Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Thân trung ấm

24/10/201406:57(Xem: 10483)
04. Thân trung ấm

HIỆN TƯỢNG của TỬ SINH

Tác giả:  Thích Như Điển

Ấn Hành  PL. 2558 – DL. 2014
***

 

 

 

Chương Bốn

 

Thân trung ấm

 

 

a) Chuẩn bị cho việc ra đi

- chính mình

- người thân

 

b) Thời gian hơi thở lìa thể xác

                   - bản thân

                   - người thân trong gia đình

 

c) Việc tẩn liệm, ma chay

                    - tuần thất

- làm phước, bố thí, cúng dường

 

 

M

ỗi người của chúng ta,  hiện sanh ra trong cuộc đời nầy đều phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau; nhưng có tất cả 3 giai đoạn của cuộc sống. Đó là lúc đang sống gọi là thân tiền ấm. Lúc hơi thở rời khỏi thân xác cho tới 49 ngày gọi là thân trung ấm và thời gian sau đó gọi là thân hậu ấm. Vậy ấm là gì ?

Ấm nghĩa là che khuất, tối tăm. Ngày nay dịch theo kiểu mới gọi là Uẩn; cũng có nghĩa là sự tích chứa. Ấm hay uẩn nầy tích chứa các sắc pháp. Chúng gồm có 5 uẩn như: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Chữ ẤM có lẽ không thuận khi đọc tụng kinh điển; nên gọi là Uẩn cho dễ đọc chăng? Trong bài kinh Bát Nhã cũng có đoạn gọi là: „ngũ uẩn giai không“; chứ không thấy dịch là ngũ ấm giai không; nhưng nếu có dịch như vậy cũng không phải là sai, khi so với nguyên ngữ nghĩa của nó từ tiếng Sansrit là: Skadas = ngũ ấm; Skandha = ngũ uẩn.

Năm loại ấy được cấu tạo bởi thân thể của các loài động vật. Đó là:

 

1- Sắc uẩn. Nghĩa là tất cả những loại vật chất hữu hình trong thân thể của chúng ta như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay những cảnh trần bên ngoài đối lại với năm căn nầy.

2- Thọ uẩn. Chỉ cho sự tác dụng cảm thọ sự vật của tâm nầy đối với cảnh kia.

3- Tưởng uẩn. Tác dụng sự tưởng tượng sự vật của tâm đối với cảnh.

4- Hành uẩn. Tác dụng mọi hành động lành, dữ, tham, sân, si v.v…

5- Thức uẩn. Đây là bản thể hiểu biết phân biệt sự vật của tâm đối với cảnh.

 

Nếu lấy một loại hữu tình để nhận xét thì sắc pháp ấy thuộc về thân; còn thọ, tưởng, hành và thức thuộc về tâm. Trong tâm ba thứ thọ, tưởng, hành thuộc về tâm tính, mỗi thứ là một loại tác dụng đặc biệt; nên gọi là tâm sở hữu pháp; tức là pháp sở hữu của tâm vương (gọi tắt là Tâm Sở). Duy chỉ có một mình Thức là tự tính của tâm; nên gọi là tâm vương     .

Năm ấm hay năm uẩn ở đây dùng để chỉ cho các loài hữu tình có thân ở Dục giới và Sắc giới. Dục giới đều do 5 uẩn nầy mà thành. Còn các loài hữu tình không có thân ở Vô sắc giới đều từ 4 uẩn (trừ Sắc uẩn) mà thành. Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 27 nói rằng: „Sắc như bọt nước tụ lại. Thọ như bong bóng nổi phập phồng. Tưởng như hơi nước bốc lên. Hành như cây chuối. Thức như huyễn pháp. (Trích và dựa theo Từ Điển Phật Học Hán Việt trang 820).

 

Dựa theo kinh Tăng Nhất A Hàm chúng ta phân tích tỉ mỉ về thí dụ trên, thì sẽ hiểu tường tận về ngũ ấm nầy.

 

Sắc đây tức là sắc pháp. Phàm cái gì có hình tướng đều là sắc. Vì những sắc nầy có thể thấy bởi mắt, ta có thể sờ mó được. Trong kinh Kim Cang muốn phá cái sắc nầy; nên trong đoạn cuối Phật dạy rằng:

 

„Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai“

 

Nghĩa:

 

Nếu dùng hình tướng để thấy ta

Dùng âm thanh để cầu ta

Người nầy làm việc tà

Chẳng thể nào thấy Như Lai“

 

Nếu nhìn hình tướng hiện có trên thế gian như núi, sông, vũ trụ hay nhẫn đến thân thể nầy, dưới cái nhìn của người chứng đạo thì chúng chẳng khác nào những bọt nước tụ lại. Đã là bọt nước thì đâu có gì là thật. Dưới làn sương mai, bọt nước đẹp thật đó; nhưng khi ánh thái dương lên thì bọt kia lại tan thành mây khói rồi. Cho nên chư Tổ thường ví thân nầy giống như bọt nước là vậy.

 

Thọ như bong bóng nổi phập phồng. Những cảm thọ mà chúng ta có được như: vui, buồn, giận hờn, hạnh phúc, khổ đau, giàu nghèo, sang hèn v.v… tất cả những loại nầy cũng giống như chùm bong bóng nổi phập phồng trên mặt nước. Chúng có đó rồi tan đó. Thực thể của nó chỉ là sự giả tạm, không có thật tướng.

 

Tưởng giống như hơi nước kia bốc hơi lên. Chúng ta nghĩ rằng: người đối diện ấy thương mình hay ghét mình; nhưng trên thực tế chưa hẳn đã là vậy. Tất cả đều chỉ do mình tưởng tượng mà thôi. Sự tưởng tượng ấy có lúc đúng, lúc sai. Khi đúng thì mình vui, khi không đúng, tâm mình buồn bã. Thật ra sự đúng, sai do sự tưởng tượng, nó không có thực thể của nó. Chỉ là sự phán đoán mà thôi.

 

Hành tức là những việc làm. Việc làm ấy giống như bóc vỏ một cây chuối. Ban đầu chúng ta thấy có hình tướng là một cây chuối; nhưng càng bóc vỏ vào bên trong, chỉ thấy có lõi chuối. Nếu cố gắng bóc đến tận cùng, sẽ không còn một cái gì được gọi là cây chuối như lúc ban đầu nữa. Do vậy những việc làm của chúng ta; tất cả đều có tính cách đối đãi và tương đối; không có gì là tuyệt đối cả.

 

Thức như huyễn pháp mà cũng chính là tâm vương. Nếu chuyển giả nầy có thể thành chơn được thì phải qua công phu tu tập nhiều đời. Nếu không thì thức ấy vẫn là huyễn cảnh; không phải thực tướng. Tâm vương hiện ra muốn thâu nhiếp sơn hà đại địa nầy và tâm vương ấy làm chủ tất cả các phần ngũ uẩn bên trên. Theo thức ấy, tâm vẫn còn biến hiện ở sự chấp ngã và từ đó sẽ dẫn đến chỗ hay chứa, bị chứa và chấp thủ về cái ta để được yêu hay ghét. Nhưng cũng chính tâm vương nầy, nếu biết chuyển, nó cũng sẽ trở thành Như Lai Tạng hay Phật tánh vậy.

