Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải

11/03/202210:54(Xem: 9241)
Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải



Bia Dai Bat Nha_ tap__06_cu si thien buu
bia 6-1-kinh dai bat nhabia 6-2-kinh dai bat nha


Phật lịch: 2566 ; Nông lịch: Nhâm Dần; Tây lịch: 2022

 

 

 

TỔNG LUẬN

ĐẠI BÁT NHÃ

 

 

TẬP 6

 

 

Việt dịch:

    HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ NGHIÊM
Chiết giải:

LÃO CƯ SĨ THIỆN BỬU

 

 

 

 

Quảng Đức Tùng Thư
Ấn Hành


 


Published by

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria

105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Tel: 03. 9357 3544

www.quangduc.com

 

All right reserved

First edition 2022 - 100 copies

 

National Library of Australia

Cataloguing-in-Publication entry:

Title: Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6)

 Mahāprajñāpāramitā Sastra

By Thien Buu

Senior Venerable Thich Nguyen Tang @2022

 

ISBN: 978-0-6454135-9-5

 

Tổng Luận Đại Bát Nhã

Chiết giải: Cư Sĩ Thiện Bửu

Giới thiệu: Thượng Tọa  Thích Nguyên Tạng

Trình bày : Cư Sĩ Thiện Bửu, Cư Sĩ Hữu Phú

Thiết kế bìa: Quảng Duy Minh (Mẫn)

Sửa Bản in: Cư Sï Thanh Phi, Cư Sĩ Phương Nhật

 

Cúng Dường Pháp là tối thượng nhất

The gift of Dhamma surpasses all other Gifts

Sabbadanam Dhammadanam Jinati

 


MỤC LỤC TẬP VI

Nội dung TẬP VI gồm:

 

1. Toàn bộ Hội thứ IV   2. Toàn bộ Hội thứ V.

 

1. Toàn bộ Hội thứ IV:

TẬP VI, Hội thứ IV............................................................... ... 5

01. Phẩm “Diệu Hạnh”................................................................ 7

02. Phẩm “Đế Thích”................................................................ 53

03. Phẩm “Cúng Dường Bảo Tháp”........................................... 71

04. Phẩm “Xưng Dương Công Đức”........................................ 104

05. Phẩm “Phước Môn”........................................................... 112

06. Phẩm “Tùy Hỷ Hồi Hướng”............................................... 154

07. Phẩm “Địa Ngục”.............................................................. 198

08. Phẩm “Thanh Tịnh”........................................................... 213

09. Phẩm “Khen Ngợi” ........................................................... 236

10. Phẩm “Tổng Trì”............................................................... 246

11. Phẩm “Ma Sự”.................................................................. 264

12. Phẩm “Thế Gian”.............................................................. 284

13. Phẩm “Bất Tư Nghì”......................................................... 306

14. Phẩm “Thí Dụ”................................................................. 314

15. Phẩm “Trời Khen”............................................................. 324

16. Phẩm “Chơn Như”............................................................ 338

17. Phẩm “Tướng Bất Thối Chuyển”........................................ 361

18. Phẩm “Tướng Không”....................................................... 375

19. Phẩm “Công Đức Sâu Xa”................................................. 388

20. Phẩm “Căng Già Thiên”.................................................... 405

21. Phẩm “Biết Việc Ma”........................................................ 412

22. Phẩm “Thiện Hữu”............................................................ 441

23. Phẩm “Thiên Chủ”............................................................ 462

24. Phẩm “Vô Tạp Vô Dị”....................................................... 468

25. Phẩm “Tấn Tốc”................................................................ 479

26. Phẩm “Huyễn Dụ”............................................................. 491

27. Phẩm “Kiên Cố”................................................................ 506

28. Phẩm “Tán Hoa”............................................................... 521

29. Phẩm “Tùy Thuận”............................................................ 546

 

2. Toàn Hội thứ V:

 

TẬP VI, Hội thứ V................................................................ 562

