có căn Ðộc Giác thừa nhơn phát sanh mà đời hiện tại thì có cănThanh Văn thừa, hoặc đời vị lai sẽ có căn Thanh Văn thừa nhơn phát sanh mà đời hiện tại thì có căn Ðộc Giác thừa. Tất cả chúng sanh ở đời vị lai sẽ có căn gì, hoặc nhơn hoặc hạnh hoặc duyên , Bồ Tát đều biết rõ cả..

Nầy Xá Lợi Phất ! Nên biết chư đại Bồ Tát đối với các chúng sanh chưa thành thục, thì phát khởi tinh tấn dùng phương tiện hóa đạo họ chẳng hề chán mỏi, theo chỗ đáng được ngộ nhập mà thuyết pháp . Ðại Bồ Tát biết chúng sanh ấy là pháp khí gì, thì vì họ mà dạy chánh pháp ấy, công việc thuyết pháp thường không sai thất nên có hiệu là người thuyết pháp chẳng hư luống.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Do tu hành Tĩnh lự Ba la mật, nên đại Bồ Tát được tha tâm tác chứng trí thông ấy, đối với các tâm và tâm sở pháp hiện tại sanh khởi của tất cả chúng sanh dầu là vô lượng, nhưng Bồ Tát đều biết rõ cả. Những là nếu các chúng sanh có tâm tham tâm sân tâm si, hoặc rời lìa tâm tham tâm sân tâm si, Bồ Tát đều biết rõ như thiệt. Do các hoặc phiền não ấy che chướng tâm các chúng sanh , đại Bồ Tát đều biết rõ rồi tùy theo mỗi phiền não mà tuyên nói chánh pháp xuất ly.

Lại nầy Xá lợi Phất ! Ðại Bồ Tát có tha tâm trí thông ấy, lúc muốn thuyết pháp đến trước đại chúng, trước phải quan sát tướng căn hành sai biệt của tất cả chúng, rồi theo chỗ đáng dạy mà vì chúng giảng nói. Phải biết đại Bồ Tát ấy dùng trí biết rõ căn tâm thắng liệt của chúng sanh có thể biết rõ tánh căn tâm thắng liệt của chúng sanh . Ðại Bồ Tát ấy chẳng vọng khinh hủy tâm tướng của mình và tâm tướng của người, do vì đại Bồ Tát ấy dùng trí huệ quan sát tâm nối luôn không hở vậy. Cũng thế, đại Bồ Tát, dùng niệm quán sàt, dùng xu hướng dùng giác dùng ngộ quán sát tâm nối luôn không hở, nên rời lìa tập khí phiền não, dứt hẳn tương tục thanh tịnh vô cấu, sáng suốt vô nhiễm, không trược, không tháo, chiếu rõ các pháp vào trong tất cả tâm hành của các chúng sanh, quán sát nơi tâm nối luôn không hở như vậy.

Ðại Bồ Tát nếu hay ngộ nhập trí biết rõ tất cả tâm pháp như vậy, thì gọi là đại Bồ Tát do tu hành Tĩnh lự Ba la mật nên được tha tâm thần thông trí nghiệp viên thành.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào là đại Bồ Tát lúc tu hành Tĩnh lự Ba la mật được túc trụ tùy niệm tác chứng trí thần thông trí nghiệp viên mãn?

Nầy Xá Lợi Phất ! Do Ðại Bồ Tát có trí lực túc trụ tùy niệm ấy, nên bao nhiêu chúng sanh ở khắp thế giới mười phương có vô số sự việc các đời trước đều có thể tùy niệm biết rõ cả. Hoặc một đời, mười đời, hoặc trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, nhẫn đến vô lượng đời đều có thể biết rõ cả.

Ðại Bồ Tát cũng biết rõ kiếp hoại kiếp thành, kiếp thành hoại vô lượng kiếp như vậy đều biết rõ cả.

Ðại Bồ Tát cũng biết rõchúng sanh ấy đã từng ở xứ ấy có tên gì họ gì dòng gì, sắc tướng nào trạng mạơ nào hình tượng nào, ăn uống sanh sống thế nào hưởng thọ khổ vui ra sao, vô lượng thứ như vậy đều tùy niệm biết rõ cả.

Ðại Bồ Tát cũng biết rõ chúng sanh ấy ở chổ nầy chết sanh chỗ kia, ở chỗ kia chết sanh chỗ nầy hoặc của mình hoặc của người vô lượng sự chết sanh hành tướng và xứ sở đều tùy niệm biết rõ cả.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát do y Tĩnh lự Ba la mật nên trí lực túc trụ có thể tùy niệm biết rõ sự việc vô lượng đời trước của mình , cũng biết rõ tất cả sự việc vô lượng đời trước của vô lượng chúng sanh khác.

Lại cũng tùy niệm biết rõ nhơn tiền tế sanh thiện căn của mình, nhơn tiền tế sanh thiện căn của các chúng sanh.

Trí lực túc trụ của đại Bồ Tát có vô lượng phương tiện đem căn lành của mình hồi hướng Vô thượng Bồ đề có thể làm cho chúng sanh nhớ biết căn lành của họ khiến họ phát tâm Bồ đề.

