- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
ĐẠO VÀ ĐỜI
Những gì Phật chứng, Phật thuyết trong toàn bộ Đại Bát Nhã này nhiều nhất là nói về trí Phật, và tánh Không. Kế đến Phật nói về tác dụng của tâm và tâm sở, ngã và ngã sở hay nói khác là những liên hệ giữa người với vật hay nói khác giữa người với vạn hữu chung quanh. Nhưng, ở đây không phải Phật cố ý nói lên tác dụng có tánh cách tiêu cực hay tích cực, bi quan hay lạc quan của cuộc sống. Phật chỉ cố nói đến một thứ vận hành gần như là qui luật chi phối toàn thể sinh hoạt tâm linh của kiếp sống con người, mà dưới ảnh hưởng của nó có thể mang lại hạnh phúc hay khổ đau tùy theo hoàn cảnh sống, cách sống hay quan điểm sống của thế gian. Tất cả ảnh hưởng đó dù là chủ quan hay khách quan đều được giải thích một phần nhỏ qua Phân tâm học, hoặc qua giáo lý nhân quả, nghiệp báo hay luân hồi trong Phật đạo nói chung. Chúng ta đã nói quá nhiều về tánh Không. Xin tạm gát sang một bên. Bây giờ chúng ta nói về nghiệp quả trong Đạo và Đời.
Nghiệp là do tạo tác thi vi và quả là quả báo tức các tạo tác thi vi mà tác chủ phải trực tiếp hay gián tiếp phải gánh chịu tương đương với nghiệp. Nghiệp có nghiệp riêng, nghiệp chung hay cộng nghiệp do một cá nhân, một nhóm người hay cả cộng đồng phải tự gánh chịu mà không thể “đổ thừa” cho hoàn cảnh xã hội hay lịch sử. Còn luân hồi trong lục đạo ở 3 cõi Dục, Sắc và Vô sắc cũng chỉ là sự tái sanh để trả nghiệp hay hưởng quả trong tương lai, đối với những tạo tác do chính mình gây tạo trong quá khứ hay hiện tại. Nhưng nói riêng về nghiệp là bi quan, cũng bất công, thiên chấp; nếu nói về giải thoát Niết bàn là lạc quan, cũng là một thứ thiên chấp khác nữa; chỉ nói không nghiệp không quả, không Niết bàn có lẽ khế hợp với lẽ đạo hơn(hay nói khác là hợp với đệ nhất nghĩa đế hơn).
Nhưng, Đạo Phật không đóng khung trong khuôn khổ hạn hẹp với các quan niệm về nghiệp báo, nhân quả hay luân hồi thuộc phần nhỏ của Tiểu thừa Phật đạo. Ý chí (Trí) và tình thương (Bi) của Đại thừa là lý tưởng trong việc xây dựng cộng đồng thế giới. Thiếu ý chí, thiếu tình thương, thì đời sống biến thành thao trường của những bạo lực mù quáng. Hãy xem thế giới thực tại phơi bày ra sao trong cái nhiễu nhương đầy biến động của nó để tìm lấy hướng đi chung. Đó là ý nghĩa của đạo và đời được đặt ra trước khi chấm dứt thiên Tổng luận này.
Có vay thì phải có trả. Đó là tự nhiên! Không ai có thể trốn khỏi qui luật này. Không ai có thể tự than “Tôi sanh ra đời dưới một vì sao xấu”, cũng không thể nói có cái gì đó đặt để cho mình, gọi là “định mệnh”. Đổ thừa cho số mệnh hay định mệnh do một quyền lực bí ẩn nào đó là sự qui trách vu vơ, thiếu trách nhiệm. Khôn là trách mình, dại là trách người. Mình làm mình chịu là nhân bản, là công bằng!
Tại sao có những đứa trẻ xuôi ngược trên bãi rác mênh mông đầy hôi thối, dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời để nhặt những túi nylon, những bao bì bằng plastic hay những chai lọ bẩn thỉu để đổi lấy miếng ăn? Tại sao trẻ em của các quốc gia nghèo đói chậm tiến không cơm ăn, sữa bú, ốm o chết lần chết mòn trên cánh tay của mẹ? Tại sao những người da đen sống cuộc đời nô lệ, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, bị đối xử còn kém hơn các con chó ở các quốc gia Tây Âu xưa cũng như nay?
Chén cơm chưa đủ mặn mồ hôi và nước mắt thì chưa thấm mùi đời. Phải nếm đủ mùi tân khổ (cay đắng) mới hiểu giá trị của cuộc sống. Thượng đế bảo vậy? Tại ông Trời hay số mệnh chăng? Vô lý! Không có Thượng đế hay ông Trời nào muốn đày ải chúng sanh. Thiên đế, Trời cũng do tu thập thiện mà ra. Còn nói là do số mệnh, lại còn vô lý hơn nữa, không có số mệnh nào an bài ở đây. Tất cả đều do nghiệp, nghiệp riêng của từng cá nhân phải trả do mình gây ra. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Nghiệp chung, nghiệp tập thể mới đáng sợ!
Ở thời đại phong kiến khi quan niệm “thế thiên hành đạo” ra đời. Những kẻ có chút ít khôn ngoan hay sức mạnh, tự cho mình là con Trời, đã nắm giữ quyền hành, cái gọi là “thế thiên hành đạo”, một thứ khoác lác mị dân, chỉ cốt tước đoạt tài sản và sanh mệnh của bao con dân vô tội. Người tạo các chủ thuyết như vậy chỉ để trục lợi cho bản thân, mà không cần biết bao nhiêu sanh linh quằn quại đọa đày trong các chiến trường máu lửa hay các công trường xây dựng lâu đài vĩ đại uy nghi để cho cá nhân hưởng thụ. Dân đen trở thành nô lệ của chế độ quân chủ chuyên chế, một thứ quái thai của thời đại cổ xưa! Ở đây dân đen không có một chọn lựa nào hết! Đổ thừa cho thiên mạng (mạng Trời) chăng?
