Xuân Và Thi Ca
Thích Thái Hòa
Nhà Xuât Bản Hồng Đức
Mục Lục
Ngỏ. 9
Đạo Làm Anh Trong Mỗi Dịp Xuân Về. 11
Nhận Diện Và Tiếp Xúc Với Mùa Xuân. 17
Tiếp Xúc Và Sống Với Xuân. 37
Mùa Xuân Chuyển Hóa. 44
Bức Thư Xuân. 54
Mùa Xuân Cho Ta. 62
Mùa Xuân Của Con Người 68
Xuân Và Tâm Lực Bồ Đề. 77
Xin Chào Nguyên Xuân! 87
Mùa Xuân Trong Mỗi Chúng Ta. 92
Tạo Dựng Mùa Xuân. 102
Xuân Tình. 113
Vô Ngã. 113
Kỳ Xuân. 118
Xuân Cảm.. 121
Xuân Thiền. 122
Nụ Mai Vàng. 123
Lạ Gì Xuân. 126
Xuân Thường Tại 127
Xuân Hiện Hữu. 128
Xuân. 132
Chuyển Hóa. 132
Xuân Như. 135
Ngày Ấy. 135
Còn Mãi 137
Một Đóa Hoa. 137
Xuân Bẽn Lẽn. 139
Hồn Xuân. 141
Uống Trà. 143
Và Xuân. 143
Xuân, 145
Nghe Tôi Gọi! 145
Chào Nguyên Xuân. 149
Xuân Về Nhỉ! 151
Xuân Bao Dung. 152
Nắng Xuân Reo. 153
Đối Xuân. 154
Xuân Tự Do. 155
Dòng Sông Xuân. 157
Xuân Tròn Đầy. 159
Xuân Mãi Còn. 161
Nắng Xuân Mầu. 163
Trời Xuân Bạt Ngàn. 166
Xuân Cả Mười Phương. 168
Ngoài Mù Sương. 171
Hồn Xuân Vô Ngần. 172
Cả Một Trời Xuân. 175
Mây Xuân. 185
Gió Xuân. 187
Xuân Như. 188
Xuân Thường Tại 189
Tình Xuân Của Phật 190
Thơ Xuân. 193
Xuân Quang. 195
Hoa Mai Ngủ. 197
Biết Mình Là Xuân. 199
Một Dòng Sông Xuân. 202
Xuân Trong Ta. 206
Xuân Vượt Qua. 210
Xuân Rong Chơi 212
Bài Ca Xuân. 215
Ngỏ
Xuân và Thi Ca là tập hợp của những bài pháp thoại, văn và những bài thơ cảm nhận về xuân qua nhiều thể tài văn chương khác nhau.
Từ khi có đất trời là có xuân, xuân biểu hiện giữa muôn ngàn sự sống linh hoạt và sống động. Xuân là một bức tranh đời kỳ diệu; là bản trường ca vô tận, với nhiều cung bậc trầm bổng khác nhau, chuyển sức sống lên tận mạch nguồn của muôn vật và nhân sinh; xuân mở ra cho con người một bầu trời đầy trăng sao và hy vọng; xuân làm mới lại những gì đã bị tuổi đời làm rát bỏng hay bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian và xuân sưởi ấm lại những gì đã bị ẩn khuất trong những tháng ngày trời đông giá rét…
Xuân là vậy, nên xuân là sự cảm hứng vô tận của con người. Và tùy theo vùng miền, phong thủy, thổ dưỡng, khí tiết, ngôn ngữ, tâm thức cá nhân và cộng đồng mà con người biểu hiện niềm tin và tình cảm của mình đối với xuân qua nhiều góc hẹn, chấm phá và ngữ điệu phô diễn khác nhau.
Sự biểu đạt trong tập Xuân và Thi Ca này, nếu có gì đồng cảm với mọi người qua xuân, thì xin hãy thở nhẹ và mỉm cười cùng nó. Nếu không, thì hãy để cho nó hiện hữu như chính nó với nắng sớm hong trên đầu cỏ hay với sương chiều theo gió lơ lững bay đi trong những đám mây chiều ửng hồng, quần tụ và phân kỳ từ đỉnh núi xa xanh biếc…
Tuệ Nguyên – Thích Thái Hòa
Đạo Làm Anh
Trong Mỗi Dịp Xuân Về
Con người đối xử với nhau và muôn loài dễ thương, là bởi trong con người có thiện tánh biểu hiện. Và con người đối xử với nhau và muôn loài dễ ghét là vì trong con người biểu hiện ác tánh.
Ác tánh trong con người do được nuôi dưỡng bởi thầy tà, bạn ác, bởi những nhận thức sai lầm từ các giáo thuyết, học thuyết, triết thuyết và chủ thuyết.
Và thiện tánh trong con người lại được nuôi dưỡng từ Thầy hiền, bạn tốt, bởi những cái hiểu, cái thương đúng đắn từ những giáo lý nhân ái, bác ái, từ bi, vị tha, vô ngã và nhân duyên.
Thế nào là thầy tà, bạn ác và thế nào là những nhận thức sai lầm từ các giáo thuyết, học thuyết, triết thuyết và chủ thuyết?
Thầy tà là vị thầy giáo dục không hướng dẫn học trò sống nếp sống cao thượng và chính bản thân của vị thầy đó cũng không hề có đời sống ấy. Hoặc vị thầy ấy chỉ nói những điều tốt đẹp cho người khác làm, còn chính bản thân không làm, bản thân sống bê bối.
Bạn ác là những người bạn đưa ta đi đến chỗ phe nhóm, băng đảng ăn chơi trác táng, đọa lạc.
Và những nhận thức sai lầm từ các giáo thuyết, học thuyết, triết thuyết, chủ thuyết, khi mà những thuyết ấy cho rằng, con người chỉ thuần về vật chất và vật chất có thẩm quyền giải quyết toàn bộ vấn đề hạnh phúc của con người, hay con người chỉ thuần về tâm linh, tâm linh quyết định mọi yếu tố hạnh phúc của con người.
Những giáo thuyết như vậy, không phải sai, nhưng chỉ là một khía cạnh của con người. Con người khổ đau hay sinh hoạt mất bình thường là do nghiêng về một trong hai khía cạnh và cho một trong hai khía cạnh ấy là tất cả.
Nhận thức như vậy là nhận thức sai lầm, giáo thuyết dạy cho con người sống như vậy là giáo thuyết sai lầm, học và hiểu như vậy là học và hiểu theo học thuyết sai lầm; phân tích, chia chẻ, luận lý, chứng minh cho quan điểm ấy, cho lập trình ấy là đúng, đó là triết thuyết sai lầm và chủ trương sống và hành động như vậy, buộc mọi người phải sống như vậy, không thể sống khác đi, đó là chủ thuyết sai lầm. Chính ý nghĩ sai lầm đó, huân tập tạo thành tri kiến sai lầm. Và từ tri kiến sai lầm, tạo thành chủng tử sai lầm, lại từ chủng tử sai lầm tạo thành ác tánh, nên con người đã đối xử với nhau và muôn loài bằng những ác tính ấy.
Có những ngày từ 4 giờ sáng sớm, tôi đã đi thiền hành, từ chùa Thuyền Lâm về đường Lê Lợi, Nguyễn Trường Tộ, qua đường Trần Phú và trở lại chùa, và cứ mỗi buổi sáng như vậy, tôi lại thấy phần nhiều mọi người dậy sớm không phải để làm thiện mà để làm ác. Chùa và nhà Thờ ánh đèn điện đều sáng choang, nhưng chỉ lác đác vài tiếng kinh cầu, vọng ra từ bàn thờ Phật và Chúa, nhưng khi nghe tiếng những chiếc xe nổ, tôi đã nhìn thấy nhiều người chở những thây heo trên xe để đi tới các quán ăn nhậu, và các quán ăn nhậu nầy, lại có những cô thiếu nữ, mặt mày cũng tươi tắn đang cầm dao phanh chặt và xẻ thây của những chú heo ra từng mảnh, rồi bỏ vào nồi nước đang sôi sùng sục. Nhìn những cảnh ấy, tôi đứng yên lặng, lạnh người và tự nghĩ, con người mở đầu cho một cuộc sống là như vậy đó hả?
Con người mở đầu cuộc sống chỉ là đồ tể trực tiếp và gián tiếp hay là những người đồng tình với đồ tể ấy ư?
Có khi nào con người tự hỏi lại chính mình, tại sao ta phải ăn thịt? Nếu không ăn thịt thì ta có thể sống được không? Có ai ăn thịt người không? Và mình có muốn người khác và loài khác ăn thịt mình không và ăn thịt bà con mình không?
Ngày trước tôi còn nhỏ, mẹ tôi kể cho tôi nghe, quỷ La sát là loài quỷ ở trên các hải đảo, là loài thích ăn thịt người, từ đó tôi ghét loài quỷ La sát lắm, tôi không muốn nhắc nhở đến tên của loài quỷ La sát nầy, nhưng thật ra có loài quỷ La sát nào ăn thịt người đâu, chỉ là chuyện kể thôi mà, nhưng trong thực tế, ta chỉ thấy người ăn thịt mới là quỷ La sát của mọi loài.
Ngày ba mươi tết, tiếng heo kêu en ét bởi những lát dao và những bước chân của những chú bò, chú trâu rùng mình với đôi mắt rươm rướm bước vào lò mổ, quỳ xuống trước dao búa của con người đồ tể. Nếu con người có chút thiện tánh, họ tự đặt lại câu hỏi, ta ăn tết, ta vui xuân, ta cầu cho ta và gia đình ta được bình an và hạnh phúc, vậy các loài nầy có ăn tết, có vui xuân, có cầu cho nó và những gì liên hệ với nó bình an không hả? Ta chỉ cần biết đặt câu hỏi như vậy thôi, thì ác tánh nơi ta không còn đủ cơ hội để biểu hiện và thiện tánh nơi ta bắt đầu xuất hiện.
Làm sao ta có mùa xuân và sự bình an, khi muôn loài và sự sống quanh ta đang bị ta tàn hại? Xuân về cho ta sự sống, đáng lẽ con người là anh cả của muôn loài, con người biết tiếp nhận sự sống và biết tạo ra sự sống cho cả muôn loài để cùng nhau vui xuân, thì con người mới phải đạo làm người và đạo làm anh chứ?
Nhận Diện Và Tiếp Xúc
Với Mùa Xuân
Tin Yêu Và Sức Sống:
Mùa xuân là mùa của tin yêu và sức sống, mùa của hy vọng và bình an. Như vậy, ở nơi nào có sự bình an tức là ở đó có sự tin yêu, có sức sống và có hy vọng; chính ở nơi đó đích thực có mặt của mùa xuân. Vì không có tin yêu, làm sao chúng ta sống được, và không sống được thì làm sao có sự nở hoa, có sự đâm chồi nảy lộc. Nên gia đình nào có sự tin yêu, thì gia đình đó đích thực có mùa xuân.
Trong đời sống của ta không có sự tin yêu nào cả, thì làm sao ta có được mùa xuân, làm sao hoa nở trong đời sống của ta. Vì vậy, tôi nói rằng: nơi nào có sự tin yêu, nơi đó đích thực có mùa xuân; người nào có sự tin yêu, người ấy đích thực có mùa xuân; gia đình nào có sự tin yêu, gia đình đó có mùa xuân; đất nước nào có sự tin yêu, đất nước đó có mùa xuân.
Khi đã có mùa xuân, thì có sức sống, và có sức sống thì đương nhiên có bình an. Chính sự bình an của mùa xuân tạo ra sự hy vọng trong tương lai; tức là một sự hy vọng có gốc rễ, chứ không phải là một sự hy vọng hão huyền. Vì sự hy vọng đó được đặt trên nền tảng của tin yêu, được đặt trên nền tảng của sức sống và được đặt trên nền tảng của bình an. Nên, sự hy vọng đó có thật và chắc chắn nó sẽ xảy ra trong tương lai cho ta, chứ không phải là sự hy vọng không có cơ sở.
Khi chúng ta nhận diện và tiếp xúc được như thế rồi, thì chúng ta ở đâu cũng có mùa xuân, chứ không phải mùa xuân chỉ có ba ngày, ba tháng hoặc một năm hay chỉ ở một độ tuổi nào.
Mùa xuân là sự tin yêu, mùa xuân là sức sống tràn đầy, mùa xuân là sự bình an và mùa xuân là niềm hy vọng. Đó là mùa xuân đích thực. Mùa xuân mà chỉ mấy ngày đầu năm âm lịch ấy chỉ là mùa xuân quy ước, giả tạo. Vì ta thiếu trí tuệ, sống cạn cợt, chạy theo và chụp giựt với mùa xuân quy ước đó, để rồi con người chúng ta tạo ra những chất liệu cay đắng, tai nạn và khổ đau cho nhau.
Xuân Như Ngày Ấy
Có người đến thăm tôi và hỏi: Xuân này Thầy đã có bài thơ nào chưa? Đúng là hôm qua tôi chưa có bài thơ xuân nào cho năm này cả. Nên, tôi trả lời tôi chưa có bài thơ nào cho xuân này cả.
- Thế thì khi nào Thầy mới có thơ xuân cho năm này? Khi nào đủ duyên thì có. Và đúng là sáng nay đủ duyên nên thơ xuân xuất hiện. Đó là bài thơ: “ Xuân như ngày ấy”. Và đây là món quà tinh thần, tôi xin tặng đến mọi người.
“Đất trời vẫn đất trời này,
vẫn dông bão tố vẫn đầy bình an;
Vẫn đêm tối, vẫn trăng ngàn;
vẫn bình minh cũ, vẫn hoàng hôn xưa.
Đá nằm im lặng bốn mùa,
ngàn năm chim vẫn hót đùa trên cây.
Rừng hoang hoa vẫn nở đầy,
trong ta xuân vẫn như ngày ấy thôi”.
“Đất trời vẫn đất trời này”, chứ xưa nay có đất trời nào khác, từ khi khai thiên lập địa chỉ một đất trời này thôi, chứ có đất trời nào khác nữa đâu.
“Vẫn dông bão tố, vẫn đầy bình an”. Trong đất trời này, dù có dông bão tố, nhưng không phải vì thế mà không có sự bình an. Như vậy, chúng ta thấy được như vậy là ta có hy vọng và hạnh phúc rồi chứ? Tìm đâu nữa, vì ngay trong dông bão tố ta vẫn thấy có sự bình an kia mà! Dông bão chỉ là những biến động bất thường của đất trời mà không gian của đất trời vẫn mãi là không gian tịch lặng, vẫn mãi là không gian bình yên cho mỗi chúng ta.
Quan trọng là ta có chịu đựng được với dông bão tố, để rồi sau dông bão tố đi qua là ta có sự bình an không. Nếu trong đời này, ta có thể tránh né được dông bão của đất trời, nhưng làm sao ta có thể tránh né được những trận dông bão ngay trong đời sống của mỗi chúng ta. Giận dữ, mất niềm tin và thất vọng thường tạo nên những trận cuồng phong trong đời sống của mỗi chúng ta. Mỗi khi ta thất vọng với ai, với điều gì, cơn giận dữ trong ta sẽ nổi lên, ta không cần phải tránh né, ta phải biết chấp nhận và đối diện với nó bằng tất cả sự trầm tỉnh và bằng tất cả sự sâu lắng của ta và bằng tất cả sự tự hỏi, tại sao ta phải thất vọng, tại sao ta phải giận dữ? Thất vọng và giận dữ đưa ta đi tới đâu trong cuộc sống này? Khi đặt được những câu hỏi như thế, có nghĩa là ta có khả năng chấp nhận nhận diện và đối thoại với những gì tạo nên dông bão trong đời sống của ta mà không phải là tránh né. Nhận diện và đối thoại với nó một cách trầm tĩnh, chắc chắn ta sẽ vượt qua chúng rất dễ dàng. Vì sao ta chấp nhận, và vì ta biết không có dông bão tố nào xảy ra trong đời sống của ta là vĩnh viễn, chúng cũng vô thường một cách nhanh chóng như bất cứ sự vô thường nào của mọi sự vật ở trong trần gian này. Và ta biết rất rõ, chỉ có sự tĩnh lặng của tâm, mới có khả năng đem lại cho ta sự bình an tuyệt đối và tạo nên mùa xuân đích thật cho ta.
“ Vẫn đêm tối vẫn trăng ngàn,
vẫn bình minh cũ vẫn hoàng hôn xưa”.
Bình minh thì không có cũ hay mới, mà lúc nào cũng vậy. Cho nên, ta không cần gì phải đi tìm bình minh. Điều quan trọng là ta có nhận ra và tiếp xúc được với bình minh hay không. Nếu ta có tâm trạng đi tìm bình minh, thì bình minh sẽ vĩnh viễn không có cho ta.
