Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Pháp Dung (? - 1174), Đời thứ 15 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹

09/09/202114:26(Xem: 22888)
Thiền Sư Pháp Dung (? - 1174), Đời thứ 15 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹



Thiền Sư Pháp Dung (? - 1174), Đời thứ 15 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi 
🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺

Trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm, Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc và online: Cư Sĩ Quảng Phước, Cư Sĩ Quảng Tịnh




Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay, thứ năm 9/9/2021, chúng con được học về Thiền sư Pháp Dung đời thứ 15, Thiền Phái Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 283 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).

 

Sư họ Lê quê ở Bối Lý, là dòng dõi Châu mục Ái châu Lê Lương dưới thời Đường. Trải mười lăm đời làm Châu mục, gia tộc vinh hiển. Cha là Huyền Nghi hiệu Tăng Phán. Sư hình thái đẹp đẽ, giọng nói trong thanh, đối với kinh văn ngọc kệ không đâu chẳng tán tụng.

 

Thuở bé, Sư theo Tăng thống Khánh Hỷ xuất gia. Khánh Hỷ thấy Sư khen là kỳ đặc, bèn đem pháp ấn trao cho.

 

Sư Phụ giải thích:

Thiền sư Pháp Dung là đệ tử nối pháp của Thiền Sư Khánh Hỷ. Cuộc đời của Sư đơn giản ngắn gọn. Sư thuộc dòng dõi Châu Mục Ái Châu. Sư Phụ giải thích Châu cùng nghĩa là tỉnh, Châu mục cũng như tỉnh trưởng ngày nay. Sư xuất gia sớm và được Sư Khánh Hỷ trao cho pháp ấn.

 

 

Từ đó, Sư mặc ý ngao du sơn thủy, tùy duyên hóa đạo. Kế, Sư dừng ở chùa Khai Giác trên ngọn Thứu Phong. Hằng ngày môn đồ tìm đến tham vấn đầy thất. Sau, Sư về núi Ma-ni ở phủ Thanh Hóa, dựng ngôi chùa Hương Nghiêm rồi trụ trì.

 

Sư Phụ giải thích:

Sư dựng ngôi chùa Hương Nghiêm ở núi Ma-ni, phủ Thanh Hoá. Sư Phụ giải thích ý nghĩa của tên chùa Hương Nghiêm do Thiền Sư Pháp danh lấy ý nghĩa từ phẩm Phật Hương Tích trong Kinh Duy Ma Cật.

Hương Nghiêm là dùng hương thơm để trang nghiêm pháp thân, nghĩa là dùng hương thơm của sự trì giới, hương thơm của thiền định, hương thơm của trí tuệ, hương thơm của giải thoát và hương thơm của giải thoát tri kiến, hương thơm của đại bi tâm để trang nghiêm đời mình.

 

Sư phụ giải thích rõ hơn về nghi thức thắp nhang cúng dường Tam Bảo Phật Pháp Tăng mỗi ngày như sau, Sư phụ xướng bài kệ cúng hương:

 

Giới hương, định hương, dữ huệ hương,

Giải thoát, giải thoát tri kiến hương,

Quang minh vân đài biến pháp giới,

Cúng dường Thập-phương Tam-Bảo tiền.

Nam-mô Hương-Cúng-Dường Bồ-Tát Ma-ha-tát.

 

Dịch nghĩa:

 

Giới-hương, định-hương  và huệ-hương,

Giải-thoát, giải-thoát tri kiến hương.

Năm thứ hương nầy xông pháp-giới,

Cúng-dường Tam-bảo khắp mười phương.

 

 

Về sự, thắp ba nén hương cúng dường.

Về lý, ba nén hương tượng trưng cho hương giới thể, hương thiền định tỉnh lặng của tâm thức, hương trí tuệ rõ biết tự tánh không hiện tiền.

 

Sư Phụ giải thích Hương Nghiêm trong bài, Bát Cơm Hương Tích. 

Ngài Duy Ma Cật vào Chánh định, “dùng thần thông thị hiện khiến cho đại chúng nhìn thấy cõi Phật Hương Tích. Mùi hương ở cõi nước đó vượt hơn mùi hương của cõi trời, cõi người và các cõi Phật khác trong mười phương thế giới. Mùi hương của cơm cõi ấy cũng tỏa ngát khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Đức Phật Hương Tích cùng các Bồ Tát đang ngồi thọ trai, có các thiên tử cùng một danh hiệu gọi là “Hương Nghiêm”, đều đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, đến cúng dường Phật và Bồ Tát. Xin mời xem thêm bài viết Bát Cơm Hương Tích trên Trang Nhà Quảng Đức.

 

 

Niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ nhất (1174) nhằm năm Giáp Ngọ, ngày mùng 5 tháng 2, Sư không bệnh mà tịch.