Tiến lên một chút, những người có tư tưởng cấp tiến, muốn thỏa mãn nguyện vọng của dân đen, nên luôn luôn nổi dậy làm cách mạng lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến này và thay vào đó chế độ quân chủ lập hiến, để mọi tầng lớp dân chúng có quyền tham dự vào chính trường trong việc quản trị tài sản chung của quốc gia, cũng như tài sản riêng của từng cá nhân sống trong quốc gia đó. Nhưng chủ thuyết này cũng không chận đứng nổi tham vọng của những kẻ độc đoán nắm chính quyền vẫn còn đó.
Tiến lên chút nữa, dân chúng muốn hoàn toàn loại bỏ giai cấp thống trị gọi là vương quyền để thay thế vào đó chế độ dân quyền. Dân chúng tạo hiến pháp, chia các cơ quan công quyền thành ba loại khác nhau là hành pháp, lập pháp, tư pháp và bầu cử các đại biểu tham dự vào các cơ quan công quyền trên, để thay thế cho dân chúng trong việc quản trị quốc gia dân tộc. Chế độ dân chủ lập hiến thay thế cho chế độ quân chủ lập hiến ra đời. Đó là một sự tiến bộ vượt bậc.
Nhưng chế độ này cũng chưa hoàn chỉnh, vẫn còn hố cách biệt giữa những người khôn ngoan giàu có đối với những người gọi là “dân phu khu đen” nghèo khổ ít học. Chế độ tư bản ra đời với những quyền lực “hợp pháp hợp hiến” của nó.
Để chấm dứt tình trạng chênh lệch này, chế độ cộng hữu nẩy sanh. Những nhà làm công việc xã hội muốn đem lại một thế quân bình mới. Chủ trương tài sản của quốc gia chính là tài sản của toàn thể dân chúng. Đại biểu của dân chúng là những người được bầu lên để quản trị tài sản chung đó và nó phải được phân chia đồng đều cho tất cả mọi người dân. Nhưng chế độ này lại tạo thành một giai cấp mới còn tàn độc hơn chủ nghĩa tư bản, chiến tranh ở Ukraine là thí dụ mới nhất của thời đại. Karl Marx, một kinh tế gia, một sử gia, một nhà xã hội học, một lý thuyết gia chánh trị, một phóng viên thời đại của thế kỷ XIX, với chủ thuyết cộng hữu mà vô hình chung chia thế giới làm hai khối, giết hại lẫn nhau không kể xiết!
Biết bao sanh linh vô tội chết mòn mỏi trong cảnh tù đày hay phơi thây ngoài chiến trường hoặc chôn thây trong những nắm mồ tập thể… là do tham vọng hay tư tưởng gây nên bởi mệnh Trời theo đạo Lão khi xưa hoặc thời cuộc nói theo chánh trị hôm nay? Hãy tự thấu rõ nguyên nhân để tránh hậu quả. Đừng bao giờ kết án vu vơ để trốn tránh tội ác đã phủ lên đầu những dân đen thấp cổ, bé họng.
Ai đọc thế giới sử cũng không quên một cuộc chiến tranh qui mô xảy ra hơn chín lần phát động của cái gọi là Thập tự chinh từ cuối thế kỷ thứ XI cho đến cuối thế kỷ thứ XIII giữa các quốc gia Tây Âu do sự kêu gọi của đức Giáo Hoàng, tiến hành bởi các vị vua và những người quý tộc tình nguyện cầm cây thập tự giá tiến về Trung Đông với mục tiêu phục hồi vùng Đất Thánh (Jerusalem) do các dân tộc thuộc Hồi giáo chiếm đóng. Dù giải thích với danh nghĩa nào hoặc chính trị, kinh tế hay tôn giáo các sử gia xưa cũng như nay đều cho nguyên do của các cuộc động binh tàn khốc này không ngoài lý do tôn giáo giữa các quốc gia Công giáo hay Kitô với các quốc gia Hồi giáo(1).
Lịch sử không dừng ở đây. Sự nổi dậy của một nhóm khủng bố gốc Hồi giáo có tên là Isis( the Islamic State of Iraq and Syria (ISIS) tại Trung đông sau chiến tranh Iraq, tàn sát những người da trắng và các liên minh của họ một cách man rợ. Những người trong và ngoài cuộc đều kết án là bọn khủng bố gây chết chóc đau thương bởi nhóm Isis này là để trả thù nợ máu truyền kiếp do đoàn Thập tự giá năm xưa gậy nên. Không biết những phê phán đó có chủ quan hay không? Nhưng nhìn cách chém giết man rợ không có duyên cớ, nên kết luận là do “hận”. Hận đó có thể là do quyền lợi kinh tế, hận đó là do màu da sắc áo dân tộc hay hận đó do tôn giáo gây nên hay có lẽ, là tổng hợp của tất cả các nguyên do trên?
Một thí dụ khác liên quan đến Phật giáo mà những người theo đạo Phật hôm nay đều rõ: Sự tàn sát của những người Hồi giáo đối với Viện đại học Nalanda tại Ấn Độ. Viện Đại học này tọa lạc gần Rajgir trong bang Bihar, Ấn Độ; một vùng đất tập trung nhiều di tích lịch sử và tôn giáo, kể cả Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật thành đạo. Khu vực này là trung tâm của vương quốc cổ Magadha (Ma kiệt đà), nổi tiếng do Đại đế Ashoka (vua A Dục) thống trị, có ảnh hưởng lớn lao trong việc bảo trợ và truyền bá Phật giáo khắp Á châu.
Viện Đại học Nalanda nguyên thủy được thành lập từ năm 413 và bị tiêu hủy vào năm 1193, bởi một viên tướng Hồi giáo người Thổ Nhĩ Kỳ (gốc Afghanistan là Muhammad of Ghor). Viên tướng Bakhtiyar Khilji đã thiêu sống và chặt đầu hàng ngàn Tăng sĩ vì hắn cố gắng bằng mọi giá tiêu diệt Phật đạo. Các tài liệu còn lưu lại nói rằng có hơn 3.000 sinh viên Tăng sĩ được tập họp và nhận lệnh nếu người nào đặt tay lên kinh Koran tuyên bố bỏ đạo thì được tha mạng sống, người nào chống lại sẽ bị chặt đầu. Tất cả đều không bỏ đạo. Thế là 3.000 tín đồ Phật giáo, 3.000 cái đầu rơi xuống, máu chảy thành sông, thây chất thành núi. Còn việc đốt phá tòa thư viện đã diễn ra trong suốt nhiều tháng và “khói từ những bản sách viết tay bị đốt cháy đã tụ lại như một tấm màn đen bao phủ khắp những ngọn đồi phía dưới suốt nhiều ngày liên tiếp”. Đạo Phật Ấn độ bắt đầu suy thoái từ đó!
