Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

103. Kinh Như Thế Nào

24/09/202117:01(Xem: 3880)
103. Kinh Như Thế Nào
Kinh Trung bộ
HT. Thích Minh Châu dịch

KINH NHƯ THẾ NÀO
(Kintisutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Kusinara, tại khu rừng Baliharana. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo", – "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như thế nào ? Có phải vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp ? Hay có phải vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp ? Hay có phải vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp ? Hay có phải vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp ?

– Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn !

Chúng con không nghĩ rằng : "Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp.. (như trên)... Vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp".

– Và như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông không nghĩ như sau: "Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp... (như trên)... Vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp". Vậy này các Tỷ-kheo, đối với ta, các Ông nghĩ như thế nào ?"

– Như thế này, bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, chúng con nghĩ như sau: "Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ Thế Tôn thuyết pháp".

– Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như sau: "Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ Thế Tôn thuyết pháp".

Do vậy, này các Tỷ-kheo, những pháp Ta giảng cho các Ông với thượng trí, như là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Ở đây, các ông phải học tập tất cả, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau. Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập trong các pháp ấy, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể có hai vị Tỷ-kheo nói khác nhau về Abhidhamma (Thắng pháp). Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các vị Tôn giả này, có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn"; ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy nói như sau: "Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phái bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái gì khó nắm giữ, cần phải thọ trì là khó nắm giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, cái gì thuộc về pháp, cái gì thuộc về luật phải được nói lên. Ở đây, nếu các Ông suy nghĩ như sau : "Giữa các bậc Tôn giả này, có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn". Ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau. "Giữa các Tôn giả, có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau".

Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái gì khó nắm giữ, cần phải thọ trì là khó nắm giữ, cái gì dễ nắm giữ phải thọ trì là dễ nắm giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, cái gì thuộc về pháp, cái gì thuộc về luật phải được nói lên. Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau : "Giữa các Tôn giả này, có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn". Ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt tức là văn : Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau vì một vấn đề nhỏ nhặt". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy nghĩ đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là văn. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau, vì một vấn đề nhỏ nhặt" Như vậy, cái gì dễ nắm giữ, phải thọ trì là dễ nắm giữ, cái gì khó nắm giữ, phải thọ trì là khó nắm giữ. Sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, cái gì thuộc về pháp, cái gì thuộc về luật phải được nói lên. Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các Tôn giả này có sự đồng nhất về nghĩa có sự đồng nhất về văn"; ở đây, vị Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau : "Giữa các Tôn giả có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa và có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái gì dễ nắm giữ phải thọ trì là dễ nắm giữ. Sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, cái gì thuộc về pháp, cái gì thuộc về luật hãy được nói lên".

Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể có một Tỷ-kheo khác phạm giới, phạm luật. Ở đây, này các Tỷ-kheo, chớ có khiển trách hấp tấp, cá nhân người kia cần phải giác sát. (Các Ông phải suy nghĩ): "Sẽ không có hại gì cho ta, và sẽ không có tổn hại gì cho người kia. Nếu người kia không phẫn nộ, không uất hận, có ý kiến lanh lợi, và dễ thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải. Nhưng nếu, này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ như sau: "Sẽ không có hại gì cho ta, và sẽ có tổn hại cho người kia. Người kia phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, nhưng dễ thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là sự tổn hại cho người kia. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải. Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau : "Sẽ có hại cho ta và không có tồn tại cho người kia. Người kia không có phẫn nộ, uất hận, có ý kiến lanh lợi, nhưng khó thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là sự tổn hại cho ta. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải. Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau : "Sẽ có hại cho ta và sẽ có tổn hại cho người kia. Người khác phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, khó thuyết phục và ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là hại cho ta và tổn hại cho người kia. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải. Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Ta sẽ bị hại và người kia cũng bị tổn hại. Người kia phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, khó thuyết phục, và ta không có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Đối với một người như vậy, này các Tỷ-kheo, hãy xã, chớ có nên khinh miệt.

Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể khởi lên giữa các Ông, một khẩu hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu não, phẫn nộ. Ở đây, một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau : "Này Hiền giả, dầu chúng tôi học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau, có khởi lên một khẩu hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu não, phẫn nộ. Nếu biết được như thế, vị Sa-môn sẽ quở trách". Trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau : ""Này Hiền giả, dầu cho, chúng tôi học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau... (như trên)... vị Sa-môn sẽ quở trách. Nhưng này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn có thể chứng được chăng ?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn không có thể chứng được". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn hãy đến vị ấy và nói như sau : "Này Hiền giả, dầu chúng tôi học tập các pháp ấy... (như trên).. vị Sa-môn sẽ quở trách". Trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, dầu cho chúng tôi ... (như trên)... Sa-môn sẽ quở trách. Nhưng này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn có thể chứng được chăng ?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn không có thể chứng được".

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông khác hỏi Tỷ-kheo ấy, nói rằng: "Các Tỷ-kheo ấy có được Tôn giả khiến cho vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện chăng ?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Ở đây, này Hiền giả, tôi đi đến Thế Tôn và Thế Tôn thuyết pháp của Ngài cho tôi. Sau khi nghe pháp ấy, tôi đã nói lại cho các Tỷ-kheo ấy. Khi các Tỷ-kheo ấy nghe pháp ấy xong, các vị ấy tự vượt khỏi bất thiện và an trú vào thiện". Trả lời như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự khen mình chê người. Vị ấy giải thích tùy pháp đúng với pháp, và không một ai trong các Pháp hữu nói lời tùy thuyết, có thể đưa đến phỉ báng.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

Mục Lục ||Chương kế |

--- o0o ---

Thư Mục Tác Giả |


Tổ chức đánh máy: Hứa Dân Cường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử bộ Kinh này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]