Môn nhân là Đạo Lâm... làm lễ hỏa táng, xây tháp thờ Sư tại bản sơn.

 

 

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Pháp Dung do Thầy Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:

 

Giọng thanh tướng tốt kệ kinh ngâm

Tăng Thống truyền trao ấn tổ cầm

Sơn thuỷ ngao du hoằng chánh đạo

Già lam trú ngụ cứu mê nhân

Môn đồ đến học khai chơn tánh

Học chúng quay về mở diệu tâm

Khai Giác, Hương Nghiêm rền trống pháp

Đèn thiền rạng chiếu nước non an…!

 

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Pháp Dung, cuộc đời Sư tuy rất đơn giản ngắn gọn, nhưng Sư đã xây dựng để lại một ngôi chùa lấy tên là chùa Hương Nghiêm, là tên của các thiên tử ở cõi Phật Hương Tích, và cõi Phật này nhờ ngài Duy Ma Cật vào Chánh định, dùng thần thông thị hiện cho đại chúng nhìn thấy cõi Phật Hương Tích, như là Sư có tiền thân là thiên tử, Sư có hình thái đẹp đẽ và giọng nói trong thanh.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).

 

Kính bạch Sư Phụ, con kính xin phép Sư Phụ, con sẽ viết tiếp phần Sư phụ giải đáp 2 câu hỏi của Phật tử Bảo Minh Toàn.

 

 

 



283_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Phap Dung


 

Thiền Sư Pháp Dung  (? - 1174)
Đời thứ 15 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
Vào thời Vua Lý Anh Tông (1136-1175)




Kính dâng Thày bài trình pháp về Thiền Sư Pháp Dung và lời giải đáp cho hai câu hỏi của đạo hữu Bảo Minh Toàn . Kính tri ân Thầy đã đem toàn bộ Phật Tri Kiến và Lý duyên Khởi gói gọn qua hai câu hỏi này và những gì Thầy muốn truyền trao để Khai Giác như một ngôi chùa mà Thiền Sư Pháp Dung đã dừng chân trên núi Thứu Phong cho hằng ngày môn đệ được tham vấn . ....Kính bạch Thầy, thật ra bản thân con mang ơn đại dịch này ...nhờ đó mà con mới được chăm chú nghe pháp thoại và đã trở thành một thói quen rất tốt cho việc hạ thủ công phu tìm về Chánh Pháp rất khó được nghe và nhất là được triển khai từ một Vị Thày biện tài nhạo thuyết . Kính đa tạ đảnh lễ Thày và kính chúc Thày pháp thể khinh an , HH



Thật tuyệt vời khi học sự truyền thừa của các vị Tổ Sư Thiền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp . Qua đó có thể tìm ra người Thầy mà đệ tử nối pháp dù bị khuyết lục trong lịch sử  hoặc là những câu hỏi tuyệt vời của một đệ tử đã giúp Sư Phụ mình để lại cho đời những bài kệ vượt thời gian và siêu phàm lưu lại cho hậu thế .  Đó là trường hợp Thiền Sư Pháp Dung ... kính mời quý đạo hữu nhớ lại ....

Một hôm, đệ tử Pháp Dung hỏi:

- Liễu đạt sắc không, sắc là phàm hay là Thánh?

Sư ( TS Khánh Hỷ ) ứng thinh đáp bài kệ:

Lao sanh hưu vấn sắc kiêm không,
Học đạo vô như phỏng Tổ tông.
Thiên ngoại mích tâm nan định thể,
Nhân gian thực quế khởi thành tùng.
Càn khôn tận thị mao đầu thượng,
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ,
Thùy tri phàm Thánh dữ tây đông?

HT Thích Thanh Từ dịch:

 

Uổng công thôi hỏi sắc cùng không,
Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông.
Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy,
Thế gian trồng quế đâu thành tòng.
Đầu lông trùm cả càn khôn thảy,
Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong. 
Đại dụng hiện tiền tay nắm vững,
Ai phân phàm Thánh với tây đông.

Kính mong  được sự thông cảm của quý đạo hữu cho sự thấu hiểu chút ít khi
nghe pháp thoại và trình pháp lại với Thày của học nhân. Trân  trọng, HH  



Kính ngưỡng Thiền Sư Pháp Dung 

.....Đệ tử  nối pháp từ  Đức  Ngài Khánh Hỷ . 

Đời thứ 15 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi 

Hành trạng tích sử dù ngắn gọn ghi (1) 

Với câu hỏi tuyệt vời .. Phật Tâm  được giải đáp ! 



Hai Thiền Tự Khai Giác , Hương Nghiêm đạo lý tương hạp (2) 

Liễu đạt năm phần công đức xuất thế gian 

Kính đa tạ Giảng Sư 

.....ngâm bài kệ "Ngũ phần hương " vang vang (3) 

Giúp  chúng đệ  tử  qua niềm tin tự khai mở Tuệ Giác! 

