Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Phẩm “Tam Ma Địa” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)

09/08/202015:54(Xem: 9545)
16. Phẩm “Tam Ma Địa” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

2.16.Tam Ma Địa - QT

PHẨM “TAM MA ĐỊA”

Phần cuối quyển 413 cho đến phần đầu quyển 414, Hội thứ II.

(Tương đương phẩm “Biện Đại Thừa”, cuối quyển 51-52, Hội thứ I, ĐBN)





 

 

Gợi ý:

Phẩm này có tên là “Tam Ma Địa”, nhưng lại nói nhiều về tướng Đại thừa của Bồ Tát Ma ha tát. Như chúng ta biết các phẩm trước mà chúng ta đã tụng qua, tướng Đại thừa của Bồ Tát Ma ha tát là tất cả các pháp mầu Phật đạo hay 81 khoa danh tướng Bát Nhã, không phải bị giới hạn bởi các giáo pháp như: Sáu pháp Ba la mật, 18 pháp không và các Tam ma địa như phẩm này.

Sở dĩ, phẩm tựa không tương xứng với chính văn là vì phẩm này chỉ nói đến đối tượng chính là Tam ma địa mà thôi. Các phẩm kế nói tiếp tướng Đại thừa Bồ Tát với các pháp môn như “Niệm Trụ Đẳng”, “Tu Trị Địa”… mới liệt kê tất cả các pháp mầu Phật đạo.

 

Tóm lược:

 

(Tướng Đại thừa của Bồ Tát Ma Ha Tát)

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Những gì là tướng Đại thừa Bồ Tát Ma ha tát? Làm thế nào biết được Đại Bồ Tát phát tâm hướng đến Đại thừa? Đại thừa như thế từ chỗ nào ra, đến trụ chỗ nào? Đại thừa như vậy trụ ở nơi nào? Ai nương vào Đại thừa này mà xuất ly?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Trước hết ngươi hỏi rằng “những gì là tướng Đại thừa Bồ Tát Ma ha tát?” Thiện Hiện! Sáu Ba la mật là tướng Đại thừa Bồ Tát Ma ha tát.  Những gì là sáu?  Đó là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự và Bát nhã Ba la mật.

Thiện Hiện! Sao gọi bố thí Ba la mật? Nếu Bồ Tát Ma ha tát đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, tự xả tất cả sở hữu nội ngoại, cũng khuyên người xả sở hữu nội ngoại. Đem căn lành đây cùng tất cả hữu tình đồng chung hồi hướng Nhất thiết trí trí. Thiện Hiện! Đấy là Bồ Tát Ma ha tát bố thí Ba la mật.

Thiện Hiện! Sao gọi tịnh giới Ba la mật? Nếu Bồ Tát Ma ha tát đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, tự thọ trì mười thiện nghiệp đạo, cũng khuyên người thọ trì mười thiện nghiệp đạo. Đem căn lành đây cùng tất cả hữu tình đồng chung hồi hướng Nhất thiết trí trí. Thiện Hiện! Đấy là Bồ Tát Ma ha tát tịnh giới Ba la mật.

Thiện Hiện! Sao gọi an nhẫn Ba la mật? Nếu Bồ Tát Ma ha tát đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện. Tự tu đủ an nhẫn tăng thượng, cũng khuyên người tu đủ an nhẫn. Đem căn lành đây cùng tất cả hữu tình đồng chung hồi hướng Nhất thiết trí trí. Thiện Hiện! Đấy là Bồ Tát Ma ha tát an nhẫn Ba la mật.

Thiện Hiện! Sao gọi tinh tấn Ba la mật? Nếu Bồ Tát Ma ha tát đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện. Tự tu năm Ba la mật kia siêng tu chẳng bỏ, cũng khuyên người đối năm Ba la mật kia siêng tu chẳng bỏ. Đem căn lành đây cùng tất cả hữu tình đồng chung hồi hướng Nhất thiết trí trí. Thiện Hiện! Đấy là Bồ Tát Ma ha tát tinh tấn Ba la mật.

Thiện Hiện! Sao gọi tĩnh lự Ba la mật? Nếu Bồ Tát Ma ha tát đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện. Tự phương tiện khéo léo vào các tĩnh lự, vô lượng, vô sắc, trọn chẳng theo thế lực kia thọ sanh; cũng năng khuyên người phương tiện khéo léo vào các tĩnh lự, vô lượng, vô sắc, chẳng theo thế lực định kia thọ sanh. Đem căn lành đây cùng tất cả hữu tình đồng chung hồi hướng Nhất thiết trí trí. Thiện Hiện! Đấy là Bồ Tát Ma ha tát tĩnh lự Ba la mật.

Thiện Hiện! Sao gọi Bát nhã Ba la mật? Nếu Bồ Tát Ma ha tát đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện. Tự như thật quán sát tất cả pháp tánh, đối các pháp tánh không lấy không đắm; cũng khuyên người như thật quán sát tất cả pháp tánh, đối các pháp tánh không lấy không đắm. Đem căn lành đây cùng tất cả hữu tình đồng chung hồi hướng Nhất thiết trí trí. Thiện Hiện! Đấy là Bồ Tát Ma ha tát Bát nhã Ba la mật.

