Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

48. Phẩm “Bồ Tát An Trụ" (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

08/07/202020:26(Xem: 10728)
48. Phẩm “Bồ Tát An Trụ" (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

 
Phẩm Bồ Tát An Trụ_photo

  

PHẨM “BỒ TÁT AN TRỤ"

 

Phần sau quyển 324 đến phần đầu quyển 325, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với phần sau phẩm “Đại Như” quyển thứ 18, MHBNBLM)

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh

Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước 






 

Tóm lược:

  

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao thì nên trụ ở đâu và trụ như thế nào?(1)

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao thời đối với tất cả hữu tình nên trụ tâm bình đẳng; đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả; đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm cung kính, khởi tâm ngay thẳng thật thà, khởi tâm mềm mỏng, khởi tâm an lạc, khởi tâm không vướng mắc, khởi tâm làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, chẳng nên khởi tâm ngược lại đối với các tâm trên; cũng chẳng dùng các tâm chóng trái này nói với họ.

Đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm xem như cha mẹ, như anh em, như con cái, như bà con, cũng dùng tâm này mà nói với họ nên khởi tâm xem như cha mẹ, anh em, bạn bè v.v… đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm như bậc thầy dạy dỗ, bậc thầy khuôn phép, như đệ tử, như bạn đồng học, cũng dùng tâm này mà nói với họ.

Đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm xem như Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát, cũng dùng tâm này mà nói với họ; đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm xem như Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng dùng tâm này mà nói với họ; đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, cũng dùng tâm này mà nói với họ; đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm cứu giúp, thương yêu, che chở, cũng dùng tâm này mà nói với họ; đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm rốt ráo không, vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được, cũng dùng tâm này mà nói với họ; đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm không, vô tướng, vô nguyện, cũng dùng tâm này mà nói với họ.

Này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thì dùng vô sở đắc làm phương tiện. Nên an trụ như vậy.

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thì nên tự xa lìa ba nghiệp của thân là sát, đạo, dâm; cũng khuyên người khác xa lìa giết hại, trộm cắp và dâm dục; hoan hỷ khen ngợi người xa lìa giết hại, trộm cắp và dâm dục.

Này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thì nên tự mình xa lìa bốn nghiệp khẩu: nói lời hư dối, nói lời thô ác, nói lời chia rẽ, nói lời hỗn tạp, cũng khuyên người khác xa lìa bốn nghiệp khẩu, chính thức tuyên dương pháp xa lìa bốn nghiệp khẩu.

Này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thì nên tự mình xa lìa ba nghiệp của ý là tham, sân, si; cũng khuyên người xa lìa tham sân si, thường xuyên chính thức tuyên dương pháp xa lìa tham, sân, si.

Này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thời nên tự mình tu tứ thiền, cũng khuyên người khác tu tứ thiền, thường xuyên tuyên dương, hoan hỷ khen ngợi người tu tứ thiền. Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thì nên tự mình tu tứ vô lượng cũng khuyên người khác tu tứ vô lượng, thường xuyên chính thức tuyên dương và đồng thời hoan hỷ khen ngợi người tu tứ vô lượng. Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thì nên tự mình tu tứ định vô sắc, thường xuyên chính thức tuyên dương và hoan hỷ khen ngợi người tu định này.

Này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thì nên tự viên mãn sáu pháp Ba la mật; nên tự an trụ thập bát chủng không, nên tự an trụ thập nhị chơn như, nên tự tu tứ đế, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; nên tự tu tam giải thoát môn; nên tự viên mãn thập vị Bồ Tát; nên tự viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông; nên tự viên mãn pháp môn Tam ma địa, Đà la ni; nên tự viên mãn Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; nên tự nhập địa vị Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát; nên tự khởi Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; nên tự đoạn tất cả tập khí phiền não tương tục; nên tự khởi pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả hay nói rộng ra tu tất cả pháp Phật, cũng khuyên người khác tu tất cả pháp Phật, thường xuyên chính thức tuyên dương, hoan hỷ khen ngợi người tu tất cả pháp Phật và nhiếp hộ khiến chánh pháp tồn tại mãi với thời gian.