Thật thú vị ...tương quan hai câu hỏi hướng về Giải thoát ! 

Kính xin mời cùng tham dự ...tiếp theo liền 

Nam Mô Thiền Sư Pháp Dung tác đại chứng minh 

" Phật hoá hữu duyên nhân " có thể định hướng ? 

Câu hỏi một .....

vì sao đến ba lần Như Lai mới thương  tưởng ? 

Trả lời cho học nhân tham vấn Đạo lý Ngài (4) 

Kính tri ân  Giảng Sư  ...tuyệt vời nhạo thuyết triển khai 

Tìm thấy được 18 pháp bất cộng trong Phật tri kiến (5) 

Câu hỏi thứ hai ... 

.....về Chữ Duyên giữa Thầy, Trò xuất hiện (6)

Lời giải đáp ứng dụng cho Đạo và Đời 

Mọi hiện tượng vũ trụ cùng vạn pháp tỏ ngời  

Mãnh lực của Thuận, Nghịch  Duyên nằm trong cuộc sống ! 

Biết Lý Duyên khởi  sẽ hướng thượng , giải thoát Khổ ...thiết thống ! (7) 



Huệ Hương 

Melbourne 9/9/2021 




Chú thích  

(1) Sư họ Lê quê ở Bối Lý, là dòng dõi Châu mục Ái châu Lê Lương dưới thời Đường. Trải mười lăm đời làm Châu mục, gia tộc vinh hiển. Cha là Huyền Nghi hiệu Tăng Phán. Sư hình thái đẹp đẽ, giọng nói trong thanh, đối với kinh văn ngọc kệ không đâu chẳng tán tụng.

Thuở bé, Sư theo Tăng thống Khánh Hỷ xuất gia. Khánh Hỷ thấy Sư khen là kỳ đặc, bèn đem pháp ấn trao cho.

(2) 

Từ đó, Sư mặc ý ngao du sơn thủy, tùy duyên hóa đạo. Kế, Sư dừng ở chùa Khai Giác trên ngọn Thứu Phong. Hằng ngày môn đồ tìm đến tham vấn đầy thất. Sau, Sư về núi Ma-ni ở phủ Thanh Hóa, dựng ngôi chùa Hương Nghiêm rồi trụ trì

Theo Giảng Sư : 

Chùa Khai Giác có ý nghĩa là khai mở sự Giác Ngộ trong chúng sanh 

Chùa Hương Nghiêm lấy từ nghĩa lý huyền diệu sâu xa trong cảnh giới Chúng Hương trong kinh Duy Ma đấy là sự xuất phát hàm tàng nội tại , là sự giữ giới , thiền định ,  rõ biết các pháp  và là Tự tính Không của Trí Tuệ phát sanh 

(3) 

Giới hương, định hương, dữ huệ hương

Giải thoát, giải thoát tri kiến hương 

Quang minh vân đài biến pháp giới

Cúng dường thập phương Tam Bảo 

 giới hương , định hương cùng  huệ hương

 giải thoát giải thoát tri kiến hương

Đài mây rực rỡ trùm pháp giới,

Cúng dường Tam Bảo khắp mười phương. 

Đệ tử chúng con đến trước Phật đài thành tâm thỉnh nguyện..

Cúi mong chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tăng bật Thánh Hiền ở khắp mười phương đồng đến đạo tràng nầy chứng minh, khiến chúng con thỉnh nguyện tội chướng tiêu trừ thân tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt.

Được biết thêm qua kinh sách 

Ngũ phần hương cũng gọi là ngũ phần pháp thân hương, là năm phần công đức, năm phần pháp thân trong giáo lý, Đức Như Lai hiệp lại thành pháp thân. Chỉ có Đức Phật, chư Bồ tát, thanh văn tu đạo giải thoát, thanh tịnh Tăng mới có những công đức. Năm phần công đức nầy thuộc xuất thế gian, bao gồm các công đức như sau:

1. Giới pháp thân: Tu trì giới hạnh của Đức Như Lai, giữ gìn tam nghiệp (thân, khẩu, ý) lìa khỏi các sự lỗi lầm sai lạc si mê.

2. Định pháp thân: Tu pháp thiền định của Đức Như Lai đặng đắc chơn tâm tịch diệt, lìa khỏi tất cả các vọng niệm điên đảo.

3. Huệ pháp thân: Tu pháp trí huệ của Đức Như Lai đặng đắc chơn trí viên minh, quán đạt pháp tánh.

4. Giải thoát pháp thân: Tu cho đắc tâm thân của Như Lai, giải thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, say mê, tức là thể nhập các đức Niết Bàn.

