Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 01: Chánh Kiến

21/07/201818:25(Xem: 6681)
Chương 01: Chánh Kiến

 

 Phat thuyet phap 4


LỜI PHẬT DẠY

VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG

CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI

HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PĀLI

 

The Buddha’s Teachings on Social

and Communal Harmony

An Anthology of Discourses from the Pāli Canon

 

by

BHIKKHU BODHI

Wisdom Publications 2016

Việt dịch:

Nguyên Nhật Trần Như Mai

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC




Chương I. CHÁNH KIẾN 
Giới thiệu. 43
I. CHÁNH KIẾN.. 50
1. CHÁNH KIẾN DẪN ĐẦU.. 50
2. HIỂU RÕ BẤT THIỆN PHÁP VÀ THIỆN PHÁP. 51
3. TÍNH ĐA DẠNG CỦA NGHIỆP. 52
4. CHÚNG SANH SỐNG CHẾT THEO NGHIỆP CỦA HỌ.. 53
5. KHI TỰ MÌNH BIẾT RÕ.. 54
6. GIÁO PHÁP CÓ THỂ ÁP DỤNG CHO BẢN THÂN.. 57

Chương I:

CHÁNH  KIẾN

 



GIỚI THIỆU

 

Đức Phật dạy rằng sự hiểu biết đúng đắn, hay chánh kiến, là người dẫn đầu trên con đường giải thoát.Ngài đã giao cho chánh kiến giữ vị trí đứng đầu trong Bát Thánh Đạo, là con đường chấm dứt khổ đau, và dạy rằng tất cả các chi phần khác phải được chánh kiến hướng dẫn để đi đến mục tiêu giáo pháp của Ngài, là chấm dứt khổ đau. Tuy nhiên, đối với Đức Phật, chánh kiến đóng một vai trò quan trọng không những trên con đường giải thoát, mà còn trong việc đạt được an vui hạnh phúc trong vòng luân hồi. Chánh kiến làm điều này bằng cách nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có cách hành xử đạo đức.Kiểu chánh kiến thể nhập vào đời sống đạo đức đôi lúc được gọi là “Chánh kiến thuộc thế gian” (lokiya-sammāditthi), hay là chánh kiến về trách nhiệm cá nhân đối với hành động của mình (kammassakatā sammāditthi).Loại chánh kiến này dựa trên tiền đề là có một nền tảng khách quan, vượt thoát thế gian đối với đạo đức, không lệ thuộc vào phán đoán và ý kiến của con người.Qua sự giác ngộ của Ngài, Đức Phật đã khám phá qui luật đạo đức này và từ đó rút ra những mệnh lệnh đạo đức cho giáo lý của Ngài.

Trên nền tảng của sự khám phá này, Đức Phật dạy rằng giá trị của những phân biệt đạo đức được hình thành ngay trong cấu trúc của vũ trụ. Những phán đoán đạo đức có thể được phân biệt như là đúng hoặc sai, các hành động như là tốt hoặc xấu, đều tuân theo một qui luật đạo đức vốn cũng có hiệu quả như các định luật vật lý hay hóa học, và cũng phổ quát trong cách vận hành của chúng. Vì thế, là những tác nhân đạo đức, chúng ta không thể biện minh cho hành động của chúng ta chỉ bằng cách viện dẫn sự ưa thích cá nhân, và chúng ta cũng không thể mong đợi có được an vui bằng cách chạy theo những ưa thích của chúng ta. Đúng hơn, để đạt được an vui chân chính, chúng ta phải hành động theo đúng với qui luật đạo đức, đó chính là Giáo pháp, là nguyên tắc nền tảng của chân lý và điều thiện vẫn tồn tại, dù chư Phật có khám phá ra và tiết lộ chúng hay không.

Chánh kiến xác nhận rằng các hành động mang ý nghĩa đạo đức của chúng ta có những hậu quả có thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc hoặc đau khổ.Hành động của chúng ta tạo ra nghiệp (karma), một động lực có tiềm năng tạo ra những kết quả tương ứng với phẩm chất đạo đức của hành động ấy.Nghiệp đem lại “quả”, là những hậu quả phản ảnh các hành động phát sinh ra chúng. Nguyên tắc cơ bản nằm bên dưới hoạt động của nghiệp là hành động thiện đem lại kết quả tốt đẹp đáng mong cầu, dẫn đến may mắn và hạnh phúc, trong lúc hành động bất thiện đưa đến kết quả không đáng mong cầu, dẫn đến bất hạnh và đau khổ. Như vậy, kết quả của những hành động có ý thức không giới hạn trong các hiệu ứng rõ ràng ngay tức khắc, những gì phát sinh từ các chuỗi nhân duyên hoàn toàn tự nhiên. Có một nguyên lý vô hình về nhân duyên đạo đức vận hành bên dưới bề mặt của sự vật, mà theo đó qua thời gian, dù dài hay ngắn, hành động của chúng ta cuối cùng sẽ trở lại với chúng ta và quyết định số phận của chúng ta trong đời này và đời sau.