 

Như thế thành Phật là thành cái gì? Câu hỏi nghe đơn giản, mà việc trả lời nó chẳng giản đơn chút nào. Thiên đường, địa ngục cũng tâm nầy mà ra. Giải thoát, giác ngộ, đọa lạc cũng từ tâm nầy mà đến. Cho nên trong nhiều kinh sách khác nhau có đề cập đến tâm nầy rất tỉ mỉ, nhằm giúp cho hành giả gạn lọc lại những trần cấu của mình, để cho bản tâm thanh tịnh được gạn đục khơi trong và nhờ đó bản lai diện mục của con người sẽ sáng tỏ nhiều hơn.

 

a) Chuẩn bị cho việc ra đi

Người hiểu đạo thì xem việc ra đi như là một chuyện bình thường. Việc gì đến nó sẽ đến. Không chờ đợi và cũng không sợ hãi cho một chuyến ra đi vĩnh viễn như vậy. Còn những người không hiểu đạo thì sợ hãi cho một chuyến ra đi vĩnh viễn như vậy; nên đã chuẩn bị cho mình nhiều loại như:

Xây kim tỉnh, mua hòm để trước trong nhà. Những vật nầy vẫn là những vật có hình tướng. Nó sẽ bị thời gian thay đổi. Có nhiều người nghĩ là khi tuổi già mình sẽ chết tại Việt Nam; nên đã lo xây kim tỉnh và quan tài cũng đã mua trước để chờ ngày; nhưng không ngờ có một ngày phải xa quê hương và khi vô thường đến, trút hơi thở cuối cùng tại đất khách quê người. Như vậy việc xây kim tỉnh và mua sắm quan tài trước, liệu có được ích lợi gì ?

Có người lo chuẩn bị ma chay cho thật kỹ. Định mời bao nhiêu khách, giết bao nhiêu heo, bò v.v… Đây là một cái chết có tính toán mà còn làm hại đến lòng từ bi. Trong khi chưa biết sau khi chết mình sẽ sinh về đâu, mà giết hại thêm sinh mạng của những kẻ khác nữa; khiến cho nghiệp dĩ vốn đã nặng nề; nay lại càng đè thêm lên trên hai vai của người sắp ra đi.

Hoặc cũng có lắm người chuẩn bị phân chia tài sản, của cải cho con cái. Chia cái nầy cho đứa nầy; chia cái kia cho đứa kia. Nhiều khi chưa tắt hơi thở cuối cùng đã có lắm người đến đòi nợ và cũng đã có không biết bao nhiêu việc thương tâm mà báo chí đã đề cập đến. Ví dụ như cha mẹ già, con cái không chịu săn sóc hỏi han, lại chẳng muốn cha mẹ sống lâu; nên đã tìm cách giết cha hay giết mẹ để mong rằng được giành nhiều phần của cải về mình. Đây là những cảnh đã đương và xảy ra nhan nhãn hằng ngày trên thế giới nầy. Vì sao lại xảy ra nông nổi ấy?

Vì lòng tham lam, vì đố kỵ, vì muốn có mối lợi lớn v.v… nhưng tất cả những loại thuộc về sắc pháp nầy đâu có loại nào vững chắc trong thế gian mà không bị chi phối bởi thời gian và không gian? Người hiểu đạo sẽ chuẩn bị cho mình một sự ra đi nhẹ nhàng hơn. Nếu họ có tài sản, của cải cũng lo đem phân phát; nhưng không phải chỉ riêng cho con cái mình, mà cả đến những người nghèo khổ nữa. Đây chính là người biết lo và hướng dẫn con cái mình làm theo.

Về bản thân, người hiểu đạo lo sám hối, tụng kinh và niệm Phật trong những ngày còn lại ở cõi đời nầy chuyên nhất hơn, thành thục hơn và chí tín chí thành cầu sau khi mạng chung được sanh về thế giới Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà.

Trong những bản kinh căn bản của Nam Tông, chúng ta vẫn thường hay gặp những đoạn kinh sau đây, khi đọc đến như: “Ta việc sanh đã hết. Những phạm hạnh đã lập. Việc cần làm đã làm xong và ta biết rõ một điều, kiếp sau không còn tái sanh nữa”. Đây là kết quả của sự tu hành miên mật của các bậc Thánh. Các Ngài đã rõ đường đi và lối về. Còn chúng ta thì sao?

“Ta việc sanh đã hết có nghĩa là sẽ chứng quả vị A La Hán, cũng có nghĩa là Vô Sanh. Bậc Vô Sanh là bậc có trí tuệ và sự hiểu biết siêu phàm về mình cũng như về người một cách thấu đáo. Do vậy những phạm hạnh thuộc về các hành vi đạo đức, giới luật hay những phạm trù của vô ngã, vị tha đã xiển dương rành mạch. Các vị A La Hán và các vị Bồ Tát biết rõ rằng: việc nào cần phải làm và việc nào không nên làm; để cuối cùng các Ngài xác định được rằng: Ta biết chắc một điều. Điều ấy là điều không còn trở lại làm người trong kiếp sống luân hồi sanh tử nầy nữa.

Như vậy ai trong chúng ta, khi sinh ra trong đời nầy, nếu biết tu tâm, dưỡng tánh, thực hành toàn là những thiện niệm thì chắc rằng lúc sắp lâm chung sẽ không ân hận cho bất cứ một việc gì cả, mà luôn được tự tại an vui. Còn tất cả những việc như: có, không, còn, mất, được, thua v.v… chỉ là những vấn đề đối đãi thường tình trên thế gian nầy mà thôi.

Trong khi niệm Phật muốn nhất tâm phải vừa niệm và vừa quán tưởng ý nghĩa của câu Phật hiệu hay hình dáng của Đức Phật A Di Đà và Tây Phương Tam Thánh đang đứng trên hoa sen. Trên đầu Ngài có nhục kế chiếu hào quang đến tận 10 phương vô biên thế giới. Thân Ngài có 32 tướng tốt, mắt, tai, mũi, lưỡi đều trang nghiêm lạ thường. Tay phải Ngài nâng hoa sen tượng trưng cho Tứ Thánh. Tay trái Ngài duỗi thẳng xuống để cứu lục phàm. Chúng ta hình dung với cánh tay từ ái ấy, ta sẽ được Ngài nâng lên và hai bên lại có các Ngài Quan Âm và Thế Chí tiếp dẫn.

Ngoài ra khi niệm Phật, hành giả cũng nên liên tưởng đến cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Trong kinh Tiểu Bổn A Di Đà đã được diễn ra như thế nào thì chúng ta nên hình dung như vậy trong khi niệm Phật, để những niệm niệm liên tục ấy sẽ giúp cho ta không bị phân tâm khi hơi thở sắp tàn. Ta quán tưởng nơi cảnh giới Cực Lạc ấy đang có Tây Phương Tam Thánh ngự trị; nơi ấy có ao Thất bảo, có chim nói pháp, có những loài hoa sen quý nở ra nơi đó. Trên mỗi hoa sen đều có mỗi vị hóa Phật. Chúng ta cũng có thể mường tượng được rằng: chính mình là một Bổn Tôn trong những hóa Phật ấy. Có thể đới nghiệp của ta chưa vẹn toàn, nên tâm thức của ta vẫn còn nằm ở Trung phẩm. Do chúng ta làm phước, bố thí cúng dường trong đời nầy mà có được; nhưng hành giả cũng có thể quán tưởng rằng: Ta sẽ sanh về được Thượng phẩm. Có như vậy chúng ta mới giữ giới thanh tịnh và sự tin tưởng 12 bộ kinh của Đại Thừa một cách tuyệt đối được.