Không những tín đồ Phật giáo bị tàn sát mà cả những tín đồ khác nằm trên lộ trình tiến quân của tướng Bakhtiyar Khilji từ Thổ Nhĩ Kỳ xuyên qua các quốc gia láng giềng của Ấn độ cũng bị số phận máu lửa như vậy. Thật quá khủng khiếp!
Mới đây nước Myanmar (tên cũ là Miến Điện) có tiếng là mộ đạo, 89.3% dân chúng của quốc gia nầy theo đạo Phật và dưới thời Thủ tướng Ne Win, Phật giáo từng được đưa vào Hiến pháp là quốc giáo. Thủ tướng U Nu là người đem lại vẻ vang cho đạo Phật tại Đông Nam Á, cũng bị rơi vào cuộc khủng hoảng giữa nhóm chủ nghĩa Phật giáo dân tộc cực đoan Miến và nhóm Hồi giáo người Rohingya sống ở bang Rakhine. Sự khủng hoảng này bắt đầu từ trước năm 1970 và bùng nổ dữ dội vào Ngày 09/10/2016 khi một toán võ trang trong “nhóm ly khai của Tổ chức Đoàn kết Rohingya” tấn công nhiều trạm cảnh sát biên phòng thuộc bang Rakhine làm cho 9 cảnh sát viên bị tử nạn. Vũ khí và đạn dược cũng bị cướp đi. Lại có thêm các cuộc tấn công lớn đã diễn ra tại thị trấn Maungdaw của Myanmar nữa.
Dân Miến và quân đội mở chiến dịch “càn quyét” các làng do người Rohingya thuộc đạo Hồi sinh sống ở phía Bắc của bang Rakhine này. Trong cuộc “bố ráp” khởi đầu, hàng chục người đã thiệt mạng và nhiều người đã bị bắt giữ. Số thương vong đã gia tăng theo từng cuộc đàn áp. Những vụ bắt bớ tùy tiện, giết chóc, cướp bóc, hãm hiếp tàn bạo nhắm vào thường dân Rohingya thuộc đạo Hồi, giống như bất cứ một sự xung đột nào khác. Theo báo cáo của giới truyền thông, hàng trăm người Rohingya đã bị giết và nhiều người đã trốn khỏi Myanmar với tư cách tị nạn trong các khu vực lân cận như Bangladesh. Cuối tháng Mười một, Tổ chức theo dõi Nhân quyền HRW công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng có khoảng 1.250 ngôi nhà của người Rohingya trong năm ngôi làng đã bị thiêu rụi bởi các lực lượng an ninh. Dân thiểu số Rohingya gốc Hồi ở bang Rakhine phải bế bồng chạy loạn qua các quốc gia láng giềng, nhiều nhất là vượt Sông Naf để vào Bangladesh tại thị trấn Palongkhali. Liên Hiệp Quốc nói rằng có tới 537.000 dân sắc tộc Rohingya đã tới Bangladesh trong vòng 7 tuần, kể từ hôm 16/10/2017. Con số này còn tăng hơn thế nữa sau đó.
Ở đâu dân tỵ nạn Rohingya cũng bị đuổi xô gần như không còn đất sống. Ủy ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra, các cơ quan như Giáo hội Vatican, bộ ngoại giao Hoa kỳ, các chánh phủ như Mã Lai Á, Thái Lan, Indonesia... cáo buộc tình trạng này như là một “tội ác chống lại nhân quyền”, “thanh lọc sắc tộc” hay “diệt chủng” v.v... Nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng nào có thể xoa dịu mối đau thương quá to lớn đối với những người Rohingya gốc Hồi giáo này(3).
Những người thuộc đạo Phật tại Myanmar phải ý thức về trường hợp này. Đây không phải là cuộc di dân kinh tế, chính trị hay mệnh trời, cũng không thể nói đây là nghiệp riêng, nghiệp chung hay cộng nghiệp của những người Hồi giáo hôm nay, phải trả cái quả báo to lớn cho ông cha của mình khi xưa, mà đây tạm nói là những nạn nhân thời cuộc đảo điên gây ra, cần phải giúp đỡ. Hãy quên quá khứ đau buồn và phải nhìn hiện tại và tương lai trong mối bao dung của tứ vô lượng tâm.
Chúng ta lên án Công giáo trong cuộc Thập tự chinh chăng? Chúng ta kết tội Hồi giáo tại Trung đông trong các cuộc bạo động thảm sát xưa và nay chăng? Chúng ta qui trách nhóm chủ nghĩa Phật giáo dân tộc của Myanmar v.v... ? Tất cả là do những người lãnh đạo ẩn náu dưới chiêu bài tôn giáo gây tội ác này chăng? Không! Không có bất cứ một thứ tôn giáo chánh thống nào lại chủ trương bạo động cả. Đừng buộc mà phải mở!
Những cuộc di tản chính trị, kinh tế, tôn giáo hay chủng tộc lúc nào, ở đâu, bao giờ cũng trở thành mối quan ngại chung cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Không ai trên thế giới có thể quên được cuộc thảm sát của những người Hồi giáo đối với dân tộc Do Thái, buộc con dân của quốc gia này phải sống tha hương cầu thực trên toàn thế giới. Cũng không ai quên được tội ác diệt chủng của Đức quốc xã một lần nữa đổ lên đầu dân tộc này khi họ bị tập trung để đưa vào “hỏa lò”.
