Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Thiện Hội (? - 900), Đời thứ 2, Thiền Phái Vô Ngôn Thông. 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻

29/06/202111:44(Xem: 17361)
Thiền Sư Thiện Hội (? - 900), Đời thứ 2, Thiền Phái Vô Ngôn Thông. 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻





Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ

Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp về Thiền Sư Thiện Hội (?- 900). Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 252 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do đại dịch COVID-19. Ngài thuộc đời thứ hai và cũng là vị tổ thứ ba của thiền phái Vô Ngôn Thông tại VN. Sư Phụ cho biết vào thời của ngài, nước Việt Nam còn lệ thuộc Trung Hoa. Năm năm sau thì có Mai Hắc Đế lập lại chủ quyền cho Việt Nam.

Sư quê ở Điển Lãnh, thuở nhỏ Sư xuất gia theo Thầy Tiệm Nguyên ở chùa Đông Lâm tại quê hương của ngài và được Sư phụ ngài ban cho pháp danh là Tổ Phong. Lớn lên, Sư vân du khắp nơi để tìm thầy tham học. Khi đến chùa Kiến Sơ gặp thiền sư Cảm Thành bèn xin ở lại đây. Phục vụ thiền sư Cảm Thành hơn 10 năm mà Sư không biết mỏi mệt.

Một hôm, Sư vào thất hỏi:

- Trong kinh có nói: “Đức Thích-ca Như Lai đã từng tu hành trải vô số kiếp mới được thành Phật.” Nay Thầy dạy rằng: “Tâm tức là Phật”, con chưa hiểu lẽ đó, cúi xin Thầy một phen khai ngộ cho.

Thiền sư Cảm Thành bảo:

- Trong kinh là người nào nói?

Sư thưa:

- Đâu không phải là Phật nói ư?

- Nếu là Phật nói, tại sao trong kinh Văn-thù lại nói: “Ta trụ ở đời bốn mươi chín năm, chưa từng nói một chữ dạy người.” Cổ đức nói: “Người tìm nơi văn, chấp nơi chứng càng thêm trệ; khổ hạnh cầu Phật là mê, lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo; chấp tâm cầu Phật là ma.”


Sư Phụ giải thích:

Thiền Sư Thiện Hội thay thế chúng sanh thời nay hỏi câu hỏi này, Đức Thế Tôn phải trải qua vô lượng A Tăng Kỳ Kiếp để tu thành Phật. Sp kể lại con số của “Giới Tử Kiếp” và “Bàn Thạch Kiếp “ con thấy quá ư kinh hồn và xúc động khi biết Đức Thế Tôn phải trải qua chừng ấy năm để tu hành đắc đạo.

 A Tăng Kỳ kiếp tiếng Phạn gọi là Asaṃkhyeya, có nghĩa là "không thể đếm được/incalculable", nghĩa đen là "vô số", nếu tính số thì đại khái tính như sau: một đại kiếp có 4 trung kiếp, 1 trung kiếp có 20 tiểu kiếp. Một tiểu kiếp có 16 triệu 800 ngàn năm, một trung-kiếp có: 333.560.000 năm, và một đại kiếp có: 1 tỷ 334 triệu năm.

Nhưng sao hôm nay Thiền Sư Cảm Thành dạy chúng đệ tử “Tâm tức là Phật ”, nghĩa là "nhận ra ngay tâm này là Phật" mà không cần phải trải qua chừng ấy thời gian kéo dài vô tận, đây là điều mới mẻ và quá vui mừng cho hàng đệ tử chúng con. Sư phụ đã giải thích rõ ràng rằng ngoài tâm không có Phật, nếu không nhận ra tâm này là Phật thì chúng sanh cũng phải trải qua 3 A Tăng Kỳ Kiếp thôi.

Nhận ra ngay tâm này là Phật, đó là nhận ra “tánh giác” của ngay nơi chính mình, ngay nơi đời sống này, ta thấy, nghe, nói, biết mà tâm thanh tịnh, đó là Phật hiện tiền, ngược lại, thấy, nghe, nói, hiểu, biết mà tâm bất tịnh, tâm điên đảo, vọng tưởng, đó là Phật diệt độ, đó là ma.