Tất cả việc làm xấu hay tốt trong cuộc đời nầy đều do những thói quen mà có được. Có những thói quen tạo cho ta thành kẻ hư hỏng như: đánh bạc, uống rượu, ngủ ngày v.v… nhưng cũng có nhiều thói quen đáng ca tụng và tán thán. Ví dụ như thói quen phóng sanh, cứu người, giúp đời, làm từ thiện. Tuy là những việc nhỏ; nhưng lâu ngày tích tụ sẽ được nhiều. Sự tu tập cũng như vậy. Đức Phật há chẳng dạy cho chúng ta trong 37 phẩm trợ đạo sao? Trong đó Tứ Chánh Cần cũng không kém phần quan trọng. Đó là:

 

“Việc ác chưa sanh, đừng làm cho nó sanh.

Việc ác đã sanh rồi, đừng làm cho nó sanh nữa.

Việc thiện chưa sanh, làm cho nó sanh.

Việc thiện đã sanh rồi, hãy làm cho nó sanh thêm nữa”

Như vậy cũng đủ để chứng minh cho chúng ta thấy rằng: sự tu tập bao giờ cũng cần có sự cố  gắng. Đó là sự chuẩn bị cho chính mình mà cũng là điều làm cho thân nhân của mình an tâm nữa. Nếu có người nào đó niệm Phật một cách miên mật, cũng có thể biết chắc chắn ngày ra đi của mình ít nhất là trong vòng 3 tháng. Những dấu hiệu sáng suốt mà biết ngày lâm chung là do từ việc niệm Phật mà thành tựu. Đây không là một phép lạ, mà đã có không biết bao nhiêu gương niệm Phật của người xưa đã để lại cho ta chiêm nghiệm. Nếu chúng ta thực hành, sẽ không bao giờ ra khỏi sự vãng sanh. Vì Đức Phật A Di Đà trong lời nguyện thứ 18, Ngài cũng đã có nguyện rằng:

 

Giả sử khi ta thành Phật , nếu có chúng sanh nào đó trong 10 phương vô biên quốc độ, nhớ niệm đến danh hiệu của ta một cách nhất tâm, từ 1 cho đến 10 niệm mà ta không tiếp dẫn về thế giới của ta, thì ta sẽ không ở ngôi chánh đẳng chánh giác. Ngoại trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch và nhứt xiển đề”.

 

Phân tích kỹ càng lời nguyện thứ 18 nầy theo Ngài Thân Loan Thánh Nhơn (Shinsan Shonin) giáo tổ Tịnh Độ Tông của Nhật Bản, thì Ngài cho rằng: chữ “giả sử” bây giờ không cần để tâm đến nữa. Vì đây là lời nguyện khi Đức Phật A Di Đà còn là một Pháp Tạng Tỳ Kheo. Còn bây giờ Ngài đã là Đức Phật A Di Đà, đang thuyết pháp trên cõi Tây Phương Cực Lạc. Vì thế lời nguyện ấy cũng chẳng cần phải nhứt tâm bất loạn. Vì lẽ sự vãng sanh của chúng ta là do bổn nguyện lực của Ngài, dùng lòng từ bi để tiếp dẫn chúng ta về đó và Ngài biết chắc rằng: ta muốn sanh về; nên không cần phải nhất tâm.

Đoạn cuối của lời nguyện thứ 18 nầy có nói: ngoại trừ những kẻ giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật ra máu và phá hòa hợp Tăng cũng như những người không tin vào Tam Bảo. Nhưng lời nguyện nầy ở trong quá khứ; còn hiện tại trong kinh Đại Bát Niết Bàn và kinh Quán Vô Lượng Thọ cho chúng ta thấy rằng: những người nầy vẫn được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc với hai điều kiện quan trọng là sự tàm quý, biết xấu hổ về những việc làm tội lỗi ngày xưa của mình và phải có những thiện hữu trí thức đi kèm, giúp ta tỏ ngộ.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn dạy rằng: Tất cả các pháp bất định; nên nhứt xiển đề cũng bất định. Ngày trước Nhứt xiển đề không tin; nhưng ngày nay Nhứt xiển đề thay đổi. Do vậy Nhứt xiển đề cũng có khả năng thành Phật.

Phạm trọng tội ngũ nghịch hầu như trong tất cả kinh cũng như luật đều loại trừ. Tuy nhiên, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ phần quán thứ 16 có giải thích rất rõ ràng về khả năng của những người nầy khi vãng sanh về đó. Nghĩa là trong suốt 12 tiểu kiếp như vậy, tâm thức của người được sanh mà bị phạm những tội trên, khi về đây phải ở trong “thai cung biên địa” và “nghi thành”. Suốt trong thời gian ấy không được nghe Pháp, không được thấy Phật và Thánh chúng. Chỉ một điều duy nhất là không bị sinh tử luân hồi chi phối và không còn  bị lưu chuyển trong 6 đường sinh tử nữa. Ở lại đó, tiếp tục tu hành sẽ hoán chuyển lên phẩm vị cao hơn để gặp chư vị Bồ Tát, các vị Thánh chúng cũng như ở cõi Thượng phẩm thì luôn được nghe những pháp vị nhiệm mầu từ kim khẩu của Đức Từ Phụ A Di Đà.

Đây là một pháp môn tương đối dễ hành trì trong đời mạt pháp nầy. Nếu chúng ta không chuyên tâm tu niệm thì lỡ đi một cơ hội, không biết cho đến bao giờ chúng ta mới làm thân người được như hôm nay, cho nên mỗi người trong chúng ta nên hạ thủ công phu là vừa, mà dẫu cho không may, trong đời ngũ trược ác thế nầy, chúng ta bị phạm những lỗi lầm vừa kể thì xa xa ở phía trước kia vẫn còn Đức Từ Phụ A Di Đà đứng đó chờ ta để vớt lên thuyền giải thoát, thì còn gì sung sướng bằng. Đây chính là một sự hân hoan, một việc an ủi mà trong đời nầy khó có và ít có gì có thể sánh bằng.

 

b) Thời gian hơi thở lìa thể xác

Đây là thời gian quan trọng nhất của người sắp lìa đời lẫn người thân trong gia đình. Nếu ta có chuẩn bị trước thì sẽ được lợi lạc cho cả hai. Nếu không biết tiên liệu, thì nỗi khổ nầy biết nói sao cho xiết.