Thiện Hiện phải biết: Đấy là tướng Đại thừa Bồ Tát Ma ha tát.

 

(18 pháp không là tướng Đại thừa của Bồ Tát Ma ha tát)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Đại thừa Bồ Tát Ma ha tát ấy là nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán vô tán không, bổn tánh không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tánh không, tự tánh không, vô tánh tự tánh không.(Tức 18 pháp không)

- Sao gọi nội không? Nội là nội pháp, tức là nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý. Phải biết trong đây nhãn do nhãn không, chẳng thường, chẳng hoại (trong nghĩa hoại diệt). Cho đến ý do ý không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là nội không.

- Sao gọi ngoại không? Ngoại là ngoại pháp, tức là sắc thanh hương vị xúc pháp.  Phải biết trong đây sắc do sắc không, chẳng thường, chẳng hoại. Cho đến pháp do pháp không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là ngoại không.

- Sao là nội ngoại không? Nội ngoại là pháp nội ngoại, tức sáu pháp nội cùng sáu pháp ngoại (tức 12 xứ). Phải biết trong đây nội pháp do ngoại pháp không, chẳng thường, chẳng hoại. Ngoại pháp do nội pháp không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là nội ngoại không.

- Sao gọi không không? Không này là tất cả pháp (nhất thiết pháp) không. Không đây lại do không không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là không không.

- Sao gọi đại không? Đại là mười phương, tức Đông Tây Nam Bắc, bốn góc, trên dưới. Phải biết trong đây, phương Đông do phương Đông không, chẳng thường, chẳng hoại. Cho đến phương dưới do phương dưới không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là đại không.

- Sao gọi thắng nghĩa không? Thắng nghĩa là Niết bàn. Phải biết trong đây Niết bàn do Niết bàn không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là thắng nghĩa không.

- Sao gọi là hữu vi không? Hữu vi là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Phải biết trong đây cõi Dục do cõi Dục không, chẳng thường, chẳng hoại. Cõi Sắc, Vô sắc do cõi Sắc, Vô sắc không, chẳng thường, chẳng hoại.  Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là hữu vi không.

- Sao gọi là vô vi không? Vô vi là vô sanh vô diệt, vô trụ vô dị. Phải biết trong đây vô vi do vô vi không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là vô vi không.

- Sao gọi tất cánh (rốt ráo) không? Tất cánh là pháp hoàn toàn bất khả đắc. Phải biết trong đây rốt ráo do rốt ráo không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là tất cánh không.

- Sao gọi vô tế không (pháp không biên giới)? Không biên giới nghĩa là không có giới hạn đầu cuối có thể được. Nên biết Không biên giới ở đây do pháp không không biên giới, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là vô tế không.

- Sao gọi tán vô tán không(1)? Tán nghĩa là có buông, có bỏ, có xả, có thể được, Vô tán nghĩa là không buông, không bỏ, không xả có thể được. Nên biết tán vô tán ở đây do pháp không tán vô tán, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là tán vô tán không.

- Sao gọi bổn tánh không? Bổn tánh là hoặc tánh pháp hữu vi, hoặc tánh pháp vô vi; tất cả đều chẳng phải Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát, Như Lai làm ra, cũng chẳng phải người nào khác làm ra, nên gọi bổn tánh. Phải biết trong đây bổn tánh do bổn tánh không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bổn tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là bổn tánh không.

- Sao gọi tự cộng tướng không(2)? Tự tướng là tự tướng tất cả pháp; như biến ngại là tự tướng sắc, lãnh nạp là tự tướng thọ, lấy tượng là tự tướng tưởng, tạo tác là tự tướng hành, liễu biệt là tự tướng thức. Như vậy thảy hoặc tự tướng pháp hữu vi, hoặc tự tướng pháp vô vi, đấy là tự tướng. Cộng tướng là cộng tướng tất cả pháp; như khổ là cộng tướng pháp hữu lậu, vô thường là cộng tướng pháp hữu vi, không, vô ngã là cộng tướng tất cả pháp. Như vậy, thảy có vô lượng cộng tướng. Phải biết trong đây tự cộng tướng do tự cộng tướng không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì cớ sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là tự cộng tướng không.

- Sao gọi nhất thiết pháp (tất cả pháp) không? Nhất thiết pháp là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, có sắc không sắc, có kiến không kiến, có đối không đối, có lậu không lậu, có vi không vi, đấy là nhất thiết pháp. Phải biết trong đây nhất thiết pháp do nhất thiết pháp không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là nhất thiết pháp không.

- Sao gọi bất khả đắc không? Bất khả đắc là trong đây tìm các pháp chẳng thể được. Phải biết trong đây bất khả đắc do bất khả đắc không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là bất khả đắc không.

- Sao gọi vô tánh không? Vô tánh là trong đây không chút tánh có thể được. Phải biết trong đây vô tánh do vô tánh không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh vậy là vậy. Thiện Hiện! Đấy là vô tánh không.

