Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Vân Phong, (? - 956), Đời thứ 3, Thiền Phái Vô Ngôn Thông ở quê hương Việt Nam 🌺🍀💐🌼🌹

06/07/202110:32(Xem: 16607)
Thiền Sư Vân Phong, (? - 956), Đời thứ 3, Thiền Phái Vô Ngôn Thông ở quê hương Việt Nam 🌺🍀💐🌼🌹

 

Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ,


Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Vân Phong (?-956), Ngài thuộc đời thứ 3 thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông.


Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 255 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch COVID 19 (đầu tháng 5 năm 2020)

Sư họ Nguyễn, quê ở Từ Liêm, quận Vĩnh Khương. Khi mẹ mang thai Sư, thường trai giới tụng kinh, lúc sanh ra Sư có hào quang chiếu sáng cả nhà. Bởi cha mẹ thấy sự linh dị ấy nên cho Sư đi xuất gia. Đến lớn, Sư theo hầu thiền sư Thiện Hội ở Siêu Loại. Sư thuộc dòng cao đệ, được thầy truyền dạy thiền yếu.

Sư Phụ giải thích, lúc mẹ của Sư mang thai Sư, bà phát tâm trai giới và tụng kinh là một thiện duyên khó có tìm thấy ở người khác. Bà mẹ của ngài chắc chắc là một Phật tử thuần thành, bà hiểu biết về luật nhân quả, bà biết đứa con do mình sanh ra sẽ rơi vào một trong bốn lý do:

1/báo ân
2/báo oán
3/đòi nợ
4/trả nợ

Cho nên bà tạo mọi duyên lành trước để hóa giải những oan gia trái chủ, những oán kết nếu có với đứa con này đến với gia đình để báo oán và đòi nợ; và tất nhiên nếu đứa đến với bà để báo ân và trả nợ thì bà hoan hỷ tạo mọi phước lành để mẹ con trùng phùng, cùng nhau tu tập để đi ra khỏi vòng luân hồi.

Sư Phụ giải thích, chính vì hiểu điều này mà bà mẹ của ngài Vân Phong  đã lập một chương trình thai giáo qua trai giới và tụng kinh để hồi hướng công đức và định hướng tâm linh cho con. Quả thật là ngạc nhiên, cách nay hơn 1000 năm mà bà mẹ đã có tri thức về thai giáo siêu việt này để chuẩn bị cho ra đời một đứa con như ý nguyện.

Sư Phụ cũng cung cấp thêm về những khám phá mới của nghiên cứu y học của thời đại chim sắt ngày nay, chứng minh sự ảnh hưởng của tâm tính người mẹ đến thai nhi. Dây rốn là nơi dòng cảm xúc của người mẹ có liên hệ trực tiếp với đứa con. Nếu người mẹ sân tức, nóng giận, khó chịu cơ thể mẹ sẽ tạo ra chất adrenalin (gây đau tim, đột quỵ), khi sợ hãi lo lắng, cơ thể của mẹ sẽ sản sanh ra chất cholamine, hay khi phấn chấn tạo ra endorophine. Các chất hóa học này đi qua lá nhau dẫn đến bào thai đứa trẻ trong vòng vài giây sau khi người mẹ trải qua các cảm xúc trên và những ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ khi người mẹ mang thai dễ bị stress có thể làm thiếu oxy máu của thai nhi; nếu người mẹ vui vẻ, tích cực, an vui thì sẽ tạo ra hóa chất enophin, giúp đứa trẻ sinh ra cũng an vui, khỏe mạnh. Trí thông minh của con cũng được di truyền từ nhiễm sắc thể X của Mẹ.


Sư phụ cũng dạy thêm, sự hình thành nhân cách của đứa con đi qua 3 yếu tố:
1/ Do biệt nghiệp của con trong đời sống quá khứ gần nhất trước khi đầu thai vào làm con của mẹ

2/ Tác động của  người Mẹ qua thai giáo và phương cách nuôi dạy con từ lúc mang thai đến năm 18 tuổi.