 

Quyển “the Light Beyond” có nghĩa là “Ánh sáng bên kia” của các khoa học gia và Bác sĩ người Mỹ đã theo dõi hiện tượng hấp hối, lâm sàng nầy và hầu như sự thể nghiệm nào của những người chết này sau khi sống lại, họ đều kể rằng: Trạng thái lúc hơi thở lìa thể xác rất là an lạc. Tâm thức của họ hay bay bổng lên trần nhà, rồi nhìn xuống các Bác sĩ, Y tá đang mổ xẻ họ. Họ không cảm thấy đau đớn gì cả và những gì họ muốn nói, muốn chia xẻ với Bác sĩ hay Y tá, những người nầy không hiểu ý của họ. Thế rồi họ lìa xác và dạo chơi đi nhiều nẻo khác nhau. Có lối màu đen; nhưng đa phần là màu ánh sáng trắng ở cuối đường hầm. Tâm thức của họ rất sung sướng và có nhiều người đã gặp Đức Chúa cũng như họ muốn ở lại lâu hơn nữa ở cảnh giới ấy; nhưng đột nhiên họ bị đánh thức và hồn họ phải nhập trở lại vào xác để tiếp tục sống những ngày còn lại.

Đó là tất cả những gì mà các khoa học gia về y khoa đã thẩm định được. Nghĩa là đến sâu hơn tận cùng của cái chết; nhưng sau đó là gì nữa thì các nghiên cứu nầy chưa được trình bày.

Ở đây chúng ta có thể căn cứ theo kinh Phật và dựa theo những điều của khoa học vừa tìm tòi để luận bàn, thì việc hành trì, tu học để được giải thoát sanh tử một cách tự nhiên như nó thì tốt đẹp biết là dường bao!

Đa phần trong những kinh sách của Phật giáo khuyên chúng ta rằng: “Không nên quyến luyến, khóc lóc, bi lụy, kêu gào. Vì lẽ người chết khó mà siêu thoát”. Qua những chứng minh của khoa học bên trên. Điều nầy hẳn đúng. Vì lẽ lúc ấy tâm thức của người chết đang vui, tại sao thân nhân lại gieo nỗi buồn vào tâm họ ? Do vậy theo lời khuyên của Phật Giáo Tây Tạng: “Chúng ta nên kể những chuyện vui và những kỷ niệm đáng nhớ trong đời để cho người sắp chết được vui lây; chứ không nên kể chuyện buồn phiền và nhất là những người ít ưa thích thì không nên có mặt vào thời điểm nầy, khiến cho tâm thức của người mất dễ bị đọa lạc vào cõi xấu xa hơn. Thay vào đó, những người còn sống nên trợ niệm cho họ bằng câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật càng tha thiết chừng nào thì càng tốt chừng ấy”.

Những điểm ánh sáng ở phía sau đường hầm chứng tỏ cho ta thấy rằng: với những người có tâm thức sắp được giải thoát, họ liền nương vào ánh sáng để đi lên. Còn những người phải đọa vào chốn khổ hơn thì họ sẽ theo màu đen để đi xuống. Đó là một định luật hiển nhiên đã có trước. Đến đây chúng ta cũng có thể liên tưởng đến câu chuyện “Nhị hà bạch lộ” mà Tổ Thiện Đạo của Trung Hoa đã chứng minh và Ngài Thân Loan Thánh Nhơn đã lặp lại trong quyển “Tịnh Độ Tông Nhật Bản” chúng ta thấy không khác nhau mấy về những điều mà ngày nay khoa học đã khám phá ra.

Ngài cho rằng: Khi tâm thức của người mất lìa khỏi thể xác thì sẽ trực tiếp gặp hai dòng sông. Một dòng sông màu đen và một dòng sông màu trắng. Dọc theo dòng sông màu đen ấy có rất nhiều sự cám dỗ. Dọc theo dòng sông màu trắng ấy, xa xa phía trước có Đức Phật A Di Đà và các vị Thánh Chúng đang đứng đó để chờ đợi chúng ta. Chỉ cần người sắp ra đi tâm an, niệm chánh và được sự trợ niệm vãng sanh của người thân hay các thiện hữu trí thức thì tâm thức ấy sẽ được lên thuyền Bát Nhã để được chở về bến giác Lạc Bang. Đó là sự thật qua sự chứng minh của khoa học ngày nay và tư tưởng Tịnh Độ của những bậc Đại Sư ngày trước đã giới thiệu qua nhiều kinh sách khác nhau.

Khi tôi đang viết đến đoạn nầy thì được hay tin là: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh vừa viên tịch tại Việt Nam vào lúc 9 giờ 15 phút sáng ngày 28 tháng 3 năm 2014 nhằm ngày 28 tháng 2 năm Giáp Ngọ. Ngài thọ thế 98 tuổi đời và 69 Tăng lạp. Đây là một vị Hòa Thượng của Phật Giáo Việt Nam đã có công rất lớn trong việc phiên dịch kinh điển từ chữ Hán sang tiếng Việt, như các kinh: Địa Tạng, Bát Nhã, Bảo Tích, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết Bàn v.v… bộ nào bộ nấy có cả ngàn trang. Công đức của Ngài thật là không nhỏ. Đặc biệt Ngài tu theo pháp môn Tịnh Độ là lấy pháp môn niệm Phật trì danh làm đầu qua sự phát tâm tín, hạnh, nguyện như Ngài Ấn Quang Đại Sư ở Trung Quốc đã hành trì. Tôi tin rằng Ngài đã vãng sanh ngay từ lúc Ngài vừa tắt hơi thở sáng nay. Vì suốt cả thời gian những ngày còn lại trong đời Ngài, Ngài chỉ chuyên tâm niệm một câu Phật hiệu A Di Đà và nơi Thượng phẩm Thượng sanh đã có sẵn hoa sen báu đón chào Hòa Thượng rồi.

 

Một cuộc đời tu đạo và hành đạo như thế; nhưng chưa bao giờ Ngài lơ là trong câu niệm Phật. Bất cứ ở đâu và giờ phút nào, trong tâm Ngài cũng luôn hiện hữu hình ảnh của Đức Phật A Di Đà. Mong rằng Ngài sẽ được như nguyện và bao nhiêu người đọc kinh sách của Ngài dịch cũng sẽ được lợi lạc nhiều hơn. Vì lẽ những công đức pháp thí ấy đã được hành trì một cách trọn vẹn. Nơi trời Tây nầy chúng con chỉ biết thầm niệm “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật” để cầu cho Ngài nhẹ gót về Tây và ở nơi đó, Ngài còn có nhiều cơ hội để hóa độ cho các chúng sanh khác nữa.

 

Riêng với những người phạm giới trọng mà có ăn năng sám hối thì khi lâm chung vẫn được chứng quả Dự Lưu thì nơi Đức Phật còn tại thế đã có 2 mẩu chuyện tiêu biểu của chàng Vô Não và Vua A Xà Thế như thế.

Vô Não cố tâm hại Phật; nhưng Đức Phật muốn hóa độ cho người nầy; nên đã hiện ra, để Vô Não khỏi giết mẹ mình. Chỉ một câu nói của Đức Phật mà Vô Não đã tỉnh ngộ. Sau khi Vô Não chạy theo không kịp, trong khi Đức Phật vẫn đi và Vô Não bảo:

- Nầy Cồ Đàm! Ông hãy dừng lại.