Đức Phật so sánh đối chiếu chánh kiến về tính hiệu năng của nghiệp với ba loại tà kiến được tuyên thuyết bởi các nhà tư tưởng chuyên đả phá tín ngưỡng nhân gian vào thời đại của Ngài (1).Một kiểu tà kiến, được gọi là thuyết đoạn diệt (/đoạn kiến) (natthikavāda), phủ nhận sự tồn tại của con người sau khi chết và nói rằng không có kết quả đối với các hành động thiện hay ác của chúng ta. Vào lúc chết, cả người ngu lẫn người trí đều hoàn toàn đoạn diệt, chỉ để lại cái xác chết mà thôi. Một loại tà kiến thứ hai, được gọi là thuyết ‘vô hiệu ứng của hành động’ (akiriyavāda), không chấp nhận có một nền tảng giá trị đối với việc phân biệt đạo đức.Những kẻ dấn thân vào các hành động kinh hoàng như là giết người hay tra tấn kẻ khác không thể nói là đã làm những hành động sai trái; và những người bố thí rộng rãi và bảo vệ những kẻ bất hạnh không thể nói là đã hành động đúng đắn. Sự phân biệt giữa hành động thiện và ác là do con người chế tạo ra, thuần túy chủ quan, và vì thế những phán đoán đạo đức chỉ là phóng ảnh của các ý kiến cá nhân. Loại tà kiến thứ ba, được gọi là thuyết ‘vô duyên khởi’ (ahetukavāda), tuyên bố rằng không có nguyên nhân hay lý do gì đối với phiền não cấu uế của chúng sinh và cũng không có nguyên nhân đối với sự thanh tịnh của chúng sinh. Chúng sinh phiền não hay thanh tịnh không vì một lý do nào cả. Chúng sinh không có tác nhân đạo đức, không có khả năng quyết định số phận của chính họ, nhưng là bị bắt buộc phải hành động như thế vì định mệnh của họ, vì hoàn cảnh, và vì tự nhiên.

Đức Phật đã thuyết giảng quan điểm của Ngài về Chánh kiến như một đáp ứng đối với ba kiểu tà kiến nêu trên. Ngài dạy rằng bản sắc cá nhân vẫn tồn tại sau khi chết, và sắc tướng chúng ta có được trong mỗi lần hiện hữu là do nghiệp của chúng ta quyết định. Chúng sinh đã trải qua hàng loạt tái sanh từ vô thủy, trong quá trình ấy chúng sinh gặt hái kết quả của những hành động thiện hay ác mà họ đã tạo. Sự kiện các hành động của chúng ta quay trở lại với chúng ta cung cấp một động cơ mạnh mẽ để chúng ta tránh làm các điều ác và theo đuổi các điều thiện. Trái ngược với thuyết ‘vô hiệu ứng của hành động’, Đức Phật dạy rằng những phán xét đạo đức không mang tính độc đoán. Chúng có một nền tảng khách quan, vì thế một số hành động – như sát sanh và trộm cắp có thể được mô tả đúng đắn như là bất thiện, trong lúc những cách hành xử khác – như là bố thí và giữ gìn đạo đức có thể mô tả đúng đắn như là hành động thiện lành. Và Đức Phật dạy rằng quả thật có nguyên nhân đối với các phiền não cấu uế và thanh tịnh của chúng sinh. Con người không phải bị số phận lôi cuốn một cách vô vọng nhưng là có khả năng tự quyết định. Qua các hành động phóng dật chúng ta tự làm mình ô nhiễm, và qua nỗ lực tinh cần chúng ta có thể làm mình thanh tịnh. Việc quyết định số phận của chúng ta nằm ngay trong bản thân chúng ta và do chính ý chí chúng ta điều khiển.

Sự hòa hợp trong bất cứ cộng đồng nào, dù là một nhóm nhỏ hay là toàn thể xã hội, tùy thuộc vào việc cùng chia sẻ sự cam kết về cách hành xử đạo đức. Trong lúc có thể có hòa hợp giữa bọn trộm cắp, sự hòa hợp ấy chỉ có thể kéo dài bao lâu mà bọn trộm cắp ấy thành thật với nhau, và vì lý do này, sự đoàn kết của những nhóm người này thường cho thấy là ngắn hạn. Như các triết gia từ lâu đã công nhận, cộng đồng đích thực tùy thuộc vào việc cùng nhau chia sẻ những cam kết đạo đức. Vì Đức Phật dạy rằng cách hành xử đạo đức dựa trên nền tảng chánh kiến, do đó điều rất quan trọng là cần có một ít chánh kiến để nuôi dưỡng một cộng đồng hòa hợp. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi những phương pháp khoa học phản biện đã làm khởi sinh hoài nghi về sự tồn tại của ý thức sau khi chết, sẽ là quá tự tin khi nhấn mạnh rằng sự chấp nhận hoàn toàn về chánh kiến như Đức Phật đã dạy là cần thiết như một nền tảng của sự hòa hợp xã hội. Tuy nhiên, hình như sự hòa hợp xã hội đòi hỏi tối thiểu là các thành viên của bất cứ nhóm nào cùng chia sẻ niềm tin rằng có những tiêu chuẩn khách quan để phân biệt giữa cách hành xử thiện và bất thiện, và rằng có những lợi lạc, cho toàn nhóm và cho mỗi thành viên, khi họ tránh những kiểu hành xử thường được xem là bất thiện và sống theo những tiêu chuẩn thường được xem là tốt đẹp. Nhiều kinh văn chứng minh rằng chính Đức Phật hình như cũng đã công nhận rằng đạo đức có thể được thiết lập trên nền tảng tự suy xét và lý luận đạo đức mà không cần có một đức tin vào sự tồn tại của con người sau khi chết.