Rồi đến chiến tranh Đông Dương từ sau Hiệp định Genève năm 1954 kéo dài đến năm 1975 của người Việt, Miên, Lào. Bom đạn máu lửa xảy ra từng giờ từng phút, từng giây gây tử vong cho các dân tộc này khoảng từ 2-4 triệu kể cả quân đội đồng minh tùy theo thống kê, con số này ngang hàng hay hơn tổng số các dân tộc tử vong trên toàn thế giới trong Đệ nhị thế chiến. Số bom đạng đổ lên đầu các dân tộc này còn hơn số lượng bom đạn đổ lên toàn thế chiến thứ II. Chưa hết, sau năm 1.975 cũng tại ba quốc gia này, lại từng đợi người được mệnh danh là “Boat people” hoặc theo đường bộ hoặc chèo thuyền vượt biển tìm tự do đã bị bắt cóc, hãm hiếp hoặc chôn xác dưới lòng biển.
Rồi đến năm 1.990, những người dân Serbs chạy tứ tán qua các quốc gia Tây Âu trong chiến tranh Kosavo. Đến năm 2011 cho tới bây giờ đất nước Syria chỉ có 22 triệu dân mà sáu triệu rưỡi người phải bỏ nhà bỏ cửa ra đi lánh nạn, trong đó có hơn ba triệu hai người hiện sống trong các trại tỵ nạn trên vùng đất Turkey (Thổ nhĩ kỳ). Đất nước Syria sau 10 năm chiến tranh, chỉ còn là đống gạch vụn, một vùng oanh kích tự do. Thật quá thương tâm không những cho dân tộc Syria mà cả đến những người Trung Đông và Bắc Phi lưu vong, đi đến đâu bị đuổi xô tới đó, phải sống lạc loài vô định. Còn nữa, đến năm 2.016 lại xảy ra việc di tản cả triệu người Rohingya gốc Hồi giáo tại Myanmar như đã nói trên. Mới đây Trung Cộng bị cáo buộc đã tập trung cải tạo hơn 2 triệu dân thiểu số gốc Uighur, Kazakhstan và những sắc dân theo Hồi giáo sống ở miền Tân Cương Trung Quốc, gần Kazakhstan. Và bây giờ ở thời đại mới Ukraine, 1 quốc gia giàu đẹp nhất nhì tại Âu châu, dân số khoảng 44 triệu mà hơn 10 triệu phải bỏ nhà bỏ cửa, chạy nạn tứ tán khắp nơi trong đó có hơn 5 triệu người mà đa số là phụ nữ, trẻ con và người già biến thành dân tỵ nạn tại các quốc gia láng giềng. Vợ khóc chồng, mẹ khóc con... Quốc gia giàu đẹp xây dựng qua bao thế kỷ, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, biến thành dóng gạch vụn. Máu lửa ngập trời, còn tiếp diễn trong khi chúng tôi viết những dòng chữ này. Thật quá thảm thương!
Ai đã từng sống trong các trại cải tạo, các trại tỵ nạn, các nhà tù hay các trại tập trung do chiến tranh hoặc các hỏa lò thiêu sống bằng hơi ngạt của những kẻ bạo tàn kỳ thị... mới hiểu cảnh khổ đau cả thể xác lẫn tinh thần... Con người ở trong bất cứ cảnh huống nào, dù tận cùng của địa ngục trần gian, còn hơi thở là còn hy vọng sống. Chính nguồn cảm hứng tuôn trào từ cuộc sống đau khổ, rồi từ cái đau khổ đó mà nảy sanh đại bi, phát nguyện thương yêu muốn cưu mang cho tất cả những người cùng đau khổ như mình.
Tôi chứng kiến một đoạn phim (film) thời sự, bọn Isis hành hình những người hợp tác với chánh quyền chống lại chúng, ở nơi nào mà chúng tạm chiếm. Những tù binh bất đắc dĩ này bị đưa đi hành huyết. Họ được dẫn đến một cái mương hẹp trên một khoảng đất trống. Vừa tới đó khi tiếng súng phát ra, tất cả những nạn nhân đáng thương đó dành nhau nhảy vào cái mương sâu chưa được một thước. Họ dành nhau nhảy vào đó không phải dành sống, mà họ dành được chết trước, chết để được an thân. Quá thảm! Ở thời đại Phật, Phật thấy đau, già, bệnh, khổ... đã là mối động tâm lớn của Phật. Ở thời đại chúng con, thảm cảnh nhân loại như thế đó!
Ở đây chúng tôi không phải bàn về pháp chế sử hay lịch sử của các tôn giáo trong xã hội loài người. Ở đây chủ đích của chúng tôi cũng không muốn bàn về định mệnh, nghiệp riêng hay chung của cá nhân hay tập thể. Ở đây chúng tôi cũng không muốn cáo buộc bất cứ hành vi gây tội ác nào, mà ở đây chúng tôi cốt nêu lên thái độ sống, cách sống hay nói khác là quan niệm sống của mỗi con người chúng ta trong mối tương quan giữa con người với con người, giữa con người với quốc gia, giữa các quốc gia với nhau hay giữa các quốc gia với cộng đồng quốc tế... trong sự sống còn của nhân loại.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc được xem là qui ước quan trọng, một thứ luật lệ tối cao của cộng đồng quốc tế cũng không thể chận đứng những hành động điên rồ tạo nguy hại cho toàn thể nhân loại. Ở thời đại digital này chỉ cần một chữ nhập vào hay một cái bấm nút, cả thế giới trở thành tro bụi. Đó là cách tự sát nhanh chóng nhất của con người.
Nhưng chết từ từ, chết chậm rãi còn đau đớn hơn mà nhân loại chưa đặt vào tình trạng báo động. Đó là tình trạng suy hóa của môi sinh từ không khí, sông nước, biển cả, rừng núi, cỏ cây, cả đến đất đai nữa v.v... Con người sanh theo cấp số nhân trong khi lương thực tăng theo cấp số cộng, còn đất cát càng ngày càng tế phân từng mảnh vụn, thu hẹp bởi nạn nhân mãn. Vì vậy, nên con người phải khai thác, tận dụng thiên nhiên càng nhiều càng tốt để tiếp tục sống còn. Đó là vấn đề!
