Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Mộc Trần Đạo Mân (1596-1674) Tổ thứ 68 (tính từ Sơ Tổ Ca Diếp), Đời thứ 35 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 31 của Thiền Phái Lâm Tế. 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼

20/05/202117:12(Xem: 19631)
Thiền Sư Mộc Trần Đạo Mân (1596-1674) Tổ thứ 68 (tính từ Sơ Tổ Ca Diếp), Đời thứ 35 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 31 của Thiền Phái Lâm Tế. 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼

 



Nam Mô A Di Đà Phật

 

Kính bạch Sư Phụ


Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Mộc Trần Đạo Mân (1596-1674).
Ngài thuộc Tổ thứ 68 (tính từ sơ tổ Ca Diếp), đời thứ 35 sau Lục Tổ Huệ Năng, và cũng là Tổ thứ 31 của Thiển Phái Lâm Tế.

 

Thiền Sư Mộc Trần Đạo Mân, sanh ra vào cuối đời nhà Minh và đầu nhà Thanh, có họ Lâm, người Lĩnh Nam, Triều Châu, Quảng Đông, đồng hương với Lục Tổ Huệ Năng.


Lúc nhỏ, ngài có tính thông minh, theo nho học để ra làm quan.

 

Khi ngài đọc bộ Đại Huệ Tông Cảo ngữ Lục, ngài nhớ lại tiền kiếp của mình và phát tâm xuất gia. Ngài Mộc Trần Đạo Mân xuất gia được 2 năm bị cha mẹ bắt về lập gia đình. Năm 27 tuổi, ngài xuất gia trở lại.

 

Về sau ngài Mộc Trần Đạo Mân được Tổ Mật Vân Viên Ngộ trao cho công án “Ương Quật Sản Nạn” và ngài đã thành tựu đạo quả, được sư phụ Mật Vân Viên Ngộ ấn chứng.
Dù đã triệt ngộ, nhưng ngài vẫn ở lại hầu sư phụ 40 năm cho tới sư phụ viên tịch, kế thừa và trở thành Tổ thứ 31 của Tông Lâm Tế.

 

Sư Phụ giải thích về công án “Ương Quật Sản Nạn”, vốn phát xuất từ câu chuyện về Tôn Giả Vô Não, tên thường gọi là Ương Quật Ma La, phiên âm từ tên tiếng Phạn của Ngài là: Angulimala, tức là “người đeo xâu chuỗi ngón tay”.


Chuyện xảy ra vào thời Đức Thế Tôn còn tại thế, chàng thanh niên có tên là Ahimsaka (tên Cha Mẹ đặt cho chàng, nghĩa là Vô Hại), người con dân của nước Kiều Tát La (Kosala) do vua Ba Tư Nặc trị vì.


Chàng thanh niên Ahimsaka xin Bố Mẹ đến Hoa Thị Thành (Taxila) để học đạo Bà La Môn với Thầy Mani, vì chàng quá đẹp trai và học giỏi nên bị bạn cùng lớp ganh ghét, phao tin đồn là chàng có tình ý với bà vợ trẻ của ông thầy. Do tin đồn này mà bà vợ trẻ của thầy Mani lại xao xuyến xúc động vì cứ tưởng chàng học trò thầm yêu trộm nhớ mình thật. Thấy chàng tướng đẹp quá, nên bà ta tìm cách gần gũi hỏi han gạ tình, bà càng ngày càng trở nên say mê tánh nết và tướng mạo của Ahimsaka một cách điên cuồng, nhưng chàng cự tuyệt vì cho đó là trái với luân thường đạo lý làm người, chính điều này khiến cho bà xấu hổ cùng cực và tức giận, tìm cách hảm hại, bằng cách nói xấu về tên học trò.

