Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vai trò của người Tăng Sĩ đối với vấn đề tổ chức

13/07/202019:56(Xem: 10550)
Vai trò của người Tăng Sĩ đối với vấn đề tổ chức

htnhudien (51)htnhudien (56)htnhudien (57)

Vai trò của người Tăng Sĩ đối với vấn đề tổ chức


Bài viết của HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước




(Bài tham luận đọc tại Tu Viện An Lạc – Ventura California – Hoa Kỳ nhân Lễ Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư ngày
20 tháng 9 năm 2009)

Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão,
Kính bạch Quý Ngài, Kính thưa Quý Vị,

Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã thành lập Giáo Đoàn ở nhiều nơi trên đất Ấn, tùy theo mỗi thời điểm và mỗi hoàn cảnh khác nhau về việc tu học của Tăng Đoàn. Tuy giới luật và phép lục hòa là giềng mối của người Tăng Sĩ khi sống chung đụng với nhau trong một môi trường; nhưng thuở ấy không phải chỉ có một Giáo Đoàn duy nhất của Đức Phật, mà còn có giáo đoàn của Đề Bà Đạt Đa và Da Xá lãnh đạo nữa. Một giáo đoàn gồm 1.250 vị không phải là một đoàn thể nhỏ của lúc ấy, mà ngay cả bây giờ, con số ấy cũng là một con số đáng lưu tâm, nhất là vấn đề ăn, ở, đi lại v.v... Thuở ấy cũng có rất nhiều người thấy đời sống của Tăng Sĩ được trọng vọng cũng như được nhiều người cúng dường. Do vậy đã có rất nhiều Cư Sĩ muốn bỏ tục xuất gia. Đức Phật rõ biết điều nầy; nên đã đưa ra nguyên tắc „tứ y“ để, nếu ai muốn sống đời sống giải thoát, thì phải nương tựa vào đó. Thứ nhất là ăn ngày một bữa. Đây là đời sống của một vị Khất Sĩ, mà cho đến nay một số quốc gia Phật Giáo Nam Tông vẫn còn hành trì. Ngay cả Du Tăng Khất Sĩ của Việt Nam sống trong nước cũng đã tập theo hạnh nầy. Thứ nhì là đời sống không cố định, rày đây mai đó, không trụ lại một nơi nào nhứt định; ngoại trừ mùa An Cư Kiết Hạ trong mỗi năm ba tháng. Đời sống phạm hạnh ấy dựa vào tinh thần vô trụ và an lập nơi „không nhàn tịnh xứ“ là chính. Thứ ba là ăn xong lại ngủ dưới gốc cây. Xứ Ấn Độ là xứ nhiệt đới. Ngay cả mùa Đông hầu như chẳng có nơi nào nhiệt độ ở dưới 10°C. Nên việc nầy người Tăng sĩ có thể lưu ngụ tạm thời được, mà không sợ có hại cho vấn đề sức khỏe. Thứ tư là tài sản riêng của một người xuất gia chỉ có 3 y và một bình bát. Vì „tứ đại giai không“; nên chẳng phải giữ riêng cho mình một vật gì cả. Ngay cả những vật nầy sau khi chết cũng chẳng phải cần mang theo nữa. Nếu người mất không bị bịnh dễ lây lan, thì y bát kia có thể để lại cho „Thập Phương Tăng“ dùng tiếp. Đây là bốn điều căn bản để ngày xưa trở thành một vị Tăng Sĩ. So ra với ngày nay, sau hơn 2.500 năm lịch sử truyền thừa, thời gian và không gian khác nhau rất nhiều; nhưng xét về căn bản vẫn không khác biệt mấy. Vì lẽ mục đích giải thoát thì ở mọi thời điểm đều giống nhau; chỉ có phương tiện mang đến sự giải thoát ấy thì có vài điều trong những điều trên