Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Khuông Việt (933-1011), Đời thứ 4 Thiền Phái Ngôn Thông, ngài cũng là vị Tăng thống đầu tiên cu PGVN 🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️

08/07/202109:51(Xem: 12288)
Thiền Sư Khuông Việt (933-1011), Đời thứ 4 Thiền Phái Ngôn Thông, ngài cũng là vị Tăng thống đầu tiên cu PGVN 🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️

Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ,

Hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Khuông Việt, ngài thuộc đời thứ 4 của thiền phái Vô Ngôn Thông, và cũng là vị Tăng Thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Thiền sư Khuông Việt (933-1011), là một vị thiền sư nổi tiếng trong nền lịch sử PG Việt Nam và có vị trí quan trọng trong lòng dân tộc Việt vào thế kỷ thứ 10. Ngài thế danh Ngô Chân Lưu, quê làng Cát Lợi quận Thường Lạc, dòng dõi của Ngô Thuận Đế. Sư dáng mạo khôi ngô, ý chí lỗi lạc và tánh tình bình thản .Thuở nhỏ theo nghiệp nho, lớn lên trở về Phật. Sư thọ giáo với thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, thấu tột thiền yếu và đọc khắp các kinh điển.

Sư dáng mạo khôi ngô, ý chí lỗi lạc và tánh tình bình thản. Thuở nhỏ theo nghiệp Nho, lớn lên trở về Phật. Sư thọ giáo với Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, thấu tột thiền yếu và đọc khắp các kinh điển.

Năm bốn mươi tuổi, danh Sư vang khắp tùng lâm, vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung hỏi đạo. Sư ứng đối rành rẽ, Vua rất mến phục, phong chức Tăng thống. Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ hai (971), Vua lại phong Khuông Việt đại sư.


Sư phụ giải thích chi tiết về thân thế của Thiền Sư Khuông Việt, ngài cháu nội của Vua Ngô Quyền, thụy hiệu là Ngô Thuận Đế. Vào năm 939, Ngô Quyền lên ngôi sau khi đánh thắng quân Nam Hán. Ông làm vua được 5 năm thì băng hà, ông ủy thác con trai là Ngô Xương Ngập (Cha của TS Khuông Việt) cho em vợ là Dương Tam Kha giúp đỡ, nhưng Dương Tam Kha cướp ngôi, tự xưng là Dương Bình Vương 944-950, ở ngôi được 6 năm, sau đó con thứ của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn giành lại ngôi và lập ra nhà Hậu Ngô Vương, tính từ năm 950 đến 965. Hậu Ngô Vương gồm hai vua Nam Tấn vương và Thiên Sách vương. Một triều đình có hai Vua là trường hợp hy hữu trong lịch sử Việt Nam và trên thế giới. Do vì năm 950, Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về, khi đó Ngô Xương Ngập đang trốn ở Trà Hương, Nam Sách. Được Dương thái hậu chuẩn tấu, Ngô Xương Ngập cũng làm vua, là Thiên Sách Vương. Lúc đó cùng tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Sau đó, Ngô Xương Ngập định trừ Ngô Xương Văn để một mình làm vua. Nhưng năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh chết, làm vua được 4 năm. Chỉ còn một vua là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh loạn hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình bị phục binh bắn nỏ chết. Con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí nối nghiệp, nhưng thế lực ngày càng yếu kém phải lui về giữ đất Bình Kiều. Từ 966 hình thành 12 sứ quân, sử sách gọi là loạn 12 sứ quân:


1/Ngô Xương Xí
2/Ngô Nhật Khánh
3/Đỗ Cảnh Thạc
4/Phạm Bạch Hổ
5/Kiều Công Hãn
6/Kiều Thuận
7/Nguyễn Khoan
8/Nguyễn Siêu
9/Nguyễn Thủ Tiệp
10/Lý Khuê
11/Trần Lãm
12/Lã Đường)

Lúc này Đinh Bộ Lĩnh (con trai của Đinh Công Trứ, Quan Thứ sử Hoan Châu dưới thời của Dương Đình Nghệ) dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi, xưng vương Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm kinh đô. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết, con là Đinh Toàn mới sáu tuổi được triều thần đưa lên ngôi. Từ 980 – 1005: Nhà Tống xâm lược Việt Nam, thái hậu Dương Vân Nga, mẹ của Đinh Toàn mời Lê Hoàn lên ngôi để cầm quân chống giặc Tống. Lê Đại Hành lên ngôi, đóng đô ở Hoa Lư năm 1005, Lê Đại Hành mất. Từ 1005 đến 1009, thời đại của Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều. Từ 1010 đến 1028. Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên ngôi hoàng đế sau khi Lê Ngọa Triều mất. Năm 1010, Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) cho dời đô về Thăng Long và triều Lý kéo dài đến 216 năm sau, giai đoạn độc tự chủ của VN cũng là thời vàng son của PGVN.