Người thầy Mani không chịu điều tra xem sự việc có thật hay không, ông nhắm mắt tin theo bà vợ và rắp tâm hảm hại đứa học trò bằng cách bằng chàng giết người để lấy máu rửa tội lỗi, rửa xong rồi mới được truyền trao bí pháp của đạo.  Chàng Ahimsaka thật thà tin theo lời của tên thầy vô minh kia mà xách gươm lên rừng Jalam, Jalini sám hối rồi tìm người giết lấy máu rửa tội, rồi chặt ngón tay út để xâu làm xâu chuỗi để theo dõi đủ túc số 1000 ngón tay để về trình lên Thầy Mani.


Ngày kia, khi giết được 999 người rồi, còn thiếu 1 người mà kẻ sát nhân không tìm ra, nên anh ta xách gươm chạy về nhà để giết người Mẹ của mình, đúng lúc đó,  Đức Thế Tôn xuất hiện trước mặt anh ta, anh chạy đuổi theo nhưng không theo kịp, anh kêu to bảo Đức Thế Tôn đứng lại, Đức Thế Tôn nói, ta đã dừng lại sự giết chúng sanh từ lâu, ta đã dừng lại nghiệp sát hại chúng sanh chứ không phải dừng lại bước chân này. Angulimala thoát nhiên rúng động, đại ngộ liền bỏ kiếm xuống, đảnh lễ dưới chân Phật sụp lạy, đảnh lễ xin xuất gia. 3 tháng sau, chàng đã chứng quả A La Hán nên Đức Thế Tôn có kệ ngợi khen ngài là:

 

"Ai dùng các hạnh lành
Xóa mờ bao nghiệp ác

Chiếu sáng cõi đời này
Như trăng thoát khỏi mây"

 

Một hôm, Tôn giả Angulimala đi khất thực, gặp một sản phụ rên la không sanh được, ngài chạy về hỏi Phật phương pháp giúp cho người sản phụ.


Phật dạy con đến đó và nói rằng: “từ lúc tôi ra đi trong Chánh pháp, tôi chưa làm ai tổn thương đến bất cứ ai, nhờ công đức này giúp cô sanh con dễ dàng và mẹ tròn con vuông”.

 

Mầu nhiệm thay, khi Tôn giả Angulimala đọc lời chân thành ấy, người sản phụ đã sanh ra 1 chú bé kháu khỉnh với sự vui mừng của mọi người. Từ đó người ra gọi đó là lời cầu nguyện chúc phước lành “ Paritta “ của ngài Vô Não.

 

Sư Phụ giải thích, công án “Ương Quật Sản Nạn” là công án "sức mạnh của lòng từ bi” mà từ bi là thể tánh của Niết bàn, vốn là điểm đến cuối cùng của người tu học Phật. Con rất vui mừng và xúc động biết ơn Sư phụ khi nghe Sư phụ giải thích rõ ràng về công án này, vì lúc con đọc tài liệu, con thắc mắc vì sao TS Mật Vân trao 4 chữ công án này cho đệ tử của ngài. Bây giờ thì con hiểu rồi. Thật đúng là lòng từ bi không có điều kiện là nền tảng của giác ngộ, ngài Mộc Trần Đạo Mân nhận ra được chỗ này nên được Sư phụ của ngài ấn chứng. Vi diệu quá.

 

Sư phụ cũng giải thích thêm: trong Kinh Tương Ưng Bộ Phật dạy: Ai có lòng từ bi, vị ấy có đủ 11 công đức:
1- ngủ ngon
2-ngủ không ác mộng
3-thức dậy tươi tỉnh
4-được mọi người cung kính và gần gũi
5- được chư thiên bảo vệ hộ trì
6-được thần linh cung kính.
7-không bị lữa làm hại
8-dễ nhiếp tâm thiền định, niệm Phật hoặc trì chú
9-nét mặt luôn bình an tươi sáng.
10- làm chủ lúc hấp hối, không hôn mê sợ hãi.
11- lúc mạng chung được sanh vào cõi trời phạm thiên.

 


Từ bi là điểm đến cuối cùng của người tu. Bạch Sư Phụ, con kính mạn phép xin tán thán sư phụ, con thường thầm kính ngưỡng lòng từ của Sư Phụ trên sắc diện, ngôn từ và bao dung. Con cố gắng học theo hạnh từ bi như Sư Phụ.