đã khác biệt từ lâu rồi; nhất là khi Phật Giáo được truyền đến những xứ phương Bắc Ấn Độ; khí hậu tại đó rất khắc nghiệt hơn; nên không thể ngày ăn một bữa được và sau khi ăn xong cũng chẳng thể ngủ dưới gốc cây được. Vì mùa Đông ở những gốc cây miền Bắc Trung Quốc, Tây Tạng cũng bị đông đá. Do vậy mà đời sống tự viện tại các nước mà Phật Giáo mới được du nhập vào, phải có cách tổ chức khác, mới có thể tồn tại trong thế gian được. Do vậy các vị Tổ Sư Trung Hoa đã tổ chức Tăng Viện và đời sống Tăng Sĩ nề nếp hơn; không cần đi hành cước như ở Ấn Độ nữa, mà người Tăng Sĩ ấy an trụ dài lâu hơn trong Sơn Môn. Ngoài ra vì khí hậu khắc nghiệt; nên ngày ăn ba bữa để giữ quân bình nhiệt độ cho thân thể. Tuy nhiên buổi cơm chiều vẫn là bữa cơn khi ăn phải sanh tâm xấu hổ. Vì đây không phải là việc của người xuất gia theo như luật Phật đã chế. Do vậy ngoài giới và luật của Phật ra, chư Tổ tại các nơi nầy đã chế thêm Nghi và Quy nữa. Giới, chắc chắn không ai trong chúng ta có quyền sửa đổi. Luật, Phật đã dạy cho Ngài A Nan có quyền thay đổi tùy theo phong tục và hoàn cảnh. Còn Nghi và Quy là do con người lập ra. Cho nên con người cũng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh của mỗi đất nước. Trong những ngôi Tổ Đình của Phật Giáo Bắc Tông thường có rất nhiều người tu tập và nhiều chức vụ khác nhau để đảm nhận phần vụ của mình. Ví dụ như: Tri viên, Tri khách, Tri tạng, Tri khố, Tri thơ, Hương Đăng, Vận Thủy, Ban Sài, Duy Na, Duyệt Chúng, Tri Sự, Giám Tự, Trụ Trì, Phương Trượng v.v… mỗi vị như thế sẽ được cắt cử tùy theo khả năng của mình và sẽ được thay đổi nhân những Lễ Bố Tát hay họp chúng mỗi tháng hai lần. Vị nào làm việc với tinh thần trách nhiệm được chúng lý tin tưởng thì sẽ được tiếp tục với những việc của mình. Nếu chểnh mãn, thiếu tinh thần trách nhiệm thì trách vụ ấy sẽ được thay thế bởi những người khác. Những chùa được vua quan xây dựng và thỉnh Chư Tăng Trụ Trì, được gọi là Chùa Sắc Tứ. Còn những nơi có danh tiếng thường được các vị Tăng Cang, Hòa Thượng lãnh đạo. Đa phần chùa viện tại Trung Quốc và Việt Nam đều do những người giàu có, hảo tâm đóng góp để xây dựng nên, sau đó thỉnh các vị Tăng về Trụ Trì; nhưng cũng có rất nhiều chùa do các vị Tổ Sư đứng ra tạo dựng những am tranh để tu hành, sau dần dà với uy tín của vị Tổ ấy, chốn Già Lam kia đã trở thành Tổ Đình của một môn phái. Những chốn Già Lam nầy đều do chư Tăng lãnh đạo, không qua một Ban Quản Trị của Cư Sĩ; nên rất độc lập về mọi phương diện tài chánh cũng như hành chánh. Thông thường trong các chùa lớn như thế có chế độ Đàn Gia và Tín Đồ. Đàn Gia hay Đàn Việt là những đại thí chủ, lo hộ trì Tam Bảo cho chùa đó. Còn Tín đồ là những người có tín tâm đối với Đạo, khi nào có những lễ lộc gì trọng đại hay 14, rằm; 30, mồng một thường hay lui tới chùa và họ không có trách nhiệm trực tiếp đối với ngôi chùa ấy. 