- Chính ngươi mới là kẻ nên dừng lại. Còn Như Lai đã dừng lại từ lâu rồi.

Khi Vô Não nghe được câu nói nầy từ kim khẩu của Đức Phật thì liền buông dao xuống và xin quy y đầu Phật. Chính lúc ấy là lúc Vô Não sám hối ăn năng tội lỗi của mình và ông đã được đức Phật độ cho xuất gia và dự vào hàng Thánh Chúng.

Chuyện khác được kể rằng: Sau khi vua A Xà Thế giam cha mình là vua Tần Bà Sa La vào ngục thất nhiều ngày tháng; nhưng vua cha vẫn khỏe mạnh bình thường. Vì có bà Vi Đề Hy vẫn thường hay tiếp tế thức ăn qua thân thể của mình, A Xà Thế lấy làm giận dữ và đòi giết cha mình ngay. Hoàng hậu Vy Đề Hy nghe vậy mới kể lại chuyện xưa cho A Xà Thế nghe rằng:

“Ngày xưa cha con cũng thương con lắm chứ! Lúc nhỏ con bị mụt ghẻ mọc đầy mình. Miệng ghẻ nào cũng làm mủ. Cha con sợ con đau nhức; nên mới dùng miệng của mình để hút hết tất cả những nọc độc ấy và nuốt vào người. Nếu không làm như vậy thì ngày nay con đâu có thể còn sống mà giết cha để cướp ngôi”.

Khi nghe được câu chuyện nầy A Xà Thế rất hối hận và bảo: “Quân bây đâu! Hãy thả Phụ Vương ta ra ngay”. Chính sự hối hận ầy A Xà Thế trở thành bậc Thánh và vua cha Tần Bà Sa La ngay lúc đó cũng đã băng hà và dự vào Thánh quả Dự Lưu. Vì lâu nay Phụ vương của A Xà Thế thường hay tu pháp Bát Quan Trai giới để thân được an và tâm được tịnh. Pháp tu giữ giới trong 24 giờ đồng hồ trong một ngày một đêm do chính Đức Phật dạy cho vua Tần Bà Sa La thực hiện và ngày nay người Phật tử tại gia vẫn còn hành trì miên mật khi có cơ duyên tu tập tại nhà hay tại chùa.

Còn đối với những người tại gia cũng như xuất gia phạm những giới như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì sao?

Những người liên hệ với nghiệp sát như: giết heo, bò, trâu, gà, vịt, rắn, cá v.v… để mưu sinh thì hiện đời giảm tuổi thọ. Đời sau sinh ra làm người chắc chắn sẽ bị nhiều bịnh hoạn liên hệ với thân và thường hay có tuổi thọ ngắn ngủi hơn người thường. Nhiều người làm nghề đồ tể trước khi chết hay kêu la thảm thiết; nhiều khi rống lên những tiếng oái oăm như heo, bò trước khi bị chọc tiết. Người nhà không biết làm sao, phải đem con dao và chậu hứng máu huyết lại để cho chính người đó thổ huyết ra, rồi mới chịu chết. Cả một đời giết hại không biết bao nhiêu là sinh vật để mưu sinh, đến giờ phút lâm chung, thường là chịu những quả báo nhãn tiền như vậy. Cho nên người xưa cũng thường hay nói:

“Ngày xưa trả báo thì chầy

Ngày nay quả báo ở ngay nhãn tiền”

 

Có nhiều loại báo khác nhau như: quả báo ngay trong đời nầy, quả báo qua đời khác và có nhiều loại quả báo nằm liên tiếp theo trong những đời sau nữa. Đó là: hiện báo, dư báo và dị thục báo. Có nhiều người làm ác; nhưng quả xấu chưa đến, cứ tưởng là đã lọt sổ. Tuy nhiên vì dư báo đời trước còn thừa; nên trong hiện tại dẫu cho có làm ác, quả lành đời trước vẫn còn; nên trong hiện tại vẫn được an vui giàu có. Ngược lại khi dư báo thiện đã hết, thì ác báo quả dị thục ở nhiều đời sau sẽ kéo đến bủa vây. Thông thường những người làm những nghề nầy ít tin vào nhân quả, tội phước báo ứng; nên mới làm ăn, buôn bán với những nghề như vậy.

 

Trộm cướp không phải là một nghề; nhưng nếu ai đã lỡ sa vào con đường tội lỗi nầy mà chẳng ăn năng chừa bỏ thì kiếp nầy hay kiếp sau luôn thiếu thốn, đói nghèo. Cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Hoặc có làm ra được của cải thì cũng bị nước trôi, nhà cháy v.v… kết cuộc thì nghèo khổ vẫn hoàn lại nghèo khổ.

 

Người tại gia phạm vào giới tà dâm; người xuất gia phạm vào 4 giới trọng; nếu không ăn năng sám hối thì tội lỗi vẫn là tội lỗi, không thể sạch được. Nếu người xuất gia và cả người tại gia có tâm tàm quý, sám hối tội lỗi xưa của mình, đồng thời cũng có những thiện hữu trí thức của mình giúp cho mình tỉnh  ngộ, thì chính nhờ cả hai việc nầy mà theo kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng: “Ít nhất cũng có thể vãng sanh về Tây Phương, nằm ở thai cung biên địa và nghi thành thuộc Hạ phẩm thượng sanh và Hạ phẩm trung sanh. Ngược lại, nếu những người phạm vào lỗi nầy mà không có ai chỉ bảo hay hối tâm thì nghiệp cảnh đài tiền sẽ ghi rõ những tội phước để gia hình khi thân trung ấm của người ấy trải qua giai đoạn phải lãnh lấy nghiệp báo.

 

Nói dối và uống rượu cũng vậy. Người nói những lời không thật, làm cho ân ái chia lìa; không có ai tin tưởng lẫn nhau và đời sau khi sinh ra làm người sẽ bị câm, ngọng, điếc, đui, trí nhớ tàn lụi. Do vì hay dối trá và dùng những chất say. Nếu trước khi lâm chung, chính cá nhân người ấy biết hối cải và có người làm phước, bố thí, cúng dường thì tội ấy sẽ nhẹ hơn. Ngược lại chẳng ai đoái hoài đến để lo toan những việc cần làm như vậy thì người sắp lâm chung sẽ chịu những hình phạt nặng nề ở cõi nầy hay cõi khác khi được tái sanh.

 

Vậy tự lực là gì và tha lực sẽ giúp cho chính ta hay người thân trong những trường hợp ở trên như thế nào?

Tự là chính mình. Lực là năng lực, là sức mạnh tự thân. Ví như người học trò đi học thì việc đầu tiên là phải học bài, hiểu rõ những lời giảng của ông Thầy. Thầy giáo chỉ đóng vai hướng đạo, giúp đỡ, chỉ bày. Còn học trò phải hạ thủ công phu, quyết tâm học tập thì khi đi thi hơn 80% đậu cao là cái chắc. Còn hên xui, may rủi hay thông minh chỉ chiếm chỉ số 20% còn lại mà thôi.

Vậy thì tha lực như thế nào?

