Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận 03. Cái Thấy Từ Bờ Kia

05/04/202109:05(Xem: 9340)
Luận 03. Cái Thấy Từ Bờ Kia

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***


buddha-557

 

III. PHẦN THỨ III TỔNG LUẬN:

 

TÁNH KHÔNG BÁT NHÃ

(Với những nguyên lý chỉ đạo của nó)

 

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 LUẬN #3.
CÁI THẤY TỪ BỜ KIA:

 

 

 

Chúng sanh thường ném cái nhìn dễ dãi đầy thuộc tính trên muôn sự muôn vật nên cái gì cũng bảo là thật có (Tục đế). Trái lại, Thánh giả (Chân đế) nhìn sự vật không qua hình tướng danh sắc, nên thấy muôn vật không thật, là giả có, như huyễn như mộng, không có tự tánh nên bảo là không. Vì vậy, cái thấy này mới gọi là cái thấy từ bờ kia. Chúng tôi tìm thấy một đoạn kinh diễn tả khá đầy đủ về đề tài này trong phẩm “Diệu Tướng”, Hội thứ III, ĐBN. Phật bảo như sau:

- ... Thế gian ngu phu dị sanh vô văn ở trong mộng dính mắc mộng, dính mắc kẻ thấy mộng, nói rộng cho đến ở nơi thành Tầm hương dính mắc thành Tầm hương, cũng dính mắc kẻ thấy. Ngu phu dị sanh vô văn đắc mộng… như thế rồi, điên đảo chấp trước, hoặc thân ngữ ý hành tạo nghiệp bất thiện, hoặc thân ngữ ý hành tạo nghiệp thiện, hoặc thân ngữ ý hành tạo nghiệp vô ký, hoặc thân ngữ ý hành tạo nghiệp phi phước, hoặc thân ngữ ý hành lại tạo nghiệp phước, hoặc thân ngữ ý hành tạo nghiệp bất động. Bởi các hành, nên qua lại sanh tử chịu khổ vô cùng.

Các đại Bồ Tát hành Bát Nhã sâu xa, an trụ hai thứ Không mà quán sát các pháp, đó là tất cánh Không (Không tối hậu, Không ‘rốt ráo’)vô tế Không (Không không biên tế). Đại Bồ Tát này an trụ trong hai Không như thế, vì các hữu tình mà tuyên nói chánh pháp, bằng những lời như vầy: “Sắc cho đến thức là Không, vô sở hữu. Mười hai xứ cho đến mười tám giới là Không, vô sở hữu. Nhãn xúc cho đến ý xúc là Không, vô sở hữu. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra là Không, vô sở hữu. Địa giới cho đến thức giới là Không, vô sở hữu. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên là Không, vô sở hữu. Các pháp theo duyên sanh ra là Không, vô sở hữu. Các pháp như vô minh cho đến lão tử… là Không, vô sở hữu”.

Lại nói như vầy: “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức như mộng, cho đến như thành Tầm hương đều không có tự tánh. Mười hai xứ, mười tám giới như mộng, cho đến như thành Tầm hương đều không có tự tánh. Địa giới cho đến thức giới như mộng, cho đến như thành Tầm hương đều không có tự tánh. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên như mộng, cho đến như thành Tầm hương đều không có tự tánh. Các pháp theo duyên sanh ra như mộng, cho đến như thành Tầm hương đều không có tự tánh. Các pháp như vô minh cho đến lão tử… như mộng, cho đến như thành Tầm hương đều không có tự tánh”.

Lại nói như vầy: “Trong đây không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có 12 xứ, không có 18 giới, không có địa giới cho đến thức giới, không có nhân duyên cho đến tăng thượng duyên, không có các pháp theo duyên sanh ra, không có các pháp vô minh cho đến lão tử…”

Lại nói như vầy: “Trong đây không có mộng, không có kẻ thấy mộng. Nói rộng, cho đến không có thành Tầm hương, không có kẻ thấy thành Tầm hương”. Lại nói như vầy: “Các pháp như thế đều không thật có, vô tánh là tánh. Vì sức hư dối phân biệt của các ngươi nên đối với sắc uẩn cho đến thức uẩn không thật có, lại thấy có sắc uẩn cho đến thức uẩn. Đối với mười hai xứ cho đến mười tám giới không thật có, lại thấy có mười hai xứ cho đến mười tám giới. Đối với địa giới cho đến thức giới không thật có, lại thấy có địa giới cho đến thức giới. Đối với nhân duyên cho đến tăng thượng duyên không thật có, lại thấy có nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Đối với các pháp theo duyên sanh ra không thật có, lại thấy có các pháp theo duyên sanh ra. Đối với các pháp vô minh cho đến lão tử… không thật có, lại thấy có các pháp vô minh cho đến lão tử…”. Lại nói như vầy: “Tánh của tất cả pháp uẩn, xứ, giới… đều theo các duyên hòa hợp tạo nên. Kẻ điên đảo vọng khởi, nhiếp thọ các nghiệp dị thục. Đối với pháp hư vọng đây không thật, vì duyên cớ gì mà các ngươi khởi tưởng thật có?”

 (...)Phật bảo tiếp:

“... Các đại Bồ Tát hành Bát Nhã sâu xa thật là hiếm có. Tuy biết tánh các pháp đều rốt ráo Không, vô tế Không, đều chẳng thật có, như mộng cho đến như thành Tầm hương, tự tướng vốn không, vô tánh là tánh, nhưng vẫn an lập các pháp môn như thiện, phi thiện…, chẳng tạp loạn nhau.

Như các ngươi biết, các đại Bồ Tát hành Bát Nhã sâu xa có pháp hy hữu rất lạ, Thanh văn, Độc giác đều chẳng thể thành tựu, chẳng thể so lường được. Đối với việc làm của các đại Bồ Tát, Độc giác và Thanh văn các ngươi còn chẳng thể báo đáp, huống nữa là hữu tình khác có thể đền trả được sao”!

Tất cả đề mục này được thảo luận trong LUẬN #3 về cái thấy tạm gọi là từ bờ kia. Tánh Không Bát Nhã gói trọn trong luận giải này. Nếu hiểu được thì có thể nói là thông đạt Bát Nhã hay nói khác là đắc Bát Nhã Trí.

 

 

1. Tất cả pháp không thật, hư ngụy…(nói về thực thể):

 

Có lẽ đề tài “các pháp không thật” là một đề tài gần như chỗ nào trong Đại Bát Nhã Phật cũng đều xiển dương. Hầu như 22 năm thuyết Bát Nhã, Phật rát hầu rã họng vì “cái thấy này” và mục đích dạy bảo trao truyền của Ngài không ngoài cảnh tỉnh chúng sanh đừng ném cái nhìn ngây ngô trên muôn sự muôn vật mà phải chịu nhiều khổ lụy thân tâm. Đoạn kinh của phẩm “Diệu Tướng” nói trên thuyết rằng: “Các pháp như thế đều không thật có, vô tánh là tánh. Vì sức hư dối phân biệt của các ngươi nên đối với sắc uẩn cho đến thức uẩn không thật có, lại thấy có sắc uẩn cho đến thức uẩn. Đối với mười hai xứ cho đến mười tám giới không thật có, lại thấy có mười hai xứ cho đến mười tám giới. Đối với địa giới cho đến thức giới không thật có, lại thấy có địa giới cho đến thức giới. Đối với nhân duyên cho đến tăng thượng duyên không thật có, lại thấy có nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Đối với các pháp theo duyên sanh ra không thật có, lại thấy có các pháp theo duyên sanh ra. Đối với các pháp vô minh cho đến lão tử… không thật có, lại thấy có các pháp vô minh cho đến lão tử…”

Tất cả pháp nói chung đều không thật có, do nhiều duyên hòa hợp, chỉ do hư dối phân biệt tạo ra... Đây là cái khó thấy khó giác của người trần tục. Tuy nhiên, nếu tu mà có cái thấy cái biết như vậy thì có thể tháo gở mọi hệ lụy thế gian.

 

Phẩm “Thí Bình Đẳng”, quyển 532, Hội thứ III, ĐBN. “Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát khi hành sâu Ba la mật, đối với tất cả pháp thông suốt thật tướng cũng lại như vậy, thông suốt các pháp đều không thật có, tánh tướng đều không”.

Đó là điểm cần phải quán sát liên tục khi học Bát nhã Ba la mật:

 

Phẩm “Thật Ngữ”, quyển 459, Hội thứ II, ĐBN diễn tả một cách gẫy gọn và chân xác về bản tánh của tất cả pháp (hay pháp tánh). Phật bảo:

 “(…) Tất cả pháp Tánh không kẻ năng chứng, không kẻ năng kiến, không kẻ năng tri, không động, không tác. Vì sao? Vì tất cả pháp đều như hư không, không có tác dụng, vì năng lấy bị lấy tánh viễn ly vậy. Vì tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, vì năng sở nghĩ bàn tánh xa lìa vậy. Vì tất cả pháp đều như huyễn như mộng..., nhiều duyên hòa hợp giả có. Vì tất cả pháp không kẻ tác thọ, vọng hiện như có, nhưng không bền chắc vậy”.

Vì vậy, ĐBN chỗ nào cũng thuyết: “Tất cả pháp đều không thật có, hư ngụy, do duyên hợp giả có, không có tự tánh nên bảo là không”. Người thế gian không thể nhận thấy điều này chỉ có Thánh giả đã ngộ chơn như thật tướng các pháp mới có cái thấy biết như thế. Nên gọi cái thấy từ bờ kia.

Tất cả pháp đều do duyên hợp giả có, không có tự tánh, đương thể tức không. Nếu không thật thể thì không phải là thật vật. Nếu không phải thật vật thì không nên dựa vào đó phân biệt chấp trước nữa. Tâm mới được an tịnh.

 

 

2. Thi thiết: Danh giả, pháp giả và thọ giả

(nói về danh tướng):

 

- Phẩm “Vô Biên Tế”, Hội thứ II, ĐBN. Thiện Hiện nói:

- “Xá lợi Tử! Như tên sắc chỉ là tạm mượn mà có, tên thọ, tưởng, hành, thức cũng chỉ là tạm mượn mà có. Vì sao? Vì sắc chẳng phải là tên, tên chẳng phải là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là tên, tên chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức. Trong sắc v.v... không có tên, trong tên không có sắc v.v... Chẳng hợp, chẳng tan, chỉ là giả lập. Vì sao? Vì tự tánh của sắc v.v... và tên đều là không. Trong tự Tánh không, hoặc sắc v.v... hoặc tên đều vô sở hữu bất khả đắc.

Này Xá lợi Tử! Tên các Bồ Tát cũng như vậy, chỉ là tạm mượn mà có. Do đây nên nói các Bồ Tát chỉ có giả danh hoàn toàn không có tự tánh”.

Tên là do con người đặt ra nó không phải là thật thể, chỉ là tên gọi để phân biệt vật nọ với vật kia, người nọ người kia v.v... Vậy, mới nói tên không phải là thật vật. Tên chỉ là cái vay mượn từ bên ngoài.

 

- Phẩm “Ma Ha Tát”, Hội thứ I, ĐBN: “Nếu đại Bồ Tát, lấy tâm tương ưng Nhất thiết trí trí và lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, quán sát như thật: Sắc chỉ có giả danh; mười hai xứ, mười tám gii chỉ có giả danh, mượn lời để nói; vì uẩn, vì mười hai xứ, mười tám gii chẳng thể nắm bắt được, chỉ có giả danh, mượn lời để nói; vì mười hai xứ, mười tám gii, tứ thiền, tứ định, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao chỉ có giả danh, mượn lời để nói, chẳng thể nắm bắt được...”

Các pháp không thật, hư ngụy, không có chủ thể, không thể tự sanh chỉ do duyên hòa hợp mà có, nên nói là giả có tức không. Đó là quan niệm về duyên sanh tức nói về nguyên do sanh thành của các pháp. Còn nói các pháp là giả danh, mượn lời để nói là thuyết về danh tướng các pháp, tức là nói cái vẽ bề ngoài của các pháp. Cây cỏ hay con người cũng vậy, tên chỉ là giả danh, dùng để gọi do con người đặt ra mục đích giúp tiện ích trong việc trao đổi nói năng.

 

- Nên phẩm “Vô Sở Đắc”, quyển 64, Hội thứ I, ĐBN. Nói: “Danh của đại Bồ Tát chỉ là cái được thâu nhiếp (thu nhận) từ bên ngoài. Như danh của tất cả pháp cũng chỉ là cái được thâu nhiếp từ bên ngoài, ở trong mười phương, ba đời, không từ đâu đến, không đi về đâu, cũng không trụ đâu; trong tất cả pháp không có danh, trong danh không có tất cả pháp, chẳng phải hợp, chẳng phải ly, chỉ giả bày ra. Vì sao? Vì tất cả pháp cùng với danh, tự tánh đều là không; trong cái không của tự tánh, hoặc tất cả pháp, hoặc là danh đều vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được, nên danh đại Bồ Tát cũng lại như vậy, chỉ là cái được thâu nhiếp từ bên ngoài. Do duyên cớ này, nên nói là đại Bồ Tát chỉ có giả danh.

Như cái danh ngũ uẩn, chỉ là cái được thâu nhiếp từ bên ngoài, ở trong mười phương, ba đời, không từ đâu đến, không đi về đâu, cũng không trụ ở đâu; trong ngũ uẩn không có danh, trong danh không có ngũ uẩn, chẳng phải hiệp, chẳng phải ly, chỉ giả bày ra. Vì sao? Vì ngũ uẩn cùng với danh, tự tánh đều không; trong cái không của tự tánh, hoặc ngũ uẩn hoặc danh, đều vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; trong đại Bồ Tát không có danh; trong danh không có đại Bồ Tát, chẳng phải hiệp, chẳng phải ly, chỉ giả bày ra. Vì sao? Vì đại Bồ Tát cùng với danh, tự tánh đều không; trong cái không của tự tánh, hoặc đại Bồ Tát hoặc danh, đều vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Do duyên cớ này, nên nói là đại Bồ Tát chỉ có giả danh”.

Kinh thường nói “ngũ uẩn tức thị Bồ Tát ”. Danh của Bồ Tát cũng do người ta đặt ra, danh của ngũ uẩn cũng là cái tên được thu nhiếp từ bên ngoài. Tất cả pháp cùng với danh, tự tánh đều không. Trong cái không tự tánh hoặc Bồ Tát hoặc ngũ uẩn hoặc danh, đều vô sở hữu không thể nắm bắt được. Do duyên cớ đó nên nói đại Bồ Tát, chỉ là giả danh.

 

- Phẩm “Học Quán”, quyển 04, Hội thứ I, ĐBN nói:

“... chỉ có tên gọi là Bồ đề; đây, chỉ có tên gọi là Tát đỏa; đây, chỉ có tên gọi là Bồ đề tát đỏa; đây, chỉ có tên gọi nên gọi đó là không; đây, chỉ có tên gọi đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; tự tánh là như vậy, không sanh không diệt, không nhiễm không tịnh. Đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã như vậy, chẳng thấy sanh, chẳng thấy diệt, chẳng thấy nhiễm, chẳng thấy tịnh. Vì sao? Chỉ vì giả lập khách danh, tạm đặt cái tên đối với các pháp để phân biệt; rồi theo cái giả lập đó, khởi lên ngôn thuyết, gọi như thế này, như thế kia, nên sanh khởi chấp trước thế này, thế nọ. Khi đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã, đối với tất cả những cái như thế, chẳng thấy có; do chẳng thấy có, mà không sanh chấp trước”.

Danh tướng chỉ do con người nghĩ tưởng đặt ra. Vậy, danh tướng chỉ là những biểu tượng của thực thể, chứ không phải là thực thể. Vì vậy, tất cả đối tượng của nghĩ tưởng đều nằm trong tương quan đối đãi của tri thức thường nghiệm nên nói là giả danh.

 

- Phẩm “Tam Giả”, quyển thứ 02, MHBNBLMĐ, La Thập dịch: “Ví như bóng vang, mộng ảo, diệm hóa đều do hòa hợp mà có, chỉ dùng danh tự để nói, những thứ ấy cùng danh tự vốn bất sanh, bất diệt, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải giữa. Bát nhã Ba la mật cùng Bồ Tát và tên Bồ Tát cũng như vậy, đều do hòa hợp mà có, là bất sanh, bất diệt, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa.

Nầy Tu Bồ Đề! Phải học tập như vầy: Đại Bồ Tát thực hành Bát nhã Ba la mật, danh tự của Bát nhã Ba la mật cùng sự nhẫn thọ Bát nhã Ba la mật và chính pháp Bát nhã Ba la mật đều là giả thi thiết có (giả lập).

Lúc thực hành Bát nhã Ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thấy sắc danh tự cùng thọ, tưởng, hành, thức danh tự là thường, là vô thường, là khổ là lạc, là ngã là vô ngã, là cấu là tịnh; cũng chẳng thấy danh tự năm uẩn nầy là không, là vô tướng, là vô tác, là tịch diệt, là sanh, là diệt, là ở trong, ở ngoài, ở giữa.

Như năm uẩn, nhãn căn, sắc trần, nhãn thức, nhãn xúc sanh ra những cảm thọ, nhẫn đến ý căn, pháp trần, ý thức, ý xúc cùng nhơn duyên của ý xúc sanh ra những cảm thọ cũng lại như vậy. Đại Bồ Tát đều chẳng thấy là thường, là vô thường nhẫn đến chẳng thấy ở trung gian. Tại sao vậy? Vì lúc thực hành Bát nhã Ba la mật, đại Bồ Tát ở trong tánh hữu vi, trong tánh vô vi đều không thấy Bát nhã Ba la mật cùng Bồ Tát và tên Bồ Tát. Đối với những pháp nầy, đại Bồ Tát chẳng móng niệm phân biệt.

Thực hành Bát nhã Ba la mật, đại Bồ Tát nầy an trụ trong bất hoại pháp, lúc tu tứ niệm xứ cho đến lúc tu mười tám pháp bất cộng, chẳng thấy Bát nhã Ba la mật cùng danh tự của Bát nhã Ba la mật, chẳng thấy Bồ Tát cùng danh tự của Bồ Tát.

Lúc thực hành Bát nhã Ba la mật đại Bồ Tát phải biết danh tự là giả thi thiết. Đã biết danh tự là giả thi thiết rồi thời chẳng chấp trước nơi sắc, chẳng chấp thọ, tưởng, hành, thức v.v... Tại sao vậy? Vì những pháp nầy đều là rỗng không nên chẳng có người chấp trước, chẳng có pháp bị chấp trước, chẳng có chỗ để chấp”.

Nhng dẫn chứng trên đủ đưa đến kết luận: Tất cả cái gì do con người đặt tên, có danh xưng do thế tục dùng ngôn ngữ để trao đổi từ hữu pháp đến vô pháp, từ phương hướng đến thời gian…tất cả mọi sự, mọi vật có tên gọi, theo Đại Bát Nhã chúng không thật, là pháp giả, danh giả, thọ giả chỉ có tên gọi, do trí tưởng đặt ra, nên nói chung là giả lập, không thể nắm bắt được.

Nhưng “thực phi danh bất ngộ”, có nghĩa danh không phải là thực thể, nhưng rời danh thì cũng không thể biết đến thực thể. Nên nói cái danh xác định cái thực. Xác định ở đây có nghĩa là tri nhận sự hiện hữu của thực thể qua cảm quan và ý thức, chứ không qua tự tánh của chính nó. Vì vậy, nếu nghĩ đến danh chấp danh, nghĩ tới tướng ôm cứng tướng, nghĩ tới không chấp chặt không là rơi vào mê mờ. Nếu xuyên qua danh tướng mà quay lại thấy tâm, thấy rỗng không, vô trụ, vô thủ, bất khả đắc thì chẳng thấy người chấp, chẳng thấy pháp bị chấp, chẳng có chỗ để chấp.

 

 

3. Như huyễn, như mộng...

 

Để hiểu như thế nào là như huyễn như mộng, chúng ta có thể lấy đoạn kinh của phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 598, Hội thứ XVI, trước khi Phật chấm dứt thuyết giảng ĐBN này, Phật bảo:

- “Này Thiện Dũng Mãnh! Vì tất cả pháp chẳng thể tùy lấy, chẳng thể chấp thọ, không năng tùy lấy không năng chấp thọ. Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Không có chút pháp nào khá chấp thọ, cũng không chút pháp năng chấp thọ. Vì sao? Vì hoặc năng chấp thọ hoặc sở chấp thọ đều chẳng thể đắc. Thiện Dũng Mãnh! Vì tất cả pháp đều chẳng chắc thật như việc huyễn vậy. Vì tất cả pháp đều tánh chẳng tự tại, trơ lì chẳng thể đắc vậy. Vì tất cả pháp đều như bóng sáng chẳng thể lấy vậy.Vì tất cả pháp thảy đều hư ngụy, không tự tánh vậy. Vì tất cả pháp đều như nhóm bọt chẳng thể bắt nắm vậy. Vì tất cả pháp đều như bọt nổi khởi rồi chóng diệt vậy. Vì tất cả pháp như quáng nắng do điên đảo mà sanh. Vì tất cả pháp đều như cây chuối, lõi không chắc thật vậy. Vì tất cả pháp đều như trăng trong nước chẳng thể bắt lấy vậy. Vì tất cả pháp đều như cầu vồng hư dối phân biệt vậy. Vì tất cả pháp đều không có tác dụng nên không thể phát sanh. Vì tất cả pháp đều như nắm tay rỗng không nên tánh, tướng nó không thật.

Này Thiện Dũng Mãnh! Các Bồ Tát sau khi quán sát như vậy rồi, đối với tất cả pháp không thủ, không chấp, không trụ và không trước. Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ Tát giữ gìn lòng tin sâu sắc đối với tất cả pháp, không còn chấp trước, không chấp chặt, không tham ái là hành Bát nhã Ba la mật. Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ Tát hành như vậy, trụ như vậy mà tu hành Bát nhã Ba la mật thì mau được viên mãn.

Lại nữa, này Thiện Dũng Mãnh! Khi các Bồ Tát học như vậy là không học về uẩn xứ giới; không vượt qua uẩn xứ giới mà học. Không học về uẩn xứ giới sanh; không học về uẩn xứ giới diệt. Không vì nhiếp phục uẩn xứ giới mà học; không vì không nhiếp phục uẩn xứ giới mà học. Không vì uẩn xứ giới nhiếp phục hay chuyển dời mà học; không vì uẩn xứ giới hướng vào hay an trụ mà học”.

Đối với tất cả pháp đều như trò huyễn thì nắm bắt cất giữ làm gì. Khi quan sát giác biết như thế đối với tất cả pháp không thủ, không chấp, không trụ, không trước nữa. Đó là chủ đề cần thảo luận các pháp như huyễn như mộng... ở đây.

 

1- Thế nào là như huyễn như mộng trong kinh điển thuộc hệ Bát Nhã:

 

Trong Kinh Đại Bát Nhã hay Kinh Phật nói chung khi đề cập đến huyễn hóa hay mộng mị v.v... là nói về 10 thí dụ (thập dụ) để hiển bày vạn hữu (vật) “đều không” và thân (con người) là “vô thường”, như sau:

 

Vạn hữu (Vật) đều không giống như: 1. Huyễn dụ (Phạm: Màyà-upama): Dụ các pháp không thật có, như những vật do nhà ảo thuật làm ra. 2. Diệm dụ (Phạm: Marìci-upama): Dụ các pháp không thật có, như sóng nắng (dương miễm). 3. Thủy trung nguyệt dụ (Phạm: Udaka-candra-upama): Dụ các pháp không thật có, như bóng trăng trên mặt nước. 4. Hư không dụ (Phạm: Àkàzaupama): Dụ các pháp không thật có, như hư không. 5. Hưởng dụ (Phạm: Pratizrutka): Dụ các pháp không thật có, chỉ như tiếng vang trong hang núi... 6. Kiện thát bà thành dụ (Phạm: Gandharva-nagara-upama): Dụ các pháp không thật có, như lâu đài trên mặt biển do hơi con thẩn (loại sò lớn) sinh ra. 7. Mộng dụ (Phạm: Svapna-upama): Dụ các pháp không thật có, như cảnh mộng. 8. Ảnh dụ (Phạm: Pratibhàsaupama): Dụ các pháp không thật có, như bóng sáng, có đó mà không nắm bắt được. 9. Kính trung tượng dụ (Phạm: Pratibimba-upama): Dụ các pháp không thật có, như hình bóng trong gương. 10. Hóa dụ (Phạm: Nirmita-upama): Dụ các pháp không thật có, như các vật do sức thần thông biến hóa ra hay trò ảo thuật.

 

Thân (Con người) là vô thường. 1. Thân này như đám bọt nước, không thể nắm bắt. 2. Thân này như bong bóng trên mặt nước, tồn tại không bao lâu. 3. Thân này như ngọn lửa, từ khát ái mà sinh. 4. Thân này như cây chuối, không cứng chắc. 5. Thân này như huyễn, từ điên đảo mà sinh. 6. Thân này như mộng, do hư vọng mà thấy. 7. Thân này như bóng sáng, từ nghiệp duyên hiện. 8. Thân này như tiếng vang, thuộc các nhân duyên. 9. Thân này như đám mây nổi, hiện ra đó rồi tan biến trong chốc lát. 10. Thân này như tia chớp, biến diệt trong nháy mắt(1).

Đây có thể xem là định nghĩa chân xác và ngắn gọn của thập dụ để diễn tả cái không và vô thường của toàn bộ các pháp hữu vi [vạn hữu(Vật) và thân(Con người)].

 

Phần “Na Già Thất Lợi” thuộc hội thứ VII, Phật nói kệ:

 

Tất cả pháp hữu vi

Như sao nhòa, đèn huyễn,

Sương, bọt, mộng, chớp, mây,

Nên quán sát như thế.

 

Bốn bản dịch của các Ngài: Bồ Đề Lưu Chi, Chân Đế, Cấp Đa và Nghĩa Tịnh, cũng giống như Ngài Huyền Trang dịch bài kệ nói trên thường xử dụng 9 thí dụ như: Tinh (tinh tú, sao), Ế (ảo ảnh của mắt bị bệnh), Đăng (đèn), Ảo (ảo thuật), Lộ (sương mai), Bào (bóng nước), Mộng (chiêm bao), Điện (ánh chớp), và Vân (đám mây) để diễn tả cái không và vô thường của toàn bộ các pháp hữu vi. Nguyên bản bằng tiếng Phạn cũng dùng 9 thí dụ như thế:

 

Những hòa hiệp mà có,

Như sao, mù, đèn, huyễn,

Sương, bọt, mộng, điện, mây,

Nên khởi quán như thế.

 

Nhưng bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập thì chỉ xử dụng 6 thí dụ mà thôi: Chiêm bao(mộng), ảo thuật(ảo), bóng nước(bào), sương mai(lộ) và ánh chớp(điện):

 

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng ảo bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.

 

Lối dịch của Ngài La Thập ngắn gọn hơn. Vì vậy, Quý độc giả thấy trong các Kinh thuộc hệ Bát Nhã hay các Kinh Phật có hai bài kệ khác nhau như trên.

Vậy, khi học về các pháp như huyễn như mộng của mục này phải hiểu là Kinh Đại Bát Nhã muốn nói về 6 thí dụ hay 9 thí dụ, trình bày trong các bài kệ ở trên. Tuy nhiên, trong Kinh điển Phật học, nhiều Kinh nói đến thập dụ hay nhiều hơn thế nữa.

 

Lưu ý: Cũng xin lặp lại rằng trong tất cả 600 quyển ĐBN, quyển Kinh nói về như huyễn như mộng hay nhất và thâm thúy nhất có lẽ là quyển 576, phần “Na Già Thất Lợi”, Hội thứ VIII. Nếu Quý vị độc giả có hứng thú xin đọc lại phần “Na Già Thất Lợi”, quyển 576, Hội thứ VIII, Đại Bát Nhã Ba La Mật.

 

2- Giáo lý về như huyễn:

 

- Phẩm “Chư Thiên Tử”, quyển 81, Hội thứ I, ĐBN: Chư Thiên Tử hiện diện trong pháp hội nghĩ rằng:

“... ngôn ngữ lời chú của hàng Dạ Xoa còn có thế hiểu biết được, nhưng luận giải của Tôn giả Thiện Hiện về Bát Nhã, chúng tôi trọn chẳng hiểu chi cả.

Thiện Hiện thầm biết tâm niệm của các Thiên tử, nên nói: Thiên tử các ngươi, những lời ta thuyết các ngươi chẳng hiểu được ư?

Các Thiên tử thưa: Đúng vậy! Bạch Đại đức!

Cụ thọ Thiện Hiện lại bảo: Ta chưa từng thuyết một chữ, các ngươi cũng chẳng nghe, thời làm sao mà hiểu được. Vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật thậm thâm, văn tự ngôn thuyết thảy đều xa lìa. Nên trong đây, người thuyết, người nghe và kẻ hiểu đều chẳng khá được. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, tướng ấy thậm thâm cũng lại như vậy.

Này các thiên tử! Như đức Phật biến hóa ra một hóa nhơn. Hóa nhơn nầy lại biến hóa ra bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ, ở giữa bốn bộ chúng nầy, hóa nhơn thuyết pháp. Các ông nghĩ sao, trong đó có thuyết giả, có thính giả, có tri giả chăng?

Chư thiên Tử nói: Dạ không! Bạch Đại Đức!

Cụ thọ Thiện Hiện nói: Nầy các Thiên tử! Tất cả pháp đều như biến hóa. Trong Bát Nhã, người thuyết, người nghe và kẻ năng hiểu đều chẳng khá được.

Các Thiên tử phải biết, như ở trong mộng, mộng thấy có Phật dạy bảo trao truyền cho Bồ Tát, Thanh văn. Các ông nghĩ sao? Trong ấy có thật kẻ năng thuyết, kẻ năng nghe và kẻ năng hiểu chăng?

Các Thiên tử thưa: Dạ không! Bạch Đại đức!

Thiện Hiện bảo rằng: Như thế, Thiên tử! Tất cả pháp đều như mộng vậy. Trong Bát Nhã, người thuyết, người nghe và kẻ năng hiểu đều chẳng khá được.

Các Thiên tử phải biết, như có hai người ở trong một hang núi, mỗi người ngồi mỗi mặt, tán Phật Pháp Tăng, đồng thời phát ra tiếng vang. Các ông nghĩ sao? Hai tiếng vang này năng nghe lẫn nhau, hiểu lẫn nhau chăng?

Các Thiên tử thưa: Dạ không! Bạch Đại đức!

Thiện Hiện bảo rằng: Như thế, Thiên tử! Tất cả pháp đều như tiếng vang vậy. Trong Bát Nhã, người thuyết, người nghe và kẻ năng hiểu đều chẳng khá được.

Các Thiên tử phải biết, như huyễn sư giỏi hoặc đệ tử y, ở giữa ngã tư đường hóa hiện bốn chúng và một thân Phật ngồi giữa thuyết pháp. Các ông hiểu sao? Trong ấy có thật kẻ năng thuyết, kẻ năng nghe và kẻ năng hiểu chăng?

Các Thiên tử thưa: Dạ không! Bạch Đại đức!

Thiện Hiện bảo rằng: Như thế, Thiên tử! Tất cả pháp đều như huyễn vậy. Trong Bát Nhã, người  thuyết, người nghe và kẻ năng hiểu đều chẳng khá được”.

Tất cả pháp đều như biến hóa, đều như mộng, như tiếng vang, như trò huyễn, giống như huyễn sư giỏi hoặc đệ tử y, ở giữa ngã tư đường hóa hiện bốn chúng và một thân Phật ngồi giữa thuyết pháp. Trong ấy có thật kẻ năng thuyết, kẻ năng nghe và kẻ năng hiểu chăng? Không! Tất cả pháp đều như huyễn vậy. Trong Bát Nhã, người thuyết, người nghe và kẻ năng hiểu đều chẳng khá được.

 

- Cùng phẩm trên, quyển 82, Thiện Hiện thuyết tiếp:

“Các Thiên tử hỏi Thiện Hiện rằng: Nay Tôn giả chỉ thuyết chỗ thấy ngã thảy, sắc v.v… cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như huyễn như hóa như mộng, hay cũng thuyết chỗ thấy mầu nhiệm vắng lặng rốt ráo Niết bàn như huyễn như hóa như mộng?

Thiện Hiện đáp: Các Thiên tử! Chẳng những thuyết chỗ thấy ngã thảy, sắc v.v… cho đến Vô Thượng Bồ đề như huyễn như hóa như mộng, mà cũng lại tuyên thuyết chỗ thấy mầu nhiệm vắng lặng rốt ráo Niết bàn như huyễn như hóa như mộng. Thiên tử phải biết, nếu lại có pháp nào cao hơn Niết bàn, tôi cũng thuyết là như huyễn như hóa như mộng. Vì huyễn hóa mộng cùng với tất cả pháp cho đến Niết bàn thảy đều không hai, không khác”.

Đó là nói về các pháp: Vô Thượng Bồ đề cũng như huyễn, như hóa, như mộng, không những thế mà cả Niết bàn vắng lặng nhiệm mầu cũng như huyễn như mộng.

 

- Phần “Na Già Thất Lợi”, quyển 576, Hội thứ VIII, ĐBN. Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi nói với Bồ Tát Na Già Thất Lợi:

- “Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như Ngài đã nói. Như người trong mộng, tuy nói là đến đi, dừng nghỉ ở khắp nơi, nhưng thật không có đi đứng ngồi nằm, cũng không thật có chỗ để đến đi. Bồ Tát cũng thế, tuy trong lúc tỉnh, có tu hành mà không tưởng hành. Quán hạnh sở hành bản tánh đều Không. Đối với các pháp không có nắm giữ. Thông đạt tất cả pháp đều không có tướng trạng, không tàng chứa, không thủ giữ, đồng với hư không v.v… Bản tánh không, vắng lặng. Nếu các Bồ Tát hành được như thế, không có nắm giữ, lìa các hý luận, thì đó là ruộng phước chơn tịnh cho trời, người…, xứng đáng nhận sự cúng dường, cung kính của thế gian”.

Kết quả của cái thấy như huyễn như mộng là như thế đó. Một khi thấy các pháp như huyễn như mộng thì thông đạt các pháp là không có tướng trạng, bản tánh không, vắng lặng không còn thủ giữ nắm bắt tham đắm nữa, thì không bị tùy thuộc hay bị trói tức được thong dong tự tại thôi.

 

- Phẩm “Thọ Giáo”, quyển 82, Hội thứ I, ĐBN. Nói:

(...) “Hữu tình như huyễn, vì kẻ như huyễn thuyết pháp như huyễn; hữu tình như hóa, vì kẻ như hóa thuyết pháp như hóa; hữu tình như mộng, vì kẻ như mộng thuyết pháp như mộng”.

 

Không những các pháp mà kể cả con người cũng như huyễn hóa như mộng. Vì vậy, để hiểu rõ các giáo pháp này. Thiền sư D.T. Suzuki bình giảng trong phần “Triết học trong Bát nhã Ba la mật đa, thuộc mục 7. nói về Bát Nhã và như huyễn”, như sau:

Từ quan điểm này, đương nhiên những người tuân hành Bát nhã Ba la mật kết luận rằng: Phật chỉ là danh tự giả tướng (namadheya-matram). Bồ Tát chỉ là danh tự giả tướng; Bát nhã Ba la mật đa cũng chỉ là danh tự giả tướng; vì hết thảy danh tự giả tướng đó vốn vô sinh (anabhinirvrita)”.

Danh tự chưa từng có sinh khởi thực thụ, chúng như hư không, không hề có dấu vết đến hay đi, và do đó hoàn toàn vượt ngoài mọi hình tướng danh sắc. Nói cách khác, hư không (akasa) tức Tánh không (Sunyata). “Pháp của Phật tùy thuận hết thảy các pháp, lìa hết thảy các chướng ngại, mà hết thảy các pháp vốn bất khả đắc. Cũng như hư không, lìa hết thảy các chướng ngại. Các pháp như hư không nên vượt ngoài hết thảy các ngôn thuyết. Các pháp là bình đẳng nên vượt ngoài mọi pháp phân hai. Các pháp vô sinh nên vượt ngoài pháp hiện khởi. Các pháp vốn vô diệt nên vượt ngoài pháp diệt tận. Các pháp vốn vô tướng nên vượt ngoài thủ tướng. Các pháp vốn vô xứ nên hết thảy xứ đều bất khả đắc”.

Từ những trích dẫn trên, người ta có thể cảm thấy như đang kéo ra kết luận rằng Pháp (Dharma) của các Kinh Bát nhã Ba la mật đa kỳ cùng là một thứ ảo ảnh, mộng mị, xa vời gần như đồng với vô thể. Nếu quán sát hết thảy các pháp tùy thuận Bát nhã Ba la mật đa tức quán sát chúng tùy thuận với Nhất thiết trí (Sarvajnata). Nếu quán sát hết thảy các pháp tùy thuận với Nhất thiết trí tức quán sát chúng tùy thuận với bản tính hư không (akasa). Và nếu thế, giáo pháp của Bát nhã Ba la mật đa kỳ cùng đáng gọi là giáo pháp về không vô, vô sở hữu, đích danh là thuyết Như Huyễn”(Mayavada), học thuyết nói về tính phi thực của vạn hữu. Cho nên, đừng lấy làm lạ Kinh không ngớt cảnh giác, độc giả chớ kinh ngạc, chớ sợ hãi, chớ khiếp đảm vì những nghĩa lý này, khi nghe về triết lý của thậm thâm Bát nhã Ba la mật đa (gambhira-prajnaparamita). Rồi, với những lý do đó, chúng ta đã có thể tuyên bố rằng Bát Nhã là như huyễn, như mộng, giả danh, và Đại thừa là một lâu đài xây trên bãi cát, được chưa? Nó chỉ là một trò chơi chữ với bòng bong bóng và tiếng vang? Một số học giả đã kết luận quả quyết như vậy, nhất là các học giả Tây phương. Khó mà đứng trên khái niệm về tính bất thực của vạn hữu và cũng khó mà nắm vạn hữu trong thực tính như như của chúng. Hiểu rõ thuyết Như Huyễn là nhận được như như của vạn hữu.

Dân Ấn lừng danh về tài huyễn thuật, đương nhiên các triết gia đạo Phật muốn vẽ ra bản chất mong manh của đời sống cũng dùng các lối huyễn thuật. Nhưng đừng hiểu lối nói của họ qua nghĩa đen. Chúng ta phải cố đạt tới ý nghĩa trung thực của nó. Như đã nhắc nhở nhiều lần, sức mạnh luận chứng mà Kinh Bát Nhã chọn nhắm đối trị mê lầm căn để trong cái nhìn của chúng ta thường ném vào thế giới thông tục cái nhìn duy thực ngây ngô. Khuôn mặt thực của thứ duy thực đó là coi thế giới như một thực tại thường trụ vĩnh viễn và nằm trơ ra đó ngược với những gì được nhận như là thế giới nội tại của tư tưởng, tình cảm và cảm giác, một thế giới được điều động bởi ngã linh hồn cô lập với những cái khác và tranh sống với chúng. Một trong những khí giới tuyệt hảo để hủy diệt sức mạnh của óc duy thực ngây thơ là tuyên bố rằng tất cả như Huyễn, và rằng không có trật tự vĩnh viễn cố định trong thế gian, rằng khái niệm phân đôi về hiện hữu nội tại và ngoại tại, hữu thể và vô thể v.v... là ảo tưởng, và rằng muốn đạt tới căn cơ chân thực của hiện hữu thì phải thức tỉnh Trí Bát Nhã nắm được cái bất khả đắc. Bởi vì chỉ bằng vào Trí Bát Nhã mới có thể điều chỉnh tất cả mọi thứ chấp thủ, dù tri thức hay tình cảm; và cũng nhờ đó mới có thể nhận chân như tính của hiện hữu và hành động theo đó. Kinh Bát nhã Ba la mật đa luôn luôn nhắm tới công dụng này cho nên triết lý của nó bất chấp tưởng tượng bốc cao, bất chấp bí nhiệm như sương mù.

Đạo Phật mà có ý nhận một nền triết lý nào đó, chỉ vì để bứng gốc rễ của phiền não (klesa) đã từng chôn chặt hoạt dụng thong dong vô ngại của Trí Bát Nhã. Phiền não bao giờ cũng nghiêng lệch, và tạo ra mọi hình thái chấp trước, rồi do phiền não và chấp trước mới tạo ra các hành vi tội lỗi qua ba ngã đường thân, miệng và ý, rồi chúng lại dẫn tới những tội diễn bất tận y như thế. Cho nên, chúng ta biết rằng những khoái lạc và đau khổ đang phải hứng chịu đây, chẳng có bản tính thường hằng nào cả; các đối tượng của khoái lạc và đau khổ cũng vậy, chúng giả tạm và biến thiên như huyễn. Hoàn toàn không có thực tại bất biến. Chúng chỉ là những giả tưởng, và phải thấy chúng là giả tướng chứ không có giá trị nào nữa. Đối với các giả tướng, chúng đang ở đó, và sự kiện đó đừng bao giờ quên lãng. Nhưng bám vào chúng lấy làm những cùng đích, người trí biết rõ lắm, vì con mắt Bát Nhã của họ đã mở rồi, rọi thẳng vào hang sâu của thực tại. Theo Ngài Long Thọ (Nagarjuna), trẻ thơ thấy mặt trăng trong nước, trong lòng nổi dậy ước muốn vớt trăng lên, rồi duỗi tay vào nước. Nhưng nào có nắm được nó đâu, nên quá đỗi phiền muộn. Bấy giờ người khôn mới dạy cho rằng cái thấy trong nước đó không thể nắm đuợc. Cũng vậy, không phải phủ nhận thế giới của những giả tướng; chỉ phủ nhận tính chất khả thủ khả đắc của nó. Thế giới sai biệt có đó, trước mặt kẻ trí cũng như người ngu; khác nhau chăng ở chỗ, trí thấy nó mà tâm không ôm cứng lấy, còn ngu thì dời xa một chút không nổi để vào cảnh giới của Tánh không. Bồ Tát đã nhận ra bức màn Như Huyễn như thế; chỉ những ai đang còn trong vòng trói buộc mới cho nó là có thực.

Vì vậy phải tựa trên hậu cứ của Tánh không hay Chân như mà hiểu thuyết Như Huyễn. Nếu không, Huyễn vẫn y nhiên là Huyễn, và những người theo đạo Phật sẽ không bao giờ biết đặt chân vào đâu, mặc dù không ai dám nói đặt chân vào cõi phân biệt. Nếu không giảng luận ra như thế, Như huyễn sẽ hoàn toàn vô nghĩa trong giáo pháp của Bát nhã Ba la mật đa. Câu nói: Cho đến Niết bàn cũng như huyễn như mộng, sẽ không hơn một câu trào lộng. Như huyễn là một chỉ điểm viên. Ai theo nó một cách thông minh sẽ thấy đằng sau màn bạc có một thế giới của những huyền diệu không thể tả và những thực tại “bất khả đắc”.

Lời bình giảng của Thiền sư D.T. Suzuky như trên quá trí tuệ. Tuy nhiên, với cái hiểu biết thông thường giữa đối thoại của Thiện Hiện và các Thiên tử cho chúng ta những cảm nghĩ như sau:

Nếu cho Niết bàn là huyễn, là mộng mị xa vời thì chúng ta còn có thể chấp nhận được. Vì Niết bàn dù sao cũng là cảnh giới vô vi, không thấy, không xúc chạm được. Còn con người hiện hữu bằng xương bằng thịt, có đi đứng nằm ngồi, có sống có chết mà cho là như huyễn như mộng, kể cả sông núi, nhà cửa, xe cộ... lúc nào cũng hiện hữu trước mắt ngày nọ tháng kia, “sờ sờ ra đó” mà bảo là như huyễn như hóa như mộng thì thật là phi lý, phải không?

Con người là con người, sông núi là sông núi lù lù trước mắt, không thể nói là giả, không thể nói là mộng mị xa vời. Nhưng cái thân bằng xương bằng thịt, có sống có chết, chỉ là duyên hội do ngũ uẩn, lục căn, tứ đại hợp lại. Nhưng một khi tứ đại tan rã thân hoại mệnh chung, thì cái Ta ở đâu? Nên nói thân tâm là giả có, vô thường, có đó rồi mất đó nên cho là huyễn, là mộng. Sông núi, nhà cửa, xe cộ... cũng thế. Nếu chúng thường hằng, bất biến thì không thể gọi là huyễn, là mộng! Nhưng tiếc thay, tất cả pháp hữu vi đều vô thường biến hoại, có cũng như không, như huyễn như mộng, như sương, như tuyết, giống như giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ... có đó rồi mất đó, tụ tán không ngừng. Phật nói như vậy để chúng sanh đừng ném cái nhìn ngây ngô trên muôn sự muôn vật mà khổ lụy bản thân khi phải đối diện với sanh thành hoại diệt, thành trụ hoại không hay phân ly phi tán.

