Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Hội An ngày ấy

14/04/201408:49(Xem: 8526)
11. Hội An ngày ấy
blank

XI .- Hội An ngày ấy

Hội An ngày ấy rất nhỏ và rất lụp sụp sơ sài chớ không phải như bây giờ. Hơn 40 năm về trước chỉ có một con đường chính dẫn từ Vĩnh Điện chạy xuống từ quốc lộ số một. Đoạn đường nầy dài chừng 10 cây số, nhưng lúc nào cũng lỏm chỏm, vì mưa, lụt và những sự phá hoại lúc bấy giờ. Xe hơi, xe Honda, xe đạp v.v.. phải tìm cách lái lách nhiều lắm mới qua khỏi được đoạn đường nầy và hy vọng bây giờ khá hơn xưa. Chạy dọc theo hai bên đường từ Vĩnh Điện xuống là nền cũ dinh thự của ông Ngô Đình Khôi, anh ông Diệm khi còn làm Tuần Vũ Tỉnh Quảng Nam; kế tiếp là chùa Nghĩa Trũng; nơi có hai Hòa Thượng, anh em ruột đang ở đó. Hòa Thượng nầy đồng sư với Sư Phụ của tôi, nên tôi gọi là Sư Bá, Hòa Thượng Thích Long Chương; Ngài ít đi đâu vì đã lớn tuổi. Chỉ có người em của Ngài hay đi cúng đó đây với Thầy tôi. Vị nầy gọi là Hòa Thượng Long Hải. Tại chùa có chú Xuân, học chữ Hán với tôi cùng một lớp tại chùa Long Tuyền Hội An. Đi qua một cánh đồng hai bên toàn là ruộng thấp đầy nước đến trại lính và lò gạch Thanh Hà. Làng Thanh Hà và làng Thanh Chiêm chính là nơi khai sáng ra chữ Quốc Ngữ của Việt Nam chúng ta, theo những khám phá mới nhất của nhà nước Việt Nam và ngay cả Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam cũng đồng ý như vậy. Vì lẽ các Giám mục Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đi cùng với các thuyền buôn đến cửa biển Hội An từ những năm đầu thế kỷ thứ 17; nghĩa là khoảng 1601~1640, trước khi người Minh Hương


từ Trung Quốc qua lánh nạn nhà Thanh. Thuở ấy Hội An là một thương cảng to lớn, nổi tiếng ở Đàng Trong của Chúa Nguyễn và có nhiều khách thương đến từ Ấn Độ, Ba Tư, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nam Dương, Nhựt Bản v.v... Từ đó, các vị Linh Mục thấy rằng một chữ viết Việt Nam theo lối La Tinh là cần thiết nên mới sáng chế ra chữ quốc ngữ đọc theo âm vận Việt Nam kể từ đó. Nghĩa là cho đến nay chữ quốc ngữ chính thức có mặt tại Hội An đúng 400 năm rồi. Có giả thuyết nói rằng chữ Quốc Ngữ do Giám Mục Alexande Rhode sáng tạo ra; nhưng bây giờ đã bị phủ nhận.

Lò gạch Thanh Hà rất nổi tiếng, thuở ấy chùa Phước Lâm khi trùng tu lại vào năm 1964-1965 được một gia đình Phật Tử có lò gạch cúng dường toàn bộ gạch xây. Cho nên cứ mỗi nửa tháng có trăng, sau khi dùng tối xong, chúng tôi cùng nhau đẩy xe bò đi lên Thanh Hà và chở gạch về lại Phước Lâm. Trước khi đi ngủ, mọi người được đãi một nồi chè đậu đỏ hoặc đậu xanh ăn ngọt lịm cả môi, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm nhỏ nhặt như thế.

Tất cả xe đò đều dừng lại bến xe trước khi vào Phố Cổ. Bến xe Hội An đổ ở đầu phố nên cũng rất tiện cho khách buôn bán cũng như những khách đi xa. Từ đây có thể lấy xe đò đi Đà Nẵng, đi Sài Gòn. Thuở nhỏ khi được ngồi vào lòng xe đò mừng lắm, vì mấy khi có cơ hội đi xe như thế. Nhưng thật lạ tại sao mình ngồi hướng tới, trong khi xe chạy thì thấy mọi người đi đường đều chạy thụt lùi. Có lẽ đây là một ảo giác? Hay vì say sóng? Hoặc giả một lý do nào đó? Lúc nhỏ từ nhà quê đi xuống Tỉnh Quảng Nam lúc ấy đóng Tỉnh tại Hội An thấy thật là lớn và cái gì cũng to lớn, đẹp đẽ, sang trọng. Tôi nhớ có lần trước khi xuất gia, khoảng năm 1958 hay 1960 gì đó, tôi theo cha đi Phố Hội bằng ghe buồm. Đón ghe tại bến đò Hà Mật trên sông Thu Bồn, gần cầu Câu Lâu từ sáng sớm và ghe giong buồm theo cơn gió, hình như chẳng có ai chèo; chỉ có một người cầm lái để điều khiển con thuyền. Trên đó người ta vừa chở hành khách vừa chở hàng hóa đem đi bán tại chợ Hội An. Lòng sông lúc ấy còn sâu, nên thuyền lớn còn chạy được, còn bây giờ hình như đất bồi lấp khá cao nên lòng sông cạn. Mặc dầu đất bồi rất tốt cho mùa màng cây cỏ, nhưng vẻ đẹp của sông Thu bị biến chất gần hết rồi. Như vậy nên người ta nói: “Bãi bể biến thành ruộng dâu“ là nằm ở ý nghĩa nầy. Một người nào đó xa quê những ba bốn chục năm, rồi về lại quê mình; lúc ấy sẽ không còn nhận diện được gì cả, là do nguyên nhân nầy.