Ở Ấn Độ ngày xưa. Chư Tăng sống đời „nhàn cư tịnh cảnh“, chỉ lo đi khất thực, sống đời phạm hạnh, hành trì giữ giới; khi sang đến Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam thì người Tăng Sĩ phải dấn thân vào đời nhiều hơn nữa; không phải chỉ có bốn nơi nương tựa như thời Đức Phật thuở ban sơ, mà Chư Tăng đôi khi là những người lãnh đạo quần chúng trong nhiều phong trào học Phật; giúp đỡ dân trí về văn hóa, xã hội, từ thiện v.v… Rồi một ngày, Đạo Phật được lan rộng khắp các cõi trời Âu Mỹ. Dĩ nhiên trước đây đã nhờ các bậc Đại Sư Nhật Bản như Suzuki Daietsu; các Thiền Sư của Tào Động và Lâm Tế đã có mặt tại New York, Hawai, Paris, Moscow v.v… hay những nhà triết học lừng danh của Đức, của Pháp có triết lý vốn không xa mấy với quan điểm của Đức Phật như: Kant, Decartes, Nietzsche, Hermann Hesse, Sophenhauer v.v… Rồi những Bác học triết gia hiện đại như Albert Einstein, Stephen Hawking… Họ là những người đã đi trên thượng tầng của xã hội và đã sống nơi hình nhi thượng học của loài người. Nên họ đã ảnh hưởng thế giới phương Tây nói riêng và nhân loại nói chung trên quả địa cầu nầy không ít. Dân chúng đa phần khi theo Đạo Phật đều nghĩ rằng: Đây là một Tôn Giáo có một triết lý hay, một nhân sinh quan tốt đẹp, một lối sống từ bi, lợi tha… Điều nầy cũng dễ hiểu. Vì nơi đây, tại phương Tây nầy họ đã được đào luyện cũng như giáo dục bởi một chủ nghĩa hữu thần. Còn Phật Giáo phóng khoáng hơn, tự tin nơi mỗi người sẽ là một vị Phật trong tương lai, như Đức Phật vẫn thường tuyên bố. Niềm hy vọng và sự tự tin ấy đã làm cho người ta được tự cởi trói lấy mình. Trong lúc đó Á Châu chúng ta chỉ có tin, chứ không cần đặt vị trí của Đức Tin ấy. Tất cả đều phó thác cho vị Tăng Sĩ là xong. Vì họ đã có cầu nguyện và đã dâng lễ cúng dường để tạo phước. Ở đây Đông Tây có rất nhiều điều khác biệt. Tuy rằng những người Phật Tử ấy đang đi trên con đường giác ngộ, mà Đức Thế Tôn đã chỉ bày. Đến giai đoạn nầy vai trò của người Tăng Sĩ trong những Tổ Chức nó không chỉ dừng lại ở việc hướng đạo, chỉ bày mà còn đòi hỏi ở khả năng ngoại ngữ, giao tế, đức tu, ảnh hưởng, tổ chức v.v... Quả thật, quả đất thật rộng, mặt trời thật cao, mặt trăng thật sáng. Những chứng nhân ấy sẽ giúp cho người Tăng Sĩ tự tin nơi mình hơn để dấn thân vào giữa chốn hồng trần nầy. Đã có không biết bao nhiêu chiến sĩ áo vàng, áo lam, áo nâu, áo đen của nhiều dân tộc Phật Giáo đến từ Phương Đông trong 2 thế kỷ qua, đã có người độ đời thật thành công tốt đẹp; nhưng cũng có rất nhiều người bị đời độ; nên đã nhụt chí „xuất trần thượng sĩ“ phải trở về lại với gió nội mây ngàn và chấp nhận vai trò hộ đạo, hơn là hướng dẫn quần sanh. Kính bạch Chư Tôn Đức, Kính thưa Quý Vị, Ở đây chúng tôi muốn nêu lên những ưu và khuyết điểm của con người, môi trường và hoàn cảnh; để rồi từ đó sẽ đưa ra những đề nghị và phương pháp nhằm thực hiện nếp sống Đạo trong thời kỳ vật chất dư thừa, trong khi đời sống tâm linh lại đi xuống như thế nầy. Quả là điều chưa bao giờ lịch sử của Phật Giáo đã gặp phải trong quá khứ như thế. - Về ưu điểm: Âu, Mỹ, Úc, Phi đất đai rất rộng rãi, dân cư ít hơn Châu Á. Con người