Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những người Đức tốt bụng (bài viết của HT Thích Như Điển, diễn đọc: Phật tử Diệu Danh)

13/08/202010:07(Xem: 9143)
Những người Đức tốt bụng (bài viết của HT Thích Như Điển, diễn đọc: Phật tử Diệu Danh)
Dr.Albrecht-1980-thich nhu dien

Những người Đức tốt bụng

Bài viết của HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh






Đề tài nầy tôi định viết từ lâu; nhưng nay mới hội đủ nhiều nhân duyên và yếu tố của khách quan cũng như chủ quan; nên quý độc giả của báo Viên Giác mới có cơ hội đọc đến. Dĩ nhiên dầu cho cái nhìn ở bất cứ khía cạnh nào, nó cũng chỉ đúng với phần nào của sự việc; chứ tuyệt nhiên không đúng hết tất cả. Vì nó không phải là chân lý. Ví dụ một người đứng ở phía Đông cắm một cây trụ, khi anh ta nhìn về phía Đông thì bảo rằng: cây cột ấy quả thật đang ở phía Đông; nhưng nếu có người nào đó đứng đối diện với người cắm cây cột ấy, thì chắc chắn rằng người kia sẽ bảo rằng: anh ta nói sai. Vì lẽ cây cột ấy bây giờ đang ở phía Tây của người bên nầy. Do vậy sự việc nào cũng thế, tùy theo cách nhìn và sự nhận định của mỗi người và đây chỉ là một cá thể, chứ không là toàn thể.

Khi nói: “Người Đức tốt bụng” cũng có nghĩa là nói người Đức có tấm lòng tốt, tấm lòng nhân hậu, tấm lòng bác ái biết thương người. Cũng có thể nói rằng tâm của một số những người Đức thật tốt; họ thật bao dung và rộng rãi. Nhưng nếu nói người Đức bụng tốt thì chắc phải hiểu khác đi một chút. Vì người Đức uống bia hơi nhiều; nên cái bụng lại lớn ra như vậy; nhưng vì sao người ta ít nói rằng: người ấy có cái tâm tốt quá, mà hay nói: người ấy tốt bụng? ở đây cũng cần đi xa hơn về nguyên thủy của ngôn ngữ một chút. Thông thường ở đời hay ở Đạo gì cũng vậy người ta hay chúc nhau mỗi khi có khánh tuế, chúc thọ hay làm ăn buôn bán .v.v. hai câu mà người ta hay dùng nhiều nhất là: “Phước như Đông Hải Thọ tỉ Nam Sơn”. Nghĩa là: “Phước như Biển Đông Thọ sánh núi Nam” Biển Đông thì ai cũng biết rồi. Nước ấy nhiều lắm; nhưng chẳng thấy dư bao giờ. Vì đó là kết quả của biết bao nhiêu núi tuyết tan ra, chảy vào khe, vào rạch, vào thác, vào sông nhỏ, sông lớn và cuối cùng chảy vào biển cả. Rồi theo định luật tuần hoàn, nước ấy bốc hơi thành mây và mây kia thành mưa, thành sương, thành tuyết, thành nước v.v... Cuối cùng rồi nó cũng trở lại cái ban đầu của sự tự nhiên ấy. Còn núi Nam ở đây không biết núi nào ở Trung Quốc. Vì tại Trung Quốc có rất nhiều “Nam Nhạc”; “Nam Sơn” như thế. Nhưng chắc chắn núi có tuổi sống rất lâu; nên người ta mong muốn con người sống được như vậy. Còn chữ phúc có nghĩa là cái bụng; khi đọc âm cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán đều giống nhau; nhưng chữ phúc đây không có nghĩa là phước đức, mà chữ phúc nầy gồm có bộ nhục bên trái và ba bộ còn lại của chữ phúc ấy. Bộ nhục có nghĩa là: thịt, là chất mềm trơn bao bọc cho gân xương của con người và các động vật khác.

Có lẽ do chữ phúc đồng âm với chữ phúc hoặc phước là phước đức bên trên; cho nên người bình dân hay nói rằng: người ấy có tấm lòng tốt, hay tốt bụng là vậy. Chữ hình dung từ “tốt” ấy để trước hoặc sau một danh từ đi kèm theo, thường có nghĩa khác nhau, chứ không giống nhau như nhiều người tưởng. Vậy đề tài tôi muốn giới thiệu với quý vị bên trên cứ hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cũng tốt thôi.

