Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Phần Giải Thích Giáo NghĩaNo Title

02/04/201418:14(Xem: 8748)
6. Phần Giải Thích Giáo NghĩaNo Title
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN
(大乘起信論; S. Mahāyāna Śraddhotpāda Śāstra)
Thích Nhật Từ
(Bài dạy tại lớp Cao Đẳng Phật học TP.HCM, khoá IV-2005)
BÀI 6
PHẦN GIẢI THÍCH GIÁO NGHĨA 
CHÂN NHƯ TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ

I.ĐẠI Ý

Từ góc độ bản thể, bản chất chân như vốn vượt lên trên sự mô tả của ngôn ngữ và biểu đạt. Từ góc độ ngôn ngữ, để thiết lập truyền thông và như một phương tiện giáo dục phá chấp, chân như có thể được trình bày qua hai phương diện phủ định và khẳng định một cách như thật. Mặc dù vay mượn và sử dụng ngôn ngữ biểu đạt nhưng phải hiểu rằng cả hai phương diện trên đều vượt khỏi thế giới phân biệt của ý thức nhị nguyên và đối đãi.

II. NGUYÊN VĂN

Hai phương diện của chân như: Cũng cần nói thêm rằng nếu dựa vào sự phân tích[1] ngôn ngữ thì chân như có thể được trình bày qua hai phương diện. Một là “tính phủ định (không 空) một cách như thật,”[2] theo nghĩa, nó không hạn cuộc[3] trong các thuộc tính bất thật [của các sự vật], trên cơ sở đó, biểu thị thể chân thật (tức thể chân như)[4] một cách trọn vẹn.[5] Hai là “tính khẳng định (bất không 不空) một cách như thật,”[6] theo nghĩa, tự thể của nó chứa đủ các hạt giống công đức siêu thế.[7] 

Như thật không: Cái được gọi là “tính phủ định một cách như thật”[8] từ trong bản chất,[9] không hề bị ô hợp[10] với bất kỳ sự vật ô nhiễm nào.[11] Nghĩa là vượt lên trên các thuộc tính sai biệt của sự vật, vì không còn tâm niệm phân biệt sai lầm.[12] 

Nên biết rằng tự tánh của chân như chẳng phải là cái hiện hữu (phi hữu tướng), chẳng phải là cái không hiện hữu (phi vô tướng), cũng chẳng phải là cái “phủ định hiện hữu” (phi phi hữu tướng), lại càng chẳng phải là cái “phủ định cái không hiện hữu” (phi phi vô tướng) và cũng chẳng phải cái “vừa hiện hữu vừa không hiện hữu” (phi hữu vô câu tướng), chẳng phải là “đồng nhất” (phi nhất tướng), chẳng phải là “dị biệt” (phi dị tướng), chẳng phải cái “phủ định đồng nhất” (phi phi nhất tướng), chẳng phải cái “phủ định dị biệt” (phi phi dị tướng), chẳng phải “vừa đồng nhất vừa dị biệt” (phi nhất dị câu tướng). 

Nói tổng quát,[13] do vọng tâm nên tất cả chúng sinh thường xuyên phân biệt nhưng tất cả phân biệt đó đều không xác hợp[14] với chân như nên nói là “không.” Nếu hết vọng tâm thì thật cũng không có cái “tính không” để nói.[15]

Như thật bất không: Cái được gọi là “tính khẳng định (bất không) một cách như thật,” như đã trình bày, chính là thể của sự vật (pháp thể) vốn là “không,” không hề hư vọng; còn gọi là chân tâm tồn tại vĩnh hằng, đầy đủ các hạt giống thanh tịnh, nên gọi là “tính khẳng định” (bất không = có). Tính khẳng định đó cũng không có tướng trạng gì để nắm bắt, vì đã vượt ngoài thế giới phân biệt. Phải thực chứng mới có thể cảm nhận được điều này.[16]

III. NHẬN XÉT

Tiếp theo phần giải thích về bản chất của chân như vốn vượt lên trên ngôn ngữ, các phương tiện biểu đạt và các mặc định phân biệt, trong bản văn nêu trên, tổ Mã Minh giới thiệu về chân như qua hai phương diện của ngôn ngữ. Nói cách khác, dù bản chất chân như của mọi sự vật có thể được diễn tả một cách tương đối bằng ngôn ngữ nhưng phải hiểu ngôn ngữ mô tả đó không phải là chân như. Như vậy, hành giả có thể nương vào tướng của ngôn ngữ để chỉ bày một cách tương đối bản thể của chân như.

