Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 6

02/02/201521:10(Xem: 7785)
Phần 6

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 6)

Pháp Sư Tịnh Không

10. Tín Huệ Bồ tát, Nguyện Huệ Bồ tát, Hương Tượng Bồ tát
Ba vị Bồ tát này đại biểu ba điều kiện tu hành của Tịnh Tông “Tín-Nguyện-Hạnh”.

Hành giả phải thật tin tưởng Phật A Di Đà và Phật Thích Ca Mâu Ni. Kinh Vô Lượng Thọ, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu cho chúng ta thế giới Tây Phương Cực Lạc, Phật A Di Đà nói qua y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc trong đó có tánh, tướng, lý, sự, nhân, quả, chúng ta thảy đều tin tưởng, mỗi câu mỗi chữ đều tin sâu không nghi, như vậy mới gọi là tín. Không tín thì dù niệm Phật nhiều, tu hành nhiều nhưng vẫn không được vãng sanh. Cái tin phải thành thật không khách sáo; có thể xem như mê tín. Mê tín nếu thật mê thì có thể vãng sanh, giả mê vẫn không thể vãng sanh.

Thật mê là không có hai niệm, bảo niệm Phật A Di Đà thì trong lòng chỉ có Phật A Di Đà, một ngày từ sớm đến tối chỉ Phật A Di Đà, ngoài ra không có bất kỳ vọng niệm nào khác. Như vậy mới có thể vãng sanh, thậm chí vãng sanh phẩm vị tương đối cao. Còn người tuy tin tưởng nhưng một ngày từ sớm đến tối thường nghĩ tưởng xằng bậy, còn nhiều phân biệt chấp trước, còn thị phi nhân ngã, tham sân si mạn xen tạp thì không thể vãng sanh. Người vãng sanh nhất định phải tin tưởng trọn vẹn từng câu từng chữ trong bộ kinh này và thực tiễn ngay trong cuộc sống.

Ở nơi đây tôi diễn giảng bộ kinh Vô Lượng Thọ không giới hạn thời gian, giảng hai ba năm cũng không hề gì. Các vị đồng tu cùng đến nghe, không nhất thiết phải nghe hết. Nghe một lần thì thọ dụng một lần, một lần hiểu, một lần ghi nhớ, một lần có thể phụng hành thì cả đời thọ dụng khôn cùng tận, huống hồ người đến nghe vào mỗi kỳ giảng, lợi ích vô biên. Đó cũng đều do thời tiết nhân duyên mà được. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình có thể giảng tỉ mỉ đến như vậy. Chắc chắn do Tam Bảo gia trì, không phải sức người. Người nghe được hoan hỉ cũng là do được Tam Bảo gia trì. Không có Tam Bảo gia trì, có nghe cũng sẽ không hiểu. Do đó khi chân thật nghe hiểu thấu suốt, được Phật Bồ tát gia trì, chúng ta có thể thấy mình cùng thế giới Tây Phương, Phật A Di Đà có duyên rất sâu. Chỉ cần đem thiện căn phước đức vô lượng kiếp của chính mình đào tìm được, ngay đời này chúng ta liền có thể vĩnh thoát luân hồi, liền có thể thành Phật làm tổ, tham gia trở thành hội viên câu lạc bộ A Di Đà Phật, hạnh phúc biết bao, tự tại dường nào.

Cho nên tín không đơn giản, năm xưa tôi học Phật bảy năm mới xuất gia. Khi vừa xuất gia thì liền đến Phật học viện giảng kinh. Sau đó hai năm mới thọ giới, thọ giới rồi đến Đài Trung bái lạy thầy cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Vừa thấy mặt tôi, thầy liền chỉ vào và nói: “ông phải tin Phật”, tôi ngẩn người không hiểu. Thầy liền giải thích, có rất nhiều người xuất gia từ nhỏ đến tám mươi tuổi vẫn chưa tin Phật. Họ cũng biết giảng kinh như hoa trời rơi rụng, nhưng những gì Phật nói trong kinh một chữ họ cũng không làm được. Đó là không tin Phật. Vì không có tín nên cũng không có nguyện hạnh, làm sao có thể vãng sanh? Cho nên thầy nói “việc này vô cùng quan trọng”, lão sư đặc biệt nhắc nhở cảnh sách, nhất định phải tin tưởng. Chân thật có thể lý giải, có thể thông suốt, có thể y giáo phụng hành mới gọi là tín. Hay nói cách khác “Tín, Nguyện, Hạnh” tuy một mà ba, tuy ba mà một. Nói tín mà không có nguyện, hạnh, vậy tín đó là giả. Cũng vậy nói có nguyện, nhưng không có tín, hạnh thì cái nguyện này cũng là giả. Một ngày niệm Phật A Di Đà nhưng nếu không có tín, nguyện thì việc niệm Phật A Di Đà cũng là giả. Trong tín nhất định phải có nguyện hạnh, trong nguyện nhất định có tín hạnh, trong hạnh nhất định phải có tín nguyện. Như cái đảnh ba chân, thiếu một cái thì ngã đổ.