Vào thế kỷ 21, Trung Quốc cố gắng đưa đạo Khổng (Confucius Institution (Viện Khổng Tử) vào tất cả các trường đại học danh tiếng trên khắp thế giới, Âu châu, Mỹ và Úc, cài đặt trá hình để ăn cắp trí tuệ, mưu đồ chính trị, quân sự đem về Trung Quốc. Rất may, Pháp, Mỹ, Úc...phát hiện âm mưu sâu độc của Tàu, và lần lượt cho đóng cửa các học viện Khổng tử này.

Thiền sư Khuông Việt lúc nhỏ theo nho giáo, ngài học Tứ Thư, Ngũ Kinh, làu thông về chủ thuyết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nhưng Ngài thấy Nho giáo không thích hợp, không đưa đến con đường giải thoát giác ngộ, vẫn còn trong vòng luân hồi sanh tử, Sư thấy giáo lý của Đức Phật tuyệt vời, ngài phát tâm xuất gia thọ giới với thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, học yếu chỉ của thiền tông và trở thành người nối pháp đời thứ 4 của Thiền Phái Vô Ngôn Thông.

Năm 40 tuổi, danh Sư vang khắp tùng lâm, vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung hỏi đạo. Sư ứng đối rành rẽ, vua rất mến phục, phong chức Tăng Thống. Năm sau niên hiệu Thái Bình thứ 2 (971), vua lại phong Khuông Việt Đại Sư.

Sư phụ giải thích: Vua Đinh Tiên Hoàng dành lại nền độc lập tự chủ sau 1000 năm bị Tàu đô hộ, đất nước con non trẻ nên cần sự cố vấn, kế sách an dân. Thiền Sư được vua tấn phong Tăng Thống ở tuổi 40 còn quá trẻ, đây là niềm tự hào của người Phật tử Việt Nam, một vị Sư được mời vào cung đình giúp vua Đinh Tiên Hoàng chấn chỉnh đất nước và cố vấn kế sách trị quốc.

Đạo hiệu Khuông Việt do vua ban, ý chỉ Khuông là khuông mẫu, định hướng Khuông mẫu của nước Việt, đưa nước Việt đến nền tự trị, ấm no và hạnh phúc.

Sư Phụ kể về lịch sử, vào năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền bằng đồng gọi là Thái Bình Hưng Bảo, hình tròn ở giữa có lỗ vuông, đây là đồng tiền xưa nhất do người Việt phát hành. Đồng tiền Thái Bình ra đời góp phần khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa mà Đinh Tiên Hoàng đã xác lập sau 1000 năm Bắc thuộc.


Đến đời vua Lê Đại Hành, Sư càng được kính trọng. Bao nhiêu việc binh, việc nước, Vua đều mời Sư vào hỏi.

Năm thứ bảy niên hiệu Thiên Phước (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang nước ta, vua Đại Hành sắc Sư ra đón tiếp sứ. Khi Lý Giác về có để lại một bài thơ:

May gặp minh quân giúp việc làm
Một mình hai lượt sứ miền Nam.
Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ
Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm.
Ngựa đạp mây bay qua suối đá
Xe vòng núi chạy tới dòng lam.
Ngoài trời lại có trời soi rạng
Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm.

(TT. Mật Thể dịch)


(Hạnh ngộ minh thời tán thạnh du
Nhất thân lưỡng độ sứ Giao Châu
Đông đô tái biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.)

Vua Lê Đại Hành đưa bài thơ ấy cho Sư xem, và hỏi có ý gì không.
Sư tâu:

- Câu thứ bảy sứ nhà Tống có ý tôn Bệ hạ ngang hàng với Vua của họ.

Vua Lê Đại Hành nhờ Sư làm một bài tiễn sứ. Sư vâng lệnh làm bài từ theo điệu “Tống vương lang qui”:

Gió hòa phấp phới chiếc buồm hoa
Thần tiên trở lại nhà.
Đường muôn ngàn dặm, trải phong ba
Cửa trời nhắm đường xa.
Một chén quan hà, dạ thiết tha
Thương nhớ biết bao là.
Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam hà
Bầy tỏ với Vua ta.

(TT. Mật Thể dịch)


(Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương.
Thiên lý vạn lý, thiệp thương lương
Cửu thiên qui lộ trường.
Nhân tình thảm thiết đối ly thương
Phan luyến sứ tình lang.
Nguyện tương thâm, ý vị nam cương.
Phân minh tấu ngã hoàng.)


Về sau, Sư viện lẽ già yếu xin từ quan, về quê dựng một ngôi chùa hiệu Phật-Đà trên núi Du Hí, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, rồi trụ trì ở đó. Học giả bốn phương tụ họp về tu học rất đông.