01. Phẩm “Thiện Hiện”........................................................... 563

02. Phẩm “Thiên Đế”.............................................................. 589

03. Phẩm “Bảo Tháp”............................................................. 598

04. Phẩm “Thần Chú”............................................................. 608

05. Phẩm “Xá Lợi”................................................................. 618

06. Phẩm “Kinh Điển”............................................................ 624

07. Phẩm “Hồi Hướng”........................................................... 631

08. Phẩm “Địa Ngục”.............................................................. 661

09. Phẩm “Thanh Tịnh”........................................................... 672

10. Phẩm “Bất Tư Nghì”......................................................... 684

11. Phẩm “Ma Sự”.................................................................. 696

12. Phẩm “Chân Như”............................................................. 704

13. Phẩm “Thậm Thâm Tướng”............................................... 713

14. Phẩm “Thuyền Đẳng Dụ”.................................................. 725

15. Phẩm “Như Lai”................................................................ 728

16. Phẩm “Bất Thoái”............................................................. 748

17. Phẩm “Tham Hành”.......................................................... 758

18. Phẩm “Tỷ Muội”............................................................... 774

19. Phẩm “Mộng Hành”.......................................................... 783

20. Phẩm “Thắng Ý Lạc”........................................................ 790

21. Phẩm “Tu Học”................................................................. 804

22. Phẩm “Trồng Căn Lành”.................................................... 811

23. Phẩm “Phó Chúc”............................................................. 827

24. Phẩm “Kiến Bất Động Phật”.............................................. 836

 

 

                                                     

 

 

 

  1. 1.      Xin đọc phần đầu của TẬP VI với bố cục:

 

(IV. Phần bốn Hội thứ IV)

 

 

IV. PHẦN BỐN, HỘI THỨ IV.

 

(Bố cục)

 

4. Phần bốn gọi là Tiểu bản Bát Nhã (Phạm:Awỉasàhasrikà-prajĩàpàramità) tức Hội thứ IV: Gồm 29 phẩm, 18 quyển. Về yếu chỉ thì giống với ba Hội trước, nhưng văn từ rất tỉnh lược. Theo bài Tựa Hội thứ tư của Ngài Huyền Tắc và Pháp Uyển Châu lâm, Khai Nguyên Thích Giáo lục, thì các Kinh như: Đạo hành Bát Nhã 10 quyển do Ngài Chi Lâu Ca Sấm dịch vào đời Hậu Hán, Kinh Đại Minh Độ 6 quyển do Ngài Chi Khiêm dịch vào đời Ngô, Kinh Tiểu phẩm Bát nhã Ba la mật 10 quyển do Ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Hậu Tần v.v... đều là những bản dịch khác của Hội này (Kinh Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát nhã Ba la mật Đa 25 quyển, gọi tắt là Phật Mẫu Bát Nhã, do Ngài Thí Hộ dịch vào đời Bắc Tống cũng là cùng bản với Hội này). Bản tiếng Phạn gồm 8.000 kệ tụng, tương đương với 8.000 kệ tụng Bát Nhã hiện còn.

 

---o0o---

 


 

TIỂU BẢN BÁT NHÃ

(Viết tắt là TBBN)

 

Gợi ý: 

Như trong phần bố cục chúng tôi có đề cập, có nhiều tác phẩm mang tên là “Tiểu bản” do Phật thuyết ở Hội thứ IV này và được nhiều vị đúc kết và dịch ra như:

1). Đạo Hành Kinh do Chi Lâu Ca Sấm dịch, mang số thẻ(0224);

2).Đại Minh Độ do Ngô Chi Khiêm dịch, mang số thẻ(0225);

3). Ma Ha Bát Nhã Sao do Tiền Tần Đàm Ma Tỳ và Trúc Phật Niệm dịch, mang số thẻ(0226);

4). “Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật Đa” do Ngài Cưu Ma La Thập dịch, mang thẻ số(0227);

5). “Phật Mẫu Phát Sanh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa”, gọi tắt là “Phật Mẫu Bát Nhã Kinh” do Ngài Thí Hộ dịch, mang thẻ số (0228).

Trong các dịch phẩm liệt kê trên, thì bản tóm lược của chúng tôi và bản dịch “Phật Mẫu Bát Nhã Kinh” do Thí Hộ dịch được xem là dễ hiểu nhất. Tuy vậy, khi thích nghĩa và chiết giải Hội thứ IV này, chúng tôi có so chiếu và trích dẫn các tiểu phẩm kể trên để phần chiết giải thêm phần phong phú sáng tỏ hơn. Khác với Hội thứ III, Hội thứ IV này chúng tôi thích nghĩa và chiết giải đầy đủ cốt giúp Quý vị dễ lãnh hội hơn.

 

Cũng nên biết Kinh này rất được các nhà chú giải xưa nay rất ham mộ vì tính cách cô động, xúc tích và thâm thúy của nó. Nhóm của Ngài huyền Trang không có dịch, chỉ sao lại Kinh này do các vị đi trước dịch sẳn và ghi vào Kinh Đại Bát Nhã từ quyển 538 đến hết quyển 555, không có đặt tên, chúng tôi tạm gọi là “Tiểu Bản Bát Nhã”(viết tắt là TBBN), tổng cộng 18 quyển, thu gọn trong 29 phẩm, tương đối ngắn dễ đọc dễ hiểu./.