Tha tức là bên ngoài. Sức mạnh ở bên ngoài. Sức mạnh ấy vẫn tồn tại qua sự thệ nguyện của chư Phật, các vị Bồ Tát và các bậc Thánh Nhơn. Người thường vẫn thực hiện được; nhưng tự lực còn mỏng manh, làm sao tha lực mạnh mẽ được. Trong khi việc tự cứu mình còn chưa xong, làm sao đi cứu người khác được?

Ví dụ như một hạt cát thật nhỏ, ta bỏ vào nước, cát ấy sẽ chìm. Nếu một tảng đá thật lớn, chở trên một chiếc thuyền to, thì tảng đá kia sẽ nổi. Tội lỗi nhỏ và lớn tượng trưng cho hạt cát và tảng đá. Nếu tự mình thì không thể nổi, phải nương vào một lực khác to lớn hơn; lúc ấy mới có khả năng cứu vớt được.

Một thí dụ khác để làm rõ về tha lực nầy.Ví dụ như một người biết bơi, có khả năng bơi qua sông, biển độ một tiếng đồng hồ; nhưng sau đó mệt nhừ người. Nếu lúc ấy có một tấm ván trôi giạt đâu gần đó để người bơi có thể tựa vào thì cơn mệt nhọc kia vơi dần và khỏi bị chìm xuống nước. Tha lực có nghĩa là điểm tựa và một điều quan trọng ở đây chúng ta cần hiểu rõ là: Đức Phật A Di Đà với lời thệ nguyện cao cả muốn giang hai tay ra để cứu vớt chúng sanh về cõi Cực Lạc của mình. Nguyện đó là chiếc thuyền, là tấm ván. Những loại nầy có công năng chở những vật thể kia qua bên kia bờ. Khi đến được bến bờ rồi thì nhiệm vụ không còn phải chuyên chở nữa và tội lỗi như hạt cát hay hòn đá kia, con người phải tiến tu đạo nghiệp để tự mình, làm cho nó nhỏ dần, rồi mất hẳn đi; chứ không phải Đức Phật A Di Đà thay thế hoàn toàn vào khả năng ấy. Dĩ nhiên với một bậc Đại  Giác, các Ngài đều có đầy đủ quyền năng; nhưng chúng ta phải tự thực hiện những việc nầy; chứ các Ngài không thay thế cho chúng ta được.

Trong kinh Pháp Hoa cũng có dạy như vậy. Khi thấy các con đang bị ở trong nhà lửa, người cha đau xót, muốn lao vào để cứu; nhưng người cha không vào, mà chỉ dùng phương tiện, để dụ dỗ các con mình phải tự chạy ra ngoài. Trước cha hứa cho con ba xe; nhưng khi ra khỏi nhà lửa rồi, người cha chỉ cho một xe. Đó là Nhất Thừa chứ không phải Tam Thừa như đã hứa. Thế mà người cha vẫn không phạm vào lỗi nói dối. Chỉ vì muốn cho con cái của mình sanh vào chỗ cao quý hơn.

Ở đây chúng ta thấy có cả tự lực và tha lực đi kèm nhau. Tự lực ấy là các con tự chạy ra. Còn tha lực tức là người cha dùng sự dụ dỗ để cho con thoát khổ được an lạc. Cả hai đều không có lỗi, mà nhờ đó các con khỏi bị chết cháy trong biển lửa của cuộc đời.

 

c) Việc tẩn liệm, ma chay

Việc đầu tiên sau khi thân nhân của mình ra đi là điện thoại về chùa để nhờ quý Thầy và quý Phật tử đến hộ niệm, ít nhất là 8 tiếng đồng hồ; nếu nhiều hơn càng tốt. Tối đa có thể là 24 tiếng đồng hồ. Đồng thời nhờ quý Thầy xem ngày liệm, ngày đưa tang hay ngày thiêu.

Trong kinh Bát Dương có nói rằng: „Sanh hữu hạn, tử bất kỳ“. Nghĩa là khi sanh con, người mẹ có thể rõ biết khi nào, con chuẩn bị ra đời; nhưng khi chết, đâu có ai có thể biết ngày tốt để chết được. Cái chết có thể đến bất kỳ vào lúc nào. Vậy chúng ta phải xem ngày để làm gì ?

Xem ngày tốt xấu thật ra là cho người còn sống để an tâm hơn; chứ không phải xem cho người chết. Vì người chết rồi, có thể đi đầu thai ở nơi khác, thì họ cần phải xem ngày chôn cất để làm gì? Thế nhưng không làm thì không được. Vì người còn sống muốn thế để được an lòng.

Thông thường người ta vẫn nói rằng: „ma chê, cưới trách“. Nếu con nhà giàu mà khi cha mẹ chết, đám tang làm bình thường quá; không nói lên được tất cả những hiếu sự của người xưa, thì họ sẽ chê, tại sao như thế nầy hay như thế nọ. Quả thật trên đời nầy, biết ở sao cho vừa lòng người. „Ở  rộng người cười, ở hẹp người chê. To chê béo, thấp chê lùn. Béo sao béo trục, béo tròn. Gầy sao xương sống xương sườn hao ra“. Thật là thiên nan vạn nan. Đó là thế gian pháp. Còn Phật Pháp thì sao?

Sau khi thỉnh vấn quý Thầy, quý Thầy dạy như thế nào về nhập liệm, đưa đám, tuần thất v.v… thì nên làm theo như vậy để báo hiếu cho mẹ cha hay người đã khuất. Thứ nhất, quý Thầy có nhiều kinh nghiệm trong việc ma chay. Thứ hai, nếu có sự chỉ bảo cho thân nhân của người mất, cốt chỉ làm lợi lạc cho cả âm dương hai ngã; người sống cũng như kẻ chết, chứ không bị lâm vào cảnh mê tín dị đoan; tiền mất mà tật còn mang vào người. Kết cuộc rồi sau một lễ tang sẽ không có ý nghĩa gì cả, mà con cái lại buồn phiền nhau; nếu không được hướng dẫn rõ ràng khi một tang lễ sắp được tổ chức tại nhà hay tại chùa.

Quý Thầy sẽ xem ngày giờ theo lịch đã có sẵn và tuổi tác của người thân trong gia đình cũng như của người mất. Có gì không hiểu thì những người thân đi thỉnh Thầy phải hỏi rõ. Ví dụ như việc tang chế muốn để theo cách  nào? Sau khi liệm thì thiêu hay chôn và chôn ở đâu v.v… Đây là những vấn đề rất cần thiết và rất tế nhị, cần phải thông qua tất cả những thành viên trong gia đình. Sau khi chấp thuận, mới liên lạc với nhà quàn để chuẩn bị cho một tang lễ thật có ý nghĩa.