Vào ngày 12 tháng 09 năm 2009 vừa rồi là ngày mà tôi khó quên được. Đây là ngày những người Việt tỵ nạn tại Đức được tàu Cap Anamur vớt làm lễ kỷ niệm 30 năm họ đã đến được bến bờ tự do. Nhân dịp nầy những chính khách của thời xưa và thời nay đều có mặt. Tôi đã gặp ông cựu Thống Đốc của tiểu bang Niedersachsen là ông Dr. Ernst Albrecht; người mà cách đây hơn 30 năm người Việt Nam tại Hannover vinh danh ông là “Người cha của những kẻ bất hạnh”. Tôi đã có cơ duyên gặp ông nhiều lần tại dinh Thống Đốc của ông ở Hannover, cũng như ông đã đến viếng thăm chùa Viên Giác và lần nầy gặp ông tại Hamburg trong bao nhiêu tiếng vỗ tay tán thưởng đến ông của những người đồng hương chúng tôi đến tham dự lễ tưởng niệm ngày hôm ấy. Ông Albrecht là người đầu tiên nhận 2000 người đi trên chuyến tàu Hải Hồng, đa phần là người Việt gốc Hoa. Họ đã được đến định cư tại tiểu bang Niedersachsen vào cuối tháng 12 năm 1978. Sau chuyến tàu Hải Hồng, chính quyền Đức mới lưu tâm cho người Việt đến nước Đức định cư. Sở dĩ tôi muốn nhắc đến ông đầu tiên. Vì đã có lần tôi gặp ông và hỏi ông rằng: Động cơ nào mà ông Thống Đốc ra tay cứu người Việt trên biển đông như vậy? Ông ta nhìn tôi và chậm rãi trả lời: Vì tôi có đến 5 người con, mà con tôi thì đầy đủ hết tất cả; trong khi đó những đứa trẻ đi trên thuyền đã nhiều ngày bị bỏ đói; nên tôi đã động lòng thương; nên mới kêu gọi nhân dân và chính tôi lo vớt người tỵ nạn. Đây là tấm chân tình, đúng là tấm lòng nhân hậu của người Đức, mà không phải dễ ai khi đương quyền có cái thấy xa nhìn rộng với tình người sâu thẳm như vậy. Mặc dầu người Việt Nam chúng tôi sống cách xa ông cả mấy đại dương như thế.


Dr.Albrecht-1980-thich nhu dien-5

Hình chụp tại Dinh Thủ Hiến của Dr. Albrecht Hannover năm 1980
Từ trái qua phải :

HT. Thích Như Điển, Dr. Albrecht, Thị Thiện Phạm Công Hoàng,

Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp




Việc nầy tôi cũng đã có nhắc lại trong quyển “Cảm tạ nước Đức” rồi; nhưng hôm nay xin nhắc lại một lần nữa để vinh danh ông. Năm 1986 là năm mà chùa Viên Giác đã đưa bản vẽ lên Hội đồng Thành phố Hannover để xin được cấp giấy phép. Thuở ấy ông vẫn còn làm Thống Đốc tại Tiểu bang Niedersachsen. Nếu không có ông nói thêm vài lời thì giấy phép cất chùa chắc lâu lắm mới có được. Điều nầy ông có nhắc lại khi gặp tôi tại chùa Viên Giác khi ông đã về hưu. Ơn ấy không phải chỉ riêng tôi mà cộng đồng Phật Tử Việt Nam tại Đức phải mang ơn ông mãi mãi. Cho nên tôi đã cho khắc tên ông vào Đại Hồng Chung hiện đang treo tại lầu chuông của chùa Viên Giác, để ngàn năm sau, nếu quả chuông nầy còn tồn tại trên cõi đời nầy thì người ta sẽ biết rằng: Vào một thuở xa xưa nào đó đã có những người Việt từ Á châu đến Đức để tỵ nạn cộng sản và định cư ở đây.