 3/Môi trường sống: xã hội, gia đình, giáo dục, bè bạn.

 

Sư phụ cũng nhắc phương pháp thai giáo dành cho người Mẹ trong 9 tháng 10 ngày nên áp dụng:

 

1/ Kềm chế sự sân tức, cau có, nhăn nhó, nóng giận

2/Tu khẩu nghiệp: không nói lời ác độc, nói lời không thật..

3/ Tâm của mẹ luôn sống với 4 chữ vàng: Từ, Bi, Hỷ, Xả


Ngài Thiện Hội dạy Sư: “Sống chết là việc lớn, cần phải thấu triệt”.
Sư hỏi: “khi sống chết đến làm sao tránh được?”.
Thiền sư Thiện Hội: “hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh”.
Sư hỏi: “thế nào là chỗ không sống chết?”.
Thiền sư Thiện Hội:”ngay trong sống chết nhận lấy mới được”.


Sư Phụ giải thích: tìm cái không sống chết ngay trong cái sống chết.
-Thân ngũ uẩn là sống chết, là sanh diệt. Trong cái thân sanh diệt này có cái không sanh diệt, thường hằng vĩnh viễn, đó là chân tâm, Phật tâm luôn sáng chói bên trong của tất cả chúng sanh vạn loài.
- Ví như trên mặt biển có sóng, nhưng dưới sóng là dòng nước tỉnh lặng. Sóng biển là chỉ cho vọng tâm (vui, mừng, buồn, giận, thương, ghét, muốn, tham, sân, si); sự tĩnh lặng của biển là chỉ cho chơn tâm thường trú.


- Ngươi hãy đi đi, chiều trở lại

Buổi chiều Sư lại vào. Thiền Sư Thiện Hội bảo:

- Đợi sáng mai, chúng sẽ chứng minh cho ngươi.

Sư nghe lời này mà hoát nhiên tỉnh ngộ, liền sụp xuống lạy tạ ơn.

Thiền Sư Thiện Hội hỏi:

- Ngươi thấy đạo lý gì?

Sư thưa:

- Con đã lãnh hội.

- Ngươi hội thế nào?

Sư bèn đưa nắm tay lên thưa:

- Không tỉnh ngộ là cái gì?

Thiền Sư Thiện Hội liền thôi.

 

 Sư Phụ giải thích: Thiền Sư Vân Phong đưa nắm tay lên để biểu tỏ sự liễu ngộ của ngài. Vì sao ? đưa nắm tay lên để cho sư phụ Thiện Hội nhìn thấy, chứng minh cái thấy trực giác, cái thấy tri kiến vô kiến, cái thấy không khởi vọng niệm, cái thấy không qua suy tư, đó là cái thấy của Phật tánh. Cái thấy qua suy nghĩ là vọng tâm, cái thấy không qua suy nghĩ là chơn tâm. TS Vân Phong chứng minh điều này nên được Sư Phụ Thiện Hội hứa khả ấn chứng.

 

Về sau, Sư về trụ trì chùa Khai Quốc ở kinh đô Thăng Long  Đến năm thứ ba niên hiệu Hiển Đức đời Châu (956), Sư thị tịch.

 

Sư phụ giải thích Thiền Sư Vân Phong viên tịch năm 956 năm thứ ba năm Hiển Đức đời nhà Châu, có nghĩa là nước VN chúng ta vẫn còn thuộc địa của Tàu, nên chưa có niên hiệu của riêng mình. Tại Chùa Khai Quốc này TS Vân Phong đã hóa độ đệ tử Ngô Chân Lưu Khuông Việt, người về sau trở thành quốc sư của triều Đinh và triều Lê.

