Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Phẩm "Duyên Khởi" (Tống Luận Đại Bát Nhã, Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên; lồng nhạc: Quảng Phước)

29/04/202012:14(Xem: 10536)
01. Phẩm "Duyên Khởi" (Tống Luận Đại Bát Nhã, Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên; lồng nhạc: Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha_212

I. PHẦN ĐẦU, HỘI THỨ I

(bố cục)

Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu

Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên

Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước

 





 

I. PHẦN ĐẦU, HỘI THỨ I

(bố cục)

 

Trước hết chúng tôi trình bày "Phần đầu, Hội thứ I" Đại Bát Nhã Ba-la-mật do Ngài Tam tạng Huyền Trang dịch từ Tạng sang Hán, và HT. Thích Trí Nghiêm dịch từ Hán sang Việt. Đây là một Hội dài nhất trong 16 Hội. Hội này gồm 400 quyển, chiếm hết 2/3 trong tổng số 600 quyển Đại Bát Nhã Ba-la-mật mà phần bố cục trên, giới thiệu sơ lược như sau:

 

1. Phần đầu này gọi là Đại Phẩm (Phạm: Zatasàhasrikà-prajĩàpàramità) tức Hội thứ I, cả thảy 16 tập, tổng cộng 400 quyển. Nội dung nói về việc mở rộng và tu tập pháp quán Bát Nhã, hạnh nguyện của Bồ tát và sự sâu xa thù thắng của Bát Nhã; tường thuật nhân duyên tán thán cúng dường của các vị Đại đệ tử, chư Thiên, Thích, Phạm và công đức rộng lớn của việc thọ trì Bát Nhã dù chỉ với một câu, đồng thời, căn cứ vào nhân duyên thọ lãnh Bát Nhã của hai Bồ tát Thường Đề và Pháp Dũng mà nói rõ việc được nghe Bát Nhã Ba-la-mật là việc hi hữu. Cứ theo Pháp Uyển Châu Lâm quyển 100 và Khai Nguyên Thích Giáo Lục quyển 11 nói, thì nguyên bản tiếng Phạm của hội thứ nhất gồm có 132.600 kệ tụng, tương đương với 100.000 kệ tụng Bát Nhã.

 

01. PHẨM “DUYÊN KHỞI”

 

Q.01 đến hết Q.02, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương “Phẩm Tự”, quyển thứ 01, MHBNBLMĐ)

 

Gợi ý:

Bất cứ một nhà chiết giải kinh Phật để mở đầu thuyết giảng về một bộ kinh, thường nói đến tánh cách xác thực của nó. Khi đọc câu mở đầu: “Như thị ngã văn” dịch “Một thuở nọ, tôi nghe như vậy…”, thì hay bàn về lục chủng chứng tín (sáu điều đáng tin cậy là một bộ kinh thật): Đó là tín thành tựu, văn thành tựu, thời thành tựu, chủ thành tựu, xứ sở thành tựu và chúng thành tựu. Các tác giả khi căn cứ vào một công thức như vậy, họ hầu như đồng ý với nhau nếu một bộ kinh gồm đủ sáu tánh chất trên thì được xem là một bộ kinh thật, do Phật thuyết, không phải là ngụy tạo. Nếu xét thấy như thế thì có thể tin tưởng phụng hành.

Đa số kinh do Phật thuyết được Ngài A Nan thuật lại, được hội đồng thảo luận và đúc kết bằng giấy trắng mực đen, trong những lần kết tập kinh điển. Thật ra, kinh được kết tập là do công trình của nhiều vị La hán hay các Đạo sư, sống dưới thời Phật cùng chung đúc kết, không hẳn chỉ riêng Ngài A Nan. Ngày nay, do tìm tòi đào xới, đối chiếu, so sánh những bằng chứng ngang dọc của không gian, thời gian người ta mới dám xác nhận bộ kinh đó là thật hay giả.

Theo lịch sử, Kinh ĐBN được ghi lại dù dưới hình thức ngắn (tiểu bản) hay dài (đại bản hay đại phẩm) qua nhiều thời đại khác nhau, nhưng đều có nội dung về giáo lý hạnh quả như nhau, nó không phải là hư cấu, nên không có gì đáng dị nghị. Một câu mở đầu của một bộ Kinh không đủ chứng tỏ cái xác tín của bộ kinh đó là thật hay giả. Lịch sử của Kinh là dấu vết đáng tin cậy nhất. Mặc dù, Phật di chúc cho ông A Nan là ở đầu các Kinh phải ghi: “Như vậy, tôi nghe, một thời, Phật tại… (Phương nào? Nước nào?... Vì(ai) mà thuyết pháp… ) như một số học giả thường đề cập. Nhưng làm sao ngăn chận sự mạo nhận của kinh mặc dù có ghi câu nói trên ở đầu mỗi quyển Kinh?