Trong Phần I, tôi đã tập hợp một số kinh mô tả bản chất của chánh kiến. Những kinh văn tôi đã chọn nhấn mạnh quan điểm về trách nhiệm cá nhân của mỗi người đối với hành động của chính mình hơn là chánh kiến đưa đến giải thoát.Kinh văn I, 1 trình bày một cặp phân biệt xuyên suốt lời Phật dạy. Đoạn kinh bắt đầu bằng cách nhấn mạnh vai trò của chánh kiến như là người dẫn đầu con đường tu tập, mà nhiệm vụ đầu tiên là phân biệt giữa tà kiến và chánh kiến. Như vậy, chánh kiến không những chỉ là hiểu rõ bản chất đích thực của vạn pháp, mà còn là phân biệt các ý kiến đúng và sai về bản chất của vạn pháp.Trong đoạn kinh này, Đức Phật mô tả tà kiến bằng công thức tiêu chuẩn của chủ thuyết đoạn diệt. Khi định nghĩa chánh kiến, Ngài trình bày sự phân biệt thứ hai, là giữa chánh kiến “vẫn còn bị phiền não cấu uế”, đó là quan điểm về con người là chủ nhân hành động của mình, và “chánh kiến vượt thoát thế gian” thuộc về Bát Thánh Đạo. Chánh kiến còn phải bị phiền não cấu uế, cũng được gọi là chánh kiến thuộc thế gian, phân biệt giữa thiện và bất thiện. Chánh kiến này phơi bày gốc rễ bên dưới các hành xử thiện hay bất thiện và xác nhận những nguyên lý đằng sau sự vận hành của nghiệp, qui luật duyên khởi về đạo đức, bảo đảm rằng các hành động thiện và bất thiện cuối cùng sẽ trổ quả thích hợp. Mặc dù loại chánh kiến này tự nó không đưa đến giải thoát, nó rất cần thiết cho sự tiến bộ trong vòng luân hồi và phục vụ như là nền tảng cho chánh kiến vượt thoát thế gian, sẽ xóa bỏ vô minh và những phiền não cấu uế liên hệ.

Chánh kiến thuộc thế gian là sự hiểu rõ hiệu ứng của nghiệp. Xuyên qua chánh kiến thuộc thế gian, con người hiểu được rằng ác nghiệp, là những hành động xuất phát từ những động lực không trong sáng, cuối cùng sẽ giáng trả trở lại vào chính họ và đem lại khổ đau, tái sinh vào cõi dữ và suy thoái tâm linh. Ngược lại, con người hiểu rằng các thiện nghiệp, là những hành động xuất phát từ những động cơ thiện lành, sẽ đưa đến hạnh phúc, tái sinh may mắn và thăng tiến tâm linh. Trong Kinh Văn I, 2 tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) liệt kê con đường phát triển của ác nghiệp và những gốc rễ nằm bên dưới chúng, cũng như con đường phát triển của thiện nghiệp và những cội nguồn của chúng. Ác nghiệp được giải thích chi tiết bằng “mười cách phát triển của ác nghiệp”.Gốc rễ của ác nghiệp, các động lực từ đó chúng xuất phát là tham, sân và si.Ngược lại, thiện nghiệp được giải thích chi tiết bằng “mười cách phát triển của thiện nghiệp”, bao gồm chánh kiến về nghiệp quả.Các gốc rễ thiện lành được biết là vô tham, vô sân và vô si, mà chúng ta có thể diễn đạt một cách tích cực hơn như là bố thí, từ bi và trí tuệ.

Kinh Văn I, 3 cho ta một sự phân tích chi tiết hơn về nghiệp. Trong đoạn kinh này, Đức Phật tuyên bố rằng yếu tố chính trong việc tạo nghiệp là ý chí hay ý định (cetana), vì chính ý chí đã truyền cho hành động một phẩm chất đạo đức. Ngài cũng giải thích sự đa dạng của nghiệp qua khả năng của nghiệp có thể dẫn đến tái sanh trong nhiều cảnh giới khác nhau; đó là năm cảnh giới theo vũ trụ học của Phật giáo Nguyên thủy. Ác nghiệp đưa đến tái sanh trong ba cảnh giới thấp kém - đó là địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Thiện nghiệp đưa đến tái sanh trong hai cảnh giới cao hơn – đó là cảnh giới loài người và cảnh giới của chư Thiên hay là Thiên giới. Nghiệp còn được phân biệt xa hơn tùy theo thời gian nó trổ quả: Một số hành động trổ quả ngay trong chính đời sống này; những hành động khác có thể đưa đến quả trong đời kế tiếp; và một số hành động khác nữa rất có thể có khả năng chín muồi trong bất cứ đời nào tiếp theo đời sau.