 


Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiển Sư Vân Phong của Thầy Chúc Hiền rất hay:

Mẫu thân trai giới dưỡng thai nhi
Sanh hạ hào quang chiếu diệu kỳ
Thiện Hội thiền sư khai yếu chỉ
Vân Phong đệ tử tỏ huyền vi
Thiền tông pháp hoá hưng long thạnh
Phật đạo kinh truyền sáng rạng huy
Khai Quốc thiền môn ngời thạch trụ
Tông phong vĩnh chấn sử truyền ghi.

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Vân Phong, sự ra đời của Sư từ bà mẹ đặc cách nuôi dưỡng Sư từ trong bào thai bằng trai giới và tụng kinh và Sư đã liễu đạt được trong sống chết có cái không sống chết, đó là Phật tánh trong sáng luôn hằng có bên trong của tất cả chúng sanh vạn loài.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).   

 






255_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Van Phong

Thiền Sư Vân Phong, (? - 956) (Đời thứ 3, Thiền Phái Vô Ngôn Thông)
đã nhận ra chìa khoá để thấu triệt Sinh Tử Sự Đại từ Sư Phụ khi truyền thiền yếu
" Muốn thoát khỏi sanh tử phải đi vào ngay trong sinh tử ! "


Kính dâng Thầy bài trình pháp về Thiền Sư Vân Phong .Kính bạch Thầy thật là hoan hỷ khi những điều khám phá mới của khoa học về trí thông minh một đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người mẹ ( dường như khám phá hơn 10 năm nay thôi) và những hormone được truyền từ dây nhau qua cuống rún người mẹ cũng như nhân cách đứa trẻ cũng đến từ sự thâm hiểu luật nhân quả và giáo lý nhà Phật đã được Thầy giải thích trong sự nghiên cứu rất sâu xa . Một lần nữa đã minh chứng Trí Vô Sư đã hiện diện trong Thầy từ bao giờ .. Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe , HH




Đọc tích sử Thiền Sư Vân Phong truyền ghi rất ngắn !

Kính đa ta Giảng Sư ...

...qua Pháp Thoại giúp lãnh hội hai điều :

Từ lúc tượng hình... thai nhi ảnh hưởng Mẹ rất nhiều ( 1)

Và Sinh Tử Sự Đại người xuất gia cần thấu triệt (2)



Thật ngạc nhiên

thế kỷ thứ 10 quan niệm Thai Giáo từ Đạo xuất hiện( 3)

Phải chăng Mẹ Thiền Sư thượng căn túc duyên ?

Tụng kinh trai giới sinh khởi rất tự nhiên

Nào biết gì về Lời kinh Vu Lan báo hiếu (4)



Kính tri ân Giảng Sư

...vướng mắc vì sao Thiền Sư triệt ngộ đã thông hiểu,

Hào quang khi sanh ra....Trí tuệ Bát Nhã huyền cơ (5)

Bặt tư duy ...Thể tánh tịnh minh hiển lộ không ngờ (6)

Lời Thầy dạy đập nát mọi vọng niệm điên đảo !



Nam Mô Vân Phong Thiền Sư tác đại chứng minh .



Huệ Hương

Melbourne 6/7/2021



(1) Sư họ Nguyễn, quê ở Từ Liêm quận Vĩnh Khương. Khi mẹ mang thai Sư, thường trai giới tụng kinh, lúc sanh ra có hào quang chiếu sáng cả nhà. Bởi cha mẹ nhận thấy sự linh dị ấy nên cho Sư đi xuất gia.

(2)

Ngài là đại đệ tử của Thiền Sư Thiện Hội.

TS Thiện Hội dạy: “Sống chết là việc lớn, cần phải thấu triệt”.

Sư hỏi: “Khi sống chết đến làm sao tránh được?”.

TS Thiện Hội: “Hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh”.

Sư hỏi: “Thế nào là chỗ không sống chết?”.

TS Hiện Hội: “Ngay trong sống chết nhận lấy mới được”.

Theo HT Nhất Hạnh

Trong giới thiền môn ai cũng biết rằng mục đích đầu tiên của người xuất gia là để thoát ra khỏi ngục tù của sinh tử, để đi vào cửa vô sinh, chứ không phải đi làm chùa cho lớn.