Ở đây chúng tôi chỉ bàn về sự xác thực của một bộ kinh(giả hay thật), chúng tôi không đề cập đến lòng tin trong nghĩa tín, giải, phụng, hành. Vì tín tâm là cửa vào đạo, có tín mới có giải, có giải mới có thể phụng hành. Một khi biết đó là Kinh thật do Phật thuyết thì phải tín thọ phụng hành thôi.

 

Tóm lược:

 

Kinh này do Phật thuyết tại đỉnh Linh Thứu(1), núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà(2). Một vương quốc hùng mạnh thời bấy giờ:

 

Chủ: Phật và Tăng đoàn, đều là những bậc A La Hán đã dứt hết lậu hoặc phiền não, tâm được giải thoát, huệ được giải thoát, là bậc đại long tượng(3), chỗ làm đã xong, sạch hết kiết sử(4), bỏ gánh hoặc nghiệp(5), kham gánh chánh pháp, do chánh trí mà được giải thoát. Riêng Ngài A Nan là còn ở bậc hữu học, chứng quả Dự Lưu. Đại Ca Diếp ba là thượng thủ. Lại có Bí sô ni(6) 500 vị, đều là bậc A La hán. Lại có vô lượng, vô số chúng đại Bồ Tát, tất cả đều chứng pháp môn Đà la ni, Tam ma địa, đã chứng đắc trí tuệ rộng lớn, dứt sạch phiền não, vượt các nghịch cảnh, thoát các nghiệp chướng, dựng cờ chánh pháp, dẹp các tà thuyết, phát nguyện rộng lớn, cứu độ chúng sanh không hề mệt mỏi. Những Bồ Tát này đều có đầy đủ công đức vi diệu, dù trải qua vô lượng trăm ngàn ức đại kiếp(7), khen ngợi cũng không thể hết. Tên của các Ngài là: Đại Bồ Tát Hiền Thủ, Bồ Tát Bửu Tánh, Bồ Tát Bửu Tạng, Bồ Tát Bửu Thọ, Bồ Tát Đạo Sư, Bồ Tát Nhân Thọ, Bồ Tát Tinh Thọ, Bồ Tát Thần Thọ, Bồ Tát Đế Thọ, Bồ Tát Quảng Tuệ, Bồ Tát Thắng Tuệ, Bồ Tát Thượng Tuệ, Bồ Tát Tăng Trưởng Tuệ, Bồ-tát Vô Biên Tuệ, Bồ Tát Bất Hư Kiến, Bồ Tát Vô Chướng Tuệ, Bồ Tát Thiện Phát Thú, Bồ Tát Thiện Dũng Mãnh, Bồ Tát Cực Tinh Tiến, Bồ Tát Thường Tinh Tiến, Bồ Tát Thường Gia Hạnh, Bồ Tát Bất Xả Ách, Bồ Tát Nhật Tạng, Bồ Tát Nguyệt Tạng, Bồ Tát Vô Tỷ Tuệ, Bồ Tát Quán Tự Tại, Bồ Tát Đắc Đại Thế, Bồ Tát Diệu Cát Tường, Bồ Tát Bửu Ấn Thủ, Bồ Tát Tồi Ma Lực, Bồ Tát Kim Cương Tuệ, Bồ Tát Kim Cương Tạng, Bồ Tát Thường Cử Thủ, Bồ Tát Đại Bi Tâm, Bồ Tát Đại Trang Nghiêm, Bồ Tát Trang Nghiêm Vương, Bồ Tát Sơn Phong, Bồ Tát Bửu Phong, Bồ Tát Đức Vương, Bồ Tát Từ Thị... Vô lượng vô số đại Bồ Tát như vậy, đều là con của đấng vua Pháp, có khả năng tiếp nối ngôi vị Phật, làm thượng thủ(8).

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trên tòa Sư tử, tự trải tọa cụ, ngồi kiết già, thẳng thân chính nguyện, an trụ trong niệm hiện tại, vào định Vương diệu. Sau đó đức Phật an tường xuất định dùng thiên nhãn thanh tịnh nhìn xem khắp thế giới trọn thân mỉm cười, từ tướng thiên bức luân(9) dưới lòng bàn chân phóng ra sáu trăm muôn ức quang minh (hào quang). Từ mười ngón chân, hai mắt cá, hai bắp chân, hai gối, hai vế, eo, lưng, rún, bụng, hông, ngực, vai, cánh tay, mười ngón tay, cổ, miệng, bốn mươi răng, mũi, mắt, tai, bạch hào(10), nhục kế(11), mỗi chỗ trên thân cùng tất cả lỗ chân lông khắp châu thân của Phật phóng quang minh. Từ những quang minh này phát ra quang minh lớn chiếu khắp Tam thiên đại thiên thế giới của chư Phật ở mười phương. Nếu chúng sanh nào gặp được quang minh này thời quyết định được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Thế Tôn mỉm cười vui vẻ hiện tướng lưỡi rộng dài(12) trùm khắp Đại Thiên thế giới, phóng ra vô lượng ngàn muôn ức quang minh nữa. Mỗi quang minh này lại hóa thành hoa báu ngàn cánh màu hoàng kim. Trên hoa báu đều có Hóa Phật ngồi kiết già tuyên nói sáu phép Ba la mật. Chúng sanh nào nghe được thời quyết định được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Quang minh này cũng chiếu đến hằng sa thế giới ở mười phương và cũng hiện hoa báu Hóa Phật thuyết pháp như vậy.

