Tác giả bài viết trong tập sách mỏng này là Nguyễn Hiền [Nguyễn Hiền Đức], pháp danh Nguyên Tánh, làm việc tại Tòa Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn trong 10 năm (1965-1975), là cựu Trưởng phòng Tu Thư, Thư ký tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng Viện Đại học Vạn Hạnh. Ông là người đã chép lại bản thảo, sửa lỗi bản in thử, chịu trách nhiệm về kỹ thuật, mỹ thuật, góp phần hoàn thành việc xuất bản Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh và Kinh Lời Vàng do cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ Pali ngữ; cùng nhiều tác phẩm Phật học khác do Tu Thư Vạn Hạnh xuất bản.
Nguyễn Hiền Đức tự nhận mình chỉ là một người say mê đọc sách; là một người yêu cái đẹp của văn chương chữ nghĩa và các giá trị văn chương học thuật có tính nhân văn.Từ hai mươi năm nay, sau khi nghỉ hưu, ông có thời gian đọc Kinh, sách Phật học và đã thực hiện được nhiều bộ Tuyển tập Phật học.
Nguyễn Hiền Đức cho rằng mình đang bước đầu tập tễnh học Phật, với cái trình độ sơ học của mình về nhiều mặt. Vì thế, ông đã chọn cách tiếp cận tác phẩm Phật học một cách chậm rãi, thận trọng, cẩn mật với lòng tôn trọng và kính quý rất cao đối với tác giả và tác phẩm; đôi khi ông chỉ chọn một cách nhìn, một góc nhìn nào đó về tác giả mà ông đã thật thà trình bày trong bài viết của mình. Như về Ni sư Giới Hương, theo lời ông, thì ông đọc những bài thơ của Ni sư, nghe nhiều lần trong tĩnh lặng những đĩa nhạc của Hương Sen, đọc những bài về hành hương đất Phật, về hành trạng của Ni giới, Và, tiếp theo là những bài giới thiệu tác phẩm quan trọng của Ni sư Giới Hương do Hòa thượng Mãn Giác, Hòa thượng Bảo Lạc, Hòa thượng Như Điển, Thượng tọa Nhật Từ, Sư bà Nguyên Thanh và nhiều chư tôn đức khác, cũng như các cư sĩ Phật tử tán thán công đức hoằng pháp của Ni sư Giới Hương.
Cuối cùng, qua bài viết HƯƠNG SEN, THƠ VÀ NHẠC này, Nguyễn Hiền Đức đã thưa trình với Ni sư Giới Hương rằng đây chỉ là một vài cảm nhận ban đầu từ một câu rất giàu đạo vị và thơ mộng của Ni sư: “Thế giới xung quanh chúng ta sẽ rất ý vị, nên thơ, nên nhạc; hãy thưởng thức!”Thật ngạc nhiên, chỉ là cảm xúc của một câu viết mà bây giờ trở thành một cuốn sách song ngữ Anh Việt để phổ biến đến bạn đọc. Bên cạnh tác phẩm này, Nguyễn Hiền Đức cũng từng đề nghị chân thành rằng chư Ni chùa Hương Sen, Học trò và Phật tử hãy cùng nhau thực hiện Tuyển tập “40 Năm Tu Học và Hoằng Pháp của Ni sư Thích Nữ Giới Hương”, theo ông, đây là một việc cần làm vì “Lợi cho mình, lợi cho người và lợi cho cả hai” như lời dạy trong kinh Phật. Nguyễn Hiền Đức đã rất vui khi biết rằng lời đề nghị đó đang được chùa Hương Sen thực hiện và trở thành tác phẩm thứ 41 trong Tủ Sách Bảo Anh Lạc (Xin mời xem http://huongsentemple.com/index.php/kinh-sach/tu-sach-bao-anh-lac).
Cảm kích tấm lòng từ tốn, chân thành và khả năng thấm đẫm thơ văn của Nguyễn Hiền Đức, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm HƯƠNG SEN, THƠ VÀ NHẠC và nhà văn tài năng này đến quý độc giả thân quý của Tủ Sách Bảo Anh Lạc.