- Sao gọi là tự tánh không? Tự tánh là tự tánh các pháp năng hòa hợp.  Phải biết trong đây tự tánh do tự tánh không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì cớ sao? Vì bản tánh vậy là vậy. Thiện Hiện! Đấy là tự tánh không.

- Sao gọi vô tánh tự tánh không? Vô tánh tự tánh là các pháp không tánh năng hòa hợp ấy, không có tự tánh sở hòa hợp.  Phải biết trong đây vô tánh tự tánh do vô tánh tự tánh không, chẳng thường, chẳng hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Thiện Hiện! Đấy là vô tánh tự tánh không.

Lại nữa, Thiện Hiện! Hữu tánh do hữu tánh không. Vô tánh do vô tánh không. Tự tánh do tự tánh không. Tha tánh do tha tánh không.

- Sao gọi hữu tánh do hữu tánh không? Hữu tánh là pháp hữu vi. Hữu tánh đây do hữu tánh không.

- Sao gọi vô tánh do vô tánh không? Vô tánh là pháp vô vi. Vô tánh đây do vô tánh không.

- Sao gọi tự tánh do tự tánh không? Là tất cả pháp đều tự tánh không. Không đây chẳng phải trí làm ra, chẳng phải kiến làm ra, cũng chẳng phải ai khác làm ra. Đấy là tự tánh do tự tánh không.

- Sao gọi tha tánh do tha tánh không? Nghĩa là tất cả pháp hoặc Phật ra đời hoặc chẳng ra đời, pháp trụ, pháp định, pháp tánh, pháp giới, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, chơn như, tánh chẳng hư dối, tánh chẳng biến khác, thật tế, đều do tha tánh nên không.  Đấy là tha tánh do tha tánh nên không.

Thiện Hiện phải biết: Đấy là tướng Đại thừa Bồ Tát Ma ha tát.

 