Thuở ấy, được cha mình đãi một tô Cao Lầu thơm ngon, mà trước đó từ lúc lọt lòng chưa từng thấy bao giờ, tôi thấy mình như đang ở cảnh giới nào xa lạ. Cho đến bây giờ, với tôi, hình ảnh Phố cổ Hội An nằm trọn trong tô Cao Lầu. Có lẽ đi khắp nơi trên đất nước Việt Nam, chẳng có nơi nào có tô Cao Lầu cả. Người dân xứ Quảng bây giờ đi khắp năm châu bằng nhiều lý do khác nhau; có người đi trước năm 1975, có nhiều người ra đi tỵ nạn cộng sản sau 1975, phần nhiều thành công trên mọi lĩnh vực. Không ai không hãnh diện về Xứ Quảng thân yêu, với bát Cao Lầu, với tô Mì Quảng. Tất cả được phô diễn trên diễn đàn www.xuquang.comphong phú, đa dạng và ý nghĩa. Ai không là dân xứ Quảng xin mời vào đây để làm quen với người Quảng Nam và tô Cao Lầu đặc biệt Hội An.

blankCó một con đường rẽ trước khi vào bến xe Hội An, dẫn đến chùa Long Tuyền, hiện được Hòa Thượng Thích Chơn Phát trụ trì. Ngài là Sư Huynh của Sư Phụ tôi, tôi gọi Sư Bá. Năm 1965-1966, Ngài làm Giám Đốc trường Bồ Đề Hội An và dạy môn “Giáo Lý“, một môn học xem như quan trọng trong trường Bồ Đề.



Hình 23 : Mùa an cư kiết hạ tại chùa Long Tuyền Hội An 1965

Mỗi năm, chùa Long Tuyền có mở “An Cư Kiết Hạ“, tôi được Sư Phụ cho phép lên đó an cư và học chữ Hán với Thầy Chánh Thiện, thân phụ của Hòa Thượng Thích Như Luận. Từ năm 1968, chùa Long Tuyền biến thành Phật Học Viện Long Tuyền. Thế nhưng cũng trong năm ấy, tôi lên đường vào Sài Gòn học tiếp. Vĩnh Hảo, một cây bút Phật Giáo nổi tiếng ở Hải Ngoại có nhiều tác phẩm giá trị trong hiện tại, từng là chú tiểu ở Phật Học Viện nầy. Thầy Tâm Hòa trụ trì chùa Pháp Vân tại Toronto, Canada cũng vậy.

Sư Ông tôi, Hòa Thượng Thích Phổ Thoại có nhiều đệ tử nổi danh, một trong những người đệ tử của Sư Ông hiện đang định cư ở Hoa Kỳ, Sư Thúc tôi, Trưởng Lão Thích Chơn Điền, tức nhà thơ Ngốc Tử rất nổi tiếng. Mỗi lần được nghe Sư Thúc kể về Sư Ông, chúng tôi không sao ngăn được xúc động, cười đến rơi nước mắt. Sư Ông tôi rất nghiêm khắc, không ngày nào không phạt đòn đệ tử, thế nhưng cứ mỗi lần kết thúc câu chuyện như thế, Sư Thúc tôi cũng đi đến kết luận rằng “Có như thế mới còn lại được như ngày hôm nay chứ!“ Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn kính Sư Ông như một thạch trụ tòng lâm. Những câu chuyện của Sư Thúc là những bài pháp thiết thực nhiệm mầu đối với chúng tôi, ngay cả thế hệ đệ tử của tôi nữa. Hạnh Tấn, Hạnh Bảo, Hạnh Giới, đệ tử tôi chỉ cần nghe Sư Thúc tôi kể lại chuyện xưa cũng đủ lạnh người. Ngày xưa cách giáo dục đệ tử là đánh đòn. Còn bây giờ chưa la đã bỏ chùa đi rồi, chớ đâu có cơ hội để cầm roi mà đánh. Quả thật mỗi ngày mỗi đổi khác là thế. Vừa rồi, trong lễ tưởng niệm Cố Hoà Thượng Thích Đổng Minh, tại chùa Viên Giác, Hannover, Hòa Thượng Minh Tâm, nhắc lại kỷ niệm thời Cố Hoà Thượng làm quản lý Điệu ở Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang từng tuyên bố một câu xanh rờn rằng, “tôi xin phát nguyện đánh đòn Điệu để cúng dường Chư Phật“. Quan niệm của chư tôn đức ngày xưa là thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào là thế đấy. Cả đạo tràng tu gieo duyên của chùa Viên Giác hôm ấy gần 200 người, gồm cả Tăng Ni và Phật Tử nghe và thấy Hòa Thượng Minh Tâm vừa kể vừa đưa tay gạt lệ, không ai không xúc động. Hòa Thượng Trí Minh dường như muốn khóc, tôi nghe tiếng thút thít ở dưới đạo tràng. Những bậc tiên hiền đã quảy dép về Tây để lại bao thương tiếc ngậm ngùi không chỉ đối với những ai thương mến, mà cả những vị Thầy từng là Điệu đã bị nhận lãnh những trận đòn roi ác liệt như thế.