5. Giải thoát tri kiến pháp thân: Là bậc chứng đắc quả vị tối thắng, lìa tất cả mọi vọng chất thô tế, chí như quả vị giải thoát, mình đã thể nhập cũng không khởi niệm thấy biết là mình là kẻ đã chứng đắc, tâm tánh rỗng rang sáng suốt, tự tại như nhiên, thanh thoát an nhàn.

Có bốn hàng Thánh giả: Thanh Văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật đều đắc đủ ngũ phần pháp thân. Các vị ấy có đủ ngũ phần pháp thân nên được xưng là bậc giải thoát. Các Ngài là những bậc đã dừng bước chân trên cuộc đời, sống trong đời sống đạo giải thóat, bậc đã bước đến bờ bên kia tức đến thế giới Niết Bàn (Theo Phật học Từ Điển của Đoàn Trung Còn).

(4) 

Câu hỏi thứ nhất của Đạo hữu Bảo Minh Toàn được sđặt ra như sau " Thời Đức Thế Tôn còn tại thế có những môn sinh khi đến Thế Tôn thưa hỏi để được nghe Ngài chỉ dạy về những điều còn vướng mắc thì có khi Ngài không trả lời hoặc nhiều khi phải đợi đến ba lần thỉnh ý mới được Ngài giải đáp 

Đã được Giảng Sư thông qua những điều kiện sau 

 1- Chánh Pháp rất khó nghe, không dễ gì có người hiểu được  

Dù loài người có các căn tín, tấn, niệm, định, tuệ vận hành tương đối đủ mạnh và có nhân duyên được Phật pháp soi sáng và khích lệ hướng đến hoàn thiện các phẩm chất giác ngộ. Đây chính là cơ hội may mắn cho những ai được sinh ra làm người, tức có đủ nhân duyên thuận lợi để học hỏi và thực hành lời Phật dạy cho mục đích giải thoát luân hồi khổ đau. 

Đây cũng là lý do vì sao Đức Phật dạy khó thay được làm người, khó thay nghe diệu pháp nhằm nhắc nhở mọi người phải biết vận dụng tối đa cơ duyên thuận lợi được làm người của mình để tu tập thăng tiến tuệ giác giải thoát. Vì nếu không thì cơ may làm người cũng không khác gì số phận kém may mắn của các chúng sinh mê muội khác. 

Trong bản kinh Không phải thời thuộc Tăng chi bộ, Đức Phật nói cho chúng ta có tám trường hợp không may cho các chúng sinh không được nghe Chánh pháp, trong số đó có bốn trường hợp được sinh ra làm người nhưng không may mắn vì không có nhân duyên được nghe Chánh pháp. Chỉ duy nhất trường hợp thứ chín được xem là may mắn vì được sinh ra làm người và được nghe Chánh pháp của Như Lai. Điều này gián tiếp cho thấy được sinh ra làm người vốn rất khó khăn nhưng làm người mà có nhân duyên được nghe diệu pháp lại càng khó hơn.

2- hỏi không đúng thời đúng lúc ( trường hợp Ngài Bahiya khi vấn Đạo Thế Tôn lúc Ngài trên đường đi khất thực 

3- có 14 loại câu hỏi Phật không muốn hý luận 

Trong kinh điển Phật giáo , có nhiều trường hợp mô tả Đức Phật đã giữ thái độ im lặng trước một sồ câu hỏi của các du sĩ ngoại đạo mang tính huyền hoặc hoặc thiếu thực tế . Đức Phật thấy rõ , những người đặt các câu hỏi như thế thì hoặc chính bản thân họ không hiểu , hoặc họ chỉ nhằm khoe khoang kiến thức qua những tưởng tượng hay ức đoán ; và nếu có trả lời thì tính hạn chế của ngôn ngữ cũng khiến mọi giải thích không thể diễn tả rốt ráo mọi điều thấy biết của Đức Phật . Vì thế mà Đức Phật chỉ im lặng .

4- trong kinh Pháp Hoa ( phẩm Phương tiện ) Vì muốn khai, Thị,  Phật  Tri Kiến của Ngài để cho chúng sanh có thể Ngộ Nhập đươc nên Ngài phải chờ cho Đức Xá Lợi Phật thư thỉnh ba lần để những kẻ tăng thượng mạn không tin tránh được tội hủy báng Phật 

(5) Triển khai rộng về Phật Tri kiến , Giảng Sư chỉ rõ những đặc thù mà chỉ có nơi những bậc Chánh  Đẳng Chánh Giác như ( 10 trí lực, tứ vô sở uý , tứ trí vô ngại , ba niệm trụ và đại bi cùng 18 pháp bất cộng ) 

Là 18 năng lực đặc thù duy chỉ Phật hoặc Bồ-tát mới có, còn Thanh văn, Duyên giác không có. Gọi đủ là Thập bát bất cộng phật pháp (18 pháp bất cộng của Phật). Nội dung 18 pháp này giữa Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa có sự khác biệt ....-Vì Căn cứ Đại tì-bà-sa-luận, quyển 17; Câu-xá luận, quyển 27… ghi chép, 18 pháp bất cộng của Phật là Thập lực, Tứ vô sở úy, Tam niệm trụ và Đại bi.