Cái đáng qui trách to lớn làm chướng ngại tâm linh của cuộc đời thường chính là cảm quan và thức vọng, nó chẳng khác gì huyễn hóa, vì chính nó cũng là những gì do huyễn hóa tạo thành. Để tránh những sai lầm phát xuất từ các cảm quan và thức vọng giày xéo cuộc sống, nên Phật bảo tất cả pháp như huyễn, như mộng, như thành bằng hương khói v.v...

Vì vậy, Ngài Long Thọ lấy thí dụ: Trẻ thơ thấy mặt trăng trên nước, liền nổi lên lòng ước muốn vớt trăng lên, rồi duỗi tay vớt mặt trăng. Nhưng làm sao có thể vớt mặt trăng lên được, nên đem lòng phiền muộn. Mặt trăng trên mặt nước chỉ là bóng của mặt trăng trên bầu trời chứ không phải là mặt trăng thật. Trăng trên bầu trời là trăng thật chăng? Tất cả bóng trăng hiện trên sông hồ, ao rãnh hay bất cứ chỗ nào có nước, nhiều không thể kể hết, còn mặt trăng trên bầu trời chỉ có một. Chân lý thì chỉ có một, cái duy nhất một, còn cái râu ria, chỉ là những khía cạnh của chân lý.

Nói như vậy, cũng chưa hiểu cái “tận không”, cái “như huyễn” của Bát nhã Ba la mật! Trăng trên sông hồ, ao nước…không thật nó chỉ là huyễn mộng, nó không phải là chân lý. Câu nói này có thể chấp nhận được. Nhưng trăng trên bầu trời, là cái duy nhất một, là thật, là chân lý chăng? Trăng trên bầu trời cũng là huyễn mộng. Tất cả hữu vi pháp đều như huyễn như mộng. Thấy như thế, biết như thế là biết cái tận không của Bát Nhã. Đừng bắt bóng quên hình, bóng cũng từ hình mà có, có hình là có bóng. Bỏ hình bắt bóng chẳng phải hai chẳng phải khác, nó chỉ là ảo ảnh, phù du đừng vì nó mà phải chịu nhiều phiền muộn.

Thuyết như huyễn như mộng tới đây cũng đủ lắm rồi. Tuy nhiên, như huyễn ở một tầng sâu hơn cho chúng ta một thực chứng mới. Thực chứng này cho phép chúng ta đập tan nhận thức bấy lâu nay chúng ta cho là “duy thực” được dung dưỡng trong tâm trí của con người trần tục như một thứ trường tồn bất biến.

 

- Phần cuối quyển 49, phẩm “Giáp Bị Đại Thừa”, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo:

“Thiện Hiện! Như nhà ảo thuật hoặc đệ tử của y, ở trước đại chúng, nơi ngã tư đường, biến hóa thành các loại hữu tình nghèo khổ, cô độc, tật nguyền, bệnh hoạn; tùy theo nhu cầu của họ, đều biến hóa ra mà cho. Thiện Hiện! Theo ý ông việc biến hóa như vậy là có thật chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!

Phật bảo: Thiện Hiện! Đại Bồ Tát an trú bố thí Ba la mật, hoặc biến thế giới thành ngọc Phệ lưu ly, hoặc tự thân hóa làm Chuyển Luân vương v.v... tùy theo nhu cầu của loài hữu tình mà cho và vì họ mà tuyên nói pháp tương ưng sáu pháp Ba la mật, cũng lại như vậy, tuy có làm nhưng không thật có. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tánh của các pháp là không, đều như huyễn”.

Cho là cho một thứ gì như cơm ăn áo mặc. Đó là bố thí vật chất. Bố thí tinh thần là bố thí pháp, tức giúp người khác biết Phật pháp để họ có thể tu tập, để có thể giải thoát được những trầm luân khổ ải. Tuy có làm như vậy, trông như thật có, nhưng Kinh bảo tánh tất cả pháp thí là không, đều như huyễn? Tụng tiếp sẽ thấy câu trả lời.

 

- Nên, phẩm “Vô Sở Đắc”, quyển 70, Hội thứ I, ĐBN, Cụ thọ Thiện Hiện nói:

- “Xá Lợi Tử! Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã chẳng thấy các pháp có giác, có dụng mà thấy tất cả pháp như sự huyễn, như cảnh mộng, như ảnh tượng, như tiếng vang, như bóng sáng, như bóng nước, như hoa đóm trên hư không, như ảo thành, như trò biến hóa, đều chẳng phải thật có. Nghe nói bản tánh của các pháp đều không, trong lòng rất hoan hỷ”.

Giác là giác ngộ, dụng là công dụng. Giác ngộ như là “Thể” chỉ cho thắng nghĩa, tức là chỉ cho thế giới tĩnh chỉ, thế giới tuyệt đối. Còn “Dụng” thì biểu thị thế tục tương đối, tức là thế giới hiện tượng, khách quan. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thể và dụng, trên căn bản là “tức thể tức dụng”, nghĩa là đứng về phương diện tuyệt đối mà nói thì thể tức là dụng, dụng tức là thể. Đó là tánh chất “tương tức”, “tương nhập” của các pháp. Kinh ĐBN nói: “Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã chẳng thấy các pháp có giác, có dụng mà thấy tất cả pháp như như huyễn, như mộng…” Điều đó có nghĩa là khi Bồ Tát học và hành Bát Nhã chẳng thấy các pháp đem đến giác ngộ, cũng chẳng thấy pháp mang lại nhiều công ích, nghĩa là chẳng thấy thể, chẳng thấy dụng mà thấy các pháp là không giống như huyễn như mộng... thì trong lòng cảm thấy hoan hỷ.

Còn thấy giác, còn thấy dụng là còn thấy có chỗ để đắc, chỗ còn mất có không tức chấp tâm thủ tướng hay còn vướng mắc nên không thể tránh khỏi phiền muộn. Nếu thấy tất cả pháp là không thì tâm thể được tịch lặng an nhiên, nên nói là hoan hỷ!

 

- Phẩm “Chơn Thiện Hữu”, quyển 316, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo cụ thọ: “Này Thiện Hiện! Tất cả pháp đều lấy huyễn, mộng, tiếng vang, ảnh tượng, bóng sáng, bóng nắng, việc biến hóa, ảo thành làm chỗ hướng đến; đối với chỗ hướng đến ấy, chẳng thể siêu vượt. Vì sao? Vì trong huyễn, mộng… đến ảo thành, chỗ hướng đến, chẳng phải chỗ hướng đến đều chẳng thể nắm bắt được”.

Mục đích cuối cùng của việc tu tập là giải thoát, là Niết bàn. Nhưng giải thoát đi đâu? Giải thoát là vượt qua những trói buộc, những hệ lụy của cuộc sống; còn được Niết bàn là gì nếu không phải là được cái thường lạc ngã tịnh của cuộc sống hiện tại. Vì vậy, không có gì là siêu việt, kỳ đặc trong thế gian này. Đừng có nghĩ tưởng là có thể vượt qua và vượt trên những thứ ấy.

Một khi muốn vượt qua và vượt trên chỗ siêu việt và một khi đạt được siêu việt rồi thì siêu việt không còn ở đó nữa. Siêu việt bị giới hạn. Siêu việt chỉ trở thành siêu việt khi không có một giới hạn nào, nó là tuyệt đối không, là vô sở hữu, bất khả đắc. Nên Kinh nói: “rốt ráo là vô sở hữu chẳng thể nắm bắt được, huống là có chỗ hướng đến, chẳng phải chỗ hướng đến”.

Thật là ngược đời khi Phật bảo phải lấy huyễn mộng... của tất cả pháp làm chỗ hướng đến. Phật cốt phủ nhận tánh cách bất thực của tất cả pháp và nói rằng khi tri nhận các pháp chỉ là huyễn mộng... rồi thì sẽ thấy cái chân hiện ra, nhưng cái chân cũng chẳng phải là chỗ hướng đến vì tất đều không thể nắm bắt được. Cái chân cũng không phải là chỗ cuối cùng để hướng đến huống chi là huyễn mộng v.v... !

 

- Lên một tầng nữa, phần “Na Già Thật Lợi”, quyển 576, Hội thứ VIII, ĐBN. Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi (còn gọi là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ) nói với Bồ Tát Na Già Thất Lợi:

“Huyễn đối với pháp huyễn chẳng hợp chẳng tan, chẳng lấy chẳng bỏ, tự tánh đều Không. Chư Phật Thế Tôn nói tất cả pháp chẳng thể phân biệt, đều như huyễn mộng. Nay Ngài muốn chứng Vô thượng Bồ đề, há chẳng phải thành người phân biệt huyễn pháp! Nhưng tất cả pháp đều chẳng thể lấy, cũng chẳng thể bỏ, không thành không hoại, chẳng phải pháp đối với pháp có tạo tác và có diệt hoại. Không có pháp nào đối với pháp nào mà có hòa hiệp, có chia lìa. Vì sao? Vì tất cả pháp chẳng hợp chẳng tan, tự tánh đều không, lìa ngã, ngã sở, đồng cõi hư không, không nói, không chỉ, không khen, không chê, không cao, không thấp, không tổn, không ích, chẳng thể tưởng tượng, chẳng thể hý luận, bản tánh hư tịch, đều rốt ráo không, như huyễn như mộng, vô đối, vô tỉ, sao có thể khởi tâm phân biệt nó được.

Na Già Thất Lợi nói:

- Hay thay! Thưa Tôn giả! Nay do đây, nhất định tôi được Bồ đề. Vì sao? Vì nhờ Ngài đã nói pháp sâu xa cho tôi.

Mạn Thù Thất Lợi nói:

- Nay tôi chưa từng vì Ngài mà tuyên nói pháp gì hoặc hiển, hoặc mật, hoặc sâu, hoặc cạn, thì làm sao khiến Ngài chứng được Bồ đề! Vì sao? Vì tự tánh các pháp đều chẳng thể nói. Ngài bảo tôi nói pháp thậm thâm ấy tức là hành hý luận. Nhưng tôi thật chẳng phải kẻ thường nói pháp, tự tánh các pháp cũng chẳng thể nói”.

Mạn Thù Thất Lợi hay Văn Thù Sư Lợi là bậc đại trí trong hàng Bồ Tát (2) mới có thể giải thích cho Bồ Tát Na Gia Thất Lợi pháp tối cao này. Những điều Mạn Thù Thất Lợi nói đều thuộc thắng nghĩa đế và chúng ta học Phật cũng học trong thắng nghĩa này.

Chúng sanh bảo tất cả pháp là , tiểu thừa bảo tất cả pháp là không, Bồ Tát bảo tất cả pháp như huyễn. Thấy có, bảo có là cái thấy tương đối của Tục đế do cảm quan và thức vọng phân biệt tạo ra. Thấy không, bảo không, thấy như huyễn, bảo như huyễn là cái thấy tuyệt đối của Thánh giả. Khi không còn phân biệt chấp trước, không thấy pháp phân hai thì cái thấy của chúng sanh cùng đồng với cái thấy của Thánh giả. Phật nói có, nói không, nói huyễn nói mộng là tùy theo thế tục phương tiện thi thiết để khuyến dẫn chúng sanh đừng chấp các pháp hữu vi là thường hằng, bất biến mà mang nhiều phiền muộn, khổ lụy thân tâm.

Câu nói của Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi là câu nói đầy trí tuệ, cần phải luôn ghi nhớ khi tu hành Bát nhã Ba la mật. Ngày nào còn thấy tất cả pháp hữu vi là thật dù bằng đầu mảy lông sợ tóc thì ngày đó vẫn còn chìm nổi trong luân hồi sanh tử, chẳng khác gì con cá trong hồ lặn xuống trồi lên vùng vãy mà không thoát ra ngoài được!

 

Một đoạn Kinh khác cũng nằm trong phần “Na Già Thất Lợi”, quyển 576, Hội thứ VIII, giúp chúng ta hiểu các pháp như huyễn như thế nào mà không cần biện thuyết thêm nữa nếu không muốn bị mắng là hý luận. Mạn thù nói tiếp:

- “Từ xưa đến nay, tôi đối với tánh tướng của pháp, chưa từng tuyên thuyết, cũng chẳng phân biệt, nắm giữ hay tạo tác. Vì sao? Vì tánh tướng của các pháp chẳng thể nêu bày, chẳng thể phân biệt, chẳng thể nắm giữ, chẳng thể tạo tác. Tất cả hữu tình nếu như thật thấu rõ các pháp đều như huyễn hóa, thì lẽ ra đã chứng Vô thượng Bồ đề. Nhưng bởi hữu tình chẳng thông suốt tất cả pháp đều như huyễn hóa, nên trôi lăn sanh tử trong các cõi. Như nhà huyễn thuật, nương vào bất cứ vật nào cũng làm ra được các vật huyễn hóa, đó là thế gian, trời, Ma vương, Phạm thiên, Đế thích, Sa môn, Bà la môn, Phạm chí, các rồng, Dạ xoa, A tu la, chúng người chẳng phải người... Các loài ngu si, mê chấp cho là thật có. Huyễn sư, bậc trí đều biết không cho là có thật tánh, chỉ có các thứ tướng hư dối biến hiện.

Các pháp như vậy, tuy như huyễn như hóa, nhưng các loài hữu tình ngu si chẳng biết rõ, nên phi hữu cho là hữu, vô thường chấp là thường; ở trong các pháp phân biệt đủ loại: Như phân biệt sắc, hoặc phân biệt tâm, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu v.v... Phân biệt đủ thứ như vậy. Do sự phân biệt đây, nên đối với các pháp chẳng như thật biết đều như huyễn hóa. Bởi chẳng biết nên luân hồi sanh tử.   

Nếu các hữu tình đối với tất cả pháp như thật biết rõ đều như huyễn hóa, thì đối với Phật pháp lại chẳng tăng trưởng.Vì sao? Vì các loài hữu tình bản lai đều có diệu pháp của chư Phật, tất cả đã có như vậy nên không thối lui Phật trí. Do đó, các hữu tình đều có thể an lập nơi diệu pháp của Phật, tuệ giác không động, biết pháp Tánh không, không danh, không tướng, không nương, không trụ, không lấy, không chấp, không ngăn ngại, không dính mắc, giống như hư không, không tàng chứa, không nắm giữ, vô thượng vắng lặng, cùng cực vắng lặng, không sanh không diệt, không nhiễm không tịnh, không thành không hoại, chẳng có chẳng không. Do đó, ở trong thành nhẫn sâu xa, thường chẳng xa lìa diệu pháp của chư Phật. Vì sao? Vì diệu pháp của chư Phật lìa tánh, lìa tướng, không thể thi thiết, không thể tuyên thuyết, không thể nêu bày, khắp các loài hữu tình đều như hư không”.

 

Trong Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 43, “Vô Tác”, tập 4, quyển 64, cho chúng ta thấy thực tại ghê gớm hơn nữa:

 Ví như tiếng nói truyền trong hư không, chạm vàọ vách đá, dội trở lại, người nghe cảm tưởng như có hai âm, trong đó có một âm chánh và một âm vang; âm chánh là chân thật, âm vang là ngụy tạo, chẳng nên tin. Họ chẳng biết rằng cả hai âm đều là hư vọng, chẳng thật có.

Cũng như vậy, hết thảy các pháp, dù là phàm phu pháp, dù là Thánh pháp, đều là như mộng, như huyễn. Hàng tiểu Bồ Tát, do chưa được đầy đủ các lực phương tiện Bát nhã Ba la mật, nên chỉ biết phàm phu pháp là như mộng, như huyễn, nhưng vẫn còn chấp Thánh pháp là chân thật. Các bậc đại Bồ Tát biết rõ Bát nhã Ba la mật cũng như hết thảy các pháp đều là như mộng, như huyễn cả”.

Tiếng vọng từ hang núi là huyễn mà tiếng nói phát ra từ cửa miệng cũng là huyễn. Vậy, cái gì là thật trên đời này? Chẳng có gì là thật cả. Đây là câu trả lời phủ phàng nhất! Khi còn thấy một chút thật dù là sợi lông cọng tóc thì chưa thấy không. Chưa thấy không không, chưa thấy “tận không”, chưa được rốt ráo không. Tới đây, chúng ta phải nói: Tất cả mặt trăng trên ao hồ, sông biển v.v... không phải là chân lý mà chỉ là râu ria của chân lý, mặt trăng trên bầu trời mới là chân lý. Nói như vậy là nói “mớ”, chưa được gọi là rốt ráo không. Phải nói mặt trăng trên bầu trời ai cũng thấy hết cũng chẳng khác nào huyễn hóa... Vì sao? Vì mặt trăng hay trái đất mà chúng ta đang sống cũng là pháp hữu vi. Tất pháp hữu vi đều theo luật vô thường, rồi cũng bị hoại diệt như các hành tinh, định tinh hay vệ tinh trong vũ trụ vào thời tận thế của chúng(3). Hiểu như vậy, mới thâm nhập được giáo lý như huyễn như mộng... là như thế nào?

 

Đáng lẽ chúng tôi không trích dẫn các đoạn kinh trên, chỉ làm rối trí, làm độc giả mệt mỏi thêm. Tuy nhiên, đó là các đoạn Kinh Luận trí tuệ được chư Phật chư Bồ Tát thuyết vào các Hội cuối cùng. Nếu chịu khó nghiền ngẫm, Quý vị sẽ thấy những nghịch lý đáng yêu của nó. Toàn bộ các pháp như huyễn là sự thật đảo nghịch trong tư duy của con người phàm tục, khó có thể chấp nhận một cách dễ dàng những tư tưởng “vặn chéo” này. Nếu thường quán tất cả pháp đều như huyễn như hóa như mộng... rồi một ngày nào đó sẽ thấy cái mầu nhiệm vi diệu đàng sau cái “nghịch đảo” đáng yêu đó.

 

Kết luận:

(Tất cả pháp như huyễn như mộng...)

 

Để kết luận tất cả pháp đều như huyễn, chúng ta lấy vấn đáp sau đây giữa Phật và Thiện Hiện ở phẩm “Thấy Bất Động”, quyển 521, Hội thứ III, ĐBN, để hiểu “tác dụng của các pháp như huyễn” như thế nào?

“Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói, các pháp như huyễn làm sao đại Bồ Tát đem tâm như huyễn năng chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Ngươi có thấy tâm như huyễn của đại Bồ Tát chăng?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Không! Con chẳng thấy huyễn cũng chẳng thấy có tâm như huyễn.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nếu chỗ không huyễn, không tâm như huyễn, thì ngươi có thấy tâm ấy có thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thấy. Con trọn chẳng thấy có chỗ không huyễn, không tâm như huyễn, lại có tâm này năng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nếu chỗ lìa huyễn, lìa tâm như huyễn, ngươi thấy có pháp ấy năng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thấy. Con trọn chẳng thấy có chỗ lìa huyễn, lìa tâm như huyễn, lại có pháp ấy năng chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Con không thấy hoặc nơi tâm, hoặc ngoài tâm, có thể nói có pháp nào là hữu hay vô, bởi vì tất cả pháp đều là tất cánh viễn ly(4). Nếu tất cả các pháp tất cánh viễn ly, thì chẳng thể thi thiết pháp này là hữu, hay vô. Nếu pháp chẳng thể thi thiết là hữu là vô thì không thể nói là có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, bởi vì chẳng phải pháp vô sở hữu có thể chứng Bồ đề. Vì sao? Vì tất cả các pháp đều vô sở hữu và không thể nắm bắt, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì Bát Nhã, cho đến bố thí Ba la mật là tất cánh viễn ly, pháp nội Không, cho đến pháp vô tính tự tính Không là tất cánh viễn ly, chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì là tất cánh viễn ly; Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là tất cánh viễn ly; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí là tất cánh viễn ly; tất cả Bồ Tát hạnh là tất cánh viễn ly, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật là tất cánh viễn ly; Nhất thiết trí trí cũng là tất cánh viễn ly.

Bạch Thế Tôn! Nếu là pháp tất cánh viễn ly thì không nên tu cũng không nên khiển, cũng không thể dẫn phát. Bát Nhã thậm thâm cũng tất cánh viễn ly vì vậy cũng không thể dẫn phát.

Bạch Thế Tôn! Bát Nhã thậm thâm đã tất cánh viễn ly thì vì sao lại nói: Các vị đại Bồ Tát dựa vào Bát Nhã để chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề? Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật cũng tất cánh viễn ly, thì vì sao pháp viễn ly lại có thể chứng đắc pháp viễn ly? Vì vậy, đúng ra không nên nói Bát nhã Ba la mật chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Lành thay! Đúng vậy! Đúng như lời ngươi đã nói. Bát Nhã cho đến bố thí Ba la mật tất cánh viễn ly, nói rộng cho đến Nhất thiết trí trí cũng tất cánh viễn ly.

Thiện Hiện nên biết! Vì Bát nhã Ba la mật tất cánh viễn ly, nói rộng cho đến Nhất thiết trí trí cũng tất cánh viễn ly nên có thể nói đại Bồ Tát chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng tất cánh viễn ly.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Bát nhã Ba la mật chẳng phải tất cánh viễn ly thì chẳng phải Bát nhã Ba la mật, nói rộng cho đến nếu Nhất thiết trí trí chẳng phải tất cánh viễn ly thì chẳng phải Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết! Vì Bát nhã Ba la mật tất cánh viễn ly nên được gọi Bát nhã Ba la mật, nói rộng cho đến vì Nhất thiết trí trí tất cánh viễn ly nên được gọi Nhất thiết trí trí.

Cho nên, này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát đều y vào Bát Nhã thậm thâm mà chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết! Mặc dù không xa lìa pháp mà có thể đắc pháp xa lìa, nhưng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề đều y vào Bát Nhã thậm thâm. Cho nên, chúng đại Bồ Tát muốn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì nên siêng năng tinh tấn tu học Bát Nhã thậm thâm”.

Nói tất cả pháp như huyễn như mộng... trên mặt nổi chỉ là cách diễn tả tính cách vô thường của các pháp hữu vi mà thôi. Rốt lại, tất cả pháp là tất cánh viễn ly, vô vi vô hiển, bất động. Có lay có động là do cảm quan và ý thức của con người, không phải do các pháp. Khi hiểu ra rằng, tất cả pháp là không, như huyễn như mộng, thì tâm như như bất động. Tâm như như bất động thì sạch trong sạch ngoài. Lúc đó chẳng thấy Vật, chẳng thấy Tâm, gọi là “Tức Tâm tức Vật”, không còn năng sở, rỗng không thì được tịch lặng an nhiên.

Phật nói các pháp như huyễn là để chúng sanh đừng chấp nhận một cách dễ dãi cái thân hiện hữu do tứ đại, ngũ uẩn, lục căn duyên hợp giả có nầy là trường tồn, bất biến mà mang nhiều khổ lụy khi có phân ly phi tán. Kinh Viên Giác lại nói: “Mỗi thứ đều trả về cho tứ đại, khiến ngộ được sáu căn giả hợp đều là huyễn diệt, để hiển bày cái không huyễn diệt”. Chính cái giả hợp kể cả con người hay các pháp gọi là huyễn và một khi cái huyễn diệt rồi thì cái không huyễn (phi huyễn tức chân) sẽ hiển bày.

Cũng Kinh Viên giác Phật bảo: “Vì huyễn thân diệt cho nên huyễn tâm cũng diệt. Vì huyễn tâm diệt cho nên huyễn trần cũng diệt. Vì huyễn trần diệt cho nên cái “huyễn diệt” cũng diệt. Vì cái “huyễn diệt” cũng diệt cho nên cái phi huyễn hiện bày”. Phi huyễn tức chân(5).

Cũng Kinh “Viên Giác” Phật bảo tiếp: “Biết huyễn tức lìa, chẳng khởi phương tiện; lìa huyễn tức giác, cũng không có thứ lớp”. Đó là phương châm để học thế nào là như huyễn, như mộng…

 

Tóm lại, nói huyễn nói mộng không phải là không có gì hết, mà kết quả không thể nào ngờ được:

“Bồ Tát nương nơi huyễn thân, tu như huyễn pháp môn, dứt huyễn ái kiến, độ huyễn hữu tình, chứng huyễn Thánh quả. Do thấy thân như huyễn hóa toàn hư vọng, không có ái trước nơi thân, nên phiền não không sanh; không ái trước nơi thân, thì khỏi vì thân mà thối thất đạo hạnh. Thọ vô lượng thân, tu hành trải qua vô lượng kiếp, không có một mảy may niệm tưởng là có thọ thân cùng có xả thân. Mảy niệm còn không huống gì có số kiếp, nên có câu: Thọ thị khổ... số kiếp phi số kiếp”(6).

Nếu thấy huyễn rồi thì tâm không còn huyễn nữa! Đó là mặt trái của như huyễn… Vì vậy, mới gọi là cái thấy này là thấy từ bờ kia.

Thích nghĩa cho đoạn nói về “như huyễn như mộng…”

(1). Phỏng theo Phật Quang Từ điển.

(2). Mạn Thù Sư Lợi hay Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát, tên phổ thông là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là bậc đại trí trong hàng Bồ Tát. Xá Lợi Tử là bậc đại trí trong hàng Thanh văn. Kinh đã nhiều lần so sánh tất cả trí của hàng Thanh văn như Xá Lợi Tử nhiều như lúa mè tre đậu... cũng không bằng một phần trăm, một phần ngàn hay phần trăm ngàn v.v... của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

(3). Hành tinh, định tinh hay vệ tinh: Theo khoa không gian ngày nay các hành tinh, định tinh hay vệ tinh từ lúc mới thành lập (trong tiến trình hàng triệu hàng tỷ năm từ thể hơi trở thành thể đặc qua nhiều thời kỳ địa chất khác nhau) cho đến khi có các biến động khủng khiếp xảy ra như đại thủy, đại hỏa, đại phong… nổi lên hủy diệt tất cả. Thời kỳ hủy diệt gọi là tận thế của chúng. Không có gì có thể trường tồn với thời gian kể cả trái đất hay mặt trăng.

(4). Tất cánh viễn ly:

- Tất cánh: (畢竟) Phạm: Atyanta. Cũng gọi Cứu cánh, Chí cánh. Rốt ráo, tột bậc, cuối cùng. Chân lý thanh tịnh tuyệt đối (Niết bàn, thực tướng, không tánh...) xa lìa phiền não ô nhiễm, gọi là Tất cánh tịnh; đức Phật là nơi tột cùng để chúng sinh quay về nương tựa, nên gọi là Tất cánh y; tuyệt đối không gọi là Tất cánh không; cảnh giới mà Phật chứng được là cảnh giới giác ngộ cùng tột, không ai sánh được, cho nên gọi là Tất cánh giác(cùng nghĩa với Vô thượng giác); trí tuệ cùng suốt lý tính của pháp giới, gọi là Tất cánh trí; muôn vật trong vũ trụ chỉ là không vô, nên cuối cùng không thường trụ, gọi là Tất cánh vô thường trụ. [X. Kinh Niết bàn Q.27 (bản Bắc); Chú Duy ma Kinh Q.10; Vãng sinh luận chú Q.hạ]. – Từ điển Phật Quang.

- Viễn ly: Vivarjita (S), Vivajjitta (P), Vivarjana (S), Naiṣkrāmya (S), Nekkhamma (P), Abstainment, Viễn trần ly cấu. (Từ điển Phật học Việt Anh - Minh Thông)

Dịch chung tất cánh viễn ly là tuyệt đối xa lìa.

(5). Kinh Viên Giác.

(6). Trích trong Phật Học Phổ Thông do nhóm của HT. Thích Thiện Hoa biên soạn.

 

 

4. Các pháp vốn trì độn, vô tri:

 

Nói giả, nói không thật, như huyễn... có lẽ không đủ để cho chúng sanh hiểu biết và tin tưởng. Bây giờ, Phật dùng một lối diễn tả khác, mong chúng sanh hội nhập các pháp mà tránh khỏi cảnh trầm luân bởi cảm thọ và thức vọng do chấp danh sắc tướng mạo tạo thành. Phật bảo các pháp vốn trì độn, vô tri.

 

- Phẩm “Chê Bát Nhã”, phần sau quyển 182, Hội thứ I, ĐBN. Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật thẳm sâu có kẻ năng nghe, năng thấy chăng?

Phật bảo: Thiện Hiện! Bát nhã Ba la mật như thế, thật không có kẻ năng nghe, năng thấy. Bát nhã Ba la mật như thế cũng chẳng phải sở nghe, sở thấy. Vì sao?  Thiện Hiện! Sắc không nghe không thấy, vì các pháp trì độn(1) vậy; thọ tưởng hành thức không nghe không thấy, vì các pháp trì độn vậy. Thiện Hiện! 12 xứ, 18 giới không nghe không thấy, vì các pháp trì độn vậy.

Thiện Hiện! Địa giới cho tới không thức giới, nội không cho đến vô tánh tự Tánh không, Chơn như pháp giới, pháp tánh, bất hy vọng tánh, bất biến dị tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới, không nghe không thấy, vì các pháp trì độn vậy. Thiện Hiện! Bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định cho đến Như Lai mười lực, đại từ đại bi đại hỷ đại xả... không nghe không thấy, vì các pháp trì độn vậy. Thiện Hiện! Dự lưu, A la hán, Độc giác, Bồ Tát không nghe không thấy, vì các pháp trì độn vậy. Thiện Hiện! Cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không nghe không thấy, vì các pháp trì độn vậy.

Thiện Hiện! Nói lược là tất cả pháp kể cả pháp Phật không nghe không thấy, vì tất cả pháp trì độn vậy”.

Bởi vì các pháp như vậy là như vậy, không do ai, vì ai mà sanh ra tốt xấu, uế tịnh... Nó trơ lì ra đó không thấy không biết, không cảm thọ, không tự đánh giá. Cảm thọ đánh giá là ở con người, không phải là ở các pháp.

 

- Phẩm “Khen Thanh Tịnh”, quyển 285, Hội thứ I, ĐBN cũng nói:

 “Sự thanh tịnh như thế bản tánh vô tri, vì tất cả pháp bản tánh trì độn, nên sự thanh tịnh như thế bản tánh vô tri.

Tánh của sắc vô tri tức là thanh tịnh. Tánh của thọ, tưởng, hành, thức, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc… cho đến tất c các thiện pháp vô tri tức là thanh tịnh. Vì tự tướng là không nên tánh của chúng vô tri tức là thanh tịnh”.

Khi hiểu ra rằng tất cả pháp không tự biết nó là dại hay khôn, xấu hay tốt, uế hay tịnh... Bản tánh thường trụ của nó trong thế gian là như vậy, nó là nó, nó là chính nó. Nó không tự biết nó và cũng không biết đến các pháp chung quanh nó. Vì sao? Vì bản tánh của nó là trì độn, vô tri. Chỉ có con người để phân biệt pháp nọ với pháp kia nên gán cho nó cái tên. Và từ khi có tên, thì liền theo đó nó có danh sắc, có tướng mạo. Một khi có danh sắc, có tướng mạo thì nó không còn là nó nữa, nó mất đi cái trinh nguyên của thuở ban đầu, nó trở thành lớn nhỏ, xấu tốt, uế tịnh... Đó là cái lỗi do con người tạo nên, không phải ở các pháp!

Hãy để nó yên, không thấy không biết, thì pháp nào cũng như pháp nào, tất cả đều trơ lì rỗng không như “gổ đá”. Như vậy, thì tâm hành xứ diệt, chấm dứt niềm tạo tác, tâm thể sẽ được an nhiên tịch lặng, nên nói là thanh tịnh!

 

- Phẩm “Phương Đông Bắc”, Hội thứ II, ĐBN. Phật bảo:

“Vì tất cả pháp không tánh tướng, không tác dụng, không động chuyển, hư vọng giả dối, không bền chắc, không tự tại, không hiểu biết, lìa ngã, hữu tình, mạng giả, sanh giả, nói rộng cho đến tri giả kiến giả”. Vì những lý do đó nên nói các pháp là trì độn, vô tri. Khi nhận chân được như vậy và theo đó mà tu hành tức đạt được thanh tịnh! Nhưng tới đó không có nghĩa là chấm dứt. Kinh còn đi xa hơn khi nói rằng biết khắp tất cả pháp vô tri gọi là chấm dứt vô tri. Vì chấm dứt được vô tri này thì được gọi là tận trí.

 

Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 593, Hội thứ XVI, ĐBN. Phật bảo: “Thiện Dũng Mãnh! Tận trí là chấm dứt sự vô tri nên gọi là tận trí. Thế nào gọi là tận? Là do không tận nên gọi là tận, không thấy có pháp nào để gọi là tận; nhưng lìa vô tri nên gọi là tận trí. Tức là chấm dứt vô tri gọi là tận trí, biết khắp tất cả pháp vô tri nên gọi là chấm dứt vô tri, do chấm dứt vô tri nên gọi là tận trí, chẳng phải pháp vô tri có tận, không tận; nhưng lìa vô tri nên gọi là tận trí, như thật biết khắp. Pháp vô tri này hoàn toàn vô sở hữu, nên gọi là lìa. Như vậy, do trí biết pháp vô tri, không riêng biệt, có thể đắc nên gọi là xa lìa vô tri; nhưng pháp vô tri thật bất khả đắc. Trí còn không có huống là có vô tri.

Nếu người có thể tận đắc giải thoát thì gọi là tận trí. Tuy nói như vậy mà như không nói. Đã có trí tận thì hoàn toàn không thể nói, chỉ là giả danh. Nên nói chấm dứt vô tri cũng gọi là tận trí”.

Ở đây Bát Nhã nói các pháp vốn trì độn, vô tri. Khi tri nhận như vậy thì không còn vô tri nữa. Nên Phật nói: biết khắp tất cả pháp vô tri nên gọi là chấm dứt vô tri, do chấm dứt vô tri nên gọi là tận trí”. Đó là kết quả có thể gặt hái sau cái thấy biết khắp đó.

Vậy, quán tưởng để thâm hiểu tất cả pháp không thật có, là giả danh, như huyễn, các pháp trì độn, vô tri thì người thọ trì Bát Nhã được thanh tịnh. Lại áp dụng vào việc tu hành thì đến một lúc nào đó khi thời tiết đến, cây đơm hoa kết quả, sẽ không những được vô ngại trí, vô phân biệt trí, vô trước trí mà còn được vô tận trí nữa.

Một vài học giả cho rằng Bát Nhã Vô Tri hay còn gọi là “Vô Tri Luận Bát Nhã”. Vì sao? Vì Kinh lúc nào cũng diễn tả Bát Nhã là không, không danh, không tướng, không nương, không trụ, không lấy, không chấp, không ngăn ngại, không dính mắc, giống như hư không, không tàng chứa nắm giữ, vô thượng vắng lặng, cùng cực vắng lặng, không sanh không diệt, không nhiễm không tịnh, không thành không hoại, chẳng có chẳng không, như huyễn như mộng, giả có, không thật, trì độn vô tri. Vì vậy, mới nói Bát Nhã là vô tri. Đó không phải là lời nói vu vơ, vô duyên cớ. Chúng tôi không dám nhấn mạnh vấn đề này. Nên Tăng Triệu một luận gia nổi tiếng cùng thời với Cưu Ma La Thập nói “Bát Nhã vô tri vô sở bất tri”, nghĩa là Bát Nhã không biết nhưng không có gì chẳng biết. Đó chính là cái tịch mà chiếu, cái chiếu mà tịch của Bát Nhã. Người nào hiểu tới chỗ này thì mới thọ dụng được những diệu dụng của Bát Nhã Ba la mật.

Thích nghĩa cho phần các pháp vốn trì độn, ngu si:

(1). Dịch giả dịch là ngu độn, chúng tôi viết là trì độn, vì pháp không tự biết pháp, không khôn không dại, nó trơ lì ra đó ai nói gì cũng được, nên có thể bảo các pháp là trì độn. 

 

 

5. Tánh không và 18 pháp không:

 

Chủ trương nhất quán của Bát Nhã là một tràng phủ định liên hồi mọi định kiến sai biệt để nói lên quan niệm “vạn pháp đều không”, mục đích là lìa vọng, lìa chấp để tâm thể được như như, bình đẳng và thanh tịnh. Chúng ta có thể tạm dùng câu nói sau đây làm tiền đề thảo luận về Không, Tánh không hay Bản tánh không: “Chẳng chấp thật có, chẳng chấp thật không, chẳng chấp chân, chẳng chấp giả, được như thế thì các pháp tự không, chẳng cần đoạn diệt tất cả tướng rồi mới thành không, nên gọi là Tánh không”.

 

1- Một trào lưu mới trong việc hóa đạo:

 

Trước khi mở đầu nói về Tánh không và 18 pháp Không, chúng tôi xin giới thiệu nhận định của T.T. Thích Tâm Thiện về Tánh không, trong thiên khảo luận “Lịch sử và triết học Tánh không”(1), như sau:

“... đối với Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Duy Ma, Lăng Nghiêm v.v..., thì sự truyền bá của nó được thích ứng hóa vào đời sống triết lý thời đại một cách ôn hòa; ở đây, tuyệt nhiên không có bất kỳ một sự phản ứng nào. Trái lại, đối với Bát Nhã, sự xuất hiện của nó như là một hệ tư tưởng mới lạ, phủ dẫm mọi định kiến, học thuyết cổ điển, mọi luận thuyết thời danh trong truyền thống; tựa hồ như ngọn sóng thần từ đại dương mênh mông, bỗng phút chốc hiện hữu, xóa nhòa mọi cơ đồ gập ghềnh được xây dựng từ nghìn năm trên bãi cát trắng bao la. Tánh không của Bát Nhã giáng xuống thời đại như một thứ sấm sét trong đêm tối cô liêu, làm cho tất cả hiện hữu của muôn ngàn dị biệt đa thù trong thinh không chợt hóa hiện rồi lại chìm vào tăm tối. Mọi vật như đến rồi đi, như sinh rồi diệt, như có rồi không. Chỉ trong một sát na, mọi sự thể của trần gian đều hóa thành mộng mị, hư ảo, và mọi nguyên lý bỗng trở thành phi lý. Đó là một thứ phi lý được bắt nguồn từ dòng sống thực tại, một thứ thực tại mà Tam đoạn luận (Syllogism) của Aristotle bị bẻ gãy ngay trong thành ngữ “Không ai có thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng nước” của Héraclite. Đó là thực tại toàn chân, một thực tại bất khả thuyết bởi ngôn ngữ, vượt lên trên mọi định kiến hoặc thường hằng, hoặc là đoạn diệt. Bởi lẽ, đối diện với Tánh không có nghĩa là đối diện trước một sự thách thức vĩ đại, mà con người chỉ có thể hoặc là buông bỏ mọi cơ đồ của tự ngã để thể nhập thực tại Tánh không, hoặc là nghìn năm phiêu bồng trong thế giới của hư vô không tận. Tánh không là như thế! Bao lâu con người còn cố gượng bám víu lấy một sự thể nào, một ý niệm về một sự thể nào, cho đến ngay cả cái ý niệm về thế giới ý niệm, thì khi đó y vẫn chìm đắm trong tuyệt vọng khổ đau.

Do đó, có thể nói rằng, lịch sử của tư tưởng triết học Tánh không ra đời là một sự chuyển y (Àsrayaparàvrtti) kỳ vĩ nhất trong lịch sử - tư tưởng triết học Phật giáo. Tiếng nói đầu tiên của nó là “Nhất thiết pháp không”, nhằm phủ nhận một cách trọn vẹn thế giới quan đa nguyên-thực tại; mà trước đó, đã một thời ngự trị trên dòng sông triết học cổ đại Ấn Độ thời bấy giờ. Rồi sau đó, chính nó là chất xúc tác để hàng loạt hệ thống tư tưởng hậu Đại thừa xuất hiện”.

Muốn biết lịch sử tư tưởng triết học của Tánh không “chuyển y kỳ vĩ nhất” như thế nào thì phải khảo cứu 18 pháp không. Đó là cơ cấu của Tánh không trong hệ Bát Nhã nói riêng và trong Phật đạo nói chung, con đường đưa đến Thánh trí tự giác. Hiểu biết 18 pháp không là hiểu biết Bát Nhã. Không hiểu 18 pháp không, không thể học Bát Nhã. Có thể nói người nào thông đạt 18 pháp không tức thông đạt Bát Nhã hay nói khác là Giác ngộ, đắc Nhất thiết trí trí, hay Chánh giác.

 

2- Mười tám pháp không:

 

1/. Giải thích theo Kinh MHBNBLMĐ:

Phẩm “Vấn Thừa” quyển thứ 05, MHBNBLMĐ của Ngài La thập cũng liệt kê 18 pháp không(2), như sau:

“Thập Bát Không là nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, Tánh không, tự tướng không, chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không: 

1).- Những gì là nội không? Nội pháp là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý. Xét về nhãn thời nhãn rỗng không, nhẫn đến xét về ý thời ý rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tự tánh như vậy. Đây gọi là nội không. 

2).- Những gì là ngoại không? Ngoại pháp là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Xét về sắc thời sắc rỗng không, nhẫn đến xét về pháp thời pháp rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là ngoại không. 

3).- Những gì là nội ngoại không? Nội ngoại pháp là thập nhị nhập: Nội lục nhập tức là sáu căn và ngoại lục nhập tức là sáu trần(còn gọi là mười hai Xứ). Xét về nội pháp thời nội pháp rỗng không, xét về ngoại pháp thời ngoại pháp rỗng không, vì đều chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là nội ngoại không. 

4).- Những gì là không không? Không là tất cả pháp rỗng không. Không này cũng là rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tự tánh như vậy. Đây gọi là không không. 

5).- Những gì là đại không? Đại là nói mười phương. Xét về Đông phương thời Đông phương rỗng không, nhẫn đến Hạ phương thời Hạ phương rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là đại không.

6).- Những gì là đệ nhất nghĩa không? Đệ nhứt nghĩa là nói Niết Bàn. Xét về về Niết Bàn thời Niết Bàn rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây là đệ nhất nghĩa không.

7).- Những gì là hữu vi không? Hữu vi pháp là nói tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Xét về Dục giới thời Dục giới rỗng không. Sắc giới thời Sắc giới rỗng không, Vô sắc giới thời Vô sắc giới rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là hữu vi không. 

8).- Những gì là vô vi không? Vô vi pháp là nói không tướng sanh, không tướng trụ, không tướng diệt. Xét về vô vi pháp thời vô vi pháp rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là vô vi không. 

9).- Những gì là tất cánh không? Tất cánh là nói các pháp rốt ráo bất khả đắc, tức là tất cánh rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là tất cánh không. 

10).- Những gì là vô thỉ không? Xét về chỗ khởi đầu các pháp thời bất khả đắc, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là vô thỉ không. 

11).- Những gì là tán không? Tán là nói các pháp không diệt. Không diệt nầy cũng rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là tán không. 

12).- Những gì là Tánh không? Hoặc hữu vi pháp tánh hoặc vô vi pháp tánh, tánh nầy chẳng phải Thanh Văn, Bích Chi Phật làm ra, chẳng phải Phật làm ra, cũng chẳng phải người khác làm ra. Xét về tánh nầy, thời tánh nầy rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là Tánh không. 

13).- Những gì là tự tướng không? Tự tướng là nói sắc thời tướng biến hoại, thọ thời tướng lãnh thọ, tưởng thời tướng lấy tướng dạng, hành thời tướng tạo tác, thức thời tướng rõ biết. Tự tướng của những pháp hữu vi, pháp vô vi đều rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là tự tướng không. 

14).- Những gì là chư pháp không? Chư pháp là nói ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới. Xét về chư pháp nầy thời chư pháp nầy rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tự tánh như vậy. Đây gọi là chư pháp không.

15).- Những gì là bất khả đắc không? Tìm cầu các pháp bất khả đắc đây là bất khả đắc không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là bất khả đắc không. 

16).- Những gì là vô pháp không? Nếu pháp không có thì cũng rỗng không, vì chẳng thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là vô pháp không. 

17).- Những gì là hữu pháp không? Hữu pháp là nói trong các pháp hòa hiệp có tự tánh tướng. Hữu pháp nầy rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là hữu pháp không. 

18).- Những gì là vô pháp hữu pháp không? Vô pháp và hữu pháp trong các pháp đều rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là vô pháp hữu pháp không”.