Hòa Thượng Chơn Phát người to lớn, cận thị nặng, Hòa Thượng tham học ở chùa Ấn Quang cùng thời với Hòa Thượng Như Huệ và Hòa Thượng Như Vạn. Tốt nghiệp xong, chư tôn đức phát nguyện về lại Hội An hoằng dương Chánh Pháp và chăm lo Phật sự. Nhất là vấn đề giáo dục tăng ni, đào tạo thế hệ kế thừa. Để sách tấn tăng sinh tu học, mỗi khi lên lớp quý Ngài không quên tán dương hạnh tu nhẫn nhục, công đức phụng sự Tam Bảo của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Cố Hòa Thượng Thích Trí Hữu v.v... những bậc Thân Giáo Sư khả kính tại các Phật Học Viện ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Phần. Sư Ông tôi, Hòa Thượng Phổ Thoại, một bậc thạc đức trong thiền môn vào cuối triều Nguyễn. Ngài được Vua quan triều Nguyễn mời ra cung thuyết pháp. Chư tôn đức ở Huế, Quảng Nam, vẫn còn nhớ mãi hình ảnh Đại Lão Hòa Thượng chơn chất, trang nghiêm và bác lãm. Phong cách thanh cao và giải thoát của Ngài hiện rõ trong từng cử chỉ hành động của Ngài, dầu ăn trầu, hút thuốc. Không những Vua quan, Hoàng Hậu, Hoàng Phi, các cung tần mỹ nữ, mà cho đến người dân ai ai cũng cung kính Ngài.

Khác với các ngôi tổ đình ở Quảng Nam, tuổi của chùa Long Tuyền không cao lắm, có thể chừng một trăm năm trở lại. Chùa xây dựng trên Gò Cát, chỉ vỏn vẹn ba đời trụ trì mà bây giờ Chùa được Hòa Thượng Chơn Phát trùng tu thật quy mô to lớn. Đối diện với chánh điện, có tháp Phổ Đồng cao chừng hơn 10 thước gồm ba tầng, trong đó thờ tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Chánh điện xây theo lối cổ, trên nóc có tháp lưu ly như Cực Lạc thế giới. Nơi đây ngày xưa tôn trí Xá Lợi Phật. Chùa xây theo phong cách tiền Phật hậu Tổ. Không biết lý do tại sao từ xưa các chùa ở quê tôi không có nhiều cửa sổ hoặc cửa sổ rất nhỏ cho nên chùa nào cũng rất tối. Vách tường dài và thấp; nên mái hiên sà xuống chỉ trên đầu người một chút mà thôi. Ai có chiều cao khả dĩ một chút vào chùa chắc chắn phải khom lưng xuống mới có thể vào được. Nhà khách và phòng trụ trì ở phía Đông. Liền theo đó là một dãy nhà chúng; đó là liêu phòng của chư Tăng thường trú hoặc chư tăng về an cư. Chùa Long Tuyền có một loại cây, mà vỏ của cây có thể dùng để ăn với trầu cau, có chất đỏ khi nhai chung với vôi. Tôi không còn nhớ cây nầy gọi tên là gì nữa; nhưng quả của nó lớn như quả mận và ăn rất ngon. Học Tăng chúng tôi thuở ấy khi nghỉ trưa hoặc ra chơi giữa các giờ học tha hồ leo trèo và hái trái. Nghe nói bây giờ chùa đã được liệt kê vào trong danh sách danh lam thắng tích của sở Du Lịch; có nhiều khách tham quan đến viếng, trong số đó có rất nhiều người ngoại quốc.