“Như thật không” chính là tự thể không của mọi sự vật hiện tượng. Như thật cũng chính là chân như. Như là trạng thái bình đẳng, không biến đổi. Thật là tính chất không sai lệch. Chân như từ phương diện “như thật không” vốn không ăn nhập gì với tất cả sự vật hiện tượng nhiễm ô, lại cũng không dính líu gì đến hình thái hay tính chất sai biệt của sự vật hiện tượng. Bởi vì trong giai đoạn này, hành giả đã không còn thái độ nhận thức phân biệt nhị nguyên. Các phân biệt nhị biên đối đãi chỉ làm cho thế giới hiện tượng vốn sai biệt lại càng sai biệt hơn, vốn phức tạp lại càng phức tạp hơn, đồng thời tạo ra ranh giới phân biệt đối xử trên nền tảng của bản ngã liên minh, bản ngã quốc gia, bản ngã cộng đồng và bản ngã cá thể. Ranh giới bản ngã này tuy vô hình nhưng lại có sức tàn phá nguy hại đến tiến trình hoà hợp và hoà giải trong tất cả các mối quan hệ và đối tác.

Khởi Tín Luận đã nêu ra hai loại bốn mệnh đề (tứ cú) của triết học nhị nguyên nhằm khẳng định rằng chân như của mọi sự vật vốn không lệ thuộc, không bị hạn cuộc, và không có liên hệ gì đến bốn mệnh đề đó. Bốn mệnh đề thứ nhất được mệnh danh là bốn mệnh đề có không (hữu vô tứ cú), bao gồm: mệnh đề có, mệnh đề không có, mệnh đề vừa có vừa không, mệnh đề chẳng có chẳng không; và bốn mệnh đề một khác (nhất dị tứ cú): đồng nhất, dị biệt, vừa đồng nhất vừa dị biệt, chẳng phải đồng nhất chẳng phải dị biệt. Hai loại bốn mệnh đề trên xoay quanh hai quan điểm chính là thường kiến (có; đồng nhất) và đoạn kiến (không có; dị biệt). Chân như của sự vật hiện tượng vốn không hạn cuộc vào trong bất kỳ mệnh đề nào trong các mệnh đề trên. 

Các triết phái và tôn giáo trên thế giới, xưa cũng như nay, đều đặt trên nền tảng của chủ trương hoặc hiện hữu, hoặc không hiện hữu, hoặc đồng nhất hoặc dị biệt. 

Các học thuyết về thế giới quan và nhân sinh quan cho rằng có tính thực thể hay bản ngã thường hằng, bất biến trong mọi sự vật, đều thuộc về chấp hữu hay chấp thường. Các quan điểm hữu kiến hay thường kiến sẽ kéo theo các chủ nghĩa định mệnh và thần ý luận vĩnh viễn hay ngẫu nhiên vĩnh viễn. 

Các học thuyết về thế giới quan và nhân sinh quan cho rằng không còn hiện hữu tồn tại sau khi sự vật đến giai đoạn hoại diệt, đều thuộc về chấp không hiện hữu hay chấp đoạn. Các quan điểm chấp đoạn sẽ kéo theo các chủ nghĩa duy vật hưởng thụ, thiếu trách nhiệm đạo đức đối với hành vi và chức nghiệp mà mình theo đuổi. 

Các quan điểm đồng nhất và dị biệt cũng tồn tại theo cơ chế chấp trước tương tự. Trong thế giới hiện tượng thiên sai vạn biệt, mọi sự vật hiện tượng luôn luôn thay đổi không dừng, cái thuộc ngày hôm qua đã không đứng yên một chỗ, vận động, biến thiên và cái của ngày hôm nay rồi sẽ trở thành quá khứ. Cứ như vậy tiếp tục trôi chảy bất tận. Ấy thế mà, có học thuyết lại cho rằng thế giới hiện tượng không hề biến chuyển, vẫn giữ nguyên tính chất đồng nhất của nó. 

Tương tự, trong bản thể của chân như, mọi sự vật hiện tượng có thể biến thiên theo cách này hoặc cách khác, nhưng thể của nó không tách rời vĩnh viễn giữa cái quá khứ, cái hiện tại và cái vị lai, có mối quan hệ hỗ tương nhân quả, không tách rời khỏi nhau. Cái không sai biệt đó khẳng định rằng dù trong con người vô ngã không thực có chủ thể tạo tác và cảm nhận nhưng các hành vi tác tạo đó vẫn tiếp tục tồn tại với tác giả duyên khởi từ đời này sang đời khác, đến độ đã góp phần tạo thành nhân cách không khác biệt vĩnh viễn ở con người hay sự vật.