 

Năm 1659, vua hạ chiếu chỉ vào thuyết pháp trong cung vua.
Năm 1674 , Sư thị tịch và được vua ban Thụy hiệu là Hoằng Giác Thiền Sư.
Đệ tử nối pháp là ngài Khoáng Viên Bổn Quả.

 

Thiền Sư Mộc Trần Đạo Mân có xuất bài kệ truyền thừa như sau:

Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên
Minh như cảo nhật lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Chiếu thế chân đăng vạn cô huyền.

Sư phụ giải thích: tại Melbourne có Hòa Thượng Thích Minh Trí, Trụ Trì Chùa Phước Tường (vùng Richmond) ngài có pháp là Nhật Cảnh (chữ 11 theo bài kệ trên) nên Ngài quy y và cho đệ tử pháp danh như: Lệ Quang, Lệ Nguyệt, Lệ An, Lệ Mỹ, Lệ Tâm, Lệ Hiếu….

 

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiển Sư Mộc Trần Đạo Mân (1596-1674) của Hoà Thượng Hư Vân do Hoà Thượng Minh Cảnh dịch Việt.

 

"Lĩnh Nam thường hiện bậc thâm uyên

Hoằng Giác đại sư đợi đủ duyên

Nối Pháp Tây Thiên truyền ấn tín

Tiếp dòng Đông Chấn hóa Trung Nguyên

Nghìn sông, trăng chiếu lìa điềm báo

Vạn dặm, mây trôi vẫn lặng yên

Tám đạt, bảy thông luôn tự tại

Hàng Tô dạo đến Triệu cùng Yên".

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp về Thiền Sư Mộc Trần Đạo Mân, một vị có bẩm sinh thông minh từ nhỏ, nhân đọc bộ Đại Huệ Tông Cảo, ngài nhớ lại tiền kiếp cách 508 năm đã là một vị tăng. Ngài đạt ngộ nhờ thành tựu công án “Ương Quật Sản Nạn” do sư phụ Mật Vân Viên Ngộ giao cho. Đặc biệt ngài để lại kệ truyền thừa cho pháp phái Lâm Tế Gia Phổ, một dòng truyền hiện phát triển rất mạnh ở miền nam Việt Nam.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada)

 


 

236_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Moc Tran Dao Man-2


;Triệt ngộ qua công án “Ương Quật Sản Nạn “ tiêu biểu cho Lòng Từ và là nhân vật Phật Giáo rất quan trọng trong lịch sử truyền thừa phái Lâm Tế vào VN thời Trịnh Nguyễn phân tranh ( đàng trong) với bài kệ truyền pháp phái !

Thiền Sư Mộc Trần Đạo Mân (1596-1674) Tổ thứ 68 (tính từ Sơ Tổ Ca Diếp), Đời thứ 35 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 31 của Thiền Phái Lâm Tế.

Kính dâng Thầy bài thơ trình pháp về Tổ thứ31 thiền phái Lâm Tế . Kính đa tạ và tri ân về bài pháp thoại quá tuyệt vời ...hơn thế nữa Tổ lại họ Lâm mà Bồ Tát Quảng Đức có họ Lâm là nguyên thủy ( khi con xem lại tiểu sử Ngài ) ..Có phải Bồ Tát có trong gia phả của Tổ Mộc Trần Đạo Mân nên lòng Từ và trái tim vĩ đại của Ngài luôn tiềm tàng ... ? Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy, HH



Thụy hiệu vua ban HOẰNG GIÁC Đại Sư vang khắp chốn 
Sự nghiệp nối pháp và hành trạng Tổ Đạo Mân (1) 
Kính đa tạ Giảng Sư...có bậc minh sư dẫn dắt ...mới đến gần, 
Triệt ngộ rõ ràng, vận dụng thông suốt không chướng ngại ! 