Trong thiền môn thường trì tụng mỗi sáng

Sống chết là việc lớn

Bất chợt đến rất mau

Ngưỡng mong đại chúng

Nhất tâm đồng niệm Phật

Cho nên danh từ Sinh tử sự đại là danh từ rất quan trọng trong thiền môn. Có nghĩa việc sinh tử là việc lớn nhất mà mình phải giải quyết.

Vì vậy mà thầy Thiện Hội mới nói: Này Vân Phong, con phải nhớ rằng mục đích tối hậu của người xuất gia là thoát khỏi sanh tử. Thầy Vân Phong mới hỏi: Bạch thầy nhưng làm sao thoát khỏi sanh tử? Thầy Thiện Hội nói: Cách hay nhất để thoát sanh tử là đi ngay vào trong sanh tử. Muốn tìm sanh tử, mình đi ngay vào sinh tử để tìm.

Câu này là một câu rất mạnh. Giống như khi mình học Tứ Diệu Đế, mình biết Khổ đế là sự thật thứ nhất, Diệt đế là sự thật thứ ba, tức là sự giải thoát. Đi tìm diệt ở đâu? Đi vào trong khổ để tìm diệt. Nếu không quán chiếu về khổ và không biết nguồn gốc, biết bản tính của khổ thì không thể nào tìm ra sự thoát khổ được. Cho nên muốn đi tới chỗ không sinh diệt thì phải đi vào trong lòng sinh diệt để tìm. Rất là mạnh, rất là đúng, rất là chính thống. Thầy Vân Phong hỏi:

– Chỗ vô sinh tử là chỗ nào?

– Nó nằm ngay ở trong chỗ sinh tử.

(3)

Theo các nghiên cứu khoa học mới nhất, dù em bé trong bụng là trai hay gái thì sau khi chào đời, phần lớn thai nhi giống mẹ ở Liên quan đến gen di truyền, trình độ học vấn của mẹ cao thì đương nhiên con sẽ sở hữu trí thông minh giống mẹ. Tuy nhiên, ngoài yếu tố di truyền, trí tuệ của trẻ còn phụ thuộc vào cách dạy dỗ và bổ sung chất dinh dưỡng của mẹ

Đã có nghiên cứu khoa học chứng minh con thừa hưởng trí thông minh của mẹ. Cụ thể, các nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu y khoa và Cơ quan Khoa học y tế công cộng ở Glasgow, Scotland đã tiến hành nghiên cứu hơn 12.000 người trẻ (độ tuổi 14 đến 22 tuổi) và khẳng định con thông minh hay không chủ yếu do mẹ.

Yếu tố dự đoán trí thông minh của trẻ rõ nhất chính là chỉ số IQ của người mẹ. Thực tế, chỉ số IQ của những người tham gia chỉ khác 15 điểm so chỉ số IQ trung bình của mẹ họ.

Theo nghiên cứu, các gene thông minh nằm rải rác trên chuỗi ADN, nhưng có tới 2/3 tập trung ở nhiễm sắc thể giới tính X. Trong khi nữ giới có hai nhiễm sắc thể XX, còn nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X. Phát hiện này đồng thời cũng giải thích vì sao các vĩ nhân đều có những bà mẹ rất thông minh.

Thêm vào đó nếu người mẹ không kiềm chế những cảm xúc của mình thì các tín hiệu hóa học tạo ra hormones thay đổi nhất là khi hững thay đổi tiêu cực trong tâm lý thai phụ sẽ đưa đến sự gia tăng các stress hormone. Thông qua bánh nhau, các hormone này cũng tăng lên trong máu thai nhi khiến chúng gặp phải những căng thẳng tương tự.