(Các Tam ma địa cũng là tướng Đại thừa Bồ Tát Ma ha tát)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Đại thừa Bồ Tát Ma ha tát ấy là vô lượng trăm ngàn vô thượng diệu các Tam ma địa. Tức là Kiện hành Tam ma địa, Bảo ấn Tam ma địa, Sư tử du hý Tam ma địa, Diệu nguyệt Tam ma địa, Nguyệt tràng tướng Tam ma địa, Nhất thiết pháp dũng Tam ma địa, Quán đỉnh Tam ma địa, Pháp giới quyết định Tam ma địa, Quyết định tràng tướng Tam ma địa, Kim cương dụ Tam ma địa, Nhập pháp ấn Tam ma địa, Phóng quang vô vong thất Tam ma địa, Thiện lập định vương Tam ma địa, Phóng quang Tam ma địa, Tinh tiến lực Tam ma địa, Đẳng dũng Tam ma địa, Nhập nhất thiết ngôn từ quyết định Tam ma địa, Đẳng nhập tăng ngữ Tam ma địa, Quán phương Tam ma địa, Tổng trì ấn Tam ma địa, Vô vong thất Tam ma địa, Chư pháp đẳng thú hải ấn Tam ma địa, Biến phú hư không Tam ma địa, Kim cương luân Tam ma địa, Ly trần Tam ma địa, Biến chiếu Tam ma địa, Bất thuấn Tam ma địa, Vô trụ tướng Tam ma địa, Bất tư duy Tam ma địa, Vô cấu đăng Tam ma địa, Vô biên quang Tam ma địa, Phát quang Tam ma địa, Phổ chiếu Tam ma địa, Tịnh kiên định Tam ma địa, Vô cấu quang Tam ma địa, Phát diệu lạc Tam ma địa, Điển đăng Tam ma địa, Vô tận Tam ma địa, Cụ oai quang Tam ma địa, Ly tận Tam ma địa, Vô động Tam ma địa, Vô hà khích Tam ma địa, Nhật đăng Tam ma địa, Tịnh nguyệt Tam ma địa, Tịnh quang Tam ma địa, Phát minh Tam ma địa, Tác sở ưng tác Tam ma địa, Trí tràng tướng Tam ma địa, Kim cương man Tam ma địa, Trụ tâm Tam ma địa, Phổ minh Tam ma địa, Thiện trụ Tam ma địa, Bảo tích Tam ma địa, Diệu pháp ấn Tam ma địa, Nhất thiết pháp bình đẳng tánh Tam ma địa, Xả ái lạc Tam ma địa, Nhập pháp đỉnh Tam ma địa, Phiêu tán Tam ma địa, Phân biệt pháp cú Tam ma địa, Bình đẳng tự tướng Tam ma địa, Ly văn tự tướng Tam ma địa, Đoạn sở duyên Tam ma địa, Vô biến dị Tam ma địa, Vô phẩm loại Tam ma địa, Vô tướng hành Tam ma địa, Ly ế ám Tam ma địa, Cụ hành Tam ma địa, Bất biến động Tam ma địa, Độ cảnh giới Tam ma địa, Tập nhất thiết công đức Tam ma địa, Quyết định trụ Tam ma địa, Vô tâm trụ Tam ma địa, Tịnh diệu hoa Tam ma địa, Cụ giác chi Tam ma địa, Vô biên đăng Tam ma địa, Vô biên biện Tam ma địa, Vô đẳng đẳng Tam ma địa, Siêu nhất thiết pháp Tam ma địa, Quyết phán chư pháp Tam ma địa, Tán nghi võng Tam ma địa, Vô sở trụ Tam ma địa, Nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa, Dẫn phát hành tướng Tam ma địa, Nhất hành tướng Tam ma địa, Ly hành tướng Tam ma địa, Diệu hành tướng Tam ma địa, Đạt chư hữu để tán hoại Tam ma địa, Nhập thi thiết ngữ ngôn Tam ma địa, Giải thoát âm thanh văn tự Tam ma địa, Cự xí nhiên Tam ma địa, Nghiêm tịnh tướng Tam ma địa, Vô tiêu xí Tam ma địa, Cụ nhất thiết diệu tướng Tam ma địa, Bất hỷ nhất thiết khổ lạc Tam ma địa, Vô tịnh hành tướng Tam ma địa, Cụ đà la ni Tam ma địa, Nhiếp phục nhất thiết chánh tánh tà tánh Tam ma địa, Tĩnh tức nhất thiết vi thuận Tam ma địa, Ly ái tắng Tam ma địa, Vô cấu minh Tam ma địa, Cụ kiên cố Tam ma địa, Mãn nguyệt tịnh quang Tam ma địa, Đại trang nghiêm Tam ma địa, Chiếu nhất thiết thế gian Tam ma địa, Định bình đẳng tánh Tam ma địa, Hữu tránh vô tránh bình đẳng lý thú Tam ma địa, Vô sào huyệt vô tiêu xí vô ái lạc Tam ma địa, Quyết định an trụ chơn như Tam ma địa, Ly thân uế ác Tam ma địa, Ly ngữ uế ác Tam ma địa, Ly ý uế ác Tam ma địa, Như hư không Tam ma địa, Vô nhiễm trước như hư không Tam ma địa. Tam ma địa như thế thảy có vô lượng trăm ngàn, đấy là tướng Đại thừa Bồ Tát Ma ha tát.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Vì sao gọi là Kiện hành Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể nạp thọ tất cả cảnh Tam ma địa, có thể mạnh mẽ làm xong vô biên việc thù thắng, có thể dẫn đầu tất cả đẳng trì. Vậy nên gọi là Kiện hành Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Bảo ấn Tam ma địa? Vì Tam ma địa này năng ấn chứng tất cả định. Vậy nên gọi là Bảo ấn Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Sư tử du hý Tam ma địa? Là khi muốn trụ Tam ma địa này, đối các thắng định du hý tự tại. Vậy nên gọi là Sư tử du hý Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Diệu nguyệt Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, như trăng tròn sáng soi khắp các định. Vậy nên gọi là Diệu nguyệt Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nguyệt tràng tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể đảm nhận gìn giữ khắp các tướng thù thắng của định. Vậy nên gọi là Nguyệt tràng tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhất thiết pháp dũng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể phát ra khắp tất cả định thù thắng. Vậy nên gọi là Nhất thiết pháp dũng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Quán đỉnh Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể quán sát khắp tất cả đảnh định. Vậy nên gọi là Quán đỉnh Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Pháp giới quyết định Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể đối với pháp giới quyết định chiếu rõ. Vậy nên gọi là Pháp giới quyết định Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Quyết định tràng tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể quyết định thọ trì các tràng tướng của định. Vậy nên gọi là Quyết định tràng tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Kim cương dụ Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể phá trừ các định mà những pháp khác không thể nhiếp phục được. Vậy nên gọi là Kim cương dụ Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhập pháp ấn Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khắp năng chứng vào tất cả pháp ấn. Vậy nên gọi là Nhập pháp ấn Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Phóng quang vô vong thất Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, phóng ánh sáng định thù thắng chiếu đến các loài hữu tình làm cho họ nhớ lại những pháp đã từng lãnh thọ. Vậy nên gọi là Phóng quang vô vong thất Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Thiện lập định vương Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các định vương khéo năng kiến lập. Vậy nên gọi là Thiện lập định vương Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Phóng quang Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể phát ra ánh sáng của các định. Vậy nên gọi là Phóng quang Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tinh tấn lực Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể phát ra sức mạnh tinh tấn của các định. Vậy nên gọi là Tinh tấn lực Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Đẳng dũng Tam ma địa? Là nếu khi