Nhờ bài pháp thoại, câu chuyện Ương Quật Ma La giúp nhìn lại (2) 
Vì tham cầu " thành tựu đạo nghiệp" mắc phải mưu  thâm 
Lời khai thị Đức Thế Tôn giải hoá... chuyển lỗi sai lầm 
Đánh bạt ác nghiệp như vầng  trăng thoát mây ló dạng (3) 


Lòng Từ....bắt đầu vào chánh pháp được huân trưởng, khởi sáng (4) 
Chúc lành sản phụ , kệ Pháp Cú tích truyện có câu (5)
Tri ân  Giảng Sư "SỨC MẠNH LÒNG TỪ " và 11 công đức nhiệm mầu (6)
Tăng giá trị tuyệt vời thêm khi tiếp tục sâu vào chi tiết ! 


Bài kệ truyền thừa pháp phái  đã đi vào nước Việt (7).
Tổ Nguyên Thiều Siêu Bạch ...thời Trịnh Nguyễn phân tranh (8) 
Bài thơ tán thán ...bậc thâm uyên đất Lĩnh Nam ( 9) 
An nhiên thị tịch ....để lại nhiều kỳ tích và tác phẩm (10) 


Nam Mô Mật Nhân Đạo Mân Thiền Sư tác  đại chứng minh .


Huệ Hương 
Melbourne 20/5/2021



(1) Ngài sinh vào thời Minh mạt Thanh sơ, ( niên hiệu Vạn Lịch thứ 23 triều vua 'Minh Thần Tông )người họ Lâm ở Triều Châu,   Lĩnh Nam  tỉnh Quảng Đông. 

Thuở nhỏ, ngài theo Nho học, bản tính vốn thông minh sáng suốt. 

Khi còn làm quan, ngài đọc Đại Huệ tông cảo ngữ lục bỗng nhiên nhớ về tiền kiếp của mình. 

Từ đó, ngài xin xuống tóc tại chùa Khai Tiên, Lô Sơn

. Sau đó, ngài lại nghe lời phụ mẫu hoàn tục lập gia đình.

Năm 27 tuổi, ngài xuất gia trở lai, đầu sư và thọ cụ túc giới với ngài Hám Sơn Đức Thanh.

Sau đó, ngài đã đi tứ phương tham học. 

Cuối cùng, ngài về núi Thiên Đồng tham yết Thiền sư Viên Ngộ ở chùa Kim Túc, 

Một hôm nhân câu thoại đầu ƯƠNG  QUẬT  SẢN NẠN đã quán triệt thiền cơ và được Mật Vân ấn khả,  có pháp danh do Sư Phụ ban là Thông Thiên và trở thành một trong 12 vị đồng môn ưu tú nhất kế thừa Pháp tịch.và Ngài ở lại hầu Thầy học hỏi gần 40 năm

Khi thiền sư Mật Vân viên tịch Ngài kế thừa pháp rồi sau đó khai pháp tại Bình Dương 

Về sau, ngài kế nghiệp trụ trì chùa Thiên Đồng

Sơ kỳ triều Thanh, tức vào tháng 9, năm Thuận Trị thứ 16 (1659), Thế Tổ hoàng đế hâm mộ danh tiếng ngài, liền hạ chiếu thỉnh ngài vào kinh thuyết pháp. Chỉ qua một đêm thăng tòa, danh tiếng của Đạo Mân đã vang chấn thiên hạ, không ai sánh kịp. Thời gian lưu lại kinh đô thuyết pháp, ngài cung trú tại điện Vạn Thiện, thường cùng vua Thuận Trị đàm thiền luận đạo. 

Một hôm có vị Tăng hỏi :

  • An cư trong hoàng cung cẩn mật, một chút gió cũng không lọt vào, 

đắc được sẽ trở về Nam, ẩn cư thong dong. Nắm vững thì đâu cần thắc mắc. Vậy thì thế nào là Buông một câu ?