Này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao thì lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên an trụ như vậy.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nên học phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa như thế; nếu học như vậy thì mới có khả năng an trụ pháp an trụ; nếu học như vậy, an trụ như vậy, thì đối với sắc không bị chướng ngại, đối với thọ, tưởng, hành, thức không bị chướng ngại; đối với 12 xứ, 18 giới không bị chướng ngại; đối với vô minh không bị chướng ngại, đối với hành, thức, danh, sắc, lục xứ, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử không bị chướng ngai; đối với thập thiện đạo không bị chướng ngại; đối với bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc không bị chướng ngại; đối với sáu Ba la mật không bị chướng ngại; đối với 18 pháp Không hay 12 chơn như không bị chướng ngại; đối với 37 pháp trợ đạo, Tứ đế, 8 giải thoát, 8 thắng xứ, 9 định thứ đệ, 10 biến xứ không bị chướng ngại; đối với tam giải thoát môn không, vô tướng, vô nguyện không bị chướng ngại v.v... Nói chung, đối với tất cả pháp Phật không bị chướng ngại; đối với việc đoạn diệt tất cả tập khí phiền não tương tục không bị chướng ngại; đối với tuổi thọ viên mãn không bị chướng ngại; đối với việc chuyển pháp luân không bị chướng ngại; đối với sự tồn tại của chánh pháp không bị chướng ngại. Vì sao?

Này Thiện Hiện! Vì đại Bồ Tát ấy từ đời trước đến nay chẳng nhiếp thọ sắc, chẳng nhiếp thọ thọ, tưởng, hành, thức; chẳng nhiếp thọ 12 xứ, 18 giới, chẳng nhiếp thọ tất cả pháp Phật từ tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, tứ đế, 12 duyên khởi, 37 trợ đạo, 18 pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao?

Này Thiện Hiện! Vì sắc chẳng thể nhiếp thọ, nếu sắc chẳng thể nhiếp thọ thì chẳng phải sắc; thọ, tưởng, hành, thức, nếu thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể nhiếp thọ thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức; nói rộng ra tất cả pháp Phật chẳng thể nhiếp thọ, nếu tất cả pháp Phật chẳng thể nhiếp thọ thì chẳng phải là tất cả pháp Phật.

Này Thiện Hiện! Tuổi thọ viên mãn chẳng thể nhiếp thọ, nếu tuổi thọ viên mãn chẳng thể nhiếp thọ thì chẳng phải là tuổi thọ viên mãn. Chuyển pháp luân chẳng thể nhiếp thọ, nếu chuyển pháp luân chẳng thể nhiếp thọ thì chẳng phải là chuyển pháp luân. Chánh pháp tồn tại chẳng thể nhiếp thọ, nếu chánh pháp tồn tại chẳng thể nhiếp thọ thì chẳng phải là chánh pháp tồn tại.

Khi nói phẩm Bồ Tát an trụ ấy, có một vạn hai ngàn đại Bồ Tát đắc vô sanh pháp nhẫn.

 

Thích nghĩa:

(1). Trụ trong nghĩa trụ xứ là chỗ đứng, chỗ ở, chỗ ngụ…trong nghĩa đen của nó; nghĩa bóng là sở ngộ, sở đắc hay là quan điểm, lãnh vực hoạt dụng của tâm linh.

Thiền sư D.T. Suzuki trong Luận III (Thiền luận, quyển hạ), trong mục “Trụ Xứ của Bồ Tát”, đứng trên quan điểm thiền, luận giải về “trụ xứ” như sau: “Đương nhiên là câu hỏi “Ở đâu”? Có khi được diễn tả trong những hạn từ liên quan đến chỗ ngụ của Thiền sư. Trong trường hợp này, người hỏi thường là một v Tăng muốn biết đâu là những đặc sắc (cảnh) của Tăng viện, nơi Thiền sư đang ngụ. Hán ngữ, cảnh, ngoài nghĩa “phong cảnh”, hay “quan điểm”, “nền tảng”, “cứ địa”, “giới hạn” hay “lãnh vực”, thường được dùng tương đương với chữ “gocara” hay “visaya” trong tiếng Phạn. Visaya là “môi trường”, lãnh vực “khu vực”, “địa vực”, trụ xứ còn gocara là “đồng cỏ chăn thú”, “môi trường hành động”, “nơi cư ngự”, “trụ xứ”. Khi nó mang một ý nghĩa chủ quan, như ở trong văn học Phật giáo, nó là một thái độ tâm linh hay tâm thần đặc sắc chung mà người ta dùng để đối trị tất cả những kích thích. Nhưng nói một cách nghiêm xác, các Phật tử Thiền tông không gọi “gocara” hay “cảnh” chỉ là một thái độ hay là một xu hướng của tâm; mà coi nó như một thành phần cốt yếu hơn thiết lập căn cơ đích thực cho thể tánh của mình, nghĩa là, một môi trường mà ở đó, người ta, trong ý nghĩa uyên áo nhất, sống và vận động và có lý do hiện hữu của mình. Môi trường đó, chính yếu, được xác định bởi chiều sâu và độ sáng của những trực giác tâm linh của y. “Cảnh Tăng viện của bạn ra sao”, do đó, có nghĩa là “Sở ngộ của bạn về chân lý cứu cánh của Phật pháp là gì”? Trong khi những câu hỏi như “Từ đâu”, “Ở đâu” hay “Về đâu” được đặt ra cho một thầy Tăng tầm sư phỏng đạo, thì những câu hỏi nhắc đến chỗ ngụ, chỗ ở, khía cạnh hay phong cảnh, được đặt ra cho một bậc Thầy không thấy cần vân du tìm nơi an nghỉ cuối cùng nữa. Do đó, cả hai loại câu hỏi này, trên thực tế đều như nhau.