Theo thứ tự của Đại thừa thì gồm có 

  • 10 trí lực hay còn gọi là Thập Lực 

I. Thập Lực. Chỉ cho 10 trí lực của Như lai, đó là: 1. Xứ phi xứ trí lực(cũng gọi Tri thị xứ phi xứ trí lực, Thị xứ bất thị lực, Thị xứ phi xứ lực): Xứ nghĩa là đạo lí. Tức là Như lai biết rõ đúng như thực đối với tất cả nhân duyên quả báo, nếu tạo nghiệp thiện thì biết nhất định được quả báo vui, gọi là Tri thị xứ; nếu tạo nghiệp ác mà được quả báo vui thì không có đạo lí(xứ) như thế, gọi là Tri phi xứ.2. Nghiệp dị thục trí lực(cũng gọi Tri nghiệp báo trí lực, Tri tam thế nghiệp trí lực, Nghiệp báo tập trí, Nghiệp lực): Như lai biết rõ nghiệp duyên, quả báo và nơi sinh trong 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai của tất cả chúng sinh đúng như thực. 3. Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực(cũng gọi Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí phát khởi tạp nhiễm thanh tịnh trí lực, Tri chư thiền giải thoát tam muội trí, Thiền định giải thoát tam muội tịnh cấu phân biệt trí lực, Định lực): Như lai được tự tại vô ngại đối với các thiền định và biết rõ đúng như thực thứ tự cạn, sâu của các thiền định ấy. 4. Căn thượng hạ trí lực(cũng gọi Tri chư căn thắng liệt trí lực, Tri chúng sinh thượng hạ căn trí lực, Căn lực): Như lai biết rõ căn tính hơn, kém, chứng quả lớn, nhỏ của các chúng sinh đúng như thực. 5. Chủng chủng thắng giải trí lực(cũng gọi Tri chủng chủng giải trí lực, Tri chúng sinh chủng chủng dục trí lực, Dục lực): Như lai biết rõ đúng như thực các dục lạc, thiện ác khác nhau của tất cả chúng sinh. 6. Chủng chủng giới trí lực(cũng gọi Thị tính lực, Tri tính trí lực, Tính lực): Như lai biết khắp và đúng như thực về các giới phần khác nhau của chúng sinh ở thế gian. 7. Biến thú hạnh trí lực(cũng gọi Tri nhất thiết chí xứ đạo trí lực, Chí xứ đạo lực): Như lai biết rõ đúng như thực nơi đến của hạnh hữu lậu trong 6 đường và nơi đến của hạnh vô lậu là Niết bàn. 8. Túc trụ tùy niệm trí lực(cũng gọi Tri túc mệnh vô lậu trí lực, Túc mệnh trí lực, Túc mệnh lực): Như lai biết khắp và đúng như thực về túc mệnh (đời trước), từ một đời cho đến trăm nghìn muôn đời, từ một kiếp cho đến trăm nghìn muôn kiếp, chết đây sinh kia, chết kia sinh đây, tên họ uống ăn, khổ vui thọ yểu. 9. Tử sinh trí lực(cũng gọi Tri thiên nhãn vô ngại trí lực, Túc trụ sinh tử trí lực,Thiên nhãn lực): Như lai dùng thiên nhãn thấy biết rõ ràng như thực thời gian sống chết của chúng sinh và các cõi thiện ác mà chúng sinh sẽ sinh tới trong vị lai, cho đến các nghiệp duyên tốt xấu như đẹp xấu giàu nghèo... 10. Lậu tận trí lực(cũng gọi Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực, Kết tận lực, Lậu tận lực): Đối với tập khí tàn dư của tất cả phiền não, Như lai biết rõ đúng như thực đã vĩnh viễn đoạn trừ không còn sinh khởi nữa.[

● Bốn trí không ngại của Phật và của Bồ Tát. Đó là :

1) Pháp vô ngại trí : trí biết các pháp và diễn giải không ngăn ngại,

2) Nghĩa vô ngại trí : trí biết nghĩa lý của các pháp, tùy tên mỗi pháp mà giảng nghĩa không bị ngăn ngại,

3) Từ ngại trí : trí biết các danh tự, ngôn từ một cách không ngăn ngại,

4) Nhạo thuyết vô ngại trí : trí biết căn tánh chúng sanh, ưa thuyết không bị chướng ngại, không lui, không sợ trở ngại chi cả.

