Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

27. Trở lại chùa Viên Giác

14/04/201412:36(Xem: 6329)
27. Trở lại chùa Viên Giác
blank


Trở lại chùa Viên Giác

blankTôi trở lại Viên Giác lần nữa. Trường trung học Duy Xuyên cũng vừa di chuyển xuống Hội An và tạm thời đặt tại đình Cẩm Phô, cách chùa Viên Giác một đoạn đường ngắn. Tôi không có một người thân quen hay bà con nào ở Hội An nên dù thích hay không tôi cũng phải đến chùa Viên Giác. Tương tự như lần trước, tôi vào đảnh lễ thầy trụ trì, trình bày lý do tôi trở lại Hội An và xin thầy ở lại chùa cho đến khi học hết bậc trung học. Và một lần nữa thầy trụ trì Thích Long Trí không nói gì nhiều, chỉ gật đầu.

Không giống như những lần ghé lại trước đây, lần nầy tôi biết mình sẽ ở lại Viên Giác rất lâu. Mỗi ngày tôi sẽ đi bộ đến trường, không còn phải bận tâm với chuyện di chuyển như thời còn ở Vĩnh Điện. Đêm đầu tiên nằm trên chiếc giường gỗ nhỏ tôi thật không ngờ điều cha tôi trăn trối lại trở thành sự thật.


Tám tháng trôi qua rồi, chắc cha tôi không còn trên cõi đời này nữa. Dù ở nơi nào trong ba ngàn thế giới, tôi tin cha tôi biết và rất vui khi biết tôi đã đến đúng nơi cha tôi dặn dò trong đêm vĩnh biệt. Câu nói “Ăn Tết xong con xuống Viên Giác ở với thầy Long Trí”vẫn còn nghe văng vẳng trong đầu tôi

Ngoại trừ bà Chín đã chết, tôi gặp lại hầu hết những người có mặt tại chùa khi tôi ra đi mấy tháng trước. Các anh chị học sinh lớn tuổi vẫn còn ở đó. Họ lại niềm nở đón nhận tôi. Trong số học sinh ở chùa Viên Giác, anh Sáu là người thương tôi nhất. Ngoài anh Sáu, còn có anh Hùng và hai em Nhiêu, Hoàng nhỏ hơn tôi vài tuổi và vào chùa sau tôi vài năm. Tôi vẫn nhớ có lần chúng tôi làm phật lòng thầy trụ trì, thầy ra lịnh đuổi hết đám học sinh chúng tôi đi. Anh Sáu lên đảnh lễ thầy xin được tình nguyện ra đi trước nhưng khẩn khoản xin thầy cho tôi ở lại vì tôi còn nhỏ, không thể tự bươn chải trong cuộc đời. Tình cảm của anh dành cho tôi đã làm thầy cảm động và thay đổi ý định đuổi chúng tôi đi.

Đám nam học sinh chúng tôi ở chung một phòng. Công việc trong chùa vừa được chia theo tuổi tác và cũng ít nhiều phân biệt theo đạo hay đời. Các bác lớn tuổi được miễn làm các công việc hàng ngày của chùa. Các chú đã thọ Sa Di cũng không phải làm việc nặng để có thời gian tập trung tu học. Các chú không đi học và học sinh lớn tuổi làm nhiều việc nặng hơn. Tôi nhỏ tuổi và ốm yếu nhất nên được chia công việc nhẹ. Những việc nhẹ trong chùa gồm đánh chuông khuya, lau bàn thờ Phật, tụng kinh chiều, tụng kinh khuya, tưới hoa, lau bàn ghế trong giảng đường và quét lá đa trong sân chùa. Nhưng không phải ngày nào tôi cũng làm những việc đó, nếu quét lá thì tôi được miễn làm những việc kia, và cứ thế tôi và các chú điệu thay phiên nhau làm việc.

Các kinh điển đại thừa và các kinh nhật tụng đều viết theo chữ Nho. Ngày đó chưa có Trường Bộ Kinh, Tăng Chi v.v.. Các kinh Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm đều viết và xướng âm theo chữ Nho nên thường bắt đầu với “Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc”chứ không phải “Như vầy tôi nghe một thời Đức Phật tại nước Xá Vệ” như bây giờ. Các thầy khi viết sớ điệp đều dùng chữ Nho. Phong trào học chữ Nho khá phổ biến. Các chú điệu suốt ngày vẫn còn cong lưng nắn nót từng nét bút chữ Nho vì đó là phương tiện cần thiết để học nội điển.

Thầy tôi rất giỏi chữ Nho một phần vì bản thân thầy gốc Trung Hoa. Thầy có một người bạn thân là một vị Đại Đức Tuyên Uý Phật Giáo của quân đội Nam Hàn thuộc sư đoàn Thanh Long hay Mãnh Hổ gì đó đóng ở Quảng Nam. Đại đức thường ghé thăm Viên Giác. Khi đến chùa Đại đức luôn đắp y màu nâu đậm chứ không mặc quân phục. Hai vị rất tương đắc và thường trò chuyện rất lâu. Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên vì chỉ nghe trong phòng khác thỉnh thoảng vang lên tiếng cười nhưng tuyệt đối không nghe tiếng nói, sau đó mới biết hai thầy dùng bút đàm bằng chữ Nho để chuyện trò với nhau. Thầy Tuyên Uý quân đội Nam Hàn ở lại lâu một phần vì bút đàm thật tốn kém thời gian.

Công việc nặng trong chùa là gánh nước tưới rau, xay đậu nành và gánh đậu hủ xuống chợ bán. Các anh Sáu, anh Hùng, chú Đức, chú Ngô v.v. là những người làm việc nặng trong chùa. Chú Đức, chú Ngô tuy xuất gia đã lâu nhưng vì không đi học như chúng tôi nên chỉ quanh quẩn với công việc trong chùa. Sáng nào các chú, các anh lớn cũng dậy sớm, gánh mấy chục gánh nước từ chiếc giếng sau chùa đem tưới các luống rau lang, đậu tây, đậu đũa trong hai khoảng đất trước chùa và bên ngoài cổng tam quan. Các anh cũng phải múc nước từ giếng đổ vào hồ lớn để dùng trong ngày.