Trục nội tiết hạ đồi-tuyến yên-thượng thận được cho là có vai trò trong việc điều hoà cảm xúc ở người. Tâm lý tiêu cực kéo dài dẫn đến tình trạng rối loạn điều hoà trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận. Biểu hiện bằng tình trạng tăng cortisol trong máu, dẫn đến tăng huyết áp và nhịp tim. Trong thai kì, bánh nhau cũng sản xuất các chất kích thích hoạt động của trục này. 10-20% cortisol qua nhau thai, nếu cortisol tăng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi.

Adrenalin là một hormon có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, cái làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm. Quá trình này xảy ra tương đối nhanh chóng, trong vòng 2 đến 3 phút của sự kiện căng thẳng đang gặp phải. Khi tình trạng căng thẳng kết thúc, xung thần kinh đến tuyến thượng thận bị hạ xuống, có nghĩa là tuyến thượng thận ngừng sản xuất adrenaline. Khi phóng thích nó vào cơ thể, Adrenaline liên kết với một số thụ thể Adrenergic và gây ra một số thay đổi về chuyển hóa, như ức chế sự bài tiết insulin và thúc đẩy tiết glucagon bởi tuyến tụy, kích thích sự tan trong glycogenolysis trong gan và cơ và kích thích quá trình glycolysis trong cơ. Những thay đổi này và những thay đổi khác cùng với nhau làm tăng lượng đường trong máu và axit béo trong cơ thể và sản xuất năng lượng trong tế bào của cơ thể. Việc giải phóng Adrenalin còn dẫn đến tăng nhịp tim, các mạch máu bị kẹp và các đường dẫn không khí giãn nở.

Ngoải ra trong cơ thể mỗi người đều có những hormone “hạnh phúc” - chúng tác động đến tâm trạng và cảm xúc của bạn làm bạn cảm thấy vui vẻ, yêu đời và dễ chịu hơn. Một trong số những hormone đó là Dopamine.

Hormon này thực chất là một chất dẫn truyền thần kinh được tạo ra từ tyrosin, nó đóng vai trò quan trọng với não và cơ thể.

(4) Một đứa trẻ đến với cha mẹ do biệt nghiệp của nó đối với gia đình này bởi nhân duyên có từ trước

Về việc này, Đức Phật đã tìm được đáp án cho chúng ta, con cái đầu thai vào nhà bạn hoàn toàn không phải chuyện ngẫu nhiên. Người ta sở dĩ trở thành con cái của bạn, nhận bạn làm cha mẹ, đều là do duyên phận tác thành. Vì sao đứa trẻ lại chỉ muốn đầu thai vào nhà bạn, mà không phải là đầu thai vào một gia đình nào khác?

Loại thứ nhất: Báo ơn

Trong những đời trước, nếu bạn có ơn với con cái và hai người rất có duyên phận, thì đời này đứa trẻ sẽ đầu thai tới để báo đáp ân tình của mà trước kia bạn đã dành cho nó. Những đứa trẻ như vậy thông thường khiến bạn ít phải bận tâm. Chúng rất thông minh, đáng yêu, biết vâng lời, rất hiểu chuyện và đặc biệt nhất mực hiếu thuận. Chúng sẽ chăm sóc bạn tận tình vào những năm cuối đời.

Loại duyên thứ 2: Báo oán

Đời trước bạn và con của bạn là oan gia ngõ hẹp, đến chết cũng từ mặt không qua lại. Đời này con bạn sở dĩ sẽ đầu thai nhận bạn làm cha mẹ, là vì nó tới để báo oán, thậm chí là báo thù bạn. Có thể bạn sẽ không tin. Làm gì có chuyện trẻ con tới báo thù?

Nếu bọn trẻ nhà bạn từ nhỏ đã không biết nghe lời, lớn hơn một chút, khi có chủ kiến của riêng mình lại chạy đi khắp nơi sinh chuyện thị phi, khiến tiền của bạn khánh kiệt, tan cửa nát nhà. Những đứa trẻ như vậy chính là tới báo oán.