ở đây có cái nhìn thực tiển hơn và phóng khoán hơn cái nhìn gò bó của Đông Phương. Triết học ở đây là triết Tam Đoạn Luận, Nhị Nguyên Luận, Nhứt Nguyện Luận, Triết học hiện sinh, Triết học tâm lý v.v... Đời sống vật chất quá dư thừa. Họ tự do ở mọi phương diện như Tôn Giáo, tình yêu, chính trị, học đường v.v... Do vậy những đất nước nầy là cơ hội cho những người có khả năng để phát triển. Nơi đây dành cho những người có cơ hội kinh doanh buôn bán làm giàu hơn bất cứ nơi nào tại Á Châu. Nhưng so với người Tăng Sĩ đến từ Á Châu thì phải hội nhập như thế nào về những môi trường chung quanh của mình như trong hiện tại ? - Về yếu điểm: Đa phần những Tăng Sĩ đến từ Á Châu ngoại ngữ không thích hợp với người địa phương. Vì họ chỉ biết những cổ ngữ Á Châu như chữ Hán, tiếng Sanscrit, Pali, Nhật ngữ, Tây Tạng. Trong khi đó những gì người Tây Phương cần, họ không cung ứng đầy đủ. Trừ một số rất ít những vị Sư giỏi Anh ngữ thì có hai loại quần chúng cận kề. Đó là người địa phương và thứ đến là người di dân đến từ Châu Á. Nhưng thế hệ di dân cũng sẽ hòa nhập vào đời sống của người bản địa. Nhiều lắm là đến đời thứ hai, thứ ba là đã bị đồng hóa về ngôn ngữ, phong tục, tập quán rồi. Do vậy những người mang Đạo vào đời nên cần nắm rõ vấn đề nầy. Vòng quay của những xã hội Âu Mỹ nầy rất táo bạo; ai chịu đựng nổi vòng quay ấy thì còn ở bên trong; nhưng đa phần bị vòng quay kia đào thải ra ngoài. Bởi lý do là người đến từ phương Đông muốn mang quan niệm của phương Đông đem chụp lên trên sự hiểu biết của phương Tây. Cho nên giữa hai bên không có sự hòa hợp. Thay vì người đến từ phương Đông phải hội nhập vào phương Tây, thì người phương Đông cố gắng hết mình để người phương Tây phải học văn hóa, ngôn ngữ và tập quán của xứ mình để hiểu biết Đạo Phật, thì đây là cái sai của người lãnh đạo. Người Âu Mỹ vốn trọng làm việc chung với nhau trong một nhóm, một cộng đồng. Trong khi đó người Việt Nam chúng ta đa phần muốn lãnh đạo nhóm; chứ ít chịu sự lãnh đạo của ai. Cái học của người Âu Mỹ là cái học không những từ vị Thầy, mà là cái học sáng tạo. Trong khi đó cách giáo dục của người Á Châu, đa phần chỉ học từ sự hiểu biết của ông Thầy. Ngoài ra không cần quan tâm đến môi trường và hoàn cảnh chung quanh. Thế hệ thứ nhất đến đây đã cực khổ quá nhiều; nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa hấp dẫn được thế hệ thứ hai, thứ ba đi vào con đường đạo, để tiếp tục chuyển bánh xe pháp ấy ? Lỗi nầy tại ai và do ai gây ra ? Đa phần các Chùa Viện lớn tại Âu, Úc, Mỹ chỉ có một Thầy, một trò; nên sự giáo dục nếu có, nó cũng chỉ có tính cách gia giáo, không thể hiện được đời sống của một Tu Viện nơi có nhiều người. Nếu có khóa tu học nào đó được tổ chức thì vị Trụ Trì ấy chưa chắc đã cho đệ tử của mình đi tham gia trọn khóa tu. Vì ở chùa ai lo kinh kệ, bái sám, đám tiệc v.v... người học trò càng lúc càng thúc thủ, chẳng có đường tiến tới; nên bắt buộc phải rẽ ngang. Như vậy sẽ đi vào ngõ cụt. Xuất gia là một công đức; nhưng xuất gia ở các nước Âu Mỹ nầy quả thật là một thử thách cho người phát tâm rất cao độ. Không phải là ai đi tu cũng thành chánh quả hết đâu. Vì