Bấy giờ đức Phật vẫn ngồi trên tòa sư tử mà nhập sư tử du hí tam muội. Do thần lực của Phật, cả Đại Thiên thế giới đều chấn động sáu cách(13), làm cho mọi loài đều vui.

Trong cõi Đại Thiên này, hàng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và bát nạn(14) đều được sanh lên cõi trời Tứ Vương đến trời Tha Hóa Tự Tại. Các vị Thiên Tử này tự biết túc mạng(15) của mình, nên rất vui mừng đồng đến chỗ đức Phật ngự, đảnh lễ chân Phật rồi ngồi qua một bên. Hằng sa thế giới ở mười phương cũng chấn động sáu cách, các loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và bát nạn đều được sanh lên sáu cõi trời Dục Giới.

Bấy giờ chúng sanh ở cõi Đại Thiên nầy, kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ điên được tỉnh, kẻ loạn được định, kẻ bịnh khỏi bệnh, kẻ tàn tật hết tật nguyền, kẻ rách được lành, kẻ đói được ăn, kẻ khát được uống.

Tất cả mọi loài đều phát thiện tâm xem nhau như cha mẹ, anh em, lìa ác sanh thiện, sống trong hài hòa tốt đẹp!

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trên tòa Sư tử, phóng hào quang đặc biệt, oai đức lớn lao, ánh sáng phủ khắp tam thiên đại thiên thế giới và cả vô số cõi Phật trong mười phương. Đức Phật dùng thần lực, hiện thân Phật cho tất cả hữu tình đều thấy được. Khi ấy, vô lượng vô số các vị trời ở cõi Tịnh Cư, trong thế giới tam thiên đại thiên này, đến các trời trong cõi Tứ Đại Thiên Vương ở cõi Dục và tất cả loài người chẳng phải người… đều thấy Như Lai ngồi trên tòa Sư tử, oai quang sáng rực như núi vàng lớn, vui mừng, khen chưa từng có; rồi cầm vô số các loại hoa trời, hương xoa, hương bột, y phục, ngọc anh lạc, tràng phan(16), lọng báu(17), nhạc cụ, các thứ ngọc, vô lượng các loại hoa sen trời đủ màu: Xanh, đỏ, trắng, hồng, và các hoa vàng bạc cõi trời, cõi người trên đất dưới nước, mang đến chỗ Phật, dâng rải lên Phật. Do thần lực Phật, các tràng hoa kia lần lượt tung lên không kết thành đài hoa, lọng hoa trời rũ xuống, nào là chuông quí, phan ngọc thêu dệt tỉ mỉ, đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, rất dễ ưa thích. Khi ấy, cõi Phật này, trang nghiêm mầu nhiệm, giống như thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Hào quang của Phật chói sáng khắp mọi loài, hư không đều cùng một màu vàng rực. Các cõi trong vô số cõi Phật mười phương, cũng lại như thế.

Khi đó chư thiên thuộc 25 cảnh giới từ cõi Dục cho tới cõi Vô sắc, trong tam thiên đại thiên thế giới, mỗi vị đều có cảm tưởng như chính thân Phật ngồi trước mặt thuyết pháp cho riêng mình.

 

Khách: Chư Bồ Tát và “bầu đoàn huyến thuộc” của mình từ thế giới 10 phương.

- Bấy giờ, ở thế giới sau cùng của hằng hà sa số thế giới về phương Đông tên là Đa Bảo, đức Phật hiệu là Bảo Tánh, đang thuyết Đại Bát nhã Ba la mật cho chúng Bồ Tát. Trong hội đó có Bồ Tát tên là Phổ Quang thấy ánh sáng lớn, đại địa biến động và thân tướng của Phật Thích Ca Mâu Ni, trong lòng phân vân, nên đến chỗ Phật thưa: Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì, mà có điềm lành này?

Khi ấy, đức Phật Bảo Tánh bảo đại Phổ Quang Bồ Tát: Nầy Thiện nam tử! Ở phía Tây của cõi này, trải qua vô số thế giới, có thế giới tận cùng, tên là Kham Nhẫn, có Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác… hiện an trú tại đó, sắp nói pháp Đại Bát Nhã cho chúng Bồ Tát. Do thần lực của Phật đó, mà hiện ra điềm lành này.

Phổ Quang nghe rồi, rất đổi vui mừng, lại bạch Phật Bảo Tánh: Bạch Thế Tôn! Nay con xin đến thế giới Kham Nhẫn, để chiêm ngưỡng, lễ bái cúng dường đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni và các chúng đại Bồ Tát, những vị đã đạt được sự hiểu biết thông suốt, thành thục các pháp môn Đà la ni, pháp Tam ma địa, thần thông tự tại, lại ở thân sau cùng, bất cứ lúc nào cũng có thể kế thừa ngôi vị Phật. Cúi xin rủ lòng thương xót, chấp thuận cho!