Kinh Văn I, 4 làm rõ hơn nữa cách vận hành của nghiệp. Trong đó, Đức Phật giải thích cho một người Bà-la-môn về tam minh Ngài đã đạt được vào đêm Ngài chứng đắc giác ngộ. Minh thứ hai gọi là Thiên nhãn minh, với minh này Ngài có thể trực tiếp thấy được bằng cách nào chúng sinh di chuyển từ lúc chết cho đến lúc tái sanh tùy theo nghiệp của họ. Những kẻ đã dấn thân vào ác nghiệp sẽ đi đến các cảnh giới khốn khổ; những người đã dấn thân vào thiện nghiệp sẽ đi đến các cảnh giới an vui. Nguyên tắc tổng quát hiển lộ từ đoạn kinh này là sự tương quan mật thiết giữa hành động của chúng ta và hậu quả của chúng.Qua những khoảng cách của các đời sống, nghiệp mang lại kết quả phản ảnh hành động xuất phát từ điểm gốc.Như vậy, những người thường sát sanh sẽ tạo ra nghiệp đưa đến yểu mạng, những người chuyên bảo vệ mạng sống sẽ tạo nghiệp đưa đến trường thọ, nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho những kiểu hành động khác.

Trong lúc Đức Phật cổ xúy đạo đức dựa trên nền tảng của quan điểm về tính hiệu ứng của hành động – với nguyên tắc là hành động thiện sẽ đưa đến kết quả đáng mong cầu, hành động ác sẽ dẫn đến kết quả bất hạnh, Ngài cũng đưa ra những cơ sở độc lập cho đời sống đạo đức. Như vậy, trong lúc công nhận qui luật nghiệp quả phục vụ như một động cơ cho cách hành xử đạo đức, chấp nhận duyên khởi của nghiệp không nhất thiết là một cách giải thích cho đạo đức. Nhu cầu hành xử đạo đức có thể được thiết lập trên những cơ sở khác mà không cần đặt ra tiền đề là phải có đức tin về sự tồn tại của con người sau khi chết. Những cơ sở đó có thể đạt được qua sự suy tư của mỗi người.

Trong Kinh Kālāma, được đưa một phần vào đây trong Kinh Văn I, 5, Đức Phật yêu cầu người dân Kālāma của xứ Kesaputta - những người vẫn còn hoang mang không biết có đời sau hay không, hãy đình hoãn phán đoán về các vấn đề đó và hãy nhận xét trực tiếp từ bản thân, bằng cách tự suy nghĩ, rằng hành động dựa trên tham, sân, si sẽ đưa đến tổn hại cho chính mình và người khác; trong lúc ngược lại, giải thoát cho tâm mình khỏi tham, sân, si và hành động theo cách có lợi ích sẽ đem lại an vui hạnh phúc cho chính mình và người khác. Trong một kinh khác, cũng có một phần đưa vào đây trong Kinh Văn I, 6, Đức Phật đặt nền tảng cho các kiểu hành động thiện, như là không sát sanh, không trộm cắp, vào một chuỗi suy tư về đạo đức qua đó con người tự đặt mình vào vị trí kẻ khác và quyết định sẽ hành động như thế nào sau khi suy xét chính mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu người khác đối xử với mình như thế. Mặc dù ở đây, Đức Phật đang đáp lại câu hỏi về phương cách nào để được tái sanh vào cõi Thiên, Ngài không đặt nền tảng rõ ràng cho các mệnh lệnh đạo đức trên định luật nghiệp quả hoặc sự tồn tại của con người sau khi chết, nhưng là trên nguyên tắc có qua có lại (/hỗ tương). Nguyên tắc này, được giải thích ở đây, được diễn tả rất cô đọng bằng một câu kệ trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada): “Mọi chúng sinh đều run sợ trước bạo lực, tất cả đều sợ chết. Đặt mình vào vị trí của kẻ khác, con người không nên sát sanh hay thúc đẩy người khác sát sanh.” (kệ số 129)


 

 

 

I. CHÁNH KIẾN

 

1. CHÁNH KIẾN DẪN ĐẦU

“Này các Tỷ-kheo, chánh kiến dẫn đầu.Và thế nào là chánh kiến dẫn đầu? Hành giả hiểu rõ tà kiến như là tà kiến và chánh kiến như là chánh kiến: Đây là chánh kiến của vị ấy.

“Và thế nào là tà kiến? Không có bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường; không có quả báo hay kết quả của hành động thiện ác; không có đời này, không có đời sau; không có mẹ, không có cha; không có các loài hóa sanh; trong đời không có các vị Sa-môn, Bà-la-môn có chánh hạnh và tu tập chơn chánh, những người sau khi tự mình chứng ngộ thế giới này và thế giới khác với thắng trí, đã tuyên bố điều này cho người khác biết”. Như vậy là tà kiến.