Các nhãn quan có không, nhất dị đều là thiên kiến, như tình trạng của các anh mù, đánh đồng các chi phần của con voi như chân, mình, đuôi, vòi là toàn thể con voi. Tính chất có, không, một, khác chỉ là những biểu hiện tuỳ duyên trong thế giới hiện tượng. Vì là tuỳ duyên trong thế giới hiện tượng nên các biểu hiện đó chỉ có giá trị chân trí trong thế giới sinh diệt, nhưng lại hoàn toàn vô nghĩa trong thế giới chân như. Nói một cách khác, không thể đánh đồng hiện tượng sinh diệt với bản thế chân như bất biến.

“Như thật bất không” là phương diện thứ hai của chân như được biểu đạt trong mối liên hệ với ngôn ngữ và giá trị. Trên nguyên tắc, thể của mọi sự vật hiện tượng là không tính, tức tính không thực thể. Chân tâm thường trú của con người cũng như vậy. Chân tâm thường trú cũng giống như vàng. Nếu vàng không hề bị mất bản chất vàng trong các trang sức phẩm vàng, như xuyến, giây chuyền, cà rá và trang sức phẩm khác, chân tâm bất biến đó cũng không bao giờ bị tăng giảm thật trong thế giới sinh diệt của luân hồi. Trong chân tâm đó vốn có chứa đủ các công đức thuộc về vô lậu và xuất thế gian. Mặc dù trong quá trình sinh tử, con người và các loài hữu tình đã từng sống với tâm thức chứa đầy các hạt giống tiêu cực và tích cực, tốt và xấu, phàm và thánh, nhưng chất liệu tích cực tuyệt đối ấy vẫn sáng ngời. 

Trong quá trình sinh tử nhiều đời kiếp về trước, tâm vọng niệm phân biệt của phàm phu đã làm cho chân tâm thường trú bị phủ trùm, giống như mặt trời bị mây mù che phủ. Một khi tâm vọng niệm phân biệt được chuyển hoá tận gốc rễ, lúc bấy giờ, vô lượng công đức xuất thế sẽ xuất hiện. Con người nhờ đó, sống trong an lạc. 

Thế giới “bất không” của chân như đó là cảnh giới ly niệm. Chỉ khi nào hành giả thực chứng được chân như mới có thể hiểu rõ được bản chất của nó là gì.

IV. CHÚ THÍCH THUẬT NGỮ

tính phủ định một cách như thật: Hán dịch là “như thật không” (如實空 - Lương dịch) hoặc “chân thật không” (真實空 - Đường dịch). Đây là phương thức trình bày bản chất chân như bằng tính phủ định những cái không phải hoặc không bao hàm được nội dung của chân như. Theo công thức này, những gì không thuộc về bản chất và nội dung của chân như sẽ được loại trừ từ từ, cho đến lúc tất cả những cái phi chân như được loại trừ hết thì hành giả sẽ tuệ tri được bản chất của chân như là gì. 

Trọng tâm của công thức mô tả này nằm ở sự loại trừ một cách như thật, chứ không phải loại trừ cảm tính và tuỳ tiện. Ngay cả công cụ ngôn ngữ và phương pháp biểu đạt phủ định nhằm hiển lộ chân như cũng chỉ được quan niệm là một phương tiện thiện xảo, chứ không phải bản thân của chân như. 

Phủ định những cái không phải là chân trong thế giới hiện là cách mô tả tốt nhất để giúp cho hành giả có thể nhận diện được mặt mũi thật của bản chất chân như trong lòng thực tại. 

Chân như đó không thuộc về hiện hữu (hữu), không thuộc về phi hiện hữu (phi hữu), không thuộc sự tổng hợp cả hai (hữu phi hữu câu) và không thuộc sự phủ định cả hai (phi hữu phi phi hữu). Chân như đó cũng không hạn cuộc trong các mô tả đồng nhất, dị biệt, vừa đồng nhất vừa dị biệt, hay chẳng phải không đồng nhất.