Ngài nói : Triệt ngộ rõ ràng   Vận dụng thông suốt không bị chướng ngại 

Vị Tăng nói : Thế thì một mặt trăng soi bóng nghìn sông, đi hay đến đều không lưu dấu 

Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt 

Vạn lý vô vân, vạn lý thiên 

Ngài đáp  Mặc sức tung hoành( tự tại trong hành xứ ) 

  • Đã thấm nhuần mưa móc, duỗi tay thẳng đến Trường An

Ngài nói : Ta chỉ bằng lòng với Ông một nửa 

(2) Ương Quật Ma La là tên mà dân chúng Kiều Tất La đặt cho Ahimsaka từ khi chàng bắt đầu chuỗi ngày tàn bạo giết người, chặt lấy ngón tay và đeo lên cổ như một vòng hoa trong khi ...Tên Ahimsaka do cha chàng đặt có nghĩa là "Người vô tội
Ahimsaka nguyên là một thanh niên khôi ngô anh kiệt của vương quốc Kiều Tất La (Kosala). Chàng được sinh ra từ một vọng tộc Bà La Môn. Cha chàng làm quan quốc sư cho vua Ba Tư Nặc.

 

Được gởi đến Hoa Thị Thành (Taxila) từ thuở bé, Ahimkasa chỉ thụ giáo với danh sư Mani, và trở thành một sinh viên lỗi lạc. Tài năng và đức hạnh của Ahimsaka chỉ chiếm được lòng tin yêu của sư phụ chàng nhưng lại chuốc lấy nhiều sự ganh tỵ ghét ghen của bạn đồng môn. Để lung lạc ông thầy, các bạn đồng môn của Ahimsaka phao tin rằng chàng có tình ý với cô vợ của Mani. Trước những tin đồn bất chánh ấy, danh sư Mani đều tỏ ra dửng dưng không chút xao xuyến, nhưng bà vợ trẻ của anh lại xúc động vì ngỡ rằng chàng trai trẻ thầm yêu mình thật. Thấy chàng khôi ngô tuấn tú, bà tìm cách lân la dọ ý, và chẳng bao lâu bà trở nên say mê Ahimsaka một cách điên cuồng.

Một hôm thừa lúc vắng người, bà cho gọi Ahimsaka đến và ngỏ hết nỗi lòng. Bị chàng trai thẳng thắn cự tuyệt, bà Mani xấu hổ đến cùng cực và bèn rấp tâm mưu hại chàng cho bỏ ghét.

Khi nghe chính miệng vợ mình thuật lại hành vi đê tiện của tên đệ tử thân tín. Mani phừng phừng nổi giận. Nhưng vốn là một tay đa mưu nham hiểm, ông không lộ vẻ bất bình ra mặt chỉ mời Ahimsaka đến, tỏ lời thân ái rồi bí mật bảo:

- Này Ahimsaka! Con theo thầy học đạo đã khá lâu. Lòng cương trực và ý chí cầu tiến của con khiến thầy rất đẹp lòng. Vì vậy thầy nhất định chọn con làm người kế thừa tông môn ta.

Trước thâm tình của sư phụ, Ahimkasa bồi hồi xúc động, chàng kính cẩn thốt lời tạ ân, thì Mani đã tiếp:

- Môn phái của ta có một bí pháp vô cùng tuyệt diệu. Bí pháp này chỉ được truyền trao cho những căn cơ siêu việt. Trước khi thụ huấn bí pháp này con phải tuyệt đối thanh tịnh vô nhiễm. Những ác nghiệp quá khứ của con phải được rửa sạch bằng máu người thay vì máu cừu dê như bọn phàm phu tục tử. Vậy bây giờ ta trao cho con thanh gươm thừa kế này, con phải lập tức khởi hành đi đến rừng Jalam để khởi đầu cuộc sám hối, con chỉ trở về đây gặp ta khi đã giết xong một nghìn người không hơn không kém.

Ahimkasa sững sờ, chàng không muốn tin rằng những lời vừa nghe lại được thốt ra từ miệng của con người khả kính thánh thiện mà chàng đã hết dạ kính yêu. Thấy chàng trai do dự, Mani liền đem hết tài hùng biện ra thuyết phục. Cuối cùng Ahimsaka đành phải vâng lời, gắng gượng ra đi mà lòng hoang mang khôn tả.