**  Tứ Vô Sở Uý

Tiếng Phạn là Catvāri tathāgatasya vaiśāradyāni. Phật thành tựu trí tuệ đầy đủ mười thứ sức mạnh, thuyết pháp giữa đại chúng không có gì đáng lo sợ.

  1. . Chư pháp hiện đẳng giác vô uý (Phạm sarva-dharmābhisaṃbodhi-vaiśāradya): Đối với tất cả các pháp, Phật đều rõ biết một cách tường tận. Do đó, đối với những chúng sinh vì không biết về các pháp mà đặt câu hỏi thì Ngài giải đáp một cách tự tại, không có gì sợ hãi. Điều vô uý này còn gọi là Nhất thiết trí vô sở uý.
  2. . Lậu vĩnh tận vô uý (Phạm sarvāsrava-kṣaya-jñāna-vaiśāradya): Còn gọi là Lậu tận vô sở uý. Phật đã dứt sạch hết tất cả mọi phiền não, không có sự sợ hãi từ các nạn bên ngoài.
  3. . Thuyết chướng pháp vô uý (antarāyika-dharmānanyathātva-niścita-vyākaraṇa-vaiśāradya): Phật nói ‘pháp nhiễm ô chắc chắn gây trở ngại sự tu tập’. Khi nói như vậy, Phật không hề lo sợ sự bắt bẻ hay gạn hỏi của bất cứ ai. Điều này còn được gọi là Thuyết chướng đạo vô sở uý.
  4. . Thuyết xuất đạo vô uý (saṃpad-adhigamāya nairyāṇika-pratipat-tathātva-vaiśāradya): Phật chỉ bày con đường thoát ly sinh tử, chỉ bày phương pháp tu tập để thoát ly khổ đau. Vô uý này còn được gọi là Thuyết tận khổ đạo vô sở uý, bởi Phật tuyên thuyết đạo xuất ly mà không sợ hãi điều gì.

*** Ba niệm Trụ 

Tam niệm trụ là lòng đại bi của Phật nhiếp hóa chúng sanh thường trụ vào ba lòng nghĩ. Còn gọi là Tam chánh niệm xứ, Tam niệm xứ :

1. Chúng sanh tin Phật : phật chẳng sanh lòng vui mừng, thường trú yên vào chánh niệm, chánh xứ.

2. Chúng sanh chẳng tin Phật, Phật chẳng sanh lòng buồn, thường trú yên vào chánh niệm, chánh trí.

3. Đồng thời một hạng tin, một hạng không tin, Phật biết chẳng sanh lòng vui mừng và lo buồn, thường trú yên vào chánh niệm, chánh trí.

*** Đại Bi trong Tứ Vô Lượng Tâm 

Những yếu tố trong Tứ vô lượng tâm đều liên quan mật thiết với nhau. Trong Từ đã có Bi và Bi do lòng Từ mà ra. Tâm Bi luôn luôn khiến ta hành động ngoài ý vụ lợi nghĩa là hành động không mong cầu cái phần lợi nào trả lại cho ta, hoặc vật chất hoặc tinh thần, vì lẽ dĩ nhiên là tâm Bi cũng như tâm Từ, hoàn toàn tác động ngoài cái ta vậy. Hơn thế, không vì lẽ muốn làm dứt cái khổ cho người này mà phải gây cái khổ cho kẻ khác. Làm như vậy chỉ là dời cái đau khổ chỗ này qua chỗ kia mà thôi. Ta không có quyền lấy cái hạnh phúc của người này bắt họ phải đổi lấy cái đau khổ cho kẻ khác, viện lẽ là lập lại công bình. Cũng như trên kia đã nói, ta không có quyền cướp đoạt sự sống của con vật này để nuôi sống cho con vật khác. Tâm Bi làm cho ta thông cảm được cái khổ của người khác, muốn giải khổ cho họ mà không oán ghét người sung sướng. Tâm Bi chỉ cho phép ta hy sinh cái gì của ta mà thôi, hy sinh đến sinh mạng ta mà ta cho là quý nhất. Tâm Bi không phải là một tác động nhắm mục đích lập lại mọi thăng bằng. Nó phải có mục đích giải khổ thực sự bằng cách đem người khổ ra khỏi cảnh khổ, chớ không phải dời chỗ cái khổ nơi này qua nơi khác, rồi chung quy khổ cũng còn khổ. Có hạng người chỉ ảo kiến một mục đích mà trong cảnh si mê họ cho là chân chính, rồi cho đặn đạt được mục đích ấy họ cho họ có quyền áp dụng bất cứ một phương tiện nào, dù trái đạo đến đâu họ cũng cho là biện minh khả dĩ. Không. Lòng Bi không cho phép ta dùng phương tiện vô đạo để đạt một mục tiêu mặc dù là hữu đạo. Lòng Bi luôn luôn khiến ta tự sức mình mà làm, chớ không bắt kẻ khác hy sinh thay thế cho mình.