Khi ấy, Phật Bảo Tánh bảo Bồ Tát Phổ Quang: Hay thay! Hay thay! Nay đã đúng lúc. Được, ông cứ đi!

Đức Phật liền lấy ngàn cành hoa sen sắc vàng ròng, hoa ấy có ngàn cánh, có các báu trang nghiêm, trao cho Bồ Tát Phổ Quang và dặn rằng: Ngươi mang hoa này đến chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni, như lời Ta dặn, bạch: “Như Lai Bảo Tánh xin ân cần thăm hỏi, Ngài được khỏe mạnh, ít phiền, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực ôn nhu? Việc đời dễ chịu? Chúng sanh dễ độ chăng?” Rồi cầm hoa sen này, dâng lên Thế Tôn, để làm Phật sự. Ngươi đến cõi kia, phải cẩn thận, thấy cõi Phật và các đại chúng ở đó, chớ sinh lòng coi thường, mà tự làm thương tổn mình. Vì sao? Vì các vị Bồ Tát kia, oai đức khó sánh kịp, do nguyện độ sanh thôi thúc, vì nhân duyên lớn, mới sanh về cõi đó.

Khi ấy, Bồ Tát Phổ Quang nhận hoa, vâng lệnh, rồi cùng với vô lượng trăm ngàn vô số đại Bồ Tát xuất gia, tại gia và vô số trăm ngàn đồng nam, đồng nữ, đầu lễ chân Phật, đi vòng bên phải, rồi xin giã từ. Mỗi vị mang theo vô lượng các loại hoa hương, tràng phan, lọng báu, y phục, trang sức quý và các phẩm vật cúng dường khác, bắt đầu lên đường. Vô số cõi Phật ở phương Đông đã đi qua, đến cõi Phật nào cũng cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, không bỏ sót cõi nào.

Khi đến chỗ Phật Thích Ca, đầu lạy hai chân Phật, đi quanh trăm ngàn vòng, rồi lui đứng một bên. Bồ Tát Phổ Quang tiến tới trước, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ở phía Đông của cõi này, trải qua vô số thế giới, có thế giới tận cùng tên là Đa Bảo, có Phật hiệu là Bảo Tánh Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác xin ân cần thăm hỏi Thế Tôn “Ngài được khỏe mạnh, ít phiền, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực ôn nhu? Việc đời dễ chịu? Chúng sanh dễ độ chăng? Ngài ít bệnh, ít phiền, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực điều hòa, an vui chăng? Việc đời chịu đựng được chăng? Chúng sanh dễ độ chăng?” Rồi cầm ngàn hoa sen sắc vàng ròng ấy, dâng lên Thế Tôn để làm Phật sự.

Khi ấy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhận hoa sen ấy, rồi rải trở lại cúng dường vô số thế giới chư Phật ở phương Đông. Do thần lực Phật, khiến các hoa này rơi khắp các cõi Phật. Trong đài của các hoa này, đều có hóa Phật, ngồi kiết già, nói pháp tương ưng ĐBN cho các Bồ Tát; hữu tình nào nghe được, nhất định đạt được quả vị Giác ngộ tối cao. Sau đâu đó, Bồ Tát Phổ Quang cùng tùy tùng quyến thuộc cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen Phật và các Bồ Tát, rồi lui qua ngồi một bên.

Cứ như thế, từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật của phương Đông, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật trên.

 

(Theo sự trần thuật của kinh thì từ thế giới tận cùng của “tất cả các cõi Phật ở phương Đông”, đều có một vị Bồ Tát đại diện cõi nước mình đến dự pháp hội, điều này có nghĩa là tất cả thế giới tận cùng phương Đông nằm trong cùng một vũ trụ(18), và từ thái dương hệ của Phật Bảo Tánh, kinh nói “Ở phía Tây của cõi này, trải qua vô số thế giới, có thế giới tận cùng, tên là Kham Nhẫn, có Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Như Lai”. Vậy thế giới của Phật Thích Ca lại nằm trong một thái dương hệ tận cùng ở phương Tây, và giữa hai thái dương hệ này, có hằng sa thảy các cõi nước khác. Kinh lại tả tỉ mỉ: “Bầu đoàn” của Bồ Tát Phổ Quang ghé qua các cõi nước từ phương Đông đến cõi nước Kham Nhẫn hằng sa thảy: “... mỗi mỗi chỗ Phật ở đều cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen, không bỏ qua một cõi nào”. Thật khó có thể tưởng tượng nổi, cách đây hơn 26 thế kỷ (2630 năm) khi thiên văn học còn phôi thai mà Phật có cái thấy như thế! Đó là chỉ nói có một phương là phương Đông, chín phương khác cũng lại như thế).