trụ tam ma địa này, khiến các đẳng trì bình đẳng phát hiện. Vậy nên gọi là Đẳng dũng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhập nhất thiết ngôn từ quyết định Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối với các ngôn từ quyết định hiểu rõ. Vậy nên gọi là Nhập nhất thiết ngôn từ quyết định Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Đẳng nhập tăng ngữ Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối tên các định khắp năng ngộ vào giải thích lý thú rõ ràng. Vậy nên gọi là Đẳng nhập tăng ngữ Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Quán phương Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối với các phương pháp của định có thể quán chiếu khắp. Vậy nên gọi là Quán phương Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tổng trì ấn Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể giữ gìn tất cả các diệu ấn của các định. Vậy nên gọi là Tổng trì ấn Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô vong thất Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối tướng các định đều không quên mất. Vậy nên gọi là Vô vong thất Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Chư pháp đẳng thú hải ấn Tam ma địa? Là nếu trụ Tam muội này, làm cho các định thù thắng đều hướng vào như biển cả tóm thâu các dòng nước. Vậy nên gọi là Chư pháp đẳng thú hải ấn Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Biến phú hư không Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, ở trong các định trùm khắp, có thể che chở, bảo hộ như nhau, giống như hư không. Vậy nên gọi là Biến phú hư không Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Kim cương luân Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khắp năng nắm giữ tất cả thắng định khiến chẳng tán hoại như bánh xe kim cương.  Vậy nên gọi là Kim cương luân Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Ly trần Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, năng diệt tất cả phiền não dơ bẩn ràng buộc. Vậy nên gọi là Ly trần Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Biến chiếu Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khắp soi các định khiến rất sáng rõ. Vậy nên gọi là Biến chiếu Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Bất thuấn Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, chẳng còn mong cầu định khác, pháp khác nữa. Vậy nên gọi là Bất thuấn Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô tướng trụ Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, chẳng thấy trong các định có chút pháp khá trụ. Vậy nên gọi là Vô tướng trụ Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Bất tư duy Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, không bị các pháp tâm tâm sở hạ liệt làm lay chuyển. Vậy nên gọi là Bất tư duy Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô cấu đăng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, như cầm đèn sáng soi rõ các định. Vậy nên gọi là Vô cấu đăng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô biên quang Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể phóng ánh sáng lớn soi sáng không ngằn mé. Vậy nên gọi là Vô biên quang Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Phát quang Tam ma địa? Là nếu khi trụ đẳng trì (định) vô gián này, có thể phát ra ánh sáng tất cả thắng định. Vậy nên gọi là Phát quang Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Phổ chiếu Tam ma địa? Là nếu khi trụ đẳng trì vô gián này, tức năng soi khắp các môn thắng định. Vậy nên gọi là Phổ chiếu Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tịnh kiên định Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, được tánh bình đẳng thanh tịnh của các đẳng trì. Vậy nên gọi là Tịnh kiên định Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô cấu quang Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể tẩy trừ hết cấu uế của tất cả định. Vậy nên gọi là Vô cấu quang Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Phát diệu lạc Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, lãnh thọ niềm vui vi diệu tất cả đẳng trì. Vậy nên gọi là Phát diệu lạc Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Điển đăng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, soi các đẳng trì như điện sáng rực.  Vậy nên gọi là Điển đăng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô tận Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, dẫn đến vô tận công đức các đẳng trì mà không thấy tướng tận hay không tận của nó. Vậy nên gọi là vô tận Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Cụ oai quang Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối với các đẳng trì oai quang đầy đủ. Vậy nên gọi là Cụ oai quang Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Ly tận Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, xa lìa tướng tận hay không tận của tất cả các đẳng trì. Vậy nên gọi là Ly tận Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô động Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khiến các đẳng trì không lay động cũng không hý luận. Vậy nên gọi là Vô động Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô hà khích Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, thấy các đẳng trì không tỳ vết. Vậy nên gọi là Vô hà khích Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhật đăng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, thấy các định môn phát sáng soi khắp như mặt trời. Vậy nên gọi là Nhật đăng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tịnh nguyệt Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, thấy các đẳng trì xua tan bóng tối như ánh trăng. Vậy nên gọi là Tịnh nguyệt Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tịnh quang Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối tất cả đẳng trì được bốn sự hiểu biết thông suốt. Vậy nên gọi là Tịnh quang Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Phát minh Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, làm cho các môn định phát ánh sáng chiếu khắp. Vậy nên gọi là Phát minh Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tác sở ưng tác Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này làm xong các việc nên làm của các đẳng trì, lại hoàn thành các việc làm của định. Vậy nên gọi là Tác sở ưng tác Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Trí tràng tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, thấy diệu trí tràng tướng các đẳng trì. Vậy nên gọi là Trí tràng tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Kim cương man Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, tuy năng