Thuở ấy cũng là thuở mà ông Albrecht làm Thống Đốc . . . . . Ngày 12 tháng 09 năm 2009 nhiều anh chị em trong Ban Tổ Chức xây dựng Tượng đài kỷ niệm 30 năm của người Việt tỵ nạn cộng sản do tàu Cap Anamur và Dr. Rupert Neudeckt vớt, là một điểm son, là một dấu ấn lịch sử của hơn 10.000 thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đã được cứu vớt và được cái phước lớn là sống còn và đã gây dựng sự nghiệp cũng như đóng góp tích cực cho xã hội Đức càng ngày càng phát triển ở nhiều khía cạnh khác nhau. Hơn 30 năm trước chúng ta làm thân tỵ nạn đến ở nhờ đất nhà của Đức. Nhưng sau 30 năm ông Neudeckt cũng như ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Liên Bang Dr. Schaube hôm đó ca ngợi và tán dương người Việt Nam không hết lời và quý vị nầy cho rằng: Xã hội Đức ngày hôm nay được phát triển như thế nầy, đã không thiếu những bàn tay đóng góp của những người đến đây tỵ nạn cộng sản Việt Nam từ 30 năm trước. Có một điều bản thân tôi cũng hết sức ngạc nhiên, mà có lẽ nhiều người cũng vậy. Chúng ta cho rằng: Sở dĩ bức tường Bá Linh sụp đổ là do người Đức ý thức được thế nào là giá trị của sự tự do; nên họ quyết tranh đấu để thoát khỏi gông cùm của Cộng sản Đông Đức đã chụp phủ lên đầu họ từ năm 1949 đến năm 1989; trong 40 năm ấy họ đau khổ và dằn vặt biết chừng nào; nhưng hôm ấy ông Phó Chủ Tịch Quốc Hội Đức đương nhiệm đã phát biểu, làm cho hơn cả 1000 người Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm tại cảng Hamburg thật cảm động mà cũng thật đầy đủ ý nghĩa.