 

---o0o---


01. PHẨM “DIỆU HẠNH”

 

Từ Q.538 cho đến đầu Q.539, Hội thứ IV, TBBN (1).

 

Gợi ý:

Mở đầu phẩm này của Hội thứ IV, không ồn ào, náo nhiệt so với các phẩm “Duyên Khởi” của các Hội trước. Kinh đi thẳng vào giáo lý. Nhưng thay vì như các Hội trước, mỗi phẩm chỉ thuyết về một vài đề tài chính mà thôi. Hội thứ IV cùng một lúc thuyết nhiều đề tài với các giáo lý khác nhau như phẩm “Diệu Hạnh” này cùng một lúc thuyết hơn bốn đề tài chính như:1. Học và tu Bát Nhã, 2. Hành Tướng, 3. Các pháp không trói không mở, 4. Các pháp không sanh (vô sanh). Công việc chiết giải cũng không có gì trở ngại miễn thuận theo đề tài đã nêu ra của Hội này để thích nghĩa và luận giải là được. Tuy nhiên, hơi dài dòng, có thể làm quý vị mệt mỏi khi phải đọc một lúc vừa chính văn, vừa thích nghĩa, vừa luận giải. Việc hấp thụ trở nên khó khăn nếu không nắm được tổng quát toàn ý Kinh. Muốn thoải mái và dễ thọ trì xin quý vị thong thả thưởng thức!

 

Tóm lược:

 

Quyển thứ 538

 

Tôi nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ở núi Thứu Phong, thuộc thành Vương Xá, cùng chúng đại Bí sô một nghìn hai trăm năm mươi vị, đều là bậc A la hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, được tự tại hoàn toàn, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, như ngựa khôn đã được luyện tập thành thục, cũng như rồng chúa. Việc đáng làm đã làm, đã viên mãn việc cần viên mãn, bỏ được gánh nặng, đạt được lợi mình, chấm dứt các lậu, chánh tri giải thoát, đạt được tự tại, rốt ráo đệ nhất. Trừ A nan còn là bậc hữu học. Cụ thọ Thiện Hiện liền làm thượng thủ.

Bấy giờ, Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện:

- Bằng biện tài của mình nên vì chúng đại Bồ Tát , ngươi hãy giảng thuyết, chỉ bày Bát nhã Ba la mật sâu xa, dạy bảo giáo giới làm cho các đại Bồ Tát đối với Bát nhã Ba la mật mau được rốt ráo.

Khi đó, Xá Lợi Tử suy nghĩ: Hôm nay Thiện Hiện dùng biện tài giảng thuyết, chỉ bày Bát nhã Ba la mật sâu xa cho chúng đại Bồ Tát , hay nhờ sức oai thần của Như Lai?

Nhờ oai thần của Phật, cụ thọ Thiện Hiện biết tâm niệm của Xá Lợi Tử, liền bảo cụ thọ Xá Lợi Tử:

- Đệ tử của Phật nào dám thuyết giảng chỉ bày, tất cả đều là nhờ oai thần của Phật. Vì sao? Này Xá Lợi Tử! Vì trước tiên, Phật thuyết giảng chỉ bày pháp yếu cho người khác, người ấy y theo lời Phật dạy, tinh tấn tu học, chứng đắc thật tánh các pháp, sau đó lại thuyết giảng chỉ bày cho người khác. Nếu không trái ngược pháp tánh đều là nhờ oai thần của Phật gia bị. Do đó, sự chứng đắc ấy đồng với pháp tánh, nên nay tôi sẽ thuyết giảng chỉ bày Bát nhã Ba la mật sâu xa cho chúng đại Bồ Tát và dạy bảo, giáo giới đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa, làm cho họ mau được rốt ráo, đều nhờ Phật lực, chẳng phải do biện tài của mình làm đuợc việc đó.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ngài dạy con thuyết giảng chỉ bày Bát nhã Ba la mật sâu xa cho các đại Bồ Tát và dạy bảo giáo giới họ đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa mau được rốt ráo. Bạch Thế Tôn! Gọi là Bồ Tát , vậy với nghĩa gì mà gọi là Bồ Tát ? Bạch Thế Tôn! Con không thấy có pháp nào gọi là Bồ Tát , cũng không thấy có pháp nào gọi là Bát nhã Ba la mật.

Bạch Thế Tôn! Con đối với Bồ Tát và pháp của Bồ Tát chẳng thấy, chẳng đắc; đối với Bát nhã Ba la mật cũng chẳng thấy, chẳng đắc, thì làm sao con có thể thuyết giảng chỉ bày Bát nhã Ba la mật sâu xa cho các đại Bồ Tát .