Cũng vậy, ta có tâm trạng đi tìm mùa xuân, thì ta vĩnh viễn không có mùa xuân, mùa xuân vượt ra khỏi tầm tay của ta.
Hoàng hôn cũng vậy, ngày nào mà không có hoàng hôn. Đất đá, cỏ cây, hoa lá đều có hoàng hôn; con chó, con mèo, con heo, con trâu, con bò, con kiến v..v.. cũng đều có hoàng hôn. Bình minh và hoàng hôn, không có ngày nào là không có và không có cái gì ở trên đời này hiện hữu với hình tướng mà không có bình minh và hoàng hôn.
Con người khác với muôn loài ở chỗ là con người nhận ra được bình minh và hoàng hôn, để rồi khi đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, vẫn có tin yêu, vẫn có hy vọng, vì biết chắc rằng, sau hoàng hôn là bình minh, và sau bình minh là hoàng hôn. Và khi tiếp xúc với bình minh, thì ta nên làm gì và không nên làm gì; khi tiếp xúc với hoàng hôn thì ta nên làm gì và không nên làm gì. Và bình minh cũng như hoàng hôn đã giúp ta điều gì trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, bình minh có vẻ đẹp của bình minh, thì hoàng hôn cũng có vẻ đẹp của hoàng hôn. Nên, trước đôi mắt của một người thiền quán, họ nhìn em bé, họ thấy em bé có vẻ đẹp và có chất liệu độc đáo của em bé; nhìn bà già, ông già, họ thấy có vẻ đẹp và có chất liệu độc đáo của bà già hay ông già.
Nếu ta thấy được cái cũ và cái xưa ở trong bình minh và hoàng hôn, thì ta cũng có khả năng thấy được cái mới, cái tinh khôi ở trong bình minh và hoàng hôn. Mùa xuân chưa bao giờ là xuân một mình, mùa xuân được tạo nên bởi những chất liệu không phải mùa xuân; cũng vậy, bình minh chưa từng là bình minh một mình, bình minh được tạo nên từ những chất liệu không phải là bình minh và hoàng hôn chưa từng là hoàng hôn một mình, hoàng hôn được tạo nên từ những chất liệu không phải là hoàng hôn. Nên, khi ta tiếp xúc với bình minh hay hoàng hôn là ta phải tiếp xúc cho được những yếu tố tạo nên bình mình và hoàng hôn, thì ta mới tiếp xúc được với bình minh và hoàng hôn. Khi tiếp xúc được như vậy, ta sẽ thấy bình minh hay hoàng hôn đều là những thực tại linh hoạt và mầu nhiệm của cuộc sống và ta đang sống ở trong thực tại linh hoạt và mầu nhiệm ấy.
Từ sơ thiên lập địa, bình minh và hoàng hôn vẫn như thế, hiện tại cũng vẫn như thế và tương lai cũng vẫn như thế. Nếu ta thấy rõ được cái xuyên suốt như thế của bình minh và hoàng hôn là ta có bình an, ta có mùa xuân. Ta có mùa xuân ở trong chính của mùa xuân; ta có mùa xuân ở trong mùa hạ; ta có mùa xuân ở trong mùa thu và ta có mùa xuân ở trong mùa đông. Như vậy, bốn mùa ta đều có mùa xuân. Mùa xuân ngay nơi bản chất của chính nó.
Với con mắt thiền quán, ta thấy mùa xuân là kết quả tất yếu của mùa đông, là tinh hoa của mùa hạ, là ưu việt của mùa thu. Nên, chúng ta nhìn trong hạ có thu, trong thu có đông và trong đông có xuân.
Khi nhìn mọi sự hiện hữu với cách nhìn thiền quán, ta thấy “mọi sự hiện hữu luôn luôn có mặt trong nhau và có mặt cho nhau”, thì ta nhìn cái gì cũng đẹp, cái gì cũng là ta, nên ta không cần bám lấy hay chạy săn đuổi bởi bất cứ một cái gì và cái gì cũng là ân nghĩa của ta, nên ta sống không có tâm ganh tỵ, oán thù hay đối xử phân biệt mà ta sống cẩn trọng trong từng hơi thở, trong từng bước chân đi, để mọi phút giây đối với ta đều là những phút giây mầu nhiệm; để mỗi bước chân đi của ta đều chạm vào mảnh đất tâm chân thật, nhiệm mầu và để ta ở vào độ tuổi nào cũng đẹp, cũng thi vị và cũng có ý nghĩa.
“Đá nằm yên lặng bốn mùa
ngàn năm chim vẫn hót đùa trên cây”.
Đá nằm im lặng, chim hót đùa, đó là hai mặt tĩnh và động của một thực tại mầu nhiệm. Đá lúc nào cũng bất động. Sự bất động ấy là biểu thị cho thế giới đại định. Đại định thì không bị thời gian và không gian chi phối. Nên, ở trong đại định, thì không bị cái biến diệt của thời gian chi phối và không bị sự tương tác của các vật thể trong không gian tác động. Ấy là nghĩa thâm sâu bất động của đá.
Khi bất động với mọi thời gian, với mọi không gian, thì thời gian nào cũng mầu nhiệm, và không gian nào cũng có ý nghĩa. Có ý nghĩa ngay trong từng hơi thở của mỗi chúng ta và có ý nghĩa ngay trong từng hơi thở của hoa và lá.
Nhìn thấy đá nằm yên và cảm nhận được mọi giá trị tĩnh tại của cuộc sống là phước báo rất lớn và hạnh phúc đem lại cho ta rất lớn từ cách nhìn. Nghe chim hót, cảm nhận được những giá trị linh hoạt, sống động của cuộc sống cũng là phước báo và hạnh phúc rất lớn từ cách nghe. Thấy và nghe để hiểu sâu, khiến cho những cảm thông, thương yêu và độ lượng sinh khởi nơi tâm ta và ngay nơi mọi hành xử của ta đối với cuộc sống.
Hạnh phúc và an lạc đến với ta không thể mua bán bằng tiền bạc; lại càng không thể đến với ta từ những quyền uy mà đến với ta từ cách nhìn sâu để hiểu và từ cách nghe sâu để thương. Cái biết giúp ta tránh được mọi hành xử lầm lỗi trong cuộc sống và cái thương giúp ta gắn kết với cuộc sống một cách êm đềm. Nên, nhìn đá lặng giúp cho ta có cái biết tĩnh tại và nghe chim hót giúp cho ta có cái biết sống động. Hai chất liệu biết ấy, sẽ tạo nên những chất liệu hạnh phúc có giá trị đích thật cho mỗi chúng ta.
“Rừng hoang hoa vẫn nở đầy
Trong ta xuân vẫn như ngày ấy thôi”.
Hoa ở rừng hoang có tự do và hạnh phúc của nó. Và hoa giữa rừng hoang không cần ai chăm sóc, vì nó biết cách tự chăm sóc cho chính nó. Nó biết ẩn tàng và xuất hiện đung mùa, đúng thời tiết. Cái đẹp của hoa rừng là cái đẹp tự nhiên, không làm cho ai phải rộn ràng, không làm cho ai phải chạy ngược, chạy xuôi vất vả và đau khổ bởi nó. Trong khi hoa đẹp nơi phố thị, thì ồn ào và rộn ràng lắm chuyện. Hoa không lắm chuyện, mà tâm ý của con người lắm chuyện tác động lên hoa, khiến cho hoa cũng lắm chuyện như những lắm chuyện của con người!
Hoa rừng hạnh phúc, vì nó có sự tự do của nở và tàn. Cái nở của hoa cũng không làm cho ai bận rộn và cái tàn của hoa cũng không làm cho ai khổ đau. Trong khi đó hoa chậu, hoa cảnh càng đẹp bao nhiêu, càng lộng lẫy bao nhiêu thì bị người ta tới lui trả giá, đắt rẻ và phiền muộn, tủi hổ bấy nhiêu!
Hoa rừng tự chăm sóc cho nó và đất trời hỗ trợ cho nó, để nó trở thành hoa. Đất trời hỗ trợ cho nó mà không cần đòi hỏi một điều kiện nào từ nơi nó và hoa rừng tự chăm sóc cho nó mà không cần bất cứ một sự rộn ràng nào.
Nên, ta tiếp xúc với xuân, như hoa rừng tiếp xúc với mặt trời, mặt trăng, với nắng và mưa, với đất và không khí, không tạp loạn mà chắt lọc, không rộn ràng mà sâu lắng, không vồn vã mà trầm tĩnh và thể hiện đúng lúc, để lúc nào cũng là lúc giúp cho hoa tâm nơi ta kết thành hương thơm tuệ giác và không gian nào cũng rực sáng tinh hoa.
Cả Một Trời Xuân
Để sự hy vọng của chúng ta trong cuộc sống, không phải là mơ mộng hão huyền mà là một sự ước mơ đích thực có thể thiết lập được trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Thiền sư Vô Ngôn Thông - một thiền sư Trung Hoa đến Việt
Ngài Vô Ngôn Thông ngồi sáu năm im lặng, không nói gì. Trong số học trò của Ngài có một vị tên là Cảm Thành biết được chất liệu vô ngôn của thầy mình, còn những học trò khác thì không biết. Không biết được vô ngôn mà thông của thầy mình. Cuộc sống con người, hạnh phúc có khi do điều kiện của ngôn ngữ mà sinh khởi, nhưng cũng có khi nó lại sinh khởi từ nơi sự không nói năng gì cả.
Cảm Thành là người học trò hiểu được thầy mình từ sự không nói, nên chăm sóc thầy mình chu đáo hết mình. Và ngài Vô Ngôn Thông cũng đã biết được Cảm Thành là người học trò đã nhận ra được chất liệu hạnh phúc của mình và mình có thể trao truyền chất liệu hạnh phúc đó cho người học trò ấy. Vì vậy một buổi sáng trời thật đẹp, ngài Vô Ngôn Thông gọi học trò mình là Cảm Thành đến và nói: “Này, Cảm Thành ơi! Chất liệu hạnh phúc là chỗ này đây, chất liệu hạnh phúc của cuộc sống là chỗ này này” và Ngài nói:
“Tây Thiên thử độ
thử độ Tây Thiên;
Cổ kim nhật nguyệt
cổ kim sơn xuyên”.
“Cõi này trời Tây,
trời Tây cõi này;
Xưa nay nhật nguyệt,
núi suối xưa nay”.
Tây Thiên ở đây có hai nghĩa: Thứ nhất là chỉ cho Ấn độ. Bấy giờ Trung hoa thường gọi Ấn độ là Tây Trúc hay Tây Thiên, vì nó nằm về phía Tây của Trung Hoa. Và bấy giờ Trung Hoa được gọi là Đông Độ, vì nó là quốc gia nằm về phía Đông của Ấn Độ. Tây Trúc là nơi khởi điểm của Phật giáo. Thứ hai Tây Thiên là chỉ cho cõi Tịnh độ phương Tây của Phật A Di Đà.
Bấy giờ phần nhiều những người học Phật có chí lớn ở Trung Hoa và Việt
“Cổ kim nhật nguyệt”. Mặt trời, mặt trăng xưa, cũng chính là mặt trời, mặt trăng hôm nay.
“Cổ kim sơn xuyên”: Núi rừng, suối rãnh xưa cũng như núi rừng suối rãnh nay, không có khác gì nhau cả. Có khác chăng là khác cách nhìn nơi tâm của chúng ta. Nếu ta nhìn núi rừng, suối rãnh với tâm ở trạng thái tĩnh, thì ta sẽ có cái thấy và cái cảm nhận khác với khi ta nhìn suối rừng với tâm ở trạng thái động. Ta nhìn núi rừng với tâm ở trạng thái buông xả và biết ơn, nó sẽ giúp cho ta có trạng thái cảm giác khác với ta nhìn núi rừng, suối rãnh với tâm ở trạng thái cạn cợt và chiếm hữu.
Cũng vậy, tịnh độ hay mùa xuân có mặt với ta, khi nào ta biết đặt những gánh nặng phiền não ở trong tâm ta xuống hay ta biết chuyển hóa những não phiền nơi tâm ta và ta biết buông bỏ mọi ý niệm về ta và của ta, thì tức khắc tịnh độ nơi này hay tịnh độ tha phương đều cùng ta hiện hữu. Tịnh độ nơi này hay tịnh độ nơi kia không có lằn mức khác nhau nơi tâm thanh tịnh và bản nguyện độ sanh của chư Phật, nhưng nó có thể rất khác nhau nơi không gian đứng nhìn và khả năng nhìn của mỗi chúng ta học và tin Phật.
Trong đời sống, tâm ta thanh tịnh chừng nào, thì mùa xuân hay tịnh độ của chư Phật sẽ có mặt với ta chừng đó. Hạnh phúc hay đau khổ của ta đều tùy thuộc hoàn toàn vào tâm thanh tịnh hay không thanh tịnh của mỗi chúng ta hay tùy thuộc vào sự tu tập và chuyển hóa những phiền não nơi tâm ta. Phiền não trong ta lắng yên, trong ta sẽ có cả một trời xuân.
Tiếp Xúc
Và Sống Với Xuân
Lạ nhỉ, bao năm rồi ta đã đón xuân và cũng đã bao năm rồi, ta lại tiễn đưa xuân, nhưng ta chưa hề biết mặt mũi của xuân như thế nào, để đón và ta cũng chưa hề biết mặt mũi xuân như thế nào để tiễn đưa!
Và lại lạ nhỉ, bao năm rồi đón xuân, ta không biết xuân từ đâu mà có mặt và cũng đã bao nhiêu lần tiễn đưa xuân, ta không biết đưa tiễn xuân về đâu!
Ta đã từng đón và đưa xuân trong ước lệ, ta đã từng buồn vui với nó theo cảm tính của từng lứa tuổi chủ quan của đời người.
Xuân về có phải là hoa nở chăng? Không, bởi vì bốn mùa đều có hoa nở. Xuân đi hoa rụng chăng? Không, vì xuân đi rồi, có những đóa hoa vẫn còn tươi thắm, thơm phức.
Ta càng nô nức đón xuân, thì tức khắc xuân hoàn toàn vắng mặt trong ta và ta nỗ lực kéo mùa xuân lại, thì trong ta xuân lại càng mất hút.
Như vậy, xuân khó tính chăng? Không, xuân không hề khó tính. Vì sao? Vì xuân là thản nhiên vô tính. Xuân là thản nhiên vô tính, nên xuân không phải chỉ có mặt trong chính nó, mà xuân còn có mặt ngay trong cả mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Và bởi vì xuân là vô tính, nên xuân có mặt khắp cả mọi thời gian. Xuân không phải chỉ có mặt ở trong sinh, mà còn có mặt ngay cả ở trong diệt, và xuân không phải có mặt ở trong diệt, mà còn có mặt ngay ở trong sinh. Cả sinh và diệt, xuân đều có mặt. Xuân không phải chỉ có mặt ở phía trước, mà xuân còn có mặt ở phía sau, không phải chỉ có mặt ở bên nầy, mà còn có mặt ở cả bên kia, và không chỉ có mặt ở bên trên, mà còn có mặt ở cả bên dưới, và không có sự sống nào là xuân không hiện hữu.
Với thiền quán, ta nhìn sự chuyển động của bàn tay là ta thấy sự chuyển động của toàn bộ thân thể và cả toàn thể vũ trụ không lúc nào là không chuyển động. Chúng chuyển động trong sự tương quan và hòa điệu đồng thời. Và ta nhìn sự chuyển động của mỗi tế bào là ta thấy cả một trời xuân hiện hữu và sống động. Chúng hiện hữu trong vô thể và sống động trong vô cầu. Nên, mỗi tế bào trong ta là mỗi trời xuân mầu nhiệm.
Không sống động sao được, khi tế bào nầy hiện khởi, không những tiếp nối tế bào kia, mà lại còn mang theo trong nó, những tính chất và ảnh tượng của tế bào ấy, với đầy năng lực linh hoạt và sáng tạo.
Cũng vậy, khi ta nhìn mọi sự hiện hữu và chuyển dịch trong mùa đông, chúng không hề mang theo trong mình nó, những tính chất và ảnh tượng của một mùa đông đơn thuần, mà nó luôn luôn mang theo nó, những tính chất và ảnh tượng của mùa xuân, mùa hạ và mùa thu trong dòng tương giao, tiếp diễn, linh hoạt và sống động vô cùng.