lẽ nếu hướng đi đúng mà phương pháp để đi đến mục đích ấy không rõ ràng thì hành giả ấy cũng khó đạt được mục đích kia. Ví dụ như người đệ tử muốn đi học cao hơn lên ở bậc Đại Học và hậu Đại Học, liệu rằng Sư Phụ của vị ấy có tùy hỷ chăng ? hay tạo nên một lực cản trở. Vì sao vậy ? - Đứng về phương diện tâm lý mà nói thì cũng có nhiều vị Thầy ít muốn có học trò hơn mình; nếu vị Thầy đó trình độ thế học và Phật học không giỏi mấy; nên không cố gắng tạo nhơn duyên cho đệ tử của mình tiến hơn mình. Đứng về phương diện vật chất, dĩ nhiên đã là vị Bổn Sư phải có đủ 5 đức như trong luật Phật dạy, mà vị Thầy ấy đối với đệ tử của mình; trong đó có vấn đề vật chất có đầy đủ để lo cho đệ tử của mình ăn học hay không ? - Vị Thầy ấy có tha thiết với sự học của học trò của mình không? Còn Giáo Hội? Nó còn ở một điểm cao xa hơn nữa mà ít người với tới được. Nếu có nắm bắt được, cuối cùng cũng chẳng có gì để phát nguyện để lo cho Giáo Hội. Vì Giáo Hội hầu như không có một cơ sở chung về vật chất để lo cho Tăng Ni; nên cánh chim nào bay được ngược gió thì cứ như thế mà lao vào đời để truyền đạo. Do vậy nếu thế hệ thứ hai và thứ ba nầy nếu có thành công thì họ cũng không có một liên hệ chặt chẽ nào về ân nghĩa giữa họ và Giáo Hội để „ân được đền và nghĩa được trả“ cả. Về khả năng lãnh đạo quần chúng có nhiều vị Tăng, Ni rất giỏi; nhưng đa phần thì ít có phương pháp hay. Vì quần chúng nằm ở thể bị động, sai đâu đánh đó, bảo gì làm nấy; không có vấn đề sáng tạo và tự phát. Nếu có, sẽ bị chỉ trích là đi ngược lại ý của người lãnh đạo. Do vậy công việc bị ứ đọng, trì trệ không giải quyết được. Một vị Thầy giỏi cũng không thể làm hết được tất cả mọi việc trong cùng một lúc. Do vậy chúng tôi thường hay nói: „Người lãnh đạo là người chỉ cần biết đến tất cả mọi việc; chứ không cần làm hết mọi việc“. Trong khi đó phía Cư Sĩ cũng không thiếu những người giỏi lãnh đạo Tổ chức; nhưng nhiều lúc họ lãnh đạo và chi phối cả chư Tăng nữa; chứ không còn nằm ở vị trí là hộ trì Tam Bảo. Khiến cho chư Tăng, Ni nản lòng bỏ đi nơi khác để lập chùa, lập am, lập cốc. Dĩ nhiên điều nầy không phải là điều xấu. Nhưng trọng lực bị chi phối, không còn ở một điểm chính nữa, khiến cho khó có thể thành công được một việc gì lớn. Nếu có cũng chỉ ở địa phương; chứ khó thể vượt khỏi ranh giới của Đoàn Thể và Quốc Gia. Người Cư Sĩ đôi khi học Phật nhiều hơn chư Tăng, Ni lãnh đạo chùa đó, thì quả thật là khó xử. Nếu vậy, vị Tăng kia chỉ tìm cách „mũ ni che tai“ hay sống như Ông Từ để cho qua ngày, qua tháng và giữa Thầy, Hội, Ban Trị Sự sẽ dần dần đi đến sự tan vỡ, đổ nát khó mà có thể hàn gắn lại được. Như vậy phải làm sao đây ? Ở đây chúng ta nên giữ đúng vị trí của mỗi người. Nghĩa là ngươi tu sĩ lo dụng công tu tập hành thiền, niệm Phật, thuyết giảng giáo lý. Không phải chỉ ở vào mỗi cuối tuần, mà phải hành trì miên mật hằng ngày như hai chữ „công phu“ của nó, thì mới mong đầy đủ dũng lực và hùng tâm để chế ngự những chướng duyên từ bên trong khởi lên. Còn người Cư Sĩ cũng nên dừng lại ở vị trí là Hộ Trì Tam Bảo của mình; chứ không nên bước lên phạm vi lãnh đạo và chi phối Tam Bảo thì quả