Rằm và Mùng Một mỗi tháng chùa có làm đậu hủ. Các cô bác ở xã Cẩm Nam sang giúp chùa. Chú Đức và chú Ngô có nhiệm vụ gánh đậu hủ xuống chợ Hội An bán. Chú Đức tánh trí hơi bất thường nên hay bị chúng tôi chọc ghẹo. Một lần, không biết người nào trong các đạo hữu nảy ra sáng kiến bắt đám học trò chúng tôi cũng phụ với các chú gánh đậu xuống chợ. Tôi từ chối và nói với các bác rằng thà đi ra khỏi chùa chứ nhất định không làm công việc đó. Tôi không làm bất cứ việc gì ngoài khuôn viên chùa.

Chùa Viên Giác trong thời gian này khá đông các thầy, các chú và học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến tu học. Tổng cộng khoảng 30 người. Lớn tuổi nhất là thầy Giải Nguyên hay còn được gọi là bác Tâm. Năm đó thầy Giải Nguyên đã ngoài 60 tuổi. Thầy Giải Nguyên là người cùng làng với tôi nên thầy biết khá rõ hoàn cảnh gia đình tôi. Thầy Giải Nguyên lớn tuổi và quen biết với thầy trụ trì rất lâu nhưng chỉ xuất gia khi tuổi đã về già. Đúng ra, thầy đến Viên Giác chỉ để tìm nơi thanh tịnh an dưỡng tuổi về chiều hơn là chuyên tâm vào tu học nội hay ngoại điển.

Những ngày ở Viên Giác, mỗi khi tôi tụng kinh khuya xong thầy Giải Nguyên thường gọi tôi ngoài hiên chùa và khuyên tôi nên xuất gia. Thầy nói thật lòng chứ không phải cố thuyết phục tôi. Có thể vì thầy tiếc mình đi tu quá trễ. Tôi từ chối. Mặc dù tôi không có một lý do gì chính đáng; nhưng tôi có cảm tưởng đời tôi là ở phía bên kia cổng tam quan chứ không phải bên này. Với tôi, những ngày ở Viên Giác chỉ là thời kỳ tạm trú.

Trong các chú, chú Thứ là người gần gũi với tôi nhất vì cùng học một lớp ở trung học Trần Quý Cáp. Hai chú trong chùa đã thọ Sa Di là chú Đồng (Đại Đức Thích Chơn Đắc) và chú Điển (Hòa Thượng Thích Như Điển).

Chú Thứ, tên Phạm Ngọc Thứ, pháp danh Hành Ngộ, người Quế Sơn, xuất gia khi còn rất nhỏ. Ba của chú đi lính và thỉnh thoảng có ghé thăm chú. Chú còn nhỏ, chưa thọ Sa Di nhưng có vẻ già giặn nhất trong chùa. Mười sáu tuổi chú Thứ đã biết lái chiếc xe Jeep của thầy trụ trì và một trong hai chú được thầy thương nhất. Những chuyến đi Đà Nẵng hay lên các quận, thầy trụ trì đều dắt chú Thứ theo, vừa làm thị giả vừa lo công việc giấy tờ cho thầy. Chú Thứ học rất giỏi, tháng nào chú cũng xếp vị thứ trong lớp cao hơn tôi. Vì được thầy thương và học giỏi nên chú Thứ cũng được đối xử với nhiều ưu đãi trong chùa. Chú chỉ quét lá đa và tụng kinh chứ không phải làm công việc nặng như các anh hay các chú ít học khác.

Sau khi đậu tú tài phần hai xong, chúng tôi mỗi người vào Sài Gòn theo cách riêng nhưng khi vào đến Sài Gòn, chúng tôi gặp lại nhau ở đại học Vạn Hạnh. Chú Thứ học phân khoa Phật Học, tôi học bên Khoa Học Xã Hội. Vừa vào trường, chú Thứ đã nộp đơn xin thành lập Hội Sinh Viên Quảng Đà ở Vạn Hạnh. Tôi phụ chú một tay rất tích cực. Trong lúc các tổ chức sinh viên khác, kể cả Tổng Hội Sinh Viên cũng chỉ có tiếng chứ không có người, đại hội đầu tiên của sinh viên Quảng Đà có tới gần 300 sinh viên tham dự. Sinh viên Lê Đình Các, con trai bác Lê Đình Duyên, được bầu làm chủ tịch đầu tiên của hội, tôi phụ trách phần kế hoạch và là phát ngôn viên chính thức của hội.

Ngày ra mắt ban chấp hành có cả Hòa Thượng Viện Trưởng, bác Lê Đình Duyên, nhiều giáo sư, nhân sĩ đến tham dự. Trong đạo từ Hòa Thượng Viện Trưởng có nói:“Ngoài việc thay mặt cho Đại Học Vạn Hạnh, tôi còn đến đây như một người dân Quảng Nam”.Thầy Viện Trưởng kể lại chữ Nam trong thế danh Đinh Văn Nam của thầy là Quảng Nam, cha mẹ thầy đặt để kỷ niệm nơi thầy sinh ra. Đây là lần đầu tiên tôi biết Ông Ngoại, cách gọi thân kính mà chúng tôi thường dùng để gọi Hòa Thượng Viện Trưởng, cũng là đồng hương của chúng tôi. Mặc dù là một hội mang màu sắc địa phương nhưng khi chúng tôi vừa lập đã tạo nên tiếng vang lớn và chúng tôi cũng nghĩ nhiều đến sinh hoạt rất lớn. Chúng tôi sang các trường khác để vận động sinh viên Quảng Nam-Đà Nẵng thành lập các hội tương tự, tổ chức gây quỹ xã hội, học bổng, đám giỗ các bậc anh hùng trung liệt như Hoàng Diệu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp.