“Và thế nào là chánh kiến? Ta nói rằng chánh kiến có hai loại: Có chánh kiến vẫn còn bị ảnh hưởng của phiền não cấu uế (hữu lậu), dự phần vào phước báu, chín muồi trong nhiều sở hữu (sanh y); và có chánh kiến cao thượng, không còn bị phiền não cấu uế (vô lậu), vượt thoát thế gian, là một chi phần của Thánh đạo.(2)

“Và thế nào là chánh kiến vẫn còn bị ảnh hưởng của phiền não cấu uế, dự phần vào phước báu, chín muồi trong nhiều sở hữu? Có bố thí, có tế lễ, có cúng dường, có quả báo và kết quả của hành động thiện ác; có đời này, có đời sau; có mẹ, có cha; có các loài hóa sanh; trong đời có các vị Sa-môn, Bà-la-môn có chánh hạnh và tu tập chơn chánh, những người sau khi tự mình chứng ngộ thế giới này và thế giới khác với thắng trí, đã tuyên bố điều này cho người khác biết”. Như vậy là chánh kiến vẫn còn bị ảnh hưởng của phiền não cấu uế, dự phần vào phước báu, chín muồi trong nhiều sở hữu.

“Và thế nào là chánh kiến cao thượng, không còn bị phiền não cấu uế, vượt thoát thế gian, là một chi phần của Thánh đạo? Trí tuệ, tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chi phần chánh kiến của một hành giả có tâm cao thượng, tâm không bị phiền não cấu uế (vô lậu tâm), vị tu tập Thánh đạo và đang phát triển Thánh đạo: Như vậy là chánh kiến cao thượng, không còn bị phiền não cấu uế, siêu xuất thế gian, là một chi phần của Thánh đạo.

“Hành giả nỗ lực từ bỏ tà kiến và thành tựu chánh kiến: Như vậy là chánh tinh tấn của vị ấy. Với chánh niệm, hành giả từ bỏ tà kiến, với chánh niệm hành giả thành tựu chánh kiến và an trú trong chánh kiến: Như vậy là chánh niệm của vị ấy. Như vậy, ba pháp này chạy vòng quanh chánh kiến, đó là chánh kiến, chánh tinh tấn và chánh niệm.”

                                       (Trung Bộ Kinh, số 117; tr.238-239)

 

2. HIỂU RÕ BẤT THIỆN PHÁP VÀ THIỆN PHÁP

   [Tôn giả Sariputta (Xá-Lợi-Phất) nói]:

   - “Chư hiền, khi một vị Thánh đệ tử hiểu rõ các bất thiện pháp và gốc rễ của bất thiện pháp, các thiện pháp và gốc rễ của thiện pháp, khi ấy vị Thánh đệ tử là người có chánh kiến, có tri kiến chánh trực, người đã có lòng tin vững chắc vào Chánh pháp và đã thành tựu Giáo pháp chơn chánh này.

   - “Chư hiền, và thế nào là bất thiện pháp, thế nào là gốc rễ của bất thiện pháp, thế nào là thiện pháp và thế nào là gốc rễ của thiện pháp? Sát sanh là bất thiện; lấy của không cho là bất thiện; tà hạnh trong các dục là bất thiện; nói láo là bất thiện; nói hai lưỡi là bất thiện; nói lời độc ác là bất thiện; nói lời phù phiếm là bất thiện; tham dục là bất thiện; sân hận là bất thiện; tà kiến là bất thiện. Như vậy, gọi là các bất thiện pháp.Và thế nào gốc rễ của bất thiện pháp?Tham là gốc rễ của bất thiện; sân là gốc rễ của bất thiện; si là gốc rễ của bất thiện.Như vậy, gọi là gốc rễ của bất thiện pháp.

   “Và thế nào là thiện? Từ bỏ sát sanh là thiện; từ bỏ lấy của không cho là thiện; từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện; từ bỏ nói láo là thiện; từ bỏ nói hai lưỡi là thiện; từ bỏ nói lời độc ác là thiện; từ bỏ nói lời phù phiếm là thiện; không tham dục là thiện; không sân hận là thiện; chánh kiến là thiện. Như vậy, gọi là các thiện pháp.Và thế nào gốc rễ của thiện pháp?Không tham là gốc rễ của thiện; không sân là gốc rễ của thiện; không si là gốc rễ của thiện.Như vậy, gọi là gốc rễ của thiện pháp.

                     (Trung Bộ Kinh, số 9, tr. 112-113)

 

3. TÍNH ĐA DẠNG CỦA NGHIỆP

[Đức Phật nói với các Tỷ-kheo] Khi ta nói: ‘Cần phải hiểu về nghiệp, cần phải hiểu nguồn gốc của nghiệp, cần phải hiểu tính đa dạng của nghiệp, cần phải hiểu quả báo của nghiệp, cần phải hiểu sự chấm dứt nghiệp, và cần phải hiểu con đường đưa đến chấm dứt nghiệp’, vì lý do gì ta nói như vậy?

“Này các Tỷ-kheo, chính là ý chí mà ta gọi là nghiệp. Vì có ý chí, nên con người hành động qua thân, khẩu hoặc ý.