thật Phật Pháp không chóng thì chầy cũng sẽ tiến tới sự diệt vong. Hầu như ở Hải Ngoại ngày nay ít có chùa nào có đầy đủ nhân viên làm việc hằng ngày để trả lời điện thoại, việc văn phòng, tiệc tùng, cưới hỏi, ma chay, thư viện, nhà bếp v.v... mà hầu như Tăng Ni đều phải kiêm nhiệm tất. Không phải là chư Tăng, Ni không thể làm được. Nhưng nếu có những tịnh hạnh nhân làm được những công việc ấy thì chư Tăng Ni có nhiều thì giờ hơn để lo việc chuyên môn của mình. Ở đây chúng tôi muốn kể một câu chuyện vui để hầu quý Ngài và quý vị. Ở một địa phương nọ có một Thầy nấu ăn thật ngon và được Phật Tử rất hâm mộ. Cho nên thứ bảy nào Thầy cũng phải lo đi chợ để chuẩn bị cho ngày chủ nhật. Sáng chủ nhật đến, Thầy lo nấu 3 món cúng và cho Phật Tử dùng. Xong đâu đó Thầy lên chánh điện đốt nhang, chủ lễ và cả tay chuông, tay mõ nữa. Sau khi lễ Phật xong, Thầy nói 3 điều 4 chuyện, đoạn Thầy chạy nhanh xuống nhà bếp để lo dọn cơm cho quý Phật Tử dùng. Tôi thấy hơi lạ; nên mới hỏi quý Phật Tử đi chùa ngồi đó: Tại sao không ai phụ giúp Thầy mà để Thầy phải làm tất cả mọi việc như thế? Vị Phật Tử ấy trả lời rằng: Để Thầy làm cho có phước. Có lẽ ở đây chẳng cần bình luận về việc nầy; nhưng đúng là Phật Pháp đã đến lúc cần phải chấn chỉnh lại. Thông thường người Phật Tử suy nghĩ rằng: Khi đến chùa chỉ để làm công quả, chứ không cần nhận lương. Việc nầy rất tốt; nhưng rất bấp bênh cho nhà chùa. Vì việc chùa không thể chạy theo dự định, vì Phật Tử chỉ làm công quả mà thôi. Dĩ nhiên người làm việc chùa ấy, không nhất thiết phải dùng tiền cúng dường của Phật Tử để trả, mà nhân viên ấy qua dịch vụ quảng cáo ở báo của chùa, hay tiếp thị những công việc ngoại vi để có đồng ra đồng vào và tiền nầy dùng để chi cho những người làm việc hằng ngày tại chùa thì hay biết mấy. Đằng nầy thì quý Thầy bảo rằng: Tiền đâu có mà trả lương; nhưng thông thường tiền nó sẽ sinh ra tiền và người ấy sẽ tạo ra tiền; chứ tiền không thể tạo ra con người được. Cuối cùng tiền chỉ là phương tiện của cuộc sống chứ không phải là mục đích của cuộc sống nầy. Chúng ta làm việc phải có kế hoạch và kế hoạch phải đề xuất trước cả năm; chứ không phải thích đâu làm đó, ưa gì làm nấy. Thay đổi nhanh như chong chóng thì máy móc cũng không thể chạy theo kịp nữa, hà huống là đầu óc của con người. Phân công việc cho hợp lý và tốt nhất là làm theo Team Work. Nghĩa là mỗi người một công việc chuyên môn của mình. Nếu không phải chuyên môn thì mình không động đến. Vì mình không có kinh nghiệm trong việc đó. Người Việt Nam mình có nhiều cái hay, vì việc gì cũng biết làm; nhưng đa phần là biết không đến nơi đến chốn; nên công việc lại dễ bị dở dang đình trệ, khiến cho người chung quanh nản chí nhụt lòng. Ở Tây Phương người ta vẫn có người lãnh đạo; nhưng người lãnh đạo ấy là tổng hợp những ý kiến của một nhóm chứ không phải của chỉ một người. Khi sai sẽ bị sai hết; nhưng khi đúng cả nhóm, cả cộng đồng đều đúng. Vì Á Châu ta đã chẳng có câu: „Tam nhơn đồng hành, tắc hữu ngã sư“ ? Xây dựng một ngôi chùa ở Hải Ngoại rất khó; dĩ nhiên còn dễ hơn là việc đào tạo một vị Tăng Sĩ nên người; nhưng hầu như chúng ta cũng ít