Về sự, Đức Thế Tôn có nói kinh trong suốt 45 năm qua bài kệ đúc kết của Ngài Thiên Thai Trí Giả:

"Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhựt,
A hàm thập nhị, Phương Đẳng bát,
Nhị thập nhị niên Bát nhã đàm,
Pháp Hoa, Niết bàn cộng bát niên "

Có nghĩa là:

“Hoa Nghiêm đầu tiên hăm mốt ngày
A Hàm mười hai, Phương Đẳng tám,
Hai mươi hai năm nói Kinh Bát Nhã
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng tám năm"

Phật nói nhiều kinh điển để giúp chúng sanh đối trị từng loại bệnh của mình như 5 thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) để đối trị với 5 triền cái (tham dục, sân hận, hôn trâm, trạo cử, nghi), bố thí trị tánh tham, từ bi trị sân hận…

Trong Kinh Kim Cang Phật cũng khẳng định “ Nhữ đẳng Tỳ-kheo, tri ngã thuyết pháp như phạt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”  Có nghĩa là: “Nầy các Tỳ-kheo, các con  nên biết giáo pháp của ta giống như chiếc bè đưa người qua sông; chánh pháp còn xả, hà huống gì phi pháp”.

Kinh Viên Giác Đức Phật cũng nói : “Nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ". Nghĩa là “ tất cả kinh tạng ví như ngón tay chỉ mặt trăng”

Hành giả phải biết rời chiếc bè khi qua sông, biết buông ngón tay khi đã thấy trăng…

Nhưng về lý, Đức Thế Tôn không dùng văn tự chỉ Phật tánh. Trước khi nhập niết bàn, Ngài nói, ta chưa từng nói lời nào là để chúng sanh không chấp vào văn tự, và Ngài tỏ ra khiêm hạ. Đức Thế Tôn, không tuyên bố điều do chính Ngài đặt để ra mà là Ngài hợp thức hoá những nguyên lý đã có sẳn trong thế gian này như lý duyên khởi, cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt.

Sư Phụ giải thích và dẫn chứng thêm về kính Kamala (thuộcTăng Chi Bộ Kinh/ The Anguttara Nikaya) để chứng minh sự trong sáng, khách quan của người đệ tử Phật khi nhìn nhận 1 vấn đề, và Kinh Kamala là 1 niềm tự hào của người đệ tử Phật trong thời hiện đại khi bao nhiêu tín đồ tôn giáo bị xem là cuồng tín, người đệ tử phải ghi nhớ 10 điều chớ vội tin mà Đức Thế Tôn đã dạy trong kinh này:

1. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
2. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
3. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
4. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển.
5. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó lý luận siêu hình.
6. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
7. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
8. Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
9. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
10. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.

Nhưng chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tốihậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn”.

 

Xưa có người đến hỏi Mã Tổ: “Tâm tức là Phật, tâm nào là Phật?”.
Mã Tổ bảo: “ông nghĩ cái nào chẳng phải Phật chỉ ra xem?”.
Người kia không đáp được, Tổ dạy: “Đạt thì khắp tất cả cảnh, chẳng ngộ hằng trái xa”.
Chỉ câu nói này, ngươi lại hội chăng?”.
Liền đó, Sư thưa:
- Nay con hội rồi.
- Ngươi hội thế nào?
- Khắp tất cả chỗ không đâu chẳng phải tâm Phật.
Nói xong Sư sụp xuống lạy.
Thiền sư Cảm Thành bảo:
- Thế là ngươi hiểu đúng rồi.
Nhân đó, Thiền sư Cảm Thành cho Sư là Thiện Hội, tất cả thiện hội lại một chỗ.

Sư Phụ giải thích:
-Tâm thanh tịnh bản nhiên lặng lẽ là tâm Phật, có mặt tất cả mọi nơi, vì tâm hông có hình tướng, không sanh diệt. Nơi nào có chúng sanh là nơi đó có Phật tánh, chúng sanh từ nơi địa ngục A Tỳ cho đến tất cả cõi trời Sắc Cứu Cánh.

Về sau, Sư trụ trì ở chùa Định Thiền làng Siêu Loại để xiên dương tâm tông.
Năm thứ 3 niên hiệu Quang Hoá đời Đường (900) Sư thị tịch tại bổn tự.


Cuối bài giảng Sư Phụ diễn ngâm bài thơ của Thầy Chúc Hiền tán thán công hạnh của Thiển Sư Thiện Hội như sau:

“Đông Lâm thiền tự kết huyền duyên
Sơn thuỷ vân du học đạo huyền
Cật vấn kinh văn mong tuệ sáng
Cần cầu ý tổ mở nguồn thiêng
Thời thời gần gũi chăm hầu tổ
Khắc khắc tịnh tu thấu tỏ thiền
Một sớm cơ duyên soi triệt cốt
Tức tâm tức Phật tức thiền nguyên…!



Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp về thiền sư Thiện Hội. Sự liễu ngộ của ngài về câu “Tâm tức là Phật” rất đặc biệt, nhờ thiền sư Cảm Thành mượn lời giải đáp của ngài Mã Tổ ”Đạt thi khắp tất cả cảnh, chẳng ngộ hằng trái xa”, ngài thoát ngộ và liền sụp xuống lạy.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).

 




252_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Thien Hoi

Nhờ liễu ngộ rằng “Khắp mọi nơi, không chỗ nào chẳng phải Tâm Phật!
“ Thiền Sư Thiện Hội đã xiển dương và truyền bá Tâm Tông trong nước Việt Nam
vào thế kỷ thứ 10 theo Thiền phái Vô Ngôn Thông
Thiền Sư Thiện Hội (? - 900) (Đời thứ 2, Thiền Phái Vô Ngôn Thông
Câu hỏi của TS Thiện Hội khi học pháp với TS Cảm Thành “Trong kinh có nói: “Đức Thích-ca Như Lai đã từng tu hành trải vô số kiếp mới được thành Phật.” Nay Thầy dạy rằng: “Tâm tức là Phật”, con chưa hiểu lẽ đó, cúi xin Thầy một phen khai ngộ cho con" 


Kính dâng Thầy bài thơ trình pháp sau khi được nghe lời diễn giải của Thầy qua bài pháp thoại này và con đã tự chiêm nghiệm như lời mở đầu bài trình pháp rằng phải có một Minh Sư khi cầu đạo . Kính tri ân Thầy qua bài pháp thoại này phải chăng chúng đệ tử đã hiểu rằng khi hoài nghi về một điểm nào trong Phật Pháp nếu tìm gặp được một vị Thầy có thể minh giải và làm cho mình triệt ngộ hẳn phải là một đại duyên ngàn đời rất hiếm gặp . Kính chúc quý Phật Tử chân chính sẽ gặp được những vị danh tăng trong thời đại nàykhi nghe các bài pháp thoại và âm thầm tự khám phá . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy, HH


Kính ngưỡng Giảng Sư : 

Đọc tích sử, nghe lại pháp thoại chiêm nghiệm ! 

Đệ tử cầu học Đạo, phải có minh sư 

Mười năm tinh cần, tăng sinh Tổ Phong vấn đạo thật, hư (1) 

Vững niềm tin khi hoài nghi được giải bằng cam lộ ! (2) 

Và Đạo hiệu Thiện Hội, minh chứng sự triệt ngộ (3) 

Kính tri ân Giảng Sư dẫn nguồn kinh Kalama, (4) 

Trong đó điều thứ tư minh chứng hùng hồn. 

Sự, Lý "Trong 49 năm Phật chẳng thuyết  ngữ ngôn " (5) 

"Vì KHẮP TẤT CẢ CHỖ , KHÔNG ĐÂU CHẲNG PHẢI TÂM PHẬT " 

Bổn nguyên thanh tịnh cứ âm thầm thể nhập 

Như vầng nhật giữa hư không, chiếu khắp mười phương, 

Tâm tông đốn ngộ của Lục Tổ quá thân thương 

 Dứt bặt mọi nghĩ bàn" Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). (6) 

Phật tánh: "biến nhất thiết xứ", " Quang Minh diệu tuyệt "

Nơi nào có chúng sinh, có Phật Tâm 

Ma, Phật. ....Chỉ khác nhau một vọng khởi sai lầm 

Không thể mong cầu tâm, không thể  mongcầu Phật

Nam Mô Thiện Hội Thiền Sư tác đại chứng minh. 

Huệ Hương 

Melbourne 29/6/2021 

(1) Sư quê ở Điển Lãnh, thuở nhỏ theo thầy Tiệm Nguyên ở chùa Đông Lâm bản hương xuất gia, hiệu là Tổ Phong. Lớn lên, Sư vân du khắp nơi để tìm thầy tham học.Thiền chỉ 

Khi đến chùa Kiến Sơ gặp Thiền sư Cảm Thành bèn xin ở lại đây. Phục vụ Thiền sư Cảm Thành hơn mười năm, mà Sư không biết mỏi mệt.

(2) 

Một hôm, Sư vào thất hỏi:

- Trong kinh có nói: “Đức Thích-ca Như Lai đã từng tu hành trải vô số kiếp mới được thành Phật.” Nay Thầy dạy rằng: “Tâm tức là Phật”, con chưa hiểu lẽ đó, cúi xin Thầy một phen khai ngộ cho.