Thương Khê Liên được hỏi về phong cảnh Thương Khê, Sư đáp: “Con nước trước mặt chảy về Đông”, 面前水正東流 (Diện tiền thủy chánh đông lưu). Minh ở tương Đàm, đáp: “Núi liền Đại nhạc, nước tiếp Tiêu tương”, 山連大嶽水接潚湘 (Sơn liên Đại nhạc, thủy tiếp Tiêu tương). Thái Khâm ở Kim lăng, khi ngụ tại Song lâm, trả lời như vầy: “Không vẽ nổi”.

Mong rằng với lối giải thích này, quý vị nắm vững “thế nào là trụ xứ”. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần III Tổng luận.

 

Lược giải:

 

Phẩm này tuy ngắn nhưng giáo lý lại rất thâm: “Không trụ là trụ, không đắc mới đắc”. Toàn bộ Đại Bát Nhã lặp đi lặp lại giáo lý này nhiều lần:

Bồ Tát đối với hữu tình khởi tâm như cha m, anh em, bà con, thân hữu…; đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm như bậc Thầy dạy dỗ, bậc Thầy khuôn phép, như đệ tử, như bạn đồng học…; đối với hữu tình khởi tâm cứu giúp, thương yêu, che chở…; đối với tất cả hữu tình nên trụ tâm bình đẳng; đối với tất cả hữu tình nên khởi tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả… Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thì dùng vô sở đắc làm phương tiện. Nên an trụ như vậy.

Bồ Tát muốn chứng quả vị Giác ngộ tối cao thì phải tu thập thiện; tu tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ định vô sắc; viên mãn lục Ba la mật; an trụ 18 pháp không, an trụ chơn như, pháp giới, pháp tánh…, hay tu tứ Thánh đế, thập nhị nhân duyên, 37 pháp trợ đạo; tự nhập địa vị của Bồ Tát Chánh tánh ly sanh; tự khởi Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí hay nói rộng ra là tu tất cả các pháp Phật để tự đoạn trừ tập khí phiền não tương tục. Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao thì phải lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên an trụ như vậy.

Đại Bồ Tát nên học phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật sâu xa như thế; thì mới có khả năng an trụ pháp an trụ; nếu học như vậy, an trụ như vậy, thì đối với sắc không bị chướng ngại, đối với thọ, tưởng, hành, thức không bị chướng ngại; đối với 12 xứ, 18 giới hay nói rộng ra đối với tất cả pháp Phật không bị chướng ngại. Vì sao?

Vì đại Bồ Tát ấy từ trước đến nay chẳng nhiếp thọ sắc, chẳng nhiếp thọ thọ, tưởng, hành, thức; chẳng nhiếp thọ mười hai xứ, mười tám giới, chẳng nhiếp thọ tất cả pháp Phật từ tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, tứ đế, mười hai duyên khởi, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao?

Vì sắc chẳng thể nhiếp thọ, nếu sắc chẳng thể nhiếp thọ thì chẳng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể nhiếp thọ, nếu thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể nhiếp thọ thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức; nói rộng ra tất cả pháp Phật chẳng thể nhiếp thọ, nếu tất cả pháp Phật chẳng thể nhiếp thọ thì chẳng phải là tất cả pháp Phật.

Tại sao không thể nhiếp thọ các pháp? Quyển 37, phẩm “Vô Trụ”, ĐBN nói:

“Sắc chẳng nên nhiếp thọ. Sắc chẳng nên nhiếp thọ, bèn chẳng phải sắc. Thọ tưởng hành thức chẳng nên nhiếp thọ, bèn chẳng phải thọ tưởng hành thức. Vì sao? Vì bản tánh không vậy. Cho đến tất cả Đà la ni môn chẳng nên nhiếp thọ, tất cả Tam ma địa môn chẳng nên nhiếp thọ. Đà la ni môn chẳng nên nhiếp thọ, bèn chẳng phải Đà la ni môn; Tam ma địa môn chẳng nên nhiếp thọ, bèn chẳng phải Tam ma địa môn. Vì sao? Vì bản tánh không vậy. Chỗ nhiếp thọ tu hành viên mãn là Bát nhã Ba la mật, cũng chẳng nên nhiếp thọ. Bát nhã Ba la mật đã chẳng nên nhiếp thọ, bèn chẳng phải Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì bản tánh không vậy. Như vậy, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, Bồ Tát Ma ha tát nên đem bản tánh không mà quán tất cả pháp. Khi khởi lên quán này, tâm đối tất cả pháp sẽ không có sở hành”.