 

- Lúc bấy giờ, thế giới tận cùng của vô số thế giới ở phương Nam, tên là Ly Nhất Thiết Ưu, có Phật hiệu là Vô Ưu Đức Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác. Trong đó có vị Bồ Tát tên là Ly Ưu, thấy các diễn biến giống như ở cõi nước của đức Bảo Tánh Như Lai như đã tả trên, liền xin phép Phật Vô Ưu Đức đến cõi nước của Đức Thích Ca Mâu Ni, cùng quyến thuộc đem lời vấn an và lễ vật cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã, nhất nhất… đều giống như câu chuyện của Bồ Tát Phổ Quang kể trên.

Cứ như thế, từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật của phương Nam, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật ở trên.

 

- Kế đến, thế giới tận cùng của vô số thế giới ở phương Tây, tên là Cận Tịch Tịnh, có Phật hiệu là Bảo Diệm Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác. Trong đó có vị Bồ Tát tên là Hành Tuệ, thấy các diễn biến giống như ở cõi nước của đức Bảo Tánh Như Lai như đã tả trên, liền xin phép Phật Bảo Diệm đến cõi nước của Đức Thích Ca Mâu Ni, cùng quyến thuộc đem lời vấn an và lễ vật cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã, nhất nhất… đều giống như câu chuyện của Bồ Tát Phổ Quang vừa kể.

Cứ như thế, từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật ở phương Tây khác, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật ở trên.

 

- Thế giới tận cùng của vô số thế giới ở phương Bắc, tên là Tối Thắng, có Phật hiệu là Thắng Đế Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác. Trong đó có vị Bồ Tát tên là Thắng Thọ, thấy các diễn biến giống như ở cõi nước của đức Bảo Tánh Như Lai như đã tả trên, liền xin phép Phật Thắng Đế đến cõi nước của Đức Thích Ca Mâu Ni, cùng quyến thuộc đem lời vấn an và lễ vật cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã, nhất nhất… đều giống như câu chuyện của Bồ Tát Phổ Quang kể trên.

Cứ như thế, từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật của phương Bắc, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật ở trên.

 

- Đến thế giới tận cùng của vô số thế giới ở phương Đông Bắc, tên là Định Trang Nghiêm, có Phật hiệu là Định Tượng Thắng Đức Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác…, có Bồ Tát tên là Ly Trần Dũng Mãnh cũng tham bái Phật Thích Ca Mâu Ni như trên.

Và từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật của phương Đông Bắc, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật ở trên.

 

- Đến thế giới tận cùng của vô số thế giới ở hướng Đông Nam, tên là Diệu Giác Trang Nghiêm, rất dễ ưa thích, có Phật hiệu là Liên Hoa Thắng Đức Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác…, có Bồ Tát tên là Liên Hoa Thủ cũng tham bái Phật Thích Ca Mâu Ni như trên.

Và từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật của phương Đông Nam, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật ở trên.

 

- Đến thế giới tận cùng của vô số thế giới ở hướng Tây Nam, tên là Ly Trần Tụ, có Phật hiệu là Nhật Luân Biến Chiếu Thắng Đức Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác…, có Bồ Tát tên là Nhật Quang Minh cũng tham bái Phật Thích Ca Mâu Ni như trên.

Và từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật của hướng Tây Nam, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật ở trên.

 

- Đến thế giới tận cùng của vô số thế giới ở hướng Tây Bắc, tên là Chơn Tự Tại, có Phật hiệu là Nhất Bảo Cái Thắng Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác…, có Bồ Tát tên là Bảo Thắng cũng tham bái Phật Thích Ca Mâu Ni như trên.

Và từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật của hướng Tây Bắc, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật ở trên.

 

- Đến thế giới tận cùng của vô số thế giới ở phương Hạ, tên là Liên Hoa, có Phật hiệu là Liên Hoa Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác…, có Bồ Tát tên là Liên Hoa Thắng cũng tham bái Phật Thích Ca Mâu Ni như trên.

Và từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật của phương Hạ, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật ở trên.

 

- Đến thế giới tận cùng của vô số thế giới ở phương Thượng, tên là Hoan Hỷ, có Phật hiệu là Hỷ Đức Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác…, có Bồ Tát tên là Hỷ Thọ cũng tham bái Phật Thích Ca Mâu Ni như trên.

Và từ thế giới tận cùng ấy, tất cả các cõi Phật của phương Thượng khác, mỗi cõi đều có một vị Bồ Tát đứng đầu xin phép chư Phật cõi mình, cùng tùy tùng quyến thuộc, đem lời vấn an và lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát để nghe Đại Bát Nhã như câu chuyện của Phổ Quang Bồ Tát đã thuật ở trên.

Lúc bấy giờ, khắp tam thiên đại thiên thế giới Kham Nhẫn đầy châu báu, các loại hương hoa thơm đẹp rải khắp mặt đất, tràng phan, bảo cái, giăng hàng khắp nơi, cây hoa, cây trái, cây hương thơm, cây vòng hoa, cây y phục, cây châu báu, các cây xen lẫn nhau trang trí khắp nơi, thật đáng vui thích, như các thế giới Liên Hoa của Phổ Hoa Như Lai, Tịnh Độ Diệu Cát Tường Bồ Tát (Văn Thù), Thiện Trụ Huệ Bồ Tát (Phổ Hiền) và có vô lượng đại oai thần lực Bồ Tát Ma ha tát an trụ trong ấy.