Lại hay tùy niệm biết rõ những nhơn khổ lạc đã có đời trước và cũng biết rõ tất cả đều về nơi vô thường khổ và vô ngã, biết rõ như vậy rồi, đại Bồ Tát thật hành Bồ Tát hạnh , không phóng dật nơi sắc nơi của nơi quyến thuộc, không tự do phóng dật, không phóng dật mong cầu ngôi Chuyển Luân Vương, Thiên Ðế Thích , Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương, không phóng dật mong cầu sanh vào các xứ hưởng thọ vui sướng hay giàu sang quyền quí, chỉ trừ vì muốn thành thục chúng sanh nên dùng nguyện lực mà thọ sanh vào các cõi.

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát ấy vì biết rõ tất cả đều về nơi vô thường khổ vô ngã nên đối với các hành phiền não quá khứ hay khéo quở trách khinh hủy chán bỏ, chẳng còn dung nạp nó ở hiện tại, nhẫn đến lúc bị nhơn duyên nạn chết khổ lớn nặng cũng chẳng hề tạo nghiệp ác hay pháp ác.

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát ấy đem tất cả thiện căn đã có đều hồi hướng Vô thượng Bồ đề và làm cho các thiện căn hiện tại đang tích chứa thêm rộng lớn vì muốn nhiếp thọ tất cả chúng sanh và xa rời tất cả hồi hướng bất bình đẳng vậy. Có đủ những thiện căn ấy, đại Bồ Tát nối giống Tam bảo cho chẳng đoạn tuyệt đều để hồi hướng nhứt thiết chủng trí.



Nầy Xá Lợi Phất !Nên biết do sức niệm định mà đại Bồ Tát mới thành tựu được vô lượng pháp lành như vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát do tu hành Tĩnh lự Ba la mật nên được trí túc trụ ấy, tùy niệm biết rõ rất khéo an trụ, do vì trụ nơi pháp giới vậy. Tùy niệm ấy kiên cố bất động vì phương tiện thiện xảo tập họp vậy. Tùy niệm ấy không điệu tán vì đã hay tu nghiệp tĩnh lự vậy. Tùy niệm ấy không tháo động nhiễu loạn, vì diệu xa ma tha hay trụ trì vậy. Tùy niệm ấy không mê lầm vì diệu tỳ bát xá na nhiếp thọ vậy. Tùy niệm ấy tánh không thô lỗ chất phát vì hay chúng thanh tịnh hiện trí vi diệu vậy. Tùy niệm ấy hay nhớ giữ vì các niệm lâu xa không quên mất vậy. Tùy niệm ấy là kho kín châu báu, vì khéo chứa họp tư lương phước đức vậy. Tùy niệm ấy chẳng tùy theo người vì khéo chứa họp tư lương trí huệ vậy. Tùy niệm ấy đã đến bỉ ngạn, vì khéo chứa họp tư lương các độ vậy. Nên biết vô lượng vô biên những pháp lành vi diệu đều do niệm lực nắm giữ nên đối với đời quá khứ và đời hiện tại phát khởi pháp nhớ biết không quên mất.

Ðây gọi là đại Bồ Tát do y Tĩnh lự Ba la mật nên được túc trụ thần thông thành tựu đầy đủ nghiệp trí viên mãn vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào là đại Bồ Tát như ý túc tác chứng thần thông, những gì gọi là như ý túc thông trí nghiệp viên mãn ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Vì y Tĩnh lự Ba la mật nên đại Bồ Tát được dục tam ma địa đoạn hành thành tựu mà tu như ý túc, rồi tâm chuyên cần ấy quán tam ma địa đoạn hành thành tựu mà tu như ý túc.

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát y nơi dục cần tâm và quán ấy trợ phát pháp định rất khéo tu trau rất khéo thành lập tự tại chuyển vận nên hay tu tập tứ như ý túc

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát thành tựu tứ như ý túc rồi, tùy theo ý mình muốn thì như ý thần thông liền hiện tiền có thể hiển thị vô lượng thần biến, đại Bồ Tát dầu hiện vô lượng thần thông biến hóa, nhưng đều vì độ thoát các chúng sanh mà tu tập vậy. Có chúng sanh đáng thấy thần thông ấy mà chịu điều phục, thì đại Bồ Tát vì họ mà hiện thần biến ấy. Hoặc hiện sắc tướng hoặc hiện oai lực, hoặc ngầm gia bị, nhơn đó chúng sanh ấy được giải thoát.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào là đại Bồ Tát như ý túc thông hiện các sắc tướng để điều phục chúng sanh ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát quan sát các chúng sanh, do thấy hoặc nghe sắc tượng ấy, mới được điều phục, Bồ Tát liền hiện sắc tượng ấy : hoặc hiện sắc tượng Như Lai, hoặc hiện sắc tượng Ðộc Giác, hoặc hiện sắc tượng Thanh Văn, hoặc hiện sắc tượng Thiên Ðế, hoặc hiện sắc tượng Phạm Vương, hoặc hiện sắc tượng Tứ Thiên Vương, hoặc hiện sắc tượng Chuyển Luân Vương và vô lượng sắc tượng khác, tùy theo sắc tượng nào mà chúng sanh được độ, Bồ Tát đều có thể thị hiện, cho đến như sắc tượng súc sanh chẳng hạn. Bồ Tát đều vì chúng sanh mà thị hiện thuyết pháp.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào là như ý túc thông hiện các oai lực ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát quan sát các chúng sanh nhiều tăng thượng mạn, sân hận kiêu căng phóng dật rất nặng, do thấy thần lực ấy mà được điều phục, đại Bồ Tát liền hiện thần lực ấy: hoặc hiện sức đại lực sĩ, hoặc hiện sức một phần tư của na la diên, hoặc hiện một nửa hoặc toàn phần sức lực của na la diên, hoặc đến gấp bội để các chúng sanh đưọc hóa độ.