 

(Thế nào là tu hành Bát Nhã mau được rốt ráo?)

 

Bạch Thế Tôn! Vậy con dùng Bát nhã Ba la mật sâu xa nào để giảng dạy cho các đại Bồ Tát để họ đối với Bát nhã Ba la mật mau được rốt ráo?

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào nghe những lời như vậy tâm không đắm trước, cũng không thối lui, không kinh sợ, đúng như Bát nhã Ba la mật sâu xa đã nói mà an trụ, tu hành sâu Bát nhã Ba la mật cho được hoàn toàn, thì đó chính là dạy bảo giáo giới chúng đại Bồ Tát , làm cho đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa mau được rốt ráo, cũng gọi là thuyết giảng chỉ bày Bát nhã Ba la mật sâu xa cho họ.

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào tu hành sâu Bát nhã Ba la mật nên học như thế, nghĩa là không chấp trước Bồ đề tâm. Vì sao? Vì tâm chẳng phải bản tánh của tâm, bản tánh vốn tịnh.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Này Thiện Hiện! Có phi tâm và tánh của tâm không?

Thiện Hiện hỏi lại Xá Lợi Tử:

- Tánh của tâm phi tâm, hoặc có hoặc không, có thể nắm bắt được không?

Xá Lợi Tử đáp:

- Này Thiện Hiện! Không được.

Thiện Hiện bảo Xá Lợi Tử:

- Tánh của tâm phi tâm hoặc có hoặc không còn không thể được, tại sao lại hỏi có phi tâm là tánh của tâm, có phải vậy không?

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Những gì gọi là tâm chẳng phải tánh của tâm?

Thiện Hiện đáp:

- Nếu không biến hoại, cũng không phân biệt, thì đây gọi là tâm chẳng phải là tánh của tâm(2).

Khi ấy, Xá Lợi Tử khen Thiện Hiện:

- Lành thay! Đúng như lời ông nói. Đức Phật nói Nhân giả trụ định Vô tránh là bậc đệ nhất, đúng như bậc Thánh nói: Đại Bồ Tát nào nghe lời này tâm không đắm trước, cũng không thối lui, không kinh sợ, nên biết đó là đối với sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề tâm không thối chuyển.

Đại Bồ Tát nào quán sát tâm chẳng phải là tánh của tâm như vậy thì nên biết đó là không xa lìa Bát nhã Ba la mật sâu xa. Các thiện nam, thiện nữ v.v… nào siêng năng tinh tấn tu học các địa vị của Thanh văn, Độc giác, hoặc Bồ Tát thì nên đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, dùng phương tiện thiện xảo, làm cho sự tu hành mau được rốt ráo. Vì sao? Vì ở trong Kinh Bát nhã Ba la mật sâu xa bao gồm tất cả các pháp nên tu học. Đại Bồ Tát nào cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, muốn tu hành Bồ Tát hạnh một cách chơn chánh, muốn thành tựu đầy đủ phương tiện thiện xảo của Phật pháp, thì nên đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, thông suốt hoàn toàn, như lời dạy mà tu hành. Vì sao? Vì trong Kinh Bát nhã Ba la mật sâu xa này bao gồm tất cả pháp mà các đại Bồ Tát cần nên tu học. Đại Bồ Tát nào có thể đối với Kinh này siêng năng tu học, sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, tất cả sự mong cầu đều được đầy đủ.

 

(Thế nào là Bồ Tát chỉ có giả danh?)

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con quán Bồ Tát chỉ có giả danh, chẳng biết, chẳng đắc, không thấy thật sự (không thật) và quán Bát nhã Ba la mật cũng chỉ có giả danh, chẳng biết, chẳng đắc, không thật. Vậy sẽ vì các đại Bồ Tát nào mà thuyết giảng chỉ bày? Dùng Bát nhã Ba la mật sâu xa nào dạy bảo giáo giới các đại Bồ Tát đối với Bát nhã Ba la mật nào mau được rốt ráo?

Bạch Thế Tôn! Con quán Bồ Tát và Bát nhã Ba la mật sâu xa này chỉ có giả danh, chẳng biết, chẳng đắc, không thật, nhưng trong ấy nói có Bồ Tát và Bát nhã Ba la mật sâu xa nên con nghi ngờ.