Tôi thành lập nhóm nghiên cứu chính trị và mời thầy Trần Văn Tuyên, dạy môn chính trị học quốc nội làm cố vấn. Nhóm viên phần lớn là sinh viên gốc Quảng Đà. Mỗi nhóm viên phải nghiên cứu một đề tài mình quan tâm và trình bày trước cả nhóm trong phiên họp kín hàng tuần. Hội viên Quảng Đà tích cực lên đến hàng trăm và hầu hết đều muốn “làm cái gì đó” cho đất nước. Và ngay từ khi ra đời, hội sinh viên Quảng Đà đã trở thành mối lo cho các hội sinh viên mang màu sắc chính trị ở Vạn Hạnh. Sau 1975, hoàn cảnh đã đưa chú Thứ ra khỏi nếp sống của một tu sĩ trẻ đầy nhiệt tình với quê hương và đạo pháp. Chú Thứ ra đời và lập gia đình. Khi chú đi tu nghiệp ở Anh, chúng tôi có gọi điện thoại thăm nhau nhưng hơn 30 năm rồi chúng tôi chưa có dịp nào gặp lại.

Chú Đồng tức thầy Thích Chơn Đắc, là sư đệ của thầy trụ trì. Chú hiền hậu, tán tụng rất hay. Những ngày còn nhỏ chú phải phụ lo công việc đồng áng với thầy trụ trì nên không có cơ hội học tập nhiều ở trường nên khi lớn lên chỉ tập trung vào tụng niệm và giúp thầy trụ trì phụ trách phần nghi lễ, thay mặt chùa đi hộ niệm trong các tang lễ cho bà con đạo hữu qua đời.

Một vị khác là Hòa Thượng Thích Như Điển mà tôi vẫn quen gọi là chú Điển, là một người đặc biệt. Mặc dù chỉ sống chung với chú một thời gian ngắn nhưng qua cách tu học của chú, ngày đó tôi đã nghĩ chú Điển sẽ trở thành một bậc tăng tài và sẽ đóng góp được nhiều cho dân tộc và đạo pháp.

Chú Điển học tập ngoại điển ở Trung Học Trần Quý Cáp và năm nào chú cũng được trao phần thưởng. Mặc dù ở chung nhau một phòng nhưng góc phòng của chú Điển là một thế giới riêng, ngăn nắp và cẩn trọng. Từ chiếc bàn chải đánh răng, chiếc mùng ngăn muỗi, chiếc thau rửa mặt, chiếc khăn lau, cục xà phòng đều được chú đặt vào một vị trí thích hợp. Năm tôi vào là thời gian chú học Thủ Lăng Nghiêm để chuẩn bị đi thọ giới Sa Di. Đêm nào chú cũng học rất khuya. Chú là chúng trưởng của chúng tôi nên trên bàn chú có chiếc đồng hồ báo thức. Khi đồng hồ reo thì cả chùa thức dậy, phần ai lo việc nấy, người đi nấu ăn, quét lá, gánh nước tưới rau, làm đậu hủ, làm tương chao v.v..

Chú Điển rất ít nói nếu không muốn nói là hơi khó tánh. Chú ít khi đi ra ngoài, ngoại trừ thỉnh thoảng các bạn học cùng lớp từ Hội An ghé chùa thăm chú. Chú rất thương chúng tôi nhưng cũng rất hay la rầy. Mỗi khi bọn tôi được gọi vào gặp chú Điển là biết có chuyện chẳng lành sắp xảy ra, nếu không đánh chuông thiếu vài tiếng thì cũng tụng kinh trễ. Đánh chuông tuy không nặng nề nhưng là công việc quan trọng nhất, không những đó là nghi thức thường nhật của chùa mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân chúng quanh chùa. Các bà bán hàng chợ thường dựa theo tiếng chuông chùa để thức dậy chuẩn bị mặt hàng ra chợ. Tương tự, bà chủ quán Cao Lầu bên kia đường Phạm Phú Quốc cũng thức dậy bắt lò nhúm lửa theo tiếng chuông khuya của chùa Viên Giác. Chẳng may cho các bà, đêm nào tôi phụ trách đánh chuông thì ngày đó hàng quán của các bà sẽ mở trễ hay ra chợ trễ.

Ở tuổi 13 mà phải thức dậy 4 giờ sáng để đánh hàng trăm lẻ tám tiếng đại hồng chung không phải là việc dễ dàng. Nhiều khi tôi dựa vào giá chuông mà ngủ gục. Chú Điển không đánh chuông nhưng rất tỉnh ngủ, nếu sau một tiếng chuông ngân dài vừa tắt đi mà không nghe tiếng khác, chú thức dậy dạy cho bọn chúng tôi một bài học về chuyên tu. Thông thường, tôi không thức dậy theo tiếng reo của đồng hồ báo thức được; nhưng phải đợi đến khi giọng Quảng Nam của chú Điển cất lên lần thứ hai, thứ ba mới thức dậy.

Chùa không có hình phạt nào dành cho tính lười nhát nhưng chỉ phải cúi đầu nghe các chú khiển trách tuy rất nhẹ nhàng nhưng cũng đủ làm tim gan chúng tôi nhức nhối lắm rồi. Trong các phiên họp đại chúng, chú Điển thường là người phát biểu thay mặt cho cả chùa. Chú Điển không hẳn là thông minh xuất chúng nhưng sự chuyên tâm của chú hiếm ai bì kịp. Đêm nào chú cũng thức học bài và học kinh rất khuya nhưng thức dậy cũng sớm hơn mọi người.