 

Thích nghĩa:

(1). Núi Linh Thứu nằm ở phía Đông Bắc thành Vương Xá, nước Ma Yết Đà hay Ma Kiệt Đà, Trung Ấn độ. Vì hình dáng núi này giống như đầu con chim thứu (kên kên) và trong núi cũng có nhiều chim thứu, nên đặt tên là Linh thứu. Ngoài Kinh ĐBN, Đức Như Lai từng tuyên thuyết các kinh Đại thừa khác như Kinh Pháp Hoa, v.v... ở đây, cho nên núi này đã trở thành Thánh địa của Phật giáo.

(2). Xứ Ma Kiệt Đà (Skt & P là Magadha) Còn gọi là Ma Kiệt Đề, Ma Yết Đà, Ma Già Đà: Một trong mười sáu vương quốc cổ ở Ấn Độ trong thời Phật còn tại thế, nằm về phía Đông Bắc Ấn, trong đó có Bồ Đề Đạo Tràng, một trung tâm Phật giáo thời cổ, nơi có nhiều tịnh xá gọi là Bahar. Thời Đức Phật còn tại thế, Ma Kiệt Đà là một vương quốc hùng cường, dưới quyền cai trị của vua Tần Bà Sa La (khoảng từ năm 543 - 493 trước Tây Lịch), kinh đô của xứ này nằm trong thành Vương Xá. A Xà Thế là con của Tần Bà Sa La cướp ngôi giết cha, tiếp tục cai trị xứ này. Vua A Dục (vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây Lịch) thống nhất toàn Ấn độ, lấy nước Ma Kiệt Đà làm trung tâm. Khi xưa nước này thuộc các quận Patna và Gaya, tiểu bang Bihar, miền Đông Bắc Ấn Độ. Núi Linh Thứu, và Trúc Lâm Tịnh xá đều nằm trong xứ Ma Kiệt Đà.

(3). Bậc đại long tượng: Nguyên chỉ cho những con voi khỏe mạnh nhất trong loài voi. Từ ngữ này được dùng để chỉ cho những người có năng lực, có uy đức kiệt xuất hơn người như Bồ Tát chẳng hạn.

(4). Kiết sử: (kiết hay kết tiếng Phạm: Bandhana hoặc Saôyojana) có nghĩa là trói buộc, chỉ cho phiền não. Vì phiền não trói buộc chúng sinh vào cảnh mê, khiến cho không thể thoát khỏi cái khổ sinh tử, nên gọi là Kết (trói buộc), Sử (sai khiến).

(5). Hoặc nghiệp: Hoặc: cũng gọi là phiền não, nghiệp: kết quả của tạo tác. Do các hoặc tham, sân, si mà tạo các nghiệp thiện ác, rồi lại do các nghiệp này làm nhân chiêu cảm quả khổ sống chết trong 3 cõi. Do hoặc mà khởi nghiệp, vì nghiệp nên chịu khổ, vì khổ lại khởi hoặc, cứ thế xoay vần, qua lại trong sanh tử tạo thành một chu kỳ bất tận.

(6). Bí sô: (s: bhikṣu) còn gọi là Tỳ kheo. Bí sô có chia nam, nữ (Tỳ kheo nam, Tỳ kheo nữ) là một trong bảy chúng. Theo Đại Trí Độ Luận quyển 3, nghĩa của từ Tỳ kheo hay Bí sô có 5 loại: 1- Khất sĩ: Hành trì pháp môn khất thực để làm cho cuộc sống của bản thân được thanh tịnh, trong sạch. 2- Phá phiền não: Đoạn trừ phiền não, hay còn gọi là phá ác. 3- Xuất gia nhân: Là người thật sự xuất gia, ra khỏi 3 ngôi nhà của phiền não, thế tục và Ba Cõi. 4- Tịnh trì giới: Hành trì giới pháp thanh tịnh. 5- Bố ma: Làm cho ma quân sợ hãi. Đặc biệt, Khất sĩ là người nuôi sống bản thân bằng việc xin ăn. Đức Phật chế rằng tài sản của người xuất gia là tam y và nhất bát. Hạnh nguyện đi khất thực cũng là một hình thức tu hành, nhằm đoạn trừ tâm tham lam, dẹp bỏ tự ngã, kiêu mạn, cống cao, sân hận, nóng nảy; nuôi dưỡng tâm từ bi, tu tập hạnh bình đẳng, bố thí thiện nghiệp. Hòa Thượng Bố Đại ở Huyện Phụng Hóa, Minh Châu, được xem như là hóa thân của đức Phật Di Lặc, có bài kệ rằng:

 

Nhất bát thiên gia phạn,

Cô thân vạn lý du,

Thanh mục đổ nhân thiểu,

Vấn lộ bạch vân đầu”.