Ông cho rằng: Sở dĩ bức tường Bá Linh sụp đổ là nhờ người dân Đông Đức thuở bấy giờ còn sống dưới chế độ Cộng sản Đông Đức độc tài ngước nhìn về biển Đông và để ý với chính sách của người Cộng sản Việt Nam đối xử với đồng bào của họ, đã đày họ ra biển khơi, đã bỏ tù những người anh em phía Việt Nam Cộng Hòa vào các trại tù cải tạo. Do đó họ mới ra đi tìm tự do và đây mới đích thực là giá trị của sự thật mà người ta muốn tìm. Bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 11 tháng 09 năm 1989 người Việt tỵ nạn đã góp công vào đó không ít. Đây có thể là một phát biểu mới nhất của ông Phó Chủ Tịch Quốc Hội Đức. Ông ta là người vốn xuất thân từ Đông Đức và chính những lời nói phát xuất ra từ cửa miệng của ông ta là những bằng chứng hùng hồn nhất, để chúng ta phải luôn ghi nhớ. Vì đây không phải là sự đãi bôi, mà là một sự thật được chứng minh qua lịch sử của sự tự do. Một chánh khách đặc biệt của ngày hôm ấy là ông Dr. Phillip Rössler. Gặp ông, tôi bắt tay và đây cũng là lần đầu tiên tôi nói chuyện với ông bằng tiếng Đức. Trước đó tôi đã đọc tiểu sử của ông và biết rằng ông xa Việt Nam từ lúc mới lên 9 tháng tuổi vào năm 1973. Tôi hỏi ông rằng: Ông còn có thể nói tiếng Việt được không? Ông ta lắc đầu và nhoẻn miệng cười. Sau đó tôi tự giới thiệu về mình và nói rằng ở Hannover có một ngôi chùa mang tên là Viên Giác đã có mặt tại đó từ năm 1978 đến nay. Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên và tôi có mời ông đến thăm chùa. Ông ta đồng ý. Hôm tôi gặp ông, ông là Bộ Trưởng Bộ Giao Thông, Lao Động của Tiểu bang Niedersachsen; nhưng mấy ngày sau vào cuối tháng 09 năm 2009 ông ta đã trở thành Bộ Trưởng Bộ Y Tế của Cộng Hòa Liên Bang Đức, có trách nhiệm với hơn 80 triệu dân liên quan đến vấn đề sức khỏe của con người. Quả là một chuyện khó tin nhưng có thật. Vì sao vậy? Vì người nầy có một cuộc đời theo báo chí tường thuật lại rằng: “Khi sanh ra tại Việt Nam ông đã không có tên gọi, để lại quê hương sau lưng, không cha mẹ (vì là con trong Cô nhi viện) và sau khi về lại Đức làm con nuôi của gia đình Rössler thì 4 năm sau mẹ nuôi ông ly dị với ba nuôi”. Như vậy cuộc đời của ông quả là bất hạnh với tình người, với chiến tranh, với bao nhiêu oan trái; nhưng nay ở tuổi 37, ông ta là Bộ Trưởng Bộ Y Tế của nước Đức. Có lẽ suốt trong thời kỳ tuổi thơ ông ta phải chiến đấu nhiều lắm với mọi thứ để được đi học ở trường Trung Học và học Y trong quân đội và cuối cùng ra trường với tước hiệu là Bác Sĩ Y Khoa. Tôi không phải vì hãnh diện về việc nầy cho ông; nhưng nhiều khi nói chuyện với quý Phật Tử tại Úc hay Mỹ tôi hay nói rằng: “Nước Đức đi sau mà về trước đấy”. Họ hỏi tôi tại sao? Tôi trả lời rằng: Cho đến nay ở Mỹ, Canada, và Úc có nơi mới chỉ có Dân Biểu Liên Bang và các Tiểu Bang thôi, chứ chưa có nước nào có Bộ Trưởng Liên Bang như nước Đức. Thế là ai cũng nhoẻn miệng cười. Khi ông còn là Dân Biểu của Tiểu Bang Niedersachsen đơn vị ứng cử của ông trong Đảng FDP (Đảng Tự Do Dân Chủ) là Döhren. Thành phố nầy là thị xã nơi tôi đang ở, thấy hình ông treo khi ứng cử tại đó. Nhưng ông không thấy chùa cũng là điều lạ. Sau nầy tôi được biết ông ta là Hội Trưởng của một Hội Thiên Chúa Giáo. Có lẽ vì vậy mà ông không lưu tâm nhỉ? Ngoài ra qua báo chí ông cũng cho biết rằng: Không cần lưu tâm về quá khứ. Có lẽ quá khứ của ông quá đau buồn? Nhưng báo chí cũng tường thuật rằng: Do sự thúc giục của vợ ông (sinh trưởng ở Goslar) cũng là một bác sĩ, trước đây 2 năm ông đã trở về lại Việt Nam để thăm quê hương; nơi mà ông đã sinh ra. Ở Cô Nhi Viện tại Khánh Hưng (Sóc Trăng) là một Cô Nhi Viện Thiên Chúa Giáo; hai Bà Phước chăm sóc cho ông ngày ấy, bây giờ chỉ còn lại một bà. Còn một bà đã mất. Không biết có ai đó muốn làm một cuộc thử nghiệm để tìm ra cha mẹ của ông chăng? Điều ấy ngày nay có lẽ không khó vì qua thử nghiệm, người ta có thể tìm ra được. So ra với cuộc đi tìm nguồn gốc của Công chúa Bokasa hồi năm 1969, 1970 của ký giả Việt Định Phương của tờ báo Trắng Đen thuở ấy, chắc còn dễ hơn nhiều. Thế mà ông Việt Định Phương đã thành công và đem Công chúa ấy về nước Cộng Hòa Trung Phi để đoàn tụ với Vua cha. Vua cha vốn là lính Lê Dương đến Việt Nam mình tham chiến và sinh ra Bokasa tại dãy đất hình cong chữ S ấy. Nay ông Việt Định Phương với pháp danh Tịnh Hải chỉ chuyên tu theo pháp môn niệm Phật mà thôi. Chắc nay mai rồi đây cũng sẽ có người đi tìm cội nguồn của ông Dr. Phillip Rössler. Vì ông ta là một Bộ Trưởng trẻ nhất trong nội các của nước Đức kể từ 60 năm nay, mà là người tóc đen mũi thấp, tuy tướng ông không thấp mà rất điển trai. Do vậy sẽ có nhiều đề tài khởi sắc về ông Bộ Trưởng Y Tế nầy của nước Đức sẽ được đề cập đến trong tương lai.