Bốn mùa có khác nhau chăng, chỉ là những biểu hiện của hiện tượng. Chẳng hạn, mùa xuân lá non, mùa hạ lá xám, mùa thu lá vàng và đông lá úa. Tuy vậy, nhưng những hiện tượng khác biệt ấy, chúng chưa từng tách biệt nhau, dù chỉ là khoảnh khắc. Chúng không những không tách biệt, mà còn luôn luôn hòa điệu với nhau từ bản thể đến hiện tượng, để cùng nhau bảo toàn và duy trì sự sống. Xuân chính là sự sống tràn đầy.
Bản thể của bốn mùa là vô thể, không tự tính, nên chúng đều có mặt trong mọi sự hiện hữu. Mỗi khi xuân hội đủ điều kiện để trở thành hiện tượng, thì những chất liệu của hạ, thu và đông biến thành bản thể của xuân. Và mỗi khi hạ, thu hay đông hội đủ điều kiện để biểu hiện thành hiện tượng, thì xuân chính là bản thể của các hiện tượng ấy.
Nghĩa là hiện tượng của mùa đông lạnh buốt, nhưng bản chất của nó đang vận hành để tái tạo một nguồn nhiệt lượng, hay một nguồn sức sống mãnh liệt đang tiềm ẩn ở bên trong. Hay hiện tượng của một mùa hạ nóng bức, thì bản chất của chính nó, đang vận hành để tái tạo một nguồn suối tươi mát tiềm ẩn từ bên trong của mọi sự hiện hữu.
Bởi vậy, xuân không từ đâu đến và xuân cũng chẳng đi về đâu, mà chỉ có những hiện tượng biểu hiện hay ẩn tàng của nó, khi nhân duyên hội tụ hay phân kỳ. Nghĩa là khi mùa đông ẩn tàng nơi hiện tượng, thì bản thể của mùa xuân bắt đầu chuyển thành hiện tượng; khi hiện tượng của mùa xuân ẩn tàng, thì bản thể của mùa hạ lại trở thành hiện tượng; khi hiện tượng của mùa hạ ẩn tàng, thì bản thể mùa thu lại trở thành hiện tượng; khi hiện tượng của mùa thu ẩn tàng, thì bản thể của mùa đông chuyển thành hiện tượng và khi hiện tượng của mùa đông ẩn tàng, thì bản thể của mùa xuân trở thành hiện tượng,…
Nên, hiện tượng của mùa nầy lại là bản thể của mùa kia; hiện tượng của cái nầy lại là bản thể của cái kia. Bản thể của cái kia đang có mặt ở trong hiện tượng của cái nầy. Bản thể và hiện tượng của mọi sự hiện hữu, chúng luôn luôn có mặt cùng nhau và trong nhau ngay trong từng khoảnh khắc của sự sống.
Ta sống trọn vẹn ngay trong từng khoảnh khắc ấy, thì ta có thể mỉm cười với mọi hiện tượng diệt sinh đi qua đời ta, như khi ta đang ngắm nhìn một gốc mai già khẳng khiu, đang đứng sừng sững giữa băng giá khắc nghiệt phũ phàng, nhưng không thất vọng, vì ta biết chắc chắn rằng, trong gốc mai già ấy, đang hàm chứa cả một trời xuân vô tận.
Do đó, ta tiếp xúc với xuân là tiếp xúc với nguồn sinh lực vô tận, ngay trong từng khoảnh khắc của sự sống. Và sống với xuân là sống một cách hồn nhiên và trọn vẹn ngay trong từng khoảnh khắc ấy.
Mùa Xuân Chuyển Hóa
Bản chất của mùa xuân là chuyển hóa. Nó có khả năng chuyển hóa đối với những gì đang có mặt nơi nó, để nó trở thành mùa xuân cho chính nó, mà không phải là mùa khác. Nó có bản chất chuyển hóa thời tiết của hai cực đoan đối lập của mùa đông và mùa hạ, để tạo nên nét riêng cho chính nó, nhưng nó không hiện hữu đơn thuần, nó hiện hữu với đông và hạ, nên xuân không phải là nó, nhưng cũng không phải là khác nó.
Mùa đông cho ta và muôn loài nhiều mưa và lạnh; mùa hạ cho ta và muôn loài nhiều nắng và nóng. Mưa và nắng, nóng và lạnh đều là những cực đoan đối lập, mà hai mùa đông và hạ, thường đem lại cho đời sống của chúng ta và muôn loài. Mưa nhiều hay lạnh nhiều; nắng nhiều hay nóng nhiều đều là những thời tiết cực đoan, chúng có tác dụng cản trở, tàn hoại và hủy diệt sự sống an lành, hơn là làm sinh khởi và bảo hòa sự sống cho tất cả chúng ta và muôn vật.
Mùa xuân đã tiếp nhận cái mưa và cái lạnh buốt cực đoan của mùa đông để chuyển hóa thành cái mưa nhẹ và cái lạnh thoáng. Xuân đã tiếp nhận cái nắng cục bộ và cái nóng thái quá của mùa hạ, để chuyển hóa và biến nó trở thành chất liệu mới mẻ, nồng ấm và mát tươi để hiến tặng cho đời, mà không hề kể lể và đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào đối với muôn vật.
Đối với mùa hạ, xuân sinh ra trước không phải để làm anh, mà để tạo ra nguồn sinh lực cho hạ và cùng đồng hành với hạ, vừa cung cấp sức sống cho hạ, nhưng đồng thời cũng giúp cho hạ hóa giải những oi bức tự nội, để hạn chế năng lực đốt cháy và tiêu hủy sự sống của chính nó và muôn vật.
Đối với mùa đông, xuân cũng đồng hành và tiếp diễn theo sau, không phải để làm em, mà để hứng chịu, ôm lấy và chia sẻ những cơn mưa gió, ngang ngược, phũ phàng, lạnh buốt của đông, khiến cho đông hoàn toàn không phải là những khối băng giá, lầm lì, vô tình ướp lạnh sự sống. Xuân tiếp diễn sau đông là để giúp cho muôn vật tái tạo sức sống, sau những tháng ngày bị đông đối xử tàn nhẫn và lạnh lùng.
Đối với hạ, xuân đồng hành, cộng sinh và đồng thời chấp nhận cho hạ phân hai, để thiêu đốt lên đời mình, trong những cuộc đuổi bắt săn tìm, được mất, hơn thua, thương yêu, giận dữ,… khiến cho những làn da non nẻo của xuân trở thành những làn da xạm nắng, rắn chắc, cứng cỏi, sần sùi, chạm trán và u đầu.
Đối với đông, có khi xuân bị bạc đãi và tấn công tàn nhẫn bởi những cơn mưa gió bão bùng, bởi những cái rét cay độc, bởi những cơn lạnh phũ phàng, nghiệt ngã, nhưng xuân vẫn chịu đựng, ôm lấy sức sống và tinh hoa của mình trong tận cùng gốc rễ, với những thân thể trơ trụi, trần truồng, đứng sừng sững giữa giá lạnh của trời đông.
Đối với thu, có gió mát, trăng thanh, có lá ngô đồng rơi đẹp, có măng trúc biếc, có hoa cúc vàng và bướm bay bên dậu, nhưng phía trước, xuân bị ngăn cách với thu bởi hạ và phía sau xuân lại bị ngăn cách với thu bởi đông, nên xuân và thu có tương cảm mà khó tương giao.
Mặc dù là vậy, nhưng xuân luôn luôn đồng hành và cộng thông với hạ, thu và đông, không kể lể, không đài các, không vồn vã, không hèn mọn, không kiêu sa, mà chỉ một lòng, một dạ với tất cả những gì, mà mình có thể chịu đựng, để tái tạo cái đẹp mà hiến dâng cho toàn thể.
Xuân là vậy, nên muôn vật đều thích và quý xuân, và hiến tặng cho xuân những gì tinh hoa của nó, mà không có bất cứ một sự hối tiếc nào, nhưng xuân chỉ hồn nhiên, bình lặng mỉm cười.
Ta tiếp xúc với mùa xuân là ta có cơ hội học hỏi khả năng chịu đựng, tiếp nhận và chuyển hóa một cách linh hoạt, sống động và thẳm sâu của nó, trong mọi hành hoạt thuận nghịch, để cùng với tất cả lớn lên trong lý tưởng trân quí và phụng sự muôn loài.
Ta tiếp xúc với mùa xuân không phải chỉ tiếp xúc với những thành quả của nó, mà phải biết tiếp xúc với những nhân duyên thuận nghịch tạo nên nó. Ta biết rằng, xuân đã từng tiếp nhận cuộc sống, từ những hoàn cảnh điêu tàn và từ những tấm lòng và hành xử cực đoan của đông và hạ.
Và ta tiếp xúc với một tâm hồn xuân là ta phải biết tiếp xúc từ những tâm thức điên đảo; từ những cách nhìn hay những ứng xử cục bộ và phiến diện của ta và của mọi người hay của muôn vật, rồi ta phải có khả năng biết chấp nhận sự thật của những cái ấy, để chuyển hóa chúng trở thành những chất liệu an hòa, nhằm tiến tới hiến dâng sự sống bình yên và tươi vui cho tất cả.
Biển cả hạnh phúc có khả năng hàm dung tất cả những ước muốn của con người và muôn vật. Nhưng, làm sao ta và muôn vật có thể về được và hội nhập với biển cả ấy, khi mà trong đời sống của ta và muôn vật có quá nhiều chất liệu cục bộ, phiến diện và cực đoan, và mọi hành xử hàng ngày của ta và muôn vật, đều đang bị trói buộc ngay nơi những chất liệu và những điều kiện nhất định và hạn chế ấy?
Ta có thể ngồi một cách yên lắng để nhìn mọi vật đang trôi chảy trên một dòng sông. Trên dòng sông ấy, một số vật đang bị mắc kẹt ở bên bờ nầy, có một số vật đang bị mắc kẹt ở bờ bên kia, có một số vật đang bị mắc kẹt ở gầm cầu và một số vật đang bị người ta vớt lên. Mọi vật không thể đi về được với biển cả rộng lớn là do chúng bị mắc kẹt bởi nhiều hình thức và nhiều điều kiện khác nhau, khi chúng đang trôi trên một dòng chảy.
Cũng vậy, ta ngồi thật yên lắng để nhìn một cách sâu sắc, những chủng tử, những ý niệm, những tác nghiệp biểu hiện và ẩn tàng ngày đêm đang vận hành nơi dòng sông tâm thức của ta. Những gì đang trôi chảy trên dòng sông tâm ấy, không đi về được với biển cả hạnh phúc và giác ngộ rộng lớn, là do chúng không bị mắc kẹt bởi những đối tượng bên nầy, thì chúng lại bị mắc kẹt bởi những đối tượng bên kia. Nếu chúng không bị mắc kẹt bởi những đối tượng bên nầy hay những đối tượng bên kia, thì chúng lại bị mắc kẹt bởi những nhận thức của chính nó. Và nếu chúng không bị mắc kẹt bởi những nhận thức của chính nó, thì chúng lại bị mắc kẹt bởi nhận thức do người khác vớt lên, giáo dục và trao truyền.
Do tâm thức ta bị những mắc kẹt như vậy, nên chính những mắc kẹt ấy tạo ra sóng mòi, làm chao đảo, ngữa nghiêng đời sống của ta, và đã ảnh hưởng đến những người khác, khiến cho ta và những người liên hệ, không đi về và thể nhập nhất như được với đại dương giác ngộ, an bình.
Mùa xuân của biển tâm rộng lớn là mùa xuân, mà ta tìm lại được tâm ta và ta biết chăm sóc tâm ấy, bằng những ý tưởng tốt đẹp, như trẻ mục đồng mất trâu, kiếm tìm lại được và dắt trâu về băng qua những ruộng đồng cỏ xanh bát ngát, vui với tiếng sáo chiều, với hương ngàn gió nội, nhưng nhất định không để đánh mất mình trong rong chơi vọng niệm, để trâu phạm vào lúa má của người.
Mùa xuân của biển tâm rộng lớn là mùa xuân, mà tâm ta có khả năng biết ơn và chấp nhận sự thuận nghịch của cả bốn mùa, và chuyển hóa những nhận thức nhỏ nhoi, thấp kém, cạn cợt và phiến diện trong những thuận nghịch ấy, ngay nơi đời sống của ta và muôn vật, khiến cho những đàn cò trắng không còn mang thân phận ăn đêm, để đậu phải cành mềm, mà tất cả đều sống ở trong xuân khí bao la, xuyên mọi thời gian và mọi không gian. Xuân ấy không còn là một mùa mà xuyên suốt mọi mùa; không còn là mùa xuân của năm tháng, mà là xuân xuyên suốt mọi thời gian. Và xuân ấy, không còn là xuân hiện hữu ở trong một chất điểm mà là toàn thể.
Tâm ta rộng lớn bao nhiêu, ta lại có khả năng chế tác mùa xuân cho ta và muôn vật bấy nhiêu; tâm ta có bao nhiêu phương tiện thiện xảo của trí, thì ta có bấy nhiêu khả năng tháo gỡ và chuyển hóa những vướng mắc thấp kém trong cuộc đời của ta và tạo nên xuân trong đời sống của ta bấy nhiêu.
Dẫu biết rằng, tùy theo tâm thức cao quý hay thấp kém, rộng hay hẹp, phước báo cạn hay dày mà mỗi người, mỗi loài sẽ cảm thọ mùa xuân khác nhau. Nhưng với đại nguyện của mùa xuân chuyển hóa, ta hãy nguyện cùng nhau buông bỏ những niềm vui ích kỷ, những bắt đuổi tầm thường, những hơn thua hư huyễn, những khen chê đưa đãi, để cùng nhau tạo thành nguyện lớn và dìu dắt nhau đi vào biển cả giác ngộ, để cho muôn loài đều hội nhập tâm xuân an bình.
Bức Thư Xuân
Ta hãy nhìn vào những chiếc lá, những bông hoa đang hiện hữu trước mặt ta, bằng tất cả sự trầm tỉnh và lắng sâu của tâm hồn là tức khắc, ta thấy ta và thấy toàn thể thế giới của ta đang hiện hữu một cách sống động ở trong đó.
Những chiếc lá chưa bao giờ tự nó là lá và những bông hoa cũng chưa bao giờ tự nó là hoa và nó chỉ là lá và hoa, khi nào tự thân nó biết tiếp nhận những yếu tố không phải là nó để tạo thành nên nó. Vì vậy, toàn thể vũ trụ đang có mặt trong một ngọn lá hay trong một đóa hoa. Nên, một chiếc lá rơi là muôn ngàn ngôi sao lấp lánh và một đóa hoa mỉm cười là cả toàn thể vũ trụ xôn xao!
Cũng vậy, con người chưa bao giờ hiện hữu một mình và không có một mình nào hiện hữu ở trong con người. Con người hiện hữu với tất cả và tất cả đang hiện hữu ở trong con người. Mặt trời, mặt trăng, dòng sông, núi rừng, biển cả, không khí, cỏ cây, tiếng chim hót, tiếng suối reo,… tất cả đang có mặt ở trong con người và cùng con người hiện hữu.
Mọi sự hiện hữu không cùng tương dung, ta sẽ không bao giờ có mùa xuân hay có sự sống. Sự thông minh của con người không phải chỉ biết cổ vũ cho sản xuất để có nhiều thành phẩm, mà phải biết tự bảo vệ và tiêu thụ các thành phẩm ấy một cách an toàn và thông minh; không phải chỉ biết nhắm mắt ca ngợi và chạy bừa theo những thành quả hiện đại của khoa học, mà phải biết tránh những cặn bã và tai họa của khoa học đã đem lại cho đời sống con người; không phải chỉ biết chế tạo và cất giữ những lò vũ khí hạt nhân hay thương lượng cách sử dụng đối với chúng, mà phải biết chấm dứt mọi tham vọng về quyền lực; không phải chỉ biết chiếm dụng đất đai hoặc lãnh thổ của nhau làm sở hữu, xuyên suốt cả Thái bình dương, mà chính là phải biết chấp nhận nhau để sống, biết điều hòa giữa cung và cầu, không để cho cung hay cầu bị nghiêng về một phía, và biết cùng nhau bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sinh môi để cho muôn loài cùng nhau hiện hữu.
Tài nguyên thiên nhiên, dù nhiều đến mấy cũng không phải là vô hạn, chỉ có lòng tham của con người là vô hạn với thiên nhiên. Trái đất đã bị con người bóc lột dưới nhiều hình thức khác nhau, khiến khí hậu của trái đất càng ngày càng nóng lên, Bắc băng dương càng ngày càng tan dần để trở thành nước biển dâng cao, trái đất càng ngày càng lún sâu trong nước, mọi sinh vật và thảo mộc quý hiếm trên trái đất càng ngày, càng có dấu hiệu triệt chủng. Và hiện nay hơn một tỷ người trên trái đất đang bị thiếu ăn và suy dinh dưỡng.