Bạch Thế Tôn! Tên Bát nhã Ba la mật sâu xa và Bồ Tát đều không quyết định, cũng không chỗ trụ. Vì sao? Vì hai tên như vậy đều vô sở hữu. Pháp vô sở hữu không định và không trụ. Đại Bồ Tát nào nghe nói Bát nhã Ba la mật sâu xa như vậy, tâm không đắm trước, cũng chẳng thối lui, không kinh sợ, thâm tâm tin hiểu, thì nên biết đại Bồ Tát này đã an trụ vào Bát nhã Ba la mật luôn không xa lìa, đem vô sở trụ làm phương tiện, an trụ vào địa vị Bồ Tát không thối chuyển.

 

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát nào tu hành Bát nhã Ba la mật không nên trụ sắc, cũng không nên trụ thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì nếu trụ vào sắc thì hành theo sắc, chẳng hành Bát nhã Ba la mật. Nếu trụ thọ, tưởng, hành, thức thì cũng hành theo thọ, tưởng, hành, thức, chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì chẳng phải làm theo hành mới có thể thâu nhiếp Bát nhã Ba la mật. Nếu không thu nhiếp Bát nhã Ba la mật thì đối với Bát nhã Ba la mật chẳng tu tập được. Nếu đối với Bát nhã Ba la mật chẳng tu tập được, thì đối với Bát Nhã không thể viên mãn. Nếu đối với Bát Nhã không thể viên mãn thì không thể chứng đắc Nhất thiết trí trí. Nếu đối với Nhất thiết trí trí không thể chứng đắc thì không thể nhiếp hộ hữu tình.

Vì vậy, chẳng nên nhiếp thọ các sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì sắc đối với Bát nhã Ba la mật không thể nhiếp thọ; thọ, tưởng, hành, thức đối với Bát nhã Ba la mật cũng không thể nhiếp thọ. Vì sắc không thể nhiếp thọ nên chẳng phải sắc; vì thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nhiếp thọ nên chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Vì nếu Bát nhã Ba la mật sâu xa không thể nhiếp thọ thì chẳng phải Bát nhã Ba la mật.

 

(Tu ly tướng)

 

Các đại Bồ Tát nên hành sâu Bát nhã Ba la mật như vậy. Nếu hành sâu Bát nhã Ba la mật như vậy thì đây gọi là Bồ Tát ở trong Tam ma địa Nhất thiết pháp vô thọ(định không nhiếp thọ tất cả pháp), là pháp rộng lớn, tròn đầy, vô cùng tận, quyết định không đồng với tất cả Thanh văn, Độc giác, cũng không nhiếp thọ Nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì Nhất thiết trí trí này chẳng phải do chấp tướng mà tu đắc. Tất cả chấp đều phiền não. Người nào chấp tướng tu đắc Nhất thiết trí trí thì Phạm chí Thắng Quân đối với Nhất thiết trí trí không nên tin hiểu. Phạm chí Thắng Quân này tuy do sức tin hiểu hướng về Phật pháp, gọi là tùy tín hành nên có thể đem chút phần trí quán tất cả pháp tánh Không, ngộ nhập Nhất thiết trí trí. Đã ngộ nhập rồi, không chấp tướng sắc, cũng không chấp tướng thọ, tưởng, hành, thức. Không đem tâm ưa muốn để quán sát trí này, không đem nội sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán sát trí này, không đem ngoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán sát trí này, cũng không đem nội ngoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán sát trí này, cũng không lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán sát trí này.

Phạm chí Thắng Quân dùng các môn ly tướng như vậy đối với Nhất thiết trí trí sanh tâm tin hiểu, đối với tất cả pháp đều không đắm trước.

Phạm chí dùng môn ly tướng như vậy đối với Nhất thiết trí trí được tin hiểu rồi, đối với tất cả pháp đều không chấp tướng, cũng không suy nghĩ các pháp vô tướng.

Như vậy, Phạm chí này do sức thắng giải, đối với tất cả pháp không chấp, không xả, không đắc, không chứng. Bấy giờ, Phạm chí tự tin hiểu, cho đến Niết bàn cũng không chấp trước, lấy chơn pháp tánh làm định lượng.

Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật sâu xa của đại Bồ Tát này đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng nhiếp thọ. Tuy đối với các pháp không nhiếp thọ, nếu chưa viên mãn Như Lai mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt và mười tám pháp Phật bất cộng thì nhất định không ở nửa chừng mà nhập Niết bàn. Nên biết Bát nhã Ba la mật sâu xa của các đại Bồ Tát như vậy, tuy không chấp trước mà vẫn thành tựu các sự nghiệp thù thắng.

 

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật nên quán sát như vầy: Bát Nhã là gì? Vì sao gọi là Bát Nhã? Bát Nhã như vậy làm được việc gì?