Nầy Xá Lơị Phất! Ðại Bồ Tát do Tĩnh lự Ba la mật mà được như ý thần thông lực, có thể dùng hai ngón tay cất tòa núi chúa Tu Di lên nhẹ nhàng như lấy một trái xoài, và có thể ném núi chúa ấy qua để nơi vô biên thế giớí khác. Núi chúa Tu Di ấy cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần, rộng tám vạn bốn ngàn do tuần, do bốn chất báu: vàng, bạc, lưu ly và pha lê tạo thành cao rộng đệ nhứt. Do an trụ như ý thần thông nên dầu ném núi qua phương khác mà sức lực của Bồ Tát không hề tổn giảm.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát an trụ như ý thần thông có thể dùng bàn tay bưng cả Tam thiên Ðại thiên thế giới nầy từ thủy luân đến Hữu đảnh đứng cả một kiếp và hiện tất cả oai nghi không hề trở ngại.

Nầy Xá Lợi Phất! Vô lượng sự như vậy chẳng nghĩ bàn được, đại Bồ Tát đều có thể tùy chỗ thích đáng mà hiện các thần biến.

Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát thị hiện đại lực ấy cho các chúng sanh kia hết kiêu mạn sân hận mà chịu điều phục rồi, đại Bồ Tát liền theo chổ thích nghi mà thuyết pháp cho họ.

Lại nầy Xá Lợi Phất!Thế nào là như ý túc thông gia bị?

Ðại Bồ Tát dùng sức trí thông gia bị ấy, tùy chổ gia niệm đều được thành tựu. Nếu muốn gia niệm biển lớn sâu rộng khiến như dấu chưn trâu, cho biển lớn ấy liền đúng như niệm lực của Bồ Tát mà lượng bằng dấu chưn trâu. Nếu muốn dấu chưn trâu rộng lớn như biển lớn thì liền lớn bằng biển lớn.

Nếu Ðại Bồ Tát muốn ngọn lửa lớn lúc kiếp thiêu thành khối nước liền thành khối nước, ngược lại cũng vậy, tất cả đều theo ý niệm của đại Bồ Tát mà thành tựu.

Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát nếu có gia niệm pháp hạ trung thượng chuyễn đổi lẫn nhau, liền đều thành tựu cả.

Ðại Bồ Tát phàm gia niệm thần thông giúp vật thì cứng chắc khó hư chẳng thể chuyển biến được, tất cả người hay trời thế gian đều chẳng thể giao động cất dấu, chỉ trừ Phật Thế Tôn.

Nầy Xá Lợi Phất! Phải biết đại Bồ Tát ấy dùng sức niệm gia trì như vậy chỉ vì những chúng sanh tôn trọng các thứ biến hiện kỳ lạ quảng đại nên thị hiện oai thần để thuyết pháp cho họ.

Lại nầy Xá Lợi Phất! Do đại Bồ Tát tu hành Tĩnh lự Ba la mật nên được như ý thần túc ấy tự tại không thối thất vượt khỏi cảnh giới của ma phiền não thẳng vào cảnh giới tất cả chư Phật, đầy đủ phương tiện chẳng não hại chúng sanh, chứa họp tư lương tất cả thiện căn, tất cả ma vương ma quân và chư Thiên oai đức chẳng ngăn dứt được.

Ðây gọi là đại Bồ Tát y Tĩnh lự Ba la mật được như ý túc tác chứng thần thông trí nghiệp viên mãn.

Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đại Bồ Tát y Tĩnh lự Ba la mật được năm thần thông ấy, thần thông ấy có nghĩa lý gì và do những gì mà gọi là trí?

Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát nếu quán sắc tượng thì gọi là thần thông, nếu có thể biết rõ sắc tượng tận diệt mà chẳng chứng tận thì gọi là trí. Nếu nghe biết tất cả âm thanh thì gọi là thần thông, nếu biết rõ được âm thanh tiền tế bất khả đắc thì gọi là trí. Nếu rõ thấu được tâm hành của chúng sanh thì gọi là thần thông, nếu biết rõ tâm tánh tịch diệt mà chẳng chứng tịch diệt ấy thì gọi là trí. Nếu có thể tùy niệm quá khứ biên tế thì gọi là thần thông, nếu biết rõ được tam thế vô ngại thì gọi là trí. Với các Phật độ hoặc qua hoặc lại thì gọi là thần thông, nếu biết được quốc độ đồng tướng hư không thì gọi là trí. Biết các pháp hưng khởi thì gọi là thần thông, quán pháp bình đẳng thì gọi là trí. Sáng thấu các thế gian thì gọi là thần thông, chẳng tạp với thế gian thì gọi là trí . Oai thế che khuất tất cả Ðế Thích, Phạm Vương, Tứ Vương, chư Thiên thì gọi là thần thông, biết rõ tất cả Thanh Văn Duyên Giác chỗ chứng của họ hạ liệt thì gọi là trí. Những thần thông và trí như vậy số đến vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Ðây gọi là đại Bồ Tát do y Tĩnh lự Ba la mật tinh cần tu tập nên được thần thông trí nghiệp viên mãn như vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát do y Tĩnh lự Ba la mật nên chứng được vô biên tĩnh định thâm dìệu. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát xả bỏ bao nhiêu vô số phiền não tích tập nơi tâm, thì cũng có bấy nhiêu vô số tĩnh lự tư lương công đức an trụ nơi tâm mình. Bao nhiêu vô số chúng sanh do tâm phiền não mà sanh các tán loạn, đại Bồ Tát cũng phải tích tập bấy nhiêu vô số tĩnh lự công đức.

Ðây gọi là đại Bồ Tát chứng được tĩnh lự số đến vô lượng vô biên đều do tịnh lự Ba la mật phát khởi.

Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát chứng những chánh định rất sâu vi diệu, an trụ trong đó, đại Bồ tát đúng thời bình đẳng dẫn nhiếp, chỗ ấy gọi là đại tự tại. Thế nào gọi là bình đẳng dẫn nhiếp ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại tự tại dẫn nhiếp tánh bình đẳng của hữu tình, nên gọi là chánh định ấy là đại tự tại. Vì đại tự tại dẫn nhiếp tánh bình đẳng của tâm hữu tình, dẫn nhiếp tánh bình đẳng của dục giải, dẫn nhiếp tánh bình đẳng của phương tiện, dẫn nhiếp tánh bình đẳng của tăng thượng dục giải, dẫn nhiếp tánh bình đẳng của đàn na, dẫn nhiếp tánh bình đẳng của Thi la, của Sằn đề, của Tỳ lê gia, của Tĩnh lự, của Bát Nhã, dẫn nhiếp tánh bình đẳng tất cả pháp. Ðây gọi là đại Bồ Tát tĩnh lự đại tự tại rất sâu vi diệu dẫn nhiếp pháp tánh bình đẳng vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát do y Tĩnh lự Ba la mật nên được tĩnh lự rất sâu vi diệu chỉ trí mới nhập được, cũng được tên là chánh an trụ . Sao gọi là chánh an trụ ? Vì diệu định ấy đồng với pháp tánh. Tại sao ? Vì nếu Bồ đề bình đẳng tức là tất cả hữu tình bình đẳng. Nếu tất cả hữu tình bình đẳng tức là các pháp bình đẳng. Nếu chứng nhập được tánh bình đẳng ấy thì gọi là chánh an trụ vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Nếu không tánh bình đẳng, tức là các pháp bình đẳng, vô tướng tánh vô nguyện tánh và vô hành tánh đều bình đẳng tức là các pháp bình đẳng, chứng nhập được tánh bình đẳng ấy thì gọi là chánh an trụ vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Nếu tâm tánh bình đẳng tức là các pháp bình đẳng , chứng được tánh bình đẳng ấy thì gọi là chánh an trụ vậy.

Ðây gọi là đại Bồ Tát được tĩnh lự chánh an trụ tánh bình đẳng ấy đều do Tĩnh lự Ba la mật vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát do y Tĩnh lự Ba la mật nên được tĩnh lự vi diệu bình đẳng ấy, đối với các hữu tình có ơn hay không ơn đều bình đẳng, tâm không lấy bỏ . Vì thế nên tâm của Bồ Tát đồng như địa đại, như thủy đại, như hỏa đại, như phong đại, như hư không, không có cao hạ sai biệt, an trụ khéo an trụ, chứng chổ không dao động, ở trong các oai nghi tâm luôn đại chánh định và chẳng phân biệt oai nghi đang an trụ, tâm tánh thuần thục, thích ở thân định, chẳng điệu cử, không chuyễn lay, xa các ngu độn, lời nói chẳng tạp loạn, biết nghĩa biết pháp, khéo biết thời nghi : đó là phải thời gian đúng thời gian. Khéo tùy thuận thế gian mà chẳng tạp với thế gian tánh, siêu việt tám pháp thế gian, các hoặc phiền não chẳng ô nhiễm được, rời chỗ ồn náo, xa các hành tác, chỉ thường an ở trong pháp tánh bình đẳng, chẳng xả thâm định mà hiện tất cả việc làm thế gian.

Ðây gọi là đại Bồ Tát y Tĩnh lự Ba la mật chứng nhập vô lượng công đức như vậy. Nên biết đều do diệu huệ phương tiện phát khởi.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào là đại Bồ Tát vì y Tĩnh lự Ba la mật nên chứng được diệu huệ và phương tiện.