                                                                  Dịch:

Bình bát cơm ngàn nhà,

Thân chơi muôn dặm xa,

Mắt xanh xem trần thế,

Mây trắng hỏi đường qua.

 

(7). Đại kiếp: Nếu tính theo mạng sống của con người thì một kiếp là 100 năm. Nhưng trong đạo Phật lại tính khác. Có quá nhiều thuyết, có thuyết phân chia thời gian làm nhiều loại gọi là tiểu kiếp hoặc trung kiếp hoặc đại kiếp; có thuyết phân chia thời gian theo sự cấu tạo của vũ trụ, là: Thành Kiếp, Trụ Kiếp, Hoại Kiếp và Không Kiếp. Khái niệm thời gian dù chỉ là một kiếp trong đạo Phật, nếu tính đếm theo qui ước của con người, cũng là một khoảng thời gian thật lâu dài. Theo Từ điển Phật học Việt Anh - Thiện Phúc: 1/. Một đại kiếp (sanskrit Mahakalpa) là 1.334.000.000 năm, một trung kiếp là 336.000.000 năm, một tiểu kiếp là 16.800.000 năm. 2/. Một chu kỳ thành, trụ, hoại, không của vũ trụ, mỗi thời kiếp được chia ra làm 20 tiểu kiếp, mỗi tiểu kiếp lại được chia ra làm hai thời “tăng” và “giảm”. Thời “tăng” được cai trị bởi “tứ thiên vương”, trong thời đó tuổi thọ của con người cứ tăng một tuổi cho mỗi một trăm năm cho đến 84.000 năm, và thân người cũng cao tới 84.000 bộ. Kế đó là thời “giảm” lại được chia làm ba giai đoạn chướng ngại là nạn dịch, chiến tranh và đói khát, lúc mà tuổi thọ của con người giảm từ từ đến lúc chỉ còn 10 tuổi thọ và chiều cao chỉ còn một bộ. Đây nói về thời gian. Nhưng không cần phải biết đích xác về kiếp số, thời gian làm gì. Vì trong Bát Nhã ba thời đều bất khả đắc. Bồ Tát chẳng ngại thời gian, chẳng nệ kiếp số, qua lại cõi này trong muôn ngàn kiếp dù chỉ độ cho một người. Vì vậy, nên nói thời gian phi thời gian, kiếp số phi kiếp số!

(8). Thượng thủ: Phạm: (Pramukha. Pàli: Pamukha) Người đứng đầu, dẫn đầu hay giữ cương vị tôn quý nhất trong một tập thể.

(9). Tướng thiên bức luân: Dưới bàn chân Thế Tôn có các tướng xoáy tròn như bánh xe có ngàn nan hoa, cái nào cũng tròn đầy. Đó là tướng thứ 2 trong 32 tướng Đại sĩ (Phật).

(10). Bạch hào: Lông mày trắng, nằm giữa chỗ giao nhau của hai hàng hai lông mày. Lông mày chỗ này rất dài, quyện tròn nhau, nên gọi là bạch hào tướng, một trong 32 tướng tốt của đức Phật. Lông mày này màu trắng có thể phóng ra ánh sáng có tên là bạch hào (hào quang trắng). Chúng sanh nào gặp được ánh sáng này thì có thể tiêu trừ nghiệp chướng và thân tâm an lạc.

(11). Nhục kế: Nhục là thịt, kế là búi tóc, cục thịt hay xương nổi cao lên giống như búi tóc giữa đỉnh đầu, nên gọi là nhục kế, là 1 trong 32 tướng hảo của đức Phật, còn gọi là Uất ni sa hay gọi tắt là Ô sa.

(12). Tướng lưỡi rộng dài: Tướng lưỡi rộng dài hay quảng trường thiệt tướng: Cũng gọi là Quảng trường luân tướng. Gọi tắt: Trường thiệt tướng. Tướng lưỡi rộng dài, một trong ba mươi hai tướng. Lưỡi của chư Phật rộng dài, mềm mại, có màu hồng và mỏng; khi thè ra thì trùm cả mặt cho đến lằn tóc ở trán. Tướng này có 2 đặc trưng: 1- Nói lời chân thật. 2- Biện thuyết vô cùng tận, không ai có thể hơn được.

(13). Chấn động sáu cách (Lục chủng chấn động):

1- Phương Đông vọt lên, phương Tây chìm xuống.

2- Phương Tây vọt lên, phương Đông chìm xuống.

3- Phương Nam vọt lên, phương Bắc chìm xuống.

4- Phương Bắc vọt lên, phương Nam chìm xuống.

5- Bốn phương vọt lên, ở giữa chìm xuống.

6- Ở giữa vọt lên, bốn phương chìm xuống.