Thầy trụ trì không nói ra nhưng trong lòng của ngài từ ngày đó đã đặt nhiều hy vọng kế thừa sư môn Viên Giác nơi chú Điển. Chú không làm các công việc nặng như các chú khác nhưng dành hầu hết thời gian cho việc học tập ở Trần Quý Cáp và học kinh điển. Tôi sống với chú một thời gian không lâu. Năm 1969 chú vào Sài Gòn và từ đó bắt đầu con đường hành đạo suốt gần 40 năm qua. Dòng đời trăm vạn lối, chúng tôi chỉ gặp nhau một lần ở Harvard cách đây bảy năm, nhưng mỗi khi nghĩ về chùa Viên Giác tôi lại nghĩ đến chú Điển kính quý của tôi.

Người phụ nữ duy nhất trong chùa sau khi bà Chín chết, là chị Bốn. Giống như bà Chín, chị Bốn coi sóc toàn bộ đời sống kinh tế của chùa. Chị Bốn chỉ lo cơm nước riêng cho thầy trụ trì, chúng tôi phải tự lo liệu riêng phần mình. Chúng tôi chia phiên nhau nấu cơm, rửa chén. Bữa cơm ở chùa Viên Giác vô cùng đạm bạc. Mỗi người chỉ có một tô canh rau nhiều nước và một vài đĩa xào cùng ăn chung. Điều đặc biệt là từ các chú cho đến đám học trò chúng tôi, không ai than van về chuyện ăn uống. Có gì sống nấy. Không ai ra ngoài ăn uống riêng dù có tiền hay có bà con ở gần chùa. Nhiều hôm cả tô canh cũng không có nhưng chúng tôi mấy chục người vẫn ngồi chung một bàn dài, chia nhau vài cộng rau xào với muối rất mặn. Chị Bốn không ghét tôi nhưng cũng không thương mến gì tôi lắm. Tôi không làm gì trái ý chị nên suốt thời gian sống ở chùa Viên Giác chị chưa bao giờ la mắng tôi. Giống như phần lớn những người gần gũi với thầy trụ trì trước 1975, chị Bốn hay nói về chuyện chính trị, chuyện đấu tranh và công khai chống đối chính phủ Sài Gòn.

Phía nhà Tây là phòng nghỉ của thầy, trên lầu là phòng đọc sách. Tủ sách của thầy không nhiều nhưng toàn là sách quý. Thầy trụ trì để kinh sách nhiều nơi. Các sách quan trọng thầy để ngay trong phòng nghỉ của thầy ở dưới lầu. Trên lầu phần lớn là sách kinh tế, chính trị và các tạp chí lớn như Bách Khoa, Đại Học, Tư Tưởng. Những chiều không có phải làm bài ở trường hay những ngày không đi học, lau bàn ghế xong tôi thường ngồi đó đọc sách. Trong gần năm năm ở Viên Giác, tôi đọc hết tất cả sách trên lầu, dù nhiều tác phẩm trong đó hai mươi năm sau tôi mới hiểu.

Giảng đường chùa Viên Giác khá lớn. Những bộ trường kỹ được đóng theo lối cổ và chạm trổ công phu, không một vết bụi vì rất ít được dùng. Công việc tôi làm như là một hình thức để trả cái ơn thứ ba, ơn cơm gạo của chúng sinh, trong Tứ Ân của Phật Giáo, hơn là lao động nặng nề. Chính giữa giảng đường là bàn thờ các Thánh Tử Đạo đã hy sinh vì Đạo Pháp trong mùa pháp nạn 1963. Dọc bức tường dài là di ảnh hàng chục thánh tử đạo Phật Giáo, từ chân dung Bồ Tát Quảng Đức, Hòa Thượng Tiêu Diêu, Đại Đức Thiện Mỹ, nữ sinh Quách Thị Trang cho đến anh Văn Bá Hoành, huynh trưởng Gia Đình Phật Tử quận Duy Xuyên của chúng tôi.

Anh Hoành là người ở ngay trong tỉnh Quảng Nam và là đệ tử của thầy trụ trì nên cái chết của anh được kể lại một cách chi tiết và rõ ràng hơn cả. Một đêm tối trời trước ngày 01 tháng 11 năm 1963, một số người lạ mặt gõ cửa nhà huynh trưởng Văn Bá Hoành, kê súng và bắt anh đi. Tuần sau, gia đình tìm được xác anh trên một cồn cát cách nhà vài cây số. Hai tay anh bị trói bằng dây kẽm gai, mắt anh bị bịt chặt. Theo lời thân nhân, các thầy và các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đi nhận dạng anh, anh không bị bắn chết. Thay vì, từ những vết máu khô còn đọng trong đôi mắt, tai, mũi, họ nghĩ rằng, những người lạ mặt đã ném anh Hoành vào trong một bao bố, trói chặt và chôn sống anh trên bãi cát Tây An.

Anh có tội gì để phải chịu đựng hình phạt thảm khốc đầy đau đớn như vậy? Một nông dân nghèo. Một huynh trưởng chăm sóc cho Gia Đình Phật Tử quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Một người chồng, một người cha chỉ biết vất vả sớm trưa để nuôi bầy con còn nhỏ dại. Chị Hoành sau ngày anh bị giết, buôn tảo bán tần vẫn không lo lắng nổi cho mấy đứa con, đành đem gởi trong chùa. Một trong những người con anh, một thời gian, đã được thầy Viên Giác đem về nuôi nấng như tôi.