Khi vừa hạ sát xong nạn nhân đầu tiên, Ahimkasa kinh hoàng đến điên dại. Từ đó gặp ai chàng cũng vung gươm chém liền, bất kể nam nữ, già trẻ thân sơ. Tiếng than khóc của các gia đình nạn nhân vang đến tai vua quan, nhưng tất cả đều bất lực, bó tay trước tài nghệ vô song của Ahimsaka. Dân chúng run sợ gọi chàng là vô não - tức là người mất trí.

(3) 

Angulimala bối rối. Chàng im lặng, lặng lẽ nhìn đấng đạo sư hồi lâu. Thái độ từ ái cùng dung mạo phi phàm của ngài khiến chàng cảm thấy an tâm và lấy lại được sự bình tĩnh khi xưa: "Trước đây còn thơ ấu, ta có nghe thiên hạ đồn đãi rằng sa môn Cồ Đàm là một bậc giác ngộ. Ngài có một dung nhan sáng rỡ và một giọng nói rất là từ hòa thân ái, có lẽ đây là ngài chăng?

Angulimala bèn vứt gươm và quỳ gối trước mặt đức Phật, hỏi:

- Bạch sa môn! Ngài có phải là sa môn Cô Đàm không? Là con của đức vua Tịnh Phạn?

- Đúng vậy, này Angulimala! Con đã vứt bỏ thanh gươm đẫm máu kia, có nghĩa là con đã vứt bỏ con đường lầm lạc cũ, con có cần Như Lai giúp đỡ điều gì không?

- Bạch sa môn, đã từ lâu, con không hề quỳ lạy một ai, mà ngược lại ai thấy con cũng run rẫy quỳ mọp van xin được tha mạng. Con đường này không ai dám lai vãng một mình, mà thiên hạ thường rủ nhau đi từng đoàn hàng trăm người. Bạch sa môn! Con đã từng nghe rằng có những sinh vật bị khắc phục bằng võ lực, bằng cù móc hay roi vọt. Nhưng con, một con thú hoang đàng cuồng dại, lại được chế ngự bởi một người không gươm dao hay roi vọt.

- Bạch sa môn! Hình bóng từ ái của người đã khiến con muốn trở về với con đường thuần lương sống yêu thương và giúp đỡ đồng loại như những ngày xa xưa, lúc con chưa điên loạn... Nhưng ai, ai có thể cho phép chở che và giúp đỡ một con người như con - người đã giết chết nghìn nhân mạng?

- Này thanh niên, trên thế gian này có hai hạng người được xem là thanh tịnh: hạng thứ nhất là người không hề gây tội lỗi, hạng thứ hai là kẻ gây tội nhưng biết ăn năn và không bao giờ tái phạm. Nếu lòng con tha thiết muốn hoàn lương Như Lai sẽ giúp con toại nguyện.

- Bạch sa môn, con không dám nghi ngờ gì về lòng từ bi bao la của ngài đối với con. Nhưng con đã gây tạo một ác nghiệp mà có lẽ không một ai trên thế gian này dám làm. Làm sao con có thể ước mơ làm đệ tử của sa môn Cù Đàm, một người mà suốt đời chưa hề làm xúc não bất cứ ai?

- Này thanh niên! Ví như có một gian phòng tăm tối suốt cả nghìn năm dài. Nếu muốn thắp sáng cho nó, con cần phải đốt bao nhiêu ngọn đèn và mất bao nhiêu lâu để dẹp cho nó tươm tất?

- Bạch sa môn, bóng tối dù đã ngự trị căn phòng suốt nghìn năm nhưng chỉ cần mỗi một ngọn đèn được thắp lên thì bóng tối sẽ tan ngay, và thời gian để dọn dẹp căn phòng thì tùy thuộc vào khả năng siêng hay nhác của từng người.