Do đó đối với từng câu từng chữ trên kinh này hành giả phải thâm tín không hoài nghi, quyết không trái phạm. Phật dạy chúng ta làm thì nỗ lực mà làm; Phật nói những gì không nên làm thì quyết không nên làm, vậy mới được gọi là “chân tín, chân nguyện, chân hạnh”, mới là học trò tốt của Phật A Di Đà, được Phật A Di Đà hộ niệm. Khi được Phật A Di Đà hộ niệm, hành giả được tất cả chư Phật đều tôn kính, đồng ngưỡng mộ, “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Còn gì mà không chịu buông bỏ?

Tiền tài, của cải, nhà đất của chúng ta bị người khác xâm chiếm, cướp đoạt, người chân thật tín nguyện hạnh sẽ không lo lắng. Phật thường dạy chúng ta buông bỏ thì đây chính là lúc để buông bỏ. Khi chưa có người đến cướp đoạt, ta không thể buông bỏ; khi vừa bị đoạt lấy, đó chẳng phải là tăng thượng duyên? Một lòng niệm Phật coi không hề có việc gì. Người ta đến giúp ta nâng cao thêm một bước, cho nên ta không những không hận người cướp đoạt, trái lại còn cảm kích, cảm ân, vì không có họ, ta rất khó xả. Xả ra tức là tiến gần thêm một bước với Phật Di Đà. Thử nghĩ “Mọi thứ không thể đem, chỉ có nghiệp theo mình”. Đến lúc lâm chung không ai mang được thứ gì, phải xả hết, thế thì hiện tại xả không phải càng tốt hơn sao?

Kinh Phật nói, đồ vật của chúng ta bị kẻ khác cướp thì đồ vật đó trở thành của họ, chúng ta không thể tìm lại được. Nếu cố tình tìm về coi như chúng ta đã phạm giới trộm cắp. Họ cướp của ta nghĩa là họ phạm giới trộm cắp, nếu ta tìm nó trở lại thì chính ta lại phạm giới trộm. Cho nên sau khi xả thì không nên nghĩ nữa, họ trộm có nhân quả của họ, chúng ta giựt trở lại sẽ phải đọa lạc, do sự và lý tương đối vi tế, không thể không biết. Người thế gian đều cho rằng bị giựt thì phải giựt lại mới là hợp lý, thế nhưng Phật nói không hợp lý, chúng ta phải tỉ mỉ suy xét đạo lý Phật dạy, nhất định phải tuân thủ giáo huấn.

Một lần tôi đến đây từ Úc châu, buổi tối hôm đó, Nha Long cúp điện mấy tiếng đồng hồ, nơi cửa tam quan có ba cây Tiên Nhân Chưởng nở ra hai mươi mấy đóa hoa. Việc này trước đây chưa từng thấy vì cây Tiên Nhân Chưởng rất hiếm nở hoa. Lần này hoa nở màu trắng giống như hoa sen. Tôi liền bảo pháp sư Ngộ Hạnh chụp hình. Thầy đã chụp hai mươi mấy tấm, sau đó rửa ra. Thật ngạc nhiên trong hình không hề thấy hoa. Tôi bảo mọi người xem có ngộ điều gì chưa. Dường như không ai ngộ. Tôi nhìn hoa này, liền cảnh giác cao độ, vạn pháp vô thường, sát na sanh diệt. Về sau vĩnh viễn cũng không còn thấy tấm phim đó nữa. Chính ngay lúc ấn máy chụp hình, ngay sát na đó ta mới biết sinh mạng ngắn ngủi đến như vậy thì tại sao phải tạo nghiệp. Sinh mạng chúng sanh chúng ta chính là một sát na, chúng ta gọi là tướng tiếp nối. Kinh Kim Cang nói: “như sương cũng như chớp”, “như chớp” là nói chân tướng, “như sương” là nói tướng tiếp nối, cho nên không có thứ nào không đang nói pháp.

Tiên Nhân Chưởng nở hoa nói pháp cho chúng ta: “vạn pháp vô thường, như sương cũng như chớp”, chẳng phải đang nói kinh Kim Cang? Kinh Kim Cang, Kim Cang Bát Nhã, tâm luôn nghĩ vẩn vơ chính là chỗ khác nhau giữa học Phật và không học Phật. Chúng ta có thể thâm nhập như vậy mới biết được sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, cảnh giới nào cũng là “Đại Phương Quảng”, cảnh giới nào cũng là “Phật Hoa Nghiêm”, “Vô Lượng Thọ”, “Thanh tịnh Bình đẳng Giác”, chỉ do chúng ta không nhận ra. Nếu nhận ra mới hiểu được những gì kinh Hoa Nghiêm nói. Chư Phật Như Lai giảng kinh nói pháp, trần thuyết, sát thuyết từ trước đến giờ chưa từng gián đoạn. Tận hư không khắp pháp giới bất cứ lúc nào nơi nào cũng đều đang nói pháp. Tất cả pháp chính ngay trong sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, tiếc là chúng ta không nhìn thấy. Giống như tia chớp sáng lên một tí, chớp lên một cái rồi lại tối đen, lại mê muội. Chúng ta làm sao gìn giữ một niệm sáng suốt, đó gọi là công phu; gìn giữ một niệm trí tuệ, một niệm cảnh giác, đó chính là trí tuệ cao độ.