có kế hoạch tương trợ cho nhau để ngôi chùa ấy chóng thành tựu. Nếu có chăng đi nữa, chỉ nhờ vào tài ngoại giao và lãnh đạo của vị Trụ Trì ấy mà chùa kia sớm hoàn thành; chứ không phải do tinh thần „lá lành đùm lá rách“ hay „chị ngã em nâng“ như tục ngữ Việt Nam của chúng ta vốn đã sẵn có bao đời nay. Ví dụ khi một ngôi chùa xây dựng, các ngôi chùa khác ủng hộ đều tay mỗi chùa một đến năm ngàn đô-la và nếu có 50 ngôi chùa đóng góp đều tay như thế thì việc lớn nào chúng ta lại chẳng thành công ? Cũng có nhiều Thầy Cô chỉ chú trọng vào một số bổn đạo giàu có và cứ ỷ y vào đó; nên sẽ dễ sinh mất lòng giữa người nghèo và người giàu. Khi người có quyền và có tiền nắm quá nhiều nhiệm vụ trong chùa, đôi khi người ấy ra điều kiện với vị Trụ Trì phải như thế nầy, phải như thế kia, thì chắc chắn vị Trụ Trì ấy khó mà thối thoát được. Trong chùa dĩ nhiên là có nhiều khuynh hướng; nhưng là người lãnh đạo thì phải vượt lên trên mọi khuynh hướng tranh chấp với nhau và không nên đứng lệch về một khuynh hướng nào cả. Vì bên nào cũng muốn rằng vị Thầy ấy sẽ nghiêng về phía mình. Điều nầy không nên để xảy ra nơi một ngôi chùa. Nhiều vị muốn làm chuyện lớn mà quên việc nhỏ. Đó là việc „tích thiểu thành đa“. Vì lẽ „thành La Mã không xây xong trong một ngày“. Do vậy mà chúng ta không nên lơ là với đại đa số quần chúng đang sống chung quanh mình. Bao giờ „đông tay cũng vỗ nên kêu“ hơn là những bàn tay đơn lẻ. Quần chúng là một tập hợp rất đa dạng và có nhiều khả năng rất phong phú. Nếu người lãnh đạo biết khai thác về vấn đề nầy thì được nhiều việc khác nữa. Vấn đề tâm lý của quần chúng cũng rất quan trọng. Ví dụ như ngày nay đi chùa hầu như chỉ có lớp người lớn tuổi; còn người trẻ tuổi thì họ đi đâu mất hết rồi ? Nếu một mai đây lớp người lớn tuổi ấy bỏ thân nơi xứ người, thì ai là người đứng lên để hộ trì Tam Bảo đây ? Chắc chắn một mình vị Sư Trụ Trì ấy và một vài người giàu có không thể gánh vác hết việc đạo được. Vậy chúng ta làm sao để có thể thu phục được nhân tâm ? Gia Đình Phật Tử là một tổ chức Thanh Thiếu Niên; rất tốt. Tuy nhiên không phải là các em trẻ nào cũng thích sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Tại Âu Châu nầy có câu tục ngữ tiếng Đức nói rằng: „Chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa mà họ thích bán những cái gì người cộng sản muốn bán. Còn chủ nghĩa Tự Do là chủ nghĩa mà họ bán những cái gì người khác muốn mua“. Giữa hai chủ nghĩa đã có sự khác biệt như thế rồi, thì tâm lý của người lớn tuổi và trẻ tuổi chắc chắn cũng có nhiều vấn đề khác nhau. Ví dụ nếu như chùa nọ có tổ chức lễ Vu Lan, Phật Đản mà một người mẹ ở xa chùa cả hai ba trăm cây số, muốn con mình chở mình đi chùa và bảo nó rằng: - Con có thể chở mẹ đi chùa A dự lễ Phật Đản không? - Đến đó để làm gì mẹ ? - Để cho mẹ lễ chùa Nếu chỉ đơn thuần vậy thì chưa chắc gì đứa con ấy sẽ đưa mẹ đi chùa. Nhưng người mẹ có thể tiếp lời: - Nghe đâu chùa có tổ chức chương trình văn nghệ Phật Đản do các nghệ sĩ nổi danh trình diễn và có quý Thầy thuyết pháp rất hay. Chỉ cần chừng ấy thôi, là đứa con sẽ tự nguyện đưa mẹ đi chùa; chứ không cần nài nỉ nữa. Vì lẽ đứa