- Cũng vậy, này thanh niên dù con đã sát hại cả nghìn đồng loại, nhưng nếu con thành tâm cải hối, thắp lên ngọn đèn bằng ánh sáng trí huệ của con thì bóng tối ác nghiệp u mê sẽ tan biến ngay. Con vẫn có cơ hội ngộ đạo như bao nhiêu người khác. Đó là điều mà Như Lai xác quyết với con.
(4) 


Tỳ kheo Angulimala tuy đã xuất gia và được đấng đạo sư ân cần khai thị nhưng lòng thầy luôn luôn bị xao động. Lúc nào và ở đâu, thầy cũng nghe văng vẳng tiếng than khóc cùng rên la của các nạn nhân bị chính thầy sát hại dạo trước. Trên đường đi khất thực dân chúng thường nhìn thầy với đôi mắt thù hận lẫn sợ hãi. Tuy đã có lệnh bảo hộ của vua Ba Tư Nặc, nhưng cũng rất nhiều khi, thầy trở về tinh xá với y bát tả tơi, thương tích đầy mình, thầy vẫn im lặng chịu đựng không hề kêu van hay lẩn trốn.

Ngày kia, lúc đi thọ bát tôn giả Angulimala gặp một thiếu phụ đang lâm bồn. Gặp sản phụ nằm rên siết bên đường, động lòng bi mẫn, thầy trở về bạch đức đạo sư, xem có cách gì cứu giúp nạn nhân không? Phật dạy:

- Con hãy đến gặp người thiếu phụ ấy và chúc lành cho nàng như thế này:

- Thưa chị, từ ngày sinh ra đến nay, tôi chưa hề cố ý tiêu diệt đời sống một sinh vật nào. Do lời nói chân thật này, ước mong chị được mẹ tròn con vuông.

Tỳ kheo Angulimala bối rối:

- Bạch Thế Tôn! Làm sao con dám thốt ra câu ấy... khi con là "chuỗi ngón tay"?

- Này tỳ kheo, từ ngày sinh ra cho đến nay có nghĩa là từ khi con xuất gia, sanh vào thánh tộc vâng giữ đời phạm hạnh.

Thầy tỳ kheo trẻ tuổi liền hoan hỷ hối hả ra đi. Người thiếu phụ vẫn còn nằm rên siết bên vệ đường. Tôn giả Angulimala liền gởi lời chúc lành đến cho nàng sau một bức mành trúc. Kỳ diệu thay, một chú bé kháu khỉnh liền chào đời trong sự vui mừng của tất cả mọi người hiện diện... Từ ngày đó các bạn đồng phạm hạnh gọi thầy Angulimala là Paritta có nghĩa là "chúc lành."

Và cũng kể từ ngày hôm ấy, tôn giả Paritta thêm vững niềm tin, tinh cần tu tập, chẳng bao lâu thầy đắc quả A La Hán. Câu chúc lành của thầy gởi đến người thiếu phụ lâm bồn dạo nọ được xem như một bài kệ cầu an và được lưu truyền làm mọi người đều kinh ngạc. Người ta muốn biết rằng tại sao một con người hung bạo, đầy dãy nghiệp chướng như thế mà lại có thể đạt đến A La Hán quả, một quả vị mà các bậc hiền nhân đầy phước báu như tôn giả A Nan vẫn chưa chứng đắc.

(5) Ai dùng các hạnh lành 

Xoá mờ bao tội ác 

Chiếu sáng cõi đời này 

Như trăng thoát khỏi mây 

(6) 

Trong tác phẩm Sức Mạnh của Lòng Từ ( The Power of Compassion) đước TT Thích Nguyên Tạng soạn dịch từ nguyên tác của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong đó đã tóm tắt lại nghĩa chính yếu của Từ Bi 

Và 11 công đức khi tu tập Lòng Từ trong kinh Tương Ưng Bộ 

1. Ngủ ngon

2. Thức dậy thấy khỏe, nhẹ nhàng trong lòng (Người có tâm từ, luôn bao dung, tha thứ thì ít bệnh hơn những người luôn cau có, cằn nhằn)