Cho nên tín nguyện hạnh, nguyện là quyết định phải sanh Tây Phương Tịnh Độ. Không sanh Tây Phương Tịnh Độ, cho dù ra khỏi mười pháp giới chứng được Pháp Thân Đại Sĩ còn phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp mới có thể viên thành Phật đạo, huống hồ chúng ta không dễ dàng thoát khỏi mười pháp giới, thậm chí chỉ thoát khỏi sáu cõi cũng đã không dễ dàng. Một điều hơi khó nghe nhưng nhất định phải nên biết, thoát khỏi ba đường ác rất khó khăn. Ngày nay rất đông chúng sanh tạo tội nghiệp ba đường ác. Kinh Đại Tiểu thừa, Phật đều nói như vậy, mỗi ngày Phật nhắc nhở chúng ta “năm giới mười thiện”. Thân còn tạo sát sanh, trộm cắp, tà dâm; khẩu còn uống rượu, “vọng ngữ” là nói hai lời, khiêu khích, ức hiếp chúng sanh, không thành thật; “ỷ ngữ” là lời nói bóng bẩy lừa gạt, “ác khẩu” là nói thô lỗ, mắng người; ý có tham sân si, tạo mười ác nghiệp này, quả báo sẽ ở ba đường khổ. Hiện tại tuy chưa đọa vào ba đường nhưng đã đánh dấu tương lai sẽ thọ báo. Ai không tạo mười ác nghiệp, trái lại còn tu mười thiện nghiệp: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không hai lời, không ác khẩu, không thêu dệt, không tham, không sân, không si, thì thượng phẩm mười thiện sanh lên trời, trung phẩm mười thiện phước báu ở đời sau. Đời sau vẫn được thân người, hưởng phước nhân gian. Hiện tại thế gian có nhiều người hưởng phước do quá khứ có công tu năm giới mười thiện, nên hiện tại phú quý này là phước báu của họ.

Nhân duyên quả báo chân thật bất hư, không lọt mảy trần, tất cả kinh Phật đều nói như vậy. Nếu chúng ta không chăm chỉ làm đúng thì đó là tự cam đọa lạc, tín nguyện hạnh thảy đều không có. Hành là thành thật niệm Phật. Khi không có việc gì, trong lòng trì một câu Phật hiệu không gián đoạn, điểm này rất quan trọng. Người niệm Phật không sợ chết, sợ chết thì tín nguyện hạnh là giả. Mục đích chính của người niệm Phật là đến thế giới Cực Lạc, thân cận Phật Di Đà, càng đi sớm càng tốt cho nên không sợ chết. Thế gian không đáng lưu luyến, đời ác năm trược, ở lại thế gian một ngày là chịu thêm một ngày tội, thay vì thế đi sớm một ngày đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để hưởng phước. Kinh nói “Thanh hư chi thân, vô cực chi thể”, không như thân ô uế này, một ngày không tắm gội, lỗ chân lông đều tiết ra mùi hôi thối. Biết thân này bất tịnh, không sạch sẽ, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân tướng y như Phật, đều thân tử ma sắc vàng, tại sao không chịu đổi cái thân, còn lưu luyến cái túi da thối này?

Cho nên người chân thật niệm Phật thường hay nghĩ cái chết, không muốn sống nhiều hơn ở thế gian này nữa. Niệm Phật đường của lão pháp sư Ấn Quang đáng để chúng sanh học tập. Đại sư Ấn Quang tu hành, trong gian phòng của ngài không có bất cứ thứ gì, chỉ có miếng che thay đồ phơi quần áo. Trong Phật đường nhỏ của ngài chỉ có một tôn Phật tượng, một quyển kinh Di Đà. Phía sau tượng Phật viết một chữ “chết” thật to. Đại sư dạy chúng ta làm thế nào tu tín nguyện hạnh, làm thế nào ngay trong đời này nhất định vãng sanh. Học phương pháp của ngài, chúng ta không sợ chết mà mỗi ngày nghĩ chết. Người thế gian cho rằng cái chết rất đáng sợ, còn chúng ta chết thì vãng sanh. Cái chết của chúng ta thực chất chỉ là sự di dân, thoát khỏi thế giới Ta Bà di dân đến thế giới Cực Lạc, hân hoan vui thích. Chúng ta xả bỏ thân ô uế để được thân kim cang bất hoại, xả bỏ hoàn cảnh đời sống xấu ác để đến Tây Phương trải qua hoàn cảnh thanh tịnh. Vậy mới là phát nguyện, vậy mới gọi là thật tu hành. Mỗi tối lên gường liền nghĩ Phật đến tiếp dẫn, mắt nhìn vào vách xem thử Phật có đến hay không. Ngày ngày nghĩ Phật đến, giờ giờ nghĩ Phật đến, buổi trưa ngủ cũng nghĩ Phật đến, luôn luôn hy vọng, trông mong vào ngài. Nếu hiện tại Phật chưa đến, chúng ta còn chút việc phải tranh thủ đem kinh này giảng giải, giúp đỡ chúng sanh để khi chúng ta đi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc có thể dẫn thêm được vài người đi cùng. Đó là việc làm vô cùng ý nghĩa.