(14). Bát nạn: Là tám nạn, tám trường hợp không may có thể xảy ra trên con đường học đạo giác ngộ của một tu sĩ. Bát nạn bao gồm: 1- Địa ngục (s: naraka); 2- Súc sinh (s: tiryañc); 3- Ngạ quỷ (s: preta); 4- Trường thọ thiên (s: dīrghāyur-deva), là cõi trời thuộc sắc giới với thọ mệnh cao. Thọ mệnh cao cũng là một chướng ngại vì nó làm mê hoặc hành giả, làm hành giả dễ quên những nỗi khổ của sinh bệnh lão tử trong Luân hồi; 5- Biên địa (s: prat-yantajanapāda), là những vùng không nằm gần trung tâm văn hóa, không thuận tiện cho việc tu học chánh pháp; 6- Căn khuyết (s: indriyavaikalya), không có đủ giác quan hoặc các giác quan bị tật nguyền như mù, điếc…;7- Tà kiến (s: mithyādarśana) những kiến giải sai lệch, bất thiện; 8- Như Lai bất xuất sinh (s: tathāga-tānām anutpāda), nghĩa là sinh sống trong thời gian không có Phật xuất hiện hoặc giáo pháp của Ngài. (Từ điển Đạo Uyển).

(15). Túc mạng: Trí biết được đời trước của mình hay của người khác gọi là túc mạng thông, chỉ năng lực biết được những đời trước, là một trong Ngũ thông. Cũng gọi là Túc mạng trí thông.

(16). Tràng phan: Cờ phướn.

(17). Lọng báu còn gọi là bảo cái hay dù quý giá.

(18). Vũ trụ: Khoảng không gian vô tận chứa các thiên hà.

Lưu ý: Quý vị, nhất là người mới học Phật thường gặp nhiều khó khăn trong các từ ngữ chuyên môn hay bị trở ngại trong vấn đề diễn tả văn cú hay chuyễn ngữ v.v... Nên người chiết giải kinh phải giải thích nhiều. Vì vậy, các phẩm đầu của Hội thứ I, thích nghĩa hơi dài dòng, nhưng càng về sau, độc giả càng quen lần, các Hội kế tiếp thích nghĩa sẽ giảm đi.

 

Lược giải:

 

Muốn diễn tả bất cứ một cuộc diễn thuyết một pháp hội nào, ai cũng phải miêu tả quang cảnh buổi hội, giới thiệu diễn giả, thính giả, chủ đề nghị sự, mục đích và ý nghĩa buổi hội v.v… Phẩm “Duyên khởi” đã trình bày quá đầy đủ những chi tiết cần thiết đó. Chủ đề thuyết pháp ở đây là “Đại Bát Nhã Ba La Mật”. Diễn giả chính là Phật Thích Ca Mâu Ni, phụ thuyết có Tu Bồ Đề, Xá Lợi Phất, A Nan Đà, Thiên đế Thích Đề Hoàn Nhân v.v… Thính giả ở cõi nước Kham Nhẫn là Tăng đoàn, gồm 1250 Bí sô nam, ngoài ra có 500 Bí sô nữ, cư sĩ, và các đại Bồ Tát trong đó có Từ Thị Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát… cùng vô số các Thiên Vương, Thiên tử, người không phải người thuộc thế giới Kham Nhẫn tham dự. Đây là chủ.

 

Quang minh do Phật phát từ kim thân, tướng thiên bất luân, bạch hào, nhục kế, tướng lưỡi dài rộng, cho đến tất cả lỗ chân lông trên thân thể… soi khắp cõi cùng với chấn động sáu cách, lan rộng đến các Tam thiên đại thiên thế giới 10 phương. Do nguyên nhân này khiến cho các chư Phật trong thế giới 10 phương đều biết Đức Thế Tôn Mâu Ni sắp thuyết Đại Bát Nhã, nên cho phép các Bồ Tát và bầu đoàn quyến thuộc của thế giới mình, đem lễ vật đến cúng dường Phật Thích Ca và các Bồ Tát ở cõi nước Kham Nhẫn để được nghe Bát Nhã. Ngoài ra, có vô lượng vô số các Trời, tất cả người chẳng phải người… từ Tam thiên đại thiên thế giới 10 phương đồng tham dự. Thành phần này chính là khách.

 

Phật dùng lễ vật cúng dường từ khắp cõi, rồi rải trở lại cúng dường vô số thế giới chư Phật ở 10 phương, các loại hoa và lễ vật rải lên không kết thành màn che, lọng báu, cờ phướn… thật huy hoàng, tráng lệ khắp các Tam thiên đại thiên thế giới. Đó là khung cảnh buổi hội, tổ chức lần thứ nhất để thuyết Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật trên đỉnh Linh Thứu, núi Kỳ Đà Quật, thuộc thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà. Quang cảnh pháp hội thật huy hoàng lộng lẫy chưa từng thấy, nhưng không kém phần tôn nghiêm mà chúng tôi vừa lược tóm như trên.

Phẩm kế tiếp sẽ nói về chủ đề và ý nghĩa sâu xa của pháp hội./. (1)

 

(1). Lưu ý quan trọng: ./. đây là dấu hiệu dùng cho toàn thiên Tổng luận Đại Bát Nhã, để chấm dứt mỗi phẩm hay mỗi phần.

 

---o0o---

 



 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]