Thiền sư Cảm Thành bảo:

- Trong kinh là người nào nói?

Sư thưa:

- Đâu không phải là Phật nói ư?

- Nếu là Phật nói, tại sao trong kinh Văn-thù lại nói: “Ta trụ ở đời bốn mươi chín năm, chưa từng nói một chữ dạy người.” Cổ đức nói: “Người tìm nơi văn, chấp nơi chứng càng thêm trệ; khổ hạnh cầu Phật là mê, lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo; chấp tâm cầu Phật là ma.”

- Như thế, tâm ấy cái gì chẳng phải Phật, cái gì là Phật?

- Xưa có người đến hỏi Mã Tổ: “Tâm tức là Phật, tâm nào là Phật?” Mã Tổ bảo: “Ông nghi cái nào chẳng phải Phật chỉ ra xem?” Người kia không đáp được. Tổ dạy: “Đạt thì khắp tất cả cảnh, chẳng ngộ  trải hằng xa .” Chỉ câu nói này, ngươi lại hội chăng?

(3) Nghe lời đó xong, Sư thưa: "Con đã hiểu rồi." Thành hỏi: "Ngươi hiểu như thế nào?"

Sư thưa: "Khắp cả mọi nơi, không chỗ nào là chẳng phải tâm Phật." Nói xong Sư liền sụp xuống lạy.

Cảm Thành bảo: "Cần phải làm thế a?"

Nhân đó đặt tên cho Sư là Thiện Hội.

Sau, Sư trụ trì ở chùa Định Thiền làng Siêu Loại để truyền bá Tâm tông

Thiền sư Thiện Hội mất tại chùa Định Thiền, năm Canh thân, Đường Quang Hoá thứ 3 (900).

(4) 

Hãy Đến Để Thấy

Phật Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc 

Come And See For Yourself The Buddhist Path To Happiness

 Đức Phật giải thích rằng lòng tin chân chính không nên và không thể dựa trên 10 căn cứ sai lầm sau đây:

1. Căn cứ Thần Khải (revelation), thí dụ, tín đồ đạo Bàlamôn tin rằng, những điều ghi trong Kinh Veda là chân lí, vì rằng đó là những lời Thần Khải, những lời của Thần nói ra.

2. Căn cứ truyền thống, tin vào một điều được chấp nhận từ xưa, và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tức là tin vào truyền thống, nhưng truyền thống cũng có thể sai và không thể là căn cứ đảm bảo của niềm tin chân chính.

3. Điều người ta kể lại, dù đó là tu sĩ, cha mẹ, bà con thân thiết, cũng không phải là căn cứ đảm bảo của niềm tin chân chính.

4. Điều hợp với kinh sách, dù kinh sách đó là Thánh điển, thí dụ, Kinh Phật đối với Phật tử, Kinh Veda đối với tín đồ đạo Bàlamôn, Tân ước, Cựu ước đối với tín đồ đạo Kitô, v.v… cũng không phải là căn cứ đảm bảo của lòng chánh tín, bởi vì kinh sách chỉ là để hướng dẫn, tham khảo, chứ không phải để thay cho nhận thức và kiểm nghiệm cá nhân được.

5. Lập luận đơn thuần, siêu hình miên man, thường chỉ là lí luận suông, không phải là một cái nhìn vào chiều sâu chân lí, không phải là sự nắm bắt đối với thực tại.

6. Những dữ kiện được xem xét hời hợt, chỉ là những dữ kiện chết, không nói lên được gì hết, mặc dù chúng do thực tế cung cấp. Các dữ kiện phải được phân tích, tổng hợp như thế nào đó mới nói lên sự thực.

7. Dựa trên một quan điểm là một tiêu chuẩn không thể chấp nhận được, ngay ở ấn Độ thời Đức Phật, khi mà, các cuộc tranh luận và hội thảo tôn giáovà triết học cũng thường xuyên và sôi động như là “các cuộc thi đấu bóng đá hiện nay vậy”. Trong những tranh luận và hội thảo như vậy, người nào cũng giữ riêng và bảo vệ quan điểm của mình, tất nhiên, nhưng không thể lấy quan điểm đó làm tiêu chuẩn để phân biệt phải trái, hơn thua.

8. Dựa trên lí thuyết mình vốn chấp nhận, cũng như dựa trên quan điểm của mình không thể là căn cứ đảm bảo của chánh tín.