Từ bến xe Hội An xuống phố còn có thêm một con đường ngắn nữa; con đường nầy thuở xưa mang tên người con xứ Quảng: Huỳnh Thúc Kháng; bây giờ không biết còn không?. Hai bên đường toàn là nhà dân và trên đường nầy có chùa Viên Giác như tôi mô tả bên trên. Tại ngã ba nầy chẻ ra như một mũi tên có ba cạnh: Một cạnh chạy qua ngã chùa Cầu và sau chùa Cầu lại chia ra làm hai đường, một đường chạy qua tòa án, chùa Ngũ Ban và kéo dài xuống nhà Dương Hứa Nguyên; nơi người bạn học cùng lớp học ở Bồ Đề của tôi lúc bấy giờ và nay là Bác sĩ Y Khoa ở Việt Nam. Những năm học chung thời đệ tam Trần Quy Cáp, mỗi tối tôi hay ở lại nhà Dương Hứa Nguyên gạo bài chung và sáng sớm đạp xe về chùa Viên Giác đi Công Phu Sáng. Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần. Kế đó là tiệm bà Diệp Đồng An và Diệp Đồng Nguyên là những Phật Tử người Hoa giàu có hay hộ trì chùa Chúc Thánh và chùa Phước Lâm; có lẽ vì mả mồ của ông bà cha mẹ của họ đều chôn cất tại đó. Cuối cùng của con đường nầy dẫn đến ngang hông chợ Hội An.

Một nhánh con đường khác tẻ ra sau chùa Cầu dẫn xuống sát mé sông; nơi các thuyền bè cập bến. Mỗi lần nước lụt, dòng chảy con sông Thu Bồn làm cho con đường thường bị xói mòn một chút. Nhánh mũi tên ở giữa là con đường chạy ngang qua cây Đa lớn để đổ vào chùa Tỉnh Hội. Hai bên đường có nhà của Giáo Sư họa sĩ Nguyễn Văn Thông, người mà đắp những bức tượng phù điêu nổi trên nóc chánh điện chùa Phước Lâm vào năm 1964-1965 ấy. Ông ta cũng là Thầy dạy cũ của tôi về môn vẽ, tiếp đến là nhà bà Nghè Nhạn, thân mẫu của danh hài La Thoại Tân. Nhà ông Tân đối diện với chùa Tỉnh Hội và bây giờ gọi là Pháp Bảo. Đối diện chùa Tỉnh Hội là trường Trung Học Bồ Đề. Sau 1975 nhà nước tịch thu ngôi trường không cho mang tên Bồ Đề nữa, không biết bây giờ cơ sở nầy được trưng dụng làm gì; trong đó công lao của Thầy Như Vạn nhiều lắm. Thuở ấy, năm 1964-1965 trường được xây dựng bằng bê tông cốt sắt; nên hy vọng rằng thời gian chịu đựng có thể kéo dài đến cả trăm năm cũng không chừng. Chạy tiếp theo có đường Cường Để cắt ngang và rạp hát Phi Anh nằm ngay trên con đường nầy. Cuối con đường nầy dẫn đến đối diện với mặt trước của chợ Hội An.

Một mũi tên thứ ba được nối dài chạy về hướng miếu Khổng Tử; nơi có trồng nhiều sen, trông rất đẹp và có lẽ đây là một trong những Miếu Khổng Tử đẹp nhất của miền Trung không chừng. Có lẽ vì Hội An có nhiều người Hoa nên họ muốn lập đền thờ Khổng Tử. Hay thời đệ nhất Cộng Hòa muốn vinh danh những kẻ “cửa Khổng sân Trình“của dân Ngũ Phụng Tề Phi khoa thi Mậu Tuất năm 1898 dưới thời Thành Thái thứ 10. Thời ấy, học trò Xứ Quảng ra Huế thi có 3 ông đậu đầu Tiến Sĩ và 2 ông đậu đầu Phó Bảng. Do vậy mà miếu nầy được dựng lên để nhớ lại người xưa chăng? Tiếp theo là những ao rau muống hai bên đường ngày ấy. Nhưng bây giờ, có lẽ nhà cửa mọc lên đầy rồi. Con đường nầy chạy đến cây Đa gần trại lính lại chia ra thêm một nhánh nhỏ dẫn đến nhà thờ Thiên Chúa Giáo, miễu ông Cọp, chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm và chùa Vạn Đức. Còn con đường chính chạy dọc qua Tòa Tỉnh Trưởng và khu hành chánh cũng như bệnh viện Quảng Nam và trường Trần Quý Cáp. Dọc theo đó có hai hàng phượng vĩ rất lớn. Thông thường, các sân trường ở Việt Nam hay trồng những cây hoa phượng; tôi không biết họ có ý gì khi trồng; nhưng theo tôi, mỗi lần mà ve sầu kêu inh ỏi trên những tàng cây phượng và lúc hoa phượng bắt đầu nở bông, là mùa hè được báo hiệu đã đến. Hoa phượng không đẹp, nhưng có lẽ đó là loại hoa học trò biểu tượng tuổi học trò, nhất là học trò lớp 12. Phải chăng vì học trò thích; mà hoa phượng trở thành biểu tượng của tuổi thơ. Trường Trần Quý Cáp cung cấp rất nhiều nhân tài cho đất nước, ngay cả ở trong cũng như ngoài. Tôi học đệ tam ban A trường nầy niên khóa 1968-1969. Tất cả học sinh cùng lớp bây giờ chỉ còn liên lạc được mỗi một mình Nguyễn Mậu Dũng người gốc Quế Sơn; nay sắp đóng vai ông nội của các cháu rồi. Tuổi học trò nhiều mộng mơ và sau giấc mộng ấy mỗi người tự sống với điều mộng của mình. Có kẻ nên danh, nên phận, cũng có lắm kẻ phải về quê làm ruộng, để giữ lại giềng mối của Tổ Tiên ngày trước.

