Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Con đường của người Phụ Nữ

10/04/201512:05(Xem: 10295)
11. Con đường của người Phụ Nữ
TRONG ĐỘNG TUYẾT SƠN 
TENZIN PALMO và CUỘC SUY TẦM CHÂN LÝ 
Nguyên tác : Cave in The Snow Tenzin Palmo and The Quest For Enlightenment 
Tác Giả: Vickie Mackenzie - Người Dịch: Thích Nữ Minh Tâm


CHƯƠNG MƯỜI MỘT  

CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ 
  
Mọi người đã đánh giá sai về Tenzin Palmo. Người phụ nữ mảnh khảnh, mắt xanh này của phố thị Bethnal Green, Anh Quốc, không dễ gì chịu thua hay bị các trở ngại khuất phục, làm nản chí. Cô đã sống sót trong động tuyết qua những trận thử lửa kinh hồn, và hiên ngang an nhiên tiếp tục con đường đạt tới Chân Lý Tối Thượng của cô qua hình tướng một người nữ. Cô vẫn kiên gan quyết tâm thực hiện lời thệ nguyện của mình "Thành Phật trong hình tướng một người nữ". Trái tim cô thật sắt đá, nghị lực cô thật phi thường, ý chí cô thật bền vững, nhưng dù sao đi nữa, Tenzin cũng cần nương tựa vào hay noi theo gương các bậc nữ đạo sư còn sinh tiền để khuyến khích ủng hộ nhau khi cần thiết trên bước đường tu tập. Tenzin chỉ có một mình, không thầy, không bạn. Ngay cả một ý nghĩ hay lời nói hướng dẫn của các nữ đạo sư cũng không có, để cho Tenzin có thể mường tượng được trí tuệ xuất chúng của người nữ khi chứng đắc ra sao? Thực sự, cô chẳng biết gì về các nữ đạo sư đương thời.  
  
Qua kinh sách Phật giáo Tây Tạng, Tenzin chỉ biết các vị nữ Bồ Tát như nữ thần Tara với nụ cười từ bi, trong dáng ngồi co một chân trên tòa sen, sẵn sàng ứng hiện cứu giúp chúng sinh. Tenzin đã cầu nguyện trì tụng danh hiệu Tara rất nhiều lần để chúc phúc lại cho dân làng Lahoul khi cô đi khất thực xung quanh làng. Người Phật tử Tây Tạng rất sùng bái Bồ Tát Tara. Khi gặp phải những sự cố bất an, lo sợ, hay đau khổ, họ luôn luôn cầu nguyện Tara đến giúp đỡ cứu thoát cho họ, vị nữ thần Tara nghe tiếng chúng sanh kêu khổ và đến cứu giúp tức thì. Ngài là biểu tượng của Từ Bi và Hùng lực. Được biết nữ thần Tara được hóa sanh từ những giọt nước mắt xót thương chúng sanh của Đức Phật Chenrezig. Đức Phật đã thấy các nỗi khổ triền miên của chúng sanh và muốn giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau bằng cách cho nữ thần Tara hóa thân ra giúp đỡ. Cũng được biết là nữ thần Tara đã phát nguyện sẽ chứng đắc quả vị Phật trong hình tướng một người nữ.  
  
Người dân Tây Tạng còn thờ phượng nữ thần đầy quyền năng Vajrayogini với toàn thân bao bọc trong vòng tròn ánh sáng lửa rực đỏ. Với bản tánh độc đoán, hăng say, mạnh mẽ, linh hoạt, Vajrayogini là biểu tượng một người nữ độc quyền cai trị lãnh thổ riêng của nàng. Trong số các nữ thần Mật Tông, Vajrayogini tự mình ngài lo liệu mọi việc và cầm quyền cai trị, không cần người chồng hay phụ tá giúp đỡ. Hơn thế nữa, Vajrayogini còn mang người tình bí mật của nàng đi theo khắp nơi như là một dụng cụ lủng lẳng trên vai, và sẵn sàng dùng phép biến hóa vật đó thành người đàn ông để tùy nghi sử dụng trong mọi trường hợp cần thiết.  
  
Tín đồ Phật giáo Tây Tạng còn tôn thờ sùng bái Đức Bồ Tát Quán Thế Âm với lòng bi mẫn nghe tiếng kêu khổ liền hiện thân ra cứu giúp; họ cũng thờ Bát Nhã Ba La Mật Đa, Mẹ của chư Phật, ngồi oai vệ lẫm liệt trên ngai vàng hoa sen, rực sáng hào quang trí tuệ và bi mẫn.  
  
Các nữ Bồ Tát này mãi mãi là biểu tượng tôn thờ sùng bái và kính ngưỡng của toàn dân Tây Tạng khi hạnh phúc cũng như khi hoạn nạn quyền biến.  
  
Nhưng, thực tế hơn, lịch sử Phật giáo Tây Tạng đã chứng minh về những thành quả chứng đạt của một số ít phụ nữ đã sống tại vùng núi tuyết này và đã can đảm kiêu hùng vượt qua hàng rào trở ngại bước tiến giới nữ của chế độ phong kiến phân biệt của xã hội Tây Tạng ngày xưa, để từ đó tên tuổi họ đã đi vào huyền thoại lịch sử như mặt trời rực sáng không bao giờ tắt.  
  