Vì vậy, mùa xuân của trái đất hay mùa xuân của con người không hề hiện hữu đơn thuần, mà cộng thông và tương dung với tất cả. Con người chỉ thực sự có một mùa xuân, khi nào nó biết bảo vệ và tôn trọng những gì chung quanh nó và không phải nó. Nó phải biết từ bỏ thái độ độc tôn và bạo động để chiếm hữu đối với những gì không phải nó, thì mùa xuân mới đích thực hiện hữu cho nó. Vì sao? Vì tự thân của mùa xuân là hòa điệu và hồn nhiên. Nên, bản chất của xuân là sáng trong, tương dung, hòa bình và an lạc.
Những trận mưa bão, lũ lụt, động đất, cháy rừng, chiến tranh, bạo động, khủng bố, giá cả thị trường không ổn định, nạn thất nghiệp, mãi dâm, xì ke, bệnh tật, nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ,… đã liên tiếp xảy ra trong mấy chục năm qua và năm Kỷ sửu, cũng đã giúp cho con người biết được nguyên nhân do đâu, tương lai của họ là gì và mùa xuân của họ đang nằm ở đâu?
Mùa xuân đích thực của con người nằm ngay nơi lời dạy của đức Phật, sau khi thành đạo, Ngài đã đến vườn Nai, dạy cho năm anh em Kiều Trần Như rằng: “Quý vị hãy từ bỏ hai cực đoan, một là ép xác khổ hạnh và hai là buông lung trong các dục. Tại sao? Vì hai cực đoan ấy đều dẫn đời sống con người đến chỗ thấp kém và đê hèn”.
Thực vậy, “ép xác khổ hạnh” là một thái độ sống tránh né hèn hạ, vì nó không dám đối diện với sự thật của thế gian để chịu trách nhiệm và chuyển hóa. “Buông lung trong các dục” là một thái độ sống vồn vã đê tiện, vì nó đã bị đánh mất mình ngay ở trong những cuộc truy hoan phù phiếm của thế gian.
Từ bỏ hai cực đoan ấy sống với “trung đạo” là tức khắc mùa xuân đích thực có mặt với con người. Sống “trung đạo” là không truy hoan phù phiếm; không tránh né trách nhiệm mà nhìn thẳng vào những gì đang diễn ra không lành mạnh, để thấy rõ nguyên nhân, mà chấm dứt những nhân duyên sinh khởi của chúng.
Mùa xuân năm Canh dần lại về, ấy là mùa xuân con Cọp cô độc, bỏ núi rừng để trở về phố thị, bỏ bạn bè để đi kiếm sống một mình, nên thật sự khó khăn và bất lợi cho chính nó. Bất lợi, vì thiên can của nó là Canh, tương ứng với Kim hành, và địa chi của nó là Dần, tương ứng với Mộc hành. Mộc và Kim tương khắc. Cái tương khắc không phải từ bên ngoài, mà chính từ nơi tự thân của chính nó. Chính nó là Canh gặp Dần, Kim gặp Mộc, nên những mâu thuẫn tự nội khó lòng giải quyết.
Nếu Mộc mà mềm, thì kim sẽ lún vào sâu, khiến cho Mộc bất lợi, hoa trái không thể sum sê; nếu Mộc mà cứng, gặp phải kim rét, thì chỉ chợt ngoài da, nhưng nếu gặp kim tốt và cứng, thì Mộc cũng bị khô nhánh, gãy cành.
Năm Canh dần với Thiên can và địa chi liên hệ với kim và mộc hành như vậy, nên mọi việc liên hệ từ bản thân, đến gia đình và xã hội, ta phải cẩn thận, phải cân nhắc kỹ lưỡng, mới tránh được tai họa do ăn uống và bị phân hóa từ “nội trùng”.
Vì vậy, năm nầy Cọp quyết định về đồng bằng, phố thị, đó là một sự quyết định và xuất hiện dị thường. Vì là dị thường, nên năm nầy, quyết đoán mọi công việc, ta không phải chỉ có “mềm” mà còn phải có “cứng”; “cứng và mềm” không chưa đủ, mà ta còn phải có “sức mạnh của trí tuệ”, nhằm biết được tại sao nó “mềm”, tại sao nó “cứng”? Đối xử với mềm, ta phải đối xử như thế nào; đới xử với cứng, ta phải đối xử với nó như thế nào, để hành động, đúng việc, đúng xứ và đúng thời, tránh được những gì có thể tránh được, khiến cho những điều dị thường trong cuộc sống trở nên bình thường và dung dị.
Dung dị được những gì phức tạp; bình thường được, những gì bất thường, đó là hành sử của các bậc Thánh trí.
Mùa Xuân Cho Ta
Một người không có mùa xuân ở trong trái tim và không có mùa xuân tinh khôi ở trong cách nhìn, thì họ sẽ không bao giờ có khả năng tự tín để tạo ra được một sinh lực mùa xuân cho chính họ. Một mùa xuân đầy sinh lực, hồn nhiên, tin yêu và vô sự.
Mùa xuân tự tín là mùa xuân tự tin rằng, chính bản thân mình có khả năng tiếp nhận những cái không phải là mình, để tinh lọc và tạo ra được sức sống cho chính mình, và chính sức sống ấy, khẳng định được sự hiện hữu của mình giữa các mùa xuân, hạ, thu, đông và muôn vật.
Xuân là tinh khôi và hồn nhiên, vì xuân đã có khả năng lọc đi những gì cực đoan và phiến diện của cuộc sống. Mọi bận rộn, gay gắt, vồn vã, chạm trán, đầy thách thức và oi bức đối với cuộc sống, xuân đã lọc ra và trả lại cho mùa hạ; những kinh nghiệm thoáng qua, những vui buồn trầm lắng, những ước mơ tế nhị, những cảm xúc đằm thắm, xuân đã lọc ra và trả nó lại cho mùa thu; những u buồn hoài niệm, những than thân, trách phận, những bất lực khi đối diện với cuộc sống, xuân đã lọc ra để trả nó lại cho những cái băng giá của mùa đông.
Nên, những gì cần trả lại cho thời gian của các mùa không phải là của xuân, thì xuân đã trả lại một cách đầy đủ và hoàn tất, vì vậy xuân chỉ còn lại tinh khôi của nó. Cái tinh khôi rực sáng, cùng khắp, khi trời đất chưa biến động, khi âm dương chưa tương ngộ để phân kỳ.
Xuân tinh khôi là xuân hoàn toàn thảnh thơi với chính mình và là hải đảo an toàn cho chính mình nương tựa và cho những ai, những loại nào cần muốn nương tựa nơi xuân để có chút thảnh thơi và an lạc, khi chạm trán với nắng hạ, khi nhìn những chiếc lá ngô đồng rơi, báo hiệu thu về và khi trực diện với băng giá da diết của trời đông.
Nếu xuân không tinh khôi, không thảnh thơi, không vô sự, thì lấy gì để gọi là xuân nhỉ! Xuân tinh khôi, vì xuân là khởi điểm của sự sống; Xuân thảnh thơi, vì xuân không có gì để bận rộn; Xuân vô sự, vì xuân không có điều gì cần phải tính toán, vì những điều đáng làm xuân đã làm xong. Tuy, xuân tinh khôi, nhưng mọi người và muôn vật đều ái nhiễm với xuân; xuân tuy hiện hữu trong vô sự, nhưng mọi người và muôn vật đều bận rộn với xuân; xuân tuy hiện hữu hồn nhiên, nhưng mọi người và muôn vật đối với xuân đều có tác ý.
Do tác ý, nên con người đã bận rộn với xuân và đã làm cho môi trường của xuân ô nhiễm, khiến cho môi trường của xuân trở nên chén chị, chén em, chén đen, chén đỏ, chén hơn, chén thua. Họ bận rộn với những thứ đó đến nỗi, họ đã làm cho mùa xuân nơi họ không còn, khả năng tin yêu, vui sống và vươn lên, nơi họ tự biến mất. Đời sống còn lại đối với họ, chỉ là những mưu cầu, tính toán, hơn thua, thắng bại, khiến cho họ từ những bận rộn nầy dẫn sinh những bận rộn khác, ngay cả những bận rộn trước khi xuân đến, trong khi xuân đến và sau khi xuân đã bị ẩn chìm trong nắng hạ.
Xuân vẫn có đó và vẫn luôn luôn có đó cho ta, nhưng tâm ta đa đoan, đa đoan với hơn thua, với được mất, với khen chê, với vinh nhục, với lợi hại, nên mắt ta bị quáng gà, ta vui buồn với những ảo giác, ta gánh trên vai cả một trời xuân, với chân cao, chân thấp, dong ruổi tìm xuân khắp cả bốn mùa và khắp cả tám hướng, mười phương, chẳng khác nào những chú Lạc đà chở những bệch nước cam lồ trên lưng, mà đôi mắt cứ đăm nhìn và rượt đuổi theo những làn sóng nắng gợn nước trước mặt.
Ta nên nhớ rằng, xuân không nằm về phía trước để cho ta chờ mong hay rượt đuổi; xuân không hề lùi lại phía sau để cho ta tiếc thương hay hoài niệm; xuân không nằm về phía trái, phía phải để cho ta phải nhọc công cong bên nầy, quẹo bên kia, mà xuân chính là sự sống tinh khôi, đầy tin yêu, hồn nhiên và vô sự trong ta. Một sự sống, mà mọi hạt giống sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ, tham đắm, hận thù, cố chấp nơi tâm hoàn toàn yên lắng, nhường lại không gian tâm thức thênh thang, cho những hạt giống Trí tuệ và Từ bi; Bao dung và Hỷ xả kết thành hoa trái.
Khi không gian tâm thức của ta đã hoàn toàn lắng yên mọi tác ý đối với xuân, thì mùa xuân đích thực sẽ hiện ra cho ta, và xuân cùng ta hiện hữu. Xuân là ta và ta là xuân.
Mùa Xuân Của Con Người
Mùa xuân là hình ảnh của con người. Tâm của con người như thế nào, nó sẽ tạo ra mùa xuân cho chính họ đúng như thế ấy. Tâm của một người xấu thì không thể nào tạo ra một mùa xuân đẹp cho chính mình, huống hồ gì họ có thể tạo ra một mùa xuân đẹp cho gia đình và xã hội.
Mùa xuân là hình ảnh của cộng đồng người. Tâm thức của cộng đồng người như thế nào, họ sẽ tạo ra muà xuân cho chính cộng đồng của họ đúng như thế ấy. Tâm của một cộng đồng người đặt đức tin của họ vào những thế lực ngoại tại, thì tự thân của cộng đồng đó sẽ tạo ra những biểu tượng thần thánh để tôn sùng và tô vẽ cho mùa xuân của cộng đồng họ qua hình ảnh thánh thần.
Mùa xuân của những người cùng một ý thức hệ, họ sẽ tạo ra một mùa xuân theo kiểu ý thức hệ của họ. Mùa xuân của những người cùng một nghiệp cảm quốc gia hay nghiệp cảm vùng miền, họ sẽ cùng nhau tạo ra một mùa xuân theo nghiệp cảm cộng đồng của họ. Nghĩa là có bao nhiêu con người, có bao nhiêu cộng đồng người là có bấy nhiêu cách cảm nhận xuân và tạo mùa xuân theo hình ảnh tâm thức của họ và cộng đồng của họ. Những cộng đồng ấy, tô vẽ mùa xuân cho cộng đồng của họ bằng màu gì, thì mùa xuân sẽ trở thành màu đó cho chính họ.
Nếu họ tô vẽ màu đỏ, thì mùa xuân của họ là những biểu hiện của máu lửa và nhiệt huyết. Họ làm điều gì là quả quyết không do dự, biết vận dụng khả năng thực tế của mình và sự giúp đỡ của những người chung quanh để đạt đến mục tiêu. Ấy là mùa xuân của máu lửa, mùa xuân của những người thích kiểm soát và chế ngự tự do của người khác, của những cộng đồng khác và đặt tất cả dưới sự lãnh đạo của chính mình. Ấy là mùa xuân của những con người và cộng đồng người thích kích hoạt nhiệt huyết, nhằm tạo thành không khí sôi động của người khác, để tự thân hưởng lợi.
Nếu họ tô vẽ màu đen, thì mùa xuân của họ và cộng đồng của họ là biểu hiện cho sự huyền bí và quý phái. Họ và cộng đồng của họ sẽ tạo ra một mùa xuân ảo tưởng hào nhoáng về một cái ta và phóng khoáng hay tỉ mỉ một cách vô lối. Một đôi khi họ sẵn sàng đốt cả bao diêm để tìm một cây diêm bị rơi mất trong đêm tối. Ấy là mùa xuân của cộng đồng người mang chất liệu huyền bí, khó hiểu.
Nếu họ tô vẽ màu vàng, thì mùa xuân của họ và của cộng đồng họ là biểu hiện sự sang trọng và quý tộc. Họ và cộng đồng của họ sẽ tạo ra một mùa xuân với những tâm hồn thanh thản, bao dung và biết sắp xếp trật tự trong một quy trình khoa bảng có hoạch định. Ấy là mùa xuân của con người và cộng đồng người thích hướng tới một hệ thống tổ chức và sự làm việc hoàn hảo.
Nếu họ tô vẽ màu xanh dương hay màu xanh nước biển, thì mùa xuân của họ và cộng đồng của họ là biểu hiện cho một tâm thức nhạy cảm. Họ và cộng đồng của họ sẽ tạo ra một mùa xuân hướng nội, giấu kín cảm xúc và những quyết định của họ là từ cảm xúc mang đầy những kịch tính, nên phần nhiều mất tự chủ. Ấy là mùa xuân của con người và cộng đồng người có tính cách ôn hòa bên ngoài, khó chịu bên trong, nên thường bị nội tâm biến động, ray rứt.
Nếu họ tô vẽ màu xanh lá cây, thì mùa xuân của họ và cộng đồng của họ là biểu hiện cho sức sống vươn lên từ nội tâm. Họ và cộng đồng của họ sẽ tạo ra một mùa xuân biết lắng nghe, chia sẻ và tạo điều kiện vươn lên cho những người nghèo khó. Ấy là mùa xuân của những người biết lắng nghe, học hỏi và chia sẻ.
Nếu họ tô vẽ màu cam, thì mùa xuân của họ và cộng đồng của họ là biểu hiện cho tâm thức rực rỡ. Họ và cộng đồng của họ sẽ tạo ra một mùa xuân yêu thương và bảo vệ sự rực rỡ của thiên nhiên. Họ đến với nhau bằng những tình cảm chu đáo và sâu xa. Họ thích sống với thiên nhiên hơn là sống ở trong những tháp ngà. Ấy là mùa xuân của những người biết yêu thương và bảo vệ cái đẹp rực rỡ của thiên nhiên.
Nếu họ tô vẽ màu tím, thì mùa xuân của họ và cộng đồng của họ là biểu hiện cho đời sống hướng về những giá trị tâm linh. Họ và cộng đồng của họ sẽ tạo ra một mùa xuân tình cảm rất đôn hậu với mọi người. Họ sẽ tạo ra một mùa xuân tự khám phá mình qua những trải nghiệm bí ẩn và khám phá người khác bằng những trực giác mà họ đã từng trải nghiệm. Họ thích tạo ra một mùa xuân quá khứ để tự thưởng thức và tự thưởng cho mình, hơn là mùa xuân đang có trước mặt họ. Ấy là mùa xuân của những người biết yêu chuộng những giá trị lịch sử và bảo tồn đời sống tâm linh.
Nếu họ tô vẽ màu trắng, thì mùa xuân của họ và cộng đồng của họ là biểu hiện cho đời sống nội tâm có sự thanh bạch và tinh khiết. Họ và cộng đồng của họ sẽ tạo ra một mùa xuân cẩn trọng. Họ cẩn trọng từng việc nhỏ để họ giữ gìn những giá trị tinh khiết thanh cao. Họ áy náy với mọi sự tiếp xúc để tránh những sự va vấp và đụng chạm, nhằm bảo toàn sự thanh khiết. Ấy là mùa xuân của những người biết hướng tới đời sống thanh cao.
Nếu họ tô vẽ màu hồng, thì mùa xuân của họ và cộng đồng của họ là biểu hiện cho sức sống đầy mơ mộng và bay bổng. Họ và cộng đồng của họ sẽ tạo ra một mùa xuân tự nhủ: “Hãy nỗ lực hết lòng để vươn lên từ những thất bại”. Họ biết chọn những góc đẹp để nhìn cuộc đời. Ấy là mùa xuân của những người biết yêu đời và vươn lên trong mọi tình huống…
Như vậy, mùa xuân của con người là mùa xuân đầy phức tạp và thú vị. Phức tạp hơn triệu lần đối với thiên nhiên. Thú vị là do từ nơi những tâm thức cảm xúc sinh ra và từ nơi những tư duy chấp ngã cấp cao của thuộc tính con người, mà con người đã tạo ra muôn ngàn mùa xuân sai biệt, để cho muôn ngàn ong bướm lượn bay thưởng thức và ngất ngư với xuân, từ những vọng tưởng tâm hồn!