 Kinh MHBNBLMĐ nói riêng hay Kinh ĐBN nói chung giải thích rất sơ sài 18 pháp không như trên. Trong các phẩm hay phần của các Hội. Phật đã thuyết rải rát các pháp Không này rồi. Chúng ta cố gắng tự hội. Vì trọng tâm của Kinh này là thuyết về 18 pháp không để chúng ta có thể đi đến vô thức, vô niệm, vô tâm mà giải thoát. Chúng tôi liệt kê thêm một số luận tiếp theo giúp độc giả có đủ tài liệu để thâm nhập các pháp Không này.

 

2/. Giải thích theo Từ điển Phật Quang về 18 pháp Không:

Mười tám pháp không(十八空)Phạm: Awỉàdaza-zùnyatà, 18 thứ Không được lập ra để phá các loại tà kiến, gồm:

1).- Nội không (Phạm: Adhyàtma- zùnyatà): Chỉ cho 6 chỗ bên trong như mắt... không có ngã, ngã sở và không có các pháp như mắt...

2).- Ngoại không (Phạm: Bahirdhàzùnyatà): Chỉ cho 6 chỗ bên ngoài như sắc... không có ngã, ngã sở và các pháp như sắc...

3).- Nội ngoại không (Phạm: Adhyàtma-bahirdhà-zùnyatà): Tức nói chung 12 chỗ trong và ngoài như 6 căn, 6 cảnh không có ngã, ngã sở và không có các pháp như 6 căn, 6 cảnh...

4).- Không không (Phạm: Zùnyatàzùnyatà): Không bị vướng mắc vào ba thứ không nói trên.

5).- Đại không (Phạm:Mahà-zùnyatà): Tức các thế giới trong 10 phương không có tướng định phương vị đây kia, xưa nay.

6).- Đệ nhất nghĩa không (Phạm: Paramàrtha-zùnyatà), cũng gọi Thắng nghĩa không, Chân thực không. Tức lìa các pháp ra thì không có thực tướng Đệ nhất nghĩa đế nào khác, không chấp trước thực tướng.

7).- Hữu vi không (Phạm: Saôskftazùnyatà): Tức pháp do nhân duyên sinh ra và pháp tướng của nhân duyên đều không.

8).- Vô vi không (Phạm: Asaôskftazùnyatà): Không bám dính vào pháp niết bàn.

9).- Tất cánh không (Phạm: Atyantazùnyatà), cũng gọi Chí cánh không. Tức dùng hữu vi không, vô vi không phá tất cả pháp, rốt ráo không còn gì.

10).- Vô thủy không (Phạm: Anavaràgra-zùnyatà), cũng gọi Vô hạn không, vô tế không, Vô tiền hậu không. Tức tất cả pháp tuy sinh khởi từ vô thủy nhưng cũng xa lìa tướng chấp thủ đối với pháp này (pháp vô thủy).

11).- Tán không (Phạm: Anavakarazùnyatà), cũng gọi Tán vô tán không, Bất xả không, Bất xả ly không. Tức các pháp chỉ do giả hòa hợp mà có, cho nên rốt cuộc thì không có tướng chia lìa tan diệt.

12).- Tính không (Phạm: Prakftizùnyatà), cũng gọi Bản tính không, Phật tính không. Tức tự tính các pháp là không.

13).- Tự tướng không (Phạm: Svalakwaịa-zùnyatà), cũng gọi Tự cộng tướng không, Tướng không. Tức tướng tổng biệt, đồng dị của các pháp đều không.

14).- Chư pháp không (Phạm: Sarvadharma-zùnyatà), cũng gọi Nhất thiết pháp không. Tức tất cả pháp uẩn, xứ, giới... tự tướng bất định, lìa tướng chấp thủ.

15).- Bất khả đắc không (Phạm: Anupalambha-zùnyatà), cũng gọi Vô sở hữu không. Tức trong các pháp do nhân duyên sinh, không có ngã và pháp.

16).- Vô pháp không (Phạm: Abhàvazùnyatà), cũng gọi Vô tính không, Phi hữu không. Tức nếu các pháp đã hoại diệt thì không có tự tính, các pháp vị lai cũng vậy.

17).- Hữu pháp không (Phạm: Svabhàva-zùnyatà), cũng gọi Tự tính không, Phi hữu tính không. Tức các pháp chỉ do nhân duyên mà có, cho nên cái có ở hiện tại tức chẳng phải có thật.

18).- Vô pháp hữu pháp không (Phạm: Abhàva-svabhàva-zùnyatà), cũng gọi Vô tính tự tính không. Tức hết thảy pháp sinh diệt và pháp vô vi trong 3 đời đều không thật có.

Chúng ta biết rằng Tự điển Phật Quang là công trình sưu tập, diễn giảng các kinh điển Phật học do một nhóm hơn 100 các nhà tu, các học giả, các nhà khảo cứu Phật học… hiện thời được nhiều người xử dụng. Phần lớn các thích nghĩa trong thiên Tổng luận này đều rút ra từ bộ Tự điển này. Giải thích 18 pháp không như trên thật quá ngắn ngủi, không đủ giúp chúng ta thông hiểu huyền nghĩa của 18 pháp môn này. Nó là trọng tâm kinh điển thuộc hệ Bát Nhã, nếu không hiểu 18 pháp không thì không thể học Bát nhã Ba la mật, không thể chứng Nhất thiết trí trí, không thể đắc Vô Thượng Bồ đề. Vì vậy, phải nghiêm chỉnh thọ trì pháp môn này. Đại Trí Độ Luận sẽ giúp ích chúng ta hiểu biết 18 pháp không, nên được trích dẫn sau đây để cùng chung học hỏi.

 

3/. Giải thích của Đại Trí Độ Luận của Bồ Tát Long Thọ về: Thập Bát Không”:

           

KINH: Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma ha tát muốn an trú nơi nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, phải tu tập Bát nhã Ba la mật.

 

LUẬN: 18 KHÔNG là 18 pháp quán về lý KHÔNG của hết thảy các pháp.18 KHÔNG gồm có: 1. Nội không. 2. Ngoại không. 3. Nội ngoại không. 4. Không Không. 5. Đại Không. 6. Đệ Nhất Nghĩa Không. 7. Hữu vi Không. 8. Vô vi Không. 9. Tất Cánh Không. 10. Vô Thỉ Không. 11. Tán thán Không. 12. Tánh Không. 13. Tự Tướng Không.14. Chư Pháp Không. 15. Bất Khả Đắc Không. 16. Vô Pháp Không. 17. Hữu Pháp Không. 18. Vô Pháp Hữu Pháp Không.

 

Hỏi: Có vô lượng pháp quán về lý KHÔNG. Vì sao chỉ nói đến 18 pháp quán KHÔNG này thôi?

Đáp: Nếu nói nhiều quá thì rườm rà phức tạp. Nếu nói ít quá thì chẳng có thể diễn đạt được thậm thâm diệu lý. Bởi nhân duyên vậy, nên Phật chỉ nói đến 18 KHÔNG, đủ để phá các tà kiến chấp. Lại nữa, nếu nói nhiều quá thì sẽ có nhiều người chấp tướng KHÔNG, khiến phải bị rơi vào chấp đoạn diệt. Phật nói 18 pháp quán KHÔNG nêu trên đây, nhằm phá 18 trường hợp chấp pháp của chúng sanh.

 

Hỏi: Vì sao nói “Bồ Tát muốn an trú 18 KHÔNG thì phải tu tập Bát Nhã Ba la mật”?

Đáp: Bát nhã Ba la mật là đại trí huệ. Có được trí huệ Bát Nhã là vào được noi Thật Tướng các pháp, diệt hết thảy các pháp quán. Còn 18 KHÔNG là phương tiện dẫn đến đại trí huệ Bát nhã Ba la mật, là 18 pháp quán để như thật biết Thật Tướng các pháp đều là KHÔNG. Bồ Tát học Bát nhã Ba la mật được đầy đủ 18 KHÔNG, nên Bát nhã Ba la mật và 18 KHÔNG chẳng phải hai, chẳng phải khác. Vì sao? Vì 18 KHÔNG là chẳng có tướng, tức là vô tướng, Bát nhã Ba la mật cũng là vô tướng. Vì 18 KHÔNG chẳng chấp các tướng, tức là xả ly tướng, Bát nhã Ba la mật cũng xả ly tướng. Bồ Tát tu tập Bát nhã Ba la mật, dùng trí huệ Bát nhã Ba la mật để quán 18 KHÔNG. Khi đã có được đại trí huệ Bát nhã Ba la mật rồi mới an trú đầy đủ trong 18 KHÔNG.

 

Hỏi: Thế nào gọi là pháp môn phương tiện?

Đáp: Đây là những cách thức mà hành giả phải dùng đến trong khi tu học, để đạt đến mục đích, để vào được Đạo.Ví như muốn có được Như ý bảo châu, thì phải phương tiện lặn sâu xuống tận đáy biển. Cũng như vậy, muốn được Bát nhã Ba la mật thì phải phương tiện đọc tụng kinh điển, chánh tư duy, như pháp tu hành... Trong số các phương tiện dẫn vào Bát nhã Ba la mật có 18 pháp quán KHÔNG.

 

--o0o--

 

1).- Nội không:

Đây là pháp quán về nội pháp KHÔNG, tức là quán 6 nội nhập đều là KHÔNG. Vì sao? Vì 6 căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) đều do duyên hòa họp sanh, nên đều là hư dối, chẳng thật có, đều là KHÔNG.

 

2).- Ngoại không:

Đây là pháp quán về ngoại pháp KHÔNG, tức là quán 6 ngoại nhập đều là KHÔNG. Vì sao? Vì 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp cũng đều do duyên hòa hợp sanh, nên cũng đều là hư dối, chẳng thật có, đều là KHÔNG cả.

 

3).- Nội ngoại không:

Đây là pháp tổng quán về nội pháp và ngoại pháp đều là KHÔNG, tức là tổng quán hết thảy 12 nhập đều là KHÔNG. Do nội nhập và ngoại nhập đều là KHÔNG, nên chẳng có ngã và ngã sở, tức là vô ngã và vô ngã sở vậy.

 

--o0o--

 

Như trước đây đã nói. Thế gian thường có 4 tưởng điên đảo. Đó là:

- Bất tịnh mà tưởng là tịnh.

- Khổ mà tưởng là vui.

- Vô thường mà tưởng là thường.

- Vô ngã mà tưởng là ngã.

Do chấp 4 tưởng điên đảo ấy mà phàm phu phải trôi lăn trong các nẻo đường sanh tử, chịu bao nhiêu nỗi khổ đau. Người tu hành muốn phá được 4 tưởng điên đảo ấy, phải tu 4 Niệm Xứ, khởi đầu bằng các pháp quán nội thân bất tịnh, ngoại thân bất tịnh, nội ngoại thân bất tịnh. Quán trong thân có 36 thứ bất tịnh, quán thân có 9 lỗ thường xuyên thải các thứ bất tịnh ra ngoài. Người tu hành biết rõ thân là bất tịnh. Thế nhưng người phàm phu vô trí lại tuởng thân này là tịnh, mải miết chạy theo các dục lạc bên ngoài để thỏa mãn sự đòi hỏi của sắc thân. Người tu hành lại quán ngoại thân cũng bất tịnh, thấy rõ nội ngoại thân đều là bất tịnh. Quán như vậy rồi tự suy nghĩ rằng: “Có thọ thân là có thọ khổ. Ta chớ nên chấp đắm sắc thân nầy”.

 

Hỏi: Tâm khởi từ trong ra, sao cũng có nói về quán ngoại tâm?

Đáp: Duyên ngoại thân là quán ngoại tâm, duyên nội thân là quán nội tâm.

Ngoại tâm duyên ngoại pháp, nội tâm duyên nội pháp. 5 thức ngoài gồm nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân duyên ngoại pháp nên được gọi là ngoại tâm. Còn ý thức duyên các nội pháp, khỏi phân biệt tốt xấu, vui buồn v.v... nên được gọi là nội tâm.

Lúc ban đầu ý thức chưa phân biệt cảnh ngoài. Khi ý thức đã phân biệt, đã khởi chấp các tướng rồi, thì lúc bấy giờ nội tâm đồng thời phân biệt cả nội cảnh lẫn ngoại cảnh.

Người tu hành khi đã được tâm ý thanh tịnh rồi, thì biết rõ thân là bất tịnh, thọ là khổ, tâm là vô thường, pháp là vô ngã, như vậy là quán 4 Niệm Xứ.

Tư duy như vậy rồi, người tu hành biết rõ tâm thức là vô chủ, chỉ do duyên chấp cảnh mà có thọ khổ, có thọ vui... Lại biết rõ do 5 ấm hòa hợp duyên khởi mà có thân này. Phàm phu điên đảo chấp có ngã thân, có ngã tâm. Phàm phu do chấp ngã nên thấy gì lợi ích cho mình thì sanh tham, thấy gì trái ý mình thì sanh sân..., sân lâu ngày trở thành si. Như vậy là 3 độc tham, sân và si, căn bản của tất cả phiền não đều do chấp ngã mà sanh ra cả. Nếu tu phước đức, tu các pháp trợ đạo thì dần dần sẽ xả được chấp ngã, sẽ được giải thoát.

Vậy nên khi vừa mống khởi chấp tướng, thì phải biết ngay rằng đó là kiết sử do chấp ngã sanh ra. Phải mau tu bố thí để xả tâm chấp ngã. Vì sao? Vì người tu hành biết rõ ngã cũng do duyên sanh, là chẳng có kiên cố. Ví như lột dần các bẹ chuối, cuối cùng chẳng thấy thân cây chuối nữa. Xả ngã dần dần thì cuối cùng sẽ được vô ngã.

Do 5 ấm duyên khởi mà có sắc thân. Khi đã quán được vô ngã rồi là quán được nội không, quán được ngoại không, quán được nội ngoại đều không vậy.

Hỏi: Pháp khởi từ ngoài vào. Như vậy vì sao cũng nói là nội tâm tương ưng?

Đáp: Vì nội tâm tương ưng với tưởng và hành, khởi sanh các tưởng tướng và hành tướng. Khi ngoại tâm, tức 5 thức ngoài duyên ngoại pháp, thì nội tâm, tức ý thức khỏi phân biệt dẫn sanh các tưởng tướng và hành tướng. Bởi vậy nên nói ngoại pháp cũng là tâm tương ưng. Nếu tâm chẳng có tương ưng, thì gọi là duyên vô vi, là bình đẳng quán. Vào được bình đẳng quán sẽ biết rõ nội pháp cũng như ngoại pháp đều là KHÔNG cả.

Lại nữa, 6 nội pháp gọi là 6 tình thức, 6 ngoại pháp gọi là 6 trần. Khi tu 4 Niệm Xứ, người tu hành quán vô vi, biết rõ sắc chẳng phải là sắc (phi sắc), lại biết rõ dù sắc có các tướng sai khác, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi, hoặc xa, hoặc gần, hoặc thô, hoặc tế... nhưng cũng đều là vô ngã. Vì sao? Vì cầu ngã thì ngã là bất khả đắc. Chỉ do 5 ấm hòa hợp duyên khởi mà giả danh có ngã. Ngã đã chẳng có thì các kiết sử phiền não cũng chẳng có sanh. Do ngã là KHÔNG, nên tất cả các nội và ngoại pháp cũng đều là KHÔNG cả.

Người tu hành quán nội sắc là vô thường, khổ, không và vô ngã, rồi quán ngoại sắc, quán nội ngoại sắc cũng là như vậy cả.

Khi đã quán được sắc thân này là KHÔNG rồi, thì quán thọ, quán tâm và quán pháp cũng đều như vậy cả.

Tóm lại, tu 4 Niệm Xứ tương ưng với nội quán, được KHÔNG tam muội gọi là quán nội không. Tu 4 Niệm Xứ tương ưng với ngoại quán, được KHÔNG Tam muội gọi là quán ngoại không. Tu 4 Niệm Xứ tương ưng với cả nội quán lẫn ngoại quán, được KHÔNG tam muội thì gọi là tu quán nội ngoại không.

 

Hỏi: Do lực quán KHÔNG Tam muội mà thấy được các pháp KHÔNG, hay là các pháp vẫn tự KHÔNG?

Đáp: Kinh nói: “Dùng 3 tam muội Không, Vô Tướng và Vô Tác để quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp thì chẳng còn thấy có ngã và ngã sở nữa. Bởi vậy nên biết các pháp vốn là KHÔNG”.

 

Hỏi: Tu 4 Niệm Xứ, quán Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã cũng đã thấy rõ thân là KHÔNG rồi. Như vậy cần gì phải quán thân bất tịnh nữa?

Đáp: Có nhiều người, sau khi quán vô thường, khổ, không, vô ngã vẫn chưa tiêu trừ được chấp ngã. Đối với hạng người này, phải dạy họ quán thân bất tịnh mới khiến họ nhàm chán sắc thân. Quán thọ, quán tâm và quán pháp cũng đều là như vậy.

Phải nên biết, do có chấp ngã mới có chấp ngã sở, dẫn đến mới có chấp nội tâm và ngoại cảnh. Ví như người chấp những gì trong phạm vi nhà mình là của ta, còn những gì ở bên ngoài là của người, chẳng phải là của ta vậy.

Trái lại, người tu hành quán hết thảy các pháp, dù trong dù ngoài cũng đều chẳng có định tướng, đều là bình đẳng tướng.

Bởi vậy nên chẳng chấp có nội pháp, cũng chẳng chấp có ngoại pháp, quán hết thảy nội ngoại pháp đều là KHÔNG, chỉ do tâm chấp mà có phân biệt vậy thôi.

Hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp mà có, chi do tâm chấp mà phân biệt có tướng trong, tướng ngoài. Hết thảy nội pháp cũng như ngoại pháp đều là hư dối, là chẳng thật có, là KHÔNG vậy.

 

Hỏi: Khi nói nội thân ta có đầu, mình, tay, chân... là nói về nội pháp. Khi nói ngoài thân ta có nhà cửa, ruộng vườn... là nói về ngoại pháp. Như vậy là có phân biệt nội pháp với ngoại pháp rồi. Sao lại nói nội pháp cũng như ngoại pháp đều là KHÔNG cả?

Đáp: Ở noi thân ta thì mỗi phần đều riêng khác. Ví như đầu chẳng phải là bụng, tay chẳng phải là chân... Nếu xét riêng rẽ từng phần thì chẳng có phần nào gọi là thân của ta, gọi là cái TA cả. Bởi vậy nên ngã và ngã sở đều là KHÔNG, là bất khả đắc cả.

Nói pháp đã là KHÔNG, thì ngoại pháp cũng như vậy.

 

Hỏi: Đã do duyên hợp sanh thì tuy khác mà vẫn là một, tuy một mà vẫn là khác. Vỉ như cái nhà do nhiều phần hòa hợp mà có. Có cái nhà sao lại gọi là KHÔNG?

Đáp: Nhiều chẳng phải là một, và một chẳng phải là nhiều. Rui, kèo, cột... chẳng phải là cái nhà, và cái nhà cũng chẳng phải là rui, kèo, cột... Bởi vậy, nên nói nội, ngoại pháp đều là KHÔNG.

 

Hỏi: Trong hết thảy kinh Phật đều có nói đến 6 căn, 6 trần... Sao nay lại nói hết thảy đều là KHÔNG?

Đáp: Nội pháp cũng như ngoại pháp đều do duyên hòa hợp mà giả danh là có vậy thôi. Ví như nói thân là nội pháp, nhà là ngoại pháp, thì đó cũng chỉ là giả danh, chẳng thật có.

Trong kinh có nói về Chúng sanh Không, và Pháp Không. Vì người độn căn thì Phật chỉ nói Chúng sanh Không. Vì người lợi trí thì Phật mới nói Pháp Không.

Hàng Thanh Văn tu hành phá các kiết sử phiền não, nhằm thoát lỵ ra khỏi sanh tử, nên tu Ngã Không. Bồ Tát đoạn kiết sử phiền não, biết rõ Pháp Không nên thông đạt vô ngại hết thảy các pháp, biến thế gian đầy dẫy phiền não thành Niết bàn an lạc, được Vô Thượng Bồ Đề, độ thoát chúng sanh ra khỏi ngục tù 3 cõi, 6 loài.

 

4).- Không Không:

Biết hết thảy các pháp đều là KHÔNG, người tu hành lại còn phải tu xả luôn cả cái chấp về tướng KHÔNG ấy. Vì sao? Vì KHÔNG cũng là KHÔNG. Như vậy gọi là tu quán Không Không.

 

Hỏi: Vì sao Đại Thừa lại phá hoại các pháp?

Đáp: Chẳng có thể nói như vậy được. Đại Thừa dạy chúng sanh biết rõ về thật tướng các pháp. Hết thảy các pháp ở nơi thật tướng đều là KHÔNG.

Hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, như sóng sanh ra do sức gió tác động vào mặt nước, chẳng phải thật có, chẳng có kiên cố. Do nhân duyên nghiệp lực mà thành có sắc, nên pháp sắc là vô thường, là sanh diệt, là chẳng thật có. Thế nhưng sanh là KHÔNG, nên pháp cũng là KHÔNG. Sanh là KHÔNG, nên diệt cũng là KHÔNG. Sanh và diệt đều là bất khả đắc. Vậy nên bất sanh bất diệt mới là chân thật pháp.

Phàm phu điên đảo chấp có sanh, có diệt. Người tu hành trái lại, phải biết rõ các pháp vốn chẳng có sanh, chẳng có diệt, vốn là KHÔNG. Biết như vậy rồi lại còn phải xả luôn cái chấp KHÔNG ấy mới vào được Không Không.

Lại nữa, người tu hành vào KHÔNG tam muội, quán 5 ấm là KHÔNG, được 8 Thánh đạo, đoạn các phiền não, chứng Niết bàn an lạc, rồi lại xả luôn cả 8 Thánh đạo, được Không Không tam muội.

 

Hỏi: Không và Không Không khác nhau như thể nào?

Đáp: Nói không nhằm phá chấp 5 ấm. Nói Không Không nhằm phá chấp về tướng KHÔNG.

 

Hỏi: Nói KHÔNG chính là pháp Không, thì như vậy là đã phá hết thảy các pháp rồi. Còn nếu nói KHÔNG chẳng phải là pháp Không thì còn có gì để phá nữa đâu?

Đáp: Nếu nói KHÔNG chính là pháp Không, nhằm phá hết thảy các pháp tướng, thì sau khi phá các pháp tướng rồi vẫn còn lưu lại cái pháp KHÔNG đó. Như vậy là còn chấp tướng KHÔNG. Bởi vậy nên phải xả bỏ luôn cả pháp KHÔNG đó mới gọi là Không Không.

Ngoài ra quán Không Không cũng chính là duyên KHÔNG, tức là vô duyên vậy. Ví như thuốc dùng để chữa bệnh, khi bệnh đã lành thì thuốc cũng phải xả bỏ luôn. Vì sao? Vì nếu chẳng xả bỏ thuốc thì lại sanh bệnh khác vậy.

Người tu quán KHÔNG để phá trừ phiền não. Nhưng nếu vẫn thủ chấp lấy cái KHÔNG ấy thì sẽ thành bệnh. Phải xả bỏ luôn chấp KHÔNG mới được Không Không.

 

5).- Đại Không

Đây là pháp tu quán của Đại Thừa, chẳng phải là pháp tu quán của hàng Thanh Văn.

Trong kinh Tạp A Hàm chỉ nói: “Do có sanh mà duyên khởi có già, có chết. Nhưng nếu chấp có sanh, có già, có chết thì cũng là tà kiến. Vì sao? Vì sanh, già, chết đều là giả danh có, chẳng phải thật có”. Do vậy mà hàng Thanh Văn chỉ tu về Chúng Sanh Không và Pháp Không.

Trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn nói đến “10 phương tướng KHÔNG”. Đây chính là pháp tu quán về Đại Không.

 

Hỏi: Vì sao gọi “10 phương tướng KHÔNG” là Đại Không?

Đáp: Phương Đông vô biên vô tận nên là Đại (rộng lớn). Cũng như vậy, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới, 4 phương chéo vô biên, vô tận nên là Đại.

Lại nữa, các sự việc tỏa rộng cùng khắp, khai phá cùng khắp như làm lợi ích khắp 10 phương thế giói, biến hiện thân khắp 10 phương thế giới, làm cho chúng sanh khắp 10 phương thế giới thoát khỏi mê muội v.v... đều là Đại cả.

Như vậy quán không gian vô tận khắp 10 phương, quán các sự việc tỏa rộng khắp 10 phương đều là KHÔNG là quán về Đại Không vậy.

 

Hỏi: Phật pháp thường thuyết vô phương, tức là chẳng có phương tướng. Ví như khi nói về 3 vô vi (hư không, trạch diệt và phi trạch diệt) là nói về trí duyên tận và phi trí duyên tận, đều chẳng có cho duyên nhiếp cả. Như vậy là vô vi pháp chẳng có duyên sanh. Sao lại nói có phương?

Đáp: Vì hàng Thanh Văn nên nói có phương, lại vì y theo thế tục mà nói như vậy. Đối với Đại Thừa thì phương tướng là bất khả đắc.

Ví như do 5 ấm hòa hợp mà giả danh có chúng sanh. Cũng vậy, do 4 đại hòa họp mà giả danh có phương. Chúng sanh chấp phía mặt trời mọc là phương Đông, phía mặt trời lặn là phương Tây v.v... Đây là y theo thế tục mà quy ước đặt ra có các phương khác nhau. Thật ra, phương cũng như phương tướng đều là bất khả đắc.

Hỏi: Vì sao phải phá phương tưởng?

Đáp: Nếu y theo thế tục, thì nói có phương. Nếu y theo Đệ Nhất Nghĩa thì phá phương tướng. Vì sao? Vì ở nơi thế tục, mà nói có phương thì chẳng có rơi về chấp đoạn. Ở nơi Đệ Nhất Nghĩa đế mà phá các phương tướng thì chẳng rơi về chấp thường.

 

6).- Đệ Nhất Nghĩa Không

Đây là lý KHÔNG vào bậc nhất, tột cùng của Phật và chư Đại Bồ Tát, khác với lý KHÔNG còn hạn hẹp của hàng Thanh Văn. Vào Đệ Nhất Nghĩa Không chẳng thấy Không, cũng chẳng thấy chẳng Không.

Hỏi: Theo Đệ Nhất Nghĩa Không, thì hết thảy các pháp đều là vô duyên. Như vậy vì sao chẳng gọi Đệ Nhất Nghĩa Không là Đại Không?

Đáp: Trước đã nói về Đại Không rồi, nay nói về Đệ Nhất Nghĩa Không. Tuy khác tên gọi, nhưng thật nghĩa cũng tương đồng.

Thế gian dùng phương, nên chấp ý niệm về Đại (rộng lớn). Còn xuất thế gian, y theo Đệ Nhất Nghĩa, nên nói là Đệ Nhất Nghĩa Không.

Do phá tà kiến, phá ý niệm về Đại (rộng lớn), nên phải quán Đại Không. Ví như người dùng tâm từ duyên khắp phương Đông, duyên từ quốc độ một, cho đến cùng tận các quốc độ. Nếu duyên chưa cùng tận thì kiến chấp có biên (hữu biên kiến). Nếu duyên mãi chẳng hết (vô cùng tận), thì kiến chấp chẳng có biên (vô biên kiến). Nay nếu lấy phương KHÔNG để phá chấp tướng phương Đông, thì sẽ diệt được cả 2 kiến chấp về hữu biên và vô biên, khiến duyên từ sẽ được trải rộng cùng khắp. Trái lại, nếu chẳng lấy phương KHÔNG để phá chấp tướng phương Đông, thì tâm sẽ tùy phương Đông, mà thôi dứt duyên từ. Người tu hành cũng như vậy. Do tâm chẳng thối chuyển mà chẳng mất duyên từ. Như vậy là phá được tà kiến, mà cũng được đầy đủ Đại Không.

Đệ Nhất Nghĩa Không là Thật Tướng của hết thảy các pháp, chẳng thể phá, chẳng thể hoại. Vì sao? Vì hết thảy các pháp ở nơi Thật Tướng, đều là KHÔNG, chẳng có thể thọ, chẳng có thể chấp vậy. Nếu có thọ, có chấp là hư dối, là chẳng phải thật.

Lại nữa, Đệ Nhất Nghĩa Không là nghĩa Niết bàn Giải Thoát.

Trong A Tỳ Đàm nói: “Trí duyên tận tức là Niết bàn. Ở trong Niết bàn cũng chẳng có tướng Niết bàn. Niết bàn KHÔNG tức là Đệ Nhất Nghĩa Không”.

Hỏi: Nếu nói Niết bàn là vô tướng, là KHÔNG, thì vì sao các bậc Thánh Hiền lại nương theo 3 thừa đạo để vào Niết bàn? Vì sao nói tất cả các pháp môn đều dẫn đến Niết bàn, như tất cả các dòng sông đều chảy dồn về biển?

Đáp: Niết bàn là vô thượng pháp, nhưng chia làm 2 thứ, là:

- Hữu Dư Niết bàn.

- Vô Dư Niết bàn.

Người tu hành, khi đã đoạn trừ được các phiền não, được tâm bình đẳng, là vào được Hữu Dư Niết bàn.

Vào Hữu Dư Niết bàn chỉ còn thọ thân 5 ấm trong hiện đời mà thôi. Khi mạng chung, sẽ chẳng còn thọ thân 5 ấm nữa, sẽ vào Vô Dư Niết bàn.

Trái lại, chúng sanh nghe nói đến Niết bàn liền thủ chấp Niết bàn, rồi khởi hý luận về Hữu và Vô. Do vậy mà rơi ngay về các tà kiến chấp: Chấp Hữu là chấp thế gian; chấp Vô là chấp Niết bàn.

Trên đây nói Niết bàn là Không, chỉ nhằm phá chấp của phàm phu về tướng Niết bàn, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa Niết bàn của các bậc Thánh Hiền. Vì sao? Vì các bậc Thánh Hiền, ở nơi các pháp chẳng còn chấp tướng. Khi đã đoạn được các phiền não tức thì được vào Niết bàn, được giải thoát. Ví như người đang bị trói, ngay khi được cởi dây trói tức thì được giải thoát. Chúng sanh cũng như vậy, do bị 5 ấm trói buộc mà phải bị giam cầm trong ngục tù 3 cõi. Khi đã thoát khỏi sự ràng buộc của 5 ấm, thì liền được giải thoát.

Hết thảy các pháp chẳng lìa Đệ Nhất Nghĩa. Đệ Nhất Nghĩa cũng chẳng lìa các pháp. Thật Tướng các pháp là KHÔNG, là vô tướng, cũng chính là Đệ Nhất Nghĩa Không vậy.

 

7).- Hữu vi Không:

Pháp hữu vi là pháp có tạo tác, có nhân duyên tạo tác, có chủ ý tạo tác.

Hữu vi Không là pháp quán các hữu vi do duyên hòa hợp sanh, đều là hư dối, chẳng thật có, đều là KHÔNG.

 

8).- Vô vi Không:

Pháp vô vi là pháp chẳng có tạo tác chẳng có nhân duyên tạo tác, chẳng có chủ ý tạo tác.

Vô vi Không là pháp quán các pháp vô vi chẳng có nhân duyên (vô nhân duyên) sanh, nên cũng là hư dối, chẳng thật có. Do đối đãi với pháp hữu vi mà nói có pháp vô vi vậy thôi.

 

--o0o--

 

Như trên đây đã nói tất cả các pháp hữu vi, như 5 ấm, 12 nhập, 18 giới v.v... đều do duyên hòa họp sanh, nên đều là KHÔNG.

Do vậy, ngã và ngã sở cũng là KHÔNG, là bất khả đắc.

 

Hỏi: Nói ngã và ngã sở là KHÔNG, là bất khả đắc thì còn hợp lý. Nhưng vì sao lại nói ‘‘hữu vi pháp tướng” là KHÔNG?

Đáp: Danh tướng của các pháp do nơi tâm chúng sanh tạo lập. Nếu chẳng có pháp chúng sanh, thì chẳng có chỗ sở y.

Lại nữa, các pháp hữu vi đều là vô thường, là sanh diệt, nên đều là bất khả đắc, là KHÔNG vậy.

 

Hỏi: Pháp hữu vi có thường tướng. Vì sao nói pháp hữu vi là KHÔNG, là bất khả đắc?

Đáp: Phàm phu điên đảo chấp ngã là thường, chúng sanh là thường, tâm thức là thường, pháp là thường. Do vậy mà phải lẩn quẩn mãi trong sanh tử, luân hồi, bỏ thân này lại thọ thân khác, chẳng ngừng dứt.

Thật ra ngã chẳng thật có. Chúng sanh do 4 đại tạo thành cũng chỉ là giả danh, chẳng thật có, là sanh diệt vô thường. Thức tâm liền sanh, liền diệt, cũng là vô thường. Dẫn đến pháp cũng luôn thay đổi, sanh diệt, nên cũng là vô thường. Tất cả đều là KHÔNG, đều là bất khả đắc cả.

Người tu hành quán các pháp hữu vi, do duyên hòa hợp sanh, đều là hư dối, chẳng thật có. Chỉ do tưởng phân biệt mà chấp là CÓ, chấp là KHÔNG vậy thôi. Thật ra, các pháp hữu vi đều là vô sở hữu, chẳng có ở trong, chẳng có ở ngoài, chẳng có ở chặng giữa. Quán như vậy, nên vào được Pháp Không.

Các bậc Thánh Hiền chẳng chấp CÓ, vì biết rõ các pháp đều là KHÔNG, mà thành Đạo quả. Lại cũng chẳng chấp KHÔNG, nên được giải thoát.

 

Hỏi: Vì sao nói pháp hữu vi lẫn pháp vô vi đều là KHÔNG?

Đáp: Thật Tướng của pháp hữu vi là vô vi, mà tướng của vô vi là KHÔNG, nên hết thảy pháp hữu vi lẫn vô vi đều là KHÔNG cả.

Phàm phu điên đảo chấp có tướng hữu vi là sanh diệt, tướng vô vi là bất sanh diệt, mà chẳng biết rằng, ở noi Thật Tướng, thì hữu vi và vô vi đều là KHÔNG cả.

Người tu 4 Thánh Đế rõ biết được tướng của vô vi là KHÔNG. Ví như trú nơi Khổ, rồi tiến tu đoạn Tập, chứng Diệt, là được vô vi. Từ đó mới tu Đạo, được giải thoát, vào Niết bàn.

 

9).- Tất Cánh Không (cũng gọi là rốt ráo không)

Đây là pháp quán về hết thảy pháp đều rốt ráo là KHÔNG.

Do tương quan đối đãi giữa THẬT và GIẢ, giữa CÓ và KHÔNG, mà khởi sanh các chấp về pháp hữu vi và pháp vô vi.

Nếu phá được sự đổi đãi, thì sẽ biết rõ hữu vi và vô vi đều rốt ráo KHÔNG cả.

 

Hỏi: Nếu các nhân duyên sanh pháp chưa rốt ráo KHÔNG, thì làm sao nói các pháp là rốt ráo KHÔNG được? Ví như trường hợp cái nhà bị hư hoại, chẳng còn là nhà nữa, nhưng nếu rui, kèo, cột v.v... vẫn còn sót lại, thì làm sao nói là rốt ráo KHÔNG được?

Đáp: Các nhân duyên sanh pháp cũng rốt ráo không, vì chẳng có định tướng. Ví như người con gọi các bậc sanh thành ra mình là cha, là mẹ. Nhưng xét cho cùng, thì các nhân duyên này, các cách xưng hô này cũng chẳng có chỗ y cứ, chỉ là do tâm tạo ra, nên cũng là KHÔNG. Lại nữa, ví như muôn vật trên quả đất này đều nương vào đất, nước, gió, lửa, hư không mà sanh tồn, nhưng thật ra quả đất cũng chẳng có chỗ y cứ.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói các pháp là Rốt Ráo Không, là Tất Cánh Không vậy.

 

Hỏi: Ví như dùng thần thông có thể biến hóa ra các vật. Hóa vật là giả, nhưng người có thần thông biến hóa ra các vật đó là thật. Như vậy làm sao có thể nói tác giả của sự biến hóa ấy là giả được?

Đáp: Phàm phu thấy các hóa vật hiện ra trước mắt tưởng là thật, nên chấp có vị hóa chủ, tức là có vị tác giả của sự biến hóa.

Còn các bậc Thánh Hiền rõ vị hóa chủ cũng chẳng phải thật có. Vì sao? Vì rõ biết tất cả do tâm tạo, do các duyên nghiệp hòa họp sanh ra cả.

Kinh nói có 3 thứ biến hóa, đó là:

- Phiền não biến hóa.

- Nghiệp biến hóa.

- Pháp biến hóa.

Tất cả các sự vật đều ở trong phạm trù của 3 trường hợp biến hóa nêu trên đây, nên đều là như huyễn, như hóa, đều chẳng thật có, đều là KHÔNG vậy. Cho nên, trong thí dụ trên đây, ta thấy rõ hóa vật lẫn vị hóa chủ đều là KHÔNG cả.

 

Hỏi: Các vật không bền, không kiên cố mới có thể tán nhỏ, tợ thành không. Còn các vật bền chắc, kiên cổ, thì làm sao có thể như vậy được?

Đáp: Kiên cố cũng như không kiên cố đều là những tướng bất định. Vì sao? Vì lệ thuộc vào quan điểm riêng của mỗi người, của mỗi loài. Ví như loài người cho kim cang là kiên cố; nhưng hàng chư Thiên có cách phá được kim cang, nên chẳng cho kim cang là kiên cố. Cũng như người cho biển là sâu thẳm; nhưng A tu la vương, đứng ngay giữa biển, cho biển là cạn. Cũng ví người có đời sống ngắn ngủi thấy quả đất là kiên cố.

Nhưng trái lại, các loài sống lâu, có thời thấy quả đất tán hoại, nên chẳng cho quả đất là kiên cố.

Trong kinh Thất Nhật Dụ (Dụ về 7 mặt trời), Phật bảo các Tỷ kheo rằng: “Này các Tỷ kheo! Hết thảy các pháp hữu vi đều là vô thường là hủy hoại. Khi đến gần kiếp tận, mặt trời thiêu đốt khiến hết thảy cây cối, kể cả các loại cây cỏ thuốc, đều chết khô.

Khi thấy mặt trời thứ 2 mọc, thì nước ở hết thảy các sông, lạch đều khô cạn. Khi mặt trời thứ 3 mọc thì các sông lớn cũng đều khô cạn. Khi mặt trời thứ 4 mọc, thì nước ở nơi các nguồn, các suối cũng đều khô cạn. Khi mặt trời thứ 5 mọc, thì các biển lớn, nhỏ cũng đều khô cạn. Khi mặt tròi thứ 6 mọc, thì các núi Tu Di bốc cháy. Khi mặt tròi thứ 7 mọc, thì các núi Tu Di chỉ còn khói, và lửa dấy khắp cả cõi trời Phạm Thiên. Lúc bấy giờ, những người mới sanh ở cõi trời Quang Âm, thấy lửa bùng cháy manh mẽ, nên rất sợ hãi. Những biến cố lớn như vậy, rất khó tin. Chỉ khi nào được thấy tận mắt, mới có thể tin được vậy”.

Phật lại dạy tiếp: “Lúc bấy giờ, có một người tu hạnh ly dục, được đầy đủ 4 phạm hạnh, tên là Tu Niết Ba La. Ông Tu Niết Ba La có vô số đệ tử cũng được ly dục. Do tu Từ Tâm tam muội, mà ông Tu Niết Ba La được sanh lên cõi trời Quang Âm, nên được chứng kiến tận mắt cảnh tán hoại này, và biết rõ chẳng có gì là kiên cố cả.

Này các Tỷ kheo! Ông Tu Niết Ba La là tiền thân của ta đó. Lúc bấy giờ, chính ta đã thấy tận mắt cảnh tán hoại nêu trên đây”.

 

Hỏi: Nói vô thường là nói trước không, nay có, có rồi lại trở thành không. Như vậy, nếu đã nói Rốt ráo Không, thì vì sao nói vô thường nữa?

Đáp: Vô thường là bước đầu dẫn vào cửa KHÔNG. Do rõ được các pháp là vô thường, mà người tu hành tu 4 hạnh quán, gồm: Vô thường, khổ, không và vô ngã. Vì sao? Quán như vậy sẽ biết rõ các pháp đều là như huyễn, đều là không; lại cũng biết rõ các pháp chẳng do ai làm ra (vô tác giả), nên là vô ngã, là rốt ráo không vậy.

Rốt Ráo Không là Chân Không. Tuy nhiên, phải tùy đối tượng chúng sanh mà nói pháp:

- Đối với hạng người nhiều ái kiến, chấp vô thường, thì phải vì họ nói vô thường là tán hoại. Nếu chấp vô thường, thì sẽ sanh ưu khổ.

- Đối với hạng người chấp danh tướng, thì phải vì họ nói vô tác.

- Đối với hạng người có nhiều tà kiến, phân biệt các pháp, thì phải vì họ nói về Chúng Sanh Không, về Pháp Không, về Tất Cánh Không (Rốt Ráo Không).

Các bậc Thánh Hiền dùng Rốt Ráo Không để diệt trừ 3 độc, phá các chấp điên đảo, khiến chúng sanh xa lìa được các khổ, sanh, già, bệnh, chết, được Niết bàn an lạc.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật dạy: “Pháp thiện cũng xả, huống nữa là pháp bất thiện”.

Khi đã ly được pháp hữu vi rồi, thì cũng chẳng chấp pháp vô vi nữa, vì biết rõ pháp vô vi cũng là Rốt Ráo Không.

 

10).- Vô Thỉ Không

Đây là pháp quán thòi gian chẳng có đầu mối; quán đầu mối thời gian từ vô thỉ là KHÔNG.

Chúng sanh từ vô thỉ đến nay, chuyển thân này sang thân khác. Thân đời này do nghiệp lực đời tnrớc dẫn sanh, rồi nghiệp duyên tạo ở đời này lại trở thành nghiệp lực dẫn sanh ở đời sau. Cứ như vậy lần lượt kế truyền mãi mãi. Thế nhưng, chẳng có pháp ban đầu cũng chẳng có pháp rốt sau.

Vì sao? Vì trước sanh sau chết, rồi trước chết sau sanh, chẳng có nhân, chẳng có duyên, chẳng có gì sanh, chẳng có gì diệt cả. Như vậy là Vô Thỉ Không.

Trong kinh Phật dạy các Tỷ kheo rằng: “Này các Tỷ kheo! Chúng sanh chẳng có đầu mối. Do vô minh che tâm, do ái chấp sâu dày mà phải chịu qua lại mải miết trong các nẻo đường sanh tử, nên đầu mối là bất khả đắc. Chúng sanh là vô thỉ, các pháp cũng vô thỉ, mà vô thỉ là bất khả đắc, nên nói là Vô Thỉ Không”.

 

Hỏi: Nếu vô thỉ là thật pháp, thì vì sao lại phá vô thỉ?

Đáp: Nếu nói chúng sanh có đầu mối (Hữu thỉ) thì rơi về biên kiến, nên nói chúng sanh cùng các pháp là vổ thi. Thế nhưng, nếu chấp vô thỉ, thì cũng lại rơi về hữu thỉ, hữu biên. Vì sao?

Vì như vậy là còn chấp có một pháp gọi là vô thỉ, có cái tướng Vô Thỉ vậy. Nếu dùng Vô Thỉ Không để phá chấp về Vô Thỉ thì mới chẳng còn rơi về Hữu Thỉ, mới nhập được vào Trung Đạo vậy.

 

Hỏi: Vì sao lại phải phá Vô Thỉ?

Đáp: Nếu đã được Nhất Thiết Trí rồi, thì chẳng có rơi về chấp Vô Thỉ. Vì sao? Vì đã rõ biết Vô Thỉ là bất khả đắc.

Trái lại, nếu còn chấp tướng Vô Thỉ, thì chưa phải là Nhất Thiết Trí. Do vậy mà phải phá chấp Vô Thỉ, để khỏi rơi về hai chấp Hữu và Vô. Phải phá chấp Vô Thỉ mới vào được Vô Thỉ Không.

 

Hỏi: Vì sao Phật nói “Chúng sanh, từ vô thỉ đến nay qua lại trong các nẻo đường sanh tử?”

Đáp: Phật muốn nhắc nhở chúng sanh biết rằng, từ vô thỉ đến nay, mải miết qua lại trong các nẻo đường sanh tử, khiến họ sanh nhàm chán sanh tử, mà tinh tấn tu hành nhằm thoát ly ra khỏi 3 cõi.

Phật lại dạy: “Trải qua vô lượng kiếp sanh tử, xương của mỗi chúng sanh có thể chất thành núi cao, nước mắt của mỗi chúng sanh có thể nhiều bằng nước ở biển cả. Như vậy, từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh đã phải thọ vô lượng khổ đau. Thế nhưng, tìm đầu mối, thì đầu mối là bất kha đắc, chẳng sao tìm được vậy.