9-10. Dựa vào quyền uy, hay là dựa vào sự tôn trọng đối với thầy học của mình, đều không thể là những chứng cứ đảm bảo của chánh tín. Vì trong các cuộc tranh luận và hội thảo về tôn giáo hay triết học, mỗi người tham gia đều có thầy của họ, đạo sư của họ, và quyền uy của thầy chỉ là chỗ dựa của họ. Nhưng đó là chỗ dựa tin cậy của riêng mình. Không phải là chỗ dựa tin cậy của người khác, đang tranh luận với mình.

Sau khi đã giới thiệu 10 căn cứ không đáng tin cậy của niềm tin chân chính, Đức Phật Thích Ca khuyến cáo những người Kalamas hãy nên tự biết mình, tự mình thấy, chứ không nên dựa vào quyền uy nào khác. Những điều gì là ác, là thiện, là trái, đều phải thông qua sự kiểm nghiệm của tự thân mình mới thấy rõ: nếu thực hiện những điều gì mà đem lại đau khổ, bất hạnh lâu dài cho mình và cho người khác thì đó là điều bất thiện, sai trái cần phải gạt bỏ đi; ngược lại, nếu thực hiện những điều gì đem lại hạnh phúc và an lạc lâu dài cho mình và cho những người khác, thì đó là những điều thiện, đúng đắn, cần phải duy trì và phát huy.

Tiếp đó Đức Phật trình bày các điều bất thiện đều bắt nguồn từ tham, sân, si còn điều thiện là do lòng không tham, không sân, không si dẫn tới.

Để kết thúc bài thuyết pháp, Đức Phật khuyên tất cả các bậc đệ tử cao cả đã dứt bỏ được tham, sân, si hãy phát triển bốn đức tính vô lượng từ, bi, hỉ, xả gọi là bốn vô lượng tâm mà vị đệ tử cao cả có thể mãi mãi sống an lạc và hạnh phúc, ở ngay kiếp sống này cũng như các kiếp sống về sau.

(5) 

Phật đã nói trong kinh Đại Niết Bàn : Trong 49 năm ta chưa hề nói 1 câu, 1 chữ, 1 lời nào. 

Về khía cạnh Sự có Tam tạng kinh điển được ghi chép lại nhưng chỉ là lịch sử 

Về khía cạnh “Lý”

1- Đức Phật muốn hàm chỉ tự tính chân thật nơi mỗi người. Vì sao? Vì tự tính chân thật của mỗi người (trí vô sư) nằm ngoài sự hiểu biết của tri thức thế gian. Bởi không thể dùng ngôn ngữ của thế giới này mà nói đến được. Do đó, Đức Phật phủ nhận lời của Ngài, để mọi người nhận ra tự tính chân thật của chính mình, ai nhận ra được lời dạy này, người đó hiểu lời đức Phật dạy, tức ngộ đạo.

Trong các kinh điển hiện giờ chúng ta được đọc, các Ngài dùng những ngôn từ và hình ảnh của thế gian này, để cho ai muốn tu theo lời của Đức Phật dạy, nương theo đó mà tu để được giác ngộ và giải thoát. Giáo pháp của Đức Phật giống như ngón tay chỉ mặt trăng vậy. Ngón tay để dụ cho phương tiện, như chiếc thuyền chở người qua sông, như Pháp Phật – tức là phương tiện giúp chúng ta nhìn nhận được chân tâm hay tự tính Phật. Mặt trăng để dụ cho mục đích, chân lý cứu cánh, tức chân như.

“Dùng tâm phan duyên để nghe Pháp thì nghe được pháp duyên chứ chưa được pháp tính. Pháp như ngón tay chỉ mặt trăng. Người nghe nương theo ngón tay mà nhìn mặt trăng. Nếu có âm thanh là duyên thì khi pháp duyên diệt thì tâm phan duyên cũng diệt theo. Thọ, tưởng, hành, thức đều là vọng tâm, đều cùng nhân duyên sinh diệt. Tự tính thì không do nhân duyên mà có nên cũng không diệt, không có quá khứ, hiện tại, vị lai nên tính Phật vô sinh bất diệt, thường trụ”.