tính khẳng định một cách như thật: Hán dịch là “như thật bất không” (如實不空 - Lương dịch) hoặc “chân thật bất không” (真實不空 - Đường dịch). Đây là phương thức trình bày bản chất chân như bằng tính phủ-phủ định để nhằm khẳng định mặt mủi thật của chân như. Đó là tính chất “không thực thể” (không) như là bản thể của mọi sự vật hiện tượng. Chân như trong trường hợp này chính là chân tâm thường trú, tồn tại vĩnh hằng trong thế giới sinh diệt vốn có nhiều biến thiên, tuỳ thuộc vào điều kiện. Chân tâm thường trú này chứa đựng tất cả các hạt giống tích cực, thuần thiện và thanh tịnh. Cũng nên lưu ý rằng mặc dù vận dụng cách biểu đạt phủ phủ định để khẳng định chân như là chân tâm nhưng phải ngầm hiểu tính chất khẳng định bằng phủ phủ định đó không phải là một thuộc tính, không có các tướng trạng gì để bám víu, vì bản chất của nó vốn không bị hạn cuộc trong thế giới sinh diệt của hiện tượng. Trạng thái và cảnh giới này chỉ có những người thực chứng mới cảm nhận được hết.

từ trong bản chất: Hán gọi là “tùng bản dĩ lai” (從本已來). Tức cách thức nhận định và đánh giá sự vật và vấn đề dựa trên phương diện bản thể của sự vật và vấn đề đó, chứ không căn cứ vào các biểu hiện đa dạng và sai biệt của thế giới hiện tượng. Tiếp cận sự vật từ trong bản chất sẽ giúp cho người quan sát hiểu được một cách toàn diện về một sự vật, theo đó, vượt thoát các cái nhìn thiển cận, phiến diện, và nhờ đó, tránh được các sai lầm nghiêm trọng trong ứng dụng sự vật.

không tương ưng (Hán: 不相應): Tình trạng không ăn khớp, không tương thích, không thống nhất giữa hình thức biểu đạt và nội dung được biểu đạt, hoặc tình trạng không thích ứng giữa sự biểu hiện sinh diệt trong thế giới hiện tượng của một sự vật với bản thể của nó trong thế giới chân như. Các biểu đạt không tương ứng đều thuộc về phi chân thật. 

tâm phân biệt (Hán: 分別心). Tâm nhận thức sự vật dưới góc độ của thế giới hiện tượng với sự thiên sai vạn biệt của mọi sự vật hiện tượng. Tâm phân biệt bao gồm các đánh giá, phán đoán, loại suy, quy nạp, tổng hợp trên cơ sở của nhị nguyên và đối đãi. Tâm phân biệt chính là tâm phân tích sự vật một cách chủ quan, nên dễ tách rời bản chất của sự vật. Khởi Tín Luận gọi tâm phân biệt này là tâm phân biệt hư vọng (虛妄分別心) hoặc còn gọi là tâm niệm hư vọng (虛妄心念), ý nói thái độ và nhận thức phân biệt nhị nguyên trong thế giới hiện tượng đều rơi vào sự sai lầm. 

hữu (Hán: 有): 1) Một trong bốn mệnh đề của triết học nhị nguyên và là dữ liệu quan trọng của tâm phân biệt, đối đãi: a) Có hay tính khẳng định, đối lập với chữ vô, tức không có hay tính phủ định. b) Hiện hữu, đối lập với vô hữu tức không có hiện hữu. Hiện hữu theo đạo Phật là một thực thể vô ngã, hay một thực thể không có thực thể cố định, bất biến. 2) Trạng thái tồn tại của con người trong quy trình sinh tử 12 nhân duyên hay nhịp nối quan trong tình trạng một người vừa qua đời và sự tái sinh của người đó trong tương lai. Nơi nào có sự tồn tại sự sống nơi đó tiếp tục có sự tái sinh. 3) Cảnh giới hiện hữu hay tái sinh của các loài có tình thức. Ví dụ tam hữu là ba thế giới. Các học thuyết và quan niệm hữu sẽ có thể dẫn đến thường kiến, đánh đồng tính chất biến thiên của sự vật thành sự bất biến, cố định. 

vô (Hán: 無): 1) Một trong bốn mệnh đề của triết học nhị nguyên và là dữ liệu quan trọng của tâm phân biệt, đối đãi: a) không có hay tính phủ định, đối lập với chữ hữu, tức có hay tính khẳng định. b) không hiện hữu, đối lập với hữu tức có hiện hữu. 2) Sự không hiện hữu: Quan niệm về không hiện hữu theo đạo Phật là một học thuyết sai lầm khi cho rằng thực thể vô ngã của sự vật hiện tượng sẽ mất đi vĩnh viễn khi sự hiện hữu của nó đến kỳ kết thúc. 