Khí Ozone do các chất thuộc dạng freon tạo thành, không tự có trong thiên nhiên mà do con người tạo ra có tính độc hại rất cao. Khí này chủ yếu được hình thành từ các hoạt động công nghiệp như nhà kiếng (green houses), khu kỹ nghệ, khai thác quặng mỏ, xử dụng khí đốt, xử lý rác thải, cháy rừng… Khí này làm cho tầng ozone (Ozone layer) bao chung quanh trái đất trở nên mỏng ra, có chỗ bị thủng, các chuyên viên không gian và các khoa học gia tiên đoán phải mất hàng chục năm (ít nhất phải mất 30 năm hay nhiều hơn) mới tái tạo lại được.
Hậu quả của sự suy thoái của tầng ozone này là không ngăn chận được tia tử ngoại (ultra violet) của ánh sáng mặt trời mà ảnh hưởng của nó một mặt gây nguy hại đến sức khỏe của nhân loại như tạo nhiều bệnh lý cho cả người lẫn vật; mặt khác là làm nhiệt độ của quả địa cầu tăng dần, gây nên bão tố, lụt lội, tuyết tan, mực nước biển dâng lên, diện tích chăn nuôi trồng trọt bị thâu hẹp lại. Sức nóng càng ngày càng tăng làm cho việc trồng lúa gặp nhiều trở ngại (hạn hán, sâu rầy, năng suất thâu hoạch kém về phẩm cũng như về lượng). Các chuyên gia nông nghiệp ước đoán ít nhất có đến 600 triệu các dân tộc dùng lúa gạo bị rơi vào tình trạng đói kém. Nhiệt độ của quả cầu cũng làm cho hằng trăm sinh vật bị diệt chủng v.v... và v.v...
Đó là chỉ nói đến những ảnh hưởng của chất ozone do con người tạo ra chưa kể việc thải hồi các độc chất như công ty hóa chất của Đài loan có cơ sở tại Việt nam đã đâm vào biển cả của quốc gia này chất formosa làm cho hàng trăm ngàn loài thủy tộc bị tiêu diệt mà không biết bao nhiêu thế kỷ mới có thể phục hồi, đó là một thí dụ. Ngoài ra, các công ty của Trung Quốc cũng như một số các quốc gia khác thải hồi bừa bãi những độc chất có tánh cách phóng xạ hay nồng độ toxic cao trên đất nước Phi châu hay trên các vùng biển hẻo lánh như thuốc trừ sâu DDT chẳng hạn, v.v... và v.v... Trước các vấn đề đó, vai trò của các khoa học gia, các lãnh tụ Kinh tế, chính trị hay tôn giáo thế giới phải có thái độ như thế nào?
Chúng ta biết rằng: Đe dọa càng lớn, trách nhiệm của nhân loại càng cao. Đã có các hội nghị thượng đỉnh giữa các quốc gia diễn ra nhằm đối phó với các hiểm họa này. Tuy nhiên, kết quả không được rõ rệt lắm! Các tôn giáo không thể im lặng trước các vấn đề sinh tồn của nhân loại. Vai trò của các tôn giáo phải đặt vào vị trí nào trong việc bảo toàn nhân loại đây?
Riêng Đại Bát Nhã cũng như các Kinh khác của Phật đạo chủ trương phá ngã, diệt tội, thành thục chúng sanh, thanh tịnh Phật độ. Đó là tôn chỉ lớn trong việc xây dựng cộng đồng xã hội. Đơn vị nhỏ nhất để xây dựng cộng đồng chính là cá nhân. Một cá nhân trong sáng, thanh tịnh, thì gia đình được thanh tịnh, vui tươi, hạnh phúc. Một gia đình thanh tịnh thì xóm làng, quận thanh tịnh. Xóm, làng, quận, tỉnh thanh tịnh thì cả nước được thanh tịnh. Cứ thế mà lan rộng cho cả thế giới. Vậy, trách nhiệm chung của cộng đồng bắt đầu từ cá nhân. Muốn thế thì mỗi cá nhân phải tự hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Ngày nay, thế giới gặp quá nhiều nguy cơ, ngoài nguy cơ do thiên nhiên tạo thành như đã nói trên, còn có nguy cơ của chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề chạy đua vũ trang của các cường quốc. Cái nguy hại to lớn là sự phát triển bom hạt nhân (nuclear bomb). Các quốc gia thi đua vũ khí đã chế ra những quả bom nguyên tử to lớn như bom hydrogen Tsar bomba (king of bombs) của Liên Sô, có sức ép từ 50 cho đến 100 megatons, chiều dài 26 bộ, đường kính 7 bộ và nặng khoảng 60.000 cân Anh, loại vũ khí giết người có mức độ tàn phá không thể tưởng tượng nổi gắp 3.300 lần sức tàn phá ở Hiroshima. Nếu thả một quả bom như thế xuống thành phố Sài gòn thì một con ruồi ở Vũng tàu cũng chết. Bán kính tàn phá của nó trên cả trăm cây số và nhiệt độ tăng hàng ngàn, hàng chục ngàn hay hơn nữa, nên nói một con ruồi bị chết, chẳng có gì quá đáng. Đó là tôi nói chuyện xưa cách đây hơn nửa thế kỷ (khoảng 1955 đến 1965 dưới thời Khrushchev). Ngày nay, các cường quốc muốn tiêu diệt nhau nhanh chóng, đã chế tạo các hỏa tiễn có tốc độ cao và to lớn có thể mang đầu đạn nguyên tử để bắn qua các lục địa, hay cất giấu bomb hạt nhân trên quỹ đạo trái đất để có thể tấn công đối thủ mau lẹ hơn, ghê gớm hơn. Đó là một sự tiến bộ vượt bậc, nhân loại đã thực hiện một bước nhảy, “một bước nhảy khá dài về đàng sau”, đã thành công trong việc giúp nhân loại tự sát một cách nhanh chóng nhất.