“Và thế nào là nguồn gốc của nghiệp?Xúc chính là nguồn gốc của nghiệp.

“Và thế nào là tính đa dạng của nghiệp? Có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở địa ngục; có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới súc sinh; có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới ngạ quỷ; có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới loài người; và có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới chư Thiên. Như vậy, gọi là tính đa dạng của nghiệp.

“Và thế nào là quả báo của nghiệp? Ta nói rằng quả báo của nghiệp có thể được trải nghiệm qua ba cách (quả dị thục): Ngay trong đời này, trong đời sau, hoặc trong một cơ hội nào đó tiếp theo đời sau. Như vậy, gọi là quả báo của nghiệp.

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự chấm dứt nghiệp?Với sự chấm dứt của xúc sẽ đưa đến sự chấm dứt của nghiệp.

“Bát Thánh Đạo là con đường đưa đến chấm dứt nghiệp, nghĩa là, chánh kiến… chánh định.

“Này các Tỷ-kheo, khi một vị thánh đệ tử hiểu rõ nghiệp như vậy, nguồn gốc của nghiệp, tính đa dạng của nghiệp, quả báo của nghiệp, sự chấm dứt nghiệp, và con đường đưa đến chấm dứt nghiệp, vị ấy hiểu rằng đời sống phạm hạnh thể nhập thâm sâu này chính là con đường chấm dứt nghiệp.”

   (Tăng Chi BK 3, Ch.IV: 63, tr. 218-219)

 

4. CHÚNG SANH SỐNG CHẾT THEO NGHIỆP             CỦA HỌ

[Đức Phật nói với một người Bà-la-môn]: “Này Bà-la-môn, khi tâm ta định tĩnh, thanh tịnh, trong sạch, không uế nhiễm, không phiền não, nhu hòa, dễ uốn nắn, vững chãi, và đạt đến mức an nhiên không còn dao động, ta hướng tâm đến tri kiến về sự sống chết của chúng sanh.

Với thiên nhãn thuần tịnh và siêu phàm, ta thấy rõ chúng sanh chết và tái sinh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người xinh đẹp, kẻ xấu xí; người may mắn, kẻ bất hạnh; và ta hiểu chúng sanh sống chết theo nghiệp của họ, như thế này: ‘Những chúng sanh đã tạo nhiều hành động ác về thân, khẩu và ý, đã phỉ báng các bậc thánh, nắm giữ tà kiến, và tạo ác nghiệp theo tà kiến, với thân xác tan rã sau khi chết, họ sẽ phải tái sinh vào cõi khốn khổ, xấu ác, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh đã tạo nhiều hành động thiện về thân, khẩu và ý, không phỉ báng các bậc thánh, có chánh kiến và tạo các nghiệp theo chánh kiến, với thân xác tan rã sau khi chết, những người này sẽ tái sinh vào cõi an lành, vào Thiên giới.’

Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh và siêu phàm, ta thấy rõ chúng sanh chết và tái sinh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người xinh đẹp, kẻ xấu xí; người may mắn, kẻ bất hạnh; và ta hiểu tất cả điều ấy là do nghiệp của họ. Đây là minh thứ hai ta chứng được vào canh giữa của đêm ấy. Vô minh đã bị diệt trừ và minh sanh khởi, bóng tối đã bị diệt trừ và ánh sáng sanh khởi, như đã xảy ra đối với người sống tinh cần, nhiệt tâm và cương quyết. Này Bà-la-môn, đây là sự bùng vỡ tâm thức thứ hai, như con gà con phá vỡ vỏ trứng để bước ra ánh sáng.

                        (Tăng Chi BK 3, Ch 8: 13, tr 526-527)

 

5. KHI TỰ MÌNH BIẾT RÕ

Những người Kalamas ở Kesaputta đi đến Thế Tôn và bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, có một số Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Kesaputta, họ giải thích và làm sáng tỏ giáo lý của họ, nhưng lại chê bai, bài xích, khinh miệt, xuyên tạc giáo lý của người khác. Nhưng rồi lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn khác đi đến Kesaputta, họ cũng giải thích và làm sáng tỏ giáo lý của họ, và chê bai, bài xích, khinh miệt, xuyên tạc giáo lý của người khác. Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, chúng con có những hoang mang nghi ngờ là không biết những vị Sa-môn đó, ai là người nói sự thật và ai là người dối trá?”

- Này các người Kālāmas, các người hoang mang là đúng, các người nghi ngờ là đúng. Nghi ngờ khởi lên khi các ngươi thấy hoang mang về một vấn đề nào đó.Này, các người Kālāmas. Đừng tin những gì do truyền khẩu, do giáo lý truyền lại, vì nghe lời đồn đãi, từ các bộ sưu tập kinh điển, vì hợp luận lý, từ kết luận do suy diễn, vì suy tưởng siêu hình, vì chấp nhận quan điểm sau khi suy xét, vì diễn giả có vẻ là người có khả năng, hay vì các ngươi suy nghĩ: ‘Sa môn này là thầy của chúng ta’. Nhưng khi các ngươi tự mình biết rằng: ‘Các pháp này là bất thiện, các pháp này đáng chê trách, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu chấp nhận và thực hành, sẽ đưa đến tổn hại và khổ đau’, lúc ấy, các người phải từ bỏ chúng.