Loại duyên thứ 3: Đòi nợ

Đời trước bạn nợ tiền của con bạn còn chưa trả hết, thì đời này chúng sẽ tới đòi nợ bạn, đòi đủ rồi thì nó sẽ tự rời bỏ bạn mà đi. Bạn nợ càng nhiều thì chúng đòi bạn càng nhiều.

Thông thường bạn nợ ít thì những đứa trẻ ấy sẽ rời bỏ bạn khi mới 3, 4 tuổi vì một lý do nào đó như ốm đau, tai nạn. Nếu bạn nợ nhiều, thì đứa trẻ sẽ rời bỏ bạn khi nó được 11, 12 tuổi, thậm chí là khi vừa mới tốt nghiệp đại học xong, khiến bạn đau khổ không thiết sống trên cõi đời này nữa.

Loại duyên thứ 4: Trả nợ

Có người đòi nợ thì cũng có người trả nợ. Loại duyên phận này hơi giống với những đứa trẻ tới báo ân. Nhưng sự khác biệt giữa hai loại này cũng khá rõ ràng. Nếu đứa trẻ nợ bạn nhiều tiền, sau khi trưởng thành nó sẽ cung cấp cho cha mẹ một cuộc sống khá tốt, để bạn có thể vui vẻ an hưởng tuổi già.

Còn nếu chúng chỉ nợ bạn chút tiền, thì sau khi lớn lên tự nhiên chúng cũng sẽ không cho bạn quá nhiều. Có khi mỗi tháng chúng chỉ đưa cho bạn một số tiền sinh hoạt ít ỏi. Đôi khi là cha là mẹ bạn còn phải sống dựa vào con cái.

(5)

kinh Đại Bát nhã Phật đã giải thích, Bồ tát khi thực hành Bát nhã sâu xa thì thấy năm uẩn là không, vì khi ấy sắc uẩn không còn cái tướng biến ngại, thọ uẩn không còn tướng lãnh nạp, tưởng uẩn không còn tướng thủ tượng, hành uẩn không còn tướng tạo tác, thức uẩn không còn tướng liễu biệt. Trong khi đối với phàm phu, thì cơ thể vật chất (sắc) là hiện tượng biến đổi không ngừng và gây chướng ngại (cho tâm) thì trái lại, đối với Bồ tát, vật chất không là chướng ngại, cho nên nói sắc là Không. Đối với phàm phu, thọ có đặc tính là lãnh nạp các cảm giác về thân và tâm, nhưng vì Bồ tát đã đạt đến mức cao độ về sự ìàm chủ thân xác nên dù có xúc cảnh vui cảnh khổ, Bồ tát cũng không thọ vui thọ khổ. Đặc tính của tưởng uẩn là nắm giữ các hình ảnh, thu vào các ấn tượng về sắc, thanh, hương, vị, xúc sau khi năm giác quan tiếp xúc với năm đối tượng. Nhưng với Bồ tát, tưởng uẩn không còn làm cái nhiệm vụ nắm giữ hình ảnh nữa, cái gì thấy nghe rồi là bỏ qua không ôm giữ làm gì, cho nên tưởng uẩn với Bồ tát là không. Hành uẩn thông thường có nhiệm vụ tạo tác biên diễn, đó là một nối dài của ý thức thành vô thức, như mộng mị, mơ tưởng do ngã chấp. Nhưng với Bồ tát, đã không nắm giữ các ấn tượng thấy nghe nên cũng không có tạo tác thêm những hình ảnh trong vô thức, do vậy Bồ tát không có chiêm bao mộng mị, và với Bồ tát, hành uẩn là không. Đặc tính của thức uẩn là liễu biệt, phân biệt rõ ràng thiện ác phải quấy, đó là thường tình của phàm phu. Nhưng Bồ tát sống với trí tuệ, nên thức uẩn cũng không có cái tướng phân biệt thương ghét tốt xấu.