Trong lúc ấy, mùa xuân thiên nhiên thật đơn giản qua góc nhìn của Mãn Giác Thiền Sư đời Lý:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai;
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Nghĩa là:
“Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa khai;
Trước mắt đời trôi mãi,
Lão tùng đầu bạc phai;
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai”.
Mùa xuân thiên nhiên là mùa xuân muôn thuở, mùa xuân không tự đánh mất mình bởi những ảo giác của cảm xúc và tư duy chấp ngã. Nhưng mùa xuân của con người thì hư huyễn và đa đoan, vì nó vụt lên và tạo thành, từ nơi khói bụi của tâm người; mùa xuân của con người sớm vụt lên cao, thì cũng sớm rơi vào khoảng lặng!
Xuân Và Tâm Lực Bồ Đề
Trời xuân cảnh Phật
Chú ngựa đang chở nặng và khát nước, chú ta thấy trước mặt là cỏ và nước. Lọn cỏ non xanh do người phu ngựa treo lắt lẻo ở trước mặt chú ngựa với mục đích đánh lừa, khiến chú ngựa phi nhanh. Chú ngựa càng phi nhanh, thì lọn cỏ non xanh lại càng lắt lẻo chạy về phía trước. Phi càng nhanh, chú ta lại càng khát nước, chú thấy trước mặt có những sóng nước gợn lên giữa đường nhựa trưa hè, chú nỗ lực phóng hết sức, rượt chạy theo cho kịp sóng nước để uống. Càng rượt theo sóng nước, chú ngựa mệt nhoài và quỵ ngã giữa đường!
Cũng vậy, phần nhiều con người chạy rượt theo hạnh phúc và đã bị những ảo tưởng hạnh phúc nơi chính họ đánh lừa. Ảo tưởng nơi chính họ đã tạo ra ảo giác hạnh phúc cho chính họ, khiến họ mỗi ngày đều rượt đuổi theo hạnh phúc phía trước.
Nhưng than ôi, phía trước là hố thẳm! Càng rượt về phía trước, đời sống con người càng rơi vào hố thẳm thất vọng và thương đau!
Lấp cạn hố thẳm trong đời sống con người là bỏ và buông hết thảy mọi ảo tưởng về “một cái tôi và cái của tôi”. Buông bỏ mọi ảo tưởng, thì mùa xuân đích thực hiện ra. Mùa xuân đích thực luôn luôn có mặt đó cho ta, nhưng ta không thừa hưởng được hương vị của mùa xuân ấy, vì ta không biết dừng lại để cho mọi ảo tưởng lắng yên. Tâm yên Phật hiện và Phật hiện chính là mùa xuân của đất trời hiện ra. Tâm yên, thì trời xuân cảnh Phật liền hiện ra mà ta không cần phải vọng cầu hay nhọc công tìm kiếm.
Tín kính, đức hạnh và thông minh
Một trong những tính tốt của con người là tín kính, đức hạnh và thông minh. Nhờ tính tốt này, con người có khả năng góp phần mình vào đất trời, tạo nên mùa xuân cho chính nó và cho cả muôn loài.
Không có tín kính, ta sẽ không có sinh lực của mùa xuân. Tín kính Tam bảo, ta sẽ có mùa xuân tâm linh để quay về. Tín kính Phật, ta sẽ có mùa xuân của tuệ giác, để nở sinh hoa trái tình yêu vô hạn; Tín kính Pháp, ta sẽ có mùa xuân linh hoạt và sống động để nở sinh hoa trái của tự do và giải thoát; Tín kính Tăng, ta sẽ có mùa xuân của hòa hợp và thanh tịnh để nở sinh hoa trái đạo đức và an bình; Tín kính cha mẹ, ta sẽ có mùa xuân nhân bản để quay về làm nở sinh hoa trái đôn hậu và nhân văn; Tín kính Tổ tiên, ta sẽ có mùa xuân của huyết thống để quay về, nở sinh hoa trái đoàn tụ và tin yêu; Tín kính Hồn thiêng sông núi, ta sẽ có mùa xuân quê hương để quay về và nở sinh hoa trái huyền quang, tương thân và tương ái.
Nên, tín kính, đức hạnh và thông minh là chất liệu tạo nên mùa xuân cho muôn vật và con người. Trong đời sống, ta thiếu tín kính, đức hạnh và thông minh, mùa xuân trở thành ảo ảnh hay chỉ là những miếng cỏ non treo lắt lẻo trước mặt cùng với những gợn nước cho vó ngựa rượt đuổi giữa nóng bỏng trưa hè!
Truyền trao và tiếp nhận
Xuân không tự có mà có từ mùa đông. Đông không tự có mà có từ mùa thu. Thu không tự có mà có từ mùa hạ. Hạ không tự có mà có từ mùa xuân. Bốn mùa không tự có mà có trong sự tương quan, tương sanh, nên bản tánh của mùa nào cũng rỗng lặng sáng trong. Điểm sáng trong ấy, gọi là “linh quang nhất điểm”, nó không phải đục, không phải trong, không phải dọc, không phải ngang, không phải thẳng, không phải cong, không phải trên, không phải dưới, không phải trong, không phải ngoài, không phải pháp, không phải phi pháp, không có bất cứ một loại ngôn ngữ nhị nguyên nào có thể diễn đạt, cứ như thế mà bốn mùa truyền trao cho nhau và tiếp nhận cùng nhau và thay nhau khi ẩn, khi hiện giữa thời gian vô cùng và không gian vô tận.
Nên, đối với truyền thống tâm linh và văn hóa Việt Nam, giờ phút giao thừa, giữa đông và xuân, giữa năm cũ và năm mới rất quan trọng và linh thiêng.
Quan trọng, vì việc làm của cái cũ không phải chỉ là hoàn tất mà còn hoàn hảo. Mùa đông đã cưu mang, ấp ủ chất xuân của mình trong lạnh lẽo băng giá, để tạo nên một mùa xuân trinh bạch thanh khiết, ấm áp, hồn nhiên và hoàn hảo cho đời.
Linh thiêng, vì cái mới đã hoàn hảo ngay trong từng giây phút ôm ấp của cái cũ. Và chính cái hoàn tất trong từng giây phút ôm ấp ấy, lại là cái hoàn hảo của cái mới tột cùng. Mỗi khi cái cũ đã hoàn hảo, thì cái cũ không còn là cái cũ nữa, chính cái cũ là cái mới viên dung. Nên, giây phút linh thiêng là giây phút của cái cũ hoàn tất và ẩn tàng để cho một cái mới hoàn hảo tột cùng biểu hiện.
Nên, đêm giao thừa là đêm quan trọng nhất và linh thiêng nhất của người Việt Nam có đời sống tâm linh và văn hóa đón tết, mừng xuân.
Đón tết là tiếp nhận linh khí tinh anh từ năm cũ truyền trao qua năm mới và mừng xuân là vui mừng, vì nhận được sức sống của ánh sáng mầu nhiệm hay “nhất điểm linh quang” từ nơi trái tim nguyên ủy của đất trời khởi phóng và phổ truyền để dưỡng sinh muôn loại.
Sức sống hay ánh sáng mầu nhiệm từ nơi trái tim nguyên ủy của trời đất ấy, gọi là pháp tánh và sức sống ấy hàm chứa nơi tâm thức của hết thảy chúng sanh, gọi là Như lai tạng tánh, Phật tánh chủng tử hay Bồ đề tâm địa.
Nên, người đệ tử Phật đón tết, mừng xuân chính là đón nhận rằng, mình vốn có Phật tánh, vốn có Như lai tánh hay Tự tánh bồ đề và nỗ lực làm cho tánh ấy sáng ra trong đời sống của mình, qua đi đứng nằm ngồi, nói năng hành động, để mùa xuân thật sự có mặt một cách đích thật trong đời sống của chúng ta và chính chúng ta là xuân.
Thệ nguyện và lên đường
Những người con Phật, chính chúng ta là xuân mà không phải là hiện tượng của mùa xuân. Hiện tượng của mùa xuân tự nó bị giới hạn bởi thời gian và không gian, và bị điều kiện hóa bởi các duyên, nên chúng bị sanh thành và hủy diệt, bị tác động để biểu hiện hay ẩn tàng, còn xuân là Như lai, nên xuân là vô hạn.
Chính chúng ta là xuân, vì chính những người con của Phật đều được sinh ra từ tâm xuân của ngài và đã được nuôi lớn từ tâm xuân ấy. Tâm xuân chính là Phật tính hay bồ đề. Từ nơi tâm xuân mà duyên vào đại nguyện để tạo thành tâm lực của mùa xuân, và từ nơi Phật tính mà khởi phát ước thệ từ bi, để sinh thành bồ đề nguyện lực, mà lên đường dưới vô số hình thức và tên gọi, vì lợi ích cho hết thảy chúng sanh.
Chúng sanh do vô minh vọng tưởng mà bị trôi dạt vào biển cả tử sinh, biến tâm Phật trở thành tâm chúng sanh; biến tri kiến trở thành tà kiến; biến vô cùng trở thành hữu hạn; biến tương sinh trở thành tương tranh; biến hỗ dụng trở thành lạm dụng; biến thanh tịnh trở thành ô nhiễm; biến hòa hợp trở thành phân cách; biến thanh khiết trở thành ô tạp; biến anh em trở thành thù hận; nên mùa xuân chợt thành mùa hạ; mùa thu chợt hóa mùa đông; chim đại bàng chợt thành sâu kiến.
Vì vậy, những người con Phật, nguyện sống vô tranh giữa những kẻ đua tranh; nguyện sống hoàn hảo giữa những kẻ bất hảo; nguyện sống hết lòng giữa những kẻ phản bội; nguyện sống buông bỏ giữa những kẻ tham chấp; nguyện sống từ bi giữa những kẻ thù hận; nguyện sống dũng cảm giữa những kẻ bạc nhược; nguyện sống giản dị giữa những kẻ xa hoa; nguyện sống im lặng giữa những kẻ lắm lời; nguyện sống bất động giữa những kẻ náo động; nguyện làm mùa xuân ngay trong mùa hạ; nguyện làm làn gió mát giữa trăng thu và nguyện làm những hạt nắng giữa trời đông để nuôi dưỡng tâm xuân và tạo thành mùa xuân giữa cơn rét bão nhân tính và tình người.
Ấy là xuân và tâm lực bồ đề của những người con Phật.
Xin Chào Nguyên Xuân!
Mắt ta bị bệnh, ta nhìn muôn vật bị nhòe, khiến ta không gọi đúng tên của muôn vật mà ta muốn gọi. Ta cứ gọi hoài, nhưng chẳng có vật nào lên tiếng với ta. Ta bắt đầu thất vọng và buồn chán, chất liệu buồn chán của những chủng tử tâm hành ấy, kích hoạt não trạng của ta, khiến não trạng của ta rỉ chảy ra những sinh chất không lành mạnh gây thiệt hại cho thân tâm ta. Tâm bệnh, thân nào an? Thân bệnh, tâm nào an? Cả thân tâm đều bệnh, bình an của ta nằm ở nơi nào? Xuân của đời ta đang ở nơi đâu?!
Có một cô bé xin mẹ đi cắt tóc dài thành ngắn để vui xuân, mẹ cô nói: “Con hãy xin bà nội và ba, nếu bà nội và ba đồng ý, mẹ sẽ đưa con đi!”. Cô bé liền thưa: “Sao tóc của con mà con không được cắt, con lại phải đi xin, con không xin ai hết, con tự giải quyết?!”.
Cô bé trả lời với mẹ rất thông minh, nhưng thông minh nửa vời, tạo nên cả một sự buồn chán cho cả hai người. Có thể cô bé đã tiếp cận nền giáo dục nửa vời đối với “quyền trẻ em”, nên cô ta đang đòi hỏi quyền làm người lớn ở trong một gia đình.
Nhưng trong gia đình chẳng có ai cấm cô ta làm người lớn đâu? Bà nội cũng muốn cháu lớn, cha mẹ cũng muốn con lớn và chính cô bé cũng muốn cô lớn. Lại nữa, cả xã hội cũng đều muốn cô ta lớn lên mà?! Nhưng bà nội muốn cháu lớn theo cách của mình; cha mẹ muốn con cái lớn theo cách của cha mẹ và chính cô bé cũng muốn mình lớn theo cách riêng của mình và xã hội cũng muốn cô bé lớn lên theo cách quy ước của xã hội, vì vậy mà tất cả đang nhìn nhau và đối xử với nhau bằng đôi mắt bị nhòe.
Mắt đã bị nhòe thì cho dù ta muốn gọi đúng tên của muôn vật hay của mọi người, nhưng chẳng có cái gì hay chẳng có ai lên tiếng trả lời cho ta cả và nếu có lên tiếng hay trả lời cũng chỉ lên tiếng và trả lời một cách vu vơ như một người thính giác bị khuyết tật trả lời tiếng gọi từ một người mắt nhòe. Trong khi ấy, thực tại bình an vẫn nằm yên bất động, chỉ có vọng tưởng với vọng tưởng khuấy động nhau, tạo thành những huyễn cảnh buồn vui rối rắm cho nhau đó thôi!
Muốn chữa bệnh mắt nhòe, ta hãy nhìn sâu vào thân thể của ta đang dư chất gì và thiếu chất gì về mặt sinh học, để tăng và giảm một cách hợp lý đối với chúng, tạo nên một sự quân bình giữa cung và cầu cho cơ thể, mắt nhòe về sinh học của ta tự hết, bấy giờ ta sẽ gọi tên muôn vật đúng như những gì nhận thức của gia đình và xã hội quy ước.
Nhưng chữa bệnh mắt nhòe không dừng lại ở đó, ta hãy nhìn sâu vào những chủng tử tâm hành, để ta có thể nhận ra nguyên nhân nào đưa tới mắt nhòe, duyên nào đã tác động làm cho mắt nhòe sinh khởi và hậu quả của mắt nhòe đem lại gì cho ta, cho gia đình và xã hội của ta?
Mắt nhòe có gốc rễ từ nơi tâm vẩn đục, không trong sáng của ta. Ta chưa hề và không bao giờ có một cái ta nào riêng biệt mà ta cứ tưởng rằng, ta đang có một cái ta ấy. Ta đang thần tượng cái ta ấy của ta. Ta vui và buồn theo vọng tưởng của cái ta ấy, khiến mọi ứng xử của ta từ bản thân, đến gia đình và xã hội như người bị mắc bệnh mắt nhòe.
Thực tập buông bỏ những hạt giống ích kỷ, tự ái, chấp ngã từ vô minh mù quáng và từ mê tín đến cuồng tín đối với một bản ngã hay đối với một cái ta, ta sẽ có đôi mắt sáng trong để nhìn muôn vật và nhận ra muôn vật đều là bạn của ta, ta gọi tên chúng và chúng cùng ta mỉm cười, rồi cùng nhau tự nhủ: “té ra thật tế là vậy!”. Bấy giờ, vui buồn chợt bay, rối rắm tự giải, nguyên xuân của đất trời và của tâm ta cùng tương giao hiện hữu.
Mùa Xuân Trong Mỗi Chúng Ta
Xuân của đất trời
Xuân của đất trời thì ở đâu cũng hồn nhiên và xinh đẹp. Nó xinh đẹp ngay nơi bản chất hồn nhiên của chính nó. Nó xinh đẹp, vì nó biết ẩn mình trong nắng quái của mùa hạ, trong dịu hiền của mùa thu và ẩn sâu trong lòng băng giá của mùa đông, để nuôi dưỡng sự tồn sinh và đợi đúng thời, thì xuân tự biểu hiện để hiến tặng cho đời muôn ngàn hương sắc xinh tươi hồng tía, muôn ngàn chồi lộc sức sống mầm non.
Xuân của đất trời không nói, nhưng muôn ngàn hoa lá nói thay cho đất trời trong từng sát-na âm dương vận hành sinh diệt. Nếu xuân sinh mà không diệt, ấy là xuân vô cảm tự biến mình thành chất chai lì như vách đá. Nhưng vách đá, chưa từng là vách đá và không bao giờ chỉ là vách đá, vì vách đá còn biết mọc rêu và có thể trở thành bức tranh xuân, tinh kết đôi vầng nhật nguyệt, tạo thành những âm hưởng rung động, tuyệt tác vô ngôn cho đời.