Thông thường ở Đức ngày nay ngoài việc thổ táng chôn cả quan tài người mất còn có thể hỏa táng và việc hỏa táng có những điểm như sau:

Sau khi hỏa táng có thể gởi về Việt Nam hay gởi đi đâu tùy ý; nhưng bắt buộc nơi nhận cốt kia phải có giấy tờ hợp lệ gởi qua Đức và được dịch ra Đức ngữ, sau đó nhà quàn tự chuyển cốt của thân nhân thẳng đến địa chỉ của những nơi đã có sẵn. Nhiều khi thân nhân cũng có thể mang theo đi cùng; nhưng trường hợp nầy rất ít xảy ra tại Đức. Điều đặc biệt là không được để cốt của thân nhân của mình tại nhà. Vì đây là luật của xứ Đức. Riêng chùa Viên Giác tại Hannover chỉ được để cốt của thân nhân đến 49 ngày, sau đó phải mang ra chôn tại nghĩa địa của chùa.

Cách khác là xin giấy xuất cảnh cốt ấy và mang sang Ấn Độ để rải trên sông Hằng hay sông Ni Liên hoặc trên núi Linh Thứu.

Cách tiếp theo là nói với nhà quàn là sau khi thiêu sẽ làm lễ thủy tán. Tại Đức có 3 nơi được phép rải cốt. Đó là biển ở Kiel, biển ở Wilhelmshaven và ở Puttgarten. Tất cả đều tùy thuộc vào tang chủ và mùa mưa nắng của những biển nầy.

Ngày nay ở Đức có một cách táng khác. Đó là chôn trong rừng; nhưng không được làm mồ mả, mà thân nhân người mất chọn những gốc cây lớn rồi chôn vào đó. Có thể một thời gian sau, không còn ai có thể biết đến người mất chôn ở gốc cây nào nữa. Vì gốc cây ấy cũng sẽ già chết và người sau đến thì không có dấu vết gì để biết rằng: người thân của mình đã được chôn ở nơi đó.

Việc liệm xác bên này tương đối đơn giản hơn ở Việt Nam chúng ta. Sau khi đem về nhà quàn, các nhân viên tại đó họ tắm rửa sạch sẽ, đoạn mặc đồ cho người mất theo như ý của gia đình muốn. Tiếp đó họ đem để vào quan tài mà gia đình đã chọn sẵn. Kế tiếp xác ấy sẽ được để trong phòng lạnh, chờ cho đến khi nào làm lễ nhập liệm chính thức, nhà quàn mới đậy nắp quan lại. Có nơi vì đường sá xa xôi, chư Tăng Ni không đến các địa phương nhiều lần được; nên lễ xem mặt cuối cùng trước khi đem đi chôn hay thiêu, cũng là lễ nhập liệm luôn. Sau lễ nhập liệm là lễ phát tang, cúng vong và đi điếu. Ở Việt Nam những lễ nghi nầy cử hành trong nhiều ngày khác nhau; nhưng tại những xã hội Âu Mỹ nầy người ta không có nhiều thời gian; nên tất cả đều được cử hành chung trong một lễ từ 1 cho đến  2 tiếng đồng hồ như vậy. Sau khi làm lễ tại lễ đường; nếu xác ấy sẽ thiêu, thì xe tang sẽ chở xác ấy đi đến nơi hỏa táng. Thông thường thân nhân không được biết là thiêu ngày nào. Vì lò thiêu ở đây họ ít cho thân nhân có mặt lúc đốt xác, giống như trường hợp ở Nhật hay Việt Nam chúng ta. Đến đó đa phần phải đợi chờ theo thứ tự để thiêu. Lò thiêu ở Đức thường chỉ có cho vào đó từng một quan tài và sau 1 hay 2 tiếng đồng hồ mới đốt xác khác. Ở đây họ đốt bằng điện, rất vệ sinh; nhưng ít tiện nghi và nhanh chóng như ở Nhật Bản. Tại Nhật mỗi lò thiêu có cả hằng 100 chỗ thiêu xác như thế. Khi quan tài được chở đến chỗ thiêu thì chư Tăng Ni đứng phía trước để tụng kinh siêu độ, trong khi xác vẫn được thiêu. Sau 1 tiếng đồng hồ nhân viên nhà hỏa táng mang ra một khay xương đủ loại, thân nhân tự tay mình gắp những mảnh xương đã được thiêu xong đó bỏ vào hũ và cuối cùng mang về chùa để làm lễ. Sau thời gian để trong chùa 1 hay 2 năm thì đem ra nghĩa địa trong vườn chùa của gia đình đã có sẵn, an trí vào đó. Đó là phong tục của Nhật Bản; còn của Việt Nam và của Đức lại khác nhau nhiều hơn nữa.

 

Nếu là chôn cất luôn cả quan tài thì sau khi làm lễ tại chỗ nhà lễ bái xong,có 4 hay 8 nhân viên nghĩa địa cho quan tài lên xe và đẩy từ từ đi sau quý Thầy; trong khi đó 3 hồi chuông Thánh đường vang lên để tiễn đưa người quá cố. Đặc biệt tang lễ tại Đức không diễn ra rình rang ở ngoài đường phố như tại Việt Nam, mà chỉ cử hành đơn giản tại nghĩa trang hay tại nhà quàn. Họ không phô trương như Việt Nam mình vốn có như xưa nay, mà người chết, dầu đó là ông hay bà gì đi nữa. Tất cả cũng đều chỉ được làm lễ từ 1 đến 2 tiêng đồng hồ là cùng.

Khi đến huyệt mộ, các nhân viên nghĩa địa cho hạ quan tài xuống; trong khi chư Tăng Ni tụng Đại Bi, Thập Chú và thân nhân rải hoa và bỏ đất xuống huyệt mộ để tiễn đưa lần cuối và cắm nhang ở phía trước mộ để tưởng niệm người đã ra đi. Sau khi nghi lễ chấm dứt, các  nhân viên nghĩa địa mới lấp huyệt mộ lại; còn thân nhân đi ra tiệm để đãi khách cơm trưa hoặc uống trà, cà-phê. Một số khác về lại nhà để làm lễ trí linh.

Đây là một lễ tống táng bình thường cho bao nhiêu người tại xứ Đức nầy; ngoài ra cũng có một số lễ nghi đặc biệt cho những trường hợp đặc biệt khác, phải xin phép riêng; nhưng rất hiếm khi gặp.

Sau ngày chôn cất hay hỏa thiêu là ngày tuần thất. Thông thường trong một tuần lễ cũng đã có thể cử hành nghi lễ nầy rồi; nhưng đôi khi có nhiều người chết quá; nên phải chờ đám nầy xong rồi mới đến được đám khác; cho nên có khi cũng kéo dài đến 10 ngày hay 2 tuần lễ. Hoặc giả có những người tự tử hay mất tích thì thời gian chôn cất hay thiêu xác phải cần giảo nghiệm của pháp y; nên gia chủ bắt buộc phải chờ đợi, sau đó mới có thể cử hành những lễ nghi như gia đình mong muốn.

Nhưng tại sao phải là con số 7 cho mỗi tuần và kéo dài trong 7 lần như vậy.

Đây là con số linh thiêng trong Phật Giáo. Hầu như cái gì có liên quan đến số 7, đều trở nên quan trọng. Ví dụ như Đức Phật giảng trong kinh Đại Bảo Tích phẩm thứ 40 về việc nhập thai của các chúng sanh cũng căn cứ theo con số 7. Cứ mỗi tuần 7 ngày như vậy là thai nhi phát triển như thế nào, cho đến tuần thứ 38 của 7 ngày ấy là thai nhi sẽ hạ sanh. Trong kinh nầy Đức Phật chỉ dạy rất rõ ràng về việc gá thai của một tâm thức (sẽ đề cập thêm việc nầy ở những chương sau).