thông đạt tất cả pháp mà chẳng thấy có tướng thông đạt. Vậy nên gọi là Kim cương man Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Trụ tâm Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, tâm chẳng lay động, chẳng chuyển, chẳng soi, cũng chẳng tổn giảm, chẳng nghĩ có tâm. Vậy nên gọi là Trụ tâm Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Phổ minh Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể quán chiếu rõ khắp các định. Vậy nên gọi là Phổ minh Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Thiện trụ Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì khéo hay an trụ. Vậy nên gọi là Thiện trụ Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Bảo tích Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, xem các đẳng trì đều như đống ngọc báu. Vậy nên gọi là Bảo tích Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Diệu pháp ấn Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể ấn chứng các đẳng trì, vì đem không ấn mà ấn chứng. Vậy nên gọi là Diệu pháp ấn Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhất thiết pháp bình đẳng tánh Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, chẳng thấy có pháp lìa tánh bình đẳng. Vậy nên gọi là Nhất thiết pháp bình đẳng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Xả ái lạc Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối với tất cả pháp xả bỏ các ưa thích. Vậy nên gọi là Xả ái lạc Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhập pháp đỉnh Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối tất cả pháp năng trừ ám chướng, cũng đối các định năng làm thượng thủ. Vậy nên gọi là Nhập pháp đỉnh Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Phiêu tán Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, thổi tan tất cả chấp định, chấp pháp. Vậy nên gọi là Phiêu tán Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Phân biệt pháp cú Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khéo năng phân biệt pháp cú các định. Vậy nên gọi là Phân biệt pháp cú Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Bình đẳng tự tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, được tự tướng bình đẳng của các đẳng trì. Vậy nên gọi là Bình đẳng tự tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Ly văn tự tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì chẳng đắc một chữ. Vậy nên gọi là Ly văn tự tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Đoạn sở duyên Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đoạn tuyệt tướng cảnh sở duyên các đẳng trì. Vậy nên gọi là Đoạn sở duyên Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô biến dị Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, chẳng đắc các tướng biến dị của các pháp. Vậy nên gọi là Vô biến dị Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô phẩm loại Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, chẳng thấy tướng riêng phẩm loại các pháp. Vậy nên gọi là Vô phẩm loại Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô tướng hành Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối tướng các định đều vô sở đắc. Vậy nên gọi là Vô tướng hành Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Ly ế ám Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, diệt trừ hết bóng tối của các định. Vậy nên gọi là Ly ế ám Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Cụ hành Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối với hành các định đều không kiến chấp. Vậy nên gọi là Cụ hành Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Bất biến động Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì chẳng thấy biến động. Vậy nên gọi là Bất biến động Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Độ cảnh giới Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, vượt khỏi cảnh giới sở duyên các đẳng trì. Vậy nên gọi là Độ cảnh giới Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tập nhất thiết công đức Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, có thể nhóm hợp các công đức của định, đối với tất cả pháp đều không còn tập tưởng (nhớ tưởng). Vậy nên gọi là Tập nhất thiết công đức Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Quyết định trụ Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các định tâm tuy quyết định trụ, mà biết tướng kia trọn bất khả đắc. Vậy nên gọi là Quyết định trụ Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô tâm trụ Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, tâm không lay chuyển, không đọa lạc. Vậy nên gọi là Vô tâm trụ Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tinh diệu hoa Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khiến các đẳng trì đều được thanh tịnh, nghiêm sức sáng rõ in như diệu hoa. Vậy nên gọi là Tịnh diệu hoa Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Cụ giác chi Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, làm cho việc tu tập bảy giác chi của tất cả định mau viên mãn. Vậy nên gọi là Cụ giác chi Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô biên đăng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối với tất cả pháp đều có thể chiếu soi giống như đèn sáng. Vậy nên gọi là Vô biên đăng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô biên biện Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối tất cả pháp được biện tài vô biên. Vậy nên gọi là Vô biên biện Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô đẳng đẳng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối với các đẳng trì được tánh bình đẳng, cũng làm cho các định thành vô đẳng đẳng. Vậy nên gọi là Vô đẳng đẳng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Siêu nhất thiết pháp Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khắp vượt qua các pháp ba cõi. Vậy nên gọi là Siêu nhất thiết pháp Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Quyết phán chư pháp Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối với các định thù thắng và tất cả pháp, hay vì hữu tình phán quyết như thật. Vậy nên gọi là Quyết phán chư pháp Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tán nghi võng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì và tất cả pháp có bao lưới nghi đều năng trừ tan hết. Vậy nên gọi là Tán nghi võng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô sở trụ Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, chẳng thấy các pháp có chỗ sở trụ. Vậy nên gọi là Vô sở trụ Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, chẳng thấy các pháp hai tướng khá lấy. Vậy nên gọi là Nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Dẫn