Một hôm, đệ tử nhập thất là Tỳ Kheo Đa Bảo hỏi:

- Thế nào là trước sau học đạo?
Sư đáp:
- Trước sau không vật tợ hư không,
Hội đắc chân như thể tự đồng.
(Thủy chung vô vật diệu hư không,
Hội đắc chân như thể tự đồng.)
- Ngài Đa Bảo hỏi: Làm sao con gìn giữ?
- Sư đáp: Không chỗ cho ngươi hạ thủ.
- Ngài Đa Bảo thưa: Hòa thượng nói rõ rồi.
- Sư hỏi: Ngươi hội thế nào?

Ngài Đa Bảo hét một tiếng.


Sư Phụ giải thích: Ngài Đa Bảo hỏi: Thế nào là trước sau học đạo, sau khi học đạo thì được cái gì. Ngài Khuông Việt trả lời: trước sau không có gì hết, là hư không, không có hình tướng. Chân tâm không có vật gì, không có hình tướng. Hội đắc chân như thể tự đồng, nhìn mọi hiện tượng như nó đang là, tâm không khởi một niệm nào là chân như, như thị nhân như thị quả...nhân như vậy thì quả như vậy, trước sau rốt ráo như vậy, không cần giữ gìn, không cần can thiệp vào.

Ngài Đa Bảo hét một tiếng, biểu trưng cho cái biết không có suy nghĩ, không dấy lên bất cứ một niệm khởi nào. Biết mà động là vọng tâm, biết mà tịnh là chơn tâm.

Năm thứ hai niên hiệu Thuận Thiên triều Lý(1011), ngày rằm tháng hai, Sư gọi Đa Bảo lại nói bài kệ:

Mộc Trung nguyên hữu hỏa
Hữu hỏa, hỏa hoàn sanh
Nhược vị mộc vô hỏa
Toản toại hà do mạnh

Trong cây vốn có lửa,
Sẵn lửa, lửa mới sanh
Nếu cây không có lửa
Khi cọ xát sao lại thành?

Đọc kệ xong, Sư ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ thế 79 tuổi.

Sư Phụ giải thích, trong cây vốn có lửa cũng như trong con người của chúng sanh vốn có Phật tánh, thông điệp của thiền sư Khuông Việt gởi lại cho đời, lời của Đức Thế Tôn, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nhưng vì phiền não vô minh che lấp như áng mây che ánh sáng của trăng. Chúng sanh cần tinh tấn hành trì tu tập đoạn trừ phiền não vô minh thì Phật tánh hiển lộ.

Cuối bài giảng Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Khương Tăng Hội do Thượng Tọa Thích Thầy Chúc Hiền sáng tác để cúng dường lên ngài Thiền Sư:

Mười tuổi không may mất mẹ cha
Cư tang hiếu kính vẹn tình nhà
Ân sâu dốc trả tâm quy đạo
Nghĩa nặng mong đền chí xuất gia
Phật Pháp tinh thông an lạc hiện
Thiền Kinh quảng lãm não phiền xa
An Ban Thủ Ý vui nguồn sống
Lục Độ Tập Kinh toả đức hoà.


Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về thiền sư Khuông Việt, một vị Sư đầu tiên của nước Việt Nam, được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Tăng Thống, Sư giúp nhà vua định hướng khuông mẫu cho nền tự trị, ấm no, hạnh phúc cho đất nước Việt Nam, nhà vua phong Sư là Khuông Việt Đại Sư, là vị Quốc Sư của triều đình. Là con dân nước Việt chúng con rất hãnh diện, từ hơn ngàn năm trước, nước Việt Nam, đã từng có một vị Quốc Sư đã bỏ nho giáo, theo Phật giáo giúp tự thân giải thoát sanh tử luân hồi, và giúp con dân đất Việt tự trị thoát ách nô lệ giặc Tàu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).



256_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Khuong Viet



Đại Sư Khuông Việt đã để lại thông điệp cho đời
qua hai Pháp ngữ tuyệt diệu về Chân Tâm và hạnh Tinh Tấn
Thiền Sư Khuông Việt (933-1011), Đời thứ 4 Thiền Phái Ngôn Thông,
ngài cũng là vị Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam



Kính dâng Thầy bài trình pháp về Đức Tăng Thống Khuông Việt sau khi phục hồi từ cuộc giải phẩu nhẹ bên mắt trái , nhưng không thể cưỡng lại điều muốn tán dương Thầy với bài pháp thoại quá tuyệt vời về kiến thức lịch sử và sự liễu triệt về Thể tánh tịnh minh của một bậc chân tu nên viết lại cảm nghĩ của mình Kính đảnh lể Thầy và tri an Đức độ Thầy, HH
     



Kính ngưỡng Đức Đại Sư Ngô Chân Lưu Khuông Việt !
Hơn ngàn lẽ mười năm lịch sử tạc dạ ghi ân
Tăng Thống đầu tiên nước Việt Nam định hướng giúp dân (1)
Hậu học hữu duyên ơi dương bậc xuất trần thượng sĩ !