- Này các người Kālāmas, các ông nghĩ thế nào? Khi tham, sân, si khởi lên trong tâm một người, điều đó ấy đem lại an vui hay tổn hại cho người ấy?

- Tổn hại cho người ấy, bạch Thế Tôn.

- Này các người Kālāmas, một người có tâm tham lam, sân hận và si mê, bị tham sân si chế ngự, tâm bị chúng điều khiển, người ấy sẽ sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói láo; người ấy cũng sẽ nhắc nhở người khác làm như vậy. Điều này có đưa đến tổn hại và đau khổ lâu dài cho ông ta không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Này các người Kālāmas, các ông nghĩ thế nào? Những điều ấy là thiện hay bất thiện?

- Bất thiện, bạch Thế Tôn.

- Đáng chê trách hay không đáng chê trách?         

- Đáng chê trách, bạch Thế Tôn.      

- Bị người trí chỉ trích hay ca ngợi?

- Bị chỉ trích, bạch Thế Tôn.

- Nếu chấp nhận và thực hành, chúng có đưa đến tổn hại và đau khổ hay không, hoặc trong trường hợp này, sẽ như thế nào?

- Nếu chấp nhận và thực hành, những điều ấy sẽ đem lại tổn hại và đau khổ. Chúng con thấy như vậy trong trường hợp này.

- Này các người Kālāmas, chính vì lý do này, mà ta đã nói với các ông: Đừng tin những gì do truyền khẩu… Nhưng khi các ngươi tự mình biết rằng: ‘Các pháp này là bất thiện, các pháp này đáng chê trách, các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này, nếu chấp nhận và thực hành, sẽ đưa đến tổn hại và khổ đau’, lúc ấy, các người phải từ bỏ chúng.

- Này các người Kālāmas, chính vì lý do này, mà ta đã nói với các ông: Đừng tin những gì do truyền khẩu… hoặc vì các ông nghĩ rằng: ‘Sa-môn này là thầy của chúng ta’. Nhưng khi các ngươi tự mình biết rằng: ‘Các pháp này là thiện, các pháp này không có chỗ nào đáng chê trách, các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này, nếu chấp nhận và thực hành, sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc’, lúc ấy, các người hãy chấp nhận và thực hành.

- Này các người Kālāmas, các ông nghĩ thế nào? Khi một người không khởi tâm tham, không sân, không si thì những điều này đem lại an vui hay tổn hại cho người ấy?

- Đem lại an vui, bạch Thế Tôn.       

- Này các người Kālāmas, một người không có tâm tham, không sân và không si, không bị tham sân si chế ngự, tâm không bị chúng điều khiển, người ấy giữ giới không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói láo; người ấy cũng sẽ nhắc nhở người khác làm như vậy. Điều này có đưa đến an vui và hạnh phúc lâu dài cho ông ta không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Này các người Kālāmas, các ông nghĩ thế nào? Những điều ấy là thiện hay bất thiện?

- Thiện, bạch Thế Tôn.

- Đáng chê trách hay không đáng chê trách?         

- Không có gì đáng chê trách, bạch Thế Tôn.        

- Bị người trí chỉ trích hay ca ngợi?

- Được ca ngợi, bạch Thế Tôn.

- Nếu chấp nhận và thực hành, chúng có đưa đến an vui và hạnh phúc hay không, hoặc trong trường hơp này, sẽ như thế nào?

- Nếu chấp nhận và thực hành, những điều ấy sẽ đem lại an vui và hạnh phúc. Chúng con thấy như vậy trong trường hợp này.

- Này các người Kālāmas, vì vậy mà ta đã nói với các ông: ‘đừng tin những gì do truyền khẩu… Nhưng khi các ông tự mình biết rằng: ‘Các pháp này là thiện, các pháp này không có chỗ nào đáng chê trách, các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này, nếu chấp nhận và thực hành, sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc’, lúc ấy, các ông hãy chấp nhận và thực hành’, chính vì lý do này, mà ta đã nói với các ông như vậy.”

                (Tăng Chi BK 1, Ch 3:65, tr 337-344)

 

6. GIÁO PHÁP CÓ THỂ ÁP DỤNG CHO BẢN THÂN

Các gia chủ ở Bamboo Gate (Trúc Môn) đến bạch Thế Tôn: ‘Xin Thế Tôn giảng cho chúng con Giáo pháp nào để chúng con có thể sống hạnh phúc tại gia và sau khi chết sẽ được tái sanh vào cõi thiện lành, vào Thiên giới.”