Con đường nầy chạy dài xuống chùa Bảo Thắng, ra tận đến cửa Đại. Ngày ấy, sau khi xong lớp đệ tứ niên khóa 1967-1968, tôi được Sư Bà Như Hường, Trụ Trì chùa chùa Bảo Thắng, nhờ dạy Pháp văn và Toán dùm cho quý cô mỗi tháng hình như hai lần. Vì lẽ Sư Bà thấy tôi cuối năm ấy lãnh đến ba phần thưởng tại trường Bồ Đề. Dĩ nhiên quý Sư Bà chọn lựa như thế không phải chỉ học giỏi mà còn tư cách nữa. Cái tư cách của một thanh niên Tăng trẻ lúc bấy giờ quan trọng hơn tất cả những điều kiện khác. Chưa vào dạy kèm giờ nào mà tôi đã nhận được nào chè hột sen, nào nước trà, nào bánh in, mắc cỡ vô cùng. Tuy nhiên, trong lòng cũng có một chút niềm vui nho nhỏ. Mỗi tháng quý Sư Bà Như Hường, Sư Bà Diệu Hạnh và Ni Sư Hạnh Chơn còn cho thêm tiền mua sách vở nữa. Thế là tôi tự nhiên trở thành Thầy Giáo dạy kèm cho các Ni Cô chùa Bảo Thắng niên khóa 1968-1969 ấy. Vì vậy, tôi có cơ hội đi con đường nầy nhiều hơn. Thỉnh thoảng bạn bè rủ nhau đạp xe đạp ra tận cửa Đại, hóng mát vào những ngày cuối tuần lúc có trăng lên. Cảnh biển về đêm, gió thổi trăng trong thật thơ mộng. Tuổi trẻ lúc bấy giờ thấy cái gì cũng đẹp; chẳng bằng bây giờ khi nào thấy một cái gì tự nhiên có tâm so đo phân biệt; chẳng biết tại sao? có lẽ vì nỗi khổ của cuộc đời quá nhiều nên người ta phải thận trọng đến như thế sao.

Khu trung tâm thành phố Hội An cổ, lớn chừng bằng phố Laatzen ở Hannover bên Đức; nhưng ngày nay rất nổi tiếng, được thế giới biết đến, một phần do những kiến trúc cổ bằng gỗ ở đây có chiều dày lịch sử hơn 400 năm, dù trải qua các lớp sóng phế hưng; nhưng vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay; dù qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, tuy có hư hao nhưng đều được phục chế lại như cũ. Vào những năm cuối thế kỷ thứ 17, Hội An trở thành thương cảng nổi tiếng của thế giới, được thế giới gọi là nước Quảng Nam của chúa Nguyễn Đàng Trong. Năm 1744, chúa Nguyễn thâu được một dải giang sơn vào tay mình từ Đèo Hải Vân vào Hà Tiên Rạch Gía nhưng chưa xưng Vương, mãi đến khi Gia Long lên ngôi năm 1802, Việt Nam mới trải dài một mối từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Thuở ấy những cuộc chiến khốc liệt giữa chúa Trịnh Vua Lê miền Bắc, rồi Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Long, Hội An đã là một đầu mối để tranh chấp.

Chúa Nguyễn kiểm soát cửa biển Hội An thâu thuế lúc các thương thuyền Âu, Á ra vào buôn bán, Nguyễn Tây Sơn đem quân ra vây quân của chúa Nguyễn; quân của chúa Nguyễn thua phải chạy vào Nam rồi chạy qua Xiêm La cầu viện. Trong khi đó Vua Lê chúa Trịnh cũng muốn chiếm lại vị thế nầy, cho quân vào đánh Nguyễn Tây Sơn. Trong đoàn quân nầy có thân phụ của Thi Hào Nguyễn Du; Cụ Nguyễn Nghiễm. Tâm trạng nhà Nho lúc bấy giờ ở trong một đất nước tam phân như thế vào những năm 1790~1796 quả là một tâm trạng quá đau thương cho những kẻ sinh bất phùng thời. Ngay cả cụ Nguyễn Du sau khi đi sứ từ Trung Hoa về, trên tay có tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh và chính cụ tụng Kinh Kim Cang hơn 300 lần mới thay đổi từ văn chữ Hán sang tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn như vậy; chắc cụ cũng chẳng có vui gì, khi phải làm quan trong ba triều đại như thế. Tâm sự của Cụ chắc đau xé lòng, giống như tâm sự của Bà Huyện Thanh Quan, hay tâm trạng của Bà Hồ Xuân Hương bất cần đời vào thuở ấy.