Thâm chuyên Nho giáo, nhận ra Đạo Phật yếu chỉ !
Bảy chín năm đã để lại hai thông điệp cho đời (2)
Hành trạng bậc chân tu quá tuyệt vời
Thế kỷ hiện đại ... đại trượng phu có bao người tuyệt thế ?

Kính đa tạ Giảng Sư ... dòng dõi Ngô Thuận Đế (3)
Triều đại ngắn ngủi và 12 loạn sứ quân
Đã được Thầy ôn lại hào khí tinh thần
Bi Trí Dũng tìm thấy nơi đại sư Khuông Việt


Không tự hào, thỏa mãn dù liễu triệt
Miên mật tinh tấn giữ vững niềm tin
Sáng ngời uyên nguyên THỂ TÁNH TỊNH MINH
Cây sẵn có lửa, hãy liên tục cọ sát !

Hãnh diện thay ! Phật tử chúng ta cất cao tiếng hát !
Nam Mô Tăng Thống Khuông Việt Ngô chân Lưu Thiền Sư tác đại chứng minh



Huệ Hương
Melbourne 9/7/2021


( 1) Năm 40 tuổi, danh Sư vang khắp tùng lâm, vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung hỏi đạo. Sư ứng đối rành rẽ, vua rất mến phục, phong chức Tăng Thống. Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ hai (971), vua lại phong Khuông Việt Đại Sư.

Đến đời vua Lê Đại Hành, Sư càng được kính trọng. Bao nhiêu việc binh, việc nước, vua đều mời Sư vào hỏi.

(2)

Khi dạy đạo

Sau, Sư viện lẽ già yếu xin từ quan, về quê dựng một ngôi chùa hiệu Phật Đà trên núi Du Hý, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, rồi trụ trì ở đó. Học giả bốn phương tụ họp về vấn học rất đông.

Một hôm, đệ tử nhập thất là Đa Bảo hỏi:

- Thế nào là trước sau học đạo ?

Sư đáp:

Trước sau không vật tợ hư không,

Hội đắc chân như thể tự đồng.

(Thủy chung vô vật diệu hư không,

Hội đắc chân như thể tự đồng.)

- Làm sao gìn giữ ?

- Không chỗ cho ngươi hạ thủ.

Bài kệ để lại cho đời trước khi thị tịch của Thiền Sư Khuông Việt vào ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (tức 22 tháng 3 năm 1011),

Mộc trung nguyên hữu hoả

Hữu hoả, hoả hoàn sinh

Nhược vị mộc vô hoả

Toản toại hà do manh.

Trong cây vốn có lửa,

Sẵn lửa, lửa mới sinh

Nếu cây không có lửa,

Khi cọ xát sao lại thành?

(3)

Tăng Thống Ngô Chân Lưu, được ban danh hiệu Khuông Việt đại sư năm 971, quê quán tại hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, sau là thôn Đoài xã Da Hạ, huyện Kim Hoa phủ Bắc Hà, nay là thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Theo sách Phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông là con cả của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập vốn có tên là Ngô Xương Tỷ. Ông là anh của sứ quân Ngô Xương Xí. Sách Thiền Uyển tập anh chỉ ghi ông thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế 1.

Ngô Xương Tỷ ra đời dưới thời cai trị của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ (933), cha vợ thứ của ông nội ông là Ngô Quyền. Năm 937, Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết, Ngô Quyền giết Tiễn và đánh bại quân Nam Hán, lên ngôi vua (938). Năm 944, Ngô Quyền mất, đáng lý con trai trưởng ông là Ngô Xương Ngập phải được thừa kế, nhưng người con của Dương Đình Nghệ là Dương Tam Kha tranh ngôi. Cha ông phải bỏ trốn về Hương Trà, nương nhờ Phạm Lệnh Công và lấy con gái Lệnh Công, sinh ra người em Xương Xí.

Dương Tam Kha lùng bắt cha ông rất gắt gao nhưng không bắt được. Chú hai Ngô Xương Văn là con bà nội kế Dương Như Ngọc nên được Tam Kha nhận làm con nuôi. Có lẽ trong cảnh gia đình gặp tai họa đó, người cha không biết sống chết lúc nào, cậu bé Ngô Chân Lưu (11 tuổi năm 944) không nơi nương tựa đã tìm đến cửa Thiền đề thoát nạn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567