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này khi tu hành Bát nhã Ba la mật nên quán sát như vậy. Nếu pháp vô sở hữu, bất khả đắc, thì đây là Bát nhã Ba la mật. Trong vô sở hữu gạn hỏi cái gì?

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào đối với việc như vậy, khi quán sát kỹ, tâm không đắm trước, cũng không thối lui, không kinh sợ thì đó là không lìa Bát nhã Ba la mật sâu xa.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Nếu sắc lìa tự tánh sắc; thọ, tưởng, hành, thức lìa tự tánh thọ, tưởng, hành, thức; Bát nhã Ba la mật lìa tự tánh Bát nhã Ba la mật, Nhất thiết trí trí lìa tự tánh Nhất thiết trí trí thì do duyên gì để biết các đại Bồ Tát không lìa Bát nhã Ba la mật?

Thiện Hiện đáp:

- Này Xá Lợi Tử! Các sắc lìa tự tánh sắc; thọ, tưởng, hành, thức lìa tự tánh thọ, tưởng, hành, thức; Bát nhã Ba la mật lìa tự tánh Bát nhã Ba la mật; Nhất thiết trí trí lìa tự tánh Nhất thiết trí trí; tự tướng Bát nhã Ba la mật cũng lìa tự tướng; tự tánh Bát nhã Ba la mật cũng lìa tự tánh; tướng cũng lìa tự tánh, tự tánh cũng lìa tướng; tự tướng cũng lìa tướng; tự tánh cũng lìa tự tánh; năng tướng cũng lìa sở tướng; sở tướng cũng lìa năng tướng; năng tướng cũng lìa năng tướng; sở tướng cũng lìa sở tướng. Nếu Đại Bồ Tát nào có thể như thật biết được nghĩa như thế thì thường không xa lìa Bát nhã Ba la mật sâu xa.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Đại Bồ Tát nào theo đây tu học thì có mau được thành tựu được Nhất thiết trí trí chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát nào theo đây tu học thì sẽ mau thành tựu Nhất thiết trí trí. Vì sao? Này Xá Lợi Tử! Vì đại Bồ Tát này biết tất cả pháp không sanh diệt.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát nào có thể hành sâu Bát nhã Ba la mật như vậy thì sẽ tiến gần Nhất thiết trí trí.

 

(Hành tướng?)

 

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Các đại Bồ Tát nào hành sắc là hành tướng; hoặc hành sắc tướng là hành tướng; hoặc hành sắc tướng vô tướng là hành tướng; hoặc hành sắc sanh là hành tướng; hoặc hành sắc diệt là hành tướng; hoặc hành sắc hoại là hành tướng; hoặc hành sắc Không là hành tướng.

Nếu bảo ta có thể hành là hành tướng; hoặc nói ta là Bồ Tát có sở hành là hành tướng; hoặc nói ta là Bồ Tát có thể đắc là hành tướng.

Nếu hành thọ, tưởng, hành, thức là hành tướng; hoặc hành thọ, tưởng, hành, thức tướng là hành tướng; hoặc hành thọ, tưởng, hành, thức tướng vô tướng là hành tướng; hoặc hành thọ, tưởng, hành, thức sanh là hành tướng; hoặc hành thọ, tưởng, hành, thức diệt là hành tướng; hoặc hành thọ, tưởng, hành, thức hoại là hành tướng; hoặc hành thọ, tưởng, hành, thức Không là hành tướng.

Nếu nói ta có thể hành là hành tướng; hoặc nói ta là Bồ Tát nên có sở hành là hành tướng; hoặc nói ta là Bồ Tát nên có sở đắc là hành tướng.

Nếu suy nghĩ: Ai có thể hành như vậy là tu Bát nhã Ba la mật, như vậy là hành tướng. Nên biết, Bồ Tát này không có phương tiện thiện xảo, tuy có thực hành nhưng chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật.

 

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Các đại Bồ Tát phải hành thế nào mới gọi là hành Bát nhã Ba la mật?

Thiện Hiện đáp:

- Các đại Bồ Tát nào không hành sắc, không hành sắc tướng, không hành sắc tướng vô tướng, không hành sắc sanh, không hành sắc diệt, không hành sắc hoại, không hành sắc Không thì đó là hành Bát nhã Ba la mật. Các đại Bồ Tát nào không hành thọ, tưởng, hành, thức; không hành thọ, tưởng, hành, thức tướng; không hành thọ, tưởng, hành, thức tướng vô tướng; không hành thọ, tưởng, hành, thức sanh; không hành thọ, tưởng, hành, thức diệt; không hành thọ, tưởng, hành, thức hoại; không hành thọ, tưởng, hành, thức không thì đó là hành Bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát nào không chấp ở hành, không chấp chẳng hành, không chấp cũng hành cũng chẳng hành, không chấp chẳng phải hành chẳng phải chẳng hành thì đó là hành Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Này Xá Lợi Tử! Vì tất cả pháp đều không thể chấp thủ, không thể tùy hành, không thể nắm giữ, xa lìa tánh tướng.