Hội An có những trường Trung Học như Trần Quý Cáp xây dựng theo lối Pháp-Việt Nam; ngôi trường Diên Hồng xây dựng theo lối cổ người Hoa; ngôi trường Bồ Đề xây theo lối tân thời. Chỉ có khu chính giữa của phố Hội, hoàn toàn đa văn hóa; trong đó người Hoa nắm phần chính đến người Nhật và các dân tộc khác tại Âu Châu. Còn những nơi chung quanh của phố Hội kiến trúc theo lối Pháp hay thuần túy theo lối Việt Nam sau nầy. Chính vì Hội An là nơi được nhiều nước lui tới buôn bán như thế; những lần chiến tranh vào cuối thế kỷ 17 bị tàn phá không ít; nhưng may mắn thay, con cháu của làng thợ mộc Kim Bồng vẫn còn đó, cho nên sự tái tạo lại khu phố cổ nầy không có gì khó.

Nhà cửa nơi đây hẹp, cửa trước thông qua đường trước và cửa sau thông ra đường sau. Nhà ở Hội An cao tối đa là ba tầng và mái ngói lợp theo lối âm dương, loại cổ; nên độ bền được giữ lâu, mặc dầu không có tráng mem như những ngói của Trung Quốc. Thế mà những ngói nầy vẫn chịu đựng với gió sương oan nghiệt của vùng nhiệt đới nầy. Hầu hết các cột nhà, cho đến trính, xuyên, kèo, đòn tay, ruôi, mè, diềm ở nóc v.v... tất cả đều được chạm trổ rất khéo léo, đa dạng. Những gỗ nầy đa phần là gỗ lim màu đen, hay gỗ mít. Những hoa văn nầy sau khi được chạm trổ rồi đem ngâm xuống nước suốt cả năm sau đó mới vớt lên phơi khô và lúc ấy đục mộng lắp ráp; cho nên hầu như những gỗ nầy không bị nứt, không bị mối mọt đục khoét; có nhiều ngôi nhà sau 400 năm vẫn còn giữ lại những hình ảnh của lúc ban đầu.

Thuở ấy những người Hoa đi tỵ nạn nhà Thanh, họ vẫn hoài Minh. Đến Hội An, họ lập ra một làng Minh Hương như thế. Minh đây có nghĩa là nhà Minh (1640 về trước) và Hương đây là hương thơm của nhà Minh. Điều ấy cũng giống như người Việt chúng ta vào năm 1975 khi người cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam và biến Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh; nhưng đa phần những người không thích chế độ cộng sản và vẫn còn liên hệ với chế độ tự do cũ; họ vẫn gọi là Sài Gòn chứ không gọi là thành phố Hồ Chí Minh được. Ngoài ra khi họ đến Hoa Kỳ, tiểu bang California họ cũng lập ra một thành phố Sài Gòn nhỏ nơi đó để tưởng nhớ Sài Gòn, nơi quê hương của họ không còn nữa. Thế nhưng, chữ Hương là hương thơm nầy được Vua Minh Mạng đổi thành chữ Hương là làng vào những năm đầu thế kỷ thứ 19. Nghĩa là ngôi làng của người Minh; không còn mang ý nghĩa là hương thơm của nhà Minh nữa.

Trong đoàn người đi tỵ nạn đến Việt Nam ấy cũng có những nhà Sư đi theo. Hoặc qua lời mời của chúa Nguyễn; hoặc qua thuyền buôn đi đến xứ Đàng Trong. Trong đó có Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán, người đầu tiên được chúa Nguyễn kính trọng. Sau nầy chúa nhờ Ngài về lại Tỉnh Phúc Kiến thỉnh cho đủ Tam Sư Thất Chứng qua Việt Nam, truyền giới tại Đại Giới Đàn ở Huế vào những năm cuối thế kỷ thứ 17. Trong đó có Ngài Nguyên Thiều về lại Qui Nhơn, nơi mà Ngài đã đặt chân đến đầu tiên xây dựng ngôi chùa Thập Tháp trang nghiêm khả kính. Ngài Minh Hoằng Tử Dung ở lại Huế, lập chùa Ấn Tôn, nay là chùa Từ Đàm ở Huế. Còn Ngài Minh Lượng ra xóm Cây Cau ở Hội An khai sơn chùa Vạn Đức. Ngài Minh Hải Pháp Bảo cất am tranh sau miễu ông Cọp tu hành, sau nầy trở thành chùa Chúc Thánh. Đây là một ngôi chùa Tổ của Quảng Nam nói riêng và cho cả Hệ Phái Lâm Tế Chúc Thánh cho cả nước cũng như tại Hải Ngoại nói chung. Quý Ngài Hòa Thượng Khánh Anh, Hòa Thượng Thiện Hoa, Hòa Thượng Quảng Đức, Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Huyền Vi, Hòa Thượng Hành Trụ, Hòa Thượng Như Huệ, Hoà Thượng Bảo Lạc v.v..., đều thuộc về hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh nầy. Mỗi năm môn phái ở trong cũng như ngoài nước đều làm lễ kỵ Tổ vào ngày mùng 7 tháng 11 âm lịch, để nhớ đến ân đức của bậc Tổ Sư đã dày công hoằng hóa Phật pháp cho người Hoa ở Hội An nói riêng vào thuở ấy và cho toàn dân tộc Việt Nam mãi đến tận bây giờ.