hữu vô (Hán: 有無俱相): Một trong bốn mệnh đề quan trọng của triết học nhị nguyên, cho rằng vừa hiện hữu vừa không hiện hữu, hay vừa có vừa không có chính là thực thể của mọi sự vật hiện tượng. Học thuyết này phủ định 2 tình huống: a) đã là A thì không thể là B, b) Nếu không A thì buộc phải là B, và lập lên tình huống bao hàm có và không có trong cùng một sự vật. Theo Phật giáo, nếu quan niệm về hữu dẫn đến thường kiến và quan niệm vô dẫn đến đoạn kiến thì “vừa có vừa không” không phải là con đường trung dung mà là con đường nhị nguyên tổng hợp. Đây là cách khẳng định bằng cách gộp các đối lập vào nhau. 

phi hữu phi vô (Hán: 非有無俱 hay 非有非無): Một trong bốn mệnh đề quan trọng của triết học nhị nguyên, cho rằng chẳng phải hiện hữu và chẳng phải không hiện hữu, chính là thực thể của mọi sự vật hiện tượng. Học thuyết này đối lập với thuyết vừa có vừa không” và phủ định luôn cái có và không có đơn lẽ. Đây là cách phủ định sự vật bằng cách phủ định đôi về tính có và không có của sự vật đó.

đồng nhất và dị biệt (Hán: 一異): Tính chất thống nhất trước sau và sai biệt trong thế giới hiện tượng. Quan niệm đồng nhất cho rằng sự vật không thay đổi hình thức và nội dung trong quá trình biến thiên của thời gian và không gian, nên dễ dẫn đến thường kiến. Quan niệm dị biệt ngược lại cho rằng không có tính tiếp nối trong một sự vật trong các thời điểm khác nhau, nên dễ rơi vào tình trạng chấp nhận đoạn kiến. Nhà Phật cho rằng mọi sự vật hiện tượng có mối quan hệ nhân quả tương thuộc. Do đó, một sự vật trong hai thời điểm của sự biến thiên và phát triển không thể là một, không phải là sai khác. Theo Khởi Tín Luận, chân như của sự vật vốn hạn cuộc trong đồng nhất, dị biệt, vừa đồng nhất vừa dị biệt và chẳng phải đồng nhất chẳng phải dị biệt, và lìa tất cả mọi mặc định áp đặt vào chúng. 

[1] Lương: “phân tích” (分別).

[2] Lương: “như thật không” (如實空); Đường: “chân thật không” (真實空). 

[3] Lương = Đường: “viễn ly” (遠離).

[4] Lương: “hiển thật” (顯實): Đường: “hiển thật nghĩa” (顯實體).

[5] Toàn câu dựa vào bản Đường, hơn là bản Lương: “cứu cánh viễn ly bất thật chi tướng, hiển chân thật thể cố” (究竟遠離不實之相顯實體故).

[6] Lương: “như thật bất không” (如實不空); Đường: “chân thật bất không” (真實不空).

[7] Lương: “dĩ hữu tự thể cụ túc vô lậu tính công đức cố” (以有自體具足無漏性功德故). Đường: “bản tính cụ túc vô biên công đức hữu tự thể cố” (本性具足無邊功德有自體故).

[8] Lương ghi đơn giản là: “sở ngôn không giả” = cái gọi là không (所言空者); Bản Đường ghi rõ hơn: “chân thật không giả” (真實空者).

[9] Lương = Đường: “tùng bản dĩ lai” (從本已來).

[10] Lương: “không tương ưng” (不相應).

[11] Lương = Đường: “tùng bản dĩ lai nhất thiết nhiễm pháp bất tương ưng cố” (從本已來一切染法不相應故).

[12] Lương: “dĩ vô hư vọng tâm niệm cố” (以無虛妄心念故). Đường: “vô hữu hư vọng phân biệt tâm cố” (無有虛妄分別心故).

[13] Lương: “tổng thuyết” (); Đường: “lược thuyết” () đều có nghĩa là “nói bao quát.”

[14] Lương: “bất tương ứng” (不相應). Đường: “chân như là cái không thể tiếp xúc được” (所不能觸, sở bất năng xúc).

[15] Lương: “nhược ly vọng tâm thật vô khả không cố” (若離妄心實無可空故). Bản Đường dịch rõ nghĩa hơn: “dựa vào nguyên lý chân thật, vọng niệm vốn không có cho nên tính không cũng không luôn” (據實道理。妄念非有。空性亦空).

[16] Lương: “duy chứng tương ưng” (唯證相應) có nghĩa đen là “chỉ có tương thích với sự thực chứng” hay nói cách khác, chỉ có trong trạng thái chứng đắc con người thật sự mới cảm nhận được.” Đường dịch: “[đó là trạng thái lìa tâm phân biệt, và chính là cảnh giới chứng nghiệm của trí tuệ” (唯離念智之所證故). 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]