Sau tín là huệ, sau nguyện cũng có huệ. Tín mà không có trí tuệ thì không phải chánh tín. Trong tín đó có tà tín, tư tưởng kiến giải có sai biệt. Nguyện cũng phải có huệ, nguyện mà không có huệ thì không phải thật nguyện. “Tin sâu nguyện chắc” là cách chúng ta gọi huệ này. Huệ thực tiễn ngay trong bộ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta đọc tụng, lý giải, y giáo phụng hành, huệ liền đầy đủ.

Hương Tượng” đại biểu cho hạnh. Trong chú giải của người xưa, khí lực của “Hương Tượng”rất lớn. Thời xưa khoa học chưa phát triển, vận chuyển đều nhờ vào sức động vật. Sức mạnh lớn nhất bấy giờ là đại tượng, mạnh hơn rất nhiều so với trâu ngựa. Cho nên tượng đại biểu cho sức mạnh, luôn được dùng để ví dụ. Nguyện hạnh của chúng ta vô biên, nguyện hạnh có đại lực, biểu thị ý này. “Tín nguyện hạnh” là ba điều kiện tu hành cần thiết của Tịnh Độ, không thể thiếu một trong ba. Phải đầy đủ viên mãn thì hành giả nhất định sẽ vãng sanh.

11. Bảo Anh Bồ tát

Anh là tinh hoa, Bảo Anh chính là tinh hoa trong Bảo, đại biểu Di Đà nguyện hải. Tất cả chư Phật Bồ tát phát đại nguyện đều lấy nguyện của Phật A Di Đà làm tinh hoa. Bồ tát Bảo Anh biểu thị ý nghĩa này cũng chính là nói, người đầy đủ tin sâu nguyện chắc, thành thật niệm Phật, nhất định vào biển nguyện Di Đà, thành tựu đại viên mãn. Bồ tát ngay đây chẳng phải đã thọ ký cho tất cả chúng ta sao? Thọ ký vãng sanh làm Phật, loại thọ ký này, không luận là Hiển giáo, Mật giáo, mà bao gồm tất cả thọ ký.

12. Trung Trụ Bồ tát

Chúng ta mong cầu vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, tham dự đại pháp hội của Phật A Di Đà, đó là Di Đà nguyện hải. Chúng ta cũng hiểu rõ những đạo lý này, nắm vững cương lĩnh, tu hành thế nào. Thế nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa đi, thân thể vẫn còn ở thế gian này, vậy phải sinh họat ra sao? phải làm việc thế nào? Làm thế nào đối nhân xử thế tiếp vật tương ưng với lý luận cảnh giới trong kinh mà không hề trái phạm?. Điều này vô cùng quan trọng. Hay nói cách khác, hiện tại chúng ta chưa đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta phải trải qua đời sống như các thượng thiện nhân của thế giới Tây Phương Cực Lạc, như vậy mới tương ưng. Cho nên ở nơi đây, Phật dùng Bồ tát Trung Trụ để biểu thị.

Tâm chúng ta phải ở nơi trung đạo, không có tâm thiên lệch. Tất cả đều phải nắm được trung, cái trung này không thiên vào không cũng không thiên vào có, không thiên vào chánh cũng không thiên vào tà. Những chân giả, tà chánh, thiện ác, phải quấy, chúng ta đều nói hai bên. Phật dạy phải đi vào trung đạo, đó chính là biểu hiện đời sống trí tuệ cao đẳng. Phải tiếp cận chánh pháp, cũng không thể bài trừ tà pháp. Chuyển tà quay về đường chánh, đó là tạo công đức, trí tuệ. Nếu có phát tâm, tâm thừa mà sức không đủ để chuyển tà quay về đường chánh, như vậy công đức cũng đã hoàn thành, như trên kinh Lăng Nghiêm Phật nói “phát ý viên thành”, thì xem như cũng được viên mãn công đức. Cho nên phải biết dùng “Trung đạo” kết hợp đời sống tu hành “Tịnh Niệm liên tục” mà Bồ tát Đại Thế Chí đã nói. Đây là ý nghĩa mà “Trung Trụ” biểu thị.

Tịnh niệm là niệm Phật, không nhất định phải niệm ra tiếng. Miệng niệm không ra tiếng thông thường gọi là Kim Cang trì. Còn có một loại hoàn toàn niệm thầm, miệng cũng không động, trong lòng đích thực rõ ràng “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” không gián đoạn, quyết không dễ dàng xen tạp. Một câu Phật hiệu tiếp một câu Phật hiệu, không những tất cả pháp thế gian không xen tạp, mà thân tâm thế giới tất cả buông bỏ, niệm Phật như vậy liền cảm ứng. Pháp sư học giảng kinh, khi đang niệm Phật thì không nên nghĩ đến việc học giảng kinh, kinh văn cũng không nên nghĩ tưởng, cách giảng thế nào cũng không nên nghĩ, không nghĩ tưởng bất cứ thứ gì, chỉ một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Phật hiệu niệm xong sẽ có cảm ứng, hành giả liền được Phật lực gia trì, khai mở trí tuệ.