Phật thuyết về Vô Thường nhằm độ các chúng sanh chấp Thường. Phật lại thuyết Vô Thỉ nhằm độ chúng sanh chấp Hữu Thỉ. Nhưng cũng chẳng nên chấp Vô Thỉ, vì vô thỉ cũng chẳng thật có, nên Phật lại thuyết về Vô Thỉ Không.

 

Hỏi: Nếu Vô Thỉ chẳng thật có thì làm sao có thể dùng Vô Thỉ để độ các chúng sanh chấp Hữu Thỉ?

Đáp: Phật dùng đủ các pháp môn phương tiện, tùy duyên hóa độ chúng sanh, khiến họ xả trừ tâm chấp.

Ví như Phật thuyết về Vô Thường để phá chấp Thường của chúng sanh; thuyết về khổ Đế để dạy chúng sanh xa lìa các dục lạc thế gian. Nếu thấy chúng sanh chấp Vô Thường, chấp Khổ... thì Phật dạy cho họ biết rõ là Vô Thường, Khổ... cũng đều là KHÔNG. Nói về Vô Thỉ cũng như vậy. Phật thuyết Vô Thỉ nhằm phá chấp Hữu Thỉ của chúng sanh. Nhưng nếu chứng sanh lại chấp Vô Thỉ, thì Phật lại thuyết về Vô Thỉ Không.

Phật dùng Túc Mạng Trí thấy chúng sanh tương tục sanh diệt vô cùng tận, Phật lại dùng Huệ Nhãn thấy chúng sanh cũng như các pháp, từ vô thỉ đến nay chẳng có đầu mối đều là rốt ráo không, nên thuyết về Vô Thỉ Không.

 

Hỏi: Chấp Hữu Thỉ là tà kiến, phải nên phá. Còn nói Vô Thỉ, thì chẳng phải là tà kiến, sao cũng phá nữa?

Đáp: Nói Hữu Thỉ là lầm lạc là tà kiến. Vì sao? Vì nếu là Hữu Thỉ thì chẳng có nhân duyên tội phước. Nếu chấp có thân ban đầu, thì thân ban đầu ấy chẳng thể sanh ở chổ thiện, cũng chẳng thể sanh ở chỗ ác được.

Lại nữa, nếu y theo nhân duyên tội phước mà có sanh thân, thì chẳng thể gọi là thân ban đầu được. Vì sao? Vì thân trước có tạo tội phước, thì các nghiệp duyên tội phước đó mới dẫn thọ thân sau. Cho nên Phật thuyết Vô Thỉ để phá chấp về Hữu Thỉ của chúng sanh.

Sau khi xả bỏ chấp về Hữu Thỉ, nếu chúng sanh lại chấp Vô Thỉ, thì phải nên vì họ dạy pháp quán Vô Thỉ không. Vì sao? Vì còn chấp Hữu Thỉ hay Vô Thỉ cũng đều là tà kiến cả.

 

Hỏi: Vì sao dùng Vô Thỉ để phá Hữu Thỉ mà chẳng dùng Hữu Thỉ đê phá Vô Thỉ? Lại nữa, vì sao chỉ dùng Vô Thỉ Không để phả Vô Thỉ mà chẳng dùng Hữu Thi Không để phá Hữu Thỉ?

Đáp: Chấp Hữu Thỉ, chấp Vô Thỉ đều là tà kiến cả, nhưng có trọng, có khinh khác nhau.

Nhân duyên chấp Hữu Thỉ dẫn sanh các tướng phiền não.

Trái lại, nếu niệm các pháp duyên khởi từ Vô Thỉ thì khởi sanh từ bi và chánh kiến. Vì sao? Vì niệm chúng sanh từ vô thỉ đến nay, thọ vô lượng khổ đau nên phát sinh bi tâm, thương xót chúng sanh. Vì rõ biết quả báo tội phước tương tục nối tiếp từ Vô Thỉ đên nay, nên phát sanh chánh kiến.

Lại nữa, Vô Thỉ rốt ráo phá được Hữu Thỉ. Hữu Thỉ tuy cũng có thể phá được Vô Thỉ, nhưng chẳng được rốt ráo. Vì sao? Vô Thỉ ví như thiện pháp, Hữu Thỉ ví như bất thiện pháp. Thiện pháp phá được bất thiện pháp, còn bất thiện pháp khó có thể phá được thiện pháp một cách triệt để được. Tuy hai bên có tương phá lẫn nhau. Nhưng thiện thì rốt ráo phá được ác, còn ác thì chẳng thể như vậy được. Ví như người vào được thánh trí đạo rồi, thì chẳng còn làm các việc ác nữa. Lại ví như người trước đã phạm tội bội phản, đã đoạn thiện căn, mà sau đó có phát tâm tu hành, thì dù phải đọa địa ngục cũng chỉ thọ tội trong một kiếp, rồi cũng sẽ thoát khỏi chốn địa ngục, sẽ được sanh lên các cõi người, cõi Trời.

Như vậy là dùng Vô Thỉ để phá chấp về Hữu Thỉ, mà chẳng thể dùng Hữu Thỉ để phá chấp Vô Thỉ được.

Thế nhưng, sau khi dùng Vô Thỉ để phá Hữu Thỉ mà lại chấp tướng Vô Thỉ, thì cũng là tà kiến, nên phải quán Vô Thỉ không để phá chấp về Vô Thỉ. Dùng Vô Thỉ Không phá triệt để cả hai chấp về Hữu Thỉ và Vô Thỉ nên chẳng cần đến pháp quán Hữu Thỉ Không làm gì nữa. Khi đã rốt ráo phá được cả hai chấp Hữu và Vô là vào được Trung Đạo, thông hiểu được Thánh Đạo.

 

11).- Tán Không

Đây là pháp quán các pháp, khi duyên ly tán, đều trở thành KHÔNG. Hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp mà giả danh có. Khi các duyên ly tán, thì danh và pháp đều chẳng còn nữa.

Như vậy là Tán Không.

Pháp, khi hòa hợp cũng như khi ly tán, chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên pháp và danh đều là KHÔNG, là bất khả đắc cả.

Ví như cái xe do các bộ phận rời ráp lại mà thành, khi tách rời các bộ phận ra, thì xe cũng như tên xe đều chẳng có nữa. Cũng như vậy, người do 5 ấm hòa hợp mà giả danh có pháp gọi là người. Khi 5 ấm ly tán, thì chẳng còn người nữa.

 

Hỏi: Nói như trên đây, thì chi phá được giả danh, chẳng có thể phá được sắc.

Đáp: Sắc và danh đều bị phá. Vì sao? Vì sắc pháp do các vi trần hòa hợp mà giả danh có. Nhưng vi trần là bất khả đắc, nên sắc pháp cũng là bất khả đắc.

 

Hỏi: Khi một vật tan rã, hình tướng của vật có thể chẳng còn nữa, nhưng sắc pháp vẫn còn. Như vậy vì sao nói sắc pháp là chẳng thật có?

Đáp: Sắc pháp do 4 Đại hòa họp mà thành. Nếu chẳng có 4 Đại hòa hợp, thì chẳng có được sắc pháp. Dùng trí huệ phân biệt mà tách 4 Đại riêng rẽ, thì sắc pháp là bất khả đắc vậy.

 

Hỏi: Nói sắc tán hoại, thì còn hợp lý. Còn thọ, tưởng, hành và thức cũng tán hoại hay sao?

Đáp: 4 ấm thọ, tưởng, hành và thức có sanh có trú có diệt, nên cũng là vô thường là tán hoại, là KHÔNG vậy. Vì sao? Hãy xem một người từ khi sanh đến khi già thay đổi rất nhiều, nên cả 5 ấm thân của người ấy cũng sanh diệt tương tục, cũng tán hoại tương tục. Lại nữa, thức tâm tùy duyên sanh cũng tùy duyên diệt. Ví như tướng lửa được hiển lộ nhờ các vật cháy; nếu lìa các vật cháy ra thì lửa là bất khả đắc. Cũng như vậy, do 6 căn duyên 6 trần mà sanh ra có 6 thức; nếu lìa các chỗ duyên ra, thì thức tâm là bất khả đắc.

Trong kinh Phật dạy: “Sắc là tán hoại, là vô sở hữu. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là tán hoại, là vô sở hữu”. Như vậy là Tán Không.

Phàm phu, vì chưa ly dục nên ở nơi các pháp sanh tâm ái trước. Người tu hành đã được ly dục rồi thấy các pháp đều tán hoại. Khi có đủ duyên hòa hợp mới giả danh có pháp này, pháp nọ. Khi các duyên ly tán, thì chẳng còn có danh, chẳng còn có sắc nữa.

Trong kinh Phật dạy ngài Ma Ha Ca Chiên Diên: “Quán 4 Đế đều ly tán, là vào được Tán Không”.

 

12).- Tánh Không:

Đây là pháp quán về tự tánh của hết thảy các pháp đều là KHÔNG.

Vì các pháp tương tục duyên khởi, nên mới có hiện ra các tướng. Ví như nước có tướng lỏng; đun sôi trở thành hơi nước; đông lạnh trờ thành nước đá. Xem như vậy thì các pháp chẳng có định tướng. Do chẳng có định tướng nên tánh của các pháp vốn là KHÔNG.

Như vậy là Tánh Không.

 

Hỏi: Trong kinh đã có nói nhiều về vô ngã và vô ngã sở. Như vậy là đã diễn bày đầy đủ về Chúng Sanh Không và Pháp Không rồi. Sao nay còn nói đến Tánh Không làm gì nữa?

Đáp: Tánh Không ở nơi đây chẳng phải chỉ nói riêng về Chúng Sanh Không và Pháp Không.

Về Tánh Không, Luận Thanh Văn phân biệt nói lên các nghĩa như sau:

- 12 nhập là vô ngã và vô ngã sở.

- 12 nhập là tự tướng Không, là vô ngã, vô ngã sở.

Các kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn phân biệt nói lên các nghĩa như sau:

- 12 nhập, ngã và ngã sở đều Không.

- Tự tánh của 12 nhập là Không.

Tánh của ngã và của ngã sở rốt ráo là KHÔNG, nhưng vì người đời phân biệt có ngã và ngã sở, nên Phật phương tiện nói vô ngã và vô ngã sở.

Như vậy là hết thảy các pháp đều là KHÔNG. Vô Ngã và Vô Ngã Sở còn chẳng có chấp, huống nữa là chấp Chúng Sanh Không và Pháp Không. Lại nữa, TÁNH tự có, chẳng phải đợi nhân duyên mới có. Vì sao? Vì nếu đợi nhân duyên sanh, thì đó là tác pháp, chẳng có thể là tánh được vậy. Hết thảy các pháp hữu vi đều do nhân duyên sanh, nên đều là tác pháp. Nhưng nếu đã do nhân duyên hòa hợp mới có, thì là vô pháp. Như vậy là tánh của hết thảy các pháp là bất khả đắc, nên pháp cũng là vô pháp vậy. Bởi vậy, nên gọi là Tánh Không.

 

Hỏi: Tất Cánh Không là vô sở hữu, là đã bao hàm nghĩa về Tánh Không rồi. Sao nay còn nói về Tánh Không làm gì nữa?

Đáp: Tất Cánh Không là vô sở hữu, có nghĩa là chẳng còn có chỗ để trừ bỏ. Còn Tánh Không là bản lai thường KHÔNG như vậy. Ví như tánh nước là lạnh; nhờ có lửa đun sôi mà trở thành nóng; khi hết tác dụng của lửa rồi, lại trở lại lạnh như trước.

Tất Cánh Không là thường như hư không, ở cả ba đời thường bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh... Còn Tánh Không là bất khả đắc. Tất Cánh Không là nói về chỗ sở hành của Phật. Còn Tánh Không là nói về chỗ sở hành của Bồ Tát.

Tất cánh Không là nói về ba đời thanh tịnh, bình đẳng, vô sai biệt.

Còn Tánh Không là nói về nhân duyên hòa hợp, chẳng có thật tánh. Lại nữa, pháp tánh phân biệt có: Tổng tánh và Biệt tánh.

 

- Tổng Tánh:

Nói về Tổng Tánh các pháp là nói về vô thường, về khổ, về không, về vô ngã, về bất sanh, về bất diệt v.v...

 

--o0o--

 

Như nói về Vô Thường, Phật dạy: “Các pháp thế gian đều là vô thường, đều là KHÔNG”. Như vậy là nói về Tính Không.

Nhưng Tính Không là bất khả đắc, nên tính vô thường cũng là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu Vô Thường là thật thì các nghiệp báo nhân duyên phải mất. Sinh diệt quá khứ chẳng trú, sáu tình chẳng thọ, thì chẳng có chứa nhóm các nghiệp báo nhân duyên.

Nếu chẳng có chứa nhóm các nghiệp báo nhân duyên, thì chúng sinh sẽ mặc tình đắm chìm trong tội lỗi, chẳng cần nghĩ đến các việc trì tụng kinh pháp, tọa thiền, làm các việc thiện nữa.

Bởi vậy nên, Tính Vô Thường là bất khả đắc. Tính Vô Thường đã là bất khả đắc, thì Tính thường cũng là bất khả đắc.

 

--o0o-- 

Tính Khổ cũng là KHÔNG, là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu Khổ là thật, thì chẳng ai dám sinh tâm nhiễm trước. Nếu là toàn khổ, thì ở thế gian chẳng có gì là vui để mà ưa thích nữa.

Phật chẳng thọ khổ, chẳng thọ lạc, chẳng thọ bất khổ bất lạc.

Vì sao? Vì thọ khổ sẽ sinh sân, thọ lạc sẽ sinh ái, thọ bất khổ bất lạc sẽ sinh si.

Thật ra ở nơi Nhất Tướng, Vô Tướng thì khổ và lạc chẳng phải hai, chẳng phải khác.

 

--o0o--

 

Như trên đây đã nói, tính Không, là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu Không là thật, thì chẳng có tội, chẳng có phước, chẳng có đời này, chẳng có đời sau.

Lại nữa, các pháp do đối đãi mà có. Vì sao? Vì chấp có Hữu nên mới có Vô. Nếu Hữu là thật thì Vô cũng phải là thật v.v... Như vậy là rơi về tà kiến.

Bởi vậy nên tính KHÔNG là bất khả đắc. Tính KHÔNG đã là bất khả đắc thì tính CÓ cũng là bất khả đắc.

 

--o0o--

 

Tính Vô Ngã cũng là KHÔNG, là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu Vô Ngã là thật thì chẳng có sự trói buộc (vô phược), chẳng có sự cởi mở (vô giải), chẳng có đời này, chẳng có đời sau, chẳng có thọ tội, chẳng có thọ phước, dẫn đến chẳng có các nhân duyên quả báo.

Bởi vậy nên tính Vô Ngã là bất khả đắc. Tính Vô Ngã đã là bất khả đắc thì tính Ngã cũng là bất khả đắc.

 

--o0o--

 

Tính Bất Sinh, Tính Bất Diệt cũng là KHÔNG là bất khả đắc. Vì sao? Vì nếu bất sinh, bất diệt là thật, thì đọa về thường kiến. Nếu hết thảy pháp là thường thì chẳng có tội, chẳng có phước. Nếu nói Sinh là thường hay nói Bất sinh là thường thì cũng đều là tà kiến cả.

Bởi vậy nên tính Bất Sinh Diệt là bất khả đắc. Tính Bất Sinh Diệt đã là bất khả đắc thì tính Sinh Diệt cũng là bất khả đắc.

 

--o0o--

 

Nói rộng, thì tất cả các tổng tính khác như Bất Cấu, Bất Tịnh, Bất Tăng, Bất Giảm, Vô Khứ, Vô Lai, Vô Xuất, Vô Nhập v.v… cũng đều là KHÔNG, là bất khả đắc cả. Tất cả đều là tính Bình Đẳng.

Trên đây là tóm lược nói về Tổng Tính của các pháp.

 

- Biệt Tính:

Nói về Biệt Tính là nói về tính đặc thù riêng biệt của mỗi pháp. Như nói lửa có tính nóng, có tính thiêu đốt các vật v.v…

Thế nhưng do các duyên hòa hợp mà giả danh có lửa, mà hiện ra có tính nóng, có tính thiêu đốt các vật, như đã nói trên đây. Lửa chẳng có thật tính. Vì sao? Vì người dùng thần thông có thể vào lửa mà chẳng bị thiêu cháy. Tính nóng của lửa cũng như tính thiêu đốt của lửa phải hội đầy đủ các nhân duyên mới dấy sinh, nên tổng tính cũng như biệt tính của lửa đều là KHÔNG.

 

--o0o--

Tính Kiên Cố, tính Tương Tục của các pháp cũng như vậy.

Trong kinh Phật dạy: “Núi Tu Di tuy kiên cố, tồn tại lâu dài, nhưng cũng là tính Không. Dùng trí tuệ quán chiếu, thì rõ biết hết thảy các sự vật đều là Tính KHÔNG cả. Nói rộng, hết thảy các pháp hữu vi và vô vi đều là bất khả đắc, dẫn đến các nhân duyên sinh pháp cũng đều là bất khả đắc cả. Tất cả đều là Tính Không.

 

13).- Tự Tướng Không:

Đây là pháp quán về Tự Tướng tức là về Tổng Tướng và Biệt Tướng của các pháp đều là KHÔNG.

 

Hỏi:  Tổng Tướng và Biệt Tướng sai khác nhau như thế nào?

Đáp: Nói về tướng chung của các pháp như nói về các tướng Vô Thường, tướng Khổ, tướng Không, Tướng Vô Ngã… là nói về Tổng Tướng.

Nói riêng về tướng của từng pháp riêng rẽ như nói lửa có tướng nóng,... là nói về Biệt Tướng.

 

Hỏi: Trước đã nói về tính Không, nay nói về Tự Tướng Không. Như vậy có gì sai khác nhau không?

Đáp: Có thuyết nói Tính và Tự Tướng cũng đồng mà cũng khác. Vì sao? Vì trong tướng có tính, và trong tính có tướng vậy. Như nói lửa có tính nóng. Tính nóng được thể hiện nơi tướng nóng, làm tăng nhiệt độ của môi trường bao quanh.

Lại có thuyết nói tính là thể tính, tướng là tướng trạng. Ví như nói đến người xuất gia trì giới cấm, là nói về tính, còn nói vị ấy cạo đầu, đắp y, đi khất thực… là nói về tướng. Cũng như nói lửa là nóng là nói về tính, còn nói lửa bốc khói, lửa nung nóng các vật… là nói về tướng của lửa. Nhờ các tướng trạng ấy mà có thể nhận biết được sự hiện hữu của lửa vậy.

 

--o0o--

 

Tính tiềm ẩn bên trong. Tướng bộc lộ, thể hiện ra bên ngoài. Tính và tướng tuy đồng mà có sai khác.

Ví như biết rõ các pháp hữu vi tùy duyên sinh và theo duyên diệt, là biết rõ Tính Vô Thường. Lại ví như biết rõ các pháp hữu vi đều trước không, nay có, có rồi trở lại thành không, là biết rõ về tướng Vô Thường.

Phàm phu chấp có các pháp hữu vi. Khi thấy các pháp ấy bị tán hoại, như thấy những vật mình ưa thích hư nát, thấy cảnh người thân mình bị tai nạn, chết chóc v.v...sẽ sinh phiền não khổ đau. Như vậy là Khổ Đế.

Các bậc Thánh chẳng bị các pháp hữu vi trói buộc nên chẳng còn sinh phiền não, lại cũng đã ly được ngã và ngã sở, nên chẳng còn bị ràng buộc bởi các duyên sinh. Vì sao? Vì đã biết rõ các pháp, trước sau đều rốt ráo là bất khả đắc. Như vậy là quán về Tự Tướng Không.

Lại nữa, các bậc Thánh ở nơi các pháp chẳng còn sinh tâm chấp, nên quán các pháp đều là không, là Vô Tướng, là Vô Tác, vào được Ba Giải Thoát Môn, đoạn được ngôn ngữ, tận diệt được các tâm hành.

Như vậy là quán về Tự Tướng Không.

Lại nữa, các bậc Thánh cũng biết rõ các pháp do duyên hợp sinh, nên đều là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, cũng biết rõ các pháp đều chẳng có ai làm ra (Vô chủ tác). Do vậy mà đoạn trừ được tâm chấp ngã, được vô ngại giải thoát. Lúc bấy giờ sáu căn y nơi sáu thức, mà khởi tính hay biết (giác tri), hiện tướng trí tuệ. Ví như xả là tướng bố thí, chẳng sinh phiền não là tướng trì giới, tâm bất động là tướng nhẫn nhục, thân tâm siêng năng làm các việc thiện là tướng tinh tấn, nhiếp tâm tại một chỗ là tướng thiền định, tâm không chấp đắm là tướng trí tuệ, hay thành tựu các pháp là tướng phương tiện, chấp đắm sinh diệt là tướng thế gian, vô sinh là tướng Niết Bàn v.v… Quán mỗi pháp đều có biệt tướng, nhưng biết rõ các biệt tướng ấy đều là KHÔNG. Như vậy là quán về Tự Tướng Không. 

 

Hỏi: Vì sao chẳng nói Tướng Không mà lại nói Tự Tướng Không?

Đáp: Nếu nói Tướng Không thì chưa diễn đạt được rõ nghĩa về pháp thể là KHÔNG. Nay nói Tự Tướng Không là nói pháp thể là KHÔNG vậy.

Lại nữa, do các duyên hòa hợp mà sanh ra có các pháp, các pháp đã theo duyên sanh, thì đều là bình đẳng, đều là Tự Tướng Không vậy.

 

Hỏi: Nói các pháp đều là KHÔNG là đủ rồi như vậy cần gì phải nói Tự Tướng Không nữa?

Đáp: Các pháp chỉ là một tướng (nhất tướng) là chẳng có tướng (vô tướng) mà chúng sanh điên đảo chấp có tướng chung (tổng tướng) và tướng riêng (biệt tướng). Nên phải vì họ nói về Tự Tướng Không để phá các chấp điên đảo ấy.

 

14).- Chư Pháp Không:

Đây là pháp quán về hết thảy các pháp đều là KHÔNG

Nói về Chư Pháp Không là nói về hết thảy các pháp gồm 5 ấm, 12 nhập, 18 giới… đều là KHÔNG.

Người thế gian thấy mỗi pháp đều có tướng riêng biệt nên chấp các pháp đều có tướng khác nhau. Từ nơi tâm chấp pháp trong đó mà phân biệt vô lượng tướng khác nhau, như: Thức tướng, duyên tướng, tăng thượng tướng, nhân tướng, quả tướng, tổng tướng, biệt tướng v.v..

 

Hỏi: Vì sao nói hết thảy các pháp đều có tướng (Hữu tướng)?

Đáp: Vì mỗi pháp hiển lộ một hoặc nhiều tướng riêng khác, các pháp có xấu có tốt, có trong có ngoài, có xa có gần… mỗi mỗi riêng khác.

 

Hỏi: Do đâu mà có pháp tướng?

Đáp: Tất cả các pháp tướng đều do tâm tạo, đều tự nơi tâm chấp mà sanh ra cả.

 

Hỏi: Vô pháp cũng có tướng chăng?

Đáp: Vô pháp chẳng có thể được gọi là pháp. Vì sao? Vì do đối đãi với hữu pháp mà nói có vô pháp. Nếu vô pháp là thật có thì vô pháp ấy cũng trở thành hữu pháp rồi vậy. Bởi vậy nên nói hết thảy các pháp đều có tướng (Hữu tướng).

Ví như dùng trí để phân biệt các tướng như:

-Dùng Khổ Pháp Trí, Khổ Tỷ Trí để biết được Khổ Đế.

-Dùng Tập Pháp Trí, Tập Tỷ Trí để biết được Tập Đế.

-Dùng Diệt Pháp Trí, Diệt Tỷ Trí để biết được Diệt Đế

-Dùng Đạo Pháp Trí, Đạo Tỷ Trí để biết được Đạo Đế

Lại nữa, dùng thức để phân biệt các trần, ví như dùng nhãn thức để phân biệt sắc, dùng nhĩ thức để phân biệt thanh, dùng tỷ thức để phân biệt hương, dùng thiệt thức để phân biệt vị, dùng thân thức để phân biệt sự xúc phạm, dùng ý thức để phân biệt pháp, thì gọi là thức tướng.

Lại nữa, dùng các thức tương ứng pháp để như thật biết các trần, ví như dùng nhãn thức và nhãn thức tương ưng pháp để duyên sắc… dẫn đến dùng ý thức và ý thức tương ứng pháp để duyên pháp thì gọi là thức tướng duyên tướng.

Lại nữa, các pháp hữu vi tương duyên với nhau, làm tăng thượng duyên cho nhau. Các pháp vô vi cũng có các pháp hữu vi làm tăng thượng duyên. Như vậy gọi là tăng thượng tướng.

Lại nữa, hết thảy các pháp đều có nhân và có quả. Như vậy gọi là nhân quả tướng.

Lại nữa, hết thảy các pháp đều có tướng chung và tướng riêng. Ví như nói về con ngựa, thì xét chung cả con ngựa là nói về tướng chung (Tổng tướng), còn xét riêng từng phần như mình dài, chân cao, lông trắng… là nói về tướng riêng (biệt tướng). Như vậy mỗi pháp đều có tổng tướng và biệt tướng.

Lại nữa, y nơi các tướng ấy mà biết được cộng tướng y chỉ. Ví như cây, cỏ, núi, sông… đều y chỉ nơi đất. Ví như gió y chỉ nơi hư không,… như vậy gọi là y chỉ tướng.

 

--o0o--

    

Cũng nên biết:

-Hoặc có một pháp tướng dung nhiếp hết thảy các pháp tướng. Như nói Nhất Thiết Pháp là dung nhiếp hết thảy pháp, nói Chư Pháp cũng dung hết thảy pháp.

-Hoặc có nhóm hai pháp tướng dung nhiếp hết thảy các pháp tướng. Như nhóm sắc và vô sắc, nhóm hữu đối và vô đối, nhóm hữu lậu và vô lậu, nhóm hữu vi và vô vi…

-Hoặc có nhóm 3 pháp tướng, 4 pháp tướng, 5 pháp tướng… dung nhiếp hết thảy các pháp tướng.

 

--o0o--

 

Thế nhưng, tuy có những tướng sai khác như đã trình bày trên đây, hết thảy các pháp đều như như, bình đẳng, đều là nhất tướng, đều là vô tướng cả.

Bởi nhân duyên vậy, nên gọi là Chư Pháp Không.

 

Hỏi: Hết thảy các pháp tướng đều là KHÔNG. Như vậy vì sao còn đặt cho mỗi pháp một tên gọi riêng?

Đáp: Phàm phu chẳng biết được rằng các pháp đều là KHÔNG, nên điên đảo chấp mỗi pháp có tướng riêng khác, rồi khởi sanh ái trước, phiền não. Do phiền não mà khởi sanh ra các khổ lạc. Ví như tằm nhả tơ tự trói buộc (triền phược) lấy mình.

 

Hỏi: Nước có tướng ướt, gió có tướng lay động, lửa có tướng nóng, đất có tướng cứng… Như vậy mỗi pháp đều có tự tướng. Sao lại nói các pháp đều là KHÔNG?

Đáp: Các tướng đều bất định. Chẳng có tướng nào là định tướng cả. Ví như nước có tướng lỏng; khi được đun sôi lại biến thành hơi; khi gặp lạnh lại đông đặc thành nước đá, thành băng, thành tuyết. Ví như các vật bị lửa thiêu đốt biến thành tro…

Như vậy là mỗi pháp tự xả tướng của nó khi gặp các duyên khác, nên nói các pháp chẳng có định tướng.

Lại nữa, các pháp hữu vi có 3 tướng là sanh, trú và diệt; cũng như các pháp vô vi có 3 tướng là bất sanh, bất trú và bất diệt.

Như vậy, nếu các pháp có định tướng thì chẳng có biến đổi như vậy được. Bởi vậy nên nói các pháp tướng đều là KHÔNG.

 

Hỏi: Nếu nói các pháp đều là KHÔNG, thì làm sao phân biệt phàm phu với Thánh Hiền?

Đáp: Chẳng có pháp gọi là Thánh, cũng chẳng có pháp gọi là Phàm. Chỉ cần phá màn vô minh, chuyển vô trí thành trí là phàm phu liền trở thành Thánh vậy.

Ví như có bệnh mới dùng thuốc; ngay khi hết bệnh, thì chẳng còn cần đến thuốc nữa.

Trong kinh, Phật dạy: “Lìa phàm chẳng có Thánh, lìa Thánh chẳng có phàm”.

Chẳng nên chấp có hai pháp Phàm và Thánh riêng rẽ. Vì sao? Vì các bậc Thánh cũng dùng pháp của người phàm. Chỉ khác ở chỗ bậc Thánh chẳng có chấp tướng, mà người phàm thì chấp tướng. Nếu phàm phu xả được tâm chấp tướng, thì liền được nhập vào dòng Thánh.

 

15).- Bất Khả Đắc Không:

Đây là pháp quán về các pháp là bất khả đắc “Chẳng thể được” là KHÔNG, quán Bất Khả Đắc cũng là KHÔNG. Như vậy gọi là Bất Khả Đắc Không.

 

Hỏi: Nói các pháp đều là KHÔNG cũng đủ rồi. Vì sao còn nói các pháp là Bất Khả Đắc Không?

Đáp: Khi phá hết thảy các pháp tướng rồi, thì nói các pháp là KHÔNG. Các pháp đều KHÔNG, nên đều là bất khả đắc, tức là chẳng có thể được. Nhưng lại phải xả luôn chấp về bất khả đắc, mới vào được Bất Khả Đắc Không.

 

Hỏi: Nếu hết thảy pháp đều KHÔNG, vì sao trong kinh lại nói đến các pháp là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Lại cũng có nói đến sự thọ nghiệp quả báo?

Đáp: Như bà mẹ sanh con. Tuy mẹ con có khác nhau, nhưng cũng có duyên nghiệp tương tục. Do duyên nghiệp tương tục mà có nghiệp quả nối tiếp trong nhiều đời như vậy.

Bồ Tát, tuy cũng ở trong sanh tử, nhưng đã biết rõ thật tướng các pháp. Vì người độn căn, nói các pháp là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Vì người lợi căn, nói các pháp đều là KHÔNG, nói 5 ấm, 12 nhập, 18 giới… đều chẳng thật có.

Trong kinh Tạp A Hàm và kinh Đại Không nói: “CÓ 2 KHÔNG là Chúng Sanh Không và Pháp Không”.

Trong kinh La Đà nói: “Sắc ấm là tán hoại”.

Trong kinh Ba La Diên và kinh Lợi Chúng nói: “Người được đạo rồi chẳng thủ cũng chẳng xả. Như vậy là lìa các chấp”.

 

Hỏi: Vì sao gọi Bất Khả Đắc Không là Thật Không?

Đáp: Vì thật pháp là bất khả đắc, là Không, nên là Bất Khả Đắc Không.

 

Hỏi: Trước nói là Tự Tướng Không. Sao nay lại nói Bất Khả Đắc Không?

Đáp: Nói nhân duyên Bất Khả Đắc Không để đoạn nghi, để người nghe pháp khỏi sợ hãi. Như lời Phật dạy: “Từ khi ta phát tâm đến khi ta thành Đạo, tầm cầu các pháp đều là Bất Khả Đắc”.

 

Hỏi: Người vào được Bất Khả Đắc Không có những công đức gì?

Đáp: Người tu hành vào được Bất Khả Đắc Không sẽ tiêu sạch ba độc và các kiết sử, được đầy đủ giới, định, huệ và đầy đủ các pháp thiện.

 

Hỏi: Nghĩa của Chư Pháp Không và Bất Khả Đắc Không có gì khác nhau không?

Đáp: Bất Khả Đắc Không cũng đồng nghĩa với Chư Pháp Không. Nói Bất Khả Đắc Không để khai thị chúng sanh thấy rõ ràng Vô Vi, Đệ Nhất Nghĩa Đế cũng đều là bất khả đắc vậy. Đây là nghĩa của Vô Dư Niết Bàn.

 

16).- Vô Pháp Không:

Đây là pháp quán về chỗ không có pháp là KHÔNG.

 

17).- Hữu Pháp Không:

Đây là pháp quán chỗ có pháp là KHÔNG

 

18).- Vô Pháp Hữu Pháp Không:

Đây là pháp quán về chỗ không pháp và chỗ có pháp đều là KHÔNG.

Vì sanh là bất khả đắc, diệt cũng là bất khả đắc, nên KHÔNG (hữu) và CÓ (vô) đều bất khả đắc. Bởi vậy nên nói “Chỗ không có pháp”, “Chỗ có pháp”, “Chỗ không pháp và có pháp” đều là bất khả đắc, đều là KHÔNG cả.

18 KHÔNG, nêu trên đây, phá hết thảy Sanh, Trú, Diệt, cũng phá hết thảy 3 đời.

Có thuyết nói: “Nếu vào được Vô Pháp Không thì sẽ biết được ở hiện tại các pháp hữu vi và các pháp vô vi đều là KHÔNG cả”. Lại có thuyết nói : “Nếu rõ biết được Vô Sanh, Vô Diệt thì sẽ phá được cả Hữu Vi lẫn Vô Vi, biết rõ Hữu Vi và Vô Vi đều là KHÔNG cả”.

 

--o0o--

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Bồ Tát Ma Ha Tát muốn trú Nội Không,… dẫn đến Vô Pháp Hữu Pháp Không phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

 

Nói tóm lại, Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 42, “Thán Tịnh”, tập 4, quyển 63, Nói:

“... 13 “pháp không” nêu ở đây, từ nội không... dẫn đến tự tướng không, nhằm phá hết thảy các chấp về pháp tướng. Còn 5 “pháp không” sau cùng gồm có chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không và vô pháp hữu không, nhằm phá tổng tướng của hết thảy các pháp”.

Đại Trí Độ Luận là bộ thích luận viết theo lối “Hội thoại” hay “đàm thoại” tuy có dài dòng nhưng dễ hiểu. Chúng tôi trích dẫn 18 pháp không này ở Hội thứ Nhất, tập 2, do Ni Trưởng TN Diệu Không dịch.

Như nhiều lần chúng tôi lưu ý: Ai hiểu được 18 pháp không pháp như thì có thể thâm nhập được Bát Nhã Tánh Không, giác ngộ và chứng Nhất thiết trí trí.

 

4/. Giải thích theo Thiền sư D.T. Suzuki:

Thiền sư D.T. Suzuki trong “Thiền Luận quyển hạ”. đúc kết “mười tám con đường diễn tả không” tuy ngắn gọn nhưng cũng đủ giúp chúng ta hiểu thế nào là:

 

1).- Nội Không (Auhyatma synyata), Không của các pháp nội tại

2).- Ngoại Không (Bahirdha sunyata) Không của các pháp ngoại tại.

3).- Nội Ngoại Không (Adhyatma-bahirdha-sunyata), Không của các pháp nội ngoại tại.

4).- Không Không (Sunyata-sunyata), Không của Không.

5).- Đại Không (Maha-sunyata), Không lớn.

6).- Đệ Nhất Nghĩa Không (Paramartha-sunyata), Không của chân lý cứu cánh.

7).- Hữu Vi Không (Samskrita-sunyata), Không của các pháp hữu vi.

8).- Vô Vi Không (Asamskrita-sunyata), Không của các pháp vô vi

9).- Tất Cánh Không (Atyanta-sunyata), Không tối hậu.

10).- Vô Tế Không (Anavaragra-sunyata), Không không biên tế.

11).- Tán Không (Anavakara-sunyata), Không của sự phân tán.

12).- Bản tánh không (Prakriti-sunyata), Không của bản tánh.

13).- Tự Tướng Không (Svalaksana-sunyata), Không của tự tướng.

14).-Nhất Thiết Pháp Không (Sarvadhanna-sunyata), Không của vạn hữu.

15).- Bất Khả Đắc Không (Anupalambha-sunyata), Không của cái bất khả đắc. 

16).- Vô Tánh không (Abhava-sunyata) Không của vô thể.

17).- Tự Tánh không (Svabhava-sunyata), Không của tự tánh.

18).- Vô Tánh Tự Tánh không (Abhava-svabhava-sunyata), Không của vô thể của tự tánh.

 

Thiền sư D.T. Suzuki giải thích và luận giải 18 pháp không này như sau:

 

1).- Chữ “Nội” chỉ cho sáu thức (vijnana). Khi chúng được nói là Không, có nghĩa tất cả những hoạt động tâm lý của chúng ta không có thần ngã hay ngã linh hồn nằm ở sau, như chúng ta ai cũng tưởng vậy. Đây là một lối nói khác của chủ trương thuyết Vô ngã (Anatman hay Anatta).

 

2).- “Ngoại” là các đối tượng của sáu thức, cái Không của chúng có nghĩa không có những bản trụ (hay bản thể) của ngã chủ tể nằm ở sau. Cũng như không có Tự ngã (atman) nơi hậu trường của các hiện tượng tâm lý, cũng vậy, không có Tự ngã (Ataman) nơi hậu trường của ngoại giới. Thuật ngữ gọi đó là “pháp vô ngã’. Phật giáo nguyên thủy dạy cho chúng ta thuyết Vô ngã (Anatman), nhưng người ta nói chính các nhà Đại thừa mới áp dụng thuyết đó luôn cho các đối tượng ngoại giới.

 

3).- Thông thường chúng ta phân biệt ngoại với nội, nhưng vì không có thực tại cho sự phân biệt này nên ở đây nó bị phủ nhận; phân biệt này chỉ là một hình thái của vọng tâm, mối quan hệ có thể bị đảo lộn bất cứ lúc nào, ở đây không có thường trụ bất biến. Thử thay đổi vị trí, cái nội thành ra ngoại và cái ngoại là nội. Quan hệ này, đây gọi là Không.

 

4).- Khi các pháp ngoại và nội được tuyên bố tất cả là Không, chúng ta tất nghĩ rằng Không vẫn là một ý tưởng có thực, hay chỉ có cái đó mới là cái khả đắc khách quan. Không của Không cốt hủy diệt chấp trước ấy. Còn giữ một ý tưởng Không tức còn lưu lại một hạt bụi khi đã tảo thanh tất cả.

 

5).- “Không lớn” chỉ cho tính bất thực của không gian. Thời trước coi không gian là cái có thực một cách khách quan, nhưng đến các nhà Đại thừa, nó là Không. Các vật trong không gian lệ thuộc các định luật của sinh tử, tức bị điều động bởi nhân quả; tất cả mọi người theo đạo Phật đều nhận điều đó; nhưng họ nghĩ không gian trong tự thể là thường trụ. Các nhà Đại thừa dạy rằng khoảng chân không bao la này cũng không có thực tại khách quan nên ý tưởng về không gian hay trương độ chỉ là ảo tưởng.

 

6).- “Chân lý cứu cánh” chỉ có chân thể của vạn hữu, trạng thái tồn tại chân thực của chúng, ngoài tất cả hình thái của chủ quan tính. Đây là cái không bị hủy diệt, không bị gán cho là thế này hay là thế kia, cũng không thứ gì có thể gán vào đó. Vì vậy, chân lý cứu cánh (Đệ nhất nghĩa) là Không. Nếu là có thực, nó là một trong những đối tượng bị chi phối và bị ràng buộc vào định luật nhân quả. Niết bàn chỉ là một danh tự nói khác. Khi Niết bàn có chỗ để cho bám được, nó sẽ không là Niết bàn nữa. Sẽ thấy Không dùng ở đây có nghĩa hơi khác với ở số 3, khi những đối tượng nội hay ngoại được tuyên bố là Không.

 

7).- và 8).- Có thể luận chung cả hai. Hữu vi (Samskrita) chỉ có những pháp xuất hiện do các điều kiện của tác thành. Vô vi (Asamskrita) là những pháp không lệ thuộc tác thành, như không gian chẳng hạn. Nói Hữu Vi Không là một cách nói khác chỉ cho thế giới ngoại tại cũng như thế giới nội tại đều không. Hiện hữu đôi khi được chia thành Hữu vi và Vô vi, đôi khi được chia thành nội và ngoại, đôi khi được chia thành năm Uẩn (skandha), v.v..., theo các quan điểm cần thiết cho quá trình suy luận. Tuy nhiên, tất cả những phân biệt này chỉ là tương đối và không có khách thể tính tương đương, và do đó, là Không. Vô vi hiện hữu vì đối lại với Hữu vi. Nếu Hữu vi không thực có, Vô vi cũng không luôn. Cả hai chỉ là giả danh, là Không.

 

9).- Chỗ này nhấn mạnh ý niệm tất cả “các pháp” đều Không một cách tuyệt đối. “Cứu cánh” tức “Tuyệt đối”. Phủ nhận thực tại tính khách quan nơi tất cả các pháp ở đây được chủ trương một cách đương nhiên, không điều kiện thắc mắc. “Không của Không”, trên thực tiễn, cũng chỉ cho một cái như nhau. Phòng được quét sạch là nhờ chổi; nhưng nếu còn chổi thì không phải là Không tuyệt đối. Quả vậy, phải gạt sang một bên cái chổi, cùng với người quét, mới mong đạt tới ý niệm về Tất cánh Không (Atyanta-sunyata). còn giữ lại dù chỉ một pháp, một vật hay một người, là còn có điểm chấp để từ đó sản xuất một thế giới của những sai biệt rồi kéo theo những ước muốn và đau khổ. Tánh không vượt ngoài mọi quyết định tính có thể có, vượt ngoài chuỗi quan hệ bất tận; đó là Niết bàn.

 

10).- Khi nói hiện hữu là vô thủy, người ta nghĩ rằng có một cái như là vô thủy, và bám vào ý niệm này. Để loại bỏ chấp trước ấy, mới nêu lên Tánh không của nó. Tri kiến của con người lắc lư giữa hai đối cực. Khi ý niệm về hữu thủy bị dẹp bỏ, ý niệm về vô thủy đến thay, mà sự thực chúng chỉ là tương đối. Chân lý lớn của Không phải ở trên tất cả những đối nghịch này, nhưng không phải ở ngoài chúng. Vì vậy, Kinh Bát Nhã dốc sức khai thông con đường giữa dù vậy vẫn không đứng y ở đó; vì nếu thế, hết còn là con đường giữa, Thuyết Tánh không như vậy phải được minh giải từ quan điểm rất thận trọng.

 

11).- Không có thứ gì hoàn toàn đơn nhất trong thế gian này. Mọi vật bị cưỡng bức phải phân tán kỳ cùng. Nó hiện hữu coi chừng như một đơn tố, nguyên dạng, nguyên thể, nhưng ở đây không thứ gì lại không thể phân chiết thành những bộ phận thành tố. Chắc chắn nó bị phân tán. Các thứ nằm trong thế giới của tư tưởng hình như có thể không bị tiêu giải. Nhưng ở đây sự biến đổi hiện ra dưới một hình thức khác. Công trình của thời gian, thường trụ không thường mãi. Bốn uẩn - Thọ, Tưởng, Hành và Thức - cũng chỉ cho sự phân tán và hoại diệt tận cùng. Nói gì đi nữa, không cũng là Không.

 

12).- Prakriti (bản tánh) là cái làm cho lửa nóng và nước lạnh, nó là bản chất nguyên sơ của mỗi vật thể cá biệt. Khi nói rằng nó Không, có nghĩa không có Tự ngã (Atman) bên trong nó để tạo ra bản chất nguyên sơ của nó, và ý niệm đích thực về bản chất nguyên sơ là một ý niệm Không. Chúng ta đã ghi nhận rằng không có tự ngã cá biệt nơi hậu cứ của cái chúng ta coi như vật thể cá biệt, bởi vì vạn hữu là những sản phẩm của vô số nhân và duyên và chẳng có gì đáng gọi một bản chất nguyên sơ nó độc lập đơn độc, tự hữu. Tất cả là Không triệt để và nếu có thứ bản chất nguyên sơ nào đó, thì có cách nào đó cũng vẫn là Không.

 

13).- Laksana (tướng) là phương diện khả tri của mỗi vật thể cá biệt. Trong vài trường hợp, Laksana không khác với bản chất nguyên sơ, chúng liên hệ bất phân. Bản chất của lửa có thể biết qua cái nóng của nó, và bản chất của nước qua cái lạnh của nó. Một nhà sư thì hiện bản chất cố hữu của ông ta qua việc tu trì các giới cấm, còn cái đầu cạo và chiếc áo phá nạp là tướng dạng riêng của ông. Kinh Bát Nhã nói với chúng ta rằng, những khía cạnh ngoại hiện, khả tri, của hết thảy mọi vật là không vì chúng là những giả tướng kết quả do nhiều tập hợp của các nhân và các duyên; vì tương đối nên chúng không có thực. Do đó, Tự tướng Không, có nghĩa rằng mỗi vật thể riêng biệt không có những bản sắc thường hằng và bất hoại nào đáng gọi là của riêng.