Nếu xuân diệt mà không sinh, ấy là xuân trong tư duy triết học phiến diện, trong những cảm xúc của những kẻ hưởng thụ hốt hoảng, ngông cuồng mà không phải là xuân đúng như thực tại của chính nó. Xuân đúng như thực tại chính nó là nó sinh mà không phải thường còn, nó diệt mà không hề biến mất. Nó hiện hữu, nhưng chưa bao giờ nó hiện hữu một mình. Nó hiện hữu với chính nó, cùng với hạ, thu và đông. Nó sinh, nhưng chưa bao giờ là sinh một mình và nó diệt, chính nó cũng chưa bao giờ diệt một mình. Sinh và diệt, biểu hiện và ẩn tàng hay đến và đi của xuân, chỉ là hai mặt của một thực tại sống động trong dòng chảy tương tác vô cùng của trời đất muôn thuở.
“Đủ duyên xuân biểu hiện
Duyên hết xuân ẩn tàng
Trời đất tình một lối
Ô hay, nhật nguyệt vàng!”.
Xuân của chúng ta
Con người của chúng ta sinh ra từ nơi hồn nhiên của đất trời và từ nơi biến động của những vọng tưởng tâm thức, nên mùa xuân của con người được tạo thành từ nơi những quy ước của nhận thức, khiến chất liệu hồn nhiên của đất trời nơi con người của chúng ta, trở thành những cảm xúc vui buồn giữa đất trời biến thiên vô tận.
Trong sự biến thiên vô tận ấy, con người tùy theo nghiệp chủng, mà có tương cảm với địa dư, phong thủy, thời tiết, tín ngưỡng, tôn giáo, tư duy văn hóa vùng miền và từng khúc quanh sự cố của đời người khác nhau, nên đã tạo thành cho chính mình, cho vùng miền của mình và cho quê hương của mình một mùa xuân với nhiều cảm xúc mang đầy kịch tính, qua từng không gian, qua từng thời kỳ và qua từng lứa tuổi.
Như Nhạc sĩ Duy Khánh đã từng hát: “Xuân này con không về”. Con đi đâu mà không về nhỉ, “để mẹ chờ, em trông, khi nhìn thấy mai đào nở đầy bên nương, khi thấy những cánh én bay đầy trước ngõ!”.
Con đi đâu mà xuân này, mẹ ơi con vắng nhà?! Người con trai thời chinh chiến phải cầm súng ra chiến trường trấn giữ non sông, bảo toàn giang sơn gấm vóc, nên mùa xuân chỉ với lương khô, đối diện với sương mù ngăn cách muôn lối, chẳng thấy mẹ già, chẳng thấy người yêu, chẳng thấy bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, chẳng nghe tiếng pháo giao thừa rộn rã nơi nơi… nên mùa xuân đã trở thành “mùa xuân của mẹ” và ước mơ “chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”.
Mùa xuân anh đi đâu, ở núi cao hay biển đảo, lướt sóng vượt trùng dương hay cỡi mây ngàn rong chơi phương ngoại, khi nghe hương mai bay ra từ núi, khi thấy hoa anh đào óng ánh giữa sắc mây, khi thấy tóc mình trắng và xanh trong vầng nhật nguyệt, bất chợt hồn xuân nhung nhớ trở về, gửi tình ca theo gió ngàn bay về đồng quê hay phố thị: “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?!”; hay “Mùa xuân quên mặc áo mới…, bàn tay nâng niu hoa cúc, bàn tay hiu hắt giọt lệ đầy…”. Hay mùa xuân là mùa của những người thêu áo cưới, như một Thi sĩ nào đó đã nói: “Suốt mùa xuân, nàng ngồi thêu áo cưới, đẹp duyên người, mình vẫn phận rong rêu”.
Có bao nhiêu vùng miền, có bấy nhiêu cảm xúc; có bao nhiêu giọng nói, có bấy nhiêu cách biểu cảm; có bao nhiêu thăng trầm, có bấy nhiêu nỗi buồn vui; có bao nhiêu lần đoàn tụ, thì cũng có bấy nhiêu lần tiễn biệt, chia tay; có bao nhiêu điều kiện và hoàn cảnh để tiếp cận cuộc sống là có bấy nhiêu cảm xúc đối với xuân và hương sắc của xuân có vô vàn kịch tính đối với thế giới con người chúng ta!
Ngày xuân ta đi chùa
Thi sĩ Huyền Không đã nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
Ngôi chùa đã nằm trong lòng quê hương Việt Nam, khi vui thì cùng vui với dân tộc Việt, khi buồn thì cũng cùng buồn với dân tộc Việt, nên người dân Việt đã thường nói với nhau: “Đất Vua, chùa Làng, phong cảnh Bụt”. Hay “chùa tan, làng nát là nước mất”.
Đất chùa ngày xưa do vua chọn nơi sơn thủy hữu tình và Sắc ban, cho dân Làng để xây dựng chùa chiền, tạo thành phong cảnh hiền hòa trang nghiêm của Phật, làm nơi duy trì tín ngưỡng tâm linh, khiến âm siêu dương thái, trăm họ yên bình, di dưỡng đời sống tinh thần cho trăm họ, giáo dục đức tin nhân quả, tội phước cho con em nhận biết, để cho con em trăm họ đều biết “hiếu kính cha mẹ, thuận thảo với anh chị em, thương người và vật”, nhằm thiết lập một nền tảng đạo đức mang đầy nhân tính, phát huy nhân văn, tạo nên nền văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa con người với con người, trong một nguyên tắc tình cảm trật tự của huyết thống; với tình làng, nghĩa xóm; với ý nghĩa “bà con xa, láng giềng gần” trong quan hệ xã hội; tạo thành những nét đẹp ứng xử giữa người sống với người chết trong quan hệ âm dương. “Sống chết tuy khác nhau, nhưng âm dương nhất lý”. Và quan trọng hơn hết là biết yêu chuộng thiên nhiên, như yêu chuộng chính bản thân mình; yêu chuộng thiên nhiên như yêu chuộng gia đình mình; yêu chuộng thiên nhiên như yêu chuộng xóm làng hay quê hương của chính mình, vì thiên nhiên là mùa xuân muôn thuở của chính mình; vì thiên nhiên là mùa xuân muôn thuở của muôn loài chúng sinh. Không có thiên nhiên, con người và muôn vật không có điều kiện để sinh ra và lớn lên, lấy gì có lộc của xuân để ta hái; lấy gì có tình của xuân để ta yêu và lấy gì để có danh thơm của xuân cho ta ngày đêm mơ ước, bắt đuổi, nguyện cầu!
Ngày xuân ta đi chùa hái lộc; ngày xuân ta đi chùa lễ Phật cầu an đầu năm, hay ngày xuân ta đi chùa “nắng xuân ta gối đầu, nắng xuân ta khẩn cầu, cầu mong ngày xuân chớ có đi mau!”; ngày xuân ta đi chùa: “Câu thề vàng đá trên môi, xin được khắc vào xuân trọn đời”; hay ngày xuân ta đi chùa: “lời tình đong đưa theo gió, mình thương nhau mấy tuổi xuân rồi”.
Ở trong đời, mọi người tiếp xúc với xuân và thưởng thức xuân chẳng có ai giống ai, thì người đi chùa hái lộc, cầu an, cầu danh, cầu may, cầu duyên cũng chẳng có ai giống ai giữa cuộc đời này.
Nhưng cách đi chùa hái lộc đầu năm có hiệu quả nhất là “hái lộc phước đức, gieo nhân trí tuệ”. Nghĩa là đến chùa ngồi xuống với tư thế yên lặng, thành kính trang nghiêm, rồi dở một trang kinh Phật để tụng, khắc nhớ lời hay ý đẹp của kinh vào lòng, để nguyện bỏ ác làm lành, giữ tâm ý thanh tịnh, sống chân thật với mọi người, biết thương người cứu vật, ấy là người biết đi chùa và biết hái lộc đầu năm một cách thông minh, có ý nghĩa và có giá trị nhất định, tạo thành bình an muôn thuở cho chính mình, duyên lành cho cuộc sống, kết thành mùa xuân muôn thuở cho gia đình và an bình cho xã hội.
Khi đã có phúc đức, có trí tuệ, lộc ta không cầu mà tự đến, duyên ta không ước mà tự thành, danh ta không mơ mà trở thành hiện thực, rủi ta không cần xua đuổi mà tự đi, duyên may ta không gọi mời mà tự cảm, sao xấu thành tốt, hạn xấu tự giải. Điều ấy, chẳng có gì khó hiểu, chẳng có gì huyền thoại, nó hiện thực như mây tan trăng chiếu, như nước trong trăng hiện ấy mà!
Ấy là ngày xuân ta đi chùa hái lộc phúc đức, gieo nhân trí tuệ đầu năm ngay trên mảnh đất quê hương tâm linh của mỗi chúng ta.
Tạo Dựng Mùa Xuân
Mùa xuân của đất trời là do đất trời quan hệ với nhau mà tạo thành. Sự oi bức và rắn rỏi của mùa hạ, sự mát dịu và thanh đạm của mùa thu, sự âm thầm và lạnh buốt của mùa đông đều đã góp phần cho sự có mặt của mùa xuân đầy sức sống và ấm áp để cho ngàn đóa hoa đua nở và để cho ngàn chim muông hát ca.
Nhìn xuân ta không nhìn bằng đôi mắt đơn điệu mà phải nhìn sâu để hiểu để thấy và để cảm nhận những gì mà xuân đang hiến tặng cho ta.
Ta thường quen nghĩ mùa xuân hoa mới nở, nhưng thực ra trong trời đất bốn mùa đều có hoa nở. Mùa xuân có hoa Lan nở, mùa hạ có hoa Sen nở, mùa thu có hoa Cúc nở và mùa đông có hoa Hải Đường hay hoa Trà Mi nở. Trong bốn mùa, mùa nào cũng có hoa nở, nhưng liệu ta có nhận ra điều đó để nuôi sống và tạo nên thiên đàng hạnh phúc cho ta hay không!
Có khi ta sống giữa mùa xuân, nhưng ta lại đi tìm kiếm xuân, và cũng có khi ta đang sống giữa mùa đông, nhưng ta không lạnh lẽo, ta vẫn có chất liệu ấm áp của mùa xuân. Ta có mùa xuân trong cuộc sống của ta hay không là do khả năng quán chiếu và thực tập chánh niệm của ta. Ta thực tập chánh niệm càng nhuyễn và sâu, thì mùa xuân luôn có mặt trong ta.
Ta có chánh niệm là ta có khả năng lựa chọn những thức ăn thích hợp để nuôi thân và tâm ta.
Mùa xuân ta có thể ăn rau tía tô, mùa hạ ta có thể ăn rau diếp cá, xà lách, mùa thu ta có thể ăn măng và mùa đông ta có thể ăn giá, gỏi và gừng...
Thực phẩm hay rau trái của mỗi mùa, đều có tác dụng giúp cho thân thể ta tiêu thụ trong chiều hướng thuận hợp và khinh an, nếu ta biết chọn lựa.
Ta không có khả năng chọn lựa thực phẩm để nuôi dưỡng sự khinh an của thân là do ta sống không có chánh niệm. Ta sống không có chánh niệm thì ta không có khả năng tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người xung quanh ta.
Ta có thể tạo dựng mùa xuân cho ta bằng chất liệu Lắng Yên.
Lắng Yên là không lao xao, không vội vã, không bồn chồn. Nghĩa là khi ta nhìn, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc và nghĩ đến một cái gì thì chỉ là cái đó và ta bám sâu về cái đó để thấy và để hiểu. Nhờ vậy mà tâm ta được yên lắng. Do tâm ta có yên lắng, nên ta có khả năng tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh ta.
Ta cũng có thể tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh ta bằng chất liệu Soi Sáng.
Soi Sáng là thắp sáng và soi chiếu. Nghĩa là ta thắp sáng tâm ta lên không để cho tâm ta bị ngủ vùi ở trong bóng tối. Và nếu ta không có khả năng thắp sáng tâm ta lên thì ta cũng không có khả năng soi chiếu.
Tâm ta thường bị ngủ vùi ở trong những cảm giác, những tri giác, những tập khí của chủng tử và những nhận thức sai lầm.
Ta thắp sáng tâm ta lên bằng ý thức chánh niệm và ta soi sáng vào các cảm giác, tri giác, tập khí chủng tử và những nhận thức sai lầm ấy thì tức khắc những sai lầm của cảm giác, tri giác, tập khí chủng tử và nhận thức của ta sẽ được chuyển hóa và chúng ta sẽ được thăng tiến trong một chiều hướng tốt đẹp. Và như vậy, ta đã tạo dựng được mùa xuân ngay từ nơi cảm giác, tri giác, chủng tử và nhận thức của ta. Ta đã có khả năng tạo dựng mùa xuân cho ta, thì ta mới có khả năng tạo dựng mùa xuân cho những người chung quanh.
Ta cũng có thể tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh bằng chất liệu cảm thông.
Cảm thông là cảm nhận được nỗi đau của người cũng có thể là nỗi đau của mình, nỗi khó khăn hoặc bất hạnh của người cũng có thể là nỗi khó khăn và bất hạnh của mình, do đó tâm ta khởi lên sự thông cảm, tha thứ và bao dung. Khi tâm ta có chất liệu cảm thông là đời sống của ta không còn bị đóng khung ở trong một ốc vỏ khô cứng nghèo nàn. Ta có sự cảm thông là đời sống của ta bắt đầu giàu có, mùa xuân trong đời sống của ta không còn là hồn nhiên mà là mùa xuân trưởng thành, ta có thể xây dựng mùa xuân cho ta bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Đối với bất cứ ai, ta cũng đều có thể giúp cho họ tạo dựng mùa xuân cho chính họ.
Ta cũng có thể tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh ta bằng chất liệu NẮM LẤY TAY NHAU.
NẮM LẤY TAY NHAU là ta hiện hữu. Ta hiện hữu với những gì có mặt chung quanh ta.
Mặt trăng, mặt trời đã mỉm cười và nắm lấy địa cầu để soi sáng, địa cầu đã mỉm cười và nắm lấy mặt trời, mặt trăng để chuyển động, bình minh và hoàng hôn đã nắm lấy tay nhau và giúp nhau có mặt, sông và núi đã giúp nhau và có mặt trong nhau và đã cùng nhau hiện hữu.
Ta không nắm lấy tay nhau là ta không còn hiện hữu. Ta không nắm lấy tay nhau là ta phản bội sự sống và ta phản bội chính ta.
Mùa xuân đã nắm lấy tay mùa hạ để đi và nắm tay mùa đông để về, và mùa thu nắm lấy tay mùa đông để đi và nắm tay mùa hạ để về, mùa đông đã nắm lấy tay mùa xuân để đi và nắm tay mùa thu để về, mùa hạ đã nắm lấy tay mùa thu để đi và nắm tay mùa xuân để về. Không những chúng nắm tay nhau để đi và về mà chúng còn hiện hữu ở trong nhau.
Ta cũng vậy, không những ta với mọi người, mọi loài hiện hữu bên nhau mà hiện hữu trong nhau; không có người thương, ta không sống nổi đã đành mà không có nước uống, không có không khí, mặt trời, mặt trăng, biển cả, núi rừng, dòng sông... thì ta cũng không tài nào sống nổi.
Ta không nắm lấy tay nhau thì ta không thể sống và không thể nào tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh ta. Khi nào ta biết nắm lấy tay nhau thì khi đó ta mới có khả năng tạo dựng mùa xuân cho nhau.
Ta cũng có thể tạo dựng mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh bằng chất liệu CÙNG BƯỚC ĐI và CÙNG HÁT CA.
CÙNG BƯỚC ĐI và CÙNG HÁT CA, nghĩa là trong đời sống ta không thể dừng lại và vui một mình. Ta phải đi theo bước đi chung và ta phải vui trong niềm vui chung của mọi người.
Sống là gì? Đó là cùng đi và cùng chuyển động. Và chết là gì? Đó là dừng lại tách rời và hình hài tan rã.
Ta không cùng bước đi, thì ta không thể hát ca. Vì không có âm thanh nào tự nó vang lên mà không có sự tác động của cái khác. Tiếng đàn không thể tự nó ngân lên từ cây đàn; nếu không có tác động của bàn tay người đánh đàn.
Hơi thở của ta cùng bước đi với trái tim, mạch máu, buồng phổi, dạ dày, lá lách, gan, ruột... của ta, nó chưa hề đi một mình. Âm thanh của ta cũng vậy, nó chưa bao giờ tự phát ra một mình, nó cùng đi với cổ họng, miệng lưỡi, hơi thở, trái tim, mạch máu, khối óc... của ta.