MƯỜI TÁM PHÁP BẤT CỘNG ( Theo Phật giáo Đại thừa: ) 

Căn cứ Đại phẩm bát-nhã kinh, quyển 5; Đại trí độ luận, quyển 6; Đại thừa nghĩa chương, quyển 20; Pháp giới thứ đệ, quyển hạ… ghi chép, thì 18 pháp bất cộng của Phật là: 

1. Thân vô thất: Thân không lỗi lầm. Nghĩa là, từ vô lượng kiếp đến nay, Phật thường lấy Giới, Định, Tuệ, Từ bi… để tu tập trang nghiêm thân mình, tất cả mọi công đức đều viên mãn, tất cả moi phiền não đều đã diệt hết. 

2. Khẩu vô thất: Miệng không có lỗi lầm. 

Nghĩa là, Phật có đầy đủ vô lượng trí tuệ biện tài, thuyết pháp tùy theo căn cơ của chúng sanh, khiến cho tất cả đều được chứng ngộ. 

3. Niệm vô thất: Ý không lỗi lầm. 

Nghĩa là, Phật tu các thiền định thâm sâu, tâm không tán loạn, đối với các pháp tâm không còn vướng mắc, đắc an ổn đệ nhất nghĩa. 

4. Vô dị tưởng: Không có ý phân biệt. Nghĩa là, Phật phổ độ một cách bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, tâm không lựa chọn. 

5. Vô bất định tâm: Tâm luôn ở trong định. 

Nghĩa là, Phật luôn đi, đứng, nằm, ngồi trong thiền định. 

6. Vô bất tri dĩ xả: Xả tất cả những điều đã biết. 

Đối với tất cả các pháp, Đức Phật đều biết hết rồi mới xả, không một pháp nào được biết rồi mà không xả. 

7. Dục vô giảm: Ước muốn độ sinh không giảm sút. 

Dù Phật đã đầy đủ tất cả mọi công đức, nhưng đối với các pháp, ý chí tu học chưa từng giảm sút và ước muốn độ sinh tâm không mệt mỏi. 

8. Tinh tấn vô giảm: Tinh tấn không giảm. 

Thân tâm của Phật tràn đầy sức tinh tấn, thường độ tất cả chúng sinh, chưa từng dừng nghỉ. 

9. Niệm vô giảm: Trí nhớ không giảm. Đối với pháp của ba đời chư Phật, Phật thường ghi nhớ, giữ gìn không bao giờ khuyết giảm. 

10. Tuệ vô giảm: Phật có đủ tất cả trí tuệ, vô lượng vô biên, không thể cùng tận. 

11. Giải thoát vô giảm: Phật đã viễn ly tất cả phiền não, chấp trước, đã giải thoát hoàn toàn hữu vi và vô vi. 

12. Giải thoát tri kiến vô giảm: Trong tất cả những pháp đã giải thoát, Phật thấy biết một cách rõ ràng, phân biệt rõ ràng, không có gì trở ngại. 

13. Nhất thiết thân nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả thân nghiệp đều hành động theo trí tuệ. 

14. Nhất thiết khẩu nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả khẩu nghiệp đều hành động theo trí tuệ. 

15. Nhất thiết ý nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả ý nghiệp đều hành động theo trí tuệ. 

(Phật tạo tác ba nghiệp thân, khẩu, ý bằng trí tuệ, trước hết ngài quán sát sự được – mất, sau đó tùy theo trí tuệ mà hạnh động, cho nên cả ba nghiệp đều không có lỗi lầm mà chỉ có lợi ích cho chúng sinh). 

16. Trí tuệ tri quá khứ thế vô ngại: Trí tuệ của Phật thấy biết quá khứ không có gì chướng ngại. 

17. Trí tuệ tri vị lai thế vô ngại: Trí tuệ của Phật thấy biết vị lai không có gì chướng ngại. 

18. Trí tuệ tri hiện tại thế vô ngại: Trí tuệ của Phật biết hết hiện tại không có gì chướng ngại. 

(6) Đạo hữu Bảo Minh Toàn đã ngđọ bài viết "Cảm niệm Ân Sư " của TT Thích Nguyên Tạng đã tự hỏi " Đệ tử tầm Sư dị hay Sư tầm đệ tử nan ?"và kính nhờ Giảng Sư giải đáp câu hỏi thứ hai có phải đó là mãnh lức của Chữ Duyên mà chúng ta đã gặp nhau trong cuộc sống này ( cũng là giữa Thầy và Trò ) 

(7) 

Duyên khởi là căn bản của Chánh Kiến. Có Chánh Kiến tức là cái thấy sâu sắc và đứng đắn về Duyên Khởi. Chúng ta đã biết Vô Thường và Vô Ngã cũng chỉ có nghĩa Duyên Khởi. Chữ Duyên tiếng Phạn là pratyaya, tiếng Pali là paccaya. Trong kinh Đức  Phật  thường nói rất đơn giản về Duyên Khởi. Ngài nói: ‘‘cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.’’ 