Và ở đó, trong giảng đường chùa Viên Giác, mỗi buổi sáng, đúng 6 giờ, tôi thức dậy để lau bàn thờ và bàn ghế trong giảng đường. Mỗi khi lau xong bàn thờ Thánh Tử Đạo, tôi dừng lại một chút, nghiêm cẩn cúi đầu trước giác linh của những vị đã hy sinh để đạo Phật được đối xử một cách bình đẳng như mọi tôn giáo khác trong cộng đồng dân tộc. Những lúc như thế tôi bắt gặp đôi mắt của huynh trưởng Văn Bá Hoành nhìn xuống tôi. Có khi nghiêm trang. Có khi hiền dịu. Có khi đỏ au màu máu. Tôi nghe như có tiếng anh cười. Tiếng còi anh thổi thật nhanh trong những trò chơi lớn. Tiếng anh rên tức tưởi đau thương trong bao vải. Tiếng anh van xin như con nai cố thoát ra chiếc bẫy của người thợ rừng. Tiếng anh gọi vợ, gọi con ai oán trong đêm khuya giữa bãi cát trắng hoang vu. Mỗi buổi sáng lúc 6 giờ. Anh nhìn xuống tôi như muốn dặn dò, trao gởi những điều anh chưa kịp nói. Anh nhìn xuống như để mong tôi sẽ giúp anh tìm câu trả lời mà người giết anh, có thể đã bận lo bịt mắt, siết dây, nên không kịp trả lời. Họ là ai và tại sao họ phải giết anh. Ba mươi lăm năm sau. Tôi đã tìm ra và đã bắt được kẻ đã chôn sống anh Hoành. Tôi cũng đã tìm ra và bắt được kẻ đã bắn viên đại pháo vào căn nhà tranh thân yêu của tôi trong đêm tháng Chạp năm 1968. Tôi đã tìm ra và bắt được kẻ đã đặt trái mìn trên con đường dẫn lên chợ Quận Duy Xuyên ngày trước.

Vâng, nhưng tôi cũng đã thả họ đi.

Tôi thả người du kích đặt mìn và những người đã bắn viên đại pháo đi chỉ vì họ không phải là chính phạm. Chính phạm đã gây ra bao nhiêu thảm họa cho đất nước tôi, không phải từ những bàn tay, những viên đại pháo, những bẫy mìn, mảnh đạn nhưng là những tư tưởng phản dân tộc, nô lệ, vong bản, ngoại lai độc hại, bằng nhiều ngã, nhiều thời điểm, nhiều cơ hội đã cấy vào con người Việt Nam, xâm nhập vào suy nghĩ Việt Nam và qua đó, điều khiển hành động của một số người Việt Nam, nhất thời, có quyền lực trong tay. Những nọc độc văn hóa đó gần một thế kỷ qua đã biến bao nhiêu con người Việt Nam thật thà chơn chất thành những kẻ sát nhân, biến tâm hồn Việt Nam đầy ắp thi ca, với những ngày mới lớn "rất đậm hương và rộn tiếng chim" để có thể một ngày, nhẫn tâm hạ bút "giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ".

Đất nước, vì thế, hơn bao giờ hết đang đối diện với một nhu cầu cách mạng từ căn bản. Không phải cách mạng xã hội chủ nghĩa hay kinh tế thị trường. Không phải cách mạng khoa học kỹ thuật hay kinh tế chính trị mà là cách mạng con người. Phục hưng Việt Nam phải bắt đầu từ việc phục hưng con người Việt Nam.

Tôi cũng đã thả những người siết dây anh Hoành đi, bởi vì, trong lúc sợi dây oan nghiệt phải tháo từ cổ anh Hoành nhưng cũng không nên dùng nó để buộc vào cổ người khác, và càng không nên buộc vào cổ con cháu họ. Tôi không thể nhân danh việc trả thù cho cái chết oan ức của anh Hoành, nhưng thật ra chỉ để trút cơn thù hận của riêng mình lên thế hệ hôm nay.

Đạo Phật là đạo của tình thương, bao dung và tha thứ. Lời thầy dạy ngày xưa: "Tinh thần Phật Giáo giống như tấm lòng của mẹ đất, chịu đựng bao sức nặng và lỗi lầm của nhân loại mà không hề than van, oán trách, vẫn đem đến cho đời niềm vui và sức sống". Ba mươi lăm năm, những bài học đầu tiên đó còn in đậm trong tâm hồn tôi. Anh Hoành đã trọn nghiệp. Dân tộc đã trọn nghiệp. Bóng tối của lạc hậu, rẽ chia, thù ghét nhỏ nhen phải được xua tan bằng ánh sáng của cảm thông và đối thoại trong một tinh thần tương kính trên một đất nước Việt Nam văn minh và khai phóng.

Những con sông Gianh trong lòng người phải cần được lấp lại. Lấp lại bằng cảm thông chứ không phải bằng những bãi xương khô, những cánh đồng nhuộm máu. Người Việt Nam cần được nghe tiếng chuông chùa nhẹ đưa, tương tự như cũng cần được nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thoát. Hãy trao cho các thế hệ tương lai Việt Nam một cơ hội để được sống trong hòa thuận, bao dung, tha thứ. Tại sao phải mang theo một gánh nặng của phân hóa, rẽ chia, hoài nghi, mặc cảm, trong lúc dân tộc Việt Nam đang cần một đôi cánh để bay cao, để vượt qua ao hồ quá khứ, để mong đuổi kịp nhân loại, đã nhiều thế kỷ, tiến xa về phía trước?

Vài tháng một lần tôi được phép về Đà Nẵng thăm cô tôi, người gần gũi nhất còn lại của tôi lúc bấy giờ. Cô tôi bịnh thường xuyên. Cái chết của gia đình người chị họ tôi, con thứ bảy của cô, và rồi cái chết của cha tôi, em trai út của cô, đã làm căn bịnh của cô ngày thêm trầm trọng. Chị Bảy, chồng, và con gái bốn tuổi chết khi chiếc xem lam họ ngồi chạy qua một trái mìn được đặt trên đường lớn chạy từ trạm Nam Phước lên chợ Quận Duy Xuyên. Thân xác họ bị mìn xé tan nát thành hàng trăm mảnh nhỏ. Các anh họ của tôi phải đi dò tìm trong những thửa ruộng hai bên đường để nhặt từng cái đầu, từng cánh tay, từng chút thịt. Tất cả được bỏ chung trong một cái nia lớn, sau đó chôn cất trong nghĩa địa gần nhà.

Cô tôi có vẻ vui hơn trong những lúc tôi về. Biết tôi suốt tháng ăn chay nên dù rất nghèo, cô cũng rán mua sắm thêm chút cá thịt cho bữa ăn. Cô thức khuya hơn, dặn dò tôi hàng trăm việc. Cố gắng nhịn nhục. Cố gắng chịu đựng. Cố gắng học hành. Cô hỏi thăm từng việc lớn nhỏ trong chùa tôi đang tá túc.