con ấy sẽ hiểu ngay được rằng: Khi đến đó nó sẽ có được những niềm vui riêng của nó, là gặp gỡ những bạn trẻ cùng trang lứa, chứ không phải chỉ nhất thiết là vì mẹ nên nó phải chở mẹ đi chùa. Khi gặp bạn bè cùng niềm tin, cùng hoàn cảnh, có khi nó quên mẹ đi hồi nào chẳng hay, nhiều khi giục nó về lại nhà, nó còn chưa muốn nữa. Muốn được như vậy, vị Thầy hay Ban Tổ Chức ấy phải có đầu óc tổ chức và Marketing thì mới mong có nhiều quần chúng được. Khi họ đến đông, họ sẽ chia xẻ với Chùa với Hội. Nếu một nhà hàng nấu ăn ngon nằm tận trong đường hẻm hay ở trên đỉnh núi; người ưa mùi vị, họ bất chấp mọi gian khó để tìm đến. Còn một nhà hàng dầu bày biện trang trọng đấy; nhưng cách phục vụ của nhân viên, gia vị của thức ăn… nó lạt lẽo làm sao, thì dẫu cho có ở giữa phố thị cũng ít có người vào. Một ngôi chùa ở đây cũng giống như thế ấy. Quý Thầy, quý Cô phải là những giọt mật để ong bướm lui tới tìm chất ngọt dưỡng sinh. Còn quý Thầy, quý Cô chua như giấm, chẳng đậm đà han hỏi săn sóc đối phương thì chắc chắn sẽ ít có người lui tới chốn thiền môn nầy. Cũng như thế tất cả các quốc gia Âu Mỹ nầy đều có Ủy Ban Tôn Giáo; nhưng Ủy Ban ấy giúp đỡ các Tôn Giáo để phát triển; chứ không phải chi phối Tôn Giáo như một số Ủy Ban Tôn Giáo tại các nước Cộng Sản, trong đó có Việt Nam. Khi người ta tự nguyện, người ta có thể dấn thân hết mình. Nếu việc gì bị gượng ép, chắc chắn việc ấy sẽ khó thành tựu. Vì lẽ một người xuất gia, hầu như tất cả đều tự nguyện; chúng ta nên làm những gì được lợi lạc cho quần sanh thì điều ấy đã giải trình được „Tứ Hoằng Thệ Nguyện“ rồi. Đức Phật đã hằng dạy cho chúng ta rằng: Vạn pháp giai không; nhưng nhân quả bất không“. Nếu nhân tạo ra tốt thì chắc chắn quả kia không thể xấu được. Ngược lại nếu cái nhân chỉ hoàn toàn là xấu ác, thì cái quả không thể tốt đẹp được. Đây là một định lý muôn đời mà toán học cũng không thể thay đổi được. Vì nhân nào quả nấy. Kính bạch quý Ngài, Kính thưa quý vị, Hôm nay chúng con/chúng tôi được Tăng sai thuyết trình cho đề tài nầy, cảm thấy không đủ khả năng. Tuy nhiên vì sự phát triển của Phật Giáo tại xứ người và vì tương lai Đạo Pháp nên đã mạo muội nói lên những cảm tưởng non kém của mình. Kính nguyện quý Ngài hoan hỷ tha thứ cho những chỗ vụng về thiếu sót và mong quý Phật Tử nghe qua, hiểu ý quên lời là điều cầu mong của người đọc tham luận nầy.

Lời cuối chúng con/chúng tôi mong được thưa rằng: Nếu mỗi năm hay mỗi hai năm mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu tổ chức được những ngày gặp gỡ, trao đổi hàn huyên như thế nầy, quả là những điều đáng làm. Vì có trao đổi, hòa hợp thì mới xứng đáng là Tăng Bảo. Bằng ngược lại, chúng ta không kiểm thảo, tự giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của Tăng Già thì Pháp Yết Ma ấy vẫn chưa thành tựu trọn vẹn cho một người „tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự“. Ngưỡng nguyện Tam Bảo gia hộ cho quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu. Kính chúc quý Đạo Hữu và quý Phật Tử được pháp lạc vô biên.


Nam Mô hoan hỷ tạng Bồ Tát Ma Ha Tát



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]