phát hành tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì và tất cả pháp, dù năng dẫn phát nhiều thứ hành tướng mà đều chẳng thấy kẻ năng dẫn phát. Vậy nên gọi là Dẫn phát hành tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhất hành tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, thấy các đẳng trì không hai hành tướng. Vậy nên gọi là Nhất hành tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Ly hành tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, thấy các đẳng trì đều vô hành tướng. Vậy nên gọi là Ly hành tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Diệu hành tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khiến các đẳng trì sanh khởi diệu hành tướng. Vậy nên gọi là Diệu hành tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Đạt chư hữu để tán hoại Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì và tất cả pháp được trí thông đạt như thật ngộ vào; đã được vào rồi, đối các hiển pháp phá tan thông suốt khiến không còn thừa sót. Vậy nên gọi là Đạt chư hữu để tán hoại Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhập thi thiết ngữ ngôn Tam ma địa? Là nếu khi trụ tam ma địa này, ngộ vào tất cả pháp Tam ma địa rồi, thi thiết ra lời nói không mắc không ngại. Vậy nên gọi là Nhập thi thiết ngữ ngôn Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Giải thoát âm thanh văn tự Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, thấy các tướng vắng diệt các đẳng trì giải thoát tất cả âm thanh văn tự. Vậy nên gọi là Giải thoát âm thanh văn tự Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Cự xí nhiên Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối với các đẳng trì oai quang chiếu sáng rực rỡ. Vậy nên gọi là Cự xí nhiên Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nghiêm tịnh tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, được tướng nghiêm tịnh, nghĩa là đối các tướng đều hay trừ diệt. Vậy nên gọi là Nghiêm tịnh tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô tiêu xí Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì chẳng thấy nêu cờ. Vậy nên gọi là Vô tiêu xí Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Cụ nhất thiết diệu tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, diệu tướng các định không tướng nào chẳng đầy đủ. Vậy nên gọi là Cụ nhất thiết diệu tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Bất hỷ nhất thiết khổ lạc Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối tướng khổ vui các đẳng trì chẳng ưa thích quan sát. Vậy nên gọi là Bất hỷ nhất thiết khổ lạc Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô tận hành tướng Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, chẳng thấy hành tướng các định có diệt tận. Vậy nên gọi là Vô tận hành tướng Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Cụ đà la ni Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, năng tổng nắm giữ thắng sự các định. Vậy nên gọi là Cụ đà la ni Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Nhiếp phục nhất thiết chánh tánh tà tánh Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì chánh tánh tà tánh, nhiếp phục các kiến đều khiến chẳng sanh khởi.  Vậy nên gọi là Nhiếp phục nhất thiết chánh tánh tà tánh Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Tĩnh tức nhất thiết vi thuận Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì và tất cả pháp đều chẳng thấy có tướng trái thuận. Vậy nên gọi là Tĩnh tức nhất thiết vi thuận Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Ly tắng ái Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì và tất cả pháp đều chẳng thấy có tướng ưa ghét. Vậy nên gọi là Ly tắng ái Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô cấu minh Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì đều chẳng thấy có tướng trong tướng đục. Vậy nên gọi là Vô cấu minh Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Cụ kiên cố Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khiến các đẳng trì đều được bền chắc.  Vậy nên gọi là Cụ kiên cố Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Mãn nguyệt tịnh quang Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khiến các đẳng trì công đức hơn thêm như trăng tròn đầy, thì nước biển dâng cao. Vậy nên gọi là Mãn nguyện tịnh quang Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Đại trang nghiêm Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, làm cho các đẳng trì thành tựu các việc đại trang nghiêm, hy hữu, vi diệu. Vậy nên gọi là Đại trang nghiêm Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Chiếu nhất thiết thế gian Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, soi các đẳng trì và tất cả pháp, khiến loại hữu tình đều được khai sáng, hiểu biết. Vậy nên gọi là Chiếu nhất thiết thế giam Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Định bình đẳng tánh Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, chẳng thấy đẳng trì tụ tán sai khác. Vậy nên gọi là Định bình đẳng tánh Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Hữu tránh vô tránh bình đẳng lý thú Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, không thấy các pháp và tất cả định có tranh không tranh tánh tướng sai khác. Vậy nên gọi là Hữu tránh vô tránh bình đẳng lý thú Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô sào huyệt vô tiêu xí vô ái lạc Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, phá trừ các sào huyệt, xả bỏ các cờ xí, đoạn trừ các ưa thích mà không chấp trước. Vậy nên gọi là Vô sào huyệt vô tiêu xí vô ái lạc Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Quyết định an trụ chơn như Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các đẳng trì và tất cả pháp thường chẳng bỏ rời chơn như thật tướng. Vậy nên gọi là Quyết định an trụ chơn như Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Ly thân uế ác Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khiến các đẳng trì xa lìa thân nghiệp xấu ác. Vậy nên gọi là Ly thân uế ác Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Ly ngữ uế ác Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khiến các đẳng trì xa lìa khẩu nghiệp xấu ác. Vậy nên gọi là Ly ngữ uế ác Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Ly ý uế ác Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, khiến các đẳng trì xa lìa ý nghiệp xấu ác. Vậy nên gọi là Ly ý uế ác Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Như hư không Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, đối các hữu tình khắp năng nhiêu ích mà tâm bình đẳng như hư không. Vậy nên gọi là Như hư không Tam ma địa.