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát dùng sức đại bi duyên tâm nơi cảnh, vì độ chúng sanh thì gọi là phương tiện, chứng nhập tịch tĩnh tối cực tịch tĩnh thì gọi là huệ. Nếu nhập được Phật trí vô ngại thì gọi là phương tiện, không có một pháp nào có thể suy biết được thì gọi là huệ. Nếu chứng nhập được các pháp nhiếp quán thì gọi là phương tiện, ở nơi pháp tánh không tạp tư duy thì gọi là huệ. Nếu bình đẳng chứng nhập Phật thân trang nghiêm hiện tiền thì gọi là phương tiện, quán pháp thân tánh vô sở hữu thì gọi là huệ. Nếu bình đẳng chứng nhập ức niệm âm thanh ngôn từ của Phật diễn nói thì gọi là phương tiện, quán pháp tánh không thể ngôn thuyết thì gọi là huệ. Nếu bình đẳng chứng nhập tâm an trụ kim cương dụ định thì gọi là phương tiện, niệm không tán loạn quán pháp tánh thì gọi là huệ . Nếu an trụ bổn nguyện thành thục chúng sanh thì gọi là phương tiện, quán chúng sanh tánh vô ngã thì gọi là huệ. Nếu duyên cảnh giới tăng thượng phát khởi tất cả thiện căn tăng thượng thì gọi là phương tiện, quán không duyên không căn thì gọi là huệ. Nếu chánh định ấy tu trau Phật độ hiện tiền thì gọi là phương tiện, quán quốc độ đồng như hư không thì gọi là huệ. Nếu chánh định phát khởi trang nghiêm đạo tràng thì gọi là phương tiện, nếu an trụ tịch tĩnh lự tri các pháp thì gọi là huệ. Nếu chánh định phát khởi chuyển chánh pháp luân thì gọi là phương tiện, nếu quán pháp luân được chuyển ấy không khởi thì gọi là huệ. Vô lượng giác phần tư lương như vậy bình đẳng chứng nhập quán sát hiện tiền thì gọi là phương tiện. Vô lượng như Vậy, các hoặc phiền não tịch diệt dứt trừ nhiệt não, đức Như Lai có những tĩnh lự diệu lạc chẳng cùng chung với các pháp, không có các tướng, biết rõ khắp các tướng rời xa tất cả cảnh giới sở duyên, tất cả như vậy đều nhập vào tĩnh lự chánh định của Bồ Tát. Nếu đại Bồ Tát hay quan sát đầy đủ như vậy thì gọi là huệ.

Nầy Xá Lợi Phất ! Nếu đại Bồ Tát thành tựu vô tận tĩnh lự ấy, vì cùng hiệp với Tĩnh lự Ba la mật nên tất cả ác ma chẳng nhiểu hại được. Ðây gọi là an trụ pháp khí chư Phật.

Nầy Xá Lợi Phất ! Phương tiện ấy, diệu huệ ấy tức gọi là đại Bồ Tát thành tựu Tĩnh lự Ba la mật đầy đủ, đều do diệu huệ và phương tiện phát khởi vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát do y Tĩnh lự Ba la mật nên đầy đủ thành tựu thần thông bất thối hay gầy dựng trí nghiệp, du hí thần thông thị hiện tất cả tác dụng thế gian, an trụ thần thông phát khởi tất cả đại sự thế gian.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thần thông nầy là tướng đại trí, vì đầy đủ tác dụng vi diệu thế gian và xuất thế vậy. Thần thông nầy là tướng đại huệ, vì hiện tiền thấy tất cả pháp thế gian và xuất thế vậy. Thần thông nầy là tướng vô tận, vì khắp tất cả như hư không vậy. Thần thông nầy bình đẳng thấy các sắc, vì trong sắc và vô sắc đều thấy Bình đẳng. Thần thông nầy khéo liền nhập vào được pháp môn âm thanh, vì âm thanh tiền tế tánh bình đẳng vậy. Thần thông nầy hay quán tất cả tâm hành của các chúng sanh vì hiện tiền thấy tánh ấy vậy. Thần thông nầy khéo tùy niệm nhớ biết được tất cả các kiếp, vì phân biệt biết rõ tiền tế hậu tế vậy. Thần thông nầy khéo thị hiện được vô lượng thần biến, vì thường hiện ở trước không có tướng gia hành vậy. Thần thông nầy biết rõ lậu tận, vì phải thời đúng thời chẳng lỗi thời vậy. Thần thông nầy là thánh xuất thế, vì quyết trạch nơi tất cả pháp vậy.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Thần thông như vậy rất sâu vi diệu, hàng Thanh Văn và Duyên Giác chẳng lường được.

Thần thông như vậy có oai đức lớn vì khéo điều phục được các hữu tình. Thần thông như vậy công nghiệp lớn, vì chứng được quán đảnh tự tại chuyển tất cả pháp vậy.

Ðây gọi là đại Bồ Tát do y Tĩnh lự Ba la mật nên được thần thông bất thối thù thắng ấy, khéo gầy dựng được trí nghiệp, chẳng phải năng lực tăng thượng mạn kia phát khởi.