Ta hãy cùng bước đi và cùng hát với nhau. Ta không thể đi một mình và hát một mình, vì ta đi một mình và hát một mình, ta sẽ không tạo được mùa xuân cho ta và cho những người chung quanh.
Ngày 19 tháng 11 năm 2000 vừa qua, chị Hà Thanh từ Hoa Kỳ về, đến chùa Từ Hiếu thăm tôi, chị đã cùng chúng tôi bước đi và hát bài hát “Bên rừng nở rộ hoa mai” của thiền sư Nhất Hạnh. Chị vừa đi vừa hát và hát rất hay. Chị đã hơn sáu mươi tuổi, nhưng giọng hát và nét mặt đang còn trẻ. Bằng nét mặt tâm hồn và giọng hát, chị đã tạo dựng một mùa xuân cho chính chị và cho những người chung quanh chị, mặc dù lúc đó thời tiết đang là mùa đông của Huế.
Thế kỷ 20, con người không chịu cùng đi và cùng hát ca với nhau, nên đã gây ra nhiều thảm họa và băng giá cho loài người.
Thế kỷ 21, nếu con người không biết nắm tay nhau, cùng bước đi và cùng ca hát, thì mùa xuân cũng không bao giờ có thực với chúng ta. Đất trời đã biết cùng đi với nhau để tạo dựng mùa xuân cho nhau và biết cho nhau mùa xuân, tại sao ta không biết cùng nắm tay nhau, cùng bước đi để tạo dựng mùa xuân cho nhau và cùng nhau hát ca nhỉ!
Xuân Tình
Vô Ngã
Xuân về
muôn vật xôn xao,
rừng mai hé nụ
ngạt ngào thiền hương.
Mấy mùa
xuân phủ tuyết sương,
xuân bây giờ
đã dọn đường đi lên.
Cửa Không
trăng dọi bên thềm,
chuông xa vẳng gọi
ai bên bến nầy.
Xuân về
xin hãy về đây
cho em ấm lại
những ngày tháng qua.
Cho anh
hát bản xuân ca
tình thơm quê mẹ,
vườn cà nương khoai.
Ngày xuân
cánh bướm bay hoài,
tung tăng hoa bưởi,
miệt mài hoa cau.
Xuân từ đâu,
bướm từ đâu;
do đâu mà có
nhịp cầu với nhau?
Xuân từ đâu,
bướm từ đâu;
do đâu hoa nở,
xuân cười bướm bay?
Xuân đi
ai đẩy tháng ngày,
xuân về ai gọi,
ai thay đổi màu?
Sương mờ
trong cõi bể dâu,
biết bao giờ giải
được câu hỏi này?
Thôi,
xuân về bướm cứ bay,
xuân về vạn vật
cứ thay đổi màu;
còn ta,
ta đến với nhau,
xuân tình vô ngã
nhiệm mầu biết bao!
Xuân Kỷ tỵ – 1989.
Kỳ Xuân
Trời cao, cao vời vợi
đất rộng, rộng vô bờ
hoa mỉm cười không nói
huyền ảo như chiều mơ.
Này hoa, hoa có biết
mùa xuân có bao giờ?
Nầy xuân, xuân có biết
ai về giữa nắng mơ?
Này hoa, hoa có biết
xuân gọi nắng thơ về;
Coû naøo thôm höông ñaïo
hoa naøo nôû tình queâ?
Đời trôi, trôi đi mãi
em có thấy mùa xuân,
đi về trong hơi thở;
đi về trong dấu chân!
Đời trôi, trôi đi mãi
em có thấy mùa xuân
tâm tịnh lòng nở hoa
ngày nào hoa cũng nở.
Em biết mùa xuân nào
mùa xuân không lai khứ;
Em ngợi ca tình nào,
tình im lặng ly ngôn.
Hạnh phúc đây – bây giờ
ta không tìm quá khứ;
Mùa xuân đây – bây giờ
ta không tìm tương lai.
Thấy xuân trong hơi thở
thấy xuân trong bước đi;
Mỉm cười xuân thường tại
ôi, xuân đẹp diệu kỳ!
Xuân Nhâm thân - 1992
Xuân Cảm
Xuân đến giao thừa pháo nổ inh
xua tan bóng tối đón bình minh
muôn hoa cười nhẹ thơm hương sắc
nắng ấm xuân về vạn cảnh xinh.
Xuân Nhâm thân – 1992.
Xuân Thiền
Trà xuân thơm thanh thủy
đạo vị ngọt đa thì
trời đất chừ, nguyên thể
ta chừ, phóng thiền thi!
Giao thừa, xuân Quý dậu – 1993.
Nụ Mai Vàng
Dẫu xuân có ngủ quên về,
nụ hồng vẫn nở
chẳng nề lạnh sương.
Chim reo
hót điệu chân thường,
Em không lời hát
tình vương tuổi sầu.
Nẻo về
theo dấu chân trâu,
tình trâu đã trắng
nỗi sầu vụt bay.
Ngã không
còn chỗ phơi bày,
em không còn chỗ
để đày đọa thân.
Cõi nào
cũng có phù vân;
cõi nào cũng có
bước chân diệu hành.
Trúc ngàn năm
lá vẫn xanh,
tình ngàn năm nở
trên cành mai trơ.
Dẫu rêu xanh
phủ tình cờ;
dẫu mưa nắng có
hững hờ cuộc chơi.
Xưa nay
vẫn một đất trời;
vẫn cành mai cũ
nở phơi nhụy vàng.
Xuân Quý Dậu – 1993.
Lạ Gì Xuân
Xuân về
hoa nở tâm kinh,
vườn trong cỏ lục
ngời tình lưu ly.
Nụ hồng
phơi nở hồn thi
mênh mông nhịp sống
lạ gì thiều quang!
Xuân Giáp tuất – 1994.
Xuân Thường Tại
Tịch mịch trăng soi
giữa chợ triền,
giữa đời hư thực;
giữa vô biên;
mưa sa mấy độ
xuân thường tại,
nắng ấm sương tan
lộ đóa thiền.
Xuân Ất hợi -1995.
Xuân Hiện Hữu
Em cứ đi từng bước chân vững chãi,
đừng lo âu – sợ hãi quãng đường dài;
Sinh đã không làm cho em,
từ không thành có;
thì diệt cũng làm không làm cho em,
từ có hóa không.
Em cứ cười,
cứ thảnh thơi,
để thấy trời đất nhìn nhau,
trời đất trong em;
trời đất vẫn nói;
Em không cười,
trời đất vẫn cười;
Em không đi,
giữa đất trời
mạch sống vẫn hằng lưu.
Mùa xuân không có về,
em đừng hoài công chờ đợi;
Mùa xuân không đi,
em đừng vội vã tiếc thương!
Mùa xuân năm xưa,
cũng chính là mùa xuân năm nay;
và mùa xuân ngàn sau,
cũng chính là mùa xuân bây giờ.
Có khác chăng,
là tâm em, chừ đổi mới;
chừ trắng tinh,
em nhận diện cuộc đời.
Con bướm bay – vườn cà – ruộng lúa;
Luống khoai xanh – khóm trúc – cành mai ;
Em bé nhỏ tung tăng – khoe áo mới;
Cụ già tóc bạc, mắt đăm chiêu;
Cô thiếu nữ – cậu thanh niên,
mắt nhìn mắt không nói;
bà mẹ cười mạch sống đơm hoa.
Hoa nở lâu rồi, thương ai hờ hững;
Xuân có lâu rồi, sao mấy kiếp lãng quên!
Nhận diện – nhìn sâu
- Mỉm cười
- Xuân cùng em hiện hữu.
Xuân Bính tý – 1996.
Xuân Chuyển Hóa
Trời vào hạ
ta hóa thân làm nắng,
lặng phơi mình trên cổ thụ tòng xanh.
Trời vào thu
ta làm mây trắng bạc,
sống thênh thang
giữa gió nội trăng ngàn.
Khi đông đến
ta hóa thân làm nước,
chuyển thanh lương
lên mạch sống đầu nguồn.
Chừ xuân về,
ta hóa thân làm đất,
lòng đất sâu,
nuôi dưỡng hạt giống mầu.
Đất bất diệt,
để ngàn hoa sinh diệt;
giữa diệt sinh,
khí tiết tự giao mùa.
Chừ thảo mộc,
phơi hoa đùa nắng mới,
cánh bướm vàng,
bay liệng giữa trời không;
Làn gió nhẹ,
đưa hương từ nguyên thể,
cửa thiền thất không mở,
cũng không gài...
Xuân Đinh sửu - 1997
Xuân Như Ngày Ấy
Đất trời
vẫn đất trời này,
vẫn dông bão tố;
vẫn đầy bình an;
vẫn đêm tối;
vẫn trăng ngàn;
vẫn bình minh cũ;
vẫn hoàng hôn xưa.
Đá nằm
im lặng bốn mùa,
ngàn năm chim vẫn
hót đùa trên cây.
Rừng hoang
hoa vẫn nở đầy,
trong ta xuân vẫn
như ngày ấy thôi!
Xuân Kỷ Mão -1999
Còn Mãi Một Đóa Hoa
Cơn lạnh mùa đông
chuyển thành nắng ấm,
chim dậy hót ca
mây bay về đỉnh núi.
Sáng nay,
trời đất nhìn nhau,
trời đất trong nhau.
Tia nắng mỏng
ấm lòng người lữ khách,
mắt ai sâu
hun hút vượt duyên sinh!
Đôi cánh bướm,
vỗ lên cành hoa dại,
giữa rừng hoang
hương lạ vẫn còn bay!
Xuân có về chăng,
hay trong ta sức sống dậy!
Chiếc lá vàng hôm qua,
nay trở thành màu xanh biếc,
và trong
cội thông già
còn mãi một đóa hoa!
Xuân Canh thìn - 2000
Xuân Bẽn Lẽn
Suốt mấy mùa đông lạnh
Ta nằm nghe gió reo,
và ngắm trăng đỉnh núi,
mây ngăn phủ lưng đèo.
Mây chỉ ngăn phủ thôi,
can chi mà buồn nhỉ!
Mai kia mây theo gió,
làm hạt nắng biển khơi!
Hạ thu nắng gió đùa
ru êm hoa dại ngủ,
ngủ đi mùa đông lạnh
đừng trở giấc chiêm bao!
Cửa thiền “sáu cánh khép”
Xuân về, Xuân gõ cửa,
tưởng rằng, ta ngủ quên,
ta cười, Xuân bẽn lẽn!
Xuân Tân tỵ - 2001
Hồn Xuân
Từ Đông,
Xuân lại đi về,
nắng phơi cổ lục
ấm quê hương này.
Chim thôi
hót điệu lưu đày,
hoa thôi hờn dỗi
những ngày lạnh sương.
Núi thôi
mòn mỏi xa thương,
nước không còn bỏ
cội nguồn đi rong.
Quê tâm
vời vợi nắng hồng,
hồn Xuân còn mãi
giữa lòng thế gian.
Xuân Nhâm ngọ – 2002.
Uống Trà Và Xuân
Xuân đến ta uống trà
nghe hoa cỏ hát ca
thấy niềm tin rực sáng
và thấy Phật trong ta.
Ngồi yên trong mùa hạ
ta uống tách trà chanh
vững chãi trong từng niệm
ngắm mây trắng, núi xanh.
Ta uống trà mùa thu
nghe lòng sạch mây mù
thấy nguyên hình vũ trụ
làm lãng tử vân du.
Tách trà bưng mùa đông
ấm lại cả cõi lòng,
hương vị xuân còn mãi
giữa sinh diệt đôi dòng.
Xuân Nhâm ngọ - 2002
Xuân,
Nghe Tôi Gọi!
Suốt mùa đông
ta vượt ngàn đỉnh núi,
dẫu hao gầy
vẫn thanh thản bước chân.
Tâm đã sạch
mặc áo gì cũng đẹp;
lòng vô ưu
còn hỏi chuyện chi Xuân!
Nơi cõi mộng
ta hóa thân ca hát,
gọi Xuân về
cho ấm hạt chiêm bao;
cho em nhỏ
chỉ đuổi hờ cánh bướm,
đuổi hờ thôi,
đừng dại bắt nghe nao!
Dẫu mắt ướt,
nhưng sóng đời không gợn;
dẫu thân gầy
không hóa kiếp sậy lau.
Nhìn sâu bướm
tự hong mình trên lá,
nắng xuân reo
đẹp lạ mấy tinh cầu!
Mỗi bước chân
mỗi bầu trời mở rộng;
mỗi phút giây,
mỗi hạt ngọc lưu ly.
Sâu và bướm
cũng đi về vô hạn,
giữa vô biên
Xuân còn có nghĩa gì!
Xuân Qúy mùi -2003
Chào Nguyên Xuân
Mùa đông
lại vẫy tay chào
cho nguyên xuân dậy
bước vào cuộc chơi;
cho trăm hoa
dậy tiếng cười;
cho non nước dậy
hát lời vô ưu!
Chào nguyên xuân
cả sớm chiều
lung linh sống
giữa
tình yêu chân thường;
Dẫu vô tâm
hóa làm sương
vẫn như nhiên
giữa
vô thường thế gian!
Xuân Giáp thân – 2004
Xuân Về Nhỉ!
Xuân về nhỉ, ừ xuân về nhỉ!
ta có chút tình đón xuân thôi;
đạo vị đất trời còn nguyên ủy;
chừ, cành mai trước nở tinh khôi!
Xuân Giáp thân – 2004
Xuân Bao Dung
Xuân về trời đất thong dong
trái tim đổi mới thơm trong cội nguồn;
Bước chân về với tâm hồn
chùa xưa hong nắng ấm lòng thế gian;
Xuân tình vượt cả quan san
tình xuân là cõi trăng ngàn vô chung;
Xuân chừ, trời đất bao dung
hơn thua nào bận, trần hồng đùa chơi!
Mồng một tết, Ất dậu – 2005
Nắng Xuân Reo
Dẫu mắt ướt,
nhưng sóng đời không gợn;
dẫu thân gầy,
không hóa kiếp sậy lau.
Nhìn sâu bướm,
tự hong mình trên lá;
nắng xuân reo,
dịu đẹp mấy tinh cầu!
Xuân Ất dậu 2005
Đối Xuân
Xuân đến ngàn hoa quần tụ,
Ta về bên bếp lửa hồng tươi;
Xuân đi trăm lá đâm chồi
Người đến giữa rừng mai xanh biếc.
Xuân Bính tuất – 2006
Xuân Tự Do
Xuân là
sức sống trong ta
bình an thuở trước
mượt mà thuở sau.
Mặc cho
đời có bể dâu
con chim vẫn hót
trên đầu cành cây.
Mặc cho
mưa gió phủ đầy,
cánh chim hồng hạc
vẫn bay trên trời.
Xuân về
tâm ý dạo chơi;
Xuân là tất cả
vạn đời tự do.
Xuân Bính tuất – 2006
Dòng Sông Xuân
Dòng xuân
mới mãi trong ta
tinh anh từ thuở
thiên hà chưa sinh.
Xuân nay
ngoảnh lại thấy mình,
thấy ta từ thuở
có bình minh xưa.
làm nắng, làm mưa;
làm mây trắng
giữa
bốn mùa rong chơi.
Làm hoa
biết trở về ngôi;
làm cành mai nở
giữa trời vô chung;
Làm dòng
sông chảy thong dong;
Làm xuân đi mãi
giữa dòng thế gian.
Xuân Đinh hợi – 2007
Xuân Tròn Đầy
Xuân về,
xuân đã về rồi,
đã về từ thuở
đất trời biết nhau;
Xuân về
nào bận trước sau
Xuân vô biên có,
trên đầu nụ mai.
Thương ai
làm lữ khách hoài,
quảy xuân tìm kiếm
cho vai hao gầy!
Xưa nay
giữa đất trời này,
một tâm xuân sáng
tròn đầy mười phương!
Xuân Mậu tý – 2008
Xuân Mãi Còn
Xuân về
từ độ mưa sa;
từ trong nắng quái
bụi hoa mắt người;
Xuân từ
cát đá tăm hơi,
và từ không điểm
đất trời mà ra.
Nên,
xuân còn mãi trong ta;
và xuân còn mãi
giữa tà huy bay.
Xuân kỷ sửu – 2009
Nắng Xuân Mầu
Ta trút hết
hồn thơ
vào cỏ dại,
để dế giun
vui sống
nắng xuân mầu.
Nắng hỡi nắng,
xin hiền thêm chút nữa,
để gió mưa
không rộn rã con tàu!