Thông thường nếu người chết ngày thứ hai thì mỗi chủ nhật cúng một thất. Vì sao vậy? Vì cúng ngày mà tâm thức của hương linh còn sống thì hương linh có thể hưởng được nhiều phước báu hơn. Cứ 7 ngày, nếu hương linh ấy chưa đi đầu thai được, thì phải chết và tìm cách đầu thai trong tuần lễ kế tiếp. Như vậy sự cúng kiếng cầu nguyện, tụng kinh rất quan trọng cho những tâm thức như vậy để dễ dàng đi đầu thai.

Nếu là tâm thức hoàn toàn thiện lương thì sau khi hơi thở lìa khỏi xác, tâm thức ấy thẳng tiến về các cõi chư Thiên đã định sẵn, do những việc làm phước đức của mình đã có ở đời trước mà được hình thành. Nếu là tâm thức của những người được vãng sanh, thì họ không có quay trở lại dương thế nữa.

Nếu là tâm thức của những kẻ phải đọa vào trong 3 đường dữ, thì lập tức ngay lúc ấy; lúc mà tâm thức vừa lìa khỏi xác, thì Ngưu đầu Mã diện sẽ hiện ra để dẫn hồn kẻ làm ác vào các cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh (việc nầy có thể đọc tụng trong kinh Địa Tạng để rõ thêm về các cảnh giới địa ngục).

Nếu cho đến 49 ngày mà vẫn không đi đầu thai được, thì tâm thức của người mất ấy không còn gọi là Thân trung ấm nữa, mà đã trở thành các loại ma, như ma ba tuần, ma ác, dân ma v.v… (sẽ đề cập những vấn đề nầy ở phần sau). Như vậy chết không phải là hết, mà chết chỉ mới là bắt đầu một cuộc sống mới khác mà thôi.

Đến chung thất đa phần các gia đình đều cúng lớn hơn các thất kia. Có thêm phần xả tang cho một vài người nào đó trong gia đình và cũng có thể cúng dường trai tăng, đồng thời cũng có lễ phóng sanh, làm phước, bố thí giúp đỡ cho những người nghèo khó v.v…

 

Cúng dường là một hạnh nên làm. Vì ta có cho đi thì mới thấy được hạnh bố thí là cần thiết. Nếu ai trong chúng ta cũng bo bo giữ mãi mãi tài sản, của cải cho mình thì phước báu làm sao có thể sanh thêm được. Việc cúng dường nầy trong kinh Phật gọi là: „Đẳng tam luân không tịch“. Nghĩa là: „Ba việc thanh tịnh không có sự đối đãi“. Đó là:

Người cúng dường thanh tịnh, không tính toán. Tùy theo khả năng của mình mà dâng cúng của cải, tài sản lên chư Tăng và Tam Bảo.

Người nhận của cúng dường thanh tịnh; nghĩa là chư Tăng tham dự lễ cúng dường phải có ý nghĩ thanh tịnh về những vật được cúng, không có ý mong cầu nhận được của cúng dường ấy.

Cuối cùng là của đem dâng cúng dường thanh tịnh. Nghĩa là vật cúng dầu cho nhỏ hay lớn cũng không phải là vấn đề quan trọng. Cốt sao cho vật kia thể hiện được tấm lòng của gia chủ trong vìệc cúng dường tứ vật dụng lên chư Tăng Ni như: thuốc men, đồ ăn uống, đồ mặc và chỗ ở. Ngày nay còn có thêm phần tịnh tài để chư Tăng Ni có phương tiện di chuyển đó đây.

Đây được gọi là 3 việc thanh tịnh. Nếu thiếu một trong ba hay hai trong ba, công đức vẫn còn cả hai bên. Nếu cúng dường mà cả 3 ý nghĩa trên đều không có thì không còn gọi là: „Đẳng tam luân không tịch“ nữa.

 

Giúp người nghèo cũng là giúp cho chính mình và giúp cho các hương linh sớm đi đầu thai (công đức nầy trong kinh Địa Tạng có nói rõ). Người sống cũng như người chết đều được hưởng phước lây. Theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng họ còn tin tưởng rằng: sở dĩ những người chết đi và sống lại được là nhờ gia đình tạo ra phước báu cúng dường nầy. Lẽ ra người ấy đã phải chết; nhưng nhờ việc cúng bái, cầu nguyện của thân nhân trên dương thế quá thiết tha; nên Diêm Vương đã cho trở về lại nhân gian và sống thêm một thời gian nữa, sau đó mới tiếp tục chết. Nếu trong thời gian nầy người được sống trở lại ấy biết được những việc phước đức cần phải tu và phải thực hiện, thì đến giờ phút lâm chung, chính họ sẽ được sanh về ở một cảnh giới cao hơn.

 

Như vậy người đi bố thí phải cảm ơn người nhận của bố thí mới phải. Vì lẽ nếu không có người đi xin thì làm sao mình có cơ hội để thực hiện được lòng từ bi. Chính người đi xin hay người được cúng dường đã giúp cho người bố thí hay cúng dường có một cái nhìn thông thoáng hơn giữa người cho, kẻ nhận và vật được đem ra cho; nhất là trong trường hợp nầy vật cho ấy nhằm hồi hướng đến hương linh đang trong thời kỳ Thân trung ấm lại đóng một vai trò quan trọng vô cùng.

 

Phóng sanh cũng là một hành động thiện. Vì con vật nào cũng ham sống, sợ chết như chúng ta. Nếu lỡ mà bị bắt và không có người phóng sanh, thì chúng sẽ bị hy sinh vào chảo dầu hay nồi nước sôi. Nếu có gia chủ nào đó phát tâm phóng sanh nhân các ngày tuần thất, thì chính những con vật ấy cũng sẽ thầm cảm ơn người đã cứu mạng sống cho chúng và kẻ chết trong gia đình ấy cũng được hưởng lây qua hành động phóng sanh của thân nhân mình trên cõi nhân gian nầy.

 

Chương nầy là một chương tương đối rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Chúng ta nên đọc kỹ để lo hậu sự cho mình hay cho người thân của mình để đỡ lúng túng khi ra đi hay giúp người khác ra đi, để một mai khi đăng cáo phó và cảm tạ, không nhất thiết phải đăng câu: „Trong lúc tang gia bối rối…“. Tại sao lại bối rối? – Vì lẽ không chuẩn bị kỹ càng trước mà thôi. Ở đây chúng ta đã và sẽ sẵn sàng chấp nhận một sự thật hiển nhiên của Thân trung ấm như vậy thì chúng ta chẳng có việc gì đáng buồn, mà chỉ còn biết chờ đợi sẵn sàng việc tử sanh ấy khi nào trở lại nữa mà thôi.

 

 

Viết xong Chương ba và Chương bốn nầy ngày 29 tháng 3 năm 2014 tại chùa Đôn Hậu, Trondheim – Na Uy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]