Vạn lần không nên một mặt niệm Phật một mặt nghĩ đến kinh này cách giảng phải thế nào, phải nghiên cứu ra sao. Vậy thì hỏng, Phật niệm không tốt, kinh cũng không nghiên cứu xong, đó gọi là không khéo dụng tâm. Người khéo dụng tâm chỉ dùng một tâm. Khi niệm Phật một lòng niệm Phật, khi nghiên cứu một lòng nghiên cứu. Mở quyển kinh ra nghiên cứu thì tuyệt đối không niệm Phật, tâm phải chuyên nhất một công việc, Phật nói “để tâm vào một chỗ thì việc gì chẳng xong”. Y theo cách dạy này của Phật nhất định có thành tựu.

Bản thân tôi có thể để tâm vào một chỗ, không luận làm việc gì nhất định một lòng mà làm, đang làm việc này quyết không nghĩ đến việc kia. Cho nên tôi làm việc rất nhanh, rất tự tại. Nhờ lão sư Lý, Chương Gia đại sư làm gương cho tôi xem, tôi nhìn dáng vẻ của họ, học tập với họ. Gần đại sư Chương Gia ba năm, thân cận lão sư Lý mười năm, mỗi ngày tôi nhìn họ. Lão sư thường chăm sóc tôi, chỗ nào sai lầm, họ giúp tôi sửa đổi. Chính mình tâm chánh, ngôn chánh, hạnh chánh, người bên ngoài có nói thế nào cũng không ảnh hưởng. Thế gian làm gì có ai có thể vừa lòng tất cả mọi người. Phật còn không làm được. Thế gian này có biết bao người mắng Phật Thích Ca, mắng Phật A Di Đà. Phật còn bị người mắng thì ta bị người khác mắng có can hệ gì. Phật tiếp nhận người ta mắng, chúng ta cũng phải tiếp nhận người ta mắng, không nên một câu biện bạch. Đối với người, chúng ta chân thành cung kính tán thán. Người ta hủy báng, nhục mạ, hãm hại, chúng ta vẫn cần tán thán, cảm ân họ. Như vậy mới tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ của chính mình. Thường giữ tâm “Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường”, đó mới là Bồ tát Trung Trụ.

Cho nên phải học “Tịnh Niệm Liên Tục”, trong niệm có tịnh, tịnh là không xen tạp. “Tương tục” là công phu không gián đọan. Từ nơi công phu mà nói có thể đạt đến “Tức Niệm Ly Niệm”, công phu liền có kết quả, liền được thuần thục. “Tức Niệm Ly Niệm” chính là “niệm mà không niệm, không niệm mà niệm”. Không niệm cùng niệm là một, không phải là hai. Vào pháp môn không hai, phiền não không hai là cảnh giới của pháp thân đại sĩ. Có thể vào được pháp môn không hai thì không cần nói sáu cõi mà có thể siêu việt luôn mười pháp giới, biết tất cả pháp thế xuất thế gian đều là pháp bất nhị, biết được kinh Phật đều là lời thật.

Phàm phu luôn cho rằng chính mình cùng người khác là đối lập. Không phải vậy, tận hư không khắp pháp giới là chính mình, đó là chân tướng chúng ta có thể thấy được, có thể khẳng định. Kinh Phật nói, chứng được pháp thân thanh tịnh, hành giả liền thành Phật, mức độ thấp nhất là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ tát, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, họ thành Phật thật, không phải Phật giả. Trong phán giáo, đại sư Thiên Thai nói “Phần Chứng Tức Phật”, tuy chưa viên mãn nhưng họ chứng thật. Vậy chứng được cái gì? Họ thừa nhận tận hư không khắp pháp giới đều là chính mình, tâm đại từ bi sanh khởi đối với tất cả chúng sanh vô điều kiện. “Vô duyên đại từ”, cái duyên đó gọi là điều kiện. Từ là quan tâm, thương yêu, tôn trọng, toàn tâm toàn lực chăm sóc tất cả chúng sanh. “Đồng Thể Đại Bi”, bi là nhìn thấy tất cả chúng sanh khổ nạn, giúp họ thoát ly khổ nạn cũng không có điều kiện, vì đồng thể là bao gồm tất cả chúng sanh đồng một thể với chính mình, một tâm một pháp giới, cho nên pháp giới gọi là nhất chân. Bồ Tát Trung Trụ ở đây biểu thị ý nghĩa rất sâu, đó là lý còn gọi là nhìn thấu.

13. Chế Hành Bồ tát

Hành là hành vi sinh hoạt của chúng ta. Hành vi sinh họat không sao tránh khỏi sai lầm. Chính mình phải biết tiết chế, sửa lỗi tự làm mới, đó là chân thật tu hành. Thánh hiền Trung Quốc xưa dạy, “không phải thánh hiền thì sao không lỗi”. Mỗi người đều có lỗi lầm, “lỗi mà có thể sửa còn việc gì tốt hơn”. Biết sửa lỗi, người đó chính là Bồ tát, không chịu sửa lỗi thì là phàm phu. Sửa lỗi là giác ngộ, là công phu. Trung Trụ biểu thị học vấn, Chế Hành biểu thị công phu. Ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc này, không luận từ công việc nghề nghiệp nào, tuân thủ, nắm chắc nguyên tắc này chính là ta đang trải qua đời sống của Bồ tát.