- Bà Chín có còn chửi mắng con không?
- Không, bà Chín chết rồi.
- Sao vậy?
- Xe tông chết.
- Có ai đánh con không?
- Không.
- Có ai bắt con làm chuyện gì nặng nề không?
- Không.
- Thầy có biểu con đi tu không?
- Có, nhưng không phải thầy Viên Giác.
- Thế ai biểu con?
- Thầy Giải Nguyên.
- Thầy Giải Nguyên là ai?
- Đệ tử của thầy Viên Giác?
- Con trả lời thầy Giải Nguyên sao?
- Con nói con không muốn đi tu.
- Thầy nói gì thêm?
- Thầy nói đi tu sẽ được các thầy lo lắng ăn học, mai mốt lớn sẽ được đi Huế hay Sài Gòn học thêm. Không đi tu chẳng lẽ ở trong chùa này hoài hay sao. Chùa chỉ dành cho người đi tu thôi, đâu có thể nuôi con hoài như vậy được.
- Thế con trả lời sao?
- Con không biết trả lời sao vì không biết nếu thầy đuổi sẽ đi đâu, nhưng con nhất định không đi tu.
- Thầy hay hỏi thế không hay chỉ hỏi một lần?
- Nhiều lần nhưng tháng nầy thì không hỏi nữa vì con đã bạch với thầy là con nhất định không đi tu.
- Con đừng bỏ đi. Nếu thầy đuổi thì về Đà Nẵng ở với cô.
- Nhưng ở Đà Nẵng với cô thì chỉ đi bán cà-rem hay đánh giày chứ làm gì có trường công để học.
- Ừ thì lúc đó hãy tính.
- Con phải đi học.
- Cô biết, nhưng lúc đó hãy tính, giờ còn đi học được thì phải lo học.
- Dạ.

Hai cô cháu tôi thường ngồi như thế rất lâu trong căn nhà nghèo nàn phía trong Ngã Ba Huế. Một đứa bé bất hạnh ngồi bên người đàn bà bất hạnh trong một đất nước bất hạnh. Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay gầy guộc cầm lấy tay tôi sợ rằng đứa cháu trai của cô sẽ khóc. Tôi không khóc. Cô không khóc. Không có hay vì không ai còn giọt nước mắt nào để nhỏ trong những đêm tôi về thăm cô. Nếu có chăng chỉ là những giọt nước mưa từ buổi chiều còn đọng trên mái tranh nghèo, như những nốt nhạc buồn, gõ từng nhịp đều vào chiếc lu hứng nước ngoài sân.

Ba mươi lăm năm trong một đời người. Từ Mã Châu, xuống Hội An, ra Đà Nẵng, vào Sài Gòn và chiều nay giữa xứ người trong mùa đông Boston giá rét. Con nước nhỏ dưới chân cầu Vĩnh Điện, Câu Lâu ngày xưa đã trôi xa thẳm. Trôi xa hàng vạn dặm. Những người thân yêu nhất trong thời hoa niên khốn khổ của tôi không còn nữa. Cô tôi đã chết. Cô tôi mất khi tôi còn ngồi trong tù vượt biển ở Bạc Liêu nên không kịp về Trung để tang cô. Ra tù tôi lại phải lo vượt biên lần nữa. Ngồi trên thành ghe tôi đau xót nhớ về cô. Ngày xưa tôi thường nói với các anh chị họ, nếu cô chết tôi sẽ không bao giờ về lại Mã Châu.

Thế mà thật. Hai mươi hai năm rồi từ ngày cô tôi chết, hai mươi hai năm tôi vẫn chưa về lại Mã Châu. Tôi nhớ vô cùng bàn tay gầy guộc, chiếc áo cánh màu nâu cô thường mặc, nụ cười héo hon trong mỗi lúc thấy tôi về. Văng vẳng bên tai tôi những lời hỏi han, dặn dò, lo lắng của cô "Có ai đánh con không?", "Có ai chửi mắng con không?"Tôi bao giờ cũng trả lời không để cô vui, dù mỗi ngày trên con đường tôi qua, biết bao người đã chửi mắng tôi, đã bao người xô tôi ngả.

Hôm nay, nếu cô tôi còn sống chắc là cô vui lắm. Thằng cháu mồ côi mười ba tuổi của cô đã sống sót, đã có gia đình, vợ và ba cháu rất ngoan. Giấc mơ thời niên thiếu tuy vẫn còn xa, vẫn chưa thành sự thật; nhưng cháu của cô đã làm được một điều quan trọng mà cô dặn dò: "Hy vọng để mà sống, cố gắng để vươn lên, học để làm người có ích".Nhánh lau non bên bờ sông Thu Bồn ngày xưa, còn đứng được sau cơn bão lửa triền miên dài hơn một phần tư thế kỷ.

Ở Hội An những năm đầu tôi không có nhiều bạn thân. Bạn chân tình của tôi, ngoài hai cây đa già mà tôi đã nhiều lần viết về trong những bài tâm bút, chỉ còn là những vì sao trên nền trời. Những đêm hè, tôi và nhiều chú điệu khác, thường ôm chiếu ra trước hiên chùa nằm ngủ. Sân chùa rộng, lát gạch, những chậu hoa nhiều loại được đặt chung quanh một hồ sen nhỏ. Các điệu nằm xuống là ngủ ngay. Hồn nhiên như những giọt sương sớm trên cành. Tôi chưa hề nghe các chú than van. Không chú điệu nào thắc mắc tại sao chú phải đi tu, tại sao chú không được đi thả diều, đuổi bướm, đá banh như nhiều đứa bé cùng tuổi trong xóm. Dường như với các chú, tu hành không phải chỉ bắt đầu vài tháng, vài năm mới đây thôi nhưng là để nối tiếp một hành trình dở dang từ kiếp trước. Tôi thì khác. Tôi phải sống ở đây chỉ vì không còn một nơi nào khác để dung thân. Tôi đang chiến đấu để tồn tại trước bao nhiêu bất hạnh của thế gian đang đè xuống đôi vai nhỏ bé của tôi.