 

Để giải thích thế nào là không hành, phẩm thứ hai, nói về “Phụng Bát”, tập 2, quyển 35, Đại Trí Độ Luân nói:

“Lại nữa, Bát nhã Ba la mật là pháp rốt ráo “không”, nên Bồ Tát chẳng thấy có mình thật hành Bát nhã Ba la mật nữa”.

Hỏi:Nếu chẳng thấy, chẳng hành thì Bồ Tát cũng như phàm phu. Như vậy Bồ Tát làm thế nào để có thể vào được Bát Nhã Balamật?

Đáp: Chẳng phải như vậy. Bồ Tát đã hành thâm Bát nhã Ba la mật, thâm nhập pháp “không”, nên nói là chẳng thấy chẳng hành vậy.

Đối với một vị quốc vương, nếu chỉ được một vật nhỏ thì chưa có thể gọi là được của. Cũng như vậy, đối với Bồ Tát nếu hành Bát Nhã Ba-la-mật mà còn ít trí huệ, còn vướng mắc kiết sử, thì chưa có thể gọi là hành Bát nhã Ba la mật được. Phật là vị pháp vương, dạy cho các Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật. Nhưng nếu Bồ Tát chỉ hành được một phần nhỏ, thì cũng chưa có thể gọi là hành Bát nhã Ba la mật được.

Lại nữa, người hành Bát nhã Ba la mật chẳng sanh kiêu mạn, chẳng có tự nói là mình có hành Bát nhã Ba la mật. Vì nếu nói có hành Bát nhã Ba la mật thì còn chấp tướng. Người hành Bát nhã Ba la mật cũng chẳng tự nói là mình chẳng hành Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì nếu nói chẳng có hành Bát nhã Ba la mật thì sanh tâm giải đãi. Như vậy là còn vướng mắc vào 2 chấp CÓ và KHÔNG (hữu và vô).

Người thật sự hành Bát nhã Ba la mật thì phải là người hành Bát nhã Ba la mật mà chẳng thấy là mình có hành Bát nhã Ba la mật, lại cũng chẳng thấy là mình chẳng có hành Bát nhã Ba la mật. Được như vậy là phá được cả hai chấp CÓ và KHÔNG, là được giải thoát.

Lại nữa, chẳng thấy mình có hành Bát nhã Ba la mật là dứt các hý luận, chẳng thấy mình chẳng hành Bát nhã Ba la mật là dứt tâm giải đãi. Ví như người cỡi ngựa mà thấy ngựa chạy quá mau thì phải kềm lại, thấy ngựa chạy quá chậm thì thúc ngựa chạy mau hơn. Như vậy là còn trụ chấp nơi tốc độ của con ngựa. Cũng như vậy, người hành Bát nhã Ba-la-mật mà còn có phân biệt là mình có hành hay mình chẳng có hành là còn trụ chấp nơi tướng, là chưa được giải thoát.

Lại nữa, Phật dạy các pháp do duyên sanh mà có danh, có nghĩa vậy. Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp đều là tự tánh “không”, Bồ Tát cũng chỉ là danh pháp, Bồ Đề cũng chỉ là danh pháp, Bát nhã Ba la mật cũng chỉ là danh pháp. Tất cả đều là “không”, đều là bất khả đắc.

KHÔNG nói ra đây, có nghĩa là danh cũng “không”, pháp cũng “không”.

KHÔNG nói ra đây có nghĩa là chẳng có một pháp nào được dựng lập, từ các pháp thô sắc nhẫn đến pháp “không” vậy.

Tuy nhiên “không” cũng chẳng có ly sắc. Vì sao? Vì nhằm phá sắc mà nói “không”. Cũng như vậy, “không” cũng chẳng có ly thọ, tưởng, hành, thức. Tất cả 5 ấm đều “không”.

 

--o0o--

 

Trước đây nói “chẳng thấy có Bồ Tát , chẳng thấy có danh tự Bồ Tát , chẳng thấy có Bát nhã Ba la mật...”. Nay nói chẳng thấy luôn các nhân duyên tạo lập ra các danh tự Bồ Tát , Bồ Đề, Bát nhã Ba la mật... Bởi vậy nên nói là rốt ráo “không”.