Có nhiếp thọ là có tạo tác, có tùy thuộc, có trói buộc. Một khi bị trói buộc thì không còn tự do trong tư tưởng hay hành động nữa. Vì vậy, Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền luận III viết rằng: “Cho nên, các nhà Đại thừa là những người tùy thuận chân lý Tánh Không, trụ trong Bát nhã, từ chối không tìm gốc rễ của mình trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức, cũng không tìm trong thế giới Hữu vi hay Vô vi. Trụ xứ đó được gọi là trụ xứ vô sở trụ. Vì lý do này, trụ trong Bát nhã, theo bất cứ ý nghĩa nào khác, đều trụ nơi chấp thủ, và cái đó phải tránh nếu người ta muốn tự mình tác chủ. Khi có trụ điểm cố định, ở đâu đó, dù ở trong Bát Nhã, đấy là một kết quả nó trói buộc chúng ta, và chúng ta không còn độc lập trong tri thức, đạo đức hay tâm linh. Bát nhã Ba la mật như thế dạy chúng ta quét sạch mọi trụ điểm cố định có thể có, hay quét sạch mọi vọng tưởng. Khi đạt được thế giới không còn những vọng tưởng, đấy là vô trụ xứ hay trụ trong Tánh Không. Phật hay Bồ Tát nói ra giáo pháp của mình từ chỗ vô trụ xứ đó; cho nên, trong đó, không có người thuyết, không có pháp được thuyết cũng không có người nghe thuyết”.

 

Quyển 54, phẩm “Biện Đại Thừa”, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện:

“Lại nữa, Thiện Hiện! Ngươi hỏi Đại thừa như vậy là trụ chỗ nào? Thiện Hiện! Đại thừa như vậy đều không có chỗ trụ. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không có chỗ trụ. Vì sao? Vì chỗ trụ của các pháp bất khả đắc vậy. Thiện Hiện! Nhưng Đại thừa đây trụ vô sở trụ”!

Bồ Tát tuy tu tất cả pháp nhưng lấy vô sở đắc làm phương tiện, có nghĩa là tu tất cả pháp nhưng chẳng trụ ở bất cứ pháp nào. Tuy không trụ ở bất cứ pháp nào nhưng Bồ Tát vẫn có khả năng hoàn thành sự nghiệp. Không trụ tất cả chỗ là trụ vô sở trụ. Trụ vô sở trụ đây mới được coi là chân trụ! Lục Tổ do thấu hiểu giáo pháp “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà đại ngộ và được ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao chiếc áo pháp nối tiếp dòng thiền Tây Thiên truyền thừa từ đức Thích Ca Mâu Ni.

 

Kết kuận:

 

Chỗ an trụ của Bồ Tát không ngoài tất cả pháp Phật và chúng sanh. Nếu không có chúng sanh, không pháp Phật cũng không có Bồ Tát. Bồ Tát không lìa chúng sanh, Bồ Tát với chúng sanh là một. Bồ Tát cũng không lìa tất cả pháp Phật, pháp Phật cùng Bồ Tát không hai không khác.

Nhưng nếu Bồ Tát nhiếp thủ, chấp chặt tất cả pháp một cách triệt để thì cũng dễ sanh ra chấp trước và do đó không tránh khỏi trở ngại cho sự an trụ. Phẩm “Nhiếp Thọ”, quyển 101, Hội thứ I, ĐBN, nói: “Đại Bồ Tát khi an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì nếu nghĩ: Ta có khả năng an trụ pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì thì đại Bồ Tát ấy vì bị sự chấp ngã và ngã sở làm nhiễu loạn sự an trụ pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì, liền khởi tâm tự cao, nên chẳng có khả năng hồi hướng Nhất thiết trí”.

Nếu khởi tâm tự cao, nên không có khả năng hồi hướng Nhất thiết trí trí thì làm sao chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao mà nói cứu rỗi chúng sanh. Vì vậy, Kinh luôn nhắc nhở là không nên chấp thủ pháp dù chấp thủ bất cứ dưới hình thức nào, phải lấy vô sở đắc làm phương tiện mà an trụ. Hành Bát Nhã là hành vô biên cảnh, trụ Bát nhã như hư không mà trụ. Đó là hành là trụ, trụ như thế mới gọi là chân trụ./.

 

---o0o---

 

 


 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]