3. Ngủ không gặp ác mộng

4. Được gần gũi và thân cận với nhiều người

5. Được thân cận loài phi nhân và chim cá

6. Chư Thiên ủng hộ, bảo vệ

7. Không bị lửa, chất độc làm hại

8. Dễ đi vào thiền định

9. Nét mặt luôn trầm tĩnh

10.Lúc chết không mê mờ

11. Khi chết sinh vào cõi trời Phạm thiên

(7) Bài kệ pháp phái Thiên Đồng

Đương thời, Thiền sư Đạo Mân diễn xuất bài kệ truyền pháp và hình thành nên pháp phái Thiên Đồng thuộc dòng thiền Lâm Tế:
Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên
Minh như hồng  nhật lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Chiếu thế chân đăng vạn cô huyền.

Chi phái này sau đó truyền đến ngài Nguyên Thiều và ngài đã đến Việt Nam truyền bá thiền khắp miền Nam.

(8)

Bản Lịch truyện tổ đồ, theo như ý khởi đầu của nó, là ghi chép sự truyền thừa của pháp phái Thiên Đồng. Trong pháp phái đó, có hai nhánh phát triển mạnh tại Đàng Trong, Việt Nam. Nhánh thứ nhất từ Thiền sư Đạo Mân – Mộc Trần truyền cho Bản Quả – Khoáng Viên, Viên truyền cho Nguyên Thiều – Thọ Tông. Từ Thiền sư Nguyên Thiều có sự phân tách thành các chi phái nhỏ. Đệ tử của Thiền sư Nguyên Thiều có sự truyền thừa đến ngày nay là các Thiền sư như Minh Lượng – Nguyệt Ân, Minh Vật – Nhất Tri, Minh Giác – Kỳ Phương, Minh Dung – Pháp Thông. Chỉ có mình ngài Minh Hải – Pháp Bảo là tự tục kệ truyền thừa tạo nên một pháp phái mới là phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Phái thứ hai bắt đầu từ Thiền sư Tuyết Giậu Chơn Phát truyền cho Đại Sa Như Trường (hoặc Siêu Trường), truyền cho ngài Minh Hoằng Tử Dung chùa Từ Đàm, truyền cho ngài Liễu Quán chùa Thiền Tôn. Ngài Liễu Quán lại tục kệ truyền thừa và hình thành nên phái Lâm Tế Liễu Quán phát triển mạnh ở Trung Nam. Bộ sách Lịch truyện tổ đồ của hai chùa Thiền Tôn và Thiên Hòa đều ghi chép về sự truyền thừa của Liễu Quán pháp phái. Do đó, đây là một tư liệu quí để nghiên cứu truyền thừa cùng hành trạng của chư tổ tại Huế mà chưa được mọi người biết nhiều.


(9) 

Lĩnh Nam thường hiện bậc thâm uyên

Hoằng Giác đại sư đợi đủ duyên

Nối Pháp Tây Thiên truyền ấn tín

Tiếp dòng Đông Chấn hóa Trung Nguyên

Nghìn sông, trăng chiếu lìa điềm báo

Vạn dặm, mây trôi vẫn lặng yên

Tám đạt, bảy thông luôn tự tại

Hàng Tô dạo đến Triệu cùng Yên.

 (Bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Mộc Trần Đạo Mân (1596-1674) của Hòa Thượng Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch Việt)

(10) 

Khi về già Sư lui về Thiệu Hưng thuộc Bình Dương nên thời nhân cũng kính gọi Sư là Sơn Ông Mộng Ẩn 

Thiền sư Mộc Trần Đạo Mân thị tịch ngày 27 tháng 6 năm Giáp Dần, Khang Hy thứ 13 (1674), triều vua Thanh Thánh Tổ thọ 79 tuổi. 

Tác phẩm để lại có Hoằng Giác Mãn thiền ngữ lục , Tấu thọ lạc bố thuỷ đài văn tập, Bắc du tập

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]