Nầy Xá Lợi Phất ! Phải biết đại Bồ Tát được thông trí ấy là do tâm thanh tịnh, tâm trắng bóng, tâm sáng sạch, tâm không ô trược, tâm rời lìa tùy phiền não, tâm khéo tùy thuận, tâm khéo tịch tĩnh, tâm khéo sửa trau, những tâm tướng như vậy là do phát khởi tĩnh lự giải thoát định và giải thoát huệ vậy.

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát ấy ở các thế giới là cố tác ý mà sanh chớ chẳng phải bị nghiệp buộc mà sanh, cũng chẳng phải do nghiệp buộc mạng chung mà sanh. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát ấy đã giải thoát tất cả hư vọng phân biệt vậy, đã giải thoát tất cả phiền não phược chẳng chơn thiệt vậy, giải thoát tất cả chỗ y chỉ của những điên đảo vọng chấp vậy. Thế nên đại Bồ Tát ấy hiện thân thế giới : giải thoát mà sanh, giải thoát mà mạng chung, giải thoát mà thọ sanh. Thọ sanh rồi, đại Bồ Tát ấy làm xong Ðại thừa viên mãn chánh giáo của tất cả chư Phật, …khắp mười phương rộng cầu Phật pháp. Dầu chí có chỗ cầu, mà không lấy không được, tùy nhập chư Phật pháp tức là tất cả pháp, tùy nhập tất cả pháp tức là chư Phật pháp. Ðại Bồ Tát ấy tùy nhập Phật pháp và tất cả pháp, nhưng chẳng tùy theo pháp hành phi pháp hành ấy.

Nầy Xá Lợi Phất ! Chư đại Bồ Tát lúc có thể như thiệt cầu các pháp mà an trụ không lấy không được như vậy thì không có một pháp nào có thể đem vào toán số. Tại sao ? Vì tất cả pháp siêu quá đạo toán số vậy. Nếu rõ thấu được pháp tánh bình đẳng thì chẳng chấp pháp cùng phi pháp. Tại sao? Vì tất cả pháp tánh không chấp vậy. Nếu tính cho rằng trong ấy có nghĩa thì có vô nghĩa lớn rộng. Nếu khéo chẳng tính nơi nghĩa thì nghĩa và vô nghĩa đều không. Người chẳng thấy nghĩa đối với tất cả chỗ có giác huệ vô ngại. Ðại Bồ Tát ấy nếu có thể rõ biết vô ngại thì là được trí vô ngại. Nếu có trí vô ngại thì chẳng chấp trước tất cả. Nếu không sở trước thì là không sở trụ. Nếu không sở trụ thì là không chỗ thiếu. Nếu không chỗ thiếu thì không ngu si không nguyện cầu. Nếu không ngu si không nguyện cầu thì không mê không lầm. Nếu không mê không lầm thì không ngã sở. Nếu không ngã sở thì không nhiếp thọ. Nếu không nhiếp thọ thì không chỗ chấp. Nếu không chỗ chấp thì không tranh luận. Nếu không tranh luận thì là pháp vô tránh của Sa Môn . Nếu có pháp vô tránh của Sa Môn thì là tất cả không chướng không ngại như hư không. Nếu không chướng không ngại như hư không thì chẳng hệ thuộc ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Nếu chẳng hệ thuộc các cõi thì không sắc tướng và hình lượng. Nếu đều không sắc tướng và hình lượng thì có thể tùy giác. Nếu có thể tùy giác thì có thể thông đạt.

Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là tùy giác thông đạt?

Ðại Bồ Tát nếu có thể liền giác ngộ thông đạt chỗ ấy không có chút pháp có được, thì gọi là tùy giác thông đạt.

Nầy Xá Lợi Phất! Chư đại Bồ Tát do bình đẳng chứng nhập tùy giác thông đạt như vậy, nên gọi là đại Bồ Tát y Tĩnh lự Ba la mật được thành tựu pháp hi kỳ chưa từng có.

Thế nào là pháp hi kỳ chưa từng có?

Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát y Tĩnh lự Ba la mật, dầu thật hành đại từ mà luôn quán vô ngã. Dầu thật hành đại bi mà biết không chúng sanh. Dầu thật hành đại hỉ mà biết không thọ mạng. Dầu thật hành đại xả mà biết không hữu tình. Dầu rộng thật hành đại thí mà tâm luôn điều thuận. Dầu duyên cảnh tịnh giới mà tâm thường tịch tĩnh. Dầu thật hành nhẫn nhục mà tâm vô biên tế. Dầu siêng tinh tấn mà tâm hay chọn họp. Dầu nhập các tĩnh lự mà chánh tâm quán sát. Dầu khắp hành trí huệ mà tâm vô sở hành. Dầu hành tứ niệm trụ mà tâm không duyên niệm cũng không tác ý. Dầu hành tứ chánh cần mà tâm không sanh diệt. Dầu hành tứ như ý túc mà tâm chẳng hí luận. Dầu hành tịnh tín mà tâm không hệ trước. Dầu hành tinh tấn mà tâm luôn xa rời. Dầu hành nơi niệm mà tâm thường tự tại. Dầu ở trong định mà tâm chứng bình đẳng. Dầu hành nơi huệ mà tâm vốn vô tướng. Dầu hành ngũ lực mà tâm không dẹp phục. Dầu hành giác phần mà phân tích Bồ đề. Dầu tu đạo phần mà tâm không tu. Dầu hành chỉ mà tâm luôn tịch diệt. Dầu hành quán mà tâm không định quán. Dầu tu hành thánh đế mà cứu cánh biến tri. Dầu thành thục chúng sanh mà tâm vốn thanh tịnh. Dầu nhiếp thọ chánh pháp mà chẳng hoại pháp tánh. Dầu tịnh Phật Ðộ mà tâm đồng hư không. Dầu chứng pháp vô sanh mà tâm vô sở đắc . Dầu hành bất thối chuyển địa mà tâm tánh không thối chuyển . Dầu được các diệu tướng mà biết tánh không có tướng. Dầu trang nghiêm đạo tràng mà tâm đi trong tam giới thường ở khắp nơi. Dầu hàng phục quân ma mà đối với tất cả hữu tình không có xô dẹp. Dầu biết các pháp là tánh bồ đề mà tâm liền biết rõ. Dầu chuyển pháp luân mà tâm an trụ pháp tánh không hoàn không chuyển. Dầu hiện Niết Bàn mà tâm thường bình đẳng đối với sanh tử.