14. Giải Thoát Bồ tát

Giải là giải trừ phiền não, lo lắng, vướng bận, thoát khỏi tất cả ưu bi khổ não ngay hiện tại. Giáo học của Phật pháp có thể thể hội được, có thể quan sát được, nó đích thực giúp đỡ chúng ta hiện tiền đạt hạnh phúc, gia đình mỹ mãn, sự nghiệp thuận lợi thành công, xã hội an lành, mọi người tôn kính lẫn nhau, lễ nhường, hợp tác lẫn nhau, cùng tồn tại phát triển, quốc gia giàu mạnh, thế giới hòa bình. Đó cũng là mong mỏi của các lãnh đạo chính trị gia, khoa học gia, công thương nghiệp, thậm chí đến các lãnh đạo giới học thuật, giới tôn giáo. Vào năm 70, nhà triết học lịch sử nước Anh đã chỉ điểm trên thế giới chỉ còn một đường đi, ông nói: “Muốn cứu vãn thế kỷ 21 đạt đến hòa bình cùng tồn tại, chỉ có học thuyết của nhà Nho cùng Phật pháp Đại Thừa”. Câu nói phát ra từ miệng của một người nước ngoài, một con người cừ khôi học vấn. Ông đã nhìn thấy thế kỷ 21 là một xã hội rất phức tạp.

Ngày trước mỗi quốc gia khu vực đều đóng cửa, không hề qua lại với nhau. Mỗi người có phạm vi nhỏ của mỗi người. Đến thế kỷ 21 khoa học kỹ thuật thông tin phát triển, mỗi người đều có vi tính. Học sinh tiểu học nước Mỹ đều dùng vi tính trên lớp, tin tức toàn thế giới đều ở ngay trước mắt, lúc nào cũng có thể du lịch khắp nơi, chánh thức tiếp xúc mặt đối mặt. Ngày trước văn hóa không đồng, vừa tiếp xúc liền nảy sinh xung đột, bất đồng quan điểm do phương thức đời sống và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, khó có thể thích ứng. Tuy nhiên học thuyết nhà Nho cùng Phật pháp Đại Thừa có thể giải quyết ổn thỏa. Những năm trước, Anh quốc đã đem Phật học vào giáo trình trường học. Các bậc tiểu học, trung học, đại học đều có kinh Phật trong giáo trình. Nước Anh là quốc gia Ki To giáo, họ dẫn đầu sự kiện này.

Hiện tại Úc châu cũng đã mở hội thảo tập hợp các nhân vật lãnh đạo giới tôn giáo, giới học thuật, học giả chuyên gia đến thảo luận nghiên cứu môn học thích ứng thế kỷ 21. Tôi đã tham dự buổi hội thảo, thăm viếng một số trường đại học của họ. Bậc đại học ở đó rất chú trọng đến vấn đề này, bởi vì chính sách hiện tại của Úc châu là mở rộng di dân từ các nơi khác nhau trên thế giới đến. Từ bối cảnh văn hóa, tư tưởng, tín ngưỡng không giống nhau, họ phải cùng người Úc châu chung sống trong một xã hội, tuy nhiên phải làm thế nào gạt bỏ được những ngăn cách, gạt bỏ hiểu lầm, đạt đến hợp tác lẫn nhau cùng tồn tại phát triển. Một viện trưởng của học viện đến hỏi tôi câu hỏi này, tôi nói: “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh”, họ nghe hoan hỉ và muốn tôi đến mở lớp. Nhưng ở Singapore, tôi bị Lý Mộc Nguyên giữ lại, ông ấy xây dựng đạo tràng to lớn tốn kém khá nhiều, tôi phải giữ đạo nghĩa, không phụ lòng ông ấy. Dù hoàn cảnh bên ngoài có tốt hơn, tôi vẫn phải đi cùng ông ấy mà xả bỏ lời đề nghị của đại học Úc châu, không thể lưỡng toàn kỳ mỹ. Chúng ta đã có mười năm gắn bó, một phần ân đức nghĩa tình trong đó nên quyết không thể thấy trăng quên đèn, để lại gương không tốt cho mọi người, tạo động loạn bất an của xã hội. Giữ gìn đạo nghĩa, dù lợi ích có tốt hơn, chúng ta cũng không động tâm, đó là kiến lập một gương tốt chính diện cho xã hội. Mọi người nhìn vào đều giảm ham thích danh vọng lợi dưỡng, vinh hoa phú quý, trải qua đời sống hạnh phúc. Điều này quan trọng hơn bất cứ thứ gì, cũng là lời dạy trong kinh Phật, làm sao có thể trái phạm.