Ông năm nay 37 tuổi, có thể đoán được rằng cha mẹ ông ở độ từ 57 tuổi trở lên. Ngày ấy có thể vì chiến chinh loạn lạc cha mẹ đông con, nuôi con không nổi, nên đem cho bớt Cô Nhi Viện nuôi cũng là chuyện thường. Hoặc giả có những cặp tình nhân lỡ dại, không cưới hỏi mà bụng mang dạ chữa; nên chờ cho đến ngày mãn nhụy khai hoa là đem vứt vào Cô Nhi Viện để tránh nợ đời. Nếu có những bậc cha mẹ nào đó mà họ được tìm ra tông tích nầy, chắc rằng họ rất xấu hổ, thay vì hãnh diện chăng? Vì làm cha mẹ mà không có trách nhiệm với con cái? Hay cũng có lắm người chỉ muốn “Phù thịnh chứ không thích phù suy”? chuyện đời quả thật có nhiều lối mà chúng ta khó có thể lường được. Một đứa trẻ mồ côi ấy nếu vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng tại Việt Nam hay Phi Châu thì chắc rằng không có cơ hội để tiến thân như vậy. Cũng may cho ông Phillip Rössler là ông được nuôi tại Buckerburg, Hannover, Hamburg; cho nên ông mới có cơ hội để trưởng thành như vậy. Điều nầy cho chúng ta nhận định được gì? Đức Phật, bậc Thầy của Trời Người, sau khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, ở vào tuần lễ thứ tư Ngài chiêm nghiệm lại sự thành đạo ấy và thốt lên lời rằng: “Không phải khi sinh ra con người đã là một Bà La Môn, mà qua nhân duyên nghiệp lực cũng như kết quả để trở thành một Bà La Môn”. Đúng vậy, con người cũng chẳng phải là tội nhân của lịch sử; con người cũng không phải hoàn toàn ác hay hoàn toàn thiện. Giỏi hay dở, lành hay dữ, tốt hay xấu v.v... do nhân duyên và môi trường mà có kết quả. Từ điểm nầy chúng ta có thể chứng minh rằng: Có một đứa bé nào đó được sinh ra trong cung Vua hay tại các xứ văn minh giàu có như Âu, Úc hay Mỹ Châu; nhưng nếu đứa bé ấy bị bỏ vào rừng già Phi Châu, thì chắc hẳn kết quả như ai trong chúng ta cũng biết rằng: Đứa bé ấy chỉ làm bạn với khỉ và cuối cùng sẽ trở thành Tarzan. Giáo lý của Đức Phật muôn đời vẫn đúng với thuyết nhân duyên nầy. Vào mùa thu năm 1999 ủy ban Cap Anamur có tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm vớt người tỵ nạn Việt Nam và vinh danh ông bà Dr.Neudeckt tại Troisdorf. Lúc ấy tôi và Sư huynh Hà Đậu Đồng cũng đã có mặt để cùng chung làm lễ cầu nguyện cho những thuyền nhân qua nghi lễ Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Năm đó tôi đã gặp bà Merkel, thuở ấy bà mới là Dân Biểu sau 10 năm tham gia đảng CDU của ông Thủ Tướng Kohl. Ngày ấy bà cũng đã lên phát biểu và nay (2009) bà là Thủ Tướng của nhiệm kỳ II trong nội các của chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức. Bà là người đàn bà số một trong 100 người đàn bà lừng danh trên thế giới ngày nay do báo chí bình chọn. Bà lúc nào cũng dùng lời của Tổng Thống Bill Clinton để dẫn đầu những bài nói chuyện. Ví dụ như: “Cái gì cũng có thể đạt đến được và cái gì cũng có thể làm cho thay đổi và cái gì cũng có thể xảy ra cả . . .”. Những “cái gì” đó đã đúng với trường hợp của Bà. Bà sinh ra trong một gia đình có niềm tin Tôn Giáo, cha là Mục Sư, mẹ là Giáo Sư Anh Văn nhưng không được đi dạy trong xã hội Đông Đức lúc bấy giờ. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 11 tháng 09 năm 1989 Bà đã theo làn sóng của người dân Đông Đức vượt tường chắn để sang Tây Đức. Thuở ấy nếu tôi nhớ không lầm những người dân Đông Đức chạy sang Tây Đức đã được chính quyền Tây Đức phát cho mỗi người 100 DM và người dân Tây Bá Linh đã tặng cho họ những trái chuối già. Vì Đông Đức thuở ấy tuy là nước Cộng Sản giàu nhất trong các nước Cộng Sản nhưng không đủ tiền để nhập cảng Chuối cho dân chúng dùng. Đây là hình ảnh mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ. Năm 1949 Cộng Hòa Liên Bang Đức được thành lập và thủ đô tạm được xây dựng tại Bonn. Thuở ấy Thủ Tướng Adenauer là Thủ Tướng đầu tiên của nền dân chủ sơ khai, sau khi vừa thoát ra khỏi chế độ độc tài của Hitler và nước Đức bị chia đôi từ đó. Đông Đức theo Chủ Nghĩa Cộng Sản và Berlin bị chia làm 4 do tứ cường cai trị. Đông Berlin do Nga, Tây Berlin chia ra làm 3 và do Mỹ, Pháp, Anh kiểm soát. Đây là một nỗi nhục của người dân Đức, họ phải gánh chịu suốt 40 năm trời (1949 – 1989). Bà Merkel năm nay 55 tuổi. Nghĩa là khi chia đôi Đông và Tây Đức bà chưa được sinh ra; nhưng Bà biết rất rõ về những gì mà Bà đã sống dưới chế độ Cộng Sản cho đến năm 1989. Năm 1949 Thủ Tướng Adenauer đến Hoa Kỳ đọc diễn văn tại Quốc Hội, cả Thượng Viện và Hạ Viện; nhưng ông cố Thủ Tướng nầy phải đi đến 2 nơi để đọc bài diễn văn cùng một nội dung. Vì thuở bấy giờ người Mỹ đã chiến thắng và đã giúp nước Đức miền Tây; nhất là những chiếc cầu không vận Marshall để nuôi hơn 3 triệu dân của thành phố Berlin đông dân nầy. Những năm 77 trở đi, tôi đã có mặt tại Tây Đức, mỗi lần đi sang Berlin là phải đi qua biên giới tại Marienborn cũng như biên giới Đông Tây Berlin. Mỗi lần như vậy bị tốn hằng hai hay ba tiếng đồng hồ về việc bị kiểm tra giấy tờ với những cái nhìn không thông cảm thân thiện mấy của những người cảnh sát biên giới, nam cũng như nữ. Nếu ai muốn đi nhanh hơn, hãy dùng máy bay Anh Quốc đi từ phi trường Hannover để bay đến Berlin Tegel trong vòng 30 phút. Sau năm 1989 người Anh, người Nga, người Mỹ, người Pháp đã trở về quê hương của họ, trả lại cho nước Đức một sự toàn vẹn lãnh thổ và những cái nhìn của công an biên phòng của Đông Đức trước năm 1989 không còn thấy nữa. Thay vào đó là những lời chào thân thiết của người dân Đức bên Tây mời gọi và bên Tây Đức đã tự động giúp đỡ cho bên Đông từ hơn 20 năm qua con số vật chất đã lên 2000 tỷ đô la. Đó là chưa nói đến lãnh vực tinh thần. Năm nay (2009) sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2 của Quốc Hội Liên Bang Đức, bà Merkel sang Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2009 với tư cách là Thủ Tướng của Cộng Hòa Liên Bang Đức. Cả Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ đều tập trung lại và nghe cùng một bài diễn văn chỉ kéo dài trong 30 phút; nhưng có hơn 17 lần lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ vỗ tay cũng như đứng dậy. Đây là sự trưởng thành và lớn mạnh của người Đức bằng chính khả năng tự chủ của người dân Đức. Còn người Việt Nam chúng ta bao giờ mới có thể khiến cho thế giới tự đứng dậy ca ngợi như bà Merkel, hay Thủ Tướng CSVN đi đâu cũng phải đi ngõ sau? Còn trong nước lúc nào cũng đàn áp đối lập, đàn áp Tôn Giáo, nhất là GHPGVNTN vốn mấy ngàn năm nay đã gắn liền với vận mệnh của Dân Tộc Việt Nam. Người CSVN chỉ có khôn nhà và dại chợ. Còn trên trường quốc tế làm sao sánh được với nước Đức. Một dân tộc cũng bị chia đôi như chúng ta; nhưng sau 40 năm, họ thống nhất quê hương trong lành lặn, không đổ một giọt máu, không trả thù một cá nhân nào; ngay cả Honecker Chủ tịch CHDC