 

14).- Thừa nhận tất cả các pháp là Không, cái đó hết sức hàm ngụ, vì chữ pháp (dharma) không những chỉ riêng cho một đối tượng của quan năng mà còn chỉ cho cả đối tượng của tư tuởng. Khi tuyên bố tất cả những thứ đó là không, khỏi cần bàn luận chi tiết gì nữa. Nhưng Kinh Bát Nhã hiển nhiên cố ý không để nguyên trạng tảng đá để đè nặng những người học Bát Nhã một cách triệt để bằng học thuyết Tánh không. Theo Long Thọ(Nagarjuna), tất cả các pháp (dharma) đều mang các đặc sắc này:

Hữu tướng, tri tướng, thức tướng, duyên tướng, tăng thượng tướng, nhân tướng, quá tướng, tổng tướng, biệt tướng, y tướng. Nhưng hết thảy những tướng đó không có thường trụ bất biến; tất cả đều là đối đãi và giả hữu. Người ngu không thể soi tỏ vào bản chất chân thực của các pháp, do đó trở nên chấp thủ ý niệm về một thực tại thường, lạc, ngã và tịnh. Khôn ngoan chỉ có nghĩa là thoát khỏi những quan điểm là vậy đó, vì chẳng có gì trong chúng hết, nên phải coi là không.

Trong một bản Kinh Bát nhã Ba la mật, được nói là do Ngài Văn Thù (Manjusri) thuyết, có đoạn: “Người tu tịnh giới không vãng sinh Cực Lạc, người phạm luật tỷ khưu không rơi vào địa ngục”.

Giết heo và ăn thịt là trái với luật hành thiện của người theo đạo Phật, mà ở đây các Thiền sư bướng bỉnh cứ phạm đến, lại còn giảng bài pháp quá trái lẽ, nên cũng quá chừng gây rối. Chúng ta tính sao đây?

 

15).- Đây là loại Không bất khả đắc (anupalambha). Không phải vì tâm không bắt được cái ở ngoài tầm tay, nhưng đích thực chẳng có gì đáng gọi là sở tri. Không gợi ý không có, nhưng khi được khoác cho đặc tính bất khả đắc, nó không còn là phủ định suông. Bất khả đắc, chính bởi không thể làm đối tượng cho tư niệm đối đãi qua tác dụng của Thức (Vijnana). Cho tới lúc Thức được nâng cao lên bình diện Trí Bát Nhã, bấy giờ mới nhận ra không “bất khả đắc”. Kinh Bát Nhã e rằng người nghe phải kinh hãi khi nghe Kinh đưa ra khẳng quyết táo bạo rằng tất cả đều không, do đó mới nói thêm rằng sự vắng mặt của tất cả những ý tưởng sinh ra từ chỗ đối đãi không chỉ cho cái ngoan không, cái không trống trơn; nhưng đơn giản, đó là cái Không không thể bắt nắm được.

Với người trí, Không này là một thực tại. Lúc sư tử cất tiếng rống, những thú vật khác hoảng sợ, tưởng tiếng rống ấy là cái rất phi phàm, gần như một thứ mà chúa tể sơn lâm “đạt được” rất hi hữu.

Nhưng đối với sư tử, tiếng rống đó chẳng kỳ lạ gì chẳng có hi hữu đạt được hay thêm vào. Với kẻ trí cũng vậy, không có “cái không” trong họ đáng coi như riêng họ bắt được làm đối tượng cho tư tưởng. Chỗ sở đắc của họ là vô sở đắc.

 

16).- 17).- và 18).- Những loại này có thể luận chung. Ở đây hiện hữu được nhìn từ quan điểm hữu (astiva) và vô (nastiva); cả hai, đứng riêng biệt hay tương đối, đều được nói là không. Vô Tánh (Abhava) là phủ định của hữu, cùng một nghĩa với Không. Tự Tánh (svabhava) có nghĩa “nó là nó”, nhưng không có cái nó nào như thế, cho nên Không. Vậy thì, đối nghịch của hữu và vô là thực? Không, nó cũng không luôn, vì mỗi phần tử trong đối lập vốn là Không.

 

Để giải thích những áo nghĩa của 18 pháp Không đó thiền sư Suzuki nói: “Tôi tưởng, ý nghĩa đích thực của “không” đã được làm sáng tỏ bằng những giải thích cặn kẽ đó. Đừng có lẫn lộn Không với không chi; cũng đừng tưởng rằng có một đối tượng của tư tưởng được gọi là Không, vì ý tưởng này đi ngược hẳn với bản chất đích thực của Không. Không nên xác định nó như là tương đối tính, như một số học giả quan niệm. Chính Kinh Bát Nhã dạy rằng các pháp hiện hữu tương quan liên hệ như là những kết quả của những tập hợp duyên sinh và do đó chúng là không. Nhưng vì lý do này chúng ta không thể bảo rằng tương đối tính và Tánh không đồng nghĩa nhau. Sự thực, nói rằng tất cả mọi cái đều tương đối là một chuyện, nhưng nói chúng là Không là một chuyện khác hẳn. Không, là thành quả của trực giác chứ không phải hậu quả của suy luận, mặc dù ở đây dùng chữ “do đó” để suy ra hiệu quả này. Ý niệm về Tánh không phát khởi từ Kinh nghiệm và để khoác cho nó một căn bản hợp lý nên mới đặt tiền đề làm tương đối tính. Nhưng, nói nghiêm chỉnh theo luận lý, có một hố ngăn giữa tương đối tính và Tánh không. Tương đối tính không tạo cho chúng ta một bước nhảy vượt qua hố ngăn; nếu còn dừng lại ở tương đối tính, chúng ta vẫn còn quanh quẩn trong một vòng tròn; nếu nhận ra rằng chúng ta đang ở trong một vòng tròn và do đó phải bước ra khỏi để thấy nó toàn diện, bây giờ chúng ta mới nhận ra cần phải vượt qua nó tức khắc. Bất cứ lúc nào chúng ta nói tới tương đối tính, thì Tánh không hiện diện ngay lúc đó. Từ Tánh không chúng ta vượt qua tương đối tính, nhưng không có trường hợp ngược lại. Phân tích này khá quan trọng cho việc thấu hiểu nền triết lý Bát Nhã. Chính Trí Bát Nhã soi thấy tất cả những hàm ngụ của Tánh không, chứ thức hay Vijnana không làm được, và chỉ những kẻ trí mới mở ra con mắt Trí Bát Nhã để thấy chân lý của Tánh không. Nếu hệ thống Đại thừa được xây dựng trên ý niệm về tương đối tính, sứ mệnh của nó hẳn không bao giờ đáp ứng nổi những gì mà chúng ta thấy trong lịch sử của nó ở Ấn Độ, Trung Hoa, và vân vân. Giáo Pháp về Tánh không đã làm nên những điều kỳ diệu trong đời sống của các dân tộc Viễn đông, đó là một minh chứng không thể chối cãi cho trực kiến sâu xa của nó soi tận hố thẳm ý thức nhân loại.

Vì những lý do đó Tánh không được gọi là Bất khả đắc (anupalabdha) hay Bất khả tư (acintya), đồng thời cho thấy nó không phải là một khái niệm được lồng vào trong bất cứ phạm trù nào của luận lý. Nó đồng nghĩa với Chân như (Tathata). Chân như hay Tánh không (Sunyata) như thế đích thực là đối tượng học hỏi của các Bồ Tát ”.

Phải ghi nhớ lời luận giải này. Tuy rất vắn tắt nhưng đầy mãnh lực. Chúng tôi hậu bối thọ trì Bát Nhã, rất ngưỡng mộ lời bình giảng này, không biết những vị Tôn túc đi trước chúng tôi trăm ngàn bước có ý kiến nào khác khi đọc về lời bình giảng này ra sao? Phân tích các pháp đều không do duyên hợp mà có. Đó là tích không quán. Nó là yếu chỉ, không nắm vững yếu chỉ này chúng ta dễ bị lạc hướng đối với những gì mà Bát Nhã phát biểu. Rồi ra, chúng ta sẽ lặp đi lặp lại Tánh không như một con vẹt, mà chẳng hiểu vai trò triết học của Bát Nhã Tánh Không trong Phật đạo.

Hy vọng bốn luận giải của Kinh và Luận nói trên giúp ích quý vị trong sự hiểu và chứng 18 pháp Không này. Đó là giáo lý chánh trong Kinh Đại Bát Nhã, không nắm được nó thì không thể thâm nhập được Bát Nhã nói chi đến chứng hay đắc Bát Nhã Tánh Không.

 

3-Vài thí thụ của 18 pháp không:

 

Ba đặc tánh thường nói đến của Tánh không trong hệ Bát Nhã: Bản tánh không, Tự tướng không, Vô tánh tự Tánh không được minh chứng bằng những đoạn Kinh ngắn sau đây:

 

1/. Bản tánh không:

 

- Phẩm “Vô Sanh”, Hội thứ I, quyển 75, ĐBN. Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Vì sao các pháp đều không có chỗ nương? Thiện Hiện đáp: Vì bản tánh của sắc là Không, nên trong, ngoài, hai bên, khoảng giữa, chẳng thể nắm bắt được; vì bản tánh của thọ, tưởng, hành, thức là Không nên trong, ngoài, khoảng giữa, hai bên, chẳng thể nắm bắt được. Vì bản tánh của 12 xứ, 18 giới hay nói rộng ra, từ tứ Thánh đế đến ba mươi bảy pháp trợ đạo, từ mười tám pháp Phật bất cộng đến Nhất thiết tướng trí vì bản tánh là Không, nên trong, ngoài, khoảng giữa, hai bên đều chẳng thể nắm bắt được”.

Thiện Hiện bảo bản tánh tất cả pháp Phật đều Không. Vì sao? Vì bản tánh tất cả pháp không thể nắm bắt được. Như Thiền sư D.T. Suzuki luận giải ở trên: Bản tánh (prakriti) là cái làm cho lửa nóng và nước lạnh, nó là bản chất nguyên sơ của mỗi vật thể cá biệt. Khi nói rằng nó Không, có nghĩa không có Tự ngã (Atman) bên trong nó để tạo ra bản chất nguyên sơ của nó, và ý niệm đích thực về bản chất nguyên sơ là một ý niệm Không. Chúng ta đã ghi nhận rằng không có tự ngã cá biệt nơi hậu cứ của cái chúng ta coi như vật thể cá biệt, bởi vì vạn hữu là những sản phẩm của vô số nhân và duyên và chẳng có gì đáng gọi một bản chất nguyên sơ nó độc lập đơn độc, tự hữu. Tất cả là Không triệt để và nếu có thứ bản chất nguyên sơ nào đó, thì có cách nào đó cũng vẫn là Không”.

Chẳng có gì đáng gọi một bản chất nguyên sơ độc lập, đơn độc hay tự hữu cả. Bản tánh không cũng Không. Biểu thị của vạn hữu là như thế!

 

- Phẩm “Thật Tế”, quyển 474, Hội thứ II, ĐBN còn đi xa hơn nữa. Cụ thọ Thiện Hiện bạch:

- “Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát thật là hiếm có, tuy hành tất cả pháp đều là Bản tánh không, nhưng đối với Bản tánh không, thường không hoại mất. Nghĩa là không chấp sắc cho đến thức khác với Bản tánh không. Cũng không chấp mười hai xứ cho đến mười tám giới khác với Bản tánh không. Cũng không chấp nhãn xúc cho đến ý xúc khác với Bản tánh không. Cũng không chấp nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ khác với Bản tánh không. Cũng không chấp địa giới cho đến thức giới khác với Bản tánh không. Cũng không chấp nhân duyên cho đến tăng thượng duyên khác với Bản tánh không. Cũng không chấp các pháp từ duyên sanh ra khác với Bản tánh không. Cũng không chấp vô minh cho đến lão tử khác với Bản tánh không. Cũng không chấp bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật khác với Bản tánh không. Cũng không chấp nội Không cho đến vô tính tự tính không, cũng không chấp chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn khác với Bản tánh không.

Cũng chẳng chấp Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí khác Bản tánh không. Cũng chẳng chấp quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ đề khác Bản tánh không. Cũng chẳng chấp tất cả hạnh Bồ Tát Ma ha tát khác Bản tánh không. Cũng chẳng chấp chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề khác Bản tánh không.

Bạch Thế Tôn! Sắc tức là Bản tánh không. Bản tánh không tức là sắc. Như vậy cho đến chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề tức là Bản tánh không. Bản tánh không tức là chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Phật bảo: Thiện Hiện! Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói, các Bồ Tát Ma ha tát rất là hiếm có. Tuy hành tất cả pháp đều Bản tánh không, mà đối Bản tánh không thường không biến hoại.

Thiện Hiện phải biết: Sắc chẳng khác Bản tánh không, Bản tánh không chẳng khác sắc. Sắc tức là Bản tánh không, Bản tánh không tức là sắc. Như vậy cho đến chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chẳng khác Bản tánh không, Bản tánh không chẳng khác chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề tức là Bản tánh không, Bản tánh không tức là chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Ở đây, kinh giải thích sở dĩ nói tất cả các pháp bản tánh đều không để chúng sanh không bám vào các pháp. Phật lại nói sắc chẳng khác Bản tánh không, Bản tánh không chẳng khác với sắc. Sắc tức là Bản tánh không, Bản tánh không tức là sắc. Kể cả, Bản tánh không tức Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề và Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề tức là Bản tánh không. Tất cả đều không, đều Bản tánh không. Không với không chẳng khác nhau, chẳng hơn chẳng kém nên nói tất cả đều bình đẳng, bình đẳng đó là thanh tịnh.

Lưu ý: Hoặc nói Không, hoặc Tánh không hay Bản tánh không chỉ là một.

 

2/. Tự Tánh không:

 

- Phẩm “Vô Sở Đắc”, quyển 67, Hội thứ I, ĐBN. Nói:

“(...)Vì tánh của đại Bồ Tát là không, nên đại Bồ Tát đối với đại Bồ Tát vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; đại Bồ Tát đối với Bát Nhã vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Vì tánh của Bát nhã Ba la mật là không, nên Bát nhã Ba la mật đối với Bát nhã Ba la mật vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; Bát nhã Ba la mật đối với đại Bồ Tát vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; đại Bồ Tát Bát nhã Ba la mật đối với sự dạy bảo, trao truyền vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Vì tánh của sự dạy bảo, trao truyền là không, nên sự dạy bảo, trao truyền đối với sự dạy bảo trao truyền vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; sự dạy bảo trao truyền đối với đại Bồ Tát Bát nhã Ba la mật vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được.

Đối với tất cả pháp cũng như vậy, dùng tất cả phương tiện, tất cả chốn, tất cả thời để cầu đại Bồ Tát, cũng vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì tự tánh là không”.

Đối với những lời thuyết giảng như vậy mà không nghi ngờ, không kinh sợ, không hối tiếc... mà tiếp tục thọ trì Bát Nhã, đúng là người có căn tánh Đại thừa, đã từng nhiều đời phụng sự các thượng tri thức, đã từng nhiều đời cung kính tôn trọng cúng dường chư Phật.

- Câu nói: Tự tánh của tất cả pháp là không, tất cả pháp do duyên hợp giả có đương thể tức không, chứ chẳng phải do không có mà không. Phẩm “Học Quán”, quyển 04, Hội thứ I, ĐBN, nói: “Vì tự tánh của sắc là không, chứ chẳng phải do không có mà không,..”.

 

- Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 593, Hội thứ XVI, Phật bảo Bồ Tát Thiện Dũng Mãnh: “Lại pháp và phi pháp đều không có tự tánh, do giác ngộ lý này nên gọi là Bồ đề”.

 

- Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 593, Hội thứ XVI, ĐBN. Phật bảo: “... Không phải trong Bồ đề có thể đắc Bồ đề, chẳng phải trong Bồ đề có thể đắc Tát đỏa. Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì Bồ đề siêu việt, Bồ đề không sanh, Bồ đề không khởi, Bồ đề không tướng. Không phải trong Bồ đề có tánh Tát đỏa, không phải trong Bồ đề có thể đắc Tát đỏa. Không do Tát đỏa thiết lập Bồ đề, không do Bồ đề thiết lập Tát đỏa. Vì tùy sự hiểu rõ Tát đỏa không có tự tánh nên gọi là Bồ đề, biết trong Bồ đề thật không có Tát đỏa, nên gọi là Bồ đề Tát đỏa”.

Bồ đề, Bồ Tát hay Bồ đề Tát đỏa cũng là pháp. Tất cả pháp kể cả pháp Phật đều không có tự tánh.

 

3/. Vô tánh tự Tánh không:

 

- Phẩm “Ba La Mật”, quyển 296, Hội thứ I, ĐBN. Nói: “Vì Bát Nhã và tánh của Bát Nhã là không; vì tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí và tánh của tịnh lự cho đến bố thí là không, 18 pháp bất cộng và tánh của 18 pháp bất cộng là không, Nhất thiết trí và tánh của Nhất thiết trí là không… nói chung cho đến tất cả pháp và tánh của tất cả pháp là không. Vì những pháp ấy vô tánh tự Tánh không nên Bát nhã Ba la mật như thế, đối với tất cả pháp chẳng do chuyển, chẳng do hoàn mà xuất hiện thế gian.

Bát nhã Ba la mật của đại Bồ Tát là đại Ba la mật, vì đạt đến tự Tánh không của tất cả pháp, tuy đạt được tự tánh của tất cả pháp đều không nhưng các đại Bồ Tát nhân Bát nhã Ba la mật nầy mà chứng quả vị Giác ngộ tối cao, chuyển pháp luân nhiệm mầu, độ vô lượng chúng sanh; tuy chứng quả vị Giác ngộ nhưng không có (đối tượng để) chứng, vì pháp chứng chẳng thể nắm bắt được; tuy chuyển pháp luân nhưng không có (sự) chuyển, vì pháp chuyển, pháp hoàn chẳng thể nắm bắt được; tuy độ hữu tình nhưng không có độ, vì pháp thấy, chẳng thấy, chẳng thể nắm bắt được”.

“(...) Đối với Bát nhã Ba la mật này, nếu có khả năng tuyên thuyết, khai thị, phân biệt rõ ràng như thế, khiến dễ ngộ nhập thì gọi là tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật thanh tịnh; trong đó hoàn toàn không có người thuyết, người nghe, người chứng, quả để chứng; đã không có người thuyết, người nghe, người chứng… thì cũng không có phước điền quy định”.

Tất cả pháp không phải “lông rùa sừng thỏ”, không phải “hoa đốm giữa hư không”, tất cả pháp hiện hữu giữa dòng căn tánh của vạn hữu. Sơn hà đại địa, mặt trời, mặt trăng... vẫn sờ sờ ra đó, cả đến các pháp phi lạc phi ngã, vắng lặng, xa lìa; các pháp không, vô tướng, vô nguyện; các pháp thiện, phi thiện, các pháp hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi, nhiễm hay tịnh, thế gian hay xuất thế gian…cũng không tan mất. Nên Bát nhã Ba la mật đối với tất cả pháp chẳng do chuyển, chẳng do hoàn, chẳng do diệt... mà xuất hiện thế gian. Vì pháp chuyển, pháp hoàn, pháp diệt... là không, Bản tánh không, tự tướng không, tự Tánh không, vô tánh tự Tánh không v.v... nên trong, ngoài, giữa hai đều chẳng thể nắm bắt được.

 

- Vì vậy, phẩm “So Lường Công Đức”, quyển 129, Hội thứ I, ĐBN, Thiên Đế Thích trình Phật: “Tất cả pháp không sanh, không diệt, không trụ, không dị, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, không tướng, không tạo tác, không tánh tự tánh. Những gì là tự Tánh không tánh? Đó là không có tánh ngã, không có tánh hữu tình, dòng sinh mạng, sự sanh, sự dưỡng, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, người do người sanh, ngã tối thắng, khả năng làm việc, tự thọ quả báo, cái biết, cái thấy; hoặc không có tánh sắc, không có tánh thọ, tưởng, hành, thức; không có tánh mười hai xứ, mười tám gii, lục đại, hoặc không có tánh mười hai nhân duyên; hoặc không có tánh bố thí Ba la mật, không có tánh tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã; hoặc không có tánh mười tám pháp không, hoặc không có tánh chân như, không có tánh pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; hoặc không có tánh Thánh đế khổ, không có tánh Thánh đế tập, diệt, đạo; hoặc không có tánh bốn tịnh lự, không có tánh bốn vô lượng, bốn định vô sắc; hoặc không có tánh tám giải thoát, không có tánh tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; hoặc không có tánh ba mươi bảy pháp trợ đạo; hoặc không có tánh pháp môn giải thoát không, không có tánh pháp môn giải thoát vô tướng, pháp môn giải thoát vô nguyện; hoặc không có tánh năm loại mắt, không có tánh sáu phép thần thông; hoặc không có tánh Như Lai mười lực, cho đến không có tánh quả vị Giác ngộ tối cao; hoặc không có tánh pháp thiện, không có tánh pháp bất thiện, pháp vô ký; hoặc không có tánh pháp quá khứ, không có tánh pháp vị lai, hiện tại; hoặc không có tánh pháp thuộc dục giới, không có tánh pháp thuộc sắc giới, không có tánh pháp thuộc vô sắc giới; hoặc không có tánh pháp hữu học, không có tánh pháp vô học, phi học phi vô học; hoặc không có tánh pháp kiến sở đoạn, không có tánh pháp tu sở đoạn, phi sở đoạn; hoặc không có tánh pháp hữu sắc, không có tánh pháp vô sắc; hoặc không có tánh pháp hữu kiến, không có tánh pháp vô kiến; hoặc không có tánh pháp hữu đối, không có tánh pháp vô đối; hoặc không có tánh pháp hữu lậu, không có tánh pháp vô lậu; hoặc không có tánh pháp hữu vi, không có tánh pháp vô vi; hoặc không có tánh pháp hữu tội, không có tánh pháp vô tội; hoặc không có tánh pháp thế gian, không có tánh pháp xuất thế gian; hoặc không có tánh pháp tạp nhiễm, không có tánh pháp thanh tịnh. Không có vô lượng các loại tánh như vậy, không sở hữu, không tướng, không trạng, không ngôn, không thuyết, không hiểu, không biết, như vậy gọi là Tự tánh không tánh. Các pháp Tự tánh không tánh như vậy đều gọi là pháp tánh vô vi.

Phật bảo trời Đế Thích: Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Này Kiều Thi Ca! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở quá khứ đều do Bát nhã Ba la mật thậm thâm như thế, đã chứng quả vị Giác ngộ tối cao. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở hiện tại, vị lai ở vô lượng vô số vô biên thế giới trong mười phương đều do Bát nhã Ba la mật thậm thâm như thế, sẽ chứng quả vị Giác ngộ tối cao”.

 

Vì vậy, để giải thích thế nào là Bản tánh không, Tự Tánh không và Vô tánh tự Tánh không, Thiền sư D.T. Suzuki thuyết một cách gắn gọn như sau: Những loại này có thể luận chung. Ở đây hiện hữu được nhìn từ quan điểm hữu (astiva) và vô (nastiva); cả hai, đứng riêng biệt hay tương đối, đều được nói là không. Vô Tánh (Abhava) là phủ định của hữu, cùng một nghĩa với Không. Tự Tánh (svabhava) có nghĩa “nó là nó”, nhưng không có cái nó nào như thế, cho nên Không. Vậy thì, đối nghịch của hữu và vô là thực? Không, nó cũng không luôn, vì mỗi phần tử trong đối lập vốn là Không”.

 

Không có lời giải thích nào làm cho chúng ta hiểu ba pháp: Vô Tánh không (Abhava-sunyata), Tự Tánh không (Svabhava-sunyata), và Vô Tánh Tự Tánh không (Abhava-svabhava-sunyata), như lời bình giảng trí tuệ này. Có lẽ với lối giải thích này có thể đem lại thỏa mãn phần nào cho sự hiểu biết thế nào là nhất thiết pháp đều không, khi nói đến tổng tướng của tất cả pháp?

 

4- Giáo lý “Tánh không” trong Bát Nhã:

 

Những trích dẫn cụ thể sau đây cho chúng ta có cái nhìn chính xác về Tánh không. Có hàng trăm thí dụ, chúng ta chỉ rút ra một vài cái tiêu biểu:

 

- Phẩm “Khen Bền Chắc Thảy”, quyển 346, Hội thứ II, ĐBN, Phật bảo Kiều Thi Ca phải “quán tất cả pháp, không có pháp nào chẳng không”.

Học Bát Nhã phải quán tất cả pháp là không, chẳng pháp nào chẳng không. Suốt đại phẩm hay đại bản đều lặp đi lặp lại câu nói này.

 

- Phẩm “Phương tiện Thiện Xảo”, quyển 328, Hội thứ I, ĐBN:

“Thật tướng của các pháp bất khả thuyết, Phật vì hữu tình mà phương tiện chỉ rõ. Tánh của tất cả pháp cũng bất khả thuyết. Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp đều rốt ráo “không”, “không” không thể diễn nói “cái không rốt ráo”.

Đây là lối diễn tả lạ lùng: Tất cả pháp đều rốt ráo “không”, “không” không thể diễn nói “cái không rốt ráo”. Tại sao? Những dẫn chứng sau đây sẽ trả lời tiếp theo.

 

- Phẩm “Khen Pháp Chắc Thật”, quyển 346, Hội thứ I, ĐBN. Nói “Tất cả pháp, không có pháp nào chẳng không” như sau:

“Các đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, quán tất cả  pháp, không có pháp nào chẳng không. Nghĩa là quán tất cả pháp hữu sắc không, pháp vô sắc cũng không. Quán tất cả pháp hữu kiến không, pháp vô kiến cũng không. Quán tất cả pháp hữu đối không, pháp vô đối cũng không. Quán tất cả pháp hữu lậu không, pháp vô lậu cũng không. Quán tất cả pháp hữu vi không, pháp vô vi cũng không. Quán tất cả pháp thế gian không, pháp xuất thế gian cũng không. Quán tất cả pháp vắng lặng không, pháp chẳng vắng lặng cũng không. Quán tất cả pháp xa lìa không, pháp chẳng xa lìa cũng không. Quán tất cả pháp quá khứ không, pháp vị lai, hiện tại cũng không. Quán tất cả pháp thiện không, pháp bất thiện, vô ký cũng không. Quán tất cả pháp cõi Dục không, pháp cõi Sắc, Vô sắc cũng không. Quán tất cả pháp học không, pháp vô học, chẳng phải học, chẳng phải vô học cũng không. Quán tất cả pháp thấy bị đoạn không, pháp tu bị đoạn, chẳng phải bị đoạn cũng không. Quán tất cả pháp hữu không, pháp vô, pháp phi hữu phi vô cũng không. Các đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, quán tất cả pháp như thế thảy đều không. Trong các pháp không, (tất cả) đều vô sở hữu, thì ai chìm, ai đắm, ai sợ, ai kinh, ai nghi, ai ngại?”

Bát Nhã cái gì cũng không, tất cả đều rỗng không: Các pháp kể cả hữu tình, Bồ Tát đều rỗng không, vô sở hữu, bất khả đắc, thì có gì có thể nói là chắc hay không chắc? Học Bát Nhã, hành Bát Nhã như hành hư không. Nếu đại Bồ Tát nghe như vậy mà tâm chẳng chìm đắm, chẳng kinh, chẳng sợ, cũng chẳng lo buồn, hối tiếc, thì nên biết đại Bồ Tát ấy có thể tu hành Bát nhã Ba la mật thậm thâm.

 

- Phẩm “Tán Đại Thừa”, quyển 59, Hội thứ I, ĐBN. Nói:

“Sắc quá khứ tức là cái không của sắc quá khứ; sắc vị lai tức là cái không của sắc vị lai; sắc hiện tại tức là cái không của sắc hiện tại; thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, hiện tại, vị lai tức là cái không của thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì sao? Vì trong cái không, sắc quá khứ, hiện tại, vị lai chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì sắc uẩn quá khứ, hiện tại, vị lai tức là không, Tánh không cũng không; trong cái không, cái không còn chẳng thể nắm bắt được, huống gì trong cái không, có sắc uẩn quá khứ, vị lai có thể nắm bắt được!”

Điều đáng lưu ý và đáng ghi nhớ là trong cái không, cái không còn chẳng thể nắm bắt được”, huống chi những thứ khác!

Bao nhiêu liệt kê trên quá đủ để chứng minh vai trò của Tánh không Bát Nhã đối với thiên sai vạn biệt của thế giới thông tục này. Bát Nhã đi từ phủ định này đến phủ định khác, phủ định liên hồi cho đến cái phủ định cuối cùng cũng phủ định nốt. Các pháp là Không, Bản tánh không, vô sở hữu, vô tướng, vô trạng, vô ngôn, vô thuyết, không hiểu biết, như vậy gọi là Bát nhã Ba la mật. Phòng quét sạch là nhờ chổi, nhưng còn chổi thì không thể nói là phòng rỗng không. Chỉ được gọi là tất cánh không(3), cái không tối hậu chỉ xuất hiện khi không có bất cứ cưu mang nhỏ nhiệm nào còn sót lại trong tâm dù chỉ bằng đầu một mảy lông. Vì vậy, Luận Đại trí Độ, phẩm thứ ba, nói về “Tập Tương Ưng” (tiếp theo), tập 2, quyển 35-36, nói:

Trước đây nói nhiều về “không”. Nay nói về “tận không”.

Người tu hành quán các pháp đều “tận không”, đều là vô sở hữu. Vì sao? Vì nếu còn tự biết mình (năng tri) là người biết “không”, thì như vậy chưa phải là “tận không”. Người quán “không” cũng phải là “không” mới thật là “tận không”.

… “Nói về “pháp không” cũng là như vậy. Vì nhằm phá hết thảy các pháp tướng, mà nói hết thảy các pháp đều “không”. Nhưng nếu còn chấp pháp “không” thì vẫn còn chấp tướng “không” vậy. Bởi vậy phải phá luôn sự chấp “không” mới được “tận không”.    

 

Rốt lại, không có bất cứ pháp thức lý luận nào khả dĩ có thể chấp nhận trong lý Bản tánh không. Bản tánh không là một thực chứng trong giây phút giác ngộ của Phật. Không là không, không có thuộc tính, không có tiền tế, trung tế hay hậu tế. Không là tuyệt đối không, không có cái ngược lại. Khi chấp nhận “tất cả đều không” thì lấy cái gì để phủ định cái gì làm cơ sở cho lý luận? Do đó, cái phủ định cuối cùng cũng không nốt: Không cộng với không là không(0+0=0), không trừ không là không(0-0=0), không nhân với không cũng không(0X0=0), không chia với không cũng là không(0:0=0). Không có đáp số nào trong phương trình toán học này. Khi “xác định” tất cả rỗng không thì không có một, không có khác, không có sanh, không có diệt, không có thường, không có đoạn, không có khứ, không có lai... Nhất thiết pháp không, là trong không, ngoài không, cũng không có giữa. Cho đến cái xác định cuối cùng cũng không nốt trong bất cứ kết cấu nào của tư tưởng khi nói đến Tánh không.

Không ở đây không có nghĩa là một tri nhận thường nghiệm, đòi hỏi kết quả của một thứ nắm bắt nào đó. Không là thứ im lặng mặc nhiên như hư không. Và dĩ nhiên người nào chứng được cái ẩn mật đàng sau nó sẽ mở được con mắt đạo. Ngôn ngữ không thể với tới cái không cứu cánh này, chỉ có chư Phật dùng phương tiện giả nói. Đó là tất cả những gì để trả lời câu hỏi: Tất cả pháp đều rốt ráo “không”, “không” không thể diễn nói “cái không rốt ráo”.

 

5- Tánh không: Tương đối hay Tuyệt đối tánh:

 

- Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 596, Hội thứ XVI, ĐBN. Phật thuyết Bát Nhã là “Không” như sau:

“Này Thiện Dũng Mãnh! Bát nhã Ba la mật sâu xa đối với tất cả pháp như vậy, không thêm, không bớt, không hợp, không lìa, không thiếu, không đủ, không lợi, không hại, không di chuyển, không hướng đến, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không lưu chuyển, không hoàn diệt, không tập khởi, không ẩn mất, không hữu tướng, không vô tướng, không bình đẳng, không phải không bình đẳng, không thế tục, không thắng nghĩa, không vui, không khổ, không thường, không vô thường, không sạch, không phải không sạch, không ngã, không vô ngã, không chắc thật, không hư dối, không người làm, không vật làm, không dung nạp, không phải không dung nạp, không tin hiểu, không phải không tin hiểu, không tự tánh, không phải không tự tánh, không chết, không sống, không sống, không chết, không nổi, không chìm, không nối, không dứt, không hòa hợp, không phải không hòa hợp, không có tham, không lìa tham, không có sân, không lìa sân, không có si, không lìa si, không điên đảo, không phải không điên đảo, không sở duyên, không phải không sở duyên, không có tận, không phải không tận, không có trí, không phải không trí, không tánh thấp, không tánh cao, không có ân, không phải không ân, không đi qua, không trở lại, không có tánh, không phải không tánh, không thương, không ghét, không sáng, không tối, không tinh tấn, không giải đãi, không phải Không, không phải chẳng Không, không hữu tướng, không vô tướng, không có nguyện, không vô nguyện, không tạo tác, không phải không tạo tác, không ẩn mất, không phải không ẩn mất, không vô minh, không giải thoát, không vắng lặng, không phải không vắng lặng, không Niết bàn, không phải không Niết bàn, không như lý, không phải không như lý, không biết khắp, không phải không biết khắp, không ra khỏi, không phải không ra khỏi, không điều phục, không phải không điều phục, không giữ giới, không phạm giới, không tán loạn, không phải không tán loạn, không diệu tuệ, không ác tuệ, không thức, không phải không thức, không trụ, không phải không trụ, không đồng phần, không khác phần, không có, không phải không có, không được, không phải không được, không hiện quán, không phải không hiện quán, không tác chứng, không phải không tác chứng, không thông đạt, không phải không thông đạt. Bát nhã Ba la mật sâu xa đối với tất cả pháp, không vì các sự việc này mà hiện tiền”.

Một tràng những chữ không: “Không-chẳng phải không”, “không có-không phải không có”, “không được-không phải không được”... Tất cả đều không, và cái không này được biểu lộ trong cụm từ vô tiền khoáng hậu: “Nhất thiết pháp không” — Sarvadharma-sunyata (skt). Hàng ngàn chữ không cũng không thể diễn tả hết cái không của Bát nhã Ba la mật.

Rốt cuộc, chúng ta có thể tuyên bố được chưa: Cái gì không phải là Không thì không phải là Bát Nhã. Không đây, không lìa Bát Nhã hay nói khác ở đâu có Bát Nhã là ở đó có không. Ở đây không phải gượng ép gán ghép Bát Nhã với Không. Trong thực tế khi người tu thấy rỗng không, nhất thiết phóng xả hết tức là đi gần đến cái Không này. 

Khi nào còn đề cập đến Bát Nhã là còn nói đến Không. Không này là tiêu biểu của Tánh không hay Bản tánh không. Đó là những từ ngữ mà chúng ta thường xuyên gặp trong Đại Bát Nhã ở bất cứ phẩm, phần, tập hay bất cứ Hội nào. Và còn lạ lùng hơn nữa nếu ghép từ không này với bất cứ từ nào khác, nó cũng mang đầy áo nghĩa: Tam không, tứ không, bát không, thập bát không là những thí dụ gần nhất. Còn nếu ghép từ này với chân không thì có “diệu hữu chân không” lại có vô vàn nghĩa thú huyền diệu không thể nào tả hết.

Về phần chúng tôi, Không là một từ quá rộng lớn như hư không, không thể khu định so sánh với bất cứ thứ gì nếu không muốn lầm lỗi khi nói về Tánh không hay Bản tánh không này. Tuy nhiên, chúng ta phải thận trọng. Bởi vì sao? Bởi vì Kinh nói: Tất cả pháp “không phải Không, không phải chẳng Không” hay tất cả pháp “không có, không phải không có”.  Có lẽ với lối diễn đạt này chúng ta phải kêu gọi đến Hoa Nghiêm mới có thể lãnh hội nổi: Cái hữu hạn nằm trong vô hạn và cái tương đối năm trong tuyệt đối hay ngược lại. Đó là đường lối của Bát Nhã, đường lối của Hoa Nghiêm hay Đại thừa giáo chăng?

 

Vì những lý do trên, nên phẩm “Tướng Không”, quyển 516, Hội thứ III, ĐBN. Phật bảo: “...Thật tánh của các pháp đều không thể nói. Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp hoàn toàn Không, không ai có thể giảng nói hết cái Không đó được”.

Khi chúng ta thoát khỏi hay vượt qua những cái câu thúc của hữu hạn và vô hạn, của tương đối và tuyệt đối, của cá biệt và đa thù…có lẽ chúng ta mới tránh được những hệ lụy của thế gian. Bởi vì thế gian là lưỡng nguyên tánh và Ngài Duy Ma La Cật (Vimalakīrti) không thể giảng nói về cái thế phân hai của cuộc đời thường nên đành ngậm miệng!

 

- Phẩm “So Lường Công Đức”, Hội thứ I, quyển 135, ĐBN. Phật bảo:

“Này Kiều Thi Ca! Cái gọi là nghĩa thú của Bát nhã Ba la mật này, là Bát Nhã phi nhị phi bất nhị, phi hữu tướng phi vô tướng, phi nhập phi xuất, phi tăng phi giảm, phi nhiễm phi tịnh, phi sanh phi diệt, phi thủ phi xả, phi chấp phi bất chấp, phi trụ phi bất trụ, phi thật phi hư, phi tương ưng phi bất tương ưng, phi hòa hợp phi bất hòa hợp, phi nhân duyên phi phi nhân duyên, phi pháp phi phi pháp, phi chơn như phi phi chơn như, phi thật tế phi phi thật tế. Nghĩa thú như vậy có vô lượng pháp môn”.

 

Nhưng tại sao ở phần cuối của đoạn kinh này lại nói:

  ... phi chơn như phi phi chơn như, phi thật tế phi phi thật tế” - chẳng phải chơn như, chẳng phải chẳng chơn như, chẳng phải thật tế chẳng phải chẳng thật tế. Bát Nhã cuối cùng khước từ chỗ trụ chỗ đứng của chính nó dù là trong chơn như hay thật tế. Bởi vì một khi Bát Nhã xác định cho dù là chơn như thì Bát Nhã không còn là Bát Nhã nữa. Bát Nhã tự trói. Bát Nhã là tự do, là khai phóng như chim xí bay lượn trên hư không mà không bị hư không làm câu ngại. Điều đó có nghĩa chúng ta không thể khu định Bát Nhã vào bất cứ phạm trù nào. Chơn như là cái cao tột nhất của Phật đạo mà Bát Nhã nói “chẳng phải Chơn như, chẳng phải chẳng Chơn như”. Bát Nhã không ở bên này, không ở bên kia, cũng không có giữa. Bát Nhã vượt ngoài lưỡng nguyên tánh! Nên câu nói Bát Nhã là  “Một và trên Một, là Tất cả và trên Tất cả” có lẽ cũng chưa lột hết tinh thần khai phóng của Bát Nhã? Đó không phải là tưởng tượng bốc cao. Nên đối với Bát Nhã phải hết sức dè dặt khi nói về phạm trù hay nguyên lý chỉ đạo của Tánh không.

Bát Nhã Tánh không không có chọn lựa Lý hay Sự. Đối với Bát Nhã chẳng khác nào Hoa Nghiêm, Lý Sự viên dung(4), Sự Sự vô ngại, tất cả trùng trùng duyên khởi, tất cả dung thông, chẳng có thứ nào lấn áp lộn lạo lẫn nhau. Có lẽ, đó là đường lối của Hoa Nghiêm, với giáo thuyết “sáu tướng viên dung và 10 huyền môn”. Nên không thể nói là hữu hạn hay vô hạn, cá biệt hay đa thù, tương đối hay tuyệt đối. Tất cả đều viên dung vô ngại! Nếu ngày nào còn khẳng định Bát Nhã là tương đối hay tuyệt đối thì ngày ấy Bát Nhã không còn là Bát Nhã nữa. Bát Nhã chỉ là Bát Nhã khi nói nó là vô tri, vô thức, vô niệm, vô tâm.

 

Một phút tư duy:

 

Hãy suy nghĩ câu Phật nói: “CÓ là thường, KHÔNG là đoạn”. Khi nói CÓ: Có thân tâm, có ngã, đó là chấp thường hằng, bất biến hay nói khác là có chấp thần ngã, chấp cái tôi. Vì chấp như vậy, nên Kinh bảo là điên đảo, không thấy được chân tướng của hiện hữu. Khi học các pháp Không và các đoạn Kinh ngắn nói trên, chúng ta biết cái nguy hại của cái chấp đắm này. Nên không muốn chấp Có nữa.

Nhưng khi chấp KHÔNG, nghĩa là tất cả đều rỗng không, chẳng còn gì cả, lại sợ rơi vào đoạn diệt, một thứ hư vô hóa toàn diệt, cũng lại là điên đảo, một nguy hại khác nữa. Nên không muốn chấp KHÔNG. Nên bài kệ sau đây nói rằng:

 

Người chấp CÓ đau khổ vì có

Kẻ chấp KHÔNG khổ lụy vì không.

Sợ lửa đốt đâm đầu chui xuống nước

Không chết nóng, chết cóng cũng thế thôi!

 

CÓ hay KHÔNG đây chỉ là cái tương đối (do đối đãi) của cuộc đời thường. CÓ hay KHÔNG của Bát Nhã là cái tuyệt đối của Thánh trí tự giác. Rời hai chấp mới gọi là tương ưng với Bát nhã Ba la mật. Đại Trí Độ Luân mới bảo: “... chấp hữu(chấp CÓ) là chấp có các pháp hữu vi; mà các pháp hữu vi đều là vô thường, đều dẫn đến khổ đau. Còn
chấp vô(chấp KHÔNG) thì tin chẳng có tội phước, nên tự do tạo tội ác, khiến phải đọa vào địa ngục, thọ các quả báo khổ đau”.
Vì vậy, mới nói “Vin vào cái có mà chẳng có, tựa vào cái không mà chẳng không”. Đó là già chiếu đồng thời gọi là “Diệu hữu chân không” của Bát nhã Ba la mật. Không thấy chân không của hiện hữu thì hữu ấy là vọng hữu, thâm nhập được chân không của hiện hữu thì hữu ấy là diệu hữu.

 

Kết luận:

(Riêng về 18 pháp không Bát Nhã)

 

Phẩm “Bất Khả Động”, quyển 388, Hội thứ I, ĐBN, Phật bảo:

“Còn Đệ nhất nghĩa đế thì không sanh, không diệt, không tướng, không tác, không hý luận, không phân biệt. Thắng nghĩa đế tức là Bản tánh không. Bản tánh không này tức là sở chứng của chư Phật, cũng gọi là Phật đạo. Trong ấy chúng sanh bất khả đắc, cho đến người thấy, người biết bất khả đắc; sắc, thọ, tưởng, hành, thức bất khả đắc cho đến tám mươi tùy hình hảo bất khả đắc. Tại sao? Vì đại Bồ Tát chẳng phải vì đạo pháp mà cầu Vô Thượng Bồ Đề. Đại Bồ Tát vì chư pháp thật tướng Tánh không mà cầu Vô Thượng Bồ Đề. Tánh không ấy, tiền tế, hậu tế, trung tế đều Tánh không! Thường là Tánh không, chưa từng chẳng không”.

“... Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, vị lai, hiện tại mười phương đều dùng Bản tánh không, làm Phật nhãn. Nhất định không có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nào lìa Bản tánh không mà có thể xuất hiện ở đời. Chư Phật xuất thế đều thuyết Bản tánh không; hữu tình được giáo hóa cần phải lắng nghe Phật thuyết lý Bản tánh không, mới có thể nhập Thánh đạo, chứng Thánh quả; lìa Bản tánh không, không có phương tiện nào khác”.

“... Nếu đại Bồ Tát muốn đắc Vô Thượng Bồ đề thì phải an trụ trong tất cả pháp Phật. an trụ trong tất cả pháp Phật tức là an trụ trong Bản tánh không”.