Giải thoát chính là quả báo của hiện tại, còn quả báo vị lai là vĩnh viễn thoát khỏi sáu cõi luân hồi, không những thoát khỏi sáu cõi luân hồi mà còn siêu việt mười pháp giới, chứng pháp giới nhất chân tức thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhất chân trong nhất chân, thù thắng không gì bằng. Cho nên mười phương chư Phật tán thán. Chúng ta trong một đời gặp được thì phải hạ quyết tâm bắt lấy, nhất định phải y giáo phụng hành. Mỗi ngày đọc bộ kinh này, thấu triệt được lý giải, đem tập khí phiền não từ vô lượng kiếp đến nay vứt bỏ hết.

Năm trước tôi giảng bộ kinh này, khi giảng đến ba bậc chín phẩm, tôi có cách nói hơi khác cách nói của người xưa có thể giúp mọi người dễ hiểu. Nếu chúng ta y giáo từng câu từng chữ trong kinh, nhất định sẽ được thượng thượng phẩm vãng sanh, vì “tâm nguyện giải hạnh” của chúng ta hoàn toàn tương ưng với Phật A Di Đà. Nếu y theo 90%, hành giả sẽ vãng sanh thượng phẩm trung sanh. Làm đến 80% thì bị giáng xuống một bậc, thượng phẩm hạ sanh. Làm được 70%, thì trung phẩm thượng sanh, cứ như vậy mà hướng xuống đến hạ phẩm hạ sanh. Nếu không làm được 20% thì đó chỉ là kết duyên với Phật A Di Đà, đời này không thể đi được. Việc niệm Phật này người xưa nói, “Đau mồm rát họng chỉ uổng công”, đời này không thể vãng sanh. Tôi đã dùng biện pháp phân tích chín phẩm vãng sanh để lý giải vì sao chúng ta phải nỗ lực làm đến 100%, điều đó hoàn toàn không khó.

Khó khăn là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không chịu buông bỏ. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều là giả, toàn là không, chân thật buông bỏ thì mới thượng thượng phẩm vãng sanh. Do đó đời này chúng ta phải tranh thủ. Những thứ khác đều giả huyễn. Đạt đến ngôi vị quốc vương, thiên vương cũng đều là giả, không phải thật. Vinh hoa phú quý cuối cùng cũng không thể giữ được, vẫn phải chết, chết rồi vẫn phải chịu luân hồi, đó là không có trí tuệ.

“Nhi vi thượng thủ”

Mười sáu vị Bồ tát có ưu điểm và sở trường riêng. Chúng ta thảy đều học được, sau đó trở thành Bồ tát viên mãn có đức hạnh của từng vị. Mười sáu vị Bồ tát đều là lão sư của chúng ta nên phải cố gắng nỗ lực học tập với họ. Mười sáu vị Bồ tát này biểu thị kinh văn của toàn kinh. Danh hiệu các ngài là tổng cương lĩnh của toàn kinh. Do đây có thể biết, lão cư sĩ Hạ Liên Cư từ ngay đoạn này phân thành một phẩm, rất có đạo lý. Biểu pháp của tỳ kheo Bồ tát phía trước là biểu pháp thông thường của Đại Thừa, biểu pháp chung đại biểu toàn thể Phật pháp, biểu pháp nghiêng nặng về pháp môn Tịnh Độ. Còn biểu thị của mười sáu vị Bồ tát tại gia này là nội dung thiết yếu của bổn kinh, chính là mười sáu cương lĩnh.

Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức

Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Bồ tát Phổ Hiền xếp thứ nhất, Bồ tát Văn Thù xếp thứ hai, cho nên ngài đại biểu là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Do đây có thể biết kinh này cũng là rút gọn, là tinh hoa của kinh Hoa Nghiêm.

Một cách tỉ mỉ thì kinh Hoa Nghiêm nói rộng nghĩa của kinh Vô Lượng Thọ. Hành giả có thể khế nhập sâu rộng, sau đó giảng kinh Di Đà. Nội dung sâu sắc, lời lẽ dễ hiểu mới có sức mạnh và công lực. Cho nên “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, có giảng mấy năm cũng không hết. Câu này lấy từ kinh Hoa Nghiêm, mất năm năm cũng không giảng xong.

Bồ tát Phổ Hiền trong Hạnh Phổ Hiền là cương lĩnh quan trọng nhất, đó là “mười đại nguyện vương”, mười đại cương tu hành của Hoa Nghiêm. Bồ tát Phổ Hiền đã tu vô lượng vô biên đức hạnh, quy nạp lại không thể vượt qua mười tổng cương lĩnh này. Mọi người tụng rất quen thuộc mười tổng cương lĩnh này, tuy đọc nhưng phần lớn lại không hiểu ý nghĩa.