Đức thuở ấy. Điều nầy cũng rất đúng với lời Phật dạy rằng: “Lấy oán trả oán, oán oán chất chồng. Lấy ân báo oán, oán liền tiêu diệt”. Người Đức theo Thiên Chúa Giáo và Tin Lành Giáo; chỉ có số nhỏ theo Phật Giáo; nhưng họ đã thể hiện lòng từ để xây dựng sự tin yêu giữa con người và con người; giữa tha nhân và đồng loại. Có như thế người Mỹ mới kính phục và cả Thượng Hạ Viện Hoa Kỳ mới đứng dậy hoan nghênh như vậy, mà việc nầy cách đây 60 năm về trước (1949) ông cố Thủ Tướng tiền nhiệm Adenauer đã không nhận được vinh dự nầy. Dĩ nhiên là bà Merkel cũng rất có cảm tình với người tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam; nên bà mới tham dự tại Troisdorf vào năm 1999 khi Cap Anamur kỷ niệm 20 năm thành lập. Năm nay 2009 bà với chức vụ Thủ Tướng rất bận rộn cho nhiều công việc bà không tới được. Nhưng cũng đã có thư chúc mừng gởi đến Ban Tổ Chức của Tượng Đài Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hamburg. Đây là thành quả của người Việt chúng ta qua 30 năm chung sống tại mảnh đất vốn mang nhiều tính chất lịch sử như thế nầy. Trên đây là những tấm gương nổi bật của các chính khách và những nhà từ thiện Đức; nhưng cũng không thiếu những tấm lòng tốt của nhiều người Đức sống chung quanh người Việt Tỵ Nạn mình. Sau đây là những câu chuyện nhỏ. Một hôm tôi nhận được lá thư của một bà già Đức gởi từ Mỹ về chùa Viên Giác Hannover. Sau khi đọc xong thư tôi gấp lại và nhớ lại nội dung của thư bà viết rằng: “Có một người Việt Nam gởi tặng tôi cuốn Dankeschön Deutschland (Cảm tạ xứ Đức) bằng cả tiếng Việt và tiếng Đức; nhưng tôi chỉ đọc được phần tiếng Đức. Vì tôi không biết tiếng Việt. Lâu lắm kể từ khi tôi qua đây tỵ nạn sau đệ nhị thế chiến (1945) mới thấy có được một tác phẩm khen người Đức như vậy. Còn ở đây, bên cạnh tôi, lúc nào tôi cũng nghe những người láng giềng nói những lời không tốt đẹp mấy về người Đức. Tôi viết thư nầy xin cám ơn Thầy, vì có được một người Á Châu hiểu chúng tôi như vậy”. Nhìn nét chữ run run, tôi đoán bà năm nay cũng trên dưới 80 tuổi rồi. Ngày ấy Bà cũng giống như bao nhiêu những người khác trên thế giới. Riêng người Việt Nam ai lại không nhớ đến nạn đói năm Ất Dậu 1945. Ai lại không chịu cái khổ nhục của một dân tộc sau người Pháp đi, Nhật lại đến chiếm. Việt Nam quê hương tôi cũng đã có hơn 2 triệu người chết thuở bấy giờ. Còn bà Đức này trong cái rủi ro ấy lại có được cái may mắn là sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, nên ngày nay bà mới còn sống sót và hưởng lộc già. Nếu chẳng may còn ở lại Đông Đức cũng phải chịu chung số phận với những người khác và phải chịu khổ lụy hơn, cho đến năm 1989 mới bớt đi được. Nhưng thử hỏi tại sao người ta lại ghét người Đức như vậy? Đây là một câu hỏi mà có rất nhiều cách trả lời khác nhau. Có lẽ vì những gì của nước Đức sản xuất đều có thể liệt vào hạng tốt nhất. Ví dụ như xe Mercedes, BMW, Audi v.v... máy móc, đồ dùng gia dụng hằng ngày chất lượng ít kém thua các nước khác; nên người ta ganh tị chăng? Có lẽ sau kết quả của thời kỳ Hitler cai trị khiến cho 4 hay 5 triệu người Do Thái đều bị giết chết, không một chút thương tâm. Cho nên người ta ghét Đức cũng phải. Hoặc giả người Đức thông minh, có rất nhiều nhà Bác Học như Albert Einstein; những triết gia như Freud, Nietzsche, Herman Hesse v.v... họ là những người làm cho thế giới ngưỡng