Có ai còn ý kiến nào không sau khi đọc các đoạn kinh của quyển 388 nói trên? “Thắng nghĩa đế tức là Không, Tánh không hay Bản tánh không” – “Bản tánh không này tức là sở chứng của chư Phật, cũng gọi là Phật đạo” – “Đại Bồ Tát chẳng phải vì đạo pháp mà cầu Vô Thượng Bồ Đề, đại Bồ Tát vì chư pháp thật tướng Tánh không mà cầu Vô Thượng Bồ Đề” – “Bản tánh không cũng chính là Phật nhãn” – “Nhất định không có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Chánh giác nào lìa Bản tánh không mà có thể xuất hiện ở đời” – “Vậy, muốn chứng quả Vô thượng Giác ngộ thì phải an trụ trong tất cả pháp Phật, mà an trụ trong tất cả pháp Phật tức an trụ trong Tánh không hay Bản tánh không”.

Như vậy, Tánh không siêu xuất cả thời gian, siêu xuất cả không gian, bao trùm tất cả vạn hữu, ba thời đều không, thường là Tánh không, chưa từng chẳng không. Nếu tri nhận tất cả pháp Bản Tánh Không như thế thì không phân biệt, không phân biệt khác tức không chấp. Do công năng vô chấp mới được vô thức, vô niệm, vô tâm, nên nói là chứng tánh. Tánh đó là tánh gì? Tánh đó là Không, Bản tánh không chỗ siêu xuất của Bát Nhã, của Phật đạo mà tất cả các quốc gia Viễn Đông hằng ngưỡng mộ. Nhưng chứng mà chẳng có gì để chứng nên bảo là không có người chứng, không có sở chứng, không có thời chứng, không có xứ chứng. Tất cả đều vô sở hữu, bất khả đắc, rỗng không, trong suốt.

Đỉnh cao của giáo lý Tánh không này được nhìn từ bờ bên kia như thế. Tri thức thường tục không dễ gì với tới nổi. Tới đây bặt hý luận, ngôn ngữ đoạn, tâm hành dứt. Vậy cứ theo chỉ dẫn này: “Chư Phật xuất thế đều thuyết Bản tánh không; hữu tình được giáo hóa cần phải lắng nghe Phật thuyết lý Bản tánh không, mới có thể nhập Thánh đạo, chứng Thánh quả; lìa Bản tánh không, không có phương tiện nào khác”.

Nói một cách khách quan tất cả những gì mà chúng ta ghi nhận như trên, thuộc Kinh Đại Bát Nhã, chẳng khác nào một thứ “áp đặt tinh thần”, buộc hành giả Bát Nhã phải tuân hành một cách tuyệt đối (tất cả pháp đều không) mà không đòi hỏi một tư duy nào cả? Đây lại là một sai lầm khác! Bát Nhã là tự do, là khai phóng như chim xí bay lượn trong hư không mà không bị hư không câu ngại. Bát Nhã chỉ là Bát Nhã khi không có bất cứ một thứ trói buộc hay cưu mang nào cả. Tự học, tự hành, tự thành Phật đạo chính là chỗ tự hội của hành giả Bát Nhã.

Đọc tới đây, nếu thông suốt Tánh không là hội nhập rồi, không cần phải tìm hiểu thêm nữa. Cái gì Phật nói về Bát nhã Ba la mật đều được trình bày trong các đoạn Kinh đã trích dẫn trên. Đó là một chuỗi ngọc quý giá vô ngần, kết tinh từ cái mà ta cho là “không là gì cả” mà chính cái không là gì cả này trở thành “diệu hữu” của cõi đời vô tận!

Phật như tâm lão bà lúc nào cũng cẩn thận dặn dò chúng sanh: Hãy nhớ tất cả pháp đều không. Nên quán không, học không, hành không. Hãy cứ như hư không mà học. Học như vậy thì có thể đến được bờ kia!

Tất cả đều giả thi thiết, rỗng không trong suốt. Sạch trong sạch ngoài thì được tịch lặng an nhiên. Nếu tự hội như vậy thì mới có thể hiểu Tánh không Bát Nhã.

 

Toàn thể Đại Bát Nhã là nói về cái Không này, nên chúng tôi trích dẫn quá nhiều các đoạn Kinh thuộc về 18 pháp không với những tư tưởng khác nhau để Quý vị độc giả thâm cứu thêm. Chúng tôi chỉ trình bày Kinh và để Bát Nhã tự biểu lộ cái diệu dụng của nó. Cái gì cần biết, cần hội đều nằm ở trong các đoạn Kinh đó.

 Phẩm thứ chín “Tập Tán”(tiếp theo), tập 3, quyển 43, Đại Trí Độ Luận, nói: “Ví như gió mạnh phá mây mù, lửa lớn tiêu hủy các cây cỏ, bão tố phá các rừng cây v.v... cũng như vậy, mười tám pháp “không” phá sạch hết các chấp về pháp tướng”.

 

Mười tám pháp Không phá sạch hết các tướng để thành không(vô tướng). Vì vậy, phẩm “Hiện Thế Gian”, Hội thứ III, ĐBN nói: Bát nhã Ba la mật có thể giúp cho chư Phật biểu hiện thế gian là Không, như sau:

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

- Bát nhã Ba la mật có thể giúp cho chư Phật biểu hiện thế gian là Không như thế nào?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Bát Nhã thậm thâm thường vì chư Phật hiện rõ năm uẩn thế gian là Không. Hiện rõ 12 xứ, 18 giới thế gian là Không. Hiện rõ sáu cõi thế gian là Không. Hiện rõ bốn duyên thế gian là Không. Hiện rõ 12 phần duyên khởi thế gian là Không. Hiện rõ ngã kiến là cội gốc cho 62 kiến thế gian là Không. Hiện rõ mười thiện nghiệp đạo thế gian là Không. Hiện rõ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc thế gian là Không. Hiện rõ sáu pháp Ba la mật thế gian là Không. Hiện rõ pháp nội Không cho đến pháp vô tánh tự tánh Không thế gian là Không. Hiện rõ khổ, tập, diệt, đạo thế gian là Không. Hiện rõ 37 Bồ đề phần pháp thế gian là Không. Nói rộng ra, hiện rõ Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí thế gian là Không.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường vì chư Phật hiện rõ thế gian là Không, nên gọi là mẹ chư Phật, thường chỉ rõ thật tướng của thế gian cho chư Phật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Do Bát nhã Ba la mật thường vì thế gian hiện rõ sắc của thế gian là Không, cho đến hiện rõ Nhất thiết tướng trí của thế gian là Không, nên đức Phật đã khiến cho thế gian cảm thọ được thế gian là Không, quán tưởng thế gian là Không, nghĩ về thế gian là Không, nhận biết thế gian là Không.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thường vì chư Phật hiện rõ thế gian là Không, nên gọi là mẹ chư Phật, thường chỉ bày thật tướng thế gian cho chư Phật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thường vì chư Phật chỉ rõ tướng Không thế gian. Thế nào gọi là chỉ rõ tướng Không của thế gian cho chư Phật? Nghĩa là làm cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiểu được sắc thế gian là Không, cho đến hiểu được Nhất thiết tướng trí của thế gian là Không.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường giúp cho chư Phật chỉ rõ tướng Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thậm thâm thường giúp cho chư Phật chỉ rõ tướng bất khả tư nghì của thế gian. Thế nào gọi là thường giúp cho chư Phật chỉ rõ tướng bất khả tư nghì? Nghĩa là vì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà chỉ bày tướng bất khả tư nghì của sắc thế gian, cho đến tướng bất khả tư nghì của Nhất thiết tướng trí thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng bất khả tư nghì của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng viễn ly của thế gian. Thế nào gọi là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng viễn ly của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng viễn ly của sắc thế gian, cho đến tướng viễn ly của Nhất thiết tướng trí thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng viễn ly của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vắng lặng của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vắng lặng của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng vắng lặng của sắc thế gian, cho đến tướng vắng lặng của Nhất thiết tướng trí thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vắng lặng của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng rốt ráo Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng rốt ráo Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng rốt ráo Không của sắc thế gian, cho đến tướng rốt ráo Không của Nhất thiết tướng trí thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng rốt ráo Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng vô tánh Không của sắc thế gian, cho đến tướng vô tánh Không của Nhất thiết tướng trí thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng tự tánh Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng tự tánh Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng tự tánh Không của sắc thế gian, cho đến tướng tự tánh Không của Nhất thiết tướng trí thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng tự tánh Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh tự tánh Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh tự tánh Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng vô tánh tự tánh Không của sắc thế gian, cho đến tướng vô tánh tự tánh Không của Nhất thiết tướng trí thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng vô tánh tự tánh Không của thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng thuần Không của thế gian. Thế nào là thường chỉ cho chư Phật rõ tướng thuần Không của thế gian? Nghĩa là chỉ cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác rõ tướng thuần Không của sắc thế gian, cho đến tướng thuần Không của nhất thiết tướng trí thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy, Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật rõ tướng thuần Không của thế gian.  (Nói chung là Bát Nhã chỉ cho chư Phật 18 pháp Không của thế gian)

Thiện Hiện nên biết! Do nghĩa này mà Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật thật tướng thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát Nhã thậm thâm thường chỉ cho chư Phật tướng thế gian, nghĩa là làm cho không khởi lên tư tưởng thế gian này hoặc thế gian nọ. Vì sao? Vì thật sự không có pháp nào để có thể khởi lên tư tưởng thế gian này, thế gian nọ”.

Hiểu được đoạn Kinh này là hiểu Bát Nhã, hiểu Tánh Không, hiểu thế gian thuần không. Nhưng phì cười nhất “rốt ráo không” cũng không nốt. “Phòng sạch bụi là nhờ chổi, nhưng còn chổi thì phòng cũng không được coi là trống không”(5). Nếu hiểu được như thế thì có thế tháo gỡ mọi hệ lụy thế gian để đi đến chỗ vô thức, vô niệm, vô tâm.

 

Phẩm “Bất Thối Chuyển”, Hội thứ II, ĐBN, Phật bảo:

- “Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, giác ngộ đã nói tất cả pháp không. Như vậy gọi là chánh pháp của chư Phật”.

Vì nhập được pháp không rồi thì thấy nhân không, pháp không thì không còn thi vi tạo tác nữa. Chư Phật đã tuyên nói pháp không như thế. Đó gọi là chánh pháp của chư Phật.

Lên một tầng nữa, một khi Bồ Tát thâm nhập được pháp tánh rồi, biết rõ “pháp không” cũng là “không”, Niết bàn cũng là “không”(6). Lúc đó mới có thể hiểu câu nói của Thiện Hiện: “Nếu có pháp nào cao hơn Niết bàn thì tôi cũng bảo là như huyễn như mộng”. Như huyễn như mông cũng là không. Đó là chỗ thâm áo của pháp không, pháp không tự phủ nhận lấy nó, để nói lên chỗ không cùng của nó.

Vậy, còn có pháp nào trọng yếu bằng pháp không này. Nó chi phối tất cả càn khôn vũ trụ, không có pháp nào thoát khỏi tầm tay của nó. Nó là nguyên lý chỉ đạo của tất cả nguyên lý chỉ đạo trong Tam thiên Đại thiên này.

 

Phụ chú:

 

Ở đây chúng tôi không dựa vào Kinh Tiểu Không hay Đại Không để thuyết giảng về Tánh không. Chúng tôi cũng không dựa vào “duyên khởi” của Trung luận hay “hư vọng phân biệt” của Du Già để luận về Tánh không là hữu hay phi hữu. Chúng tôi cũng không dựa vào “Như Lai tạng tính” của Kinh Thắng Mạng, Kinh Lăng Già hay Khởi Tính luận để thuyết minh Tánh không là không hay bất không. Ở đây chúng tôi trình bày tổng hợp, nhất là hai lối quán không mà Phật thường thuyết, là Tích không quán và Thể không quán thuần túy theo những giáo điều, những thí dụ cụ thể do Phật dạy hơn là lý luận. Lý luận cũng thâm, cũng tốt, tuy nhiên “nhiều dấu vết đưa đến những nẻo đường sai khác”, có thể bị mắng là hý luận, chỉ làm rối mình rối người chẳng ích lợi gì!

Tánh không Bát Nhã là một đề tài quá lớn, quá mênh mông như hư không, Quý vị muốn tìm hiểu có thể đọc thêm các bài khảo luận thuộc thể tài này trong các websites Phật học hay các sách vở hiện có trên thị trường. Thiên Tổng luận này quá dài nên không muốn tán rộng thêm nữa.

Thích nghĩa cho đoạn nói về “Tánh không hay Bản tánh không”:

(1). Tác giả TT. Thích Tâm Thiện, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh năm 1999.

(2). Mười tám pháp không cũng được liệt kê trong phẩm “Biện Đại Thừa” quyển 51, Hội thứ I; phẩm “Tam Ma Địa”, quyển 417, Hội thứ II và phẩm “Thiện Hiện” quyển 488, Hội thứ III, Kinh ĐBN, do Ngài Huyền Trang dịch đã liệt kê trong phần thứ I, Tổng luận. Ở đây, chúng tôi ghi lại 18 pháp không của Kinh MHBNBLMĐ của Ngài La Thập để thay đổi không khí.

(3). Tất cánh không: (畢竟空) Phạm: Atyanta-zùnyatà. Cũng gọi Chí cánh không. Các pháp rốt ráo không, 1 trong 18 pháp không. Luận Đại trí độ quyển 31, phân biệt giữa Tất cánh không và Tính không, cho rằng Tất cánh không là không còn gì; còn Tính không là tính xưa nay thường như thế; Tất cánh không là pháp thực hành của chư Phật, còn Tính không là pháp thực hành của Bồ Tát. Tức dùng Không để phá trừ các pháp, rốt ráo không chấp trước một vật gì, 3 đời thanh tịnh, là Tất cánh không; tự tính của hết thảy các pháp là không, chỉ do các duyên hòa hợp mà dường như có, nếu lìa các duyên thì tự tính các pháp không thực có, là Tính không. Trung quán luận sớ quyển 1 phần cuối giải thích Tất cánh không như sau: Tính của chúng sinh cũng như hư không, trong đó không có sinh tử qua lại, cũng không có người giải thoát. Vì sinh tử vốn tự chẳng sinh, nên không có qua lại; đã không có sinh tử qua lại thì sinh tử đâu mà diệt, nên gọi là Niết bàn, vì thế không có giải thoát. Bởi vậy, sinh tử Niết bàn rốt ráo đều không, tất cả đều không sinh. Tức Niết bàn vốn tự chẳng sinh, sinh tử cũng vốn tự chẳng sinh, cho nên là tất cả chẳng sinh. Vì tất cả chẳng sinh nên gọi là Tất cánh không. [X. phẩm Vấn thừa trong Kinh Đại phẩm Bát Nhã Q.5; Kinh Giải thâm mật Q.3; luận Biện trung biên Q.thượng; luận Thập bát không]. (xt. Thập Bát Không).- Phật Quang Tự điển.

Đây là tán rộng thêm về Tất cánh không trong 18 pháp không, đã dẫn giải ở trên.

(4). Lý sự viên dung: Vì Sự cũng chính là Lý và trong Sự đã có Lý hiện hữu rồi. Không nên chấp Lý bỏ Sự, và cũng không nên chấp Sự bỏ Lý. Sự tức là tự tướng(biệt tướng), còn Lý tức là bản thể(thật tánh). Tự tướng không lìa bản thể, bản thể không lìa tự tướng. Nên Luận Đại Trí Độ, phẩm thứ nhất, tập 2, quyển 32, bảo rằng: “Nếu dùng tâm chấp mà phân biệt, thì thấy mỗi pháp đều có Tự Tướng riêng. Trái lại, nếu biết được vô lượng pháp đều dung hợp với nhau, thì vào được nơi Thật Tướng của các pháp”. Đó cũng là lập cước của Hoa Nghiêm: Lý sự viên dung, sự sự vô ngại pháp giới. Cụm từ “dung hợp với nhau” trong Đại Trí Độ Luận tương đương với cụm từ “viên dung vô ngại” trong Hoa Nghiêm.

(5). Chúng tôi mô phỏng lời của Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền luận quyển hạ.

(6). Câu nói của Bồ Tát Long Thọ trong phẩm thứ 60, “Học Không Bất Chứng”, tập 4, quyển 76, Đại Trí Độ Luận.

 

 

6. Như tướng (hay chơn như của tất cả pháp):

 

“Các pháp như, không phải là như nhau mà bản tánh nó như vậy là như vậy”. Như đây biểu thị lý thú chơn thật thường như, chẳng lúc nào chẳng như, không hư vọng, không biến dị, đổi dời, nên gọi là như. Người thấy biết như vậy được gọi là Như Lai. Vì vậy, phẩm “Nghĩa Thẩm Sâu”, Hội thứ II, ĐBN nói: “Tất cả pháp như gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

Để hiểu thế nào là pháp như, phẩm thứ nhất, tập 2, quyển 32, Đại Trí Độ Luận, Bồ Tát Long Thọ lấy thí dụ: Như trong kinh Tạp A Hàm có nêu mẫu chuyện sau đây:

Có vị Tỷ Kheo hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Thập nhị nhân duyên do Phật đặt ra hay do ai đặt ra?”

Phật dạy: “Chẳng phải Ta lập ra Thập nhị nhân duyên, cũng chẳng có ai khác lập ra Thập nhị nhân duyên cả. Pháp Như, Pháp Tướng, Pháp Vị vẫn thường như vậy. Ví như Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức,…dẫn đến Sanh duyên Lão Tử, vẫn thường như vậy. Tất cả đều do nhân duyên nên có, nhưng tất cả đều là KHÔNG. Ưu, Bi, Khổ, Não… đều vốn là KHÔNG cả. Vì là KHÔNG, nên khi các nhân duyên diệt, thì Ưu, Bi, Khổ, Não… liền diệt. Các pháp tương tục sanh diệt như vậy. Dù có Phật hay dù không có Phật vẫn thường như vậy”.

Như vậy là nói về Pháp Như”.

 

1- Các pháp như thật trong chân như thật tướng của chính nó:

 

Ở trên Phật thuyết các pháp chẳng thật có, do duyên hợp giả có, nên nói là không, như huyễn, như mộng... Nhưng thật ra, bản tánh các pháp vốn không, chớ không phải các pháp không thật có. Các pháp hiện hữu như là chính nó. Mỗi mỗi pháp xưa nay vốn hằng lưu trong vũ trụ, núi là núi, sông là sông, không thêm không bớt, đâu có thể bảo là có hay không. Vì vậy, tới đây Phật lại thuyết các pháp bản tánh như vậy là như vậy. Như là như thị, là biểu thị thật tánh các pháp, nó như là chính nó, là như như, chẳng lúc nào chẳng như. Thấy như vậy gọi là thấy các pháp như thực (yathàbhùtam) trong chân như thật tướng của nó.

Hòn sỏi bên đường ngàn năm vẫn là hòn sỏi cũ, nó không tự biết là lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu. Rồi một ngày nào đó người ta đặt tên cho nó, và từ khi có danh, có tướng, nó không còn là nó nữa, nó mất đi vẻ trinh nguyên của thuở ban đầu. Bây giờ, nó có “nhân tính”, nghĩa là có xấu có đẹp, có vuông hay tròn, đen hay trắng, to hay nhỏ, dài hay ngắn… tùy theo cảm thọ và ý thức của con người. Xưa kia nó tịch lặng, nó là nó, nó nguyên sơ như vậy là như vậy. Nó không tự biết và cũng không cần biết đến những hòn sỏi khác chung quanh nó. Bản chất của tất cả pháp đều như thế, mọi hiện hữu đều như thế dù có Phật hay không có Phật ra đời.

Hơn thế nữa, các pháp vốn trì độn, ngàn năm vẫn trơ lì ra đó, không thấy không biết, không phân biệt, không có bất cứ một thứ tình cảm nào có thể gán cho nó, bản tánh là như vậy. Hãy trả lại cái bản nguyên này cho chính nó. Cái bản nguyên thanh tịnh của thuở ban đầu, cái an nhiên tịch lặng, khuôn mặt ngàn đời còn gọi là chân như thực tướng của các pháp. Đừng nói có không, nhiều ít, hay dở, xấu tốt… Hễ có phân biệt là có chấp, có chấp thì không tránh khỏi rơi vào “hố sâu tuyệt mù không đáy!”

 

- Phẩm “Vô Sở Đắc”, quyển 68, Hội thứ I, ĐBN. Thiện Hiện nói với Xá Lợi Phất:

“Tất cả pháp phi thiện chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp hữu ký chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp vô ký chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp hữu lậu chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp vô lậu chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp hữu vi chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp vô vi chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy”.

Khi nói pháp hữu ký hay vô ký, hữu lậu hay vô lậu, hữu vi hay vô vi... là Phật nói. Phật dùng phương tiện thế tục giảng nói để chúng sanh ngộ nhập các pháp. Các pháp không hai không khác, không đến không đi, chẳng phải thường chẳng phải hoại... Tất cả đều đồng một như, không hai không khác.

 

- Phẩm “Chơn Như”, quyển 361, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc:

“(...)Uẩn, Xứ, Giới cho đến tất cả pháp Phật tức là Nhất thiết trí trí; Nhất thiết trí trí tức là Uẩn, Xứ, Giới cho đến tất cả pháp Phật. Uẩn như (chơn như của uẩn), Xứ như, Giới như và tất cả pháp Phật như tức là Nhất thiết trí trí như, Nhất thiết trí trí như tức Uẩn, Xứ, Giới như cho đến tất cả pháp Phật như đều đồng một như, không hai, không khác, cũng không cùng tận.

Này các Thiên tử! Ta quán nghĩa này, tâm thường hướng đến chỗ vắng lặng, chẳng ưa thuyết pháp. Vì sao? Vì pháp này sâu xa khó thấy, khó biết, chẳng có thể suy tầm, vượt cảnh suy tầm, vi diệu vắng lặng. Người trí tuệ mới có thể hiểu được, chẳng phải hạng người tầm thường trong thế gian có thể tín thọ, đó là Bát nhã Ba la mật sâu xa tức là quả vị Giác ngộ tối cao mà Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng”.

Điểm đáng chú ý là uẩn xứ giới cho đến tất cả pháp Phật tức là Nhất thiết trí trí; Nhất thiết trí trí tức là uẩn, xứ, giới cho đến tất cả pháp Phật. Uẩn, xứ, giới như và tất cả pháp Phật như tức là Nhất thiết trí trí như, Nhất thiết trí trí như tức uẩn, xứ, giới như cho đến tất cả pháp Phật như đều đồng một như, không hai, không khác, cũng không cùng tận.

Chúng ta thường nói uẩn xứ giới là cái lôi kéo con người, làm con người sống trong vui buồn thương ghét. Nhưng ở đây lại nói uẩn xứ giới cho đến tất cả pháp Phật được coi là Nhất thiết trí trí hay ngược lại. Vì sao? Vì cũng từ uẩn xứ giới hay uẩn xứ giới như mà con người có thể thành đạt Nhất thiết trí trí. Vì tất cả pháp đều đồng một như, không hai, không khác, không còn gì để phân biệt, chấp trước nữa thì tâm thể trở nên vắng lặng như như. Đó là lý do tại sao khi quán nghĩa này, tâm Phật thường hướng đến chỗ vắng lặng không muốn thuyết pháp. Đó là cái khó thấy, khó giác, khó vói tới đối với trí năng thường tục. Vì vậy, những hạng người tầm thường trong thế gian chẳng thể tín thọ được. Bởi lý do đó nên kinh nói chỉ có người có Bát Nhã Trí mới có thể thâm nhập tất cả pháp như để trở thành Như Lai Chánh Đẳng Giác.

 

- Cuộc đối thoại giữa Phật và Thiện Hiện ở phẩm “Chơn Như”, quyển 320,  Hội thứ I, ĐBN, cho thấy quan điểm của Phật về “Chơn như”, như sau:

“Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là quả vị Giác ngộ tối cao?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Như của tất cả pháp là quả vị Giác ngộ tối cao.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch: Bạch Thế Tôn! Như của pháp nào mà nói là tất cả pháp như là quả vị Giác ngộ tối cao?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Sắc như là quả vị Giác ngộ tối cao; thọ, tưởng, hành, thức như là quả vị Giác ngộ tối cao; 12 xứ như, 18 giới như, 4 thiền, 4 vô sắc định, 18 pháp bất cộng như là quả vị Giác ngộ tối cao; Nhất thiết trí như… cho đến Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác như là quả vị Giác ngộ tối cao. Sanh tử như là quả vị Giác ngộ tối cao; cho đến Niết bàn như là quả vị Giác ngộ tối cao”.

Vậy, có thể nói: Sắc như, thọ tưởng hành thức như, Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác như, Nhất thiết chủng trí như v.v... là quả vị Giác ngộ tối cao. Tại sao vậy? Bởi vì một khi có cái nhìn như như bất động trên muôn sự muôn vật thì sóng lặng bể yên, tâm mới được an nhiên tịch lặng. Khi đó tất cả pháp đều là chân như, pháp giới, pháp tánh… Thông hóa đến chỗ đó thì nhập pháp giới tức giác ngộ thì huệ mở, huệ mở tức có Nhất thiết trí trí, có Nhất thiết trí trí thì gọi là Như Lai Chánh đẳng Chánh giác.

 

- Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, Quyển 596, Hội thứ XVI, ĐBN. Phật bảo:

“Này Thiện Dũng Mãnh! Như ấy có nghĩa là gì? Thiện Dũng Mãnh! Như ấy là tánh các pháp (hay gọi là pháp tánh), chẳng phải như phàm phu ngu si có thể đắc, cũng không phải người khác có thể đắc. Nhưng tánh các pháp như các Như Lai và đệ tử Phật, Bồ Tát đã thấy, pháp tánh như thế lý thú chơn thật thường không biến đổi, nên gọi là như. Tức như đây nói là Bát nhã Ba la mật thậm thâm của Bồ Tát.

Này Thiện Dũng Mãnh! Bát nhã Ba la mật sâu thẳm đối với tất cả pháp như vậy, không thêm, không bớt, không hợp, không lìa, không thiếu, không đủ, không lợi, không hại, không di chuyển, không hướng đến, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không lưu chuyển, không hoàn diệt, không tập khởi, không ẩn mất, không hữu tướng, không vô tướng, không bình đẳng, không phải không bình đẳng, không thế tục, không thắng nghĩa, không vui, không khổ, không thường, không vô thường, không sạch, không phải không sạch, không ngã, không vô ngã, không chắc thật, không hư dối, v.v… và v.v…”.

 

Lối diễn tả trên tuy có dài dòng, chung cùng chúng ta có thể nói Bát Nhã có khả năng soi thấy thế giới như vậy là như vậy. “Như như vậy là như thường tại, không lúc nào chẳng như; vì là như thường tại, nên không lúc nào chẳng như, nên không hai, không khác”. Đấy là cái thấy xuyên qua tướng trạng để trực ngộ thật tánh của vạn hữu mà tuyên bố rằng thấy như thế là thấy các pháp trong chân như thật tướng của nó. Nên nói “như” đó là Bát Nhã thậm thâm của Bồ Tát, như đó là Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác, như đó cũng chính là Nhất thiết trí trí.

Tới đây hành giả Bát Nhã có thể hiểu tầm quan trọng của các pháp như thực (yathàbhùtam) như thế nào rồi? Vậy, “quán không”, “quán như” hay “quán bình đẳng” hay “thanh tịnh” đều không khác nhau. Trong pháp không, pháp như hay pháp bình đẳng, pháp thanh tịnh chẳng có sai khác. Hiểu và quán như vậy thì có thể tìm thấy đò mà sang sông! Nên trong phẩm “Tập Tán”(thứ chín), MHBNBLMĐ, “Bạch đức Thế Tôn! Lúc muốn thực hành Bát Nhã, đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong như như. Tại sao vậy? Vì như và như tướng là không. Không chẳng gọi là như như, rời ngoài không cũng chẳng có như như. Như tức là không, không tức là như.

Bạch đức Thế Tôn! Muốn thực hành Bát Nhã, đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, thật tế. Tại sao vậy? Vì thật tế và thật tế tướng là không. Thật tế không chẳng gọi là thật tế, rời ngoài không cũng chẳng có thật tế. Thật tế tức là không, không tức là thật tế”.

Bồ Tát biết tất cả pháp như, như tức không, như cũng tức là chơn như, pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, thật tế hay như là thập nhị chân như, tất cả đều không. Bồ Tát chẳng trụ không, nói rông ra không trụ trong chân như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh… cho đến bất tư nghì giới. Có trụ là có chấp, có chấp là có quái ngại. Không sở trụ mới là chỗ trụ của Bát Nhã. Nói như vậy như chẳng nói gì. Không trụ trong Chơn như thì trụ vào đâu mà chứng ngộ. Vậy, phải nói chẳng phải trụ chân như cũng chẳng phải chẳng trụ, mới gọi là chân trụ.

 

2- Như Lai tùy sanh:

 

Đây là nguyên văn đoạn kinh nói về “Như Lai tùy sanh”, thuộc quyển 447, phẩm “Chơn Như”, Hội thứ II, ĐBN:

“Chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại đức Thiện Hiện là chơn đệ tử Phật, tùy Như Lai sanh. Vì sao? Vì đại đức Thiện Hiện đã thuyết tất cả pháp đều tương ưng với không.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc:

- Chư Thiên các ông nói Thiện Hiện là chơn đệ tử Phật, tùy Như Lai sanh. Thế nào là Thiện Hiện tùy Như Lai sanh? Nghĩa là tùy Như Lai như sanh. Vì sao? Vì Như Lai như không đến, không đi, Thiện Hiện như cũng không đến, không đi, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như tức tất cả pháp như, tất cả pháp như tức Như Lai như. Như, như thế là không tánh như, cũng không phải không tánh như. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như thường trụ là tướng, Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không biến đổi, không phân biệt, chuyển khắp các pháp. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không quái ngại, tất cả pháp như cũng không quái ngại. Hoặc Như Lai như, hoặc tất cả pháp như, đều đồng một như không hai, không khác, không tạo, không tác. Như, như thế là tướng như, không lúc nào chẳng như. Vì tướng thường như, không lúc nào chẳng như nên thường không hai không khác. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như khắp mọi nơi không nhớ nghĩ, không phân biệt. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không đổi khác, bất khả đắc. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không lìa tất cả pháp như, tất cả pháp như không lìa Như Lai như. Như, như thế thường như, không thời nào chẳng tướng như. Thiện Hiện như cũng lại như thế nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Dù nói tùy sanh mà không có chỗ tùy sanh, vì Thiện Hiện như chẳng khác Phật vậy.

Như Lai như không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Tất cả pháp như cũng không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Quá khứ như tức Như Lai như, Như Lai như tức quá khứ như. Vị lai như tức Như Lai như, Như Lai như tức vị lai như. Hiện tại như tức Như Lai như, Như Lai như tức hiện tại như. Hoặc quá khứ như, hoặc vị lai như, hoặc hiện tại như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác.

Sắc như tức Như Lai như, Như Lai như tức sắc như. Thọ, tưởng, hành, thức như tức Như Lai như, Như Lai như tức thọ, tưởng, hành, thức như. Hoặc sắc như, hoặc thọ, tưởng, hành, thức như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Mười hai xứ như, mười tám giới như, tứ thiền như, tứ vô sắc định như, mười tám pháp bất cộng như, Nhất thiết trí như, Đạo tướng trí như, Nhất thiết chủng trí như… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao như tức Như Lai như, Như Lai như tức mười hai xứ như, mười tám giới như, tứ thiền như, tứ vô sắc định như, mười tám pháp bất cộng như, Nhất thiết trí như, Đạo tướng trí như, Nhất thiết chủng trí như… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao như đều đồng một như không hai, không khác. Bồ Tát hạnh như tức Như Lai như, Như Lai như tức Bồ Tát hạnh như. Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như tức Như Lai như, Như Lai như tức quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như. Hoặc tất cả Bồ Tát hạnh như, hoặc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Nhất thiết trí như tức Như Lai như, Như Lai như tức Nhất thiết trí như. Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí như tức Như Lai như, Như Lai như tức Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí như. Hoặc Nhất thiết trí như, hoặc Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác.

Thiên chúng nên biết, các Đại Bồ Tát đang chứng tất cả pháp như như thế nên gọi là Như Lai ứng Chánh Đẳng Giác. Thưa Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác! Con tin hiểu sâu sắc các pháp như như thế nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh”.

Tất cả những đặc tính nào mà Như Lai có thì Thiện Hiện đều có, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như đó là một như, thường tại như chẳng lúc nào chẳng như. Nói như vậy có nghĩa là người nào có cái thấy biết như vậy cũng đều được gọi là tùy Như Lai sanh, không phải chỉ riêng có Thiện Hiện.

 

Đấy là đoạn kinh lý thú nhất thuyết về “Chân như và Như Lai tùy sanh” và chính nhờ đoạn kinh đó mà chúng ta hiểu rõ thế nào là NHƯ hay NHƯ NHƯ và NHƯ LAI TÙY SANH.

 

Sau đây là lời bình giảng của Thiền sư D.T. Suzuki:

“Do công năng vô chấp đó, chúng ta có thể nói rằng Bát Nhã có khả năng nhìn thấy thế giới như thế là như thế, thấy các pháp trong bản tính như thực (yathàbhùtum) của chúng. Đây là hoạt dụng đặc sắc nhất của Bát Nhã mà Bồ Tát sở đắc khi Ngài chứng ngộ rằng đến thì như thế mà đến, đến từ Bát Nhã, và do đó biết rằng Bát Nhã sinh ra Ngài cũng như sinh ra hết thảy chư Phật. Một khi đôi mắt của Bồ Tát mở ra cho sự thực này, Bồ Tát quan sát thế gian và hết thảy thiên sai vạn biệt của thế gian trong tổng trạng chân thực của chúng. Nói thế tức là, trong tầm tri giác của chúng ta, thế gian không ngừng biến đổi, chịu đủ hình thái thành và hoại. Nhưng Bồ Tát khi mà Trí Bát Nhã của Ngài đã khai ngộ hoàn toàn, nhận thấy rằng, năm uẩn tạo thành thế gian này dù có những biến dịch bên ngoài của chúng, trong tự tánh (svabhava) chúng không hề bị hoại diệt, chúng không mang những hoại tướng, không bị chi phối bởi những thành hoại, không bị chi phối bởi sinh tử, không bị chi phối bởi những tham dục và phiền não.

Kinh điển Bát nhã Ba la mật vừa là một nền triết học và vừa là một nền tôn giáo, nên giáo thuyết của nó luôn luôn hỗn hợp bản thể học và tâm lý học. Sự thực, nó không nói tới sự hữu là như thế nào, nhưng nói tới những gì có nơi con người. Biết rõ thế gian tức biết rõ tinh thần của con người và những tạo tác của nó. Không có những vấn đề siêu hình nào mà cùng lúc không là những vấn đề về giải thoát và giác ngộ. Do đó khi Bồ Tát nhận thấy thế gian như là như thực (yathàbhùtam) Ngài cũng nhận thấy các loại tâm của con người như thế là như thế; thế rồi Ngài mới thi thiết các phương tiện thiện xảo (upàya) của mình. Vậy, Kinh nói, bằng con mắt của Trí Bát Nhã, Bồ Tát thấy rõ các loại tâm của tất cả các loại hữu tình, và Ngài biết rõ chúng sai biệt như thế nào, sai biệt về cá tính, sai biệt về hoạt dụng, sai biệt về thọ báo, sai biệt về giá trị đạo đức, về tâm tính, vân vân. Rồi tri kiến như thực (yathàbhùtam) của Ngài thấu triệt qua những giả tướng này và nhận ra rằng các tâm của chúng; tịnh hay bất tịnh, nhiếp tâm hay loạn tâm, nhiễm tâm hay ly nhiễm tâm, tất cả đều không tự tánh, không thủ trước, không phân biệt. Đấy được coi là nhìn vạn hữu trong chân như tướng của chúng, trong đó mọi sai biệt tan biến hết, đồng thời tự hiển lộ tự thân như thực trong ánh sáng của Trí Bát Nhã.

Do đó, đương nhiên tri kiến như thực trong các Kinh Bát nhã Ba la mật có nghĩa là tri kiến xuyên qua bức màn trùng điệp phủ tối đôi mắt chúng ta, và rồi dùng Trí Bát Nhã nắm lấy vạn hữu trong chân như của chúng. Chân như (tathatà) là một chữ quá lạ, nhưng trong thuật ngữ Phật giáo, nó là một trong những chữ ý vị nhất. Hiểu rõ nghĩa của nó là hiểu toàn bộ hệ thống tư tưởng của đạo Phật. Chân như là như như và đừng có hiểu lộn thành như nhau hay như một. Khi người ta nói đến vô dị tướng, thì có thể tưởng rằng các dị tướng bị biến thành vô sở tri hay vô sở hữu, để bộc lộ cái tướng như một của chúng. Nhưng cái mà các hành giả Bát Nhã muốn nói là những cái được thấu hiểu trong những tương quan chân thực của chúng, không chỉ tương quan giữa cái này với cái kia mà tương quan với lý tính hiện hữu của chúng.

 

“Kinh Bát Nhã có một đoạn dành cho Tu Bồ Đề (Subhùti) luận về Như lai Tùy sinh (Tathàgata-anujata). Tùy sinh (Anujàta) có nghĩa, sinh sau hay “sinh ra tùy theo”. Chính Tu Bồ Đề (Subhuti), người nói triết học Bát Nhã, sinh ra sau Như lai, tức em ruột của Như lai, hay nói đúng hơn, Tu Bồ Đề được sinh ra tùy theo tự tướng của Như lai. Đó là một trong các đoạn quan trọng nhất của Bát Nhã, nhất là khi xét tới liên hệ với giáo thuyết Chân như. Như Lai (Tathagata) thông thường được coi như là một biệt hiệu của Phật, nghĩa đen hoặc “người đến như thế” hoặc “người đi như thế”. Điểm quan trọng ở đây là ý nghĩa của chữ Như (tatha) hơn là Lai (agata, đến hay gata, đi); hình như tác giả của Kinh Bát Nhã nhấn mạnh trên chữ tatha coi đó là chìa khóa để hiểu giáo pháp Tathata (Chân như) hay Yathabhutam (Như thực). Khi ông nói tới Chân như của Như Lai (tathagata- tathata), ông muốn nói lý tánh, căn nguyên, hay lý tắc cho sự xuất hiện có thể có của Như Lai trong thế gian. Vì vậy, Tu Bồ Đề mà được sinh ra sau (anujata) Chân như của Như Lai, thì có nghĩa là Tu Bồ Đề và Như Lai cùng đến từ bào thai vũ trụ mà Kinh Lăng già (Lankavatara) và các Kinh Phật khác gọi là Như Lai tạng (tathagatagarbha). Với giải thích sơ khởi này, đoạn dưới đây nói về Tùy sinh (Anujata) và Như Lai (Tathagata) sẽ trở nên dễ hiểu hơn.

“Khi nói Tu Bồ Đề sinh ra sau Như Lai, nói thế có nghĩa như vầy: Như của Như Lai là Như của Tu Bồ Đề, Như Như không hai không khác, vì Chân Như là một trong hết thảy các loại hữu tình và ở đây không hai tưởng, không phân biệt, không phân đôi; trong hết thảy Chân Như không có đến và cũng không có đi vì bản lai vô sinh; chúng không chỗ trụ nơi chúng thường trụ như là những pháp sai biệt; chúng là vô tác, vì có nghĩa rằng chúng không phải là sở tri như là đang hoạt dụng trong một phương thế quyết định nào đó để biểu lộ những tự tướng sai biệt của chúng; thế nhưng chúng cũng không phải là thường tịch và vô sở tác; chúng luôn luôn Như Như trong tất cả mọi xứ sở, trong tất cả mọi thời gian, trong tất cả mọi cảnh giới, trong tất cả mọi tụ tập nhân duyên; trong chúng không từng có quá khứ, không từng có hiện tại, không từng có vị lai mặc dù chúng hữu tình được coi như đang hiện hữu, tồn tại và biến mất; chúng không lệ thuộc sự phân biệt, không sắc tướng sai biệt, là bất khả đắc; và sau hết dù với những phẩm tính đó chúng vẫn xuất hiện như là những thực tại, có thể được định danh, được định nghĩa và được phân biệt, mặc dù như thế chúng không còn là Chân như nữa. Vì những lý do đó, Chân như của Tu Bồ Đề là Chân như của Như Lai, và Chân như của Như Lai là Chân như của hết thảy các pháp, cả hai không hai không khác. Chân như nhất như hiển hiện ở đây, nhưng ngay khi nói về Chân như như thế, Chân như không còn là Chân như nữa. Chân như chỉ là giả danh, nhưng nếu không có giả danh đó không có Như Lai, không có Tu Bồ Đề, không có Phật, không có A la hán, không có các loại hữu tình. Duy chỉ Như Lai mới thấu triệt như thế, không một chúng sinh nào có thể nắm nổi lý này. Tu Bồ Đề, vì Ngài thấu hiểu, nên có thể diễn nói những huyền diệu sâu xa của Bát nhã Ba la mật đa, và vì lý do đó, Ngài là Tùy sinh của Như Lai”.

Thật là may mắn đọc được những lời giảng luận thâm diệu như vậy! Các pháp như mang đầy ý nhị vi diệu. Nên nói người nào tri nhận được các pháp như như thế gọi là Như Lai.

 

Thêm nữa, chúng ta đọc trong chương XVII, “Tướng Bất thối chuyển của Bồ Tát ” (Avinivartaniyakaralinganimitta parivarta):

“Phật tử hành đạo trải qua các giai đoạn khác nhau của tâm linh, nhưng ở trong Chân như chúng không hai, không phân biệt. Bồ Tát từ Chân như nhất tướng đó mà có thể nhập vào Pháp tánh. Sau khi nhập vào Pháp tánh, ở đó cũng không sinh ra phân biệt. Dù khi nghe những giáo pháp khác, Bồ Tát cũng không hủy báng, vì biết rằng có nhiều pháp môn sai khác dẫn vào Pháp tánh. Dù khi nghe những danh tướng và ngôn thuyết, Bồ Tát cũng không sinh nghi hoặc đối với công năng thù thắng của Chân như mà Ngài đang hộ trì trong mình”.

“Một trong những hoạt dụng của Bát Nhã, vậy thì, chính là tri nhận các pháp Như thực hay thấy Chân như tướng của chúng. Trong Chân như đó, thấy rằng hết thảy mọi loài, mọi sự hữu, không bị nhiễm ô, do đó chúng là một với chư Phật và trong phương diện đặc biệt này có thể gọi các Ngài là chư Như Lai. Vì tất cả là một như thế, nên tất cả cùng là anh em (anujatà) với nhau, kể cả chư Phật và Bồ Tát. Cái thai mẹ sinh ra hết thảy những anh em này đích danh là Như Lai tạng (Tathagata- garbha). Vai trò làm mẹ của Bát Nhã ở đây thành xác chứng hơn bao giờ hết, và ý nghĩa đó thường được dùng để tán dương Bát Nhã càng là tự nhiên”.

 

- Đoạn Kinh thuộc phẩm “Phật Mẫu”, quyển 442, Hội thứ II, ĐBN chứng tỏ điều mà Ngài D.T. Suzuki thuyết ở trên:

“Hoặc tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như, hoặc tất cả hữu tình như, hoặc tất cả pháp như không hai, không khác, là một như. Các như như vậy không khác biệt nên không hoại, không tận, không phân biệt.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác y Bát Nhã thậm thâm chứng tất cả pháp rốt ráo như mới được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Do đấy nên nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm năng sanh chư Phật, là mẹ chư Phật, năng chỉ thật tướng thế gian.

Thiện Hiện! Như vậy! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác y cứ Bát Nhã thậm thâm, hiểu biết như thật tất cả pháp như tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác. Do hiểu như thật tướng như, nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác”.

 

- Quyển 550, phẩm “Tướng Không”, Hội thứ IV, TBBN, Phật bảo: “Này Thiện Hiện! Như Như của các pháp gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

 

3- Chân như quan Bát Nhã:

 

Phẩm “Pháp Giới”, quyển 567, Hội thứ VI, ĐBN. Phật bảo: “Pháp giới chính là tánh chẳng hư vọng, chẳng đổi khác, tức là pháp như. Như này sâu xa vi diệu chỉ có trí biết, chẳng thể phô diễn được. Vì sao? Vì vượt qua văn tự, lìa ngữ ngôn, lìa hý luận, dứt phân biệt, không đây kia, xa lìa suy lường, vượt cảnh suy lường, không tưởng không tướng, vượt khỏi hai cảnh, xa kẻ ngu, lìa cõi tục, vượt khỏi cảnh ma, viễn ly mê chướng, thức không thể biết, trụ không chỗ trụ, vắng lặng Thánh trí và cảnh giới của hậu đắc trí vô phân biệt, không ngã, ngã sở, cầu chẳng thể được, không thủ, không xả, không nhiễm, không đắm, thanh tịnh ly cấu, tối thắng đệ nhất, tánh chẳng biến đổi; hoặc Phật ra đời hay chẳng ra đời, tánh tướng vẫn thường trụ”.