(Kinh Lăng Nghiêm)

2- Ngoài ra Phật là người rất khiêm hạ , Ngài chỉ hợp thức hoá lại những gì chân lý đã hiện diện từ vô thỉ 

Với trí tuệ Chính biến tri, Đức Thế Tôn thấu tỏ Tam thiên đại thiên thế giới, và hơn ai hết Ngài không muốn nói về sự trực ngộ tâm linh vi diệu của mình (bởi kiến thức ngoài tam giới vượt tầm mức nhận thức của con người). Nên Ngài phủ định câu nói của mình để giúp cho các đệ tử trực ngộ tính không vô ngã và cũng nhân đó, để nói với các trường phái ngoại đạo khải thị thần quyền biết được sự giáo điều trong giáo lý của họ.

Chân lý Đức Thế Tôn chứng ngộ được như Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo cùng pháp giới Duyên sinh là chân lý cao tột không thể nghĩ bàn. Chính Đức Thế Tôn đã đạt được Chính đẳng - Chính giác, nên Ngài khẳng định trí tuệ nơi mỗi con người và giải phóng tự do cho con người thoát khỏi bóng ma thần quyền, hướng tới lộ trình tu giác ngộ - giải thoát để trở về Vô sinh Niết bàn.

Người học kinh Nhà Phật phải hiểu căn bản có 2 ý “Tánh” và “Tướng” như sau:

1- Về “Tánh”: Đức Phật nói là trong 49 năm Ta chưa hề nói 1 câu nào: Đây là Đức Phật nói cái Phật tánh của mỗi người. Phật tánh của mỗi người nó là chân thật như vậy, tức cái Như Như tự nhiên. Nếu Đức Phật đem cái Chân Như này ra phân tích, thì chẳng khác nào Như Lai đem cái cảm nhận của mình ra nói, dù Như Lai có lý luận để diễn tả 1 ngàn năm cũng không ai biết được. Vì vậy, Đức Phật phủ nhận lời dạy của Ngài suốt 49 năm.

Nói gọn, chir có mình mới cảm nhận được Tánh Thanh tịnh của chính mình, thì tự mình biết, không đem ngôn ngữ duyên hợp của thế giới này mà diễn tả được.

2- Về “Tướng”: Trong các kinh điển hiện nay chúng ta được đọc: các Ngài dùng những ngôn từ và hình ảnh của trần gian này để nói, cho ai muốn tu theo lời của Đức Phật dạy, nương theo đó mà tu tập được giác ngộ và giải thoát. Những quyển kinh giống như ngón tay chỉ mặt trăng vậy.

Như  thế các kinh Nhà Phật hiện nay được xếp vào loại “Tướng” Thế gian. Vì đây là “Tướng Thế gian”, nên là phương tiện để cho con người hồi đó cũng như hiện nay, nương theo lời dạy của Đức Phật mà tu tập hay tu hành.

(6) trong Phẩm Cơ duyên.  kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ dạy 

            Thiền tông này của ta, từ xưa truyền đến nay chưa từng dạy người cầu tri thức, kiến giải. Chỉ bảo rằng "học Đạo", đã là một lời phương tiện để tiếp dẫn, chứ Đạo cũng không thể học được. Theo tình mà cố chấp sự học hiểu thành ra lạc đường. Đạo không có nơi chốn, gọi là tâm Đại thừa. Tâm này không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa, thực không nơi chốn. Điều tối cần là đừng khởi trí giải. Ta chỉ bảo ông rằng: Nơi nào mà những tình chấp, suy lường mà dứt bặt, thì tâm không nơi chốn. 

Tức Tâm là Huệ,
Tức Phật là Định.
Định Huệ song song (đẳng trì),
Nơi ý thanh tịnh.
Ngộ pháp môn này,
Do tập khí ngươi,
Dụng vốn vô sanh,
Song tu (Định Huệ) là chánh.

Tạo ác nghiệp, tạo thiện nghiệp đều là chấp tướng. Chấp tướng mà tạo ác nghiệp thì thọ quả báo luân hồi một cách oan uổng. Chấp tướng mà tạo thiện nghiệp thì thọ sự lao khổ một cách oan uổng. Chung quy chẳng bằng nghe xong liền tự thể nhận lấy cái pháp bổn  nhiên.

Pháp này là tâm. Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Tâm tự nó vô tâm mà cũng không vô tâm. Đem tâm này mà làm cho ra vô tâm thì tâm này lại thành ra hữu tâm. 

Cứ âm thầm thể nhập mà thôi vậy! Muốn thế phải dứt bặt mọi nghĩ bàn, gọi là "Dứt đường ngôn ngữ, bặt nơi tâm hành" (Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). 

Cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này thường trọn vẹn, sáng suốt cùng khắp.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]