Nhưng chết oằn oại chậm rãi mới là cái chết đáng sợ. Chúng tôi muốn nói đến các bệnh dịch do siêu vi trùng (virus) gây nên. Có ba trường hợp lớn trong lịch sử nhân loại được cơ quan Y tế thế giới (WHO) ghi nhận là: 1. Xảy ra tại Trung Quốc từ ngày 1/11/2002 tới 7/8/2003, có một loại dơi truyền virus corona (SARS=Severe Acute Respiratory Syndrome dạng CoV) qua heo, rồi từ heo truyền sang người, gây tang tóc cho 32 quốc gia trên thế giới, khiến 8.422 người nhiễm bệnh, trong đó 916 người tử vong; tai nạn thứ 2. xảy ra tại Trung Đông được xác định đầu tiên tại Saudi Arabia vào năm 2012, cũng cùng loại với siêu vi Virus corona (MERS= Middle East Respiratory Syndrome dạng CoV) khiến 851 người tử vong. Bệnh này phát xuất từ dơi truyền sang lạc đà, sau đó truyền sang người nhưng tác hại kém hơn; và tai nạn thứ 3. cũng do coronavirus đồng loại với SARS và MERS, có tên mới là COVID-19 (4). Người ta cho rằng bệnh này phát xuất từ chợ bán súc vật (wet market) tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây là loại hội chứng hô hấp cấp tính mới, nghiêm trọng nhất, truyền nhiễm qua không khí, phát triển rất nhanh chóng. Nguồn gốc bệnh này chưa xác định rõ ràng. Tính từ ngày 12/12/2019 cho đến ngày 3/05/2021, Johns Hopkins University báo cáo có hơn 153.123.490 trường hợp bị nhiễm Covid-19 và số tử vong lên hơn 3.207.815 người. Theo Worldometer Coronavirus USA tường trình cho đến nay có tất cả 154.144.940 người bị nhiễm, số tử vong lên đến 3.226.013 và khoảng 222 quốc gia và các lãnh thổ trên thế giới bị nhiễm. Con số này còn tăng thêm từng giờ, từng phút, từng giây chưa kể những biến dạng độc hại trong tương lai của loại siêu vi khuẩn này, vì còn quá sớm chưa có thể tổng kết hết được(5). Đó là con số đáng ngại, ngoài việc gây đau thương chết chóc lan tràn trên 222 quốc gia, đồng thời gây khó khăn trầm trọng cho nền Kinh tế toàn cầu nhất là sự khiếm khuyết lương thực trong vài năm sắp tới nữa. Nếu nạn này do thiên nhiên gây nên thì chẳng có gì đáng trách, nhưng nếu thật sự phát triển siêu vi trùng để tạo vũ khí gọi là bom vi trùng (virus bomb), một loại vũ khí sinh hóa (biological weapon) để giết người hàng loạt, là tội phạm lớn nhất đối với nhân loại, cho dù là sơ xuất.
Thử tưởng tượng một thứ chiến tranh xảy ra khi con người tận dụng tất cả các loại vũ khí như vậy để giết hại lẫn nhau, thì nhân loại sẽ đi về đâu? Thế giới không ngớt bị đe dọa dưới hình thức này hay hình thức khác, kể cả sơ suất do con người tạo ra (human errors) ngoài ý muốn. Biết thế, nên phải cùng nhau cảnh giác!
Hơn bao giờ hết, phải có sự đoàn kết giữa các quốc gia trên thế giới, phải có sự chia sẻ và cưu mang lẫn nhau mới mong tránh khỏi diệt vong. Không thể kêu gọi suông, tôn giáo phải có bổn phận hướng dẫn quần chúng trong việc bảo vệ sự sống còn cho toàn thể nhân loại! Đừng bao giờ cho đây là vấn đề chính trị nằm bên lề tôn giáo. Người tu không phải quay lưng với cuộc sống, mà ngược lại phải đối diện với cuộc sống. Albert Einstein từng nói: “Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng khoanh tay nhìn mà không làm gì cả”(6). Đó là trách nhiệm chung của nhân loại kể cả những vị tu Bồ Tát đạo, không thể thoái thác được! Tu là rộng mở tâm hồn, mở rộng đại bi trong bất cứ trạng huống nào. Thế mới tốt!
Kết luận:
Tất cả cái gì được ghi lại trong toàn thiên Tổng luận này đều “nặng mùi” giáo điều, toàn thuyết về Phật pháp, kỹ thuật tu trì quán tưởng và nhất là trí tuệ Phật. Tác giả “y kinh giải nghĩa”, mượn lời Phật, Tổ để giải thích lời của Phật, Tổ. Chúng tôi sợ cảnh “luận từ chương, khảo Kinh điển” mà người ta thường gọi là bọn tông đồ tri giải, nhưng nhiều chỗ trong thiên Tổng luận này, khó tránh khỏi. Vào lúc cuối cùng trước khi dừng bút lại nói về đạo và đời, một thứ động niệm đối với người tu “khép kín”. Tuy nhiên, tu, hành và sống là các phương cách song hành trực tiếp thể hiện sinh hoạt của cuộc đời kể cả Tăng lẫn Tục. Thật khó có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước ngưỡng cửa của cuộc sống đối với những biến cố đau lòng đã, đang và sẽ xảy ra cho nhân loại.
Nếu sống, học hỏi, đọc tụng sách vở thế nhân bằng những thứ nhục cảm tham ái thường tục không thôi, chắc chắn lạc mất tâm đạo. Nhưng tu viễn ly, gò bó trong một khuôn khổ nào đó, cũng chưa hẳn là hoàn chỉnh. Có đời mà không có đạo, không phải là điều tốt. Trái lại, có đạo mà thiếu đời chưa hẳn là toàn diện. Không có đời làm gì có đạo, đó là cái có thể tin được. Dung hợp cả hai, có lẽ là phương-tiện-lực tác động đem lại nhiều sinh lực mới.
Quan điểm tác giả của thiên Tổng luận này là cố gắng kết hợp đạo và đời với kinh nghiệm nội chứng riêng, diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ riêng đối với những gì đã chứng kiến nói theo hoàn cảnh khách quan, chứ không phải để biểu lộ cá tính. Đó chỉ là tâm huyết, tâm đạo của một tục gia đối với Đạo và Đời. Tuy nhiên, chỉ e rằng những kiến giải cá nhân có tánh cách chủ quan do khát vọng tâm linh, có thể gây động niệm cho cả mình lẫn người. Nhưng, cái gì xảy ra trong cuộc sống cứ để nó phô diễn tự nhiên theo cái trôi chảy xuôi ngược của dòng đời miễn giữ được tâm đạo.