Hoa tháng 10 thành phố Perris, 2019
Hương Sen Press, USA
LỜI CUNG KÍNH ĐẾN
NI SƯ TS. THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG
Trụ trì chùa Hương Sen, tiểu bang California, Hoa Kỳ
Cách đây hơn một tuần, trong khi tìm kiếm tài liệu để viết lại tiểu sử tóm tắt của Ni sư Thích Nữ Giới Hương với các chi tiết chọn lọc, cần thiết, đã được cập nhật, theo ý của chúng tôi. Chúng tôi mới bổng nhớ ra rằng: Năm 1978, lúc Ni sư mới 15 tuổi, Ni sư xuất gia với Sư bà Hải Triều Âm (Đại Ninh - Việt Nam). Như vậy, tính đến năm 2018 này, là kỷ niệm 40 NĂM XUẤT GIA CỦA NI SƯ THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG.
Tuy mới biết và được hầu chuyện Ni sư chỉ năm mười phút ngắn ngủi tại chùa Hương Sen, rồi sau đó đọc một số tác phẩm, những bài pháp luận, thuyết trình… của Ni sư. Chỉ ngần ấy thôi, nhưng chúng tôi vẫn luôn lưu giữ cái cảm nhận rất chân thành và nghiêm túc này: Rằng Ni sư Thích Nữ Giới Hương là người rất mực khiêm cung, suy nghĩ cẩn mật. Rằng Ni sư là người kiên tâm trì chí tu học và hành Đạo suốt 40 năm ấy; Rằng Ni sư Thích Nữ Giới Hương là “Người gieo duyên Phật pháp, gieo duyên Đạo”* không ngừng nghỉ và không biết mỏi mệt. Và rất nhiều đức khác mà chúng tôi kính trọng, ngưỡng vọng và kỳ vọng…
Viết đến đây, chúng tôi bổng nhớ một cách thấm thía và tâm đắc những lời dạy của Đức Phật: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”; “Hãy tự mình là hải đảo của chính mình…”[1]; “Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài” (Yo sàro so thassati)[2]. Và, Đức Phật cũng dạy rằng: "Hãy ra đi này các Tỳ kheo! Vì sự an lạc và hạnh phúc cho số đông, vì sự tốt đẹp cho đời, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.”[3]Vâng, 40 năm qua, Ni sư Thích Nữ Giới Hương đã ra đi, đã lên đường,... để góp phần mình “Vì sự an lạc và hạnh phúc cho số đông, vì sự tốt đẹp cho đời, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.”
Với tâm niệm như vậy, chúng tôi tạm quên đi một đề cương chi tiết về chương trình… dự định sẽ thưa trình với Ni sư. Nhưng thôi. Thay vào đó, chúng tôi viết bài ngắn “Hương Sen, Thơ và Nhạc” này, và sẽ cố gắng viết thêm vài bài nữa để gọi là một chút Quà Tặng nho nhỏ, khiêm tốn cung kính tặng Ni sư Thích Nữ Giới Hương vào ngày sinh nhật và kỷ niệm 40 năm xuất gia này...
* * *
Chủ nhật, 27 tháng 5, vợ chồng và con gái chúng tôi đến Hương Sen. Đến và biết, và là lần đầu đảnh lễ Ni sư Thích Nữ Giới Hương. Khi lễ Phật Đản kết thúc là “thủ tục” chúc mừng sinh nhật Ni sư Thích Nữ Giới Hương do Phật tử chùa Hương Sen tổ chức. Đơn giản, nhẹ nhàng, nhanh gọn mà sao chúng tôi cảm nhận được sự ân cần, ấm áp của nghĩa tình Thầy-Trò trong kỷ niệm đáng nhớ này.