Rồi Phật bảo: “Đó là pháp giới. Đó cũng gọi Thật tế Như như của Bát nhã Ba la mật, tướng không phân biệt, bất tư nghì giới, cảnh giới Chơn không, Nhất thiết trí, Nhất thiết tướng trí, cảnh giới không hai”.

 

Phật vì thương xót chúng sanh dùng phương tiện nói như để chúng sanh không chấp cảnh quên tâm. Lên một tầng nữa “như cũng tức không”, như “cũng gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”, “trụ tất cả pháp như rồi thì được tự tại”. Đó là cái thấy từ bờ kia. Bao giờ còn chấp cứng bất cứ pháp nào thì Bát Nhã không còn ở đó nữa. Không có chỗ nương vịn, không mong cầu nắm bắt, sạch trong sạch ngoài thì được như như!

 

Chỉ có chư Phật mới có thể trụ trong cảnh giới bất tư nghì này, nên trong phẩm “Nhị Hạnh”, Kinh “Thắng Thiên Vương Bát Nhã”, Phật bảo Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi: “... Bát Nhã thâm sâu là pháp bất cộng, không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì tất cả phàm phu, Thanh văn, Độc giác không thể thông suốt, chẳng phải cảnh giới của họ; ngoài đức Phật Thế Tôn không ai có thể đạt được. Vì sao? Vì nghĩa Như như các pháp rất thậm thâm, tự tại, chẳng dao động, thâu nhiếp cả cõi vô lậu, làm cho các loài hữu tình được trọn vẹn an lạc. Cho nên gọi là cảnh giới của chư Phật, vượt qua đường ngôn ngữ, thâu nhiếp thắng nghĩa đế, xa lìa sự tìm tòi, phân biệt, nghĩ bàn, pháp thế gian chẳng thể nào so sánh ví dụ nổi, là thượng phẩm trong tất cả các pháp, không ở trong sanh tử cũng chẳng trụ Niết bàn”.

Như như của tất cả pháp rất thậm thâm, đó là cảnh giới của chư Phật không thể nghĩ bàn, vượt đường ngôn ngữ, xa lìa tìm tòi phân biệt, các pháp thế gian chẳng thể sánh nổi, là thượng phẩm trong tất cả pháp, nên không ở trong sanh tử cũng chẳng trụ Niết bàn. Người nào thấu hiểu NHƯ này, người đó như Phật không khác!

 

Kết luận:

(Về như tướng)

 

- Phẩm “Chơn Như”, quyển 560, Hội thứ V, ĐBN. Phật bảo: “Như Lai như tức là năm uẩn như. Năm uẩn như tức là thế gian như. Thế gian như tức là tất cả pháp như. Tất cả pháp như tức là quả Dự lưu như. Quả Dự lưu như tức là quả Nhất lai như. Quả Nhất lai như tức là quả Bất hoàn như. Quả Bất hoàn như tức là quả A la hán như. Quả A la hán như tức là Độc giác Bồ đề như. Độc giác Bồ đề như tức là tất cả Bồ Tát hạnh như. Tất cả Bồ Tát hạnh như tức là tất cả quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như. Tất cả quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như tức là tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như tức là tất cả hữu tình như.

Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như như thế đều không lìa nhau, chẳng phải một, chẳng phải khác, không cùng tận, không hai, cũng không hai phần, không thể phân biệt.

Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát nhã Ba la mật, chứng rốt ráo tất cả pháp như mới đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề. Do vậy, nên nói Bát Nhã sâu xa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, là mẹ của Như Lai, thường chỉ dạy thật tướng các pháp thế gian cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát nhã Ba la mật có thể hiểu biết như thật các pháp như, Tánh không hư dối, Tánh không biến đổi. Do hiểu biết như thật tướng như nên gọi danh hiệu là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã sâu xa chứng pháp như, Tánh không hư dối, Tánh không biến đổi, rất là sâu xa, khó thấy, khó biết. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều dùng các pháp như, Tánh không hư dối, Tánh không biến đổi như thế để tuyên thuyết, chỉ dạy, phân biệt rõ ràng tất cả Bồ Tát hạnh, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

Nếu hiểu như này thì như tức năm uẩn, như tức là chúng sanh, như tức là thế gian. Như này cũng chính là Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác. Tất cả đều nằm trong cùng một bào thai gọi là Như lai tạng, nên không hai không khác. Tất cả đều là anh em với nhau. Như đó chính là chân như thật tướng của tất cả pháp. Người nào chứng biết được như đó thì được coi là giác ngộ. Nên được gọi là chư Như Lai. Nên phẩm “Phương Tiện Thiện Xảo”, Hội thứ I, cũng bảo rằng: Các pháp như là quả vị Giác ngộ tối cao”.

 

- Phần “Mạn Thù Thất Lợi”, quyển 574, Hội thứ VII, ĐBN, Mạn Thù nói:

“... Con thấy Như Lai tức tướng Như không động, không tạo tác, không phân biệt-không phân biệt khác, chẳng phải phương xứ-chẳng phải lìa phương xứ, chẳng phải có-chẳng phải không, chẳng phải thường-chẳng phải đoạn, chẳng phải chính ba đời-chẳng phải lìa ba đời, không sanh-không diệt, không đến-không đi, không nhiễm-không tịnh, không hai-chẳng hai, tuyệt đường ngôn ngữ. Nếu đem tướng bình đẳng Như như này mà quán Như Lai thì gọi là thấy Phật một cách chân thật, cũng gọi là kính lễ và gần gũi Như Lai, thật sự làm lợi lạc cho hữu tình.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ông quán chiếu như vậy là để thấy cái gì?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con quán như vậy nhưng hoàn toàn không thấy gì; đối tướng các pháp cũng không chỗ lấy.

Phật nói:

- Hay thay! Hay thay! Đồng tử! Đối với Như Lai ông đã quán được như vậy. Đối với tất cả pháp, tâm chẳng chấp lấy, cũng chẳng phải không chấp lấy, chẳng nhóm chẳng tan”.

Nếu ai cũng quán thấy Như Lai như vậy tức không thấy, không chỗ lấy đắm, thời tất cả đều biến thành Bồ Tát, thành Như Lai không khác. Nên:

 

- Phẩm “Phương Tiện”, Kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ có chư Phật với chư Phật thấu tột tướng chân thật của các pháp, nghĩa là các pháp: Tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhơn như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy”. Khi tri nhận muôn pháp ở trạng thái “như thật” (yathabhutam), thì không còn gì phân cách nữa. Lúc bấy giờ tâm nhất như thì cảnh cũng nhất như. Đó là cái nhất tánh của vạn pháp. Vì vậy, nên Tăng triệu pháp sư mới nói: “Trời đất cùng ta đồng gốc, vạn vật cùng ta một thể”. Tâm cảnh nhất như tức như như bất động. Như như bất động thì trong ngoài tất cả đều như. Như đó nói là bình đẳng, do bình đẳng đó tâm thể tuyệt đối vắng lặng nên nói là thanh tịnh.

Mục trước chúng ta học pháp không, mục này chúng ta học pháp như, mục kế chúng ta học bình đẳng và thanh tịnh.

 

Để chấm dứt pháp như này chúng ta có thể ngâm bốn câu kệ do HT Phước Hậu sáng tác như sau:

 

Kinh điển lưu hành tám vạn tư,

Học hành không thiếu cũng không dư

Năm nay tính lại chừng quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.

 

Chúng tôi bồi hồi xúc động khi hiểu ra rằng “pháp không” là thật tướng của tất cả pháp, “pháp như” cũng là thật tướng của tất cả pháp. Tất cả đều nằm trong đệ nhất nghĩa đế, nên không tạo tác, không phân biệt-không phân biệt khác, chẳng phải phương xứ-chẳng phải lìa phương xứ, chẳng phải có-chẳng phải không, chẳng phải thường-chẳng phải đoạn, chẳng phải chính ba đời-chẳng phải lìa ba đời, không sanh-không diệt, không đến-không đi, không nhiễm-không tịnh, không hai-chẳng hai, không tăng-không giảm, v.v… tuyệt đường ngôn ngữ. Vì vậy, Pháp Hoa Huyền Nghĩa (法華玄義) quyển 8 cũng nêu lên 14 từ khác nhau như Thật Tướng, Diệu Hữu (妙有), Chơn Thiện Diệu Sắc (眞善妙色), Thật Tế, Tất Cánh Không (畢竟空), Như Như, Niết Bàn (涅槃), Hư Không (), Phật Tánh, Như Lai Tạng (如來藏), Trung Thật Ly Tâm (中實理心), Phi Hữu Phi Vô Trung Đạo (非有非無中道), Đệ Nhất Nghĩa Đế (第一義諦), Vi Diệu Tịch Diệt (微妙寂滅)(1).

Nói tóm lại, khi nhập được pháp không, pháp như rồi là nhập pháp giới, tức giác ngộ không khác.

Thích nghĩa cho phần chiết giải về “Như tướng”:

(1)   Xin Quý vị nghiên cứu từ “chơn như” của Phật Học Tinh Tuyển” dưới đây để có hiểu thêm các quan niệm của các Bộ phái về chơn như tức “tính cách như thật hay chơn như thật tướng” của tất cả pháp đối với có cái nhìn từ bờ kia của LUẬN #3 này:

Chơn như: (s: bhūta-tathatā, tathatā, 眞如): Chơn nghĩa là chơn thật, không hư vọng; như là như thường, bất biến. Chơn như là bản thể chân thật trùm khắp vũ trụ vạn vật, là chân lý vĩnh cửu bất biến, căn nguyên của hết thảy vạn hữu. Từ này còn được gọi là Như Như (如如), Như Thật (如實), Pháp Giới (法界), Pháp Tánh (法性), Thật Tế (實際), Thật Tướng (實相), Như Lai Tạng (如來藏), Pháp Thân (法身), Phật Tánh (佛性), Tự Tánh Thanh Tịnh Thân (自性清淨身), Nhất Tâm (一心), Bất Tư Nghì Giới (不思議界). Trong các Phật điển Hán dịch thời kỳ đầu, Chơn Như được dịch là Bản Vô (本無). Nhưng tùy theo cái nhìn của các Bộ phái mà có những danh từ khác nhau. Theo A Hàm Kinh (阿含經), lý pháp của Duyên Khởi là chân lý vĩnh viễn bất biến, nên gọi đó là Chơn Như. Lại nữa, căn cứ vào thuyết Cửu Vô Vi (九無爲, 9 loại Vô Vi) do Hóa Địa Bộ (s: Mahīśāsaka, 化地部) trong Dị Bộ Tông Luân Luận (異部宗輪論), có Thiện Pháp Chơn Như (善法眞如), Bất Thiện Pháp Chơn Như (不善法眞如), Vô Ký Pháp Chơn Như (無記法眞如), Đạo Chi Chơn Như (道支眞如), Duyên Khởi Chơn Như (起眞如), v.v. Theo chủ trương của Phật Giáo Đại Thừa, bản tánh của tất cả tồn tại như người và pháp đều vô ngã, vượt qua các tướng sai biệt vốn có; nên gọi là Chơn Như. Tỷ dụ sự tự tại của Pháp Thân Như Lai là Chơn Như. Theo Phật Địa Kinh Luận (佛地經論) quyển 7, Chơn Như là thật tánh của tất cả vạn tượng; tướng của nó tuy có nhiều loại khác nhau, nhưng thể của nó cùng một vị, cùng với các pháp không một cũng không khác, vượt ra ngoài những phạm trù của ngôn ngữ, tư duy. Từ quan điểm xa lìa những sai khác, hư ngụy, Chơn Như, nó được gọi là Giả Danh Chơn Như (假名眞如). Hay nếu là nơi nương tựa của tất cả các điều thiện, nó có tên là Pháp Giới. Nếu là chỗ sở ngộ của trí vô phân biệt, nó có tên là Thắng Nghĩa (勝義). Về các tên gọi khác nhau của Chơn Như, Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經) quyển 360, có nêu 12 từ như Chơn Như, Pháp Tánh, Bất Hư Vọng Tánh (妄性), Bình Đẳng Tánh (平等性), Ly Sanh Tánh (離生性), Pháp Định (法定), Pháp Trú (法住), Thật Tế, Hư Không Giới (空界) và Bất Tư Nghì Giới. Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận (阿毘達磨雜集論) quyển 2 có liệt ra 6 từ như Chơn Như, Không Tánh (空性), Vô Tướng (無相), Thật Tế, Thắng Nghĩa, Pháp Giới. Pháp Hoa Huyền Nghĩa (法華玄義) quyển 8 cũng nêu lên 14 từ khác nhau như Thật Tướng, Diệu Hữu (妙有), Chơn Thiện Diệu Sắc (眞善妙色), Thật Tế, Tất Cánh Không (畢竟空), Như Như, Niết Bàn (涅槃), Hư Không (), Phật Tánh, Như Lai Tạng (如來藏), Trung Thật Ly Tâm (中實理心), Phi Hữu Phi Vô Trung Đạo (非有非無中道), Đệ Nhất Nghĩa Đế (第一義諦), Vi Diệu Tịch Diệt (微妙寂滅). Theo Thành Duy Thức Luận (成唯識論) quyển 10, Pháp Tướng Tông lập ra 10 loại Chơn Như khác nhau, tùy theo cấp độ giác ngộ sâu cạn của vị Bồ Tát, gồm: Biến Hành Chơn Như (變行眞如), Tối Thắng Chơn Như (最勝眞如), Thắng Lưu Chơn Như (勝流眞如), Vô Nhiếp Thọ Chơn Như (無攝受眞如), Loại Vô Biệt Chơn Như (類無別眞如), Vô Nhiễm Tịnh Chơn Như (無染淨眞如), Pháp Vô Biệt Chơn Như (法無別眞如), Bất Tăng Giảm Chơn Như (不增減眞如), Trí Tự Tại Sở Y Chơn Như (智自在所依眞如) và Nghiệp Tự Tại Đẳng Sở Y Chơn Như (業自在等所依眞如). Còn Địa Luân Tông thì chủ trương tự thể của A Lại Da Thức (s: ālaya-vijñāna, 阿賴耶識) thứ 8 là Tự Tánh Thanh Tịnh Tâm (自性清淨心) và đó là Chơn Như. Thức này do bị Vô Minh huân tập, nên xuất hiện các hiện tượng ô nhiễm, thanh tịnh, v.v. Hoa Nghiêm Tông lại chủ trương “bản thể là hiện tượng”, có nghĩa rằng Chơn Như vốn là vạn pháp và vạn pháp cũng là Chơn Như. Cho nên, tông này nêu ra 2 loại Chơn Như: Nhất Thừa Chơn Như (一乘眞如, gồm Biệt Giáo Chơn Như [別敎眞如] và Đồng Giáo Chơn Như [同敎眞如]) và Tam Thừa Chơn Như (三乘眞如, gồm Đốn Giáo Chơn Như [頓敎眞如] và Tiệm Giáo Chơn Như [漸敎眞如]). Trong khi đó, Thiên Thai Tông thì dựa trên thuyết Tánh Cụ (性具, tánh có đầy đủ các pháp) mà cho rằng bản thân Chơn Như xưa nay vốn đầy đủ các pháp ô nhiễm, thanh tịnh, thiện ác, v.v. Từ đó, tự tánh thanh tịnh của chư Phật được gọi là Vô Cấu Chơn Như (無垢眞如), hay Xuất Triền Chơn Như (出纒眞如); còn thể tánh của chúng sanh bị phiền não làm cho cấu nhiễm, nên gọi là Hữu Cấu Chơn Như (有垢眞如), hoặc Tại Triền Chơn Như (在纒眞如).

Cũng cùng một chân như với nhau không hai không khác. Nhưng có lắm ý kiến nên sanh ra nhiều ngôn từ sai khác. Vì vậy, Phật tiên đoán sau khi Phật diệt có 500 Bộ phái, có khi lên tới 800 Bộ phái khác nhau, chỉ vì ai cũng có ý kiến riêng, không ai chịu nghe ai! Vạn hữu dưới cái nhìn của nhiều lăng kính khác nhau, nên có cái thấy khác nhau, mới sanh lắm lời. Vạn hữu chỉ là một, nhưng cái một sẽ về đâu? Tất cả đều như, tất cả đều không. Trăm ngàn còn không hiến chi cái một.

 

 

7. Bình đẳng:

(Nhớ dẫn chứng phẩm “Bình Đẳng”, Hội thứ VI)

 

Thông thường kinh nói: Nếu đối chỗ này đều không hữu tánh cũng không vô tánh, cũng chẳng thể nói là tánh bình đẳng, như vậy mới gọi pháp tánh bình đẳng. Pháp tánh bình đẳng đã chẳng thể nói cũng không thể biết, trừ tánh bình đẳng không pháp khá được, lìa tất cả pháp không tánh bình đẳng”(1).

Đây được coi là một định nghĩa thông thường về bình đẳng tánh mà ĐBN thường diễn tả. Sở dĩ, gọi là thông thường vì Kinh lặp đi lặp lại giáo pháp này, nó trở nên dễ hiểu đối với những nhận thức thường nghiệm của chúng ta. Nhưng các đoạn kinh sau đây cho chúng ta lãnh hội về bình đẳng ở một tầng cao hơn:

 

- Phẩm “Bình Đẳng”, quyển 570, Hội thứ VI, ĐBN, Thắng Thiên Vương bạch Phật:

“Như đức Thế Tôn dạy pháp tánh bình đẳng. Vậy thế nào là bình đẳng? Những pháp nào gọi là bình đẳng?

Phật bảo Tối Thắng:

- Thiên vương nên biết! Các pháp quán bình đẳng, tự tánh của nó tịch tĩnh, không sanh không diệt, nên gọi là bình đẳng. Tất cả phiền não hư vọng phân biệt, tự tánh tịch tĩnh, không sanh không diệt, nên gọi là bình đẳng. Danh tướng, vọng tưởng không sanh không diệt, tự tánh tịch tĩnh, nên gọi là bình đẳng. Diệt các điên đảo, không sanh tâm phan duyên nên gọi là bình đẳng. Khi tâm năng duyên đã diệt thì vô minh, hữu ái hoàn toàn vắng lặng, không còn chấp trước ngã và ngã sở nên gọi là bình đẳng. Vì ngã và ngã sở chấp vĩnh viễn không còn nên danh sắc tịch tĩnh, gọi là bình đẳng. Vì danh sắc diệt nên biên kiến không sanh, gọi là bình đẳng. Vì thường đoạn diệt nên thân kiến tịch tĩnh, gọi là bình đẳng.

- Thiên vương nên biết! Tất cả phiền não chướng năng chấp, sở chấp và thiện pháp kia đều y nơi thân kiến sanh. Nếu các Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo thì mới có thể diệt thân kiến. Tất cả tùy miên và các phiền não đều vĩnh viễn tịch diệt, tác nguyện cũng dứt. Thí như cây lớn bị chặt đứt gốc rễ thì cành, nhánh, lá… đều khô chết. Như người đứt đầu thì mạng căn… chấm dứt. Tùy phiền não cũng lại như vậy, nếu đoạn thân kiến thì những pháp phiền não khác vĩnh viễn không còn. Nếu người hay quán các pháp vô ngã thì năng chấp, sở chấp đều vĩnh viễn không còn”.

Bấy lâu nay chúng ta ôm cứng cái bình đẳng của luân lý đạo đức: Thấy máu cùng màu đỏ cùng một vị mặn như nhau hoặc thấy tất cả mọi người đều có cùng quyền lợi hay nghĩa vụ như nhau thì gọi là bình đẳng. Đó chỉ cái bình đẳng bên ngoài tuy cần thiết cho cộng đồng xã hội. Nhưng, đó không phải là cái tuyệt đối bình đẳng bắt rễ từ bên trong.

Phiền não hư vọng, danh tướng đảo điên, triền cái lậu tận, tham ái sân si... không còn sanh diệt, tâm không phan duyên, thân kiến, biên kiến, kiến thủ... tất cả đều ngủ yên, tất cả đều tịch lặng thì gọi là bình đẳng. Như vậy, loại trừ được năng chấp, sở chấp vĩnh viễn không còn, danh sắc sẽ trở nên vắng lặng, tịch tĩnh thì được gọi là bình đẳng. Bình đẳng này phát xuất từ nội tâm. Đó là cái thấy sâu sắc của Bát Nhã Ba la mật.

Bình đẳng được hiển lộ bằng cách bứng gốc rễ của thân kiến, ngã kiến để tâm thể trở nên tịch lặng. Nếu thực hiện được như vậy thì không còn so đo phân biệt. Nếu không so đo phân biệt thì không còn nghiêng động, chấp trước, tâm tự nhiên trở nên lắng động, thanh tịnh trong sáng. Tới đây, có thể nói cái thấy bình đẳng xuất hiện viên mãn trên tất cả mọi vật, mọi chúng sanh. Một khi sóng mòi lặng, mặt nước trở nên phẳng lặng, thì bình đẳng hiện tiền. Đó chính là cái thấy bình đẳng chân thật. Nếu quay lại thấy mình, phản quang tự kỷ thì đâu cũng là đạo, không còn hơn thua được mất thì tất cả đều bình đẳng như như.

     

Cũng cùng đoạn kinh trên, Thắng Thiên Vương hỏi tiếp:

- “Bạch đức Thế Tôn! Khi ngã kiến khởi thì chướng ngại chân lý như thế nào?

Phật bảo Tối Thắng:

- Thiên vương nên biết! Đối với năm thủ uẩn, vọng chấp cho là có ngã thì tức là khởi ngã kiến. Pháp chơn thật, tự tánh của nó bình đẳng, không có năng chấp và sở chấp. Nếu ngã kiến trái nhau, nên gọi là chướng ngại.

Thiên vương nên biết! Ngã kiến như vậy không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên, đều không có chỗ trụ nên gọi là tịch tĩnh, tức là bình đẳng viễn ly ngã kiến. Thông đạt bình đẳng, gọi là chơn thật Không. Quán sát Không, vô tướng, vô nguyện này tự tánh tịch tĩnh không sanh, không diệt, không thủ, không trước, xa lìa ngã kiến nên gọi là bình đẳng.

Thiên vương nên biết! Nói ngã là không đến không đi, không có chơn thật, là pháp phân biệt hư vọng, từ vọng sanh, cũng là hư vọng. Nếu các Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo quán pháp như vậy thì lìa xa hư vọng, nên gọi là tịch tĩnh bình đẳng.

Thiên vương nên biết! Năng chấp, sở chấp gọi là lửa thiêu đốt, lìa tên gọi tịch tĩnh. Các phiền não chướng gọi là lửa thiêu đốt, lìa tên gọi tịch tĩnh. Nếu các Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo, như thật biết năng chấp, sở chấp và các phiền não diệt thì thiện pháp tăng trưởng. Đoạn trừ năng chấp, sở chấp và các phiền não, nhưng không thấy sanh cũng không thấy diệt, nên gọi là bình đẳng. Tu hết thảy chủng loại Ba la mật lìa xa ma chướng, nhưng không thấy có tu cũng không thấy có lìa nên gọi là bình đẳng. Bồ Tát thường duyên pháp phần Bồ đề, không tác ý khởi Thanh văn, Độc giác, nhưng đối với phần Bồ đề Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát không thấy khác tướng, nên gọi là bình đẳng. Tâm không ngừng nghỉ duyên Nhất thiết trí, thường tu hạnh Không, do lực đại bi mà không bỏ hữu tình, nên gọi là bình đẳng.

Thiên vương nên biết! Nếu các Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo, đối với tất cả pháp, tâm duyên tự tại, tâm duyên vô tướng mà tu Bồ đề, không thấy vô tướng và Bồ đề khác nhau, nên gọi là bình đẳng. Tâm duyên vô nguyện, không bỏ tam giới, không thấy vô nguyện và tam giới khác nhau, nên gọi là bình đẳng, v.v...

(...) Thiên vương nên biết! Nếu các Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật sâu xa, không thấy hai (bất nhị) thì gọi là hành bình đẳng”.

Không thấy hai, không thấy xấu tốt thị phi... không thấy năng sở, không thấy ngã kiến trái ngược nhau... tức có cái thấy bình đẳng. Đó là giáo lý tuyệt hảo của đoạn kinh này, vì nó có thể mở con mắt đạo cho bất ai tu Phật, nó cũng sẽ mang lại đại bi tâm cho bất cứ ai tuân thủ những chỉ dẫn của nó. Chúng ta thật quá may mắn đọc được đoạn kinh này trong cái nhiễu nhương của thế sự hôm nay.

 

- Vì vậy, nên phẩm “Biện Đại Thừa”, quyển 54, Hội thứ I, ĐBN. Nói: “…Nếu đại Bồ Tát đối với tất cả pháp, chẳng tăng, chẳng giảm và đối với trong ấy không thủ, không trụ thì đó là lý do mà đại Bồ Tát phải viên mãn cái thấy bình đẳng đối với tất cả pháp và ở trong đó không có sự chấp trước”.

Nếu Bồ Tát đối với tất cả pháp chẳng thấy tăng chẳng thấy giảm, chẳng trụ chẳng chấp, chẳng lấy chẳng bỏ, nghĩa là chẳng theo hai pháp, chẳng chấp hai bên. Tâm duyên vô tướng mà tu Bồ đề, không thấy vô tướng và Bồ đề; tâm duyên vô nguyện, không thấy tam giới, không thấy vô nguyện và tam giới khác nhau, nghĩa là không thấy nhị pháp, nên chẳng chấp. Đó là cái thấy biết như như, cái thấy bình đẳng viên mãn đối với tất cả pháp. Bình đẳng đó cũng là cái thấy của Thánh đế, cái thấy thoát tục. Nên nói là thấy từ bờ kia.

 

Tất cả những điều nói trên là mấu chốt quan trọng đối với cái thấy. Đó cũng chính là trực giác thực chứng từ bờ kia. Do đó, khi nói một tràng nào là các pháp không thật, chỉ giả danh, trì độn, vô tri, nào là các pháp như huyễn như mộng, các pháp là không, vô tướng, không sanh không diệt, là như như, v.v... Đấy là cái thấy bình đẳng đối với tất cả danh ngôn sắc tướng. Do cái thấy các pháp tự tánh tịch tĩnh vắng lặng mới gọi là bình đẳng và bình đẳng này được gọi là thanh tịnh. Đây không phải là một thứ loại suy trong pháp thức suy luận thường tục mà là kết quả của trực giác thực chứng từ bờ kia.

Vì vậy, cái thấy từ bờ kia đối với chúng tôi trở thành chuỗi ngọc vô cùng quý giá. Những thứ được gọi là giả danh, như huyễn như mộng, như gỗ đá trì độn vô tri... tưởng chừng như vô nghĩa lại trở thành Thánh giáo đầy ý nghĩa không những đối với hành giả Bát Nhã mà đối với tất cả chúng sanh ngoài Phật đạo.

Để chứng minh điều này, xin độc giả kiên nhẫn đọc các đoạn Kinh tuy dài dòng sau đây, nhưng hết sức trí tuệ để hiểu cái Phật gọi là pháp ấn, vì nó phát xuất từ thân ấn, ngữ ấn, tâm ấn và trí ấn trí tạng của chư Phật. Đó là pháp bình đẳng. Học hiểu pháp ấn này là con đường tu tắt, mau chứng quả Bồ đề.

 

- Phẩm “Tuyên Hóa”, quyển 537, Hội thứ VI, ĐBN. Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng:

Kẻ chấp có hai chẳng năng đắc quả cũng không hiện quán, kẻ chấp không hai là năng đắc quả có hiện quán ư?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Kẻ chấp có hai chẳng năng đắc quả cũng không hiện quán, kẻ chấp không hai cũng lại như thế, vì có sở chấp vậy. Chấp có hai, hoặc chẳng chấp hai, chẳng chấp không hai, chấp đây chấp kia mà được đắc quả, được hiện quán, đều là hý luận. Vì chẳng phải trong tất cả pháp tánh bình đẳng có các hý luận. Nếu lìa hý luận mới được gọi pháp tánh bình đẳng.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Nếu nói tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh, vậy những gì là pháp tánh bình đẳng?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Nếu đối chỗ này đều không hữu tánh cũng không vô tánh, cũng chẳng thể nói là tánh bình đẳng, như vậy mới gọi pháp tánh bình đẳng. Pháp tánh bình đẳng đã chẳng thể nói cũng không thể biết, trừ tánh bình đẳng không pháp khá được, lìa tất cả pháp không tánh bình đẳng.

Tu Bồ Đề phải biết: Pháp tánh bình đẳng dị sanh Thánh giả đều chẳng năng hành, vì chẳng phải cảnh hành của các Thánh giả.

Huệ mạng Tu Bồ Đề bèn thưa Phật rằng: Pháp tánh bình đẳng chẳng phải sở hành của chư Phật ư?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Pháp tánh bình đẳng tất cả Thánh giả đều chẳng năng hành, cũng chẳng năng chứng, nghĩa là các Dự lưu cho đến Duyên giác, hoặc các Bồ Tát, hoặc các Như Lai đều chẳng năng đem pháp tánh bình đẳng làm cảnh sở hành. Trong đây tất cả hý luận phân biệt đều chẳng hành vậy.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Như Lai đối tất cả pháp đều được tự tại, vì sao mà nói pháp tánh bình đẳng cũng chẳng phải cảnh giới sở hành của Như Lai?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Như Lai đối tất cả pháp đều được tự tại, nếu tánh bình đẳng cùng chư Phật có khác, ta có thể nói đó là cảnh giới sở hành của chư Phật. Nhưng tánh bình đẳng cùng Phật không khác, làm sao có thể nói đó là cảnh giới Phật hành?

Tu Bồ Đề phải biết: Pháp tánh bình đẳng các dị sanh cho đến pháp tánh bình đẳng Như Lai, đều đồng nhất tướng chỗ gọi vô tướng, là nhất bình đẳng, không hai không khác; nên chẳng thể nói đây là pháp tánh bình đẳng dị sanh, nói rộng cho đến đây là pháp tánh bình đẳng Như Lai. Đối trong nhất pháp tánh bình đẳng đây, tánh bình đẳng đã bất khả đắc; đối trong ấy tướng sai khác dị sanh, các Thánh giả cũng bất khả đắc.

Huệ mạng Tu Bồ Đề bèn thưa Phật rằng: Nếu trong tất cả pháp tánh bình đẳng, các tướng sai khác đều bất khả đắc, thời tất cả dị sanh và Dự lưu, pháp và hữu tình lẽ không sai khác?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Như vậy, đúng như ngươi đã nói. Đối trong tất cả pháp tánh bình đẳng, dị sanh, Thánh giả, pháp và hữu tình đều không sai khác.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Nếu trong tất cả pháp tánh bình đẳng, dị sanh, Thánh giả, pháp và hữu tình đều không sai khác, vì sao có Tam Bảo xuất hiện thế gian? Vì sao Phật Pháp Tăng lại có sai khác?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Ý ông hiểu sao? Phật Pháp Tăng bảo cùng tánh bình đẳng mỗi mỗi sai khác chăng?

Tu Bồ Đề thưa rằng: Như con hiểu nghĩa Phật nói, Phật Pháp Tăng bảo cùng tánh bình đẳng đều không sai khác. Vì sao? Vì Phật Pháp Tăng bảo cùng tánh bình đẳng, tất cả như thế đều chẳng tương ưng chẳng phải chẳng tương ưng, vô sắc vô kiến vô đối nhất tướng chỗ gọi vô tướng. Nhưng các Như Lai đối pháp vô tướng phương tiện khéo léo gây dựng các thứ pháp và hữu tình danh tướng sai khác, chỗ gọi đây là dị sanh và pháp, cho đến đây là Như Lai và pháp?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Như vậy, đúng như ngươi đã nói. Chư Phật đối pháp phương tiện khéo léo gây dựng các thứ pháp và hữu tình danh tướng sai khác.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ý ông hiểu sao? Các loại hữu tình có khả năng tự biết được đây là địa ngục, nói rộng cho đến đây là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đây là sắc thọ tưởng hành thức, đây là Nhất thiết trí trí, đây là Tam bảo, đây là Tam thừa, các loại hữu tình đối các thứ sai khác danh tướng như thế thảy tự biết được chăng?

Tu Bồ Đề thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng biết. Nếu Phật chẳng vì hữu tình thi thiết danh tướng sai khác như thế, các loại hữu tình chẳng thể tự biết được.

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Vậy nên chư Phật đối pháp vô tướng phương tiện khéo léo, tuy vì hữu tình thi thiết các thứ danh tướng sai khác mà đối trong các pháp tánh bình đẳng đều vô sở động.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Chư Phật đối trong pháp tánh bình đẳng đều không sở động, dị sanh cho đến Bồ Tát đối trong pháp tánh bình đẳng cũng chẳng động chăng?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Như vậy, như vậy. Vì tất cả pháp và các hữu tình đều chẳng vượt khỏi tánh bình đẳng vậy. Phải biết tánh bình đẳng, chơn như nói rộng cho đến bất tư nghì giới cũng lại như thế, các pháp dị sanh và các Thánh giả đối chơn như thảy không sai khác vậy.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Tất cả pháp và các hữu tình tướng mỗi khác nên tánh cũng phải khác, vậy thời pháp tánh cũng mỗi khác. Nghĩa là tướng sắc uẩn thảy mỗi khác nên tánh cũng phải khác, nói rộng cho đến tướng hữu vi, vô vi mỗi khác nên tánh cũng phải khác. Sao nói là nhất pháp tánh bình đẳng?

Bạch Thế Tôn! Pháp thảy như vậy, tánh nếu mỗi riêng khác thời pháp tánh cũng phải riêng khác, làm sao đối pháp thảy các tướng sai khác khá an lập được pháp tánh nhất tướng? Các Bồ Tát Ma ha tát khi hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, làm sao chẳng phân biệt pháp và các hữu tình có các thứ tánh sai khác?

Nếu chẳng phân biệt pháp và các hữu tình có các thứ tánh sai khác, thời lẽ chẳng thể hành sâu Bát nhã Ba la mật. Nếu chẳng thể hành sâu Bát nhã Ba la mật, thời lẽ chẳng năng từ một bậc Bồ Tát đến một bậc Bồ Tát được. Nếu chẳng năng từ một bậc Bồ Tát đến một bậc Bồ Tát, thời lẽ chẳng thể vào Bồ Tát Chánh tánh ly sanh. Nếu chẳng thể vào Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, thời lẽ chẳng năng vượt các bậc Thanh văn Duyên giác được. Nếu chẳng năng vượt các bậc Thanh văn Duyên giác, thời lẽ chẳng thể viên mãn thần thông Ba la mật được. Nếu chẳng thể viên mãn thần thông Ba la mật, thời lẽ chẳng năng đối các thần thông du hý tự tại được. Nếu chẳng năng đối các thần thông du hý tự tại, thời lẽ chẳng thể viên mãn bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. Nếu chẳng thể viên mãn bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật được, thời lẽ chẳng năng từ một cõi Phật đến một cõi Phật, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn. Nếu chẳng năng từ một cõi Phật đến một cõi Phật, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, thời lẽ chẳng được ở chỗ chư Phật nghe thọ chánh pháp, trồng các căn lành. Nếu chẳng được ở chỗ chư Phật nghe thọ chánh pháp, trồng các căn lành, thời lẽ chẳng năng thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật được. Nếu chẳng năng thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, thời làm sao năng được Nhất thiết trí trí, quay xe diệu pháp độ chúng hữu tình?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Như ngươi đã nói, nếu các dị sanh và các Thánh giả cùng tất cả pháp tánh bình đẳng không sai khác, khiến tất cả pháp và các hữu tình tướng mỗi sai khác nên tánh cũng phải sai khác, vậy thời pháp tánh cũng phải sai khác, làm sao đối với tất cả pháp cùng các tướng sai khác khá an lập được pháp tánh nhất tướng? Các Bồ Tát Ma ha tát khi hành sâu Bát nhã Ba la mật, làm sao chẳng phân biệt pháp các hữu tình có các thứ tánh thảy ấy. Ý ông hiểu sao? Pháp tánh sắc uẩn là Tánh không chăng? Pháp tánh thọ tưởng hành thức uẩn là Tánh không chăng? Nói rộng cho đến pháp tánh hữu vi là Tánh không chăng? Pháp tánh vô vi là Tánh không chăng?

Tu Bồ Đề thưa rằng: Như vậy, như vậy. Tất cả pháp tánh đều là Tánh không.

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Ý ông hiểu sao? Ở trong Tánh không, tướng sai khác khá được chăng? Nghĩa là tướng sai khác sắc uẩn khá được chăng? Tướng sai khác thọ tưởng hành thức uẩn khá được chăng? Nói rộng cho đến tướng sai khác pháp hữu vi khá được chăng? Tướng sai khác pháp vô vi khá được chăng?

Tu Bồ Đề thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng được. Ở trong Tánh không, tất cả tướng sai khác đều chẳng khá được.

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Do đây nên biết pháp tánh bình đẳng chẳng tức dị sanh, chẳng lìa dị sanh. Nói rộng cho đến chẳng tức chư Phật, chẳng lìa chư Phật. Pháp tánh bình đẳng chẳng tức sắc uẩn, chẳng lìa sắc uẩn; chẳng tức thọ tưởng hành thức uẩn, chẳng lìa thọ tưởng hành thức uẩn. Nói rộng cho đến chẳng tức pháp hữu vi, chẳng lìa pháp hữu vi; chẳng tức pháp vô vi, chẳng lìa pháp vô vi.

Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Pháp tánh bình đẳng vì là hữu vi hay là vô vi?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Pháp tánh bình đẳng chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi. Nhưng lìa pháp hữu vi, pháp vô vi bất khả đắc; lìa pháp vô vi, pháp hữu vi cũng bất khả đắc.

Tu Bồ Đề phải biết: Hoặc giới hữu vi, hoặc giới vô vi, hai giới như thế đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, vô sắc vô kiến vô đối nhất tướng chỗ gọi vô tướng. C Phật Thế Tôn nương thế tục mà nói, chẳng nương thắng nghĩa(hay gọi là đệ nhất nghĩa đế). Vì sao?

Vì chẳng phải trong thắng nghĩa, thân hành ngữ hành ý hành khá được; chẳng lìa thân hành ngữ hành ý hành, thắng nghĩa khá được. Tức pháp hữu vi và pháp vô vi pháp tánh bình đẳng gọi là thắng nghĩa. Chẳng lìa tất cả hữu vi, vô vi riêng có thắng nghĩa, vậy nên Bồ Tát Ma ha tát khi hành sâu Bát nhã Ba la mật, chẳng động thắng nghĩa mà hành Bồ Tát hạnh, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chóng chứng được Nhất thiết trí trí, tận đời vị lai lợi ích hữu tình.

Bấy giờ, Tu Bồ Đề bèn thưa Phật rằng: Nếu tánh bình đẳng các pháp thảy đều Tánh không, Tánh không đây đối tất cả pháp đều chẳng năng tác cũng chẳng sở tác, Bồ Tát Ma ha tát khi hành sâu Bát nhã Ba la mật vì sao chẳng động thắng nghĩa, đem bốn nhiếp sự mà nhiêu ích hữu tình?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Như vậy, đúng như ngươi đã nói. Tánh bình đẳng của tất cả pháp thảy đều Tánh không. Tánh không đây đối pháp hữu vi đều chẳng năng tác, cũng chẳng sở tác. Nhưng các Bồ Tát Ma ha tát năng vì hữu tình đem bốn nhiếp sự làm nhiêu ích lớn. Nếu các hữu tình tự biết các pháp đều Tánh không, thời Phật, Bồ Tát chẳng hiện thần thông làm việc hy hữu là đối trong các pháp Tánh không, tuy không sở động mà khiến hữu tình xa lìa các thứ hư vọng phân biệt, trụ các pháp không, thoát khổ sanh tử.

Có bình đẳng thì không có phân biệt hay ngược lại. Vì vậy, một trong 10 thân Như Lai là thân bình đẳng. Nhờ thân bình đẳng vô phân biệt này mà Như Lai đắc vô phân biệt trí, vô trước trí. Như trên đã nói có nhiều thứ bình đẳng tùy theo sở ngộ hay công phu tu tập. Nhưng muốn đạt nhất pháp tánh bình đẳng thì phải ở vào bậc Đẳng giác Bồ Tát. Vì nhất pháp tánh bình đẳng ngang hàng với thập nhị chân như. Nhập chân như, bình đẳng thì chứng Đẳng giác, vào Diệu giác, tức thành Phật.

Nhưng làm gì có nhiều thứ bình đẳng? Đã là bình đẳng thì làm gì có bình đẳng hạng nhất hạng thứ? Sạch trong sạch ngoài, tất cả rỗng không trong suốt, đó là bình đẳng. So sánh các đoạn Kinh nói về bình đẳng thì thấy “hình như” có nhiều cấp độ về bình đẳng tùy theo sở học, mức độ tu hành hay sở chứng. Nhưng không phải vậy, cách diễn tả có khác tùy theo tri thức thường tục hay căn tánh nhưng thực chất không khác. Nước ở đâu cũng ngang nhau. Bình đẳng là cái duy nhất một, không hai, gọi là nhất bình đẳng, thông hóa trên tất cả vạn pháp.

Đoạn Kinh trên thật dài dòng, nhưng đầy áo nghĩa. Chúng tôi đành ngậm miệng, không một lời giảng luận nếu không muốn “bị mắng” là hý luận hay bị ăn 30 gậy. Tự Kinh nói lên tất cả diệu dụng siêu việt của bình đẳng tánh và đó là cảnh giới của bậc đại ngộ. Chỉ có thể nói rằng thông đạt được bình đẳng tánh rồi thì nhập chân như, pháp giới, pháp tánh. Vì chân như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh chỉ là một, không hai không khác trong thập nhị chân như.

Rốt ráo bình đẳng cũng dẫn đến Tánh không, kinh bảo Tánh bình đẳng của tất cả pháp thảy đều Tánh không. Bao nhiêu tư tưởng cuối cùng cũng như những lạch nước, sông ngòi, thác ghềnh lớn nhỏ đều đổ vào đại dương trí tuệ Tánh không. Hiểu biết như vậy có thể xa lìa các thứ hư vọng phân biệt, trụ các pháp không rồi thì thoát khổ sanh tử. Đoạn kinh kế tiếp chứng minh điều đó:

 

- Phẩm “Khi Học”, quyển 520, Hội thứ III, ĐBN. Phật dạy:

- “Thiện Hiện! Pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Các đại Bồ Tát học trong đó nên gọi là đẳng học. Do đẳng học nên mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Sắc uẩn cho đến thức uẩn Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. 12 xứ cho đến 18 giới Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Nhãn xúc cho đến ý xúc Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Địa giới cho đến thức giới Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Vô minh cho đến lão tử Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Nói rộng ra, tất cả pháp Phật từ Tứ đế Không cho đến Vô Thượng Bồ đề Không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát. Các đại Bồ Tát đều học trong đó gọi là đẳng học. Nhờ đẳng học này nên mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

Ở đây, Phật bảo: Không những “pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính không” tức là 18 pháp không mà cả đến “tất cả pháp Phật từ Tứ đế không cho đến Vô Thượng Bồ đề không, là tánh bình đẳng của đại Bồ Tát ”. Như vậy, Bình đẳng và Tánh không là một, không những thế chơn như, pháp giới, pháp tánh, bất hư vọng tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, thật tế, Tánh không, không hai không khác. Đó là nhập pháp giới. Đoạn kinh này đáng nhớ nhất khi học về Tánh không Bát Nhã!

 

- Phẩm “Hiển Tướng”, quyển 567, Hội thứ VI, ĐBN. Phật bảo: “... Các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật đạt được tâm vi tế, nghĩ: Thế gian bốc cháy, là đống lửa lớn; đó là lửa tham dục, khói sân hận, bồ hóng ngu si. Làm sao khiến tất cả chúng sinh đều được ra khỏi. Nếu có thể thông suốt các pháp đều bình đẳng, không có tâm nhiễm đắm thì gọi là ra khỏi. Biết đúng như thật, như huyễn, như mộng v.v... khéo soi nhân duyên, mà không phân biệt”.