Những đêm khuya im vắng tôi ngồi dưới hiên chùa ngắm hàng vạn vì sao mọc kín vòm trời. Một cảm giác lạ kỳ, vừa ấm cúng nhưng cũng vừa cô độc, vừa rất thực nhưng cũng vừa hư huyễn thường đến với tôi trong những đêm khuya khoắt như thế. Tôi chọn một vì sao nhỏ, lẻ loi và xa xôi nhất trong dải thiên hà bát ngát để làm bạn với mình, để chia xẻ những buồn vui bắt gặp trong ngày. Tôi tâm sự với sao những chuyện thầm kín nhất. Những chuyện tôi chưa từng nói với ai và, dù tôi muốn, cũng chẳng có ai gần gũi để cùng san sẻ.

Như thầy Giải Nguyên có lần đã cảnh giác, nếu không đi tu, sớm hay muộn, tôi cũng phải ra khỏi nơi nầy. Tôi biết. Tôi biết. Dù thế gian này là giả tạo và mộng tưởng, dù khoảnh khắc tôi đang sống là vô thường hay hữu thể, thì con đường dài sâu hun hút phía bên kia cổng tam quan chùa Viên Giác vẫn là con đường có thực. Con đường đầy gai gốc kia, một ngày không xa, trong cuộc đời này, tôi phải giẵm lên, tôi phải đi qua.

Tôi thường nằm hàng giờ lắng nghe tiếng lá rung xào xạc, hồn đuổi theo những mơ ước riêng tư của lứa tuổi đang bắt đầu mơ mộng. Tôi mơ về một mái nhà ấm cúng. Một gia đình. Một người chị. Một đứa em. Một người bạn. Một chiếc xe đạp. Một thôn xóm thanh bình. Tôi mơ thấy cha tôi về. Vẫn chiếc áo cánh đen như ông thường mặc. Vẫn giọng hát bộ điệu Nam Ai buồn não nuột mỗi đêm trong căn nhà tranh nhỏ. Vẫn với hình ảnh của người thợ dệt vải nghèo nàn ở làng Mã Châu, mỗi ngày dệt dày thêm những sợi buồn phiền vào cuộc đời vốn đã nhiều cay đắng của mình.

Cây đa già chùa Viên Giác Hội An đã ru tuổi thơ tôi trong một điệu kinh buồn đầy đau xót. Bao nhiêu đêm tôi nằm dưới gốc đa già nghe lá đổ xuống sân tôi và miên man nghĩ về một điều mà cha tôi hằng mơ ước về tôi: có một mảnh bằng đại học. Ước mơ của một người thợ dệt nghèo nàn ở xóm dệt Duy Xuyên, tưởng khó hơn tìm kim đáy biển. Đa dạy tôi làm người chân thật, đa dạy tôi chịu đựng, đa dạy tôi vươn lên trong cuộc đời vẫn còn đầy những gian nan trắc trở. Tôi đã vươn lên, không to lớn như vóc dáng tôi từng thêu dệt, tôi phạm nhiều lỗi lầm, tôi sống không xứng đáng như ước mơ tôi đang ở tuổi thiếu thời nhưng cũng không đến nổi phải làm đa buồn trách. Tôi chưa bỏ quên mơ ước của mình, tôi vẫn cố làm một người chân thật, một người yêu thương lấy cuộc đời nầy.

Tôi hay nghĩ đến mẹ, hình dung khuôn mặt hiền từ của mẹ như ánh trăng vàng đang ngủ đỉnh cây đa, nghĩ đến bàn tay dịu dàng của mẹ tựa như những cành sen trong hồ nước trước sân chùa Viên Giác. Mẹ tôi ra đi, để lại tôi và Sơn khi cả hai chúng tôi còn quá nhỏ. Nhưng chỉ vài hôm Sơn cũng đi theo mẹ, bỏ hai cha con tôi lại trên cõi đời này. Tôi thương Sơn đến nỗi hầu hết những bài thơ tôi viết trong thời niên thiếu đều viết cho Sơn và viết thay Sơn. Những ngày tôi không biết gì nhiều về mẹ Quảng Nam ngoài những chuyện do cha tôi kể lại, tôi không biết gì nhiều về Nghi Hạ, tôi không biết gì nhiều về Quế Sơn, tôi không biết gì nhiều về mảnh đất miền núi cao của quê hương Quảng Nam nghèo khổ của tôi, mảnh đất đã từng chôn khúc nhau tôi.

Cha tôi kể rằng ông rất mê hát bội và thuộc làu làu mọi tuồng hát bội. Trong những đêm trăng sáng thế nào ông cũng hát cho mẹ tôi nghe những đoạn Nam Ai mùi mẫn mà các anh kép, cô đào thần tượng của ông như Phó Phẩm, cô Dần, cô Cơ thường diễn trong mấy vở tuồng tàu.

Ông thường nhìn vào khoảng không gian xa xăm trong ký ức, ở đó có hai vợ chồng trẻ và một đứa con mới chào đời. Ở đó có hạnh phúc đang tràn đầy nhưng đau khổ tột cùng cũng đang chờ đón họ. Số mệnh nghiệt ngã đã cướp đi của đời tôi vầng trăng tròn tháng bảy, cướp đi của đời tôi một dòng sữa mẹ hiền hòa mà mọi đứa bé sơ sinh cần phải có.