- Vậy, này các gia chủ, ta sẽ giảng cho các ông Giáo pháp có thể áp dụng cho bản thân. Hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ giảng.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các gia chủ ở Trúc Môn vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

- Này các gia chủ, thế nào là Giáo pháp có thể áp dụng cho bản thân? Ở đây, này các gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Ta là người muốn sống, không muốn chết; ta mong ước được hạnh phúc và ghê sợ đau khổ. Vì ta là người muốn sống… và ghê sợ đau khổ, nếu có người nào đoạt mạng sống của ta, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với ta.Giờ đây, nếu ta muốn đoạt mạng sống kẻ khác – của người muốn sống, không muốn chết, người mong muốn được hạnh phúc và ghê sợ đau khổ – điều ấy sẽ không ưa thích, không vừa ý đối với người ấy.Những gì không ưa thích, không vừa ý đối với ta thì cũng không ưa thích, không vừa ý đối với kẻ khác.Làm sao ta có thể gây tổn hại cho kẻ khác bằng những điều mà chính bản thân ta cũng không ưa thích, không vừa ý?’ Sau khi suy nghĩ như thế, vị thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, thuyết phục người khác từ bỏ sát sanh, và ca ngợi việc từ bỏ sát sanh. Như vậy, hành động về thân của vị ấy đươc thanh tịnh cả ba phương diện (thân, khẩu,và ý).

“Lại nữa, này các gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Nếu có người nào lấy của ta những gì ta không cho họ, nghĩa là họ ăn trộm, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với ta. Giờ đây, nếu ta lấy của người khác những gì họ không cho ta, nghĩa là ta ăn trộm, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với họ. Những gì không ưa thích, không vừa ý đối với ta thì cũng không ưa thích, không vừa ý đối với kẻ khác.Làm sao ta có thể gây tổn hại cho kẻ khác bằng những điều mà chính bản thân ta cũng không ưa thích, không vừa ý?’Sau khi suy nghĩ như thế, vị thánh đệ tử từ bỏ lấy của không cho, thuyết phục người khác từ bỏ lấy của không cho, và ca ngợi việc từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, hành động về thân của vị ấy được thanh tịnh cả ba phương diện (thân, khẩu và ý).

“Lại nữa, này các gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Nếu người nào phạm tà dâm với vợ của ta, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với ta. Giờ đây, nếu ta phạm tà dâm đối với vợ của người khác, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với họ.Những gì không ưa thích, không vừa ý đối với ta thì cũng không ưa thích, không vừa ý đối với kẻ khác.Làm sao ta có thể gây tổn hại cho kẻ khác bằng những điều mà chính bản thân ta cũng không ưa thích, không vừa ý?’Sau khi suy nghĩ như thế, vị thánh đệ tử từ bỏ tà dâm, thuyết phục người khác từ bỏ tà dâm, và ca ngợi việc từ bỏ tà dâm. Như vậy, hành động về thân của vị ấy được thanh tịnh cả ba phương diện (thân, khẩu,và ý).

“Lại nữa, này các gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Nếu có người nào làm tổn hại an vui của ta bằng những lời nói láo, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với ta. Giờ đây, nếu ta làm tổn hại an vui của người khác bằng những lời nói láo, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với người ấy. Những gì không ưa thích, không vừa ý đối với ta thì cũng không ưa thích, không vừa ý đối với kẻ khác.Làm sao ta có thể gây tổn hại cho kẻ khác bằng những điều mà chính bản thân ta cũng không ưa thích, không vừa ý?’Sau khi suy nghĩ như thế, vị thánh đệ tử từ bỏ nói láo, thuyết phục người khác từ bỏ nói láo, và ca ngợi việc từ bỏ nói láo. Như vậy, hành động về khẩu của vị ấy được thanh tịnh cả ba phương diện (thân, khẩu và ý).

“Lại nữa, này các gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Nếu có người chia rẽ bạn bè ta bằng lời nói gây chia rẽ, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với ta. Giờ đây, nếu ta chia rẽ bạn bè của người khác bằng lời nói gây chia rẽ, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với người ấy…” Như vậy, hành động về khẩu của vị ấy được thanh tịnh cả ba phương diện (thân, khẩu và ý).

“Lại nữa, này các gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Nếu có người nói với ta bằng lời thô bạo, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với ta. Giờ đây, nếu ta nói với người khác bằng lời thô bạo, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với người ấy…” Như vậy, hành động về khẩu của vị ấy được thanh tịnh cả ba phương diện (thân, khẩu và ý).

“Lại nữa, này các gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Nếu có người nói với ta bằng lời phù phiếm, vô ích, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với ta.Giờ đây, nếu ta nói với người khác bằng lời phù phiếm, vô ích, đó là điều không ưa thích, không vừa ý đối với người ấy.Những gì không ưa thích, không vừa ý đối với ta thì cũng không ưa thích, không vừa ý đối với kẻ khác.Làm sao ta có thể gây tổn hại cho kẻ khác bằng những điều mà chính bản thân ta cũng không ưa thích, không vừa ý?’Sau khi suy nghĩ như thế, vị thánh đệ tử từ bỏ nói lời phù phiếm, thuyết phục người khác từ bỏ nói lời phù phiếm, và ca ngợi việc từ bỏ nói lời phù phiếm. Như vậy, hành động về khẩu của vị ấy được thanh tịnh cả ba phương diện (thân, khẩu và ý).

        (Tương Ưng BK, Ch 11- VII: 5-12, tr 519-523)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com