Chùa Chúc Thánh xây theo lối xưa. Phía trước có cổng Tam Quan, kế tiếp là một sân rộng ở giữa. Tiếp theo, một bình phong và hồ sen chắn gió trước cửa vào chánh điện, theo thuật phong thủy ngăn chặn lại những tiếng thị phi từ bên ngoài len lỏi vào chùa. Dẫu cho thuận duyên hay nghịch cảnh, mọi thứ gió phải qua một sự gạn lọc như thế. Tiếp đến là một cái sân và hai bên là Đông và Tây Đường. Mặt chính giữa là chánh điện. Phía sau chánh điện có một sân nhỏ và phía sau sân nhỏ là Tổ Đường; nơi thờ Linh Vị của Chư vị Tổ Sư và hai bên Tổ Đường là Tây Liêu và Đông Liêu, nơi để cho Tăng chúng ở. Còn vị Trụ Trì hay Phương Trượng thường hay ở gần nhà khách bên Đông Đường. Phía sau Đông Liêu thường là nhà trù và sau nhà trù là giếng nước. Chùa Chúc Thánh được cấu tạo theo lối cổ xưa như Trung Quốc. Riêng chùa Phước Lâm và Vạn Đức tuy cũng cổ xưa không kém gì chùa Chúc Thánh; nhưng phần Tây Liêu và Đông Liêu không còn nữa. Thay vào đó Tổ Đường được thiết kế ngay phía sau chánh điện. Nghĩa là tiền Phật hậu Tổ, một trong những lối kiến trúc như thời hiện đại bây giờ. Ngài Minh Hải trước khi viên tịch có xuất ra một dòng kệ truyền thừa cho người xuất gia như sau:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng,
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu,
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường,
Đắc Chánh Luật Vi Tuyên,
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông,
Giác Hoa Bồ Đề Thọ,
Sung Mãn Nhơn Thiên Trung.

Bốn câu đầu là bốn câu pháp danh và bốn câu sau là bốn câu để cho pháp tự. Ví dụ Thầy mình là Ấn thì cho đệ tử pháp danh là Chơn. Trong khi đó pháp tự Thầy mình là Tổ thì pháp tự của đệ tử là Đạo. Cứ thế và cứ thế cho đến mãi về sau. Từ cuối thế kỷ thứ 17 cho đến nay, bài kệ trên chỉ mới cho đến quá phân nửa. Còn một phân nửa, chắc gần 300 năm sau mới chấm dứt. Lúc ấy có thể những vị Tổ kế nghiệp sẽ xuất ra một dòng kệ mới.

Một ví dụ khác để dễ hiểu là Thầy tôi có pháp danh chữ đầu là Chơn Ngọc, pháp tự là Đạo Bảo, pháp hiệu là Long Trí. Thầy tôi cho tôi pháp danh là Như Điển, pháp tự là Giải Minh, pháp hiệu Trí Tâm. Tôi cho đệ tử pháp danh là Thiện Tín (đúng ra là Thị), pháp tự là Hạnh Tấn, pháp hiệu là Giác Hoa. Chỉ có pháp danh và pháp tự thì theo dòng kệ; còn pháp hiệu thì do Thầy mình đặt ra hay xin nơi vị Thầy Y Chỉ; hoặc Thầy Đàn Đầu Hòa Thượng khi thọ giới Tỳ Kheo. Từ Hạnh Tấn hay Hạnh Nguyện trở xuống thì cho pháp danh bắt đầu bằng chữ Đồng và pháp tự bằng chữ Thông đứng đầu; còn pháp hiệu thì tùy theo từng trường hợp một để cho.