Mà Duyên nói chung là những điều kiện để cấu thành các hiện tượng về tâm cũng như thân.

Bốn  loại duyên (tư liệu từ Kinh sách phối hợp với lời giảng của Giảng Sư đã triển khai ) 

 1- Trong Bốn Duyên, loại duyên thứ nhất là Nhân duyên. 

Nhân tức là hạt giống từ đó sinh ra quả. Duyên là một điều kiện. Khi ta nói Nhân duyên thì Nhân là một thứ duyên, một điều kiện để tác thành. Điều kiện đầu tiên là có sẵn hạt giống. Ví dụ chúng ta có một hạt giống của giác ngộ, của chánh niệm trong ta. Đó là một duyên đầu, gọi là Nhân duyên. 

Phật  dạy rằng tất cả mọi chúng sinh đều có hạt giống của giác ngộ, của hạnh phúc. Hạt giống đó vì còn bị ngăn trở không cho trưởng thành nên ta cứ trầm luân trong biển khổ. Chúng ta cũng có hạt giống của niềm tuyệt vọng. Nếu chúng ta cứ tự tưới tẩm hoặc để cho người khác tưới tẩm hạt giống đó, thì một ngày kia niềm tuyệt vọng cũng sẽ lớn lên, tràn lấp tâm ta và sẽ làm ta đau khổ. Chúng ta có hạt giống của giác ngộ, của niềm tin, của tình thương nhưng chúng ta cũng có hạt giống của niềm tuyệt vọng và của sự căm thù. Hạt giống đó là một điều kiện tác sinh, gọi là Nhân.

2- Loại điều kiện thứ hai là duyên Thứ Đệ, có khi gọi là Đẳng Vô Gián Duyên

. Thứ Đệ tức là có trước có sau. Đẳng tức là bằng nhau, bình thường, đều đều. Vô-gián nghĩa là không gián đoạn. Sự hình thành nào cũng cần được liên tục, không gián đoạn. Ví dụ như sự tu học cần được tiếp tục ngày này sang ngày khác không gián đoạn thì mới thành công được. 

Trong cây có hoa, trong đá có lửa ....

Duyên này tương đương với Tứ chánh Cần 

3- Loại thứ ba là  Sở duyên duyên . 

Sở duyên là đối tượng. Nếu không có đối tượng thì không có chủ thể; như niềm tin thì có đối tượng của niềm tin, niềm tuyệt vọng cũng có đối tượng của niềm tuyệt vọng. Đối tượng đó gọi là Sở Duyên (object), còn chủ thể gọi là Năng Duyên (subject. )

4- Loại thứ tư là Tăng Thượng duyên  

Tăng tức là thêm, Thượng tức là trồi lên. Loại điều kiện thứ hai là những điều kiện giúp vun trồng và tưới tẩm thêm cho hạt giống đầu phát triển. Nếu hạt giống của niềm tin trong ta mỗi ngày được tăng thân, được thầy, được bạn tưới tẩm cho, thì niềm tin đó ngày càng lớn. Duyên Tăng Thượng có hai trường hợp: thuận và nghịch. Những điều kiện thích hợp, nâng đỡ, bổ túc thì gọi là thuận. Ví dụ niềm tin của chúng ta mỗi ngày đều được các bài pháp  thoại của thầy hay lời khuyên nhủ của các thiện tri thức hỗ trợ, thì đó gọi là duyên Tăng Thượng thuận. 

Nếu có người ngày nào cũng nói những điều làm cho chúng ta nghi ngờ, thì niềm tin của chúng ta ngày càng bị yếu, đó là  Tăng Thượng duyên nghịch. Nhiều khi duyên nghịch cũng có thể giúp chúng ta được chứ không phải chỉ có duyên thuận. Nếu chỉ gặp những thuận duyên thôi thì có thể chúng ta không biết quý. Gặp sóng gió ba đào, khó khăn trắc trở, niềm tin và sức mạnh có thể nhờ thế lớn lên. Gặp những duyên nghịch thì mình mới biết sức mình, được đào luyện trong những điều kiện khó khăn như thép được tôi luyện trong lửa. Thành ra những duyên nghịch cũng có thể có ích lợi. Nếu Phật  không trải qua những năm tháng tu khổ hạnh thất bại thì  Đức Phật  đã không dạy con đường Trung Đạo, con đường không hành hạ xác thân mà cũng không đắm chìm trong năm thứ dục lạc.



youtube

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]