Do vậy mà với Bồ tát, năm uẩn là không, ấy gọi là nội không. Ngoại không vì cảnh ngoài khi ấy có cũng như không. Ngoại không là cái không của sáu trần. Nội ngoại không là vì bên trong tâm đã không cho nên cảnh ngoài dù có dù không, cũng không thành vấn đề. Ngoại không là cái không của cả chủ thể lẫn đối tượng, rỗng rang vô ngại không còn ngăn cách. Bất động là tâm được bất động, hậu quả của sự an trú như vậy. Đức Phật còn dạy, muốn an trú như vậy trước hết phải tu bốn thiền

(6)

– Thầy nói như vậy làm sao con hiểu được?

– Thôi đi đi, ngày mai mình sẽ gặp lại Tức là cuộc tham vấn thất bại! Thầy đã đưa cho mình một cái chìa khóa, một cây sào mà mình không nắm được. Vì vậy có tiếp tục nói cũng vô ích, cho nên thầy bảo sư chú đi đi, mai sẽ đến gặp lại thầy. Hy vọng từ đây cho đến ngày mai, cái đầu của chú nó mở thêm chút nữa!

Lời của thiền sư là những nhát búa, có mục đích đập nát, bổ chẻ sự u mê của người thiền sinh. Mình thấy rất rõ. Muốn đạt tới chỗ vô sinh tử thì mình đi vào chỗ sinh tử. Nghe vậy mà còn hỏi: “Làm sao con hiểu được chuyện đó. Tại sao đi tìm chuyện vô sinh tử mà lại đi vào chỗ sinh tử?” Cho nên thầy nói thôi đợi đến ngày mai, hy vọng sẽ có cơ hội mới!

Và sau đó bổng nhiên Thiền Sư chợt liễu ngộ rằng: “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, Tri kiến Vô Kiến tư , tức Niết Bàn "

cái “Lập tri” ấy tức là tự tri. Thế gian nói “Tri”, nói “Kiến” ấy là thế lưu bố tưởng, Phật cũng nói là tri là kiến, nhưng không có chấp cái tri ấy là thật, nên chẳng có lập tri, nên nói “Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn”. Nay do tập khí từ lâu đời, chúng ta việc gì cũng muốn tri, muốn kiến, Phật muốn thuyết pháp độ chúng sinh cũng phải tùy thuận chúng sinh, cũng phải nói tri, nói kiến, nhưng không chấp đó là thật; hễ chấp thật tức tự lập cái tri, là căn bản của vô minh, nếu không kiến lập tức Niết bàn.

Trong Kinh Lăng nghiêm nói: “Tại sao và khi nào phát sinh cái vô minh? Ấy là bởi cái giác có minh, chính cái “minh” đó là tri. Từ sở minh lập ra năng minh, do tri đó mới sinh ra tri tịch và tri vọng; từ minh đó sinh ra năng minh sở minh, năng chiếu sở chiếu, hễ năng sở lập thì tính chiếu bị đánh mất.

Tự tính chẳng phải tri, chẳng phải vô tri, chẳng thể dùng lời của thế gian diễn tả, nhưng vì lời của thế gian nói tri nói kiến là thế lưu bố tưởng, nên Phật phải nói tri nói kiến. Thật ra tự tính chẳng thể kiến lập cái tri, hễ có kiến lập tức là chúng sinh, tức là bệnh.

Nói chữ “vọng” cũng chỉ là thế lưu bố tưởng, nếu chấp thật có vọng thì sinh ra trước tưởng, nếu vọng chẳng phải thật thì buông bỏ cái gì? Có tâm muốn buông bỏ đã là chấp cái vọng là thật rồi! Nên trong Thiền tông, Tổ sư kiến tánh có bài kệ rằng:

“Nhược nhơn kiến huyển bổn lai chơn,

Thị tắc danh vi kiến Phật nhơn”.

Ý nói nếu người nào thấy huyển vốn là chơn thì người ấy tức đã thấy Phật vậy.



 



youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]