- Vì sao gọi là Vô nhiễm trước như hư không Tam ma địa? Là nếu khi trụ Tam ma địa này, quán tất cả pháp đều vô sở hữu như hư không trong sạch, không ô nhiễm, không chấp trước. Vậy nên gọi là Vô nhiễm trước như hư không Tam ma địa.

Thiện Hiện! Như vậy thảy có vô lượng trăm ngàn thù thắng Tam ma địa mầu nhiệm hiếm có. Phải biết, đấy là tướng Đại thừa Bồ Tát.(3)

 

Thích nghĩa:

(1). Tán vô tán không: Tán là một pháp riêng và Vô tán là một pháp riêng trong 18 pháp không. Đoạn Kinh nói trong phẩm “Tam ma địa” gộp chung lại làm một pháp và gọi là Tán vô tán không, có thể làm cho độc giả ngỡ ngàng!

(2). Tự cộng tướng không: Tự là tự tướng, Cộng là cộng tướng, cũng giống như giải thích trên: Đó là hai pháp trong 18 pháp không, gộp chung nên gọi là tự cộng tướng không. Để cho dễ hiểu có thể dịch là “tự tướng cộng tướng không”.

(3). Muốn hiểu thêm về các tam muội này, xin đọc Đại Trí Độ Luận của Bồ Tát Long Thọ, phẩm thứ 19, “Quảng Thừa”(Thừa rộng lớn), tập 3, quyển 48.

 

Sơ giải:

 

Phẩm này Thế Tôn trả lời phần đầu câu hỏi của Cụ thọ Thiện Hiện “Những gì là tướng Đại thừa của Bồ Tát Ma ha tát?”

 

Câu trả lời ngắn gọn là:

1. Sáu pháp Ba la mật: Bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự và Bát nhã Ba la mật;

2. Mười tám pháp Không và

3. Vô lượng Tam ma địa mầu nhiệm thù thắng.  

 

1. Sáu pháp Ba la mật: Bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự và Bát nhã Ba la mật:

Không những kinh liên tiếp thuyết sáu pháp Ba la mật trong các phẩm: “Sáu Pháp Đáo Bỉ Ngạn”, “Đại Thừa”, “Không Buộc Không Mở” và phẩm “Tam Ma Địa” trong Hội thứ II này mà rải rác trong 5 Hội đầu, chỗ nào Phật cũng nhắc đi nhắc lại sáu pháp tu tối thượng này. Ở đây, một lần nữa Phật lại thuyết về sáu pháp Ba la mật này. Vì sao? Vì nói đến tướng Đại thừa của Bồ Tát Ma ha tát mà không nói đến lục Ba la mật là một thiếu sót lớn. Không có Ba la mật không có Phật, không có Bồ Tát, không có Phật đạo. Điểm đặc biệt cần lưu ý là sáu pháp này được Đại Bát Nhã Ba La Mật thuyết riêng trong sáu pháp hội cuối cùng từ Pháp hội thứ XI cho đến pháp hội thứ XVI. Mỗi pháp hội là một Ba la mật. Điều đó chứng tỏ tánh cách cực kỳ quan trọng của sáu pháp này của Đại thừa nói riêng và Phật đạo nói chung.

 

2. Kế đến trong phẩm này Phật thuyết 18 pháp Không : Nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không.

Các pháp Không này đã được giải thích tỉ mỉ ở các Hội trước, nhất là trong “Phần thứ I Tổng luận” rồi. Tuy nhiên, vì tánh cách quan trọng của nó trong việc giải thích “nhất thiết pháp không”, chủ trương vô tiền khoáng hậu của Phật, nên ở đây chúng tôi dẫn chứng lời chiết giải 18 pháp không do Bồ Tát Long Thọ quản diễn trong Đại Trí Độ Luận, để quý vị đọc tụng thọ trì. Nếu không hiểu 18 pháp không thì không thể học Bát nhã Ba la mật được. Đó là câu nói nghiêm túc.

Không học, không thông đạt 18 pháp không, thì không có Giác ngộ, không đạt Nhất thiết trí trí, không chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Xin quý vị quay lại phẩm “Biện Đại Thừa”, Đoạn một, Phân đoạn một, Hội thứ I, ĐBN đọc phần giải luận của Bồ Tát Long Thọ trong Đại Trí Độ Luận về “18 Pháp Không”.

 

3. Các Tam ma địa còn được gọi là Tam Muội (三昧), Tam Ma Đề (三摩提), Tam Ma Đế (三摩帝), Tam Ma Để (三摩底), Tam Muội Địa (三昧地), v.v…; ý dịch là Đẳng Trì (等持), Chánh Định (正定), Chánh Ý (定意), Điều Trực Định (調直定), Chánh Tâm Hành Xứ (正心行處), Định (); nghĩa là xa lìa hôn trầm, trạo cử, là tác dụng của tinh thần, tâm chuyên trú vào một cảnh, không tán loạn.

Tam Ma Địa là một trong 75 pháp, hay 108 pháp, mà Phật cho là tướng Đại Thừa của Bồ Tát Ma ha tát. Chúng tôi có giải thích sơ trên mặt nổi của các pháp tu nầy hơn là thực chứng. Trong “Phần thứ I Tổng luận” đã giải thích rồi, dựa theo sách vở, không đi sâu vào chi tiết. Thí du: Một trong Tam muội phổ thông mà chúng ta thường đề cập trong Đại Bát Nhã là Tam giải thoát môn, Tam chủng tam muội; Tam chủng đẳng trì. Đó là Không giải thoát môn, Vô tướng giải thoát môn và Vô nguyện giải thoát môn. Kinh có giải thích tỉ mỉ. Ai chứng được Tam muội này thì có thể bước qua cửa giải thoát.

 

Vì vậy, ba giáo pháp: Lục Ba la mật, 18 pháp môn và các Tam ma địa mới được xem là tướng Đại thừa của Bồ Tát Ma ha tát./.

 

---o0o---

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]