Có va chạm thực tế, mới có những kích động xảy ra. “Dòng luân lưu của nhân sinh hay cái trôi chảy của cuộc sống, không phải là lối quán tưởng siêu hình hay luyện trí suông mà có thể chứng nhập trạng thái siêu nhiên, dung thông tất cả mâu thuẫn hay tán loạn trong sinh hoạt của cuộc sống”(7). Nếu Thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhatta) không chứng kiến cảnh già yếu, chết chóc, đói khổ, bệnh tật,... tại các cửa thành Ca tỳ la vệ (Kapilavastu) và những điều đó không trở thành mối động tâm lớn đối với Ngài, thì con đường cứu khổ không được vạch ra và có lẽ Phật đạo không xuất hiện ở thế gian. Chính những kích động của cuộc sống trôi chảy mới là chất liệu sinh động, có thể đánh thẳng vào tầng sâu kín nhất của trí năng để từ đó nẩy sanh cái thiên chất phong phú đầy diệu dụng của Trí và Bi.
Chúng ta biết rằng chấn động càng lớn thì dao động càng to, dao động càng to mới có thể tạo nên những dư âm kỳ diệu. Nếu Chúa không bị đóng đinh trên Thánh giá thì Chúa không phải là Chúa. Lịch sử tôn giáo trở thành lịch sử tâm chứng cá nhân cũng bởi những lý do đó.
Cứ nghiệm lại xem nghiệp quả của những thống khổ bắt đầu từ đâu? Phải chăng bắt nguồn từ cái thân và trái tim nầy: Nóng, lạnh, đói, khát, bệnh tật, yêu thương hay bị đời hất hủi khinh khi... Tất cả các nổi cay đắng, thương đau về vật chất lẫn tinh thần này đều bắt nguồn từ tham ái thủ giữ. Mà tham ái thủ giữ là do bởi thân tâm tiếp xúc với lục trần. Thân là chỗ nương của lục căn, nên sự khổ thọ vui sướng lấy thân làm gốc. Nếu cái gốc đã trừ, thì cái ngọn tự nhiên khô héo. Nhân đã không còn thì quả cũng tự diệt. Tất cả tu hành nói thì nhiều nhưng rốt lại chỉ nằm trong yếu chỉ này thôi!
Lại nữa, ngã và ngã sở tạo thành thân kiến chướng ngại pháp lành. Nên trong đoạn kinh sau đây, phẩm “Bình Đẳng”, quyển 570, Hội thứ VI, ĐBN. Phật dạy Thắng thiên vương Bát Nhã: “Này đại vương! Bình đẳng là quán các pháp không sinh, không diệt, tự tánh vắng lặng. Tất cả phiền não, giả dối, phân biệt, không sinh không diệt tự tánh vắng lặng, gọi là bình đẳng. Danh tướng, vọng tưởng không sinh, không diệt, tự tánh vắng lặng gọi là bình đẳng. Diệt trừ các điên đảo, không sinh tâm phan duyên gọi là bình đẳng. Khi tâm năng duyên đã diệt, thì vô minh hữu ái đều vắng lặng. Si ái đã diệt, nên không sinh ngã và ngã sở, gọi là bình đẳng. Ngã và ngã sở diệt, thì danh sắc vắng lặng, gọi là bình đẳng. Vì danh sắc diệt nên biên kiến chẳng sanh gọi là bình đẳng. Chấp đoạn, chấp thường đã diệt thì thân kiến vắng lặng, gọi là bình đẳng.
Này đại vương! Tất cả phiền não năng thủ sở thủ chướng ngại pháp lành đều nương vào thân kiến mà sinh ra. Bậc đại Bồ Tát diệt được thân kiến thì tất cả nghiệp tạo tác và kết sử đều đoạn dứt và vắng lặng. Ví như cây lớn, nếu nhổ gốc rễ thì cành lá đều bị khô héo. Cũng như người không đầu thì chết. Tất cả phiền não cũng vậy, nếu đoạn thân kiến thì kết sử tự diệt.
Này đại vương! Nếu có người quán các pháp không có ngã, thì năng thủ và sở thủ đều vắng lặng”.
Giáo pháp này quá sâu kín, là pháp bảo trí tuệ: Tất cả đều bắt nguồn từ si ái, một khi si ái diệt thì ngã-ngã sở không sinh. Khi ngã-ngã sở không sinh thì gọi là bình đẳng. Cũng thế danh sắc diệt, nên biên kiến chẳng sanh, tức tâm thể bất động thì cũng gọi là bình đẳng. Nếu chấp đoạn-chấp thường diệt luôn thì thân kiến vắng lặng nên gọi là bình đẳng. Tất cả gốc rễ phiền não từ si-ái, ngã-ngã sở, biên kiến, chấp đoạn chấp thường... đều nương tựa vào thân kiến mà thân kiến lại là sào huyệt của ngã. Diệt thân kiến, ngã-ngã sở không nơi nương tựa thì tất cả kiết sử (hay phiền não) do đâu mà phát sanh? Rốt lại tu hành cốt là phá thân kiến hay nói khác là phá ngã!
Nhưng nguyên do sâu xa lại chính là bình đẳng. Một khi tâm bình đẳng rồi(nội chứng từ bên trong)thì được an nhiên tịch lặng(thân kiến, biên kiến, kiến thủ... đều nhậm vận mà diệt). Đó là giây phút dọn mình cho huệ nỡ!
Đời có trăm lần vui nhưng có vạn lần sầu. Quá khứ đầy khổ đau, hiện tại cũng chẳng cải thiện được mấy, tương lai mong mỏi khá hơn, nhưng nào có được toại nguyện. Đó là ba thời bất khả đắc. Nếu có nghĩ đến ba thời, nghĩ đến khổ đau tội lỗi thì tốt nhất là niệm Phật, niệm năm mười phút sẽ vơi đi. Nghĩ đến quá khứ cũng niệm, nghĩ đến hiện tại cũng niệm, nghĩ đến tương lai cũng niệm. Nghĩ bất cứ thứ gì dù tốt hay xấu đều niệm Phật. Đi đứng nằm ngồi sáu thời đều niệm(8). Như vậy, là sống trong chánh niệm thì đời bớt khổ!