Này mưa gió,
nghe chăng
lòng đất chuyển;
chuyển vô ưu,
lên mạch sống
đầu nguồn;
chuyền hơi ấm,
chuyển vào muôn thảo mộc,
xóa cô liêu,
trong vạn kiếp luân hồi!
Miền cát bụi,
biết nói cười
dung thứ;
để sông xuân,
bóng nguyệt
chiếu vô sầu.
Chừ,
xuân chuyển hồn nhiên
lên phiến lá;
để linh quang sáng rực
vạn tinh cầu!
Xuân Canh dần – 2010
Trời Xuân Bạt Ngàn
Mùa xuân ta có mặt nhau
dù nhìn nhau kỹ
trước sau đã từng;
Bụi đời mòn mỏi đôi chân
tàn canh ta lại
trông xuân đi về,...
Nơi nào cũng có xuân quê
một tâm xuân có
ba bề bốn bên;
Dẫu đời có xuống có lên
xuân tình chung thủy
ngự trên đỉnh người.
Có chi mà khóc mà cười
giữa phù vân vẫn
có người tri âm;
Biết tâm xưa sạch hồng trần
cũng từ tâm ấy,
trời xuân bạt ngàn,...
Xuân Tân mão – 2011
Xuân Cả Mười Phương
Rồng về
hát bản xuân ca
tình thơm quê mẹ
vườn cà nương rau;
Dẫu đời quán trọ qua mau
xưa nay xuân vẫn
một màu nguyên trinh.
dẫu non thay nước
cuộc tình đi xa;
Xưa nay xuân vẫn mặn mà
che mưa đỡ nắng
chan hòa muôn sinh.
Đất xuân
là cả trời tình
can chi xuôi ngược
cho mình vấn vương;
Cỏ hoa
hát điệu chân thường
một tâm xuân đủ
mười phương trời vàng.
Xuân Nhâm thìn – 2012.
Ngoài Mù Sương
Xuân xưa
xanh mướt trăng huyền
xuân nay sáng đẹp
trăm miềm thế gian;
Cỏ thơm
sâu bướm cười khan
cánh chim hồng hạc
vượt ngoài mù sương.
Xuân Quý tỵ - 2013
Hồn Xuân Vô Ngần
Ngựa xưa đua ý phù vân
đất trời một dải chia phân đôi bờ;
Ngựa nay đua giữa bất ngờ
cỏ hoa thơm ngát trẻ thơ reo cười;
Vòng tay nối lớn cho đời
một vầng nhật nguyệt,
một lời bình an;
Ai hay hạnh phúc cười khan
từ trong cát trắng
bạc vàng hiện ra;
Tặng đời hạt nắng phù sa
mênh mông nhịp sống
đường ta ta về;
Ngựa reo ngựa hý trời quê
chim reo chim hót
lời nghe vô ngần;
Hương mai
quyện với hương vân,
quyện lời kinh nguyện
như gần như xa;
Nắng phơi trong hạt mưa sa
hồn xuân phơi phới
trong tà huy bay…
Xuân Giáp ngọ - 2014
Cả Một Trời Xuân
Nắng ấm
chim reo một trời xuân
trong ta
xuân đến tự bao lần.
Xuân nào
cũng đẹp như thêu gấm,
lồng lộng
chiên đàn nhả ngọc trân.
Thiều quang
chạm đến chín tầng cao,
hết thảy
không gian tỏa ngọt ngào;
Ai biết
hồn xuân người lữ thứ,
nhớ vầng
trăng mẹ, nhớ buồng cau.
Đôi má
trẻ thơ lại ửng hồng
cho hoa
thêm lá nụ thêm bông;
Cho mùa
hoa đến, mùa xuân đến
một chén
trà thơm với mứt gừng.
Tiếng sáo
trời xuân vọng nơi nao?
nghe sao
sức sống dậy tuôn trào;
Ai người
bên nớ, người bên nớ,
chớ để
trăng xuân chạm mộng đào!
Thiên nhạc
ca lên giữa trời yêu
nghe sao
diệu vợi tận muôn chiều;
Hồn xuân
hôn nhẹ lên non biếc,
nhìn cỏ,
nhìn hoa ngập mến yêu!
Ta biết
trời xuân biết đã nhiều,
sao không
biết hết nỗi cô liêu;
Dệt vầng
trăng mộng,
vầng thơ mộng.
làm đẹp
cho đời bức gấm thêu.
Trời xuân
ai biết đẹp như ri
trải rộng
tấm lòng chẳng nói chi;
Hạ nắng,
đông tàn, thu mặc kệ.
mai vàng
chăm chút nở trời thi.
Trời đất
hôm nay mỉm môi cười.
đường không
tơ lụa vẫn xanh tươi;
Hỡi người
lữ thứ, người trong mộng
dậy chở
trăng về gặp ta chơi.
Lời xuân
ai hát vọng ven trời
sóng bạc
cúi đầu tận biển khơi;
Ngư phủ
buông câu, trăng lay bóng
trên đầu
từng hạt nắng xuân rơi.
Ngựa chạy
bao phen vẫn trung thành
bao vầng
nhật nguyệt chạy vây quanh;
Ta theo
hơi thở về biển tánh
cả một
trời xuân Phật để dành.
Xuân Giáp ngọ - 2014
Mây Xuân
Mây xuân
cũng đẹp tợ trời xuân
phiêu lãng
hồn ai giữa cõi trần;
Đỉnh núi
bao phen về ngự trị
dòng sông
mấy độ níu phù vân;
Trời đất
chuyển mình không thẹn mặt
biển hồ
lau lách có gì chân;
Dễ ai
trong cõi tang bồng ấy
Ôm được
chúa xuân thỏa một lần!
Xuân Ất mùi - 2015
Gió Xuân
Xuân đến có tấm lòng
xuân đi có nước trong
Tình xuân hồn phơi phới
thanh bạch mọi thời-không;
Mặc kệ trời mấy tuổi
mặc ai hỏi xuân tông
Như ngày xưa còn nhỏ
đùa giỡn giữa xuân phong.
Xuân Như
Xuân đến sạch mây mù
cỏ hoa dậy lời ru;
Ru hồn xuân muôn thuở
đời lãng tử vân du;
Vằng vặc trăng đầu núi
đếm từng hạt xuân thu
Nghe ngàn con sông chảy
mỗi vẻ mỗi xuân như.
Xuân Thường Tại
Xuân về đào nở hoa
chim dậy hót lời ca;
Đường cũ thơm hương cỏ
thiều quang đẹp sơn hà;
Hồn thiêng hôn đầu trúc
“Mây trắng hỏi đường qua”;
Đá gục đầu cười khẽ
xuân nào ở đâu xa!
Tình Xuân Của Phật
Xuân là hoa nở từ tim
từ trong hạt nắng
ấm tình càn khôn;
Kể từ khi có linh hồn
cũng từ khi ấy xuân hờn dỗi hoa;
Xuân từ đất chuyển nở ra
ấm tình ta giữa
thiên hà bụi bay;
Xuân muôn dáng vẻ phơi bày
tình xuân trú giữa
tháng ngày vô chung;
Trẻ thơ reo với nắng hồng
Cỏ hoa reo với
mênh mông trời vàng;
Mỗi hoa mỗi cõi thiên đàng
Tình yêu làm đẹp
không gian diệu huyền;
Trúc lay bóng nguyệt trước thềm
hỏi ai là Phật
có tên xuân mầu?
Mắt sâu hun hút nhìn nhau
Phật là xuân giữa bể dâu vô ngằn!
Xuân làm gì có quan san,
Tình xuân
là ánh trăng ngàn vô chung!
Xuân tình sau trước viên dung
Tình xuân của Phật
mênh mông trời vàng.
Xuân Ất mùi -2015
Thơ Xuân
Trời xuân
ai biết đẹp như ri,
gió thổi
hồn hoa rộn tuổi thì;
Nắng nhẹ
vờn lên hàng trúc biếc,
suối reo
chim hót cả trời thi.
Mỗi bước
chân đi, mỗi diệu kỳ
mỗi hơi
thở nhẹ, mỗi hồn thi
Xuân này,
xuân nữa, xuân xuân nữa
hỏi nguyệt
và trăng có khác chi!
Xuân Quang
Nhận được
hồn xuân nhận đã nhiều,
mấy ai
sống được với xuân yêu;
Để xuân
vẫn đẹp như xuân ấy
vời vợi
hương ngàn cõi tâm siêu!
hồn đất lên phiến lá
không gian
kết tụ một trời yêu;
Chim reo
đon đả tình non nước;
ai biết
xuân quang đẹp vạn chiều!
Xuân Ất mùi – 2015
Hoa Mai Ngủ
Xuân về non nước bình yên,
trắng thơm mấy cõi
tình em tuyệt trần;
Biết đời hư huyễn phù vân,
làm hoa mai ngủ
giữa trần gian say.
Mây bay không hẹn tháng ngày,
dòng tâm chảy mãi
ai hay xuân nào!
Xuân em đã có trăng sao,
xuân ta đã có nẻo vào chân như.
Dẫu đời như huyễn, như hư,
xuân tình đã có kể từ sơ khai;
Tình như hồng điểu bay hoài,
Nửa in suối mộng
nửa ngoài thiên không.
Mai hoa ngủ giữa mùa đông,
mùa xuân thức dậy
tung hương khắp trời;
Mỗi hoa là mỗi nụ cười,
mỗi hương là mỗi
cuộc đời như như.
Xuân Bính thân – 2016
Biết Mình Là Xuân
Xuân về xin hãy về đây,
lạnh đông khép lại
nắng say sưa cười;
Ước mơ nở tận ven trời,
Bàn tay chắp lại
nguyện đời bình an;
Mắt thương ai lại mơ màng,
hỏi trời mấy tuổi
xuân vang tiếng cười;
Dọc ngang giữa cõi luân hồi,
Có chi được mất
mà vời vợi trông;
Xuân xưa còn ở trong lòng,
xuân nay mây biếc
nắng hong ven đồi;
Gió xuân đùa với mây trời,
tình chim hồng hạc
hát lời tự do;
Bến xưa còn nhớ con đò,
nhớ con nước chảy
còn mơ sông dài;
Trăng nghiêng không đổ bóng đoài,
cho mai già vẫn
nở hoài trên cây.
Mặc đời trăm phía gió lay,
muối xưa còn mặn
gừng cay nhân tình;
Hồn thi đùa với mai xinh,
trăm năm ai dễ
biết mình là xuân!
Một Dòng Sông Xuân
Xuân đến nhà ta xuân đến chơi
mang theo sức sống cả đất trời;
Chim xanh đon đả đùa trên lá
tuổi trẻ nhìn nhau nhoẻn miệng cười.
Ta biết xuân rồi biết đã lâu
đóa hoa hội tụ mấy tinh cầu;
Ta nghe hương thoảng về muôn xứ
nào chẳng bận gì cõi bể dâu!
Ta gặp xuân rồi gặp đã lâu
ngày nay mới rõ mặt xuân mầu;
Can chi mà hỏi trời mấy tuổi
hỏi chuyện nên hư chỉ mệt đầu!
Non vẫn là non của nước này
can chi rộn bận với đông tây;
Sông xuân chảy mãi về vô tận
nhật nguyệt đùa chơi với gió mây!
Xuân đến nhà ta, ông đến chơi
can chi phóng bút vẽ mây trời;
soi gương nhân ảnh bàn kim cổ
mệt dạ mà thêm mệt chuyện đời!
Mứt đó, trà đây ông uống đi
đừng quen theo thói phí xuân thì;
Có ai tay nắm mà không thả
kim cổ đông tây có khác chi!
Kim cổ đông tây có lạ gì
thua hơn đều mệt chả ra chi;
Xuân về ta ngắm hoa rừng nở
mặc để đất trời hát sử thi!
Giao cảm đã nhiều xuân biết không
xuân đi không thẹn với xuân lòng;
Đất trời nào của riêng ai đó
cứ để sông trăng với gió vờn!
Mồng một tết Đinh dậu – 2017
Xuân Trong Ta
Ngày xuân Đinh dậu lại về
Ta nghe gió hát
giữa quê hương này;
Đất trời mở một đường mây
Non sông tương ngộ
tháng ngày cười khan;
Ngày đông mơ ước nắng vàng
đàn chim nho nhỏ
mở toang mắt nhìn;
Quan san bụi lấm đường vinh
Sông in bóng nguyệt
lời kinh ai cầu;
Đất trời một thoáng qua mau
Kể chi được mất
con tàu thế gian;
Nắng reo đùa với mưa ngàn
gà reo đùa với khỉ đàn hôm nao;
Xuân về đừng hỏi tại sao?
Cứ vui cho thỏa
những ngày lạnh đông;
Mặt gà ta, mặt gà ông
Hơn thua đã có trong lòng của nhau;
Can chi sông chảy qua cầu
hồn non vẫn ngự
trên đầu thế gian;
Dẫu đông mưa nát cỏ ngàn
hồn xuân non nước
cỡi hoàng hạc bay.
Bụi hồng theo gió lắt lay
bụi hoa theo gió
đùa bay phương nào;
Xuân là điểm hẹn trăng sao
nên trăm hoa nở
reo chào cuộc chơi.
Niềm vui xin để cho đời
can chi ong bướm
lắm lời thị phi;
Đất trời nuôi dưỡng hồn thi
Trà thơm một chén,
tường vi một vườn;
Dẫu cho đời có vô thường
dẫu cho cát bụi
giữa đường tung bay;
Cho đời dù có ngủ say
Ttrong ta xuân vẫn như ngày ấy thôi.
Xuân Đinh Dậu - 2017
Xuân Vượt Qua
Núi ôm mây trắng phù vân,
để cho đời hát
diệu xuân chân thường;
Mẹ như từng hạt mai sương,
Cha là hạt nắng
không vương tuổi đời;
Quê hương tình đẹp tuyệt vời,
ngày xuân con hát
những lời tự do!
Hát lời kẻ nhận người cho,
cây đa bến cũ con đò nơi đâu!
xuân muôn năm ngự
trên đầu thế gian;
Tình xuân mưa nắng hóa vàng,
để trần gian có
địa đàng rong chơi!
Trẻ thơ rộn rã tiếng cười,
tình xuân vô trú
cho đời nở hoa;
Cho đời hát bản trường ca,
Núi yên biển lặng vượt qua trăm miền!
Xuân Kỷ hợi – 2019
Xuân Rong Chơi
Xuân về xin hãy về đây
cho dân gian nở
đong đầy tự do;
Cho thông reo hát đôi bờ,
cho hương xuân cũ
không hờ hững bay;
Xưa xuân thơm ngát đài mây,
xuân nay đẹp lắm
ngất ngây cõi người;
Mười phương góp lại một lời,
nhất như xuân
có cả trời tự do.
Ô hay, đời đẹp bất ngờ,
xuân muôn năm trước
bây giờ hiện ra;
Hiện từ những hạt mưa sa,
Từ trong những hạt
nắng pha bụi hồng;
Xuân là dòng chảy thong dong,
mặc đầu xanh bạc,
đục trong thế tình;
Xưa nay xuân vốn là xinh,
mười phương ba cõi
cùng mình rong chơi.
Xuân Kỷ hợi-2019
Bài Ca Xuân
Xuân có trong ta tự thuở nào
Hương thơm bay quyện tận trời cao;
Muôn hoa đùa nở trong nắng sớm
Đất ướp mai đào ngát trăng sao!
Đất ướp mai đào ngát trăng sao
Xuân, thu sinh diệt bận chi nào!
Đất tâm vô tận ta tung hạt
Cảnh Phật đường vui vạn nẻo vào;
Cảnh Phật đường vui vạn nẻo vào
Dù đời dông bão chẳng hề sao!
Đường đi đã có xuân soi lối
Trúc biếc hoa xinh miệng mỉm chào!
Trúc biếc hoa xinh miệng mỉm chào
Chơi đùa sinh tử mặc sóng xao;
Nguyên xuân ta biết từ độ ấy,
Mỗi cảnh chân như mỗi cảnh vào!
Mỗi cảnh chân như mỗi cảnh vào
Xuân cười nắng hạt chạm trăng sao,
Mưa hoa rơi xuống thơm đất mẹ
Muôn vạn bài ca cất tiếng chào!
Muôn vạn bài ca cất tiếng chào
Chuông chùa ngân vọng tận nơi nao!
Gọi hồn lữ khách say niềm tục
Cảnh Phật trời xuân tỉnh dậy nào!
Xuân Kỷ hợi – 2019
Vi tính:
Quảng Huệ
Quảng Đức
Chính tả:
Tâm Quang
Nhuận Tâm Dung
Bìa:
Bảo An
Công ấn:
Nhuận Pháp Nguyên