 

--o0o--

Trong quá trình thật hành Bát nhã Ba la mật, Bồ Tát trải qua hai giai đoạn:

- Khi chưa thành tựu, thì rõ biết thật tướng các pháp đều là “không”, là bất khả đắc, là vô sanh.

- Khi đã thành tựu thì rõ biết tánh của các pháp cũng tức là tánh của Bồ Đề, của Niết bàn”.

Khi biết hai đặc tánh các pháp đều bất khả đắc(hay vô sở đắc), là vô sanh và là Bồ đề của Niết bàn, nên nói là không còn hành nữa”.

 

Đó gọi là các đại Bồ Tát dùng tam ma địa Nhất thiết pháp vô thọ, rộng lớn, không ngăn ngại, vô cùng tận, mà tất cả Thanh văn, Độc giác cũng không bì kịp. Đại Bồ Tát nào an trụ trong định này thì sẽ mau chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Cụ thọ Thiện Hiện nhờ thần lực của Phật, nên bảo Đại đức Xá Lợi Tử:

- Đại Bồ Tát nào an trụ trong định này thì ở đời quá khứ, hiện tại sẽ được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thọ ký. Các đại Bồ Tát này tuy trụ trong định nhưng không thấy có định, cũng không chấp danh tự của định, cũng chẳng nghĩ ta ở trong định này đã, đang và sẽ thật sự nhập định. Cũng chẳng nghĩ chỉ có ta mới có thể nhập định này, chẳng phải những người khác có thể tư duy phân biệt được như thế. Nhờ oai lực của định này nên tất cả (các tư duy phân biệt) đều không phát sanh.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Đại Bồ Tát nào nhờ trụ định này, ở đời quá khứ, hiện tại được chư Phật Thế Tôn thọ ký thì đại Bồ Tát này có thể chỉ rõ định như vậy không?

Thiện Hiện đáp:

- Này Xá Lợi Tử! Không. Vì sao? Vì thiện nam tử này đối với định này sẽ không hiểu, không tưởng.

Xá lợi Tử hỏi:

- Cụ thọ nói các thiện nam tử kia đối với định này sẽ không hiểu, không tưởng sao?

Thiện Hiện đáp:

- Nhất định là các thiện nam tử kia đối với định như vậy không hiểu, không tưởng. Vì sao? Vì các định như vậy đều vô sở hữu, nên thiện nam tử kia đối với định như vậy không hiểu, không tưởng. Các định như vậy đối với tất cả pháp cũng không hiểu, không tưởng. Vì sao? Vì tất cả pháp đều vô sở hữu.

Khi đó, Thế Tôn khen Thiện Hiện:

- Hay thay! Đúng như lời ông nói. Vì vậy, Ta nói ông là bậc thứ nhất trụ định Vô tránh. Ông nhờ thần lực của Như Lai gia bị nên nói được lời này.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát muốn học Bát nhã Ba la mật nên học như vậy. Vì sao? Vì đại Bồ Tát nào học như vậy mới gọi là học Bát nhã Ba la mật sâu xa một cách chơn chánh.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào có thể đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa học được như vậy thì có gọi là học một cách chơn chánh phải chăng?

Phật dạy:

- Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát nào có thể đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa học được như vậy thì gọi là học một cách chơn chánh, vì đem vô sở đắc làm phương tiện.

Xá lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào có thể học như vậy thì có đem vô sở đắc làm phương tiện phải chăng?

Phật dạy:

- Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát nào khi học như vậy thì đối với tất cả pháp, đem vô sở đắc làm phương tiện.

Xá Lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Khi học như vậy, các đại Bồ Tát chẳng học với pháp nào?

Phật dạy:

- Này Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát biết không có pháp cũng không có cái được học, đó là tu học. Vì sao? Vì tất cả pháp kia đều không có, nhưng hàng dị sanh ngu muội phân biệt, đeo bám các pháp đó.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu pháp không có thì nay sao lại có?

Phật dạy:

- Này Xá Lợi Tử! Các pháp không có nhưng nay lại có. Nhưng hàng dị sanh không biết là không có nên nói là vô minh. Vì cố chấp nên khởi tâm phân biệt, do phân biệt nên rơi vào nhị biên. Cứ vòng quanh như thế đối với tất cả các pháp, phân biệt đủ loại, khởi các tướng sở đắc. Chúng phân biệt rồi thì dựa vào nhị biên mà chấp trước. Vì thế phân biệt các pháp quá khứ, phân biệt các pháp vị lai, phân biệt các pháp hiện tại. Do phân biệt nên đeo bám danh sắc.




pdf
Tổng Luận Đại Bát Nhã_tập 06_bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm_Chiết giải_CS Thiện Bửu


***
Kính mời xem tiếp:
facebook
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]