mộ; nhưng đồng thời cũng làm cho người trên thế giới chẳng ưa gì họ. Một hôm tôi đang đi trên xe lửa, có một ông Đức ngồi bên cạnh gợi chuyện và sau một chặng đường dài hơn mấy trăm cây số, trước khi xuống xe ông ta giúi vào tay tôi 20 Đức Mã và nháy mắt cười, như thầm cho biết rằng: Đây là chút tình người vậy. Rồi cũng một hôm, sau khi làm lễ cầu an cho một cửa tiệm của một người Việt Nam mới khai trương tại một ngôi làng nhỏ nằm giáp giới Hòa Lan; có hai ông bà Đức nghe giảng xong và thấy những người Việt Nam sắp hàng lên cúng dường chúng tôi, thì ông bà cũng làm như vậy và cho hay rằng: Ông bà đã đứng ra bảo trợ cho người Việt Nam từ hơn 30 năm nay; kể từ chuyến tàu Hải Hồng đầu tiên ấy và ông còn khen rằng: Người Việt Nam tốt chẳng ai bằng. Sống có tình cảm và luôn luôn tôn trọng những người già cả. Mấy Thầy đệ tử của tôi sau những lần đi thuyết trình ở những trường học hay các Hội Nhà Thờ; hoặc giả những nơi công cộng khác về cho tôi biết rằng: Nhiều người Đức bảo rằng: Họ hay bị chê bai, bị miệt thị, bị khi dễ bởi những người láng giềng chung quanh biên giới. Trong khi đó người ngoại quốc ở đây lại tốt với họ hơn nhiều v.v... Suốt hơn 30 năm nay chùa Viên Giác tại Hannover, tọa lạc ở khu kỹ nghệ và mỗi lần lễ lạc như Tết, Rằm tháng giêng, Phật Đản, Vu Lan v.v... không lúc nào là dưới 5000 người; xe cộ, người người qua lại, nói năng ồn ào, xả rác v.v... nhưng mới chỉ bị 2 lần người hàng xóm trách khéo mà thôi. Như thế họ quá tốt đấy chứ! Tại sao chúng ta không biết trân quý những điều nầy? Cũng suốt trong thời gian ấy, mỗi năm như vậy có hằng ngàn người Đức đến chùa học Phật, cúng dường và về những năm sau nầy mỗi năm như vậy cả học sinh, sinh viên, lẫn người lớn ở trong nhiều Hội Đoàn khác nhau đến tham quan chùa và học hỏi cả hằng ba, bốn chục ngàn người. Nhưng có mấy người chê trách Phật Giáo hay kỳ thị người ngoại quốc đâu? Riêng tôi, ở Đức từ năm 1977 đến nay chưa gặp điều ấy. Do vậy xin cảm ơn tất cả bằng tấm chân tình này đến nước Đức và đến nhân dân Cộng Hòa Liên Bang Đức. Theo thuyết âm dương, ngũ hành thì cho rằng: Phàm như âm phát triển đến cực thịnh thì âm sẽ suy và dương sẽ bắt đầu phát triển. Sau khi dương phát triển đến điểm cao nhất, lại cũng là lúc trở về lại chỗ suy thoái lúc ban đầu và nhường vị trí ấy cho âm trở lại. Theo triết lý của kinh Dịch cũng thế. “Phàm cái gì cùng thì tắc biến, sau khi biến lại thông và sau khi thông suốt thì trường cửu”. Sau khi trường cửu trở lại đường cùng và cứ thế biến đổi không ngừng theo chu kỳ đã có sẵn nơi thiên nhiên và vạn vật của đất trời. Còn triết thuyết của Phật Giáo thì lại cho rằng: Con người hay vũ trụ vạn hữu tồn tại trên thế gian nầy đều phải trải qua bốn giai đoạn. Đó là: Thành, Trụ, Hoại, Diệt (Không). Vì sao vậy? Vì cái gì có hình tướng đều phải bị chi phối như thế cả. Không có một vật gì sinh ra trên đời này mà tồn tại mãi mãi được. Nghĩa là sau giai đoạn nầy lại đến giai đoạn khác.

Âu Châu cũng có câu tục ngữ: “Sau cơn mưa trời lại sáng” và sau khi sáng lại thay đổi để đi đến mây, mưa, gió v.v... như vậy tiện đây xin ghi lại vài cảm nghĩ về những tấm lòng tốt của người Đức đã có một thời gian như thế.

Viết xong tại Tu Viện Đa Bảo – Úc Đại Lợi Ngày 23 tháng 12 năm 2009 Nhân lần nhập thất thứ bảy tại đây.






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]