Thứ nhất, “Lễ kính chư Phật”

Giáo học nhà Phật, lễ kính đứng hàng đầu, giáo học nhà Nho cũng dạy lễ kính trước tiên. Lễ kính là tánh đức, là lưu xuất tự nhiên từ tánh đức của con người, không phải từ bên ngoài. Mỗi một hành môn của hạnh Phổ Hiền đều tương ưng với tự tánh, đều lưu xuất tự nhiên từ trong tự tánh. Cho nên ngài có thể viên thành Phật đạo. Kinh Phật thường nói “Bồ tát không tu hạnh Phổ Hiền thì không thể viên thành Phật đạo”, đạo lý ngay chỗ này. “Lễ Ký” của nhà Nho, câu thứ nhất Điển lễ viết: “Vô bất kính”. “Vô bất kính” đồng ý nghĩa với “Lễ kính chư Phật”. Những thánh hiền Nho giáo và chư phật Bồ tát của Phật giáo dù chưa hề gặp mặt nhau, chưa từng hội đàm với nhau nhưng lý luận quan niệm phương pháp giáo học gần như giống nhau. Đúng như chúng ta thường nói “Anh hùng sở kiến, đại lượt tương đồng”.

Lễ kính của nhà Nho bao gồm ba nghiệp thân khẩu ý. Thân kính, miệng tán thán, ý giữ sự chân thành. Phật pháp giảng càng thấu triệt hơn. “Lễ”, biểu hiện bên ngoài là cung cung kính kính. “Kính”, giữ ở trong lòng, tâm chân thành, ý kính. “Chư Phật” là đối tượng chúng ta lễ kính. Chư Phật là ai? Trên kinh Phật nói “Quá khứ Phật, hiện tại Phật, vị lai Phật đều là chư Phật”. Trên kinh điển, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói về quá khứ Phật, cũng không ít lần giới thiệu về hiện tại Phật, mọi người đều rất quen thuộc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, thế giới Lưu Ly phương Đông Dược Sư Như Lai là Phật hiện tại. Vị lai Phật là tất cả chúng sanh. Do đó phạm vi lễ kính khá rộng. Chúng ta cung kính Phật A Di Đà như thế nào thì đối với tất cả chúng sanh cũng đồng một tâm cung kính như vậy. Nếu lòng cung kính có sự khác biệt, đó không phải tu hạnh Phổ Hiền. Cung kính tất cả chúng sanh bằng tâm cung kính hoàn toàn bình đẳng với Phật A Di Đà, như vậy mới gọi là tu hạnh Phổ Hiền. Chúng sanh có ân hay có oán, giúp đỡ hay nhục mạ đều là Phật, không thể có khác biệt.

Nhiều người cho rằng việc này rất khó làm. Dù rất khó nhưng cũng phải làm cho bằng được, làm không được thì không phải tu hạnh Phổ Hiền. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đã có Phật tánh thì họ chính là Phật. Chúng ta lễ kính họ không phải ở con người họ mà ở việc họ đang làm. Chúng ta tôn trọng Phật tánh của họ, xem Phật tánh của họ cùng tất cả chư Phật Như Lai như nhau. Phật nói, ngoài chúng sanh hữu tình, chúng sanh vô tình là vạn vật trong thế gian cũng có pháp tánh. Pháp tánh cùng Phật tánh là một tánh. Phật vì khác biệt hữu tình và vô tình nên mới gọi Phật tánh và pháp tánh, kỳ thật là một tánh. Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”, nói cách khác, chúng sanh vô tình cũng là Phật, cũng phải được cung kính giống như Phật A Di Đà không hề khác biệt.

Ví như cái bàn để ngay trước mặt, trên bàn có những thứ dơ bẩn, chúng ta lập tức lau sạch sẽ dù cái bàn này có phải của ta hay không, ta có dùng nó hay không. Bàn để không ngay thẳng, chúng ta lập tức sửa lại, ghế cũng phải lau thật sạch sẽ, xếp ngay thẳng chỉnh tề. Ngồi trên ghế không ngay thẳng là không tôn kính, tu “Lễ kính chư Phật” thể hiện ý này. Hội Hoa Nghiêm có bốn mươi mốt vị pháp thân đại sĩ đều tu, không có ngoại lệ. Chư thượng thiện nhân phàm hễ vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, từ thượng thượng phẩm đến hạ hạ phẩm mỗi người đều tu. Hiện tại chúng ta chưa đi thì bây giờ tu, tập thành thói quen, khi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ rất thuận tiện. Nếu hiện tại chưa tập thành thói quen, tập khí còn nặng, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ bị người ta khai trừ, thật là hổ thẹn. Thực ra, thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ không khai trừ ai, chẳng qua chúng ta không thể đến đó được. Kinh nói A Di Đà Phật cùng những bậc thượng thiện nhân là “thiên nhãn đồng thị, thiên nhĩ triệt thính”. Chúng ta không thấy được các ngài nhưng các ngài thấy được chúng ta. Công phu tu hành của chúng ta nơi đây, chính mình không hề biết nhưng các ngài thấy rõ ràng tường tận. Sau đó các ngài lựa chọn người có thể đến và người không thể đến. Người trúng tuyển là người phù hợp với điều kiện của các ngài. Hiện tại chúng ta hãy nỗ lực tu hành, các ngài xem thấy liền hoan hỉ. Nhất định khi lâm chung được chư Phật Bồ tát tiếp dẫn, mở đại hội hoan nghênh, vô cùng hạnh phúc.

(Còn tiếp ...)

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG

Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]