Ðây gọi là đại Bồ Tát bình đẳng chứng nhập tùy giác thông đạt. Pháp hi kỳ chưa từng có ấy phải biết là do tu hành Tĩnh lự Ba la mật mà thành tựu.

Lại này Xá Lợi Phất ! Những gì gọi là tướng đại Bồ Tát y Tĩnh lự Ba la mật tu học Bồ Tát tĩnh lự ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Bồ Tát tĩnh lự chẳng trụ tự tánh, vì để đầy đủ những chánh định như vậy. Bồ tát tĩnh lự không có mến mùi, vì chẳng tham trước để tự an vui vậy. Bồ Tát tĩnh lự duyên nơi đại bi, vì dứt phiền não tất cả chúng sanh vậy, Bồ Tát tĩnh lự chánh định không thối chuyển, vì duyên nơi tánh dục tăng thượng vậy, Bồ Tát tĩnh lự nháng phát thần thông vì rõ thấu các tâm hành của chúng sanh vậy, Bồ Tát tĩnh lự tâm thích mến vui, vì khéo có thể hiển phát tâm tự tại vậy. Bồ Tát tĩnh lự biết rõ tất cả tam ma bát đề, vì chói che tất cả cõi Sắc, vô Sắc vậy, Bồ Tát tĩnh lự là tịch tĩnh tối thắng, vì chói che chánh định của Thanh Văn , Ðộc Giác vậy. Bồ Tát tĩnh lự không có phân biệt, vì tột cứu cánh thanh tịnh vi diệu vậy, Bồ Tát tĩnh lự hành phẩm tối thắng, vì tập khí tương tục đã trừ diệt hẳn vậy, Bồ Tát tĩnh lự dùng huệ siêu độ, vì siêu độ tất cả các thế gian vậy, Bồ Tát tĩnh lự làm đạo thủ dục giải cho các hữu tình, vì khéo độ thoát được các hữu tình vậy. Bồ Tát tĩnh lự nối giống Tam Bảo chẳng dứt vì lấy tĩnh lự Phật làm cứu cánh vậy. Bồ Tát tĩnh lự tối cao hiển, vì đại tự tại thường hiện tiền vậy. Bồ Tát tĩnh lự tối cao hiển, vì đại tự tại thường hiện tiền vậy. Bồ Tát tĩnh lự tự tại chuyển vận, vì những chỗ làm đều viên mãn vậy. Bồ Tát tĩnh lự là đại ngã, vì dùng trí huệ vi diệu làm đại ngã vậy

Bồ Tát tĩnh lự có vô lượng tướng như vậy đều do đại Bồ Tát y Tĩnh lự Ba la mật tâm chứa họp phát khởi.

Lại nầy Xá Lợi Phất ! Pháp gì làm tiền đạo cho Tĩnh lự Ba la mật của đại Bồ Tát ?

Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát Tĩnh lự Ba la mật ấy, lấy tâm tĩnh quán trí làm tiền đạo, lấy tâm an trụ một cảnh sở duyên làm tiền đạo, lấy tâm không tán dộng làm tiền đạo, lấy tâm an trụ làm tiền đạo, lấy tâm xa ma tha làm tiền đạo, lấy tâm tam ma địa làm tiền đạo, lấy căn tam ma địa làm tiền đạo, lấy lực tam ma địa làm tiền đạo, lấy giác phần tam ma địa làm tiền đạo, lấy chánh tam ma địa làm tiền đạo, lấy giải thoát tĩnh lự làm tiền đạo, lấy cửu thứ đệ định làm tiền đạo, lấy chín pháp diệt trừ làm tiền đạo, lấy tất cả pháp lành làm tiền đạo, lấy phục phiền não oán làm tiền đạo, lấy khối tam ma địa đầy đủ viên mãn làm tiền đạo, lấy các tam ma địa đại Bồ Tát làm tiền đạo , lấy các tam ma địa chư Phật Thế Tôn làm tiền đạo. Vô lượng tĩnh lự như vậy đều làm tiền đạo cho Tĩnh lự Ba la mật cả. Lại còn có vô lượng vô biên pháp tịch tĩnh được chứng đều là tiền đạo cho Tĩnh lự Ba la mật cả.