Tại chùa Chúc Thánh, còn hiện hữu ngôi tháp Tổ Minh Hải và tháp của các vị Tổ Sư khác nối truyền hơn 300 năm qua. Đó là những bằng chứng lịch sử, ghi dấu lại những gì trong quá khứ được xây dựng và truyền thừa. Năm nay 2005, chùa Chúc Thánh trùng tu đại quy mô sau bao nhiêu năm phải chịu đựng với gió mưa cũng như những biến thiên của lịch sử. Nhân dịp lễ kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác tại Hannover Đức quốc vào năm 2003; cơ hội có đầy đủ chư Tôn Hòa Thượng chư Thượng Tọa, Đại Đức trong môn phái và tất cả đều có một cuộc họp tại Tổ Đường chùa Viên Giác bàn thảo việc đóng góp nầy, Thượng Tọa Thích Đồng Mẫn, đương kim Trụ Trì chùa Chúc Thánh cho biết sơ khởi chi phí trùng tu vào khoảng 400.000 US đô la. Tôi đề nghị rằng: Tất cả các chùa thuộc môn phái từ Đà Nẵng vào Sài Gòn đóng góp 100.000 US đô la. Riêng địa phương Sài Gòn cố gắng vận động cho được 100.000 US đô la. Tại hải ngoại đóng góp vận động 100.000 US đô la và 100.000 US đô la còn lại do chùa Viên Giác và các Phật Tử tại Đức cúng dường. Đây cũng chỉ là đề nghị mà thôi, thực tế như thế nào phải chờ khi ra khơi mới biết sông dài biển rộng bao nhiêu.

Riêng tôi và chùa Viên Giác tại Hannover phát nguyện sẽ cúng dường trai tăng một ngàn vị Tăng nhân dịp lễ Khánh Thành, khi chùa Chúc Thánh xây xong; gọi là cúng dường Thiên Tăng Hội, ghi nhớ một công trình của chư Tổ tốn công gầy dựng qua hơn 300 năm về trước và còn tồn tại mãi cho đến ngày nay, nhằm làm gương cho môn phái cũng như hàng đệ tử sau nầy, dù sinh sống ở đâu trong bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa, cũng không được phép quên chốn Tổ ấy.

Bây giờ vào thời điểm năm 2005 chắc rằng Hội An đổi khác nhiều hơn so với gần 40 năm trước khi tôi còn sinh sống tại đó. Có lẽ bây giờ có nhiều ngõ để đi vào Hội An, chớ không phải chỉ có một con đường từ Vĩnh Điện đi xuống. Thành phố chắc cũng được nới rộng ra, xây nhiều nhà cửa và khách sạn cung ứng cho khách du lịch ngoại quốc cũng như khách du lịch trong nước. Tuy nhiên không ai thay đổi lịch sử được cả, vì lịch sử là những gì đã trôi qua, minh chứng cho một thời đại. Tốt xấu, dở, hay v.v..., chỉ là những mặt phải trái của cuộc đời; chỉ có ai là chứng nhân của lịch sử trong thời gian ấy mới thấy được giá trị đích thực của nó. Tuy nhiên, đức Phật có dạy rằng: “Tất cả các pháp đều luôn luôn thay đổi“. Điều ấy có nghĩa là cái đúng của ngày hôm qua cũng có thể là cái sai của ngày hôm nay, và cái sai của ngày hôm nay cũng có thể là cái đúng của ngày mai nữa. Do vậy hãy đừng đứng nơi nầy để phán đoán và quyết định nơi ấy là đúng hay sai. Vì đúng sai, tất cả cũng chỉ là giả tướng của cuộc đời, những gì thuộc về giả tướng không có thật. Khi biết rõ không thật, tức biết rõ cái chân thật nghĩa của vạn pháp vậy.

Niên khóa 1967-1968, tôi học đệ tứ trường Bồ Đề Hội An; năm nầy có những Giáo Sư dạy Toán như Thầy Kế, dạy Lý Hóa như Thầy Tuyến, dạy Vạn Vật như cô Huỳnh Thị Thúy Lan, dạy Pháp Văn như Thầy Võ Văn Mạo, Thầy Phạm Phú Hưu; dạy Công Dân Giáo Dục và Sử Địa như Thầy Huỳnh Việt Quế chẳng hạn. Tình cờ năm 1989 tôi ghé thăm đồng bào tỵ nạn ở Hồng Kông thuộc đảo Chimawan; có gặp Thầy Huỳnh Việt Quế trong trại, Thầy ấy đi cùng người con trai đầu và nghe đâu bây giờ Thầy đang ở Mỹ. Tôi nhắc lại những kỷ niệm học nơi trường Bồ Đề niên khóa 1967-1968, Thầy không nhớ tôi là học trò của Thầy. Thầy chỉ nhớ người học trò giỏi, được cưng nhất lớp lúc bấy giờ là chú Chín, tức Hòa Thượng Thích Như Phẩm hiện ở chùa Long Tuyền ngày nay. Còn tất cả Thầy quên hầu như gần hết. Mới chỉ hơn 30 năm mà dĩ vãng thực sự đã trở về dĩ vãng. Tôi đưa Passport và tên của tôi cho Thầy ấy xem và quả thật là Thầy chẳng nhớ ra. Có lẽ suốt mấy mươi năm sống dưới chế độ cộng sản Thầy bị mất mát quá nhiều chăng? Trong lớp có Huỳnh Nam Quế cùng học chung với tôi, chính là em ruột của Thầy. Nam Quế sau gần 40 năm xa cách có liên lạc với tôi; nhưng nếu gặp lại bạn bè xưa chắc cũng ngỡ ngàng lắm.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]