Chúng ta không thể “bắt đứng” cuộc sống đang trôi chảy, bởi vì nó là như vậy, bởi vì nó như vậy. Tu, hành và sống, những yếu tố trọng yếu trong sinh hoạt xã hội cũng như tâm linh không thể tách rời nhau được! Dung hợp cả ba là thuận đạo. Vậy, nếu có chí hướng cao hơn thì một mặt: Trên cầu Vô thượng Bồ đề (tu), mặt khác, dưới hóa độ chúng sanh theo tôn chỉ bất diệt của những người hành Bồ Tát đạo (hành). Rồi ra, nắng mặc nắng, mưa cứ mưa tha hồ ngang dọc đổ xuống cái nghiêng ngã của cuộc sống (sống)!
“Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi xem thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” (9)
(Vô danh thị).
Nếu làm được như vậy thì không còn một đời thương vay khóc mướn(10), không còn sớm nắng chiều mưa(11) nữa, thì được thong dong. Nghĩa là sống trong tỉnh thức, luôn luôn an trụ trong chánh niệm, thì tâm thường định tức lúc nào cũng rõ ràng thường biết, tự mình làm chủ cuộc đời mình thì có thể xa lìa phiền não. Rồi dần dần đường mê đảo ngược được tự tại thôi.
Đến đây chúng ta có thể ngâm bài thơ “Vạn hữu vốn Không” của Bàng cư sĩ:
“Lão Bàng không cần gì trong thế gian,
Tất cả đều không, một chỗ ngồi cũng không,
Cái Không rốt ráo ngự trị trong nhà ông;
Không tất cả, vì không tài sản.
Khi mặt trời lên, ông đi trong Không,
Khi mặt trời lặn, ông ngủ trong Không
Ngồi trong Không, ca bài ca Không
Và bài ca Không đang dội trong Không.
Đừng kinh ngạc vì cái Không rất Không;
Vì Không là chỗ ngồi của chư Phật.
Người thế gian không hiểu được Không;
Nhưng Không là kho tàng chân thật.
Nếu bảo là không có Không,
Tức là hủy báng chư Phật”.
Cái Không rốt ráo này không những đang ngự trị trong nhà ông mà cái Không còn ngự trị trong lòng ông kể cả khi ông đi đứng nằm ngồi nữa. Trong cũng Không ngoài cũng Không, tất cả đều Không hết!
Thích nghĩa cho phần đạo và đời:
(1). Viết theo tài liệu “Thập Tự Chinh” của Vikipedia.
(2). Viết theo cuốn “Nalanda University” do Akhilesh Pillalamarri biên soạn.
(3). Tóm tắt theo các bản tin tổng hợp.
(4). Loại hội chứng hô hấp cấp tính mới có tên là Covid-19 (viết tắt của chữ Co=corona, vi= virus, d= disease, năm 2019), do một bác sĩ của WHO đặt ra.
(5). Khi chúng tôi cập nhật thiên khảo luận này vào Ngày 02/5/2021, Ấn độ bị nhiễm COVID-19 lên đến cao độ. Liên tiếp trong 11 ngày, có từ 300.000 đến 401.993 người bị nhiễm, số nạn nhân chết từ 3.000 đến 3.689 người mỗi ngày. Người ta nói trên thực tế con số này có thể gấp 2 đến 5 lần hơn. Dân số Ấn độ khoảng 1.210.193.422 người. Mức độ đông dân tính theo cây số vuông(per square kilometer) khoảng 423.88 người. Dân đông, quốc gia nghèo lại thiếu dụng cụ y khoa và thuốc men. Nên vấn đề càng trở nên trầm trọng! Trong khi đó, Brazil (Ba Tây) trung tuần của tháng Tư/2021 vừa qua số người chết vì COVID-19 tính bình quân trong 7 ngày liên tiếp trên 3.100 mỗi ngày, và tổng số người chết lên cao thứ nhì thế giới, đứng sau Hoa kỳ là 401,186 người.
Nhưng chưa hết khi chúng tôi cập nhật version mới vào Tháng Tư/2022 thì nạn covid biến thể (2 new Covid subvariants tức new versions of Omicron Variant) pháp triển và bành trướng không thể tả: Có 44 thành phố Trung Quốc hoặc bị phong tỏa (block down) một phần hay toàn phần mà trong đó thành phố Thương Hải có đến 25 triệu người nội bất xuất ngoại bất nhập.
(6). “The world will not be destroyed by those who do evil, but by those who watch them without doing anything”. - Albert Einstein.
(7). Tư tưởng của Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền Luận.
(8). Đừng lấy làm lạ tại sao người tu thiền mà lại niệm Phật? Các vị Tổ của các tôn phái khác mặc dù hoằng truyền tôn mình, nhưng vẫn niệm Phật như Ngài Trí Giả đại sư, Tổ của Thiên Thai Tôn; ngài Hiền Thủ, Tổ của Hoa Nghiêm tôn; Ngài Nguyên Chiếu, Tổ của Luật tôn... vẫn thường niệm Phật cầu về Tịnh độ. Trong “Đại Trí Độ Luận” Bồ Tát Long Thọ nói rằng: “... niệm Phật tam muội hay trừ các thứ phiền não và tội chướng đời trước” hoặc nói “... niệm Phật tam muội có đại phúc đức, có thể độ sanh”. Vậy, tu thiền mà niệm Phật có sao đâu?
(9). Bài thơ này tương truyền do Sa môn Thích Hạnh Hải sáng tác, nhưng chẳng có gì làm chắc. Câu trước tác cuối cùng thật bất hữu, chỉ thấy xuất hiện thường xuyên trong văn học của đạo và đời. Ai cũng có đọc qua, nhưng đáng tiếc là không ai biết gốc gác tác giả!
(10). Sống cuộc đời vay mượn, chẳng có gì là mình!
(11). Chỉ biết sống bằng con tim với những thứ tình cảm vụn vặt: Sáng cười, chiều khóc… không tự chủ được.
---o0o---
Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát.
San Jose, CA- cập nhật ngày 12-04-2022
Cư sĩ Thiện Bửu
HẾT