Các phụ nữ này rất kiên cường bất khuất. Có thể nói, họ là biểu tượng nữ anh hùng cho mọi thời đại. Sống trong một chế độ xã hội bất công, phong kiến, nặng đầu óc phân biệt nam nữ, họ đã trí dũng chiến đấu phản kháng lại những tập tục lề thói cũ rích đã đè nặng lên vai, lên cổ người phụ nữ như cái gông, cái ách, cái cùm xiềng xích phụ nữ vào xó bếp đời đời. Họ đã nhóm bùng lên bó đuốc "Cách Mạng Nữ Giới" và trí tuệ hơn nữa, họ đã xả thân tu tập không ngừng nghỉ để chứng đạt Giải Thoát Trí Tuệ. Những hành động phi thường đó đã trở thành truyền thuyết dân gian, và đứng vững như thành đồng của sự Kiên Trì, Bất Khuất, Niềm Tin, và Quy Ngưỡng.  
  
Người nổi tiếng nhất trong số ít các phụ nữ tiên phong đó là Yeshe Tsogyel, còn được biết đến qua danh hiệu "Vũ Công trên không gian". Sanh ra năm 757 sau Công Nguyên trong một gia đình qúi tộc, Yeshe Tsogyel từ thuở bé đã cho thấy nàng có những tín hiệu trí tuệ thiêng liêng khác thường. Nàng cũng đã tuyên bố sẽ thành Phật trong một đời hiện tại mà thôi. Với tư tưởng đó, nàng đã từ chối mọi lời cầu hôn để đi đúng con đường mình đã chọn. Sau nhiều thăng trầm thử thách, nàng tình cờ gặp được vị cứu tinh của đời nàng, Ngài Padma Sambhava, người đầu tiên đã mang và truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ vào lãnh thổ Tây Tạng, và cũng đã trở thành biểu tượng "Phật Sống" đối với toàn dân tín đồ Phật giáo Tây Tạng.  
  
Padma Sambhava không những chỉ là vị cố vấn, vị thầy hướng dẫn tâm linh mà đối với Yeshe Tsogyel, Ngài còn là người yêu tối thượng tâm linh bí mật của riêng nàng. Yeshe Tsogyel đã yêu say đắm Padma Sambhava, đồng thời cũng kính trọng tôn sùng Ngài. Tình yêu của nàng đã thể hiện qua ẩn dụ sau: 

"Với lòng trong sáng và kính ngưỡng, tôi, Yeshe Tsogyel, đã kết một tấm mạn đà la huyền bí để dâng lên đạo sư Padma Sambhava của tôi. Nụ cười rạng rỡ và từ bi của Ngài chiếu sáng như hào quang ngũ sắc khiến các ánh sáng khác mờ nhạt đi và hòa tan vào hào quang đó, chan hòa trên toàn thân Ngài, kết thành một tòa sen hồng đỡ bước chân Ngài trong điệu nhạc từ ái muôn đời của vũ trụ."  
  
Nhưng, dù yêu say đắm Padma Sambhava, Yeshe Tsgyel vẫn không quên mục đích tu tập của mình và đã khẩn cầu Padma Sambhava hãy dạy cho nàng Lý Nhân Quả để làm pháp môn thiền quán. Yeshe đã đi vào tận rừng sâu núi thẳm, chịu đựng gian khổ, đói rét, dãi dầu với nắng táp mưa sa. Nàng đã ăn tất cả những gì có thể ăn được ở núi rừng đến nỗi sau đó, nàng đã tập "ăn không khí" và gầy ốm đến nỗi xương trán lồi hẳn ra ngoài - nhưng Yeshe vẫn kiên gan chịu đựng. Cuối cùng, sự quyết tâm kiên trì đó của nàng đã được tưởng thưởng xứng đáng với sự chứng đạt giải thoát.  
  
Chính những lời nói của Yshe đã được chép lại bởi người viết hồi ký tiểu sử của nàng, Taksham Nuden Dorje, và sau đó được Keith Dowman dịch ra trong quyển "Vũ Công trên không gian" (Sky Dancer) của ông ta để diễn tả trạng thái sung mãn tuyệt đỉnh khi chứng đắc của Yeshe Tsogyel do công phu khổ hạnh tinh cần tu tập: "Tôi đã biến hóa tan hòa vào khối tinh thể của vũ trụ để thấm nhuần đặc tính linh huyền của Chân Không Diệu Hữu, và tôi đã đạt được khả năng tuyệt đối để ứng xử mọi diệu dụng của chư Phật."  
  
Yeshe Tsogyel đã hóa hiện khắp nơi để cứu giúp che chở dân Tây Tạng với lòng từ bi, trí tuệ, và quyền năng vô biên của nàng. Nàng có thể đi xuyên qua những vật rắn chắc như tường vách, núi đồi, cỡi lên ánh sáng của mặt trời, hay bay lơ lửng trên không trung. Có lần, nàng đã cứu sống trở lại con trai của một thưong gia người Nepal bằng cách chỉ ngón tay trỏ ngay tim người chết cho đến khi trái tim hắn đập trở lại và máu bắt đầu lưu thông trong cơ thể. Nhưng, lần thi thố pháp thuật trước phái Bon, (một giáo phái cổ Tây Tạng rất giỏi về pháp thuật) Yeshe đã đánh bại hoàn toàn các pháp sư của giáo phái này và thu phục nhân tâm hoàn toàn. Trong tư thế ngồi kiết già trên hoa sen bay lơ lửng trên không trung, Yeshe đã biến hóa lửa phun ra từ mười đầu ngón tay, bao phủ toàn vùng trong khối lửa đỏ rực và lại biến lửa thành thành những sợi mềm như bơ vẽ lên trời hàng vạn hình ảnh khác nhau. Sau cùng, nàng phóng những tia sấm sét dữ dội vào đám tà sư phù thủy của phái Bon khiến chúng kinh hồn bạt vía. Dân chúng và cả đám tà đạo đó đã bị thâu phục, cải hóa hoàn toàn. Họ tin rằng chỉ một người nữ đắc đạo như Yeshe Tsogyel mà còn giỏi như vậy, huống chi là Đức Phật thì còn xuất chúng đến đâu nữa.  
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]