Ðây gọi là đại Bồ Tát Tĩnh lự Ba la mật. Ðại Bồ Tát vì Vô thượng Bồ đề phải ở trong ấy phát khởi tinh tấn tu học đầy đủ, thật hành Bồ Tát hạnh".

Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng :

Tĩnh lự giải thoát đến bờ kia
Siêng tu hạnh nầy nhiều số kiếp
Tâm ấy tịch tĩnh không dơ đục
Chẳng nhiễm thế pháp như hoa sen
Có đại tĩnh định tên biến chiếu
Y định nầy tu đến bờ kia
Có tên nguyệt quang tịnh trang nghiêm
Lại tên điện quang được nghiêm sức
Hoặc tên cao hạnh tên tâm dũng
Có định tên là vô cấu quang
Tên giới đức biện tên vô ưu
Hoặc tên chư pháp tự tại chuyển
Tên là pháp cự hoặc pháp dũng
Hoặc tên sơn oai pháp tự tại
Hoặc chánh pháp trí tự nhiên siêu
Hoặc trì chánh pháp diệu thanh tịnh
Hoặc tên quán sát tha tâm định
Hoặc tên chánh pháp bửu quang minh
Hoặc tên diệt hoặc nghiêm thắng tràng
Có định tên là tồi ma lực
Hoặc tên đoạn nghi tên vô trước
Có định tên là tịch tĩnh đăng
Tên lực cao thắng tên thập lực
Hoặc tên kính thủ đại danh xưng
Hoặc tên trì sơn thiện an trụ
Tên Tu di sơn đại minh đăng
Hoặc tên vô thắng thắng bỉ thắng
Hoặc tên trí cự tên huệ hành
Tên vô biên trí tên tự tại
Hoặc tên phát huệ tịch tĩnh định
Hoặc tên nguyệt định nhựt âm thanh
Tên na la diên tồi kiêu mạn
Tên thiện điều long sư tử hống
Tên là viễn ly chủng chủng tưởng
Hoặc tên triền chuyển tên phàn hoàn
Tên vô minh nhãn lực thanh tịnh
Có định tên là niệm chư Phật
Có tên niệm Pháp tên niệm Tăng
Hoặc tên trí chuyển tên nhập không
Hoặc tên vô tướng tên vô nguyện
Tên kim cương dụ tên địa tịnh
Tên kim cương địa tên cao thắng
Hoặc tên sơn vương tên chẳng tối
Tên vô biên chuyển tên tịnh âm
Tên ly phiền não tên quán sát
Tên hư không diệu tên như không
Tên phát quảng đại chư công đức
Tên xu giác huệ tên niệm huệ
Tên biện vô tận tên tương tục
Tên vô biên thuyết từ vô tận
Tên vô hoài thiện tác sở tác
Tên là quan sát tên chúng duyệt
Hoặc tên từ biện tên bi quảng
Tên nhập hoan hỉ tên hân khánh
Tên xả tên thoát hai thứ ngại
Hoặc tên pháp quang tên pháp nghĩa
Tên kim cương tràn tên trí hải
Tên giải thoát kiên tên chúng hỉ
Hoặc tên trí cự vô động định
Có định tên là thắng liên hoa
Tên giản tập pháp tên vô động
Hoặc tên huệ thượng tên tịch tĩnh
Tên vô biên quang tên Phật hải
Hoặc tên giải thoát tên trí thọ
Hoặc tên Như Lai diệu trang nghiêm
Hoặc tên vô biên thắng quang diệm
Hoặc tên hoan hỉ trang nghiêm độ
Hoặc tên duyệt dự chúng sanh ý
Có định tên là nhứt thiết thời
Thuận Bồ đề đạo tam ma địa
Có định tên là đáo bỉ ngạn
Giác phần hoa nghiêm thí bửu kế
Tên thí cam lồ tên giải thoát
Tên phong tam động thạnh quang minh
Hoặc tên hải triều dòng bửu tạng
Tên chư kim cương sơn phong lực
hoặc tên thần thông quảng đại nghĩa
Tên thiện nhiếp thọ tam ma địa
Có định tên là đại thông chiếu
Cảnh giới của chư Phật Như Lai
Chứng được định tịch tĩnh dường ấy
Và câu chi vô biên định khác
Tu hành tĩnh lự đến bờ kia
Bồ Tát công đức rộng vô lượng
Ði đứng luôn du cảnh tĩnh lự
Tâm ấy không loạn thường đạm bạc
Hoặc đi hoặc nằm ở trong định
Hoặc đứng hoặc ngồi thường tại định
Ở định hay phát âm thanh lớn
Bởi vì pháp tánh thường tịch tĩnh
không dị phân biệt không tự tại
Không ngã không mạng không phân biệt
Như vậy và những không biên tế
Vô số vô lượng biển công đức
Bồ Tát sáng suốt thương chúng sanh
Tu hành tĩnh lự Ba la mật.

PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG
Phẩm tĩnh lự ba la mật
Thứ mười

HẾT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]