Cha tôi kể rằng ở đó có con đường. Con đường chạy dài từ ngã ba Hương An lên cầu chợ Đụn, qua Sơn Khánh, Sơn Thượng và cứ thế lên tận dãy Trường Sơn trùng điệp. Con đường đó cha mẹ tôi từ Duy Xuyên chạy giặc và đã gặp nhau. Con đường quê hương đất đỏ và đầy ổ gà đó, sau nầy, đã trở nên chứng tích cho cuộc chiến tương tàn, đẫm máu. Chiến tranh đã tàn phá quê hương tôi, đã chia cắt gia đình tôi và làm tan nát phần đời đẹp nhất của tôi. Cha tôi kể rằng ở đó có những con người mà giọng nói rất cực kỳ khó nghe thường là trò cười cho những người thành phố như "đi Sơn Lểnh, bán nồi đếch" (đi Sơn Lãnh, bán nồi đất). Có lần ở Sài Gòn, nghe một anh hề nhái tiếng Quế Sơn trong một vở kịch tôi cảm thấy như cha mẹ mình bị xúc phạm, chính mình bị xúc phạm. Tôi đứng dậy bỏ ra ngay. Bỏ đi không phải vì giận anh hề mà chỉ cảm thấy đau lòng khi trong trí nhớ mơ hồ của tuổi thơ tôi lại hiện ra những con người Quế Sơn khốn khổ. Tiếng Quế Sơn của tôi như thế đó, người Quế Sơn tôi là thế đó, núi đồi hoang vu cách trở đã tạo cho bà con Quế Sơn một giọng nói khó nghe nhưng tâm hồn họ vẫn mang đầy đủ đặc tính Quảng Nam hiền hòa và cương trực. Quế Sơn trong những năm 1960 vẫn còn trong một sinh hoạt kinh tế thủ công lùi sau kỹ thuật hiện đại nhiều thế kỷ, với những chiếc cối bằng đá, khung cửi dệt bằng tay, những lò nước sôi đun nóng từng con kén. Trong thời kỳ chiến tranh, Quế Sơn là nơi chịu đựng nhiều thiệt thòi và mất mát nhiều hơn hết. Hàng ngàn đồng bào tôi đã trở thành "liệt sĩ" cho một ý thức hệ mà họ, với tâm hồn mộc mạc bẩm sinh, không thể nào tưởng tượng ra nổi.

Tôi theo người anh họ về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở Quế Sơn lần duy nhất vào khoảng 8 tuổi. Nhà bác tôi ở sát đường, sau lưng là thảo nguyên bát ngát. Tôi đứng trên đồi cao nhìn những cánh rừng sim hoa màu tím chạy dài sâu vào chân núi. Nhà cửa rất thưa, thỉnh thoảng mới có một chuyến xe đò chạy ngang. Dù chỉ ở tuổi lên mười nhưng tôi cũng cảm thấy rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của quê hương tôi. Nõi gia ðình tôi ở hồi tôi mới sinh là một làng nhỏ nằm giữa cánh đồng lúa rộng.

Căn nhà tranh nằm dưới hàng cau cao. Cảnh trí đẹp như một bức tranh. Bốn mươi năm qua nhưng nhiều khi tôi vẫn nhắm mắt mơ về ngôi làng nhỏ ở Quế Sơn như mơ về một thế giới thần tiên. Tôi ghé thăm bà Chạ, bà mụ đã giúp đở đẻ khi mẹ sinh ra tôi. Bà nhắc lại tôi là thằng bé ốm yếu, khó nuôi, vừa ra đời là bịnh hoạn liên miên. Con trai của bà, anh Sở, rất mừng khi gặp lại tôi vì anh nghĩ tôi cũng đã đi theo mẹ và Sơn từ lâu rồi. Anh có đến Duy Xuyên thăm tôi một lần. Những năm sau tôi không nghe thêm tin tức gì về anh ngoài việc anh đã thoát ly vào rừng.

Những đêm không ngủ được, tôi ngồi nhớ lại hình ảnh chiếc trực thăng quân đội mang cha tôi đến một bịnh viện dã chiến mà tôi không biết tên, với hy vọng cứu sống cuối cùng. Tôi nhớ đến đôi tay người lính Mỹ ôm tôi lại để khỏi bị cuốn theo sức hút từ chiếc trực thăng đang cất cánh. Chiếc trực thăng bay xa, bay xa, nhỏ dần, nhỏ dần và mất dạng bên kia hàng dương liễu. Tiếng gọi cha của thằng bé mười ba tuổi bị át đi bởi tiếng máy trực thăng. Không ai nghe. Không có tiếng trả lời. Tiếng thét của tôi, như một viên sỏi nhỏ rơi vào biển cả, không tạo nên chút sóng, không để lại một âm vang nào. Và như thế cha tôi đi. Ra đi vĩnh viễn trong cát bụi mịt mờ. Tuổi thơ của tôi, từ hôm đó, như chiếc lá non bị cuốn vào cơn bão lửa mịt mùng của thế kỷ. Mỗi ngày 22 tháng Chạp, tôi tự mình đọc kinh cầu siêu cho cha. Không ai biết, ngay cả chính tôi, đó là ngày giỗ cha tôi.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ tôi thường ngồi niệm Phật, cầu nguyện cho cha mẹ, các anh chị em tôi. Nếp sống tinh thần đó cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ dù không đều đặn như những ngày còn ở trong chùa.

Và ở đó, dưới bóng đa chùa Viên Giác, tôi lớn lên. Lớn lên trong tiếng chuông chùa nhẹ đưa vào đúng 4 giờ sáng mỗi ngày. Lớn trong những lời Phật dạy "Hãy bao dung và tha thứ”đi nhẹ vào tâm hồn ngây thơ trong trắng của tôi. Lớn lên trong tiếng lá đa xào xạc suốt mùa thu viết vào hồn tôi những vần thơ buồn, mãi ba mươi năm sau mới dần dần kết tụ. Và tôi cũng lớn lên dưới ánh sao của những đêm hè nằm nghe tuổi hoa niên thổn thức.

Năm năm sống với lời kinh kệ, với tiếng mõ sớm chuông khuya dưới bóng đa chùa Viên Giác là khoảng thời gian quyết định hướng đi và nhân sinh quan của tôi. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567