Thế gian đầy tham dục, sân hận, ngu si... làm sao ra khỏi? Nếu có thể thông suốt các pháp đều bình đẳng, tất cả pháp đều không, tâm không còn nhiễm đắm nữa thì nói là ra khỏi. Lại, biết đúng như thật, như huyễn, như mộng v.v... khéo soi nhân duyên mà không phân biệt, lại xa lìa các thứ hư vọng, trụ pháp bình đẳng, khế hợp đạo tâm, bặt niềm tạo tác thì ra khỏi. Đó chính là thành quả to lớn của người tu bình đẳng, không gì bằng. Vì vậy, Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán mới nói:

 

“Cứu cánh cùng cực

Bất tổn quỹ tắc

Khế tâm bình đẳng

Câu tác câu tức”.

 

Dịch:

 

“Rốt ráo đến cùng cực

Chẳng còn mãi quỹ tắc

Bình đẳng hợp đạo tâm

Im bặt niềm tạo tác”.

 

Kết luận:

(Cho riêng phần nói về bình đẳng)

 

Bấy lâu cứ tưởng Hiến chương Liên Hiệp Quốc nói về cái gọi là bình đẳng giữa con người về quyền lợi và nghĩa vụ là một văn kiện tuyệt hảo mà nhân loại hằng mơ ước. Nhưng những qui chế đó chỉ có về phương diện nhân quyền hay những tự do căn bản liên quan đến chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo, cùng sự chia sẻ nghĩa vụ chung giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng, giữa cộng đồng với quốc gia, giữa quốc gia với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế. Nào ngờ đạo Phật với những quan điểm về bình đẳng không những nói lên tánh cách từ bi hỷ xả trong mối tương thân tương ái giữa con người với con người mà bình đẳng còn đem lại hòa bình cho mỗi chúng sanh khi diệt trừ được ngã, ngã sở và mọi vô minh, tham ái khác. Vì vậy, Liên hiệp quốc vào năm 2008, mới chọn đạo Phật làm tôn giáo chính thức của thế giới này.

Chúng tôi mở dấu ngoặc ở đây để nói lên sự chứng nhập về các đoạn kinh vi diệu nêu trên: Đọc các đoạn kinh đó chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Từ lâu để sống hài hòa với mọi chúng sanh khác, chúng ta lấy tôn chỉ bình đẳng, lấy tâm yêu thương mà sống với nhân quần xã hội. Nhưng cái tâm bình đẳng, lòng yêu thương của chúng ta chỉ bằng một chung trà. Bây giờ, mới biết bình đẳng tức trong ngoài tịch tĩnh như nhau giống như mặt nước hồ thu, lúc nào cũng bình lặng mênh mông, không gợn sóng. Chính cái bình lặng tịch tĩnh này mới phát khởi được đại bi, trung tâm phát xuất của vô vàn bình đẳng để cùng nhau cưu mang nỗi khổ đau về phân biệt, kỳ thị thuộc màu da sắc áo của những người sống trên quả cầu này.

Chúng ta thừa hưởng cái di sản to lớn này do Phật ban cho mà không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Vậy, phải biết ơn trả ơn công đức chư Phật, đồng thời phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều cùng có nhất pháp tánh bình đẳng mà sống trong an lạc thái bình.

 

- Phẩm “Bình Đẳng”, quyển thứ 29, MHBNBLMĐ, Tu Bồ Đề bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn! Người thấy thật chẳng cấu, chẳng tịnh. Người thấy chẳng thật cũng chẳng cấu, chẳng tịnh. Tại sao? Vì tất cả pháp tánh vô sở hữu.

Bạch Thế Tôn! Trong sở hữu không có cấu, không có tịnh. Trong vô sở hữu cũng không có cấu, không có tịnh.

Bạch Thế Tôn! Trong sở hữu, trong vô sở hữu cũng không có cấu, không có tịnh.

Bạch Thế Tôn! Tại sao người như thật ngữ chẳng cấu, chẳng tịnh, người chẳng thật ngữ cũng chẳng cấu, chẳng tịnh?”.

Đức Phật dạy: “Này Tu Bồ Đề! Tướng các pháp bình đẳng ấy ta nói là tịnh.

Này Tu Bồ Đề! Những gì là các pháp bình đẳng? Đó là như, bất dị, bất cuồng, pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thật tế. Có Phật hay không Phật, pháp tánh thường trụ, đó gọi là tịnh”.

Thấy tất cả pháp bình đẳng thì có thể ra khỏi Tam giới, sớm chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vậy, hoặc nói như, nói bất dị, bất cuồng, pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp định, thật tế hoặc bình đẳng... là nói về thanh tịnh hay nói khác người có cái thấy biết như vậy thì được thanh tịnh.

Đến đây, chúng ta có thể bước sang mục “thanh tịnh”, một trong những pháp của “cái thấy từ bờ kia”, để quán sát tại sao Phật bảo “tướng các pháp bình đẳng ấy ta nói là Tịnh”.

Thích nghĩa cho đoạn nói về “bình đẳng” nầy:

(1). Quyển 537, phẩm “Tuyên Hóa”.

 

 

8. Thanh tịnh:

 

Để mở đầu cho phần nói về thanh tịnh, chúng tôi trích một đoạn trong kinh tạm gọi là Tiểu Bản Bát Nhã (TBBN) do Phật thuyết ở Hội thứ IV, nói về “các pháp xưa nay tự tánh thanh tịnh như sau”:

“Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng như vậy! Như lời ngươi nói! Các pháp xưa nay tự tánh thanh tịnh. Đại Bồ Tát này đối với tất cả pháp bản tánh thanh tịnh, tinh tấn tu học phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa, thông suốt như thật, tâm không chìm đắm, cũng không vướng mắc, xa lìa tất cả phiền não nhiễm đắm, nên nói: Khi Bồ Tát học như vậy, đối với tất cả pháp được thanh tịnh. Do nhân duyên này được lực thanh tịnh, vô úy thanh tịnh, Phật pháp thanh tịnh.

Lại nữa, Thiện Hiện! Mặc dù tất cả pháp bản tánh thanh tịnh mà các phàm phu chẳng có tri kiến thấy biết. Đại Bồ Tát này vì muốn cho họ thấy biết, hiểu rõ nên khuyên tinh tấn tu hành phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật, nghĩ: Ta đối với bản tánh thanh tịnh của các pháp thấy biết hiểu rõ, rồi như thật khai ngộ tất cả hữu tình, làm cho chúng đối với bản tánh thanh tịnh của các pháp cũng thấy biết, hiểu rõ. Đại Bồ Tát này khi học như vậy được lực thanh tịnh, vô úy thanh tịnh, Phật pháp thanh tịnh”.

Phải nói thanh tịnh là pháp vi diệu nhất trong tất cả pháp. Đó là trí ấn trí tạng bí mật của chư Phật ba đời. Tâm thanh tịnh thì hạnh cũng thanh tịnh. Một khi tâm thanh tịnh thì trần cảnh đều lắng đọng. Đó là bước đầu quan trọng trong sự tu tập tất cả pháp môn Phật học. Nó cũng là cánh cửa khai mở trí tuệ. Với các những đoạn kinh ngắn sau đây sẽ chứng minh lời nói này:

 

Kinh Viên giác, Phật dạy: “Vì căn thanh tịnh cho nên sắc trần thanh tịnh. Vì sắc trần thanh tịnh nên thanh trần thanh tịnh; hương, vị, xúc, pháp cũng lại như thế. Thiện nam tử! Vì lục trần thanh tịnh cho nên đại địa thanh tịnh. Vì đại địa thanh tịnh cho nên thủy đại thanh tịnh; hỏa đại, phong đại, cũng lại như thế. Thiện nam tử! Vì tứ đại thanh tịnh cho nên thập nhị xứ, thập bát giới và 25 cõi cũng đều thanh tịnh”.

“Vì những cái kia thanh tịnh, cho nên thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng pháp và 37 pháp trợ đạo đều được thanh tịnh. Như thế cho đến 84.000 môn Đà la ni, tất cả đều thanh tịnh”.

Câu nói này của Phật dạy có thể làm tiền đề cho những dẫn chứng và các luận giải sau đây:

 

- Phẩm “Thuyết Tướng Bát Nhã”, quyển 293, Hội thứ I, ĐBN. Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn! Di Lặc Bồ Tát khi đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chứng những pháp nào? Và thuyết những pháp nào?

Phật bảo: Thiện Hiện! Di Lặc Bồ Tát Ma ha tát khi được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chứng pháp sắc rốt ráo tịnh, nói pháp sắc rốt ráo tịnh. Chứng pháp thọ tưởng hành thức rốt ráo tịnh, nói pháp thọ tưởng hành thức rốt ráo tịnh. Chứng pháp thập nhị xứ rốt ráo tịnh, nói pháp thập nhị xứ rốt ráo tịnh. Chứng pháp thập bát giới rốt ráo tịnh, nói pháp thập bát giới rốt ráo tịnh. Chứng tất cả pháp Phật rốt ráo tịnh, nói tất cả pháp Phật rốt ráo tịnh”.

Chúng ta không lấy làm lạ với những diễn tả như vậy của Kinh Viên giác hay Kinh ĐBN hoặc các Kinh khác trong văn học Đại thừa. Vì vậy, đạo Phật mới được gọi là Thanh-tịnh-đạo.

 

- Phẩm “Hành Tướng”, Hội thứ II hay phẩm “Thiện Hiện”, Hội thứ III, ĐBN cũng nói: “Nếu biết tất cả pháp vô sở hữu, bất khả đắc, chẳng xuất, chẳng sanh, không được, không làm, đây gọi là rốt ráo thanh tịnh”.

 

- Phẩm “Công Đức Khó Nghe”, quyển 302, Hội thứ I, ĐBN. Nói: “... Nếu đại Bồ Tát nào khi hành Bát nhã Ba la mật chẳng thấy pháp đúng, chẳng thấy pháp sai, chẳng thấy hữu lậu, chẳng thấy vô lậu, chẳng thấy hữu vi, chẳng thấy vô vi thì đại Bồ Tát ấy tu hành Bát nhã Ba la mật mau được viên mãn”. Vì sao?

“... Vì tất cả pháp không có tánh tướng, không có tác dụng, chẳng chuyển động, hư vọng giả dối, tánh chẳng chắc chắn, chẳng tự tại, không tri giác, không cảm thọ, xa lìa ngã, hữu tình, dòng sinh mạng, sự sanh… cho đến cái biết, cái thấy”.

“.. Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như vậy là nơi tập hợp của mọi thanh tịnh.

Phật dạy:

- Đúng vậy! Này Thiện Hiện! Vì sắc thanh tịnh nên Bát nhã Ba la mật thanh tịnh; vì thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên Bát nhã Ba la mật thanh tịnh; vì mười hai xứ, mười tám giới thanh tịnh nên Bát nhã Ba la mật thanh tịnh; vì tất cả pháp Phật thanh tịnh nên Bát nhã Ba la mật thanh tịnh.

Vì vậy, Bát nhã Ba la mật được coi là nơi tập hợp của mọi thanh tịnh”.

Rốt ráo tịnh có nghĩa là đối với uẩn xứ giới và tất cả pháp Phật “tâm như gỗ đá”. Tâm như gỗ đá là đối với trần cảnh không có sở đắc, không cảm thọ, không trụ, không chấp. Có trụ có chấp là có dính mắc, là có trói buộc phiền não. Khi tâm vô phân biệt, vô sở đắc, vô trụ, vô trước... đó là tâm không hay còn gọi là vô thức, vô niệm, vô tâm. Bát nhã Ba la mật còn gọi là Tánh không, chủ trương tâm không tức dùng diệu quán “vô sở đắc”, diệu huệ “vô sở trụ” làm phương tiện để sanh tâm thanh tịnh. Mục đích là quét sạch tất cả những dây mơ rễ má, những thói quen tập tục còn vướng bận trong tâm thức để con người được rỗng rang tự tại.

Khi đạt đến trình độ nầy thì tâm thể hoàn toàn vắng lặng. Lúc đó không có nghĩa là người tu biến thành gỗ đá. Thiền sư Khuê Phong tức Tôn giả Tông Mật nói: “Tâm có lặng thì linh chi mới mở”. Khi tâm thể tuyệt đối vắng lặng, người ta tin tưởng là huệ (Trí Bát Nhã nhiệm mầu) xuất hiện, một thứ ánh sáng vi diệu phát chiếu sau cái “trống không” đó.

Nhưng đó chỉ là những din tả có tính cách khuôn sáo? Nói một cách đơn giản và ngắn gọn như Huyền Sa “bản nhiên thanh tịnh tức là cái tịch lặng an nhiên trong hiện tại”. Vậy, thanh tịnh ngoài sắc trần không nhiễm ô, không trụ chấp, không trói buộc, không dính mắc… còn có một ý nghĩa tuyệt đối là chân, một siêu thức được xem như là trí tuệ vô thượng. Tới đây không còn phân biệt chấp trước. Mọi hiện hữu bây giờ được phơi bày “như thị”, tất cả tánh tướng thể dụng đều bình đẳng, và cái bình đẳng đó chính là cái tịch lặng an nhiên trong cuộc sống hiện tại. Bình đẳng đó Bát Nhã gọi là thanh tịnh và người đạt được trạng thái đó chính là Như Lai. Vì Như Lai là giải thoát, Như Lai là Niết bàn. Giải thoát và Niết bàn cũng gọi là tịch lặng an nhiên, không thể tìm thấy bất cứ đâu trừ hiện tại, sát na vĩnh hằng của đời sống đạo! Đạo Phật được gọi là Thanh-Tịnh-Đạo bởi lý do đó.

 

- Kinh Lăng Nghiêm Phật bảo ông A nan: “Căn trần đồng một thể (tâm), triền phược và giải thoát không hai (mê thì triền phược, ngộ thì giải thoát). Các thứ hư vọng như hoa đốm giữa hư không. Vì có trần cảnh, nên ở nơi căn khởi ra phân biệt. Vì có năng phân biệt ở nơi căn, nên mới hiện ra cái tướng bị phân biệt là cảnh. Căn (kiến) và cảnh (sắc tướng) đối đãi vọng hiện, chớ không có thật. Cũng như hình cây lau gác nhau. Thế nên, khi thấy, nghe, hay, biết mà khởi vọng niệm phân biệt, đó là gốc vô minh triền phược. Còn khi thấy, nghe, hay, biết mà không khởi vọng niệm phân biệt, đó là Niết bàn. Ở trong chơn tâm thanh tịnh, không dung chứa vật nào khác!”

Kinh Lăng Nghiêm là một kinh chỉ về chân tâm nhẹ nhàng êm ả nhất trong văn chương Phật học. Đoạn kinh trên quá ngắn mà có thể diễn tả được cả nhân sinh quan và vũ trụ quan Phật giáo. Xuyên qua trần cảnh mà quán chiếu tự tâm tức “phản quang tự kỷ” hay nói khác quay đầu lại thì thấy bến bờ (hồi đầu thị ngạn). Tự soi rọi tâm thì thấy tánh, thấy được cái bản lai diện mục hay chân tâm của chính mình. Ngộ nhiều khi chỉ cần một câu nói ngắn, đánh thẳng vào tâm thức mà thôi! Đó cũng chính là giáo pháp: Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật” của Bồ Đề Đạt Ma, Tổ thứ 28 của dòng Thiền Tây Thiên truyền thừa từ đức Thích Ca Mâu Ni.

 

- Phẩm “Đa Ngục”, quyển 506, Hội thứ III, ĐBN. Nói:

Ngã cho đến kiến giả thanh tịnh tức sắc thanh tịnh. Sắc thanh tịnh tức ngã cho đến kiến giả thanh tịnh. Vì sao? Vì ngã cho đến kiến giả này thanh tịnh cùng sắc thanh tịnh không hai không khác, không riêng không dứt. Như vậy, ngã cho đến kiến giả thanh tịnh tức Nhất thiết chủng trí thanh tịnh. Nhất thiết chủng trí thanh tịnh tức ngã cho đến kiến giả thanh tịnh. Vì sao? Vì ngã cho đến kiến giả này thanh tịnh cùng Nhất thiết chủng trí thanh tịnh không hai không khác, không riêng không dứt.

Sắc thanh tịnh tức Bát nhã Ba la mật thanh tịnh. Bát nhã Ba la mật thanh tịnh tức sắc thanh tịnh. Vì sao? Vì sắc thanh tịnh này cùng Bát nhã Ba la mật thanh tịnh không hai không khác, không riêng không dứt. Như vậy cho đến Nhất thiết chủng trí thanh tịnh tức Bát nhã Ba la mật thanh tịnh. Bát nhã Ba la mật thanh tịnh tức Nhất thiết chủng trí thanh tịnh. Vì sao? Vì Nhất thiết chủng trí này thanh tịnh cùng Bát nhã Ba la mật thanh tịnh không hai không khác, không riêng không dứt.

Hữu vi thanh tịnh nên vô vi thanh tịnh, vô vi thanh tịnh nên hữu vi thanh tịnh. Vì sao? Hoặc hữu vi thanh tịnh, hoặc vô vi thanh tịnh không hai không khác, không riêng không dứt.

Quá khứ thanh tịnh nên vị lai hiện tại thanh tịnh, vị lai thanh tịnh nên quá khứ hiện tại thanh tịnh. Hiện tại thanh tịnh nên quá khứ vị lai thanh tịnh. Vì sao? Hoặc quá khứ thanh tịnh, hoặc vị lai thanh tịnh, hoặc hiện tại thanh tịnh không hai không khác, không riêng không dứt vậy.

Một pháp thanh tịnh, mười phương thế giới đồng thanh tịnh.

 

- Phẩm “Đa Ngục”, quyển 506, Hội thứ III, ĐBN lại nói:

“... Xá Lợi Phất thưa: Vì sao tất cả bản tánh tịnh, nên nói là thanh tịnh?

Phật bảo: Xá Lợi Phất! Vì tất cả pháp bất khả đắc, nên bản tánh thanh tịnh nói là thanh tịnh.

Xá Lợi Phất lại thưa Phật rằng: Như vậy, Bát nhã Ba la mật đối Nhất thiết chủng trí không ích không tổn?

Phật nói: Như vậy, vì rốt ráo tịnh vậy.

Xá Lợi Phất thưa: Vì sao Bát nhã Ba la mật đối Nhất thiết chủng trí không ích không tổn?

Phật bảo: Xá Lợi Phất! Pháp giới thường trụ nên Bát nhã Ba la mật như thế đối Nhất thiết chủng trí không ích không tổn.

Khi ấy, Xá Lợi Phất lại thưa Phật rằng: Như vậy, Bát nhã Ba la mật bản tánh thanh tịnh đối tất cả pháp không sở nhiếp thọ?

Phật nói: Như vậy, vì tất cả pháp rốt ráo tịnh vậy.

Xá Lợi Phất thưa: Vì sao Bát nhã Ba la mật bản tánh thanh tịnh đối tất cả pháp không sở nhiếp thọ?

Phật bảo: Xá Lợi Phất! Pháp giới vắng lặng không lay động, nên Bát nhã Ba la mật như thế bản tánh thanh tịnh, đối tất cả pháp không sở nhiếp thọ.

Huệ mạng Tu Bồ Đề thưa Phật rằng: Ngã thanh tịnh nên sắc thọ tưởng hành thức cho đến pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả thanh tịnh?

Phật nói: Như vậy, vì rốt ráo tịnh vậy.

Bạch Thế Tôn! Duyên nào mà nói ngã thanh tịnh nên sắc thọ tưởng hành thức cho đến pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả thanh tịnh là rốt ráo tịnh?

Tu Bồ Đề! Ngã vô sở hữu nên sắc thọ tưởng hành thức cho đến pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả cũng vô sở hữu là rốt ráo tịnh.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Ngã thanh tịnh nên quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Duyên giác, tất cả hạnh Bồ Tát Ma ha tát, chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thanh tịnh?

Phật nói: Như vậy, vì rốt ráo tịnh vậy.

Bạch Thế Tôn! Duyên nào mà nói ngã thanh tịnh nên quả Dự lưu cho đến chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thanh tịnh là rốt ráo tịnh?

Tu Bồ Đề! Ngã tự tướng không, nên quả Dự lưu cho đến chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng tự tướng không là rốt ráo tịnh.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Ngã thanh tịnh nên Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí thanh tịnh?

Phật nói: Như vậy, vì rốt ráo tịnh vậy.

Bạch Thế Tôn! Duyên nào mà nói ngã thanh tịnh nên Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí rốt ráo tịnh?

Tu Bồ Đề! Ngã vô tướng vô đắc, vô niệm vô tri nên Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí cũng vô tướng vô đắc, vô niệm, vô tri là rốt ráo tịnh.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Hai thanh tịnh(1) nên không đắc không hiện quán?

Phật nói: Như vậy, vì rốt ráo tịnh vậy.

Bạch Thế Tôn! Duyên nào mà nói hai thanh tịnh nên không đắc không hiện quán là rốt ráo tịnh?

Tu Bồ Đề! Điên đảo sở khởi nhiễm tịnh không có, nên không đắc không hiện quán là rốt ráo tịnh.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Ngã vô biên nên sắc thọ tưởng hành thức cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí cũng vô biên là rốt ráo tịnh?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Vì rốt ráo không, vô tế không vậy là rốt ráo tịnh.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Nếu Bồ Tát Ma ha tát năng giác như thế, đấy là Bát nhã Ba la mật?

Phật nói: Như vậy, vì rốt ráo tịnh vậy.

Bạch Thế Tôn! Duyên nào mà nói nếu Bồ Tát Ma ha tát năng giác như thế đấy là Bát nhã Ba la mật, tức rốt ráo tịnh vậy?

Tu Bồ Đề! Do đây năng thành đạo tướng trí vậy.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Nếu Bồ Tát Ma ha tát khi hành Bát nhã Ba la mật thậm thâm chẳng đắc bờ kia, chẳng đắc bờ đây, chẳng đắc giữa dòng, đấy là Bồ Tát Ma ha tát Bát nhã Ba la mật thậm thâm?

Phật nói: Như vậy, vì rốt ráo tịnh vậy.

Bạch Thế Tôn! Duyên nào mà nói nếu Bồ Tát Ma ha tát khi hành Bát nhã Ba la mật thậm thâm chẳng đắc bờ kia, chẳng đắc bờ đây, chẳng đắc giữa dòng, đấy là Bồ Tát Ma ha tát Bát nhã Ba la mật thậm thâm, tức rốt ráo tịnh?

Tu Bồ Đề! Vì pháp tánh bình đẳng ba đời vậy.

Ngã vô sở hữu, tự tướng không, vô tướng, vô đắc, vô niệm, vô tri. Tất cả pháp vô sanh, vô diệt, rốt ráo không, vô tế không là tuyệt đối không, nên nói là rốt ráo tịnh. Và rốt ráo tịnh này dẫn đến Thánh trí tự giác, nên bảo là năng thành đạo tướng trí. Đó là pháp tánh bình đẳng ba đời vậy.

 

Phẩm “Niệm Trụ”, quyển 568. Hội thứ VI. Phật bảo:

“Thiên vương nên biết: Các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật tu tập hạnh Không, diệt pháp hý luận, suy nghĩ: Cảnh giới sở quán đều Không, tâm năng quán cũng chẳng có, không có hai loại sai khác về năng quán, sở quán. Các pháp nhất tướng còn gọi vô tướng, suy nghĩ như thế thì không còn giữ tướng trong ngoài, không thấy thân không thấy tâm cũng không thấy pháp, liên tiếp tu tập chỉ quán theo thứ lớp. Quán như vậy gọi là như thật thấy pháp. Chỉ là nhất tâm bất loạn. Bồ Tát tu quán hạnh như thế rồi liền được tịnh giới. Vì giới thanh tịnh nên hạnh cũng thanh tịnh. Đây là quán hạnh thanh tịnh của Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật”.

Tu tập quán biết nhất tâm bất loạn, liền được tịnh giới. Giới thanh tịnh thì hạnh cũng thanh tịnh. Đây gọi là quán hạnh thanh tịnh. Hành quán như vậy mau năng thành đạo tướng trí.

 

Tóm lại, tất cả pháp đều không có tự tánh, do duyên hợp giả có. Các pháp chẳng khác nào huyễn mộng, bào ảnh... có đó rồi mất đó, biến đổi vô thường chẳng khác nào bèo bọt, sương khói... nên nói là không thật có, vô sở hữu, bất khả đắc. Nếu thật giác biết các pháp như vậy, thì không còn phân biệt chấp trước nữa, tâm sẽ được như như. Tâm như như nên nói là bình đẳng, bình đẳng nên nói là thanh tịnh.

 

Sau đây là câu chuyện Thiền nói về cái thanh tịnh như sau:

 

1. Có vị Tăng hỏi Thiền sư: Theo Ngài Duy Ma Cật nói người muốn vào Tịnh độ phải có tịnh tâm. Vậy thế nào là tịnh tâm?

Thiền sư đáp: Khi tâm tuyệt đối thanh tịnh, tâm ông là tâm tịnh và tâm chỉ tuyệt đối khi vượt trên uế và tịnh. Ông muốn làm sao thực chứng tâm nầy phải không? Hãy để tâm rng suốt mọi tương duyên, ông sẽ được tịnh tâm. Nhưng khi đạt được (trạng thái nầy) chớ nuôi một niệm nào về nó, nếu không sẽ rơi vào uế nhiễm. Lại nữa, khi uế nhiễm cũng chớ nuôi dưỡng một niệm nào về việc đó thì ông sẽ hết uế nhiễm. Đây là thanh tịnh tuyệt đối”.

Để tâm rỗng suốt mọi tương duyên có nghĩa là gác bỏ hết tất cả mọi hệ lụy to nhỏ, xấu tốt, uế tịnh... không còn gì để phân biệt, không còn gì để chấp trước, thì không còn bị trói buộc. Tâm thanh tịnh rồi thì không hành động nào ngoài thân có thể làm hoen ố nó được; nó tùy cơ ứng dụng qua lại tự do, mà bổn thể vẫn hoàn toàn vô nhiễm. 

 

2. Có ngưi hỏi Ngài Bách Trượng Hoài Hải:

- Đối mọi cảnh, làm sao được tâm như gỗ đá?

Sư nói:      

- Tất cả mọi pháp, vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, lại chẳng nói phải trái, dơ sạch, lại cũng chẳng có tâm trói buộc người. Nhưng tự con người hư vọng tính toán, làm như hiểu biết, khởi biết bao tri kiến, sanh biết bao là thương, sợ. Chỉ cần hiểu chư pháp không tự sanh ra, tất cả đều từ một niệm của mình, vọng tưởng điên đảo, gi tướng mà có biết. Tâm và cảnh vốn không đến (với nhau), đương xứ mà giải thoát. Tất cả pháp đương xứ mà tịch diệt, đương xứ đạo tràng vả tánh bổn hữu không thể gọi tên xếp thứ, bổn lai chẳng phải phàm mà cũng chẳng phải Thánh, chẳng phải dơ sạch mà cũng chẳng phải có không, lại cũng chẳng phải lành dữ, cùng các pháp nhiễm tịnh tương ưng, gọi là nhân thiên Nhị thừa giới. Nếu tâm chấp nhơ sạch chấm dứt, không trụ trói, không trụ mở, không có mọi hữu vi vô vi thắt buộc thoát tâm lượng xứ, tại sanh tử mà tâm ấy tự tại, rốt cùng không cùng với các vọng hư huyễn, trần lao uẩn giới, sanh tử chư nhân hòa hợp, thong dong chẳng nương gá, tất cả không câu thúc, đi ở chẳng ngăn ngại, tới lui sanh tử như cổng mở một thứ. Phàm người học đạo, nếu gặp mọi thứ buồn vui, vừa lòng hay trái ý, tâm chẳng co rụt, không nghĩ đến danh văn, lợi dưỡng, y phục, không tham công đức lợi ích, không bị vướng kẹt bởi các pháp thế gian, không thân không thương, buồn vui thấy bình thường, mặc đồ thô để che lạnh, ăn cơm hẩm để sống, ngố ngố như ngây như điếc, có chút phần tương ưng. Nếu tại tâm học rộng chuyện hiểu biết, cầu phước cầu trí đều là sanh tử, đối với bao đạo lý nào có ích gì, bị cảnh phong của tri giải thổi bay nhận chìm, quày trở lại trong biển sanh tử. Phật là người không cầu, hễ cầu là trái lý. Đó là lý không cầu, hễ cầu là thất mát. Nếu nắm bắt “vô cầu, thì đồng như hữu cầu. Nếu nắm bắt trước vô vi thì cũng giống như hữu vi. Cho nên Kinh nói: Không thủ ở pháp, mà không thủ ở chẳng phải pháp, cũng chẳng thủ nơi chẳng phải chẳng phải pháp”. Lại nói: “Pháp Như Lai đắc, pháp này không thật không hư. Nếu làm một đời tâm như gỗ đá một thứ, không bị bát phong, ngũ dục của m giới thổi đùa nhận chìm, thì dứt được nhân sanh tử, pháp trụ tự do. Không bị nhân giải của tất cả hữu vô trói buộc, không bị hữu lậu câu thúc. Lúc khác lại lấy không bị nhân trói buộc làm nhân, đồng sự ích lợi. Lấy vô trước tâm ứng với nhất thiết vật, lấy tuệ vô ngại ci tất cả trói buộc. Cũng gọi là theo bịnh mà cho thuốc vậy. (Ngũ Đăng Hội Nguyên)

 

Đó là phủi sạch tất cả, tâm thể được thanh tịnh thì Nhất thiết trí trí sẽ hiện tiền. Vì vậy, nên quyển 545, TBBN, phẩm “Thanh Tịnh” nói: “Vì không chấp trước, không trói buộc, vượt qua tất cả gọi là Nhất thiết trí”.

 

Kết luận:

(Cho riêng phần thuyết về thanh tịnh)

 

bản tánh sắc không buộc không mở, bản tánh thọ, tưởng, hành, thức cũng không buộc mở. Vì sao? Vì sắc cho đến thức rốt ráo tịnh. Bản tánh của 12 xứ, 18 giới không buộc không mở; bản tánh của tất cả pháp Phật từ tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, 37 pháp trợ đạo, 18 pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao cũng không buộc không mở. Nếu bản tánh của tất cả pháp Phật không buộc không mở thì chẳng phải là tất cả pháp Phật. Vì sao? Vì 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới cho đến tất cả pháp Phật rốt ráo tịnh vậy.

Bản tính của tất cả pháp xưa nay vốn thanh tịnh vì không thể nắm bắt được. Nếu không nắm bắt được thì phải buông bỏ vạn duyên. Xả bỏ vạn duyên thì bặt niệm sanh diệt. Bặt niệm sanh diệt thì tâm thể vắng lặng. Trời xanh vẫn là trời xanh, mây trắng vẫn là mây trắng, hòn núi kia ngàn năm vẫn là hòn núi cũ, vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt. Khi tâm thể tịch lặng thì muôn sự muôn vật trong ngoài đều thanh tịnh! Nên sư Thanh Nguyên Duy Tín mới có lời tự thuật rằng:

 

Sãi tôi, ba mươi năm trước, khi chưa học Thiền,
     
, ,
thấy núi là núi, thấy nước là nước;
     
, ;
“Sau nhân theo bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào,
     
   ,  
thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước;
     
,
“Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh, y nhiên,
     
, ,
thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”
     
,

(Truyền đăng lục)

 

Thí dụ sau đây của Tổ Vân Môn làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn. Sư thượng đường giơ cao cây tích trượng nói:

 

“Phàm phu gọi đó là có,

Nhị thừa bẻ lại là không,

Viên giác gọi là có giả,

Bồ Tát nói là “đương thể tức không”.

Các ông mặc áo nạp, thấy tích trượng thì cứ gọi là tích trượng. Đi cứ đi, ngồi cứ ngồi, không được trù trừ”.

 

Nhiều dấu vết đưa đến những nẻo đường sai khác, chỉ làm rối mình rối người. Tu cốt đừng lắm chuyện, thấy như vậy biết như vậy là như như bất động, đó là cái tịch lặng an nhiên. Nên đối với Thiền sư cái gì cũng bình thường giản dị. Vì bình thường giản dị nên mới cởi bỏ được những cái tạp nhiễm chấp trước của thế gian. Các Ngài coi trọng cái hiện tiền. Biết như vậy là biết “nó là nó”, thế là đủ! Nói có, nói không, nói giả, nói chân... làm gì? Như thế tâm thể sẽ được thanh tịnh. Bằng không phải đi vòng vòng, phải đi vòng quanh, rồi phải đánh đổi bằng một cuộc chiến đấu thật dũng mãnh với tất cả khí lực bình sanh mới trở về với cái bản nhiên thanh tịnh của thuở ban đầu.

 

Càng trì tụng, càng nghiền ngẫm tư duy càng thấy cái ảo diệu của các pháp gọi là giả thi thiết, các pháp trì độn vô tri, các pháp như huyễn như mộng, các pháp là không, các pháp như, bình đẳng và thanh tịnh. Không thể nào thoáng đọc mà có thể thâm nhập được tánh cách mầu nhiệm của những pháp này. Vì vậy, trong phần này mới bảo là “cái thấy từ bờ kia”. Tại sao gọi là cái thấy từ bờ kia? Vì chỉ có những ai giác ngộ đứng ở bờ kia nhìn lại bờ này mới thấy được cái ảo diệu phi thường của nó.

Với những hiển hiện trên, Kinh thật sự tắm gội được tâm thức của chúng ta với những miêu tả như không, như như, bình đẳng, thanh tịnh, gột sạch mọi hệ lụy thế gian để khôi phục lại cái bản nhiên thanh tịnh của thuở ban đầu. Thọ trì các pháp ấn đó thì chứng nhập các Ba la mật hay nói khác là có thể sang bờ kia. Rồi từ bờ kia nhìn lại bờ này sẽ thấy cái khuôn mặt thật ngàn đời của tất cả pháp là giả danh, như huyễn như mộng v.v... là như thế nào?

 

Kết luận chung cho LUẬN #3.

(Cái Thấy Từ Bờ Kia)

 

Bài học quan trọng chúng ta có thể rút ra từ quyển 598, phần “Bát Nhã Ba La Mật”, ĐBN, về “cái thấy từ bờ kia” như sau:

 Phật dạy: Này Thiện Dũng Mãnh! Vì tất cả pháp chẳng thể tùy lấy, chẳng thể chấp thọ, không năng tùy lấy không năng chấp thọ. Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Không có chút pháp nào khá chấp thọ, cũng không chút pháp năng có chấp thọ. Vì sao? Vì hoặc năng chấp thọ hoặc sở chấp thọ đều chẳng thể đắc. Thiện Dũng Mãnh! Vì tất cả pháp đều chẳng chắc thật như việc huyễn vậy. Vì tất cả pháp đều tánh chẳng tự tại, trơ lì chẳng thể đắc vậy. Vì tất cả pháp đều như bóng sáng chẳng thể lấy vậy. Vì tất cả pháp thảy đều hư ngụy, không tự tánh vậy. Vì tất cả pháp đều như nhóm bọt chẳng thể bắt nắm vậy. Vì tất cả pháp đều như bọt nổi khởi rồi chóng diệt vậy. Vì tất cả pháp như quáng nắng do điên đảo mà sanh. Vì tất cả pháp đều như cây chuối, lõi không chắc thật vậy. Vì tất cả pháp đều như trăng trong nước chẳng thể bắt lấy vậy. Vì tất cả pháp đều như cầu vồng hư dối phân biệt vậy. Vì tất cả pháp đều không có tác dụng nên không thể phát sanh. Vì tất cả pháp đều như nắm tay rỗng không nên tánh, tướng nó không thật.

Này Thiện Dũng Mãnh! Các Bồ Tát sau khi quán sát như vậy rồi, đối với tất cả pháp không thủ, không chấp, không trụ và không trước. Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ Tát giữ gìn lòng tin sâu sắc đối với tất cả pháp, không còn chấp trước, không chấp chặt, không tham ái là hành Bát nhã Ba la mật.

Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ Tát hành như vậy, trụ như vậy mà tu hành Bát nhã Ba la mật thì mau được viên mãn”.

Phật nhắc lại giáo pháp như huyễn vào phút cuối cùng trước khi chấm dứt thuyết giảng trọn bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật. Rốt lại, tất cả pháp là không thật, hư ngụy, giả thi thiết (danh giả, pháp giả, thọ giả); các pháp như huyễn như mộng... như thành bằng hương khói; các pháp vốn trì độn, vô tri, vô tướng vô đắc, vô sanh vô hiển; tất cả pháp là viễn ly, là không, Bản tánh không, tự tướng không, vô tánh tự tánh không, vô tế không, tất cánh không; tất cả pháp là như như, như vậy là như vậy, chẳng lúc nào chẳng như; như đó là bình đẳng, nên nói bình đẳng là thanh tịnh.

Dù nói cách này hay cách khác, chung qui cũng đi tới KHÔNG. Toàn thể giáo lý Đại Bát Nhã đều nói cái KHÔNG này. Nói không, rỗng không có ích gì mà Phật mất hết 22 năm trong số 45 hóa đạo? Không này là một hình thức “tẩy não” chăng? Nhưng tẩy não là quét sạch tư tưởng của “kẻ thù”, không muốn đối thủ nắm giữ chống đối với chủ trương của mình. Nhưng nếu nói tẩy não là hình thức tắm gội tâm thức để được trong sạch thánh thiện hơn, thì từ này có đất dụng võ.

Không, Tánh không, Bản tánh không cốt quét sạch dây mơ rễ má còn vướng bận trong tâm thức để dẫn đến vô thức, vô niệm, vô tâm là một thủ thuật tuyệt hảo của Bát nhã Ba la mật để thành tựu thánh trí tự giác.

Nên ở Hội thứ X, Phật dạy cho các Bồ Tát 13 pháp môn “Lý Thú Bát Nhã Ba La Mật” tại cung trời Tha hóa Tự tại mà nhờ đó chư Phật hiện đẳng giác. Trong các pháp môn đó chỗ nào Phật cũng nói đến không, như như, bình đẳng và thanh tịnh. Những từ này được xem như là “đại luân tự” hay “pháp ấn” của Bát Nhã. Vì sao? Vì chúng là những sản phẩm của thân ấn, ngữ ấn, tâm ấn và trí ấn, trí tạng của tất cả Như Lai. Chúng sanh nào thâm nhập được các pháp ấn này thì có thể tháo gỡ những trói buộc, những câu thúc của thế tục mà không cần hành cước vạn dậm, không cần nhờ Thầy Tổ ấn tâm!

Vì pháp giới thường trụ vốn như, bình đẳng, thanh tịnh, nên Bát nhã Ba la mật như thế bản tánh thanh tịnh, đối tất cả pháp không sở nhiếp thọ. Học như vậy, tri giác như vậy là đạt đến cứu cánh của bờ kia. Và như vậy, tức là có thể mở được cửa Cam lồ của chư Phật!

Nhưng chung cùng, không có bờ này, không có bờ kia, cũng không có giữa. Bờ này là một bên, bờ kia cũng là một bên, mà ở giữa cũng lại là một bên khác nữa. Có giới biên là có chấp, có chấp là có thiên lệch. Đệ nhất nghĩa đế cũng là không, là vô chấp. Vô chấp mới được tịch lặng an nhiên. Không so đo chọn lựa mới được gọi là cứu cánh của đời sống đạo. Giác ngộ như vậy chính là đời sống đạo.

Nhưng, Giác ngộ không có nghĩa là bám víu bờ này hay bờ kia. Giác ngộ là cái gì chứng biết, phát khởi từ cái trôi chảy của cuộc sống, không phải là sống viễn ly hay xả trừ bờ mê để được bến giác. Nói bờ này bờ kia, nói như vậy là còn nằm trong lưỡng nguyên! Bát Nhã chỉ là Bát Nhã khi được khai phóng trọn vẹn như chim xí bay lượn trên hư không mà không bị câu ngại bởi hư không. Có như vậy, hành giả Bát Nhã mới có thể thực hiện một bước nhảy, nhảy từ bờ triền phược bên này sang bờ giải thoát bên kia.

Kinh Lăng Già là một bộ kinh đặc biệt, Tổ Bồ Đề Đạt Ma trao cho Huệ Khả mà trong nhà thiền ngạc nhiên cho sự truyền tâm này, trong đó có một đoạn kinh rất phù hợp cho mục “Cái Thấy Từ Bờ Kia” nên chúng tôi trích dẫn ra đây để Quý vị chiêm nghiệm:

Vua quỷ Dạ Xoa cầu Phật: “Bạch Thế Tôn, xin Ngài dạy con cái học tâm tông, dạy con giáo lý vô ngã, vô nhiễm, vô trước, giáo lý thành tựu tự tâm vi diệu của Ngài”. 

Phật xác định lại giáo lý tự giác, tức sự Chứng Đạo của Phật, như vầy:

 “Đó cũng như nhìn thấy bóng mình trong gương hoặc trên nước, cũng như nhìn bóng mình trong ánh trăng hoặc ánh đèn, lại nữa, cũng như nghe tiếng nói của mình dội lại trong thung lũng; hễ vọng cầu thì có vọng tưởng phân biệt phải trái; hễ có phân biệt phải trái thì không thoát khỏi thế kẹt hai đầu, tự nhiên chấp cái phải, nên tinh thần không thể “tịnh” được. Tịnh có nghĩa là lắng sạch hết sở cầu; và lắng sạch hết sở cầu có nghĩa là đi sâu vào định, từ đó phát sanh Thánh trí tự giác, và đó tức là Như Lai Tạng: Tathagatagarba”.

Đoạn Kinh nhỏ này nói lên giáo lý thành tựu tâm vi diệu của Phật, nó chẳng khác nào bóng trong gương, như tiếng vọng lại từ thung lũng, hễ có vọng cầu thì có vọng tưởng phân biệt phải trái, có phân biệt phải trái là có vướng mắc, có vướng mắc là có mất mát, nên tâm không còn “tịnh” nữa.

Và kết luận: Tịnh có nghĩa là lắng sạch mọi sở cầu, lắng sạch hết sở cầu có nghĩa là đi sâu vào định, mà định phát sanh tịnh, từ đó phát sanh Thánh trí tự giác.

Giáo lý quá hay nhưng phải suy gẫm nhiều và cũng phải thực hành nhiều. Câu nói của phẩm “Bồ Tát Pháp Dũng”, quyển 399, Hội thứ I có lẽ giản dị hợp với tâm đạo của chúng ta hơn, là “thật tánh các pháp đều bất động”.

Bây giờ, hành trang cuối cùng của chúng ta đối với kiếp này có lẽ là Không, Như như, Bình đẳng và Thanh tịnh. Muốn nói gì thì nói, chỉ cần tâm niệm: “Tất cả pháp là Không, Như như, Bình đẳng và Thanh tịnh”. Phải luôn luôn ghi nhớ, luôn luôn tâm niệm như vậy thì sẽ được vô thức vô niệm vô tâm, thì cung đàn đổi nhịp, cuộc đời nở hoa thôi!

Chúng tôi tạm dừng bút ở đây để Quý vị tự chiêm nghiệm về “Cái Thấy Từ Bờ Kia”. 

Thích nghĩa cho kết luận chung nói về “Cái Thấy Từ Bờ Kia”.

(1). Hai thanh tịnh: Về chủng loại thanh tịnh, trong các Kinh luận đều có nói rõ như sau:

- 1. Nhiếp đại thừa luận thích quyển 2 của Ngài Vô Tính nêu 2 loại thanh tịnh trong việc áp phục và đoạn trừ phiền não: 1/. Thế gian thanh tịnh: Nhờ tu hành đạo hữu lậu, có thể tạm thời đè nén sự hiện hành của phiền não, không cho trổi dậy, gọi là Thế gian thanh tịnh. 2/. Xuất thế gian thanh tịnh: Nhờ tu hành đạo vô lậu, có năng lực diệt hết sạch phiền não, gọi là Xuất thế gian thanh tịnh.

- 2. Luận Tịnh độ của Ngài Thế thân nêu ra 2 thứ thanh tịnh: 1/. Khí thế gian thanh tịnh: Làm cho hoàn cảnh trở nên thanh tịnh. 2/. Chúng sinh thế gian thanh tịnh: Một khi khí thế gian đã thanh tịnh, thì chúng sinh ở trong đó biến thành Thánh chúng. Hai thế gian trên đây hiển bày nghĩa Y báo và Chính báo đều thanh tịnh.

- 3. Luận Cứu cánh nhất thừa bảo tính quyển 4 nêu 2 thứ thanh tịnh, tức Bản lai tự tính thanh tịnh được chia làm hai: 1/. Tự tính thanh tịnh: Muôn pháp đều không, xưa nay vốn thanh tịnh. 2/. Ly cấu thanh tịnh: Tách khỏi phiền não mà thành thanh tịnh. (Phỏng theo Phật Quang từ điển).

 

---o0o---

 

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]