Dịp này, Ni sư Thích Nữ Giới Hương tặng mỗi người trong nhóm chúng tôi 2 cuốn sách: Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm và Nếp Sống Tỉnh Thức Của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma XIV. Giữa trưa nắng nóng rát da, trên đường đến Thiền viện Pháp Thuận, cách chùa Hương Sen hơn một giờ xe, chúng tôi nhớ lại điều này: chúng tôi đã “làm quen” với Ni sư Thích Nữ Giới Hương cách đây hơn một năm khi chúng tôi “làm” 3 Tuyển tập gồm những bài viết về Phật tích. Chúng tôi rất thích đọc những bài về chuyên đề này của GS Hoàng Phong, TS Nguyễn Tường Bách và Ni sư Thích Nữ Giới Hương. Rồi đến khi viết Lời bạt cuốn Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa của Thầy Như Điển, chúng tôi lại đặc biệt “chú ý” đến bài Nét Bút Bên Song Cửa của tác giả Thích Nữ Giới Hương. Đúng là chúng tôi có “tò mò” nhưng tò mò một cách chân thành và thích thú. Từ nhan bài đến nội dung bài viết quả tình là một bài THƠ. Vâng, rất Thơ và rất hay!Vì thế, đến nay chúng tôi vẫn tin rằng Ni sư Giới Hương sẽ làm nhiều thơ về một hình tượng đẹp của Nét Bút Bên Song Cửavà sẽ có nhạc sĩ, ca sĩ thân tình với Ni sư phổ nhạc và trình bày bài thơ này.
Tuy đây chỉ là những cảm nhận ban đầu nhưng nó lại đọng lại trong chúng tôi rất sâu và rất lâu. Từ những cảm xúc đó, chúng tôi tiếp tục cảm nhận và thưởng thức chất Thơ trong 2 cuốn sách mà Ni sư đã tặng.
Trong Lời đầu cuốn Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm, Ni sư Thích Nữ Giới Hương viết:
“Có một đêm Đức Phật đứng lặng lẽ trầm mặc bên dòng sông bạc. Tôn giả Xá Lợi Phất cũng đứng phía sau và nhìn xuống ánh trăng lung linh óng ánh trên mặt nước, bất giác tôn giả buồn bã than rằng:
- “Bạch đức Thế Tôn! Thật đáng thương thay! Có những kẻ mò trăng đáy nước đến nỗi chết chìm.”
- “Đúng thế! Thật đáng thương xót! Nhưng đáng thương hơn nữa là những kẻ chấp rằng vũ trụ không trăng.”
Có người tìm trăng đáy nước, thấy ánh trăng lung linh ảnh hiện trên mặt nước, nên lao đầu xuống nước mò kiếm, nhọc sức luống công mà còn cái khổ phải bị chết chìm mà không biết rằng rất đơn giản chỉ cần ngước đầu lên thì sẽ thấy được ngay chị hằng xinh đẹp thật. Rồi lại có người cho rằng trên đời không có trăng dù rằng mặt trăng tròn vằng vặc vẫn đang tỏa ánh sáng huyền diệu bao trùm vũ trụ không gian đó... Đây là những người thật đáng thương, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là những chúng sinh luân hồi.”[4]
Trong Chương XV. Kết Khuyến, chúng tôi đọc đi đọc lại trang cuối sách:
“Đức Phật nhắc để chúng ta tỉnh ngộ, quan trọng là lúc nào cũng quay về mình, sáng suốt mà làm chủ lấy mình. Tam giới và luân hồi trong thất thú chỉ vì một chút vọng mà ra. Tự tánh bồ đề của chúng ta vốn không có vọng, cũng chẳng có chân.
Bầu trời trong sáng
Không trăng, có trăng
Bóng trăng ảnh hiện
Đâu chẳng là trăng
Mỏi gối tìm trăng
Ngập nắng hoàng hôn
Không đợi trung thu
Vầng trăng chiếu sáng.[5]
Chúng tôi đọc tiếp ở bìa sau:
“Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa, rất nhiều tư tưởng thâm áo ẩn tàng trong kinh.
Như một vườn hoa có rất nhiều hoa nở đẹp.Tuyệt diệu nhất là hoa cúc trắng tinh khiết nói về Tạng tánh Như-lai tạng, hoa cúc vàng nói về mặt luân chuyển của tỉnh thức nguyên minh và nhiều hoa nữa.
Nội dung cuốn sách này chỉ nói về mặt ý nghĩa “Luân Hồi”mà trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có đề cập đến, như người làm vườn chỉ xin nhặt hoa cúc vàng để mời người xem…”
[1]Trường Bộ Kinh III, trang 101 ;Trường bộ Kinh V, 170, Hòa Thượng Minh Châu dịch Việt.
[2]Trung Bộ,122.Kinh Đại không, Mahàsunnata Sutta.
[3]Luật Tạng (Vinaya), IV:20.
[4]Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2009, tr.vii.
[5]Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2009, tr.280.
Hương Sen Thơ và Nhạc-Lotus Fragrance- NHDuc